GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ SÁU 5/5/2006

 TUẦN III PHỤC SINH

 

?  Bản Tuyên Ngôn chính thức của Tòa Thánh Về Các Cuộc Tấn Phong Giám Mục ở Trung Hoa

?  “Phúc Âm Giuđa”: Đâu là những vấn đề rắc rối gây ra bởi nội dung của cuốn sách này?

?  Giáo Hoàng Biển Đức XVI huấn dụ hàng giáo sĩ sống thân tình với Chúa Kitô (tiếp)

 

 

?  Bản Tuyên Ngôn chính thức của Tòa Thánh Về Các Cuộc Tấn Phong Giám Mục ở Trung Hoa

 

Theo VIS hôm Thứ Năm 4/5/2006, vi Giám Đốc Văn Phòng Báo Chí của Tòa Thánh Vatican là Tiến Sĩ Joaquin Navarro-Valls đã phổ biến những lời tuyên bố sau đây liên quan tới các cuộc chính quyền xứ sở địa phương tự phong giám mục ở Trung Hoa như sau:

 

“Tôi có thể cho quí vị biết về chủ trương của Tòa Thánh liên quan tới việc tấn phong giám mục cho các vị linh mục Joseph Ma Yinglin và Jeseph Liu Xinhong, mới xẩy ra thứ tự vào Chúa Nhật 30/4 ở Kunning (hạt Yunnan) và Thứ Tư 3/5 ở Wuhu (hạt Anhui).

 

“Đức Thánh Cha đã không hài lòng tí nào khi nghe tin này, vì một hành động tấn phong rất liên quan tới đời sống của Giáo Hội như việc tấn phong giám mục ấy đã được thi hành ở cả hai trường hợp mà không tôn trọng những đòi hỏi của việc hiệp thông với Giáo Hoàng.

 

“Nó là một tổn hại nặng nề gây ra cho mối hiệp nhất của Giáo Hội, như được qui định nơi những trừng phạt trầm trọng theo giáo luật (xem Bộ Giáo Luật khoản 1382: biệt chú của người dịch, nguyên văn của khoản giáo luật này như sau: “Một vị giám mục tấn phong một người làm giám mục và người được tấn phong bởi một giám mục như thế ngoài ý muốn của giáo hoàng thì tự động bị vạ tiền kết chỉ được giải bởi Tòa Thánh mà thôi”)

 

“Theo tin tức nhận được thì các vị giám mục và linh mục đã bị áp lực mạnh mẽ và đe dọa từ phía các thực thể ngoài Giáo Hội, nên họ tham dự vào những cuộc tấn phong giám mục bất hợp pháp vì không có phép của giáo hoàng, và trái cả với lương tâm của họ nữa. Có những vị đã không tuân theo những áp lực ấy, song có những vị khác không thể nào làm gì khác ngoài việc hết sức xót xa tuân theo. Những trạng huống này đã gây ra những rain nứt chẳng những nơi cộng đồng Công Giáo mà còn nơi chính lương tâm con người nữa.  

 

“Bởi thế chúng ta đang đương đầu với một vi phạm trầm trọng về quyền tự do tôn giáo, bất kể người ta tìm cách trình bày hai cuộc tấn phong này là hành động xứng hợp để cung cấp các vị mục tử cho những giáo phận đang bị trống tòa.

 

“Tòa Thánh thận trọng lưu ý tới con đường gập ghềnh của Giáo Hội Công Giáo ở Trung Hoa và thậm chí biết được một số những gì riêng biệt của một con đường đi như thế, tin tưởng và hy vọng rằng những trạng huống tương tự tồi tệ này đến nay là những gì thuộc về quá khứ.

 

“Giáo Hội thấy rằng giờ đây Giáo Hội thực sự có nhiệm vụ phải lên tiếng về sự khổ đau của toàn thể Giáo Hội Công Giáo, nhất là tình trạng khổ đau của cộng đồng Công Giáo ở Trung Hoa, đặc biệt là những khổ đau của những vị giám mục và linh mục đã bị bắt buộc dự phần hay tham gia trái với lương tâm của mình vào việc tấn phong giám mục này, một việc mà cả người được tấn phong hay các vị giám mục tấn phong muốn thi hành mà không lãnh ý của giáo hoàng.

 

“Nếu tin tức chính xác là có các cuộc tấn phong khác cũng xẩy ra cùng một cách thức, thì Tòa Thánh muốn nhấn mạnh đến nhu cầu cần phải tôn trọng quyền tự do của Giáo Hội và quyền biệt lập của các tổ chức trong Giáo Hội không bị bất cứ một thứ chi phối nào từ bên ngoài, và thành thật mong muốn rằng những hành động vi phạm bất khả chấp cùng với những việc xiết chặt bất khả chấp như thế không còn tái diễn nữa.

 

“Tòa Thánh đã nhấn mạnh ở những trường hợp khác nhau về việc sẵn sàng chân tình và xây dựng đối thoại với thẩm quyền hiện hành của Trung Hoa để tìm kiếm một giải pháp làm thỏa đáng như cầu cho cả đôi bên.

 

“Những khởi động như những việc làm được đề cập tới trên đây không thuận lợi cho cuộc đối thoại này mà còn tạo nên những ngãng trở mới cho cuộc đối thoại này nữa”.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo VIS ngày 4/5/2006

 

 

TOP

 

 

 ?  “Phúc Âm Giuđa”: Đâu là những vấn đề rắc rối gây ra bởi nội dung của cuốn sách này?

 

Sự kiện cuốn Phúc Âm Giuđa được tung ra còn liên quan cả đến những vấn đề đang được các ‘thần học gia’ thời đại đặt ra, đó là vấn đề Giáo Hội thành lập sổ bộ Thánh Kinh, nhất là Tân Ước, ở chỗ, tại sao Giáo Hội chọn cuốn này mà không chọn cuốn kia; và vấn đề phần rỗi của tông đồ Giuđa Íchca, nếu Giuđa làm theo lệnh Chúa, và nếu không có Giuđa thì không Chúa Giêsu không thực hiện được công cuộc cứu chuộc của Người.

 

Trước hết, về sổ bộ Thánh Kinh Kitô Giáo. Theo lịch sử của mình, trong những thế kỷ được gọi là thời các Thánh Giáo Phụ (cho tới thế kỷ thứ VIII), Giáo Hội do Chúa Kitô thành lập đã phải trải qua biết bao nhiêu là khó khăn, chẳng những bị bách hại đẫm máu, mà còn bị tấn công bởi đủ mọi thứ lạc thuyết. Bảy Công Đồng Chung đầu tiên trong thời ký Giáo Phụ này, chưa kể Công Đồng Giêrusalem ngay thời Các Tông Đồ được Sách Tông Vụ thuật lại ở đoạn 15, đã là giai đoạn cũng cố đức tin hay xác tín đức tin trước các lạc thuyết liên quan đến Chúa Kitô. Đó là lý do, tuy có nhiều cuốn sách được gọi là ‘Phúc Âm’ nhưng Giáo Hội, được Thần Chân Lý dẫn vào tất cả sự thật (x Jn 16:13) chỉ chọn 4 cuốn duy nhất như được sử dụng tới ngày nay.

 

Những cuốn ‘phúc âm’ không được thẩm quyền Giáo Hội tuyên nhận trong sổ bộ Tân Ước của mình có thể liệt kê là: Phúc Âm theo Người Do Thái, Phúc Âm của Người Ai Cập, Phúc Âm Ebionite, Phúc Âm theo Phêrô, Phúc Âm Nicôđêmô, Phúc Âm Tôma, Phúc Âm Ả Rập Về Thời Thiếu Nhi của Giêsu, Phúc Âm Philiphê, Phúc Âm Mathias, Phúc Âm Theo Barnabê, Phúc Âm Batôlômêô v.v. Ngoài ra, còn có các cuốn Tông Vụ khác ngoài cuốn duy nhất trong sổ bộ Tân Ước hiện nay, chẳng hạn như các cuốn sáu đây: Tông Vụ Phaolô, Tông Vụ Phêrô, Tông Vụ Phêrô và Phaolô, Tông Vụ Gioan, Tông Vụ Anrê, Tông Vụ Tôma, Tông Vụ Thađêô v.v. Chưa hết, còn có các cuốn Khải Huyền khác ngoài cuốn Khải Huyền của Thánh Gioan, chẳng hạn như các cuốn sau đây: Khải Huyền Phêrô, Khải Huyền Phaolô, Khải Huyền Stêphanô, Khải Huyền Tôma, Khải Huyền Gioan (2 cuốn khác với cuốn trong sổ bộ Tân Ước), Khải Huyền Đức Trinh Nữ v.v.

 

Sổ bộ Thánh Kinh chính thức hiện nay được hình thành dứt khoát từ Công Đồng Chung Triđentinô (12/1545-1563), với những sắc lệnh được ban hành bởi Giáo Hoàng Piô IV ngày 26/1/1564, trong đó có sắc lệnh về sổ bộ Thánh Kinh là De Cononicis Scripturis được phê chuẩn ngày 8/4/1546. Trước đó có các công đồng địa phương ở Bắc Phi, như công đồng ở Hippo năm 393, công đồng III Carthage năm 397 và công đồng Cathage lần 2 năm 419, cũng đã công nhận sổ bộ Thánh Kinh. Công Đồng Chung Florence trong Sắc Lệnh Cho Jacobites ngày 4/2/1441 cũng liệt kê sổ bộ Thánh Kinh. Sổ bộ Thánh Kinh Cựu Ước lẫn Tân Ước của 3 công đồng miền và 1 công đồng chung trên đây đều trùng với sổ bộ cuối cùng của Giáo Hội Công Giáo được Công Đồng Chung Triđentinô chính thức chuẩn nhận tới nay.

 

Việc Giáo Hội chuẩn nhận sổ bộ Thánh Kinh này làm cho người ta, điển hình là Zwingli (1484-1531), một lãnh đạo gia cải cách ở Thụy Sĩ, có cảm tưởng là Giáo Hội có quyền trên Mạc Khải hay Mạc Khải bị lệ thuộc vào Giáo Hội. Trái lại, Thánh Âu Quốc Tinh, một đại giáo phụ của Giáo Hội, đã tuyên bố: “Tôi sẽ không tin tưởng cuốn Sách Phúc Aâm không làm cho thẩm quyền của Giáo Hội Công Giáo đưa tôi tới với cuốn sách đó” (Contra epistolam Manichaei, 5.6; PL 42.176).

 

Trong việc chuẩn nhận sổ bộ Thánh Kinh, Giáo Hội chỉ thực hiện một việc duy nhất, đó là nhận thức và tuyên nhận tác động linh ứng của Thiên Chúa qua các tác giả viết lên những cuốn sách bày tỏ một cách nhất quán những gì liên quan đến Ngài, đến dự án cùng công cuộc cứu độ của Ngài nơi lịch sử nhân loại, tức là, nói chung, Giáo Hội nhận thức và công nhận những cuốn sách chứa đựng một cách trung thực không sai lầm các chân lý được Thiên Chúa mạc khải vì phần rỗi nhân loại và được ghi chép lại theo ơn linh ứng của Thánh Thần (Công Đồng Chung Vaticanô II, Hiến Chế Mạc Khải, đoạn 9,11).

 

Như vậy, trong việc tuyên nhận sổ bộ Thánh Kinh là Giáo Hội phục vụ Mạc Khải Thần Linh, Kho Tàng được ủy thác cho Giáo Hội là nơi giữ chìa khóa nước trời (x Mt 16:19) và có quyền tháo buộc (x Mt 18:18), vì Giáo Hội được Chúa Kitô ở cùng cho đến tận thế (x Mt 28:20).

 

Sau nữa, phần rỗi của tông đồ Giuđa Íchca. Nếu loài người chúng ta không ai biết được ngày tận thế ra sao thì cũng chẳng ai biết được số phận đời đời của bất cứ người nào, kể cả tông đồ Giuđa. Chính Đức Gioan Phaolô II, trong cuốn Vượt Qua Ngưỡng Cửa Hy Vọng của mình năm 1994 đã nói về vấn đề này (ấn bản Anh ngữ, trang 186) như sau: “Ngay cả khi Chúa Giêsu nói về Giuđa, kẻ phản bội, ‘thà con người ấy đừng sinh ra thì hơn’ (Mt 26:24), thì những lời của Người cũng không ám chỉ rõ ràng đến việc đời đời trầm luân”. Tuy nhiên, ở đây Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II không bàn luận gì về câu Chúa Giêsu nói rõ hơn nữa về thân phận của tông đồ Giuđa này trong lời nguyện kết Bữa Tiệc Ly: “Con đã cẩn thận gìn giữ họ để không một ai trong họ bị hư đi, không một ai ngoại trừ kẻ bị hư đi để lời Thánh Kinh được nên trọn” (Jn 17:12).

 

Không biết có phải vì liên quan tới cuốn “Phúc Âm Giuđa” này hay không, mà vị Giáo Hoàng đương kim Biển Đức XVI của chúng ta, trong bài giảng cho Lễ Chiều Thứ Năm Tuần Thánh ngày 13/4/2006 tại Đền Thờ Gioan Lareranô, đã nói rất rõ và khá dài (2/5 so với toàn bài) về người tông đồ mang tiếng phản bội Thày ấy, những lời lẽ chưa từng thấy nơi các vị giáo hoàng tiền nhiệm của ngài trước đó.  

 

“‘Người đã yêu thương những kẻ thuộc về mình thì Người đã yêu thương họ tới cùng’ (Jn 13:1). Thiên Chúa yêu thương tạo vật của Ngài là con người. Ngài cũng yêu thương con người khi họ sa ngã và không bỏ rơi mặc thây họ cho rồi đời. Ngài yêu thương họ tới cùng. Bằng tình yêu của mình Ngài đã đi cho tới cùng, cho tới cực độ: Ngài đã hạ giáng không còn vinh hiển thần linh của Ngài nữa. Ngài đã bỏ đi vinh hiển thần linh của Ngài và mặc lấy thân phận tôi đòi. Ngài đã xuống tận chỗ thấp hèn nhất của tình trạng sa đọa của chúng ta. Ngài đã quì xuống trước chúng ta và cống hiến chúng ta một việc làm của người tôi tớ. Ngài rửa chân bẩn thỉu của chúng ta để chúng ta có thể được thông phần với Ngài, để chúng ta được xứng đáng ngồi vào bàn với Ngài, một việc tự mình chúng ta không bao giờ có thể làm và dám làm…

 

“Chúa Kitô nói: ‘Các con thanh sạch nhưng không phải tất cả mọi người trong các con đâu’ (Jn 13:10). Trong câu này Ngài đã tỏ cho chúng ta thấy tặng ân thanh tẩy cao cả Ngài cống hiến cho chúng ta, vì Ngài muốn ngồi vào bàn chung với chúng ta, trở nên lương thực cho chúng ta. ‘Thế nhưng không phải là tất cả đâu’; đây là mầu nhiệm tối tăm của vấn đề khước từ, một mầu nhiệm đã xẩy ra cho Giuđa mà chúng ta cần phải suy nghĩ thực sự trong ngày Thứ Năm Tuần Thánh này, ngày Chúa Giêsu ban mình cho chúng ta. Tình yêu của Chúa Kitô vô giới hạn thế mà con người lại đặt giới hạn cho tình yêu này.

“‘Các con thanh sạch những không phải là tất cả các con đâu’. Cái gì làm cho con người ra ô uế bẩn thỉu? Đó là thái độ khước từ tình yêu, không muốn được yêu thương, không yêu thương. Đó là thái độ cao ngạo cho rằng không cần thanh tẩy, khép mình trước sự thiện hảo cứu độ của Thiên Chúa.

 

“Thái độ cao ngạo không muốn thú nhận và nhìn nhận rằng chúng ta cần được thanh tẩy. Nơi Giuđa, chúng ta thấy bản chất của thái độ khước từ một cách rõ ràng hơn nữa. Hắn nghĩ về Chúa Giêsu theo những gì là quyền lực và thành đạt. Đối với hắn, chỉ có thực tại về quyền lực và thành đạt mà thôi, còn tình yêu chẳng có nghĩa gì cả. Và hắn là một con người thèm muốn: Tiền bạc là những gì còn quan trọng hơn cả mối hiệp thông với Chúa Giêsu, quan trọng hơn cả Thiên Chúa và tình yêu của Ngài. Bởi đó, hắn cũng trở thành một tên dối trá, hắn cả gan ăn thua đủ với sự thật; hắn sống trong gian dối và nhắm mắt lại trước sự thật là Thiên Chúa. Bởi thế hắn bị cứng lòng, không thể ăn năn hối cải, không thể bắt đầu tin tưởng trở về như người con hoang đàng mà bỏ đi cuộc đời băng hoại.

 

“‘Các con thanh sạch nhưng không phải là tất cả đâu’. Chúa Kitô muốn cảnh giác chúng ta ngày nay trước cái tự mãn đến độ đặt giới hạn cho tình yêu vô hạn của Ngài. Ngài mời gọi chúng ta hãy bắt chước sự khiêm tốn của Người, hãy tin tưởng vào sự khiêm tốn này, hãy để mình bị ‘nhiễm lây’ nó. Ngài mời gọi chúng ta hãy trở về nhà, bất kể chúng ta cảm thấy sai lạc đến đâu đi nữa và hãy để cho sự thiện hảo thanh tẩy của Ngài thăng hóa chúng ta và làm cho chúng ta được hiệp thông với Ngài, với chính Thiên Chúa”.

 

Phải chăng những gì vị Giáo Hoàng Biển Đức XVI của chúng ta nói về thái độ của Giuđa trên đây phản ảnh những gì Chúa Giêsu đã tỏ cho nữ tu Josepha biết về số phận đời đời của người tông đồ của câu Phúc Âm Gioan 17:12, những lời được chị viết lại trong cuốn “The Way of Divine Love” (trang 263, 283) như sau:

 

“Sau vụ phản bội trong Vườn Cây Dầu, Giuđa lang thang bất định, một con người trốn lánh, một con mồi bị lương tâm gặm nhắm, oán trách về những phạm thánh xấu xa nhất. Rồi khi Giuđa nghe thấy rằng Cha bị lên án tử, hắn hoàn toàn tuyệt vọng và tự treo cổ…”

 

“Ai có thể lường được Trái Tim Cha đớn đau mãnh liệt và sâu xa là chừng nào, khi thấy linh hồn này được tình yêu dạy dỗ lâu dài như thế…, con người nhận lãnh giáo huấn của Cha, một con người thường được nghe môi miệng Cha nói về lòng thứ tha đối với những tội ác xấu xa nhất, cuối cùng lại gieo mình vào lửa hỏa ngục?

 

“A! Giuđa ơi, tại sao con lại không gieo mình xuống dưới chân Thày, để Thày có thể tha thứ cho con? Nếu con sợ đến gần Thày, vì nhóm người man rợ đang bủa vây chung quanh Thày, thì ít là con hãy nhìn vào Thày… Đôi mắt của Thày sẽ bắt gặp đôi mắt của con, ngay cả cho đến lúc này đây, đôi mắt của Thày vẫn âu yếm chú ý đến con”.

 

Viết xong tại Giáo Phận San Bernadino Thứ Sáu 21/4/2006 trong Tuần Bát Nhật Phục Sinh
 

 

 

TOP

 

 

?   Giáo Hoàng Biển Đức XVI huấn dụ hàng giáo sĩ sống thân tình với Chúa Kitô 

 

Trước hết, ngài khẳng định là “yếu tính của thiên chức linh mục đó là làm bạn hữu với Chúa Giêsu Kitô”.

(tiếp hôm qua)

Bài giảng trong Thánh Lễ Truyền Dầu Sáng Thứ Năm Tuần Thánh 13/4/2006 tại Đền Thờ Thánh Phêrô:

“Chúa Kitô đã đặt tay của Người trên chúng ta. Người đã bày tỏ ý nghĩa của cử chỉ như thế qua những lời Người nói rằng: ‘Thày không còn gọi các con là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết gì về những việc chủ làm. Thày gọi các con là bạn hữu, vì Thày đã nói với các con hết mọi sự Thày đã nghe nơi Cha Thày’ (Jn 15:15). Thày không còn gọi các con là tôi tớ mà là bạn hữu: Nơi những lời ấy người ta thậm chí có thể thấy được việc thiết lập thiên chức linh mục. Chúa Kitô làm cho chúng ta thành bạn hữu của Người, ở chỗ, Người ký thác cho chúng ta tất cả mọi sự; Người phó chính bản thân Người cho chúng ta để chúng ta có thể nói bằng cái tôi của Người: ‘in persona Christi capitis’. Ôi Người tin tưởng chúng ta biết là dường nào! Người thực sự phó mình vào tay của chúng ta.

“Những dấu hiệu thiết yếu của việc truyền chức linh mục là tất cả những biểu lộ sâu xa của lời ấy: dấu hiệu đặt tay; trao sách – trao lời Người ủy thác cho chúng ta; trao chén biểu hiệu cho việc Người truyền đạt cho chúng ta mầu nhiệm sâu xa và thân mật nhất của Người. Trong tất cả những sự ấy còn có quyền năng tha tội nữa: Người cũng làm cho chúng ta tham dự vào việc Người nhận thức thấy tình trạng thảm thương của tội lỗi cùng với tất cả những gì là tối tăm trên thế giới, và trao cho chìa khóa vào tay chúng ta để mở lại cửa Nhà Cha trên trời. Thày không còn gọi các con là tôi tớ nữa mà là bạn hữu. Đó là ý nghĩa sâu xa của việc làm linh mục, đó là trở thành bạn hữu của Chúa Giêsu Kitô. Chúng ta cần phải tái dấn thân cho mới thân hữu hằng ngày này.

Sau na, ngài nói ti vic sng thân tình vi Chúa Kitô bng cách vi Chúa Kitô bng mi giá:

 

Huấn từ ngỏ cùng hàng giáo sĩ Rôma vào ngày Thứ Sáu 13/5/2005 ở Đền Thờ Gioan Latêranô:

 

“Quí linh mục Rôma thân mến, Chúa Kitô Phục Sinh đang kêu gọi chúng ta hãy trở thành chứng nhân của Người và ban cho chúng ta sức mạnh Thần Linh của Người để chúng ta có thể thực sự trở thành như thế. Thế nên cần phải ở với Người (x Mk 3:14; Acts 1:21-23) trong cả cuộc sống. Như trong lời diễn tả đầu tiên về ‘sứ vụ tông đồ – munis apostolicum’ ở Phúc Âm Thánh Marcô đoạn 3, một trình thuật nói về những gì Chúa Kitô nghĩ về ý nghĩa của một vị tông đồ, đó là ở với Người và sẵn sàng thi hành sứ vụ. Hai điều này đi đôi với nhau và chỉ ở với Người chúng ta cũng và luôn cùng Phúc Âm tiến đến với những người khác mà thôi.

 

“Như thế, rất cần phải ở với Người, có thế, nỗi khắc khoải ấy mới thấm nhập chúng ta và mới làm cho chúng ta có thể mang quyền lực và niềm vui của đức tin đến cho những người khác bằng cả cuộc sống của chúng ta chứ không phải chỉ bằng mấy lời nói suông.

 

“Dĩ nhiên, đối với chúng ta, việc gắn bó và hiến thân này mỗi một người trong anh em phải trả giá riêng. Cái giá phải trả này bao gồm nào là giờ giấc, lo toan, tiêu hao sinh lực. Tôi biết các nỗ lực hằng ngày của anh em và xin thay Chúa cám ơn anh em. Thế nhưng, tôi cũng muốn giúp anh em bao nhiêu có thể để anh em không đứt gánh giữa đường.

 

“Thật vậy, để có thể mang vác, thậm chí có thể tăng trưởng, với tư cách là một con người và là một linh mục, trước hết cần phải sống hiệp thông với Chúa Kitô, Đấng được dinh dưỡng bằng ý muốn của Chúa Cha (x Jn 4:34): tất cả những gì chúng ta làm đều được thực hiện trong mối hiệp thông với Người, nhờ đó, chúng ta luôn tái nhận thức được mối hiệp nhất của cuộc sống chúng ta nơi nhiều phương diện trong các mối quan tâm hằng ngày của mình.

 “Chúng ta cũng học được từ Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã tự hiến để làm theo ý muốn của Cha, nghệ thuật khổ chế của linh mục là những gì ngày nay cần thiết: nó không được thực hiện như là một gánh nặng chồng chất thêm vào các hoạt động mục vụ khiến cho ngày sống của chúng ta càng trở nên  khó khăn hơn. Trái lại, chúng ta cần phải biết cách thắng vượt bản thân mình, biết cách ban tặng và biết cách cống hiến đời sống của mình.

 

“Thế nhưng, nếu tất cả những điều này thực sự xẩy ra nơi chúng ta, nhờ đó chính hành động của chúng ta thực sự trở thành việc khổ chế của chúng ta và là việc tự hiến của chúng ta, có thế tất cả những điều ấy không phải chỉ là một điều ước muốn suông, thì chắc chắn chúng ta cần đến những giây phút để lấy lại nghị lực của mình, bao gồm cả nghị lực về thể lý, nhất là để cầu nguyện và suy niệm, trở về với con người nội tâm của chúng ta và tìm Chúa trong chúng ta”.

 

“Như thế, vấn đề bỏ giờ ra sống trước nhan Chúa bằng việc nguyện cầu là một ưu tiên mục vụ thực sự; nó không phải là một thứ thêm thắt vào hoạt động mục vụ: ở trước nhan Chúa là một ưu tiên mục vụ và phải nói là một ưu tiên quan trọng nhất. Đức Gioan Phaolô II đã cho chúng ta thấy điều này một cách cụ thể và rạng ngời nhất qua tất cả mọi hoàn cảnh sống và thi hành thừa tác vụ của ngài.

 

“Quí linh mục thân mến, chúng ta không bao giờ có thể nhấn mạnh cho đủ tính cách sâu xa và quan trọng của việc bản thân chúng ta đáp ứng với ơn gọi nên thánh. Nó không những là một điều kiện để việc tông đồ riêng của chúng ta sinh hoa kết trái mà, nói một cách tổng quan hơn, còn để cho dung nhan của Giáo Hội phản quang ánh sáng của Chúa Kitô nữa (x Ánh Sáng Muôn Dân, 1), nhờ đó lôi kéo dân chúng nhìn nhận và tôn thờ Chúa Kitô.

(còn tiếp)

Đaminh Maria Cao Tấn T ĩnh, BVL, phân tích, tổng hợp và chuyển dịch

 

 

TOP

 

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ