GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ BA 13/6/2006

 TUẦN CHÚA BA NGÔI

 

?  Đại quan về Chuyến Tông Du Mục Vụ thứ ba của Giáo Hoàng Biển Đức XVI đến Tây Ban Nha nhân dịp Ngày Họp Các Gia Đình Thế Giới lần V ở Valencia: 8-9/7/2006

?  Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Thư cho Khóa Họp của Thánh Bộ Chư Án Phong Thánh về 3 vấn đề chính yếu của việc cứu xét các án phong thánh là thánh đức, phép lạ và tử đạo

?  Giáo Hoàng Biển Đức XVI với Các Phần Tử Ủy Ban Thánh Kinh ngày 27/4 ở Sảnh Đường Chư Giáo Hoàng "về mối liên hệ giữa Thánh Kinh và các vấn đề luân lý"

 

 

?  Đại quan về Chuyến Tông Du Mục Vụ thứ ba của Giáo Hoàng Biển Đức XVI đến Tây Ban Nha nhân dịp Ngày Họp Các Gia Đình Thế Giới lần V ở Valencia: 8-9/7/2006

 

Ngài rời phi trường Fiumicino ở Rôma lúc 9 giờ 30 sáng Thứ Bảy 8/7, và sau 2 giờ bày ngài sẽ đến Manises ở Valencia. Sau lễ nghi nghênh đón, ngài viếng vương cung thánh đường Valencia và đền thờ ‘Virgen de los Desamparados’. Sau Kinh Truyền Tin ở ‘Plaza de la Virgen’, ngài ngỏ lời chào những người hiện diện, đoạn ngài đi bộ đến tòa tổng giám mục dùng bữa trưa.

 

Vào lúc 5:15 chiều, ngài đến thăm Vua Juan Carlos và Nữ Hoàng Sofia ở điện ‘Generalitat de Valencia’. Sau đó ngài trở về tòa tổng giám mục để gặp thủ tướng Jose Luis Rodriguez Zapatero.

 

Vào lúc 8 giờ 30 tối, bằng chiếc giáo hoàng xa, ngài đến Thành Phố Nghệ Thuật Và Khoa Học của Valencia. Và vào lúc 9 giờ tối một họp kết thúc biến cố gia đình lần V này. Ngài sẽ ban huấn từ vào lúc ấy. Sau đó ngài về lại tòa tổng giám mục nghỉ đêm.

 

Vào lúc 9 giờ 30 sáng Chúa Nhật, 9/7, ngài chủ tế Thánh Lễ bế mạc cũng ở ngay địa điểm của tối hôm trước, sau đó nguyện Kinh Truyền Tin. Vào lúc 12 giờ 30 trưa, ngài được chở tới phi trường Manises, sau nghi thức tạ từ, ngài trở về Rôma và đến Rôma vào lúc 3 giờ 30 chiều.

 

Về tình hình Giáo Hội tại Tây Ban Nha, theo thống kê từ ngày 31/12/2004 thì nước này có tổng số dân là 41.9 triệu, trong đó có 39.4 (tức 94.1%) là Công Giáo, có 70 giáo phận, 22.599 giáo xứ và 4.428 trung tâm mục vụ đủ loại; có 132 vị giám mục, 26.330 linh mục, 60.079 tu sĩ nam nữ, 3.229 giáo dân thuộc các tu hội đời và 102.973 giáo lý viên, có 2.483 tiểu chủng sinh và 2.259 đại chủng sinh, có 1.578.609 giới trẻ tham dự 5.882 trung tâm giáo dục Công Giáo, từ mẫu giáo tới đại học, sau hết là có các cơ quan thuộc Giáo Hội Công Giáo được các tu sĩ hay linh mục tổ chức và điều hành bao gồm 97 bệnh viện, 113 y viện, 943 nhà cho người già hay tàn tật, 549 viện mồ côi và dưỡng nhi, 108 trung tâm cố vấn gia đình và các trung tâm phò sự sống khác, và 2.405 trung tâm giáo dục và phục hồi xã hội.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo VIS ngày 12 và 13/6/2006  

 

 

TOP

 

 

 ?  Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Thư cho Khóa Họp của Thánh Bộ Chư Án Phong Thánh về 3 vấn đề chính yếu của việc cứu xét các án phong thánh là thánh đức, phép lạ và tử đạo

 

Huynh Đáng Kính,

Hồng Y José Saraiva Martins

Tổng Trưởng Thánh Bộ Chư Án Phong Thánh

 

Nhân dịp đại hội của Thánh Bộ Chư Án Phong Thánh này, tôi xin gửi lời chào thân ái đến huynh Hồng Y, lời chào tôi cũng muốn gửi tới các vị hồng y, tổng giám mục và giám mục đang tham dự vào cuộc họp này. Tôi cũng xin chào vị thư ký, phụ thư ký, các vị cố vấn và các chuyên gia về y khoa, các vị cáo thỉnh viên cùng toàn thể mọi phần tử của phân bộ này.

 

Cùng với lời chào của mình, tôi cũng muốn bày tỏ nỗi cảm nhận và lòng biết ơn của tôi đối với việc phục vụ của thánh bộ này đối với Giáo Hội trong việc cổ võ các án phong thánh, những vị ‘thật sự là thành phần mang ánh sáng soi lịch sử, vì các vị là những con người nam nữ của đức tin, đức cậy và đức mến’, như tôi đã viết trong thông điệp ‘Thiên Chúa là Tình Yêu’ (đoạn 40).

 

Đó là lý do tại sao ngay từ đầu Giáo Hội đã thực hiện việc tưởng niệm và tôn kính các vị một cách thật là trân trọng, chú trọng một cách đặc biệt hơn nữa qua các thế kỷ những phương thức đưa các người tôi tớ Chúa đến chỗ tôn vinh trên bàn thờ.

 

Thật vậy, các án phong thánh là ‘những án chính’, vì cả tính cách cao trọng của chủ thể cần phải cứu xét lẫn tác dụng của các án phong thánh này đối với đời sống của Dân Chúa. Theo chiều hướng đó, các vị Tiền Nhiệm của tôi thường can thiệp vào bằng những đường lối luật lệ đặc biệt để cải cách vấn đề cứu xét và cử hành các án phong thánh cho các vị. Vào năm 1588, Đức Sixtus V đã muốn thiết lập Thánh Bộ Chư Lễ Nghi để thực hiện mục đích ấy. 

 

Thế rồi, làm sao chúng ta có thể quên được việc Đức Urban VIII ban hành luật lệ thích đáng, việc ban hành Bộ Giáo Luật Năm 1917, việc Đức Piô XI ra các qui chuẩn đối với các án phong thánh cũ, việc ‘tự sắc’ ‘Sanctitas Clarior’ được ban hành và việc Đức Phaolô VI ban hành tông hiến ‘Sacra Rituum Congregatio’?

 

Vị Tiền Nhiệm Biển Đức XIV của tôi đã xứng đáng được coi là ‘bậc thày’ của các án phong thánh, đáng được nhắc đến một cách biết ơn. Gần đây hơn, vào năm 1983, Đức Gioan Phaolô II yêu dấu đã ban hành tông hiến ‘Divinus Perfectionis Magister’, trong cùng năm lại phổ biến ‘Những Qui Tắc Cần Những Vị Giám Mục Về Các Án Phong Thánh Phải Tuân Giữ Trong Các Cuộc Thẩm Vấn’.

 

Trên 20 năm kinh nghiệm đã giúp thánh bộ này có thể soạn thảo một cách thích đáng ‘Bản Hướng Dẫn Cho Tiến Trình Thẩm Vấn Cấp Giáo Phận Về Các Án Phong Thánh’.

 

Bản văn kiện này được ngỏ chính yếu với các vị giám mục giáo phận và việc sửa soạn cho bản văn kiện ấy là vấn đề đầu tiên trong nghị sự của cuộc đại hội này của anh chị em. Nó nhắm tới việc làm dễ dàng hóa vấn đề việc nộp đơn của tín hữu liên quan tới trường hợp ‘Normae Servandae’, hầu có thể bảo đảm tính cách nghiêm trọng của những việc điều tra được thi hành ở các cuộc thẩm vấn cấp giáo phận về nhân đức của thành phần tôi tớ Chúa, cũng như trong những trường hợp cho rằng đó là một cuộc tử đạo hoặc cho rằng có phép lạ xẩy ra.

 

Chứng cớ cho các án phong thánh này được thu thập và nghiên cứu hết sức thận trọng và khôn ngoan tìm kiếm sự thật lịch sử qua các chứng từ và chứng kiện ‘omnino plenae’, vì chúng chỉ có mục đích duy nhất là vinh quang của Thiên Chúa và lợi ích thiêng liêng của Giáo Hội cũng như của tất cả những ai đang tìm kiếm chân lý Phúc Âm và sự trọn lành.

 

Các vị mục tử giáo phận, khi quyết định ‘coram Deo’ về những án phong thánh nào đáng được khởi sự, trước hết sẽ thẩm định rằng ứng viên đưa lên bàn thờ để tôn kính có thật sự nổi tiếng mạnh mẽ và rộng rãi về thánh đức và các phép lạ hoặc tử đạo hay chăng. Việc nổi tiếng này, một việc nổi tiếng theo qui định của Bộ Giáo Luật 1917 cần phải ‘spontanea, non arte aut diligentia procurata, orta ab honesties et gravibus personis, continua, in dies aucta et vigens in praesenti apud maiorm partem populi’ (2050.2), là một dấu hiệu của Thiên Chúa là Đấng tỏ cho Giáo Hội thấy được những ai đáng được đặt trên giá đèn hầu ‘soi sáng cho cả nhà’ (x Mt 5:15).

 

Hiển nhiên là không thể nào lại đưa ra một án phong chân phước hay phong thánh mà lại thấy rằng chủ thể chẳng có thánh đức gì, cho dù nhân vật ấy nổi bật về việc sống hợp với Phúc Âm và có công trạng đặc biệt với giáo hội và xã hội.

 

Đề tài thứ hai được hội nghị của anh chị em bàn đến đó là vấn đề ‘phép lạ nơi các án phong thánh’. Vấn đề quá rõ ràng là từ thời cổ xưa, tiến trình tiến đến chỗ phong thánh là tiến trình trải qua chứng cớ về các nhân đức và các phép lạ, được qui cho việc chuyển cầu của ứng viên có án tôn vinh trên bàn thờ.

 

Để bảo đảm cho chúng ta rằng người tôi tớ Chúa ở trên trời đang được hiệp thông với Chúa thì các phép là là những gì chứng tỏ việc Thiên Chúa khẳng định về phán quyết của thẩm quyền giáo hội liên quan tới đời sống nhân đức của các vị. Tôi hy vọng rằng cuộc đại hội đây sẽ có thể khảo sát vấn đề này một cách sâu xa theo chiều hướng Truyền Thống của Giáo Hội, theo chiều hướng thần học hiện đại cũng như theo chiều hướng của những khám phá đáng tin cậy nhất về khoa học.

 

Không được quên rằng trong vấn đề xem xét các biến cố được cho rằng là phép lạ thì thẩm quyền của thành phần học giả và thần học gia phải hợp với nhau, cho dù phán quyết cuối cùng thuộc về thần học, một ngành duy nhất có thể cung cấp cho phép lạ một dẫn giải của đức tin.

 

Đó là lý do tại sao tiến trình án phong thánh tiến từ việc thẩm định theo khoa học của hội đồng y khoa hay của các chuyên viên về kỹ thuật đến cuộc khảo xét về thần học bởi thành phần cố vấn, rồi sau đó bởi các vị hồng y và giám mục. Ngoài ra, cần phải rõ ràng nhớ rằng việc thực hiện liên tục của Giáo Hội cần phải có một phép lạ về thể lý, vì một phép lạ về luân lý cũng không đủ.

 

Vấn đề thứ ba được hội nghị này bàn tới liên quan tới việc tử đạo, một tặng ân của Thần Linh và là một phẩm tính của Giáo Hội ở mọi thời đại (x Lumen Gentium, đoạn 42). Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đáng kính, trong bức tông thư ‘Tertio Millennio Adveniente’ đã nhận định rằng vì Giáo Hội một lần nữa đã trở thành Giáo Hội của các vị tử đạo mà ‘không được làm mất mát đi bao nhiêu có thế chứng từ của các vị’ (đoạn 37).

 

Các vị tử đạo trong quá khứ và các vị thuộc thời đại của chúng ta đều đã cống hiến và đang cống hiến mạng sống (‘effusio sanguinis’) một cách tự nguyện và ý thức bằng một tác động đức ái cao cả, chứng tỏ lòng các vị trung thành với Chúa Kitô, với Phúc Âm và với Giáo Hội. Nếu động lực thúc đẩy các vị tử đạo vẫn không thay đổi, vì Chúa Kitô là nguồn mạch và là mô phạm của các vị, thì những gì đã thay đổi đó là các bối cảnh về văn hóa của cuộc tử đạo cũng như về các biện pháp ‘ex parte persecutoris’ càng ngày càng ít tỏ tường cho thấy những ác cảm của chúng đối với đức tin Kitô Giáo hay đối với một hình thức tác hành liên quan tới các nhân đức Kitô Giáo, song nấp dưới những lý do khác nhau, chẳng hạn như những lý do có tính cách về chính trị hay xã hội.

 

Dĩ nhiên cần phải tìm được chứng cớ bất khả phủ nhận về việc sẵn lòng tử đạo, như việc nạn nhân đổ máu và việc nạn nhân chấp nhận. Ngoài ra cũng cần, một cách trực tiếp hay gián tiếp, nhưng luôn luôn bằng một đường lối vững chắc về luân lý, trong việc bảo đảm vấn đề ‘odium Fidei’ (thù hận đức tin) nơi thành phần bách hại. Nếu thiếu yếu tố này sẽ không có vấn đề thật sự tử đạo theo tín điều vĩnh tại về thần học và pháp lý của Giáo Hội. Quan niệm về ‘tử đạo’ khi được áp dụng cho các thánh hay các vị tử đạo diễm phúc thì cần phải hiểu, theo giáo huấn của Giáo Hoàng Biển Đức XIV, như ‘voluntaria mortis perpessio sive tolerantia propter Fidem Christi, vel alium virtutis actum in Deum relatum’("De Servorum Dei Beatificatione et Beatorum Canonizatione," Prato 1839-1841, Book III, chapter 11, 1). Đó là giáo huấn nhất trí của Giáo Hội.

 

Các vấn đề đang được bàn đến ở hội nghị của anh chị em là những gì lợi ích không thể phủ nhận và là những suy tư, với những gợi ý khả dĩ có thể nẩy lên, sẽ trở thành một đóng góp giá trị cho việc đạt tới những mục tiêu được ấn định bởi Đức Gioan Phaolô II trong tông hiến ‘Divinus Perfectinonis Magister’, một tông hiến ngài viết rằng: ‘sau hết, kinh nghiệm mới nhất cho chúng ta thấy tính cách thích đáng trong việc điều chỉnh cách thức tốt đẹp hơn trong vấn đề cứu xét các án phong thánh cũng như vấn đề tổ chức Thánh Bộ Chư Án Phong Thánh để chúng ta có thể đáp ứng những nhu cầu của các chuyên gia cùng những ước muốn từ Chư Huynh Giám Mục của Chúng Ta, những vị thường yêu cầu thực hiện một tiến trình giản dị hơn trong khi vẫn giữ được tính cách lành mạnh của việc điều tra các vấn đề có một tầm vóc quan trọng như thế.

 

‘Theo chiều hướng của tín lý Công Đồng Chung Vaticanô II về vấn đề đoàn tính, Chúng Tôi cũng nghĩ  rằng chính các Vị Giám Mục phải liên kết chặt chẽ hơn với Tòa Thánh trong việc xem xét các Án Phong Thánh’.

 

Để nhất trí voơi những điều hướng dẫn ấy, được tuyển chọn lên Ngai Tòa Thánh Phêrô, tôi hân hoan hành động theo ước muốn rộng rãi là cần phải nhấn mạnh nhiều đến việc cử hành ở những điểm khác nhau chính yếu giữa việc phong chân phước và việc phong hiển thánh, và các Giáo Hội riêng cần phải tỏ tường hơn trong vấn đề tham gia vào các Nghi Thức Phong Chân Phước với ý thức rằng chỉ có một mình Giáo Hoàng Rôma mới có thẩm quyền công bố việc tôn sùng một người tôi tớ Chúa mà thôi.

 

Huynh Hồng Y, tôi cám ơn huynh về việc phục vụ của thánh bộ này đối với Giáo Hội, và trong khi mong ước cho những ai đang tham dự vào công việc của hội nghị đây được mọi thành công qua việc chuyển cầu của tất cả các thánh cũng như của Nữ Vương các thánh, tôi xin Thánh Thần xuống trên từng người. Phần tôi, tôi hứa nguyện cầu cho anh chị em cũng như ưu ái ban phép lành cho tất cả anh chị em.

 

Tại Vatican ngày 24/4/2006

 

Giáo Hoàng Biển Đức XVI

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 16/5/2006

 

 

TOP

 

 

?   Giáo Hoàng Biển Đức XVI với Các Phần Tử Ủy Ban Thánh Kinh ngày 27/4 ở Sảnh Đường Chư Giáo Hoàng "về mối liên hệ giữa Thánh Kinh và các vấn đề luân lý"

 

Cùng Đức Hồng Y,

Các Phần Tử Ủy Ban Thánh Kinh của Tòa Thánh thân mến,

 

Tôi cảm thấy hết sức vui mừng được gặp gỡ anh chị em vào cuối đại hội thường niên của anh chị em. Tôi ưu ái nhớ đến từng anh chị em, vì cá nhân tôi đã được quen biết anh chị em trong những năm tôi làm chủ tịch của ủy ban này. Tôi xin chia sẻ với anh chị em niềm tri ân cảm mến của tôi về công việc quan trọng anh chị em đang làm để phục vụ Giáo Hội và lợi ích của các linh hồn, hòa hợp với Vị Thừa Kế Thánh Phêrô.

 

Tôi xin cám ơn Đức Hồng Y Joseph Levada về lời ngài chào mừng cũng như về việc ngài tóm tắt đề tài đã trở thành đối tượng cho việc anh chị em chia sẻ trong cuộc họp này.

 

Anh chị em qui tụ lại một lần nữa để khảo sát một chủ đề rất quan trọng, đó là chủ đề về mối liên hệ giữa Thánh Kinh và các vấn đề luân lý. Đề tài này chẳng những liên quan tới tín hữu mà còn đến hết mọi người nữa. Nó liên quan tới chúng ta, đặc biệt vào một thời điểm khủng hoảng về văn hóa và luân lý này. Thật thế, tác lực đầu tiên của con người đó là họ ước muốn được hạnh phúc và viên trọn cuộc sống. Tuy nhiên, ngày nay, nhiều người nghĩ rằng điều này cần phải được chiếm đạt một cách hoàn toàn tự ý mình, không cần dính dáng gì tới Thiên Chúa hay tới lề luật của Ngài.

 

Một số người đã tiến đến chỗ lý thuyết hóa cái thượng tôn tuyệt đối của lý trí và tự do trong tương quan với các qui chuẩn về luân lý: Họ cho rằng những qui chuẩn này là những gì tạo nên cái tương quan của một thứ đạo đức học thuần ‘con người’, tức là, cái thể hiện của một thứ lề luật được con người tạo nên cho chính mình. Thành phần biện hộ cho thứ ‘luân lý trần tục’ này nói rằng là một hữu thể hữu tri con người chẳng những có thể mà còn phải được tự do quyết định về giá trị hành vi cử chỉ của họ nữa.

 

Niềm xác tín sai lầm này là những gì xuất phát từ cái được coi là xung khắc giữa tự do của con người và hết mọi hình thức về luật lệ. Thật vậy, vì chúng ta là tạo sinh mà Đấng Tạo Hóa đã ghi khắc ‘lề luật tự nhiên’ của Ngài, những gì phản ảnh ý nghĩa sáng tạo của Ngài, nơi tâm can của chúng ta, nơi chính hữu thể của chúng ta, như một địa bàn và việc hướng đạo nội tâm cho đời sống của chúng ta.

 

Chính vì lý do này mà Thánh Kinh, Truyền Thống và huấn quyền của Giáo Hội nói với chúng ta rằng ơn gọi và việc viên trọn của con người được chiếm đạt không phải bằng việc hủy bỏ lề luật của Thiên Chúa, mà là bằng việc tuân giữ lề luật mới là những gì được chất chứa nơi ân sủng của Thánh Thần. Cùng với Lời Chúa và giáo huấn của Giáo Hội, lề luật mới này được diễn tả nơi việc ‘đức tin hoạt động qua đức ái’ (Gal 5:6).

 

Chính trong việc chấp nhận tình yêu xuất phát từ Thiên Chúa (‘Deus caritas est’) mà tự do của con người mới thấy được cái hiện thực hóa cao cả nhất của nó. Không có vấn đề tương phản giữa lề luật của Thiên Chúa với tự do của con người: Lề luật của Thiên Chúa được giải thích một cách đúng đắn sẽ là những gì không làm yếu đi, thậm chí tệ hơn nữa, loại trừ tự do của con người. Trái lại, nó bảo đảm và nuôi dưỡng tự do này, vì, như Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo nhắc nhở chúng ta, ‘tự do… đạt tới tầm mức trọn hảo của nó khi nó hướng về Thiên Chúa là phúc đức của chúng ta’ (khoản 1731).

 

Lề luật luân lý được Thiên Chúa thiết lập nơi tạo vật và được Ngài khẳng định nơi mạc khải Cựu Ước là những gì nên trọn và cao cả nơi Đức Kitô. Chúa Giêsu Kitô là con đường nên trọn lành, là tổng hợp sống động và cá thể của thứ tự do trọn hảo hoàn toàn tuân phục ý muốn của Thiên Chúa. Vai trò nguyên thủy của Bản Thập Giới không bị hủy bỏ trước cuộc gặp gỡ Chúa Kitô mà là được đưa đến chỗ viên trọn.

 

Một thứ đạo đức hướng về mạc khải thì cũng tìm cách trở thành thực sự hữu lý, sẽ thấy được tầm mức trọn hảo của mình nơi việc gặp gỡ Chúa Kitô, Đấng ban cho chúng ta Giáo Ước mới này.

 

Khuôn mẫu của hành động luân lý chân thực này là tác hành của chính Lời Nhập Thể. Người đã làm cho ý muốn của Người ăn khớp với ý muốn của Thiên Chúa Cha nơi việc chấp nhận và thi hành sứ vụ của Người: lương thực của Người đó là làm theo ý muốn của Cha (x Jn 4:34). Người luôn làm những gì đẹp lòng Cha, mang những lời của Cha ra thực hành (x Jn 8:29-55); Người nói những gì Cha muốn Người nói và công bố (x Jn 12:49).

 

Trong việc mạc khải Cha và qua tác hành của mình, Chúa Giêsu cũng đồng thời mạc khải các qui chuẩn về tác động chính trực của con người. Người khẳng định mối liên hệ này một cách minh nhiên và kiểu mẫu, khi kết thúc bài giảng của mình về việc mến yêu kẻ thù (x Mt 5:43-47), Người phán: ‘Bởi thế, các con phải nên trọn lành như Cha trên trời của các con là Đấng trọn hảo’ (Mt 5:48).

 

Cái trọn lành thần linh này, cái trọn lành nhân thần này trở thành khả dĩ đối với chúng ta nếu chúng ta liên kết chặt chẽ với Chúa Kitô là Đấng Cứu Độ của chúng ta.

 

Đường lối được Chúa Giêsu vạch vẽ ra qua giáo huấn của Người không phải là một thứ qui luật được áp đặt bề ngoài vậy thôi. Chính Chúa Giêsu đi con đường này và không xin chúng ta gì hơn là hãy đi theo Người. Ngoài ra, Người không chỉ xin chúng ta thôi: Trước hết, qua phép rửa, Người cho chúng ta được tham dự vào sự sống của Người, nhờ đó chúng ta có thể hiểu được giáo huấn của Người và mang những giáo huấn ấy ra thực hành.

 

Điều này lại càng có nhiều chứng cớ hơn nữa trong các bản văn Tân Ước. Mối liên hệ của Người với các môn đệ là những gì quan trọng, chứ không phải một thứ giáo huấn bề ngoài. Người đã gọi các vị là ‘các con nhỏ’ (Jn 13:33; 21:5), “bạn hữu’ (Jn 15:14-15), ‘anh em’, ‘huynh đệ’ (Mt 12:50, 28:10; Jn 20:17), và mời họ hãy tiến vào mối hiệp thông sự sống với Người cùng chấp nhận trong tin tưởng và hân hoan cái ách ‘êm ái’ và cái gánh ‘nhẹ nhàng’ (x Mt 11:28-30).

 

Trong việc tìm cầu một thức đạo lý theo tinh thần Kitô học, bởi thế, cần phải luôn nhớ rằng Chúa Kitô là Lời Nhập Thể, Đấng giúp cho chúng ta có thể thông dự vào sự sống thần linh của Người và bảo trì chúng ta bằng ân sủng của Người trên cuộc hành trình tiến về tầm vóc viên trọn thực suự của chúng ta.

 

Cái con người thực sự là hoàn toàn được thể hiện nơi Lời hóa thân làm người; niềm tin tưởng nơi Chúa Kitô cống hiến cho chúng ta cái viên trọn về nhân loại học này. Tóm lại, mối liên hệ với Chúa Kitô là những gì cho thấy việc hiện thực hóa cao cả nhất nơi tác hành về luân lý của con người. Hành động nhân bản này là những gì trực tiếp xây trên việc tuân phục lề luật của Thiên Chúa, trên mối hiệp nhất với Chúa Kitô và trong việc cư ngụ của Thần Linh nơi tâm hồn của tín hữu. Nó không phải là một hành động được thúc động bởi những qui chuẩn thuần ngoại diện, mà là xuất phát từ mối liên hệ sống còn nối kết tín hữu với Chúa Kitô và với Thiên Chúa.

 

Trong khi mong cho việc liên tục chia sẻ của anh chị em được sinh hoa kết trái, tôi xin ánh sáng của Thánh Thần xuống trên anh chị em và hoạt động của anh chị em, và để bảo đảm lòng tin tưởng và ưu ái của tôi, tôi ban phép lành tòa thánh cho tất cả anh chị em.



Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 16/5/2006

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ