GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ BA 20/6/2006

 TUẦN MÌNH MÁU CHÚA

 

?  Hướng Về Ngày Họp Thế Giới Các Gia Đình ở Tây Ban Nha 8-9/7/2006: Bài 1- Hôn Nhân Hiệp Thông Xã Hội 

?  Tháng Sáu Kính Thánh Tâm Chúa với Thông Điệp Tình Yêu Nhân Hậu:  Bài 1- Cha không phải là thày dạy yêu thương. Cha là Tình Yêu.       

?  'Mặt Trời Khổ Ải' - Đức Gioan Phaolô II; 'Vinh Quang Oliu' - Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Bài 1- Dấu Chỉ Thời Đại

 

 

? Hướng Về Ngày Họp Thế Giới Các Gia Đình ở Tây Ban Nha 8-9/7/2006: Bài 1- Hôn Nhân Hiệp Thông Xã Hội 

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

Hôn Nhân: Khơi Nguồn Xã Hội 

 

Con người không thể nào hiện hữu nếu thiếu một bản tính bao gồm cả hồn thiêng lẫn xác chất thế nào, thì kinh nghiệm thực tế cho thấy, con người cũng không thể nào tồn tại và phát triển theo bản tính làm người của mình nếu không có xã hội như vậy. Thậm chí, nếu không tự mình mà có, thì không có xã hội, tức không có mẹ cha, con người cũng không thể hiện hữu trên đời này như vậy.

 

Con người chẳng khác gì như cá trong nước và chỉ sống bởi nước và nhờ nước. Trái lại, nếu không có cá thì nước hiện hữu cũng chẳng có nghĩa gì. Tức có cá mới có nước. Bởi thế, nước phải có trước cá, như mẹ phải có trước con. Nhưng dù nước có trước cá thì cũng là để cho cá và chất chứa những mầm mống của cá, như đất chất chứa những hạt giống cho muôn loại thảo mộc vậy. Như thế, xã hội phải có trước con người, chứ không phải con người có trước xã hội.

 

Thế nhưng, theo lý luận tự nhiên, nếu xã hội là cộng đồng của con người, một cộng động hợp lại bởi nhiều cá nhân con người, tức được làm nên bởi cộng đồng con người, thì con người phải có trước xã hội, chứ xã hội không thể nào có trước con người. Sách Sáng Thế Ký mở đầu bộ Thánh Kinh Do Thái Giáo cũng cho thấy rõ sự kiện này, cũng chứng thực kinh nghiệm và luận lý tự nhiên ấy. Ở chỗ, Sáng Thế Ký thuật lại rằng sau khi Thiên Chúa Hóa Công dựng nên con người đầu tiên là Adong, đã dựng nên thêm một người nữ nữa là Evà, rồi Ngài đã kết hợp cả hai nhân vật nguyên tổ này lại thành một thân thể, một cộng đồng tiên khởi, mở màn cho xã hội loài người (xem Genesis 2:18-25).

 

Tuy nhiên, nếu để ý kỹ chúng ta thấy, cho dù về thời gian, xã hội có cụ thể hiện hữu sau cá nhân con người, nhưng về tinh thần, xã hội vốn đã có trước đơn vị con người là phần tử của mình, vì xã hội ở ngay nơi bản thân của con người phần tử này. Chính vì thế, như Sách Sáng Thế Ký cho thấy, Evà đã không phải là một con người ngoại tại của Adong, một con người từ đâu tới, mà là một con người phát xuất từ chính con người Adong, và cũng chính vì thế, vì xã hội tính đã bẩm sinh nơi bản thân mình, nên con người tiên khởi Adong đã tự nhiên hướng về và mới hướng về Evà, như Sáng Thế Ký cũng thuật lại, qua việc Adong đã tự động nhận biết Evà và nên một với Evà. Phải nói rằng, nếu xã hội chính là bản chất của con người và nơi con người, thì xã hội quả thực đã được bắt nguồn từ hôn nhân và được hình thành bởi hôn nhân. Nói cách khác, hôn nhân chính là hiệp thông xã hội. Chính vì thế, nếu hôn nhân băng hoại thì hãy coi chừng sự tồn tại của xã hội.

 

Hôn Nhân: Tập Tục Xã Hội

 

Chính vì xã hội được bắt nguồn từ hôn nhân và được hình thành bởi hôn nhân mà ngay từ đầu hôn nhân chưa có những tập tục liên quan đến cưới hỏi như ngày nay, chẳng hạn như những tập tục cưới hỏi theo kiểu Việt Nam, bao gồm những giai đoạn giạm hỏi, đặt trầu cau, đính hôn và kết hôn. Tuy nhiên, cũng chính vì nếu hôn nhân băng hoại thì xã hội hãy coi chừng tồn tại, mà xã hội cần phải bảo vệ hôn nhân, bằng việc chứng hôn và chuẩn hôn. Đó là lý do hôn nhân từ từ đã được hình thức hóa bởi xã hội và trong xã hội, tùy theo văn hóa địa phương. Nói chung, theo thủ tục hành chánh và xã hội, ngày nay người ta thấy cặp nam nữ nào muốn lấy nhau thì họ chẳng những đem nhau ra trước công quyền địa phương để xin hợp thức hóa, mà còn cùng nhau trình diện với xã hội của mình là gia đình, họ hàng và thân bằng quyến thuộc nữa. Đó là chưa kể đến những lễ nghi về tôn giáo.

 

Tuy nhiên, không phải những tập tục về hành chánh, xã hội và tôn giáo này là yếu tố thiết yếu làm nên hôn nhân, tức hôn nhân phải được xã hội chứng dự và công nhận hôn nhân mới thành, bằng không hôn nhân bất thành hay không bao giờ thành. Như thế, xã hội này chỉ có những cuộc hôn nhân “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó” mà thôi, bằng nếu cha mẹ không đồng ý thì con cái không bao giờ được lập gia đình với người mình thương. Đúng thế, hôn nhân thành hay không là do hai đương sự có thật lòng yêu nhau và có muốn dấn thân sống đời vợ chồng với nhau hay chăng. Cuộc hôn nhân ép duyên là một cuộc hôn nhân phi nhân bản và không thành.

 

Đó là lý do, để mở đầu cho lễ nghi hôn phối của Công Giáo, đôi tân hôn đã được sát hạch có tình nguyện lấy nhau chứ không phải bị ép buộc hay chăng. Theo qui luật hôn nhân của Giáo Hội Công Giáo thì vị linh mục chỉ đóng vai thay Thiên Chúa, Đấng đã thiết lập hôn nhân và xe duyên kết nghĩa con người, trong việc chứng nhận hôn nhân và chúc lành hôn nhân mà thôi, còn vai chính của cuộc thành hôn về tôn giáo này chính là đôi tân hôn. Tuy nhiên, không phải vì mình là chủ hôn làm cho cuộc hôn nhân thành sự, gọi là thành hôn, mà khi hôn nhân bị trục trặc thì họ cũng có quyền tự động bỏ nhau. Vì hôn nhân do thiên định, là cơ cấu bởi trời chứ không phải bởi người.

 

Đó là lý do trong thiệp cưới của người Công Giáo bao giờ cũng có câu “Những gì Thiên Chúa đã liên kết, loài người không được phân ly” (Mathêu 19:6). Chính vì hôn nhân là do thiên định và là cơ cấu thần linh như thế, mà một khi muốn thoát ly hay đoạn tuyệt nó, nhất là để lập gia đình khác, đôi phối ngẫu Công Giáo cũng phải được chuẩn chước đàng hoàng. Nghĩa là họ cần phải được các vị thẩm quyền của Giáo Hội họ, một thẩm quyền đại diện Thiên Chúa chứng hôn và chúc hôn cho họ thế nào, cũng sẽ cứu xét để giải hôn cho họ như vậy, nếu có đủ lý do chính đáng. Tức là các vị này xét xem cuộc hôn nhân của họ có thành sự ngay từ ban đầu hay chăng, hay  xét xem họ có thực tình yêu nhau và tự nguyện lấy nhau ngay từ đầu chăng, bằng không, cuộc hôn nhân của họ vốn không thành, và sau khi được giải, họ có thể được tự do lập gia đình khác mà không lỗi luật Chúa, không trái phép đạo.

 

Trong khi tôn giáo, như Giáo Hội Công Giáo, chỉ dám đóng vai trò giải hôn những gì thẩm quyền nàyï cho rằng, nếu được người phối ngẫu xin và xét thấy họ quả thực không hội đủ yếu tố để làm nên hôn nhân ngay từ đầu, thì xã hội tân tiến Âu Mỹ từ thập niên 1960 lại đóng vai trò hủy hôn, nghĩa là cho phép ly dị.

 

Thật vậy, dù hai vợ chồng đã hoàn toàn tự do luyến ái trước khi lấy nhau, song đến một lúc nào đó không còn hợp với nhau như thuở ban đầu nữa, chứ không cần một bên lỗi phạm điều gì trầm trọng nghịch với bản chất của đời sống hôn nhân vợ chồng, ngôn từ pháp luật của Mỹ gọi là “no fault”, thì được quyền ly dị.

 

Ngoài ra, chiều hướng chung luật pháp bây giờ là không ai bắt buộc vợ chồng phải sống với nhau nữa, một khi họ không còn muốn sống với nhau, không thích sống với nhau. Những trường hợp chán sống với nhau này đều được pháp luật liệt kê dưới nhãn hiệu hôn nhân đổ vỡ bất khả cứu vãn, “irretrievable breakdown of marriage”.

 

Chưa hết, luật ly dị còn đi đến chỗ cho phép ly dị đơn phương, chứ không cần phải có sự đồng ý của người phối ngẫu, như điều kiện bất khả thiếu để hai người có thể thành sự nên một. Khi lấy nhau cần hai người đồng thuận, đến khi ly dị thì chỉ cần một người quyết định là đủ.

 

Hôn Nhân: Biến Thái Xã Hội

 

Vẫn biết luật pháp có lý của luật pháp, chẳng hạn như luật ly dị, nhất là luật ly dị đơn phương, trước hết và trên hết là để bảo vệ người vợ là phái yếu khỏi bị người chồng là phái mạnh bạo hành, đầy đọa, như những trường hợp xẩy ra vào tiền bán thể kỷ 20 trở về trước, nhất là ở các nước chậm tiến, như ở Việt Nam chẳng hạn. Tuy nhiên, nếu hôn nhân là hiệp thông xã hội thì bất cứ điều gì không theo chiều hướng này, dù có mục đích tốt đến đâu đi nữa, cũng cần phải xét lại, bằng không sẽ khó tránh được những hậu quả tai hại khôn lường, như đã và đang xẩy ra từ khi có luật ly dị tới nay. Nếu hôn nhân băng hoại thì xã hội hãy coi chừng tồn tại là ở chỗ này.

 

Không phải hay sao, ngày xưa, khi xã hội loài người còn cổ hủ, chưa tân tiến, xã hội đã cho phép hay chấp nhận tục đa thê, coi phụ nữ là hạng người thứ yếu, là thành phần cung phụng đàn ông, kể cả về mặt tình dục! Thế nhưng, ngược đời thay, ngày nay, càng tân tiến, con người lại càng hoang dại hơn bao giờ hết, còn hoang dại hơn thời cổ hủ xưa kia nữa. Ở chỗ, nếu ngày xưa chỉ có tục đa thê, thì ngày nay con người chẳng những được phép đa thê mà còn được quyền đa phu nữa. Luật ly dị ngày nay đã không cho phép con người, cả vợ lẫn chồng, được quyền lập gia đình với bao nhiêu người mình thích đấy ư?

 

Chưa hết, luật ly dị còn làm cho con người coi hôn nhân chỉ là một món hàng có thể đổi chác, mua về xài xong đem trả, như ở các department stores, Target, K-Mart, Wal-Mart, JC Penny, May Robinson, Macy v.v. Chính vì có luật được quyền ly dị nên người ta không sợ bị ràng buộc như xưa, trái lại, họ tự nhiên cảm thấy dễ dàng hơn trong việc lấy nhau, nhanh chóng hơn trong việc yêu cuồng lấy vội, bởi vì thích nhau rồi tại sao không lấy nhau, không hợp thì bỏ có sao đâu. Như kiểu cứ mua về thử, nếu không xài được hoặc không ưng ý thì đem trả hay đem đổi ở ngoài tiệm vậy.

 

Luật ly dị chẳng khác gì như luật cho phép dùng súng, thay vì để tự vệ thì người ta lại quay ra sát hại lẫn nhau. Chính vì thế, trước khi lấy nhau, con người văn minh ở các nước tân tiến ngày nay vừa yêu nhau lại vừa sợ nhau. Đến nỗi, nhiều cặp đã làm giấy kê khai của cải với chính quyền trước khi lấy nhau, để phòng hờ nhỡ ra sau này hôn nhân có bị đổ bể thì chỉ mất người chứ không mất của. Chính vì yêu nhau theo kiểu thập thò, yêu nhau một cách cân nhắc lợi hại và ăn thua đủ với nhau như thế, yêu nhau mà không dám cho nhau hết, không hoàn toàn tin tưởng nhau như vậy, thì làm sao có thể sống bền chặt với nhau được, nhất là khi có những xích mích đụng chạm xẩy ra không thể nào tránh hết được trong đời sống hôn nhân gia đình. 

 

Hôn Nhân: Chấp Nhận Xã Hội

 

Tuy nhiên, với luật pháp cho phép ly dị như thế mới cho thấy cặp nào còn bền với nhau là dấu chứng tỏ họ thực sự yêu nhau, không vì tình thì cũng vì nghĩa. Đối với họ, có luật ly dị hay chăng cũng không thành vấn đề. Cũng không có một tác dụng gì trong những lúc họ đụng độ nhau. Vì họ không coi hôn nhân như là một hình thức contract, một hình thức hợp đồng, một giao kèo làm ăn với nhau, hay thì ở dở thì đi, lời thì nhào vô, lỗ thì dẹp tiệm: “anh đi đàng anh, tôi đi đàng tôi, tình nghĩa đôi ta có thế thôi”. Chính vì hôn nhân kiểu thương mại như thế mà con người văn minh ngày nay đã coi hôn nhân chẳng khác gì như là một trò chơi, và con cái chỉ là một món đồ chơi.

 

Con người văn minh ngày nay không coi hôn nhân là một thứ trò chơi là gì, không coi hôn nhân là một thứ thời trang hay sao? Ở chỗ, họ chẳng những đã cho phép nhau ly dị từ thập niên 1960, rồi từ ly dị là một thứ trò chơi đã đi đến chỗ không thể tránh được là cho phép phá thai, coi con cái là một thứ đồ chơi, từ thập niên 1970, tức sau đó một thập niên, mà còn đi đến chỗ chính thức cho phép đồng tính luyến ái và đồng tính hôn nhân nữa. Ngày 20/12/1999, Tối Cao Pháp Viện tiểu bang Vermont Hoa Kỳ đã qui định rằng tiểu bang phải cho các cặp phối ngẫu đồng tính được hưởng những quyền lợi như những cặp phối ngẫu dị tính. Và tiểu bang Vermont này đã chính thức là nơi đầu tiên trên thế giới hợp thức hóa hôn nhân đồng tính, khi vị thống đốc của tiểu bang này bấy giờ là Howard Dean đã ký chuẩn phê khoản luật hôn nhân đồng tính này ngày 26/4/2000, với hiệu lực kể từ ngày 1/7/2000. Sau đó hai tháng, tức vào tháng 9/2000, quốc hội Hòa Lan cũng đã chuẩn nhận luật cho phép hôn nhân đồng tính, với quyền lợi giống như các cặp vợ chồng thường, được lập hôn ước ở tòa thị chính (city hall), được có con nuôi, và được ly dị. 

 

Tuy nhiên, cho dù xã hội có lập ra những khoản luật ly dị và đồng tính hôn nhân đi nữa, những khoản luật phi hôn nhân và phản hôn nhân là hiệp thông xã hội đi nữa, nếu con người không chiều theo chúng, không lợi dụng chúng và không thi hành chúng, thì chúng cũng chẳng có tác hiệu gì, chúng cũng không thể nào trở thành phổ thông, trái lại, chúng cũng chỉ là một thứ văn hóa frozen - đông lạnh, những thứ văn hóa đóng hộp vậy thôi, những thứ thực phẩm dự trữ chẳng béo bổ gì, đến khi hết hạn thì tự nhiên được quẳng vào thùng rác, không tiếc xót gì.

 

Những cặp hôn nhân không bị luật ly dị ngày nay chi phối chẳng những không coi hôn nhân như một giao kèo làm ăn, trái lại, họ còn coi hôn nhân như là một thắt kết, một giao ước, mà họ đã tự nguyện hứa quyết với nhau, và vì tự trọng, họ cố gắng trung thành với lời giao ước của mình.

 

Đây là những cặp vợ chồng, vào một lúc nào đó, có thể chỉ sống với nhau vì nghĩa hơn là vì tình, vì con cái hơn là vì nhau, vì nhau theo kiểu romantic như thuở ban đầu tình tứ ấy. Nhưng ít là họ còn bền với nhau. Không gượng ép. Mà chịu đựng. Một thứ chịu đựng trong thời đại văn minh vật chất chỉ biết hưởng thụ theo cá nhân chủ nghĩa, chỉ tìm cách tránh né hay away from những gì không hợp với mình, làm cho mình khó chịu, thì sức chịu đừng này có thể sẽ đưa những cặp hôn nhân anh hùng này đến một mức độ cao nhất của hôn nhân, mức độ sống vocation của hôn nhân, hay sống hôn nhân theo ơn gọi. Tức là một cuộc sống hôn nhân vì trời hơn là vì mình, và cho đời hơn là cho mình. Họ chính là những cặp vợ chồng, hay ít là một trong hai người, chấp nhận nhau từ bàn tay ông trời, từ chính Đấng Tối Cao, Đấng mà họ thâm tín rằng đã xe duyên kết nghĩa cho họ, đã xui khiến họ gặp nhau rồi lấy nhau. Bởi thế, về phần mình, với niềm tin là văn hóa thần linh, họ không bao giờ bỏ nhau, dù người phối ngẫu của họ có thế nào đi nữa.

 

Vì xã hội, theo dự án thần linh, ở ngay nơi bản thân con người phái tính, như đã nhận định ở đoạn mở đầu, mà khi vợ chồng chấp nhận nhau, sống đời với nhau và nên một với nhau, thì hôn nhân quả thực là hiệp thông xã hội và làm cho xã hội hiệp thông vậy! 

 

(Bài ngày mai: Tình Yêu Phát Tính)

 

 

TOP

 

 

 ? Tháng Sáu Kính Thánh Tâm Chúa với Thông Điệp Tình Yêu Nhân Hậu - Bài 1: Cha không phải là thày dạy yêu thương. Cha là Tình Yêu.       

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch cuốn "Message of Merciful Love to Little Souls" (1986)

             

Cha không phải là thày dạy yêu thương. Cha là Tình Yêu.

Tình Yêu mạnh hơn thù ghét. Hãy cậy trông' Tình Yêu sẽ chiến thắng thế giới. (1965, trang 52)

 

Trao Cha cho một tội nhân cứng lòng đó là một việc phạm thánh.

Cha đã ban cho con cái của Cha tự do để chọn lựa sự lành hay sự dữ.

Một tác động thống hối là cửa mở để Cha mau đến với linh hồn tội nhân đau thưông.    

Cha đã không đổ Máu Cha cho tất cả mọi linh hồn hay sao? (1965, trang 54)

 

Cha là tác giả của và là Đấng soi động cho những bản viết này. Chớ có hồ nghi. (24-3-1966)

 

Con tự hỏi Cha là ai và tại sao Cha lại yêu thưông con ư.

Các danh xưng của Cha thì nhiều vô số.

Có một danh xưng bao gồm tất cả mọi danh xưng khác, đó là: CHA LÀ TÌNH YÊU...

Cha là Nguyên Ủy của con và là Cùng Đích của con. (28-4-1966)

 

Con sẽ đem Thông Điệp Tình Yêu của Cha đến cho thế giới.

Thế nhưng, ai sẽ tin con lạy Chúa?

Không phải là con mà họ tin. Chính Cha là Đấng mà họ sẽ nhận biết nôi con. (24-5-1966)

 

Chúa Giêsu của con ôi, con lấy làm khổ tâm khi thấy Chúa đau lòng...

Tội nghiệp cho con, đứa con nhỏ của Cha. Hãy sưởi ấm lòng con nôi ngọn lửa của Thánh Tâm Cha.

Kiến thức của con về sự dữ thì hạn hẹp. Nhưng đối với Cha, Cha thấy hết tất cả mọi khốn khổ về luân lý cũng như thể lý đè nén nhân loại.

Khó mà làm cho Cha được mến yêu.

Người Mẹ thánh hảo của Cha đứng ở giữa nhân loại và Cha. Hãy yêu mến Người và nguyện cầu với Người bằng cả tâm hồn con, vì Người là Mẹ của con và yêu thưông các con bằng một tình yêu tha thiết.

Hãy luôn luôn nhớ rằng chính Người là Đấng trao Cha vào tay con và dâng con cho Cha đó. (29-5-1966)              

 

(Đức Mẹ:) Hãy yêu mến Người Con thần linh của Mẹ, phụng sự Người bằng cả tâm hồn của con. Phép lành của Mẹ hỗ trợ con.

Hỡi các con cái của Mẹ, Mẹ vẫn đang tụ tập các con lại với nhau.

Các con ở trong Trái Tim Mẹ.                      

(Trong nhà thờ) Con là đứa con nhỏ yêu dấu của Cha, đứa con mà Cha đã chọn để chuyển đạt Thông Điệp Tình Yêu của Cha. (31-5-1966)

 

Trái Tim Cha là cung thánh của con. Đó chính là nôi Cha bắt đứa con nhỏ của Cha làm tù nhân.

Từ cạnh sườn toác mở của Cha, những giòng máu chảy ra, những giòng tình yêu và tha thứ.

Mỗi một người đều vẫn lãnh nhận được phần của mình.

Cha hằng thấm nhập vào tận thẳm cung của các linh hồn.

Cha vẫn làm nổi dậy những đoàn người sống theo lòng nhiệt thành huyền diệu khôn sánh ví.

Nhiều người đã đáp lại manna tình yêu này bằng cuộc đời của họ.

Có những kẻ vì chán nản đã từng chối bỏ Cha.

Hãy nhìn xem mà nhận biết lòng nhân hậu của Thiên Chúa con, việc sung sướng giãi bày của Người, sự bao dung rộng lượng của Người. (15-6-1966)

 

Cha từng giải cứu con khỏi tội lỗi.

Cha sẽ giải thoát con khỏi sợ hãi.

Đối với Kitô hữu, không có cái chết. Chết là một cuộc vượt qua. Cuộc vượt qua giữa tù đầy và tự do.

Cha là Sự Sống Lại và là Sự Sống. (7-7-1966)

 

Thế giới có quên Cha, Cha cũng không quên nó. Cha là Thiên Chúa của tình yêu và của lòng trung tín. (13-8-1966)

 

Cha vẫn đang khuôn đúc linh hồn nhỏ của con qua một thời gian lâu như vậy...

Nét chuyên chính nôi Thông Điệp của Cha không hề động chạm gì đến cô cấu các chân lý của Công Đồng, mà chỉ giúp cho các chân lý này được dễ dàng thâu nhận hôn đối với mọi trí óc con người. Những chống đối sẽ tự biến mất đi theo tính cách ró ràng sáng tỏ của Thông Điệp.

Thông Điệp của Cha là Nhã Ca của thời hiện đại, vang đến tất cả mọi người, nhất là các hồn nhỏ.

Tinh túy nôi giáo huấn của Thông Điệp Cha sẽ được công nhận. (15-9-1966)

 

(còn tiếp cho tới hết Tháng Thánh Tâm)

 

 

TOP

 

 

?   'Mặt Trời Khổ Ải' - Đức Gioan Phaolô II; 'Vinh Quang Oliu' - Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Bài 1- Dấu Chỉ Thời Đại

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

Phải chăng, ngay từ đầu thế kỷ 20, một thế kỷ xẩy ra 2 Thế Chiến và xuất phát 2 chủ nghĩa tử thần Nazi và Cộng Sản, Mẹ Maria đã hiện ra ở Fatima năm 1917 để thảm thiết vang lên những lời lẽ từ mẫu cuối cùng của Mẹ? Và nếu Nước Nga đã ‘trở lại’, khi nước này tự động giải thể chế độ Cộng Sản vào chính ngày Lễ Giáng Sinh 1991, thì phải chăng thực sự đã hoàn toàn chấm dứt THỜI ĐIỂM FATIMA?” (Nguyệt San Trái Tim Đức Mẹ, số 338, 2/2006, trang 17).

 

Theo lịch sử Thánh Mẫu, Biến Cố Fatima là Biến Cố Thánh Mẫu trọng đại nhất trong các Biến Cố Thánh Mẫu, vì Biến Cố Fatima liên quan đến cả vai trò của Giáo Hội cũng như đến vận mệnh thế giới.

Trước hết, Biến Cố Fatima liên quan đến vai trò của Giáo Hội là vì, theo ý muốn của Thiên Chúa, được Mẹ Maria tiết lộ cho chung 3 Thiếu Nhi Fatima ở phần Bí Mật Fatima thứ hai ngày 13/7/1917, và cho riêng chị nữ tu Lucia ngày 13/6/1929, thì Thiên Chúa muốn Vị Chủ Chiên Tối Cao của Giáo Hội là “Đức Thánh Cha, hợp cùng với tất cả các vị giám mục trên thế giới, để hiến dâng nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ”.

 

Điều này đã được nữ tu Lucia đệ  trình Đức Thánh Cha Piô XII trong thư đề ngày 2/12/1940, và từ đó đã  được các vị Giáo Hoàng hết sức khôn ngoan dè dặt thực hiện nhiều lần, thứ tự như sau: Đức Thánh Cha Piô XII - lần nhất vào ngày 31/10/1942 dịp kỷ niệm ngân khánh Biến Cố Fatima, và lần hai vào ngày 7/7/1952, lễ kính hai Thánh Cyrilô  và  Mêthôđiô  là  nhị  vị tông đồ của sắc chủng Slav (bao gồm cả dân tộc Nga và Balan); Đức Thánh Cha Phaolô VI - lần nhất vào ngày 13/5/1967 tại chính Linh Địa Thánh Mẫu Fatima, và lần hai vào ngày 21/11/1964 ngay trong Công Đồng Chung Vaticanô II, dịp ban hành Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Ánh Sáng Muôn Dân; Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II - lần 1 vào ngày7/6/1981 ở Đền Thờ Đức Bà Cả, lần 2 ngày 13/5/1982 ở chính Linh Địa Thánh Mẫu Fatima, và lần 3 vào ngày 25/3/1984 ở ngay Giáo Đô Vatican kết Năm Thánh Cứu Chuộc.

 

Sau nữa, Biến Cố Fatima liên quan đến vận mệnh của thế giới cũng như đến phần rỗi của các linh hồn. Bởi vì, như Mẹ Maria tiết lộ ở ngay đầu phần hai Bí  Mật Fatima vào lần hiện ra thứ ba ngày 13/7/1917 là: “Thiên Chúa muốn thiết lập lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ trên thế giới. Nếu điều Mẹ nói được thực hiện thì thế giới sẽ có hòa bình và nhiều linh hồn được cứu rỗi”.

 

Thiên Chúa quả thực đã muốn thiết lập lòng Tôn Sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ trên thế giới, chứ không phải chỉ ở một nước nào, hay ở trong Giáo Hội mà thôi. Bởi thế, Ngài đã thực hiện ý định này của Ngài bằng việc muốn Đức Thánh Cha hiệp với hàng giáo phẩm thế giới hiến dâng Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ, sau đó Ngài mới làm và  thực sự đã làm cho Nước Nga trở lại, trước sự vô cùng bàng hoàng kinh ngạc của thế giới, nhất là khối tư bản!

 

Như  thế, Lịch sử thế giới hiện đại đã hiển nhiên chứng thực là tất cả những gì Mẹ Maria tiên báo ở  phần kết Bí Mật Fatima thứ hai từ năm 1917 đều đã được tỏ tường ứng nghiệm từng chữ: “Cuối cùng, Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ sẽ thắng. Đức Thánh Cha sẽ hiến dâng Nước Nga cho Mẹ, Nước Nga sẽ trở lại, và thế giới sẽ được hưởng một thời gian hòa bình”.

 

Nếu căn cứ vào lời tiên báo này của Mẹ Maria thì THỜI ĐIỂM FATIMA chưa chấm dứt sau biến cố “Nước Nga trở lại”. Vì, sau khi Nước Nga trở lại, THỜI ĐIỂM FATIMA còn bao gồm cả giai đoạn “thế giới sẽ được hưởng một thời gian hòa bình” nữa. Đến đây, vấn đề được đặt ra là thời gian hòa bình thế giới được hưởng sau biến cố Nước Nga trở lại như Mẹ Maria tiên báo đây sẽ kéo dài trong bao lâu?

 

Theo người viết, căn cứ vào lịch sử đang diễn tiến, thì giai đoạn “thế giới sẽ được hưởng một thời gian hòa bình” này đã hoàn toàn qua đi mất rồi, chỉ vỏn vẹn có 10 năm ngắn ngủi thôi, từ năm 1991 đến 2001. Tức từ chính ngày Lễ Chúa Giáng Sinh 25/12/1991, ngày kỷ niệm Trời Cao loan báo sứ  điệp “bình an dưới thế cho người Chúa thương”, qua biến cố Nước Nga tự động giải thể chế độ Cộng Sản, đến biến cố 911 (con số viết theo kiểu của người Mỹ báo hiệu tình trạng lâm nguy) ngày 11 tháng 9 năm 2001, ngày lịch sử thế giới bắt đầu một trận chiến mới, không còn là một thứ Chiến Tranh Lạnh - Chiến Tranh Chủ Nghĩa Chính Trị và Kinh Tế giữa hai khối Tư Bản và Cộng Sản thời hậu Thế Chiến Thứ Hai nữa, mà là Chiến Tranh Nóng - Chiến Tranh Xung Đột Văn Hóa và Tôn Giáo, với cuộc khủng bố tấn công giữa thanh thiên bạch nhật của một số phần tử thuộc thế giới Ả Rập (Hồi Giáo) vào ngay trung tâm kinh tế và chính trị của đệ nhất cường quốc Hoa Kỳ, (đối với thành phần khủng bố) tiêu biểu cho thế giới Tây Phương (Kitô Giáo).

 

Phải chăng lịch sử thế giới đi từ biến cố Nước Nga trở lại đến biến cố Hoa Kỳ bị khủng bố tấn công, từ Chiến Trạnh Lạnh sang Chiến Tranh Nóng như thế, đã và đang là những gì thực sự ứng nghiệm lời tiên đoán của Thánh Long Mộng Phố (Louis de Montfort) trong cuốn “Luận Về Lòng Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria” của ngài, một tác phẩm ngài đã viết từ đầu thế kỷ 18 và đã được phổ biến giữa thế kỷ 19 (năm 1843), như sau:

 

Mẹ Maria, theo lệnh của Đấng Tối Cao, chính là vị sẽ trang bị cho họ (thành phần môn đệ đích thực của Chúa Giêsu Kitô), để vương quốc của Ngài bao trùm trên vương quốc của người vô đạo, vương quốc của kẻ tôn thờ ngẫu tượng và vương quốc của Tín Đồ Hồi Giáo” (đoạn 59).

 

Thật thế, lịch sử đã cho thấy lời tiên báo này của Thánh Long Mộng Phố đã và đang trở thành sự thật, ở chỗ, vương quốc thứ nhất là vương quốc của người vô đạo, được hiện thân nơi chế độ vô thần Cộng Sản, đã bị vương quốc của Thiên Chúa là Giáo Hội Công Giáo nói chung và thế lực thiêng liêng của Đức Gioan Phaolô II nói riêng bao trùm, qua hiện tượng tự động sụp đổ của Khối Cộng Sản Đông Âu năm 1989 và tự động giải thể của Khối Cộng Sản Liên Bang Sô Viết năm 1991. Nếu cả một lực lượng Cộng Sản đầu não của Cộng Sản là Liên Sô và Đông Âu còn bị vương quốc của Thiên Chúa bao trùm như thế, thì vấn đề tồn tại của chế độ Cộng Sản nơi một số quốc gia hiện nay là dấu chứng cho thấy, một khi tới giờ Chúa muốn và theo cách Chúa muốn, chế độ còn lại này sẽ qua đi như quan thày Liên Sô và đàn anh Đông Âu của nó mà thôi. Không phải hay sao, nhân loại đang chứng kiến thấy một hiện tượng Cộng Sản chẳng những đang bị lu mờ trước nạn khủng bố toàn cầu hiện nay, mà còn đang tự lột xác biến dạng theo chủ nghĩa tư bản.

 

Nếu vương quốc của Thiên Chúa, như lịch sử cho thấy, đã quả thực bao trùm vương quốc của thành phần vô đạo là Cộng Sản như thế, thì vương quốc của Thiên Chúa sẽ bao trùm vương quốc thứ hai, vương quốc của lực lượng tôn thờ ngẫu tượng là một thế giới Tây Phương duy nhân bản, chỉ biết tôn thờ con bò vàng tuyệt đối tự do “pro choice” ở mọi lãnh vực của cuộc sống văn minh vật chất và nhân quyền của mình này ra sao? Có thể xẩy ra theo chiều hướng đại kết Kitô Giáo đang diễn tiến hết sức phấn khởi như thế này.

 

Đúng vậy, nếu xuất thân từ Balan, từ Đông Âu, Đức Gioan Phaolô II đã làm cho Cộng Sản Đông Âu Sụp Đổ, kéo theo cả sự sụp đổ của Bức Tường Bá Linh (Berlin Wall) là biểu hiệu cho tình trạng phân cách Châu Âu, một Đông Âu và một Tây Âu, thì Giáo Hoàng Biển Đức XVI, xuất thân từ Tây Âu, từ Đức Quốc, từ một quốc gia gây ra hai Thế Chiến trong thế kỷ  Thiên Chúa quan phòng sử dụng để thực hiện cho một Âu Châu Hiệp Nhất như vậy. Chính vị Giáo Hoàng Biển Đức XVI này, trong bài giảng cho Hồng Y Đoàn tại Nguyện Đường Sistine ngày 20/4/2005, ngay sau ngày được bầu làm giáo hoàng, đã minh nhiên khẳng định chủ trương ưu tiên hàng đầu của giáo triều ngài là vấn đề Đại Kết Kitô Giáo. Bởi vì, chỉ khi nào Tây Phương, tiêu biểu là Âu Châu, trở về với căn tính Kitô Giáo của mình, qua việc Hiệp Nhất Kitô Giáo, bấy giờ họ mới có thể làm cho Âu Châu Hiệp Nhất, một Âu Châu hiện đang quằn quại dậm chân tại chỗ theo chiều hướng duy kinh tế và chính trị đầy bất nhất, và một khi Âu Châu Hiệp Nhất, thì Kitô Giáo, hiện thân vương quốc của Thiên Chúa, “vương quốc của Đấng Tối Cao” sẽ có thể và mới có thể “bao trùm vương quốc của tín đồ Hồi Giáo”.

 

Bằng không, với những cuộc khủng bố tấn công tự sát theo chủ nghĩa tuyệt mạng và bảo thủ cuồng tín của một số con người thuộc tín đồ Hồi Giáo, những cuộc khủng bố tấn công chẳng những vào các cơ sở đầu não về chính trị và kinh tế các cường quốc (Mỹ, Tây Ban Nha, Anh,v.v.), mà còn cả vào các nơi ăn chơi của người Tây Phương, hay theo kiểu Tây Phương, ở bất cứ nơi nào trên thế giới nữa (điển hình nhất ở Bali năm 2002), phần thắng trong cuộc Chiến Tranh Nóng, cuộc Chiến Tranh Xung Đột Văn Hóa và Tôn Giáo này, có thể sẽ về tay Hồi Giáo. Họ thắng không phải vì họ có vũ khí và lực lượng quân sự lẫn kinh tế mạnh hơn Tây Phương, nhưng vì Đấng Quan Phòng Thần Linh muốn dùng họ để trừng phạt thế giới Tây Phương văn minh tội lỗi, như Ngài đã từng sử dụng “cái roi” Cộng Sản để trừng trị con cái của Ngài vì những bất công xã hội xẩy ra từ Thời Cách Mạng Kinh Tế.

 

Bấy giờ, phải, chỉ bấy giờ Kitô giáo, Công Giáo, Chính Thống Giáo, Anh Giáo và các giáo phái Tin Lành, vì định mệnh tồn vong của chung đạo giáo của mình, mới có thể gắn bó với nhau, mới có thể nhờ đó tiến đến chỗ hiệp nhất nên một Giáo Hội duy nhất như Chúa Kitô mong muốn, một tình trạng hiệp nhất mà nếu không ở trong hoàn cảnh như một dân Do Thái bị lưu đầy Babylon như thế, Kitô giáo chắc không thể nào, hay rất khó lòng đạt được, dù có cố gắng đối thoại đại kết với nhau cả  40 năm trời, từ ngay sau Công Đồng Chung Vaticanô II (11/10/1962-8/12/1965). Nếu thực sự cần phải bị trừng trị bởi cái roi “Hồi Giáo”, Kitô giáo mới hiệp nhất nên một, thì không phải là Hồi Giáo chỉ là dụng cụ Thiên Chúa muốn dùng để thưc hiện ý định của Ngài hay sao, trong việc biến dữ nên lành cho những ai tin vào Ngài. Đằng nào thì cuối cùng “vương quốc của Đấng Tối Cao (cũng) bao trùm vương quốc của tín đồ Hồi Giáo” vậy. 

 

(còn tiếp nhiều kỳ)

 

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ