GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ TƯ 12/7/2006

 TUẦN XIV THƯỜNG NIÊN

 

?  Thực Hiện Ngày Họp Thế Giới Các Gia Đình ở Tây Ban Nha 8-9/7/2006: Bài 22.- ĐTCGPII “Hỡi các đôi phối ngẫu Kitô hữu, anh chị em hãy là ‘tin mừng cho ngàn năm thứ ba’ bằng việc minh chứng một cách sống động và kiên trì cho chân lý về gia đình. ...'"

?  Thế Giới Hồi Giáo với Hiện Tượng Khủng Bố Hiện Đại và Nỗ Lực Đối Thoại của Giáo Hội Công Giáo - Bài 12: “Hồi Giáo tại Âu Châu”, một cuộc cách mạng âm thầm

?  Giáo Hoàng Biển Đức XVI - Giáo Huấn Sống Chân Lý và Đức Tin: Bài 8 - “Đức tin không phải chỉ là việc chấp nhận một số các chân lý trừu tượng ... Đức tin là ở chỗ sống liên hệ thân mật với Chúa Kitô

 

 

? Thực Hiện Ngày Họp Thế Giới Các Gia Đình ở Tây Ban Nha 8-9/7/2006: Bài 22.- ĐTCGPII “Hỡi các đôi phối ngẫu Kitô hữu, anh chị em hãy là ‘tin mừng cho ngàn năm thứ ba’ bằng việc minh chứng một cách sống động và kiên trì cho chân lý về gia đình. ...'"

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

 

C

hưa bao giờ đời sống hôn nhân gia đình bị khủng hoảng như hiện nay, kể từ thập niên 1960, thời điểm nạn ly dị bắt đầu được hợp pháp hóa, càng gia tăng hơn trong thập niên 1970, thời điểm nạn phá thai cũng được hợp thức hóa, và càng thừa thắng xông lên mãnh liệt hơn bao giờ hết tại Hội Nghị Liên Hiệp Quốc ở Cairô Ai Cập về Dân Số năm 1994, cũng như tại Hội Nghị Liên Hiệp Quốc ở Bắc Kinh về Phụ Nữ năm 1995.

 

Theo quan điểm Kitô giáo, trước trào lưu văn hóa sự chết đang nổi lên như cơn biển động sóng thần Tsunami ngày 26/12/2004 ở Nam Á, thì đời sống hôn nhân gia đình đang bị cá nhân chủ nghĩa và duy thực dụng chủ nghĩa sặc mùi duy vật vô thần khủng bố tấn công một cách trắng trợn và tàn bạo dã man như đã từng xẩy ra tại Hoa Kỳ ngày 11/9/2001.

 

Thật thế, theo mạc khải thần linh, một mạc khải được Thánh Kinh Cựu Ước ghi nhận qua Sách Khởi Nguyên ở đoạn 2 câu 21-24 về hôn nhân, và ở đoạn 1 câu 27-28 về sinh sản, thì ngay từ ban đầu Đấng Hóa Công Tối Cao đã cố ý dựng nên con người có nam có nữ để kết hợp họ lại với nhau, mà sinh sôi nẩy nở đầy mặt đất. 

 

Thế nhưng, ngày nay, chính lúc con người ở vào thời điểm chẳng những tối tân về văn mình vật chất theo khoa học và kỹ thuật, mà nhất là còn tột đỉnh về cả văn minh nhân bản theo ý thức nhân quyền của họ, họ lại tỏ ra coi trời bằng vung. Ở chỗ, trước hết, họ hạ bệ Đấng Hóa Công xuống khỏi vị thế tối cao của Ngài, khi họ loại bỏ tính cách bất khả phân ly của hôn nhân bằng luật cho phép ly dị, và hủy hoại khả năng sinh sản và chính sự sống con người bằng luật cho phép phá thai. Tiếp theo đó, tức sau khi đã hạ bệ Đấng Tối Cao xuống rồi, bằng việc truất phế các lề luật tự nhiên bất di bất dịch của Ngài, họ đã thay thế vào chỗ của Ngài, thay thế chính Ngài, thay thế các lề luật của Ngài, bằng các thứ ngẫu tượng của họ, bằng con bò vàng được ngành lập pháp dân chủ của họ tạo ra, như luật cho phép đồng tính hôn nhân thay cho hôn nhân dị tính, và luật cho phép tạo sinh ngoại nhiên thay cho tạo sinh tự nhiên, kiểu tạo sinh ngoại nhiên ống nghiệm, tạo sinh thai mướn, tạo sinh tuyển giống, tạo sinh sao bản cloning v.v. 

 

Tại một cuộc hội thảo do Đại Học Lateran tổ chức có một bản phân tích các con số thống kê cho thấy một đổi thay đáng lo ngại trong vòng 20 năm (1981-2001). Theo bản tường trình này trong tờ nhật báo Corriere della Sera số ra ngày 19/3/2005 thì ở Ý vào năm 1981 các cuộc hôn nhân ở mức 5.6 trên 1000, với tổng số 316.953, nhưng vào năm 2001 mức độ đã giảm xuống còn 4.5 vụ trên 1000, hay 260.904 vụ kết hôn thôi.

 

Những cặp chung sống ngoại hôn cũng tăng. Năm 1993 có 277 ngàn cặp, năm 2001 có 453 ngàn cặp ở Ý. ĐGM Dante Lafranconi giáo phận Cremona tường trình ở buổi hội thảo này là khoảng một nửa cặp tham dự khóa dự bị hôn nhân đã sống với nhau rồi.

 

Những con số mới nhất về gia đình Ý quốc của văn phóng thống kê nước này là ISTAT cũng cho thấy mối quan ngại này. Trong năm 2002-2003, thành phần độc thân chiếm 25.4% các đơn vị gia đình, so với 21% trong thời khoảng 1994-1995 theo tường trình 10/2004 trên tờ Corriere della Sera. Con số các cặp sống chung ngoại hôn là 564.000.

 

Tây Ban Nha cũng bị thử thách nặng về đời sống hôn nhân gia đình. Một bài báo trên tờ La Razón phổ biến một bản tường trình được Viện Chính Trị Gia Đình thực hiện cho thấy 60% gia tăng trong việc ly hôn và ly dị 8 năm qua, với con số là 134.931 trong năm 2004.

 

Tờ nhật báo Guardian hôm 17/12/2004 đã tường trình những dữ kiện được Văn Phòng Thống Kê Quốc Gia cho thấy là có 41% cuộc sinh nở ở Anh quốc và Wales vào năm 2003 xuất phát từ những cuộc giao du tình dục ngoại hôn. Con số này cao hơn một thập niên trước chỉ 12%. Ở những vùng đông bắc hai nước này, còn số tăng lên tới 50%.

 

Tờ nhật báo Telegraph ở Luân Đôn đã phổ biến hôm 5/2/2005 rằng cũng theo văn phòng thống kê trên thì con số thành hôn trong năm 2003 tăng lên 4.7% so với năm trước đó, tức tăng lên 267.770 cuộc. Tuy nhiên, sở dĩ con số này tăng là vì tăng tái hôn sau ly dị. Thật vậy, trong năm 2003 chỉ có 59% cặp là thành hôn một lần. Tuổi trung bình lập gia đình lần đầu tiên ở 2 quốc gia này là 29 ở giới nữ và 31 ở nam giới, so với 40 năm trước đây, nam ở tuổi 26 và nữ ở tuổi 23.

 

Ở Bắc Mỹ tình hình cũng không kém trầm trọng. Một bản tường trình của văn phòng Thống Kê Gia Nã Đại cho thấy tình trạng gia tăng kinh khủng nơi những cuộc ly dị đi ly dị lại. Trong một bài viết trong tháng 3/2005, tờ nhật báo Globe and Mail tường trình là 16.2% của các cuộc ly dị trong năm 2003 liên quan đến nam giới đã từng ly dị trước đó. Con số ở nữ giới là 15.7%. Tất cả có 70.828 vụ ly dị trong năm 2003, tăng 1% so với một năm trước đó với 70.155 vụ.

 

Nữ giáo sư Đại Học York, một trong những chuyên viên thượng thặng về hôn nhân và ly dị ở Canada là Anne-Marie Ambert nhận định như thế này:

 

“Chúng ta … là một xã hội rất ư cá nhân chủ nghĩa, và chúng ta coi trọng việc chọn lựa, chúng ta coi trọng việc tình tứ, và chúng ta càng trở thành ít có thể chịu đựng nổi bất cứ điều gì sai trái. Chúng ta càng ít muốn giải quyết những rắc rối về mối liên hệ. Thật là dễ dàng đổ vỡ hôn nhân hơn trong quá khứ”.

 

Một bài báo khác cũng trong tờ nhật báo trên còn bày tỏ mối quan tâm về tình trạng hôn nhân ở Canada. Con số đổ vỡ hôn nhân trước khi kỷ niệm 30 năm năm lấy nhau lên tới 38.3% vào năm 2003, trong khi đó, các chính trị gia lại bận tâm với vấn đề ngả theo chiều hướng hôn nhân đồng tính, và chẳng làm gì để giúp cho các cặp vợ chồng có thể thủy chung với nhau.

 

Bài chủ biên của tờ báo này viết rằng: “Ly dị được coi là vấn đề tư riêng giữa vợ chồng với nhau, một chọn lựa riêng tư không liên quan gì tới chính quyền và xã hội là bao. Điều này rõ ràng là sai trái. Ly dị không phải chỉ là một thảm cảnh cho các đôi phối ngẫu. Nó là một rắc rối cho mọi người khác nữa”. Sauk hi đề cập đến hậu quả tác hại cho con cái cũng như cho chính các cặp vợ chồng, bài chủ biên này kết luận: “Khi một cuộc hôn nhân kết thúc, là một gia đình bị hủy diệt giống hệt như một ngôi nhà bị cháy rụi. Hết mọi cuộc ly dị là một thảm cảnh vậy”.

 

Ở Liên Hiệp Quốc, theo Associated Press tường trình ngày 1/12/2004, Văn Phòng Kiểm Tra Dân Số cho thấy con số trong năm 2003 là 1/3 nam nhân và gần 1/4 nữ giới ở vào tuổi từ 30 đến 34 chưa bao giờ lập gia đình. Con số này gần 4 lần trong năm 1970. Con số sinh nở ngoại hôn lên đến gần 35% trong năm 2003, so với 11% trong năm 1970.

 

Ở Úc Châu cũng thế. Căn cứ vào tín liệu của cuốn Niên Giám Úc Châu 2005 do Văn Phòng Thống Kê phổ biến, tờ nhật báo Úc Châu hôm 22/1/2005 tường trình là các gia đình có cả cha lẫn mẹ và tối thiểu là 1 đứa con chỉ ở vào khoảng 47%. Những gia đình chỉ có một cha hay mẹ từ 552 ngàn năm 1991 lên tới 763 ngàn trong năm 2001.

 

Đại Hội của Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu (FABC: Federation of Asian Bishops' Conferences) đã kết thúc với lời kêu gọi mạnh mẽ là hãy bênh vực và cổ võ các giá trị về gia đình. Cuộc Đại Hội lần này ở Daejon Nam Hàn có chủ đề “Gia Đình Á Châu Hướng Về Một Nền Văn Hóa Sự Sống”, với sự tham dự của 189 đại biểu và phái viên, trong đó có 92 vị giám mục (bao gồm cả 6 vị hồng y), và khoảng 100 vị linh mục, tu sĩ và giáo dân. Ngoài ra Đại Hội này còn có sự tham dự của hai vị đại diện Tòa Thánh là ĐTGM Robert Sarah, bí thư của Thánh Bộ Truyền Bá Phúc Âm Hóa Các Dân Tộc, và ĐHY Fumio Hamao, chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh Đặc Trách Thành Phần Di Dân và Du Hành. Đại Hội được kết thúc hôm Thứ Hai 23/8/2004.

 

Trong diễn từ khai mạc Đại Hội, ĐTGM Sarah đã nói rằng “gia đình cần phải được coi là khởi điểm của hết mọi con người và kinh nghiệm Kitô giáo. Chính ở trong các ngôi nhà, ở nơi các gia đình mà chúng ta biết nói đến Thiên Chúa, đến Chúa Kitô và đến Thần Linh. Không có gia đình, đức tin và các giá trị về luân lý không có gốc rễ.

 

Vị TGM này cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc bảo tồn các giá trị truyền thống của hôn nhân và gia đình, bắt đầu với kinh nghiệm và văn hóa của các dân tộc Phi Châu và Á Châu. Thật vậy, nó là một di sản đang trải qua một cuộc khủng hoàng trầm trọng ở Tây Phương. Đúng thế, trong những quốc gia kỹ nghệ hóa, “các nhà lập pháp coi thường cái thiết yếu của việc hiệp nhất gia đình đối với phúc hạnh của xã hội”.

 

Bản văn gợi ý của Đại Hội này thôi thúc các vị giám mục hãy cổ võ gia đình bằng “cuộc hạ sinh của một nền văn hóa sự sống”.

 

Đó là lý do, trước hiện trạng đời sống hôn nhân gia đình càng ngày càng bị tấn công và phá sản đến tận gốc rễ như thế, đến biến dạng quá thảm thương như thế, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, trong huấn từ ngày 30/1/2003 ngỏ cùng Pháp Đình Roma dịp Mở Năm Tài Phán, ở đoạn số 3, đã nhận định về căn nguyên sâu xa của nó và từ đó khuyến dụ phương thức cứu vãn tình thế hết sức khẩn trương này như sau:

 

·         “Cái liên hệ giữa trào lưu tục hóa và cuộc khủng hoảng đời sống hôn nhân gia đình hẳn nhiên đã quá rõ ràng. Cuộc khủng hoảng liên quan đến ý nghĩa về Thiên Chúa cũng như ý nghĩa về thiện ác theo luân lý đã thành đạt trong việc làm suy giảm cái quen thuộc đối với những nền tảng của đời sống hôn nhân cũng như đời sống gia đình được bắt nguồn từ hôn nhân. Để có thể hiệu nghiệm phục hồi sự thật nơi lãnh vực này, cần phải tái nhận thức chiều kích siêu việt được gắn liền với tất cả sự thật về hôn nhân và gia đình, bằng việc thắng vượt hết mọi phân rẽ có khuynh hướng chia lìa các khía cạnh trần tục với khía cạnh đạo giáo như thể có hai cuộc hôn nhân, một cuộc hôn nhân trần tục và một cuộc hôn nhân linh thánh”.

 

Chưa hết, trong huấn từ gửi cho Cuộc Họp Thế Giới Các Gia Đình lần IV, một cuộc họp diễn ra tại Phi Luật Tân ngày Thứ Bảy 25/1/2003, ĐTC Gioan Phaolô II còn phấn khích các đôi hôn nhân Kitô hữu làm tông đồ cho đời sống hôn nhân gia đình nữa:

 

·         “Hỡi các đôi phối ngẫu Kitô hữu, anh chị em hãy là ‘tin mừng cho ngàn năm thứ ba’ bằng việc minh chứng một cách sống động và kiên trì cho chân lý về gia đình. ...

 

·         “Sau hết, hỡi các gia đình Kitô hữu, nếu anh chị em muốn là “tin mừng cho ngàn năm thứ ba”, anh chị em đừng quên rằng, gia đình cầu nguyện là đường lối vững chắc để tiếp tục liên kết với nhau theo đường lối đúng như ý muốn của Thiên Chúa.

 

·         “Khi Tôi công bố Năm Mân Côi mấy tháng trước đây, Tôi đã khuyên thực hiện việc tôn sùng Thánh Mẫu này như là một kinh nguyện của gia đình và cho gia đình. Bằng việc đọc kinh Mân Côi, các gia đình ‘lấy Chúa Giêsu làm tâm điểm, họ chia vui sẻ buồn với Người, họ đặt các nhu cầu và dự tính của họ trong tay của Người, họ tìm thấy nơi Người niềm hy vọng và sức mạnh để tiến lên’ (Rosarium Virginis Mariae, 42)”. (đoạn 5)

 

Tuy nhiên, muốn đáp ứng những lời huấn dụ của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II trên đây theo chiều hướng vừa ý thức: “cần phải tái nhận thức chiều kích siêu việt được gắn liền với tất cả sự thật về hôn nhân và gia đình”, vừa dấn thân “là ‘tin mừng cho ngàn năm thứ ba’ bằng việc minh chứng một cách sống động và kiên trì cho chân lý về gia đình”, thành phần sống đời hôn nhân gia đình theo tinh thần Kitô giáo, theo vị Giáo Hoàng của văn hóa sự sống này, thì, về phương diện áp dụng thực hành, họ trước hết cần phải thể hiện việc “gia đình cầu nguyện là đường lối vững chắc để tiếp tục liên kết với nhau theo đường lối đúng như ý muốn của Thiên Chúa”, một thể hiện rõ ràng nhất được tỏ ra “bằng việc đọc kinh Mân Côi”, nhờ đó, “các gia đình ‘lấy Chúa Giêsu làm tâm điểm, họ chia vui sẻ buồn với Người, họ đặt các nhu cầu và dự tính của họ trong tay của Người, họ tìm thấy nơi Người niềm hy vọng và sức mạnh để tiến lên’”.

 

 

TOP

 

 

 ? Thế Giới Hồi Giáo với Hiện Tượng Khủng Bố Hiện Đại và Nỗ Lực Đối Thoại của Giáo Hội Công Giáo - Bài 12: “Hồi Giáo tại Âu Châu”, một cuộc cách mạng âm thầm

 

Giáo sư thần học Jose Marales ở Đại Học Navarre, người đã từng nghiên cứu về ảnh hưởng của Hồi giáo ở Âu Châu, và vừa được Eunsa xuất bản tác phẩm “Musulmanes en Europa” (Hồi Giáo ở Âu Châu) của ông. Trong cuộc phỏng vấn với mạng điện toán toàn cầu Zenit, ông cho biết “cuộc cách mạng âm thầm” của Hồi giáo ở châu lục này đã bùng nổ ở cuộc nổi dậy ở Pháp quốc từ ngày 27/10/2005 kéo dài cho tới khi Zenit phổ biến bài phỏng vấn hôm 7/11/2005 vẫn chưa chấm dứt mà còn lại càng dữ dội hơn nữa, đến  nỗi chính phủ phải ra lệnh giới nghiêm.

 

Vấn:     Những người Âu Châu, đặc biệt là những người Tây Ban Nha, “không nghĩ là có được một mối liên hệ chân thành khả dĩ giữa những người Hồi giáo và Tây phương”. Đây là một khẳng định mãnh liệt. Ông có thể nào nói mạnh hơn thế nữa chăng?

 

Đáp:    Tôi nói một cách tổng quát nên cũng có những trường hợp trừ. Những người Hồi giáo được coi như thành phần thuộc về một thế giới văn hóa khác và là người có một cảm nhận khác với chúng ta liên quan tới những vấn đề quan trọng đối với việc tổ chức về đời sống cũng như việc cùng nhau chung sống.

 

Khi tôi nói rằng “mối liên hệ chân thành” là tôi có ý nói tới một mối liên hệ cá biệt có một chiều sâu nào đó cũng như tới một cộng đồng hướng tới “chân trời hiện hữu”.

 

Nhiều người Âu Châu chúng ta có những người bạn Hồi giáo tuyệt vời, rất trung tín và thật sự là mến thương. Ngoài ra, những người bạn ấy cần phải được hội nhập vì những lý do công ăn việc làm, an sinh xã hội, chăm sóc y tế, vấn đề nhà cửa, vấn đề học hành cho con cái của họ v.v.

 

Thế nhưng, tự mình, họ thường không đồng hóa, tức là, họ không trở thành một phần tử cần thiết và chủ động của xã hội. Họ hội nhập theo đòi hỏi thực tiễn song sống ở một biệt khu của mình.


Vấn:     Ông có coi Hồi giáo Âu Châu năng động và cởi mở hơn là ở các quốc gia chính gốc của tôn giáo nay àay chăng?

 

Đáp:    Cón quá sớm để nói đến điều này. Nó là một tiến trình đang diễn tiến và chúng ta không thể biết nó sẽ xoay vần ra sao hết.

 

Sự kiện đó là, hiện nay, Hồi giáo ở Âu Châu là một tấm vi thạch khảm của các thứ thái độ, trào lưu, phái nhóm và giáo phái đang cố gắng để chiếm được quyền lực và ảnh hưởng trên tín đồ Hồi giáo sống ở chân lục này.

 

Vào lúc này đây thì chưa có dấu hiệu nào cho người ta thấy về một Hồi giáo Âu Châu năng động và cởi mở hơn là ở chính các nguyên quốc của tôn giáo này.

 

Chắc chắn là có những cá nhân cởi mở hơn nhưng ít có ảnh hưởng trên tập thể Hồi giáo là tập thể tuân giữ các thứ luật lệ về xã hội học một cách cứng cỏi hơn và chuyển hóa một cách chậm rãi không thể tưởng tượng nổi.  

Vấn:     Ông nói xa xa tới một số đáng kể thành phần ở Âu Châu trở lại theo Hồi giáo. Đâu là lý do cho thấy cái thu hút này của Hồi giáo?

 

Đáp:    Tôi không nghĩ rằng tôi đã nói ở đâu là con số “trở lại” Hồi giáo từ những người Âu Châu là con số đáng kể.

 

Trái lại, tôi đã cố gắng làm giảm nhẹ tầm quan trọng của hiện tượng về những người không nhiều thì ít gắn bó với Hồi giáo, và tôi nói rằng nó là một biến cố không đáng kể, một biến cố được phóng đại đáng kể vì những động lực sâu xa thầm kín và theo ý hệ.

 

Nó là một hiện tượng bên lề gây ra bởi không nhiếu thì ít cuộc khủng hoảng của Giáo Hội ở Âu Châu. Tôi nghĩ rằng hai chương của cuốn sách bàn về vấn đề này đã dẫn giải nó một cách rõ ràng. 


Vấn:     Những người Hồi giáo chê Kitô hữu có một đức tin “yếu kém”. Ông có nghĩ rằng điều này làm cho tín hữu Kitô giáo bừng tỉnh hay chăng?

 

Đáp:    Những người Hồi giáo biết rất ít về Kitô giáo, cũng như họ thường biết chút xíu về tôn giáo của họ vậy, ngoại trừ một số đáng kính nể.

 

Chắc chắn là họ có lý khi nói rằng Kitô hữu chúng ta có một đức tin yếu kém ở vào thời điểm lịch sử này đây. Tuy nhiên, tôi không nghĩ rằng chúng ta sẽ tỉnh giấc trước lời khuyên được những người Hồi hữu cống hiến cho chúng ta như thế hay là chính họ cảm nhận được về những người Kitô hữu.

 

Nói chung, họ nhìn chúng ta bằng con mắt oán hận, vì chúng ta thuộc về một nền văn minh làm chủ về kinh tế và chính trị.

 

Dĩ nhiên là có thể xẩy ra việc giao tiếp với Hồi giáo sẽ làm cho nhiều Kitô hữu tăng thêm cảm quan về căn tính truyền bá phúc âm hóa của họ và nhận thức rằng họ là những kho tàng của một thứ Mạc Khải không bởi con người tượng tượng ra.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 7/11/2005

 

 

TOP

 

 

?   Giáo Hoàng Biển Đức XVI - Giáo Huấn Sống Chân Lý và Đức Tin: Bài 8 - “Đức tin không phải chỉ là việc chấp nhận một số các chân lý trừu tượng ... Đức tin là ở chỗ sống liên hệ thân mật với Chúa Kitô

 

 

ĐTCBĐXVI: Bài Giảng cho Thánh Lễ ở Quảng Trường Pilsudzki tại Warsaw Sáng Thứ Sáu 26/5/2006

 

Chúc tụng Chúa Giêsu Kitô!

 

Anh Chị Em thân mến trong Chúa Kitô, Chúa chúng ta, ‘cùng với anh chị em tôi muốn hát bài thánh ca chúc tụng Đấng Quan Phòng thần linh đã cho tôi được đến đây như một người hành hương’. Hai mươi bảy năm trước đây, vị tiền nhiệm yêu dấu của tôi là Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã mở đầu bài giảng của ngài ở Warsaw bằng những lời lẽ ấy. Tôi cũng xin mượn những lời ấy và tạ ơn Chúa là Đấng đã cho tôi có thể đến đây hôm nay tạo Quảng Trường lịch sử này. Ở nơi đây, vào ngày áp Lễ Hiện Xuống, Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã thốt lên những lời nguyện cầu quan trọng ‘Xin sai Thần Linh Chúa xuống và xin canh tân bộ mặt trái đất’. Rồi ngài thêm: ‘Bộ mặt của mảnh đất này’. Chính nơi này đây đã chứng kiến việc long trọng cử hành lễ an táng cho một vị đại Giáo Chủ Balan là Đức Hồng Y Stefan Wyszynski mà trong những ngày này cử hành 25 năm kỷ niệm biến cố ấy.

 

Thiên Chúa đã liên kết hai con người này lại với nhau chẳng những bằng cùng một đức tin, đức cậy và đức mến, mà còn bằng cùng những thăng trầm về nhân loại giống nhau nữa, những thăng trầm thắt kết mỗi người trong họ rất mãnh liệt với lịch sử của nhân dân này cũng như với lịch sử của một Giáo Hội ở giữa thành phần dân ấy. Vào đầu Giáo Triều của mình, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã viết cho Đức Hồng Y Wyszynski như thế này: ‘Vị Giáo Hoàng Balan này hôm nay đây sẽ không ngồi trên Ngai Tòa Thánh Phêrô, mở màn cho một tân Giáo Triều với đầy lòng kính sợ Thiên Chúa song cũng đầy lòng tin tưởng, nếu không có đức tin của ngài, một đức tin không chịu khuất phục trước cảnh tù ngục và khổ đau, không có đức cậy anh hùng của ngài, việc ngài tin tưởng cho đến cùng nơi Người Mẹ Giáo Hội; nếu không có Jasna Góra cùng tất cả giai đoạn lịch sử này của Giáo Hội ở quê hương chúng ta liên quan tới việc ngài phục vụ với tư cách là một vị Giám Mục và là Giáo Chủ’ (Letter of Pope John Paul II to the Polish People, 23 October 1978). Hôm nay đây làm sao chúng ta không tạ ơn Thiên Chúa về tất cả những gì đã được hoàn thành nơi xứ sở của anh chị em cũng như trên toàn thế giới trong Giáo Triều của Đức Gioan Phaolô II chứ? Trước mắt của chúng ta là những thay đổi đã xẩy ra nơi toàn thể guồng máy chính trị, kinh tế và xã hội. Dân chúng ở các quốc gia khác nhau đã phục hồi lại được tự do và cảm quan về phẩm giá. ‘Chúng ta chớ há quên các việc kỳ công của Thiên Chúa’ (x Ps 78:7). Tôi cám ơn cả việc hiện diện của anh chị em cùng việc cầu nguyện của anh chị em nữa. Tôi cám ơn Đức Hồng Y Giáo Chủ về những lời lẽ ngài đã ngỏ cùng tôi. Tôi xin chào tất cả các vị Giám Mục đang hiện diện nơi đây. Tôi hân hạnh thấy Tổng Thống và các vị Thẩm Quyền quốc gia và địa phương đã đến đây. Tôi ấp ủ trong lòng mình tất cả nhân dân Balan cả ở quốc nội cũng như hải ngoại.

 

‘Hãy đứng vững trong đức tin của anh chị em’! Chúng ta vừa nghe những lời của Chúa Giêsu: ‘Nếu các con yêu mến Thày, các con sẽ tuân giữ các giới huấn của Thày. Và Thày sẽ cầu xin cùng Cha và Ngài sẽ ban cho các con một Đấng An Ủi khác để mãi ở với các con, đó là Thần Chân Lý’ (Jn 14:15-17a). Với những lời ấy, Chúa Giêsu mạc khải mối liên hệ sâu xa giữa đức tin và việc tuyên xưng Chân Lý Thần Linh, giữa đức tin và việc dấn thân cho Chúa Giêsu trong yêu thương, giữa đức tin với việc thực hành một đời sống được tác động bởi những huấn giới. Tất cả 3 chiều kích đức tin là hoa trái của tác động Thánh Linh. Tác động này được bộc phát như một quyền lực nội tại làm hòa hợp tâm can của thành phần môn đệ với Con Tim của Chúa Kitô và làm cho họ có thể yêu thương như Người đã yêu thương họ. Bởi vậy mà đức tin là một tặng ân, đồng thời cũng là một công tác.

 

‘Ngài sẽ ban cho các con một Đấng An Ủi khác – là Thần Chân Lý’. Đức tin, một kiến thức và là việc tuyên xưng chân lý về Thiên Chúa và về con người, ‘được xuất phát từ những gì đã nghe, và những gì nghe thấy được xuất phát từ việc rao giảng về Chúa Kitô’ (Rm 10:17). Qua giòng lịch sử của Giáo Hội, các Vị Tông Đồ đã rao giảng lời của Chúa Kitô, cẩn thận truyền đạt lời của Người một cách nguyên tuyền cho những ai thừa kế các ngài, rồi những vị thừa kế này lại có phận sự truyền đạt lời Người cho các thế hệ sau đó cho tới thời của chúng ta đây. Nhiều nhà truyền giảng Phúc Âm đã phải bỏ mạng sống mình một cách đặc biệt vì trung thành với sự thật của lời Chúa Kitô. Và vì thế mà việc quan tâm tới chân lý đã làm phát sinh ra Truyền Thống của Giáo Hội. Như trong các thế kỷ trước đã xẩy ra thế nào, ngày nay cũng thế, dân chúng và các phái nhóm cũng đang làm lu mờ đi cái Truyền Thống của nhiều thế kỷ này, khi họ tìm cách làm sai lệnh đi Lời của Chúa Kitô và loại bỏ khỏi Phúc Âm các chân lý mà theo họ khiến cho con người tân tiến quá nhức nhối khó chịu. Họ cố gắng gây ấn tượng là hết mọi sự đều là những gì tương đối thôi: cho dù đó là các chân lý của đức tin cũng phải lệ thuộc vào hoàn cảnh lịch sử và vào việc thẩm định của loài người. Tuy nhiên, Giáo Hội không thể bịt miệng Thần Chân Lý. Thành phần Thừa Kế Chư Tông Đồ, cùng với Vị Giáo Hoàng, đều có trách nhiệm với sự thật của Phúc Âm, và tất cả mọi Kitô hữu đều được kêu gọi để thông phần vào trách nhiệm này, bằng việc chấp nhận những ấn định theo thẩm quyền của các vị. Mọi Kitô hữu buộc phải liên tục đối chiếu các niềm xác tín riêng tư của mình với những giáo huấn của Phúc Âm cũng như Truyền Thống của Giáo Hội để nỗ lực tiếp tục trung thành với lời Chúa Kitô, cho dù lời của Người có gắt gao đòi hỏi, và có khó hiểu về phương diện con người trần gian chăng nữa. Chúng ta không được chiều theo khuynh hướng của tương đối chủ nghĩa hay của một thứ chủ quan và của việc dẫn giải Thánh Kinh tùy nghi. Chỉ có chân lý toàn vẹn mới hướng chúng ta về việc gắn bó với Chúa Kitô là Đấng đã chết và sống lại vì phần rỗi của chúng ta mà thôi.

 

Chúa Kitô nói: ‘Nếu các con yêu mến Thày…’. Đức tin không phải chỉ là việc chấp nhận một số các chân lý trừu tượng liên quan tới những mầu nhiệm về Thiên Chúa, về con người, về sự sống và về sự chết, về các thực tại tương lai. Đức tin là ở chỗ sống liên hệ thân mật với Chúa Kitô, một liên hệ được xuất phát từ lòng mến yêu Đấng đã yêu thương chúng ta trước (x 1Jn 4:11), thậm chí cho đến chỗ hoàn toàn hiến trọn bản thân mình. ‘Thiên Chúa chứng tỏ tình Ngài yêu thương chúng ta ở chỗ trong khi chúng ta còn là những tội nhân thì Chúa Kitô đã chết vì chúng ta’ (Rm 5:8). Còn đáp ứng nào chúng ta có thể tỏ ra cho một tình yêu thật cao cả như thế nếu không phải là đáp ứng của một con tim cởi mở và tỏ ra sẵn sàng yêu thương hay sao? Thế nhưng, việc yêu mến Chúa Kitô đây nghĩa là gì? Nghĩa là tỏ ra tin tưởng nơi Người cho dù trong những con thử thách, trung thành theo Người cho dù trên Đường Thập Giá Via Crucis, hy vọng rằng chẳng bao lâu sẽ xuất hiện bình minh Phục Sinh. Khi ký thác bản thân mình cho Chúa Kitô, chúng ta chẳng mất mất một sự gì hết, trái lại, chúng ta còn chiếm được mọi sự. Nơi bàn tay của Người cuộc sống của chúng ta đạt được ý nghĩa thực sự của nó. Tình yêu giành cho Chúa Kitô là ở chỗ tỏ ra hòa hợp đời sống của mình với những tư tưởng và cảm thức của Trái Tim Người. Điều này được đạt tới bằng mối hiệp nhất nội tâm nhờ ân sủng của các Bí Tích, được củng cố bằng việc liên lỉ nguyện cầu, chúc tụng, tạ ơn và thống hối. Chúng ta cần phải chuyên chú lắng nghe những tác động Người gợi lên qua Lời của Người, qua thành phần chúng ta gặp gỡ, qua những hoàn cảnh của cuộc sống thường nhật của mình. Yêu mến Người là tiếp tục đối thoại trao đổi với Người, để biết được ý Người muốn và thực hiện ý muốn ấy một cách mau chóng hiệu nghiệm.

 

Tuy nhiên, việc sống niềm tin tưởng riêng tư như mối liên hệ yêu thương với Chúa Kitô như thế cũng còn có nghĩa là sẵn sàng từ bỏ tất cả những gì gây ra việc chối từ tình yêu của Người nữa. Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu đã nói với các Tông Đồ rằng: ‘Nếu các con yêu mến Thày, các con sẽ tuân giữ các huấn lệnh của Thày’. Thế nhưng, các huấn lệnh của Chúa Kitô đây là gì? Khi Chúa Giêsu giảng dạy đoàn lũ quần chúng Người vẫn không quên xác nhận lề luật được Đấng Hóa Công in ấn vào lòng con người và phác họa trên các tấm Thập Điều. ‘Đừng nghĩ rằng Thày đến để hủy bỏ lề luật và các tiên tri; Thày đến không phải để hủy bỏ những điều ấy mà là làm cho chúng được nên trọn. Thật vậy, Thày nói cho các con hay, cho đến khi trời đất qua đi thì một chấm một phết cũng sẽ không qua đi nơi lề luật cho tới khi mọi sự được hoàn thành’ (Mt 5:17-18). Thế nhưng, Chúa Giêsu đã tỏ ra cho chúng ta thấy một cách sáng tỏ hơn cái tâm điểm chính yếu của lề luật thần linh được ban bố ở Núi Sinai, đó là tình yêu Thiên Chúa và tình lòng thương tha nhân: ‘Việc kính mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn và hết sức, cùng mến thương tha nhân như bản thân mình, là những gì quí hóa hơn tất cả mọi của lễ hiến dâng và hy tế’ (Mk 12:33). Thật vậy, nơi đời sống của mình cũng như nơi Mầu Nhiệm Vượt Qua của mình, Chúa Giêsu đã làm hoàn thành tất cả lề luật. Liên kết mình với chúng ta bằng tặng ân Thánh Linh, Người gánh vác với chúng ta và trong chúng ta ‘cái ách’ của lề luật là những gì trở thành ‘gánh nhẹ nhàng’ (Mt 11:30). Theo tinh thần này, Chúa Giêsu đã hình thành bản liệt kê về các phẩm tính nội tâm của những ai tìm cách sống niềm tin của mình một cách sâu xa, đó là phúc cho thành phần nghèo khó trong tinh thần, những ai khóc lóc, những ai hiền lành, những ai đói khát công chính, những ai xót thương, những ai có tấm lòng tinh khiết, những ai xây dựng hòa bình, những ai bị bắt bớ vì lẽ công chính… (x Mt 5:3-12).

 

Anh chị em thân mến, niềm tin như là việc gắn bó với Chúa Kitô được tỏ hiện như tình yêu thúc đẩy chúng ta cổ võ sự thiện được Đấng Hóa Công in ấn nơi bản tính của mọi con người nam nữ chúng ta, nơi nhân cách của hết mọi con người khác cũng như nơi hết mọi sự hiện hữu trên thế giới này. Bất cứ ai tin tưởng và yêu như thế đều trở thành một nhà xây dựng ‘nền văn minh yêu thương’ đích thực, một nền văn minh có Chúa Kitô là tâm điểm. Hai mươi bảy năm trước đây, ở địa điểm này đây, Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói: ‘Ngày nay Balan đã trở nên một mảnh đất của một thứ chứng từ đặc biệt hữu trách’ (Warsaw, 2/6/1979). Giờ đây tôi xin anh chị em hãy vun xới gia sản đức tin phong phú này là những gì đã được truyền đạt cho anh chị em bởi các thế hệ trước đây, cái gia sản về tư tưởng và việc phục vụ của một đại nhân Balan là Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Hãy đứng vững trong đức tin, hãy truyền đạt đức tin ấy cho con cái của anh chị em, hãy làm chứng cho ân sủng anh chị em đã cảm nghiệm hết sức dồi dào nhờ Thánh Linh qua giòng lịch sử. Chớ gì Mẹ Maria, Nữ Vương Balan, tỏ cho anh chị em thấy đường dẫn đến với Con của Mẹ, và chớ gì Mẹ đồng hành với anh chị em trong cuộc hành trình của anh chị em tiến tới một tương lai hạnh phúc đầy an bình. Chớ gì lòng trí anh chị em không bao giờ thiếu thốn tình yêu mến Chúa Kitô và Giáo Hội của Người. Amen!

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch trực tiếp từ văn khố điện toán toàn cầu của Tòa Thánh

 

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ