GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ SÁU 14/7/2006

 TUẦN XIV THƯỜNG NIÊN

 

?  Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Nguyên Văn Bài Giảng Thánh Lễ Bế Mạc ngày 9/7/2006 tại City of Arts and Sciences trong Cuộc Họp Thế Giới Các Gia Đình V - “Cần phải làm sao bảo đảm được rằng tiếng gọi của Thiên Chúa và tin mừng của Chúa Kitô tiến tới được với con cái của mình một cách rõ ràng nhất và trung thực nhất”

?  HIẾN CHƯƠNG VỀ CÁC QUYỀN LỢI CỦA GIA ĐÌNH

?  Giáo Hoàng Biển Đức XVI - Giáo Huấn Sống Chân Lý và Đức Tin: Bài 10 - “Việc dựng nhà trên Chúa Giêsu và với Chúa Giêsu đây nghĩa là dựng nhà trên một nền tảng được gọi là ‘tình yêu tử giá’”

 

 

? Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Nguyên Văn Bài Giảng Thánh Lễ Bế Mạc ngày 9/7/2006 tại City of Arts and Sciences trong Cuộc Họp Thế Giới Các Gia Đình V - “Cần phải làm sao bảo đảm được rằng tiếng gọi của Thiên Chúa và tin mừng của Chúa Kitô tiến tới được với con cái của mình một cách rõ ràng nhất và trung thực nhất”

 

Anh Chị Em thân mến,

 

Trong Thánh Lễ tôi hết sức vui mừng cử hành này, cùng với nhiều Quí Huynh của tôi trong hành Giáo Phẩm và rất nhiều vị linh mục, tôi tạ ơn Chúa cho tất cả anh chị em, một đám đông các gia đình yêu dấu hân hoan qui tụ lại nơi này, cùng với nhiều người khác ở các mảnh đất xa xôi đang theo dõi việc cử hành này qua truyền thanh và truyền hình. Tôi hết lòng ưu ái chào tất cả anh chị em.

 

Cả Bà Esther và Thánh Phaolô, như chúng ta đã nghe qua các bài đọc hôm nay, chứng thực rằng gia đình được kêu gọi để thực hiện việc truyền đạt đức tin. Bà Esther công nhận rằng: ‘Ngay từ khi tôi được sinh ra, tôi đã nghe nói trong chi tộc của gia đình tôi rằng Chúa, Ôi Chúa, đã mang Yến Duyên ra khỏi tất cả mọi dân nước’ (14:5). Thánh Phaolô đã tuân giữ truyền thống tổ tiên Do Thái của mình nơi việc tôn thờ Thiên Chúa bằng một lương tâm tinh tuyền. Ngài ca ngợi niềm tin chân thành của Timôthêu và nói với anh về ‘một đức tin trước hết được sống động nơi bà của anh là Lois và mẹ của anh là Eunice, mà giờ đây tôi tin rằng đang sống động nơi con’ (2Tim 1:15). Nơi những chứng từ thánh kinh ấy, gia đình bao gồm chẳng những cha mẹ và con cái, mà còn cả ông và và tổ tiên nữa. Bởi vậy gia đình đối với chúng ta như là một cộng đồng của các thế hệ và là một bảo đảm cho một gia sản của các truyền thống.

 

Không ai trong chúng ta ban cho chính mình sự sống hay tự mình biết cách sống động. Tất cả chúng ta đều lãnh nhận từ người khác cả chính sự sống lẫn những sự thật nồng cốt của sự sống, và chúng ta được kêu gọi để đạt tới tấm mức trọn hảo nơi mối liên hệ và niềm hiệp thông yêu thương với kẻ khác. Gia đình, được xây dựng trên hôn nhân bất khả tháo gỡ giữa người nam và người nữ, là biểu hiện cho khía cạnh sự sống liên hệ, con cái và hiệp thông này. Nó là một môi trường giúp cho con người nam nữ có thể được sinh ra cách xứng đáng, và tăng trưởng cùng phát triển một cách toàn vẹn.

 

Khi con cái được sinh ra, qua việc liên hệ của chúng với cha mẹ mình, chúng bắt đầu tham phần vào một thứ truyền thống gia đình có những cội gốc thậm chí còn cổ kính hơn nữa. Cùng với tặng ân sự sống, chúng còn lãønh nhận cả một gia sản kinh nghiệm. Cha mẹ có quyền và nhiệm vụ bất khả chuyển nhượng trong việc truyền đạt gia sản ấy cho con cái mình, ở chỗ giúp chúng thấy được căn tính của chúng, đưa chúng vào cuộc sống xã hội, nuôi dưỡng việc thực hành một cách hữu trách quyền tự do về luân lý của chúng cùng với khả năng của chúng trong việc yêu thương dựa trên căn bản chúng được yêu thương, nhất là giúp cho chúng có thể gặp gỡ Thiên Chúa. Con cái cảm nghiệm được sự tăng trưởng và chín chắn về nhân bản cho tới độ chúng tin tưởng chấp nhận cái gia sản này cùng với việc đào luyện làm cho chúng dần dần biến thành của chúng. Bởi thế chúng có thể thực hiện một thứ tổng hợp riêng tư cho chúng giữa những gì là được truyền đạt với những gì là mới mẻ, một tổng hợp mà mọi người và thế hệ được mời gọi để thực hiện.

 

Ở nguồn gốc của hết mọi con người nam nữ, do đó, cũng ở nơi tất cả mọi vai trò làm cha và làm mẹ của con người, chúng ta thấy Thiên Chúa Hóa Công. Đó là lý do, các cặp phối ngẫu cần phải chấp nhận người con được sinh ra cho họ, chẳng những như là đứa con riêng của họ còn là một người con của Thiên Chúa nữa, một người con tự chúng đáng được yêu thương và được kêu gọi để trở thành một người con trai hay con gái của Thiên Chúa. Chưa hết, mỗi một thế hệ, tất cả mọi vai trò làm thân phụ mẫu và hết mọi gia đình đều được bắt nguồn từ Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Thần.

 

Người cha của Bà Esther đã truyền đạt cho bà, cùng với những hồi niệm về những gì bà chịu đựng cùng với nhân dân của bà, hồi niệm về một vị Thiên Chúa là nguồn mạch của tất cả mọi sự và là Đấng tất cả được kêu gọi để đáp ứng. Hồi niệm về Thiên Chúa là Cha, Đấng đã chọn một dân tộc cho mình và là Đấng tác hành trong lịch sử vì phần rỗi của chúng ta. Hồi niệm về Người Cha này chiếu sáng căn tính sâu xa nhất của loài người chúng ta: chúng ta từ đâu đến, chúng ta là ai, và phẩm vị của chúng ta cao cả là chừng nào. Chắc chắn chúng ta từ cha mẹ của mình mà có và chúng ta là con cái của các vị, thế nhưng chúng ta cũng xuất phát từ Thiên Chúa là Đấng tạo dựng nên chúng ta theo hình ảnh Ngài và kêu gọi chúng ta trở nên con cái của Ngài. Bởi thế, ở nguồn gốc của hết mọi con người không có gì là ngẫu nhiên hay tình cờ cả, mà là một dự án yêu thương của Thiên Chúa. Điều này đã được Chúa Giêsu Kitô tỏ cho chúng ta biết, một Người Con đích thực của Thiên Chúa và là một con người toàn hảo. Người biết Người từ đâu tới và biết tất cả chúng ta đến từ đâu: từ tình yêu của Cha của Người và là Cha của chúng ta.

 

Bởi thế, đức tin không phải chỉ là một gia sản văn hóa, mà là một tác động liên tục giữa ân sủng Thiên Chúa là Đấng đang kêu gọi với quyền tự do của con người chúng ta là những gì có thể đáp lại hay chăng tiếng gọi của Ngài. Mặc dù không ai có thể đáp ứng thay cho kẻ khác, cha mẹ Kitô hữu vẫn được kêu gọi để thực hiện một chứng từ khả tín cho thấy niềm tin tưởng và hy vọng của họ. Cần phải làm sao bảo đảm được rằng tiếng gọi của Thiên Chúa và tin mừng của Chúa Kitô tiến tới được với con cái của mình một cách rõ ràng nhất và trung thực nhất.

 

Qua năm tháng, tặng ân này của Thiên Chúa được cha mẹ nêu lên trước mắt những con người nhỏ bé ấy cũng cần phải được vun trồng một cách khôn ngoan và dịu dàng, để làm thấm nhập nơi chúng một khả năng nhận thức. Nhờ đó, với chứng từ liên tục của tình yêu phối ngẫu nơi cha mẹ mình, được thấm nhiễm một đức tin sống động, và với sự phụ họa ưu ái của cộng đồng Kitô hữu, thành phần con cái được hỗ trợ hơn nữa trong việc sống xứng đáng với tặng ân đức tin của mình, trong việc khám phá ra ý nghĩa sâu xa nhất của đời sống chúng, cũng như trong việc đáp ứng với lòng hân hoan cảm tạ.

 

Gia đình Kitô hữu truyền đạt đức tin khi cha mẹ dạy cho con cái mình biết nguyện cầu, và khi họ cầu nguyện với chúng (x Tông Huấn Familiaris Consortio, 60); khi họ dẫn chúng đến với các phép bí tích và dần dần đưa chúng vào đời sống của Giáo Hội; khi tất cả hợp nhau đọc Thánh Kinh, để cho ánh sáng đức tin chiếu soi đời sống gia đình và chúc tụng Thiên Chúa như Người Cha của chúng ta.

 

Trong nền văn hóa hiện đại, chúng ta thường thấy một thứ tôn sùng thái quá quyền tự do của cá nhân như là một chủ thể tự lập, như thể chúng ta là thành phần tự tạo và tự mãn, không dính dáng gì tới mối liên hệ giữa chúng ta với người khác cũng như tới trách nhiệm của chúng ta đối với họ. Hiện đang có những nỗ lực muốn tổ chức đời sống của xã hội theo chiều hướng thuần túy theo các ước muốn chủ quan và phù phiếm, tách biệt khỏi những chân lý ưu tiên khách quan, như phẩm vị của mỗi một con người và những quyền lợi cùng nhiệm vụ bất khả chuyển nhượng của họ là những gì hết mọi nhóm xã hội được kêu gọi để phục vụ.

 

Giáo Hội không thôi nhắc nhở chúng ta rằng cái tự do đích thật của con người xuất phát từ việc chúng ta được dựng nên theo hình ảnh và tương tự như Thiên Chúa. Bởi thế việc giáo dục của Kitô Giáo là một thứ giáo dục trong tự do và cho tự do. ‘Chúng ta không thực hiện sự thiện như là thành phần nô lệ, thành phần không được quyền làm khác đi, thế nhưng chúng ta làm như thế là vì bản thân chúng ta có trách nhiệm với thế giới; vì chúng ta yêu mến sự thật và sự thiện, vì chúng ta yêu mến chính Thiên Chúa nên yêu thương cả các tạo vật của Ngài nữa. Đó là cái tự do thật sự mà Thánh Thần muốn chúng ta theo’ (Bài Giảng Lễ Vọng Hiện Xuống, 9/6/2006).

 

Chúa Giêsu Kitô là con người hoàn hảo, là mẫu gương của quyền tự do con cái, Đấng dạy chúng ta hãy chia sẻ với kẻ khác tình yêu của Người: ‘Như Cha đã yêu mến Thày thế nào Thày cũng yêu thương các con như vậy; các con hãy ở trong tình yêu của Thày’ (Jn 15:9). Và vì thế Công Đồng Chung Vatican II cũng dạy chúng ta rằng: ‘Các đôi phối ngẫu và cha mẹ Kitô hữu, tùy theo đường lối của mình, cần phải nhờ ân sủng nâng đỡ nhau suốt đời bằng một tình yêu thủy chung, và cần phải đào luyện con cái của mình là thành phần họ ưu ái lãnh nhận từ Thiên Chúa theo giáo huấn Kitô Giáo và các nhân đức phúc âm. Vì nhờ thế họ mới cho tất cả mọi người thấy được một mẫu gương của tình yêu thương bền bỉ và quảng đại, họ xây đắp mối tình huynh đệ bác ái, và họ sống như những chứng nhân và cộng tác viên cho việc trổ sinh hoa trái của Mẹ Giáo Hội, như một dấu hiệu của và như một sự tham phần vào tình yêu Chúa Kitô giành cho Vị Hôn Thê của Người và hiến thân cho vị hôn thê này’ (Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân, 41).

 

Mối tình yêu thương hoan lạc nhờ đó cha mẹ của chúng ta đã đón nhận chúng ta và giúp chúng ta những bước tập tễnh vào đời giống như một dấu bí tích và là việc kéo dài của mối tình Thiên Chúa nhân ái  yêu thương tạo dựng nên chúng ta. Cảm nghiệm được đón nhận và yêu thương bởi Thiên Chúa và bởi cha mẹ của chúng ta bao giờ cũng là nền tảng vững chắc cho việc tăng trưởng chân thực về nhân bản và việc phát triển chân thực, giúp chúng ta trưởng thành trên con đường tiến tới chân lý và yêu thương, và giúp chúng ta vượt ra khỏi bản thân mình để tiến vào mối hiệp thông với người khác cũng như với Thiên Chúa.

 

Để giúp chúng ta tiến bước trên con đường trưởng thành về nhân bản, Giáo Hội dạy chúng ta hãy tôn trọng và nuôi dưỡng cái thực tại diệu kỳ của cuộc hôn nhân bất khả tháo gỡ giữa người nam và người nữ đồng thời cũng là nguồn gốc của gia đình. Việc nhìn nhận và nâng đỡ cơ cấu hôn nhân này là một trong những dịch vụ cao cả nhất ngày nay có thể cống hiến cho công ích cũng như cho việc phát triển chân thực của các cá nhân cũng như các xã hội, và là phương tiện tốt nhất để bảo đảm phẩm vị, sự bình đẳng và quyền tự do thực sự của con người.

 

Trong trường hợp này, tôi muốn nhấn mạnh đến tầm quan trọng và vai trò tích cực của các đoàn thể khác nhau trong Giáo Hội đang thực hiện để nâng đỡ đời sống hôn nhân và gia đình. Bởi thế, ‘tôi muốn kêu gọi tất cả mọi Kitô hữu hãy thân ái và can đảm hợp tác với tất cả mọi người thiện chí đang phục vụ gia đình theo trách nhiệm của họ’ (Tông Huấn Familiaris Consortio, 86), nhờ đó, bằng việc chung sức hợp lực một cách đa dạng thích đáng về các hoạt động, họ sẽ góp phần vào việc cổ võ sự thiện đích thực của gia đình trong xã hội hiện đại.

 

Chúng ta hãy trở lại trong chốc lát với bài đọc một của Thánh Lễ hôm nay, được trích từ Sách Esther. Giáo Hội khi nguyện cầu thấy được nơi vị nữ hoàng khiêm hạ này trong việc hết lòng chuyển cầu cho đám dân đau khổ của bà một tiền thân của Mẹ Maria, Vị đã được Con Mẹ ban cho tất cả chúng ta như Mẹ của chúng ta; một tiền thân về Người Mẹ vì yêu thương bảo vệ gia đình của Thiên Chúa trong cuộc lữ hành trần gian của gia đình này. Mẹ Maria là hình ảnh và là mô phạm cho tất cả mọi người mẹ, cho sứ vụ cao cả của họ trong việc làm bảo quản viên của sự sống, cho sứ vụ của họ trong việ clàm thày dạy nghệ thuật sống và nghệ thuật yêu.

 

Gia đình Kitô hữu – gồm có người cha, người mẹ và con cái – bởi thế, được kêu gọi để thực hiện tất cả những điều ấy, không phải như llà một công việc bị áp đặt từ bên ngoài, trái lại, như một tặng ân của ân sủng bí tích hôn nhân được tuôn đổ xuống trên đôi phối ngẫu. Nếu họ tiếp tục cởi mở trước Thần Linh và van nài ơn trợ giúp của Ngài thì Ngài sẽ không ngừng ban cho họ tình yêu của Thiên Chúa là Cha được biểu lộ và hiện thân nơi Chúa Kitô. Sự hiện diện của Thần Linh sẽ giúp cho các đôi phối ngẫu không bị lạc mất cái mạch nguồn và tiêu chuẩn của việc họ yêu thương cùng tự hiến, và sẽ giúp họ hợp tác với Ngài để làm sự hiện diện ấy trở thành hữu hình cùng hiện thực nơi mọi khía cạnh của cuộc sống họ. Thần Linh cũng sẽ làm bừng lên nơi họ một khát vọng được hội ngộ vĩnh viễn với Chúa Kitô nơi nhà Cha của Người cũng là Cha của chúng ta. Và đó là sứ điệp hy vọng mà, từ Valencia, tôi muốn chia sẻ với tất cả mọi gia đình trên thế giới. Amen.  

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo mạng điện toán toàn cầu của Tòa Thánh

http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/homilies/2006/documents/hf_ben-xvi_hom_20060709_valencia_en.html

 

 

TOP

 

 

 ? HIẾN CHƯƠNG VỀ CÁC QUYỀN LỢI CỦA GIA ĐÌNH

 

Được Tòa Thánh gửi đến tất cả mọi người, mọi cơ cấu tổ chức và thẩm quyền còn quan tâm tới sứ vụ của gia đình trong thế giới ngày nay 22/10/1983

 

Lời Mở Đầu

 

Xét rằng:

A.            Các quyền lợi của con người, cho dù chúng được diễn tả như là quyền lợi của cá nhân, có một chiều kích xã hội sâu xa là chiều kích được thể hiện một cách bẩm sinh và trọng yếu nơi gia đình (x. "Rerum novarum", no. 9; "Gaudium et spes", no. 24.);

 

B.            Gia đình được đặt nền tảng trên hôn nhân là cuộc hợp nhất thân mật của một đời sống hỗ tương giữa một người nam và một người nữ, một cuộc hợp nhất được làm nên bởi việc tự nguyện giao kết, bởi việc công khai thể hiện mối liên kết hôn nhân bất khả phân ly, và bởi việc hướng về vấn đề truyền đạt sự sống (x. "Pacem in terris", Part 1; "Gaudium et spes", nos. 48 and 50; "Familiaris consortio", no. 19; "Codex Iuris Canonici", no. 1056);

 

C.            Hôn nhân là cơ cấu tự nhiên duy nhất được ký thác cho sứ vụ truyền đạt sự sống (x. "Gaudium et spes", no. 50; "Humanae vitae", no. 12; "Familiaris consortio", no. 28);

 

D.            Gia đình, một xã hội tự nhiên, hiện hữu trước Quốc Gia hay bất cứ cộng đồng nào khác, có những quyền hạn cố hữu bất khả chuyển nhượng (x. "Rerum novarum", nos. 9 and 10; "Familiaris consortio", no. 45);

 

E.             Gia đình, không phải chỉ là một đơn vị thuần pháp lý, xã hội và kinh tế, mà là một cộng đồng yêu thương và đoàn kết, một cộng đồng xứng hợp chuyên biệt để dạy dỗ và truyền đạt những giá trị về văn hóa, chủng tộc, xã hội, thiêng liêng và tôn giáo, thiết yếu cho việc phát triển và phúc hạnh của phần tử gia đình mình cũng như của xã hội (x. "Familiaris consortio", no. 43);

 

F.             Gia đình là nơi các thế hệ khác nhau gặp nhau và giúp nhau phát triển theo tầm mức khôn ngoan nhân bản và hòa hợp quyền lợi của cá nhân với các đòi hỏi khác của đời sống xã hội (x. "Gaudium et spes", no. 52; "Familiaris consortio", no. 21);

 

G.            Gia đình và xã hội, những gì liên hệ với nhau bởi những mối giây quan thiết và theo cơ cấu, có phận sự bổ túc nhau để bênh vực và phát triển thiện ích của mọi người và của nhân loại (x. "Gaudium et spes", no. 52; "Familiaris consortio", nos. 42 and 45);

 

H.            Kinh nghiệm của các nền văn hóa khác nhau suốt giòng lịch sử cho thấy xã hội cần phải nhìn nhận và bênh vực cơ cấu gia đình;

 

I.              Xã hội,  và nhất là Quốc Gia và các Tổ Chức Quốc Tế, cần phải bảo vệ gia đình bằng các biện pháp có tính cách chính trị, kinh tế, xã hội và pháp lý, nhằm củng cố mối hiệp nhất và bền vững của gia đình nhờ đó gia đình có thể thi hành phận sự đặc biệt của mình (x. "Familiaris consortio", no. 45);

 

J.             Các quyền lợi, các thứ nhu cầu trọng yếu, tình trạng phúc hạnh và những giá trị của gia đình, cho dù đang được bảo toàn mỗi ngày một hơn ở một số trường hợp, cũng thường bị bỏ qua và không phải là hiếm thấy xẩy ra trường hợp bị các thứ luật lệ, cơ cấu và chương trình kinh tế xã hội làm suy yếu đi (x. "Familiaris consortio", nos. 46);

 

K.            Nhiều gia đình bị bắt buộc phải sống trong những hoàn cảnh nghèo khổ làm cho họ không thể thi hành vai trò của họ một cách xứng đáng (x. "Familiaris consortio", nos. 6 and 77);

 

L.             Giáo Hội Công giáo, ý thức được sự thiện hảo của con người, của xã hội và của chính Giáo Hội qua đường lối gia đình, đã luôn coi gia đình là một phần trong sứ vụ của Giáo Hội trong việc loan báo cho tất cả mọi người biết dự án của Thiên Chúa được in ấn nơi bản tính con người liên quan tới hôn nhân và gia đình, để cổ võ và bênh vực hai cơ cấu ấy đối với tất cả những ai phạm đến chúng (x. "Familiaris consortio", nos. 3 and 46);

 

M.           Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới năm 1980 đã minh nhiên đề nghị phác họa một Bản Hiến Chương về Quyền Lợi của Gia Đình và phổ biến cho tất cả những ai liên hệ (x. "Familiaris consortio", no. 46);

 

Tòa Thánh, sau khi tham vấn với các Hội Đồng Giám Mục, giờ đây ban hành “Bản Hiến

Chương về Quyền Lợi của Gia Đình”, và tha thiết xin tất cả mọi Quốc Gia, mọi Tổ Chức

Quốc Tế, cùng tất cả mọi Cơ Cấu và con người quan tâm hãy cổ võ việc tôn trọng các thứ

quyền lợi này, và hãy bảo đảm cho việc thực sự nhìn nhận và tuân giữ chúng.

 

Khoản 1:

 

Tất cả mọi người đều có quyền tự do chọn lựa bậc sống của mình, bởi đó có quyền kết hôn

và lập gia đình hay ở độc thân. (x. "Rerum novarum", no. 9; "Pacem in terris", Part 1;

"Gaudium et spes", no. 26; "Universal Declaration of Human Rights", no. 16, 1)

a)       Mọi người nam nữ, khi tiến tới tuổi có thể kết hôn và có khả năng cần thiết, đều có quyền kết hôn và lập gia đình, hoàn toàn không biệt phân; những giới hạn trong việc hành sử quyền lợi này, dù có tính cách vĩnh viễn hay tạm thời, chỉ có thể áp dụng chỉ khi nào những đòi hỏi hệ trọng và khách quan của chính cơ cấu hôn nhân cũng như tính cách quan trọng về xã hội và công cộng của cơ cấu này cần đến; trong tất cả mọi trường hợp, những giới hạn ấy cần phải tôn trọng phẩm vị và các quyền lợi trọng yếu của con người (x. "Codes Iuris Canonici", nos. 1058 and 1077; "Universal Declaration", no. 16, 1).

 

b)    Những ai muốn kết hôn và lập gia đình đều có quyền đòi hỏi xã hội những điều kiện về luân lý, giáo dục, xã hội và kinh tế giúp họ có thể hành sử quyền kết hôn một cách hoàn toàn chín chắn và hữu trách (x. "Gaudium et spes", no. 52, "Familiaris consortio", no. 81).

 

c)     Các công quyền cần phải công nhận các thứ giá trị về cơ cấu của hôn nhân; không được coi trường hợp của những cặp sống không cưới hỏi gì ngang hàng với thứ hôn nhân có kết ước đàng hoàng (x. "Gaudium et spes", no. 52; "Familiaris consortio", nos. 81 and 82). 

Khoản 2:

 

Hôn nhân không thể bị kết ước ngoại trừ được đôi phu thê tự nguyện bày tỏ trọn vẹn lòng

ưng thuận của họ một cách xứng hợp (x. "Gaudium et spes", no. 52; "Codex Iuris Canonici",

no. 1057; "Universal Declaration", nos. 16, 2.).

a)             Đối với vai trò truyền thống của các gia đình ở một số nền văn hóa trong việc giúp con cái quyết định, cần phải tránh tất cả mọi áp lực làm ngăn trở việc quyết định chọn người phối ngẫu đặc biệt (x. "Gaudium et spes", no. 52).

 

b)            Những đôi sẽ lấy nhau có quyền tự do tôn giáo. Bởi thế, việc áp đặt như là một điều kiện cần có để thành hôn là phải chối bỏ niềm tin hay tuyên xưng niềm tin là những gì trái với lương tâm, vi phạm đến quyền này (x. "Dignitatis humanae", no. 6).

 

c)             Những người phối ngẫu, theo tính cách bổ túc tự nhiên hiện hữu giữa nam nhân và nữ giới, đều được hưởng cùng một phẩm vị và những quyền tương đương về vấn đề hôn nhân (x. "Gaudium et spes", no. 49; "Familiaris consortio", nos. 19 and 22; "Codex Iuris Canonici", no. 1135; "Universal Declaration", no. 16, 1).

 

Khoản 3

 

Những người phối ngẫu có quyền bất khả nhượng trong việc thành lập gia đình và quyết định vấn đề thời đoạn sinh sản cùng số con cái sinh ra, hoàn toàn lưu ý tới nhiệm vụ của họ với chính họ, với con cái đã được sinh ra, với gia đình và xã hội, theo mức độ chính đáng về các thứ giá trị và hợp với trật tự khách quan về luân lý bất khả chấp đối với vấn đề sử dụng việc ngừa thai, triệt sản và phá thai (x. "Populorum progressio", no. 37; Gaudium et spes, nos. 50 and 87; Humanae vitae, no. 10; Familiaris consortio, nos. 30 and 46.).

 

a)             Những sinh hoạt của các công quyền cũng như các tổ chức tư hết sức nỗ lực để giới hạn quyền tự do của các đôi phối ngẫu trong việc quyết định con cái của họ là trầm trọng vi phạm tới phẩm giá con người và công lý (x. Familiaris consortio, no. 30.).

 

b)            Nơi mối liên hệ quốc tế, việc viện trợ về kinh tế để phát triển các dân tộc không được đặt điều kiện buộc phải chấp thuận những chương trình ngừa thai, triệt sản hay phá thai (x. Familiaris consortio, no. 30).

 

c)             Gia đình có quyền được xã hội trợ giúp trong việc sinh sản và dưỡng nuôi con cái. Những cặp vợ chồng với gia đình đông con có quyền được trợ giúp thích đáng mà không bị kỳ thị (x. Gaudium et spes, no. 50).

 

Khoản 4

 

Cần phải tuyệt đối tôn trọng và bảo vệ sự sống con người từ lúc mới được thụ thai (x. Gaudium et spes, no. 51; Familiaris consortio, no. 26).

 

a)             Phá thai là trực tiếp vi phạm tới quyền sống trọng yếu của con người (x.  Humanae  vitae, no. 14; Sacred Congregation for the Doctrine of the Faith, Declaration on Procured Abortion, November 18, 1974; Familiaris consortio, no. 30).

 

b)            Việc tôn trọng phẩm vị con người loại trừ tất cả mọi thứ mạo dụng về thí nghiệm hay khai thác phôi bào con người (x. Pope John Paul II, Address to the Pontifical Academy of Sciences, October 23, 1982) .

 

c)             Tất cả mọi thứ can dự vào vấn đề di giống con người không nhắm tới việc sửa lại những sự bất thường đều vi phạm tới quyền về nguyên tính thể lý và nghịch lại với thiện ích của gia đình.

 

d)            Trẻ em, cả trước và sau khi vào đời, đều có quyền được đặc biệt bảo vệ và trợ giúp, như người mẹ của các em được như thế trong thời gian mang thai và sau khi sinh nở một thời gian hợp tình hợp lý (x. Universal Declaration, no. 25, 2; Convention on the Rights of the Child, Preamble and no. 4).

 

e)             Tất cả mọi trẻ em, dù được sinh ra trong hay ngoài hôn nhân, đều được xã hội bảo vệ như nhau, vì việc phát triển toàn vẹn con người của các em (x. Universal Declaration, no. 25, 2).

 

f)             Xã hội cần phải đặc biệt bảo vệ những trẻ em mồ côi hay những em bị thiếu hụt sự giúp đỡ của cha mẹ hay của người bảo trợ. Về vấn đề chăm nuôi hay nhận nuôi, Quốc Gia cần phải ban hành luật trợ giúp các gia đình xứng hợp trong vấn đề họ đón nhận vào nhà họ các trẻ em tạm cần hay mãi cần đến việc chăm sóc. Luật lệ này đồng thời cũng cần phải tôn trọng cả quyền hạn tự nhiên của cha mẹ các em nữa (x. Familiaris consortio, no. 41).

 

g)            Trẻ em bị tật nguyền có quyền được hưởng một môi trường sống thích hợp với việc phát triển về nhân bản của các em tại gia đình và học đường (x. Familiaris consortio, no. 77).

 

Khoản 5

 

Vì ban sự sống cho con cái mình, cha mẹ có quyền đầu tiên, chính yếu và bất khả nhượng trong việc giáo dục con cái; do đó cần phải nhìn nhận họ là những nhà giáo dục trước hết và trên hết con cái của họ (x. Divini Illius Magistri, nos. 27-34; Gravissimum educationis, no. 3; Familiaris consortio, no. 36; Codex Iuris Canonici, nos. 793 and 1136).

 

a)             Cha mẹ có quyền giáo dục con cái mình hợp với những xác tín về luân lý và đạo giáo của họ, căn cứ vào truyền thống văn hóa về gia đình quan tâm tới thiện ích và phẩm vị của đứa nhỏ; họ cũng cần phải được xã hội trợ giúp để thi hành vai trò giáo dục của họ một cách thích đáng (x. Familiaris consortio, no. 46).

 

b)            Cha mẹ có quyền được tự do chọn trường học hay các phương tiện cần thiết khác trong việc giáo dục con cái mình hợp với các niềm xác tín của họ. Công quyền cần phải làm sao bảo đảm được việc phân phối công quĩ để giúp cho thành phần làm cha mẹ thực sự có thể dễ dàng thi hành quyền này mà không phải gánh vác những gánh nặng bất công. Cha mẹ không phải chịu, trực tiếp hay gián tiếp, những trang trải ngoại lệ khiến họ có thể bị chối bỏ hay bị hạn chế một cách bất công việc hành sử quyền tự do này (x. Gravissimum educationis, no. 7; Dignitatis humanae, no. 5; Pope John Paul II, Religious Freedom and the Helsinki Final Act, [Letter to the Heads of State of the nations which signed the Helsinki Final Act], 4b; Familiaris consortio, no. 40; Codex Iuris Canonici, no. 797).

 

c)             Cha mẹ có quyền được bảo đảm là con cái của họ không bị bắt buộc tham dự các lớp học không hợp với những niềm xác tín về luân lý và đạo giáo của họ. Đặc biệt vấn đề giáo dục tình dục là quyền căn bản của cha mẹ và bao giờ cũng phải được thi hành dưới sự giám sát của họ, dù ở nhà hay ở các trung tâm giáo dục được họ chọn và kiểm soát. (x. Dignitatis humanae, no. 5; Familiaris consortio, nos. 37 and 40).

 

d)            Cha mẹ bị vi phạm quyền lợi khi Quốc Gia áp đặt một thể chế giáo dục cưỡng ép nhằm loại trừ tất cả mọi thứ dạy dỗ về đạo giáo (x. Dignitatis humanae, no. 5; Familiaris consortio, no. 40).

 

e)             Quyền hạn chính yếu của cha mẹ trong việc giáo dục con cái mình cần phải được hỗ trợ bằng tất cả mọi hình thức hợp tác giữa cha mẹ, thày cô và thầm quyền nhà trường, đặc biệt là bằng những hình thức tham gia mà người công dân có quyền lên tiếng trong việc điều hành học đường cũng như trong việc hình thành và áp dụng các qui chế giáo dục (x. Familiaris consortio, no. 40; Codex Iuris Canonici, no. 796)

 

f)             Gia đình có quyền đòi hỏi các phương tiện truyền thông xã hội phải trở thành những phương tiện tích cực cho việc xây dựng xã hội, và củng cố những giá trị trọng yếu của gia đình. Gia đình cũng có quyền được bảo vệ cách thích đáng, nhất là đối với các phần tử trẻ trung nhất của họ, cho khỏi bị những ảnh hưởng tiêu cực và việc lạm dụng của các phương tiện truyền thông đại chúng (x. Pope Paul VI, Message for the Third World Communications Day, 1969; Familiaris consortio, no. 76).

 

Khoản 6

 

Gia đình có quyền hiện hữu và tiến bộ như là một gia đình (x. Familiaris consortio, no. 46) .

 

a)             Công quyền cần phải tôn trọng và bảo trì phẩm giá, quyền độc lập hợp pháp, tính cách riêng tư, tính cách nguyên tuyền và sự bền vững của mọi gia đình (x. Rerum novarum, no. 10; Familiaris consortio, no. 46; International Covenant on Civil and Political Rights, no. 17).

 

b)            Ly dị là điều tấn công chính cơ cấu hôn nhân và gia đình (x. Gaudium et spes, nos. 48 and 50).

 

c)             Cần phải tôn trọng và giúp đỡ chế độ gia đình bao gồm nhiều thế hệ phần tử khác nhau nơi nào còn tồn tại để chế độ này có thể thi hành vai trò đoàn kết và tương trợ theo truyền thống của mình, đồng thời cũng tôn trọng quyền lợi của cả những gia đình chỉ có thế hệ cha mẹ con cái và phẩm vị riêng của từng phần tử trong gia đình.

 

Khoản 7

 

Hết mọi gia đình đều có quyền tự do sống đời tại gia dưới sự hướng dẫn của cha mẹ, cũng như có quyền công khai tuyên xưng và truyền bá đức tin, tham dự vào việc thờ phượng công cộng và tự do chọn lựa các chương trình học hỏi về đạo giáo mà không bị kỳ thị (x. Dignitatis humanae, no. 5; Religious Freedom and the Helsinki Final Act, 4b; International Covenant on Civil and Political Rights, no. 18).

 

Khoản 8

 

Gia đình có quyền thi hành phận sự về xã hội và chính trị của mình để xây dựng xã hội (x. Familiaris consortio, nos. 44 and 48.).

 

a)             Gia đình có quyền thành lập các hiệp hội với các gia đình và các tổ chức khác, để làm trọn vai trò của gia đình một cách xứng hợp và hiệu năng, cũng như để bảo vệ quyền lợi, duy trì sự thiện hảo và nói lên những chủ trương của gia đình (x. Apostolicam actuositatem, no. 11; Familiaris consortio, nos. 46 and 72).

 

b)            Về các lãnh vực kinh tế, xã hội, pháp lý và văn hóa, cần phải nhìn nhận vai trò chính đáng của các gia đình và các hiệp hội gia đình trong việc phác họa và phát triển các chương trình liên quan tới đời sống gia đình (x. Familiaris consortio, nos. 44 and 45).

 

Khoản 9

 

Gia đình có quyền tin tưởng vào một qui chế thích đáng về gia đình của công quyền nơi các lãnh vực pháp lý, kinh tế, xã hội và tài chính, không có bất cứ một tí gì là kỳ thị trong đó (x. Laborem exercens, nos. 10 and 19; Familiaris consortio, no. 45; Universal Declaration, nos. 16, 3 and 22; International Covenant on Economic, Social and Cultural Rights, nos. 10, 1).

 

a)             Gia đình có quyền hưởng những điều kiện về kinh tế bảo đảm cho họ có được một mức sống thích đáng với phẩm vị và việc phát triển trọn vẹn của họ. Không được ngăn cản họ chiếm đạt và bảo trì những sở hữu riêng tư là những gì giúp cho gia đình họ được ổn định; những luật lệ liên quan tới việc thừa hưởng hay chuyển đạt của cải cần phải tôn trọng nhu cầu và quyền lợi của các phần tử của gia đình (x. Mater et magistra, Part II; Laborem exercens, no. 10; Familiaris consortio, no. 45; Universal Declaration, nos. 22 and 25; International Covenant on Economic, Social and Cultural Rights, 7, a, ii).

 

b)            Các gia đình có quyền hưởng những phương sách thuộc lãnh vực xã hội chú trọng tới các nhu cầu của họ, nhất là trong trường hợp một trong hai cha mẹ bị chết sớm, trường hợp một trong hai người phối ngẫu bị bỏ rơi, bị tai nạn, hay bị bệnh nạn hoặc tàn phế, trong trường hợp bị thất nghiệp, hay khi gia đình phải chịu thêm gánh nặng vì các phần tử của mình cao tuổi, bị tật nguyền về tâm thần hay thể lý, hay vì vấn đề giáo dục con cái (x. Familiaris consortio, nos. 45 and 46; Universal Declaration, no. 25, 1; International Covenant on Economic, Social and Cultural Rights, nos. 9, 10, 1 and 10, 2).

 

c)             Người già có quyền được hưởng trong gia đình của mình, hay trong các tổ chức thích hợp nếu trường hợp trước bất khả, một môi trường giúp họ có thể sống những năm cuối đời một cách thanh thản trong khi thực hiện những sinh hoạt hợp với tuổi tác của họ và giúp họ có thể tham phần vào đời sống xã hội (x. Gaudium et spes, no. 52; Familiaris consortio, no. 27).

 

d)            Cần phải quan tâm tới quyền lợi và nhu cầu của gia đình , nhất là tới giá trị của mối hiệp nhất gia đình, nơi luật lệ và qui chế liên quan đến vấn đề trừng phạt, để làm sao người bị giam giữ vẫn còn liên lạc với gia đình của mình và gia đình được nâng đỡ một cách thích đáng trong thời gian xẩy ra việc giam cầm này (x. ).

 

Khoản 10

 

Gia đình có quyền được hưởng trật tự về xã hội và kinh tế biết thực hiện việc lo cho có công ăn việc làm hầu giúp cho các phần tử của gia đình có thể sống với nhau, và không làm ngăn trở mối hiệp nhất, niềm phúc hạnh, sức khỏe và sự bền vững của gia đình, cùng với cơ hội giải trí lành mạnh (x. Laborem exercens, no. 19; Familiaris consortio, no. 77; Universal Declaration, no. 23, 3).

 

a)             Cần phải trả thù lao đầy đủ cho công ăn việc làm để xây dựng và bảo trì gia đình cách xứng đáng, bằng việc trả lương xứng hợp, được gọi là “lương lậu gia đình”, hay bằng những biện pháp khác như những trợ cấp gia đình, hoặc trả thù lao cho công việc làm ở nhà của một trong hai cha mẹ; không được ép buộc người mẹ phải làm việc ở ngoài nhà đến gây thiệt hại cho đời sống gia đình, nhất là cho việc giáo dục con cái (x. Laborem exercens, no. 19; Familiaris consortio, nos. 23 and 81).

 

b)            Cần phải nhìn nhận và tôn trọng công việc của người mẹ ở nhà vì giá trị của nó đối với gia đình cũng như với xã hội (x. Familiaris consortio, no. 23).

 

Khoản 11

 

Gia đình được quyền có một gia cư đàng hoàng, hợp với đời sống gia đình và đủ chỗ cho số người trong gia đình, với một môi trường về thể lý có những dịch vụ căn bản cho đời sống của gia đình cũng như của cộng đồng (x. Apostolicam actuositatem, no. 8; Familiaris consortio, no. 81; International Covenant on Economic, Social and Cultural Rights, nos. 11, 1).

 

Khoản 12

 

Gia đình của thành phần di dân có quyền được bảo vệ giống như các gia đình khác (x. Familiaris consortio, no. 77; European Social Charter, 19).

 

a)             Gia đình của thành phần di dân có quyền được hưởng sự tôn trọng đối với văn hóa của họ và nhận được sự ủng hộ và hỗ trợ đối việc họ hội nhập vào cộng đồng họ góp phần.

 

b)            Những người lao động di dân có quyền được đoàn tụ với gia đình của họ sớm bao nhiêu có thể.

 

c)             Những người tị nạn có quyền hưởng trợ giúp của công quyền và các Tổ Chức Quốc Tế trong việc dễ dàng hóa việc đoàn tụ gia đình của họ.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ

http://www.vatican.va/roman_curia/pontifical_councils/family/documents/rc_pc_family_doc_19831022_family-rights_en.html

 

 

TOP

 

 

?   Giáo Hoàng Biển Đức XVI - Giáo Huấn Sống Chân Lý và Đức Tin: Bài 10 - “Việc dựng nhà trên Chúa Giêsu và với Chúa Giêsu đây nghĩa là dựng nhà trên một nền tảng được gọi là ‘tình yêu tử giá’”

 

ĐTC BĐXVI Huấn Dụ Thành Phần Giới Trẻ, ở Krakow-Błonie, Th By  27/5/2006

 

Các Bạn Trẻ thân mến,

 

Tôi xin gửi đến các bạn lời chào mừng nồng hậu nhất của tôi! Việc hiện diện của các bạn làm cho tôi cảm thấy sung sướng. Tôi cám ơn Chúa về cuộc gặp gỡ thân tình này. Chúng ta biết rằng ‘ở đâu cho hai hay ba người qui tụ lại vì danh Chúa Giêsu thì Người ở giữa họ’ (x Mt 18:20). Hôm nay đây, các bạn còn thật là nhiều hơn như thế nữa! Bởi thế, Chúa Giêsu đang ở với chúng ta nơi đây. Người đang ở giữa giới trẻ Balan, đang nói với họ về một ngôi nhà sẽ không bao giờ bị sụp đổ vì nó được xây trên đá. Đó là bài Phúc Âm chúng ta vừa nghe (x Mt 7:24-27).

 

Hỡi các bạn, ở trong lòng hết mọi người đều có một ước vọng về một ngôi nhà. Thậm chí còn hơn thế nữa nơi tâm hồn của con người trẻ có một khát vọng cả thể về một ngôi nhà thích đáng, một ngôi nhà vững chắc, một ngôi nhà họ chẳng nhưng không thể nào không hân hoan vui sướng trở về mà còn là nơi khách khứa có tới cũng được hân hoan đón tiếp nữa. Đó là một khát vọng về một ngôi nhà có lương thực hằng ngày là yêu thương, thứ tha và thông cảm. Nó là một nơi chân lý là nguồn mạch làm phát sinh niềm bình an nội tâm. Đó là một khát vọng về một ngôi nhà các bạn có thể lấy làm hãnh diện, nơi các bạn không bị  thẹn thuồng và là nơi các bạn không hề lo sợ nó bị mất đi. Những niềm khát mong này chỉ là ước vọng về một đời sống trọn vẹn, hạnh phúc và thành đạt. Đừng sợ có nỗi ước mong ấy! Đừng xa lánh niềm mong ước này. Đừng tỏ ra thất đảm khi thấy những căn nhà bị đổ nát, những ước vọng bị bất thành và những ngóng trông bị tàn phai. Thiên Chúa Hóa Công, Đấng tác động nơi tâm hồn giới trẻ một khát vọng mãnh liệt muốn được hoan hưởng hạnh phúc, sẽ không bỏ rơi các bạn trong việc khó khăn để xây dựng ngôi nhà được gọi là đời sống ấy.

 

Hỡi các bạn, điều ấy đưa đến vấn đề là: ‘Làm thế nào để xây dựng ngôi nhà này đây?’ Chắc chắn đây là vấn đề các bạn đã từng đối diện nhiều lần và các bạn sẽ phải trực diện nhiều lần hơn nữa. Hằng ngày các bạn cần phải nhìn vào nội tâm của mình mà tự vấn: ‘Tôi làm sao để có thể xây dựng ngôi nhà được gọi là đời sống ấy đây?’ Chúa Giêsu, Đấng các bạn vừa nghe những lời của Người trong đoạn Phúc Âm của Thánh Mathêu, đã khuyến khích chúng ta hãy xây nhà trên đá. Thật thế, chỉ có cách đó ngôi nhà mới không bị tàn rụi mà thôi. Thế nhưng, xây nhà trên đá nghĩa là gì? Trước hết, xây nhà trên đá tức là xây nhà trên Chúa Kitô và với Chúa Kitô. Chúa Giêsu nói: ‘Vậy ai nghe những lời này của Thày mà làm theo sẽ giống như một người khôn ngoan xây nhà mình trên đá’ (7:24). Đó không phải là những lời nói chơi chơi của một con người nào đó, mà là những lời của Chúa Giêsu. Chúng ta không lắng nghe bất cứ một con người nào mà là Chúa Giêsu. Chúng ta không được kêu gọi để chỉ làm một điều gì đó mà là dấn thân thực hiện những lời của Chúa Giêsu.

 

Việc dựng nhà trên Chúa Giêsu và với Chúa Giêsu đây nghĩa là dựng nhà trên một nền tảng được gọi là ‘tình yêu tử giá’. Nghĩa là dựng nhà với Một Vị, biết chúng ta hơn cả chính chúng ta biết mình, nói với chúng ta rằng: ‘Các con là những gì quí hóa trước nhan Ta và là những gì được trân trọng, Ta yêu thương các con’ (Is 43:4). Nghĩa là dựng nhà với Một Vị luôn trung tín, cho dù chúng ta có thiếu niềm tin tưởng, bởi ngài không thể chối bỏ chính mình Ngài (x 2Tim 2:13). Nghĩa là dựng nhà với Một Vị luôn nhìn tới tấm lòng thương tích của con người mà nói: ‘Ta không kết tội con đâu, hãy đi và đừng phạm tội nữa’ (x Jn 8:11). Nghĩa là dựng nhà với Một Vị, từ Cây Thập Tự Giá, vươn cánh tay của mình ra để muôn đời lập lại rằng: ‘Ôi con người, Ta hiến sự sống của Ta cho các con vì Ta yêu thương các con’. Tóm lại, dựng nhà trên Chúa Kitô tức là hướng tất cả mọi ước muốn của các bạn, khát vọng của các bạn, mơ ước của các bạn, tham vọng của các bạn và dự án của các bạn theo ý muốn của Ngài. Nghĩa là nói với chính bản thân mình, với gia đình mình, với bạn hữu mình, với toàn thế giới, và nhất là với Chúa Kitô rằng: ‘Lạy Chúa, trong cuộc sống con không muốn làm bất cứ một điều gì phạm đến Chúa, vì Chúa biết những gì tốt nhất cho con. Chỉ duy có một mình Chúa có những lời ban sự sống đời đời’ (x Jn 6:68). Hỡi các bạn, đừng sợ việc nương dựa vào Chúa Kitô! Hãy mong mỏi Người, như nền tảng cho đời sống của các bạn! Hãy khơi động lên trong các bạn ước muốn xây dựng cuộc sống của mình trên Người và cho Người! Vì không ai lệ thuộc vào tình yêu tử giá của Lời Nhập Thể lại có thể bị lạc mất cả.

 

Việc xây nhà trên đá nghĩa là việc dựng nhà trên Chúa Kitô và với Chúa Kitô. Trong Thư Thứ Nhất gửi Giáo Đoàn Côrintô, khi nói về cuộc hành trình của thành phần dân tuyển chọn băng qua sa mạc, Thánh Phaolô đã giải thích rằng tất cả ‘đã được uống tử tảng đá siêu nhiên đã theo đuổi họ và tảng đá đó là Chúa Kitô’ (1Cor 10:4). Các vị cha ông của thành phần Dân Tuyển Chọn này chắc chắn là không hề biết gì tới chuyện tảng đá thiêng liêng ấy là Chúa Kitô. Họ không ý thức được việc họ được đồng hành bởi Người là Đấng vào lúc thời gian viên trọn đã nhập thể và mặc lấy một thân thể loài người. Họ không cần hiểu rằng cơn khát của họ được thỏa mãn bởi chính Nguồn Mạch sự sống, là một mạch nguồn có thể ban nước sự sống làm giãn cơn khát của mọi tâm can. Tuy nhiên, họ đã uống từ tảng đá thiêng liêng là Chúa Kitô này, vì họ khát vọng thứ nước hằng sống ấy và cần đến thứ nước hằng sống này. Trên con đường cuộc đời đôi khi chúng ta không ý thức được sự hiện diện của Chúa Giêsu. Tuy nhiên, chính sự hiện diện này, sự hiện diện sống động và chân thực, đã xẩy ra nơi công cuộc tạo dựng, nơi Lời Chúa và nơi Thánh Thể, nơi cộng đồng các tín hữu và nơi mọi con người được Máu châu báu Chúa Kitô cứu chuộc, một mạch nguồn khôn tận cho sức mạnh của con người. Chúa Giêsu Nazarét, Vị Thiên Chúa làm Người, ở bên chúng ta trong những lúc may lành cũng như trong những lúc chẳng may, và Người khao khát mối liên hệ ấy, một mối liên hệ thực sự là nền tảng của một nhân loại chân thực. Chúng ta đọc thấy trong Sách Khải Huyền những lời quan trọng này: ‘Này, Ta đứng trước cửa mà gõ; nếu ai nghe tiếng của Ta mà mở cửa thì Ta sẽ đến với họ và ăn uống với họ để họ được ở với Ta’ (3:20).

 

Hỡi các bạn, việc xây nhà trên đá nghĩa là gì? Xây nhà trên đá cũng có nghĩa là dựng nhà trên Một Vị đã bị loại trừ. Thánh Phêrô nói với thành phần tín hữu của Chúa Kitô như là ‘một viên đá bị con người loại bỏ song trước nhan Thiên Chúa lại là viên đá được chọn lọc và quí giá’ (1Pet 2:4). Một sự kiện không thể chối cãi về việc Thiên Chúa tuyển chọn Chúa Giêsu không che dấu mầu nhiệm sự dữ, bởi thế con người có thể loại trừ Người là Đấng đã yêu thương cho tới cùng. Việc Chúa Giêsu bị con người loại trừ như Thánh Phêrô đề cập tới trải dài suốt lịch sử nhân loại, thậm chí cho tới cả thời của chúng ta đây. Người ta không cần phải có một trí khôn sắc xảo đặc biệt để thấy được nhiều đường lối loại trừ Chúa Kitô, ngay cả trước ngưỡng cửa của chúng ta đây. Thường Chúa Giêsu bị coi thường bỏ qua, bị chế giễu và được tuyên xưng là vị vua của quá khứ, chứ không phải cho ngày nay và chắc chắn không phải cho tương lai. Người bị bỏ vào kho chức của những vấn đề và những con người mà người ta không dám công khai lớn tiếng đả động tới. Nếu trong tiến trình dựng nhà cuộc sống của các bạn có gặp phải những ai coi thường khinh bỉ cái nền tảng mà các bạn đang xây lên thì đừng thất đảm! Một đức tin mạnh mẽ cần phải chịu đựng các thứ thách đố. Một đức tin sống động bao giờ cũng cần phải tăng trưởng. Đức tin của chúng ta nơi Chúa Giêsu Kitô, để được như thế, cần phải đối diện đương đầu với thường xuyên với tình trạng thiếu đức tin của những người khác.

 

Các bạn thân mến, việc xây nhà trên đá nghĩa là gì? Việc xây nhà trên đá nghĩa là ý thức rằng sẽ xẩy ra những bất trắc. Chúa Kitô nói rằng: ‘Mừa trút xuống và lụt xẩy ra, gió thổi tới làm rung chuyển ngôi nhà…’ (Mt 7:25). Những hiện tượng thiên nhiên này chẳng những là hình ảnhcủa nhiều những bất trắc nơi thân phận của con người, chúng còn cho thấy rắng những bất trắc ấy là những gì bình thường cần phải chấp nhận. Chúa Kitô không hứa rằng sẽ không bao giờ xẩy ra một trận mưa như trút gây lụt lội ngôi nhà đang được xây cất, Người không hứa rằng sẽ không bao giờ xẩy ra một cơn sóng tàn phá cuốn trôi đi những gì thân thương nhất của chúng ta, Người không hứa rằng sẽ không bao giờ xẩy ra những trận cuồng phong thổi bay đi những gì chúng ta đang xây dựng, đôi khi chúng ta phải trả bằng một giá hy sinh kinh khủng. Chúa Kitô chẳng những hiểu được ước muốn của con người về một ngôi nhà vững bền, Người còn hoàn toàn biết được tất cả những gì có thể phá hoại hạnh phúc của con người nữa. Bởi thế, các bạn đừng lấy làm lạ trước những bất trắc rủi ro, cho dù chúng là gì đi chăng nữa! Đừng vì chúng mà bị thất đảm! Một dinh thự được xây trên đá không giống như một dinh thự bị biến đi bởi những lực thiên nhiên, những lực được in dấu vết nơi mầu nhiệm của con người. Việc xây nhà trên đá tức là việc có thể sử dụng một thứ kiến thức ở vào những lúc khó khăn trở thành một mãnh lực đáng các bạn tin tưởng.

 

Hỡi các bạn, xin cho tôi được đặt vấn đề một lần nữa: việc xây nhà trên đá nghĩa là gì? Nghĩa là xây nhà một cách khôn ngoan. Không phải là vô lý Chúa Giêsu đã so sánh những ai nghe lời của Người mà đem ra thực hành với một con người khôn ngoan xây nhà của họ trên đá. Thật vậy, đúng là ngu xuẩn khi xây nhà trên cát, trong khi các bạn có thể xây trên đá và vì thế có được một ngôi nhà có thể bất chấp mọi phong ba bão tố. Thật là ngu xuẩn khi xây nhà trên mảnh đất không bảo đảm việc vững chắc trong những lúc khó khăn nhất. Có thể là dễ dàng hơn để xây nhà cuộc đời mình trên cát lún theo quan điểm riêng của họ, xây dựng một tương lai xa cách lời của Chúa Giêsu và thậm chí đôi khi phản nghịch lại với lời của Người. Hãy tin chắc rằng ai xây nhà theo kiểu ấy đều là những người bất khôn, vì họ muốn thuyết phục chính mình và người khác rằng trong cuộc đời của họ không có bão tố cuồng phong và không có vấn đề sóng gió tấn công ngôi nhà của họ. Thái độ khôn ngoan đó là biết rằng việc vững chắc của một ngôi nhà là những gì lệ thuộc vào việc quyết định của cái nền tảng. Đừng sợ sống khôn ngoan; tức là đừng sợ xây nhà trên đá!

 

Hỡi các bạn, một lần nữa: xây nhà trên đá nghĩa là gì? Xây nhà trên đá còn có nghĩa là xây trên Phêrô và với Phêrô. Thật vậy, Chúa Kitô đã nói với ngài rằng: ‘Con là Đá, và trên đá này Thày sẽ xây Giáo Hội của Thày, và quyền lực sứ chết sẽ không thắng nổi nó’ (Mt 16:18). Nếu Chúa Kitô là Tảng Đá, là viên đá xống động và quí giá, gọi vị Tông Đồ này của Người là ‘đá’, nghĩa là Người muốn Phêrô, và cùng với Phêrô là toàn thể Giáo Hội, trở thành một dấu hiệu hữu hình của Đấng Cứu Độ và là Chúa duy nhất. Ở Krakow đây, thành phố yêu dấu của Đức Gioan Phaolô II, vị Tiền Nhiệm của tôi, không ai cảm thấy bàng hoàng trước những lời ‘xây nhà với Phêrô và Phêrô’. Đó là lý do tôi nói cùng anh chị em là đừng sợ xây đời mình trên Giáo Hội và với Giáo Hội. Tất cả anh chị em đều hãnh diện về lòng yêu mến anh chị em giành cho Vị Phêrô và cho Giáo Hội được úy thác cho ngài. Đừng để bị lừa đảo bởi những ai muốn Chúa Kitô và Giáo Hội đối đầu với nhau. Chỉ có một nền tảng duy nhất đáng để xây nhà mà thôi. Nền tảng đó là Chúa Kitô. Chỉ có một tảng đá duy nhất đáng làm nền tảng cho hết mọi sự. Tảng đá này là tảng đá được Chúa Kitô nói: ‘Con là Đá, và trên đá này Thày sẽ xây Giáo Hội của Thành’ (Mt 16:18). Hỡi giới trẻ, các bạn quá rõ Tảng Đá này trong thời đại của chúng ta đây. Bởi thế, đừng quên Vị Phêrô đang canh chừng cuộc tu họp của chúng ta đây từ cửa sổ của Thiên Chúa Cha, hay Vị Phêrô này giờ đây đang đứng trước các bạn đây, hoặc bất cứ một Vị Phêrô thừa kế nào sẽ tỏ ra chống lại các bạn hay chống lại việc xây nhà trên đá. Thật vậy, ngài sẽ cống hiến trái tim của ngài và đôi tay của ngài để giúp các bạn xây dựng một cuộc sống trên Chúa Kitô và với Chúa Kitô.

 

Quí bạn thân mến, suy niệm về những lời của Chúa Kitô diễn tả tảng đá là nền tảng thích đáng cho một ngôi nhà, chúng ta không thể nào không chú ý tới lời cuối cùng là một lời hy vọng. Chúa Giêsu nói rằng, bất chấp tình trạng cay nghiệt của các yếu tố thiên nhiên thì ngôi nhà ấy vẫn không bị hủy hoại, bởi nó được xây trên tảng đá. Lời của Người chất chưa một niềm cậy trông đặc biệt nơi cái vững chắc của nền tảng này, một đức tin không sợ những thứ nghịch thường, vì đức tin này được củng cố kiên cường bởi cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa Kitô. Đó là đức tin mà những năm sau đó Thánh Phêrô đã tuyên xưng trong bức thư của ngài: ‘Này Ta đặt ở Sion một viên đá, một viên đá gốc được chọn lọc và quí giá, và ai tin vào Người sẽ không bị hổ thẹn’ (1Pet 2:6). Chắc chắn là ‘họ sẽ không bị hổ thẹn’. Các bạn trẻ thân mến, nỗi sợ hãi bị thất bại có những lúc làm lung lạc ngay cả những giấc mộng tuyệt vời nhất. Nó có thể làm tê liệt ý muốn, làm cho con người không thể tin rằng thực sự là có thể xây nhà trên đá. Nó có thể thuyết phục con người là nỗi khát vọng về một ngôi nhà như thế chỉ là một thứ vọng tưởng trẻ con chứ không phải là một dự án cho cuộc sống. Cùng với Chúa Giêsu, các bạn hãy nói với nỗi hãi sợ này rằng: ‘Một ngôi nhà xây trên đá không thể nào bị đổ nát được !’. Cùng với Thánh Phêrô, các bạn hãy nói cùng khuynh hướng ngờ vực rằng: ‘Ai tin vào Chúa Kitô sẽ không bị bẽ bàng hổ thẹn!’ Tất cả các bạn đều là chứng nhân cho niềm hy vọng, cho niềm hy vọng không sợ xây nhà của cuộc sống của mình, vì tin tưởng rằng niềm hy vọng ấy có thể đặt trên nền tảng không bao giờ bị tàn rụi là Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch trực tiếp từ văn khố điện toán toàn cầu của Tòa Thánh

 

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ