GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ BẢY 15/7/2006

 TUẦN XIV THƯỜNG NIÊN

 

?  Fatima: Đạo Binh Dàn Trận - với Vị Giáo Hoàng của “Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần”

?  Tòa Thánh Lên Án Bạo Động ở Trung Đông

?  Giáo Hoàng Biển Đức XVI - Giáo Huấn Sống Chân Lý và Đức Tin: Bài 11 - “Tại sao anh chị em lại đứng nhìn lên trời như thế?” – “Trên trái đất này, chúng ta được kêu gọi để nhìn lên trời, để hướng tâm trí của chúng ta về mầu nhiệm khôn tả của Thiên Chúa”.

 

 

? Fatima: Đạo Binh Dàn Trận - với Vị Giáo Hoàng của “Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần”

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

(Loạt bài về Thánh Mẫu Fatima vào mỗi Thứ Bảy hằng tuần từ 27/5/2006)

Có thể nói mà không sợ sai lầm rằng, căn cứ vào những chủ hướng minh nhiên và hoạt động hiển nhiên trong một thời gian dài 26 năm rưỡi của mình, một thời gian kéo dài đứng vào hàng thứ 3 của lịch sử Giáo Hội Công Giáo, thì cốt lõi của giáo triều Đức Gioan Phaolô II chính là Mầu Nhiệm Cứu Chuộc.

       Phải chăng chính Đức Gioan Phaolô II đã chính thức xác nhận điều này khi ngài tự thú trong tác phẩm “Tặng Ân và Mầu NhiệmGift and Mystery” (ấn bản Anh Ngữ 1996), một tác phẩm được xuất bản để mừng kỷ niệm 50 năm thụ phong linh mục của ngài, (ở trang 82) như sau:

       “Chúa Kitô là một vị linh mục vì Người là Đấng Cứu Chuộc của thế giới. Chức linh mục của tất cả thành phần giáo sĩ thuộc về mầu nhiệm Cứu Chuộc. Sự thật này về Mầu Nhiệm Cứu Chuộc và Đấng Cứu Chuộc đã từng là những gì trọng yếu đối với tôi; sự thật ấy đã luôn tồn tại trong tôi qua tất cả những năm tháng ấy, nó đã thấm nhập vào tất cả mọi kinh nghiệm mục vụ của tôi, và nó đã tiếp tục cho tôi thấy những điều phong phú mới mẻ.

       “Trong 50 năm làm linh mục này, tôi đã nhận thức được rằng, Việc Cứu Chuộc, cái giá phải trả cho tội lỗi, bao gồm cả một thứ phục hồi mới, một loại ‘tân tạo’ nơi toàn thể lãnh vực tạo sinh, ở chỗ, nó là những gì tái phục hồi con người là một ngôi vị, phục hồi con người được Thiên Chúa dựng nên có nam có nữ, một phục hồi của chân lý sâu xa nhất về tất cả mọi hoạt động của con người, về văn hóa và văn minh của con người, về tất cả những gì họ chiếm đạt cùng với các khả năng sáng tạo của họ.

      “Sau khi tôi được bầu làm Giáo Hoàng, cái động lực thiêng liêng đầu tiên tôi cảm thấy đó là hướng về Chúa Kitô Đấng Cứu Chuộc. Đó là nguồn gốc của bức Thông Điệp ‘Redemptor Hominis – Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần’. Như tôi đã chia sẻ về tất cả những biến cố này, tôi thấy rõ hơn bao giờ hết cái liên hệ chặt chẽ giữa sứ điệp của bức Thông Điệp này với hết mọi sự ở trong tâm can của con người qua việc họ được thông dự vào chức linh mục của Chúa Kitô”.

       Nếu Mầu Nhiệm Cứu Chuộc là mầu nhiệm liên quan đến đau kh và sự chết, thì chính bản thân và cuộc đời Giáo Hoàng của Đức Gioan Phaolô II đã chứng thực như thế, và do đó, bản thân ngài đã trở thành một giá chuộc đồng công trong và cho Mầu Nhiệm Cứu Chuộc hiện đại.

      Thật vậy, về khía cạnh đau khổ và sự chết liên quan tới Mầu Nhiệm Cứu Chuộc, chính bản thân của ngài đã bị ám sát, gây ra bởi một tội ác, có thể nói, mở màn cho nạn khủng bố sau này. Và cho dù có thoát chết, từ đó, bị ảnh hưởng bởi cuộc ám sát này, sức khỏe của một con người yêu thích thể thao như ngài đã bị sa sút, đến nỗi, nhiều lần dư luận đã cho rằng ngài sắp chết, vì ngài đã được mang vào bệnh viện đến 10 lần, thứ tự như sau: ngày 13/5/1981 ở bệnh viện Gemelli sau khi bị ám sát chết hụt ở Quảng Trường Phêrô; ngày 20/6/1981, tái nhập bệnh viện này và chịu một cuộc giải phẫu thứ hai vào ngày 5/8, Lễ Mẹ Xuống Tuyết; ngày 15/7/1992, nhập cùng bệnh viện để được mổ vì cục bưới lành ở ruột; ngày 2/7/1993, được chụp CAT scan xem tình hình ra sao sau cuộc giải phẫu năm 1992; ngày 11/11/1993, cũng tại cùng bệnh viện sau khi bị gãy xương vai bên phải; ngày 29/4/1994, lại nhập bệnh viện này vì bị ngã gay xương đùi tối hôm trước; ngày 14/8/1996, nhập bệnh viện Regina Apostolorum Clinic ở Albano để được chụp CAT scan; ngày 8/10/1996, nhập bệnh viện Gemelli để cắt ruột dư; ngày 1/2/2005, nhập bệnh viện Gemelli vì bộ phận hô hấp bị nhiễm trùng cấp tính, cho đến ngày 10/2; và lần cuối cùng cấp tốc trở lại bệnh viện này vào ngày 24/2, vì cúm tái phát gây khó thở, và ở đó cho tới ngày 13/3. Để rồi, vào ngày 31/3, bị nhiễm trùng đường tiểu, và cuối cùng đã qua đời sau đó mấy ngày tại tông phòng của ngài ở Vatican.

       Vị tân Giáo Hoàng Biển Đức XVI, vào hôm 8/4/2005, ở phần cuối bài giảng Lễ An Táng Đức Gioan Phaolô II, đã nhận định về chung con người và về riêng cuộc khổ nạn cuối đời của Đức Gioan Phaolô II như sau:

      “Bằng việc chăn dắt đàn chiên của Chúa Kitô, Thánh Phêrô đã đi vào mầu nhiệm vượt qua, thánh nhân đã tiến về phía thập tự giá và về cuộc phục sinh. Chúa Kitô đã nói về điều này bằng những lời: ‘… khi con còn trẻ, con thường tự mình thắt lưng lấy và đi đâu tùy ý con muốn’ (Jn 21:18). Trong những năm đầu của giáo triều mình, những năm còn trẻ trung và đầy nhiệt huyết, Đức Thánh Cha đã đi đến tận cùng trái đất theo sự dẫn dắt của Chúa Kitô. Thế nhưng sau đó, ngài càng ngày càng đi sâu vào cuộc hiệp thông khổ đau với Chúa Kitô; càng hiểu được sự thật của những lời này: ‘Người ta sẽ thắt lưng cho con’. Và trong chính cuộc hiệp thông đau khổ này với Chúa Kitô một cách liên tục và càng gia tăng hơn, ngài đã loan báo Phúc Âm, loan báo mầu nhiệm về một tình yêu thương cho đến cùng tận (x Jn 13:1).

      Trong bài diễn từ tất niên với Giáo Triều Rôma hôm Thứ Năm 22/12/2005, vị đương kim Giáo Hoàng Biển Đức XVI của chúng ta còn nói thêm về vị tiền nhiệm Gioan Phaolô II của mình thêm như sau:

      “Tôi đang nghĩ tới việc ra đi của Đức Thánh Cha yêu dấu của chúng ta là Gioan Phaolô II, một cuộc ra đi được mở màn bằng một giai đoạn dài đớn đau rồi dần dần mất tiếng nói. Không có một vị Giáo Hoàng nào như ngài đã để lại cho chúng ta một số lượng văn bản như ngài đã lưu lại cho chúng ta; không có một vị Giáo Hoàng nào như ngài đã có thể viếng thăm toàn thế giới và trực tiếp nói với dân chúng ở tất cả mọi châu lục.

 

      “Thế mà, cuối cùng, số phận của ngài là một cuộc hành trình đau thương và câm nín. Chúng ta không thể nào quên được những hình ảnh Chúa Nhật Lễ Lá, lúc mà, cầm trong tay cành cây dầu và cảm thấy đớn đau, ngài đã tiến đến cửa sổ để Ban Phép Lành của Chúa như chính bản thân ngài sắp bước tới cây Thập Giá.

 

    “Sau đó là cảnh ở trong Nguyện Đường Riêng của ngài, lúc mà, cầm Thánh Giá trong tay, ngài tham dự Đường Thánh Giá bấy giờ đang diễn tiến ở Hí Trường Colosseum, nơi ngài rất hay thường vác Thập Giá dẫn đầu đoàn người diễn hành theo sau.

 

     “Sau hết là Phép Lành âm thầm của ngài hôm Chúa Nhật Phục Sinh, nơi phép lành âm thầm này chúng ta đã thấy niềm hứa hẹn của cuộc Phục Sinh, của sự sống đời đời, rạng ngời tỏa sáng qua tất cả mọi nỗi đớn đau của ngài”.

       Phải chăng những lời diễn tả của vị Tân Giáo Hoàng Biển Đức XVI trên đây về Đức Gioan Phaolô II không phản ảnh lời ngài thưa với Mẹ Maria “Totus Tuus” như 3 Thiếu Nhi Fatima thưa với Mẹ “vâng chúng con sẵn sàng” “chấp nhận mọi đau khổ” như một Đạo Binh Dàn Trận hay sao?

       Và cuộc đời cùng tinh thần của vị Giáo Hoàng liên quan hết sức mật thiết với Fatima này không ứng nghiệm những lời của Thánh Long Mộng Phố về “thành phần môn đệ đích thực của Chúa Kitô” hay sao? Nhất là những lời rất xác đáng về vị Giáo Hoàng có liên hệ mật thiết với Biến Cố Fatima và Bí Mật Fatima, cũng như với Linh Đạo Thánh Mẫu “tutus tuus”, sau đây:  

       “Họ giảng dạy con đường hẹp của Thiên Chúa bằng sự thật nguyên vẹn của Thiên Chúa theo Phúc Âm thánh hảo, chứ không theo những tâm niệm của thế gian. Họ sẽ ngậm nơi miệng của mình thanh gươm hai lưỡi Lời Thiên Chúa. Họ sẽ vác trên vai mình một thứ Thánh Giá đẫm máu, tay phải của họ cầm Tượng Chuộc Tội, tay trái của họ nắm Tràng Kinh Mân Côi, con tim của họ ghi Thánh Danh Chúa Giêsu và Mẹ Maria, hành vi cử chỉ của họ bộc lộ đức hạnh và khổ hạnh của Chúa Giêsu Kitô. Họ là những con người cao cả sẽ phải đến; còn Mẹ Maria, theo lệnh của Đấng Tối Cao, chính là vị sẽ trang bị cho họ, để vương quốc của Ngài bao trùm trên vương quốc của người vô đạo, vương quốc của kẻ tôn thờ ngẫu tượng và vương quốc của Tín Đồ Hồi Giáo”.     

(còn tiếp vào mỗi Thứ Bảy hằng tuần)

 

 

TOP

 

 

 ? Tòa Thánh Lên Án Bạo Động ở Trung Đông

 

Thứ Sáu 14/7/2006, Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Angelo Sodano đã tuyên bố những lời sau đây trên đài phát thanh Vatican:

 

“Chúng tôi nhận được tin tức thật là lo âu xẩy ra ở Trung Đông.

 

“Đức Thánh Cha Biển Đức XVI và tất cả mọi cộng tác viên của ngài đang hết sức theo dõi những diễn tiến thê thảm mới xẩy ra có nguy cơ gây ra một cuộc xung đột có ảnh hưởng ở tầm mức quốc tế.

 

“Như trong quá khứ, Tòa Thánh cũng lên án cả bên gây ra những cuộc khủng bố tấn công lẫn bên thực hiện những cuộc trả đũa về quân sự. Thật vậy, quyền tự vệ của một Quốc Gia không châm chước cho nó việc tôn trọng các qui chuẩn về luật lệ quốc tế, nhất là liên quan tới vấn đề bảo vệ thành phần dân sự.

 

“Tòa Thánh đặc biệt cảm thấy tiếc về cuộc tấn công Lebanon, một quốc gia tự do và tự trị, và bày tỏ sự gần gũi của mình với những ai chịu đựng thật nhiều để bênh vực nền độc lập của họ.

 

“Một lần nữa, hiển nhiên là chỉ có một con đường duy nhất xứng hợp với nền văn minh của chúng ta đó là việc thành thực đối thoại giữa đôi bên đối chọi nhau”.

 

(xin xem tiếp ngày mai: Xung Khắc giữa Lebanon và Do Thái - Diễn tiến kéo dài gần 40 năm)

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo VIS ngày 14/7/2006

 

 

TOP

 

 

?   Giáo Hoàng Biển Đức XVI - Giáo Huấn Sống Chân Lý và Đức Tin: Bài 11 - “Tại sao anh chị em lại đứng nhìn lên trời như thế?” – “Trên trái đất này, chúng ta được kêu gọi để nhìn lên trời, để hướng tâm trí của chúng ta về mầu nhiệm khôn tả của Thiên Chúa”.

 

ĐTC BĐXVI: Bài Giảng ở Krakow cho Thánh Lễ Bế Mạc Chúa Nhật 28/5/2006

 

‘Hỡi những người Galilê, sao các người lại đứng nhìn lên trời như thế?’ (Acts 1:11)

 

Anh Chị Em thân mến, hôm nay, tại Công Viên Blonie ở Krakow này, một lần nữa, chúng ta nghe thấy câu hỏi này từ Sách Tông Vụ. Lần này câu hỏi ấy nhắm đến tất cả chúng ta đây: ‘Tại sao anh chị em lại đứng nhìn lên trời như thế?’ Câu trả lời cho vấn nạn này bao gồm một sự thật nền tảng cốt yếu về đời sống cũng như về định mệnh của con người nam nữ.

 

Câu hỏi cần thiết đối với thái độ của chúng ta đây liên quan tới hai thực tại căn bản là những thực tại làm nên tất cả mọi cuộc sống của con người, đó là đất và trời. Trước hết là trái đất: ‘Tại sao anh chị em đứng đó?’ – Tại sao chúng ta sống ở trên thế gian này? Câu trả lời của chúng ta là chúng tôi đang sống trên thế gian này bởi vì Đấng Tạo Dựng của chúng tôi đã đặt chúng tôi ở nơi đây như tuyệt đỉnh của việc Ngài tạo dựng. Thiên Chúa Toàn Năng, theo dự án yêu thương bất khả phai nhòa của Ngài, đã tạo dựng nên vũ trụ, làm cho nó hiện hữu từ hư không. Thế rồi, khi hoàn tất công việc ấy, Ngài đã ban sự sống trên thành phần con người nam nữ, dựng nên họ theo hình ảnh Ngài và tương tự như Ngài (x Gen 1:26-27). Ngài đã ban cho họ phẩm vị được làm con cái của Thiên Chúa cùng với tặng ân bất tử. Chúng tôi biết rằng con người đã đi sai đường lạc hướng, đã lạm dụng tặng ân tự do và đã ‘bất chấp’ Thiên Chúa, nên đời sống của con người đã bị ghi dấu vết sự dữ, tội lỗi, khổ đau và chết chóc. Thế nhưng, chúng tôi cũng biết rằng Thiên Chúa không bỏ cuộc trước trạng huống ấy của con người, mà đã đích thân tiến vào lịch sử của nhân loại, một lịch sử nhờ đó đã trở thành một lịch sử cứu độ. ‘Chúng tôi đứng’ trên thế gian này, chúng tôi xuất phát từ trái đất này và chúng tôi lớn lên từ trái đất đây. Ở trên đời đây chúng tôi hành thiện trong nhiều lãnh vực của cuộc sống hằng ngày, thuộc cả lãnh giới vật chất lẫn thiêng liêng, nơi các mối liên hệ giữa chúng tôi với người khác, nơi những gì chúng tôi nỗ lực xây dựng cộng đồng nhân loại và nơi văn hóa. Trên đời này, chúng tôi cũng cảm thấy cả tâm trạng buồn chán của những ai tiến về một mục đích theo những con đường dài lộng gió, giữa những ưu tư lưỡng lự, những căng thẳng, những bất định, bằng một niềm xác tín rằng cuộc hành trình ấy một ngày kia rồi cũng đi tới chỗ kết thúc thôi. Đó là lúc câu hỏi sau đây xuất hiện: Phải chăng đó là tất cả mọi sự? Phải chăng trái đất ‘chúng tôi đang đứng’ đây là đích điểm cuối cùng của chúng tôi?

 

Bởi thế chúng ta cần hướng đến phần thứ hai của vấn nạn thánh kinh: ‘Tại sao anh chị em lại đứng nhìn lên trời như thế?’ Chúng ta đã đọc thấy rằng, vừa lúc các vị Tông Đồ đã hỏi Chúa Kitô Phục Sinh về việc dân Yến Duyên phục hồi của vương quốc trần gian, thì ‘Người được nhắc lên và có một đám mây vây phủ Người làm cho Người khuất khỏi mắt các vị’ (x Acts 1:9-10). Các vị đứng nhìn lên trời vì các vị nhìn lên Chúa Giêsu Kitô, Đấng Tử Giá và Phục Sinh, Đấng được nâng lên cao. Chúng ta không biết chính xác lúc nào các vị nhận thấy hiện lên trước mắt các vị một chân trời rạng ngời bất tận: đích điểm tối hậu cho cuộc hành trình trần gian của chúng ta. Có lẽ các vị chỉ nhận ra điều này vào Ngày Lễ Ngũ Tuần, trong ánh sáng của Thánh Linh. Thế nhưng, đối với chúng ta, cách cả hai ngàn năm, thì ý nghĩa của biến côáđó lại quá rõ ràng. Trên trái đất này, chúng ta được kêu gọi để nhìn lên trời, để hướng tâm trí của chúng ta về mầu nhiệm khôn tả của Thiên Chúa. Chúng ta được kêu gọi để hướng tới thực tại thần linh này, một thực tại thần linh mà chúng ta đã từng nhắm tới từ cuộc tạo thành của chúng ta. Vì ở nơi đó chúng ta mới tìm thấy ý nghĩa tối hậu của cuộc sống.

 

Anh Chị Em thân mến, tôi rất cảm động khi có thể cử hành Thánh Thể hôm nay tại Công Viên Blonie ở Krakow, nơi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thường cử hành Thánh Lễ trong những chuyến Tông Du Mục Vụ của ngài nơi quê hương đất nước của mình. Qua những cuộc cử hành phụng vụ của mình, ngài đã gặp Dân Chúa ở hầu hết các nơi trên thế giới, song việc ngài cử hành Thánh Lễ tại Công Viên Blonie ở Krokow chắc chắn bao giờ cũng là một cái gì đặc biệt. Ở nơi đây tâm trí ngài trở về với cội gốc của mình, với nguồn mạch đức tin của ngài cùng việc phục vụ Giáo Hội của ngài. Từ nơi đây, ngài có thể thấy được Krwkow và toàn quốc Balan. Trong cuộc tông dù đầu tiên về Balan ngày 19/6/1979, ở cuối bài giảng của mình nơi công viên đây, ngài đã nói một cách nhung nhớ như sau: ‘Xin cho tôi, trước khi lìa xa anh chị em, một lần nữa nhìn lại Krakow, một Krakow rất thân thương với tôi từng hòn đá cục gạch. Và từ đây nhìn lại Balan một lần nữa’. Trong Thánh Lễ cuối cùng ngài cử hành ở nơi đây, ngày 18/8/2002, ngài đã nói trong bài giảng của mình rằng: ‘Tôi cám ơn về việc mời tôi tới thăm Krakow của tôi và về lòng hiếu khách anh chị em đã giành cho tôi’ (đoạn 2). Kraków, thành phố của Karol Wojtyla và của Gioan Phaolô II, cũng là Krakow của tôi nữa, chiếm được một chỗ đứng đặc biệt nơi tâm can của vô vàn Kitô hữu khắp thế giới, thành phần biết rằng Gioan Phaolô II xuất hiện ở Đồi Vatican từ thành phố này, từ Đồi Wawel, ‘từ một xứ sở xa xôi’, một xứ sở nhờ đó đã trở thành thân thương với tất cả mọi người.

 

Mở màn năm thứ hai cho Giáo Triều của mình, tôi đã cảm thấy rất cần phải đếnviếng thăm Balan và Krakow như là một con người hành hương theo bước chân của vị tiền nhiệm tôi. Tôi muốn hít thở không khí của quê hương đây. Tôi muốn thấy mảnh đất ngài đã được sinh ra, nơi ngài đã lớn lên và đã nhiệt tình dấn thân phục vụ Chúa Kitô và Giáo Hội hoàn vũ. Tôi đặc biệt muốn gặp gỡ những con người nam nữ sống động của đất nước ngài, muốn cảm nghiệm thấy đức tin của anh chị em, một đức tin đã cống hiến cho ngài sự sống và sinh lực, và muốn biết rằng anh chị em tiếp tục vững mạnh trong niềm tin ấy. Ở nơi đây, tôi muốn xin Thiên Chúa hãy bảo trì cái di sản đức tin, đức cậy và đức mến được Đức Gioan Phaolô II cống hiến cho thế giới, đặc biệt là cho anh chị em.

 

Tôi thân ái chào tất cả những ai qui tụ lại Công Viên Blonie, vì mắt tôi có thể nhìn thấy những người đứng xa thật xa, cho dù xa hơn thế nữa. Tôi ước gì có thể gặp được từng người trong anh chị em một cách riêng tư. Tôi ôm ấp tất cả những ai đang tham dự Thánh Lễ của chúng ta đây qua truyền thanh và truyền hình. Tôi chào toàn thể Balan! Tôi chào trẻ em và giới trẻ, cá nhân và gia đình, thành phần bệnh nhân và những ai khổ đau nơi thân xác hoặc tinh thần, những ai bị hụt hang niềm vui của cuộc sống. Tôi chào tất cả những ai ngày ngày cực nhọc giúp cho xứ sở này được phát triển thịnh vượng. Tôi chào nhân dân Balan hải ngoại, ở khắp nơi trên thế giới. Tôi cám ơn Đức Hồng Y Stanislaw Dziwisz, Tổng Giám Mục Tổng Giáo Phận Krakow, về những lời lẽ đón mừng nồng hậu của ngài. Tôi chào Đức Hồng Y Franciszek Macharski cùng toàn thể các vị Hồng Y, Giám Mục, linh mục và tu sĩ nam nữ, cũng như những vị khách đến từ các nơi, nhất là từ các nước láng giềng. Tôi chào Tổng Thống Cộng Hòa và Thủ Tướng cùng các vị đại diện Thẩm Quyền quốc gia, khu vực và địa phương.

 

Anh chị em thân mến, tôi đã chọn làm câu châm ngôn cho chuyến hành hương Balan của tôi theo bước chân Đức Gioan Phaolô II những lời là: ‘Anh chị em hãy đứng vững trong đức tin của mình!’ Lời kêu gọi này được trực tiếp ngỏ cùng tất cả chúng ta là phần tử thuộc cộng đồng môn đệ Chúa Kitô, cùng mỗi người và mọi người trong chúng ta. Đức tin là một tác động nhân loại riêng tư sâu xa, một tác động có hai khía cạnh. Tin tưởng nghĩa là trước hết chấp nhận như thật những gì trí khôn chúng ta không thể thấu triệt. Chúng ta phải chấp nhận những gì Thiên Chúa mạc khải cho chúng ta về chính mình Ngài, về chúng ta, về mọi sự chung quanh chúng ta, bao gồm cả những gì vô hình, khôn tả và ngoài sức tưởng tượng của chúng ta. Tác động chấp nhận sự thật được mạc khải là những gì nới rộng chân trời kiến thức của chúng ta và kéo chúng ta tới mầu nhiệm bao trùm chúng ta. Để trí khôn của chúng ta bị giới hạn như thế không phải là một chuyện dễ làm. Đến đây chúng ta thấy khía cạnh thứ hai của đức tin, đó là khía cạnh niềm tin tưởng nơi một con người, không phải là một con người bình thường, mà là chính Chúa Giêsu Kitô. Những gì chúng ta tin tưởng đều quan trọng, nhưng còn quan trọng hơn thế nữa đó là Đấng chúng ta tin tưởng.

 

Thánh Phaolô đã nói về điều này trong đoạn Thư gửi Giáo Đoàn Êphêsô mà chúng ta nghe thấy hôm nay đây. Thiên Chúa đã ban cho chúng ta một thần trí khôn ngoan và ‘đã sáng soi cặp mắt tâm hồn của chúng ta, để chúng ta biết những gì là niềm hy vọng được Ngài kêu gọi chúng ta hướng tới, những gì là phong phú thuộc gia sản hiển vinh của Ngài nơi các thánh nhân, và những gì là cao cả khôn lường của quyền lực Ngài nơi chúng ta là những kẻ tin tưởng, theo việc làm quyền năng vĩ đại của Ngài nơi Chúa Kitô’ (x Eph 1:17-20). Tin tưởng nghĩa là phó mình của chúng ta cho Thiên Chúa và trao phó định mệnh của chúng ta cho Ngài. Tin tưởng nghĩa là sống liên hệ thân tình với Đấng Hóa Công và Cứu Chuộc của chúng ta trong quyền nặng của Thánh Thần và làm cho mối liên hệ này thành nền tảng cho cả cuộc đời của chúng ta.

 

Hôm nay chúng ta đã nghe thấy những lời của Chúa Giêsu: ‘Các con sẽ lãnh nhận quyền năng khi Thánh Thần xuống trên các con; và các con sẽ là những chứng nhân của Thày ở Giêrusalem cũng như ở khắp Giuđêa và Samaria, và cho tới tận cùng trái đất’ (Acts 1:8). Nhiều thế kỷ trước đây những lời ấy đã tiến đến Balan. Chúng đã thách đố và tiếp tục thách đố tất cả những ai nói rằng mình thuộc về Chúa Kitô, những người coi lời của Người ấy là một lý tưởng cao cả nhất. Chúng ta cần trở thành những chứng nhân của Chúa Giêsu, Đấng đang sống trong Giáo Hội và trong lòng người. Người đã trao cho chúng ta một sứ vụ. Vào ngày Người lên trời, Người đã nói cùng các Tông Đồ rằng: ‘Các con hãy đi khắp thế gian rao giảng Phúc Âm cho mọi tạo vật… Và các vị đã ra đi rao giảng khắp nơi, Chúa Kitô đồng thời làm việc với các vị và củng cố sứ điệp các vị rao giảng bằng các dấu hiệu kèm theo’ (Mk 16:15,20). Anh chị em thân mến! Khi Đức Karol Wojtyla được bầu lên Ngài Tòa Thánh Phêrô để phục vụ Giáo Hội hoàn vũ thì đất nước của anh chị em đã trở thành một địa điểm của chứng từ đặc biệt về niềm tin tưởng vào Chúa Giêsu Kitô. Anh chị em đã được kêu gọi để cống hiến chứng từ này trước toàn thế giới. Ơn gọi này của anh chị em là những gì luôn cần thiết, và có lẽ còn khẩn trương hơn bao giờ hết khi mà Người Tôi Tớ Chúa đây đã qua khỏi đời này. Anh chị em đừng làm cho thế giới bị hụt hẫng mất chứng từ này nhé!

 

Trước khi tôi trở về Rôma để tiếp tục thừa tác vụ của mình, tôi kêu gọi tất cả mọi anh chị em bằng những lời được Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói lên ở nơi đây vào năm 1979, đó là ‘Anh chị em thân mến, anh chị em cần phải vững mạnh. Anh chị em cần phải vững mạnh bằng sức mạnh xuất phát từ đức tin. Anh chị em cần phải vững mạnh bằng sức mạnh của đức tin. Anh chị em cần phải trung thành. Ngày nay, hơn bất cứ một thời đại nào khác, anh chị em cần đến sức mạnh này. Anh chị em cần phải mạnh mẽ bằng sức mạnh của đức cậy, một đức cậy mang lại niềm vui trọn vẹn cho cuộc sống và là niềm hy vọng làm cho chúng ta tránh được việc làm phiền lòng Thánh Linh! Anh chị em cần phải mạnh mẽ bằng đức ái, một đức ái mạnh hơn sự chết… Anh chị em cần phải vững mạnh bằng sức mạnh của đức tin, đức cậy và đức mến, một đức mến ý thức, trưởng thành và hữu trách, và là một đức mến có thể giúp chúng ta trong lúc này đây nơi lịch sử của chúng ta thực hiện việc đối thoại trao đổi đại thể với con người và thế giới, một cuộc đối thoại được bắt nguồn từ cuộc đối thoại với chính Thiên Chúa, với Chúa Cha, nhờ Chúa Con trong Thánh Thần, một cuộc đối thoại cứu độ’ (Bài Giảng 10/6/1979, đoạn 4).

 

Cả tôi nữa, Biển Đức XVI, Vị Thừa Kế Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, cũng đang xin anh chị em hãy từ đất nhìn lên trời, hãy hướng mắt về Đấng được các thế hệ liên tục nhau trông chờ cả hai ngàn năm, và là Đấng họ khám phá thấy được ý nghĩa của cuộc sống. Được kiên cường bởi niềm tin tưởng nơi Thiên Chúa, anh chị em hãy nhiệt thành với việc củng cố Vương Quốc của Người trên thế gian này, một Vương Quốc của thiện hảo, công lý, đoàn kết và tình thương. Tôi xin anh chị em hãy can đảm làm chứng cho Phúc Âm trước thế giới ngày nay, mang hy vọng tới cho người nghèo, cho người khổ đau, cho thành phần lầm lạc và bị bỏ rơi, thành phần thất vọng và những ai trông mong tự do, chân lý và an bình. Bằng việc làm lành cho tha nhân của mình và tỏ ra quan tâm đối với công ích, anh chị em làm chứng rằng Thiên Chúa là tình yêu.

 

Sau hết, tôi xin anh chị em hãy chia sẻ với các dân tộc khác ở Âu Châu cũng như với thế giới kho tàng đức tin của anh chị em, ít là như cách thức để kính nhớ tới con người đồng hương của anh chị em, vị, với tư cách là Thừa Kế Thánh Phêrô, đã thực hiện điều ấy một cách đặc biệt mãnh liệt và hiệu năng. Và xin hãy nhớ đến tôi trong lời nguyện cầu và hy sinh của anh chị em, thậm chí như anh chị em nhớ đến vị đại Tiền Nhiệm của tôi, để tôi có thể thi hành sứ vụ Chúa Kitô đã trao phó cho tôi. Tôi xin anh chị em hãy đứng vững trong đức tin của anh chị em! Hãy đứng vững trong đức cậy của anh chị em! Hãy đứng vững trong đức ái của anh chị em! Amen!

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch trực tiếp từ văn khố điện toán toàn cầu của Tòa Thánh

 

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ