GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 CHÚA NHẬT 16/7/2006

 TUẦN XV THƯỜNG NIÊN

 

?  Ngày của Chúa – Dies Domini: Ngày của Đức Kitô – Dies Christi

?  Xung Khắc giữa Lebanon và Do Thái: Diễn tiến kéo dài gần 40 năm

?  Giáo Hoàng Biển Đức XVI - Giáo Huấn Sống Chân Lý và Đức Tin: Bài 12 - “Truyền Đạt Đức Tin Trong Gia Đình”. 

 

 

? Ngày của Chúa – Dies Domini: Ngày của Đức Kitô – Dies Christi
 

Tông Thư Dies Domini của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II

Lễ Phục Sinh hằng tuần

19. “Chúng ta cử hành Chúa Nhật vì Việc Phục Sinh trọng kính của Chúa Giêsu Kitô, và chúng ta cử hành Chúa Nhật chẳng những vào Lễ Phục Sinh mà còn vào đầu tuần nữa”: Đức Giáo Hoàng Innocentê I đã viết như thế vào đầu thế kỷ thứ 5 (15), cho thấy việc thực hành đã được ấn định rõ ràng này đã tiến hóa từ những năm đầu tiên sau Cuộc Phục Sinh của Chúa Kitô. Thánh Basiliô nói về “Chúa Nhật thánh, được vinh dự nhờ Cuộc Phục Sinh của Chúa, là hoa trái đầu mùa của tất cả những ngày khác” (16); và Thánh Âu Quốc Tinh gọi Chúa Nhật là “một thứ bí tích của Phục Sinh” (17).

Mối liên hệ mật thiết giữa Chúa Nhật và Cuộc Phục Sinh của Chúa Kitô được tất cả mọi Giáo Hội Đông Tây đề cao. Cách riêng theo truyền thống của các Giáo Hội Đông phương thì hết mọi Chúa Nhật là anastàsimos hemèra, ngày Phục Sinh (18) và đó là lý do Chúa Nhật là tâm điểm của tất cả mọi việc phượng thờ.

Theo chiều hướng của truyền thống liên lỉ và đại đồng này thì rõ ràng là, mặc dù Ngày Của Chúa được bắt nguồn từ chính việc tạo dựng, nhất là nơi mầu nhiệm “nghỉ ngơi” theo thánh kinh của Thiên Chúa, nhưng chúng ta cần phải hướng đến Cuộc Phục Sinh của Chúa Kitô mới hiểu được trọn vẹn Ngày Của Chúa. Đó là những gì Chúa Nhật Kitô giáo làm, khi dẫn tín hữu mỗi tuần suy tư và sống biến cố Phục Sinh là mạch nguồn thực sự của ơn cứu độ thế giới.

20. Theo chứng từ chung của các Phúc Âm thì Cuộc Phục Sinh của Chúa Giêsu Kitô từ cõi chết đã xẩy ra vào “ngày thứ nhất sau Ngày Hưu Lễ” (Mk 16:2,9; Lk 24:1; Jn 20:1). Vào cùng ngày này, Chúa Phục Sinh đã hiện ra với hai môn đệ đi về Emmau (x Lk 24:13-35) cũng như cho 11 Tông Đồ qui tụ lại với nhau (x Lk 24:36; Jn 20:19). Một tuần sau, như Phúc Âm Thánh Gioan thuật lại (x 20:26), các môn đệ tập trung lại với nhau một lần nữa, bấy giờ Chúa Giêsu hiện ra với các vị và tỏ mình cho tông đồ Tôma, cho vị tông đồ này thấy những sấu hiệu của Cuộc Người Khổ Nạn. Ngày Lễ Ngũ Tuần, ngày thứ nhất của tuần lễ thứ tám sau Lễ Vượt Qua của dân Do Thái (x Acts 2:1), thời điểm lời hứa của Chúa Giêsu với các Tông Đồ sau Phục Sinh được hoàn tất bằng việc tuôn đổ Thánh Linh xuống (x Lk 24:49; Acts 4:1-5) cũng rơi vào Chúa Nhật. Đó là ngày của lời loan báo tiên khởi và là ngày của những cuộc rửa tội đầu tiên: Thánh Phêrô loan báo cho đám đông tụ lại rằng Chúa Kitô đã phục sinh và “những ai chấp nhận lời của ngài đều lãnh chịu phép rửa” (Acts 2:41). Đó là cuộc hiển linh của Giáo Hội, một Giáo Hội tỏ mình ra như là một dân tộc qui tụ thành một thành phần con cái phân tán của Thiên Chúa, bất kể tất cả những gì là khác biệt của họ.

Ngày thứ nhất trong tuần

21. Đó là lý do, từ thời các Tông Đồ, “ngày thứ nhất sau Ngày Hưu Lễ”, ngày thứ nhất trong tuần, bắt đầu hình thành nhịp sống của thành phần môn đệ Chúa Kitô (x 1Cor 16:2). “Ngày thứ nhất sau Ngày Hưu Lễ” cũng là ngày tín hữu thành Troa đã qui tụ lại với nhau “để bẻ bánh”, ngày Thánh Phaolô từ biệt họ và hồi sinh cách lạ lùng cho người trẻ Eutychus (x Acts 20:7-12). Sách Khải Huyền cho thấy chứng cớ của việc thực hành vấn đề gọi ngày thứ nhất trong tuần là “Ngày Của Chúa” (1:10). Bấy giờ việc thực hành ấy là đặc tính phân biệt Kitô hữu trước thế giới chung quanh họ. Ngay từ đầu thế kỷ thứ hai, ông Tiểu Pliny, thống đốc ở Bithynia, trong bản tường trình của mình về vấn đề Kitô hữu thực hành “việc qui tụ lại với nhau vào một ngày ấn định trước khi mặt trời mọc để hát với nhau thánh ca dâng lên Đức Kitô như dâng lên một vị thần linh” (19). Và khi Kitô hữu nói về “Ngày Của Chúa”, họ làm như vậy bằng cách cống hiến cho từ ngữ này cái ý nghĩa trọn vẹn của việc công bố Phục Sinh: “Giêsu Kitô là Chúa” (Phil 2:11; x Acts 2:36; 1Cor 12:3). Như thế, Chúa Kitô nhận được cùng tước hiệu Bản 70 dùng để dịch những gì trong mạc khải Cựu Ước đó là danh xưng bất khả phát ngôn của Thiên Chúa: YHWH.

22.     Vào những thời sơ khai của Kitô hữu đó, nhịp sống hằng tuần của các ngày trong tuần thường không phải là những gì thuộc về đời sống ở những miền Phúc Âm lan truyền, và những ngày lễ của niên lịch Hy Lạp và Rôma không trùng hợp với Chúa Kitô của Kitô giáo. Bởi thế, đối với Kitô hữu, việc giữ Ngày Của Chúa vào ngày ấn định trong tuần là việc rất khó giữ. Điều này giải thích tại sao tín hữu đã phải qui tụ lại với nhau trước khi mặt trời mọc (20). Tuy nhiên, việc trung thành với nhịp sống hằng tuần đã trở thành qui chuẩn, vì nó được căn cứ vào mạc khải Tân Ước và gắn liền với mạc khải Cựu Ước. Vấn đề này được đặc biệt các Hộ Giáo gia cũng như các Vị Giáo Phụ của Giáo Hội đề cao trong các bản văn và lời rao giảng của các vị là những gì, khi nói đến Mầu Nhiệm Vượt Qua, các vị sử dụng cùng những đoạn Thánh Kinh mà, theo chứng từ của Thánh Luca (x 24:27, 44-47), chính Chúa Kitô Phục Sinh dẫn giải cho các môn đệ. Theo chiều hướng của những đoạn này thì việc cử hành ngày Phục Sinh cần phải có một thứ giá trị về tín lý và tiêu biểu có khả năng diễn đạt toàn thể mầu nhiệm Kitô giáo nơi tất cả tính cách mới mẻ của nó.

(còn tiếp vào mỗi Chúa Nhật)

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch trực tiếp từ văn khố điện toán toàn cầu của Tòa Thánh:

http://www.vatican.va/holy_father/john_paul_ii/apost_letters/documents/hf_jp-ii_apl_05071998_dies-domini_en.html

 

 

 

TOP

 

 

 ? Xung Khắc giữa Lebanon và Do Thái: Diễn tiến kéo dài gần 40 năm

 

Thật vậy, Cuộc Chiến Tranh giữa Khối Ả Rập và Do Thái năm 1967, và Cuộc Thanh Trừng Tổ Chức Giải Phóng Palestine (PLO) của Jordan năm 1970 sau khi tổ chức này muốn lật đổ Vua Hussein, đã đẩy một số đông người tị nạn Palestine đến Lebanon, trong số đó có Yasser Arafat và PLO. Sau đây là diễn tiến các biến cố quan trọng trong mối liên hệ giữa Do Thái, Lebanon và người Palestine từ đó đến cuộc tấn công mới nhất, xẩy ra với cuộc phản ứng dữ dội của Do Thái hôm Thứ Sáu 14/7/2006.

 

12/1968:  Các đặc công Do Thái tấn công Phi Trường Quốc Tế Beirut ngày 28/12/1968, gây thiệt hại hay phá hủy trên một tá máy bay để trả thù cuộc tấn công một chiếc máy bay dân sực của Do Thái ở phi trường Nhã Điển, Hy Lạp. Hai người Palestines bị gán tội trong cuộc tấn công những người Nhã Điển làm cho một hành khách Do Thái thiệt mạng.

 

11/1969:  Tổng tư lệnh quân đội Labanon là Emile Bustani và Arafat ký một hiệp ước ở Cairô nhìn nhận ‘cuộc cách mạng của Palestine’ và cho phép những người Palestine ở Lebanon ‘tham gia vào cuộc chiến đấu bằng võ trang mà không tác hại cho chủ quyền và an ninh của Lebanon’. Bản hiệp ước này có công hiệu gần 20 năm, cho đến khi Lebanon hủy bỏ nó vào tháng 5/1987.

 

1970-1971:  Đương đầu với cuộc chiến đấu ở Jordan với cả ngàn người bị thiệt mạng, PLO chuyển trụ sở của mình tới Labanon là nơi nó thực hiện các cuộc đột kích Do Thái. Một nhóm khủng bố Palestine dính dáng với PLO được hình thành. Tên của nhóm này là ‘Tháng Chín Đen’ – một danh xưng ám chỉ  cuộc trừng trị thẳng tay của người Jordan đối với người Palestine vào Tháng Chín năm 1970.

 

1972:   Nhóm Tháng Chín Đen tấn công đội Do Thái tham dự Thế Vận Hội ở Munich, Đức quốc. Sau một cuộc đối chọi làm cho một huấn luyện viên và một thể thao viên bỏ mạng, thành phần khủng bố bắt 9 thể thao viên Do Thái làm con tin, đòi Do Thái phải thả các tù nhân Palestine để đổi lại các con tin của Do Thái. Do Thái chối từ, và một cuộc bắn nhau giữa thành phần tấn công và chính quyền Tây Đức gây cho tất cả 9 con tin, 4 tay khủng bố và 1 cảnh sát chết.

 

4/1973:  Các biệt kích Do Thái – ăn mặc như nữ giới và được lãnh đạo bởi Thủ Tướng Do Thái Ehud Barak – sát hại 3 vị lãnh đạo PLO ở Beirut.

 

1975:  Nội chiến bùng nổ ở Lebanon, đào hầm chôn thành phần Palestine và đám dân quân Labanon theo Palestine chống lại dân quân Kitô hữu của Lebanon. Cuộc chiến này kéo dài gần 15 năm, chính thức kết thúc vào năm 1990.

 

1976:  Syria gửi thành phần quân đội giữ hòa bình trong những tháng đầu của cuộc nội chiến để giúp chấm dứt cuộc nội chiến này. Đám quân này ở đó gần 30 năm, cho đến tháng 4/2005.

 

3/1978:  Một cuộc tấn công của PLO vào một chiếc xe buýt ở bắc Do Thái khiến cho quân đội Do Thái buộc phải chuyển tới Labanon để đẩy PLO trở về khỏi vùng biên giới. Do Thái rút khỏi sau khi Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết về việc lực lượng Do Thái phải rút quân lập tức. Dưới quyền lãnh đạo của quân đội Labanon là Saad Haddad, một liên minh của Do Thái, một ‘vùng an ninh’ rộng 12 dặm được thiết lập để bảo vệ lãnh thổ của Do Thái khỏi những cuộc tấn công vượt biên giới.

 

9/1978:  Hiệp Định Camp David, được môi giới bởi Tổng Thống Hoa Kỳ Jimmy Carter, dẫn tới một hiệp ước hòa bình giữa Do Thái và Ai Cập. Những hiệp định này đặt nền tảng cho một hiệp định tương tự giữa Do Thái và Lebanon cũng như những nước láng giềng Ả Rập khác.

 

17/7/1981:  Lực lượng Do Thái dội bom các tổng hành dinh PLO ở West Beirut, sát hại trên 300 thường dân. Cuộc tấn công dẫn đến một cuộc đình chiến giữa Do Thái, PLO, và Syria bấy giờ đang có quân đội ở Lebanon.

 

1982:  Cuộc đình chiến kéo dài tới 6/6/1982, khi Do Thái xâm chiếm Lebanon với quân số khoảng 60 ngàn để tiêu diệt PLO, sau cuộc ám sát vị lãnh sự của Do Thái ở Britain. Arafat và PLO tẩu thoát sang Lebanon vào tháng 8 và định cư ở Tunis cho đến khi chuyển tới Gaza vào năm 1994.

 

Vị tổng thống Lebanon được Do Thái ủng hộ là Bashir Gemayel bị ám sát ngày 14/9 ngay trước khi nhậm chức. Quân đội Do Thái tiến vào Tây Beirut một ngày sau đó, để rồi ngày hôm sau, gần 800 tị nạn Palestine bị thảm sát bởi tay của các dân quân Kitô hữu Lebanon ở các trại tị nạn Sabra và Shatila. Do Thái bị tố cáo là chẳng làm gì để ngăn ngừa hay ngăn cản cuộc thảm sát này.

 

Hezbollah, một nhóm dân quân Hồi Giáo phái Shiite, nổi lên như một lực lượng ở Beirut, ở Bekaa Valley và miền nam Lebanon. Được Iran bảo trợ, theo kiểu mẫu Vệ Binh Cách Mạng của Iran và được Syria nâng đỡ, nhóm Hezbollah muốn thiết lập một quốc gia Hồi Giáo Shiite ở Lebanon và đẩy những thành phần thân Tây Phương như Do Thái và Hoa Kỳ ra khỏi miền này.

 

18/4/1983:  Một cuộc tấn công tự sát do nhóm Hezbollah thực hiện vào Tòa Lãnh Sự Hoa Kỳ ở Tay Beirut sát hại 63 người, một dấu báo cho thấy trước các cuộc tấn công sau này chống lại Hoa Kỳ và những kẻ thân Tây Phương.

 

17/5/1983:  Lebanon và Do Thái ký một bản hiệp ước được Hoa Kỳ làm môi giới, ấn định các khoản về việc Do Thái rút khỏi Lebanon, ra điều kiện cho việc rút quân của Syria. Syria chống lại bản hiệp ước này.

 

23/10/1983:  Một cuộc nổ bom tự sát của Hezbollah làm nổ tung các tổng hành dinh của những lực lượng Hải Quân Hoa Kỳ và Pháp ở Beirut, sát hại 298 người, trong đó có 241 Hải Quân Hoa Kỳ cùng với các nhân viên quân sự khác. Quân đội Hoa Kỳ đã rút khỏi Lebanon sau đó ít tháng.

 

18/1/1984:   Viện Trưởng Đại Học Hoa Kỳ ở Beirut là Malcolm Kerr bị ám sát chết.

 

3/1984:  Bị áp lực gia tăng từ Syria, Lebanon đã hủy bỏ hiệp ước hòa bình ngày 17/5/1983.

 

20/9/1984:  Khu vực Lãnh Sự Hoa Kỳ ở Tây Beirut bị dội bom làm 23 người chết.

 

6/1985:  Do Thái rút khỏi hầu hết Lebanon nhưng vẫn kiểm soát vùng an ninh rộng 12 dặm ở miền nam. Họ ở đó cho tới 5/2000.

 

1990:  Cuộc nội chiến 15 năm ở Lebanon chính thức kết thúc.

 

7/1993:  Do Thái tấn công miền nam Lebanon trong một cuộc hành quân dài cả tuần lễ với mục đích chấm dứt các cuộc tấn công của nhóm Hezbollah vào các tỉnh của Do Thái.

 

4/1996:  Trận chiến 16 ngày diễn ra giữa Do Thái và các dân quân nhóm Hezbollah, gây cho 137 người thiệt mạng, hầu hết là thường dân Lebanon.  

 

5/2000:  Quân đội Do Thái rút khỏi miền nam Lebanon, và Liên Hiệp Quốc thiết lập ‘Thanh Tuyến – Blue Line’ như một giới tuyến giữa hai xứ sở này.

 

9/2003:  Các máy bay chiến đấu của Do Thái đánh vào miền nam của Lebanon để trả đũa cho các đầu đạn bắn hạ máy bay của nhóm Hazbollah tấn công những máy bay của Do Thái ở trong vùng ấy.

 

10/2003:  Do Thái và Lebanon bắn nhau ở miền đất tranh giành là Shebaa Farms.

 

14/2/2005:  Nguyên Thủ Tướng Lebanon là Rafik Hariri bị ám sát. Syria bị áp lực phải rút quân quốc còn lại khỏi Lebanon và việc này đã xẩy ra vào tháng 4 cùng năm.

 

7/2006:  Nhóm dân quân Hezbollah tiến vào Do Thái, giết 3 quân nhân Do Thái và bắt cóc 2 quân nhân khác để đòi trao đổi tù binh, một đòi hỏi bị Do Thái bác bỏ. Năm quân nhân Do Thái khác lại bị phục kích chết. Do Thái trả đũa bằng một cuộc phong tỏa hải quân và dội bom hằng trăm mục tiêu ở Lebanon, bao gồm cả phi trường Beirut và các tổng hành dinh của Hezbollah ở miền nam Beirut. Nhóm Hezbollah phản công bằng những cuộc tấn công rocket vào các thành phố bắc Do Thái. Cuộc đụng độ này xẩy ra làm cho cả hằng tá người dân Lebanon bị chết, và trùng với cuộc hành quân của Do Thái hai tuần lễ ở Gaza để trả đũa việc nhóm dân quân Palestine bắt cóc một quân nhân Do Thái.

 

(xin xem tiếp chi tiết diễn tiến cuộc xung đột giữa Do Thái và Lebanon 7/2006 vào ngày mai)

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch theo tài liệu của CNN phổ biến ngày 14/7/2006, bài “Timeline: Decades of conflict in Lebanon, Israel 

 

TOP

 

 

?   Giáo Hoàng Biển Đức XVI - Giáo Huấn Sống Chân Lý và Đức Tin: Bài 12 - “Truyền Đạt Đức Tin Trong Gia Đình”. 

(Huấn Từ Đêm Canh Thức Cầu Nguyện Cuộc Họp Thế Giới Các Gia Đình V Thứ Bảy 8/7/2006 tại City of Arts and Sciences, Valencia Tây Ban Nha:)  

Cuộc Họp Thế Giới Các Gia Đình lần thứ năm này kêu gọi chúng ta hãy suy nghĩ về một đề tài đặc biệt quan trọng, một đề tài đầy trách nhiệm, đó là đề tài việc truyền đạt đức tin trong gia đình. Đề tài này được diễn tả một cách đẹp đẽ trong Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo: ‘Như một người mẹ dạy cho con cái mình nói năng và nhờ đó chúng hiểu biết và biết thông đạt, Giáo Hội là Người Mẹ của chúng ta cũng dạy cho chúng ta biết thứ ngôn ngữ của đức tin để dẫn chúng ta đến chỗ hiểu biết và sống đức tin’ (số 171).

Điều này được biểu hiệu nơi phụng vụ Phép Rửa, ở chỗ, qua việc trao cây nến sáng, thành phần cha mẹ thuộc về mầu nhiệm của sự sống mới, khi con cái nam nữ của họ được trở thành con cái của Thiên Chúa qua nước rửa tội.

 

Việc truyền đạt đức tin cho con cái, với sự trợ giúp của các cá nhân cũng như những tổ chức, như giáo xứ, học đường hay các hội đoàn Công Giáo, là một trách nhiệm cha mẹ không thể coi thường, bỏ bê hoặc hoàn toàn phó mặc cho kẻ khác. ‘Gia đình Kitô hữu được gọi là giáo hội tại gia vì gia đình biểu lộ và sống bản chất hiệp thông và thân tình của Giáo Hội như gia đình của Thiên Chúa. Mỗi phần tử gia đình, theo vai trò nam hay nữ của mình, đều thực hiện thiên chức tư tế của phép rửa và góp phần vào việc làm cho gia đình thành một cộng đồng ân sủng và nguyện cầu, thành một học đường của các nhân đức nhân bản và Kitô Giáo, và thành một nơi đầu tiên loan truyền đức tin cho con cái’ (Cuốn Tổng Tắt Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, 350). Chưa hết, ‘Cha mẹ, vì việc tham dự của họ vào vai trò thân phụ của Thiên Chúa, có trách nhiệm trước hết đối với việc giáo dục con cái mình, và họ là những người đầu tiên loan báo tin mừng đức tin cho con cái. Họ có nhiệm vụ yêu thương và tôn trọng con cái của họ như là những con người và như là những người con cái của Thiên Chúa… họ đặc biệt có sứ vụ giáo dục con cái mình theo đức tin Kitô Giáo’ (Sách Vừa Dẫn, 460).

 

Ngôn ngữ của đức tin được học biết tại các gia đình là nơi đức tin này phát triển và được củng cố bằng việc nguyện cầu và sống đời Kitô hữu. Trong bài đọc theo Sách Nhị Luật chúng ta đã nghe lời cầu nguyện được Dân Chúa liên lỉ lập lại, đó là lời nguyện ‘Shema Israel’, một lời nguyện cầu được chính Chúa Giêsu đã nghe và đọc trong gia đình Người ở Nazarét. Chính Người cũng nhắc đến nó trong cuộc đời công khai của mình, như chúng ta thấy trong Phúc Âm Thánh Marcô (12:29). Đó là đức  tin của Giáo Hội, một đức tin được xuất phát từ mối tình yêu thương của Thiên Chúa là những gì thể hiện qua gia đình của anh chị em. Việc sống trọn vẹn đức tin này, nơi tất cả tính chất mới mẻ lạ lùng của nó, là một tặng ân cao cả. Cũng thế, vào những lúc Thiên Chúa dường như ẩn mặt đi, thì việc tin tưởng có thể trở thành khó khăn và đòi hỏi nhiều cố gắng.

 

Cuộc họp này cống hiến một động lực mới cho việc loan truyền Phúc Âm gia đình, cho việc tái khẳng định sức mạnh và căn tính của gia đình được thiết lập trên hôn nhân và hướng về việc quảng đại ban phát tặng ân sự sống, nơi con cái được giúp phát triển cả về thể lý lẫn thiêng liêng. Đó là đường lối hay nhất trong việc đương đầu với chủ nghĩa khoái lạc đang tràn lan là những gì biến những mối liên hệ con người thành tầm thường và làm trống rỗng giá trị đích thực cùng với vẻ đẹp của những mối liên hệ ấy. Việc cổ võ các giá trị về hôn nhân không cản trở việc hoàn toàn cảm nghiệm được niềm hạnh phúc con người nam nữ gặp được nơi tình yêu thương nhau của họ. Đức tin và đạo lý Kitô Giáo không phải là những gì để dập tắt yêu thương mà là làm cho nó lành mạnh hơn, mãnh liệt hơn và thực sự thanh thoát hơn. Tình yêu của con người cần phải được thanh tẩy và chín mùi một khi nó trở thành hoàn toàn nhân bản và là nguyên lý cho một niềm vui chân thực bền bỉ (x Huấn Từ ở Đền Thờ Gioan Latêranô ngày 5/6/2006).

 

(Bài Giảng Thánh Lễ Bế Mạc Cuộc Họp Thế Giới Các Gia Đình V ngày 9/7/2006 tại City of Arts and Sciences, Valencia Tây Ban Nha:)

 

Đức tin không phải chỉ là một gia sản văn hóa, mà là một tác động liên tục giữa ân sủng Thiên Chúa là Đấng đang kêu gọi với quyền tự do của con người chúng ta là những gì có thể đáp lại hay chăng tiếng gọi của Ngài. Mặc dù không ai có thể đáp ứng thay cho kẻ khác, cha mẹ Kitô hữu vẫn được kêu gọi để thực hiện một chứng từ khả tín cho thấy niềm tin tưởng và hy vọng của họ. Cần phải làm sao bảo đảm được rằng tiếng gọi của Thiên Chúa và tin mừng của Chúa Kitô tiến tới được với con cái của mình một cách rõ ràng nhất và trung thực nhất.

 

Qua năm tháng, tặng ân này của Thiên Chúa được cha mẹ nêu lên trước mắt những con người nhỏ bé ấy cũng cần phải được vun trồng một cách khôn ngoan và dịu dàng, để làm thấm nhập nơi chúng một khả năng nhận thức. Nhờ đó, với chứng từ liên tục của tình yêu phối ngẫu nơi cha mẹ mình, được thấm nhiễm một đức tin sống động, và với sự phụ họa ưu ái của cộng đồng Kitô hữu, thành phần con cái được hỗ trợ hơn nữa trong việc sống xứng đáng với tặng ân đức tin của mình, trong việc khám phá ra ý nghĩa sâu xa nhất của đời sống chúng, cũng như trong việc đáp ứng với lòng hân hoan cảm tạ.

 

Gia đình Kitô hữu truyền đạt đức tin khi cha mẹ dạy cho con cái mình biết nguyện cầu, và khi họ cầu nguyện với chúng (x Tông Huấn Familiaris Consortio, 60); khi họ dẫn chúng đến với các phép bí tích và dần dần đưa chúng vào đời sống của Giáo Hội; khi tất cả hợp nhau đọc Thánh Kinh, để cho ánh sáng đức tin chiếu soi đời sống gia đình và chúc tụng Thiên Chúa như Người Cha của chúng ta.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch trực tiếp từ văn khố điện toán toàn cầu của Tòa Thánh

 

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ