GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ SÁU 21/7/2006

 TUẦN XV THƯỜNG NIÊN

 

?  Đức Thánh Cha ấn định Ngày Cầu Nguyện Và Thống Hối cho Hòa Bình ở Trung Đông: Chúa Nhật 23/7/2006

?   Lebanon: Ngoại Kiều và Dân Chúng tán loạn di tản như một Việt Nam vào những tháng ngày trước quốc nạn 1975

?  BẢN TUYÊN NGÔN CHUNG VỀ TÍN LÝ CÔNG CHÍNH HÓA Giữa Liên Hiệp Lutherô Thế Giới và Giáo Hội Công Giáo: 1-  SỨ ĐIỆP CỦA THÁNH KINH VỀ VIỆC CÔNG CHÍNH HÓA

 

 

? Đức Thánh Cha ấn định Ngày Cầu Nguyện Và Thống Hối cho Hòa Bình ở Trung Đông: Chúa Nhật 23/7/2006

 

Văn Phòng Báo Chí của Tòa Thánh đã được chỉ định phổ biến thông báo sau đây:

 

“Đức Thánh Cha đang hết sức quan tâm theo dõi những số mệnh của tất cả mọi người trong cuộc và đã công bố Chúa Nhật này, 23/7, là một ngày đặc biệt để cầu nguyện và thống hối, kêu gọi các vị mục tử và tín hữu thuộc tất cả mọi Giáo Hội riêng, cũng như tất cả mọi tín đồ trên thế giới, hãy nài xin Thiên Chúa ban tặng ân hòa bình quí báu.

 

“Đức Thánh Cha đặc biệt hy vọng rằng những lời nguyện cầu sẽ được dâng lên Chúa để xin cho việc ngưng chiến ngay giữa đôi bên, cho việc mở rộng những phương tiện nhân đạo để giúp đỡ những người khổ đau, và cho những việc thương thảo hữu lý và hữu trách bắt đầu để chấm dứt những tình trạng bất công khách quan đang xẩy ra ở miền đất ấy; như đã được Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI nhắc đến trong buổi Nguyện Kinh Truyền Tin Chúa Nhật vừa rồi, 16/7.

 

“Thực ra, những người Lebanon có quyền mong cho xứ sở mình có được những gì là nguyên vẹn và chủ quyền, những người Do Thái có quyền sống hòa bình nơi Quốc Gia của họ, và những người Palestine cũng có quyền có được một quê hương tự do và tự chủ.

 

“Trong lúc sầu thương này, Đức Thánh Cha cũng kêu gọi các tổ chức bác ái hãy giúp đỡ tất cả mọi người đang gặp nạn bởi cuộc xung đột tàn bạo này”.

 

 Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo VIS ngày 20/7/2006

 

 

TOP

 

 

 ? Lebanon: Ngoại Kiều và Dân Chúng tán loạn di tản như một Việt Nam vào những tháng ngày trước quốc nạn 1975

 

Theo CNN, qua các bài viết Westerners flee Lebanon any way they can ngày 18/7/2006 và Lebanese lost in shuffle of exodus ngày 19/7, thì cuộc di tản thành phần ngoại kiều Tây Phương khỏi một Lebanon chiến tranh tàn khốc tăng nhanh vào hôm Thứ Ba, khi các chính phủ của họ tiến đến chỗ đưa dân của mình đi đến nơi an toàn, bằng đường bộ, đường biển và đường hàng không, trong khi đó một đám dân hoàn toàn bị quên sót là dân chúng Labanon.

 

Tuy nhiên, vấn đề ở đây là việc di tản không được tiến hành nhanh cho đủ. Vì cuộc chiến giữa đôi bên đã biến nhiều phần đất của Lebanon, bao gồm cả thủ đô Beirut, thành những vùng chiến tranh. Tất cả mọi quốc gia, như Pháp, Anh, Ý, Đức, Nga, Tây Ban Nha, Hoa Kỳ, Gia Nã Đại, Úc Đại Lợi, Chí Lợi v.v. có kiều dân của mình đã tìm đủ mọi cách, cả tầu thủy lẫn máy bay, để thoát khỏi Lebanon, bắt đầu vào ngày thứ bảy xẩy ra cuộc chiến với con số thiệt mạng lên tới 183 người.

 

Riêng số kiều dân Hoa Kỳ ở Lebanon là 25 ngàn người, trong đó nhiều người có hai quốc tịch, nhưng vào ngày Thứ Hai, 17/7, chỉ còn 70 còn lại đất nước Lebanon mà thôi. Một quốc gia đã từng bỏ ra 300 tỉ Mỹ Kim vào cuộc chiến ở Iraq làm sao lại không thể rat ay cứu kiều dân của mình ở Lebanon của mình được chứ.

 

Kiều dân Úc Đại Lợi ở Lebanon cũng lên tới 24 ngàn người, trong đó nhiều người có hai quốc tịch, chưa do tản khỏi Lebanon nhiều như kiều dân Mỹ, trái lại, chừng 400 kiều dân nước này còn kẹt ở miền nam đang than phiền là họ thiếu cả nước nôi lẫn lương thực. Cho tới lúc này mới chỉ có 300 người (cùng với 100 kiều dân khác quốc tịch) đi tầu Canada tới Thổ Nhĩ Kỳ, và 170 người đi xe buýt sang Jordan. Còn 40 ngàn kiều dân Canada, trong đó có 8 đã bị chết và 6 bị trọng thương.

 

Cách thủ đô đầy khói lửa Beruit khoảng 50 cây số có cả ngàn ngàn người tị nạn Lebanon chen chúc sống ở khu vận động trường ở Damascô Syria hôm Thứ Tư, 19/7/2006. Còn nhiều ngàn người khác đang cố gắng trốn thoát khỏi những vùng của nhóm dân quân Hezbollah bị Do Thái tấn công để chẳng hạn đến các vùng an toàn ở miền bắc hay đông nước Syria. Những đường phố lớn giữa Beirut và Đamascô, việc di chuyển tăng lên gấp 20 lần bình thường, làm kẹt cứng ở khu vực biên giới.

 

(Có thể so sánh như cảnh di tản ở Lebanon lần này, của cả ngoại kiều lẫn nhân dân bản quốc, chẳng khác gì như cảnh dân chúng của thành phố Houston chạy bão lụt vào cuối tháng 9/2005 vửa qua, hay cảnh dân Việt Nam chạy nạn cộng sản ở Việt Nam năm 1975 từ miền trung về miền nam vào tháng 3, nhất là vào những ngày cuối cùng cuối tháng 4 đen).

 

Nhiều người dân Lebanon cố gắng vượt thoát sang Syria song cũng chẳng biết tương lai của mình sẽ ra sao, chỉ biết là trước mắt cần phải thoát thân mà thôi. Theo tin tức cho biết đã có cả nửa triệu dân Lebanon bị phân tán khắp nơi.

 

Ở khu vực vận động trường Đamascô, có một người mẹ tên là Lela, an ủi đứa con gái đang khóc của mình vì không có nước uống nhiều giờ, và bà đã nói rằng: “Tôi không tẩu thoát. Tôi đến để cứu đám con của tôi. Để thấy chúng loon lên và gửi chúng đi chiến đấu với đám Do Thái”.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, lược dịch theo CNN


 

 

TOP

 

 

?   BẢN TUYÊN NGÔN CHUNG VỀ TÍN LÝ CÔNG CHÍNH HÓA Giữa Liên Hiệp Lutherô Thế Giới và Giáo Hội Công Giáo: 1-  SỨ ĐIỆP CỦA THÁNH KINH VỀ VIỆC CÔNG CHÍNH HÓA

 

(Tiếp 18 Thứ Ba, bài "Giáo Phái Methodist Thế Giới chấp nhận Bản Tuyên Ngôn Chung về Tín Lý Công Chính Hóa được Liên Hiệp Luthêrô Thế Giới ký nhận với Giáo Hội Công Giáo năm 1999", 19 Thứ Tư bài họp báo giới thiệu, 20 Thứ Năm bài Dẫn Nhập mở đầu)

 

1-     SỨ ĐIỆP CỦA THÁNH KINH VỀ VIỆC CÔNG CHÍNH HÓA

 

8.       Con đường cùng nhau lắng nghe lời Chúa trong Thánh Kinh đã dẫn chúng ta đến một cái nhìn thấu đáo mới mẻ như vậy. Chúng ta đã cùng nhau nghe thấy lời phúc âm là ‘Thiên Chúa đã quá yêu thương thế gian đến ban Con một của mình, để ai tin vào Con thì không phải chết song được sự sống đời đời’ (Jn 3:16). Tin mừng này đã được trình bày trong Thánh Kinh bằng nhiều cách thức khác nhau. Trong Cựu Ước, chúng ta đã nghe lời Chúa về vấn đề tội lỗi của con người (Ps 51:1-5; Dan 9:5f; Eccl/Qo 8:9f; Ezra 9:6f) và việc con người bất phục tùng (Gen 3:1-19; Neh 9:16f, 26), cũng như về ‘đức chính trực’ của Thiên Chúa (Is 46:13, 51:5-8, 56:1 [cf 53:11]; Jer 9:24) và về ‘phán quyết’ của Ngài (Eccl/Qo 12:14; Ps 9:5f, 76:7-9).  
 

9.       Tân Ước cũng có những trình bày khác nhau về ‘đức chính trực’ và ‘việc công chính hóa’, nơi các bản văn của Thánh Mathêu (5:10, 6:33, 21:32), Thánh Gioan (16:8-11), Thư gửi Do Thái (5:3, 10:37f), và Thánh Giacôbê (2:14-26). Trong các thư của Thánh Phaolô cũng thế, tặng ân cứu độ được trình bày bằng nhiều cách thức khác nhau: ‘vì tựï do mà Chúa Kitô đã giải cứu chúng ta’ (Gal 5:1-13; cf Rm 6:7), ‘đã giải hòa chúng ta với Thiên Chúa’ (2Cor 5:18-21; cf Rm 5:11), ‘làm hòa với Thiên Chúa’ (Rm 5:1), ‘tạo vật mới’ (2Cor 5:17), ‘sống cho Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô’ (Rm 6:11, 23), hay ‘được thánh hóa trong Đức Giêsu Kitô’ (cf 1Cor 1:2, 1:30; 2Cor 1:1). Trong số những đoạn này có đoạn về ‘việc công chính hóa’ con người tội lỗi bởi ơn Chúa nhờ đức tin (Rm 3:23-25), một đoạn đã chiếm được một địa vị trọng yếu đặc biệt vào thời Cải Cách.  
 

10.    Thánh Phaolô đã trình bày phúc âm như là quyền năng của Thiên Chúa để cứu độ con người là thành phần bị rơi vào tay quyền lực tội lỗi, như là sứ điệp loan báo ‘đức chính trực của Thiên Chúa được mạc khải cho thấy qua đức tin và cho đức tin’ (Rm 1:16f), và đức chính trực của Ngài làm cho con người được ‘công chính hóa’ (Rm 3:21-31). Thánh nhân công bố Chúa Kitô như là ‘đức chính trực của chúng ta’ (1Cor 1:30), khi áp dụng vào Chúa phục sinh những gì tiên tri Giêrêmia đã loan báo về chính Thiên Chúa (Jer 23:6). Trong cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa Kitô, tất cả mọi chiều kích nơi công việc cứu độ của Người đều có nguồn gốc của mình, vì Người là ‘Chúa chúng ta, Đấng đã bị giết chết vì các vấp phạm của chúng ta và đã phục sinh cho chúng ta được công chính hóa’ (Rm 4:25). Tất cả loài người đều cần đến đức chính trực của Thiên Chúa, ‘vì tất cả mọi người đã phạm tội và bị mất đi vinh quang của Thiên Chúa’ (Rm 3:23; cf Rm 1:18-3:20, 11:32; Gal 3:22). Trong thư Galata (3:6) và Rôma (4:3-9), Thánh Phaolô cho thấy đức tin của Abraham (Gen 15:6) như là niềm tin vào Thiên Chúa, Đấng công chính hóa tội nhân (Rm 4:5), và thánh nhân dựa vào chứng từ của Cựu Ước để làm nổi bật phúc âm ngài rao giảng, đó là đức chính trực của Thiên Chúa sẽ được áp dụng cho tất cả những ai, như Abraham, tin tưởng vào lời hứa của Thiên Chúa. ‘Vì kẻ chính trực sẽ sống bằng đức tin’ (Hab 2:4; cf Gal 3:11; Rm 1:17). Đức chính trực của Thiên Chúa, qua các bức thư của Thánh Phaolô, cũng chính là quyền năng của Ngài đối với những kẻ có lòng tin (Rm 1:16f; 2Cor 5:21). Thiên Chúa dùng quyền năng của mình để làm cho chúng ta được nên công chính trong Đức Kitô (2Cor 5:21). Chúng ta được công chính hóa nhờ Chúa Giêsu Kitô, ‘Đấng Thiên Chúa muốn làm như một hy tế đền tội bằng máu của Người, mang lại công hiệu nơi đức tin’ (Rm 3:25; xem 3:21-28). ‘Vì bởi ân sủng, anh em đã dược cứu độ nhờ đức tin, và đó không phải là việc anh em làm; đó là tặng ân của Thiên Chúa – không phải là thành quả của việc làm’ (Eph 2:8f).

 

11.    Việc công chính hóa là việc thứ tha tội lỗi (cf Rm 3:23-25; Acts 13:39; Lk 18:14), là việc giải thoát khỏi quyền lực thống trị của tội lỗi và sự chết (Rm 5:12-21) cũng như khỏi tình trạng khốn nạn của lề luật (Gal 3:10-14). Việc công chính hóa là việc chấp nhận hiệp thông với Thiên Chúa, ngay lúc này đây, nhưng toàn vẹn khi vương quốc Thiên Chúa trị đến (Rm 5:1f). Việc công chính hóa liên kết với Đức Kitô và cuộc tử nạn cũng như phục sinh của Người (Rm 6:5). Việc công chính hóa được thực hiện trong việc chấp nhận Chúa Thánh Thần nơi phép rửa và là việc gia nhập một thân thể duy nhất (Rm 8:1f, 9f; 1Cor 12:12f). Tất cả những việc này đều do bởi một mình Thiên Chúa làm vì Đức Kitô, bằng ân sủng, qua đức tin vào ‘phúc âm của Con Thiên Chúa’ (Rm 1:1-3).

 

12.    Người được công chính hóa sống bởi đức tin, một đức tin phát xuất từ Lời của Đức Kitô (Rm 10:17), và là một đức tin hoạt động qua đức mến (Gal 5:6), hoa trái của Thần Linh (Gal 5:22f). Thế nhưng, vì người được công chính hóa bị tấn công cả từ bên trong lẫn bên ngoài bởi những quyền lực cũng như bởi các ước muốn (Rm 8:35-39; Gal 5:16-21) và đã sa ngã phạm tội (1Jn 1:8, 10), nên họ phải liên lỉ nghe lại các lời hứa của Thiên Chúa, phải xưng thú tội lỗi của mình (1Jn 1:9), phải tham dự vào mình máu Chúa Kitô, và phải được khuyên nhủ sống chính trực theo ý muốn của Thiên Chúa. Đó là lý do tại sao Thánh Tông Đồ nói với thành phần được công chính hóa rằng: ‘Anh em hãy lo sợ và gắng sức để làm sao cho được cứu độ; vì Thiên Chúa là Đấng hoạt động nơi anh em, giúp anh em chẳng những muốn mà còn làm hài lòng Ngài’ (Phil 2:12f). Thế nhưng, tin mừng vẫn là ở chỗ ‘giờ đây không còn luận phạt cho những ai sống trong Chúa Giêsu Kitô’ (Rm 8:1), cũng như cho những ai được Chúa Giêsu sống động trong họ nữa (Gal 2:20). ‘Tác động chính trực’ của Đức Kitô ‘làm chúng ta nên công chính và sống cho tất cả mọi người’ (Rm 5:18).

 

(xin xem tiếp: 2- TÍN LÝ VỀ VIỆC CÔNG CHÍNH HÓA LÀ VẤN NẠN CỦA VIỆC ĐẠI KẾT)

 

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tổng hợp và chuyển dịch theo VIS 5/9/2000

 

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ