GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 CHÚA NHẬT 2/7/2006

 TUẦN XIII THƯỜNG NIÊN

 

?  Hướng Về Ngày Họp Thế Giới Các Gia Đình ở Tây Ban Nha 8-9/7/2006: Bài 13.- Tình Anh Chị Em 

?  Thế Giới Hồi Giáo với Hiện Tượng Khủng Bố Hiện Đại và Nỗ Lực Đối Thoại của Giáo Hội Công Giáo - Bài 2: Cơ hội truyền giáo như thế nào ở một nước Hồi Giáo?

?  Ngày của Chúa – Dies Domini: “Thiên Chúa chúc lành cho ngày thứ bảy và thánh hóa ngày này” (Gen 2:3)

 

 

? Hướng Về Ngày Họp Thế Giới Các Gia Đình ở Tây Ban Nha 8-9/7/2006: Bài 13.- Tình Anh Chị Em

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

 

Những con người làm anh làm chị 

 

T

rong thời gian gia đình tôi còn đi coi các nhà kiểu (model home) để mua trong các khu đang xây nhà mới, chúng tôi chỉ chọn coi nhà nào 5 phòng ngủ để đủ chỗ cho số người trong gia đình của chúng tôi. Trước khi bắt đầu dọn vào ngôi nhà ưng ý chúng tôi đang ở hiện nay, vợ chồng con cái chúng tôi dẫn nhau tới coi một lần cuối cùng để dứt khoát về việc sắp xếp đồ đạc và chia phòng. Tất nhiên master bedroom bao giờ cũng là phòng của hai vợ chồng, còn 4 phòng còn lại, 3 phòng giành để cho 3 đứa con chúng tôi và một phòng giành riêng cho khách khứa đến nhà.

 

Theo bình thường thì thằng anh cả sẽ chiếm phòng lớn nhất, vì có nhiều đồ đạc và nhu cầu hơn, còn đứa em gái út mới 10 tuổi sẽ ở phòng nhỏ nhất vì đồ đạc chưa có là bao nhiêu. Thế nhưng, khi chọn phòng, thằng anh cả 16 tuổi bấy giờ đã tự động nói với vợ chồng chúng tôi là con chọn phòng nhỏ nhất, để cho em gái phòng lớn nhất và đẹp nhất. Tình nghĩa anh em là thế.  

 

Chưa hết, trong những thân chủ bị khuyết tật chậm phát triển - mental retardation / developmental disabilities, tôi đang phục vụ với tư cách là phối hợp viên chương trình của họ, tôi thấy có 4 trường hợp liên quan đến tình nghĩa anh chị em như sau.

 

Trước hết là hai trường hợp em ở với gia đình chị. Một em trai ở với chị lấy chồng Mỹ và một em gái ở với chị lấy chồng Tầu. Bố mẹ của họ đều đã qua đời. Họ có những người anh chị em khác, nhưng không ai có thể trông coi hai con người chẳng những bị chậm phát triển về tâm trí và còn có những hành vi cử chỉ bất thường - behavior problems này cả. Thậm chí hai người thân chủ này của tôi cũng không tham dự chương trình huấn luyện hay huấn nghệ người lớn nào cả, dù chương trình này giành nguyên một người coi sóc riêng cho họ one to one ratio chăng nữa. Ngược lại, hai con người đáng thương tuổi trên 40 hầu như không sống với ai được này lại chỉ sống được với hai người chị này của mình mà thôi. Tôi chẳng những cảm phục hai người chị tràn đầy yêu thương và hết sức nhẫn nại ấy, mà còn khâm phục cả hai người chồng ngoại quốc của họ nữa. Như thế chứng tỏ hai người chị này phải sống làm sao với chồng thì chồng của họ mới chấp nhận để cho hai đứa em của họ ở trong nhà, nhất là để cho họ giành nhiều giờ chăm sóc đủ thứ cho hai đứa em ấy, kể cả việc ăn uống và tắm rửa cho hai con người này.

 

Ngoài trường hợp của hai người thân chủ ở với chị lập gia đình trên đây, tôi còn có trường hợp hai thân chủ ở với anh chị chưa lập gia đình nữa. Một người em trai ở với anh trai, và một người em trai khác ở với chị độc thân.

 

Khi tôi mới gặp người anh có đứa em chẳng những bị co bại hai tay mà còn bị động kinh và dở chứng nữa, nhiều khi lấn át cả anh mình, anh ta nói với tôi rằng bao giờ mẹ anh ta từ Việt Nam sang anh ta sẽ lập gia đình. Nhưng cho tới bây giờ, sau khi mẹ đã qua cả chục năm nay và đã chết gần chục năm rồi, anh vẫn ở vậy nuôi em và chăm sóc đứa em tật nguyền hết sức khó tính này một cách rất nhẫn nại, đến nỗi, dù chửi rủa anh mình, nhưng người thân chủ này của tôi cũng không thể nào bỏ được người anh gần ngũ tuần đã hy sinh cả cuộc đời cho đứa em của mình ấy.

 

Cũng thế, cách đây trên 10 năm, khi tôi mới gặp người thân chủ khác ở với chị thì hai chị em này mới ở Việt Nam sang, và mới bỏ bố ở tiểu bang khác để về California ở riêng với nhau. Vì bố sang Mỹ trước, bỏ mẹ của họ ở Việt Nam để đi lập gia đình khác. Bấy giờ hai chị em này đang trọ ở chung một phòng trong ngôi nhà của một người họ không hề quen thuộc gì cả. Người em câm điếc từ nhỏ với bộ mặt hết sức dị diện, nhưng hai chị em vẫn có cách trao đổi với nhau bằng những thứ ngôn ngữ cử điệu thân quen do chính họ tạo ra mà chỉ có họ mới hiểu được nhau. Người chị bấy giờ chưa nói được tiếng Mỹ, nên phải nhờ hết người này đến người khác để liên lạc với các cơ quan Mỹ, trong đó có cơ quan tôi đang phục vụ. Người chị trẻ duyên dáng dễ thương ở vào tuổi nửa chừng xuân 30 này, sau đó mấy năm, đã cho biết có rất nhiều người muốn tiến đến với cô, nhưng bị dội lại vì đứa em dị diện tật nguyền này của cô. Nhưng cô chỉ biết đến đứa em vô tội đáng thương này của cô, vì ngoài cô ra nó không còn ai nữa…

 

Trong một xã hội thiên về cá nhân chủ nghĩa, một xã hội mà chính con cái còn không thể chấp chứa cha mẹ trong nhà, làm cho các vị chán nản chỉ muốn trở về Việt Nam, bằng không cũng chỉ còn dưỡng lão viện là thích hợp nhất cho các bậc sinh thành bị chính con cái của mình phũ phàng đào thải này, mà còn có những con người anh chị rất quảng đại dấn thân bao bọc và trọn đời hy hiến để phục vụ cho em mình như thế, thật là hiếm quí và vô cùng cảm động.

 

Trong một xã hội mà chính người mẹ nhẫn tâm giết đứa con trong lòng mình bằng những cuộc phá thai, chính vợ chồng đem nhau ra tòa ly dị bất chấp lợi ích giáo dục đối với cuộc đời của con cái họ, mà còn có những tâm hồn anh chị sáng chói về tình nghĩa như vậy thì không còn gì cao cả cho bằng.

 

Trong một xã hội mà cha mẹ không muốn bị bothered, bị phiền hà bởi đứa con tật nguyền, đã đưa chúng vào group home, vào nhà ở cộng đồng để chính phủ lo thay, mà còn có những cuộc đời anh chị tình nguyện chịu chấp nhận lo cho em mình như vậy thì thật là một chuyện khó tin nhưng có thật.

 

Thế nhưng, cái gì đã làm cho những con người làm chị làm anh này đã dám hy sinh cuộc đời cho em mình như vậy, như những trường hợp điển hình trên đây, nếu không phải trước hết và trên hết, là vì tình nghĩa ruột thịt trong gia đình, sau nữa, là vì chính bản chất của con người làm anh làm chị, và sau hết, là vì ơn gọi làm người sống cho đời nơi những con người làm anh làm chị ấy.  

 

Tình nghĩa ruột thịt trong gia đình

 

Thật thế, những con người làm anh làm chị gương mẫu điển hình trên đây sở dĩ dấn thân trọn đời cho các người em vô tội đáng thương của mình chắc chắn là vì những con người tật nguyền ấy chính là những người em ruột của họ, cũng từ một lòng mẹ mà ra. Nếu những con người tật nguyền này không phải là em ruột của họ, họ đã không đi đến chỗ hy sinh như thế.

 

Tuy nhiên, vấn đề được đặt ra ở đây là thế thì tại sao lại có những người anh chị khác không tình nguyện, đúng hơn là không dám hay không chịu thi hành chức vụ làm anh làm chị của mình thay cha mẹ trong việc chăm sóc cho những đứa em vô tội đáng thương của mình? Mà trường hợp đối xử “bay chết mặc bay”, “ai có thân người ấy lo”, nếu không tự lo được thì đã có chính phủ lo này lại đa số và hầu hết.

 

Bởi thế, tình nghĩa ruột thịt trong gia đình cũng chỉ là một phần khiến cho những con người đóng vai anh chị hiếm quí này tiến đến chỗ chấp nhận người em vô tội đáng thương của mình mà thôi, chấp nhận một cách tình nguyện và mãi mãi, chứ không phải vì bất đắc dĩ hay một lúc nào thôi, không bao giờ dám coi em mình là gánh nặng của mình, không khi nào muốn hất hủi họ đi như một cái gì bất hạnh cho bản thân mình, một cái gì ngãng trở, một cái gì cản mũi kỳ đà, cần phải loại trừ, phải vượt qua để có thể và mới có thể thăng tiến cuộc đời.

 

Không phải hay sao, thực tế đã cho thấy, chính anh em trong nhà đã trở thành kẻ thù không đội trời chung với nhau. Chẳng những vì “tính nết trời cho” nhất là còn vì lợi lộc tư riêng nữa. Lịch sử thế giới nói chung và Trung Hoa hay Việt Nam nói riêng đã không có những triều đại quân chủ bị đẫm máu vì việc tranh giành ngai vàng ngôi báu giữa anh em với nhau hay sao?

 

Chính bản thân tôi cũng có một người em, một người em duy nhất trong các người em vốn hết lòng tôn kính tôi như đại ca của họ, đó là đứa em gái kế tôi, một người em trước kia rất hãnh diện về anh mình trước mặt bạn bè của nó nay lại quay ra thâm hận tôi chỉ vì tôi không về phe nó, bênh vực nó, khi tôi cùng với thày mẹ tôi và các em tôi cách đây mấy năm cố gắng họp lại để phân giải và làm hòa giữa nó với đứa em của nó về vấn đề tranh chấp lợi lộc mà nó cho rằng nó bị em nó ăn hiếp khi nó mới sang Mỹ. Ngày sinh nhật của nó tôi gọi điện thoại mừng, nó không nhấc điện thoại. Tính đến nhà thăm nó, nó không cho. Tặng quà cho các cháu, nó không nhận. Nhưng tôi vẫn thương nó và nói với đứa em gái út vốn hay gọi điện thoại tâm sự với tôi rằng dù chị em có hận anh mấy chăng nữa, anh cũng vẫn thương chị em, và anh sẽ cứ đứng chờ một chỗ, chứ không tức giận quay mặt bước đi, làm cho khoảng cách giữa anh em càng ngày lại càng xa nhau, nhờ đó, một ngày kia, khi chị em tỉnh ngộ có quay lại thì gặp anh ngay.  

 

Bản chất con người làm anh chị

 

Nếu tình nghĩa ruột thịt trong gia đình, như trên đã nhận định, không phải là nguyên động lực thúc đẩy những con người làm anh làm chị dám tự nguyện hy sinh bản thân và cuộc đời cho những người em của mình, thì phải kể đến yếu tố bản chất của con người làm anh làm chị gương mẫu này. Thật vậy, nếu bản chất của những con người làm anh làm chị này vốn không có lòng thương người, nhất là con người đáng thương ấy lại là chính anh em ruột thịt của mình, thì họ cũng có thái độ lạnh lùng và xa tránh như những người anh chị em khác trong gia đình của họ mà thôi. Họ có thể và có quyền đặt vấn đề là ai cũng có trách nhiệm ruột thịt với người anh em của mình cả, vậy tại sao chỉ có mình tôi phải đứng ra chịu trận.

 

Trong các thân chủ của tôi còn hai trường hợp nữa như thế này. Trường hợp thứ nhất liên quan đến một thân chủ nữ trên lục tuần, đang ở một nhà trọ cộng đồng của một người Phi Luật Tân làm chủ, lúc nào gặp tôi cũng nói “chán lắm”, rồi lảm nhảm những gì tôi cũng chẳng hiểu. Chị có mấy người em trai, thỉnh thoảng họ cũng đến thăm chị và cho chị quà bánh, nhất là mang đến cho chị các món đồ ăn Việt Nam. Nhưng chị có biết đâu hoàn cảnh của những đứa em của mình, những đứa em chắc vì bất đắc dĩ và có khổ tâm trong gia đình mới không thể chứa chấp chị và coi sóc chị như chị mong muốn. Họ còn để ý đến thăm và cho quà bánh là quí lắm rồi.

 

Trường hợp thứ hai liên quan đến một thân chủ nữ khác ở vào tuổi giữa 20 và 30, vừa bị động kinh lại bị tâm thần, có những hành động như điên cuồng và nguy hiểm, nên cha mẹ đành phải xin cơ quan chúng tôi đưa con mình đi ở trong một nhà trọ cộng đồng. Sau một thời gian hai năm, thấy con người của nữ thân chủ này trở lại hầu như bình thường và hết sức muốn trở về sống với cha mẹ, chính cha mẹ của cháu cũng thấy như vậy mỗi khi cháu về nhà cuối tuần. Bởi thế, nghe lời tôi đề nghị, ông bà đã nhận lại con mình. Mới về nhà sống với cha mẹ được hai tháng, bà mẹ lại liên tục gọi cho tôi tường trình đủ mọi rắc rối cháu tái giở chứng gây ra cho gia đình vì chứng tật động kinh và tâm thần của cháu. Cuối cùng, sau cả gần chục lần xe cứu thương phải đưa người thân chủ này vào nhà thương tâm thần, dù đứa con của bà luôn năn nỉ bà cho nó ở nhà với ông bà, bà mẹ vẫn dứt khoát xin tôi đưa người con của bà trở lại sống ở nhà trọ cộng đồng như trước. Tôi đành phải nói với bà rằng, vấn đề cần phải giải quyết ở đây không phải là nhà trọ mà là chữa bệnh. Bởi vì, nếu cháu không hết bệnh hay đỡ bệnh thì ở đâu cháu cũng gây rắc rối và cuối cùng cháu lại phải đưa vào nhà thương thôi. Tuy nhiên, qua những lần giao tiếp với cả cha lẫn mẹ của người thân chủ này, tôi có thể biết được nguyên nhân sâu xa tại sao người thân chủ này ở nhà trọ cộng đồng có lợi hơn là ở nhà với cha mẹ, do đó, vì lợi ích của thân chủ hơn là của cha mẹ cháu, tôi đã lo cho cháu trở lại với nhà trọ cộng đồng…

 

Hai trường hợp tôi vừa đề cập đến trên đây, một giữa em với chị và một giữa cha mẹ với con cái, một phần nào cho thấy bản chất tâm linh của con người là một yếu tố rất quan trọng bất khả thiếu trong việc tỏ tình yêu thương và đối xử với nhau. Bản chất tâm linh của con người chẳng khác gì như bản tính thứ hai, bản tính phụ của họ. Nếu bản tính gồm thân xác và hồn thiêng là hai yếu tố chất thể và mô thể làm nên hữu thể con người thế nào, mà thiếu một trong hai con người một là làm thú vật hai là làm thần thiêng thế nào, thì bản chất tâm linh cũng là yếu tố khiến con người sống động cuộc đời của họ như vậy.

 

Ơn gọi làm người sống cho đời

 

Tuy nhiên, bản chất tâm linh hầu như bẩm sinh nơi con người vẫn có thể thay đổi theo hoàn cảnh sống. Thực tế chẳng cho thấy hay sao, bản chất của người mẹ là gì, nếu không phải là yêu thương con cái, hy sinh mọi sự cho con. Thế mà trong thế giới văn minh vật chất và duy thực dụng ngày nay, có những bà mẹ phá thai, hay thậm chí giết con sau khi sinh chúng vào đời, dù đã mang nặng đẻ đau mới có chúng.

 

Bởi thế, nếu tinh thần hy sinh sống cho đời thực sự là ơn gọi của mọi con người sống trên trần gian này, nếu không sống đúng ơn gọi này con người chỉ gặp toàn bất mãn, bất an và bất hạnh, thì quả thực những con người làm anh làm chị gương mẫu điển hình của bốn trường hợp thân chủ của tôi trên đây đã sống trọn ơn gọi làm người của mình, và chính ơn gọi làm người hầu như chỉ ở trong tiềm thức của họ đã có một mãnh lực thôi thúc họ sống bản chất tâm linh nhân bản của họ qua vai trò làm anh làm chị của họ. Đó là lý do, cuộc đời của những con người này có thể là bất hạnh trước mắt đa số người đời, nhưng tự thâm tâm và bản thân họ, tôi nhận thấy họ hết sức an bình và vui sống hơn ai hết. Khi họ vĩnh viễn nằm xuống, dù không ai biết đến, họ vẫn là những con người đã sống trọn kiếp người và làm đẹp cõi đời!

 

Tóm lại, về tình anh chị em, nếu gia đình là trung tâm yêu thương và sự sống, thì có thể ví các phần tử làm nên gia đình chẳng khác gì như một thân thể, có đầu là người chồng người cha, có thân là người vợ người mẹ, và có tay chân là những người anh chị em trong nhà, thành phần “anh em như thể tay chân” này, vì được mẹ sinh ra, nên chính thức được phát xuất từ thân và trực tiếp gắn liền với thân là mẹ hơn là từ đầu và với đầu là bố.

 

Chưa hết, nếu gia đình là nguồn mạch của tất cả mọi thứ tình yêu thương, và nếu tình yêu vợ chồng được thể hiện ở việc nên một thân thể, tình yêu phụ tử và mẫu tử được thể hiện ở việc hy sinh phục vụ con cái, thì tình yêu anh chị em trong một gia đình được thể hiện ở việc gắn bó đoàn kết với nhau, một tinh thần rất hệ trọng và thiết yếu liên quan đến tình nghĩa vợ chồng và tình yêu đồng loại.

 

Thật thế, nếu tình nghĩa vợ chồng được thể hiện qua việc nên một thân thể với nhau, thì họ chỉ có thể sống đời vợ chồng với nhau thực sự và trọn đời một khi họ biết gắn bó đoàn kết với nhau. Bằng không, không trước thì sau, không sớm thì muộn, họ cũng sẽ chia tay nhau, “anh đi đường anh, tôi đi đường tôi, tình nghĩa đôi ta có thế thôi”. Vì tự bản chất, tình nghĩa vợ chồng gắn bó với nhau như ruột thịt mà, theo văn hóa Trung Hoa và Việt Nam, vợ chồng đã gọi nhau là huynh muội, là anh em, coi nhau như anh em ruột thịt theo duyên nợ.

 

Ngoài ra, trong thiên nhiên vạn vật, loài người là một con vật có lý trí duy nhất, nhờ đó, họ đã nhận thấy mình là đồng loại của nhau, là một gia đình nhân loại, coi nhau như anh em một nhà: “tứ hải giai huynh đệ”. Vì nhân loại là một gia đình, các quốc gia là anh chị em với nhau, mà lịch sử cho thấy, bất cứ khi nào và bất cứ ở đâu, con người “đoàn kết là sống, chia rẽ là chết”.

 

Tình hình thế giới ngày nay, nhờ phương tiện truyền thông xã hội tối tân tiến đã biến thế giới thành ngôi làng hoàn vũ - global village cũng cho thấy con người văn minh đang tiến đến chỗ toàn cầu hóa đặc biệt về phương diện kinh tế, trước khi tới phương diện chính trị. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, ngay sau biến cố kỷ niệm khủng bố tấn công Hoa Kỳ 11/9 đúng một năm, đã cho thấy, đúng như chủ trương của Quốc Đô Vatican được bày tỏ với giới chính trị cũng như tại Liên Hiệp Quốc, con người cần phải thực hiện việc toàn cầu hóa tình đoàn kết nữa vậy. Bởi vì, chỉ có tình đoàn kết mới không bao giờ biến xã hội loài người thành một bãi chiến trường giành giật, thành một thị trường thương mại đẫm máu, mà là một Mái Ấm Gia Đình, nơi mà các quốc gia là anh chị em với nhau, nước văn minh giầu thịnh biết chia sẻ nâng đỡ các nước chậm tiến nghèo khổ, nơi con người sống văn minh yêu thương và văn hóa sự sống.

 

(Bài ngày mai: Giới Trẻ Tương Lai Xã Hội)

 

 

TOP

 

 

 ? Thế Giới Hồi Giáo với Hiện Tượng Khủng Bố Hiện Đại và Nỗ Lực Đối Thoại của Giáo Hội Công Giáo - Bài 2: Cơ hội truyền giáo như thế nào ở một nước Hồi Giáo?

 

Màn Điện Toán Zenit đã phỏng vấn ĐTGM José Antonio Peteiro Freire, TGP Tangier, dòng Anh Em Hèn Mọn, về việc làm sao các nhà thừa sai Kitô Giáo có thể truyền giáo trong tình trạng thiếu tự do tôn giáo ở một số quốc gia đa số là Hồi Giáo, với câu trả lời của ngài đó là nhờ ở việc làm chứng.


Vấn     Chúng ta hãy bắt đầu với câu hỏi căn bản, đó là liệu có thể trở thành một nhà truyền giáo ở một xứ sở Hồi Giáo được chăng?


Đáp     Thánh Phanxicô đã sai 5 tu sĩ Phanxicô người Ý đến Morroco. Các tu sĩ Phanxicô này đã rao giảng Phúc Âm một cách công khai và tuyên bố rằng Hồi Giáo là một đạo sai lầm, Mohammed là một tiên tri giả. Các vị đã làm nhục đến các đền đài và đó là lý do các vị bị sát hại vào năm sau, tức năm 1220. Vào năm 1219, Thánh Phanxicô đến gặp vị Đạo Trưởng ở Damieta gần Cairo, và xin cho Kitô hữu được viếng thăm các nơi thánh. Sự kiện thánh nhân đi đến gặp vị Đạo Trưởng chắc chắn là một hành vi ngôn sứ. Vào lúc cao điểm của các cuộc Thánh Chiến, khi mà đạo quân của Hồi Giáo và Kitô Giáo đang đụng độ nhau, Thánh Phanxicô đã gặp khó khăn trong việc xin phép vị đại diện của Đức Thánh Cha là Pelagius để gặp vị Đạo Trưởng. Tuy nhiên, thánh nhân thật sự đã đối xứ tốt với ông ta và tặng cho ông ta một cái kèn bằng vàng. Việc chúng tôi hiện diện nơi những người Hồi Giáo có hai mục đích. Thứ nhất là để giúp cho những người Kitô hữu được trở thành môn đệ thực sự của Chúa Giêsu. Về mục đích thứ hai, Thánh Phanxicô đã viết vào năm 1221 một khoản qui luật 23 chương. Chương 16 nói về “những ai đi đến với dân Saracens (người Ả Rập Hồi Giáo - biệt chú của người dịch) và những người vô tín ngưỡng khác”. Bản văn viết: “Bởi vậy cho nên bất cứ Anh Em nào muốn đi đến với dân Saracens và những người vô tín ngưỡng đều phải có phép từ vị thừa tác viên cũng như từ người nô lệ của mình… Ngoài ra, những người Anh Em ra đi ấy có thể sống đạo nơi họ bằng hai cách. Thứ nhất, đó là đừng gây nên những cuộc tranh luận và tranh cãi, song hãy vì yêu Chúa phục tùng hết mọi tạo vật… và thú nhận rằng mình là Kitô hữu. Thứ hai đó là khi thấy đẹp lòng Chúa, những người anh em này phải loan báo lời Chúa, để họ, những người vô tín ngưỡng, nhờ đó tin tưởng vào vị Thiên Chúa Toàn Năng là Cha và Con và Thánh Thần…” Cách đầu tiên bao giờ cũng đúng trong mọi trường hợp. Thế nhưng, ở cách thứ hai, Thánh Phanxicô đã cẩn trọng là “khi thấy đẹp lòng Chúa”. Không phải bao giờ cũng đẹp lòng Chúa khi chúng ta loan báo Phúc Âm bằng lời nói. Điều này gây nên những tranh biện và cãi cọ.


Vấn     Ở Morocco có tự do thờ phượng cho những người Do Thái và Kitô Hữu, nhưng tất cả mọi thứ dụ giáo và trở lại Kitô Giáo đều bị cấm đoán. Vị thừa sai phải làm sao ở những nơi tỏ ra cấm cản việc truyền bá phúc âm hóa như vậy?


Đáp     Người Kitô hữu phải là một người anh em đại đồng, cởi mở với tất cả mọi người không trừ ai, bảo trì căn tính của mình, nhưng thiết lập những chiếc cầu của lòng tôn trọng, của tình thân hữu, của sự đoàn kết với cả thế giới. Đó là một đường lối khác của việc truyền bá phúc âm hóa, có lẽ còn đắt giá hơn và xác đáng hơn là truyền bá phúc âm hóa bằng lời nói. Chúng ta được kêu gọi để sống các giá trị Phúc Âm như yêu thương, chân chính, thứ tha, đoàn kết với hết mọi người, nhất là với thành phần nghèo khổ nhất.


Vấn     Tình hình của Kitô hữu ở Morocco có thay đổi gì không từ ngày 11/9/2001?


Đáp     Một cuộc gặp gỡ cầu nguyện đã được tổ chức ở vương cung thánh đường Rabat để cầu cho các nạn nhân. Chính quyền Morocco đi theo Hoa Kỳ. Tuy nhiên, dân chúng đã chống lại người Hoa Kỳ. Những người Morocco có khuynh hướng đồng hóa Tây Phương với Kitô Giáo, vì họ phủ nhận cả hai quan niệm.


Vấn     Có chỗ giành cho việc đối thoại liên tôn ở Morroco hay chăng?


Đáp     Những vị lãnh đạo người Hồi Giáo tin tưởng rằng Hồi Giáo là tôn giáo của Thiên Chúa. Họ có khuynh hướng chỉ nói tiếng Ả Rập mà thôi và tránh việc đối thoại liên tôn, vì, theo họ, họ không có gì để học hỏi từ các tôn giáo khác cả. Tuy nhiên, một số cơ cấu về văn hóa, một số cơ quan phi chính phủ, về các lãnh vực thể thao, nghệ thuật, văn hóa và giáo dục lại có khuynh hướng thích hợp tác để phát động xứ sở.


Vấn     Làm thế nào để một xứ sở với 95% người Hồi Giáo được hưởng lợi từ sự hiện diện của Kitô hữu?


Đáp     Sự kiện đó là việc Kitô hữu được phép có mặt ở Morocco đang làm phong phú xứ sở này. Trước hết, ở xã hội Morocco có một số cái khác nhau, theo tôi, làm lợi cho tất cả mọi người và là một dấu hiệu tích cực. Ngoài ra, Giáo Hội cung cấp nhiều dịch vụ cho những thành phần nghèo khổ nhất trong dân chúng. Thêm vào đó, nó làm xã hội cởi mở với các thứ ngôn ngữ khác, văn hóa khác và văn minh khác thuộc thế giới văn chương, nghệ thuật và khoa học là những gì tiêu biểu cho thấy tình trạng phong phú cho xử sở này. Thật là quá tệ khi mà quyền tự do tôn giáo không được chấp nhận ở bất cứ một quốc gia Hồi Giáo nào. Hơn nữa, theo nhà sử gia người Tunisia là Mohammed Talbi gần đây có nói là giả sử họ sống ở những chế độ độc tài, thì việc canh tân Hồi Giáo sẽ phát xuất từ các cộng đồng Hồi Giáo thiểu số đang sống ở Tây Phương là nơi có tự do.


Vấn     Những đặc điểm nào ĐTGM muốn đề cao nơi công việc của Anh Em Hèn Mọn ở các xứ sở Hồi Giáo?


Đáp     Có người nói rằng đó là đặc sủng ở đặc sủng Phanxicô. Dĩ nhiên chúng tôi đã sống với những người Hồi Giáo cả 8 thế kỷ. Chỉ có hai thời kỳ, 4 năm một, là chúng ta bị trục xuất ra khỏi Morocco mà thôi. Trong suốt 8 thế kỷ này, chúng tôi thấy được các kiểu anh em hèn mọn khác nhau; đó là những vị tử đạo, những người anh em hèn mọn phục vụ các kẻ bị đầy ải, những vị làm môi giới hòa bình, những vị dấn thân vào thừa tác mục vụ, những vị hoạt động cho việc phát triển của đất nước này. Trong số những người khác, phải kể đến Cha Joseph Lerchundi. Việc phục vụ cho những người bị đầy ải ở Marrakech, Fez và Mequinez rất cảm kích, nơi các vị sống với những tù nhân, chia sẻ cùng lao ngục với họ, tức là một nơi dưới lòng đất, cao vút, thâm u và ẩm thấp. Trong những lao ngục này, người tu sĩ có những khu sinh sống riêng, có nhà nguyện và phòng bệnh. Các vị chia sẻ tất cả mọi vấn đề với các tù phạm và cố gắng giúp họ với tất cả mọi phương tiện có trong tay. Từ năm 1217, sứ vụ Thánh Địa được coi là “hòn ngọc của các sứ vụ”. Tòa Thánh đã ký thác cho nhà dòng này trách nhiệm bảo quản các nơi thánh, phát động việc thờ phượng nơi những nơi ấy, nuôi dưỡng lòng đạo của những người hành hương, thi hành việc truyền bá phúc âm hóa, và thiết lập cùng cổ võ tính cách xã hội nơi các hoạt động tông đồ.

 

(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu được Zenit phổ biến ngày 3/2/2003)

 

 

TOP

 

 

?   Ngày của Chúa – Dies Domini: “Thiên Chúa chúc lành cho ngày thứ bảy và thánh hóa ngày này” (Gen 2:3)

 

Tông Thư Dies Domini của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II

 

13.       Chỉ thị giữ Ngày Hưu Lễ, một chỉ thị trong Giao Ước đầu tiên sửa soạn cho Chúa Nhật của Giao Ước mới vĩnh viễn, bởi thế được bắt nguồn sâu xa trong dự án của Thiên Chúa. Đó là lý do tại sao, không giống như các chỉ thị khác, nó không ở trong phần qui định triệt để về vấn đề tôn sùng kính bái mà là trong phần Thập Giới, “10 chữ” tiêu biểu cho chính những cột trụ của đời sống luân lý được ghi khắc nơi tâm can con người. Trong việc đặt để mệnh lệnh này trong phần cấu trúc căn bản của đạo lý, dân Do Thái rồi sau đó tới Giáo Hội đều tuyên xưng rằng mình coi nó không phải chỉ là vấn đề luật phép tôn giáo của cộng đồng mà là một biểu lộ rõ ràng bất khả tẩy xóa nơi mối liên hệ của chúng ta với Thiên Chúa, một biểu lộ được loan báo và dẫn giải bởi mạc khải thánh kinh. Đó là quan niệm mà Kitô hữu cần tái nhận thức nơi nó mệnh lệnh này hôm nay đây. Cho dù chỉ thị này có thể tự nhiên trùng hợp với nhu cầu nghỉ ngơi của con người đi nữa, duy đức tin mới có thể đi sâu vào ý nghĩa của nó và bảo đảm được rằng nó không trở thành những gì là rỗng tuyếch và tầm phào.

14.       Thế nên, trước hết, Chúa Nhật là ngày của sự nghỉ ngơi, vì nó là ngày được Thiên Chúa “chúc phúc” và được Ngài “thánh hóa”, một ngày được tách biệt hẳn với các ngày khác để trở thành “Ngày của Chúa” trong tất cả những ngày ấy.

Để thấu triệt được những gì được trình thuật đầu tiên của thánh kinh về việc tạo dựng muốn nói đến nơi vấn đề giữ Ngày Hữu Lễ “thánh hảo”, chúng ta cần cứu xét đến cả câu truyện là những gì cho thấy rõ ràng làm thế nào mà hết mọi thực tại, không trừ một thực tại nào, đều phải qui về Thiên Chúa. Thời gian và không gian đều thuộc về Ngài. Ngài không phải là Vị Thiên Chúa của một ngày duy nhất, mà là Vị Thiên Chúa của tất cả mọi ngày nhân loại sống.

Bởi thế, nếu Thiên Chúa “thánh hóa” ngày thứ bảy bằng một phép lành đặc biệt và làm cho nó thành “ngày của Ngài” trên hết, thì điều này cần phải được hiểu theo tính cách năng động sâu xa của cuộc đối thoại Giao Ước, mà thực sự là một cuộc đối thoại “hôn nhân”. Đó là cuộc đối thoại yêu thương không bị gián đoạn nhưng cũng chẳng bao giờ nhàm chán. Thật thế, nó có những nhận thức khác nhau về yêu thương, từ nhận thức bình thường và gián tiếp cho đến những nhận thức mãnh liệt hơn, những nhận thức được các lời Thánh Kinh cùng chứng từ của rất nhiều vị thần bí không ngấn ngại diễn tả bằng hình ảnh bắt nguồn từ cảm nghiệm của một tình yêu hôn phối.

15.       Tất cả đời sống con người, cũng như bởi thế tất cả thời gian của con người, đều phải trở thành việc chúc tụng Đấng Hóa Công và tạ ơn Ngài. Thế nhưng, mối liên hệ của con người với Thiên Chúa cũng đòi hỏi những thời giờ chuyên để nguyện cầu, nhờ đó mối liên hệ này trở thành một cuộc đối thoại thiết tha, bao gồm hết mọi chiều kích của con người. “Ngày Của Chúa” là ngày của mối liên hệ trên hết này, khi mà con người nam nữ cất tiếng hát khen Thiên Chúa và trở nên tiếng nói của tất cả mọi tạo vật.

Đó chính là lý do tại sao nó cũng là ngày của sự nghỉ ngơi. Khi nói một cách linh động đến “việc canh tân” và “ly thoát” của ngày này thì việc gián đoạn nhịp điệu thường dồn nén của việc làm là những gì thể hiện việc con người và vũ trụ lệ thuộc vào Thiên Chúa. Hết mọi sự đều thuộc về Thiên Chúa! Ngày của Chúa được lập đi lập lại là để công bố nguyên tắc này khi tính đến vấn đề thời gian hằng tuần. “Ngày Hưu Lễ” vì thế đã được hiểu một cách phấn khởi như là một yếu tố ấn định nơi một thứ “kiến trúc linh thánh” của thời gian là những gì làm nên đặc tính của mạc khải thánh kinh (13). Nó nhắc nhở rằng vũ trụ và lịch sử này đều thuộc về Thiên Chúa; và thiếu việc liên tục nhận thức về sự thất ấy thì con người không thể phục vụ trên thế gian này như là cộng sự viên của Đấng Hóa Công.

(còn tiếp vào mỗi Chúa Nhật)

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch trực tiếp từ văn khố điện toán toàn cầu của Tòa Thánh:

http://www.vatican.va/holy_father/john_paul_ii/apost_letters/documents/hf_jp-ii_apl_05071998_dies-domini_en.html

 

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ