GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ TƯ 5/7/2006

 TUẦN XIII THƯỜNG NIÊN

 

?  Hướng Về Ngày Họp Thế Giới Các Gia Đình ở Tây Ban Nha 8-9/7/2006: Bài 16.- Bản Chất Con Người 

?  Thế Giới Hồi Giáo với Hiện Tượng Khủng Bố Hiện Đại và Nỗ Lực Đối Thoại của Giáo Hội Công Giáo - Bài 5: Thần Học về Thánh Chiến của Hồi Giáo

?  Giáo Hoàng Biển Đức XVI - Giáo Huấn Sống Chân Lý và Đức Tin: Bài 3 - Tiêu Hôn trong Sự Thật

 

 

? Hướng Về Ngày Họp Thế Giới Các Gia Đình ở Tây Ban Nha 8-9/7/2006: Bài 16.- Bản Chất Con Người

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

 

Tâm Lý và Thể Lý 

 

K

hông ai có thể chối cãi con người có một cái gì đó khác với con vật và hơn con vật. Tại sao con người cũng có thân xác như con vật, một con vật thẳng đứng và biết nói, lại có văn hóa, lại phát triển về đủ mọi phương diện, từ thời ăn lông ở lỗ chẳng khác gì loài vật cho đến chỗ tối văn minh tân tiến hầu như tuyệt đỉnh ngày nay, về cả vật chất lẫn nhân bản? Tại sao con người cũng có bộ óc như con vật, với trung tâm thần kinh hệ ở trên đầu, lại có thể nẩy ra những tư tưởng, lại có thể biết suy tư, chẳng những biết được tất cả những gì ở chung quanh mình, với những khám phá khoa học cùng với những phát minh kỹ thuật tân kỳ, làm thăng hoa đời sống văn minh vật chất của con người trên mặt đất này, nhất là còn biết chính mình, với những cơ cấu tổ chức xã hội cùng với hệ thống luật pháp càng ngày càng phản ảnh nhân phẩm và tôn trọng nhân quyền xứng với nhân vị của con người hơn?

 

Phải, cái con người khác với con vật và vượt hơn con vật, cái làm con người có thể tiến từ tầm mức loài vật vô tri sống theo bản năng cho đến chỗ làm chủ trái đất, bằng một đời sống văn minh vật chất và văn hóa nhân bản như thế, chính là lý trí của con người. Tuy nhiên, con người sẽ không thể nào suy nghĩ và phát triển về văn minh và văn hóa như ngày nay, nếu con người không có một bộ óc tốt, ít là một bộ óc bình thường, bộ óc nguyên vẹn, không bị hư hại cách nào, như một số người bất hạnh trong họ đã trở thành những người khờ dại, lớn tuổi mà sống như trẻ con, những người bị mental retardation chậm trí khôn, những người bị chậm phát triển people with developmental disabilities, những người mà ở mức độ nặng như severe hay profound thì không biết tự chăm sóc lấy cho mình những nhu cầu căn bản nhất như ăn uống vệ sinh tiểu tiện, và nếu ở mức độ nhẹ như mild hay moderate thì không đủ hiểu biết để giao dịch xã hội hay không đủ khôn ngoan tối thiểu để có thể xoay sở biến báo phản ứng khi bất trắc xẩy ra.

 

Như thế, theo bản tính của mình, con người có hai phần, thể lý và tâm lý, thân xác và linh hồn. Yếu tố làm con người hiện hữu đó là bản tính gồm cả hồn lẫn xác của họ, gọi tắt là nhân tính, song yếu tố làm cho con người sống đó là linh hồn, nguyên lý làm cho thân xác của con người tồn tại và là tác nhân sai khiến, chi phối cũng như điều hành sinh hoạt của thân xác con người. Đó là lý do, một khi thân xác của con người hoàn toàn bất động, không còn biết gì nữa, là lúc hồn thiêng đã vĩnh viễn rời khỏi cái thi thể vô hồn đang nằm sõng soài trên mặt đất hay trong quan tài lạnh ngắt cứng đơ bấy giờ. Vì nhờ nguyên lý và tác nhân hồn thiêng để tồn tại và sinh hoạt như thế, thân xác đóng vai trò là một cơ sở hiện hữu thiết yếu cho linh hồn, là một phương tiện hoạt động bất khả thiếu cho linh hồn, và là một hiện thân sống động của linh hồn. Bởi thế mà mọi ngôn từ, hành vi, cử chỉ, hoạt động và phản ứng của con người bộc lộ nơi thân xác đều phản ảnh cho thấy nội tâm của con người, cho thấy những gì con người suy nghĩ, lập luận, phán đoán, chủ trương, ước mong, khát vọng, xu hướng v.v.

  

Phần Thượng và Phần Hạ

 

Tuy nhiên, dù đóng vai trò phụ thuộc, thân xác vẫn không phải là một thứ nô lệ của linh hồn và cho linh hồn, vẫn không phải là một yếu tố hoàn toàn thụ động, linh hồn muốn làm gì thì làm. Trái lại, về phương diện hiện hữu, thân xác bình đẳng với linh hồn, bởi vì, nếu không có thân xác thì cũng chẳng có vấn đề con người hiện hữu và hình thành, và về phương diện nhân phẩm, thân xác cũng có giá trị chẳng kém gì linh hồn, ở chỗ, ai hành hạ thân xác con người hay nhổ vào mặt con người thì hành động hành hạ và phỉ nhổ ấy chẳng những xỉ nhục chính cá nhân con người nạn nhân mà còn hạ nhục cả nhân phẩm của loài người nói chung nữa. Đó là lý do, dù con người bị tật nguyền về thể xác, hay xấu xí đến mấy đi nữa về dung mạo, họ vẫn là người, vẫn phải được tôn trọng.

 

Thế nhưng, thực tế cho thấy, nhiều khi thân xác lấn át cả linh hồn, và linh hồn phải nhượng bộ và trở thành nô lệ cho thân xác. Những trường hợp nghiện hút không bỏ được không phải là trường hợp điển hình cho thấy thân xác vẫn từng làm chủ linh hồn hay sao? Những trận chiến tranh lớn nhỏ liên tục xẩy ra trong lịch sử loài người cũng không chứng thực cho thấy phần hạ đầy những tham lam dục vọng chi phối phần thượng nơi con người hay sao? Cho dù phần thượng có ý thức được những phản loạn nơi bản thân mình như thế, một ý thức đã được thể hiện tỏ tường nhất qua Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc sau Thế Chiến Thứ Hai vào cuối tiền bán thế kỷ 20, phần hạ đầy tham lam dục vọng vẫn không vì thế mà tỏ ra sợ hãi hay xẹp đi, trái lại, nó cứ tiếp tục càng ngày càng bừng bừng lộng hành, chẳng những qua chế độ cộng sản tàn bạo cũng như qua đường lối tư bản tân thực dân, mà còn qua những vụ khủng bố tấn công khắp nơi trên thế giới ngay từ khi vừa mở màn cho thiên kỷ thứ ba đến nay v.v.

 

Đó là lý do tại sao vấn đề được đặt ra ở đây là phải làm sao để thân xác và linh hồn của con người hoàn toàn dung hợp với nhau, phần hạ và phần thượng nơi con người luôn tỏ ra hiệp nhất trên thuận dưới hòa. Vấn đề giáo dục con người căn bản nhất và chính yếu nhất là ở chỗ này. Một con người trưởng thành, nghĩa là một con người được giáo dục hoàn toàn, không phải chỉ là một con người hiểu biết, với những kiến thức phổ thông do học đường truyền dạy, thậm chí là một con người ý thức được trách nhiệm của mình trong xã hội do cha mẹ khuyên dạy đi nữa, mà còn là và phải là một con người biết tự chủ nữa mới được. Chúng ta vẫn nghe nhiều người khen tặng nhau rằng: “anh này, chị ấy, ông nọ, bà kia tốt lắm”, nếu hỏi lý do thì thường được cho biết rằng “vì những người ấy đã làm cho tôi cái này cái kia”, thế nhưng, chỉ sau một thời gian, những con người được tiếng là “tốt” ấy đã hiện nguyên hình hài của mình, khi họ không được những gì như ý họ muốn, như lòng họ mong, nơi con người họ đã làm ơn cho, đối xử tốt đẹp. Điển hình là trường hợp của những cặp tình nhân, họ không thể nào tiến đến chỗ lấy nhau, sống đời vợ chồng với nhau, nếu không thấy nhau “mười phân vẹn mười”, thậm chí bất chấp tất cả mọi lời khuyên can của cha mẹ, họ hàng thân thuộc và bạn bè về người đã được họ chấm là đệ nhất thiên hạ. Thế rồi, những cuộc tình yêu cuồng sống vội ấy hầu như đã đi đến chỗ For Sale rẻ tiền, đến chỗ khai trương tưng bừng lưng chừng dẹp tiệm.

  

Kiến Thức và Bản Chất

 

Như thế, vấn đề giáo dục con người tâm thể lý ở đây không phải chỉ là việc truyền thụ kiến thức cho nhau, mà thực sự còn là việc huấn luyện, huấn luyện cho nhau về cả ý chí nữa. Đúng vậy, sinh hoạt nội tâm hay sinh hoạt tâm lý của con người chẳng những bao gồm những tác động suy tư, lập luận và phán đoán bằng tài năng lý trí mà còn gồm có cả những tác động ước muốn, chọn lựa và quyết định tác hành của tài năng ý chí nữa. Theo tiến trình tự nhiên của sinh hoạt tâm lý thì lý trí đi trước ý chí, như ngành lập pháp bao giờ cũng đi trước ngành hành pháp nơi thể chế dân chủ trên thế giới từ sau Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa Kỳ 1776, nhất là từ sau Cách Mạng Pháp 1789 đến nay. Tức là lý trí nghĩ thế nào là hay, là tốt, là lợi thì ý chí chấp nhận làm theo như vậy. Tiến trình này rất nguy hiểm vô cùng, vì một khi lý trí mù quáng bởi đam mê nhục dục, với những biện minh trấn an “cả vú lấp miệng” lương tâm, thì mù dẫn mù sẽ khó lòng tránh khỏi đâm xuống hố hay vấp ngã thảm thương.

 

Tuy nhiên, nếu lý trí thông thường có thể bị chi phối bởi đam mê nhục dục, thì lý trí cũng có thể bị chi phối bởi bản chất nhân vị của con người nữa. Có nghĩa là, nếu “lòng đầy mới trào ra ngoài miệng” (Mathêu 12:34), hay “cây tốt thì sinh trái tốt… cây tốt không thể nào sinh trái xấu” (Mathêu 7:17-18), đúng như nguyên tắc về tâm lý của Đấng Sáng Lập Kitô Giáo, thì con người tự bản chất tốt lành sẽ suy nghĩ tốt lành và sẽ tác hành tốt lành, còn con người xấu sẽ suy nghĩ bậy bạ, lệch lạc và sẽ tác hành sai quấy. Chẳng hạn, thấy một người ăn mày ăn xin, con người có tâm địa vị kỷ chắc chắn sẽ không cho gì cả, vì tâm địa vị kỷ của họ đã làm nẩy lên trong óc của họ ý nghĩ cho rằng người đó lười biếng không chịu đi làm lụng gì cả nên càng cho tiền càng làm cho họ ỷ lại không biết tự lập vươn lên; trái lại, con người có tâm địa vị tha, dễ mủi lòng thương cảm, “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách”, liền móc túi ra cho liền, không cần suy nghĩ đắn đo, không cần cân nhắc lợi hại.

 

Thế nhưng, cái bản chất nhân vị vốn hướng chiều về sự thiện ấy, có những trường hợp không phải tự bẩm tính tự nhiên như thật sự vốn thấy ở một số người, mà là được bắt nguồn từ kinh nghiệm bản thân. Chẳng hạn, có những con người trước kia rất vị kỷ, nhưng sau trở thành rất vị tha, vì hoàn cảnh đẩy đưa đã làm cho họ thay đổi ý nghĩ, thay đổi tâm tình, thay đổi thái độ. Như họ đang giầu sang phú quí thì bị sa cơ thất thế, đến bị phá sản khánh kiệt phải đi ăn nhờ ở đậu, để rồi nhờ đó họ mới cảm thấy thấm thía cái thân phận nghèo khổ, thân phận của thành phần trước kia lúc còn giầu có họ đã khinh bỉ và làm ngơ. Sau đó, “hết thời bỉ cực tới thời thái lai”, làm ăn lại lên, họ tỏ ra biết thương người nghèo khổ hơn, năng giúp đỡ thành phần mà họ hơn một lần đã được vuốt mặt chia sẻ và ngậm ngùi thấm thía. Như thế, nhờ trường đời, nhân cách của con người lên voi xuống chó này đã thay đổi từ xấu sang tốt, từ tiêu cực sang tích cực. Tuy nhiên, một cuộc hoán cải hoàn toàn lột xác đổi đời như thế nơi con người vẫn phải lệ thuộc vào bản chất bẩm sinh của con người này nữa. Bằng không, thực tế đã cho thấy, có những con người cũng trải qua cùng hoàn cảnh thăng trầm như vậy, chẳng những không mở mắt ra, mà còn kêu trời trách đất, vùng vẫy ngoi dậy cho bằng được, để rồi, chẳng may thuận chiều xuôi gió họ có cơ hội chiếm lại được bằng hay hơn tất cả những gì đã mất, họ càng tỏ ra ta đây, tự phụ, tự đắc, tự kiêu, không coi ai ra gì!

 

Giáo Dục và Ý Thức

 

Nếu tâm chất của con người từ xấu có thể nên tốt nhờ trường đời thế nào thì tâm chất của con người cũng có thể vì hoàn cảnh sống làm cho họ từ tốt trở thành xấu như vậy. “Gần đèn thì sáng gần mực thì đen” là như thế. Cách đây 10 năm, tôi có phục vụ một gia đình có ba anh em trai, người em út là thân chủ chậm phát triển của tôi, người anh thứ hai của em được ba má cho là ngoan nhất nhà, nhưng cuối cùng lại là đứa đã bỏ nhà đi theo băng đảng; bị cha mẹ theo dõi tìm kiếm, đã bỏ sang tiểu bang khác; cha mẹ em vẫn không bỏ cuộc; cuối cùng, vì tâm chất tốt lành, em đã tự động trở về với cha mẹ. Gặp em, tôi hỏi em có muốn đi nữa không? Em mỉm cười rất dễ thương. Đầu thập niên 1990, truyền hình ở California đã chiếu cảnh 4 em trai Việt Nam đang dùng súng uy hiếp một tiệm video Good Guys ở Sacramento, đòi hỏi mấy điều, trong đó có phi cơ để bay về các trại tị nạn Đông Nam Á và củ sâm ngàn năm, những tình tiết chứng tỏ các em đã bị ảnh hưởng bởi thời cuộc và phim Tầu; cuối cùng cảnh sát đã hạ được các em, đứa thì bị chết đứa bị thương, những đứa trẻ rất dễ thương và đáng thương; như cha mẹ các em cho biết, các em vẫn đi giúp lễ cho linh mục ở nhà thờ, ngày ngày đi học về chỉ ở nhà coi phim Tầu, sáng hôm xẩy ra sự vụ các em còn lễ độ vào trường xin phép thày cô cho nghỉ học đàng hoàng. Chính mắt tôi cũng đã chứng kiến thấy một số em gái học ở một trường trung học đệ nhất cấp, Intermediate School hay Junior High, gần nhà tôi trước đây ở Pomona thuộc County Los Angeles, mới 12, 13 tuổi đã vừa cắp sách đến trường vừa bế con đi học. Theo tôi, đứa con trên tay của các em gái trẻ dại này là hậu quả của một thứ giáo dục tính dục sex education ở nhà trường cũng như của phim ảnh dâm ô do truyền thông phổ biến, nhưng cũng chính đứa nhỏ còn sống sót này đã chứng tỏ cho thấy mẹ nó tự bản chất rất tốt lành song đã bị đầu độc, và tuy bị xã hội người lớn đầu độc, mẹ nó vẫn không mù quáng vô luân phá thai như người lớn, trái lại, họ vẫn can đảm sinh con, chịu khổ vì con, ôm con đi học, để vừa tiến thân vừa nuôi con.

 

Đó là lý do yếu tố tâm chất của con người tâm thể lý rất quan trọng trong vấn đề giáo dục. Làm sao có thể thay đổi được tâm chất tiêu cực của con người và bảo tồn được tâm chất tốt lành của con người là vấn đề thuộc về nghệ thuật giáo dục. Nghệ thuật giáo dục này là ở chỗ, không phải chỉ cần hiểu được tâm chất của nhau, mà là làm sao thay đổi được tâm chất của nhau. Nghệ thuật giáo dục còn được thể hiện ở chỗ không phạm đến nhân vị của con người, vì tâm chất gắn liền với nhân vị, mà vẫn có thể uốn nắn được nhân cách con người, một nhân cách của nhân vị chuyên biệt song hợp với nhân phẩm phổ quát.

 

Ngoài ra, tâm chất của con người còn được thể hiện qua tình trạng dễ giáo dục hay khó giáo dục nữa, dễ dạy hay khó bảo nữa. Có người ưa nặng, như tôi chẳng hạn, cần phải ngăm đe hay bị đòn hết cỡ mới chừa. Có người lại ưa nhẹ, chỉ cần ve vuốt, dỗ ngọt là xong. Có người phải dặn đi dặn lại mới nhớ, có người lại chỉ cần nói một lần là biết phải làm sao ngay. Thậm chí có đứa chẳng cần bảo cũng biết làm sao, trái lại, có đứa lì đến độ chẳng sợ đòn vọt, bất chấp tất cả. Những đứa phá phách, hung hăng, nghịch ngợm, ngang ngược thường là con trai, khỏe mạnh, tò mò, nhiều sáng kiến, lắm đam mê… Nếu biết giáo dục chúng, với lòng hăng say nhiệt thành của chúng, với tài năng tháo vát và hoạt bát của chúng, chúng sẽ trở thành những đứa nhỏ rất có lợi cho việc phục vụ nhân quần xã hội sau này. Bằng không, chúng có thể sẽ là các tay cao bồi du đãng, phá làng phá xóm, cướp của giết người v.v.
 

Trái lại, cũng có những em bị chậm trí khôn, chẳng hiểu gì mấy, song lại có đầy những hành vi cử chỉ cần phải được sửa đổi, những behavior problems needed to be improved này thường được các tham vấn viên về tác hành - behavior consultant khuyên sử dụng phương pháp positive enforcement liên quan đến những gì các em thích nhất, bằng cách nhử mồi trước rồi tưởng thưởng sau mỗi lần, hoặc một số lần các em này tỏ ra “cải tà qui chính”. Dù sao phương pháp positive enforcement này, phương pháp giống như phương pháp đem áp dụng cho trường hợp những con khỉ hay con cá làm xiệc giỏi nên được ăn sau mỗi tác động biểu diễn của nó vậy, cũng không hoàn toàn hợp với nhân phẩm của con người là mấy, một chủ thể cần phải cải tiến theo ý thức của mình chứ không phải theo ngoại cảnh kích động nhử mồi như thế. Tôi đã thấy có những con người chậm phát triển, hết sức chậm trí khôn, ở mức profound hầu như chẳng biết gì, trình độ cognitive - tri thức của họ, cũng như trình độ functioning - tác hành của họ giống hệt như một đứa trẻ hơn một tuổi, nhưng họ vẫn biết người nào thương họ, và tỏ ra hết sức quyến luyến người ấy, nghe lời người ấy hơn ai hết, chỉ cần người ấy vuốt ve xoa lưng họ hay âu yếm hug ghì lấy họ một cái là đủ.

 

Đó, dù là một con người chậm trí khôn, dù là một đứa nhỏ tí xíu đi nữa, con người đã có ý thức, ý thức mình được yêu và tỏ ra gắn bó với người yêu, một vấn đề ý thức liên quan đến tâm linh của con người, một vấn đề sẽ được bàn đến vào bài chia sẻ tới đây…

 

(Bài ngày mai: Tâm Linh Con Người)

 

 

TOP

 

 

 ? Thế Giới Hồi Giáo với Hiện Tượng Khủng Bố Hiện Đại và Nỗ Lực Đối Thoại của Giáo Hội Công Giáo - Bài 5: Thần Học về Thánh Chiến của Hồi Giáo

Robert Spencer là một chuyên viên về Hồi giáo, vừa viết chung với một Hồi hữu trở lại Kitô giáo là Daniel Ali tác phẩm: “Bên trong lòng Hồi giáo: Một hướng dẫn cho người Công Giáo”, do nhà xuất bản Ascension phát hành, đã chia sẻ với màn điện toán Zenit nhận định của mình về vấn đề liên tôn giữa Kitô giáo và Hồi giáo, một tôn giáo đang phát triển mạnh nhất và bị hiểu lầm nhiều nhất trên thế giới, một tôn giáo chẳng những là đối thủ chính của Giáo Hội trong việc chiếm đoạt các linh hồn mà còn là một mối đe dọa trầm trọng cho an bình và phúc hạnh của Giáo Hội cũng như của Tây Phương nói chung. Vị tác giả này còn là giám đốc của cơ quan “Canh Chừng Thánh Chiến”, là tác giả của hai tác phẩm trước đây về Hồi giáo, là phần tử hải ngoại của Diễn Đàn Hồi Giáo Kitô Giáo, và là một hợp tác viên của Free Congress Foundation.

Vấn     Cái gì đã thúc đẩy ông viết tác phẩm này?

Đáp     Daniel và tôi đã viết cuốn sách này với mục đích để giúp người Công giáo hiểu biết về Hồi giáo – để làm sáng tỏ những hiểu lầm chung và những lệch lạc cũng như để hiến cho người Công giáo một thứ nhập đề chính xác và hoàn toàn về đức tin Hồi giáo cùng với những thách đố gây ra cho Kitô giáo.

Vấn     Tại sao người Công giáo cần phải hiểu biết về Hồi giáo?

Đáp     Hồi giáo đang càng ngày càng trở thành một thách đố cho Giáo Hội cũng như cho hết mọi Kitô hữu. Về số đông thì Hồi giáo là một tôn giáo lớn mạnh nhất trên thế giới. Cho dù chưa bao giờ gặp một người Hồi giáo nào, lại càng chưa bao giờ rao giảng Phúc Âm cho một người nào trong họ đi nữa, hết mọi Kitô hữu có nhiệm vụ phải hiểu biết về Hồi giáo, vì đức tin của Hồi giáo là một đối thủ chính yếu và năng động nhất hiện nay đối với Giáo Hội trong việc chiếm đoạt các linh hồn.

Vấn     Thần học về thánh chiến Hồi giáo (theology of Islamic jihad) là gì?

Đáp    Jihad theo nghĩa chữ là “đối chọi”. Nó là nhiệm vụ chính yếu của hết mọi người Hồi giáo. Các thần học gia tân thời Hồi giáo đã nói nhiều điều như những tay đối chọi, chẳng hạn việc bênh vực đức tin trước những kẻ phê bình chỉ trích, việc nâng đỡ phát triển đức tin và bênh vực nó về tài chính, ngay cả việc di dân đến những miền đất không phải của người Hồi giáo với mục đích truyền bá Hồi giáo.

Tuy nhiên việc đối chọi bạo động luôn là một vấn đề trong lịch sử Hồi giáo. Nhiều đoạn trong Sách Koran và những lời của Tiên Tri Mohammed được những tay cực thủ Hồi giáo ngày nay sử dụng để biện minh cho các hành động của họ cũng như để tuyển mộ người theo họ. Không có một nhóm Hồi giáo chính nào đã từng chối bỏ những huấn điều về vấn đề đối chọi bằng vũ khí này. Thần học về đối chọi, một thứ thần học không cho những kẻ không tin tưởng (như người Hồi giáo) được hưởng những thứ nhân quyền và phẩm giá như họ, thịnh hành ngày nay đối với những ai có ý muốn và phương tiện để thực hiện nó.

Theo một truyền thống dài được chứng thực đàng hoàng, thì Mohammed đã mô tả ba thứ chọn lựa cho thành phần vô tín ngưỡng Hồi giáo, những thứ chọn lựa phát xuất từ Kinh Sura trong Sách Koran đoạn 9 câu 29 như thế này: “Hãy chống lại những ai không tin tưởng vào Allah hay vào Ngày Tận Thế, hoặc không tuân giữ những thứ bị Allah và Sứ Giả của Ngài cấm đoán, hay không nhìn nhận tôn giáo của Chân Lý này, (cho dù họ thuộc về) Dân của Sách đây, cho đến khi họ tự ý nộp thuế Jizya (một thứ thuế đặc biệt đối với người không phải Hồi giáo được luật Hồi giáo qui định) và cảm thấy thuần phục”.

Mohammed đã nói: “Hãy chiến đấu chống lại những kẻ không tin tưởng vào Allah…. Khi các con gặp thành phần vô thần kẻ thù của các con, hãy mời gọi họ tỏ ra ba hành vi cử chỉ. Nếu họ đáp lại một trong ba hành vi cử chỉ này thì các con cũng hãy chấp nhận hành vi cử chỉ ấy và đừng làm gì hại đến họ. Các con hãy kêu mời họ (chấp nhận) Hồi giáo; nếu họ đáp ứng các con, các con hãy chấp nhận hành động ấy từ họ và đừng chống lại họ…. Nếu họ từ chối không chịu chấp nhận Hồi giáo, các con hãy bắt họ đóng thuế Jizya. Nếu họ đồng ý trả các con hãy chấp nhận việc này và đừng đụng đến họ. Nếu họ không chịu trả thuế ấy, các con hãy xin Allah giúp đỡ mà chống lại họ”.

Vấn     Ông có thể cho chúng tôi biết một số trường phái khác nhau trong Hồi giáo, chẳng hạn phái Sunni và Shiite, và họ hiểu về Hồi giáo khác nhau thế nào?

Đáp     Phái Sunnis chiếm 85% người Hồi giáo trên thế giới. Chữ “Sunni” liên quan tới “Sunna”, hay đến truyền thống. Những người Hồi giáo theo phái Sunni tuân giữ những tín lý và thực hành phát xuất từ Truyền Thống của Vị Tiên Tri, tức là phát xuất từ Sách Hadith như được các vị học giả Hồi giáo suốt giòng lịch sử cắt nghĩa.

Thành phần Wahhabis, những người vừa nổi tiếng về vai trò của họ ở Saudi Arabia và việc khủng bố toàn cầu, là một thứ phụ phái Sunni. Mohammed ibn Abd al-Wahhab, sống trong thời khoảng 1703-1792, là vị cải cách. Ông muốn giải phóng Hồi giáo khỏi những gì đã được phát triển sau một ít thế kỷ đầu tiên của nó. Ông nhấn mạnh đến việc đọc Sách Koran và Hadith theo nghĩa đen là những gì khiến cho thành phần Wahhabis trở thành một giáo phái dữ dằn, bạo động, thậm chí gây chiến cả với những nhóm Hồi giáo khác bị họ coi là lạc giáo. Thành phần Wahhabis hiện nay kiểm soát Saudi Arabia là nơi cáng ngày cáng xuất cảng khắp thế giới những tay Wahhabis.

Phái Hồi giáo đông thứ hai là phái Shiites. Chữ “Shia” là chữ tắt của “Shiat Ali”, hay “đảng phái của Ali”. Đây là giáo phái đông nhất không phải là giáo phái Sunni. Nhóm người Hồi giáo thuộc giáo phái này tin rằng Ali, chồng của người con gái tên Fatima của Tiên Tri Mohammed, là vị duy nhất có quyền thừa kế vị Tiên Tri này trong việc lãnh đạo cộng đồng Hồi giáo mà thôi.

Những người Hồi giáo thuộc phái Shiites có những truyền thống và thực hành rất khác với truyền thống và thực hành của những người Hồi giáo thuộc giáo phái Sunni. Trong số những điều khác biệt này là niềm tin tưởng cho rằng những vị Imams kế thừa Ali theo giòng tiên tri Mohammed có được tinh thần tiên tri của Mohammed. Hầu hết những người Shiites tin rằng có 12 vị Immams, và vị cuối cùng khuất tịch khỏi trái đất sẽ trở lại như là một Mahdi, một nhân vật Thiên Sai, vào ngày cùng tháng tận.

Thành phần Sufis là một giáo phái thần bí của Hồi giáo, mặc dù thành phần Hồi giáo Shiite cũng có những dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy họ cũng bị ảnh hưởng về thần bí. Thành phần Sufis nhấn mạnh đến lòng yêu mến đối với Allah và mối hiệp nhất với Ngài hầu như gần giống như kiểu thần nhiệm Kitô giáo. Họ đã từng bị và vẫn còn đang bị bắt bớ dữ dội như là những kẻ lạc giáo nơi nhiều phần đất thuộc thế giới Hồi giáo.

Những giáo phái đáng kể khác bao gồm cả giáo phái Bahais ở Iran, thành phần cũng có mặt ở Hoa Kỳ nữa; giáo phái Kharijites ở Oman; và Alawites ở Syria. Những nhóm Hồi giáo lớn coi những giáo phái này là những thứ bè rối.

Vấn     Khi chúng ta nói về Islam, nhiều người nghĩ về Trung Đông. Đâu là những tương phản chính yếu nơi hình thức Hồi giáo được thực hành ở những xứ sở Phi châu và Á châu?

Đáp     Có một số điều khác nhau ở việc người Hồi giáo thực hành tùy từng nơi, song vẫn có một cái gì tương đối đồng nhất giữa những người Hồi giáo phái Sunni trong việc hiểu biết về những đòi hỏi của đức tin như được phác họa bởi Sách Koran và Sách Sunna (Sách Truyền Thống của Tiên Tri Mohammed có thẩm quyền ngay sau Sách Koran). Những tay cực thủ Hồi giáo hiện diện ở bất cứ nơi nào có Hồi giáo, từ Nigeria đến Nam Dương, cũng như ở Tây Âu và Hoa Kỳ.

Vấn     Liệu những yếu tố ôn hòa nơi Hồi giáo có thể nào đánh bại những cắt nghĩa cực đoan đang được một số nhóm phát động hay chăng?

Đáp     Tôi hy vọng là thế, song đó là một vấn đề khó khăn. Như nhà đại học giả cũ của Hồi giáo là Ibn Warraq đã nhận định, thần học Hồi giáo cực thủ “đã phát xuất từ Sách Koran, từ Sách Hadith cũng như từ truyền thống Hồi giáo…. Chúng ta phải hết sức lưu ý tới những gì được các tay Hồi giáo kích động này nói để hiểu được nguyên nhân tác động họ hành động, đó là nhiệm vụ được thần linh qui định cho tất cả mọi người Hồi giáo trong việc phải chiến đấu, theo nghĩa đen, cho đến khi luật lệ của con người được thay thế bằng lề luật của Thiên Chúa, bằng Shariah, và lề luật Hồi giáo đã từng chiến thắng toàn thế giới…. Đối với hết mọi bản văn được những người Hồi giáo cấp tiến phát hành, thành phần mullahs sẽ sử dụng hàng loạt những gương mẫu tương phản về dẫn giải, triết lý và lịch sử rất ư là hợp tình hợp lý”.

Vấn     Ông thấy như thế nào về tình trạng hiện nay và tương lai nơi những liên hệ giữa người Kitô giáo và Hồi giáo? Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Công Đồng Chung Vaticanô II đã ảnh hưởng ra sao đến mối liên hệ giữa Giáo Hội và Hồi giáo?

Đáp     Nhiều người tin rằng ĐTC, bằng việc hôn Sách Koran, và Công Đồng Chung Vaticanô II đã dạy rằng tất cả mọi tôn giáo tôn thờ một vị Thiên Chúa chân thật duy nhất ở một mức độ hơn kém nào đó, và những người Hồi giáo được bao gồm trong dự án cứu độ nên không cần phải được truyền bá phúc âm hóa. Điều này thực sự lại không phải là thế.

Sách Giáo Lý, căn cứ vào sắc lệnh “Nostra Aetate” của Công Đồng Vaticanô II, thực sự chủ trương là: “dự án cứu độ cũng bao gồm cả những ai nhìn nhận Đấng Hóa Công, trước hết là những người Hồi giáo. Những người này tuyên xưng việc họ giữ đức tin của Abraham, và cùng với chúng ta họ tôn thờ một Vị Thiên Chúa duy nhân Nhân Hậu, vị thẩm phán con người vào ngày sau hết”.

Đó là một lời phát biểu được cẩn thận sử dụng từ ngữ. Nó không thực sự nói rằng những người Hồi giáo tin theo đức tin của Abraham, mà chỉ nói rằng họ cho là họ nắm giữ đức tin của Abraham mà thôi.

Việc tuyên bố và việc nắm giữ là hai điều khác nhau: Thật sự có nhiều Kitô hữu tuyên xưng Chúa Kitô hơn là những Kitô hữu thực sự sống cho Người. Sách Giáo Lý không có một chỗ nào nói rằng những người Hồi giáo không hợp lệ để được ơn cứu rỗi trong Chúa Kitô, hay nói rằng không cần phải rao giảng Phúc Âm cho họ.

Có một bài viết mới đây trên tờ La Civiltà Cattolica rất hay. Không gì được phổ biến trên tờ này mà lại không có phép của Bộ Nội Vụ Vatican, nên bài báo này có lẽ phản ảnh những quan điểm của một số viên chức rất cao cấp của Vatican, nếu không muốn nói là của chính vị Giáo Hoàng khổ đau.

Bài viết trên tờ báo này nói lên nhận định đầu tiên là bất cứ viên chức nào của Giáo Hội Công giáo cũng nhìn nhận các chiều kích xung khắc về tôn giáo do thành phần thánh chiến Hồi giáo đang sử dụng để gây chiến với những người Kitô hữu và những người khác ở khắp nơi trên thế giới.

Bài báo này đã bỏ ra ngoài những thập niên chủ nghĩa duyệt lại về lịch sử lầm lạc về những cuộc chiến thắng của người Hồi giáo, bằng việc dám vạch ra rằng “ở tất cả những nơi Hồi giáo áp đặt lực lượng quân sự, một lực lượng quân sự hiếm có những trường hợp lịch sử tương tự về việc phát triển nhanh chóng và bao rộng như thế, Kitô giáo, một tôn giáo đã hết sức vững vàng và cắn rễ qua các thế kỷ, trên thực tế đã bị biến mất hay bị suy giảm xuống thành những hải đảo nhó bé trong một đại đương Hồi giáo mênh mông”.

Đức bác ái là những gì thiết yếu; song không được lẫn lộn với khuynh hướng coi thường hay phủ nhận những sự thật bất hạnh. Bài báo trên tờ Civiltà Cattolica này là một tiến bước theo đúng hướng đi vậy.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tài liệu được Zenit phổ biến ngày 27/11/2003
 

 

 

TOP

 

 

?   Giáo Hoàng Biển Đức XVI- Giáo Huấn Sống Chân Lý và Đức Tin: Bài 3 - Tiêu Hôn trong Sự Thật

 

(Huấn Từ ngỏ cùng Phái Đoàn Pháp Đình Rôta Rôma ngày 28/1/2006)

 

Trong cuộc gặp gỡ của tôi với quí vị lần đầu tiên đây, tôi muốn chú ý tới một khía cạnh tiêu biểu cho vấn đề gặp gỡ chính yếu giữa luật lệ và việc chăm sóc mục vụ, đó là việc yêu chuộng chân lý. Ngoài ra, bằng việc khẳng định này, tôi muốn liên kết trong tinh thần với chính những gì vị Tiền Nhiệm đáng kính của tôi đã nói với quí vị trong bài huấn từ của ngài năm ngoái (Jan. 29, 2005; ORE, Feb. 2, p. 3).

 

Những thủ tục theo giáo luật để hủy hôn chính yếu là phương tiện để bảo đảm sự thật về mối liên hệ phối ngẫu. Bởi thế, mục đích xây dựng của nó không được làm cho đời sống tín hữu trở thành phức tạp một cách vô ích, lại càng không làm tăng thêm việc tranh chấp kiện tụng của họ, mà là để phục vụ sự thật.

 

Ngoài ra, cơ cấu xét xử nói chung tự nó không phải là một phương tiện để làm thỏa mãn bất cứ một thứ khuynh hướng nào, mà là một khí cụ xứng đáng trong việc đáp ứng nhiệm vụ của đức công bằng để cống hiến cho mỗi người những gì xứng với họ. 

 

Chính vì cơ cấu thiết yếu của mình mà việc xét xử thiết lập vì công lý và cho hòa bình. Thật thế, mục đích của các thủ tục là để công bố về sự thật bởi phía bất thiên vị thứ ba, sau khi đôi bên đã có cơ hội như nhau để trình bày lý lẽ và chứng cớ của mình hầu rộng đường bàn luận. Cuộc trao đổi ý nghĩ này bình thường là những gì cần thiết nếu vị thẩm phán muốn khám phá ra sự thật, nhờ đó, mới đi đến phán quyết chính trực. Bởi thế, hết mọi cơ chế xét xử cần phải nỗ lực để bảo đảm tính chất khách quan, nhanh chóng và hiệu năng nơi những quyết định của các vị thẩm phán.

…..

 

Đến đây tự nhiên hiện lên nhận định thứ hai: đó là không một cuộc điều trần nào ở tòa án tự bản chất ‘chống lại’ với bên kia, như thể nó là vấn đề gây ra một thiệt hại bất công nào đó. Mục đích của việc xét xử không phải là để lấy mất một sự thiện khỏi bất cứ người nào mà là để thiết lập và bảo vệ con người và các tổ chức quyền làm chủ các sản vật.

 

Thêm vào vấn đề này, một vấn đề có hiệu lực nơi mọi cuộc xét xử, còn có một vấn đề khác chuyên biệt hơn nơi những giả thiết về việc hủy hôn. Ở đây, đôi bên không tranh giành một thứ sở hữu nào đó cần phải giành cho bên này hay bên kia. Mục đích của việc xét xử là để công bố sự thật liên quan tới tính chất hiệu thành hay bất hiệu thành của một cuộc hôn nhân thực sự, nói cách khác, là để công bố về thực tại làm nên cơ cấu gia đình, và là những gì sâu xa liên quan tới Giáo Hội cũng như xã hội dân sự.

 

Như thế, có thể nói rằng nơi kiểu mẫu xét xử này, chính Giáo Hội là nơi được yêu cầu thực hiện việc công bố ấy. Nếu tự nhiên cho rằng việc thành hiệu của một cuộc hôn nhân đã được chính thức thiết lập, thì vị Tiền Nhiệm của tôi là Giáo Hoàng Biển Đức XIV, một giáo luật gia ngoại hạng, đã nghĩ đến và buộc phải có trong những thủ tục ấy sự tham dự của biện hộ viên cho mối liên hệ này ở cuộc xét xử được nói tới (cf. apostolic constitution "Dei Miseratione," Nov. 3, 1741). Bởi thế, việc biện chứng của các thủ tục để biết chắc được sự thật sẽ được bảo đảm hơn nữa.

 

Như việc biện chứng của các thủ tục ấy dẫn chúng ta tới chỗ hiểu được tiêu chuẩn của việc tìm kiếm sự thật thế nào thì nó cũng có thể giúp chúng ta nắm được một khía cạnh khác của vấn đề pháp lý: đó là giá trị mục vụ của vấn đề pháp lý, một giá trị không thể được tách khỏi lòng mến yêu chân lý.

 

Thật thế, có thể xẩy ra trường hợp là đức ái về khía cạnh mục vụ đôi khi bị ô nhiễm bởi những thái độ ve vuốt chiều chuộng đôi bên. Những thái độ này có vẻ như là mục vụ song thực tế chúng không đáp ứng với sự thiện của cá nhân, hay với sự thiện của cộng đồng Giáo Hội; bằng việc tránh né đương đầu với sự thật cứu độ thì những thái độ ấy thậm chí trở thành những gì bất lợi cho việc gặp gỡ cứu độ của mỗi người với Chúa Kitô.

 

Nguyên tắc về tính cách bất khả phân ly của hôn nhân được Dức Gioan Phaolô II mạnh mẽ xác nhận (cf. addresses: Jan. 21, 2000, in ORE, Jan. 26, 2000, p. 1; Jan. 28, 2002, in ibid., Feb. 6, 2002, p. 6) liên quan tới tính cách nguyên vẹn của mầu nhiệm Kitô Giáo.

 

Tiếc thay, ngày nay, chúng ta có thể nhận thấy là sự thật này đôi khi bị lu mờ đi trong lương tâm của Kitô hữu và của con người thiện tâm. Vì chính lý do này mà việc phục vụ ấy, được cống hiến cho thành phần tín hữu cũng như cho những đôi phối ngẫu ngoài Kitô Giáo gặp khó khăn, là những gì gian xảo lọc lừa: Nó củng cố nơi họ, một cách ngấm ngầm, khuynh hướng quên đi tính cách bất khả phân ly của việc họ hiệp nhất.

 

Như thế, việc can thiệp khả dĩ của tổ chức giáo hội để hủy hôn có nguy cơ gặp thất bại.

 

Tuy nhiên, sự thật được tìm kiếm trong tiến trình hủy hôn không phải là một sự thật trừu tượng, một sự thật hoàn toàn tách khỏi sự thiện của cá nhân trong cuộc. Nó là một sự thật hoàn toàn thuộc về cuộc hành trình nhân bản và Kitô giáo của mỗi một người tín hữu. Bởi vậy, thật là quan trọng đối với vấn đề tuyên bố về sự thật này cần phải xẩy ra trong khoảng thời gian hữu lý.

 

Đấng Quan Phòng Thần Linh chắc chắn biết cách rút lấy sự thiện từ sự dữ, cho dù các cơ cấu của Giáo Hội có bỏ bê lơ là với nhiệm vụ của mình hay có vấp phạm lầm lẫn chăng nữa.

 

Tuy nhiên, cần phải mang hoạt động về cơ cấu của Giáo Hội nơi các pháp tòa của Giáo Hội gần gũi hơn nữa với thành phần tín hữu. Ngoài ra, cảm quan mục vụ này cần phải tiến tới chỗ tránh đi việc hủy hôn khi đôi phối ngẫu tìm cách lập gia đình, cũng như tới chỗ nỗ lực giúp các đôi phối ngẫu giải quyết các vấn đề có thể xẩy ra và tìm đường lối giải quyết hòa giải. Tuy nhiên, chính cái cảm quan mục vụ ấy đối với những trường hợp thực tế của cá nhân cần phải làm sao dẫn tới việc bảo toàn chân lý và áp dụng các qui tắc được qui định để bảo vệ nó trong cuộc xét xử.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch trực tiếp từ văn khố điện toán toàn cầu của Tòa Thánh

 

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ