GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ NĂM 17/8/2006

 TUẦN XIX THƯỜNG NIÊN

 

?  “Thánh Thần, qua Ngài Thiên Chúa đến với chúng ta, mang lại cho chúng ta sự sống và tự do”: Thánh Thần mang lại cho chúng ta tự do

?   “Toàn thể lịch sử của Thiên Chúa với loài người được tóm gọn lại nơi những lời ấy” (những lời truyền phép Thánh Thể)

?   “Vấn đề di dân và di chuyển từ các quốc gia đa số Hồi Giáo và đến các quốc gia đa số Hồi Giáo”: Vấn đề đối thoại

 

 

? “Thánh Thần, qua Ngài Thiên Chúa đến với chúng ta, mang lại cho chúng ta sự sống và tự do”: Thánh Thần mang lại cho chúng ta tự do

 

(Đức Thánh Cha Biển Đức XVI: Bài Giảng Phụng Vụ Giớ Kinh Tối Đêm Vọng Hiện Xuống ngày 3/6/2006 với Các Phong Trào và Tân Cộng Đồng trong Giáo Hội)

 

(tiếp 14 Thứ Hai, 15 Thứ Ba16 Thứ Tư)

 

Thánh Thần mang lại cho chúng ta tự do

 

Vấn đề về tự do vừa được đề cập tới. Việc ra đi của Người Con Hoang Đàng thực sự là những gì liên quan tới những vấn đề sự sống và tự do. Anh ta muốn sự sống và bởi đó muốn hoàn toàn được tự do. Muốn được tự do, theo quan điểm ấy, có nghĩa là có thể làm bất cứ điều gì tôi thích, không bị ràng buộc vào bất cứ một chuẩn tắc nào ở ngoài, ở trên và vượt trên bản thân mình. Nghĩa là theo những ước muốn riêng của mình và chỉ những gì tôi muốn mà thôi.

 

Những ai sống như thế chẳng mấy chốc sẽ đụng độ với kẻ khác là thành phần cũng muốn sống như thế. Hậu quả bất khả tránh của thứ quan niệm tự do vị kỷ này đó là việc phạm tới và việc hủy diệt lẫn nhau tự do và sự sống.

 

Trái lại, Thánh Kinh liên kết quan niệm sự sống với quan niệm về vai trò làm con cái. Thánh Phaolô nói: ‘Anh chị em không lãnh nhận thần trí nô lệ tái rơi vào tình trạng sợ hãi, mà anh chị em đã lãnh nhận được thần trí con cái, nhờ đó chúng ta kêu lên Abba, Lạy Cha!’ (Rm 8:15). Điều này nghĩa là gì?

 

Thánh Phaolô có ý nói tới thể chế xã hội của một thế giới có thành phần nô lệ ngày xưa. Họ chẳng có gì cả, bởi thế họ không thể dự phần vào việc phát triển một cách xứng hợp đối với các sự vật.

 

Với tư thế tương xứng, có những người con là thành phần thừa kế nên cũng liên quan tới việc bảo trì và điều hành tốt đẹp sản vật của họ hay việc bảo trì của quốc gia. Vì họ là thành phần tự do mà họ cũng là thành phần có trách nhiệm.

 

Bỏ ra ngoài cái bối cảnh về xã hội học vào thới ấy, nguyên tắc của nó vẫn là những gì xác thực: Tự do và trách nhiệm đi đôi với nhau. Tự do thực sự được chứng tỏ nơi trách nhiệm, nơi cách thức tác hành mà con người lãnh nhận trách nhiệm chung đối với thế giới này, đối với bản thân cũng như đối với người khác.

 

Người con nào có những sự vật và bởi thế không để cho chúng bị hủy hoại đi là người con tự do. Tất cả mọi trách nhiệm về trần thế chúng ta nói tới đây dù sao cũng chỉ là những trách nhiệm bán phần đối với một lãnh vực chuyên biệt nào, đối với một trường hợp nào mà thôi v.v.

 

Trái lại, Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta trở thành con cái nam nữ của Thiên Chúa. Ngài bao gồm chúng ta trong cùng một trách nhiệm Thiên Chúa đảm nhận đối với thế giới của Ngài, đối với toàn thể nhân loại. Ngài dạy chúng ta hãy nhìn vào thế giới, vào người khác và vào chính mình bằng con mắt của Thiên Chúa. Chúng ta không hành thiện như những kẻ nô lệ là thành phần không được quyền làm khác đi, song chúng ta thực hiện điều thiện vì chúng ta đích thân có trách nhiệm với thế giới, vì chúng ta yêu mếnh sự thật và sự thiện, vì chúng ta yêu mến chính Thiên Chúa, và bởi thế cũng yêu mến cả các tạo vật của Ngài nữa. Đó là niềm tự do chân thực Chúa Thánh Thần muốn dẫn chúng ta tới.

 

Các phong trào trong giáo hội muốn và cần phải trở thành những học đường dạy về tự do, về thứ tự do đích thực này. Chúng ta hãy học nơi những học đường ấy niềm tự do thực sự ấy, chứ không phải thứ tự do của hạng nô lệ nhắm đến việc tự cắt đi một mảnh bánh thuộc về hết mọi người, cho dù một số người cắt đi mảnh bánh của người khác ấy cũng chẳng chiếm được mảnh bánh này chăng nữa.

 

Chúng ta muốn thứ tự do thật sự cao cả, thứ tự do của thành phần thừa kế, thứ tự do của con cái Thiên Chúa. Trên thế giới này, một thế giới đầy những hình thức tự do hư cấu làm hủy hoại đi môi sinh và con người, chúng ta hãy học biết tự do đích thực bằng quyền năng của Thánh Linh; hãy xây dựng học đường dạy tự do; hãy tỏ cho người khác qua cuộc sống của mình rằng chúng ta là thành phần tự do và đẹp biết bao được thực sự tự do bằng niềm tự do của con cái Thiên Chúa.

 

(bài tiếp: Thánh Thần mang lại cho chúng ta hiệp nhất)

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 19/6/2006, các tiểu đề là do người dịch tự ý phân chia

 

 

TOP

 

 

 ? “Toàn thể lịch sử của Thiên Chúa với loài người được tóm gọn lại nơi những lời ấy” (những lời truyền phép Thánh Thể)

 

(Đức Thánh Cha Biển Đức XVI: Bài Giảng Lễ Trọng Kính Mình máu Thánh Chúa Kitô 15/6/2006 tại Quảng Trường Đền Thờ Latêranô Rôma)

 

Anh Chị Em thân mến,

 

Vào tối áp cuộc khổ nạn của mình, trong bữa Vượt Qua, Chúa Kitô đã cấm lấy bánh trong tay mình – như chúng ta đã vừa mới nghe cách đây ít lâu trong đoạn Phúc Âm – và, sau khi làm phép, Người bẻ ra và trao cho các môn đệ mà phán: ‘Các con hãy cầm lấy mà ăn, này là mình Thày’. Đoạn Người cầm lấy chén, tạ ơn và trao cho các vị và tất cả các vị đều uống chén ấy. Người phán: ‘Đây là máu của Thày, máu giao ước, được đổ ra cho nhiều người’ (Mk 14:22-24). 

 

Toàn thể lịch sử của Thiên Chúa với loài người được tóm gọn lại nơi những lời ấy. Không phải chỉ có quá khứ mới được nói tới và được giải thích, mà cả tương lai cũng được ngưỡng vọng nữa – đó là việc Vương Quốc của Thiên Chúa trị đến trên thế giới này. Những gì Chúa Giêsu nói không phải là những lời lẽ đơn giản tầm thường. Những gì Người nói là một biến cố, một biến cố chính yếu nơi lịch sử của thế giới và của đời sống riêng tư của chúng ta.

 

Những lời này là những lời bất khả thấu tận. Vào lúc này đây, tôi xin suy niệm với anh chị em về chỉ một khía cạnh duy nhất. Chúa Giêsu đã chọn bánh và rượu để làm như là dấu hiệu hiện diện của Người. Bằng mỗi một dấu hiệu này, Người hoàn toàn hiến ban chính mình Người, chứ không phải chỉ từng phần. Đấng Phục Sinh là Đấng không bị phân chia. Người là một ngôi vị, nhờ các dấu hiệu, đến gần với chúng ta hơn và liên kết chúng ta với chính mình Người.

 

Tuy nhiên, mỗi một dấu hiệu, theo cách thế riêng của mình, tiêu biểu cho một khía cạnh đặc biệt về mầu nhiệm của Người, và qua việc biểu lộ xứng hợp của mình, muốn nói với chúng ta để chúng ta hiểu được mầu nhiệm về Chúa Giêsu Kitô khá hơn chút nữa.

 

Trong cuộc rước kiệu và chầu Chúa, chúng ta nhìn lên Tấm Bánh đã được thánh hiến, một hình thức bánh và dưỡng chất đơn sơ thanh đạm nhất, được làm nên bởi một ít bột và nước. Nhờ đó, tấm bánh trở thành như là lương thực của người nghèo, thành phần Chúa Kitô gắn bó nhất.

 

Lời nguyện được Giáo Hội trong phụng vụ Thánh Lễ hiến dâng tấm bánh ấy lên Chúa, định phẩm nó như là hoa mầu của trái đất và lao công của con người. 

 

Nó bao gồm lao công của con người, việc làm hằng ngày của những ai canh tác trái đất, gieo trồng và gặt hái (lúa miến), và sau hết là việc làm bánh. Tuy nhiên, bánh không phải thuần túy và chỉ là những gì chúng ta sản xuất, những gì chúng ta làm được; nó là hoa trái của trái đất và vì thế cũng là tặng vật nữa.

 

Chúng ta không thể kể công về sự kiện trái đất trổ sinh hoa trái; chỉ có một mình Đấng Hóa Công mới có thể làm cho nó thành mầu mỡ. Và giờ đây chúng ta cũng có thể nới thêm một chút nữa thế này vào lời nguyện cầu này của Giáo Hội, đó là Bánh này là hoa trái của trời cao và trái đất. Nó bao gồm việc hợp lại giữa các năng lực của trái đất cùng với những tặng ân từ trên cao, tức là của mặt trời và mưa gió. Cả nước nôi nữa, yếu tố chúng ta cần để làm bánh, yếu tố chúng ta không thể nào làm nên.

 

Trong một giai đoạn vấn đề sa mạc hóa được nói đến và là giai đoạn chúng ta nghe thấy thời điểm và một lần nữa nghe thấy cảnh giác là con người cùng hoang thú đang có nguy cơ bị chết khát nơi những miền không có nước ấy – trong một giai đoạn như vậy chúng ta mới nhận thức một lần nữa rằng tặng ân nước thì to tát biết bao, và tại sao chúng ta không thể tự mình sản xuất được nó.

 

Bởi vậy, nhìn kỹ vào miếng Bánh Thánh trắng nhỏ này, tấm bánh của người nghèo, chúng ta thấy được một thứ tổng hợp của thiên nhiên tạo vật. Trời và đất nữa, như hoạt động và tinh thần của con người, hợp tác với nhau. Cái tác hợp của các quyền lực làm cho mầu nhiệm về sự sống và việc hiện hữu của con người trở thành khả dĩ trên hành tinh của chúng ta đây đến gặp gỡ chúng ta nơi tất cả những gì là cao cả uy nghi vĩ đại.

 

Như thế chúng ta bắt đầu hiểu được lý do tại sao Chúa đã chọn miếng bánh ấy để làm tiêu biểu cho Người. Thiên nhiên tạo vật, với tất cả những tặng ân của nó, khao khát một cái gì đó thậm chí lớn lao hơn nữa, bên trên chính nó và vượt trên chính nó. Bên trên và vượt trên sự tổng hợp của những năng lực nơi chính nó, bên trên và vượt trên sự tổng hợp cũng của cả thiên nhiên lẫn thần trí mà, ở một góc độ nào đó, chúng ta, nơi tấm bánh, khám phá ra thiên nhiên tạo vật được định phóng hướng tới việc thần linh hóa, hướng tới một cuộc hôn lễ thánh hảo, hướng tới một cuộc hiệp nhất với chính Đấng Tạo Thành.

 

Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa cắt nghĩa sâu xa sứ điệp của dấu hiệu bánh này. Chúa Kitô đã đề cập tới mầu nhiệm sâu xa nhất của nó vào Chúa Nhật Lễ Lá, khi có một số người Hy Lạp yêu cầu được gặp Người. Trong lời Người trả lời cho vấn đề này có câu: ‘Thật vậy, thật vậy, Tôi nói cho quí vị biết, trừ phi hạt lúa miến rơi xuống đất có chết đi, bằng không nó vẫn còn nguyên; thế nhưng, nếu nó có thối nát đi, nó mới sinh nhiều hoa trái’ (Jn 12:24).

 

Mầu nhiệm của Cuộc Khổ Nạn được dấu ẩn nơi tấm bánh thành nên bởi hạt lúa đất đai. Bột, hạt lúa đất đai, biểu hiệu cho cái chết đi và phục hồi của hạt thóc này. Nơi việc được gieo trên đất và bị nung nướng, nó mang nơi mình một lần nữa cũng cái mầu nhiệm Khổ Nạn ấy. Chỉ nhờ cái chết mới có phục sinh thế nào thì hoa trái và sự sống mới cũng thế.

 

Văn hóa ở miền Địa Trung Hải, ở vào những thế kỷ trước Chúa Kitô, đã có một trực giác sâu xa về mầu nhiệm này. Dựa trên cái kinh nghiệm về cái chết và phục hồi ấy, họ đã tạo nên những huyền thoại về thần linh là những gì đã hiến ban sự sống mới bằng việc chết đi và sống lại. Đối với họ, chu kỳ của thiên nhiên dường như một lời hứa hẹn thần linh ở giữa cái tối tăm của khổ đau và chết chóc mà chúng ta phải đương đầu.

 

Nơi những huyền thoại này, linh hồn của con người, một cách nào đó, đã hướng tới việc Thiên Chúa đã làm người, vị mà, hủy thân cho đến chết trên thập tự giá, dể mở cửa sự sống cho tất cả chúng ta. Nơi bánh và việc làm bánh, con người đã hiểu nó như là một giai đoạn đợi chờ của thiên nhiên, như một lời hứa hẹn nơi thiên nhiên là điều này sẽ xẩy ra, đó là Vị Thiên Chúa chết đi để nhờ đó mang chúng ta tới sự sống.

 

Những gì được đợi trông nơi những huyền thoại ấy và những gì được chất chứa nơi chính hạt lúa miến như là dấu hiệu cho niềm hy vọng của thiên nhiên tạo vật – thì đều thực sự xẩy ra nơi Chúa Kitô. Qua cái cuộc khổ nạn và tử nạn nhưng không của Người, Người đã trở thành bánh cho tất cả chúng ta, và nhờ đó trở thành niềm hy vọng sống động vững vàng. Người hỗ trợ chúng ta nơi tất cả mọi khổ đau cho chết chúng ta. Con đường Người hành trình với chúng ta, nhờ đó, Người dẫn chúng ta tới sự sống là những con đường của niềm hy vọng.

 

Nơi việc chầu Chúa, khi chúng ta nhìn vào Tấm Bánh được thánh hiến, thì dấu hiệu của thiên nhiên tạo vật này là những gì nói với chúng ta. Bởi vậy, chúng ta gặp được cái cao cả của tặng ân Người; thế nhưng chúng ta cũng gặp được cả cuộc khổ nạn, thập giá của Chúa Giêsu cùng với cuộc phục sinh của Người. Nơi ánh mắt tôn thờ này, Người lôi kéo chúng ta đến với Người, trong mầu nhiệm của Người, nhờ đó, Người biến đổi chúng ta như Người đã biến đổi Bánh Thánh.

 

Giáo Hội sơ khai cũng đã khám phá ra một biểu hiệu khác nơi tấm bánh. Tín Điều của 12 Tông Đồ, một cuốn sách được viết vào khoảng năm 100, chất chứa nơi những lời nguyện cầu của mình niềm xác tín rằng: ‘Cho dù như tấm bánh được bẻ ra này bị phân tán khắp các đồi núi, và được qui tụ lại với nhau nên một, thì xin cho Giáo Hội của Chúa cũng được qui tụ lại với nhau từ cùng tận trái đất nơi Vương Quốc của Chúa’ (IX, 4).

 

Tấm bánh được làm nên bởi nhiều hạt lúa miến cũng chất chứa một biến cố hiệp nhất nữa. Hạt lúa miến đất đai trở thành bánh là một tiến trình nên một. Chính chúng ta, tuy nhiều, cần phải trở thành một tấm bánh duy nhất, một thân thể duy nhất, như Thánh Phaolô nói (x 1Cor 10:17). Như thế, dấu hiệu bánh trở thành cả niềm hy vọng lẫn sự viên trọn.

 

Dấu hiệu rượu nho nói với chúng ta cũng giống y như thế. Tuy nhiên, trong khi bánh nói về cuộc sống hằng ngày, về tính cách giản dị và hành trình, thì rượu diễn đạt nét trang nhã thanh tú của thiên nhiên tạo vật, đó là lễ hội của niềm vui được Thiên Chúa cống hiến cho chúng ta vào ngày cùng tháng tận mà giờ đây và mãi mãi đã được tiên hưởng nơi dấu hiệu này.

 

Thế nhưng, rượu cũng nói về Cuộc Khổ Nạn nữa, ở chỗ, cây nho cần phải được tỉa đi xén lại nhờ đó mà được nên tinh khiết; những hạt nho cần phải chín mùi nhờ mặt trời và mưa gió cũng như cần phải bị ép vắt: Chỉ nhờ có cuộc khổ nạn này mới có một thứ chín mùi rượu ngon.

 

Vào Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô, chúng ta đặc biệt nhìn vào dấu hiệu bánh. Nó nhắc nhở chúng ta về cuộc hành trình của dân Do Thái suốt 40 năm trong sa mạc. Bánh Thánh là manna của chúng ta được Chúa dùng để nuôi dưỡng chúng ta – nó thật là bánh bởi trời, nhờ đó Người hiến ban chính mình Người.

 

Trong cuộc cung nghinh Thánh Thể này, chúng ta theo dấu hiệu ấy, nhờ đó, chúng ta theo chính Chúa Kitô. Và chúng tax in Người rằng: Xin Chúa dẫn dắt chúng con qua những nẻo đường lịch sử! Xin Chúa cứ tỏ mãi cho Giáo Hội và những vị mục tử của Giáo Hội thấy đường ngay nẻo chính! Xin Chúa hãy nhìn đến nhân loại khổ đau, đang thận trọng tìm kiếm một đường đi nước bước qua rất nhiều những ngờ vực; xin hãy nhìn đến tình trạng đói khổ về vật chất và tâm linh đang hành hạ nhân loại! Xin ban cho con người nam nữ bánh cho cả xác lẫn hồn! Xin ban cho họ công ăn việc làm! Xin ban cho họ ánh sáng! Xin ban cho họ chính bản thân Chúa! Xin thanh tẩy và thánh hóa tất cả chúng con!

 

Xin Chúa hãy làm cho chúng con hiểu được rằng chỉ nhờ tham phần vào Cuộc Khổ Nạn của Chúa, qua việc ‘chấp nhận’ thánh giá, chấp nhận bỏ mình, chấp nhận những cuộc thanh tẩy Chúa thực hiện nơi chúng con, đời sống chúng con mới có thể trưởng thành và đạt đến tầm vóc viên trọn thực sự. Xin Chúa hãy qui tụ chúng con lại từ mọi nơi trên thế giới. Xin Chúa hãy hiệp nhất Giáo Hội của Chúa, hiệp nhật nhân loại bị thương đau! Xin Chúa ban cho chúng con ơn cứu độ! Amen

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 4/7/2006

 

Ý nghĩa bài giảng của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI về Thánh Thể liên quan tới khía cạnh thiên nhiên tạo vật được thần linh hóa và biến đổi từ tấm bánh là hoa mầu ruộng đất và lao công của con người đã được người dịch cảm nghiệm và chia sẻ trong cuốn “Nguồn Sống Thần Linh” (Cao-Bùi, 5/2005, Năm Thánh Thể, trang 69-73, và trang 137-144)

 

(còn tiếp vào các ngày thứ năm hằng tuần)

 

TOP

 

 

?   “Vấn đề di dân và di chuyển từ các quốc gia đa số Hồi Giáo và đến các quốc gia đa số Hồi Giáo”: Vấn đề đối thoại

 

(Bản Đúc Kết Đại Hội Thường Niên của Hội Đồng Tòa Thánh về Di Dân và Du Hành 15-17/5/2006)

 

Vấn đề đối thoại

 

7.                  Thành phần tham dự viên Đại Hội Thường Niên này hết sức tỏ ra ý thức về nhu cầu cần thực hiện việc đối thoại thực sự giữa các tín hữu thuộc những tôn giáo khác nhau, nhất là giữa Kitô hữu và Hồi hữu (x EMCC, 69).

 

8.                  Về vấn đề này thì các mối liên hệ theo ‘sự ganh đua về tinh thần’ được coi là những gì quan trọng.

 

9.                  Như thế, nếu việc đối thoại giữa thành phần Kitô hữu và Hồi hữu là những gì bất khả châm chước ở khắp mọi nơi thì nó đặc biệt ở các xã hội Tây phương, để cải tiến sự tương kính và thông cảm, cũng như việc tương kính và hòa bình.

 

10.              Dù sao đi nữa, trong khi cần phải đón nhận thành phần di dân Hồi Giáo liên quan tới vấn đề tôn trọng quyền tự do tôn giáo của họ, thì họ cũng không thể châm chước trong việc tôn trọng căn tính văn hóa và tôn giáo của các xã hội chủ quốc.

 

11.              Dường như cũng cần phải phân biệt giữa những gì các xã hội thụ nhận có thể và bất khả nhân nhượng theo văn hóa Hồi Giáo, với những gì có thể được tôn trọng hay chia sẻ liên quan tới thành phần môn đồ thuộc các tôn giáo khác (x EMCC, 65-66), và cần phải có khả năng để lên tiếng về vấn đề này với cả thành phần lập pháp, hướng tới việc hình thành một cách xứng hợp luật lệ dân sự, tùy theo quyền hạn của mỗi một người.

 

12.              Điều này cũng có nghĩa là đề ra một kiểu mẫu cho một việc đối thoại tôn giáo không phải chỉ là việc trao đổi hay lắng nghe nhau, mà còn tiến tới tỏ cho nhau thấy những niềm xác tín thiêng liêng sâu xa của mình.

 

13.              Bởi thế cần phải đồng hành với thân hữu đối thoại trong tiến trình của việc thấu đáo những chiều kích đạo lý và thực tiễn, không những là những chiều kích về thần học và đạo giáo, của những thành quả nơi các lời yêu cầu được ngỏ cùng xã hội dân sự, mà vẫn tôn trọng một cách thích đáng việc phân biệt giữa vấn đề đối thoại dân sự và tôn giáo.

 

14.              Một khi tầm quan trọng của nguyên tắc hỗ tương được tái khẳng định (x EMCC, 64), một nguyên tắc được Đức Thánh Cha xác nhận trong bài ngài nói cùng thành phần tham dự đại hội này, thì cần phải hướng tới việc phân biệt giữa các lãnh vực về dân sự và tôn giáo ở cả các xứ sở Hồi Giáo nữa.

 

15.              Về vấn đề này, dù sao cũng cần phải phân biệt giữa Tây phương và Kitô Giáo, vì thường các giá trị Kitô Giáo không còn ảnh hưởng gì tới thái độ, chủ trương hay những hành động (cũng như tới cả công luận nữa) nơi một thế giới được gọi là Tây phương (x EMCC, 60).

 

16.              Thành phần tham dự đại hội này cũng bày tỏ niềm hy vọng rằng ở những miền có người Kitô hữu và Hồi hữu ‘chung sống với nhau’. Họ có thể liên kết nỗ lực của mình, cùng với tất cả các đồng bào khác, bảo đảm cho hết mọi người, bất phân biệt tôn giáo, việc hành sử trọn vẹn các quyền lợi và các quyền tự do cá nhân của họ, một cách riêng tư cũng như với tư cách là một phần tử của cộng đồng.

 

(ngày mai: Tình trạng ở một số xứ sở đa số Hồi Giáo)

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Văn Phòng Báo Chí của Tòa Thánh phổ biến hôm 22/6/2006 và được Zenit phổ biến cùng ngày

 

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ