GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ HAI 11/9/2006

 TUẦN XXIII THƯỜNG NIÊN

 

?  Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Tông Du Đức Quốc 9-14/9/2006 – Lời Nguyện tại Trụ Cột Thánh Mẫu Đức Nữ Trinh ngày 9

?  Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Tông Du Đức Quốc 9-14/9/2006 – Bài giảng Thánh Lễ Chúa Nhật ngày mùng 10 tại Neue-Messe ở Munich

?   Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật XXIII 10/9/2006 ở Munich Đức quốc về vai trò Mẹ Maria là quan thày của xứ Bavaria

 

 

 

? Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Tông Du Đức Quốc 9-14/9/2006 – Lời Nguyện tại Trụ Cột Thánh Mẫu Đức Nữ Trinh ngày 9

 

Hỡi Thánh Mẫu của Chúa!

 

Cha ông chúng con, vào một lúc gặp khốn khó, đã dựng tượng Mẹ ở đây, ngay tâm điểm của thành phố Munich này, và ký thác thành phố này cùng với xứ sở cho việc chăm sóc của Mẹ. Họ muốn được gặp lại Mẹ nhiều lần trên con đường của cuộc sống thường nhật, và muốn học nơi Mẹ đường ngay nẻo chính để sống, để tìm thấy Thiên Chúa và để sống trong thái hòa.

 

Họ đã đội triều thiên cho Mẹ và dâng cho Mẹ vương trượng, là những gì ở vào lúc đó là biểu hiệu cho việc thống trị quốc gia này, vì họ biết rằng quyền lực và quyền trị bấy giờ ở trong bàn tay nhân lành – bàn tay của một Người Mẹ.

 

Con của Mẹ, ngay trước khi giã biệt những người môn đệ của mình, đã nói cùng họ rằng: ‘Ai muốn trở nên cao cả trong các con thì phải làm đầy tớ các con, và ai muốn làm đầu thì phải làm nô lệ cho tất cả mọi người’ (Mk 10:43-44).

 

Ở vào giây phút quyết liệt nhất của đời sống mình, Mẹ đã thưa: ‘Này tôi là tôi tớ Chúa’ (Lk 1:38). Mẹ đã sống trọn cả cuộc đời của Mẹ để phục vụ. Và Mẹ tiếp tục làm như thế suốt giòng lịch sử.

 

Ở Cana, Mẹ đã âm thầm và khôn khéo chuyển cầu cho đôi phối ngẫu, và Mẹ vẫn tiếp tục làm như thế. Mẹ đã nhận lấy các nhu cầu và quan tâm của con người mà mang chúng đến trước nhan Chúa, trước Người Con của Mẹ. Quyền lực của Mẹ là sự thiện hảo. Quyền năng của Mẹ là việc phục vụ.

 

Xin Mẹ hãy dạy chúng con – lớn cũng như nhỏ – biết thi hành trách nhiệm của mình như thế. Xin Mẹ hãy giúp chúng con tìm thấy sức mạnh để tự nguyện hòa giải và thứ tha. Xin Mẹ hãy giúp chúng con biết nhẫn nại và khiêm tốn, thế nhưng cũng tự do và can trường, như Mẹ vào giờ khắc thập giá.

 

Mẹ đã ôm lấy Chúa Giêsu trong vòng tay của Mẹ, con trẻ ban phúc lành, con trẻ cũng là Chúa của thế giới này. Chính Mẹ trở thành một phúc lành khi ôm lấy con trẻ chúc phúc ấy.

 

Xin Mẹ hãy chúc lành cho chúng con, cho thành phố này và cho xứ sở đây! Xin Mẹ hãy cho Chúa Giêsu cho chúng con, quả phúc của lòng Mẹ! Xin cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử. Amen.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 10/9/2006

 

 

TOP

 

 

Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Tông Du Đức Quốc 9-14/9/2006 – Bài giảng Thánh Lễ Chúa Nhật ngày mùng 10 tại Neue-Messe ở Munich

 

Anh Chị Em thân mến,

 

Trước hết, tôi xin gửi đến tất cả mọi anh chị em lời chào thân ái của tôi. Tôi hân hoan được ở giữa anh chị em một lần nữa và được cử hành Thánh Lễ với anh chị em. Tôi cũng vui mừng được viếng thăm lại những nơi quen thuộc đã từng ảnh hưởng quan trọng nơi đời sống của tôi, hình thành tư tưởng và cảm tình của tôi: những nơi tôi đã học biết tin tưởng ra sao và sống như thế nào. Đây là lúc để nói cám ơn với tất cả những ai – đang sống và đã quá cố – thành phần đã hướng dẫn và hỗ trợ tôi trên con đường này. Tôi xin tạ ơn Chúa cho xứ sở tuyệt vời này cũng như cho tất cả những người làm cho nó thực sự là quê hương đất nước của tôi.

 

Chúng ta vừa nghe 3 bài đọc thánh kinh được phụng vụ của Giáo Hội chọn lựa cho Chúa Nhật này. Tất cả 3 đều khai triển một đề tài lưỡng diện, một đề tài tối hậu, nêu lên – như các hoàn cảnh cho thấy – một khía cạnh này hay khía cạnh kia của nó. Tất cả 3 bài đọc đều nói về Thiên Chúa là tâm điểm của tất cả mọi thực tại và là tâm điểm của đời sống cá nhân chúng ta.

 

‘Này đây Thiên Chúa của các người!’ tiên tri Isaia đã kêu lên như thế (35:4). Thư của Thánh Giacôbê và bài Phúc Âm, theo cách thức riêng của mình, cũng đã nói cùng một điều. Chúng muốn dẫn chúng ta đến cùng Thiên Chúa, muốn đưa chúng ta vào chính lộ. Thế nhưng, nói về ‘Thiên Chúa’ cũng là nói về xã hội: về trách nhiệm chung của chúng ta đối với việc chiến thắng của công lý và yêu thương trên thế giới này. Điều này được tuyệt vời bày tỏ nơi bài đọc thứ hai là bài đọc được Thánh Giacôbê, người họ hàng gần gũi với Chúa Giêsu, nói cho chúng ta hay.

 

Ngài ngỏ cùng một cộng đồng mới đầu bị hằn vết kiêu hãnh, vì nó có những con người giầu có và nổi nang, do đó có cơ nguy tỏ ra thái độ lạnh lùng dửng dưng với những quyền lợi của người nghèo. Những lời của Thánh Giacôbê cho chúng ta thoáng thấy Chúa Giêsu, thấy Vị Thiên Chúa đã làm người. Mặc dù Người thuộc giòng dõi Đavít, nên là giòng dõi vương giả, giầu sang, Người đã trở nên một con người tầm thường giữa thành phần nam nữ bình dị. Người không ngồi trên một ngai tòa, mà là chết một cách hết sức bần cùng trên thập tự giá.

 

Yêu thương tha nhân, một tình yêu chính yếu là việc dấn thân cho công lý, là tiêu chuẩn cho niềm tin tưởng và lòng mến yêu Thiên Chúa. Thánh Giacôbê gọi nó là ‘luật vương giả’ (2:8), âm vang những lời Chúa Giêsuy rất thường dùng là triều đại Thiên Chúa, vương quyền của Thiên Chúa. Điều này không ám chỉ đến bất cứ một vương quốc này mà thôi, ở vào bất cứ thời điểm nào; nó có nghĩa là Thiên Chúa phải trở thành một quyền năng hình thành đời sống và hành động của chúng ta.

 

Đó là những gì chúng tax in khi chúng ta nguyện: ‘Nước Cha trị đến!’. Chúng ta không xin một điều gì xa xôi, một điều gì chúng ta thậm chí không muốn cảm nghiệm. Trái lại, chúng ta nguyện cho ý muốn của Thiên Chúa vào lúc này đây là những gì quyết định cho ý muốn của chúng ta, nhờ đó, Thiên Chúa cai trị trên thế giới này. Chúng ta nguyện cho công lý và yêu thương trở thành những quyền lực quyết liệt chi phôá thế giới của chúng ta. Một lời nguyện cầu như thế chắc chắn trước hết được dâng lên Thiên Chúa, thêánhưng nó cũng làm cho chúng ta cảm thấy bồn chồn lo lắng. Có thực sự đó là những gì chúng ta muốn hay chăng? Phải chăng đó là chiều hướng chúng ta muốn đời sống của chúng ta tiến tới?

 

Đối với Thánh Giacôbê thì ‘luật vương giả’ này, thứ lề luật giành cho vai trò làm vua của Thiên Chúa, cũng là ‘luật tự do’: Nếu chúng ta theo Thiên Chúa nơi tất cả những gì chúng ta nghĩ và làm, thì chúng ta mới xích lại gần nhau hơn, chúng ta mới có tự do và nhờ đó nẩy sinh tình yêu huynh đệ chân thực. Khi Isaia, trong bài đọc thứ nhất, nói về Thiên Chúa, ngài tiếp theo nói về ơn cứu độ cho người đau khổ, và khi Chúa Giêsu nói về trật tự xã hội như là một thể hiện cần thiết cho đức tin của chúng ta, thì Người nói tiếp theo một cách hợp tình hợp lý về Thiên Chúa là Đấng có con cái là chúng ta.

 

Thế nhưng, giờ đây chúng ta chú tâm tới bài Phúc Âm, bài Phúc Âm nói về việc Chúa Giêsu chữa lành cho thành phần khổ đau, cho những ai bị đẩy ra ngoài lề xã hội. Người chữa lành cho họ, và khi giúp họ sống và làm việc với nhau, Người mang họ tới chỗ bình đẳng và huynh đệ.

 

Điều này rõ ràng là có một cái gì đó muốn nói với tất cả chúng ta, đó là việc Chúa Giêsu vạch ra cho thấy mục đích cho tất cả mọi hoạt động của chúng ta. Tuy nhiên, tất cả vấn đề có một chiều kích sâu xa hơn, một chiều kích được các vị giáo phụ liên tục nêu lên, một chiều kích đặc biệt nói với chúng ta ngày nay. Các vị giáo phụ đã nói với và nói về thành phần nam nữ thuộc thời đại của các vị. Thế nhưng, sứ điệp này cũng có một ý nghĩa mới đối với thành phần nam nữ tân tiến chúng ta đây.

 

Không phải chỉ có thứ điếc lác về thể lý là những gì làm cho con người bị tách lìa khỏi đời sống xã hội; cũng có một ‘thứ khó nghe’ được Thiên Chúa quan tâm tới, và đó là những gì chúng ta đặc biệt cảm thấy khổ sở trong thời đại của chúng ta đây. Nói ngay vào vấn đề, đó là chúng ta không còn có thể nghe thấy Thiên Chúa nữa – có quá nhiều những tần số khác nhau tràn đầy tai chúng ta. Những gì nói về Thiên Chúa đều làm cho chúng ta cảm thấy như những thứ tiền khoa học, không còn hợp với thời đại của chúng ta nữa.

 

Cùng với tình trạng khó nghe này hay tình trạng hoàn toàn điếc lác được Thiên Chúa quan tâm ấy, chúng ta thường bị mất đi khả năng nói với Ngài và nói về Ngài. Do đó chúng ta cuối cùng mất đi khả năng quan trọng của việc nhận định. Chúng ta có nguy cơ bị mất đi những cảm quan nội tại của mình. Việc làm suy yếu đi khả năng nhận định của chúng ta là những gì cưới mất một cách trầm trọng và nguy hiểm hàng loạt liên hệ của chúng ta với thực tại. Chân trời của cuộc sống chúng ta bị thu ngắn lại một cách đáng quan ngại.

 

Phúc Âm nói với chúng ta rằng Chúa Giêsu đặt ngón tay của Người vào tai của người câm điếc, chạm tới lưỡi của người bệnh này bằng nước miếng mà phán ‘Ephphatha’ – ‘Hãy mở ra’. Thánh ký đã giữ nguyên nguyên ngữ Aramic được Chúa Giêsu sử dụng, nhờ đó ngài mang chúng ta trở về với chính giây phút bấy giờ. Những gì xẩy ra vào lúc bấy giờ có tính cách đặc thù, nhưng nó không thuộc về một quá khứ xa xôi. Chúa Giêsu tiếp tục làm cùng điều này một cách mới mẻ, thậm chí cho tới ngày hôm nay.

 

Khi chúng ta lãnh nhận phép rửa, Người đã chạm tới mỗi một người trong chúng ta mà nói ‘Ephphatha’ – ‘Hãy mở ra’ – nhờ đó chúng ta có thể nghe thấy tiếng của Thiên Chúa và mới có thể nói với Ngài. Không có gì là xảo thuật về những gì xẩy ra nơi bí tích rửa tội. Phép rửa mở ra trước chúng ta một con đường. Nó làm cho chúng ta thuộc về cộng đồng của những ai có thể nghe và nói; nó đưa chúng ta vào mối hiệp thông với chính Chúa Giêsu, Đấng duy nhất đã thấy Thiên Chúa nên mới có thể nói về Ngài (x Jn 1:18): Bằng đức tin, Chúa Giêsu muốn chia sẻ với chúng ta việc Người thấy Thiên Chúa, việc Người nghe Thiên Chúa và việc Người đàm thoại với Ngài. Con đường chúng ta khởi sự từ khi lãnh nhận phép rửa có mục đích trở thành một tiến trình của việc gia tăng tiến triển, nhờ đó chúng ta lớn lên trong đời sống hiệp thông với Thiên Chúa, và có được cách nhìn khác về con người và về tạo sinh.

 

Phúc Âm mời gọi chúng ta hãy nhận thức rằng chúng ta ‘bị yếu kém’ nơi khả năng nhận định của chúng ta – ban đầu chúng ta không nhận thấy cái yếu kém như thế, vì hết mọi sự khác dường như là quá khẩn trương và hợp tình thuận lý; vì hết mọi sự dường như tiến triển bình thường, thậm chí cả khi chúng ta không còn tai mắt cho Thiên Chúa và chúng ta sống không có Ngài. Thế nhưng, có thật sự là hết mọi sự tiến triển bình thường khi không còn Thiên Chúa là yếu tố của đời sống chúng ta và của thế giới chúng ta hay chăng? Trước khi gợi lên những vấn nạn khác nữa, tôi muốn chia sẻ một vài cảm nghiệm của tôi trong cuộc gặp gỡ với các vị giám mục ở khắp nơi trên thế giới.

 

Giáo Hội Công Giáo ở Đức quốc nổi nang về những hoạt độn g xã hội của nó, về việc sẵn sàng giúp đỡ bất cứ nơi nào cần. Trong những cuộc viếng thăm tòa thánh ngũ niên của mình, các vị giám mục, mới đây nhất là các vị ở Phi Châu, luôn luôn tỏ ra tri ân đề cập tới lòng quảng đại của những người Công Giáo Đức Quốc và xin tôi chuyển đạt tấm lòng tri ân ấy. Mới đây, các vị giám mục thuộc những xứ sở miền Baltic đã nói với tôi về những gì người Công Giáo Đức Quốc đã hỗ trợ các vị rất nhiều trong việc tái thiết các nhà thờ của các vị, những nhà thờ hết sức cần sửa chữa sau bao thập niên ở dưới thời cai trị của Cộng sản.

 

Tuy nhiên, vẫn có vị giám mục Phi Châu nói rằng: ‘Nếu con đến Đức trình bày một dự án về xã hội thì các cánh cửa liền mở ran gay. Song nếu con đến với một dự án truyền bá phúc âm hóa, con gặp phải những thái độ lưỡng lự’. Rõ ràng là có người nghĩ rằng các dự án xã hội cần phải được khẩn trương thực hiện, trong khi đó thì bất cứ điều gì liên quan tới Thiên Chúa hay thậm chí tới đức tin Công Giáo thì tầm quan trọng bị giới hạn lại hay ít hơn.

 

Tuy nhiên, kinh nghiệm của các vị giám mục đó là ở chỗ tự việc truyền bá phúc âm hóa cần phải là những gì ưu tiên nhất, vị Thiên Chúa của Chúa Giêsu Kitô cần phải được nhận biết, tin tưởng và yêu mến, và lòng người cần phải được hoán cải nếu muốn thực hiện việc tiến triển về các vấn đề xã hội và bắt đầu thực hiện việc hòa giải, và nếu – chẳng hạn – cần phải chiến đấu với Hội Chứng Liệt Kháng bằng việc đương đầu một cách thực tiễn  với những căn nguyên sâu xa của nó và cần phải chăm sóc cho thành phần bệnh nhân. Các vấn đề xã hội và Phúc Âm là những gì bất khả phân ly.

 

Nếu chúng ta chỉ mang đến cho con người kiến thức, khả năng, tài nghệ và dụng cụ về kỹ thuật, là chúng ta mang đến cho họ quá ít. Tất cả những động cơ gây bạo lực là những gì làm chủ tình hình rất nhanh: Khả năng để hủy diệt và sát hại trở thành đường lối chủ yếu để chiếm được quyền lực – một thứ quyền lực ở một mức độ nào đó phải mang lại lề luật song lại là một thứ quyền lực không bao giờ có thể làm được như thế.

 

Việc hòa giải, và cuộc dấn thân chung cho công lý và yêu thương, đều lui bước ra xa. Không còn rõ ràng minh bạch nơi các qui chuẩn vốn giúp cho kỹ thuật được sự dụng để phục vụ cho luật lệ và yêu thương: Thế nhưng, hết mọi sự lại lệ thuộc vào chính các qui chuẩn ấy: Những qui chuẩn không phải chỉ là những thứ lý thuyết, song soi động tâm can và đưa lý trí cùng hành động của con người vào chính lộ.

 

Dân chúng ở Phi Châu và Á Châu cảm phục kỹ năng về khoa học và kỹ thuật của chúng ta, thế nhưng đồng thời họ sợ hãi trước một thứ hình thức của lý trí hoàn toàn loại trừ Thiên Chúa ra khỏi nhãn quan của con người, như thể đó là hình thức cao nhất của lý trí, và là một hình thức cần phải được áp đặt trên cả các nền văn hóa của họ nữa. Họ không thấy mối đe dọa thực sự cho căn tính của họ nơi đức tin Kitô Giáo, nhưng trong việc tỏ ra khinh thường Thiên Chúa và việc ngạo mạn coi vấn đề chế diễu sự linh thánh là việc thực hành quyền tự do, và chủ trương thực dụng là qui chuẩn tối hậu về luân lý cho tương lai của việc nghiên cứu khoa học.

 

Các bạn thân mến, cái ngạo mạn này không phải là một thứ nhân nhượng và tính cách cởi mở về văn hóa được dân chúng trên thế giới tìm kiếm và tất cả chúng ta đều muốn! Sự nhân nhượng chúng ta hết sức cần đến bao gồm cả lòng kính sợ Thiên Chúa – tôn trọng những gì người khác cho là linh thánh. Việc tôn trọng đối với những gì người khác cho là linh thánh ấy đòi hỏi là chính chúng ta cần phải học biết lại việc tỏ lòng kính sợ Thiên Chúa. Cảm quan tôn trọng này có thể được tái sinh nơi thế giới Tây Phương chỉ khi nào niềm tin tưởng vào Thiên Chúa được phát sinh, chỉ khi nào Thiên Chúa một lần nữa trở nên hiện hữu đối với chúng ta và trong chúng ta.

 

Chúng ta không áp đặt niềm tin này trên bất cứ một ai. Việc dụ giáo như thế là những gì nghịch lại với Kitô Giáo. Đức tin chỉ có thể phát triển trong tự do. Thế nhưng chúng ta muốn kêu gọi quyền tự do của con người nam nữ hãy hướng về Thiên Chúa, tìm kiếm Ngài, nghe tiếng của Ngài. Chúng ta đang tụ họp lại ở nơi đây, ở nơi đây chúng ta hết lòng xin Chúa hãy nói lại tiếng ‘Ephphatha’, hãy chữa lành cái nặng tai trước sự hiện diện của Thiên Chúa, trước hoạt động của Thiên Chúa và lời của Ngài, và hãy ban cho chúng ta nhãn quan và thính giác. Chúng ta hãy xin Ngài giúp đỡ trong việc tái khám phá ra vấn đề nguyện cầu là những gì Ngài muốn mời gọi chúng ta nơi phụng vụ và các công thức chính yếu của việc nguyện cầu Ngài đã cống hiến cho chúng ta trong Kinh Lạy Cha. 

 

Thế giới cần đến Thiên Chúa. Chúng ta cần Thiên Chúa. Nhưng Thiên Chúa như thế nào? Trong bài đọc thứ nhất, vị tiên tri nói với một người đang chịu áp đảo rằng: ‘Ngài sẽ đến báo oán’ (Is 35:4). Chúng ta có thể dễ dàng cho rằng tại sao con người nghĩ đến báo oán. Thế nhưng chính vị tiên tri này tiếp tục tỏ cho thấy những gì thực sự là, đó là sự thiện hảo chữa lành của Thiên Chúa. Lời giải thích cuối cùng nơi lời của vị tiên tri này được thấy nơi Đấng đã chết trên thập giá: Nơi Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa nhập thể. ‘Việc trả oán’ của Người là thập tự giá: một tiếng ‘không’ đối với bạo lực và là ‘một tình yêu thương cho đến cùng’. Đó là vị Thiên Chúa chúng ta cần.

 

Chúng ta không thôi tỏ lòng tôn trọng đối với những tôn giáo và văn hóa khác, việc sâu xa tôn trọng niềm tin của họ, khi chúng ta minh nhiên và dứt khoát loan truyền vị Thiên Chúa chống lại bạo lực bằng nỗi đớn đau của mình; Đấng trước quyền lực sự dữ tỏ ra tình thương của Người, để kìm hãm và chế ngự sự dữ. Giờ đây chúng ta hãy dâng lời nguyện của chúng ta lên Ngài, xin Ngài ở với chúng ta và giúp chúng ta trở thành những nhân chứng cho Người. Amen!

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 10/9/2006
 

 

 

TOP

 

 

 ? Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Huấn Từ Ở Đền Thờ Nhan Thánh, Manoppello, Ý, Thứ Sáu 1/9/2006

 

(Trước khi vào Đền Thánh này, ĐTC đã nói với những người tụ tập ở bên ngoài mấy lời, trong đó có câu:)

 

“… Như các Thánh Vịnh nói, tất cả chúng ta đang ‘tìm kiếm Dung Nhan Chúa’. Và đó cũng là ý nghĩa của việc tôi viếng thăm đây. Chúng ta hãy cùng nhau tìm cách nhận biết Dung Nhan Chúa mỗi ngày một hơn, và nơi Dung Nhan của Chúa, chúng ta hãy tìm cái động lực yêu thương và hòa bình là những gì cũng tỏ cho chúng ta thấy con đường của đời sống chúng ta… ”.

 

(ĐTC đã chính thức mở đầu bài huấn từ của mình ĐTC bằng những lời cám ơn và chào hỏi những người liên hệ với Đền Thánh này, như vị Tổng Giám Mục và các cha Dòng Capuchin, cũng như thành phần tu sĩ và chủng sinh hiện diện)

 

Trong cuộc dừng chân nguyện cầu vừa rồi, tôi đã nghĩ đến hai vị tông đồ tiên khởi, những vị được thúc đẩy bởi Thánh Gioan Tẩy Giả, đã theo Chúa Giêsu đến bờ Sông Dược Đăng, như chúng ta đọc thấy trong đoạn mở đầu của Phúc Âm Thánh Gioan (x 1:35-37).

 

Vị thánh ký này thuật lại rằng Chúa Giêsu quay lại mà hỏi họ: ‘Các anh đang tìm kiếm gì đó?’ Và các vị đã trả lời Người rằng: ‘Thưa Thày… Thày hiện đang ở đâu?’ Rồi Người nói với các vị: ‘Hãy đến mà xem’ (x Jn 1:38-39).

 

Vào chính ngày hôm đó, hai vị đã theo Người có được một cảm nghiệm không thể nào quên nổi, một cảm nghiệm khiến các vị phải nói rằng: ‘Chúng tôi đã gặp Đấng Thiên Sai’ (Jn 1:41).

 

Đấng mà trước đó ít tiếng đồ hồ, họ đã nghĩ chỉ là một ‘vị tôn sư’ vậy thôi bấy giờ chiếm được một căn tính rất chính xác, đó là căn tính của một Đức Kitô hằng trông đợi qua bao thế kỷ. Thế nhưng, sự thật thì trước mắt những vị môn đệ này là cả một cuộc hành trình dài biết bao!

 

Các vị thậm chí không thể nào nghỉ được mầu nhiệm về Giêsu Nazarét sâu xa biết là chừng nào và khôn dò, khôn thấu đến đâu, nghĩ được về ‘Dung Nhan’ của Người ra sao, để rồi, thậm chí sau 3 năm sống với Chúa Giêsu, một người trong các vị là Philiphê đã phải nghe Người nói trong Bữa Tiệc Ly rằng: ‘Thày đã chẳng ở với con đã bao nhiêu lâu mà con chưa biết Thày hay sao Philiphê?’ Thế rồi những lời gồm tóm cái mới mẻ nơi mạc khải của Chúa Giêsu đó là: ‘Ai thấy Thày là thấy Cha’ (Jn 14:9).

 

Chỉ sau cuộc khổ nạn của Người, lúc các vị gặp gỡ Người phục sinh, lúc mà Thần Linh soi động tâm trí của các vị, các tông đồ mới hiểu được ý nghĩa của những lời Chúa Giêsu đã nói với các vị mà nhận biết Người là Con Thiên Chúa, là Đấng Thiên Sai được hứa hẹn đến để cứu chuộc nhân loại. Bấy giờ các vị mới trở thành những sứ giả bất khuất của Người, những chứng nhân can trường của Người cho đến nỗi chịu tử đạo.

 

‘Ai thấy Thày là thấy Cha’. Phải, anh chị em thân mến, để ‘thấy Thiên Chúa’, cần phải biết Chúa Kitô và mình được Thần Linh là Đấng dẫn tín hữu ‘vào tất cả sự thật’ (x Jn 16:13) khuôn đúc. Những ai gặp gỡ Chúa Giêsu, thành phần được Người thu phục và sẵn sàng theo Người cho đến độ hiến mạng sống vì Người, mới cảm nghiệm được Người một cách thân tình, như Người đã thực hiện trên cây thập tự giá, vì chỉ có ‘hạt lúa miến’ rơi xuống đất chết đi mới trổ sinh ‘nhiều hoa trái’ (Jn 12:24).

 

Đó là đường lối của Chúa Giêsu, đường lối của một tình yêu trọn vẹn thắng vượt sự chết: Ai đi theo đường lối này mà ‘ghét sự sống mình trên thế gian này thì sẽ giữ được nó cho sự sống trường sinh’ (Jn 12:25). Nói cách khác, họ sống trong Thiên Chúa ngay trên trái đất này, một cuộc sống được thu hút và biến đổi bởi ánh quang rạng ngời từ Dung Nhan của Người.

 

Đó là cảm nghiệm của những người bạn chân tình của Thiên Chúa, của các thánh nhân, thành phần mà, nơi những người anh em, nhất là nơi những kẻ bần cùng và khẩn thiết nhất, đã nhận ra và yêu thương Dung Nhan của vị Thiên Chúa được họ thiết tha chiêm ngắm hằng giờ khi nguyện cầu. Đối với chúng ta, các vị là những mẫu gương sáng phấn khởi để bắt chước; các vị bảo đảm với chúng ta rằng nếu chúng ta theo đường lối ấy, đường lối yêu thương, một cách trung thành, thì cả chúng ta nữa, như thánh vịnh gia cất tiếng, sẽ được no thỏa bởi sự hiện diện của Thiên Cgúa (x Ps 17[16]:15).

 

‘'Jesu ... quam bonus te quaerentibus!' – Ôi Chúa Giêsu, Chúa nhân ái là dường nào đối với những ai tìm kiếm Chúa!’ Đó là những gì chúng ta vừa hát lên trong bài thánh ca cổ điển: ‘Jesu, dulcis menoria’ (Giêsu, chính là tâm tưởng của anh chị em), lời ca được một số người cho là của Thánh Bênađô.

 

Đó là bài thánh ca có được một tính cách sống động hiếm có nơi đền thánh được cung hiến cho Thánh Nhan này, bài thánh ca gợi nhớ tới bài Thánh Vịnh 23[24]: ‘Đó là thế hệ của những ai tìm kiếm Ngài, thành phần tìm kiếm dung nhan Vị Thiên Chúa của Giacóp’ (câu 6).

 

Thế nhưng, đâu là ‘thế hệ’ của những kẻ tìm kiếm Dung Nhan Thiên Chúa, thế hệ nào đáng ‘tiến lên núi Chúa’ và ‘đứng trong nơi thánh của Ngài’ đây?

 

Thánh Vịnh gia giải thích rằng: Nó bao gồm những ai có ‘bàn tay thanh sạch và tấm lòng trinh khiết’, thành phần không ăn nói điêu ngoa, thành phần không ‘thề nguyền gian trá’ với cận nhân của mình (x các câu 3-4). Bởi thế, để được dự phần vào mối hiệp thông với Chúa Kitô và chiêm ngưỡng Nhan Ngài, để nhận ra Dung Nhan của Chúa nơi các khuôn mặt của người an hem mình cũng như trong các biến cố hằng ngày, chúng ta cần phải có ‘bàn tay thanh sạch và con tim tinh tuyền’.

 

Bàn tay thanh sạch, tức là một đời sống được soi động bởi sự thật yêu thương thắng vượt những gì là lạnh lùng dửng dưng, là ngờ vực, là sai lầm và vị kỷ; và con tim tinh tuyền cũng là những gì thiết yếu nữa, những con tim ngất ngây trước vẻ đẹp thần linh, như Chị Thánh Têrêsa Nhỏ thành Lisieux đã nói trong kinh nguyện cầu cùng Thánh Nhan, những con tim được niêm ấn bằng dấu tích của Thánh Nhan Chúa Kitô.

 

Quí linh mục thân mến, nếu sự thánh thiện của Dung Nhan Chúa Kitô vẫn là những gì sâu đậm nơi anh em, những vị mục tử của đàn chiên Chúa Kitô, thì đừng sợ: Thánh phần tín hữu được ủy thác cho an hem chăm sóc cũng sẽ được lây nhiễm và biển đổi bởi sự thánh thiện của Dung Nhan này nữa.

 

Cả anh em chủng sinh, những người đang được huấn luyện để trở thành những hướng đạo viên hữu trách của dân Kitô Giáo, đừng để mình bị thu hút bởi bất cứ một sự gì khác ngoài Chúa Giêsu và ước vọng phục vụ Giáo Hội của Người.

 

Tôi cũng muốn nói như thế với cả anh chị em tu sĩ, để các hoạt động của anh chị em được phản ảnh hiển nhiên sự thiện hảo và tình thương thần linh.

 

‘Ôi Chúa, con tìm kiếm Dung Nhan Chúa’: Việc tìm kiếm Dung Nhan Chúa Giêsu cần phải là niềm ước mong của tất cả mọi Kitô hữu chúng ta; thật thế, chúng ta là ‘thế hệ’ tìm kiếm Dung Nhan Ngài trong thời đại của chúng ta đây, Dung Nhan của ‘Vị Thiên Chúa Giacóp’. Nếu chúng ta kiên trì trong việc tìm cầu Dung Nhan Chúa, thì vào cuối cuộc hành trình trần thế của mình, Người, Chúa Giêsu, sẽ là niềm vui vĩnh hằng của chúng ta, là phần thưởng và vinh quang muôn đời của chúng ta: "Sis Jesu nostrum gaudium, qui es futurus praemium: sit nostra in te gloria, per cuncta semper saecula."

 

Đó là niềm tin tưởng đã tác động các thánh ở miền đất của anh chị em đây, trong số đó, tôi xin đặc biệt nhắc đến Thánh Gabriel Đức Mẹ Sầu Bi và Thánh Camillus de Lellis; việc chúng ta kính nhớ và nguyện cầu được ngỏ cùng các vị.

 

Thế nhưng, giờ đây chúng ta hãy hiến một tư tưởng biệt kính ‘Nữ Vương toàn thể chư thánh’, đó là Trinh Nữ Maria, Vị chúng ta tôn kính ở các đền thánh và nguyện đường khác nhau khắp các thủng lũng và núi đồi của miền đất Abruoãi. Chớ gì Đức Mẹ, nơi dung nhan của Mẹ – hơn bất cứ nơi một tạo vật nào khác – chúng ta có thể nhận ra những đường nét của Lời Nhập Thể, trông coi các gia đình cũng như các giáo xứ và các thành phố cùng các quốc gia trên toàn thế giới.

 

Chớ gì Người Mẹ của Đấng Hóa Công cũng giúp chúng ta biết tôn trọng thiên nhiên tạo vật, một tặng ân cao cả của Thiên Chúa mà chúng ta có thể ca ngợi ở nơi đây, khi nhìn thấy những ngọn núi tuyệt vời chung quanh chúng ta. Tuy nhiên, tặng ân này càng ngày càng bị nguy cơ trầm trọng suy thoái môi trường, bởi thế cần phải được bênh vực và bảo vệ. Đây là những gì hết sức khẩn trương, như ĐTGM Force đã nhận định và được nhấn mạnh một cách thích đáng bởi Ngày Suy Nghĩ và Nguyện Cầu cho Việc Bảo Trì Tạo Sinh, một ngày đang được Giáo Hội ở Ý cử hành vào chính hôm nay đây.

 

Anh chị em thân mến, trong khi cám ơn anh chị em một lần nữa về sự hiện diện của anh chị em và các quà tặng của anh chị em, tôi xin Phúc Lành của Thiên Chúa xuống trên anh chị em cũng như trên tất cả mọi người thân yêu của anh chị em, với công thức thánh kinh xưa kia: ‘Xin Thiên Chúa chúc lành cho anh chị em và gìn giữ anh chị em: Xin Chúa làm cho dung nhan của Ngài chiếu tỏa trên anh chị em và tỏ ra ưu ái với anh chị em: chớ gì Chúa ngước mặt của Ngài về phíc anh chị em và ban cho anh chị em được bình an’ (x Num 6:24-26). Amen!


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 7/9/2006

 

 

TOP

 

 

?  Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật XXIII 10/9/2006 ở Munich Đức quốc về vai trò Mẹ Maria là quan thày của xứ Bavaria

 

Anh Chị Em thân mến!

 

Trước khi kết thúc việc cử hành Thánh Thể của chúng ta bằng phép lành trọng thể, chúng ta hãy tĩnh lặng nguyện kinh Truyền Tin.

 

Khi suy niệm các bài đọc trong Thánh Lễ, chúng ta nhận thấy cần thiết biết bao – cho cả đời sống cá nhân cũng như cho cả cuộc chung sống thanh thản an bình với kẻ khác – việc coi Thiên Chúa như là tâm điểm của mọi thực tại và là tâm điểm cho cuộc sống riêng tư của chúng ta.

 

Mẫu gương tối hậu cho thái độ này là Mẹ Maria, Mẹ Chúa. Suốt cuộc sống trần gian của mình, Mẹ là một người nữ lắng nghe, là vị trinh nữ cởi mở trước Thiên Chúa và tha nhân. Tín hữu đã hiểu điều này từ những thế kỷ sơ khai của Kitô Giáo, bởi thế, nơi tất cả mọi nhu cầu và thử thách của mình, họ đều tin tưởng chạy đến với Mẹ, van nài Mẹ cứu giúp và chuyển cầu cùng Thiên Chúa.

 

Như chứng từ cho việc này, ở mảnh neat cha ông Baravia của chúng ta đây, có hằng trăm nhà thờ và đền thánh được dâng kính Mẹ Maria. Chúng là những nơi qui tụ vô vàn khách hành hương quanh năm suốt tháng, thành phần phó mình cho tình yêu thương và niềm quan tâm từ mẫu của Mẹ.

 

Ở Munich đây, tại trung tâm thành phố này, vươn lên trụ cột Mariensaeule, nơi đúng 390 trước đây, Bavaria đã long trọng phó thác cho việc bảo vệ của Mẹ Thiên Chúa. Hôm qua, cũng tại nơi này, tôi đã lại van xin phúc lành của Vị Quan Thày Bavaria ‘Patrona Bavariae’ cho thành phố này và đất nước đây.

 

Làm sao chúng ta không đặc biệt nghĩ đến đền thánh Altoetting, nơi tôi sẽ đến hành hương ngày mai? Ở đó tôi hân hoan long trọng khánh thành nguyện đường tôn thờ mới, chính tại nơi ấy, một nguyện đường là dấu hiệu hùng hồn về vai trò của Mẹ Maria: Mẹ là và mãi là nữ tỳ của Chúa, người tỳ nữ không bao giờ đặt mình làm tâm điểm, nhưng muốn hướng dẫn chúng ta đến với Thiên Chúa, muốn dạy chúng ta con đường sống là nhìn nhận Thiên Chúa như tâm điểm của mọi thực tại và là tâm điểm của đời sống cá nhân chúng ta. 

 

Giờ đây chúng ta hãy dâng lên Mẹ lời nguyện cầu của chúng ta.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 10/9/2006

 

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ