GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ NĂM 14/9/2006

 TUẦN XXIII THƯỜNG NIÊN

 

?  Giáo Hoàng Biển Đức XVI về Đức: Chuyến Tông Du Thứ Tư 9-14/9/2006: Bài giảng Giờ Kinh Tối Chúa Nhật ngày mùng 10 tại Vương Cung Thánh Đường Munich

?  Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Chia Sẻ với Các Vị Giám Mục Ontario Canada dịp Các Ngài Viếng Thăm Tòa Thánh Ngũ Niên 8/9/2006

?   Thánh Thể là “nguồn mạch và là tột đỉnh của đời sống Kitô giáo”

 

 

 

? Bài giảng Giờ Kinh Tối Chúa Nhật ngày mùng 10 tại Vương Cung Thánh Đường Munich

 

Các em Rước Lễ Lần Đầu thân mến!

Quí Phục Huynh và Thày Cô thân mến!

Anh Chị Em thân mến!

 

Bài đọc chúng ta vừa nghe từ cuốn sách cuối cùng của Tân Ước, đó là cuốn Sách Khải Huyền. Mắt của vị thụ khải được nâng mắt lên cao, hướng lên cao, lên trời, và hướng tới, hướng về tương lai. Thế nhưng, để làm như thế, ngài nói với chúng ta về trái đất, về hiện tại, về đời sống của chúng ta. Trong giòng đời của mình, tất cả chúng ta đều là những kẻ hành trình, chúng ta đang hành trình tiến về tương lai. Theo tự nhiên, chúng ta muốn tìm thấy chính lộ: tìm thấy một sự sống chân thực, chứ không phải là một đường cùng hay một sa mạc. Chúng ta không muốn cuối cùng nói rằng tôi đã đi sai đường lạc lối, đời sống của tôi là một cuộc thảm bại, nó trật lấc mất rồi. Chúng ta muốn tìm thấy niềm vui trong cuộc sống; chúng ta muốn ‘sống viên mãn’ như lời Chúa Giêsu nói.

 

Thế nhưng, chúng ta hãy nghe vị thụ khải của Sách Khải Huyền. Ngài nói với chúng ta những gì trong đoạn bài mới được đọc cho chúng ta nghe ít phút trước đây? Ngài nói về một thế giới được giải hòa. Một thế giới là nơi dân chúng ‘thuộc mọi quốc gia, chủng tộc, dân tộc và ngôn ngữ’ (7:9) hân hoan qui tụ lại với nhau. Vậy chúng ta thử hỏi: ‘Điều này xẩy ra thế nào đây? Chúng ta theo con đường nào để tới được chỗ ấy?’ Đúng thế, điều quan trọng trước hết và trên hết đó là thành phần dân chúng này là những kẻ đang sống với Thiên Chúa; như bài đọc nói: chính Thiên Chúa ‘đã cho họ cư trú trong lều của Ngài’ (7:15). Bởi thế chúng ta tự hỏi mình lần nữa rằng: ‘Chúng ta có ý nói gì ở câu ‘lều của Thiên Chúa’ đây? Nó được tìm thấy ở đâu? Làm sao chúng ta đến được chỗ ấy chứ?’ Vị thụ khải đã ám chỉ ở chương thứ nhất của Phúc Âm theo Thánh Gioan, nơi chúng ta đọc thấy là: ‘Lời đã hóa thành nhục thể và cắm lều ở giữa chúng ta’ (1:14). Thiên Chúa không ở xa cách chúng ta, Ngài không ở một nơi nào đó ngoài vũ trụ, một chốn nào đó chúng ta không một ai tới được. Ngài cắm lều ở giữa chúng ta: nơi Chúa Giêsu, Ngài đã trở nên một người trong chúng ta, có máu và thịt như chúng ta. Đó là ‘lều’ của Ngài. Và nơi biến cố  Thăng Thiên, Ngài đã không đi đâu xa khỏi chúng ta. Lều của Ngài, tức chính Ngài ở nơi Thân Thể của Ngài, vẫn còn ở giữa chúng ta và là một người trong chúng ta. Chúng ta có thể gọi Ngài bằng một danh xưng và nói với Ngài một cách dễ dàng. Ngài lắng nghe chúng ta, và nếu chúng ta chú ý, chúng ta có thể nghe thấy Ngài nói lại với chúng ta.

 

Tôi xin lập lại là nơi Chúa Giêsu chính Thiên Chúa ‘cắm lều’ ở giữa chúng ta. Thế nhưng tôi cũng muốn lập lại rằng: Điều này thực sử xẩy ra ở chỗ nào? Bài đọc của chúng ta cống hiến cho chúng ta hai câu trả lời cho vấn nạn này. Bài đọc nói rằng thành phần nam nữ sống an bình ‘giặt áo mình nên tinh trắng trong máu của Con Chiên’ (7:14). Đối với chúng ta thì điều này nghe có vể rất lạ. Bằng thứ ngôn ngữ bí ẩn của mình, vị thụ khải đang nói về Phép Rửa. Những lời của ngài về ‘máu của Con Chiên’ ám chỉ tới tình yêu của Chúa Giêsu, một tình yêu được Người tiếp tục chứng tỏ thậm chí cho tới khi bị tử nạn một cách dữ dội. Tình yêu thương này, vừa thần linh vừa nhân loại, là một bể nước Người nhận chìm chúng ta xuống nơi Phép Rửa – một bể nước được Người dùng để rửa chúng ta, thanh tẩy chúng ta để chúng ta trở nên xứng đáng với Thiên Chúa và có thể sống hiệp thông với Ngài. Tuy nhiên, tác động Phép Rửa mới chỉ là khởi đầu. Bằng việc bước đi với Chúa Giêsu, trong đức tin và đời sống liên kết với Người, tình yêu của Người chạm tới chúng ta, thanh tẩy chúng ta và soi sáng chúng ta. Chúng ta nghe thấy rằng, trong bể nước yêu thương, y phục của chúng ta trở nên tinh trắng. Đối với thể giới xưa, thì mầu trắng là mầu của ánh sáng. Những bộ y phục trắng nghĩa là chúng ta trở nên ánh sáng trong đức tin, chúng ta loại trừ bóng tối tăm, sự sai lầm và hết mọi thứ xấu xa, và chúng ta trở thành dân của ánh sáng, xứng đáng với Thiên Chúa. Tấm áo thanh tẩy, như những chiếc áo Rước Lễ Lần Đầu các em đang mặc, là những gì có ý nhắc nhở chúng ta về điều ấy, và nói với chúng ta rằng: bằng việc sống như một người được ở với Chúa Giêsu và cộng đồng các tín hữu là Giáo Hội, các em đã trở thành một con người ánh sáng, một con người của sự thật và sự thiện – một con người tỏa chiếu sự thiện hảo, sự thiện hảo của chính Thiên Chúa.

 

Câu trả lời thứ hai cho vấn nạn ‘Chúng at tìm thấy Chúa Giêsu ở đâu?’ cũng được vị thụ khải này trả lời băèg thứ ngôn ngữ bí ẩn của ngài. Ngài nói với chúng ta rằng Con Chiên dẫn một đám rất đông đảo dân chúng thuộc hết mọi văn hóa và quốc gia tới nguồn nước sự sống. Không có sự sống nếu thiếu nước. Dân chúng sống ở gần sa mạc biết điều này rõ ràng, bởi thế mà các mạch nước đối với họ đã trở thành biểu hiệu tuyệt vời cho sự sống. Con Chiên là Chúa Giêsu dẫn con người nam nữ đến các nguồn mạch sử sống. Trong số những mạch nguồn này là Thánh Kinh, nơi Thiên Chúa nói với chúng ta và bảo chúng ta làm thế nào để sống một cách đúng đắn. Thế nhưng cũng có những nguồn mạch khác nữa, nguồn mạch đích thực thật sự là chính Chúa Giêsu, nơi Người Thiên Chúa đã ban chính bản thân của Ngài. Ngài làm điều này trước hết nơi Thánh Thể. Chúng ta có thể thực sự uống trực tiếp từ nguồn mạch sự sống, ở chỗ, Ngài đến với chúng ta và làm cho mỗi người chúng ta ở với Ngài. Chúng ta có thể thấy điều này chân thực biết bao, ở chỗ, nhờ Thánh Thể, bí tích hiệp thông, một cộng đồng được thành hình, một cộng đồng vượt trên tất cả mọi biên giới và bao gồm tất cả mọi ngôn ngữ – chúng ta thấy nó ở nơi đây là nơi đang có sự hiện diện của các vị Giám Mục thuộc mọi ngôn ngữ và từ khắp nơi trên thế giới – nhờ mối hiệp thông mà Giáo Hội hoàn vủ được thành hình, nơi Thiên Chúa muốn nói với chúng ta và sống giữa chúng ta. Đó là cách chúng ta cần phải lãnh nhận Thánh Thể: khi thấy Thánh Thể như là một cuộc hội ngộ với Chúa Giêsu, một cuộc hội ngộ với chính Thiên Chúa, Đấng dẫn chúng ta tới các nguồn mạch sự sống đích thực.

 

Quí phụ huynh thân mến! Tôi xin anh chị em hãy giúp con cái mình lớn lên trong đức tin, tôi xin anh chị em hãy đồng hành với các em trong cuộc hành trình tiến đến việc Rước Lễ Lần Đầu, một cuộc hành trình được tiếp tục sau ngày hôm nay, và hãy liên kết với các em trong việc các em tìm cách đến tới Chúa Giêsu và với Chúa Giêsu. Xin hãy đi với con cái của anh chị em tới Nhà Thờ và tham dự vào việc cử hành Thánh Thể Chúa Nhật! Anh chị em sẽ thấy rằng đó không phải là việc mất giờ; trái lại, nó chính là điều giữ cho gia đình của anh chị em được thực sự kết liên và hiệp nhất. Chúa Nhật trở nên tuyệt vời hơn, cả tuần lễ trở thành tuyễt vời hơn, khi anh chị em cùng nhau đi Lễ Chúa Nhật. Và xin anh chị em hãy cầu nguyện với nhau ở gia đình nữa: vào những bữa ăn và trước khi lên giường. Việc cầu nguyện không chỉ mang chúng ta lại gần Thiên Chúa mà còn mang chúng ta đến chỗ gần gũi với nhau hơn. Nó là một nguồn tràn đầy an bình và hoan lạc. Đời sống gia đình trở thành vui tươi hơn và phát triển hơn bất cứ lúc nào có sự hiện diện của Thiên Chúa và bất cứ khi nào chúng ta cảm thấy gần gũi với Ngài trong khi cầu nguyện.

 

Các giáo lý viên và thày cô thân mến, Tôi tha thiết xin anh chị em hãy bảo tồn nơi các học đường việc tìm kiếm Thiên Chúa, vì vị Thiên Chúa ở nơi Chúa Giêsu Kitô đã tỏ mình tỏ tường cho chúng ta. Tôi biết rằng trong một thế giới có tính cách đa nguyên của chúng ta đây, việc đề cập tới vấn đề đức tin trong các học đường không phải là điều dễ dàng gì. Thế nhưng, thành phần trẻ em và giới trẻ của chúng ta khó mà đầy đủ được khi chúng chỉ học biết kiến thức và khả năng về kỹ thuật, chứ không học biết các thứ qui tắc cho thấy hướng đi và ý nghĩa của kiến thức và khả năng. Hãy khuyến khích học sinh của anh chị em, chẳng những trong việc nêu lên các vấn nạn về những gì đặc biệt – một điều gì đó tự bản chất tốt lành – mà còn nhất là hỏi đến những lý do và lý lẽ về đời sống nói chung. Hãy giúp cho chúng nhận thức rằng bất cứ câu giải đáp nào mà sau cùng không dẫn tới Thiên Chúa đều là những thứ giải đáp thiếu hụt, không đầy đủ.

 

Quí linh mục và tất cả những ai trợ giúp nơi các giáo xứ thân mến! Tôi thiết tha xin anh chị em hãy làm mọi sự có thể để làm cho giáo xứ thành một ‘cộng đồng thiêng liêng’ cho dân chúng – một đại gia đình là nơi chúng ta cũng cảm thấy được một gia đình lớn lao hơn của Giáo Hội hoàn vũ, và hãy học nơi phụng vụ, nơi giáo lý và nơi tất cả mọi biến cố của đời sống giáo xứ việc cùng nhau tiến bước trên con đường của sự sống chân thực.

 

Ba nơi giáo dục này – gia đình, học đường và giáo xứ – sát cánh với nhau, và chúng giúp chúng ta tìm thấy con đường dẫn tới các mạch nguồn sự sống, và thật sự là tất cả chúng ta, hỡi các em nhỏ, các phụ huynh và thày cô thân mến, đều muốn ‘sống viên mãn’ vậy. Amen.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu

http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/homilies/2006/documents/hf_ben-xvi_hom_20060910_vespers-munich_en.html 

 

 

TOP

 

 

 ? Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Chia Sẻ với Các Vị Giám Mục Ontario Canada dịp Các Ngài Viếng Thăm Tòa Thánh Ngũ Niên 8/9/2006

 

Huynh Hồng Y,

Quí Huynh Giám Mục thân mến,

 

1.         ‘Thiên Chúa là tình yêu, nên ai sống trong tình yêu là sống trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa sống trong họ’ (1Jn 4:16).

 

Với lòng quí mến huynh đệ, tôi thân ái đón chào quí huynh, những vị giám mục ở Ontario, và tôi xin cám ơn Đức Giám Mục Smith thay mặt chư huynh đã bày tỏ những cảm tình tốt đẹp. Tôi xin ân cần đáp lại những cảm tình ấy và hứa nguyện cầu cho cùng quan tâm tới chư huynh cũng như những ai được chư huynh chăm sóc mục vụ.

 

Việc chư huynh viếng thăm ngũ niên tòa thánh ‘ad limina apostolorum’ và vị Thừa Kế Thánh Phêrô là một cơ hội xác nhận việc chư huynh quyết tâm làm cho Chúa Kitô càng ngày càng trở thành hữu hình trong Giáo Hội và xã hội, bằng việc hân hoan làm chứng cho Phúc Âm là chính Chúa Giêsu Kitô.

 

Nhiều đoạn huấn dụ của Thánh Ký Gioan về việc ở lại trong tình yêu và sự thật của Chúa Kitô gợi lên hình ảnh về một nơi cư trú vững chắc và an toàn. Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước (1Jn 4:10), và chúng ta, được thu hút bởi tặng ân yêu thương ấy, tìm thấy một nơi nghỉ ngơi, nơi chúng ta có thể ‘liên lỉ uống một cách tươi mát từ tận nguồn là Chúa Giêsu Kitô, từ con tim của Người tuôn trào tình yêu của Thiên Chúa’ (Thông Điệp ‘Thiên Chúa là Tình Yêu’, 7).

 

Thánh Gioan cũng được thúc đẩy trong việc thiết tha xin các cộng đồng của ngài hãy ở lại trong tình yêu ấy. Một số cộng đồng đã trở nên suy yếu bởi những thứ tranh cãi và phân tâm dần dần đi đến chỗ chia rẽ.

 

2.         Quí huynh thân mến, các cộng đồng giáo phận của chư huynh đươc thách đố trong việc làm vang dội lời tuyên ngôn đức tin sống động, đó là: ‘Chúng tôi nhận biết và tin tưởng tình Thiên Chúa yêu thương giành cho chúng tôi’ (1Jn 4:16).

 

Những lời này, những lời hùng hồn cho thấy đức tin như là việc gắn bó riêng tư với Thiên Chúa và đồng thời chấp nhận tất cả sự thật được Thiên Chúa mạc khải (x Tuyên Nôn ‘Dominus Iesus’, 7), có thể được loan báo một cách có uy tín sau khi hội ngộ với Chúa Kitô. Được thu hút bởi tình yêu của Người, người tín hữu trao phó tất cả bản thân cho Thiên Chúa và nên một với Chúa (x 1Cor 6:17).

 

Trong Thánh Thể, mối hiệp nhất này được củng cố và đổi mới bằng việc tham dự vào chính năng lực ban mình của Chúa Kitô nhờ đó được thông phần sự sống thần linh: ‘Ai ăn thịt Tôi và uống máu Tôi thì ở trong Tôi và Tôi ở trong người ấy’ (Jn 6:56; x Thông Điệp Thiên Chúa là Tình Yêu, 13).

 

(Phần còn lại của bài huấn từ, ĐTC đã nói bằng tiếng Pháp, chứ không bằng Anh ngữ như đoạn trên đây)

 

Tuy nhiên, lời cảnh giác của Thánh Gioan bao giờ cũng là những gì hợp thời. Trong xã hội càng ngày càng bị tục hóa của chúng ta, như chính chư huynh nghiệm thấy, thì tình yêu phát sinh từ con tim của Thiên Chúa đối với nhân loại có thể không được nhận biết hay thậm chí còn bị ruồng bỏ. Khi nghĩ rằng dứt mình khỏi mối liên hệ này là cách giải quyết việc giải phóng mình thì thực ra con người trở thành một kẻ xa lạ với chính mình, vì ‘thực vậy, sự thật đó là mầu nhiệm con người chỉ sáng tỏ chỉ ở nơi mầu nhiệm Lời nhập thể mà thôi’ (Hiến Chế Gaudium et Spes, 22).

 

Vì thiếu quan tâm tới một tình yêu cho thấy tất cả sự thật về con người như thế mà nhiều con người nam nữ tiếp tục xa lánh nơi cư trú của Thiên Chúa để sống trong sa mạc của mối lẻ loi cô quạnh cá nhân, của tình trạng đổ vỡ xã hội và việc mất đi căn tính về văn hóa.

 

3.         Theo quan điểm này, người ta thấy rằng công việc nống cốt của việc truyền bá phúc âm hóa văn hóa là một thách đố trong việc làm cho Thiên Chúa trở thành hiện lộ trên dung nhan của Chúa Giêsu. Trong việc giúp cho các cá nhân nhận ra và cảm nghiệm tình yêu của Chúa Kitô, chư huynh sẽ làm bùng lên nơi họ ước muốn được cư ngụ trong nhà Chúa, khi thiết tha với đời sống của Giáo Hội.

 

Đó là sứ vụ của chúng ta. Nó thể hiện bản chất của giáo hội và bảo đảm là hết mọi hoạt động về việc truyền bá phúc âm hóa đồng thời cũng là những gì củng cố căn tính Kitô Giáo. Về vấn đề này, chúng ta cần phải công nhận rằng bất cứ những gì muốn biến đổi sứ điệp chính yếu về Chúa Giêsu, tức là về ‘vương quốc của Thiên Chúa’, thành một thứ chuyện mập mờ về ‘các thứ giá trị vương quốc’, đều làm suy yếu đi căn tính của Kitô Giáo và làm yếu kém đi việc Giáo Hội gop1 phần làm tái sinh xã hội.

 

Khi việc tin tưởng được thay thế bằng việc ‘hành động’ và việc làm chứng bằng việc bàn đến ‘các vấn đề’, thì rất cần phải phục hồi niềm vui sâu xa và niềm kính sợ của thành phần môn đệ tiên khơi, những vị cảm thấy lòng mình trước sự hiện diện của Chúa Kitô ‘bừng nóng lên’, thúc đẩy họ ‘kể lại đầu đuôi câu truyện của mình’ (x Lk 24:32,35).

 

Ngày nay, những ngãng trở trong việc truyền bá vương quốc của Chúa Kitô xẩy ra một cách thê thảm nhất nơi tình trạng phân rẽ giữa Phúc Âm và văn hóa, bằng việc loại trừ Thiên Chúa ra khỏi lãnh vực quần chúng. Canada đã được tiếng là quảng đại và cụ thể dấn thân cho công lý và hòa bình, và có một cảm quan sinh động và cơ hội thu hút nơi các thành phố đa văn hóa của chư huynh.

 

Tuy nhiên, đồng thời một số giá trị, bị tách khỏi những gốc rễ luân lý của chúng cũng như khỏi cái ý nghĩa trọn vẹn nơi Chúa Kitô, là những gì đã biến hóa theo những đường lối đáng lo ngại nhất. Nhân danh ‘tính cách khoan nhượng’, xứ sở của chư huynh từng phải chịu đựng cái mù quáng của việc tái định nghĩa vấn đề vợ chồng, và nhân danh ‘quyền tự do chọn lựa’, nó phải đương đầu với việc hủy hoại hằng ngày trẻ em chưa sinh vào đời. Khi dự án thần linh của hóa công bị khinh thường thì sự thật về bản tính của con người cũng bị mất đi.

 

Những thứ phân đôi sai lầm không phải là những gì chưa từng biết tới trong chính cộng đồng Kitô Giáo. Chúng đặc biệt gây tác hại khi các vị lãnh đạo dân sự Kitô hữu hy sinh mối hiệp nhất đức tin và chấp nhận sự phân hóa giữa lý trí và các nguyên tắc đạo lý tự nhiên, bằng việc chiều theo các xu hướng xã hội phù phiếm cùng với những đòi hỏi không xác thực của các cuộc thăm dò ý kiến.

 

Dân chủ chỉ thành đạt ở chỗ nó được căn cứ vào chân lý và việc hiểu biết đúng đắn về con người. Việc người Công Giáo dấn thân vào sinh hoạt chính trị không thể nào tác hại tới nguyên tắc này; bằng không, chứng từ Kitô Giáo cho chân lý rạng ngời trong lãnh vực xã hội sẽ bị tắc nghẹn và mở màn cho tính cách tự động về luân lý (cf. "Doctrinal Note on Some Questions Regarding the Participation of Catholics in Political Life," 2-3; 6).

 

Trong việc chư huynh bàn luận với các chính trị gia và thành phần lãnh đạo dân sự, tôi xin chư huynh hãy chứng tỏ rằng đức tin Kitô Giáo của chúng ta chẳng những không phải là những gì cản trở việc đối thoại mà còn là chiếc cầu nối chíng vì nó mang lý trí và văn hóa lại với nhau.

 

4.         Trong bối cảnh truyền bá phúc âm hóa văn hóa ấy, tôi muốn đề cập tới một tổ chức học đường Công Giáo tốt đẹp được coi trọng nơi đời sống giáo hội ở giáo tỉnh của chư huynh.

 

Việc dạy giáo lý và giáo dục về đạo là một việc tông đồ đòi hỏi cố gắng. Tôi xin cám ơn và khuyến khích nhiều giáo dân nam nữ cùng với thành phần tu sĩ đang nỗ lực để bảo đảm rằng giới trẻ của quí huynh hằng ngày biết cảm nhận hơn nữa tặng ân đức tin họ đã lãnh nhận.

 

Hơn bao giờ hết, điều này đòi hỏi việc làm chứng, một việc làm chứng được nuôi dưỡng bằng nguyện cầu, trở thành tất cả môi trường chung của hết mọi trường học Công Giáo. Thày cô, là thành phần nhân chứng, phải chứng tỏ niềm hy vọng dưỡng nuôi đời sống của họ (x 1Pt 3:15), bằng việc sống sự thật họ dạy cho học sinh của mình, luôn căn cứ vào sự thật họ đã từng gặp gỡ và vào sự thiện thuộc sự thật ấy, một sự thiện được họ hân hoan nêu gương (cf. Address to Rome's Ecclesial Diocesan Convention, Living the Truth that God Loves his People, June 6, 2005).

 

Bởi thế, cùng với Thánh Âu Quốc Tinh, họ nói rằng: ‘Chúng tôi là người nói và anh chị em là người nghe nhận biết chúng tôi như là thành phần đồng môn của cùng một sự phụ duy nhất’ (Semons, 23.2).

 

Một trở ngại đặc biệt xảo quyệt cho việc giáo dục ngày nay, một trở ngại được bản phúc trình của c hư huynh chứng thực, đó là sự hiện diện nổi bật trong xã hội một thứ chủ nghĩa tương đối, một chủ nghĩa không công nhận gì là vĩnh tuyệt, chỉ biết có bản thân mình cùng với những ước muốn của nó như là qui chuẩn tối hậu. Nơi chân trời tương đối như thế diễn ra tình trạng mờ mịt những mục đích cao cả của đời sống, qua việc hạ thấp những tiêu chuẩn của những gì là tuyệt hảo, qua việc rụt rè ái ngại trước đẳng cấp của sự thiện, và qua việc không ngừng theo đuổi một cách vô nghĩa cái mới mẻ phô diễn như là việc hiện thực của tự do.

 

Những chiều hướng tác hại như thế cho thấy tính cách khẩn trương đặc biệt của việc tông đồ ‘bác ái trí thức’ là những gì chấp nhận mối hiệp nhất của kiến thức, hướng dẫn giới trẻ tới tâm trạng mãn nguyện một cách cao quí việc hành sử tự do của họ liên quan tới sự thật, và cho thấy mối liên hệ giữa đức tin với tất cả mọi khía cạnh của gia đình và đời sống dân sự.

 

Được dẫn tới một tình yêu mến sự thật n hư thế, tôi tin tưởng rằng giới trẻ Canada sẽ thích thú với việc khám phá thấy nhà của Chúa là Đấng ‘soi sáng mọi người đến trong thế gian’ (Jn 1:9) và là Đấng làm thỏa mãn hết mọi ước muốn của con người.

 

5.         Chư huynh thân mến, với lòng cảm mến và tri ân huynh đệ, tôi cống hiến những suy tư này với chư huynh và khuyến khích chư huynh thực hiện việc loan báo Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô của chư huynh.

 

Hãy cảm nghiệm tình yêu của Người, nhờ đó, chiếu dọi ánh sáng của Thiên Chúa vào thế giới! (x Thông Điệp Thiên Chúa là Tình Yêu, 39).

 

Bằng việc kêu xin Mẹ Maria là tòa đức khôn ngoan chuyển cầu cho chư huynh, tôi thân ái ban phép lành tòa thánh của tôi cho chư huynh cùng những linh mục, tu sĩ và giáo dân thuộc các giáo phận của chư huynh.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 8/9/2006

 

 

TOP

 

 

?  Thánh Thể là “nguồn mạch và là tột đỉnh của đời sống Kitô giáo”

 

(Thông Điệp GIÁO HỘI SỐNG BỞI THÁNH THỂ của ĐTC Gioan Phaolô II ban hành ngày Thứ Năm Tuần Thánh 17/4/2003 - Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo man5g điện toán toàn cầu của Tòa Thánh http://www.vatican.va/edocs/ENG0821/_INDEX.HTM)

6.         Tôi muốn khêu lên “nỗi ngất ngây” Thánh Thể này bằng Thông Điệp đây, để tiếp tục di sản Năm Thánh mà Tôi đã để lại cho Giáo Hội trong Tông Thư Mở Màn Cho Một Tân Thiên Kỷ Novo Millennio Ineunte cũng như trong Tông Thư tôn vinh Thánh Mẫu của năm này là Kinh Mân Côi Trinh Nữ Maria Rosarium Virginis Mariae. Việc chiêm ngưỡng dung nhan Chúa Kitô, và việc cùng Mẹ Maria chiêm ngưỡng dung nhan Người là “chương trình” Tôi đã đề ra cho Giáo Hội vào lúc rạng đông của đệ tam thiên kỷ, kêu gọi Giáo Hội hãy ra chỗ nước sâu của đại dương lịch sử bằng lòng nhiệt thành thực hiện cuộc tân truyền bá phúc âm hóa. Việc chiêm ngưỡng Chúa Kitô bao gồm việc có thể nhận biết Người bất cứ Người tỏ mình ra ở đâu, qua rất nhiều hình thức hiện diện của Người, mà trên hết ở nơi bí tích sống động của mình máu Người. Giáo Hội kín múc sự sống của mình từ Chúa Kitô trong Thánh Thể; Giáo Hội được Người nuôi dưỡng và được Người soi sáng. Thánh Thể vừa là mầu nhiệm đức tin vừa là “mầu nhiệm ánh sáng” (3). Bất cứ khi nào Giáo Hội cử hành Thánh Thể là tín hữu có thể sống lại một cách nào ấy cảm nghiệm của hai người môn đệ trên đường đi Emmau: “Mắt họ đã mở ra và nhận ra Người” (Lk 24:31).

7.         Từ khi Tôi bắt đầu sứ vụ Thừa Kế Thánh Phêrô, Tôi lúc nào cũng đã đánh dấu Ngày Thứ Năm Tuần Thánh, ngày của Thánh Thể và của thiên chức linh mục, bằng việc gửi một bức thư cho tất cả mọi vị linh mục trên thế giới. Năm nay, năm thứ 25 Giáo Triều của mình, Tôi muốn cả Giáo Hội tham dự vào việc suy niệm Thánh Thể trọn vẹn hơn, như một cách thức tạ ơn Chúa về tặng ân Thánh Thể và chức linh mục: “Tặng Ân và Mầu Nhiệm” (4). Bằng việc công bố Năm Mân Côi, Tôi muốn đặt điều này, biến cố mừng kỷ niệm 25 năm giáo triều của Tôi đây, dưới sự bảo trợ của việc chiêm ngưỡng Chúa Giêsu tại học đường Maria. Bởi vậy, Tôi không thể để cho Ngày Thứ Năm Tuần Thánh 2003 này qua đi mà không dừng lại trước “dung nhan Thánh Thể” Chúa Kitô và hướng Giáo Hội đến tâm điểm Thánh Thể bằng một nghị lực mới.

Giáo Hội kín múc sự sống của mình từ Thánh Thể. Nơi thứ “bánh sự sống” này, Giáo Hội được nuôi dưỡng. Làm sao Tôi lại không cảm thấy cần phải thúc giục hết mọi người hãy cảm nghiệm Thánh Thể một cách mới mẻ hơn bao giờ hết?

8.         Khi Tôi nghĩ đến Thánh Thể, và nhìn vào đời sống của Tôi với tư cách là một vị linh mục, một vị Giám Mục và là vị Thừa Kế Thánh Phêrô, Tôi tự nhiên nghĩ đến nhiều lần và nhiều nơi Tôi đã cử hành Thánh Thể. Tôi nhớ nhà thờ xứ Niegowíc, nơi Tôi thi hành bài sai đầu tiên của mình, nhà thờ Thánh Florian ở Krakow cho sinh viên đại học, Vương Cung Thánh Đường Wawel, Đền Thờ Thánh Phêrô và nhiều đền thờ và nhà thờ ở Rôma cũng như trên khắp thế giới. Tôi đã có thể cử hành Thánh Lễ ở những nguyện đường dọc các sườn núi, trên các bờ hồ và các ven biển; Tôi đã cử hành Thánh Thể trên các bàn thờ dựng lên ở các thao trường cũng như ở các công viên thành phố… Cảnh trí của những lần cử hành Thánh Thể khác nhau này đã hiến cho Tôi một cảm nghiệm mãnh liệt về tính chất đại đồng và có thể nói tính chất vũ trụ của Thánh Thể. Phải, vũ trụ! Vì ngay cả khi Thánh Thể được cử hành ở bàn thờ thô sơ của một nhà thờ thôn quê thì Thánh Thể, một cách nào đó, bao giờ cũng được cử hành trên bàn thờ thế giới. Thánh Thể liên kết trời đất lại với nhau. Thánh Thể bao gồm và thấm nhập tất cả thiên nhiên tạo vật. Con Thiên Chúa đã làm người để phục hồi tất cả thiên nhiên tạo vật, bằng một tác động chúc tụng duy nhất tối cao, về cho Đấng đã tạo nên nó từ hư không. Là Vị Thượng Tế Hằng Hữu, bằng máu Thập Giá của mình, Người đã tiến vào thánh cung vĩnh cửu, nhờ đó trả về cho Đấng Hóa Công và là Cha tất cả mọi tạo sinh đã được cứu chuộc. Người làm như thế bằng thừa tác vụ tư tế của Giáo Hội cho vinh quang của Ba Ngôi Chí Thánh. Đây thực sự là mầu nhiệm đức tin mysterium fidei, một mầu nhiệm được nên trọn nơi Thánh Thể, ở chỗ, thế giới phát xuất từ bàn tay Thiên Chúa Hóa Công giờ đây trở về với Ngài do Chúa Kitô cứu chuộc.

9.         Với sự hiện diện cứu độ của Chúa kitô nơi cộng đồng tín hữu và như lương thực thiêng liêng cho cộng đồng này, Thánh Thể là sản vật quí nhất Giáo Hội có được trong cuộc lữ hành của mình qua giòng lịch sử. Đó là lý do Giáo Hội đã luôn luôn tỏ ra quan tâm đến mầu nhiệm Thánh Thể, một quan tâm được phản ảnh trung thực nơi công việc của các Công Đồng cũng như của các vị Giáo Hoàng. Làm sao chúng ta lại không khen ngợi những trình bày về tín lý của các Sắc Lệnh về Thánh Thể Rất Thánh cũng như về Hy Tế Thánh Lễ do Công Đồng Chung Triđentinô ban bố? Qua các thế kỷ, các Sắc Lệnh này đã hướng dẫn khoa thần học và việc dạy giáo lý, chúng còn là một qui chiếu tín điều cho việc liên tục canh tân và phát triển của Dân Chúa trong đức tin và đức mến đối với Thánh Thể. Ở vào thời điểm gần chúng ta hơn, có ba bức Thông Điệp cần phải đề cập đến, đó là Thông Điệp Mirae Caritatis của Đức Lêô XIII ban hành ngày 28/5/1902 (5), Thông Điệp Mediator Dei của Đức Piô XII ban hành ngày 20/11/1947 (6), và Thông Điệp Mysterium Fidei của Đức Phaolô VI ban hành ngày 3/9/1965 (7).

Công Đồng Chung Vaticanô II, dù không ban hành một văn kiện đặc biệt về mầu nhiệm Thánh Thể, cũng đã xét đến những khía cạnh khác nhau của Thánh Thể nơi các văn kiện của mình, nhất là Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium và Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh Sacrosanctum Concilium.

Bản thân Tôi, trong những năm đầu thừa tác vụ tông truyền Thừa Kế Thánh Phêrô, đã viết Bức Tông Thư Dominicae Cenae ban hành ngày 24/2/1980 (8), một bức tông thư Tôi đã bàn đến một số khía cạnh về mầu nhiệm Thánh Thể cùng tính cách quan trọng của Thánh Thể đối với đời sống của những vị là thừa tác viên Thánh Thể. Hôm nay đây, Tôi lại tiếp tục đi sâu vào luận đề này, bằng một lòng cảm nhận và cảm mến sâu xa hơn nữa, thực sự âm vang những lời của vị Tác Giả Thánh Vịnh: “Tôi sẽ lấy gì trả lại cho Chúa về tất cả ơn lành Ngài đã ban tặng cho tôi? Tôi sẽ nâng chén cứu độ và kêu cầu danh Chúa” (116:12-13).

10.       Việc quyết tâm của Huấn Quyền trong việc loan báo mầu nhiệm Thánh Thể vẫn là những gì  tương hợp với việc phát triển nội tâm của cộng đồng Kitô hữu. Việc canh tân phụng vụ của Công Đồng Chung Vaticanô II chắc chắn đã góp phần vào việc tín hữu tham dự ý thức hơn, chủ động hơn và hiệu quả hơn vào Hy Tế Thánh trên Bàn Thờ. Ở nhiều nơi, việc tôn thờ Bí Tích Thánh còn là một việc quan trọng được thực hiện hằng ngày, và đã trở thành một mạch nguồn vô tận thánh đức. Việc tín hữu sốt sắng tham dự vào việc rước kiệu Trọng Thể Mình Máu Thánh Chúa Kitô là một ân huệ Chúa ban đã mang lại hằng năm niềm vui cho những ai dự phần.

Những dấu hiệu tích cực khác về đức tin và đức mến Thánh Thể cũng cần phải được nhắc đến nữa.

Tiếc thay, song song với những điểm sáng này, còn có những bóng tối. Ở một số nơi, việc thực hành tôn thờ Thánh Thể hầu như đã bị loại bỏ. Ở những phần khác nhau trong Giáo Hội lại xẩy ra những thứ lạm dụng, tiến đến chỗ lầm lẫn liên quan đến đức tin lành mạnh và tín lý Công Giáo về bí tích tuyệt vời này. Có những lúc người ta đụng phải một kiến thức hết sức giảm thiểu về mầu nhiệm Thánh Thể. Bị lột tước ý nghĩa hy tế của mình, Thánh Thể được cử hành như thể một bữa tiệc huynh đệ mà thôi. Ngoài ra, nhu cầu linh mục thừa tác được bắt nguồn từ vấn đề tông truyền có những lúc đã bị lu mờ đi, và bản tính bí tích của Thánh Thể đã biến thành tính cách công dụng thuần túy như là một hình thức công bố vậy thôi. Điều này đã dẫn đến những việc làm đại kết đó đây, những việc làm Thánh Thể cho hài lòng người, dù có ý tốt chăng nữa, cũng phản lại qui luật Giáo Hội đặt ra để diễn tả đức tin của mình. Làm sao chúng ta lại không bày tỏ lòng đau buồn sâu xa về tất cả những điều ấy chứ? Thánh Thể là một tặng ân cao cả không thể bị lu mờ và giảm giá. 

Tôi hy vọng rằng bức Thông Điệp này đây sẽ hiệu nghiệm giúp vào việc đánh tan những đám mây mù bất khả chấp về tín lý cũng như thực hành, nhờ đó Thánh Thể tiếp tục chiếu sáng tất cả mầu nhiệm rạng ngời của mình.

 

(các bài chủ đề về Thánh Thể vào các Thứ Năm hằng tuần)
 

 

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ