GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ BẢY 30/9/2006

 TUẦN XXV THƯỜNG NIÊN

 

?  Giáo Hoàng Biển Đức XVI với Văn Hóa Tây Phương trong Chuyến Tông Du Bavaria Đức Quốc

?  Bí Mật Fatima phần 3 về Vị Giáo Hoàng bị ám sát chết…. và chuyến Tông Du Thổ Nhĩ Kỳ của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI

?   “Luận Về Lòng Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria” của Thánh Long Mộng Phố (Louis Montfort)

 

 

? Giáo Hoàng Biển Đức XVI với Văn Hóa Tây Phương trong Chuyến Tông Du Bavaria Đức Quốc

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

Cho dù chuyến tông du thứ tư của vị giáo hoàng đương kim Biển Đức XVI của chúng ta đã qua đi, nhưng âm vang của chuyến tông du này chẳng những (khách quan và bất ngờ) làm bấn loạn cả thế giới Hồi Giáo, qua những gì khiến họ cảm thấy nhức nhối, khó chịu và vùng vẫy, liên quan tới vấn đề tôn giáo phi bạo lực, được ngài nói đến trong bài diễn văn ở Đại Học Regensburg Đức Quốc ngày Thứ Ba 12/9/2006, mà còn làm cho cả thế giới Tây Phương, nếu thực sự lắng nghe, không nhiều thì ít, cũng cảm thấy hết sức thấm thía nữa, vì ngài đã mạnh dạn và thẳng thắn động chạm tới tận cốt lõi của nền văn hóa đang bị khủng hoảng và phá sản của họ, đó là chủ nghĩa tương đối muốn được quyền tự do tuyệt đối của họ. Trong 15 bài diễn từ của ngài cho cuộc tông du thứ 4, bài trực tiếp liên quan tới văn hóa Tây Phương, một văn hóa giờ đây đã từng đụng đổ nẩy lửa với văn hóa Hồi Giáo, điển hình là vụ bộ tranh biếm họa ở Đan Mạch xẩy ra vào tháng 2/2006, đó là bài giảng Thánh Lễ Chúa Nhật ngày mùng 10/9 tại Neue-Messe ở Munich.

 

Trong bài giảng này chất chứa một chi tiết đã được Tòa Thánh Vatican sử dụng để thanh minh cho bài diễn văn gây căng thẳng với thế giới Hồi Giáo. Trước hết, trong tuyên cáo thanh minh tối hôm Thứ Năm 14/9/2006, linh mục giám đốc văn phòng báo chí của Tòa Thánh Vatican là Federico Lombardi, SJ, đã viết:  "Những lời diễn văn của Đức Thánh Cha là một lời cảnh giác được ngỏ cùng văn hóa Tây Phương, để tránh đi ‘thái độ tỏ ra khinh thường Thiên Chúa và ngạo mạn cho rằng việc chế diễu sự linh thánh là những gì hành sử quyền tự do'", và câu được trích dẫn ở đây là một câu then chốt cho thấy vị giáo hoàng đương kim của chúng ta cũng nhắm đến việc kêu gọi cả nền văn hóa Tây Phương đang bị khủng hoảng và băng hoại nói chung, và ám chỉ đến biến cố liên quan đến bộ tranh biếm họa ở Đan Mạch vào tháng 2/2006 nói riêng. Sau nữa, trong lời thanh minh của mình, Đức Hồng Y Bertone Tarcisio, SDB, cũng lập lại lời lẽ then chốt đã được bản tuyên cáo của văn phòng báo chí Tòa Thánh trích dẫn trên đây, qua đoạn văn như sau: "Thật vậy, chính ngài, trước lòng nhiệt tình về tôn giáo của các tín đồ Hồi Giáo, đã cảnh giác nền văn hóa Tây Phương bị tục hóa hãy coi chừng trước ‘thái độ khinh miệt Thiên Chúa và thái độ ngạo mạn cho rằng việc diễu cợt sự linh thánh là một thứ hành sử của quyền tự do'". Bởi thế, ở đây, chúng ta không thể nào không trích lại nguyên văn đoạn được ngài nói tới trong bài giảng Thánh Lễ Chúa Nhật ngày mùng 10 tại Neue-Messe ở Munich.   

 

Là thành phần sống trong thế giới Tây Phương này, như những gười Việt hải ngoại, chúng ta cũng chẳng những nên mà còn cần phải sâu xa cảm nhận được những lời vị lãnh đạo tinh thần tối cao của chúng ta nhận định và huấn dụ với riêng dân Đức của ngài cũng như với chung thế giới Tây Phương. Qua sứ điệp này, chúng ta thấy ngài là một vị Giáo Hoàng thực sự xứng danh Biển Đức, vì ngài nỗ lực để cứu vãn văn hóa Tây phương và để văn hóa này có thể trở thành phương tiện truyền bá phúc âm hóa các nền văn hóa khác, kể cả nền văn hóa Hồi Giáo. 

(còn tiếp)

 

 

TOP

 

 

 ? Bí Mật Fatima phần 3 về Vị Giáo Hoàng bị ám sát chết…. và chuyến Tông Du Thổ Nhĩ Kỳ của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI

 Chuyến Tông Du Thổ Nhĩ Kỳ 28/11-1/12/2006 – Liệu có hiện thực hay liều lĩnh chứng nhân? 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL: Hướng về chuyến tông du định mệnh của Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI

Chuyến Tông Du liên quan tới chính trị: Một Thổ Nhĩ Kỳ với Khối Hiệp Nhất Âu Châu?

Đúng thế, trước tình hình bùng lên dữ dội của thế giới Hồi Giáo, từ một nước Hồi Giáo nghiêng về chủ nghĩa trần thế tương tự Tây phương như Thổ Nhĩ Kỳ, đến những quốc gia Hồi Giáo cực đoan ở Trung Đông và nhất là ở Pakistan, trong gần một tuần, từ ngày Thứ Năm 14/9 đến hết Thứ Hai 25/9/2006, về những lời trích dẫn khách quan của vị Giáo Hoàng đương kim Biển Đức XVI ở Đại Học Đường Regensburg hôm Thứ Ba 12/9/2006, liên quan tới Hồi Giáo và bạo lực, liệu chuyến viếng thăm thứ năm này của ngài, chuyến viếng thăm đã được chính tổng thống nước này là Ahmet Necdet Sezer, vị tổng thống nhiệt liệt phò chủ nghĩa trần thế của Tây phương.

 

Về phía chính trị, phải chăng vị tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đương kim phò chủ nghĩa trần thế của Tây phương muốn mời vị lãnh đạo thế giới Công Giáo là vị Giáo Hoàng đương kim Biển Đức XVI này, nhân vật có thể nói là tiêu biểu và có thế giá nhất ở thế giới Tây phương, tới nước của ông, vì nước của ông đang có liên quan tới việc nước này muốn gia nhập Khối Hiệp Nhất Âu Châu, một việc mà khi còn là Hồng Y Joseph Ratzinger, Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã đặt vấn đề là Khối Hiệp Nhất Âu Châu có nên chấp nhận Thổ Nhĩ Kỳ hay chăng, vì nước này có nền văn hóa không hợp với Âu Châu?

 

Thật vậy, theo tình hình diễn tiến cho thấy, vấn đề Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập Khối Hiệp Nhất Âu Châu có vẻ nặng kinh tế và nhẹ nhân quyền. Đức ông Aldo Giordano, tổng bí thư của Hội Đồng Các Hội Đồng Giám Mục Âu Châu (CCEE: Council of European Bishops' Conferences) đã tỏ ra lo ngại là trong việc cứu xét đến vấn đề chấp nhận Thổ Nhĩ Kỳ vào Khối Hiệp Nhất Âu Châu, Khối Hiệp Nhất Âu Châu đặt nặng vấn đề sách lược và chính trị hơn là vấn đề nhân quyền.

 

Thật thế, vị tổng bí thư này đã bày tỏ mối quan tâm của mình với Đài Phát Thanh Vatican, sau khi cuộc họp ở Brussels quyết định hôm 17/12/2004 về vấn đề bắt đầu vào Tháng 10/2005 thảo luận tới việc gia nhập từ từ của quốc gia Hồi giáo duy nhất ở Âu Châu này.

 

Tuy nhiên, trước đó, tờ nhật báo Avvenire ở Ý đã gây chú ý về những gì đã xẩy ra ở Quốc Hội Âu Châu tại Strasbourg, Pháp quốc hôm 15/12/2004, liên quan đến cuộc bỏ phiếu thừa nhận Thổ Nhĩ Kỳ đối với vần đề có thể trở thành phần tử của khối này. Một nhóm đại biểu, vì quan tâm tới việc nước này cần phải tôn trọng nhân quyền, đã nêu lên một bản tu chính yêu cầu nước ấy ban pháp quyền tức khắc cho các nhà thờ Kitô giáo trong xứ sở này; hủy bỏ Văn Phòng Tôn Giáo Vụ, một cơ cấu ngặt nghèo kiểm soát việc thờ phượng; và cho phép kiến thiết các cơ sở mới. Tuy nhiên, cuộc bỏ phiếu của Quốc Hội Âu Châu đã loại bỏ bản tu chính này.

 

Theo tờ nhật báo Avvenire thì thành phần cuối cùng bị kỳ thị tôn giáo ở nước này là Chính Thống giáo. Bởi vì nước Hồi giáo này không cho phép Chính Thống giáo lấy lại Nhà thờ Trinh Nữ Dâng Mình ở Istanbul là nhà thờ bị thiệt hại trong cuộc tấn công Sứ Quán Hiệp Vương Quốc năm 2004. Hôm 21/11/2004, Đức Thượng Phụ toàn cầu Bartholomew I giáo chủ Contantinople đã nói rằng:

 

·        Chúng tôi thấy mình trở thành nạn nhân chẳng những của thành phần khủng bố mà còn của các thẩm quyền nơi thành phố này và xứ sở này. Chúng tôi chỉ xin những gì là quyền lợi được đối xử bình đẳng như hết mọi người công dân”.

 

Mấy ngày sau, chẳng một lời cắt nghĩa, vị giám mục ở Mira không được phép cử hành Giờ Kinh Thần Vụ hằng năm diễn ra vào ngày 6/12 nơi cảnh đổ nát của nhà thờ Thánh Nicholas ở Mira, Tiểu Á. Và một phán quyết hầu như đồng thời của Tối Cao Pháp Viện không cho vị thượng phụ này các quyền sở hữu đối với một cô nhi viện thuộc các hải đảo Chư Hoàng Tử. Tòa án này, hai tháng trước đó, cũng đã phủ quyết việc tái thiết Chủng Viện Thần Học ở Halki.

 

ĐHY Roberto Tucci đã nhận định trên Đài Phát Thanh Vatican rằng Khối Hiệp Nhất Âu Châu đặt nặng “các yếu tố khác, kinh tế, chính trị, quân sự v.v. mà coi thường những giá trị về tự do tôn giáo”, một coi thường “rất ư là nguy hiểm”, “như thể Âu Châu không tìm thấy những giá trị nào cao cả hơn” là những giá trị được đề cập đến trong lãnh vực trần thế.

 

Đức Ông tổng thư ký cho rằng vấn đề này liên quan đến việc Bản Hiến Pháp Âu Châu không dám minh nhiên nói rõ đến các căn gốc Kitô giáo:

 

·        Vấn đề rắc rối thật sự có lẽ là vấn đề về chính chúng ta. Một thực tại mà không có căn tính hiển nhân đang gặp nguy cơ thảm bại”.

 

Thổ Nhĩ Kỳ có 68 triệu dân hầu như toàn tòng Hồi giáo. Các cộng đồng tôn giáo không phải Hồi giáo không được pháp luật chính thức nhìn nhận.

 

Lịch sử chính trị và quân sự còn ghi nhận là từ năm 1326, Đế Quốc Ottoman xuất phát từ Thổ Nhĩ Kỳ đã xuất hiện trên chiến trường thế giới, chẳng những đã triệt hạ được Đế Quốc Byzantine năm 1453, mà còn, vào thế kỷ 16, đã bành trướng biên cương bờ cõi đế quốc này tới tận Hung Gia Lợi ở miền bắc vào năm 1526, rồi sau đó tới Yemen ở miền nam, Morocco ở miền tây, và Ba Tư ở miền đông, trở thành một đế quốc lớn nhất thế giới vào đầu thế kỷ 17, bao gồm một vùng đất tam biên là Đông Âu, Trung Đông và Bắc Phi. Thế nhưng, từ năm 1783 đến 1914, đế quốc này đã mất đi nhiều chiếm địa của mình, và cuối cùng đã tan bại trong Thế Chiến Thứ I (1914-1918) cùng với Đức quốc.

 

(còn tiếp)

 

 

TOP

 

 

?  “Luận Về Lòng Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria” của Thánh Long Mộng Phố (Louis Montfort)

 

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II:

Thư Gửi Chư Gia Đình Hội Dòng Montfort

Nhân Dịp Kỷ Niệm 160 Năm (1843-2003)

Xuất Bản Tác Phẩm “Luận Về Lòng Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria”

 

Gửi Tu Sĩ Nam Nữ Chư Gia Đình Montfort

 

Một Tác Phẩm Cổ Điển Về Linh Đạo Thánh Mẫu

 

1.         Một tác phẩm được viết để làm tác phẩm cổ điển về linh đạo Thánh Mẫu đã được xuất bản cách đây 160 năm trước. Thánh Louis Marie Grignion de Montfort đã viết cuốn Luận Về Lòng Thành Thực Sùng Kính Đức Trinh Nữ vào đầu thế kỷ 18, thế nhưng, trên thực tế, bản thảo đã không được biết đến trên một thế kỷ. Cuối cùng, hầu như là tình cờ, nó đã được tìm thấy vào năm 1842 và xuất bản vào năm 1843, tác phẩm này đạt được thành quả ngay, cho thấy hiệu năng phi thường của việc truyền bá ‘lòng thành thực sùng kính’ đối với Vị Trinh Nữ Rất Thánh này. Chính tôi, trong những năm còn trẻ, đã tìm được hỗ trợ rất nhiều khi đọc tác phẩm này. ‘Tôi đã thấy ở đó những giải đáp cho các vấn nạn của mình’, vì có lúc tôi sợ rằng nếu việc tôi tôn sùng Mẹ Maria ‘trở thành quá đà thì sẽ đi đến chỗ làm tổn thương tới tính cách tối thượng của việc tôn thờ giành cho Chúa Kitô’ (Dono e Mistero, Libreria Editrice Vaticana, 1996; English edition: Gift and Mystery, Paulines Publications Africa, p. 42). Với sự hướng dẫn khôn ngoan của Thánh Louis Marie, tôi đã nhận ra rằng nếu ai sống mầu nhiệm Mẹ Maria trong Chúa Kitô thì không có vấn đề nguy cơ này. Thật thế, tư tưởng Thánh Mẫu của vị Thánh này ‘đã bắt nguồn từ mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi và từ sự thật Nhập Thể của Lời Thiên Chúa’ (ibid.).

 

Từ khi được hạ sinh, nhất là vào những lúc khó khăn nhất của mình, Giáo Hội đã thiết tha chiêm ngưỡng biến cố Khổ Nạn của Chúa Giêsu Kitô được Thánh Gioan đề cập tới, đó là: ‘Đứng kề Thánh Giá Chúa Giêsu có Mẹ của Người, và chị của Mẹ Người là Maria, vợ ông Clopas, cùng với Maria Mai Đệ Liên. Khi Chúa Giêsu thấy Mẹ của mình và môn đệ Người yêu đứng gần thì Người nói với Mẹ mình rằng: Hỡi Bà, này là con của bà! Đoạn Người nói với người môn đệ rằng: Này là người mẹ của con! Và từ lúc đó người môn đệ ấy mang Người về nhà mình’ (Jn 19:25-27). Qua giòng lịch sử của mình, Dân Chúa đã cảm nghiệm được tặng ân này của Chúa Giêsu tử giá, đó là tặng ân Mẹ Người. Mẹ Maria Rất Thánh thực sự là Mẹ của chúng ta, vị đồng hành với chúng ta trong cuộc hành trình đức tin, đức cậy và đức mến, tiến tới chỗ càng được hiệp nhất nên một hơn với Chúa Kitô, Đấng Cứu Độ và là Trung Gian cứu độ duy nhất (x Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân, các số 60, 62).

 

Như đã quá rõ, huy hiệu giáo phẩm của tôi cho thấy một cách tượng trưng câu Phúc Âm được trích dẫn trên đây; câu khẩu hiệu Totus tuus là câu được gợi hứng bởi giáo huấn của Thánh Louis Marie Grignion de Montfort (cf. Gift and Mystery, pp. 42-43; Rosarium Virginis Mariae, n. 15). Hai chữ này diễn tả việc hoàn toàn thuộc về Chúa Giêsu qua Mẹ Maria: ‘Tuus totus ego sum, et omnia mea tua sunt’, Thánh Montfort đã viết như thế và ngài chuyển dịch sang ngôn từ của mình như sau: ‘Tất cả con là của Chúa, và tất cả những gì con có là của Chúa, Ôi Chúa Giêsu rất dấu yêu, nhờ Mẹ Maria, Người Mẹ rất thánh của Chúa’ (Treatise on True Devotion, n. 233). Giáo huấn của vị Thánh này đã gây được một ảnh hưởng sâu xa nơi lòng tôn sùng của nhiều tín hữu và nơi cuộc sống của tôi. Nó là một giáo huấn được sống bởi một tầm mức sâu xa trổi vượt về khổ hạnh và thần bí, một tầm mức được thể hiện nơi một kiểu cách sống động và hăng say thường sử dụng đến các thứ hình ảnh và biểu hiệu. Tuy nhiên, việc phát triển đáng kể thần học về Thánh Mẫu từ thời Thánh Louis Marie phần lớn là do việc đóng góp quan trọng của Công Đồng Chung Vaticanô II. Bởi thế, giáo huấn của Thánh Montfort, một giáo huấn vẫn giữ được tính cách hiệu lực thiết yếu của nó, cần phải được đọc lại và tái dẫn giải ngày nay theo chiều hướng của Công Đồng này.

 

Trong bức thư đây, tôi muốn chia sẻ với anh chị em, hỡi Tu Sĩ Nam Nữ Thuộc Chư Gia Đình Montfort, việc suy niệm về một số đoạn trong bản văn của Thánh Luois Marie để giúp chúng ta trong những lúc khó khăn này biết nuôi dưỡng đức tin của chúng ta nơi việc môi giới từ mẫu của Người Mẹ Chúa Kitô.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch

 

(còn tiếp vào các ngày Thứ Bảy)

 

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ