GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 CHÚA NHẬT 11/2/2007

TUẦN VI THƯỜNG NIÊN

 

?   "Cần phải cổ võ những chính sách kiến tạo những điều kiện để con người có thể chịu đựng những tật bệnh cho dù bất khả chữa trị và chết chóc một cách xứng với phẩm giá của mình". 

?  “Đời tận hiến, tự bản chất, là một đáp ứng trọn vẹn và dứt khoát, vô tư và thiết tha đối với Thiên  Chúa”

?  Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II tại Linh Địa Thánh Mẫu Lộ Đức 14-15/8/2004 Mừng 150 Năm Tín Điều Mẹ Vô Nhiễm

 

 

 

? "Cần phải cổ võ những chính sách kiến tạo những điều kiện để con người có thể chịu đựng những tật bệnh cho dù bất khả chữa trị và chết chóc một cách xứng với phẩm giá của mình". 

 

Đức Thánh Cha Biển Đức XV: Sứ Điệp cho Ngày Thế Giới Bệnh Nhân 11/2/2007 ở Thủ Đô Seoul Nam Hàn

 

Anh Chị Em thân mến,

 

Vào ngày 11/2/2007, khi Giáo Hội tiếp tục tưởng kính phụng vụ Lễ Mẹ Lộ Đức thì Ngày Thế Giới Bệnh Nhân  lần thứ XV được cử hành tại Seoul, Đại Hàn. Sẽ diễn ra những cuộc gặp gỡ, hội nghị, gặp nhau về mục vụ và cử hành phụng vụ, với thành phần đại diện của Giáo Hội ở Hàn quốc, nhân  viên chăm sóc sức khỏe, bệnh nhân cùng gia đình của họ. Một lần nữa, Giáo Hội hướng mắt về những ai đang chịu khổ đau và kêu gọi hãy chú tâm tới thứ bệnh bất khả chữa lành mà nhiều người trong họ đang hấp hối trước các chứng bệnh nguy tử. Họ có mặt trên mọi lục địa, nhất là ở những nơi nghèo khổ và khốn khó gây ra bởi tình trạng bất hạnh và sầu thương. Ý thức được những thứ khổ đau ấy, tâm thần của tôi sẽ hiện diện tron g Ngày Thế Giới Bệnh Nhân  này, hiệp với các cuộc gặp gỡ để bàn luận về cái khốn khổ của thành phần bệnh nhân nan trị trên thế giới, cũng như để khuyến khích các nỗ lực của cộng đồng Kitô Giáo trong việc họ làm chứng  cho niềm ưu ái và xót thương của Chúa.

 

Bệnh tật là những gì không thể nào không gây ra giây phút khủng hoảng và cuộc chạm trán day dứt cho hoàn cảnh riêng của cá nhân con người. Những tiến bộ nơi các ngành khoa học về sức khỏe thường cung cấp phương tiện cần thiết để đương đầu với thách đố ấy, ít là liên quan tới khía cạnh thể lý của nó. Tuy nhiên, sự sống con người tự mình có những hạn hữu, và không sớm thì muộn cũng đi tới chỗ chết. Đây là một kinh nghiệm mà mỗi người đang được kêu gọi, và là một kinh nghiệm mà từng người cần phải sửa soạn sẵn sàng. Mặc dù khoa học đạt được những tiến bộ nhưng vẫn không thể chưa được mọi thứ tật bệnh, nên chúng ta vẫn gặp thấy nơi các bệnh viện, các viện tế bần, các gia đình trên khắp thế giới những nỗi khổ đau của nhiều anh chị em của chúng ta, những người bị bệnh bất trị và thường là nguy tử. Ngoài ra, biết bao nhiêu là triệu người trên thế giới này vẫn còn trải qua những tình trạng sinh sống thiếu vệ sinh và không được hưởng những nguồn y tế thật là cần thiết, thường là những gì căn bản nhất, từ đó càng gia tăng số người bị coi là ‘bất khả chữa trị’.

 

Giáo Hội muốn nâng đỡ những bệnh nhân nan trị và nguy tử này bằng việc kêu gọi những chính sách chính đáng của xã hội là những gì có thể giúp vào việc loại trừ đi những căn nguyên gây ra nhiều tật bệnh và khuyến khích việc chăm sóc cải tiến đối với người hấp hối cũng như đối với những ai không có phương dược chữa trị. Cần phải cổ võ những chính sách kiến tạo những điều kiện để con người có thể chịu đựng những tật bệnh cho dù bất khả chữa trị và chết chóc một cách xứng với phẩm giá của mình. Ở đây cần phải nhấn mạnh một lần nữa đến nhu cầu cần phải có thêm các trung tâm chăm sóc giảm đau trong việc cung cấp việc chăm sóc nguyên vẹn, bằng cách cống hiến cho bệnh nhân việc trợ giúp nhân bản và hỗ trợ về tinh thần như họ cần đến. Đây là quyền lợi thuộc về hết mọi người, một quyền lợi mà tất cả chúng ta cần phải dấn thân để bênh vực.

 

Ở đây tôi cũng muốn khuyến khích các nỗ lực của những ai hằng ngày phục vụ để bảo đảm là bệnh nhân bất khả trị và nguy tử, cùng với gia đình của họ, lãnh nhận được việc chăm sóc đầy đủ và yêu thương. Giáo Hội, theo gương của Người Samaritanô Nhân Lành, bao giờ cũng đặc biệt tỏ ra quan tâm tới thành phần bệnh nhân ấy. Qua các phần tử cá nhân và những tổ chức của mình, Giáo Hội tiếp tục đứng về phía người chịu khổ đau và chăm sóc cho người hấp hối, nỗ lực bảo trì phẩm vị của họ vào những giây phút quan trọng của cuộc sống con người. Nhiều cá nhân như thế – các chuyên viên chăm sóc sức khỏe, các tác nhân mục vụ và các tình nguyện viên – và các cơ cấu trên khắp thế giới không ngừng phục vụ thành phần bệnh nhân, trong các bệnh viện và các đơn vị chăm sóc giảm đau, ở các đường phố, nơi các dự án cư trú và các giáo xứ.

 

Giờ đây tôi hướng về anh chị em, anh chị em thân mến của tôi đang khổ sở vì các chứng bệnh nan trị và nguy tử. Tôi xin anh chị em hãy chiếm ngắm những nỗi khổ đau của Chúa Kitô tử giá, và liên kết với Người, hoàn toàn tin tưởng vào Chúa Cha rằng tất cả mọi sự sống, đặc biệt là sự sống của anh chị em đang ở trong tay Ngài. Anh chị em hãy tin tưởng rằng những khổ đau của anh chị em, hợp với những khổ đau của Chúa Kitô, sẽ giúp ích cho nhu cầu của Giáo Hội và của thế giới. Tôi xin Chúa kiên cường đức tin của an hem bằng tình yêu của Ngài, nhất là trong những cuộc thử thách anh chị em đang trải qua. Tôi hy vọng rằng dù anh chị em ở đâu, anh chị em bao giờ cũng tìm thấy niềm phấn khởi thiêng liêng và sức mạnh cần thiết để nuôi dưỡng niềm tin của anh chị em và mang anh chị em đến gần hơn với Cha của Sự Sống. Qua các vị linh mục và cán sự mục vụ của mình, Giáo Hội muốn hỗ trợ anh chị em và đứng bên anh chị em, giúp anh chị em trong những giờ phút cần thiết, nhờ đó làm hiện hữu hóa tình thương xót ưu ái của Chúa Kitô đối với những ai khổ đau.

 

Tóm lại, tôi xin các cộng đồng của Giáo Hội trên khắp thế giới, nhất là những cộng đồng dấn thân phục vụ cho thành phần yếu bệnh, nhờ sự trợ giúp của Mẹ Maria, Salus Infirmorum, hãy tiếp tục, làm chứng từ thực sự cho mối quan tâm ưu ái của Thiên Chúa là Cha của chúng ta. Chớ gì Đức Trinh Nữ là Mẹ của chúng ta an ủi những ai bị yếu bệnh và nâng đỡ tất cả những ai hiến đời mình, như những người Samaritanô Nhân Lành, trong việc chữa lành các vết thương v ề thể lý và tâm linh cho những ai đang khổ đau. Liên kết với mỗi một người trong anh chị em bằng tâm tưởng và nguyện cầu, tôi thân ái ban Phép Lành Tòa Thánh như một bảo chứng của sức mạnh và bình an trong Chúa.

 

Tại Vatican ngày 8/12/2006.

 

Giáo Hoàng Biển Đức XVI

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch trự ctiếp từ mạng điện toán toàn cầu của Tòa Thánh Vatican

http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/messages/sick/documents/hf_ben-xvi_mes_20061208_world-day-of-the-sick-2007_en.html

 

 

TOP

 

 

?  “Đời tận hiến, tự bản chất, là một đáp ứng trọn vẹn và dứt khoát, vô tư và thiết tha đối với Thiên  Chúa”

 

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI – Huấn Từ cho Ngày Thế Giới Đời Tận Hiến lần 11 ngày Thứ Sáu 2/2/2007  tại Đền Thờ Vatican

 

Anh Chị Em thân mến,

 

Tôi hân hoan được gặp gỡ anh chị em vào cuối cuộc Cử Hành Thánh Thể là biến cố đã qui tụ anh chị em lại nơi Đền Thờ đây vào cả năm nay nữa, vào một dịp rất ý nghĩa với việc anh chị em thuộc về những Dòng Tu, Tổ Chức, Hội Sống Đời Tông Đồ cũng như các Hình Thức Mới Sống Đời Tận Hiến; anh chị em làm thành một yếu tố đặc biệt quan trọng cho Nhiệm Thể Chúa Kitô.

 

Phụng vụ hôm nay nhắc lại việc Hiến Dâng Chúa trong Đền Thờ, một lễ được Vị Tiền Nhiệm Gioan Phaolô II khả kính của tôi chọn làm ‘Ngày Đời Tận Hiến’.

 

Tôi hết sức vui mừng gửi lời chào thân ái tới mỗi một người trong anh chị em hiện diện nơi đây, trước hết là ĐHY Franc Rodé, Tổng Trưởng Phân Bộ của anh chị em, vị tôi xin cám ơn về những lời lẽ tốt đẹp ngỏ cùng tôi thay cho anh chị em. Rồi tôi gửi lời chào tới vị Bí Thư cùng toàn thể phần tử thuộc Thánh Bộ đặc trách một lãnh vực quan trọng của Giáo Hội. Việc cử hành hôm nay đặc biệt thích hợp để xin Chúa ban tặng ân có được sự hiện diện liên tục và sáng ngời hơn bao giờ hết thành phần nam nữ tu sĩ  và tận hiến trong Giáo Hội đang lữ hành trên các nẻo đường thế giới.

 

Anh chị em thân mến, ngày Lễ chúng ta đang cử hành đây nhắc nhoở chúng ta rằng chứng từ Phúc Âm của anh chị em, để thực sự tác hiệu, cần phải xuất phát từ một việc đáp ứng dứt khoát đối với việc khởi động của Thiên Chúa là Đấng đã thánh hiến anh chị em cho Ngài bằng một tác động yêu thương đặc biệt.

 

Như vị lão thành Simeon và Anna mong được thấy Đấng Thiên Sai trước khi chết và đã nói về Người ‘với tất cả những ai mong chờ việc cứu chuộc của Giêrusalem’ (x Lk 2:26,38) thế nào, thì cả trong thời đại của chúng ta nữa, nhất là nơi thành phần giới trẻ, đang có một nhu cầu rộng rãi muốn gặp gỡ Thiên Chúa.

 

Những ai được Thiên Chúa tuyển chọn sống đời tận hiến là thành phần làm cho niềm mong mỏi thiêng liêng này trở thành của riêng mình một cách quyết liệt. Thật vậy, nơi cuộc đời tận hiến ấy, họ chỉ có một niềm mong ước duy nhất, đó là Vương Quốc của Thiên Chúa, là Thiên Chúa ngự trị ý muốn của chúng ta, tâm can của chúng ta, thế giới của chúng ta. Nơi họ bừng lên một niềm khát khao yêu thương duy nhất là những gì chỉ được thỏa mãn bởi một mình Đấng Hằng Hữu mà thôi.

 

Bằng gương lành của mình, họ loan truyền cho một thế giới thường bị hoang mang bối rối nhưng thực sự lại đang gia tăng việc tìm kiếm ý nghĩa rằng Thiên Chúa là Chúa của sự sống và tình Ngài ‘yêu thương là những gì hơn cả sự sống’ (Ps 63[62]:4[3]).

 

Bằng việc chọn đời sống tuân phục, khó nghèo và thanh tịnh vì Nước Trời, họ chứng thực rằng bất cứ một quyến luyến nào hay lòng yêu thích người và vật đều không thể hoàn toàn thỏa mãn tâm can; rằng cuộc sống trần gian là một giai đoạn không dài thì ngắn đợi chờ cuộc hội ngộ ‘trực diện’ với Vị Phu Quân thần linh, một niềm mong ngóng được sống bằng một con tim hằng tỉnh thức, lúc nào cũng nhận ra Người và nghênh đón Người khi Người đến.

 

Bởi thế, đời tận hiến, tự bản chất, là một đáp ứng trọn vẹn và dứt khoát, vô tư và thiết tha đối với Thiên  Chúa (x ‘Đời Tận Hiến – Vita Consecrata’, 17). Nhờ đó, khi con người từ bỏ mọi sự để theo Chúa Kitô, khi con người hiến dâng cho Người tất cả những gì họ trân quí nhất, bất chấp mọi hy sinh như Vị Sư Phụ thần linh đã sống, thì con người tận hiến theo chân Chúa Kitô cũng cần phải trở thành ‘một dấu hiệu xung khắc’, vì lối suy tư và sống động của họ thường là những gì ngược lại với lý lẽ của thế gian, thứ lý lẽ hầu như bao giờ cũng được hiển hiện ở lãnh vực truyền thông. 

 

Thật thế, trong việc chọn Chúa Kitô, chúng ta để mình được Người ‘chiếm đoạt’ một cách dứt khoát. Biết bao nhiêu là con người khát khao chân lý đã cảm thấy xúc động trước lòng can đảm này và được thu hút bởi những ai không ngần ngại hiến đời mình, hiến cuộc sống riêng của mình cho niềm tin tưởng của họ.

 

Phải chăng đó là lòng trung thành sâu xa của phúc âm mà hết mọi con người sống đời tận hiến được kêu gọi thực hiện trong thời đại của chúng ta nữa? Chúng ta hãy tạ ơn Chúa, để nhiều Tu Sĩ nam nữ ở khắp mọi nơi trên thế giới biết tiếp tục cống hiến chứng từ yêu thương cao cả và trung thành đối với Thiên Chúa cũng như với anh chị em của mình, một chứng từ thường được ghi dấu bằng máu tử đạo. Chúng ta cũng tạ ơn Thiên Chúa, để những gương sáng ấy được tiếp tục tác động nơi tâm hồn của nhiều giới trẻ niềm ước vọng theo Chúa Kitô luôn mãi một cách thân tình và trọn vẹn.

 

Anh chị em thân mến, đừng bao giờ quên rằng đời tận hiến là một tặng ân thần linh, và Chúa trước hết là Đấng bảo đảm việc thành đạt của nó theo dự án của Ngài. Niềm tin tưởng này là ở chỗ Chúa đưa chúng ta tới một kết thúc thành công cho dù chúng ta hèn yếu; niềm tin tưởng này cần phải trở thành niềm ủi an cho anh chị em, bảo vệ anh chị em khỏi cảm thấy chán chường trước những khó khăn bất khả tránh của đời sống cùng nhiều thách đố của thời đại tân tiến này. Thật vậy, trong giai đoạn khó khăn chúng ta đang sống đây, nhiều Tổ Chức dòng tu có thể cảm thấy mất tinh thần trước những thất bại họ nhận thấy nơi mình cũng như trước nhiều chướng ngại vật họ gặp phải khi thi hành sứ vụ của họ.

 

Hôm nay Con Trẻ Giêsu được hiến dâng ở Đền Thờ đang sống động giữa chúng ta và vô hình nâng đỡ chúng ta nhờ đó chúng ta có thể trung thành hợp tác với Người vào công cuộc cứu độ, và Người không bỏ rơi chúng ta đâu.

 

Phụng vụ hôm nay đặc biệt là những gì khơi động, vì phụng vụ này được đánh dấu bằng biểu hiểu ánh sáng. Cuộc long trọng rước nến anh chị em thực hiện ở đầu lễ là những gì ám chỉ đến Chúa Kitô, ánh sáng thực của thế giới, Đấng chiếu soi trong đêm tối tăm của lịch sử và chiếu rọi hết mọi kẻ tìm kiếm chân lý. Anh chị em sống đời tận hiến thân mến, hãy bừng lên bằng ngọn lửa này và làm cho nó rạng ngời qua đời sống của anh chị em, để luồng sáng chiếu tỏa từ Chúa Giêsu, Đấng là chân lý rạng ngời, được soi chiếu khắp mọi nơi. 

 

Bằng việc hoàn toàn hiến mình cho Người (x Vita Consecrata, 15), anh chị em làm chứng cho sự thật có sức thu hút của Chúa Kitô và cho niềm vui xuất phát từ lòng anh chị em mến yêu Người. Trong việc chiêm niệm cũng như trong việc hoạt động, trong thinh lặng và trong tình huynh đệ, trong việc phục vụ người nghèo khổ và người thấp hèn, trong việc hướng dẫn riêng tư cũng như ở những công nghị tân thời, anh chị em hãy sẵn sàng loan truyền và làm chứng  rằng Thiên Chúa là Tình Yêu và mến yêu Ngài là những gì ngọt ngào êm ái.

 

Chớ gì Mẹ Maria, Vị là Toàn Mỹ – Tota Pulchra , dạy cho anh chị em biết truyền đạt cho con người nam nữ ngày nay cái thu hút thần linh này, một thứ thu hút cần phải được thoát ra từ những lời nói và việc làm của anh chị em. Trong khi tôi đã bày tỏ cùng anh chị em lòng cảm mến tri ân của tôi về việc anh chị em phục vụ Giáo Hội, tôi hứa luôn nhớ đến anh chị em trong lời nguyện cầu và ân cần chúc lành cho tất cả mọi anh chị em.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch trực tiếp từ mạng điện toán toàn cầu của Tòa Thánh

http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/speeches/2007/february/documents/hf_ben-xvi_spe_20070202_festa-presentazione_en.html

 

 

TOP

 

 

? Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II tại Linh Địa Thánh Mẫu Lộ Đức 14-15/8/2004 Mừng 150 Năm Tín Điều Mẹ Vô Nhiễm

 

Đaminh Maria Cao tấn Tĩnh, BVL, tổng hợp và chuyển dịch

 

Chúa Nhật VI Thường Niên ngày 11/2/2007 cũng là ngày Lễ Đức Mẹ Lộ Đức theo phụng niên của Giáo Hội. Nếu Biến Cố Thánh Mẫu Fatima cách đây 90 năm gắn liền với 3 Mệnh Lệnh Fatima thế nào, thì Biến Cố Thánh Mẫu Lộ Đức cũng liên quan tới Tín Điều Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ như vậy, một tín điều đã được Đức Thánh Cha Piô IX tuyên bố năm 1854. Nếu để ý chúng ta còn thấy Linh Địa Thánh Mẫu Lộ Đức còn là nơi tông du cuối cùng của Vị Giáo Hoàng Thánh Mẫu, vị Giáo Hoàng sống khẩu hiệu Totus Tuus – tất cả của con là của Mẹ. Thật vậy, Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II của chúng ta  đã thực hiện 104 chuyến tông du khắp thế giới, và cuối cùng là chuyến tông du đến Lộ Đức 2 ngày, 14-15/8/2004, để mừng 150 năm Tín Điều Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ. Vậy, nhân dịp Lễ Đức Mẹ Lộ Đức, chúng ta hãy nghe lại những tâm tình của ngài đối với Mẹ Maria cũng là những huấn dụ tóm gọn cuối cùng ngài gửi cho chúng ta về việc chúng ta sống với Mẹ.

 

Dẫn Nhập cho việc Lần Hạt Mân Côi Mầu Nhiệm Ánh Sáng chiều 14/8/2004


Qùi ở nơi đây, trước động Massabielle, Tôi sâu xa cảm thấy rằng Tôi đã tiến đến đích điểm của cuộc Tôi hành hương. Hang động này, nơi Mẹ Maria đã hiện ra, là tâm điểm của Lộ Đức. Nó nhắc nhở chúng ta về hang Núi Horeb, nơi tiên tri Êlia gặp gỡ Chúa, Đấng đã nói với ông bằng “một giọng nhỏ nhẹ” (1Kgs 19:12).


Nơi đây Đức Trinh Nữ đã xin Bernadette đọc Kinh Mân Côi, như chính Mẹ cũng lần hạt. Bởi thế hang động này đã trở thành một học đường nguyện cầu chuyên biệt, nơi Mẹ Maria dạy cho hết mọi người biết nhìn ngắm dung nhan Chúa Kitô bằng tình yêu bừng nóng.


Như thế, Lộ Đức là nơi Kitô hữu Pháp quốc, cũng như các Kitô hữu thuộc rất nhiều quốc gia Âu Châu khác và trên thế giới, quì xuống nguyện cầu.


Trong lúc hướng lòng về Mẹ Maria Rất Thánh, chúng ta hãy cùng với Thánh Bernadette nguyện cầu rằng: “Lạy Mẹ nhân lành, xin thương đến con; con xin hoàn toàn hiến dâng bản thân mình cho Mẹ, để Mẹ dâng con cho Con yêu dấu của Mẹ, Đấng con muốn yêu mến bằng cả tấm lòng của con. Lạy Mẹ nhân lành, xin ban cho con trái tim hoàn toàn bừng cháy tình yêu mến Chúa Giêsu”.


Dẫn Nhập cho Cuộc Rước Đuốc tối 14/8/2004


Khi Trinh Nữ Maria hiện ra với Bernadette ở hang động Massabielle, Mẹ đã mở màn cho một cuộc đối thoại giữa Trời và đất là một cuộc đối thoại đã kéo dài qua thời gian và tiếp tục cho tới ngày hôm nay. Khi nói với cô gái trẻ tuổi này, Mẹ Maria đã xin dân chúng hãy đoàn lũ kéo tới đây, như thể nói lên rằng cuộc đối thoại này không thể chỉ được giới hạn ở ngôn từ mà còn phải trở thành một cuộc hành trình bên Mẹ dọc suốt con đường lữ hành đức tin, đức cậy và đức mến nữa.


Ở Lộ Đức đây, hơn một thế kỷ qua, dân Kitô giáo đã trung thành đáp ứng những lời hiệu triệu từ mẫu ấy, hằng ngày bước đi theo Chúa Kitô nơi Bí Tích Thánh cũng như mỗi đêm rước kiệu bằng những bài hát và những lời nguyện cầu để tôn kính Người Mẹ của Chúa.


Năm nay, vị Giáo Hoàng này cũng tham gia với anh chị em nơi hành động tôn sùng và mến yêu đối với Đức Nữ Trinh Rất Thánh này, người nữ hiển vinh của Sách Khải Huyền, được đội triều thiên 12 ngôi sao (x Rev 12:1). Cầm trong tay cây đuốc sáng, chúng ta nhớ lại và tuyên xưng niềm tin của chúng ta vào Chúa Kitô Phục Sinh. Nơi Người toàn thể đời sống của chúng ta được chiếu soi và hy vọng.


Bài Giảng cho Thánh L Mẹ Mông Triệu sáng ngày 15/8/2004

 

"Que soy era Immaculada Councepciou”. Những lời Mẹ Maria nói với Bernadette vào ngày 25 tháng 3 năm 1858 đặc biệt vang dội trong năm nay là năm Giáo Hội cử hành 150 năm tuyên bố tín điều Hoài Thai Vô Nhiễm Nguyên Tội được Giáo Hoàng Chân Phước Piô IX thực hiện bằng Tông Hiến Ineffabilis Deus.


Tôi hết sức muốn thực hiện cuộc hành hương tới Lộ Đức để cử hành một biến cố tiếp tục tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi. Việc Hoài Thai Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ Maria là dấu hiệu tỏ ra tình yêu nhưng không của Chúa Cha, là biểu hiệu hoàn toàn của việc cứu chuộc được Chúa Con hoàn tất, và là khởi nguyên của một sự sống hoàn toàn cởi mở trước hoạt động của Thần Linh.


Anh chị em thân mến! Từ động Massabielle này, Vị Trinh Nữ Maria đây nói với cả chúng ta nữa, thành phần Kitô hữu của ngàn năm thứ ba. Chúng ta hãy lắng nghe Mẹ!


Hãng lắng nghe Mẹ, hỡi giới trẻ là thành phần tìm kiếm một câu đáp có thể cống hiến cho cuộc đời của các bạn ý nghĩa; Ở nơi đây, các bạn có thể tìm thấy câu giải đáp ấy. Nó là một câu giải đáp gay go, tuy nhiên nó lại là câu trả lời duy nhất thực sự làm thỏa mãn. Vì nó chất chứa cái bí mật của niềm vui và an bình thực sự.


Từ hang động này, Tôi đặc biệt kêu gọi nữ giới. Hiện ra ở nơi đây, Mẹ Maria đã ký thác sứ điệp của Mẹ cho một em gái trẻ tuổi, như thể Mẹ muốn nhấn mạnh đến sứ vụ đặc biệt của nữ giới trong thời đại của chúng ta đây, một sứ vụ thực sự đang bị lôi cuốn bởi chiều hướng duy vật và trần tục: một sứ vụ trong xã hội ngày nay phải trở thành một chứng nhân cho những giá trị thiết yếu chỉ được thấy bằng con mắt tâm hồn. Hỡi nữ giới, chị em là thành phần mang trách nhiệm là những lính canh của Đấng Vô Hình! Tôi thiết tha kêu gọi hết mọi anh chị em, anh chị em thân mến, hãy làm mọi sự có thể để bảo đảm rằng sự sống, mỗi một sự sống và mọi sự sống, được tôn trọng từ khi được thụ thai cho đến khi tự nhiên qua đi. Sự sống là một tặng ân thánh hảo, không ai có thể cho mình có quyền làm chủ nó.


Sau hết, Đức Mẹ Lộ Đức gửi một sứ điệp cho hết mọi người. Đó là hãy trở thành những con người nam nữ của tự do! Thế nhưng, xin nhớ rằng: niềm tự do của con người là một niềm tự do đã bị tội lỗi làm tổn thương. Nó là một niềm tự do tự bản chất cũng cần phải được giải thoát. Chúa Kitô là vị giải phóng của nó; Người là Đấng “vì tự do đã giải phóng chúng ta” (cf. Gal 5:1). Hãy bênh vực niềm tự do ấy!


Quí bạn thân mến, về vấn đề này chúng ta biết rằng chúng ta có thể tin tưởng vào Mẹ Maria, vị mà, vì không bao giờ nhường bước cho tội lỗi, là tạo vật duy nhất hoàn toàn tự do. Tôi xin trao phó quí bạn cho Mẹ. Hãy bước đi bên Mẹ Maria khi quí bạn hành trình tiến tới chỗ hoàn toàn làm trọn nhân tính của mình!

 

Huấn Từ Truyền Tin sau Thánh L Mẹ Mông Triệu 15/8/2004                                  


Từ tảng đá ở động Massabielle, Vị Trinh Nữ này đã hiện ra với Bernadette. Tỏ mình ra như Đấng đầy ơn phúc của Thiên Chúa, Mẹ đã kêu gọi thống hối và nguyện cầu. Mẹ đã chỉ cho Bernadette một mạch nước, và xin em uống mạch nước này. Mạch nước mới mẻ ấy đã trở thành một trong những biểu hiệu của Lộ Đức: một biểu hiệu của sư sống mới được Chúa Kitô ban cho tất cả những ai hướng về Người.

 

Kitô Giáo thực sự là một suối nước sự sống, và Mẹ Maria là bảo quản viên đầu tiên của suối nước này. Mẹ chỉ nó cho tất cả mọi người thấy, bằng cách kêu mời họ từ bỏ cái kiêu hãnh của mình mà học sống khiêm hạ, nhờ đó họ mới có thể kín múc được tình thương của Con Mẹ và từ đó mới cùng nhau hoạt động cho bừng lên một nền văn minh yêu thương.

 

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ