GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ SÁU 16/2/2007

TUẦN VI THƯỜNG NIÊN

 

?   THÁNH ÐỊA - DẤU CHỈ THẦN LINH: Quá Trình Tranh Chấp và Vận Ðộng Hòa Bình

?  Chỉ có một loại người không già, muôn thuở trẻ trung, trường sinh bất tử, trọn lành hoàn thiện, đó là con người sống trong Sự Thật

?  HÁI LỘC ĐẦU XUÂN

 

 

 

?  THÁNH ÐỊA - DẤU CHỈ THẦN LINH: Quá Trình Tranh Chấp và Vận Ðộng Hòa Bình

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, viết và dịch theo tin tức liên tục của CNN và Zenit, cách riêng tài liệu The Land of Conflict của CNN

 

Dẫn  Nhập


Tình hình Trung Đông dằng dai và căng thẳng giữa hai phe Palestine và Do Thái cho tới nay khiến cho người viết cứ suy nghĩ về hai câu Thánh Kinh, một câu liên quan đến phe Palestine Ả Rập và một câu liên quan đến phe Do Thái.

Câu Thánh Kinh (Cựu Ước) liên quan đến phe Palestine Ả Rập, đó là câu Thiên Sứ phán với người nữ tỳ Ai Cập Hagar về tương lai của đứa con trai Ishmael đang ở trong bụng chị bấy giờ, đứa trẻ chị sẽ sinh ra cho ông chủ Abram của chị vì bà chủ Sarai của chị bị bất hạnh hiếm muộn: “Nó chống lại mọi người và mọi người chống lại nó” (Gen 16:12). Tình hình an ninh trên thế giới hiện nay cho thấy nạn khủng bố trên thế giới phát xuất từ dân Ả Rập Hồi giáo, và thế giới cũng đang liên kết để chống lại nạn khủng bố gây ra bởi những con người thuộc dân này.

Câu Thánh Kinh (Tân Ước) liên quan đến phe Do Thái là câu Thánh Phaolô Tông Đồ khẳng định về số phận của dân ấy: “Phần dân Do Thái đã bị mù quáng cho tới khi đủ số Dân Ngoại, tới lúc ấy tất cả dân Do Thái sẽ được cứu độ” (Rm 11:25-26). Tình hình hiện nay cho thấy dân Do Thái dường như không cần mong đợi một Vị Cứu Tinh, Vị Thiên Sai nữa, vì họ không bị một quyền lực chính trị nào chi phối, như thời đế quốc Rôma, thời điểm xuất hiện nhân vật Giêsu Nazarét, trái lại, họ còn làm chủ tình hình Trung Đông nói riêng, nhất là, làm điêu đứng cả một thế giới Ả Rập Hồi giáo khổng lồ về địa dư và dân số gấp trăm ngàn lần họ.

Chúng ta không biết dân Do Thái sẽ được cứu độ bằng cách nào, chỉ biết rằng khi đủ số Dân Ngoại thì họ được cứu, thế thôi. Nhưng làm thế nào để biết được còn bao nhiêu Dân Ngoại cần phải trở về nữa mới đủ số, hay ngược lại, cứ khi nào thấy Dân Do Thái bắt đầu tỏ ra nhận biết Giêsu Nazarét là Chúa Kitô, là Đấng Thiên Sai, thì đó là dấu cho thấy đã đủ số Dân Ngoại. Tuy nhiên, trong khi mong chờ điềm trời cho thấy ứng nghiệm lời tiên báo của Thánh Phaolô về số phận của dân Do Thái, chúng ta hãy theo dõi tình hình Trung Đông, một mảnh đất hữu thần và linh thánh nhưng liên lỉ xung khắc và trường kỳ xung đột
 

(còn tiếp)

 

TOP

 

 

?  Chỉ có một loại người không già, muôn thuở trẻ trung, trường sinh bất tử, trọn lành hoàn thiện, đó là con người sống trong Sự Thật

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

Nếu thời tiết trong một năm có 4 mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông thì một ngày sống hay một đời người cũng có 4 mùa. Thật vậy, một ngày sống có 4 mùa là sáng xuân, trưa hạ, chiều thu, tối đông. Và đời người cũng thế, tuổi vẫn được gọi là Thanh Xuân là lứa tuổi từ 1 tới 20; tuổi từ 21 tới 40 là tuổi nhiệt tình năng nổ như Mùa Hạ, tuổi từ 41 tới 60 là tuổi được người Mỹ gọi là down hills – xuống dốc hay về chiều, với những triệu chứng của một Mùa Thu tàn úa; sau hết là tuổi từ 60 trở lên là tuổi bắt đầu về hưu, với những triệu chứng của một Mùa Đông chết chóc.

 

Ngoài ra, về số mệnh, cuộc đời cũng có những lúc Xuân sang, làm chúng ta vui như Tết, khi chúng ta được may mắn với đầy Phúc Lộc Thọ; hay có những lúc Mùa Hè Đỏ Lửa, khi chúng ta làm ăn vất vả cực nhọc; hoặc có những lúc như Mùa Thu Lá Bay, khi chúng ta cảm thấy chán chường với cuộc sống đầy thử thách phũ phàng; hay có những lúc bất hạnh tối tăm đen đủi như Mùa Đông, với đầy những thất bại thua thiệt mất mát.

 

Thế nhưng, theo đức tin Kitô giáo thì không phải là trần gian nếu không có hy sinh, đau khổ và chết chóc. Và chính những cái làm cho “đời là bể khổ” ấy mới khiến con người hướng về và mong mỏi cõi trường sinh vĩnh cửu là Thiên Đàng mà thôi. Đó là lý do khi vĩnh viễn nằm xuống nhân loại chúng ta mới được nghỉ yên muôn đời – eternal rest.

 

Chỉ có một loại người không già, muôn thuở trẻ trung, trường sinh bất tử, trọn lành hoàn thiện, đó là con người sống trong Sự Thật, sống theo Sự Thật, và đạt được Sự Thật. Vì Sự Thật là một Thực Tại Toàn Hảo, một Thực Tại Bất Biến, một Thực Tại không bao giờ đổi thay, một Thực Tại không bao giờ cùng, một Chân Trời Lịch Sử, một Trời Mới Đất Mới!

 

Cuộc đời mau qua tạm gửi này sẽ chẳng có ý nghĩa và giá trị gì nếu con người không hướng về, tìm kiếm và đạt tới cùng đích của mình.

 

Đó là lý do con người sống trên đời, dù cho mình là vô thần, vẫn không ngớt băn khoăn khắc khoải về số phận đời đời của mình. Việc họ tìm hết cách để tìm kiếm và chiếm đoạt hạnh phúc cho mình trên trần gian này, dù là những khoái lạc tạm bợ, thoáng qua như mây như khói, là dấu chứng thực sự kiện bất khả phủ nhận này.

 

Thậm chí kể cả những hành động tội lỗi của họ cũng cho thấy họ thực sự muốn tìm kiếm và chiếm đoạt hạnh phúc như lòng họ mong muốn. Giống như một người đói quá, đói đến mờ mắt, đói như Năm Ất Dậu 1945 ở Việt Nam, vớ được gì ăn nấy, ai cho gì liền cho vào miệng, chẳng cần biết ngon hay không ngon, nuốt được hay khó trôi, bổ béo hay nhiễm độc, miễn là thỏa mãn nhu cầu sinh tồn cấp bách trong khoảnh khắc của mình.

 

Tiếc thay, thực tế cho thấy, sau khi thỏa mãn những gì vồ vập nhất thời trong lúc mờ mắt ấy, con người thường đi đến chỗ quằn quại, bất mãn, bất an và bất hạnh. Một là vì họ đã ăn phải những gì không hợp với tì vị của họ, cho dù không phải là độc dược đi nữa, làm họ buồn nôn, đau quặn và buông thả bài tiết v.v. Hai là họ bị bội thực, làm họ khó thở, nặng nề, hầu như bất động không thể nhúc nhích được nữa, thậm chí có trường hợp bị chết vì bội thực, như đã từng xẩy ra sau biến cố đói Ất Dậu.

 

Đó là lý do con người, khi nhìn lại quá khứ, hay sau khi lầm lỡ, thường tự nhủ hay tự trách mình rằng:

 

·        “Tại sao mình khờ đến thế nhỉ?”

·        “Tại sao bấy giờ tôi lại làm như vậy ta?”

·        “Tại sao lúc ấy tôi lại không làm như thế này, không làm như thế kia?”

·        “Biết vậy thì mình không làm (hay) làm thế này có phải là hay hơn không?” v.v.

 

Những lời nói này, hay những câu tương tự như thế, là tất cả những gì chứng thực cho thấy môt cách hết sức hiển nhiên và quyết liệt những xác tín liên quan đến kinh nghiệm sống khôn ngoan sau đây:

 

1.      Con người xu hướng về chân thiện mỹ và liên lỉ tìm chiếm chân thiện mỹ.

2.      Con người là mầm mống sự thật chứa chất sự sống.

3.      Cuộc đời là một cõi mộng, một giấc mơ đang được cuộc sống lay tỉnh, cho tới khi hoàn toàn giác ngộ.

4.      Thời gian là tiến trình tỏ hiện sự thật.

5.      Lịch sử là chứng nhân của sự thật.

6.      Chỉ có con đường dẫn đến sự thật mới có sự sống.

7.      Bất cứ điều gì phản trái hay không hợp với sự thật đều là những gì gian ác, xấu xa, độc hại.

8.      Khôn ngoan nhất, can đảm nhất và trọn hảo nhất đó là sống sự thật.

9.      Sự sống là tất cả sự thật.

10.    Sự thật là thực tại toàn hảo.

(còn tiếp)

 

TOP

 

 

? HÁI LỘC ĐẦU XUÂN

 

(Lm. Anphong Trần Đức Phương)

 

Chúa ơi, nay ngày Xuân,

Hồn con say sưa trong sắc hương,

Nhịp lừng vang cùng với thiều quang…

 

Cùng chung tiếng hát với Ca đoàn vào cuối Thánh Lễ, đoàn người theo thứ tự hàng hai tiến về phiá Cung Thánh để “Hái Lộc Đầu Xuân”. Mỗi người tự bốc lấy một mãnh giấy màu hồng có in một lời Kinh Thánh trong Sách Tin Mừng, rồi tiến sang bên cạnh để lãnh một trái cam tươi. Đó là “Lộc Đầu Xuân” Chúa ban cho mỗi người. Trái cam tươi tượng trưng “hoa mầu ruộng đất” Chúa ban cùng với “lao công của con người”, mang về thưởng thức vào ngày Đầu Xuân để tạ ơn Chúa cho những ơn lành hồn xác Chúa đã thương ban trong năm cũ và cầu xin Chúa chúc lành cho Năm Mới. Lời Chúa mang về để đọc và suy niệm trong khung cảnh của ăn thiêng liêng nuôi sống suốt năm mới đang khởi đầu.

 

Cũng như tại nhiều Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ, nơi chúng tôi từ lâu cũng có nghi thức “Hái Lộc Đầu Xuân” tại Nhà Thờ sau Thánh Lễ Giao Thừa vào nữa đêm, cũng như các Thánh Lễ ngày Đầu Xuân. Sau mỗi Thánh Lễ, vị Chủ Tế cùng với Cộng đoàn đọc những lời Tạ Ơn Chúa cho một Năm Cũ đã qua, “Chúc Tuổi  mới” cho nhau và cầu xin những ơn lành cho Năm Mới đang tới. Sau đó, mọi người tiến lên “Hái Lộc Đầu Xuân” vừa đi lên, vừa vui vẻ, hợp cùng Ca Đoàn hát Thánh Ca mừng Xuân Mới:

 

“Chúa ơi, nay ngày Xuân…

 

Năm Mới theo Âm Lịch, Năm Mới theo vận hành của mặt trăng (Lunar New Year) khởi đầu với Mùa Xuân, rất thích hợp với khung cảnh của quê hương Việt Nam, nhất là ở Miền Bắc. Mùa Đông “chết chóc” đã qua, Mùa Xuân trở về mang lại một sức sống mới cho vạn vật. Con người được thêm một “Tuổi Mới” : Tuổi Tí, tuổi Sửu, hay tuổi Dần …v.v… và vạn vật hân hoan vì đã qua đi một Mùa Đông lạnh giá để sang Mùa Xuân ấm áp. Cây cối đâm chồi, nẩy lộc … Hoa mai, hoa đào … nở rộ thắm tươi. Ruộng vườn chuẩn bị sẳn sàng để đón nhận những “hạt giống mới” gieo xuống và nẩy nở đầy hứa hẹn cho cả một mùa màng tốt tươi để nuôi sống con người và muôn vật…

 

Theo Lịch Phụng Vụ Thường Niên của Giáo Hội Việt Nam, Thánh Lễ Đêm Giao Thừa là “THÁNH LỄ TẠ ƠN” cho Năm Cũ đã qua với muôn Ơn Thánh Chúa đã thưởng ban.

 

Thánh Lễ ngày đầu Năm Mới (Tết Nguyên Đán) là Thánh Lễ “Cầu Bình An” (Giống như ngày Đầu năm Dương Lịch là ngày “Cầu Nguyện Cho Hòa Bình Thế Giới” theo Phụng Vụ chung của toàn thể Giáo Hội Công Giáo). Theo Lịch Phụng Vụ Quý Mùi, 2003: “Ngày Mùng Một Tết Nguyên Đán là Ngày Cầu Nguyện cho ‘Quốc Thái Dân An’, ngày Gia Đình họp mặt để tạ ơn Chúa và mừng tuổi cho nhau”.

 

Thánh Lễ ngày Mùng Hai Tết để kính nhớ, ghi ơn, và cầu nguyện cho Tổ Tiên, Ông Bà Cha Mẹ đã qua đời… “Ngày Mùng Hai Tết Nguyên Đán là ngày ghi nhớ công ơn Tổ Tiên, Ông Bà, Cha Mẹ, dòng họ. Ngày tìm về căn tính, nguồn cội Việt Nam của mình!” (Theo Lịch Phụng Vụ Công Giáo Quý Mùi, 2003).

 

Thánh Lễ ngày Mùng Ba Tết để cầu nguyện cho Mùa Màng được tươi tốt; ngày xưa thường được gọi là “Ngày Cầu Mùa”; nói chung là để xin “ơn thánh hóa công ăn việc làm”. “Ngày cầu nguyện cho con người biết ý thức việc đóng góp công sức của mình với Thiên Chúa để làm thăng hoa đời sống và làm đẹp thế giới. Ngày cầu xin cho Quê Hương, Đất Nước luôn đuợc mưa thuận gió hòa!” (Theo Lịch Phụng Vụ Công Giáo Quý Mùi, 2003).

 

Vậy, ngày Tết, ngày đầu Năm Mới là những ngày Xuân “đất trời hòa hợp”, người người hớn hở tay bắt mặt mừng để chúc tuổi mới cho nhau, ngày gia đình xum hợp để con cháu dâng quà tết và chúc tuổi thọ cho ông bà, cha mẹ, các bậc trưởng thượng trong dòng họ; rồi Ông Bà, Cha Mẹ “lì xì” cho con cháu lấy hên ngày đầu năm và cho cả năm. Ngày Tết cũng là ngày để mỗi người có niềm tin tôn giáo biết ơn đến “Đấng Tạo thành trời đất biển khơi và muôn vật trong đó” để nuôi sống con người; vì thế các bậc Vua Chúa thưở xưa đã dành những giờ phút thiêng liêng nhất của ngày đầu Năm Mới để đến Đàn Nam Giao tế TRỜI ĐẤT để tạ ơn và xin cho “mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt”.

 

Ngày Tết cũng là những ngày để mọi người nghỉ ngơi phần xác và tu dưỡng tinh thần, là những ngày con người nhìn lại chính mình và nhìn lại những ngày đã qua để “tu sửa” cuộc đời mà chuẩn bị cho cuộc hành trình trong cuộc sống mới đang trải dài trước mặt… Năm Mới, Tuổi Mới và Một Cuộc Đời Mới mà ai cũng mong sao được tốt đẹp hơn, hòa hợp yêu thương hơn với mọi người trong gia đình, khu xóm, sở làm và ở khắp nơi. Vậy chúng ta hãy cùng nhau chung tay xây dựng một gia đình mới, một xã hội mới trong bình an và hòa hợp yêu thương trong Năm Mới này.

 

Xin chào mừng Tết Nguyên Đán mở đầu Năm Mới đang tới….

 

Xin chào mừng Mùa Xuân dân tộc và cầu nguyện cho Quê Hương:

 

Xin Chúa khoan nhân, ban xuống muôn ân,

Cho chúng con một năm thắm tươi

Xin Chúa khoan nhân, ban xuống muôn ân,

Cho chúng con một năm sáng ngời…

 

(Bài này viết để tưởng nhớ Cha Hoài Đức, một Nhạc sĩ  danh tiếng trong Nhạc Đoàn Lê Bảo Tịnh, đã sáng tác bản Thánh Ca “Ngày Xuân Cầu Nguyện” mà chúng tôi trích dẫn trên đây. Cha Hoài Đức năm nay đã hơn 80 tuổi, hiện đang nằm hôn mê trong Nhà Hưu Dưỡng các Cha gần Nhà Thờ Ngã Sáu, Chợ Lớn. Xin dâng lên Chúa lời cầu nguyện đặc biệt cho Cha được đủ sức chịu đựng nổi đau đớn trong cơn bịnh hoạn  và ra đi bình an để trở về Nhà Cha và hưởng một Mùa Xuân vĩnh cửu trên Nước Hằng Sống).   

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ