GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ BẢY 17/2/2007

TUẦN VI THƯỜNG NIÊN

 

?   “Maria: Mùa Xuân Muôn Thuở"

?  “Thời gian là tiến trình tỏ hiện sự thật”

?  THÁNH ÐỊA - DẤU CHỈ THẦN LINH: Quá Trình Tranh Chấp và Vận Ðộng Hòa Bình

 

 

 

?  “Maria: Mùa Xuân Muôn Thuở"

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

“Maria: Mùa Xuân Muôn Thuở" không phải chỉ là một cụm từ hoa mỹ để gọi Mẹ Maria theo văn chương của nhân loại, hay chỉ là một kiểu sánh ví biểu tượng cho một tạo vật đệ nhất trong trật tự ân sủng.

"Maria: Mùa Xuân Muôn Thuở" hoàn toàn là một thực tại, một thực tại về cả phương diện siêu nhiên cũng như tự nhiên. Đến nỗi, có thể nói, thực tại này đúng là "một điềm lạ xuất hiện trên không trung" (KH 12:1), "kỳ diệu trước mắt chúng ta" (TV 118:23).

"Maria: Mùa Xuân Muôn Thuở" không phải chỉ là một cụm từ hoa mỹ hay một kiểu sánh ví biểu tượng về Mẹ Maria tuyệt diệu, mà hoàn toàn còn là một thực tại. Ở chỗ nào? Xin mời qúi con cái Mẹ cùng nhau từ từ tiến vào "Mùa Xuân Muôn Thuở" này theo hành trình của lịch sử nhân loại đã biến thành Lịch Sử Cứu Độ như sau:

Mùa Xuân Trước Nguyên Tội
Mùa Xuân Sau Nguyên Tội
Mùa Xuân Maria
Mùa Xuân Viên Mãn
 

1.- MÙA XUÂN TRƯỚC NGUYÊN TỘI

 

Theo đúng ý nghĩa của mình, một mùa được gọi là Mùa Xuân phải hội đủ 3 yếu tố, bằng không sẽ không phải là hay không còn đáng là Mùa Xuân nữa. Ba yếu tố chính của Mùa Xuân đích thực, theo cảm nhận của con người từ trước đến nay, đó là: mới mẻ (của thời gian), tươi trẻ (nơi không gian) và vui vẻ (cho nhân gian).

"Mới mẻ": Tự bản chất, Mùa Xuân là thời gian. "Mùa Xuân là Thời Gian", theo nghĩa thuần túy nhất của "mới mẻ", phải là thời-gian-ban-đầu (in the beginning), tức "thời gian" và "ban đầu" chỉ là một, (như trong STK 1:1 hay của Gioan 1:1). Hay "Mùa Xuân là Thời Gian" theo nghĩa tối thiểu nhất của "mới mẻ", đó là thời gian từ ban đầu (from the beginning), tức "thời gian" và "ban đầu" đã hơi tách biệt nhau, bằng chữ "từ", (như trong Gioan 8:44). Hoặc "Mùa Xuân là Thời Gian", theo nghĩa bình thường nhất của "mới mẻ", lại là thời gian bắt đầu, tức "thời gian" không còn là một thực tại "ban đầu" hay "từ ban đầu" nữa, song đã trở thành một tác động "bắt đầu", “bắt đầu” mở màn cho một năm mới, (như trong lịch sử và thực tế cho thấy).

"Tươi trẻ": vì Mùa Xuân thể hiện bóng dáng của mình qua không gian mát mẻ, đẹp đẽ, với cỏ cây đâm chồi nẩy lộc, hoa lá tốt tươi.

"Vui vẻ": vì Mùa Xuân làm cho chung động vật và riêng nhân gian cảm thấy dễ chịu, thoải mái, khoan khoái, hân hoan, phấn khởi, yêu đời.

"Trước Nguyên Tội", như thế, có Mùa Xuân đích thực theo cảm nhận chung của loài người như được phân tích trên đây hay không?

"Trước Nguyên Tội" ở đây là lúc "ban đầu, Thiên Chúa đã dựng nên trời đất" (STK 1:1), và cũng là lúc "Thiên Chúa nhìn xem mọi sự Ngài đã làm nên, Ngài thấy là rất tốt đẹp" (STK 1:31).

"Trước Nguyên Tội" ở đây, cũng là lúc "ban đầu", "Thiên Chúa dựng nên con người theo hình ảnh Ngài: ‘theo hình ảnh thần linh, Ngài đã dựng nên con người' Ngài đã dựng nên con người có nam có nữ. Thiên Chúa chúc lành cho họ khi phán: 'Hãy sinh sôi nẩy nở' hãy làm tròn đầy trái đất và làm chủ nó..." (STK 1:27).

"Trước Nguyên Tội" trong một khung cảnh như thế, "trời đất" nói chung và thiên nhiên nói riêng không phải là một Mùa Xuân Đích Thực hay sao!?!
"Mùa Xuân Trước Nguyên Tội" là một mùa xuân "mới mẻ" nhất, vì là thời-gian-ban-đầu của trời đất, thời gian tiên khởi và nguyên khôi cho tất cả mọi sự trên trời dưới đất.

"Mùa Xuân Trước Nguyên Tội" là một mùa xuân "tươi trẻ" nhất, vì không gian, bao gồm mọi sự trong thiên nhiên, mới được Thiên Chúa tạo dựng, còn nguyên vẹn, hoàn toàn "rất tốt đẹp" trước thiên nhan, như Thiên Chúa muốn và theo ý của Ngài.

"Mùa Xuân Trước Nguyên Tội" là một mùa xuân "vui vẻ" nhất, vì con người được "Thiên Chúa mang đặt ở trong vườn Địa Đường để canh tác và chăm sóc cho vườn" (STK 2:15), và được "tự do ăn mọi thứ cây trong vườn, trừ cây biết lành biết dữ" (STK 2:16-17).

“Mùa Xuân Trước Nguyên Tội" là một mùa xuân "vui vẻ" nhất, chẳng những cho riêng con người là đệ nhất tạo vật trên trần gian này, mà còn cho chung cả mọi tạo vật đã được Thiên Chúa tạo dựng nên cho con người nữa: "Chúa là Thiên Chúa hình thành từ bùn đất các loại hoang thú và chim chóc trên trời, rồi Ngài mang đến cho con người xem để con người đặt tên cho chúng' con người gọi mỗi loại là gì thì nó là như vậy" (STK 2:19).

"Mùa Xuân Trước Nguyên Tội", bởi vậy, không phải là mùa xuân của con người và cho con người hay sao?!? Địa Đường là thiên thai trên trần gian ngay "ban đầu" có nghĩa gì, nếu không có con người sống động ở giữa và ở với, theo ý muốn của Thiên Chúa, để "canh tác và chăm sóc" cho. Cũng thế, trời đất với tất cả mọi sự "rất tốt đẹp" ngay "ban đầu", theo ý muốn của Thiên Chúa, chỉ giữ được vẻ nguyên tuyền "tươi trẻ" của mình trong sứ mệnh "làm tròn đầy" và bằng quyền năng "làm chủ" của con người mà thôi.

"Mùa Xuân Trước Nguyên Tội" phải chăng chính là Mùa Thái Hòa trong Trời Đất mà "con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa" (STK 9:6) là chính Chúa xuân!

(tiếp ngày mai: "Mùa Xuân Sau Nguyên Tội")

 

TOP

 

 

?  “Thời gian là tiến trình tỏ hiện sự thật”

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

(Tiếp hôm qua: "Chỉ có một loại người không già, muôn thuở trẻ trung, trường sinh bất tử, trọn lành hoàn thiện, đó là con người sống trong Sự Thật")

 

Thật vậy, “con người tự nhiên xu hướng về chân thiện mỹ và liên lỉ tìm chiếm chân thiện mỹ”. Ở chỗ, lý trí luôn tìm biết sự thật; cõi lòng muốn chiếm hưởng sự thiện và tác hành làm sao cho hoàn mỹ. Đó là lý do tại sao chỉ có những ai, bất kể thuộc niềm tin hay tôn giáo nào, cố gắng tìm kiếm chân thiện mỹ, theo đuổi chân thiện mỹ, sống chân thiện mỹ, chiếm đạt chân thiện mỹ mới có thể đạt tới cùng đích của một vĩnh tại chân thực thiện hảo toàn mỹ cho thân phận làm người của mình.

 

Bởi vì, “con người là mầm mống sự thật chứa chất sự sống”, mà càng sống, dù ý thức hay vô thức, con người thấy rằng mỗi ngày mình một khôn hơn. Ở chỗ, biết phân biệt đâu là phải, đâu là trái; đâu là lành đâu là dữ; đâu là tốt đâu là xấu; đâu là hay đâu là dở; đâu là lợi đâu là hại. Cái ý thức sống cho thấy tầm mức khôn ngoan của con người về thực tại của bản thân mình cũng như về thực tại cuộc đời ấy không phải là những gì chân thật đầy thiện mỹ đang tỏ mình ra trong tâm linh của họ hay sao?

 

Một khi tâm linh của con người thấy được, hay thấu hiểu được, đúng hơn ý thức được những gì chân thật đầy thiện mỹ, qua cuộc sống, nhất là qua những “cái khó nó bó cái khôn”, qua “thất bại là mẹ thành công”, khiến họ mỗi ngày một trở nên khôn ngoan hơn, trưởng thành hơn, thành người hơn, được thể hiện bằng những tâm ngôn hành xứng với phẩm giá và tư cách làm người của mình, thì không phải hay sao: “cuộc đời là một cõi mộng, một giấc mơ đang được cuộc sống lay tỉnh, cho tới khi hoàn toàn giác ngộ”. 

 

Như thế, quả thực “thời gian là tiến trình tỏ hiện sự thật”. Đối với tất cả mọi tạo vật, kể cả muôn loài sinh vật, như thực vật cỏ cây hoa lá, hay động vật chim trời cá biển hoang thú gia cầm, thời gian chẳng có nghĩa gì với chúng, vì chúng không có khả năng để biết có thời gian hay không và thời gian thực sự có cần hay chăng. Chỉ có một mình loài “nhân linh ư vạn vật” là con người mới chẳng những biết được có thời gian, biết mình đang sống trong thời gian, mà còn thấy được cả giá trị cũng như ý nghĩa đích thực của thời gian. Đối với ước vọng được sống trường sinh bất tử của mình thì thời gian, đối với con người, chẳng có nghĩa lý gì nếu không đưa con người đến vĩnh tại, tức đến một thực tại bất biến là sự thật, một sự thật đang từ từ theo giòng thời gian tỏ mình ra cho loài tạo vật duy nhất có tâm linh nhận thức là con người.

 

Nếu “thời gian là tiến trình tỏ hiện sự thật” thì “lịch sử là chứng nhân của sự thật”. Thực thế, lịch sử không phải chỉ là một công việc ghi chép lại những biến cố xẩy ra trong quá khứ, mà còn là chứng nhân cho thấy tất cả sự thật trong quá khứ, chẳng những qua những gì được nó ghi nhận mà còn qua những gì nó cảm nhận căn cứ khách quan vào công lý phổ quát vượt thời không. Ngoài ra, lịch sử không phải chỉ đóng vai chứng nhân sự thật của quá khứ mà còn đóng vai chứng nhân sự thật cho tương lai như một ngôn sứ của sự thật nữa. Bởi vì, cũng căn cứ vào công lý vượt thời không, lịch sử, qua những lời kêu gọi chân thực và huấn dụ mạnh mẽ của những vị có thẩm quyền ở từng thời đại, còn cho thế giới biết trước nó sẽ đi về đâu, tiến bộ hay thoái bộ, tương lai tối tăm mù mịt hay quang sáng rạng ngời.

 

Kinh nghiệm lịch sử dạy cho tâm linh mỗi ngày một khôn ngoan ý thức hơn của con người thiện tâm biết là “chỉ có con đường dẫn đến sự thật mới có sự sống”. “Con đường” đây bao gồm tất cả mọi tư tưởng, lời nói và việc làm của con người. Nghĩa là, bất cứ dự định nào của con người, ý hướng nào của con người, dù ngay lành đến mấy, (chẳng hạn vì thương người mà giết người, như trong trường hợp trợ an tử), nếu không hợp với sự thật, không đúng với sự thật, (không ai được quyền giết người hay tự tử vì sự sống không thuộc về họ), đều không phải những những tâm hướng tốt. Về ngôn từ cũng thế, nếu không hợp hay không đúng với sự thật (chẳng hạn thề gian), đều trở thành những lời gian dối, tác hại, phải bồi thường theo đức công bằng. Về tác hành cũng vậy, nếu không hợp hay không đúng với sự thật, (chẳng hạn phá thai, dù thai nhi bị tật nguyền hay do bị hiếp mà có, bởi sự thật là bé không do họ mà có, càng bị hiếp càng chứng tỏ sự sống từ bé đến từ Thần Linh ban sự sống), đều là những gì sai quấy, bậy bạ, tác hại. Đó là lý do con người cần phải nhớ kỹ nguyên tắc luân lý sau đây: “Bất cứ điều gì phản trái hay không hợp với sự thật đều là những gì gian ác, xấu xa, độc hại”.

 

Như thế, “khôn ngoan nhất, can đảm nhất và trọn hảo nhất đó là sống sự thật”. Đối với thế gian, khôn ngoan nhất được căn cứ vào những quyết định hay những hành động nào đạt được lợi lộc nhiều nhất (về bất cứ một lãnh vực nào, như về tiền bạc theo thể lý, về tư kiến theo tâm lý, về danh giá theo luân lý, về thế lực theo xã hội), chứ không phải vào sự thật, dù con người có vì sự thật mà bị thiệt hại hay oán ghét. Cũng thế, chính vì ai cũng yêu mạng sống mình, tìm hết mọi cách để sinh tồn, mà đối với thành phần cuồng tín thì việc dám liều mạng ôm bom tự sát để khủng bố là hành động can đảm, chứ không phải thái độ dám đối diện với sự thật, tức dám nhìn nhận tha nhân là anh em của mình, dù họ có làm khốn mình, và mình phải yêu nhau như bản thân mình: nếu mình không muốn bị người khác sát hại thì đừng sát hại người khác; nếu người khác sát hại mình thì mình được quyền bảo mạng của mình trong giới hạn tự vệ chứ không được tiến đến chỗ uất hận đòi mạng. Chỉ khi nào con người có một thái độ khoan dung tha thứ theo sự thật của tình bác ái yêu thương, họ mới đạt tới mức độ hoàn hảo mà thôi.

 

(Tiếp ngày mai: "sự sống là tất cả sự thật")

 

 

TOP

 

 

? THÁNH ÐỊA - DẤU CHỈ THẦN LINH: Quá Trình Tranh Chấp và Vận Ðộng Hòa Bình

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, viết và dịch theo tin tức liên tục của CNN và Zenit, cách riêng tài liệu The Land of Conflict của CNN

 

1)          QUÁ TRÌNH TRANH CHẤP 

 

 

Bản đồ những nơi dân Palestine cư trú

Những ranh giới Palestine và Việc Do Thái định cư: Phe Palestine nhấn mạnh rằng quốc gia của họ cần phải bao gồm tất cả mọi lãnh thổ bị phe Do Thái chiếm đóng từ cuộc chián tranh 1967, tc là bao gồm Giải Gaza và vùng Tây Ngạn kể cả phía Đông Giêrusalem. Phe Do Thái không đồng ý, cho rằng vì nhu cầu an ninh của những người Do Thái mà cần phải có sự hiện diện của họ theo chính sách phác họa của vùng Tây Ngạn, và một số những cuộc định cư của người Do Thái xẩy ra trong những năm họ chiếm đóng cần phải được sát nhập vào nước Do Thái. Ủy ban tìm kiếm dữ kiện của nguyên Thượng Nghị Sĩ Hoa Kỳ George Michell đã đề nghị vào ngày 21/5/2001 là chính quyền Do Thái hãy ngưng tất cả mọi hoạt động định cư, bao gồm cả việc phát triển tự nhiên của những cuộc định cư đang có, đồng thời cũng kêu gọi phe Palestine “hãy thực hiện 100% nỗ lực để ngăn cản những cuộc khủng bố và trừng phạt những tay vi phạm”. 

Quan điểm đôi bên về những vùng đất tranh giành. Theo phe Do Thái thì cộng đồng định cư Do Thái, lên tới khoảng 200 ngàn người ở vùng Tây Ngạn, cũng như những người bảo thủ đạo giáo thấy rằng vùng này là phần đất thánh kinh của dân Do Thái nên nhất định không chịu bỏ ý định kiểm soát vùng ấy. Những cuộc định cư của dân Do Thái ấy được coi là cần phải được bảo vệ an ninh. Những cuộc định cư ở giải Gaza ít đông dân Do Thái hơn ở vùng Tây Ngạn và là mảnh đất không có tầm quan trọng thánh kinh là bao đối với dân Do Thái. Còn theo phe Palestine thì những người thuộc phe này ngờ vực về những nỗ lực cứ muốn hiện diện của người Do Thái ở những vùng họ chiếm đóng vào năm 1967. Lãnh thổ được Thẩm Quyền Palestine Yasser Arafat bị phân lẻ và chia cắt bởi 144 cuộc định cư thường dân và quân đội Do Thái, làm suy yếu sức sống của việc kiểm soát của chính quyền Palestine. Những cuộc định cư ấy được coi như một khí cụ tiếp tục chiếm đóng với mục đích chia cắt quốc gia Paleatine sau này thành những phần không liên hệ gì với nhau.

Những miền đất bị chiếm đóng là phía Đông Giêrusalem, bao gồm cả trung tâm Cổ Thành xưa. Cả phe Palestine và Do Thái đều cho rằng Giêrusalem thuộc về họ. Đôi bên cũng đang tranh giành nhau giải Gaza và vùng Tây Ngạn. Ngoài ra, còn những điểm then chốt nữa là vùng biên giới giữa Do Thái và Lebanon, nơi chiến đấu quân Hezbollah đã đụng độ với quân đội Do Thái, và Cao Nguyên Golan, một bình nguyên ở phía tây năm Syria bị Do Thái chiếm đóng từ năm 1967.

Riêng Giêrusalem là một trong những vấn đề tranh giành đệ nhất nơi những cuộc thương thảo hòa bình giữa hai phe Palestine và Do Thái. Điểm nóng ở Giêrusalem này là ngọn đồi được phe Do Thái cho là Núi Đền Thờ (Temple Mount) và được phe Palestine cho là Thánh Cung Cao Quí (Haram al-Sharif). Sở dĩ đó là điểm nóng là vì nơi ấy được cho rằng có những tàng tích của ngôi đền thờ linh thánh nhất của Do Thái Giáo, một nơi lại bị ngự trị bởi Ngôi Vòm Đá (Dome of the Rock) và đền thờ Al-Aqsa là một dịa điểm đệ tam linh thánh của Hồi Giáo. Tuy nhiên, theo sự phân chia của Liên Hiệp Quốc năm 1947 thì Giêrusalem là một thành đô quốc tế chung cho quốc gia Do Thái và Palestine. Thế nhưng, phe Do Thái đã chiếm vùng phía Tây Giêrusalem sau cuộc chiến tranh giành độc lập của họ và chiếm cả vùng phía Đông Giêrusalem là vùng bao gồm cả Ngôi Vòm Đá năm 1967. Tất nhiên dân Do Thái sống đông đúc ở miền Tây Giêrusalem và dân Ả Rập ở miền Đông Giêrusalem.  

Quan điểm đôi bên về vị thế của Giêrusalem: Theo Do Thái thì việc thôi không kiểm soát, ngay cả những vùng lân cận Palestine thuộc phía Đông Giêrusalem hay phía Cổ Thành đi nữa, là một lằn đỏ đối với nhiều người Do Thái coi Giêrusalem là tâm điểm của phong trào Do Thái Phục Quốc và là một phần quan trọng thuộc căn tính Do Thái. Họ muốn bảo đảm là họ vẫn có thể đến những địa điểm họ coi là linh thánh và họ không muốn thương thảo về điểm này. Còn theo phe Palestine thì những địa điểm ở Cổ Thành Giêrusalem là nơi có các địa điểm linh thánh của chẳng những người Palestine mà còn của cả thế giới Ả Rập và Hồi Giáo nữa. Thế nhưng, Tổng Thống Yasser Arafat thuộc Thẩm Quyền Palestine đã không thể giải quyết nổi vấn đề này theo những gì ông yêu cầu ở Camp David.

(còn tiếp)

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ