GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ BA 27/2/2007

TUẦN I MÙA CHAY

 

?   “Hãy luôn chống đỡ sự thật về con người”

?  ĐTC GPII - Thông Điệp Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần “Redemptor Hominis”

?  Thiên Chúa Xót Thương tâm sự với Linh Hồn Đau Khổ

 

 

 

?  “Hãy luôn chống đỡ sự thật về con người”

 

ĐTC BĐXVI – Huấn Từ ngỏ cùng thành phần Đại Biểu Học Viện Các Khoa Học Về Luân Lý Và Chính Trị Ở Balê ngày Thứ Bảy 10/2/2007

 

Ông Bí Thư Thường Trực,

Đức Hồng Y,

Quí Bạn Hàn Lâm,

Quí Vị Nữ Nam,


Với niềm hân hoan, hôm nay tôi được đón tiếp anh chị em là những phần tử thuộc Học Viện Các Khoa Học Về Luân Lý Và Chính Trị. Trước hết, tôi xin cám ơn Ông Michel Albert,  vị Bí Thư Thường Trực, về những lời lẽ ông đã bày tỏ những cảm tình của phái đoàn đại biểu của anh chị em đây, cũng như về cái huy chương nhắc nhở về việc tôi gia nhập vào Tổ Chức cao quí của anh chị em như là một Phần Tử Thân Hữu Ngoại Quốc.

 

Học Viện Các Khoa Học Về Luân Lý Và Chính Trị là một nơi trao đổi và tranh luận để chia sẻ những tâm tưởng trong việc giúp đỡ cho tất cả mọi người công dân cũng như các nhà lập pháp ‘tìm được những hình thức tổ chức chính trị thuận lợi nhất cho công ích cũng như cho việc phát triển của cá nhân con người’.

 

Thật vậy, những chia sẻ và những hoạt động của các Thẩm Quyền cũng như của thành phần công dân cần phải nhắm tới 2 yếu tố, đó là việc tôn trọng mỗi một con người cũng như việc tìm cầu công ích.

 

Trong thế giới ngày nay, hơn bao giờ hết, cần phải mời gọi những người đồng thời của chúng ta chú trọng lại hai yếu tố này. Thật thế, việc phát triển của chủ nghĩa chủ quan, một chủ nghĩa làm cho mỗi người hướng chiều về việc coi mình như là cứ điểm đối chiếu duy nhất và chủ trương rằng những gì họ nghĩ đều có tính chất chân thật, đang kêu gọi chúng ta hãy đào luyện lương tâm theo các giá trị nồng cốt bất khả coi thường kẻo đẩy cả con người lẫn xã hội tới chỗ nguy hiểm, cũng như trên những qui chuẩn khách quan cho những quyết định đưa đến hành động theo lý trí.

 

Như tôi đã nhấn mạnh trong Hội Nghị của tôi Về Tân Ước được tổ chức trước Học Viện của anh chị em năm 1995, con người là ‘một hữu thể liên hệ theo cấu trúc’, được kêu gọi để coi mình có trách nhiệm hơn bao giờ hết với anh chị em đồng loại của mình.

 

Câu hỏi Thiên Chúa đã đặt ra từ ngay ở đọan Thánh Kinh đầu tiên cần phải liên lỉ vang vọng tron g tâm can của hết mọi người, đó là vấn nạn ‘ngươi đã làm gì (cho)… người anh em của người?’.

 

Cảm quan về tình huynh đệ và đoàn kết cũng như cảm quan về công ích là những gì được căn cứ vào việc ân cần tỏ ra tôn trọng anh em mình cũng như cơ cấu tổ chức của xã hội, giành cho mọi người có chỗ đứng để họ có thể sống cách xứng đáng, có được một mái nhà cùng với những gì cần thiết cho cuộc sống của họ và cuộc sống của gia đình họ có trách nhiệm.

 

Theo tinh thần ấy người ta cần phải hiểu được bản kiến nghị được anh chị em chấp thuận vào Tháng 10 vừa qua liên quan tới các quyền lợi của con người cùng với quyền tự do phát biểu, những gì thuộc về các quyền lợi căn bản, những gì cần phải thận trọng không bao giờ được coi thường phẩm vị căn bản của con người cũng như của nhóm người và cần phải tôn trọng các niềm tin tưởng về đạo giáo của họ. 

 

Xin cho tôi được nhắc lại cùng anh chị em hình ảnh về Andrei Dimitrijevitch Sakharov, người tôi đã thừa kế ở Học Viện này. Con người ngoại lệ này nhắc nhở chúng ta rằng, trong đời sống riêng cũng như chung, cần phải tỏ ra can đảm để nói lên sự thật và theo đuổi sự thật, để thoát khỏi cái thế giới chung quanh thường áp đặt quan điểm của nó và hành vi cử chỉ cần phải tán thành. 

 

Tự do thật là ở chỗ tiến bước theo đường lối của chân lý theo ơn gọi của mình, nhận biết rằng mỗi một người cần phải trả lẽ về đời sống của mình trước Đấng Hóa Công và Đấng Cứu Thế.

 

Chúng ta cần phải biết làm cách nào để đề ra cho giới trẻ một con đường tương tự, nhắc n hở họ rằng vấn đề phát triển không phải là những gì với bất cứ giá nào, và kêu gọi họ đừng chiều theo mọi xu hướng được bày ra cho họ. Nhờ đó họ mới có thể can đảm và vững vàng nhận ra đường lối tự do và hạnh phúc, một đường lối cần phải hoàn tất một số đòi hỏi của nỗ lực, của hy sinh và của việc từ bỏ cần thiết để tác hành một cách tốt đẹp.

 

Một trong những thách đố cho thành phần đương thời của chúng ta, nhất là cho giới trẻ, là ở chỗ không chấp nhận sống theo bề ngoài, theo ngoại diện, mà là theo sự tiến bộ của đời sống nội tâm, một môi trường liên kết hữu thể và hành động, một nơi chốn nhận thức được phẩm vị của chúng ta là những người con trai con gái của Thiên Chúa được kêu gọi sống tự do, không tách mình khỏi nguồn sự sống mà là vẫn gắn liền với nó.

 

Điều làm cho tâm can con người cảm thấy hân hoan đó là việc họ nhận thấy mình là một người con trai hay con gái của Thiên Chúa; đó là một đời sống tuyệt vời và tốt lành dưới ánh mắt của Thiên Chúa, vì chúng cũng là những cuộc chiến thắng đạt được trên sự dữ và chống lại gian dối. Bằng việc giúp cho mỗi người nhận thức rằng đời sống có một ý nghĩa và họ có trách nhiệm đối với nó, là chúng ta mở đường tiến tới chỗ trưởng thành cho con người cũng như tiến tới một nhân loại hòa hợp trong việc tìm kiếm công ích.

 

Nhà trí thức Nga Sakharov là một thí dụ điển hình về vấn đề này; trong khi quyền tự do bên ngoài của ông ta bị trở ngại trong thời Cộng Sản, thì cái tự do nội tại của ông, một thứ tự do không ai có thể đụng tới được, đã cho phép họ mạnh mẽ lên tiếng bênh vực thành phần đồng chí của ông nhân danh công ích.

 

Ngày nay con người cần phải đừng để cho mình bị vướng mắc bởi những thứ xiềng xích ngoại tại, chẳng hạn như chủ nghĩa tương đối, việc tìm kiếm quyền lực và lợi lộc bất cứ giá nào, nghiện hút, những mối liên hệ lệch lạc, tình trạng hỗn độn về hôn nhân và việc không nhìn nhận con người ở tất cả mọi đoạn đời của họ từ khi được thụ thai cho tới lúc tự nhiên qua đi, thái độ c ho rằng có những lúc  con người thực sự không hiện hữu.

 

Chúng ta cần phải can đảm nhắc nhở thành phần đương thời của chúng ta những gì con người là và những gì nhân loại là. Tôi mời gọi các Thẩm Quyền dân sự và thành phần đóng vai trò truyền đạt các thứ giá trị hãy luôn luôn chống đỡ sự thật về con người.

 

Để đúc kết cuộc gặp gỡ của chúng ta đây, xin cho tôi được hy vọng rằng qua các việc làm của anh chị em, Học Viện Các Khoa Học Về Luân Lý Và Chính Trị, cùng với các tổ chức khác, có thể là những nơi bao giờ cũng giúp cho dân chúng xây đắp một đời sống tốt đẹp hơn và xây dựng một xã hội tuyệt vời để sống như anh chị em. Đó là ước vọng của tôi, với lời nguyện  cầu, tôi dâng lên Chúa cho anh chị em, gia đình của anh chị em và tất cả mọi phần tử thuộc Học Viện  Các Khoa Học Về Luân Lỳ Và Chính Trị vậy.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch trực tiếp từ mạng điện toán toàn cầu của Tòa Thánh

http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/speeches/2007/february/documents/hf_ben-xvi_spe_20070210_academy-paris_en.html
 

 

TOP

 

 

?  “Con Người được cứu chuộc và Tình Trạng của họ trong Thế Giới Tân Tiến”

 

ĐTC GPII: Thông Điệp Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần “Redemptor Hominis” (ban hành Chúa Nhật I Mùa Chay 4/3/79
 

Bước theo Chúa Kitô, Giáo Hội không thể nào vô cảm thức trước những gì đưa tới thiện ích thực sự cho con người, cả về phương diện tạm thế lẫn vĩnh hằng, hay trước những gì đe dọa họ. Mối quan tâm của Giáo Hội đó là sự sống trên thế giới cần phải xứng hợp với phẩm vị con người là mối quan tâm của Chúa Kitô, của chính Vị Mục Tử Nhân Lành.

Con người ngày nay dường như bị đe dọa bởi thành quả của việc họ làm ra và nghĩ ra. Họ sống trong nơm nớp lo sợ những gì họ sản xuất ra có thể trở thành phương tiện làm họ bị tự diệt. Lý do của nó là việc phát triển về kỹ thuật và về văn minh “đòi phải có một thứ phát triển tương xứng về luân lý và đạo đức nữa. Hiện nay, vấn đề phát triển về luân lý và đạo hạnh tiếc thay dường như bao giờ cũng bị bỏ lại sau lưng”.

Thật vậy, “tình trạng của con người trong thế giới tân tiến ngày nay thực sự dường như còn xa vời đối với những đòi hỏi khách quan về phương diện luân lý, đối với những đòi hỏi của công lý, thậm chí với đức bác ái xã hội”. Cần phải nhớ đến ý nghĩa của việc làm chủ Trái Đất Đấng Hóa Công đã ủy thác cho con người như việc làm của họ. Việc làm chủ này là ở chỗ đạo lý ưu tiên hơn kỹ thuật, con người hơn sự vật, tinh thần hơn vật chất”.

Con người không thể loại trừ vị trí của mình trên thế giới, họ không thể trở thành nô lệ cho các sự vật, cho các thể chế kinh tế, cho việc sản xuất, cho những sản vật họ làm ra. Một thứ văn minh thuần vật chất sẽ tiến đến chỗ trở thành nô lệ.

Bởi vậy, tâm thức hương thụ ngày nay đang thịnh hành ở các quốc gia phát triển đã dẫn đến việc thiết lập những cấu trúc kinh tế và chính trị làm đổ nát những nguồn chất liệu ở một mức độ gia tốc, đe dọa đến môi sinh. Đồng thời những cấu trúc ấy cũng làm lan rộng những miền đất khốn khổ.

Để thay đổi tình trạng này, cần phải có những giải quyết mạnh mẽ và mới mẻ thích hợp với phẩm vị của con người. Nguyên tắc cần phải hướng dẫn việc tìm cầu những phương pháp và những cơ cấu hiệu nghiệm đó là tình đoàn kết, nhất là nơi lãnh vực của một thứ tái phân phối những thứ phong phú dồi dào cho rộng rãi hơn và cấp thời hơn. Thế nhưng, việc biến đổi bất khả châm chước này về những cấu trúc kinh tế sẽ không dễ dàng thực hiện nếu “thiếu vắng việc hoán cải thực sự của trí khôn, lòng muốn và tâm hồn”.

Một lãnh vực khác rất gần gũi với sứ vụ của Giáo Hội trên thế giới đó là việc bênh vực nhân quyền. Hòa bình được bảo trì nhờ ở việc tỏ ra tôn trọng những quyền lợi này; chiến tranh xẩy ra khi chúng bị vi phạm.

Ví lý do ấy, Giáo Hội cùng với tất cả mọi con người thiện chí cần phải tiếp tục đặt vấn đề là Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền có được tôn trọng chưa. Những thứ quyền lợi về quyền lực, những quyền phát xuất từ nhiệm vụ chính yếu của nó, là để coi chứng công ích của xã hội, chỉ có thể chấp nhận được căn cứ vào việc tôn trọng nhân quyền mà thôi.

Trong số những quyền ấy, nổi bật nhất là quyền tự do tôn giáo và tự do lương tâm. Không tôn trọng những quyền này là vi phạm đến “một thứ bất công thực sự liên quan tới những gì là… nhân bản đích thực”. Tôn trọng những quyền lợi ấy là một dầu hiệu cần thiết cho thấy mức tiến bộ thực sự của con người ở bất cứ xã hội nào.

(còn tiếp)

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tái liệu của VIS phổ biến ngày 9/3/2004

 

TOP

 

 

?  Thiên Chúa Xót Thương tâm sự với Linh Hồn Đau Khổ

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch theo cuốn Nhật Ký của Chị Thánh Faustina

 

Chúa Giêsu: Linh hồn đáng thương ơi, Cha thấy con đau khổ nhiều lắm, đến nỗi không còn đủ sức để mà tâm sự với Cha. Bởi vậy, con hãy để Cha nói với con. Cho dù các đau khổ của con có thật là to lớn đi nữa, con cũng đừng nản lòng hay đành chịu thất vọng. Thế nhưng, con nhỏ ơi, con hãy nói cho Cha biết ai đã dám làm tổn thương đến trái tim con? Con hãy nói cho Cha biết mọi sự, hãy chân tình tiếp xúc với Cha, bộc lộ tất cả những vết thương của lòng con cho Cha hay. Cha sẽ chữa lành chúng, và khổ đau của con sẽ trở thành nguồn ơn thánh hoá.

                       

Linh hồn: Lạy Chúa, các đau khổ của con thật lớn và nhiều, kéo dài đã quá lâu, đến nỗi, con hết chịu nổi rồi.

                       

Chúa Giêsu: Con nhỏ của Cha ơi, con đừng có nhụt chí. Cha biết con tin vào Cha vô hạn; Cha biết con ý thức được lòng nhân lành và thương xót của Cha. Cha con mình hãy nói chuyện với nhau rõ ràng hơn về đủ mọi thứ chuyện đã thật sự làm cho con phải nặng lòng.

                       

Linh hồn: Có rất nhiều điều khác nhau con không biết phải nói điều nào trước điều nào sau, và phải diễn tả những điều con muốn nói ra như thế nào cả.

                       

Chúa Giêsu: Con hãy cứ đơn thành mà nói với Cha, như bạn bè nói chuyện với nhau. Vậy, hỡi con, con hãy cho Cha biết cái gì đã làm cản trở con tiến tới trên con đường thánh thiện vậy?

                       

Linh hồn: Sức khỏe yếu kém đã kéo ghì con lại trên con đường nên thánh. Con không thể hoàn tất các phận sự của con. Con thừa thãi như chiếc xe một bánh chở đồ dư. Con không thể ăn chay hay hãm mình đền tội một chút nào cả, như các thánh đã làm. Hơn thế nữa, không ai chịu tin là con bị yếu đau, phần xác đã khổ sở con lại thêm khổ tâm nữa, và con thường bị khinh miệt. Lạy Chúa Giêsu, trong những hoàn cảnh như vậy có ai mà nên thánh được không?

                       

Chúa Giêsu: Đúng đấy con nhỏ của Cha à, tất cả những sự ấy đều là những khổ đau. Thế nhưng, đâu còn con đường nào khác để lên trời, ngoại trừ con đường thập giá. Cha là người đầu tiên đã đi con đường này. Con phải biết, đó là con đường ngắn ngủi nhất và chắc chắn nhất.

Linh hồn: Lạy Chúa, con còn có một ngãng trở khác nữa trên con đường nên thánh. Đó là, bởi vì con trung thành với Chúa mà con phải chịu bắt bớ và chịu nhiều cay cực.

                       

Chúa Giêsu: Chính vì con không thuộc về thế gian này mà thế gian thù ghét con. Thế gian trước hết đã thù ghét Cha. Bắt bớ là dấu chứng tỏ con đang trung thành theo gót chân của Cha.

                       

Linh hồn: Lạy Chúa, con cũng cảm thấy nản vì cả các bề trên cũng như vị giải tội của con không hiểu được những thử thách nội tâm của con. Tối tăm như mây mù bao phủ tâm trí con. Con tiến làm sao được đây? Tất cả những sự này làm cho con nhụt cả chí cố gắng để mà nên thánh cao hơn.

                       

Chúa Giêsu: Chà, lần này con nói cho Cha biết đến một vấn đề rắc rối rồi đấy con à. Cha đã cảm nhận được nỗi đớn đau là chừng nào khi không được thông cảm, nhất là bởi những người mà mình yêu quí và hết sức cởi mở. Thế nhưng, con chỉ cần biết điều này là đủ, đó là, Cha hiểu được tất cả những rắc rối và khổ tâm của con. Cha hài lòng về đức tin sâu xa mà con, bất chấp mọi sự, đã đặt nơi các vị đại diện của Cha. Kinh nghiệm từ điều này cho thấy là, không ai hiểu hết được linh hồn, điều đó ở ngoài khả năng loài người.

 

(Phụ chú của người soạn dịch: ở đây, sau khi thông cảm với linh hồn đau khổ về "đức tin sâu xa mà con, bất chấp mọi sự, đã đặt nơi các vị đại diện của Cha", Chúa Giêsu liền minh định "không ai hiểu hết được linh hồn, điều đó ở ngoài khả năng loài người". Nói như thế, không phải là Chúa Giêsu phủ nhận tư cách và khả năng linh hướng có ơn theo bậc của các vị thay mặt Người. Người chỉ có ý nhấn mạnh đến việc tuân phục thuần đức tin nơi bề dưới mà thôi. Thật vậy, dù sao đi nữa, tự bản chất của mình, các vị bề trên cũng là người. Thế nên, khi thi hành việc linh hướng, các ngài cũng chỉ thi hành theo khả năng và trong giới hạn loài người của mình. Bởi đó, nếu không luôn chân thành và tha thiết cầu nguyện để tìm biết ý Chúa, các ngài vẫn có thể bị sai lầm. Cho dù bề trên có thật sự sai lầm đi nữa, song ý định bất di bất dịch của Thiên Chúa Thượng Trí vô cùng khôn ngoan và toàn năng không vì thế mà bị hư hỏng. Bởi đó, vâng phục theo đức tin thuần túy chẳng những không sợ bị lầm lẫn lại còn có công gấp bội nữa, vì linh hồn chỉ hoàn toàn nhắm vào một mình Chúa mà tuân phục thôi).  

 

Bởi thế, Cha mới lưu lại trên thế gian để an ủi cõi lòng xót xa của con, và để tăng sức cho linh hồn con, nhờ đó, con mới không ngã gục trên đường đời. Con nói rằng tâm trí con bị che mù bởi một bóng tối dầy đặc. Ấy thế, vào những lúc như vậy, tại sao con lại không đến với Cha là ánh sáng, một ánh sáng trong chốc lát có thể tuôn đổ vào linh hồn con kiến thức về sự thánh thiện, còn hay hơn cả sách vở nữa? Không có một vị giải tội nào có thể chỉ dẫn và soi sáng cho linh hồn được như thế. Con cũng nên biết rằng, thứ tối tăm mà con vừa mới than phiền đó, Cha đã chịu trước con ở Vườn Cây Dầu, khi linh hồn của Cha bị đọa đầy trong một cơn phiền não chết đi được. Cha đang cho con thông phần vào những khổ đau đó, bởi vì, tình Cha yêu con cách riêng, và bởi vì, Cha muốn nhắm đến mức độ thánh thiện cao mà Cha dự định cho con ở trên trời. Một linh hồn đau khổ gần gũi với linh hồn Cha nhất.

 

Linh hồn: Còn một điều nữa, lạy Chúa. Con phải làm gì khi con bị người ta lãng quên và ruồng bỏ, nhất là lại bị như thế bởi những vị mà con có quyền tin tưởng trong những lúc hết sức cần thiết như thế này đây?

 

Chúa Giêsu: Con nhỏ của Cha ơi, con hãy dứt khoát đừng bao giờ cậy dựa vào người đời.

 

(Phụ chú của người soạn dịch: ở đây, cũng theo tinh thần của những lời phụ chú vừa rồi, Chúa Giêsu không có ý nói "đừng bao giờ cậy dựa vào" các đấng bề trên là những vị đại diện Chúa theo đức tin, cho dù, tự bản thân của mình, các ngài cũng là "người đời" bất toàn như ai, màø Người chỉ nói "đừng bao giờ cậy dựa vào người đời", tức cậy dựa vào phương diện tự nhiên thuần túy nơi các vị bề trên, theo cảm tình thuần túy của thành phần tuân phục)

 

Con hãy phó thác bản thân mình cho ý muốn của Cha mà thưa rằng "Không phải là ý con muốn, song là theo ý Cha muốn, Ôi Thiên Chúa, xin hãy thực hiện ý muốn của Chúa nơi con". Những lời này, được thốt lên từ tận đáy lòng mình, có thể nâng một linh hồn lên tới đỉnh thánh thiện trong một thời gian ngắn. Cha thích thú ở nơi một linh hồn như vậy. Một linh hồn như thế làm Cha được vinh danh. Một linh hồn như thế tỏa hương thơm nhân đức thiên đình. Nhưng con hãy hiểu rằng, sức mạnh mà con có được để chịu đựng các khổ đau là nhờ việc con thường xuyên Hiệp Lễ. Bởi thế, hãy năng tiến đến với mạch nguồn tình thương này, để dùng lòng tin như đồ chứa đựng mà đến kín múc lấy mọi sự con cần dùng.

 

Linh hồn: Chúa ơi, con cám ơn Chúa vì lòng nhân lành của Chúa vẫn ở với chúng con trong nơi lưu đầy này như Thiên Chúa của tình thương, và chúc lành cho chúng con bằng ánh quang của lòng từ ái Chúa cảm thương. Chính nhờ ánh sáng của tình Chúa thương mà con hiểu được Chúa yêu con là chừng nào.

 

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ