GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ BẢY 3/2/2007

TUẦN  IV THƯỜNG NIÊN

 

?   “Giáo Hội Công Giáo và Chư Giáo Hội Chính Thống chia sẻ một gia sản giáo hội xuất phát từ thời các tông đồ cũng như từ các thế kỷ đầu tiên của Kitô Giáo”

?  "Thành thánh Gierusalem, di sản của nhân loại, một thành bao gồm hai dân tộc và ba tôn giáo, có một đặc tính tách nó ra khỏi các thành phố khác trên thế giới; một đặc điểm vượt lên trên bất cứ chính quyền chính trị nào".

?  Những Nguyên Tắc Căn Bản cho Lòng Tôn Sùng Mẹ Maria - Nguyên Tắc Thứ Hai: Chúng ta thuộc về Chúa Giêsu và Mẹ Maria như thành phần nô lệ của các Ngài

 

 

 

? “Giáo Hội Công Giáo và Chư Giáo Hội Chính Thống chia sẻ một gia sản giáo hội xuất phát từ thời các tông đồ cũng như từ các thế kỷ đầu tiên của Kitô Giáo”

 

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI ngỏ lời cùng Ủy Ban Hỗn Hợp Quốc Tế Giữa Giáo Hội Công Giáo Và Chính Thống Giáo Về Đối Thoại Thần Học ngày 1/2/2007

 

Anh Em thân mến trong Chúa Kitô,

 

Tôi hết sức vui tiếp đón anh em , các phần tử thuộc Ủy Ban Hỗn Hợp Quốc Tế Giữa Giáo Hội Công Giáo Và Chính Thống Giáo Về Đối Thoại Thần Học, nhân dịp đại hội lần thứ 4 của anh em. Qua anh em, tôi hân hoan gửi lời chào tới Quí Huynh Khả Kính của tôi là Chư Vị Lãnh Đạo Các Giáo Hội Chính Thống Giáo Đông Phương, đó là Đức Giáo Tông Shenouda III, Đức Thượng Phụ Zakka I Iwas, Đức Thượng Phụ Karekin II, Đức Thượng Phụ Aram I, Đức Thượng Phụ Paulus, Đức Thượng Phụ Antonios I và Đức Thượng Phụ Marthoma Didymus I.

 

Cuộc gặp gỡ của anh em liên quan tới hiến chế và sứ vụ của Giáo Hội có một tầm quan trọng rất nhiều đối với cuộc hành trình chung của chúng ta trong việc tiến tới chỗ phục hồi mối hiệp thông trọn vẹn. Giáo Hội Công Giáo và Chư Giáo Hội Chính Thống chia sẻ một gia sản giáo hội xuất phát từ thời các tông đồ cũng như từ các thế kỷ đầu tiên của Kitô Giáo. ‘Cái gia sản về kinh nghiệm’ này cần phải trở thành những gì làm nên tương lai của chúng ta ‘trong việc hướng dẫn đường lối chung của chúng ta hướng tới việc tái thiết mối hiệp thông trọn vẹn’ (cf. Ut Unum Sint, 56).

 

Chúng ta đã được Chúa Giêsu ủy thác cho chúng ta sứ mệnh ‘đi khắp thế gian loan báo Phúc Âm cho tất cả mọi tạo vật’ (Mk 16:15). Nhiều người ngày nay vẫn đang đợi chờ sự thật của Phúc Âm mang đến cho họ. Chớ gì lòng khát khao của họ đối với Tin Mừng là những gì củng cố quyết tâm của chúng ta trong việc hoạt động và thiết tha nguyện cầu cho mối hiệp nhất cần thiết cho Giáo Hội trong việc thi hành sứ vụ của mình trên thế giới, theo lời nguyện cầu của Chúa Giêsu ‘cho họ được hoàn toàn nên một, hầu thế gian biết rằng Cha đã sai Con và Cha đã yêu họ như Cha đã yêu Con’ (Jn 17:23).

 

Nhiều người trong anh em đến từ các xứ sở Trung Đông. Tình hình khó khăn mà cá nhân cũng như các cộng đồng Kitô Giáo đang phải đối diện ở miền này là nguyên nhân quan tâm sâu xa cho tất cả chúng ta. Thật vậy, các thành phần thiểu số Kitô hữu cảm thấy khó khăn trong việc sống còn giữa cả một chân trời địa dư chính trị bạo động và thường có khuynh hướng di dân. Trong những hoàn cảnh này, thành phần Kitô hữu thuộc tất cả các truyền thống và các cộng đồng ở Trung Đông được kêu gọi hãy can đảm và kiên cường trong quyền năng của Thần Linh Chúa Kitô (cf. Christmas Message to Catholics Living in the Middle East Region, 21 December 2006). Chớ gì lời chuyển cầu và gương sáng của nhiều vị tử đạo và thánh nhân, những vị đã cống hiến chứng từ dũng cảm cho Chúa Kitô ở những miền đất ấy, hãy bảo trì và kiên cường các cộng đồng Kitô hữu trong niềm tin của mình!

 

Cám ơn việc anh em hiện diện hôm nay đây và việc anh em tiếp tục dấn thân trên con đường đối thoại và hiệp nhất. Chớ gì Thánh Linh hỗ trợ anh em nơi những việc bàn luận của anh em. Tôi thân ái ban Phép Lành Tòa Thánh cho tất cả anh em.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 1/2/2007

 

(xin xem tiếp bản tuyên ngôn của các vị lãnh đạo Kitô Giáo ở Thánh Địa về tình trạng Giêrusalem)

 

 

TOP

 

 

?  "Thành thánh Gierusalem, di sản của nhân loại, một thành bao gồm hai dân tộc và ba tôn giáo, có một đặc tính tách nó ra khỏi các thành phố khác trên thế giới; một đặc điểm vượt lên trên bất cứ chính quyền chính trị nào".

 

Các vị lãnh đạo Kitô giáo nêu ý kiến về vị trí của thành Giêrusalem

 

Giêrusalem, ngày 21.10.2006 – Sau đây là lời tuyên bố được phổ biến bởi các thượng phụ Kitô giáo chính và các vị lãnh đạo tại vùng Đất Thánh đối với tình trạng của thành  Giêrusalem.

 

Lời tuyên bố được phổ biến ngày 29.9.2006, sau khi cuộc chiến giữa hai nước Do Thái và Lebanon kết thúc vào mùa hè năm 2006, và nêu bật nhu cầu có một nỗ lực mang tính phối hợp hơn để xây dựng sự hòa bình bền vững tại vùng Trung Đông, bắt đầu với thành Giêrusalem.

 

****

 

Thêm một lần nữa, chúng ta đã trải qua một thời điểm chất chứa đầy bạo lực và chết chóc trong cuộc chiến tại vùng nam Lebanon. Chúng ta vẫn phải đối diện với sự chết chóc và hủy hoại tại Gaza trầm trọng hơn nữa, đồng thời thêm sự bất an trong xã hội Do Thái. Vì thế, chúng tôi cho rằng đã đến lúc khẩn cấp trong việc khởi xướng một nỗ lực nghiêm túc từ tất cả các thành phần để đạt được một nền hòa bình tuyệt đối và công bằng. Ngoài ra, chúng tôi tin rằng nền hòa bình phải bắt đầu ở Thành Giêrusalem. Vì thế, chúng tôi trình bày lời tuyên bố sau đây với niềm hy vọng rằng nó sẽ đóng góp một cách bé nhỏ cho việc nền hòa bình được nảy sinh trên miền đất của chúng ta.

 

Năm 1994, chúng tôi là các thượng phụ và các lãnh đạo của các Giáo hội Kitô giáo địa phương tại Giêrusalem, đã phổ biến một văn thư có tựa đề “Ý nghĩa của thành phố Gierusalem đối với người Kitô giáo”, mục đích để đặt nặng tính chất Kitô giáo nơi thành Gierusalem, và tầm quan trọng của sự hiện diện Kitô giáo ở đây.

 

Văn thư cũng đã đề cập đến vị trí chính trị đặc biệt phải được ban cho thành phố bởi tính thiêng liêng của thành phố này. Từ lúc đó, chúng tôi đã chứng kiến sự gia tăng trong xu hướng các thẩm quyền chính trị quyết định định mệnh của thành phố và giải nghĩa vị trí của thành phố một cách đơn phương. Khả năng các tín đồ và nhân sự của chúng tôi tham gia vào các vấn đề của thành phố trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

 

Do bức tường được xây lên nhiều tín đồ của chúng tôi bị loại ra khỏi các phường của thành phố, và theo các dự án được phổ biến trong báo chí địa phương, sẽ còn thêm rất nhiều người nữa sẽ bị loại trừ trong tương lai. Do bị các bức tường bao vây, thành phố Gierusalem sẽ không còn là nơi trung tâm và không còn là tâm điểm của đời sống, như đúng với vai trò của thành phố.

 

Chúng tôi cho rằng một phần trong trách nhiệm của chúng tôi là gây sự chú ý nơi chính quyền địa phương, cũng như cộng đồng quốc tế và các Giáo hội thế giới, đối với tình trạng rất nghiêm trọng hiện nay và kêu gọi một nỗ lực hợp tác để tìm ra một viễn tượng chung về địa vị của thành thánh dựa trên các quyết định quốc tế và có sự quan tâm đến các quyền lợi của hai dân tộc cư ngụ tại đây cũng như ba cộng đồng tôn giáo.

 

Trong thành này, nơi Thiên Chúa đã chọn để mạc khải với nhân loại và giải hòa các dân tộc với chính Ngài và với nhau, chúng tôi lên tiếng khẳng định rằng đường lối được theo từ trước đến nay đã chưa mang lại sự hòa bình cho thành này và đã chưa bảo đảm đời sống bình thường cho cư dân. Vì thế đường lối cần được thay đổi. Các lãnh đạo chính trị phải tìm một đường hướng mới cũng như các phương tiện mới.

 

Trong chương trình của Thiên Chúa, hai dân tộc và ba tôn giáo đã chung sống với nhau trong thành này. Viễn tượng của chúng tôi là họ nên tiếp tục chung sống trong sự ôn hòa, tôn trọng, sự chấp nhận lẫn nhau, và sự hợp tác.

 

1. Thành Giêrusalem, thành thánh và là thành phố sinh sống cho hai dân tộc và ba tôn giáo.

 

Thành Gierusalem, di sản của nhân loại và thành phố thánh, cũng là nơi sinh sống của các cư dân, cả người Palestine lẫn người Do Thái, các tôn giáo Do Thái, Kitô giáo, và Hồi giáo, và tất cả những người có liên kết do mối quan hệ gia đình cũng như những ai xem Gierusalem là nơi cầu nguyện, học tập, chữa bệnh và làm việc.

 

Đây không chỉ là nơi chất chứa những ký ức lịch sử hay những điểm hành hương, nhưng cũng là nơi sinh sống của các cộng đồng tín đồ, người Do Thái, Kitô giáo, và Hồi giáo, đây là thành phố quý mến và đặc biệt đối với các tín đồ của cả ba tôn giáo độc thần. Các nơi thánh và các cộng đồng con người không thể tách lìa.

 

Thêm vào đó, cả tính cách linh thiêng của thành phố và các nhu cầu của các cư dân đã thu hút nhiều thể chế tôn giáo. Các tổ chức này đã được công nhận bởi các chính quyền nối tiếp suốt nhiều thế kỷ và đã dành được một số quyền lợi để họ có thể thực hiện các bổn phận tôn giáo, chính trị, và xã hội và để đáp ứng các như cầu tôn giáo, giáo dục, văn hóa và y tế.

 

Đối với các cộng đồng, đây là quyền lợi sở hữu, tự do điều hành những công việc cần thiết cho mục vụ của họ cũng như sự phát triển con người tổng quát – các nhà thờ, đan viện, trường học, bệnh viện, tổ chức xã hội, tổ chức thần học và thánh kinh, nơi cư trú cho các khách hành hương, v.v. Ngoài ra là quyền đưa nhân sự vào và tạo điều kiện để các tổ chức có thể hoạt động tốt đẹp.

 

2. Những điều kiện để có một giải pháp công bằng và bền vững đối với vấn đề thành Gierusalem

 

Tương lai của thành này phải được quyết định bằng một thỏa thuận chung, qua sự hợp tác và tham khảo, chứ không phải qua sự áp đặt quyền lực. Sự quyết định đơn phương hay một giải pháp được áp đặt sẽ tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến nền hòa bình và an ninh.

 

Bức tường đang chia rẻ thành này ở nhiều điểm và loại trừ một số lớn người cư dân phải nhường chổ cho sự giáo dục nhằm gia tăng sự tin tưởng và đón nhận lẫn nhau.

 

Đối mặt với sự thiếu khả năng của các bên liên quan trong việc tìm ra một giải pháp công bằng và bền vững từ trước đến nay, sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế là thiết yếu. Đồng thời trong tương lai sự giúp đỡ cần được tiếp tục dưới hình thức các bảo đảm để duy trì sự ổn định của các thỏa thuận được hai bên ký kết.

 

Chúng tôi kêu gọi sự thiết lập càng sớm càng tốt một ủy ban đặc biệt để suy nghĩ về tương lai của thành này. Các giáo hội địa phương tại Gierusalem phải được tham gia vào ủy ban này.

 

3. Địa vị đặc biệt – thành phố đón mở

 

Thành thánh Gierusalem, di sản của nhân loại, một thành bao gồm hai dân tộc và ba tôn giáo, có một đặc tính tách nó ra khỏi các thành phố khác trên thế giới; một đặc điểm vượt lên trên bất cứ chính quyền chính trị nào.

 

“Thành Gierusalem quá quý báu nên không thể chỉ lệ thuộc vào các chính quyền chính trị địa phương hay quốc gia" (x. Memorandum, 1994).

 

Hai dân tộc của Gierusalem là những người bảo vệ sự thanh sạch của nó và mang hai trách nhiệm: tổ chức đời sống thường nhật của thành và đón tiếp tất cả khách ‘hành hương’ đến từ khắp nơi trên thế giới. Sự hợp tác quốc tế cần thiết không có ý thay thế vai trò và sự tự trị của hai dân tộc. Nhưng nó cần thiết để giúp cả hai dân tộc đi đến một giải nghĩa và đạt được sự ổn định đối với địa vị đặc biệt của thành phố.

 

Vì thế, cụ thể, theo quan điểm chính trí, kinh tế, và xã hội, hai dân tộc phải dành cho Gierusalem một địa vị đặc biệt tương xứng với hai đặc tính của nó, thiêng liêng và phổ quát, đồng thời bình thường và địa phương, nơi đời sống hằng ngày diễn ra.

 

Một khi địa vị này được tìm ra và giải nghĩa, cần phải có cộng đồng quốc tế khẳng định điều  này qua các cam đoan quốc tế để bảo đảm sự hòa bình và sự tôn trọng mọi người được tiếp tục.

 

Các khía cạnh của địa vị đặc biệt này phải bao gồm các yếu tố sau:

 

“Quyền lợi thờ phượng và lương tâm của con người, trên phương diện cá nhân cũng như cộng đồng tôn giáo” (x. Memorandum 1994).

 

Sự công bằng cho tất cả cư dân trước pháp luật, dưới sự phối hợp của các hiệp ước quốc tế.

 

Mọi người được quyền đến Gierusalem, các công dân, cư dân, hay khách hành hương có thể đến bất cứ lúc nào, cho dù trong lúc có hòa bình hay chiến tranh. Vì thế, Gierusalem phải là một thành phố đón mở.

 

“Quyền lợi sở hữu tài sản, quản lý và thờ phượng mà các Giáo hội khác nhau đã dành được trong lịch sử nên tiếp tục được các cộng đồng duy trì. Những quyền lợi này mà đã được bảo đảm trong bản Status Quo of Holy Places theo ‘các sắc chỉ’ và các văn kiện khác, nên tiếp tục được công nhận và tuân theo” (x. Memorandum, 1994).

 

Các điểm thánh Kitô giáo trong thành này, bất kể ở nơi đâu, phải tiếp tục được kết hợp về mặt địa lý, bất kế giải pháp nào được đưa ra.

 

Kết Luận

 

Đối với người Do Thái giáo và Hồi giáo, Gierusalem là một nơi cao cả mà Thiên Chúa đã gặp gỡ và mặc khải cho nhân loại. Đó là lý do tại sao chúng ta không thể tiếp tục magn thái độ bàng quang đối với định mệnh của thành phố trước những nỗi đau của nơi này.

 

“Vì Gierusalem Ta sẽ không nghỉ ngơi cho tới khi ánh rạng ngời của nó tỏa chiếu như bình minh và việc cứu độ của nó như một ngọn đuốc bốc cháy” (Isaiah 62,1).

 

Chúng tôi phổ biến lời kêu gọi nghiêm túc này đến tất cả các vị lãnh đạo tôn giáo tại vùng Đất Thánh để hợp tác với nhau hầu đi đến một viễn tượng chung cho thành phố mà có thể nối kết các tâm hồn của các tín đồ. Chúng tôi kêu gọi chính quyền tìm ra những đồng điểm và với sự hợp tác của các lãnh đạo tôn giáo, tìm ra giải pháp tương xứng vơi tính chất thiêng liêng của thành này.

 

Chúng tôi hy vọng lời kêu gọi của chúng tôi được lắng nghe, và các lãnh đạo chính trị, vì tôn trọng bản chất thiêng liêng của thành này sẽ thể hiện khả năng đi đến một thỏa thuận cuối cùng và xác quyết hầu làm cho thành Gierusalem trở nên một dấu hiệu đích thực nói lên sự hiện diện của Thiên Chúa và hòa bình của Ngài giữa mọi người.

 

Thượng phụ Theopilos III: Tòa Thượng Phụ Chính Thống Hy Lạp

Thượng phụ Michel Sabbah: Tòa Thượng Phụ La-tinh.

Thượng phụ Torkom II: Tòa Thượng phụ Chính Thống Syria

 

Abune Grima: Tòa Thượng phụ Chính thống Ethiopia

Paul Nabil Sayyah: Tòa Thượng phụ Maronite

ĐGM Riah Abu Al-Assal: Giáo hội Giám chế tại Gierusalem và vùng Trung Đông

 

ĐGM Mounib Younan: Giáo hội Lu-te

Pierre Malki:

George Bakar:

Lm Rafael Minassian:

 

Gierusalem, ngày 19.9.2006

 

Rev Lê Ngọc Đức Phúc, SVD, chuyển dịch theo tài liệu được Zenit phổ biến ngày 21/10/2006

 

 

TOP

 

 

?  Những Nguyên Tắc Căn Bản cho Lòng Tôn Sùng Mẹ Maria - Nguyên Tắc Thứ Hai: Chúng ta thuộc về Chúa Giêsu và Mẹ Maria như thành phần nô lệ của các Ngài

 

Nguyên tác "LUẬN VỀ VIỆC THÀNH THẬT SÙNG KÍNH ĐỨC TRINH NỮ" của Thánh Long Mộng Phố (Louis Grignion Montfort) - Bản dịch Việt Ngữ: Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

68.          Từ những gì Chúa Giêsu Kitô liên hệ với chúng ta, chúng ta cần phải kết luận, như Thánh Phaolô, rằng chúng ta không thuộc về mình mà là hoàn toàn thuộc về Người như là chi thể của Người và là nô lệ của Người, vì Người đã chuộc chúng ta bằng một giá vô cùng – bằng việc đổ Máu Châu Báu của Người. Trước khi lãnh nhận phép rửa, chúng ta thuộc về ma quỉ như tên nô lệ, nhưng phép rửa đã hết sức thật sự làm cho chúng ta trở thành nô lệ của Chúa Giêsu.

 

Bởi thế, chúng ta cần phải sống động, phải hoạt động và chết chỉ để sinh hoa trái cho Người, bằng việc tôn vinh Người nơi thân thể của chúng ta và để Người cai trị trong linh hồn của chúng ta. Chúng ta là những gì Người đã chiếm đoạt, là dân Người đã thắng được, là gia sản của Người.

 

Chính vì thế mà Thánh Thần đã so sánh chúng ta:

 

1) với những thứ cây được trồng dọc theo các nguồn nước ân sủng trong cánh đồng của Giáo Hội, và là những cây cần phải sinh hoa kết trái vào thời điểm của chúng; 2) với những cành nho có Chúa Giêsu là thân nho, những cành nho cần phải sinh ra những trái nho ngon; 3) với một đàn chiên có Chúa Giêsu là Mục Tử, một đàn chiên cần phải gia tăng và cống hiến sửa ngọt; 4) với mảnh đất tốt được Thiên Chúa vun sới, nơi được gieo vãi hạt giống và mang lại thu hoạch gấp 30, 60 hay 100. Chúa chúng ta đã nguyền rủa cây vả không sinh hoa trái và trừng phạt người đầy tớ biếng nhác đã phí phạm tài năng của hắn. 

 

Tất cả những điều này chứng tỏ cho thấy rằng Người muốn có được một thứ hoa trái nào đó nơi con người khốn khổ của chúng ta, tức là nơi các việc lành của chúng ta là những gì tự chúng thuộc về một mình Người, những con người “được dựng nên trong Chúa Giêsu Kitô để làm việc lành”. Những lời này của Thánh Thần cho thấy rằng Chúa Giêsu là nguồn mạch duy nhất và phải là cùng đích duy nhất của tất cả mọi việc lành chúng ta làm, và chúng ta cần phải phụng sự Người không phải như thành phần tôi tớ được trả công mà là như thành phần nô lệ của tình yêu. Xin để tôi giải thích những gì tôi muốn nói tới ở đây.

 

69.          Có hai cách thuộc về một người khác và là hạ cấp trong thẩm quyền họ. Một cách là ở chỗ phục vụ thông thường và cách kia là ở chỗ làm nô lệ. Bởi vậy chúng ta cần phải sử dụng các từ ngữ “đầy tớ” và “nô lệ”. Việc phục vụ thông thường nơi các xứ sở Kitô Giáo đó là khi một người được thuê mước để phục vụ người khác qua một thời gian, với một số lương ấn định hay được thỏa thuận. Khi một con người hoàn toàn lệ thuộc vào người khác suốt đời, và phải phục vụ chủ mình mà không mong trả công hay đền bù, khi họ bị đối xử như một con vật ngoài đồng trong tay của người chủ nhân có quyền sinh sát, thì đó là việc làm nô lệ vậy.

 

70.          Vậy có 3 thứ nô lệ, nô lệ theo tự nhiên, nô lệ bị cưỡng ép và nô lệ vì tình nguyện. Tất cả mọi tạo vật đều là nô lệ của Thiên Chúa ở nghĩa thứ nhất, vì “trái đất và mọi sự của nó đều thuộc về Chúa”. Ma quỉ và thành phần trầm luân là nô lệ theo nghĩa thứ hai. Các thánh trên thiên đình và thành phần công chính trên trái đất này là những người nô lệ theo nghĩa thứ ba. Việc tình nguyện nô lệ là việc nô lệ trọn hảo nhất trong cả 3 tình trạng này, vì nhờ đó chúng ta làm cho Thiên Chúa được vinh quang nhất, Đấng thấy được cõi lòng và muốn nó được hiến dâng lên cho Ngài. Ngài không phải thực sự được gọi là vị Thiên Chúa của cõi lòng hay của ý muốn yêu thương hay sao? Vì nhờ việc làm nô lệ như thế chúng ta tình nguyện chọn Thiên Chúa và vi65c phụng sự Ngài trước tất cả mọi sự khác, cho dù tự bản tính của mình chúng ta không buộc phải làm như thế.

 

71.          Giữa một người đầy tớ và một người nô lệ có cả một thế giới khác biệt nhau. 1) Một người đầy tớ không hiến cho người chủ thuê mướn của mình tất cả những gì họ là, tất cả những gì họ có, và tất cả những gì họ có thể chiếm hữu bởi chính họ hay nhờ người khác. Tuy nhiên, một người nô lệ hiến chính bản thân mình cho người chủ sở hữu của mình một cách trọn vẹn và độc quyền với tất cả mọi sự họ có và tất cả mọi sự họ có thể chiếm hữu. 2) Một người đầy tớ đòi phải trả công cho những việc phục vụ làm cho người chủ thuê mướn. Trong khi đó một người nô lệ không còn trông đợi gì được, bất kể có tài khéo mấy đi nữa, bất kể có chuyên chú hay công sức được họ dồn vào việc làm của họ. 3) Một người đầy tớ có thể rời bỏ không làm cho người chủ thuê mướn mình nữa bất cứ khi nào họ muốn, hay ít là khi hết thời hạn phục vụ của họ, trong khi một người nô lệ không có thứ quyền hạn này. 4) Một người chủ thuê mướn không có quyền sinh tử trên người đầy tớ. Nếu họ sát hại người đầy tớ như sát hại một con thú gây rắc rối là họ phạm tội sát nhân. Thế nhưng người chủ sở hữu của một người nô lệ theo pháp luật có quyền sinh sát người nô lệ này, bởi thế họ có thể bán người nô lệ cho người nào họ muốn, hay – xin lỗi nếu được so sánh – có thể sát hại người nô lệ như giết một con ngựa của mình. 5) Sau hết, một người đầy tớ chỉ làm việc cho người chủ thuê mước chỉ trong vòng một thời gian, còn người nô lệ thì vĩnh viễn. 

 

(còn tiếp vào các Ngày Thánh Mẫu Thứ Bảy hằng tuần nhất là trong năm 2007, năm mừng kỷ niệm 90 Biến Cố Fatima)

 

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ