GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ TƯ 7/2/2007

TUẦN V THƯỜNG NIÊN

 

?   “Như Thày đã yêu thương các con thế nào các con cũng phải yêu thương nhau như thế”

?  Những Cộng Sự Viên của Thánh Phaolô: Barnabê, Silas và Apollos.

?  “Phẩm Chất của Hàng Giáo Sĩ Tùy Thuộc Vào Tính Cách Nghiêm Cẩn của Vấn Đề Huấn Luyện”

 

 

 

? “Như Thày đã yêu thương các con thế nào các con cũng phải yêu thương nhau như thế” (Jn 13:34)

 

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI – Sứ Điệp Cho Ngaỳ Giới Trẻ Thế Giới XXII, Chúa Nhật Lễ Lá Ngày 1/4/2007

 

Các bạn trẻ thân mến,

 

Nhân dịp Ngày Giới Trẻ Thế Giới XXII sẽ được cử hành ở các giáo phận vào Chúa Nhật Lễ Lá, tôi muốn đề ra cho các bạn suy tư về những lời của Chúa Giêsu là ‘Như Thày đã yêu thương các con thế nào các con cũng phải yêu thương nhau như thế’ (Jn 13:34).

 

Có thể yêu thương được hay chăng?

 

Hết mọi người đều cảm thấy khát vọng yêu thương và mong muốn được thương yêu. Tuy nhiên, yêu thương lại là vấn đề khó khăn biết mấy, vì đã từng xẩy ra biết bao nhiêu là lầm lỗi và thảm bại trong vấn đề yêu thương! Có những người thậm chí còn tỏ ra ngờ vực cả đến vấn đề yêu thương là những gì khả dĩ nữa. Thế nhưng, nếu những thứ ảo tưởng về cảm xúc hay tình trạng thiếu thốn về cảm tình là những gì có thể khiến cho chúng ta nghĩ rằng yêu thương là một thứ mơ tưởng hão huyền bất khả thực, vậy thì phải chăng chúng ta cần phải lui bước đi thôi? Không! Yêu thương là những gì khả dĩ, bởi thế mà mục đích cho sứ điệp của tôi đây là để giúp làm tái bừng lên nơi mỗi một người trong các bạn – thành phần là tương lai và là hy vọng của nhân loại – niềm tin tưởng vào một thứ yêu thương chân thực, trung thành và mạnh mẽ; một thứ yêu thương làm phát sinh ra an bình và niềm vui; một thứ yêu thương liên kết con người lại với nhau và giúp cho họ tỏ ra sẵn sàng tôn trọng lẫn nhau. Vậy chúng ta hãy cùng nhau thực hiện một cuộc hành trình được chia ra làm ba giai đoạn, để chúng ta bắt đầu một ‘cuộc khám phá’ về yêu thương.

 

Thiên Chúa là nguồn mạch của yêu thương

 

Đoạn hành trình thứ nhất liên quan tới nguồn mạch của tình yêu thương chân thực. Chỉ có một nguồn mạch duy nhất, đó là Thiên Chúa. Thánh Gioan đã làm sáng tỏ điều này khi tuyên xưng rằng ‘Thiên Chúa là tình yêu’ (1Jn 4:8,16). Ngài không những nói rằng Thiên Chúa là Đấng yêu thương chúng ta, mà còn nói rằng chính hữu thể của Thiên Chúa là tình yêu nữa. Ở đây chúng ta đối diện với một mạc khải rạng ngời nhất về nguồn mạch của tình yêu, của mầu nhiệm về Chúa Ba Ngôi, đó là, nơi Thiên Chúa, duy nhất và ba ngôi, có một trao đổi yêu thương vĩnh hằng giữa ngôi Cha và ngôi Con, mà tình yêu này không phải là một năng lực hay là một cảm tình, song là một ngôi vị; đó là Thánh Thần.

 

Thập Giá của Chúa Kitô mạc khải tất cả tình yêu của Thiên Chúa

 

Vị Thiên Chúa Tình Yêu được mạc khải cho chúng ta như thế nào? Giờ đây chúng ta tiến tới đoạn hành trình thứ hai của chúng ta. Mặc dù những dấu hiệu về tình yêu thần linh vốn được hiển hiện nơi việc tạo thành, nhưng tất cả mạc khải về mầu nhiệm sâu xa của Thiên Chúa được tỏ cho chúng ta thấy nơi việc Nhập Thể là lúc Thiên Chúa đích thân làm người. Nơi Chúa Kitô, Thiên Chúa thật và là Người thật, chúng ta biết được tất cả những gì cao cả vĩ đại của tình yêu. Thật vậy, như tôi đã viết trong Thông Điệp Thiên Chúa là tình yêu – Deus catitas est, ‘cái mới mẻ thực sự của Tân Ước không phải là ở những tư tưởng mới cho bằng ở hình ảnh về chính Chúa Kitô, Đấng hiện thực hóa những quan niệm ấy – tức làm cho chúng trở thành một thứ hiện thực chưa từng có’ (khoản 12). Việc biểu lộ tình yêu thần linh này được thể hiện một cách trọn vẹn và trọn hảo ở nơi Thập Giá, như chúng ta đã nghe thấy Thánh Phaolô nói rằng: ‘Thiên Chúa đã chứng tỏ tình yêu thương của Ngài đối với chúng ta ở chỗ khi chúng ta còn là những tội nhân thì Chúa Kitô đã chết cho chúng ta’ (Rm 5:8). Bởi thế, mỗi một người trong chúng ta có thể thực sự nói rằng: ‘Chúa Kitô đã yêu thương tôi và đã hiến mình vì tôi’ (x Eph 5:2). Được máu của Người cứu chuộc, không có một cuộc sống con người nào là vô ích hay có một giá trị tầm thường, vì mỗi một người trong chúng ta đều được Người yêu thương một cách cá biệt, bằng một tình yêu thiết tha và trung thành, bằng một tình yêu vô giới hạn. Thập Giá – đối với thế gian là một cái gì ngu xuẩn, đối với nhiều tín hữu là một cái gì xấu xa ô nhục – thực sự là ‘sự khôn ngoan của Thiên Chúa’ đối với những ai có thể cảm nhận được từ tận chính thâm cung hữu thể của mình, ‘vì cái khờ dại của Thiên Chúa còn uyên thâm hơn cả sự khôn ngoan của con người, và cái yếu hèn của Thiên Chúa còn mãnh liệt hơn cả sức mạnh của con người’ (1Cor 1:25). Hơn thế nữa, Tượng Chịu Nạn, một tượng chịu nạn mà sau cuộc Phục Sinh sẽ vĩnh viễn mang những vết tích cuộc khổ nạn của Người, còn phơi bày cả ‘những thứ méo mó’ và láo khoét về Thiên Chúa, những gì có tính cách bạo lực, báo thù và diệt trừ. Chúa Kitô là Con Chiên của Thiên Chúa, là Đấng gánh tội trần gian và nhổ tận gốc rễ niềm thù hận cho khỏi tâm can của nhân loại. Tình yêu thực sự là ‘cuộc cách mạn g’ do Người thực hiện vậy. 

 

Yêu Thương tha nhân như Chúa Kitô thương yêu chúng ta 

 

Giờ đây chúng ta tiến đến đoạn hành trình thứ ba trong cuộc suy niệm của chúng ta. Chúa Kitô kêu lên trên Thập Giá rằng: ‘Tôi khát’ (Jn 19:28). Lời ấy cho chúng ta thấy được cơn khát khao thương yêu hừng cháy và muốn được mỗi một người trong chúng ta yêu thương. Chỉ bao giờ chúng ta nhận thấy được chiều sâu và cường độ của một mầu nhiệm như thế chúng ta mới có thể thực hiện nhu cầu thúc bách mến yêu Người như Người đã thương yêu chúng ta. Lời này cũng bao gồm cả một cuộc dấn thân được tình yêu mến Người trợ giúp, thậm chí đến hiến  mạng sống mình, nếu cần, vì anh chị em của chúng ta. Thiên Chúa đã phán trong Cựu Ước rằng: ‘Các người phải yêu thương tha nhân như bản thân mình’ (Lev 19:18), thế nhưng cái mới mẻ được Chúa Kitô mang đến ở đây đó là việc yêu thương như Người thương yêu chúng ta, tức là yêu thương hết mọi người không phân biệt ai, thậm chí cả thành phần thù địch với mình, ‘cho đến tận tuyệt’ (x Jn 13:1).

 

(xin xem tiếp ngày mai)

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch trực tiếp từ mạng điện toán toàn cầu của Tòa Thánh

 

http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/messages/youth/documents/hf_ben-xvi_mes_20070127_youth_en.html

 

 

TOP

 

 

?  Những Cộng Sự Viên của Thánh Phaolô: Barnabê, Silas và Apollos.

 

Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Buổi Triều Kiến Chung hằng tuần Thứ Tư 31/1/2007

 

Để tiếp tục cuộc hành trình của chúng ta với các vị lãnh đạo tiên phong thuở ban đầu của Kitô Giáo, hôm nay chúng ta nhìn đến những hợp tác viên khác của Thánh Phaolô. Chúng ta cần phải nhìn nhận rằng vị Tông Đồ này là một gương mẫu sống động về một con người cởi mở với việc hợp tác, ở chỗ, trong Giáo Hội, ngài không muốn tự mình làm hết mọi thứ song sử dụng nhiều đồng nghiệp khác nhau của mình.

 

Chúng ta không thể chia sẻ về tất c ả mọi cộng sự viên quí báu này, vì có nhiều người trong họ. Chỉ cần nhắc lại trong số những người ấy có Epaphras (x Col 1:7, 4:12; Philemon 23), Epaphroditus (x Phil 2:25, 4:18), Tychicus (x Acts 20:4; Eph 6:21; Col 4:7; 2Tim 4:12; Titus 3:12), Urbanus (x Rm 16:9), Gaius và Aristarchus (x Acts 19:29, 20:4, 27:2; Col 4:10).

 

Trong số nữ giới có Phoeb e (x Rm 16:1), Tryphaena và Tryphosa (x Rm 16:12), Persis, mẹ của Rufus là người được ngài gọi là ‘cũng là mẹ của anh và của tôi’ (x Rm 16:12-13), chưa kể đến cặp vợ chồng như   Prisca và Aquila (x Rm 16:3; 1Cor 16:19; 2Tim 4:19).

 

Hôm nay, trong số đạo binh đông đảo nam nữ cộng tác viên của Thánh Phaolô, chúng ta chú trọng tới 3 vị trong số những nhân vật ấy, những vị có một vai trò quan trọng trong việc truyền bá phúc âm hóa từ ban đầu là Barnabê, Silas và Apollos.

 

‘Barnabas’ nghĩa là ‘người con của niềm khích lệ’ (Acts 4:36) hay ‘người con của niềm ủi an’, là biệt hiệu của một người Do Thái thuộc giòng họ Levi sinh quán ở Cyprus. Di chuyển về Giêrusalem, ngài là một trong những người đầu tiên theo Kitô Giáo sau khi Chúa Kitô phục sinh.

 

Với tấm lòng rất quảng đại, ngài đã bán một thửa ruộng của mình, dâng cúng tiền bạc cho các vị Tông Đồ để giải quyết nhu cầu trong Giáo Hội (x Acts 4:37). Ngài trở thành bảo đảm viên đối với việc hoán cải của Thánh Phaolô đối với cộng đồng Kitô hữu ở Giêrusalem, một cộng đồng vẫn tỏ ra ngờ vực về nhân vật đã từng bắt bớ mình (x Acts 9:27).

 

Được gửi tới Antiôkia xứ Syria, ngài đã tìm kiếm Phaolô ở Tarsê là nơi Phaolô đã đến, và ngài đã sống ở đó cả năm với Phaolô, dấn thân thực hiện việc truyền bá phúc  âm hóa cho thành phố quan trọng đó, và ngài đã có tiếng là ngôn sứ và y sĩ tại Giáo Hội ở đấy (x Acts 13:1).

 

Vậy Thánh Barnabê, ở vào thời điểm xẩy ra những cuộc hoán cải đầu tiên  của dân ngoại, đã hiểu rằng giờ khắc của Saulê đã điểm; Saolê đã đến Tarsê là thành phố của mình. Ngài đã đến đó để tìm Saolê. Vào giây phút quan trọng ấy, ngài đã thực sự mang Phaolô về cho Giáo Hội; ngài đã cống hiến một lần nữa Vị Tông Đồ Dân Ngoại cho Giáo Hội ở một nghĩa nào đó.

 

Từ Giáo Hội ở Antiôkia, Thánh Barnabas được sai đi truyền giáo cùng với Thánh Phaolô, thực hiện cuộc hành trình được gọi là cuộc truyền giáo đầu tiên của vị Tông Đồ này. Thực ra, đó là cuộc truyền giáo của Thánh Barnabê, vì ngài là người được giao phó trách nhiệm. Thánh Phaolô liên hợp với ngài như là một hợp tác viên, băng qua những miền đất của Cyprus và miền trung nam phần của Anatolia là Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay, qua các thành phố Atalia, Perga,  Antioch ở Psidia, Lycaonia, Lystra and Derbe (x Acts 13:14).

 

Thế rồi, cùng với Thánh Phaolô, ngài đã về tham dự biến cố được gọi là Công Đồng Giêrusalem, một công đồng mà sau khi sâu xa khảo sát vấn nạn được đặt ra, các Tông Đồ cùng với các vị trưởng lão đã quyết định loại bỏ vấn đề thi hành việc cắt bì (x Acts 15:1-35).

 

Cuối cùng, chỉ có thế các vị mới chính thức cho phép thành lập Giáo Hội nơi dân ngoại, một Giáo Hội phi cắt bì: Chúng ta là con cái của Abraham chỉ bằng đức tin vào Chúa Kitô mà thôi.

 

Hai vị, Thánh Phaolô và Barnabê, sau này đã trở nên đối chọi với nhau vào đầu cuộc hành trình truyền giáo thứ hai, vì Thánh Barnabê muốn đem John Marcô them, trong khi Thánh Phaolô lại không, cho rằng con người trẻ này đã tách khỏi các vị trong cuộc hành trình trước đó (x Acts 13:13, 15:36-40).

 

Thế nên, giữa các vị thánh cũng có những đối chọi, bất hòa và tranh cãi. Và đối với tôi thì đó là điều rất an ủi, vì chúng ta thấy rằng các thánh nhân đã không phải là những người ‘từ trời rơi xuống’. 

 

Họ cũng là người như chúng ta, với những thứ trục trặc rắc rối. Thánh thiện không phải là ở chỗ chẳng vấp phải lỗi lầm chi hay chẳng bao giờ sa ngã phạm tội. Thánh thiện gia tăng theo khả năng hoán cải, thống hối, sẵn sàng bắt đầu lại, nhất là theo khả năng hòa giải và thứ tha.

 

Có thế, Thánh Phaolô, vị tỏ ra khó khăn và cay nghiệt với Thánh Marcô, cuối cùng đã gặp lại Thánh Marcô. Trong những bức thư cuối cùng của Thánh Phaolô, một gửi cho Philêmon và một (bức thứ hai) gửi cho Timôthêu, Thánh Marcô đã xuất hiện thực sự như là ‘hợp tác viên của tôi’.

 

Chúng ta không trở thành thánh nhân vì chúng ta không bao giờ vấp phải một lỗi lầm nào, mà vì khả năng chúng ta có thể thứ tha và hòa giải. Và tất cả chúng ta đều có thể học biết đường lối nên thánh này. Dầu sao thì Thánh Barnabê cùng với Thánh Marcô đã trở về Cyprus (x Acts 15:39) khoảng năm 49.

 

Từ đó trở đi thì tất cả mọi dấu vết về ngài đều bị thất lạc. Giáo phụ Tertullian đã qui cho ngài Bức Thư gửi cho giáo đoàn Do Thái, rất có thể vì thuộc về chi họ Levi Thánh Barnabê đã chú trọng tới đề tài về thiên chức linh mục. Và Bức Thư gửi cho giáo đoàn Do Thái giải thích một cách đặc biệt vai trò tư tế của Chúa Giêsu đối với chúng ta.

 

(xin xem tiếp ngày mai)

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 31/1/2007

 

 

TOP

 

 

?  “Phẩm Chất của Hàng Giáo Sĩ Tùy Thuộc Vào Tính Cách Nghiêm Cẩn của Vấn Đề Huấn  Luyện”

 

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI với Chủng Sinh và Linh Mục Chủng Viện Capranica ở Rôma tại Sảnh Đường Consistory ngày 19/1/2007 dịp mừng kỷ niệm 550 năm thành lập

 

Đức Hồng Y,

Chư Huynh Khả Kính,

Đức Ông Viện Trưởng,

Quí Sinh Viên Đại Học  Capranica thân mến,

 

Tôi hân hoan tiếp đón anh em ngay trước Lễ Nữ Quan Thày Agnes của anh em. Tôi thân ái gửi lời chào đến tất cả anh em, trước hết là Đức Hồng Y Đại Diện Giáo Phận  Rôma Camillo Ruini, và ĐTGM Pio Vigo, các vị làm nên Ủy Ban Giám Mục đặc trách Đại Học này. Tôi gửi lời chào tới Đức Ông Viện Trưởng Ermemegildo Mamocardi. Tôi cũng đặc biệt chào mừng anh em sinh viên thân mến, những người thuộc về cộng đồng đại học của giáo hội cổ thời nhất ở Rôma.

 

Năm trăm 50 năm đã qua đi từ ngày 5/1/1457, khi ĐHY Domenico Capranica, TGM Fermo, thành lập Viện Đại Học lấy tên của ngài. Ngài đã để lại cho nó tất cả tài sản của ngài và dinh thự của ngài gần Santa Maria ở Aquiro, nhờ đó nó trở thành nơi cư trú cho các sinh viên trẻ được kêu gọi làm linh mục.

 

Tổ chức sơ sinh này là tổ chức đầu tiên về loại của mình ở Rôma; đầu tiên được giành cho những con người trẻ Rôma và thành phần giới trẻ ở Fermo, sau đó tiếp đón cả những sin h viên ở các vùng khác thuộc Ý quốc cũng như thuộc các quốc tịch khác.

 

ĐHY Capranica đã chết non hai năm sau, thế nhưng nền tảng ngài đã đặt để đã bắt đầu tiếp tục tới ngày nay, trải qua 10 năm bị đóng cửa từ 1798 đến 1807 trong chế độ gọi là Cộng Hòa Rôma.

 

Hai vị Giáo Hoàng đã học ở Đại Học Capranica này là Giáo Hoàng Biển Đức XV, vị được anh em có lý coi là ‘Parens alter – phụ huynh khác’ vì cảm tình đặc biệt ngài giành cho ngôi nhà này của anh em, rồi tới Người Tôi Tớ Chúa Piô XII trong một thời gian ngắn hơn. Các vị Tiền Nhiệm đáng kính của tôi, có một số đã đến viếng thăm anh em vào những dịp đặc biệt, bao giờ cũng bày tỏ lòng quí mến của các vị đối với Viện Đại Học này của anh em.

 

Cuộc gặp gỡ của chúng ta hôm nay cũng diễn ra chẳng những gần Lễ Nhớ Thánh Agnes mà còn trong bối cảnh của một cuộc mừng kỷ niệm quan trọng đối với cơ cấu của anh em. Theo quan điểm lịch sử và thiêng liêng này thì thật là hữu ích để đặt vấn đề liên quan tới lý do thúc đẩy ĐHY Capranica thành lập công cuộc dự phòng này, và đâu là giá trị những động lực ấy vẫn còn cho tới ngày nay đối với anh em.

 

Trước hết, cần phải nhớ rằng vị sáng lập viên này đã có kinh nghiệm trực tiếp về các viện đại học thuộc những Đại Học Đường Padua và Bologna là những nơi chính ngài đã từng là sinh viên, cũng như những Đại Học Đường ở Sienna, Florence và Perugia. Những cơ cấu này đã phát triển để chất chứa thành phần học giả trẻ trung không thuộc về những gia đình giầu có.

 

Bằng việc du di một số những yếu tố trong những khuôn mẫu ấy, ngài đã nghĩ tới một kiểu mẫu hoàn toàn nhắm đến việc huấn luyện cho các vị linh mục tương lai mà thôi, đặc biệt chú ý tới những tuyển sinh không được sung túc cho lắm. Bởi vậy, ngài đã đi trước hơn cả một thế kỷ việc thiết lập ‘những kiểu chủng viện’ được ấn định bởi Công Đồng Chung Triđentinô.

 

Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa tập trung vào chính lý do căn bản đối với sáng kiến dự liệu này: nó là niềm xác tín rằng phẩm chất của hàng giáo sĩ là những gì tùy thuộc vào tính cách nghiệm cẩn trong việc huấn  luyện họ.

 

Bấy giờ, vào thời điểm của ĐHY Capranica, không có vấn đề cẩn thận tuyển lựa thành phần khao khát Chứa thánh: họ đôi khi được khảo hạch về văn chương và ca hát, chứ không phải về thần học, luân lý và giáo luật, nên có những âm hưởng tiêu cực có thể dự đoán xẩy ra đối với Cộng Đồng Giáo Hội.

 

Đó là lý do tại sao, theo những Hiến Định của Viện Đại Học của mình, vị Hồng Y này đã áp đặt trên các sinh viên thần học kiến thức của những tác giả thượng thặng, đặc biệt là Thánh Tôma Aquinas; trên các sinh viên luật học giáo huấn của Đức Giáo Hoàng Innocent III, và trên tất cả mọi sinh viên khoa đạo đức học của Aristote.

 

Còn nữa, chưa hài lòng với những bài vở của Studium Urbis, ngài đã muốn có cả những bài vở phụ thêm được cống hiến bởi các chuyên gia trực tiếp trong chính Đại Học này. 

 

Học trình ấy được hội nhập vào một nội dung huấn luyện trọn vẹn tập trung ở chiều   kích thiêng liêng. Nó được nâng đỡ bởi những trụ cột Bí Tích Thánh Thể – hằng ngày – và Hòa Giải – mỗi tháng ít là một lần – cùng được duy trì bởi những việc thực hành đạo đức theo qui định hay gợi ý của Giáo Hội.

 

Đức bác ái được đặc biệt chú trọng, cả trong cuộc sống huynh đệ thông thường và trong việc trợ giúp thành phần bệnh nhân, đồng thời cũng chú trọng tới những gì mà ngày nay được chúng ta gọi là ‘kinh nghiệm mục vụ’. Thật vậy, theo ấn định thì vào các ngày lễ, sinh viên phải phục vụ ở vương cung thánh đường cũng như ở các nhà thờ địa phương khác.

 

Việc huấn luyện sinh viên còn được hiệu nghiệm hỗ trợ bởi kiểu cách của chính cộng đồng này, bao gồm việc tham gia mạnh mẽ vào những quyết định liên quan tới đời sống trong Viện Đại Học đây. 

 

Ở đây chúng ta thấy được những điều kiện căn bản giống nhau sau đó được những chủng viện thuộc giáo phận thiết lập, dĩ nhiên, đối với những chủng viện thuộc giáo phận có một ý nghĩa thuộc hoàn toàn về một Giáo Hội riêng nào đó; tức là việc chọn lựa ấy liên quan tới một thứ huấn luyện nghiêm túc về nhân bản, văn hóa và thiêng liêng, hướng tới những đòi hỏi thích hợp với thời điểm và địa điểm.

 

Các bạn thân mến, chúng ta hãy xin Chúa, qua lời chuyển cầu của Mẹ Maria Rất Thánh và của Thánh Agnes, cho Almo Collegio Capranica được tiếp tục theo đường lối của mình, trung thành với truyền thống lâu đời của mình cũng như với các giáo huấn của Công Đồng Chung Vaticanô II.

 

Các sinh viên thân mến, tôi hy vọng rằng hằng ngày anh em sẽ lập lại tận đáy lòng mình việc hiến dâng của anh em cho Thiên Chúa cũng như cho Hội Thánh, nên giống với Chúa Kitô mỗi ngày một hơn, Đấng là Vị Chủ Chiên Nhân Lành, Đấng đã kêu gọi anh em theo Người và làm việc trong vườn nho của Người.

 

Tôi cám ơn anh em về cuộc viếng thăm tốt đẹp này, và tôi hứa nguyện cầu cho anh em, tôi thân ái ban Phép Lành Tòa Thánh đặc biệt cho anh em và cho những người thân yêu của anh em.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch trực tiếp từ mạng điện toán toàn cầu của Tòa Thánh

 

http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/speeches/2007/january/documents/hf_ben-xvi_spe_20070119_finland-delegation_en.html

 

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ