GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ BA 13/3/2007

TUẦN III MÙA CHAY

 

?   Thông báo của Tòa Thánh sau Tuần Lễ viếng thăm Việt Nam 

?  Đức Gioan Phaolô II: Kết Giai Đoạn Giáo Phận trong Tiến Trình Phong Thánh cho Người Tôi Tớ Chúa

? Những Thiên Thần Khù Khờ (tiếp)

 

 

 

?  Thông báo của Tòa Thánh sau Tuần Lễ viếng thăm Việt Nam 

 

Phái đoàn đại biểu của Tòa Thánh được dẫn đầu bởi vị Thứ Trưởng Ngoại Giao của Tòa Thánh là Đức Ông Pietro Parolin, đã trở về Rôma hôm Thứ Hai 12/3/2007 sau 1 tuần lễ viếng thăm Việt Nam, 5-11/3/2007. Theo bản thông báo được phổ biến cùng ngày 12/3/2007 thì:

 

“Những cuộc họp với Tiểu Ban Tôn Giáo Vụ, dưới quyền chủ tọa của Ông Nguyễn Thế Doanh, được tổ chức trong một bầu không khí thân mật, thẳng thắn và trân trọng.

 

“Những cuộc họp này tạo cơ hội để xem xét việc áp dụng sắc lệnh về niềm tin và tôn giáo đề ngày 18/6/2004, một sắc lệnh phác họa chính sách của chính quyền Việt Nam về các vấn đề tôn giáo, về việc bổ nhiệm một số giám mục, cũng như về những đề tài khác liên quan tới đời sống và sinh hoạt của Giáo Hội Công Giáo ở Việt Nam”.

 

Trong cuộc viếng thăm này, phái đoàn đã gặp Đức Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Hòa giáo phận  Nha Trang, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, cũng như với tiểu ban thường trực về tôn giáo vụ của chính quyền là tiểu ban đề cao vai trò của cộng đồng Công Giáo ở xứ sở này.

 

Cũng theo bản thông báo thì về phía mình, “Tòa Thánh luôn hy vọng là người Công Giáo có thể đóng góp nhiều hơn nữa vào việc truyền bá những giá trị luân lý, nhất là liên quan tới việc huấn luyện giới trẻ, trong một thời gian xẩy ra những thay đổi nhanh chóng về kinh tế xã hội ở xã hội Việt Nam, cũng như liên quan tới việc cổ võ tình liên kết đối với những nhóm yếu kém trong dân chúng”.

 

Bản thông báo còn cho biết rằng “cả đôi bên đều nhấn mạnh tới sự kiện là vẫn còn những vấn đề tồn đọng có thể được đương đầu và giải quyết một cách thích đáng bằng việc thỏa hiệp với nhau, qua việc đối thoại nhẫn nại và xây dựng”.

 

Phái đoàn đại biểu cũng gặp gỡ những nhân vật khác nhau trong chính quyền liên quan tới vấn đề bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh. Bản thông báo viết: “Trong các dịp ấy, vấn đề bình thường hóa liên hệ với Tòa Thánh luôn được nêu lên”.

 

“Về vấn đề ấy”, bản thông báo cho biết thêm về thái độ của bên chính phủ Việt Nam như sau: “Bên Việt Nam bảo đảm rằng, theo những hướng dẫn của thủ tướng, thì những cơ quan liên hệ đang làm việc, và xem xét một số cách thức cụ thể để mở đầu cho tiến trình thiết lập liên hệ ngoại giao’.

 

Đặc biệt quan trọng là cuộc viếng thăm giáo phận Komtum, ở miền trung cao nguyên của xứ sở này, hầu hết là thành phần thiểu số sắc tộc, được gọi là ‘người thượng’, đã tham dự đông đảo vào các cuộc cử hành lễ nghi khác nhau.

 

Bản thông báo kết luận: ‘Phái đoàn đại biểu của Tòa Thánh đã mang đến cho tất cả mọi người niềm phấn khởi và phép lành của Đức Thánh Cha là vị được tín hữu tỏ những dấu hiệu hết sức cảm mến, sùng mộ và trung thành, hy vọng rằng chính Đức Thánh Cha một ngày kia có thể thực hiện một cuộc tông du mục vụ ở xứ sở ấy’.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được VIS và Zenit phổ biến ngày 12/3/2007

 

 

TOP

 

 

?  Đức Gioan Phaolô II: Kết Giai Đoạn Giáo Phận trong Tiến Trình Phong Thánh cho Người Tôi Tớ Chúa

Vào sáng Thứ Hai 2/4/2007, kỷ niệm đúng 2 năm băng hà của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, tại Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô, sẽ diễn ra một buổi kết thúc tiến trình điều tra phong thánh cấp giáo phận về đời sống, nhân đức và tiếng tăm thánh đức của vị cố giáo hoàng này.

Nhận được thông báo của vị cáo thỉnh viên án phong chân phước và phong thánh cho Đức Gioan Phaolô II là cha Slawomir Oder, ĐHY Camilo Ruini, tổng đại diện của ĐTC Biển Đức XVI ở Giáo Phận Rôma, đã tuyên bố tin này trong một bức thư gửi cho các vị linh mục, phó tế, tu sĩ nam nữ và giáo dân của thành phố này.

Buổi bắt đầu tiến trình điều tra phong thánh này được bắt đầu cũng ở cùng một Đền Thờ vào ngày 28/6/2005, non 3 tháng sau khi Đức Gioan Phaolô II băng hà, sau khi Đức Thánh Cha Biển Đức XVI châm chước giai đoạn đợi chờ 5 năm sau khi chết của một Người Tôi Tớ Chúa nào đó.

Giai đoạn điều tra thuộc cấp giáo phận đã xong, giờ đây các văn kiện và việc làm sẽ được chuyển sang Thánh Bộ Đặc Trách Án Phong Thánh để cứu xét và thực hiện.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được VIS phổ biến ngày 12/3/2007

 

 

TOP

 

? Những Thiên Thần Khù Khờ

 

Hướng về Mầu Nhiệm Phục Sinh và Canh Tân Cánh Chung

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

(tiếp 11 Chúa Nhật 12 Thứ Hai)

 

Về vấn đề chăm sóc cho con cái nói chung và cho “những thiên thần khù khờ” nói riêng, phải công nhận là Việt Nam ta, nhờ văn hóa còn nặng nhân bản hơn cá nhân chủ nghĩa và hưởng thụ chủ nghĩa như ở xã hội văn minh Tây phương, mà hầu như rất hiếm người bỏ con vào nhà trọ. Có thể con cái bỏ bố mẹ vào dưỡng lão, nhưng bố mẹ không bỏ con vào nhà nuôi, trừ trường hợp hết sức bất đắc dĩ. Điển hình là trường hợp của gia đình thi sĩ lão thành Đan Quế và Hương Khuê ở thành phố Orange cách đây 15 năm. Theo phận sự, tôi phải trình bày cho ông bà biết là cơ quan chúng tôi có cung cấp cả dịch vụ residential placement, nếu ông bà cảm thấy không coi sóc được người con gái gần 40 tuổi bị chậm phát triển của ông bà. Thoạt tiên ông bà hết sức chống lại dịch vụ ấy, nhất định có thế nào cũng giữ đứa con gái đáng thương của mình. Cùng lắm chỉ xin trung tâm chúng tôi cung cấp cho dịch vụ respite, tức dịch vụ tạm coi sóc thế mà thôi, để ông bà có giờ nghỉ ngơi hay có giờ sinh hoạt văn nghệ thường xuyên tại nhà với anh chị em nghệ sĩ, hoặc có giờ đi đâu chơi. Cuối cùng, ông bà đã phải yêu cầu đưa con đi, vì người con này đã có những hành vi cử chỉ unacceptable, như thoát y khi có khách khứa. Sau khi người con này được mang đi sống ở chỗ khác, hằng tuần ông bà đã đi xe bus đến thăm con.

 

Tôi rất cảm động khi thấy trong case load của tôi có những trường hợp anh chị em trong nhà săn sóc lẫn nhau, như có 2 trường hợp chị săn sóc em trai, 1 trường hợp chị săn sóc em gái và 1 trường hợp anh săn sóc em trai. Trường hợp nào cũng khó khăn vất vả. Có trường hợp chẳng những phải nấu nướng các món ăn đặc biệt cho họ ăn, mà còn mất giờ coi sóc không đi đâu được hết. Có trường hợp còn phải săn sóc cho đứa em bị bệnh nan trị và nguy tử của mình suốt mấy năm trời cuối đời của họ vô cùng cực nhọc. Có trường hợp hy sinh cho em mình đến ở vậy không lập gia đình mà vẫn bị đứa em có một trình độ phát triển thuộc loại high functioning luôn tỏ ra chẳng những không biết ơn còn bắt nạt nữa.

 

Mỗi lần đến thăm gia đình nào, hay thân chủ nào, tôi đều cảm thấy thông cảm chẳng những với thành phần chăm sóc cho “những thiên thần khù khờ” mà còn hết sức tội nghiệp cho “những thiên thần khù khờ” này của tôi nữa. Đối với chính bản thân “những thiên thần khù khờ” thì tôi có nói gì họ cũng đâu có hiểu. Bởi thế, tôi chỉ biết ngồi bên họ hay quì bên họ để sống những giây phút như họ, cũng cố gắng “khù khờ” như họ để có thể lắng nghe họ, nói chuyện với họ, thông cảm với họ và phục vụ họ. Ngoài ra, tôi cố gắng dùng lời lẽ thích hợp nhất để an ủi thành phần chăm sóc họ, nhất là mau mắn sẵn sàng đáp ứng những nhu cầu của họ cũng như của gia đình họ Tôi thường nói với thành phần phục vụ làm cha làm mẹ này rằng “có gì cần xin cứ gọi cho tôi, đừng ngại làm tôi mất giờ. Vì tôi làm việc là để phục vụ chứ không phải ngồi đó ăn lương”.

 

Có những lúc, chẳng cần họ phải hỏi han xin xỏ, tôi đã tự động cho thành phần chăm sóc này biết “những thiên thần khù khờ” của tôi có thể hưởng được thêm những dịch vụ nào của chính phủ và cố gắng giúp họ trong tầm tay của mình. Tôi luôn áp dụng nguyên tắc “suy bụng ta ra bụng người”, ở chỗ, cố gắng đáp ứng những nhu cầu hay yêu cầu của họ nhanh bao nhiêu có thể và được bao nhiêu có thể, như chính nhu cầu của tôi và yêu cầu của tôi. Vì khi tôi cần gì và muốn gì thì tôi mong được như ý càng sớm càng tốt và càng nhiều càng hay. Chính vì thế, tôi thực sự cảm thấy an ủi mỗi lần tôi giúp được một cái gì đó hay một chút gì đó cho thân chủ của tôi hay cho gia đình của họ, và niềm vui của họ chính là niềm vui của tôi. Chính vì thế, mỗi lần có người biếu xén tôi theo kiểu văn hóa Việt Nam, tôi bao giờ cũng nói với họ rằng, tôi đi làm ăn lương rồi, xin miễn  cho tôi những thứ phiền hà tới họ ấy. Lòng quí mến của họ đối với tôi là đủ lắm rồi. Niềm vui của tôi là được chia sẻ phục vụ. Nếu vị tế nhị, chẳng đặng đừng, tôi đành phải ra điều kiện như thế này: tôi chỉ nhận quà của quí vị với điều kiện, đó là món quà này là món quà đầu tiên và cũng là món quà sau hết.

 

Tuy nhiên, không ai trong họ có thể hiểu được rằng, món quà quí nhất tôi nhận được từ “những thiên thần khù khờ” này đó là việc tôi cảm nhận hết sức chân thật rằng tôi có phúc hơn họ về mặt tự nhiên, nên về mặt siêu nhiên, tôi phải sống xứng đáng với những gì tôi được may mắn hơn họ ấy, bằng cách thực tế nhất đó là cố gắng bù đắp cho họ những gì tôi có mà họ thiếu, không phải chỉ ở chỗ cảm thông trong lòng mà còn hết mình phục vụ họ nữa.

 

Đối với những gia đình đồng đạo cùng một niềm tin với mình, tôi thường nói với họ câu này: “Nước Trời thuộc về những người như con của anh chị / ông bà đây. Ở trên đời này cháu bọ thua thiệt đấy, nhưng nếu được lợi lãi mà mất linh hồn nào được ích gì thì Chúa đã chọn cho cháu phần tốt hơn rồi vậy!”

 

Đối với những gia đình đồng hương không cùng tín ngưỡng với mình, tôi cũng chia sẻ cảm nhận của mình như sau: “Tôi rất cảm phục anh chị / ông bà. Vì anh chị / ông bà thương cháu không hẳn chỉ vì cháu là con cái của anh chị / ông bà. Theo tự nhiên, mình đâu muốn có những đứa con như thế. Việt Nam ta còn muốn con cái học giỏi và công thành danh toại nữa kià. Đằng này, cho dù biết là có hy sinh trọn đời cho cháu, cháu cũng chẳng biết anh chị / ông bà là cha mẹ của cháu và có thể trả ơn anh chị / ông bà, anh chị / ông bà vẫn hy sinh cho một con người cao quí là con anh chị / ông bà đây! Đó mới là tình yêu vị tha, tình yêu cao quí và tuyệt vời trong một xã hội chỉ biết hưởng thụ ngày nay. Ông Trời đã bù trừ cho khuyết tật bất hạnh của cháu bằng cách ban cho cháu có những người cha mẹ đầy yêu thương như anh chị / ông bà đây. Nếu hạnh phúc là viên mãn yêu thương, và ơn gọi làm người là sống cho người khác thì anh chị / ông bà đã thực sự tuôn tràn hạnh phúc của mình ra cho một con người đáng thương như người con của anh chị / ông bà đây vậy”.

 

(còn tiếp)

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ