GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ SÁU 2/3/2007

TUẦN I MÙA CHAY

 

?   Chiến dịch vĩ đại của Đức Giáo Hoàng Piô XII

?  Theo bức thông điệp thì "Đấng Cứu Chuộc Nhân Loại" là ai?   

?  “Tôi xin long trọng ký thác thế giới cho Lòng Thương Xót Chúa”

 

 

 

?  Chiến dịch vĩ đại của Đức Giáo Hoàng Piô XII

 

Phỏng vấn nữ tu Margherita Marchione

 

(tiếp 28 Thứ Tư 1 Thứ Năm)

 

Vấn: Nữ tu có ý kiến gì về tiến trình phong thánh của ĐGH Piô XII không?

 

Sr. Marchione: Tôi được biết tiến trình phong thánh đang diễn tiến nhanh chóng. Từ khi ĐGH Piô XII qua đời, mọi vị giáo hoàng từ ĐGH Gioan XXIII cho đến ĐGH Benedictô XVI đã ghi nhận sự thánh thiện của ngài.

 

Thực ra, trong thông điệp Giáng Sinh đầu tiên của ĐGH Gioan XXIII, ngài đã tuyên dương vị tiền nhiệm là: “Một vị bác sĩ tối cao, ánh sáng của Giáo hội mẹ, người yêu mến lề luật Chúa”.

 

Vấn: Chúng ta cần học hỏi gì nơi vị giáo hoàng này?

 

Sr. Marchione: Hàng ngàn tài liệu sẵn có trong Văn khố bí mật của TT Vatican ghi lại công việc nhân đạo của Tòa Thánh. ĐGH Piô XII đã điều hành chương trình cứu trợ vĩ đại nhất trong lịch sử Giáo hội Công giáo và là ánh sáng hy vọng suốt nhiệm kỳ giáo hoàng của ngài, các năm 1939-1958.

 

Ngài đã biết rằng những lời lên án thẳng thắn sẽ làm hại đến các hoạt động cứu trợ và kích động thêm những hành động trả đủa dữ tợn. Bằng cách ‘ngoại giao’ thay vì ‘chạm trán’ ngài đã cứu vớt hàng nghìn người theo đạo Do Thái và Kitô giáo khỏi cái chết trong các trại tập trung.

 

Ngài là một anh hùng luân lý: một con người quan tâm đến cả người Do Thái lẫn người Kitô giáo và chiến đấu không ngừng cho hòa bình. Trong nhiều lời nguyện của ngài là lời nguyện “10 điều răn hòa bình”. Chiến dịch của ngài là chiến dịch từ thiện!

 

Sự chứng mình bằng tài liệu sẽ cho thấy một cách thuyết phục rằng suốt thời gian trước, và thời gian diễn ra Đệ nhị thế chiến, TT Vatican đã dùng thanh thế luân lý, tài chánh hạn chế, và mạng lưới liên hệ vô thường để hành động đều đặn nhằm bảo vệ mạng sống và nhân phẩm con người.

 

Hoạt động nhân đạo của TT Vatican được biết đến qua chính lời nói của một lãnh đạo Nazi là Adolf Eichmann, người đã bị kết án trong phiên tòa tại Nuremberg. Trong hồi ký của ông, ông đã rõ ràng cho hay TT Vatican đã “phản đối kịch liệt việc người Do Thái bị bắt bớ, yêu cầu hành động này phải chấm dứt; ngược lại, Đức Giáo Hoàng đã lên án công khai”.

 

Vấn: Điều gì về ĐGH Piô XII gây cảm hứng cho nữ tu?

 

Sr. Marchione: Chắc chắn là lần tôi được gặp ĐGH Piô XII vào năm 1957. Tôi mới 17 tuổi khi ngài lãnh nhận chức vị giáo hoàng vào ngày 2, tháng 3 năm 1939. Lúc ấy tôi là một nữ tu trẻ, tu hội của tôi có sự liên kết đặc biệt với chức vị giáo hoàng từ năm 1707, khi ấy ĐGH Clementê XI kêu gọi các nữ tu trong hội dòng mở trường học ở Roma.

 

Như đa số người Công giáo cùng thế hệ với tôi, tôi rất kính trọng vị Giáo hoàng mới, mà mọi người cho là “Vị Giáo hoàng của hòa bình”. Chuyến đi đến nước Ý đầu tiên của tôi là tháng 5, 1957, trên phương diện là một Học giả Garibaldi của trường đại học Columbia. Cùng với cô gái cháu của ngài là Elena Pacelli, tôi đã có cơ hội gặp ĐGH Piô XII trong Đền Thờ thánh Phêrô.

 

Ánh mắt sâu sắc của ngài đâm sâu vào trong tâm hồn tôi khi chúng tôi ngồi trò chuyện thân tình với nhau. Chúng tôi nói chuyện về việc nghiên cứu thi hào Clemente Rebora mà tôi đang thực hiện, về các nữ tu tại Hoa Kỳ, về gia đình của tôi.

 

Tôi vẫn còn thấy được một vóc dáng cao, trang nghiêm, và chiêm niệm, cùng với một ánh mắt trong sáng, một nụ cười dịu dàng, và những cử chỉ vui tươi. Ngài có một cá tính rất thu hút, trí óc thông minh và tinh thần cao thượng. Khi tôi nghĩ về ĐGH Piô XII, tôi có rất nhiều cảm hứng.

 

Vấn: Nữ tu đang làm gì để cổ võ cho sự thật về ĐGH Piô XII?

 

Sr. Marchione: Chúng ta đang đến gần dịp kỷ niệm 50 năm ĐGH Piô XII qua đời, ngày 9.10.1958, tôi đã yêu cầu tổ chức Yad Vashem công nhận và tuyên dương ngài là “người công chính giữa muôn dân tộc” sau khi đã chết.

 

Ngài đã bỏ quên mạng sống của mình để cứu giúp người Do Thái khi thành phố Roma bị phe Nazi chiếm giữ. Người Do Thái tin tưởng mạnh mẻ vào công lý và chân lý. Tôi cũng muốn tổ chức Yad Vashem sửa chữa lời nhận định dưới bức chân dung của ĐGH Piô XII, là điều ngược với sự thật và bất công. Điều này phải được bác bỏ.

 

Lời nhận định cho rằng: “Sự phản ứng của ĐGH Piô XII trước việc người Do Thái bị giết trong thời điểm Holocaust - Diệt Chủng Tế  Thần là điều mang tính bất đồng. Năm 1933, khi còn là bí thư của TT Vatican, để duy trì quyền lợi của Giáo hội tại Đức, ngài đã ký giao ước với chế độ Nazi với cái giá phải công nhận chế độ duy chủng này. Khi ngài được bầu chọn vào ngôi vị giáo hoàng năm 1939, ngài đã gác qua một bên thông điệp chống chủ nghĩa duy chủng và chống đạo Do Thái mà vị tiền nhiệm đã soạn”.

 

Lời tuyên bố này sai lệch. ĐGH Piô XII đã viết thông điệp riêng của ngài, “Summi Pontificatus”, trong đó bàn về chủ nghĩa duy chủng.

Lời nhận định tiếp như sau: “Mặc dầu những thông cáo về người Do Thái bị giết đến văn phòng TT Vatican, nhưng Đức Giáo Hoàng đã không phản đối bằng cách phát biểu bằng lời nói hay giấy mực”.

 

Điều này không đúng. Khi ĐGH Piô XII phát biểu, bọn Nazi trả đủa ngay lập tức. Có hơn 60 lời phản đối!

 

Từ ngữ ở Yad Vashem nói rằng: “Tháng 12, năm 1942, ngài không tham gia vào việc lên án bởi các thành viên của phe đồng mình về việc người Do Thái bị giết. Ngay cả khi người Do Thái bị trục xuất ra khỏi Roma đến Auschwitz, ĐGH đã không can thiệp”.

 

ĐGH thực sự đã can thiệp. Sau ngày đầu tiên đó, quân SS đã được chỉ đạo ngừng di tản người Do Thái ra khỏi Roma.

 

Lời nhận định nói thêm: “Ngài đã giữ lập trường trung lập ngoại trừ lúc cuộc chiến gần kết thúc, lúc ấy ngài đã phát biểu ủng hộ chính phủ các nước Hung Gia Lợi và Tiệp Khắc. Sự thinh lặng và thiếu chỉ đạo buộc giới giáo sĩ ở Âu châu phải quyết định cách độc lập lối xử sự với người Do Thái bị đàn áp”.

 

Điều này không đúng. Các thành viên của Giáo hội được chỉ đạo phải bảo vệ tất cả người tị nạn và người Do Thái.

 

Nếu lời nhận định được sửa chữa và ĐGH Piô XII được tuyên dương là “người công chính” bởi tổ chức Yad Vashem ở nước Do Thái, điều này có nghĩa cuối cùng người Do Thái công nhận những điều tốt mà ĐGH Piô XII đã làm trong việc cứu giúp hàng nghìn người Do Thái, mà chính người Do Thái đã làm chứng điều đó.

 

Trong lời mở đầu tại phiên tòa Eichmann ngày 17.4.1961, Tổng Biện Lý Gideon Hausner của Do Thái đã tuyên bố rằng: “Chính Đức Giáo Hoàng đã can thiệp cho người Do Thái bị bắt giữ tại Roma”.

 

Có một số sử gia tiếp tục bỏ qua vô số chứng từ của những người làm chứng thời nay. Các sử gia có thể chứng minh rằng những tố cáo chống lại ĐGH Piô XII là sai lệch hay không? Chân lý và công bình đòi hỏi việc lượng định lại đối với những lời tấn công chống đối ĐGH Piô XII cho rằng ngài đã ‘thinh lặng”, “mang tội đạo đức” hay “theo chủ nghĩa chống người Do Thái”. Phải chăng Hitler có ý muốn bắt cóc Đức Giáo Hoàng? Câu trả lời là “có”.

 

Tuy nhiên, tổ chức Yad Vashem đòi hỏi phải có hai chứng từ của người gốc Do Thái cho rằng họ đã được cứu giúp, hay họ có biết người, hay có nghe về những người Do Thái được Đức Giáo Hoàng cứu giúp. Lời chứng từ phải được công chứng. Những người bạn của ZENIT có thể giúp tìm ra những lời chứng từ này.

 

Rev Antôn Lê Ngọc Phúc Đức, SVD, chuyển dịch từ tài liệu được mạng điện toán toàn cầu phổ biến ngày 6/10/2006 

 

TOP

 

 

?  Theo bức thông điệp thì "Đấng Cứu Chuộc Nhân Loại" là ai?   

 

ĐTC GPII: Thông Điệp Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần “Redemptor Hominis” (ban hành Chúa Nhật I Mùa Chay 4/3/79

Giáo Hội phải hướng về "Đấng Cứu Tinh Nhân Loại" trong thời điểm một mùa vọng mới của Giáo Hội, là vì, trong dự án cứu rỗi của Thiên Chúa và theo công cuộc cứu rỗi của Thiên Chúa, "Đấng Cứu Chuộc Nhân Loại là Chúa Giêsu Kitô, trung tâm điểm của vũ trụ và của lịch sử" (đoạn 1, đây là câu mở đầu cho cả bức thông điệp) 

"Đấng Cứu Chuộc Nhân Loại" là Chúa Giêsu Kitô, trung tâm điểm của vũ trụ:

"Đấng Cứu Chuộc của thế gian! Nơi Người tỏ hiện, bằng một đường lối mới mẻ và tuyệt vời hơn, chân lý nền tảng liên quan đến việc tạo dựng mà Sách Khởi Nguyên chứng tỏ qua những lần lập đi lập lại: 'Thiên Chúa thấy nó tốt lành' (đoạn 1). Sự tốt lành bắt nguồn nơi Đức Khôn Ngoan và Tình Yêu Thương. Nơi Chúa Giêsu Kitô, thế giới hữu hình mà Thiên Chúa dựng nên cho con người (x.Gen 1:26-30), một thế giới mà khi tội lỗi đột nhập 'đã lụy thuộc vào sự hư hoại' (Rm 8:20, x.Rm 8:19-22), phục hồi được mối liên hệ với nguồn mạch thần linh nguyên thủy của Đức Khôn Ngoan và của Tình Yêu Thương...

"Khi phân tách một cách sâu xa 'cái thế giới tân tiến này', Công Đồng Chung Vaticanô II đã tiến đến một điểm quan trọng nhất của thế giới hữu hình, đó là con người, bằng cách, như Chúa Kitô, tiến sâu vào ý thức con người và bằng cách chạm đến mầu nhiệm nội tại của con người, cái mà ngôn ngữ thánh kinh cũng như không phải thánh kinh đã diễn tả bằng chữ 'trái tim'. Đức Kitô, Đấng Cứu Chuộc thế gian, là Đấng đã thấu nhập vào mầu nhiệm của con người một cách đặc thù và dứt khoát, cũng như Người đã đi vào 'tâm can' của họ. Bởi thế, Công Đồng Vaticanô II đã có lý khi dạy rằng: 'Sự thật đó là chỉ có ở nơi mầu nhiệm của Lời Nhập Thể mà mầu nhiệm của con người mới được sáng tỏ. Vì Adong, con người đầu tiên, kiểu mẫu của Đấng phải đến (Rm 5:14) là Chúa Kitô. Chúa Kitô, một tân Adong, trong việc mạc khải mầu nhiệm về Cha và về tình yêu của Cha, đã hoàn toàn tỏ cho con người biết về chính con người họ và làm sáng tỏ ơn gọi cao cả nhất của con người'. Công Đồng tiếp: 'Đấng là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình (Col 1:15), tự Mình là một con người hoàn hảo, Đấng đã phục hồi nơi giòng dõi Adong cái tương tự giống như Thiên Chúa đã từng bị nguyên tội làm biến dạng đi. Bản tính loài người, nhờ được mặc lấy chứ không bị mất đi trong Người, đã được nâng lên nơi chúng ta tới một phẩm vị khôn sánh. Vì, nhờ Việc Nhập Thể của Người, Người, là Con Thiên Chúa, một cách nào đó, đã hiệp nhất mình với mỗi một người. Người đã làm việc với đôi tay nhân loại, Người đã suy nghĩ với trí khôn nhân loại. Người đã tác động với ý muốn nhân loại, và Người đã yêu thương với trái tim nhân loại. Được sinh hạ bởi Trinh Nữ Maria, Người thực sự là một ngưòi trong chúng ta, giống như chúng ta trong mọi sự ngoại trừ tội lỗi' (Gaudium et Spes, đoạn 22). Người là Đấng Cứu Chuộc Nhân Loại". (đoạn 8). 

Đấng Cứu Chuộc Nhân Loại là Chúa Giêsu Kitô, trung tâm điểm của lịch sử

"Chúng ta, một cách nào đó, cũng đang ở trong một Mùa Vọng mới, một mùa đợi trông: 'Xưa kia, bằng nhiều thể nhiều cách, Thiên Chúa đã nói với cha ông chúng ta qua các vị tiên tri; nhưng trong những ngày sau hết này Ngài đã nói với chúng ta qua Người Con...' (Heb 1:1-2), Người Con đó là Lời của Ngài, Đấng làm người, được sinh ra bởi Trinh Nữ Maria. Hành động cứu chuộc này đã đánh dấu một điểm son nơi lịch sử loài người trong dự án yêu thương của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã đi vào lịch sử nhân loại, và như là một con người, Ngài đã trở nên một người đi làm lịch sử này (an actor in that history), một người trong muôn ngàn triệu triệu con người, song đồng thời cũng Chuyên Biệt (Unique)! Qua việc Nhập Thể, Thiên Chúa đã ban cho sự sống con người một chiều kích mà Ngài đã định ban cho con người ngay từ ban đầu: Ngài đã ban cho họ chiều kích này một cách dứt khoát - bằng một đường lối dành riêng cho một mình Ngài mà thôi, hợp với tình yêu và lòng thương vĩnh hằng của Ngài, hợp với niềm tự do của Thiên Chúa - và Ngài đã cũng ban nó bằng một lòng bao dung để chúng ta, khi xét đến nguyên tội và suốt giòng lịch sử tội lỗi của nhân loại, cũng như xét đến những lầm lẫn của trí khôn con người, ý muốn và con tim của mình, có thể bồi hồi lập lại những lời của phụng vụ thánh: 'Ôi lỗi lầm diễm phúc (happy fault)... đã làm cho chúng ta được một Đấng Cứu Chuộc cao cả như vậy' (Tụng ca Lễ Vọng Phục Sinh)..." (đoạn 1).

"Thập giá trên đồi Canvê mà Chúa Giêsu Kitô - một Con Người, Con của Trinh Nữ Maria, được nghĩ là con của Giuse Nazarét - 'để lại' cho thế giới này, cũng là một biểu hiện mới mẻ về tình phụ tử đời đời của Thiên Chúa, Đấng mà trong Người, một lần nữa, đến gần nhân loại, gần với mỗi một con người, khi ban cho Người 'Thần chân lý' (Jn16:13) ba lần thánh.

"Việc mạc khải này của Cha và việc tuôn đổ Thánh Linh để đóng một niêm ấn không phai nhòa trên mầu nhiệm cứu chuộc đã nói lên ý nghĩa của cây thập giá và cái chết của Đức Kitô. Vị Thiên Chúa của việc tạo dựng được mạc khải như là một Vị Thiên Chúa của việc cứu chuộc, như Vị Thiên Chúa 'trung tín với chính mình' (1Thes 5:24), cũng như trung tín với tình yêu thương của Ngài đối với nhân loại và thế gian, một tình yêu Ngài đã mạc khải vào ngày tạo dựng. Tình yêu của Ngài là một tình yêu không rút lui trước bất cứ một cái gì đòi Ngài phải dùng đến phép công thẳng. Bởi thế, 'vì chúng ta, (Thiên Chúa) đã làm cho Người (Con) là Đấng không biết đến tội lỗi thành tội lỗi' (2Cor 5:21; x.Gal 3:13). Nếu Người 'thành tội lỗi', Người là Đấng không bao giờ có một tội lỗi nào, thì tỏ ra rằng tình yêu luôn luôn cao trọng hơn tất cả tạo vật, một tình yêu là chính Mình Người, vì 'Thiên Chúa là tình yêu' (Jn 4:8,16). Trên tất cả mọi sự, tình yêu vĩ đại hơn cả tội lỗi, hơn cả yếu đuối, hơn cả 'tình trạng hư hoại của tạo vật' (Rm 8:20); nó mạnh hơn cả sự chết; nó là một tình yêu luôn luôn sẵn sàng để nâng cao và tha thứ, luôn luôn sẵn sàng để đi gặp người con hoang đàng (x.Lk 15:11-32), luôn luôn mong đợi 'cuộc thể hiện của con cái Thiên Chúa' (Rm 8:18) là thành phần được kêu gọi 'đến vinh quang sẽ được tỏ hiện' (Thánh Tomas tiến sĩ). Việc mạc khải của tình yêu này cũng được diễn tả như mạc khải của lòng thương xót; và trong lịch sử của con người, mạc khải của tình yêu và lòng thương xót này đã mặc một hình thức và mang một danh hiệu: đó là Giêsu Kitô" (đoạn 9)

"Con người không thể nào sống mà không yêu thương. Họ mãi là một hữu thể không hiểu được mình, đời sống của họ vô nghĩa, nếu tình yêu không tỏ hiện cho họ thấy, nếu họ không gặp gỡ tình yêu, nếu họ không cảm nghiệm được nó và làm cho nó thành của mình, nếu họ không mật thiết liên kết với nó. Đó là, như đã nói đến, lý do tại sao Đức Kitô Đấng Cứu Chuộc 'hoàn toàn tỏ cho con người biết về chính con người họ'. Nếu chúng ta cần diễn tả, thì đây là chiều kích nhân loại của mầu nhiệm của việc cứu chuộc. Trong chiều kích này, con người, một lần nữa, tìm được sự cao cả, phẩm vị và giá trị thuộc về nhân tính của họ. Nơi mầu nhiệm của việc cứu chuộc, con người được 'thể hiện' một cách mới mẻ, và, một cách nào đó, được tạo dựng một cách mới mẻ. Con người được tạo dựng một cách mới mẻ! 'Không còn Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, nam hay nữ; vì anh em tất cả là một trong Đức Giêsu Kitô' (Gal 3:28). Con người muốn hiểu mình hoàn toàn - không chỉ hợp với những tiêu chuẩn và mức độ trực tiếp, bán phần, thường nông cạn, hay ảo tưởng về hữu thể mình - họ phải đến gần Chúa Kitô, với nỗi khắc khoải và lo âu của họ, cả với nỗi yếu đuối và tội lỗi của họ, với sự sống và cái chết của họ. Như thế, họ phải vào trong Người với tất cả cái tôi riêng của họ, họ phải 'thích hợp' và đồng hóa với toàn thể thực tại của mầu nhiệm Nhập Thể và Cứu Chuộc để tìm thấy chính mình. Nếu tiến trình sâu xa này xẩy ra nơi họ, thì họ mới sinh hoa trái, chẳng những nơi việc tôn thờ Thiên Chúa, mà còn nơi cả sự bỡ ngỡ lạ lùng về mình nữa. Con người qúi hóa là chừng nào trước mắt của Hóa Công, khi họ 'được một Đấng Cứu Chuộc cao cả như vậy' (tụng ca Lễ Vọng Phục Sinh), và khi Thiên Chúa 'đã ban Con duy nhất của mình' để con người 'không phải chết nhưng được sự sống đời đời' (Jn 3:16).

"Trong thực tế, danh hiệu làm chúng ta bỡ ngỡ lạ lùng ở nơi giá trị và phẩm vị của con người đó là Phúc Âm, nghĩa là: Tin Mừng. Nó cũng được gọi là Kitô giáo. Sự bỡ ngỡ lạ lùng này, còn là một niềm xác tín và chân thực - nơi những gốc rễ sâu xa nhất của nó, nó cũng là sự chân thực của đức tin, song trong một đường lối kín đáo và huyền nhiệm, nó làm sống động mọi phương diện nhân bản đích thực - gắn liền với Chúa Kitô. Nó cũng sửa lại vị thế của Chúa Kitô - tức quyền lợi công dân riêng biệt của Người - trong lịch sử của con người (man) và của nhân loại (mankind)..." (đoạn 10).

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tái liệu của VIS phổ biến ngày 9/3/2004

 

TOP

 

 

?  “Tôi xin long trọng ký thác thế giới cho Lòng Thương Xót Chúa”

 

ĐTC GPII hiến dâng loài người ở Đền Thờ Chúa Tình Thương Balan cho “Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần”

 

Thế rồi, vào thời điểm vị giáo hoàng không phải người Ý sau 455 năm xuất hiện “từ một xứ sở xa xăm” này về thăm quê hương lần cuối cùng vào mùa hè năm 2002, loài người bấy giờ đã ở vào một tình trạng nguy vong đến độ ngài đã phải chính thức và long trọng hiến dâng thế giới, một thế giới khốn khổ thảm thương về mọi lãnh vực, cho Lòng Thương Xót Chúa tại ngôi Đền Thờ Chúa Tình Thương vào ngày Thứ Bảy 17/8/2002: 

 

“Anh Chị Em thân mến!

 

“1.        Hôm nay Tôi muốn lập lại những lời đơn sơ và chân thành này của Thánh Nữ Faustina để hợp với thánh nhân cũng như với tất cả anh chị em tôn thờ mầu nhiệm khôn thấu và khôn lường của tình thương Thiên Chúa. Như Thánh Faustina, chúng ta muốn loan báo rằng, ngoại trừ tình thương của Thiên Chúa, không còn một nguồn hy vọng nào khác cho loài người nữa. Chúng ta cần tin tưởng lập lại rằng: Lạy Chúa Giêsu, con tin tưởng nơi Chúa!

 

Việc loan báo này, việc tuyên xưng lòng tin tưởng vào tình yêu toàn năng của Thiên Chúa là việc đặc biệt cần thiết ở thời đại chúng ta đây, khi mà nhân loại đang trải qua một tình trạng biến loạn trước những xuất hiện của sự dữ. Việc kêu cầu lòng thương xót Chúa cần phải được vang lên từ thẳm cung của các cõi lòng đầy những khổ đau, băn khoăn về tương lai và sống trong bất ổn, đồng thời lại trông mong một nguồn hy vọng vững chắc. Đó là lý do tại sao chúng ta đến đây hôm nay, đến Ngôi Đền Thờ Lagiewniki này, để một lần nữa thoáng thấy nơi Chúa Kitô dung nhan của Thiên Chúa Cha: ‘Người Cha của tình thương và là Thiên Chúa của tất cả mọi niềm ủi an’ (2Cor 1:3). Bằng con mắt linh hồn của mình, chúng ta mong nhìn vào đôi mắt của Chúa Giêsu nhân hậu, để thấy được sâu xa trong ánh mắt của Người những gì phản ảnh nội tâm của Người, cũng như thấy được ánh sáng ân sủng là những gì chúng ta đã thường xuyên lãnh nhận, và là những gì Thiên Chúa ban lại cho chúng ta mỗi ngày cũng như vào ngày cuối cùng của cuộc đời chúng ta.

 

“5.-      ‘Lạy Cha hằng hữu, vì tội lỗi của chúng con và của toàn thế giới, con xin dâng lên Cha Mình Máu, Linh Hồn và Thiên Tính của Con Cha yêu dấu là Chúa Giêsu Kitô; vì những sự khốn khó của Cuộc Người Khổ Nạn, xin Cha thương đến chúng con và toàn thế giới’ (Nhật Ký, 476). Thương đến chúng con và toàn thế giới… Thế giới ngày nay cần đến tình thương của Thiên Chúa biết bao! Nơi hết mọi lục địa, từ vực sâu khốn khổ của loài người, tiếng kêu cầu xót thương dường như đang vang dậy. Nơi nào thù hằn và đòi rửa hận thống trị, nơi nào chiến tranh mang lại đau thương và chết chóc cho thành phần vô tội, thì ở đó cần đến ân sủng tình thương để ổn định lòng trí con người và tạo lập hòa bình. Nơi nào thiếu hụt lòng trọng kính sự sống và phẩm vị con người thì ở đó cần đến tình yêu nhân hậu của Thiên Chúa, Đấng mà trong ánh sáng của Ngài, chúng ta thấy được giá trị khôn tả của hữu thể con người. Cần phải có tình thương để bảo đảm rằng hết mọi bất công trên thế giới này sẽ được kết thúc trong chân lý rạng ngời.

 

Thế nên, hôm nay đây, tại Đền Thánh này, Tôi xin long trọng ký thác thế giới cho Lòng Thương Xót Chúa. Tôi làm như vậy với một lòng thiết tha mong ước thấy sứ điệp của tình yêu nhân hậu Thiên Chúa, được loan báo nơi đây qua Thánh Faustina, cũng được tất cả mọi dân tộc trên thế giới biết đến và làm cho lòng họ tràn đầy niềm hy vọng. Chớ gì sứ điệp này, từ nơi đây, chiếu tỏa ra cho quê hương thân yêu của chúng ta cũng cho khắp thế giới. Chớ gì lời hứa quyết của Chúa Giêsu được nên trọn, ở chỗ, từ nơi đây phải chiếu giãi ra ‘tia sáng sửa soạn thế giới cho lần đến cuối cùng của Cha’ (x Nhật Ký, 1732)”.

 

Đúng thế, vị giáo hoàng “đến từ một xứ sở xa xôi” là Balan này,  đã kêu gọi Giáo Hội nói riêng và thế giới nói chung qua bài giảng Thánh Lễ đăng quang giáo triều của mình Chúa Nhật 22/10/1978 là “Đừng sợ! Hãy mở rộng cửa cho Chúa Kitô”. Trong khi đó, qua “vị thánh đầu tiên của đệ tam thiên niên kỷ” được vị giáo hoàng Balan phong thánh Chúa Nhật Thứ Hai Phục Sinh 30/4/2000, và qua dịp phong thánh này ngài cũng đã chính thức lập Lễ Chúa Tình Thương đúng như thời điểm Chúa muốn, chính Chúa Giêsu đã khẳng định về ngày cùng tháng tận, về dấu báo ngày cùng tháng tận này, đặc biệt về ý nghĩa của “cửa” được vị giáo hoàng của Lòng Thương Xót Chúa kêu gọi trên đây như sau: 

 

·     "Hãy nói cho thế giới biết về tình thương của Cha; tất cả loài người hãy nhân biết tình thương khôn dò của Cha. Đó là dấu hiệu cho ngày cùng tháng tận; sau đó sẽ là ngày của công lý. (Nhật Ký, 848)

·     

      "Trước khi Cha đến như một quan phán công chính, trước hết Cha mở rộng cửa tình thương của Cha. Ai không chiu qua cửa tình thương của Cha thì phải qua cửa công lý của Cha...." (Nhật Ký, 1146)

·       

      “Trước ngày công thẳng, dân chúng sẽ được thấy một dấu hiệu trên các tầng trời như thế này: Tất cả ánh sáng trên các tầng trời sẽ bị tắt hết, và bóng tối khủng khiếp sẽ bao trùm cả trái đất. Đoạn trên bầu trời sẽ xuất hiện hình bóng cây thánh giá, và từ những kẽ hở của các bàn tay chân bị đóng đanh của Chúa Cứu Thế sẽ phát ra những ánh sáng cả thể chiếu soi mặt đất trong một khoảng thời gian. Điều này sẽ xẩy ra không lâu trước ngày cùng tận”. (Nhật Ký, 83)

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ