GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ BẢY 3/3/2007

TUẦN I MÙA CHAY

 

?   Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria - Nguyên Tắc Thứ Ba: Chúng ta cần phải thoát ly những gì là xấu xa nơi chúng ta.

?  Tại sao thế giới tân tiến ngày nay cần đến "Đấng Cứu Chuộc Nhân Loại"? 

?  “Thế giới này cần phải hiểu biết và chấp nhận Lòng Thương Xót Chúa biết bao!”

 

 

 

?  Nguyên Tắc Thứ Ba: Chúng ta cần phải thoát ly những gì là xấu xa nơi chúng ta.

 

Thánh Long Mộng Phố: "Luận Về Lòng Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria"

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển  dịch theo bản A nh ngữ

 

78.       Những hành động tốt đẹp nhất của chúng ta thường bị vương tì ố và hư hại do bởi sự dữ xuất phát từ chúng ta. Khi thứ nước tinh khiết, trong trẻo được đổ vào một cái bình có mùi hôi, hay khi rượu được đổ vào một cái thùng trước kia đựng thứ rượu khác chưa tráng rửa, thì thứ nước trong trẻo và rượu ngon lành ấy bị ô nhiễm và liền xông mùi khó chịu. Cũng thế, khi Thiên Chúa đổ vào linh hồn của chúng ta, một linh hồn bị nhiễm nguyên tội và phạm tội, những thứ nước trời ân sủng của Ngài hay các thứ rượu ngon tình yêu của Ngài, thì những tặng ân ấy của Ngài thường bị hư hại và ô uế bởi sự dữ đóng cặn bởi tội lỗi trong chúng ta.  Các hành động của chúng ta, cho dù là những hành động của nhân đức cao cả nhất, tỏ lộ những hậu quả của nó. Bởi thế, vấn đề hết sức hệ trọng ở đây là, trong việc tìm kiếm sự trọn lành là những gì chỉ có thể đạt được nhờ hiệp nhất với Chúa Giêsu, chúng ta cần phải thoát ly tất cả những gì là sự dữ trong chúng ta. Bằng không, Vị Chúa vô cùng tinh tuyền  của chúng ta, Đấng hết sức ghê tởm những gì là tì ố nhỏ nhất trong linh hồn của chúng ta, sẽ không chịu liên kết chúng ta với Người và sẽ đuổi chúng ta đi khuất nhan Người.

 

79.       Để tước lột bản thân mình cho khỏi tính vị kỷ, trước hết, nhờ ánh sáng của Thánh Linh, chúng ta cần phải hoàn toàn nhận thức về bản tính bị ô nhơ của chúng ta. Tự mình chúng ta không thể nào làm được bất cứ điều gì mang lại lợi ích cho phần rỗi của chúng ta. Tình trạng yếu hèn của chúng ta là những gì hiển nhiên ở trong tất cả mọi sự chúng ta làm, và chúng ta là người thường không đáng tin cậy. Chúng ta không xứng đáng lãnh nhận bất cứ ơn nào của Chúa. Khuynh hướng phạm tội của chúng ta luôn có đó. Tội lỗi của Adong hầu như hoàn toàn làm chúng ta bị hư hại và nặc mùi, nó làm cho chúng ta tràn đầy những kiêu căng và làm băng hoại hết mọi người chúng ta, nó như men làm chua, làm ủng và làm hư mất đấu bột có thứ men này. Các thứ tội lỗi thực sự chúng ta đã vấp phạm, dù nặng hay nhẹ, cho dù được thứ tha, là những gì làm gia tăng những ước muốn hèn hạ của chúng ta, tình trạng yếu hèn của chúng ta, tính chất bất nhất của chúng ta và các khuynh hướng xấu xa của chúng ta, và lưu lại nơi linh hồn của chúng ta một thứ cặn sự dữ.

 

Thân thể của chúng ta bị băng hoại đến nỗi chúng được Thánh Linh nói tới như là những thân thể của tội lỗi, như được cưu mang và nuôi dưỡng trong tội lỗi, và có thể phạm bất cứ thứ tội nào. Chúng có thể bị hằng ngàn thứ yếu đau, hằng ngày bị bại hoại đi và trở thành trú sở cho bệnh hoạn, dòi bọ và hư hoại. 

 

Linh hồn của chúng ta, nên một với thân thể của chúng ta, đã trở thành nhục thể đến nỗi được gọi là xác thịt. “Tất cả mọi xác thịt đều đã làm hư hoại đi đường lối của mình”. Tính kiêu hãnh và tình trạng mù quáng trong tâm thần, tình trạng cứng lòng, yếu đuối và bất nhất của linh hồn, những xu hướng xấu, những đam mê phản loạn, những tật bệnh của xác thân, chúng ta có thể gọi tất cả những điều ấy là của chúng ta. Tự bản chất, chúng ta kiêu căng hơn cả những con công, chúng ta dính liền với trái đất này hơn là những con cóc, chúng ta đê tiện hơn cả những con dê, ghen tị hơn là những con rắn, tham ăn hơn cả những con lợn, hung dữ hơn là những con cọp, lười biếng hơn cả những con rùa, yếu đuối hơn là những cây sậy, và thay đổi hơn cả những chong chóng hứng gió. Chúng ta chẳng có gì trong chúng ta ngoài tội lỗi, chỉ đáng Chúa nổi cơn thịnh nộ và sa hỏa ngục đời đời.

 

80.       Vậy thì tại sao Chúa của chúng ta đã ấn định là ai muốn làm môn đệ của Người thì phải từ bỏ chính mình và ghét bỏ chính sự sống của mình? Người đã làm sáng tỏ là ai yêu sự sống mình thì sẽ mất nó, còn ai ghét sự sống mình thì lại giữa được nó. Vậy, Chúa của chúng ta, Đấng là Sự Khôn Ngoan vô cùng và không ban bố những giới luật vô lý, đòi chúng ta phải ghét bản thân  mình chỉ vì chúng ta hết sức xứng đáng bị ghét. Không gì đáng yêu mến hơn Thiên Chúa thế nào thì cũng chẳng có gì đáng ghét hơn là bản thân.

 

81.       Sau nữa, để bản thân chúng ta trở nên trống rỗng, chúng ta cần phải hằng ngày chết đi cho bản thân mình. Điều này cần chúng ta từ bỏ những gì thúc đẩy chúng ta làm bởi các tài năng của linh hồn và những giác quan của thân xác. Chúng ta cần phải nhìn như thể không thấy, nghe như thể không nghe và sử dụng những sự vật trên thế gian này như không hưởng dùng. Đó là những gì được Thánh Phaolô gọi là ‘việc chết đi hằng ngày’. Nếu hạt lúa miến rơi xuống đất không chết đi thì nó vẫn còn nguyên là một hạt miến chẳng sinh hoa trái gì. Nếu chúng ta không chết đi cho chính mình và nếu những việc tôn sùng thánh hảo nhất của chún g ta không dẫn chúng ta tới cái chết cần thiết và hiệu năng này, thì chúng ta không sinh hoa kết trái xứng đáng và các việc tôn sùng của chúng ta sẽ chẳng còn sinh lợi ích. Tất cả những việc lành của chúng ta sẽ bị ô uế bởi tự ái và ý riêng, khiến cho các việc hy sinh cao cả nhất của chúng ta cũng như những hành động tốt đẹp nhất của chúng ta sẽ không đáng Chúa chấp nhận. Bởi thế mà khi tới giờ chết, chúng ta mới thấy mình chẳng có nhân đức và công lênh gì, và mới khám phá ra rằng chúng ta không có được lấy một tia nào của tình yêu tinh tuyền chỉ được Thiên Chúa chia sẻ với những ai đã chết cho chính mình và sống đời ẩn thân với Chúa Giêsu Kitô trong Ngài.

 

82.       Sau hết, chúng ta cần phải chọn lấy trong số tất cả những việc sùng kính Đức Trinh Nữ việc nào làm cho chúng ta chết đi cho bản thân mình chắc chắn hơn. Việc tôn sùng ấy sẽ là việc tôn sùng làm cho chúng ta nên thánh nhất và nên thánh trên hết. Vì chúng ta không được tin rằng tất cả những gì lộng lẫy hào nhoáng đều là vàng, tất cả những gì ngọt ngào đều là mật, hay tất cả những gì dễ làm và được nhiều người làm đều là thánh hảo nhất. Giống như về tự nhiên có những thứ bí quyết giúp chúng ta có thể thực hiện một số sự việc nào đó một cách mau chóng, dễ dàng và ít tốn kém thế nào, thì đời sống thiêng liêng cũng có những thứ bí quyết giúp chúng ta có thể thi hành các việc làm một cách nhanh chóng, xuôi thuận và dễ dàng như thế. Những việc làm này chẳng hạn như là việc làm cho bản thân chúng ta không còn tự ái, làm cho bản thân chúng ta đầy tràn Thiên Chúa và đạt được sự trọn lành.

 

Việc tôn sùng tôi có dự định dẫn giải là một trong những thứ bí mật về ân sủng ấy, vì nó vốn chưa được hầu hết Kitô hữu biết tới. Chỉ có một ít người sốt sắng biết về nó, và nó cũng vẫn mới được một ít người thực hiện cùng cảm nhận mà thôi. Để bắt đầu giải thích cho việc tôn sùng này thì đây là sự thật thứ tư, hệ quả của sự thật thứ ba. 

 

 

TOP

 

 

?  Tại sao thế giới tân tiến ngày nay cần đến "Đấng Cứu Chuộc Nhân Loại"?

 

ĐTC GPII: Thông Điệp Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần “Redemptor Hominis” (ban hành Chúa Nhật I Mùa Chay 4/3/1979)

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, phân tích học hỏi

"Đấng Cứu Chuộc Nhân Loại là trung tâm điểm của tạo vật và của lịch sử" như vậy, nên thế giới tân tiến ngày nay cần đến Người hơn bao giờ hết, vì trong mùa vọng mới của Giáo Hội này,

- Thế giới tân tiến đang sống trong lo âu sợ hãi bởi cái họ làm ra;

- Thế giới tân tiến đang phàt triển trong một mối đe dọa bị mất đi chính mình bằng nhiều  hình thức;

- Thế giới tân tiến đang vi phạm đến quyền lợi của con người được chính mình phác họa ra. 

Thế giới tân tiến đang sống trong lo âu sợ hãi bởi cái họ làm ra

"Con người ngày nay hình như chưa bao giờ bị đe dọa bởi cái họ làm ra như vậy, nghĩa là từ thành qủa của việc do bàn tay họ làm, và còn hơn thế nữa, của công việc do lý trí con người nghĩ ra cũng như của những khuynh hướng do ý con người muốn. Tất cả những gì do hoạt động đa diện này của con người sản xuất ra, thường bằng một đường lối không thể nào thấy trước được, rất là nhanh chóng, chẳng những nó gây nên 'sự tách biệt' (alienation), ở chỗ nó thường lấy đi khỏi con người là tác nhân sản xuất ra chúng, mà hơn thế nữa, nó còn trở mặt phản lại chính con người, ít là một phần nào đó, qua những hậu quả gián tiếp nó tác dụng khi trả về cho họ. Nó được và có thể được nhắm thẳng vào con người. Điều này có thể tạo nên một màn thảm kịch chính yếu cho việc hiện hữu con người ngày nay trong một chiều kích rộng nhất và phổ quát của nó. Bởi thế, con người đang sống trong nỗi sợ hãi gia tăng. Họ sợ cái họ sản xuất ra - dĩ nhiên không phải là tất cả những cái ấy, hay hầu hết những thứ ấy, nhưng là một phần của nó, đích xác hơn là cái phần chứa đựng một thừa hưởng đặc biệt bởi tài năng và sự sáng tạo của họ - có thể phản lại chính họ tận gốc rễ; họ sợ rằng nó có thể trở thành phương tiện và dụng cụ cho một cuộc tự diệt không thể nào tưởng tượng nổi, so với tất cả những hủy hoại dữ dội và những hủy diệt bất ngờ trong lịch sử mà chúng ta biết đến thì chỉ là một bóng mờ. Điều này gợi lên một vấn đề là: Tại sao quyền năng được ban cho con người từ ban đầu để họ làm chủ trái đất (cf. Gen 1:28) lại quay ra chống lại họ, gây ra một tình trạng bất an không sao hiểu được, một nỗi sợ hãi ý thức hay vô thức, cũng như một mối nguy hiểm, mà trong những cách thức khác nhau, được truyền lan đến cả gia đình nhân loại ngày nay, và đang thể hiện dưới những phương diện khác nhau?...

"Việc phát triển về kỹ thuật và về văn minh hiện đại, được đánh dấu bằng tình trạng dẫn đầu của kỹ thuật, đòi phải có một phát triển cân xứng về luân lý và đạo đức. Đối với ngày nay thì việc phát triển về luân lý và đạo đức này, bất hạnh thay, luôn luôn bị quên sót..." (đoạn 15).

Thế giới tân tiến đang phát triển trong một mối đe dọa bị mất đi chính mình bằng nhiều hình thức

"Bởi thế, nếu trong thời điểm của chúng ta, thời điểm đang tiến đến tận cùng đệ nhị thiên niên của kỷ nguyên Kitô giáo, tỏ ra mình là một thời điểm phát triển lớn lao, thì nó cũng được thấy như là một thời điểm của mối đe dọa đối với con người bằng nhiều hình thức... Tình trạng của con người trong thế giới tân tiến này thật sự xa rời khỏi những đòi hỏi khách quan của trật tự luân lý, khỏi những đòi hỏi của công lý, và còn hơn thế nữa, của tình yêu thương trong xã hội... Ý nghĩa chính yếu của 'vương chức' (kingship) và 'chủ quyền' (dominion) của con người trên thế giới hữu hình mà Chính Tạo Hóa trao cho con người như công việc của họ, hệ tại việc đạo đức ưu tiên hơn kỹ thuật, con người chính yếu hơn sự vật, và tinh thần trọng hơn vật chất.

"Đây là lý do tại sao tất cả những giai đoạn của việc phát triển hiện nay phải được cẩn thận theo dõi. Mỗi một giai đoạn của việc phát triển đó, có thể nói, được rọi chiếu (x-rayed) từ quan điểm này (quan điểm vừa được nhắc đến ở câu cuối cùng đoạn trên đây). Vấn đề là con người thăng tiến không phải chỉ là việc tăng bội những sự vật mà người ta có thể hưởng dụng. Nó là một vấn đề - như một triết gia hiện đại đã nói cũng như Công Đồng đã phát biểu - không phải 'có hơn' (having more) mà 'là hơn' (being more) (Gaudium et Spes, đoạn 35). Thật vậy, đã có thể thấy được một cơn nguy biến ở chỗ, trong khi việc con người làm chủ trên thế giới sự vật đang tạo nên những phát triển khổng lồ, thì họ liều mất đi những cái cốt yếu làm nên chủ quyền của mình, và bằng nhiều cách thức khác nhau, để cho nhân tính của mình lụy thuộc vào thế gian, rồi chính mình cũng trở nên một vật làm tôi phục vụ cho sự lạm dụng dưới nhiều hình thức - sự lạm dụng này thường không trực tiếp thấy được - qua toàn thể cơ cấu của cuộc sống chung, qua hệ thống sản xuất và qua áp lực từ phương tiện truyền thông xã hội. Con người không thể nào vùi dập bản thân mình hay vị trí của mình trong cái thế giới hữu hình là một thế giới thuộc về họ; họ không thể nào trở nên nô lệ cho sự vật, nô lệ cho những cơ cấu kinh tế, nô lệ cho việc sản xuất, nô lệ cho những sản phẩm riêng của mình" (đoạn 16). 

Thế giới tân tiến đang vi phạm đến quyền lợi của con người được chính mình phác họa ra

"Thế kỷ này, cho đến nay, vẫn là một thế kỷ của những hủy hoại lớn lao đối với con người, của những tàn phá vĩ đại, chẳng những về vật chất mà còn cả về luân lý, thực sự là thế, có lẽ trên hết là về mặt luân lý. Đồng ý là, về phương diện này, việc so sánh thời đại này hay thế kỷ này với thời đại khác hay thế kỷ khác không phải là một việc dễ dàng, vì điều này còn lệ thuộc vào những tiêu chuẩn lịch sử. Tuy nhiên, dù không mang ra so sánh chăng nữa, người ta cũng không thể nào không nhận thấy rằng thế kỷ này, cho tới nay, vẫn là một thế kỷ mà người ta đã gây ra cho nhau nhiều bất công và khổ đau. Diễn tiến này đã được dứt khoát chế ngự chưa? Dầu sao đi nữa, về điểm này, chúng ta cũng không thể nào không nhớ lại, bằng một nhận thức và hy vọng sâu xa hướng về tương lai, một nỗ lực sáng chói đã ban sức sống cho Tổ Chức Liên Hiệp Quốc, một nỗ lực dẫn đến việc định nghĩa và thiết lập những quyền lợi khách quan và bất khả xâm phạm của con người, mà những chính quyền là phần tử trong tổ chức này buộc nhau phải cương quyết tuân hành. Cuộc dấn thân nỗ lực này đã được hầu hết mọi chính quyền hiện nay chấp nhận và ưng chuẩn, sự kiện này tạo nên một bảo đảm về quyền lợi con người, làm nó thành một nguyên tắc hoạt động cho an sinh của con người trên khắp thế giới...

"Bất chấp những luận cứ (premises) này, các quyền lợi con người vẫn đang bị vi phạm bằng nhiều hình thức, khi mà, trong thực hành, chúng ta thấy trước mắt có những trại tập trung, bạo lực, hành hạ, khủng bố, và kỳ thị dưới nhiều thể cách, thì sự kiện này phải là hậu quả của những chủ trương khác đang gặm nhấm và hầu như thường vô hiệu hóa những nền tảng nhân bản của những tổ chức và dự án hoạt động tân tiến này. Đối với hiện trạng như thế, cần phải có một trách nhiệm trong việc liên tục điều chỉnh những dự án hoạt động, dựa trên quan điểm về các quyền lợi khách quan và bất khả xâm phạm của con người.

"Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền gắn liền với việc thành lập Tổ Chức Liên Hiệp Quốc, chắc chắn theo mục tiêu của mình, không những bắt nguồn từ những kinh nghiệm kinh hoàng gây ra bởi Thế Chiến vừa qua, mà còn nhắm đến việc tạo nên một căn bản để liên tục điều chỉnh những dự án hoạt động, những tổ chức và những chế độ, được thực sự dựa trên quan điểm căn bản duy nhất này, tức là dựa trên tình trạng an sinh của con người - hay chúng ta cũng có thể nói là dựa trên con người trong cộng đồng - là cái mà, như một yếu tố chính yếu trong vấn đề công ích, tạo nên một tiêu chuẩn thực sự cho tất cả mọi dự án hoạt động, mọi tổ chức và mọi thể chế. Nếu xẩy ra ngược lại như thế, thì cuộc sống con người, ngay cả trong thời bình, phải gánh chịu những khổ đau khác nhau, rồi cùng với những đau khổ này, còn phát triển những hình thức khác nhau của việc thống trị (dominion), của chế độ độc tài chuyên chế (totalitarianism), của chế độ tân thực dân (neocolonialism) và của chế độ đế quốc (imperialism), làm nên một mối đe dọa cho cuộc sống hòa hợp với nhau giữa các quốc gia. Thật vậy, nó là một sự kiện quan trọng, được kinh nghiệm lịch sử xác nhận đi xác nhận lại, cho thấy là việc vi phạm đến quyền lợi của con người đi liền với việc vi phạm đến quyền lợi của các nước, nơi con người hiệp lại bằng những liên hệ có tổ chức như là một gia đình lớn hơn...

"... Thật thế, những mối lo âu sợ hãi rất thường gợi lên cho chúng ta thấy rằng chúng ta còn xa vời với việc hiện thực hóa (nhân quyền) này, và, có những lúc, tinh thần của đời sống xã hội công cộng lại đi ngược một cách đau xót với 'chữ nghĩa' của nhân quyền. Tình trạng của những sự thể này đang đè nặng trên những tổ chức liên hệ sẽ phải chịu trách nhiệm đối với họ cũng như đối với lịch sử con người trong việc góp phần hình thành nó" (đoạn 17).

 

TOP

 

 

?  “Thế giới này cần phải hiểu biết và chấp nhận Lòng Thương Xót Chúa biết bao!”

 

 Bài Huấn Từ Truyền Tin Cuối Cùng của ĐTCGPII như Di Chúc cho Giáo Hội về Lòng Thương Xót Chúa
 

Vào lúc 8 giờ tối ngày Thứ Bảy Đầu Tháng mùng 2/4/2005, cũng là tối áp Chúa Nhật Thứ Hai Phục Sinh, một Thánh Lễ vọng Kính Lòng Thương Xót Chúa đã được cử hành tại tông phòng của vị giáo hoàng đã thiết lập Lễ Kính Lòng Thương Xót Chúa trong dịp phong thánh cho nữ tu Faustina người Balan của ngài vào Chúa Nhật Thứ Hai Phục Sinh ngày 30/4 trong Đại Năm Thánh 2000, ngày Chúa Nhật Chúa Giêsu mong muốn Giáo Hội thiết lập như Lễ Kính Lòng Thương Xót của Người.

 

Thế rồi, sau Thánh Lễ Kính Lòng Thương Xót Chúa này 1 tiếng rưỡi, vị giáo hoàng “đến từ một xứ sở xa xôi” là Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II được Chúa Giêsu đã tiên báo cho chị Faustina biết như “một tia sáng phát hiện từ Balan để sửa soạn thế giới cho lần đến cuối cùng của Cha” (Nhật Ký, 1732), đã vĩnh viễn ra đi vào lúc 9 giờ 37 phút, sau hai tháng cuối đời đã cố gắng hoàn tất những gì còn thiếu nơi cuộc Khổ Nạn của Chúa Kitô đã chịu vì Nhiệm Thể Giáo Hội của Người.  

 

Để rồi, vào ngày hôm sau, Chúa Nhật Lễ Chúa Tình Thương, sau Thánh Lễ, vào lúc ngài vẫn thường ban huấn dụ tại Quảng Trường Thánh Phêrô, trước khi nguyện Kinh Truyền Tin quanh năm hay Kinh Lạy Nữ Vương vào Mùa Phục Sinh, Giáo Hội vẫn còn được nghe thấy những lời di chúc sau hết của ngài, đó là sứ điệp ngài đã dọn sẵn cho ngày Chúa Nhật Lễ Chúa Tình Thương 3/4/2005 hôm ấy, sau khi ngài đã nằm xuống!

 

Vậy, để đáp ứng lời thiết tha mời mọc Hãy đến với Chacủa Vị Thiên Chúa Làm Người, một lời mời mọc đã được âm vang qua lời kêu gọi “Đừng Sợ, Hãy Mở Rộng Cửa Cho Chúa Kitô”, một lời kêu gọi Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã ngỏ cùng thế giới vào chính ngày Lễ Đăng Quang khai triều của ngài, Chúa Nhật 22/10/1978, cũng là lời ngài đã lập lại vào dịp kỷ niệm ngân khánh giáo hoàng 25 năm của ngài, Thứ Năm 16/10/2003, còn là lời được chính đức tân Giáo Hoàng Biển Đức XVI lập lại vào cuối bài giảng Lễ Đăng Quang của mình Chúa Nhật 24/4/2005, chúng ta hãy ôn lại nguyên văn sứ điệp như lời di chúc cuối cùng của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II sau đây:

 

1.         Lời Alleluia Phục Sinh vui lên cũng âm vang vào ngày hôm nay nữa. Bài Phúc Âm của Thánh Gioan hôm nay nói lên rằng Đấng Phục Sinh, vào đêm hôm đó, đã hiện ra với các vị Tông Đồ và “đã tỏ cho các vị thấy đôi tay và cạnh sườn của Người” (Jn 20:20), tức là cho thấy những dấu hiệu của Cuộc Khổ Nạn đau thương còn hằn vết bất khả xóa mờ trên thân xác của Người cả sau khi Người Phục Sinh. Những thương tích hiển vinh này, những thương tích mà 8 ngày sau đó Người đã cho người tông đồ Tôma nghi ngờ chạm tới, đã cho thấy tình thương của Thiên Chúa “vì Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con duy nhất của mình” (Jn 3:16).

 

Mầu nhiệm yêu thương này là tâm điểm của phụng vụ hôm nay, Chúa Nhật được giành để tôn thờ Lòng Thương Xót Chúa.

 

2.         Chúa Kitô phục sinh đã hiến ban cho nhân loại, một nhân loại có những lúc dường như bị lạc mất và bị thống trị bởi quyền lực sự dữ, bởi cái tôi và bởi sợ hãi, tặng ân tình ngài yêu thương, một tình yêu tha thứ, hòa giải và phục hồi tinh thần hy vọng. Đó là một tình yêu hoán cải tâm can và ban phát an bình. Thế giới này cần phải hiểu biết và chấp nhận Lòng Thương Xót Chúa biết bao!

 

Lạy Chúa, Đấng đã tỏ tình yêu thương của Chúa Cha qua Cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Chúa ra, chúng con tin tưởng vào Chúa và tin tưởng lập lại cùng Chúa hôm nay rằng: Lạy Chúa Giêsu, con tin tưởng nơi Chúa, xin thương xót chúng con và toàn thế giới.

3.         Phụng vụ trọng thể của Lễ Truyền Tin là lễ sẽ được cử hành ngày mai, đưa chúng ta đến việc chiêm ngưỡng mầu nhiệm vĩ đại của tình yêu nhân hậu xuất phát từ Thánh Tâm Chúa Giêsu này bằng ánh mắt của Mẹ Maria. Nhờ Mẹ giúp đỡ, chúng ta có thể hiểu được ý nghĩa đích thực của niềm vui phục sinh là niềm vui được căn cứ vào niềm tin tưởng rằng Đấng được Đức Trinh Nữ cưu mang trong lòng, Đấng đã khổ nạn và tử giá vì chúng ta, đã thực sự phục sinh. Alleluia Hãy Vui Lên!

Theo di chúc hay ước nguyện cuối cùng này của mình, ĐTC GPII, vị giáo hoàng thứ 264 của Giáo Hội, với một giáo triều dài 26 năm rưỡi, một giáo triều được mở màn bằng Thông Điệp “Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần – Redemptor Hominis”, vị giáo hoàng “vui mừng và hy vọng” của “Giáo Hội trong Thế Giới Tân Tiến” này thực sự muốn để lại cho cả Giáo Hội lẫn toàn thể nhân loại, “một nhân loại”, như ngài cảm nhận, “có những lúc dường như bị lạc mất và bị thống trị bởi quyền lực sự dữ, bởi cái tôi và bởi sợ hãi”, đó là di chúc ngài mong ước được thấy, như ngài nói: “Thế giới này cần phải hiểu biết và chấp nhận Lòng Thương Xót Chúa biết bao!” Thế nhưng, để được như vậy, để nhân loại có thể “chấp nhận Lòng Thương Xót Chúa” như ngài mong muốn, Giáo Hội nói chung, phải trở thành Tông Đồ của Lòng Thương Xót Chúa, ở chỗ, như ngài kêu gọi trước khi kết thúc sứ điệp của mình, Giáo Hội cần phải thực hiện: “Việc chiêm ngưỡng mầu nhiệm vĩ đại của tình yêu nhân hậu xuất phát từ thánh tâm Chúa Giêsu này bằng ánh mắt của Mẹ Maria”. 

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ