GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ NĂM 19/4/2007

MÙA PHỤC SINH - TUẦN 2

 

?  Tân Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Quê Hương, Thiên Tài và Danh Nghiệp

?  Tân Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Một con người khổ hạnh mà vui tính

? Tân Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Hội Đồng Thế Giới Chư Giáo Hội hưởng ứng trước ý hướng đại kết Kitô giáo của ngài

 

 

KỶ NIỆM 2 NĂM TÂN GIÁO HOÀNG BIỂN ĐỨC XVI (19/4/2005-2007)

 

 

?  Tân Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Quê Hương, Thiên Tài và Danh Nghiệp

 

ĐTGM Edwin Josef Ender, vị đại diện người Đức của Giáo Hoàng ở thủ đô Bá Linh Đức quốc, đã chia sẻ với mạng điện toán toàn cầu Zenit, như được Zenit phổ biến ngày 21/4/2005, về nhận định của mình về thái độ chung chung của dân chúng trong việc chấp nhận vị tân giáo hoàng và việc dấn thân đại kết Kitô giáo của vị tân giáo hoàng, như sau.

 

Trước hết, về thái độ của dân chúng trước vị tân giáo hoàng, vị TGM này cho biết: “Việc chấp nhận ngài dĩ nhiên không hào hứng bằng cuộc tuyển chọn Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, vì vào bấy giờ hoàn cảnh lịch sử ở Balan rất khác biệt. Chúng ta hãy nhìn về tương lai và hãy gạt sang một bên các cuộc tranh luận”.

 

Sau nữa, về việc dấn thân đại kết, vị TGM này cho biết: “Tôi lạc quan về các thứ liên hệ đại kết; dĩ nhiên là vấn đề này lệ thuộc vào cả đôi bên, thế nhưng ngài sẽ dấn thân như vị tiền nhiệm của ngài. ĐHY Ratzinger chắc chắn là không cần biết hay học về vấn đề đại kết; ngài xuất thân từ một mảnh đất không phải là nơi có người Công Giáo và Tin Lành mà là nơi của những người có tín ngưỡng và vô tín ngưỡng.

 

“Cuộc cải cách đại thể bao giờ cũng cần phải trở về với nguồn mạch của mình, với Phúc Âm, và ngài sẽ làm như vậy. Tôi đã gặp ngài vào năm 1981 khi ngài còn làm việc ở Văn Phòng Quốc Vụ Khanh, và tôi có thể nói cùng quí vị là ngài là con người đầy hứa hẹn, ngài có cả một tầm vóc tâm linh.

 

“Hôm qua, trên truyền hình, người anh của Vị Giáo Hoàng đã nhắc lại là một hôm, vào những năm trước đây, (Joseph Ratzinger) đã nói rằng ngài thích danh xưng ‘Biển Đức’ đối với các vị giáo hoàng. Tôi nghĩ rằng khi quyết định lấy danh hiệu này ngài cũng đã chịu ảnh hưởng bởi mảnh đất sinh trưởng Bavaria của ngài là nơi có đầy những đan viện Biển Đức”.

 

Còn ĐHY Karl Lehmann, TGM giáo phận Mainz kiêm chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức, lại thấy rằng việc bầu chọn tân Giáo Hoàng Biển Đức XVI này “như là một dấu hiệu quan trọng cho việc Đức Quốc hoàn toàn với cộng đồng chư quốc của thế giới”, sau Thế Chiến Thứ Hai 6 thập niên.

 

Vị hồng y này là 1 trong những vị đã bỏ phiếu bầu đức tân giáo hoàng còn cho biết việc ngài chọn danh hiệu giáo hoàng “thực sự là lạ lùng”.

 

Giáo Hoàng Biển Đức là vị giáo hoàng trong thời Thế Chiến Thứ I, ngoài việc ban hành Thông Điệp “Ad Beatissimi Apostolorum” để kêu gọi hòa bình và phân tích các nguyên nhân gây ra chiến tranh, ngài còn thiết lập Tuần Bát Nhật Hiệp Nhất Kitô Giáo (từ 18 đến 25/1 lễ Thánh Phaolô Tông Đồ như Tòa Thánh vẫn cử hành hằng năm cho tới nay) vào năm 1916. 

 

Vị Hồng Y chủ tịch hội đồng giám mục Đức quốc này cho biết:

 

“Thật là may mắn thay gần 60 năm sau khi kết thúc Thế Chiến Thứ Hai, chúng ta hãy nghĩ riêng đến ngày Đức quốc đầu hàng, thì có một vị hồng y người Đức đã được chọn bầu vào vị thế cao nhất của Giáo Hội. Nhiều người không nghĩ rằng điều này có thể xẩy ra sau những biến cố kinh hoàng ấy, những biến cố vẫn còn trước mắt, đã xẩy ra trong thế kỷ 20 tại Đức. Vì thế, đó cũng là một dấu hiệu quan trọng cho thấy việc Đức Quốc hoàn toàn quay về với cộng đồng thế giới chư quốc, một cộng đồng cũng được phản ảnh nơi Giáo Hội Công giáo. Tận đáy lòng mình, chúng tôi xin cám ơn các vị hồng y tuyển bầu về dấu hiệu quan trọng này. Nó là những gì phấn khởi cho quốc gia của chúng tôi ở nhiều khía cạnh…

 

“Phần tử của cuộc mật nghị hồng y bầu tân giáo hoàng này, thành phần đến từ các lục địa, đã chọn vị trưởng hồng y đoàn là hồng y Joseph Ratzinger, một con người của Giáo Hội, con người mà đối với các vị là biểu hiệu sống động của chứng từ liên tục nơi Giáo Hội, chứng từ được nâng đỡ bởi Thánh Kinh và Truyền Thống giáo hội qua mọi thế kỷ, một con người can trường bảo toàn tính chất vững chắc của đức tin bất chấp tất cả mọi đổi thay, một thần học gia thiên phú nổi tiếng khắp thế giới trong nhiều thập niên và là một trong những phụ tá viên thân cận nhất của Đức Gioan Phaolô II, vị mà mấy ngày trước khi chết, trong những gì đàm thoại giữa hai người với nhau, đã ngỏ lời cám ơn ngài về việc đóng góp quí báu của ngài”.

 

Vị hồng y giáo phận Mainz này còn nhận định hoạt động của Đức Hồng Y Joseph Ratzinger với vai trò là Tổng Trưởng Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin như sau: “Ngài đã chu toàn một trong những việc tinh tế nhất, tức là bảo tồn yếu tính của đức tin Công giáo nguyên vẹn giữa tất cả mọi đổi thay về tâm linh, xã hội và thần học…. Hầu như hiển nhiên là, bất chấp những ý kiến khác nhau, kể cả trong chính Giáo Hội, không phải là tất cả mọi người đều có thể hay muốn theo ngài,… ngài vẫn, ở các nơi, kể cả nơi thành phần chống đối, được tôn kính về những công nghiệp thần học của ngài và được nhìn nhận về lòng can đảm chống thỏa hiệp của ngài nơi cuộc đối thoại và tranh luận với các lực lượng hiện đại”.

 

Cuối cùng, vị hồng y chia sẻ này còn nói đến “vai trò quan trọng” của ngài “đối với việc canh tân Giáo Hội trong Công Đồng Chung Vaticanô II”: “Chắc chắn một điều về nguyên tắc ngài chủ trương liên quan tới những nỗ lực và đối thoại đại kết với các Giáo Hội Cải Cách và Đông Phương. Nó đã thể hiện ở nhiều sách vở đã được phổ biến của ngài trên 50 năm qua”.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến

 

TOP

 

 

?  Tân Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Một con người khổ hạnh mà vui tính

 

Trong bài viết được tờ nhật trình Corriere della Sera phổ biến hôm Thứ Tư 20/4/2005, ký giả Ý Vittorio Messori, người là đồng tác giả tác phẩm “Ratzinger Report” xuất bản năm 1984, đã nói rằng hình ảnh “Panzer-Kardinal” về ngài là sai. Trái lại, ngài là một con người “khiêm tốn”, “thân ái” và “thông cảm”. Vị ký giả này cho biết tại sao ông đã viết bài báo này là vì ông nhận thấy rằng ông “là đồng tác giả về một cuốn sách với Đức cố Giáo Hoàng và một cuốn sách khác với vị vừa được tuyển bầu”.

 

Thật vậy, vào năm 1994, ký giả này đã cộng tác vào việc xuất bản cuốn “Vượt Qua Ngưỡng Cửa Hy Vọng” của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II. Vị ký giả này cũng gặp ĐHY Ratzinger để thực hiện một loạt phỏng vấn vào mùa hè năm 1984 ở Tyrolean Alps.

 

Vị hồng y người Bavarian, vị mới nhận vai trò làm tổng trưởng Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin chưa đầy ba năm trước, đã sống mấy ngày nghỉ ngơi ở một chủng viện thuộc một tỉnh nhở vùng Bressanone. Ngài đã trả lời thẳng thắn nhiều câu hỏi của vị ký giả này. 

 

“Cái huyền thoại, và, đáng buồn nữa là, cái hận thù về ý hệ của nhiều người, ở giới giáo sĩ chẳng hạn, đã cho rằng ngài là một Panzer-Kardinal, một con người chính thống cuồng tín phi nhân, một hậu duệ thực sự của những vị đại Thẩm Phán thuộc pháp đình xử những vụ lạc đạo. Ratzinger thực sự, chứ không phải là một thứ hoang đường, là một trong những con người có một tấm lòng nhân từ, thông cảm, thân tình, thậm chí e dè tôi chưa từng thấy”.

 

Vị ký giả này còn cho biết thêm về đời tư của vị tân giáo hoàng như thế này. Ngài là một “con người khổ hạnh”. Vào “buổi chiều, các nữ tu ở chủng viện Bressanone mang một khay đựng nào là sôcôla và trà nóng cùng với các thứ bánh mặn và bánh ngọt do các nữ tu làm. Tôi, và chỉ có một mình tôi, ăn mà thôi. Còn Ngài Hồng Y thì chỉ có một ly nước lạnh nhấp từ từ mà thôi”.

 

Thế nhưng, vị ký giả này còn nói thêm là vấn đề Đức Hồng Y này sống “một thứ khổ hạnh (ngược lại với thứ khổ hạnh của rất nhiều người cuồng tín về luân lý) ngài chỉ áp dụng cho ngài mà không đòi kẻ khác phải làm theo”.

 

Ngài còn là một “con người, trong số những điều khác, có máu khéo khôi hài, dễ mỉm cười. Tôi nhớ có một buổi chiều khi chúng tôi đang ngồi ở bàn với nhau, sau khi ngài đã nhận được một phần thưởng, ngài muốn tôi nói cho ngài nghe một chuyện diễu nào đó được đồn đại về ngài ở các giáo xứ. Tôi đã nói với ngài một số truyện như thế và tôi thấy rằng ngài thực sự là vui tính”.

  

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, theo Zenit

 

 

TOP

 

 

? Tân Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Hội Đồng Thế Giới Chư Giáo Hội hưởng ứng trước ý hướng đại kết Kitô giáo của ngài

 

Trước hết, để đáp lại mấy lời chúc mừng của tôn sư trưởng Do Thái ở Rôma Riccardo di Segni, hôm Thứ Tư 20/4, đức tân Giáo Hoàng đã gửi một sứ điệp ngắn hồi âm ngỏ ý muốn tiếp tục đối thoại với dân Do Thái. Sứ điệp của ĐTC ngắn gọn như sau:

 

“Xin Chúa xót thương và chúc lành cho chúng ta; xin ánh sáng của Ngài chiếu trên chúng ta. Vào ngày 19/4/2005, các vị hồng y của Hội Thánh Rôma đã chọn tôi làm Giám Mục Rôma và Mục Tử của Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ. Để loan báo việc tôi được chọn bầu và long trọng đăng quang cho giáo triều của mình vào Chúa Nhật 24/4, lúc 10 giờ sáng, tôi tin tưởng vào ơn trợ giúp của Đấng Toàn Năng để tiếp tục đối thoại và củng cố vấn đề hợp tác với những người con cái của nhân dân Do Thái. Vatican ngày 20/4/2005. Biển Đức XVI”.

 

Sau khi nhận được sứ điệp hồi âm của ngài, vị tôn sư trưởng này đã cho biết: “Tôi hài lòng và biết ơn về sứ điệp hợp thời, quan trọng và ý nghĩa này”.

 

Đối với Hội Đồng Thế Giới Chư Giáo Hội (the World Council of Churches), một tổ chức bao gồm 347 giáo hệ phái và cộng đồng giáo hội trên 100 quốc gia và lãnh thổ, với hơn 400 triệu Kitô hữu, mục sư Samuel Kobia, tổng thư ký của tổ chức này và là mục sư của Giáo Hội Methodist ở Kenya, trong cuộc phỏng vấn với mạng điện toán toàn cầu Zenit (được phổ biến ngày Thứ Sáu 22/4/2005), đã nhận định về ý hướng quyết tâm đẩy mạnh cuộc đối thoại hiệp nhất Kitô giáo của vị tân Giáo Hoàng.

 

Vấn:        Vị Giáo Hoàng này đã lấy “việc dấn thân chính” của ngài là hoạt động để tái thiết “vấn đề hiệp nhất trọn vẹn và hữu hình của Kitô hữu”. Tôi cho rằng điều này chắc hẳn làm cho ông vui mừng.

 

Đáp:        Quả thực tôi rất sung sướng thấy rằng Vị Biển Đức XVI đã coi rất trọng hoạch định này trong các ưu tiên của ngài “mối hiệp nhất trọn vẹn và hữu hình của Kitô hữu”, là mục tiêu tối hậu của phong trào đại kết và là lý do hiện hữu của Hội Đồng Thế Giới Chư Giáo Hội. 

 

Nếu tôi phác họa “bản liệt kê những điều ước muốn” của riêng mình đối với giáo triều này thì đầu bản liệt kê ấy sẽ là việc tái dấn thân về phần Giáo Hội Công Giáo Rôma đối với việc cởi mở đại kết của Công Đồng Chung Vaticanô II, một công đồng có quan niệm về một Giáo Hội cởi mở với các giá trị giáo hội hiện hữu nơi các Kitô hữu thuộc những truyền thống khác.

 

Nếu Vị Biển Đức XVI muốn tiến sâu vào những mối liên hệ và hợp tác với các Giáo Hội Kitô Giáo khác, và mạo hiểm đi vào các con đường mới để có thể mang chúng ta lại gần nhau hơn với mối hiệp thông trọn vẹn hơn bao giờ hết thì ngài sẽ thấy nơi Hội Đồng Thế Giới Chư Giáo Hội này một đồng bạn sẵn sàng đi với ngài tới đâu ngài muốn.

 

Vấn:        Giáo Hoàng Biển Đức XVI ý thức được sự kiện là “những cảm tình tốt lành cũng chưa đủ mà còn cần phải có những cử chỉ cụ thể nữa”. Cử chỉ cụ thể nào ông trông đợi nơi vị Giáo Hoàng này về lãnh vực đại kết?

 

Đáp:        Có những giáo hội cần phải được nhìn nhận một cách minh tường là những cộng đồng được gọi là giáo hội. Đây là một cử chỉ cụ thể theo chiều hướng tôi vừa đề cập tới.

 

Điều này cần phải đi liền với việc nhìn nhận các thực tại giáo hội địa phương khác nhau. Trong chính cộng đồng Công Giáo Rôma, có những Giáo Hội địa phương sẵn sàng thực hiện những bước cụ thể về những vấn đề như hôn nhân hỗn hợp và hiếu khách thánh thể. Chúng tôi rất hoan nghênh nếu vị Giáo Hoàng này tăng thêm quyền hạn và khuyến khích các Giáo Hội địa phương tiến triển về mặt đại kết theo những thực tại riêng của họ.

 

Một cử chỉ cụ thể khác cũng quan trọng không kém đó là tái sẵn sàng cùng nhau tìm kiếm những câu giải đáp cho những vấn đề nóng bỏng nhất trong thời đại chúng ta, như vấn đề bạo lực, bất công, nghèo khổ và nạn dịch vi khuẩn hay hội chứng liệt kháng là nạn dịch tàn phá rất nhiều mạng sống con người. Đặc biệt là vấn đề liệt kháng là một thảm trạng của con người, hệ trọng đến độ các giáo hội không thể nào bỏ qua việc cùng nhau hoạt động để tìm cách giải quyết nó theo quan điểm luân lý.

 

Việc truyền đạt các nguồn thiêng liêng của Chư Giáo Hội cho một thế giới đổ vỡ phải là một ưu tiên của vấn đề đại kết và mục vụ.


Vấn:        “Vấn đề đối thoại về thần học là điều cần thiết, thế nhưng, trước hết cần phải thanh tẩy ký ức”, Đức Biển Đức XVI đã nói thế. Ông nghĩ vị Giáo Hoàng này muốn nói gì đây?

 

Đáp:        Dĩ nhiên là tôi không thể nói thay cho ngài, thế nhưng tôi nghĩ rằng việc chữa lành các thương tích vẫn còn hằn trong ký ức, của một quá khứ được đánh dấu bằng những việc lên án lẫn nhau và nghi ngờ nhau, là những gì thiết yếu cho một cuộc gặp gỡ giữa thành phần anh chị em trong Chúa Kitô.

 

Điều này chỉ có thể xẩy ra khi các Giáo Hội dấn thân vào một cuộc đối thoại thực sự, trong tinh thần khiêm tốn và hoán cải, bằng việc trao đổi trong chân lý và yêu thương, một tình yêu khiến chúng ta chia sẻ với nhau các tặng ân được Chúa Giêsu Kitô chung của chúng ta đã trao phó cho chúng ta.


Vấn:        Giáo Hoàng Joseph Ratzinger muốn phát động những liên hệ và hiểu biết với các vị đại diện của các giáo hội cùng các cộng đồng giáo hội khác nhau. Ông đã nghĩ đến việc mời ngài tới Hội Đồng Thế Giới Chư Giáo Hội, hay đến việc thực hiện một cuộc phỏng vấn với ngài ở Rôma chẳng hạn?

 

Đáp:        Thật vậy, chuyến viếng thăm Vatican lần đầu tiên của tôi, với tư cách là tổng thư ký của Hội Đồng Thế Giới Chư Giáo Hội, đã được hoạch định vào giữa năm nay, thế nhưng, thường thì bị hoãn lại.

 

Tôi tin tưởng rằng nó sẽ được thực hiện rất sớm, và tôi hết sức mong muốn chờ được gặp vị Giáo Hoàng này.

 

Về vấn đề mời ngài tới trung tâm của Hội Đồng Thế Giới Chư Giáo Hội ở Geneve, đã có hai vị tiền nhiệm của ngài đã đến thăm chúng tôi, đó là Đức Phaolô VI vào năm 1969 và Đức Gioan Phaolô II vào năm 1984. Bởi thế, chắc chắn chúng tôi sẵn sàng đón mừng ngài mộït cách hết sức thân ái nơi ngôi nhà của chúng tôi khi tới thời điểm thích hợp, nếu ngài muốn ban cho chúng tôi được vinh dự có ngài đến viếng thăm.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, theo Zenit

 

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ