GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ SÁU 27/4/2007

PHỤC SINH TUẦN 3

 

?  “Tôi đến đây giữa anh em trước hết là để phấn khích anh em hãy trở thành những chứng nhân hăng say cho Chúa Kitô”.

?  "Thánh Âu Quốc Tinh trở thành một mô phạm cho cuộc đối thoại giữa lý trí và đức tin"

? Đức Thánh Cha Biển Đức XVI với Luật Dòng Thánh Biển Đức

 

 

 

?  “Tôi đến đây giữa anh em trước hết là để phấn khích anh em hãy trở thành những chứng nhân hăng say cho Chúa Kitô”.

 

ĐTC Biển Đức XVI: Chuyến Viếng Thăm Mục Vụ 2 Giáo Phận ở Ý và mộ Thánh Âu Quốc Tinh (21-22/4/2007)

 

Sau 3 giờ chiều Thứ Bảy 21/4, ngài đã rời phi trường Ciampino ở Rôma để bay lên một tỉnh miền Bắc Ý là Vigevano, chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến viếng thăm giáo phận Vigevano và Pavia.

 

Vào lúc 4 giờ 40, sau khi dừng chân  trong chốc lát ở phi trường Milan, trực thăng đã đưa ngài đến vận động trường ‘Dante Merlo’, sau đó ngài được chở bằng chiếc tông xa đến trung tâm thành phố này. Trên đường đi, ngài băng ngang trước đan viện các nữ tu Dòng Chị Em Tôn Thờ Thánh Thể, và đã được những nữ tu này ra chào đón.

 

Đến 5 giờ 15, ngài đến tư dinh của đức giám mục địa phương và được các vị thẩm quyền về dân sự và tôn giáo  nghênh đón. Ngài đã ra ban-công của tư dinh giám mục để chào hàng ngàn người đến chào mừng ngài, trong đó có nhiều giới trẻ và bệnh nhân. Trong bài huấn dụ, ngài đã ngỏ lời cùng họ rằng:

 

“Tôi muốn bắt đầu Cuộc Viếng Thăm Mục Vụ trong Ý quốc của tôi ở Vigevano đây, giáo phận Lombardy duy nhất chưa được vị tiền nhiệm đáng kính Gioan Phaolô II viếng thăm…”

 

Sau đó, ngài đã đến Piaoãa Ducale để chủ tế Thánh Lễ với các vị giám mục miền Lombard và các vị linh mục thuộc giáo phận Vigevano. Trong bài giảng của mình, ngoài phần chia sẻ về ý nghĩa của bài Phúc Âm liên quan tới mẻ cá lạ ở biển hồ Tibêria, ngài còn huấn dụ như sau:

 

“Tôi đến đây giữa anh em trước hết là để phấn khích anh em hãy trở thành những chứng nhân hăng say cho Chúa Kitô. Chính việc trung thành gắn bó với Lời của Người mới làm cho các hoạt động mục vụ của an hem sinh hoa kết trái. Khi công việc trong vườn nho của Chúa dường như vô bổ, như các vị Tông Đồ  nỗ lực cả đêm chẳng được gì, vẫn không được quên rằng Chúa Giêsu có thể biến đổi mọi sự trong khoảnh khắc. Đoạn phúc âm này… một mặt nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta cần phải dấn thân cho các hoạt động mục vụ như thể thành quả của chúng hoàn toàn tùy thuộc vào nỗ lực của chúng ta; mặt khác, nó làm cho chúng ta hiểu rằng thành công thực sự nơi sứ vụ của chúng ta hoàn toàn là một tặng ân của Ơn Sủng. Theo ý định nhiệm mầu Khôn Ngoan của mình, Thiên Chúa biết được khi nào là lúc Ngài cần phải can thiệp vào.

 

“Việc Chúa Kitô mời gọi ‘hãy thả lưới’ đây thực sự có nghĩa là gì? Trước hết nghĩa là, như đối với các môn đệ, tin Người và tin tưởng vào lời của Người. Chúa Giêsu xin anh em, như Người đã xin các  vị, hãy theo Người bằng một đức tin chân tình và mãnh liệt. Bởi thế, hãy lắng nghe lời Người và suy niệm hằng ngày lời ấy…”

 

(Ngài nói tới vấn đề giáo xứ, tới vai trò tông đồ giáo dân, tới việc dẫn dắt giới trẻ, tới vấn đề mục vụ gia đình, và nhắc tới một số vị thánh quan thày của giáo phận  địa phương là Thánh Ambrose, Thành Charles Borromeo và Chân Phước Matteo Carreri, cũng như một số đang ở trong tiến trình án tôn phong như linh mục Francesco Pianzola và giáo dân Teresio Olivelli, cuối cùng ngài phó dâng cộng đồng này cho Mẹ Maria).

 

Vào lúc 8 giờ 15 tối, trực thăng đa đưa ngài đến Pavia. Rồi ngài được xe chở đến vương cung thánh đường của thành phố và ngài đã xuất hiện ở ban-công để chào giới trẻ bấy giờ qui tụ lại ở quảng trướng nghênh đón ngài. Ngài đã huấn  dụ họ như sau:

 

“Đừng bao giờ bất mãn với những niềm mong đợi của chúng ta, vì Người biết những gì ở trong lòng chúng ta… Giáo Hội – một Giáo Hội cần các bạn dấn thân trong việc truyền bá sứ điệp phúc âm, nhất là cho thành phần hữu nghị của các bạn – nâng đỡ các bạn trên con đường hiểu biết về đức tin và về tình yêu đối với Thiên Chúa cũng như với đồng loại của chúng ta…. Xã hội… đang đợi chờ việc đóng góp của các bạn để kiến tạo nên một hình thức cùng chung sống bớt vị kỷ và gắn bó hơn, một hình thức  chung sống được tác động thực sự bởi những lý tưởng cao cả của công lý, tự do và hòa  bình”.

 

9 giờ sáng Chúa Nhật 22/4, ngài đến viếng thăm bệnh viện ‘San Matteo’, và trong bài diễn từ của mình ở đây, ngài đã cám ơn nhân  viên y tế ở đó, rồi huấn  dụ rằng:

 

“Tôi chân thành hy vọng rằng việc tiến bộ quan trọng về khoa học và kỹ thuật bao giờ cũng được kèm theo bởi mối quan tâm cổ võ, song song với thiện ích cho thành phần bệnh nhân, những giá trị nồng cốt liên quan tới việc tôn trọng và bênh vực sự sống ở hết mọi giai đoạn là những gì chi phối phẩm chất nhân bản đích thực của cuộc chung sống.

 

“Nơi mỗi một con người chịu đựng bệnh nạn, chính Người là Đấng chờ đợi tình yêu thương của chúng ta. Dĩ nhiên, đau khổ là những gì lòng người ghê tởm, song sự thật vẫn là ở chỗ khi chấp nhận bằng tình yêu và được soi động bằng đức tin, nó trở thành một cơ hội quí giá liên kết chúng ta một cách mầu nhiệm với Chúa Kitô Cứu Thế, Con Người khổ đau, Đấng trên Thánh Giá đã ôm lấy đớn đau và chết chóc của con người. Bằng hy tế sự sống mình, Người đã cứu chuộc khổ đau của nhân loại và làm cho nó thành phương tiện nồng cốt cho ơn  cứu độ.

 

“Hỡi thành phần bệnh nhân, hãy ký thác cho Chúa nỗi khó chịu và đớn đau anh chị em phải trải qua, và trong dự án của Người, anh chị em sẽ trở thành phương tiện thanh tẩy và cứu chuộc toàn thế giới”.

 

 Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo VIS ngày 23/4/2007

 TOP

 

 

?  "Thánh Âu Quốc Tinh trở thành một mô phạm cho cuộc đối thoại giữa lý trí và đức tin"

 

ĐTC Biển Đức XVI: Chuyến Viếng Thăm Mục Vụ 2 Giáo Phận ở Ý và mộ Thánh Âu Quốc Tinh (21-22/4/2007)

 

Rời bệnh viện ‘San Matteo’, ngài được xe chở đến ‘Almo Collegio Borromeo’ để cử hành Thánh Lễ vào lúc 10 giờ 30 sáng, có các vị giám mục ở Lombardy và các  v ị linh mục thuộc giáo phận Pavia cùng một số linh mục dòng Âu Quốc Tinh đồng tế. Trong bài giảng của mình, ngài đã nhấn mạnh đến “3 giai đoạn chính” nơi cuộc hành trình hoán cải của Thánh Âu Quốc Tinh.

 

“Những giai đoạn trở lại này thực sự là một cuộc trở lại lớn lao,  ở chỗ tìm kiếm Dung Nhan của Chúa Kitô để rồi tiến bước theo Người.

 

“Cuộc trở lại chính yếu đầu tiên là cuộc hành trình nội tâm của Thánh Âu Quốc Tinh hướng tới Kitô Giáo, hướng tới việc ‘chấp nhận’ đức tin và Phép Rửa… Vị thánh này liên lỉ cảm thấy quằn quại bởi vấn đề về sự thật…. Ngài muốn tìm thấy đường ngay nẻo chính, chứ không phải chỉ sống một cách mù quáng vô nghĩa và vô định. Đam mê tìm kiếm sự thật ấy chính là chiếc chìa khóa thực sự để hiểu được đời sống của ngài.

 

“Ngài đã luôn tin tưởng – có những lúc mơ hồ làm sao ấy,  song có lúc lại quyết liệt hơn – là Thiên Chúa hiện hữu và Thiên Chúa chăm sóc chúng ta. Thế nhưng, việc thực sự nhận biết Thiên Chúa và thực sự trở nên quen thuộc với Chúa Giêsu Kitô, tới độ tỏ ra ‘chấp nhận’ Người với tất cả thành quả từ đấy mà ra thì đó là một cuộc chiến đấu nội tâm cả thể trong những tháng năm trẻ trung của ngài”.

 

“Cuộc trở lại thứ hai” của Thánh Âu Quốc Tinh, theo Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, xẩy ra sau khi thánh nhân lãnh nhận Phép Rửa, khi ngài trở lại Hippo ở Phi Châu là nơi ngài đã thành lập một đan viện nhỏ và cố ý hiến cuộc đời chiêm ngưỡng Thiên Chúa. Tuy nhiên, vì dân chúng yêu cầu, hầu như bị bắt buộc, ngài đã được thụ phong linh mục và “đã sống với Chúa Kitô cho tất cả mọi người”.

 

“Tác phẩm vĩ đại về đời sống triết học của ngài, về những gì ngài mơ tưởng, vẫn chưa được viết ra. Thay vào đó là một cái gì đó còn quí giá hơn nữa, đó là Phúc Âm được chuyển dịch thành thứ ngôn ngữ sống thường nhật. Đấy là cuộc trở lại thứ hai của con người ấy, chiến đấu và khổ đau, đã đạt tới, ở chỗ sống cho mọi người, hiến đời mình, một cuộc đời luôn mới mẻ gắn bó với Chúa Kitô, nhờ đó người khác có thể thấy được Người là sự sống thực sự”.

 

Sau hết, “giai đoạn thứ ba cũng là giai đoạn cuối cùng” nơi cuộc hành trình hoán cải của Thánh Âu Quốc Tinh xẩy ra khi ngài khám phá ra rằng “chỉ có một con người duy nhất thực sự trọn hảo và những lời của Bài Giảng Trên Núi hoàn toàn được hiện thực nơi một con người duy nhất, nơi chính Chúa Giêsu Kitô. Và toàn thể Giáo Hội – tất cả chúng ta, bao gồm cả các vị Tông Đồ – cần phải nguyện cầu hằng ngày: ‘xin tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con’”.

 

“Thánh Âu Quốc Tinh đã hiểu được mức độ cao nhất của đức khiêm nhượng. Khiêm nhượng chẳng những làm cho triết học cao cả của ngài trở thành yếu tố cho đức tin của Giáo Hội, khiêm nhượng chẳng những chuyển dịch kiến thức vĩ đại của ngài thành giản dị để chia sẻ, khiêm nhượng còn nhìn n hận rằng chính ngài và toàn thể Giáo Hội lữ hành liên lỉ cần đến lòng lành xót thương của Vị Thiên Chúa thứ tha. Thánh Âu Quốc Tinh còn nói chúng ta trở nên giống Chúa Kitô Trọn Hảo bao nhiêu có thể khi chúng ta trở nên thành phần xót thương như Ngài”.

 

Sau Thánh Lễ và trước khi nguyện Kinh Lạy Nữ Vương, ngài đã ngỏ lời đặc biệt chào giới trẻ bằng những lời huấn dụ và hy vọng rằng:

 

“Các bạn tiến đến  chỗ nhận thấy được hơn nữa niềm vui theo Chúa Kitô và trở nên bạn hữu của Người… Đó cũng là niềm vui đã khiến tôi viết cuốn sách mới được phát hành là ‘Giêsu Nazarét’. Tác phẩm ấy có thể hơi khó với thành phần trẻ như các bạn, thế nhưng tôi chính yếu ủy thác nó cho các bạn để nó trở thành đồng bạn trong cuộc hành trình đức tin của các thế hệ mới”.

 

Vào lúc 4 giờ 15 chiều, ngài đã đến Đại Học Đường Pavia để gặp gỡ thành phần đại diện thế giới văn hóa tại khu vườn ‘Tersiano’ của đại học này. Sauk hi được vị viện trưởng là Angiolino Stella và môtại khu vườn ‘Tersiano’ của đại học này. Sauk hi được vị viện trưởng là Angiolino Stella và một đại diện sinh viên  chào mừng, ngài đã ban mấy lời huấn từ như sau:

 

“Tất cả mọi đại học cần phải bảo trì căn tính của mình như là những trun g tâm học hỏi ‘theo chiều kích của con người’, trong đó, sinh viên không chỉ là thành phần vô danh mà là thành phần có thể vun trồng một cuộc đối thoại tốt đẹp với các vị giáo sư, rút tỉa được những động lực cho việc phát triển  về văn hóa và nhân bản của họ”.

 

“Vấn đề hết sức quan trọng ở đây là việc dấn thân nghiên cứu về hàn lâm cần phải hướng về vấn đề hiện hữu liên quan tới ý nghĩa đời sống của dân chúng…. Chỉ nhờ việc thẩm giá con người và những mối quan hệ liên vị thì vấn đề giao tiếp sư phạm mới trở thành một thứ liên hệ giáo dục mà thôi”.

 

Ngài nhấn mạnh rằng tình yêu Chúa Kitô đã làm nên cuộc dấn thân sống đời của Thánh Âu Quốc Tinh: “Từ một cuộc đời dấn thân tìm kiếm thành đạt trần gian, thánh nhân đã tiến sang một cuộc sống hoàn toàn hiến  mình cho Chúa Giêsu Kitô là Vị Sư Phụ và là Chúa duy nhất. Chớ gì, đối với mọi người, Thánh Âu Quốc Tinh trở thành một mô phạm cho cuộc đối thoại giữa lý trí và đức tin.

 

“Nhờ việc chuyển cầu của Thánh Âu Quốc Tinh, chớ gì Đại Học Pavia bao giờ nổi bật trong vấn đề đặc biệt chú trọng tới cá nhân, trong chiều kích của một cộng động đặc biệt nghiên cứu hàn lâm, và trong một cuộc đối thoại tốt đẹp giữa đức tin và văn hóa”.

 

Sau khi rời đại học này, ngài đến đền thờ San Pietro ở Ciel d’Oro để n guyện kinh Tối. Trước khi tiến vào đền thờ, ngài đã dừng chân ở ngoài hàng hiên của nữ tu viện thánh Âu Quốc Tinh để làm phép viên đá đầu tiên cho trung tâm văn hóa mới của dòng Âu Quốc Tinh là trung tâm được hội dòng này có ý dâng kính ngài.

 

Vào bên trong đền thờ, ngài dâng hương cái lư đựng hài cốt của Thánh Âu Quốc Tinh, và sau lời chào mừng của ĐGM Giovanni Giudici giáo phận Pavia và Cha Robert Francis Prevost, bề trên tổng quyền của dòng này, trong bài giảng của mình, ngài đã huấn dụ những ý tưởng chính yếu tiểu biểu như sau:

 

“Trong lúc nguyện cầu này tôi xin qui tụ lại nơi đây, ở mồ của ‘Vị Tiến Sĩ về ân  sủng – gratiae’, một sứ điệp quan trọng cho cuộc hành trình của Giáo Hội. Sứ điệp này đến  với chúng ta từ việc gặp gỡ giữa Lời Chúa và cảm nghiệm cá nhân của vị đại giám mục Hippo… Chúa Giêsu Kitô, Lời nhập thể… là mạc khải dunh nhan của vị Thiên Chúa Yêu Thương đối với tất cả mọi người khi họ hành trình tiến  qua thời gian về cõi vĩnh hằng… Đó là tâm điểm của Phúc Âm, là hạch nhân của Kitô Giáo. Ánh sáng của tình yêu này đã m ở mắt của Thánh Âu Quốc Tinh ra và đã đưa ngài đến chỗ hội ngộ ‘vẻ đẹp luôn cổ và tân’ mà nhờ đó tâm can con người mới tìm thấy bình an”.

 

“Ở nơi đây, trước mộ của Thánh Âu Quốc Tinh, một lần nữa, tôi thực sự muốn ký thác cho Giáo Hội và cho Thế Giới bức Thông Điệp đầu tiên  của tôi, một thông điệp chất chứa sứ điệp chính yếu này của Phúc Âm ‘Thiên Chúa là tình yêu’, và là một thông điệp ‘nặng nợ tư tưởng của Thánh Âu Quốc Tinh là vị đã phải lòng Tình Yêu Thiên Chúa”.

 

“Sau giáo huấn của Công Đồng Chung Vaticanô II cũng như của các vị tiền nhiệm khá kính của tôi, tôi tin tưởng… rằng nhân loại hiện đại cần đến sứ điệp thiết yếu này… Từ đó mà hết mọi sự cần phải được bắt đầu và từ đó hết mọi sự cần phải theo đuổi, tất cả mọi hoạt động mục vụ cũng như tất cả mọi luận án thần học”. 

 

“Tình yêu là tâm điểm của đời sống Giáo Hội và của hoạt động mục vụ của Giáo Hội… Chỉ có những ai cảm nghiệm riêng tư về tình yêu của Chúa mới có thể thực hiện công việc hướng dẫn và dịu dắt kẻ khác trên con đường theo Chúa Kitô mà thôi…. Vấn đề theo Chúa Kitô trước hết là vấn đề yêu mến”.

 

“Chớ gì vai trò làm phần tử với Giáo Hội của anh chị em và việc tông đồ của anh chị em luôn là những gì nổi bật cho thấy không bị vướng mắc  bất cứ một thứ tư lợi và dứt khoát gắn bó với tình yêu Chúa Kitô. Giới trẻ đặc biệt cần lãnh nhận việc loan truyền tự do và niềm vui này, mà cái bí mật của nó là sống trong Chúa Kitô. Người là đáp ứng chân thực nhất cho các niềm mong đợi của tâm can họ, thành phần đang trăn trở bởi nhiều vấn đề mà họ ấp ủ trong lòng”.

 

“Theo chân Thánh Âu Quốc Tinh, cả anh chị em nữa cũng phải là một Giáo Hội thẳng thắn loan truyền ‘tin mừng’ về Chúa Kitô… Giáo Hội không phải chỉ là một tổ chức của việc bày tỏ chung, ngược lại, cũng không phải là tổng hợp các cá nhân sống đạo giáo tư riêng. Giáo Hội là một cộng đồng con người tin tưởng vào Vị Thiên Chúa của Chúa Giêsu Kitô và dấn thân sống trên  thế giới huấn lệnh yêu thương được Người để lại cho chúng ta”.

 

“Tôi khuyến khích anh chị em hãy theo đuổi ‘một mức độ cao’ cuộc sống Kitô hữu là cuộc sống coi đức bác ái như mối giây toàn thiện, và là một đời sống cũng cần phải được chuyển dịch thành một hình thức sống luân lý được Phúc Âm tác động”.

 

Sau Giờ Kinh Tối, ngài đã đến vận động trường ‘P. Fortunati’ ở Pavia để trực thăng đưa ngài đến  phi trường Milan và lên máy bay về lại Rôma, tới nơi vào lúc 8 giờ 30 tối, kết thúc chuyến viếng thăm mục vụ nội địa đầu tiên của ngài,

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo VIS ngày 23/4/2007

 

 

TOP

 

 

? Đức Thánh Cha Biển Đức XVI với Luật Dòng Thánh Biển Đức

Dòng Biển Đức được thành lập từ thế kỷ thứ 6 và là dòng chú trọng tới việc cử hành phụng vụ, chăm sóc cho các linh hồn, truyền giáo, nghiên cứu, nghệ thuật, giáo dục giới trẻ và truyền thông xứng hợp với đời sống đan viện. Dòng này hiện nay có 7.860 đan sĩ, trong đó có 4.139 linh mục.

Cha Notker Wolf, viện phụ của Liên Hiệp Đan Sĩ Biển Đức đã cho biết về vị tân giáo hoàng qua cuộc phỏng vấn với Zenit, một cuộc phỏng vấn được Zenit phổ biến ngày 31/5/2005, như sau:

Vấn:     Cha cảm thấy thế nào khi cha nghe thấy vị tân Giáo Hoàng nhân danh hiệu là Biển Đức XVI?

Đáp:     Bấy giờ tôi đang ở Đan Viện Tepeyac Mễ Tây Cơ, và tôi đã theo dõi các biến cố trên truyền hình. Chúng tôi rất bỡ ngỡ và vui mừng khi nghe thấy danh hiệu của ngài.

Vấn:     Làm thế nào việc hiện diện của các đan sĩ Biển Đức ở Bavaria đã ảnh hưởng tới vị tân Giáo Hoàng này, hoặc về lãnh vực thần học hay về việc chọn danh hiệu của ngài?

Đáp:     Kinh nghiệm ngài đã có được từ các đan sĩ Biển Đức ở Bavaria dường như có một ảnh hưởng thực sự. Chính ngài đã nghĩ đến việc gia nhập một đan viện Biển Đức. Có tất cả 17 đan viện Biển Đức ở Bavaria.

Tâm thức của người Bavaria bị ảnh hưởng rất nhiều của các đan sĩ Biển Đức. Những năm gần đây Vị Giáo Hoàng này đã Tĩnh Tâm hằng năm ở Đan Viện Biển Đức ở Scheyern.

Thật vậy, trong một số dịp ngài đã trích dẫn một đoạn của Luật Dòng Biển Đức: “Christo omnino nihil prepanant – tuyệt đối không coi gì hơn Chúa Kitô – Chúa Kitô là tâm điểm đời sống của chúng ta. Chúa Kitô là ơn cứu độ của thế giới.

Vấn:     Các vị đan sĩ Biển Đức là một tổ chức năng động. Họ không tập trung nhưng để mỗi đan việc được nhiều tự do hơn. Cha có nghĩ rằng vị Giáo Hoàng này sẽ được tác động bởi mẫu thức Giáo Hội phân quyền này hay chăng?

Đáp:     Thánh Biển Đức yêu cầu vị viện phụ phải thi hành quyền bính, nhưng ngài không chấp nhận vấn đề độc quyền. Khi cần phải giải quyết một vấn đề quan trọng thì tất cả đều được góp ý kiến. Vị viện phụ chỉ quyết định sau đó mà thôi.

Chúng ta biết rằng, ở các cuộc họp, ĐHY Joseph Ratzinger muốn để cho mọi người nói và ngài biết cách lắng nghe. Tôi không lấy làm lạ nếu ngài thực hiện nhiều việc ủy quyền và nếu ngài phát động nguyên tắc trợ thuộc.

Chính ngài đã nói rằng Giáo Hội hoàn vũ không được theo chiều hướng tập quyền. Ngài sẽ tôn trọng các Giáo Hội địa phương mà không gây hại đến mối hiệp nhất của Giáo Hội.

Vấn:     Làm thế nào Thánh Biển Đức tác động Âu Châu ngày nay?

Đáp:     Qua luật dòng của ngài và các đan sĩ của ngài, Thánh Biển Đức đã truyền đạt cho Tây phương tình trạng ổn định và một thứ văn hóa mới ở vào một thời điểm có những thay đổi cả thể.

Trong một thời đại như của chúng ta đây, một thời đại cũng được đánh dấu bằng những đổi thay lớn lao, các nguyên tắc của ngài cũng cần phải cho thấy con đường tiến đến tương lai là con đường cần phải có, trong những điều khác, trách nhiệm chung đối với Thiên Chúa, tôn trọng phẩm vị con người, tôn trọng việc cá nhân con người hội nhập vào cộng đồng, và tôn trọng phương thức chân chính nơi tác hành ở lãnh vực luật lệ và việc áp dụng luật lệ này.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch theo Zenit ngày 31/5/2005

 

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ