GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ NĂM 5/4/2007

TUẦN THÁNH

 

?   ĐTC Biển Đức XVI: Thánh Lễ Truyền Dầu Sáng Thứ Năm Tuần Thánh 13/4/2006 tại Đền Thờ Thánh Phêrô

?  ĐTC Biển Đức XVI: Lễ Chiều Thứ Năm Thánh 13/4/2006 tại Đền Thờ John Lateran

? ĐTC Gioan Phaolô II: Thư gửi Linh Mục Thứ Năm Tuần Thánh 2004: “Chúng ta được hạ sinh từ Thánh Thể… Thiên Chức Linh Mục cũng là một mầu nhiệm đức tin”

 

 

 

?  ĐTC Biển Đức XVI: Thánh Lễ Truyền Dầu Sáng Thứ Năm Tuần Thánh 13/4/2006 tại Đền Thờ Thánh Phêrô

 

Quí Huynh thân mến trong hàng giáo phẩm và linh mục,

Anh Chị Em thân mến,

 

Thứ Năm Tuần Thánh là ngày Chúa Kitô trao cho 12 Tông Đồ nhiệm vụ tư tế để cử hành bằng bánh và rượu bí tích Mình và Máu của Người cho tới khi Người trở lại, thay thế cho con chiên vượt qua và tất cả mọi hy tế Cựu Ước bằng tặng ân Mình Máu của Người, tặng ân chính bản thân Người.

 

Như thế, việc thờ phượng mới là ở sự kiện, trước hết, Thiên Chúa ban cho chúng ta một tặng ân, và chúng ta, tràn đầy tặng ân này, trở nên tặng ân của Ngài: Tạo vật về với Tạo Hóa. Bởi vậy mà chức linh mục cũng trở thành một điều mới mẻ: Chức này không còn là một vấn đề hạ giáng nữa mà là một cuộc hội ngộ của bản thân nơi mầu nhiệm Chúa Giêsu Kitô. Người bao giờ cũng là Đấng ban phát và lôi kéo chúng ta lại với Người. Chỉ có một mình Người mới có thể nói: ‘Này là Mình Thày – này là Máu Thày’. 

 

Mầu nhiệm chức linh mục của Giáo Hội là ở chỗ chúng ta, những con người khốn nạn, nhờ bí tích này, có thể nói với cái tôi của Người: ‘vơi tư cách của Chúa Kitô – in persona Christi’. Người muốn thi hành chức linh mục của Người qua chúng ta. Chúng ta nhớ lại mầu nhiệm cảm kích này, một mầu nhiệm tác động chúng ta một lần nữa mỗi lần chúng ta cử hành bí tích, nhất là vào Thứ Năm Tuần Thánh. Để cái thường nhật không làm hư hại tới những gì là cao cả và nhiệm mầu, chúng ta cần phải đặc biệt tưởng nhớ như thế, chúng ta cần phải trở về với giây phút Người đặt tay Người trên chúng ta để chúng ta được tham dự vào mầu nhiệm này.

 

Bởi vậy, một lần nữa, chúng ta hãy suy niệm về những dấu hiệu được bí tích này cho chúng ta thấy. Tâm điểm là chính cử chỉ cổ kính của việc đặt tay, nhờ đó, Người chiếm hữu tôi khi nói: ‘Con thuộc về Cha’. Cùng với những lời này Người còn nói: ‘Con được bàn tay Cha bảo vệ. Con được trái tim Cha bao che. Con ở trong lòng bàn tay của Cha, bởi thế, con cảm thấy mình ở trong cái bao la của tình yêu Cha. Con hãy ở trong bàn tay Cha và hiến cho Cha bàn tay của con’.

 

Nên chúng ta hãy nhớ rằng, bàn tay của chúng ta đã được xức bằng dầu biểu hiệu cho Thánh Linh và quyền năng của Ngài. Tại sao lại phải là bàn tay? Bàn tay của con người là phương tiện cho con người hành động, nó là biểu hiệu cho khả năng của họ trong việc đối diện với thế giới, cho đến độ ‘nắm lấy nó trong tay’. Chúa đã đặt tay của Người trên chúng ta, và giờ đây Người muốn có bàn tay của chúng ta để chúng trở thành bàn tay của Người trên thế giới. Người muốn bàn tay này không còn là dụng cụ để vơ lấy sự vật, con người, thế giới về cho bản thân chúng ta, biến thế giới này thành sở hữu của chúng ta, trái lại, những bàn tay ấy là những gì truyền đạt cái giao chạm thần linh của Người, trở thành những gì phục vụ cho tình yêu thương của Người.

 

Người muốn những bàn tay ấy trở thành dụng cụ phục vụ, nhờ đó, chúng trở thành biểu hiện cho sứ vụ của trọn vẹn con người, một con người làm cho họ nên bảo quản viên của Người và mang Người đến cho con người. Nếu bàn tay của con người tiêu biểu một cách tượng trưng cho các tài năng của họ, nói chung là cho kỹ thuật như khả năng làm chủ thế giới, thì bàn tay được xức dầu phải là dấu hiệu của khá năng con người ban phát, của việc kiến tạo nên một thế giới yêu thương – và đó là lý do chúng ta chắc chắn cần đến Thánh Thần.

 

Trong Cựu Ước, việc xức dầu là dấu hiệu của vấn đề chấp nhận việc làm: Vua chúa, tiên tri, linh mục là thành phần thực hiện và ban phát ngoài những gì được xuất phát từ chính bản thân họ. Ở một nghĩa nào đó, họ tước đoạt bản thân mình để thi hành một việc phục vụ được trao hiến bản thân cho quyền sử dụng của người cao cả hơn chính họ.


Nếu ngày nay Chúa Giêsu xuất hiện trong Phúc Âm như Đấng Được Thiên Chúa Xức Dầu, như Đức Kitô Thiên Sai, thì chính là vì Người liên kết với Thánh Thần tác hành sứ vụ được Cha trao phó, nhờ đó, Người cống hiến cho thế giới một vương quyền mới, một chức tư tế mới, một đường lối mới làm ngôn sứ, một ngôn sứ không tìm mình mà là sống cho Người theo chiều hướng thế giới được tạo thành. Hôm nay, một lần nữa, chúng ta hãy trao bàn tay của chúng ta cho Người tùy nghi sử dụng, và chúng ta hãy xin Người hãy luôn nắm lấy chúng ta trong tay và dẫn dắt chúng ta một lần nữa.

 

Nơi cử chỉ đặt tay của vị giám mục theo bí tích này, chính Chúa Kitô đã đặt tay mình trên chúng ta. Dấu hiệu bí tích này tái diễn lại cả một hành trình cuộc sống. Có lúc, như các vị môn đệ tiên khởi, chúng ta đã gặp gỡ Chúa Kitô và nghe Người kêu gọi rằng ‘Hãy theo Thày!’ Có lẽ ban đầu chúng ta đã theo Người một cách lưỡng lự, lùi bước và nghĩ rằng không biết đó có phải thực sự là đường chúng ta đi hay chăng.

 

Thế rồi, vào một lúc nào đó trong cuộc hành trình này, có lẽ chúng ta đã có được cảm nghiệm của tông đồ Phêrô sau mẻ cá lạ, tức là chúng ta cảm thấy ngỡ ngàng bàng hoàng trước sự cao cả của Người, trước sự vĩ đại của việc làm ấy và trước cảnh thiếu kém của con người nghèo hèn của chúng ta, cho đến độ muốn thoái lui: ‘Ôi Chúa, xin hãy tránh xa con, vì con là một kẻ tội lỗi’ (Lk 5:8). Thế nhưng, bấy giờ, với tấm lòng hết sức nhân ái, Người đã nắm lấy tay chúng ta, kéo chúng ta đến với Người mà nói: ‘Đừng sợ! Có Thày ở với con. Thày không bỏ con đâu, nếu con không bỏ Thày!’

 

Và đã hơn một lần, một điều xẩy ra cho chúng ta như đã xẩy ra cho tông đồ Phêrô, khi ngài bước đi trên mặt nước để gặp gỡ Chúa thì đùng một cái ngài không cảm thấy nước dưới chân nữa nên sắp bị chìm xuống. Như tông đồ Phêrô, chúng ta cũng đã kêu lên: ‘Chúa ơi xin cứu con với!’ (Mt 14:30). Trước tất cả những gì là dữ dội của các yếu tố, làm thế nào chúng ta có thể thoát qua được những giòng nước ầm ầm tung tóe của thế kỷ và thiên kỷ vừa qua?  Thế nhưng, bấy giờ chúng ta đã nhìn vào Người… và Người đã nắm lấy tay của chúng ta và ban cho chúng ta một ‘sức nặng đặc biệt’ mới, đó là cái nhẹ nhàng của một thứ đức tin cuốn hút chúng ta lên cao.

 

Để rồi Người giơ tay ra nâng đỡ chúng ta và mang chúng ta đi. Người giữ chúng ta đứng vững. Chúng ta hãy luôn gắn mắt vào Người và hãy giơ tay ra cho Người. Chúng ta hãy để Người nắm lấy tay chúng ta thì chúng ta sẽ không bị chìm name, song sẽ phục vụ một sự sống mạnh hơn sự chết và phục vụ một tình yêu mạnh hơn hận thù. Niềm tin tưởng vào Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa hằng sống, là phương tiện nhờ đó Người nắm lấy tay chúng ta và dẫn dắt chúng ta. Một trong những lời nguyện cầu tôi yêu thích là lời nguyện cầu được phụng vụ đặt vào môi miệng chúng ta trước khi Hiệp Lễ, đó là ‘Xin đừng bao giờ bỏ con lìa xa Chúa’. Chúng ta hãy nguyện xin để chúng ta không bao giờ xa lìa mối hiệp thông với Thân Thể của Người, với chính Chúa Kitô, để chúng ta không bao giờ lìa xa mầu nhiệm Thánh Thể. Chúng ta hãy Người đừng bao giờ buông tay chúng ta ra…

 

Chúa Kitô đã đặt tay của Người trên chúng ta. Người đã bày tỏ ý nghĩa của cử chỉ như thế qua những lời Người nói rằng: ‘Thày không còn gọi các con là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết gì về những việc chủ làm. Thày gọi các con là bạn hữu, vì Thày đã nói với các con hết mọi sự Thày đã nghe nơi Cha Thày’ (Jn 15:15). Thày không còn gọi các con là tôi tớ mà là bạn hữu: Nơi những lời ấy người ta thậm chí có thể thấy được việc thiết lập thiên chức linh mục. Chúa Kitô làm cho chúng ta thành bạn hữu của Người, ở chỗ, Người ký thác cho chúng ta tất cả mọi sự; Người phó chính bản thân Người cho chúng ta để chúng ta có thể nói bằng cái tôi của Người: ‘in persona Christi capitis’. Ôi Người tin tưởng chúng ta biết là dường nào! Người thực sự phó mình vào tay của chúng ta.

 

Những dấu hiệu thiết yếu của việc truyền chức linh mục là tất cả những biểu lộ sâu xa của lời ấy: dấu hiệu đặt tay; trao sách – trao lời Người ủy thác cho chúng ta; trao chén biểu hiệu cho việc Người truyền đạt cho chúng ta mầu nhiệm sâu xa và thân mật nhất của Người. Trong tất cả những sự ấy còn có quyền năng tha tội nữa: Người cũng làm cho chúng ta tham dự vào việc Người nhận thức thấy tình trạng thảm thương của tội lỗi cùng với tất cả những gì là tối tăm trên thế giới, và trao cho chìa khóa vào tay chúng ta để mở lại cửa Nhà Cha trên trời. Thày không còn gọi các con là tôi tớ nữa mà là bạn hữu. Đó là ý nghĩa sâu xa của việc làm linh mục, đó là trở thành bạn hữu của Chúa Giêsu Kitô. Chúng ta cần phải tái dấn thân cho mới thân hữu hằng ngày này.

 

Tình thân hữu là để chia sẻ tâm tư và ước muốn. Trong mối hiệp thông này, Thánh Phaolô nói với chúng ta ở Thư gửi giáo đoàn Philiphê (x 2:2-5), chúng ta cần phải làm cho mình tưởng nghĩ như Chúa Giêsu. Và mối hiệp thông về tâm tưởng này không phải chỉ là những gì về tri thức, mà là một thứ chia sẻ về những cảm thức cùng ý muốn nên cũng chia sẻ về cả hành động nữa.

 

Điều này có nghĩa là chúng ta cần phải nhận biết Chúa Giêsu một cách thân tình hơn bao giờ hết, lắng nghe Người, chung sống với Người, bỏ giờ ra với Người. Việc lắng nghe Người – nơi việc ‘lectio dinina’, tức là việc đọc Thánh Kinh, không phải theo kiểu học thức mà là theo kiểu thiêng liêng; nhờ đó chúng ta biết cách gặp gỡ Chúa Giêsu là Đấng đang hiện diện và nói với chúng ta. Chúng ta cần phải suy nghĩ và phản tỉnh những lời của Người cũng như những hành động của Người trước nhan Người và cùng với Người.

 

Việc đọc Thánh Kinh là việc cầu nguyện, nó phải là việc cầu nguyện – nó phải xuất phát từ việc nguyện cầu và dẫn tới việc nguyện cầu. Các thánh ký nói với chúng ta rằng Chúa Kitô thường ẩn mình ở trên núi cầu nguyện thâu đêm. Chúng ta cũng cần đến thứ ‘núi’ này: đó là độ cao nội tâm chúng ta cần phải leo lên, đó là ngọn núi nguyện cầu. Chỉ có thế mối thân hữu mới phát triển. Chỉ có thế chúng ta mới có thể thi hành công việc phục vụ tư tế của chúng ta, chỉ có thế chúng ta mới có thể đem Chúa Kitô và Phúc Âm của Người đến cho con người. Việc chỉ biết hăng say hoạt động thậm chí có thể là những gì anh hùng. Thế nhưng hoạt động bề ngoài, cuối cùng, vẫn chẳng sinh hoa kết trái và mất đi hiệu năng, nếu nó không được xuất phát từ mối hiệp thông sâu xa thân mật với Chúa Kitô.

 

Thời gian chúng ta giành cho việc làm này thực sự là thời gian của hoạt động mục vụ, của hoạt động mục vụ đích thực. Một linh mục trước hết là một con người nguyện cầu. Thế giới thường lạc hướng của mình theo chiều hướng duy hoạt động cuồng loạn của nó. Hoạt động của nó và các khả năng của nó trở thành những gì hủy hoại, nếu không có sức mạnh của việc nguyện cầu là những gì xuất phát giòng nước sự sống có khả năng làm cho đất đai khô cằn trở nên mầu mở phì nhiêu. 

 

Thày không còn gọi các con là tôi tớ mà là bạn hữu. Yếu tính của thiên chức linh mục đó là làm bạn của Chúa Giêsu Kitô. Chỉ có thế chúng ta mới thực sự nói ‘thay cho Chúa Kitô – in persona Christi’, cho dù nội tâm chúng tax a lìa Chúa Kitô vẫn không thể làm tổn thương tới tính cách hiệu thành của bí tích. Làm bạn với Chúa Giêsu, làm linh mục nghĩa là làm một con người nguyện cầu. Vậy chúng ta hãy tình bạn này và hãy thoát khỏi cảnh vô tri của những người tôi tớ quê mùa. Vậy chúng ta hãy biết làm sao để sống, để chịu khổ và để tác hành với Người và cho Người.

 

Tình bằng hữu với Chúa Giêsu bao giờ cũng là tình bằng hữu đệ nhất với những ai thuộc về Người. Chúng ta có thể làm bạn của Chúa Kitô chỉ trong mối hiệp thông với toàn thể Chúa Kitô, tức với cả đầu lẫn thân, nơi sự sống dồi dào phong phú của Giáo Hội được sinh động bởi Chúa Kitô. Chỉ trong Giáo Hội, nhờ Chúa Kitô, Thánh Kinh mới là Lời sống động và hợp thời. Không có chủ thể sống động Giáo Hội ấp ủ các thời đại này, thì Thánh Kinh bị đổ bể thành những bản văn thường bất nhất hỗn tạp, do đó trở thành một cuốn sách của quá khứ. Thánh Kinh là những gì sống động vào lúc này đây chỉ ở nơi nào có ‘Sự Hiện Diện’ thôi – nơi nào Chúa Kitô mãi đồng thời với chúng ta: tức nơi thân thể Giáo Hội của Người.

 

Là linh mục tức là làm bạn với Chúa Giêsu Kitô, và điều này càng trở nên hơn thế nữa qua cả cuộc sống của chúng ta. Thế giới cần đến Thiên Chúa – không cần đến bất cứ một thần linh nào, mà là cần đến Vị Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô, đến Vị Thiên Chúa hóa thành huyết nhục, Vị đã yêu thương chúng ta đến chết vì chúng ta, Vị đã phục sinh và đã tao nên nơi bản thân Ngài một khoảng trống cho con người. Vị Thiên Chúa này cần phải sống trong chúng ta và chúng ta cần phải sống trong Ngài. Đó là ơn gọi linh mục của chúng ta: Chỉ có thế hoạt động linh mục của chúng ta mới sinh hoa kết trái mà thôi.

 

Tôi muốn kết thúc bài giảng này bằng một câu nói của Andres Santoro, vị linh mục của Giáo Phận Rôma bị sát hại ở Trebisonda đang khi nguyện cầu; Đức Hồng Y Cé đã nói cho chúng ta biết câu ấy trong Tuần Phòng (đầu Mùa Chay cho giáo triều Rôma vừa rồi). Lời đó là: ‘Tôi ở nơi đây để sống giữa những thành phần dân chúng này, nhờ đó Chúa Giêsu hiện diện giữa họ qua xác thịt của tôi… Người ta có khả năng cứu độ chỉ bằng việc hiến ban xác thịt của mình mà thôi. Sự dữ của thế giới này được hạ sinh và khổ đau được cảm nghiệm thấy, chính yếu là ở chỗ thấm nhập vào xác thịt riêng của người ta, như Chúa Giêsu đã làm’. Chúa Giêsu đã mặc lấy xác thịt của chúng ta. Chúng ta hãy hiến nó cho Người, để nhờ đó Người có thể vào đời mà đổi đời. Amen.

 
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 13/4/2006

 

 

TOP

 

 

?  ĐTC Biển Đức XVI: Lễ Chiều Thứ Năm Thánh 13/4/2006 tại Đền Thờ John Lateran

‘Người đã yêu thương những kẻ thuộc về mình thì Người đã yêu thương họ tới cùng’ (Jn 13:1). Thiên Chúa yêu thương tạo vật của Ngài là con người. Ngài cũng yêu thương con người khi họ sa ngã và không bỏ rơi mặc thây họ cho rồi đời. Ngài yêu thương họ tới cùng. Bằng tình yêu của mình Ngài đã đi cho tới cùng, cho tới cực độ: Ngài đã hạ giáng không còn vinh hiển thần linh của Ngài nữa. Ngài đã bỏ đi vinh hiển thần linh của Ngài và mặc lấy thân phận tôi đòi. Ngài đã xuống tận chỗ thấp hèn nhất của tình trạng sa đọa của chúng ta. Ngài đã quì xuống trước chúng ta và cống hiến chúng ta một việc làm của người tôi tớ. Ngài rửa chân bẩn thỉu của chúng ta để chúng ta có thể được thông phần với Ngài, để chúng ta được xứng đáng ngồi vào bàn với Ngài, một việc tự mình chúng ta không bao giờ có thể làm và dám làm.

 

Thiên Chúa không phải là một Thiên Chúa xa vời, quá xa vời và cao cả đối với những gì là tầm thường của chúng ta. Cho dù là Ngài cao cả Ngài vẫn có thể chú trọng tới những cái tầm thường của chúng ta. Cho dù là Ngài cao cả, nhưng linh hồn của con người, một con người được tình yêu hằng hữu dựng nên ấy, lại không phải là những gì bé nhỏ, song cao cả và đáng được Ngài yêu thương. Sự thánh thiện của Thiên Chúa không phải chỉ là một thứ quyền năng rực rỡ khiến chúng ta phải kinh hoàng hãi sợ. Ngài là quyền lực yêu thương, nên Ngài là quyền lực thanh tẩy và tái sinh.

 

Thiên Chúa hạ giáng và biến thành một người tôi tớ, rửa chân cho chúng ta để chúng ta được ngồi vào bàn với Ngài. Tất cả mầu nhiệm của Chúa Kitô được thể hiện nơi điều này. Ý nghĩa của việc cứu chuộc được tỏ hiện nơi việc ấy. Chậu nước mà Ngài thanh tẩy chúng ta là tình Ngài yêu thương sẵn sàng chấp nhận chết đi. Chỉ có tình yêu mới có quyền năng thanh tẩy chúng ta khỏi ô uế bẩn thỉu và nâng chúng ta lên tầm mức cao cả của Thiên Chúa. Chính Ngài là bồn nước thanh tẩy chúng ta, Đấng hoàn toàn hiến mình cho chúng ta đến độ chạm tới vực thẳm khổ đau và chết chóc của họ. Ngài liên lỉ là tình yêu thanh tẩy chúng ta nơi các bí tích thánh tẩy – bí tích rửa tội và thống hối – Ngài tiếp tục quì xuống dưới chân chúng ta để cống hiến cho chúng ta một việc làm của thành phần tôi tớ, đó là việc thanh tẩy; Ngài làm cho chúng ta xứng đáng với Thiên Chúa. Tình yêu của Ngài khôn tận; Ngài thực sự yêu thương cho tới cùng.

 

Chúa Kitô nói: ‘Các con thanh sạch nhưng không phải tất cả mọi người trong các con đâu’ (Jn 13:10). Trong câu này Ngài đã tỏ cho chúng ta thấy tặng ân thanh tẩy cao cả Ngài cống hiến cho chúng ta, vì Ngài muốn ngồi vào bàn chung với chúng ta, trở nên lương thực cho chúng ta. ‘Thế nhưng không phải là tất cả đâu’; đây là mầu nhiệm tối tăm của vấn đề khước từ, một mầu nhiệm đã xẩy ra cho Giuđa mà chúng ta cần phải suy nghĩ thực sự trong ngày Thứ Năm Tuần Thánh này, ngày Chúa Giêsu ban mình cho chúng ta. Tình yêu của Chúa Kitô vô giới hạn thế mà con người lại đặt giới hạn cho tình yêu này.

 

‘Các con thanh sạch những không phải là tất cả các con đâu’. Cái gì làm cho con người ra ô uế bẩn thỉu? Đó là thái độ khước từ tình yêu, không muốn được yêu thương, không yêu thương. Đó là thái độ cao ngạo cho rằng không cần thanh tẩy, khép mình trước sự thiện hảo cứu độ của Thiên Chúa.

 

Thái độ cao ngạo không muốn thú nhận và nhìn nhận rằng chúng ta cần được thanh tẩy. Nơi Giuđa, chúng ta thấy bản chất của thái độ khước từ một cách rõ ràng hơn nữa. Hắn nghĩ về Chúa Giêsu theo những gì là quyền lực và thành đạt. Đối với hắn, chỉ có thực tại về     quyền lực và thành đạt mà thôi, còn tình yêu chẳng có nghĩa gì cả. Và hắn là một con người thèm muốn: Tiền bạc là những gì còn quan trọng hơn cả mối hiệp thông với Chúa Giêsu, quan trọng hơn cả Thiên Chúa và tình yêu của Ngài. Bởi đó, hắn cũng trở thành một tên dối trá, hắn cả gan ăn thua đủ với sự thật; hắn sống trong gian dối và nhắm mắt lại trước sự thật là Thiên Chúa. Bởi thế hắn bị cứng lòng, không thể ăn năn hối cải, không thể bắt đầu tin tưởng trở về như người con hoang đàng mà bỏ đi cuộc đời băng hoại.

 

‘Các con thanh sạch nhưng không phải là tất cả đâu’. Chúa Kitô muốn cảnh giác chúng ta ngày nay trước cái tự mãn đến độ đặt giới hạn cho tình yêu vô hạn của Ngài. Ngài mời gọi chúng ta hãy bắt chước sự khiêm tốn của Người, hãy tin tưởng vào sự khiêm tốn này, hãy để mình bị ‘nhiễm lây’ nó. Ngài mời gọi chúng ta hãy trở về nhà, bất kể chúng ta cảm thấy sai lạc đến đâu đi nữa và hãy để choi sự thiện hảo thanh tẩy của Ngài thăng hóa chúng ta và làm cho chúng ta được hiệp thông với Ngài, với chính Thiên Chúa.

 

Chúng ta hãy suy nghĩ một câu nữa từ đoạn Phúc Âm bất tận này, đó là câu: ‘Thày đã làm gương cho các con’ (Jn 13:15), để ‘các con cũng phải rửa chân cho nhau’ (Jn 13:14). Việc rửa ‘chân cho nhau’ này là ở chỗ nào? Nó đặc biệt có nghĩa là gì? Hết mọi việc lành làm cho kẻ khác – nhất là cho những ai bị khổ đau và những ai ít được cảm mến – là việc rửa chân vậy. Chúa Kitô kêu gọi chúng ta làm việc này, đó là hạ mình xuống, tỏ ra khiêm nhượng và can đảm hành thiện, cũng như tỏ ra sẵn sàng chấp nhận bị khước từ nhưng vẫn tin tưởng vào sự thiện hảo và kiên trì với sự thiện hảo.

 

Thế nhưng vẫn còn một chiều kích sâu xa hơn nữa. Chúa Kitô tẩy rửa tình trạng ô uế bẩn thỉu của chúng ta bằng sự thiện hảo có quyền năng thanh tẩy của ngài. Việc rửa chân cho nhau trước hết nghĩa là không ngừng tha thứ cho nhau, nghĩa là luôn luôn bắt đầu lại cho dù nó có thể là luống công vô ích. Nó có nghĩa là thanh tẩy nhau bằng việc chịu đựng lẫn nhau và chấp nhận những gì người khác phải chịu đựng chúng ta; nó có nghĩa là thanh tẩy nhau, cống hiến cho nhau quyền năng thánh hóa của Lời Chúa và đưa nhau đến với bí tích của tình yêu thần linh.

 

Chúa Kitô thanh tẩy chúng ta và bởi đó chúng ta mới dám ngồi vào bàn với Ngài. Chúng ta hãy cầu xin để Ngài ban cho tất cả chúng ta ân sủng để trở thành khách vào một ngày nào đó và vĩnh viễn ở bàn tiệc cưới vĩnh hằng. Amen!


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 15/4/2006

 

 

TOP

 

? “Chúng ta được hạ sinh từ Thánh Thể… Thiên Chức Linh Mục cũng là một mầu nhiệm đức tin”


ĐTC GPII gửi Thư Thứ Năm Tuần Thánh 2004 Cho Hàng Linh Mục


Các Linh Mục thân mến!


1.     Thật là vui mừng và cảm mến khi viết Bức Thư Thứ Năm Tuần Này này cho anh em, theo truyền thống được bắt đầu từ Lễ Phục Sinh đầu tiên của Tôi với tư cách là Giám Mục Rôma 25 năm trước đây. Cuộc hội ngộ hằng năm của chúng ta qua Bức Thư này là một cuộc hội ngộ đặc biệt huynh đệ, nhờ việc chúng ta chia sẻ chung về Thiên Chức Linh Mục của Chúa Kitô, và việc chia sẻ này diễn ra vào khung cảnh phụng vụ của một ngày thánh được đánh dấu bằng hai việc cử hành quan trọng, đó là Lễ Truyền Dầu ban sáng và Lễ Tiệc Ly ban chiều.


Tôi nghĩ đến anh em nhất là khi anh em tụ họp lại ở vương cung thánh đường thuộc các Giáo Phận khác nhau của anh em bên những Vị Bản Quyền đương nhiệm của anh em để lập lại những lới hứa linh mục của anh em. Lễ nghi sống động này xẩy ra sau việc thánh hiến các thứ Dầu Thánh, nhất là Dầu Thơm Olive, và là lễ nghi rất xứng hợp với Lễ Truyền Dầu, một Lễ cho thấy hình ảnh Giáo Hội là một dân tư tế được thánh hóa nhờ các phép bí tích và được sai đi khắp thế giới như hương thơm của Đức Kitô Cứu Thế (2Cor 2:14-16).


Vào lúc trời tối, Tôi thấy anh em tiến vào Căn Thượng Lầu để bắt đầu Tam Nhật Thánh. Chính ở “căn lầu rộng” (Lk 22:12) ấy Chúa Giêsu đã kêu mời chúng ta hãy trở lại vào mỗi Ngày Thứ Năm Tuần Thánh, và cũng chính ở nơi đó , hơn bất cứ ở đâu khác, Tôi hết sức vui mừng được gặp gỡ anh em thân yêu của Tôi trong thiên chức linh mục. Ở tại Bữa Tiệc Ly, chúng ta đã được sinh ra là những linh mục: vì thế chúng ta vừa hoan hỉ vừa phải qui tụ lại với nhau một lần nữa ở Căn Thượng Lầu này, để nhắc nhở nhau, bằng lòng thành thực tri ân, sứ vụ cao quí của chúng ta.


2.     Chúng ta đã được hạ sinh từ Thánh Thể. Nếu chúng ta thực sự nói rằng toàn thể Giáo Hội sống bởi Thánh Thể (“Ecclesia de Eucharistia vivit”), như Tôi đã tái xác nhận trong Thông Điệp mới đây, chúng ta có thể nói tương tự như thế về thiên chức linh mục thừa tác: một thiên chức linh mục thừa tác được hạ sinh, sống động và sinh hoa kết trái từ Thánh Thể “de Eucharistia” (cf. Council of Trent, Sess. XXII, canon 2: DS 1752). “Không thể nào có Thánh Thể nếu không có chức linh mục, cũng như không thể nào có chức linh mục nếu không có Thánh Thể” (cf. "Gift and Mystery. On the Fiftieth Anniversary of My Priestly Ordination," New York, 1996, pp. 77-78).


Thừa tác vụ thánh, một thừa tác vụ không bao giờ được biến thành một chiều kích thuần hành sự, vì nó thuộc về cấp độ “bản chất”, làm cho vị linh mục có thể tác hành thay cho Chúa Kitô “in persona Christi” mà giây phút tột đỉnh xẩy ra là lúc vị linh mục thánh hiến bánh và rượu, lập lại những cử chỉ và lời nói của Chúa Giêsu trong Bữa Tiệc Ly.


Trước thực tại phi thường này, chúng ta cảm thấy ngỡ ngàng và chất ngất trước sự khiêm hạ thật thẳm sâu của một Vị Thiên Chúa “cúi xuống” để liên kết bản thân mình với con người! Nếu chúng ta bị cảm kích trước máng cỏ Sinh Nhật, khi chúng ta chiêm ngưỡng Lời Nhập Thể, thì chúng ta phải cảm thấy ra sao trước bàn thờ là nơi, nhờ bàn tay tầm thường của vị linh mục, Chúa Kitô hiện thực hóa Hiến Tế của Người trong thời gian? Chúng ta chỉ còn biết quì xuống mà âm thầm tôn thờ mầu nhiệm đức tin siêu việt này mà thôi.


3.     Mầu nhiệm đức tin “mysterium fidei”, vị linh mục công bố lời này sau khi truyền phép. Thánh Thể là một mầu nhiệm đức tin, tuy nhiên, chính thiên chức linh mục, nhờ phản ảnh Thánh Thể, cũng là một mầu nhiệm đức tin nữa (x. ibid, p. 78). Cũng là một mầu nhiệm thánh hóa và yêu thương, việc làm của Chúa Thánh Thần, một việc biến bánh và rượu trở nên Mình và Máu của Chúa Kitô, tác hành nơi con người của vị thừa tác viên vào lúc chịu chức linh mục. Có một tương giao đặc biệt giữa Thánh Thể và chức linh mục, một tương giao bắt nguồn từ Căn Thượng Lầu, ở chỗ, hai Bí Tích này được hạ sinh cùng một lúc và định mệnh của cả hai được gắn liền với nhau bất khả phân ly cho đến tận thế.


Đến đây chúng ta chạm đến những gì được gọi là “tính cách tông đồ của Thánh Thể” (x Thông Điệp Ecclesia de Eucharistia, 26-33). Bí tích Thánh Thể, như bí tích Hòa Giải, được Chúa Kitô trao phó cho các Thánh Tông Đồ và đã được các vị cùng với những ai thừa kế các vị truyền lại cho mọi thế hệ. Vào lúc mở màn cho cuộc sống công khai của mình, Đấng Thiên Sai đã kêu gọi 12 Vị, chỉ định các vị “ở với Người” và sai các vị đi truyền giáo (x Mk 3:14-15). Ở Bữa Tiệc Ly, việc các Tông Đồ “ở với” Chúa Giêsu đã lên đến tuyệt đỉnh. Bằng việc cử hành bữa Vượt Qua và thiết lập Thánh Thể, vị Tôn Sư thần linh làm cho ơn gọi của họ nên trọn. Khi nói rằng “các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thày”, là Người đóng ấn tín lên sứ vụ của các vị, và bằng việc liên kết các vị với chính bản thân Người trong mối hiệp thông về bí tích, Người truyền cho các vị phải kéo dài tác động rất thánh này để nhớ đến Người.

Khi công bố những lời “Các con hãy làm điều này…”, Chúa Giêsu nghĩ đến những người thừa kế của các Tông Đồ, đến những ai sẽ tiếp tục sứ vụ các ngài bằng việc phân phát lương thực sự sống cho đến tận cùng trái đất. Bởi thế, chư huynh linh mục thân mến, một cách nào đó, ở Căn Thượng Lầu, chúng ta cũng được kêu gọi một cách riêng tư, mỗi một người trong chúng ta, “bằng một tình yêu thương huynh đệ” (Lời Nguyện Mở Đầu Lễ Truyền Dầu), để lãnh nhận từ đôi thay thánh hảo của Chúa Bánh Thánh Thể và bẻ Bánh này ra để làm lương thực ban phát cho Dân Chúa trên lộ trình họ tiến qua thời gian về quê hương thiên đình vĩnh cửu.


4.     Thánh Thể, như thiên chức linh mục, là tặng ân của Thiên Chúa “hoàn toàn vượt trên quyền năng của cộng đồng” và cộng đồng “lãnh nhận qua việc thừa kế của hàng giáo phẩm được truyền từ các Thánh Tông Đồ” (Thông Điệp Ecclesia de Eucharistia, 29). Công Đồng Chung Vaticanô II dạy rằng “vị linh mục thừa tác, bằng linh quyền có được… thay cho Chúa Kitô làm hiệu nghiệm hóa Hy Tế Thánh Thể và nhân danh toàn thể dân chúng hiến dâng Thánh Thể lên Thiên Chúa” Hiến Chế Tín Lý Lumen Gentium, 10). Cộng đồng tín hữu, hiệp nhất trong đức tin cũng như trong Thần Linh và là cộng đồng được trang bị bằng nhiều tặng ân khác nhau, cho dù có là nơi Chúa Kitô “hiện diện nơi Giáo Hội của Người, nhất là nơi những việc cử hành phụng vụ của Giáo Hội” (Hiến Chế Phụng Vụ Thánh, 7), tự mình vẫn không thể cử hành Thánh Thể hay cung cấp thành phần thừa tác thánh chức.


Bởi thế, thật là chính đáng khi dân Kitô giáo dâng lời cảm tạ Thiên Chúa về tặng ân Thánh Thể và tặng ân linh mục, đồng thời cũng không ngừng cầu nguyện để Giáo Hội không bao giờ bị thiếu hụt linh mục. Con số linh mục không bao giờ đủ đáp ứng các nhu cầu truyền bá phúc âm hóa không ngừng tăng phát cũng như nhu cầu chăm sóc mục vụ cho tín hữu. Ở một số nơi trên thế giới tình trạng thiếu hụt linh mục là tất cả những gì khẩn trương, vì ngày nay con số linh mục đang bị giảm sút không đủ thay thế bởi thế hệ trẻ. Ở những nơi khác, cám ơn Chúa, chúng ta thấy một mùa xuân hứa hẹn ơn gọi. Dân Chúa cũng càng ngày càng ý thức được nhu cầu cần phải cầu nguyện và tích cực hoạt động để cổ võ ơn gọi linh mục và đời tận hiến.


5.     Ơn gọi thật sự là một tặng ân của Thiên Chúa mà chúng ta cần phải liên lỉ nguyện cầu. Theo lời mời gọi của Chúa Giêsu, chúng ta cần cầu cùng Chủ mùa hay sai thợ đến làm mùa của Ngài (x Mt 9:37). Việc cầu nguyện được hỗ trợ bằng cách âm thầm hiến dâng các nỗi khổ đau, vẫn là cách thức trước hết và hiệu nghiệm nhất của hoạt động mục vụ cổ võ ơn gọi. Cầu nguyện nghĩa là gắn mắt nhìn lên Chúa Kitô, tin tưởng rằng từ Người, Vị Thượng Tế duy nhất, cũng như từ hiến tế thần linh của Người, sẽ phát xuất, qua công cuộc của Chúa Thánh Thần, muôn vàn hạt giống ơn gọi cần thiết cho đời sống và sứ vụ của Giáo Hội ở mọi thời đại.


Chúng ta hãy dừng lại ở Căn Thượng Lầu để chiêm ngưỡng Đấng Cứu Chuộc, Đấng đã thiết lập Bị Tích Thánh Thể và thiên chức linh mục trong Bữa Tiệc Ly. Trong đêm thánh ấy, Người đã gọi tên của mỗi và mọi vị linh mục xuất hiện trong thời gian. Người đã nhìn đến mỗi một người trong họ bằng cùng một ánh mắt đầy ưu ái phấn khởi Người đã nhìn Simon và Anrê, nhìn Giacôbê và Gioan, nhìn Nathanael ở dưới cây vả, và nhìn Mathêu đang ngồi ở bàn thâu thuế. Chúa Giêsu đã mời gọi chúng ta, và, bằng các đường lối khác nhau, Người tiếp tục mời gọi nhiều người khác nữa làm thừa tác viên cho Người.


Từ Căn Thượng Lầu này, Chúa Kitô không ngừng tìm kiếm và mời gọi. Ở đây chúng ta thấy được nguồn gốc và nguồn mạch nguyên thủy của việc mục vụ thực sự cổ võ ơn gọi linh mục. Anh em thân mến, chúng ta hãy coi mình là những người đầu tiên lãnh trách nhiệm ở lãnh vực này, sẵn sàng giúp cho tất cả những ai Chúa Kitô muốn kêu gọi đến với thiên chức linh mục của Người biết đáp ứng một cách quảng đại lời Người mời gọi.


Tuy nhiên, trước hết, hơn bất cứ nỗ lực nào khác hoạt động cho ơn gọi, không thể nào thiếu được lòng trung thành của chúng ta. Vấn đề cần ở đây là việc chúng ta dấn thân theo Chúa Kitô, là lòng chúng ta yêu mến Thánh Thể, là việc chúng ta sốt sắng cử hành Thánh Thể, là việc chúng ta sùng bái tôn thờ Thánh Thể, và là lòng nhiệt thành của chúng ta trong việc trao ban Thánh Thể cho anh chị em của chúng ta, nhất là cho thành phần bệnh nhân. Chúc Giêsu Thượng Tế tiếp tục mời gọi những người thợ mới đến làm vườn nho cho Người, thế nhưng trước hết Người muốn tùy thuộc vào sự hợp tác chủ động của chúng ta. Các vị linh mục mến yêu Thánh Thể có khả năng truyền đạt cho trẻ em và giới trẻ “cái chất ngất Thánh Thể” đã được Tôi tìm cách khêu lên nơi Thông Điệp Ecclesia de Eucharistia (x. đoạn 6). Nói chung thì họ là những vị linh mục dẫn chúng tới con đường làm linh mục, như lịch sử ơn gọi của chúng ta dễ dàng cho thấy.


6.     Chư huynh linh mục thân mến, theo chiều hướng này, Tôi xin anh em, trong số những hoạt động của mình, anh em hãy đặc biệt lưu ý tới các em giúp lễ, thành phần như là một “mảnh vườn” của ơn gọi linh mục. Nhóm giúp lễ được anh em hướng dẫn như là một phần thuộc cộng đồng giáo xứ, có thể cảm nghiệm thấy cái giá trị của nền giáo dục Kitô giáo và trở thành một loại tiền chủng viện. Anh em hãy giúp giáo xứ, như là một gia đình bởi nhiều gia đình, coi những em giúp lễ như con cái của họ, như “những chồi Olive chung quanh bàn” của Chúa Giêsu Kitô là Bánh Sự Sống (x Ps 127:3).


Nhờ sự giúp đỡ của các gia đình và các giáo lý viên, anh em hãy đặc biệt quan tâm đến nhóm giúp lễ, để qua việc phục vụ bàn thờ của họ, mỗi người trong họ biết lớn lên trong tình yêu Chúa Giêsu, biết nhìn nhận Người thực sự hiện diện trong Thánh Thể, và biết cảm nghiệm cảm được vẻ đẹp của phụng vụ. Cần phải cỏ võ và khích lệ những hoạt động của thành phần giúp lễ ở cầp giáo phận hay địa phương, lưu ý tới những lứa tuổi khác nhau. Trong những năm thi hành thừa tác vụ giáo phẩm của mình ở Krakow, Tôi đã thấy được nhiều thiện ích đạt được từ mối quan tâm đến việc huấn luyện về nhân bản, tu đức và phụng vụ của chúng. Khi trẻ em hay giới trẻ hân hoan và nhiệt tâm giúp lễ là chúng cống hiến cho bạn bè của chúng một chứng từ hùng hồn cho tầm quan trọng và vẻ đẹp của Thánh Thần. Nhờ óc tưởng tượng sinh động của chúng, cũng như nhờ sự dẫn giải và gương sáng của các vị linh mục cùng bạn bè lớn tuổi nhơn mình, thì ngay cả những trẻ em còn bé cũng có thể phát triển trong đức tin và phát triển lòng yêu mến những thực tại thiêng liêng.


Sau hết, anh em đừng quên rằng chính anh em là những “Vị Tông Đồ” tiên khởi của Chúa Giêsu Thượng Phẩm. Chứng từ của anh em đáng giá hơn bất cứ những gì khác. Thành phần giúp lễ thấy anh em dâng Lễ Chúa Nhật và ngày thường là chúng thấy nơi đôi tay của anh em Thánh Thể “diễn ra”, trên bộ mặt của anh em phản ảnh mầu nhiệm Thánh Thể, và trong tâm can của anh em chúng cảm thấy được kêu gọi sống yêu thương cao cả hơn. Chớ gì, đối với chúng, anh em là những người cha, những thày dạy, và những chứng nhân của lòng sùng mộ Thánh Thể cũng như của đời sống thánh thiện!


7.     Anh em linh mục thân mến, sứ vụ đặc biệt của anh em trong Giáo Hội đòi anh em phải là “bạn hữu” của Chúa Kitô, liên lỉ chiêm ngưỡng dung nhan của Người bằng tấm lòng đơn sơ tại học đường của Đức Maria Rất Thánh. Anh em hãy cầu nguyện không ngừng, như Thánh Tông Đồ đã khuyên dụ (x 1Thess 5:17), và khuyến khích tín hữu hãy cầu nguyện cho ơn gọi, cho việc kiên trì của những vị đã được kêu gọi sống đời linh mục cũng như cho việc thánh hóa tất cả mọi vị linh mục. Anh em hãy giúp cho cộng đồng của anh em biết yêu mến trọn vẹn hơn nữa cái “tặng ân và mầu nhiệm” đặc biệt là thiên chức linh mục thừa tác này.


Trong khung cảnh nguyện cầu của Thứ Năm Tuần Thánh, một lần nữa Tôi xin lập lại một số lời nguyện của Kinh Cầu Chúa Giêsu Kitô Tư Tế Và Hiến Tế (x tác phẩm Tặng Ân và Mầu Nhiệm, trang 108-114), là những lời nguyện cầu Tôi đã đọc nhiều năm và được nhiều lợi ích thiêng liêng:


Iesu, Sacerdos et Victima,
Chúa Giêsu là Vị Tư Tế và Vật Hiến Tế
Iesu, Sacerdos qui in novissima Cena formam sacrificii perennis instituisti,
ChúaGiêsu trong Bữa Tiệc Ly đã thiết lập một hình thức hiến tế đời đời
Iesu, Pontifex ex hominibus assumpte,
Chúa Giêsu là Vị Thượng Tế được tuyển chọn giữa loài người
Iesu, Pontifex pro hominibus constitute,
Chúa Giêsu được phong làm Thượng Tế vì loài người
Iesus, Pontifex qui tradidisti temetipsum Deo oblationem et hostiam,
Chúa Giêsu là Vị Thượng Tế hiến mình cho Chúa Cha như lễ dâng và tế vật
miserere nobis!
cầu cho chúng con!

Ut pastores secundum cor tuum populo tuo providere digneris,
Xin Chúa nhân lành ban cho dân Chúa các vị mục tử như lòng mong ước của Chúa
ut in messem tuam operarios fideles mittere digneris,
Xin Chúa nhân lành sai những người thợ trung thành đến làm mùa cho Chúa
ut fideles mysteriorum tuorum dispensatores multiplicare digneris,
Xin Chúa nhân lành tăng thêm những vị trung thành phân phát các mầu nhiệm của Chúa
Te rogamus, audi nos!
Xin Chúa nhậm lời chúng con!

8. Tôi xin ký thác cho mỗi một người trong anh em cũng như trao phó thừa tác vụ hằng ngày của anh em cho Mẹ Maria, Mẹ của Các Vị Linh Mục. Trong khi lần hạt mân Côi, mầu nhiệm ánh sáng thứ năm dẫn chúng ta tới chỗ chiêm ngắm tặng ân Thánh Thể bằng đôi mắt của Mẹ Maria, đến chỗ say đắm tình yêu “đến cùng” của Chúa Giêsu (Jn 13:1) trong Căn Thượng Lầu, cũng như nơi việc hiện diện khiêm hạ của Người trong hết mọi nhà tạm. Chớ gì Trinh Nữ Maria cầu cho anh em được ơn không bao giờ coi thường mầu nhiệm được trao phó vào tay anh em. Bằng tất cả tấm lòng tri ân cảm tạ Chúa về tặng ân Mình Máu lạ lùng của Người, chớ gì anh em trung thành kiên trì với thừa tác vụ tư tế của anh em.

Hỡi Mẹ Maria, Mẹ của Chúa Kitô, Vị Thượng Tế của chúng con, xin Mẹ cầu bầu để Giáo Hội luôn luôn có nhiều ơn gọi thánh thiện, có các vị thừa tác viên phục vụ bàn thánh trung thành và quảng đại!

Chư huynh linh mục thân mến, Tôi chúc cho anh em và cộng đồng của anh em một Lễ Phục Sinh Thánh Thiện và Tôi ưu ái ban phép lành của Tôi cho tất cả anh em.

Tại Vatican ngày 28/3, Chúa Nhật Thứ Năm Mùa Chay, năm 2004, năm thứ 26 của giáo triều Tôi.

Gioan Phaolô II

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu của Tòa Thánh được Zenit phổ biến ngày 6/4/2004

 

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ