GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ BA 8/5/2007

PHỤC SINH TUẦN 5

 

?  ĐTC Biển Đức XVI gửi Sứ Điệp cho Ngày Mừng Kỷ Niệm 90 Năm Biến Cố Fatima 13/5/1917

?  “Tính cách chính yếu về con người và chiều kích cộng đồng là hai cột trụ đồng thiết yếu cho việc cấu trúc hiệu nghiệm của universitas studiorum”.

? Đức Thánh Cha Biển Đức XVI về "Vị Thiên Chúa có Dung Nhan của Chúa Giêsu Kitô": "Thiên Chúa không ở xa cách chúng ta, Ngài không ở một nơi nào đó ngoài vũ trụ, một chốn nào đó chúng ta không một ai tới được. Ngài cắm lều ở giữa chúng ta".

 

 

 

?  ĐTC Biển Đức XVI gửi Sứ Điệp cho Ngày Mừng Kỷ Niệm 90 Năm Biến Cố Fatima 13/5/1917

 

Trong bức thư gửi cho ĐHY trưởng hồng y đoàn Angelo Sodano là vị được ngài cử làm đại diện ngài sang Linh Địa Thánh Mẫu Fatima nhân dịp mừng kỷ niệm 90 năm Biến Cố Fatima, vào hai ngày 12-13/5, Thứ Bảy và Chúa Nhật, vì ngài bị ngăn trở bởi chuyến  tông du Ba Tây từ 9-14/5/2007.   

 

Trong bức thư này, ngài nhấn mạnh đến vấn đề Kinh Mân Côi như sau: “Chúng tôi, những người đã từng viếng thăm đền thánh này, và với tư cách là tổng trưởng Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin đã nghiên cứu sứ điệp được Đức Trinh Nữ Maria ủy thác cho các em mục đồng nhỏ bé, hy vọng rằng tín hữu sẽ tái nhận thức được giá trị của việc cầu kinh mân côi thánh”.

 

Bức thư này đã được viết bằng Latinh và được Tòa Thánh phổ biến hôm Thứ Tư 2/5/2007 ở mạng điện toán toàn cầu http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/letters/2007/documents/hf_ben-xvi_let_20070413_sodano-fatima_lt.html

 

Đức Hồng Y Angelo Sodano là vị, khi còn là Quốc Vụ Khanh của Tòa Thánh, vào cuối Thánh Lễ Phong Chân Phước cho Thiếu Nhi Fatima Phanxicô và Giaxinta 13/5/2000, đã chính thức loan báo việc Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đồng ý cho phép tiết lộ Bí Mật Fatima phần thứ ba là phần bí mật được thế giới trông đợi biết được nội dung của nó từ lâu, nhất là vào năm 1960 và từ sau năm này trở đi.

 

Còn Đức Hồng Y Joseph Ratzinger là vị đã được ĐTC Gioan Phaolô II ủy thác cho việc dẫn giải phần Bí Mật Fatima thứ ba này, và chính thánh bộ Tín Lý Đức Tin của ngài phổ biến phần bí mật còn lại ấy vào ngày 26/6/2000.

 

Trong sứ điệp gửi cho dịp mừng kỷ niệm 90 năm Biến Cố Fatima này, ĐTC Biển Đức XVI cũng nhắc đến  việc Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã viếng thăm Fatima năm 1982 để tạ ơn Đức Mẹ “đã lạ lùng gìn giữ” mạng sống của ngài trong cuộc mưu sát ngài ở Quảng Trường Thánh Phêrô ngày 13/5/1981.

 

Đức Thánh Cha đương kim cũng nhắc lại là vào dịp ấy, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II “đã kêu gọi tín hữu hãy lắng nghe những lời cảnh báo của Đức Mẹ Fatima và hãy hoàn tất những điều yêu cầu của Mẹ”.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 7/5/2007

 

 TOP

 

 

? “Tính cách chính yếu về con người và chiều kích cộng đồng là hai cột trụ đồng thiết yếu cho việc cấu trúc hiệu nghiệm của universitas studiorum”.

 

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI: Diễn Từ Ngỏ Cùng Các Vị Đại Diện Thế Giới Văn Hóa tại Sân Đại Học ở Pavia Chúa Nhật 22/4/2007

 

(Chào hỏi mở đầu)

 

Việc đại học của anh chị em là một trong những đại học cổ kính nhất và nổi nang nhất ở Ý quốc và – tôi xin lập lại những lời của vị Viện Trưởng - trong số các vị giáo chức được tôn kính có những nhân vật như Alessandro Volta, Camillo Golgi và Carlo Forlanini.

 

Tôi cũng hân hoan nhớ lại những vị giáo sư và sinh viên có tầm vóc tinh thần trổi vượt đã trải qua câu lạc bộ Văn Học của anh chị em đây. Họ là Michele Ghislieri, vị về sau trở thành Thánh Giáo Hoàng Piô V, Thánh Charles Borromeo, Thánh Alessandro Sauli, Thánh Riccardo Pampuri, Thánh Gianna Beretta Molla, Chân Phước Contardo Ferrini và Người Tôi Tớ Chúa Teresio Olivelli.

 

Các bạn thân mến, hết mọi việc đại học đều mang sẵn ơn gọi cộng đồng: thật vậy, nó thực sự là một universitas, một cộng đồng giáo sư và sinh viên dấn thân tìm kiếm sự thật và đạt được những khả năng siêu đẳng về văn hóa và nghề nghiệp.

 

Tính cách chính yếu về con người và chiều kích cộng đồng là hai cột trụ đồng thiết yếu cho việc cấu trúc hiệu nghiệm của universitas studiorum.

 

Hết mọi việc đại học bao giờ cũng cần phải làm sao để bảo trì được những đặc tính của một trung tâm học hỏi ‘trong tầm tay của con người’, nơi sinh viên được bảo trì cho khỏi tình trạng vô danh ẩn tính và có thể vun trồng một cuộc đối thoại nẩy nở với các vị giáo sư để có thể được phấn khích phát triển về văn hóa và nhân bản của mình. 

 

Từ cấu trúc ấy xuất phát một số áp dụng thực hành được cấu kết với nhau. Trước hết, chỉ khi nào biết lấy con người làm tâm điểm và thực hiện việc đối thoại và những mối quan hệ liên cá vị trên hết bấy giờ mới có thể thắng vượt được tình trạng phân mảnh chuyên biệt của các ngành học và mới có thể phục hồi được cái phối cảnh hiệp nhất của kiến thức.

 

Tất nhiên và cũng đúng nữa là các phân ngành có khuynh hướng chuyên biệt hóa, trong khi những gì con người cần lại là mối hiệp nhất và sự tổng hợp.

 

Thứ hai, việc dấn thân nghiên cứu khoa học rất cần phải cởi mở trước vấn nạn hiện hữu về ý nghĩa đối với chính sự sống của con người. Việc nghiên cứu tìm kiếm kiến  thức, trong khi con người cũng cần đến sự khôn ngoan, một kiến thức thực sự được thể hiện nơi ‘việc sống kiến thức’.

 

Thứ ba, chỉ khi nào biết cảm n hận con người và những mối liên hệ liên cá vị thì mối liên hệ về sư phạm mới có thể trở thành một thứ liên hệ về giáo dục, một tiến trình phát triển nhân bản. Thật vậy, vấn đề cơ cấu lấy vấn đề truyền đạt làm ưu tiên trong khi con người lại mong muốn chia sẻ.

 

Tôi biết rằng việc chú trọng này đối với con người, với cảm nghiệm nguyên vẹn của họ về cuộc sống và ước vọng muốn hiệp thông của họ là những gì hiện diện ngay nơi hoạt động mục vụ của Giáo Hội ở Pavia về lãnh vực văn hóa. Điều này được chứng thực nơi công cuộc của các Đại Học Đường theo ước vọng của Kitô hữu.

 

Trong số những đại học đường này tôi cũng muốn nhắc đến Đại Học Borromeo là đại học theo ý muốn của Thánh Charles Borromeo bằng Tự Sắc thành lập của Đức Giáo Hoàng Puô V, và Đại Học Santa Caterina, được thành lập bởi Giáo Phận Pavia để đáp ứng ước muốn của Người Tôi Tớ Chúa Phaolô VI, được Tòa Thánh góp phần trọng yếu.

 

Theo ý nghĩa này thì công cuộc của các giáo xứ và các phong trào của giáo hội cũng quan trọng nữa, nhất là công cuộc của Trung Tâm Đại Học Giáo Phận và Hiệp Hội Sinh Viên Đại Học Công Giáo Ý quốc.

 

Mục đích hoạt động của họ là đón nhận toàn diện con người, để đề ra những tiến trình hòa hợp trong việc đào luyện về nhân bản, văn hóa và Kitô Giáo, cũng như để cung cấp chỗ cho việc chia sẻ, bàn luận và hiệp thông.  

 

Tôi muốn lợi dụng dịp này để xin cả sinh viên và giáo sư đừng cảm thấy rằng họ chỉ là đối tượng của mối quan tâm mục vụ mà là chủ động tham dự và góp phần của mình vào dự án văn hóa của ước vọng Kitô Giáo được Giáo Hội cổ võ ở Ý quốc và ở Âu Châu.

 

(còn tiếp)

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch trực tiếp từ mạng điện toán toàn cầu của Tòa Thánh

 

http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/speeches/2007/april/documents/hf_ben-xvi_spe_20070422_university-pavia_en.html

 

TOP

 

 

? Đức Thánh Cha Biển Đức XVI về "Vị Thiên Chúa có Dung Nhan của Chúa Giêsu Kitô"

 

"Thiên Chúa không ở xa cách chúng ta, Ngài không ở một nơi nào đó ngoài vũ trụ, một chốn nào đó chúng ta không một ai tới được. Ngài cắm lều ở giữa chúng ta: nơi Chúa Giêsu, Ngài đã trở nên một người trong chúng ta, có máu và thịt như chúng ta".

 

Bài giảng Giờ Kinh Tối Chúa Nhật ngày mùng 10/9/2006 tại Vương Cung Thánh Đường Munich

 

Các em Rước Lễ Lần Đầu thân mến!

Quí Phục Huynh và Thày Cô thân mến!

Anh Chị Em thân mến!

 

Bài đọc chúng ta vừa nghe từ cuốn sách cuối cùng của Tân Ước, đó là cuốn Sách Khải Huyền. Mắt của vị thụ khải được nâng mắt lên cao, hướng lên cao, lên trời, và hướng tới, hướng về tương lai. Thế nhưng, để làm như thế, ngài nói với chúng ta về trái đất, về hiện tại, về đời sống của chúng ta. Trong giòng đời của mình, tất cả chúng ta đều là những kẻ hành trình, chúng ta đang hành trình tiến về tương lai. Theo tự nhiên, chúng ta muốn tìm thấy chính lộ: tìm thấy một sự sống chân thực, chứ không phải là một đường cùng hay một sa mạc. Chúng ta không muốn cuối cùng nói rằng tôi đã đi sai đường lạc lối, đời sống của tôi là một cuộc thảm bại, nó trật lấc mất rồi. Chúng ta muốn tìm thấy niềm vui trong cuộc sống; chúng ta muốn ‘sống viên mãn’ như lời Chúa Giêsu nói.

 

Thế nhưng, chúng ta hãy nghe vị thụ khải của Sách Khải Huyền. Ngài nói với chúng ta những gì trong đoạn bài mới được đọc cho chúng ta nghe ít phút trước đây? Ngài nói về một thế giới được giải hòa. Một thế giới là nơi dân chúng ‘thuộc mọi quốc gia, chủng tộc, dân tộc và ngôn ngữ’ (7:9) hân hoan qui tụ lại với nhau. Vậy chúng ta thử hỏi: ‘Điều này xẩy ra thế nào đây? Chúng ta theo con đường nào để tới được chỗ ấy?’ Đúng thế, điều quan trọng trước hết và trên hết đó là thành phần dân chúng này là những kẻ đang sống với Thiên Chúa; như bài đọc nói: chính Thiên Chúa ‘đã cho họ cư trú trong lều của Ngài’ (7:15). Bởi thế chúng ta tự hỏi mình lần nữa rằng: ‘Chúng ta có ý nói gì ở câu ‘lều của Thiên Chúa’ đây? Nó được tìm thấy ở đâu? Làm sao chúng ta đến được chỗ ấy chứ?’ Vị thụ khải đã ám chỉ ở chương thứ nhất của Phúc Âm theo Thánh Gioan, nơi chúng ta đọc thấy là: ‘Lời đã hóa thành nhục thể và cắm lều ở giữa chúng ta’ (1:14). Thiên Chúa không ở xa cách chúng ta, Ngài không ở một nơi nào đó ngoài vũ trụ, một chốn nào đó chúng ta không một ai tới được. Ngài cắm lều ở giữa chúng ta: nơi Chúa Giêsu, Ngài đã trở nên một người trong chúng ta, có máu và thịt như chúng ta. Đó là ‘lều’ của Ngài. Và nơi biến cố  Thăng Thiên, Ngài đã không đi đâu xa khỏi chúng ta. Lều của Ngài, tức chính Ngài ở nơi Thân Thể của Ngài, vẫn còn ở giữa chúng ta và là một người trong chúng ta. Chúng ta có thể gọi Ngài bằng một danh xưng và nói với Ngài một cách dễ dàng. Ngài lắng nghe chúng ta, và nếu chúng ta chú ý, chúng ta có thể nghe thấy Ngài nói lại với chúng ta.

 

Tôi xin lập lại là nơi Chúa Giêsu chính Thiên Chúa ‘cắm lều’ ở giữa chúng ta. Thế nhưng tôi cũng muốn lập lại rằng: Điều này thực sự xẩy ra ở chỗ nào? Bài đọc của chúng ta cống hiến cho chúng ta hai câu trả lời cho vấn nạn này. Bài đọc nói rằng thành phần nam nữ sống an bình ‘giặt áo mình nên tinh trắng trong máu của Con Chiên’ (7:14). Đối với chúng ta thì điều này nghe có vẻ rất lạ. Bằng thứ ngôn ngữ bí ẩn của mình, vị thụ khải đang nói về Phép Rửa. Những lời của ngài về ‘máu của Con Chiên’ ám chỉ tới tình yêu của Chúa Giêsu, một tình yêu được Người tiếp tục chứng tỏ thậm chí cho tới khi bị tử nạn một cách dữ dội. Tình yêu thương này, vừa thần linh vừa nhân loại, là một bể nước Người nhận chìm chúng ta xuống nơi Phép Rửa – một bể nước được Người dùng để rửa chúng ta, thanh tẩy chúng ta để chúng ta trở nên xứng đáng với Thiên Chúa và có thể sống hiệp thông với Ngài. Tuy nhiên, tác động Phép Rửa mới chỉ là khởi đầu. Bằng việc bước đi với Chúa Giêsu, trong đức tin và đời sống liên kết với Người, tình yêu của Người chạm tới chúng ta, thanh tẩy chúng ta và soi sáng chúng ta. Chúng ta nghe thấy rằng, trong bể nước yêu thương, y phục của chúng ta trở nên tinh trắng. Đối với thể giới xưa, thì mầu trắng là mầu của ánh sáng. Những bộ y phục trắng nghĩa là chúng ta trở nên ánh sáng trong đức tin, chúng ta loại trừ bóng tối tăm, sự sai lầm và hết mọi thứ xấu xa, và chúng ta trở thành dân của ánh sáng, xứng đáng với Thiên Chúa. Tấm áo thanh tẩy, như những chiếc áo Rước Lễ Lần Đầu các em đang mặc, là những gì có ý nhắc nhở chúng ta về điều ấy, và nói với chúng ta rằng: bằng việc sống như một người được ở với Chúa Giêsu và cộng đồng các tín hữu là Giáo Hội, các em đã trở thành một con người ánh sáng, một con người của sự thật và sự thiện – một con người tỏa chiếu sự thiện hảo, sự thiện hảo của chính Thiên Chúa.

 

Câu trả lời thứ hai cho vấn nạn ‘Chúng ta tìm thấy Chúa Giêsu ở đâu?’ cũng được vị thụ khải này trả lời bằng thứ ngôn ngữ bí ẩn của ngài. Ngài nói với chúng ta rằng Con Chiên dẫn một đám rất đông đảo dân chúng thuộc hết mọi văn hóa và quốc gia tới nguồn nước sự sống. Không có sự sống nếu thiếu nước. Dân chúng sống ở gần sa mạc biết điều này rõ ràng, bởi thế mà các mạch nước đối với họ đã trở thành biểu hiệu tuyệt vời cho sự sống. Con Chiên là Chúa Giêsu dẫn con người nam nữ đến các nguồn mạch sự sống. Trong số những mạch nguồn này là Thánh Kinh, nơi Thiên Chúa nói với chúng ta và bảo chúng ta làm thế nào để sống một cách đúng đắn. Thế nhưng cũng có những nguồn mạch khác nữa, nguồn mạch đích thực thật sự là chính Chúa Giêsu, nơi Người Thiên Chúa đã ban chính bản thân của Ngài. Ngài làm điều này trước hết nơi Thánh Thể. Chúng ta có thể thực sự uống trực tiếp từ nguồn mạch sự sống, ở chỗ, Ngài đến với chúng ta và làm cho mỗi người chúng ta ở với Ngài. Chúng ta có thể thấy điều này chân thực biết bao, ở chỗ, nhờ Thánh Thể, bí tích hiệp thông, một cộng đồng được thành hình, một cộng đồng vượt trên tất cả mọi biên giới và bao gồm tất cả mọi ngôn ngữ – chúng ta thấy nó ở nơi đây là nơi đang có sự hiện diện của các vị Giám Mục thuộc mọi ngôn ngữ và từ khắp nơi trên thế giới – nhờ mối hiệp thông mà Giáo Hội hoàn vủ được thành hình, nơi Thiên Chúa muốn nói với chúng ta và sống giữa chúng ta. Đó là cách chúng ta cần phải lãnh nhận Thánh Thể: khi thấy Thánh Thể như là một cuộc hội ngộ với Chúa Giêsu, một cuộc hội ngộ với chính Thiên Chúa, Đấng dẫn chúng ta tới các nguồn mạch sự sống đích thực.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch

 

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ