II 

TRUYỀN BÁ PHÚC ÂM HÓA LÀ GÌ? 

 

17.  Tính Cách Phức Tạp của Hoạt Động Truyền Bá Phúc Âm Hóa

 

Dĩ nhiên, trong hoạt động truyền bá phúc âm hóa của Giáo Hội có một số yếu tố và khía cạnh cần phải được đặc biệt nhấn mạnh. Trong những yếu tố này, có một số quan trọng đến nỗi dễ hướng chiều về việc đồng hóa mình với việc truyền bá phúc âm hóa. Bởi thế, việc truyền bá phúc âm hóa đã có thể được định nghĩa như là việc loan báo Chúa Kitô cho những ai chưa biết Người, như là việc rao giảng, như là việc dạy giáo lý, như là việc ban Phép Rửa và các bí tích khác.

 

Bất cứ một định nghĩa không trọn và khiếm khuyết nào để cố gắng dẫn giải thực tại truyền bá phúc âm hóa hết sức phong phú, phức tạp và năng động này đều có thể làm điều này một cách liều lĩnh trong việc nghèo nàn hóa nó, thậm chí làm cho nó bị méo mó đi nữa. Trừ phi người ta cố gắng để ý đến tất cả mọi yếu tố chính yếu của việc truyền bá phúc âm hóa, bằng không, họ không thể nào thấu triệt được quan niệm về việc truyền bá phúc âm hóa.

Những yếu tố này được nhấn mạnh một cách vững chắc ở Cuộc Thượng Hội vừa rồi, và vẫn còn là chủ đề cho việc tìm hiểu thường xuyên, như thành quả từ công việc của Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới. Chúng ta hân hoan nơi sự kiện là những yếu tố này theo sát chiều hướng của những gì được truyền đạt cho chúng ta từ Công Đồng Chung Vaticanô II, nhất là từ Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium, Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội Gaudium et Spes, và Sắc Lệnh về Hoạt Động Truyền Giáo của Giáo Hội Ad Gentes.

 

18.  Việc Canh Tân Nhân Loại

 

Đối với Giáo Hội, truyền bá phúc âm hóa nghĩa là mang Tin Mừng cho tất cả mọi tầng lớp nhân loại, để rồi, nhờ ảnh hưởng của Tin Mừng, biến đổi nhân loại từ bên trong và làm cho nhân loại nên mới: "Giờ đây Ta làm cho mọi tạo vật nên mới" (Rev.21:5; x.2Cor.5:17; Gal.6:15). (Biệt chú của người dịch: căn cứ vào câu định nghĩa chính thức của Giáo Hội có hai phần rõ ràng này, người dịch đã cố ý dùng cụm từ “truyền bá phúc âm hóa”, thay vì dùng các chữ vẫn thường được dùng, như “truyền bá phúc âm”, một chữ chỉ diễn tả được hoạt động truyền giáo ban đầu nơi thành phần ngoài Giáo Hội Chúa Kitô, đúng như phần đầu của câu định nghĩa nói đến, hay  “phúc âm hóa”, một chữ chỉ diễn tả được hoạt động tông đồ hầu như cho thành phần đã chịu phép rửa, như ý nghĩa được đề cập đến trong phần thứ hai của câu định nghĩa). Thế nhưng, sẽ không có một tân nhân loại, nếu trước hết không có những con người mới được canh tân nhờ Bí Tích Rửa Tội (x.Rm.6:4) và nhờ cuộc sống theo Phúc Âm (x.Eph.4:23-24; Col.3:9-10). Thế nên, mục đích của việc truyền bá phúc âm hóa chính là việc cải đổi nội tâm này, và nếu cần phải diễn đạt bằng một câu nói thì cách hay nhất là nói thế này, Giáo Hội truyền bá phúc âm hóa là Giáo Hội tìm cách hoán cải, bằng nguyên thần lực của sứ điệp mà Giáo Hội công bố, lương tâm của cả cá nhân cũng như tập thể con người, những hoạt động họ làm cùng với cuộc sống và hoàn cảnh của họ.

 

19.  Và các Tầng Lớp Nhân Loại

 

Đối với Giáo Hội, vấn đề tầng lớp nhân loại cần được biến đổi không phải chỉ là việc rao giảng Phúc Âm ở những miền rộng rãi hơn trước nữa, hay cho nhiều người  hơn trước nữa, mà còn ở việc tác lực, đúng ra ở việc biến đổi, theo quyền lực Phúc Âm, tiêu chuẩn phán đoán của con người, những giá trị ấn định, những điều lợi lộc, những giòng tư tưởng, những nguồn cảm hứng và những mẫu thức sống, nghĩa là tất cả những gì tương phản với Lời của Thiên Chúa và dự án cứu độ.

 

20.  Truyền Bá Phúc Âm Hóa các Nền Văn Hóa

 

Tất cả những việc này có thể được diễn đạt bằng những lời sau đây: vấn đề là làm sao để truyền bá phúc âm hóa văn hóa cũng như những văn hóa của con người, (không phải bằng một đường lối vẽ vời vậy thôi, như đã xẩy ra trong việc hời hợt áp dụng, mà bằng một đường lối dứt khoát, sâu xa và nhắm vào chính căn gốc của chúng), theo một ý nghĩa rộng rãi và phong phú mà những từ ngữ này được đề cập đến trong hiến chế Gaudium et Spes (đoạn 53), luôn luôn lấy con người như khởi điểm của mình và luôn luôn qui về mối liên hệ giữa con người với nhau và với Thiên Chúa.

 

Do đó, Phúc Âm, từ đó có việc truyền bá phúc âm hóa, và văn hoá chắc chắn không phải là một, Phúc Âm và việc truyền bá phúc âm hóa biệt lập với tất cả mọi văn hóa. Tuy nhiên, vương quốc mà Phúc Âm loan báo được sống bởi con người là thành phần lại gắn liền với văn hóa, và việc xây dựng vương quốc không thể nào tránh được sự vay mượn những yếu tố của văn hóa hay những văn hóa nhân loại. Mặc dầu biệt lập với các văn hóa, Phúc Âm và việc truyền bá phúc âm hóa không thiết yếu phải tương khắc với những nền văn hóa này, hơn là Phúc Âm và việc truyền bá phúc âm hóa có khả năng hòa nhập tất cả chúng lại với nhau mà không bị lệ thuộc vào nhau.

           

Việc phân rẽ giữa Phúc Âm và văn hóa thực sự là một thảm kịch của thời đại chúng ta, cũng như đã xẩy ra ở những thời đại khác. Vì thế, cần phải thực hiện mọi nỗ lực để bảo đảm cho một cuộc hoàn toàn truyền bá phúc âm hóa văn hóa, hay đúng hơn các văn hóa. Chúng phải được tái sinh bởi việc gặp gỡ Phúc Âm. Thế nhưng, cuộc gặp gỡ này sẽ không xẩy ra được nếu Phúc Âm không được loan báo.

 

21.  Tầm Quan Trọng Chính Yếu của Chứng Từ Đời Sống

 

Trước hết, Phúc Âm cần phải được rao giảng bằng việc làm chứng. Chẳng hạn một Kitô hữu, hay một số Kitô hữu, khi sống giữa cộng đồng của mình, tỏ ra có khả năng hiểu biết và chấp nhận, biết chia sẻ cuộc sống và thân phận với người khác, biết liên kết nỗ lực với tất cả mọi người để thực hiện những gì cao qúi và tốt lành. Ngoài ra, chúng ta còn cho là họ chiếu giãi đức tin của họ, một cách hoàn toàn đơn thành và tuyền vẹn, qua những giá trị xa vượt những giá trị tạm thời, cũng như họ chiếu giãi đức cậy của họ, nơi một cái gì đó không thấy được và là những gì người ta không dám mơ tưởng. Nhờ việc làm chứng không lời này, người Kitô hữu gợi lên những câu hỏi tất yếu nơi tâm trí của những ai thấy cuộc sống của họ: Tại sao họ lại như thế? Tại sao họ sống như vậy? Động lực sống của họ là gì hay là ai? Tại sao họ sống giữa chúng ta? Một chứng tá như vậy đã là một việc loan báo âm thầm Tin Mừng và là một việc loan báo rất mãnh lực và hiệu nghiệm. Ở đây chúng ta thực hiện tác động khởi đầu cho việc truyền bá phúc âm hóa. Những vấn đề trên sẽ được đặt ra, từ những người chưa được nghe loan báo về Chúa Kitô, hay từ những người chịu đạo mà không hành đạo, hoặc từ những người sống hữu danh vô thực theo lý thuyết là thành phần Kitô hữu, hay từ những người đang khổ sở tìm kiếm một cái gì đó hay một vị nào đó đánh động họ song họ chưa hoàn toàn nhận diện. Những vấn đề khác cũng sẽ được nẩy ra, sâu xa hơn và khẩn thiết hơn, những vấn đề do chứng từ ấy gợi lên, một chứng từ bao gồm việc hiện diện, chia sẻ và đoàn kết, một chứng từ là yếu tố chính yếu, nói chung, là yếu tố đầu tiên trong việc truyền bá phúc âm hóa.

     

Tất cả mọi Kitô hữu được kêu gọi cho việc làm chứng này, và bằng cách ấy, họ có thể là những nhà truyền bá phúc âm hóa thực sự. Chúng ta đang đặc biệt nghĩ đến trách nhiệm phải có đối với những người di dân tại xứ sở tiếp nhận họ.

 

22.  Cần Phải Minh Nhiên Loan Báo

Tuy nhiên, việc làm chứng này bao giờ cũng là một việc làm chưa trọn, vì ngay cả chứng tá tốt đẹp nhất, về lâu về dài, cũng tỏ ra vô hiệu lực, nếu nó không được dẫn giải, chứng thực - điều mà Thánh Phêrô gọi là sẵn sàng "đáp lại cho người đối chất anh em về lý do anh em hy vọng" (1Pt.3:15) - và làm sáng tỏ bằng một việc loan báo rõ ràng và dứt khoát về Chúa Giêsu. Tin Mừng được loan báo bằng chứng tá cuộc sống sớm muộn cũng phải được loan báo bằng ngôn từ của cuộc sống. Nếu danh tánh, giáo huấn, đời sống, lời hứa, vương quốc và mầu nhiệm của Chúa Giêsu Nazarét, Con Thiên Chúa, không được loan báo thì cũng không có việc truyền bá phúc âm hóa đích thực. Lịch sử Giáo Hội, từ bài diễn từ của Thánh Phêrô vào buổi sáng của Ngày Lễ Ngũ Tuần trở đi, đã được hòa trộn và đồng hóa với lịch sử của việc loan báo này... Việc loan báo này – việc rao giảng mở đầu, việc giảng dạy hay dạy giáo lý - chiếm một vị trí quan trọng trong việc truyền bá phúc âm hóa, đến nỗi nó thường được đồng nghĩa với việc truyền bá phúc âm hóa; tuy nhiên, nó cũng chỉ là một phương diện của việc truyền bá phúc âm hóa mà thôi.

 

23.  Làm cho Con Người Chấp Nhận và Gia Nhập

 

Thực sự việc loan báo chỉ tiến đến mức độ phát triển trọn vẹn khi nó được lắng nghe, chấp nhận và đồng hóa, và khi nó làm nổi dậy một niềm gắn bó thực sự nơi con người lãnh nhận nó. Một niềm gắn bó với các chân lý mà Chúa đã mạc khải theo tình thương của Ngài; hơn thế nữa, một niềm gắn bó với chương trình sống - một cuộc sống nhờ đó được biến đổi - mà Ngài dự định. Tóm lại, một niềm gắn bó với vương quốc, tức là, với một "tân thế giới", với tân trạng của các sự vật, với tân thức của việc hiện hữu, của cuộc sống, của cuộc sống trong cộng đồng được Phúc Âm khai mở. Một niềm gắn bó như vậy, không thể nào trừu tượng và bất hội nhập, được tỏ ra một cách cụ thể bằng việc hiển nhiên ra nhập vào cộng đồng các tín hữu. Như thế, những ai, có đời sống được biến đổi, gia nhập một cộng đồng mà tự nó là một dấu hiệu biến đổi, một dấu hiệu mới mẻ của sự sống: đó là Giáo Hội, một bí tích hữu hình của ơn cứu độ (x.Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, đoạn 1,9,48). Việc chúng ta gia nhập cộng đồng hội thánh, tự nó sẽ được thể hiện qua nhiều dấu hiệu khác là những gì nối dài và bộc lộ dấu hiệu Giáo Hội. Trong công cuộc truyền bá phúc âm hóa, một người chấp nhận Giáo Hội như Lời cứu độ (x.Rm.1:16; 1Cor.1:18) thường chuyển nó thành những tác động bí tích sau đây: gắn bó với Giáo Hội và chấp nhận các bí tích, những phương tiện biểu lộ và trợ giúp niềm gắn bó này bằng ân sủng thông ban.

 

24.  Rồi Trở Thành Một Tân Tông Đồ

 

Sau hết, con người đã được truyền bá phúc âm hóa sẽ đi truyền bá phúc âm hóa cho người khác. Đây là bản trắc nghiệm sự thật, là tiêu chuẩn truyền bá phúc âm hóa, ở chỗ, không được nghĩ rằng con người cần phải chấp nhận Lời Chúa và hiến mình cho vương quốc của Ngài, song lại không cần trở thành một người làm chứng và loan báo Lời Chúa, vương quốc của Chúa theo phận sự của mình.

 

Để giải quyết những quan tâm về ý nghĩa truyền bá phúc âm hóa này, cần phải nêu lên một nhận định cuối cùng, một nhận định chúng tôi cho rằng sẽ giúp làm sáng tỏ những suy tư có dính dáng đến nó.

 

Như chúng tôi đã nói, truyền bá phúc âm hóa là một tiến trình phức hợp được cấu tạo nên bởi những yếu tố khác nhau, đó là việc canh tân nhân loại, là chứng từ, là việc ra mặt rao giảng, là việc khăng khít trong lòng, là việc gia nhập cộng đồng, là việc chấp nhận những dấu chỉ, là sáng kiến tông đồ. Những yếu tố này có thể mâu thuẫn nhau, đúng hơn là loại trừ nhau. Thật ra, chúng bổ túc lẫn nhau và làm nhau nên phong phú. Mỗi một yếu tố phải luôn luôn được thấy ở trong mối liên hệ với nhau. Công lao của Thượng Hội Giám Mục vừa qua là không ngừng mời gọi chúng ta hãy liên kết những yếu tố này lại với nhau, chứ đừng làm cho chúng đối chọi nhau, để nhờ đó thấu triệt được hoạt động truyền bá phúc âm hóa của Giáo Hội.

 

Bởi vậy chúng tôi muốn phân định nhãn giới bao quát này, bằng việc suy xét nội dung của việc truyền bá phúc âm hóa và những phương pháp truyền bá phúc âm hóa, cũng như bằng việc làm sáng tỏ cho những ai là đối tượng của sứ điệp Phúc Âm và cho cả những ai đang đảm trách rao giảng sứ điệp Phúc Âm.