MEN ĐỨC TIN

 

Nhận thấy thế giới loài người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa và tương tự như Thiên Chúa bắt đầu phiêu lưu vào một qũi đạo văn hóa chết chóc như thế, với trách nhiệm ở trong thế gian mà không thuộc về thế gian của mình (x.Jn.17:11,13-15), Giáo Hội Công Giáo Rôma đã triệu tập một Công Đồng Chung tại Vatican lần thứ hai, từ ngày 11-10-1962 đến 8-12-1965, để làm sao có thể trở thành "Ánh Sáng Muôn Dân" ("Lumen Gentium" - danh xưng của Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội, một văn kiện chính yếu nhất trong 16 văn kiện của Công Đồng này), nhờ đó Giáo Hội có thể mang lại cho thế giới tân tiến "Niềm Vui và Hy Vọng" ("Gaudium et Spes" - danh xưng của Hiến Chế Mục Vụ diễn đạt tính cách đối ngoại của Giáo Hội trong Thế Giới Tân Tiến, phản ảnh và quảng diễn văn kiện có tính cách đối nội trên đây).

               

Không riêng gì Công Đồng Chung Vaticanô II này, trong suốt giòng lịch sử của mình, tùy theo thời thế và cách thế, Giáo Hội Công Giáo Rôma, nhất là kể từ Đức Giáo Hoàng Lêô XIII, với Thông Điệp "Rerum Novarum" về điều kiện của những giai cấp làm việc, ban hành ngày 15-5-1891, đã mở màn cho học thuyết xã hội của Kitô Giáo vào thời điểm chủ thuyết cộng sản sắp sửa hiện thân trở thành chế độ cộng sản vô thần sắt máu, một học thuyết xây dựng trên nền tảng bất biến là mạc khải thần linh, để ít là làm như muối ướp (x.Mt.5:13) giữ cho văn hóa thế gian khỏi bị thối rữa và băng hoại. Học thuyết xã hội của Kitô Giáo này đã được các vị giáo hoàng kế tiếp khai triển và áp dụng vào thời điểm của mình, theo thứ tự thời gian, có thể kể đến như sau:

               

Thông Điệp "E Supremi" của Đức Piô X ban hành ngày 4-10-1903, về việc phục hồi mọi sự trong Chúa Kitô

               

Thông Điệp "Ad Beatissimi Apostolorum" của Đức Bênêđictô XV ban hành ngày 1-1-1914, về việc kêu gọi hòa bình.

               

Các Thông Điệp của Đức Piô XI, như "Divini Redemptoris" về cộng sản, ban hành ngày 19-3-1937, và Thông Điệp "Nova Impendet" về việc khủng hoảng kinh tế, ban hành ngày 2-10-1931.

Thông Điệp "Summi Pontificatus" của Đức Piô XII ban hành ngày 20-10-1939, về việc hiệp nhất của xã hội loài người.

               

Các Thông Điệp của Đức Gioan XXIII, như "Mater et Magistra" về Kitô Giáo và việc phát triển xã hội, ban hành ngày 15-5-1961, và Thông Điệp "Pacem in Terris" về tình trạng bình an hoàn vũ trong chân lý, chính trực, bác ái và tự do, ban hành ngày 11-4-1963.

Các Thông Điệp của Đức Phaolô VI, như “Humane Vitae" về sự sống con người liên quan đến việc ngừa thai, ban hành ngày 25-7-1968, và Thông Điệp "Populorum Progressio" về việc phát triển của các dân tộc, ban hành ngày 26-3-1967.

Các Thông Điệp của Đức Gioan-Phaolô II, như "Laborem Exercens" về công việc làm của con người, ban hành ngày 14-9-1981; Thông Điệp "Sollicitudo Rei Socialis" về việc quan tâm đến xã hội, ban hành ngày 30-12-1987; Thông Điệp "Mulieris Dignitatem" về phẩm vị và ơn gọi của phụ nữ, ban hành ngày 15-8-1988; Thông Điệp "Centesimus Annus" về những vấn đề xã hội và kinh tế, ban hành để kỷ niệm 100 năm Thông Điệp "Rerum Novarum" (1891-1991); và Thông Điệp "Evangelium Vitae" về gía trị và tính cách bất khả xâm phạm của sự sống con người, ban hành ngày 25-3-1995.

Văn Hóa của con người, thành phần được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa và tương tự như Thiên Chúa, chỉ đạt đến tầm vóc toàn hảo của mình khi nó hoàn toàn được Đức Tin soi dẫn để có thể trung thực phản ảnh Lời Chúa là thần linh và là sự sống: "Triều đại của Thiên Chúa giống như men người đàn bà kia lấy đem trộn vào ba đấu bột. Dần dần cả khối bột trộn men bắt đầu phồng lên" (Mt.13:33).

               

Đất không thể tự mình xanh tươi nếu các hạt giống nơi nó không mọc lên thế nào thì thế gian cũng không thể nào có một bộ mặt nhân bản nếu không có văn hóa của con người như vậy. Tuy nhiên, cho dù có xanh tươi nhờ các hạt giống nơi nó mọc lên đi nữa, đất cũng chỉ là những cánh đồng hoang hay những khu rừng rậm, nơi ẩn nấp của loài dã thú. Cũng thế, qua giòng thời gian của lịch sử thế giới, nhất là giai đoạn BC (trước Chúa Kitô giáng sinh), văn hóa của con người vẫn còn là nơi chất chứa những con dã thú của sức mạnh, của rừng rú, của chộp bắt nhau, ăn thịt nhau.

               

Thật vậy, về thể lý, văn hóa của con người trong giai đoạn BC không là nơi ẩn nấp của loài dã thú, sặc mùi máu tanh và tử khí bốc lên từ sức mạnh của các đế quốc là gì? Như đế quốc Akkadian từ 2360 BC ở vùng Mesopotamia và Ba Tư, đế quốc Cựu Babylon cũng ở vùng này từ 1728 BC, đế quốc Hittite từ 1296 BC ở vùng Anatonia và Syria, đế quốc Assyria từ 883 BC ở vùng Mesopotamia và Persia, đế quốc Tân Babylon từ 605 BC rồi đến đế quốc Ba Tư từ 550 BC cũng ở vùng này, đế quốc Alexander từ 323 BC ở vùng Hy Lạp và Rôma, đế quốc Seleucid từ 280 BC ở vùng Anatolia và Syria, đế quốc Parthian ở vùng Mesopotamia và Ba Tư và đế quốc Rôma ở vùng Hy Lạp và Rôma cùng một thời sau 200 BC, đế quốc Rôma ở Palestine từ 50 BC v.v.,

               

Chưa hết, về luân lý, văn hóa của loài người trong giai đoạn BC cũng còn là nơi ẩn nấp cho loài dã thú, loài sống theo luật rừng mạnh được yếu thua, được tỏ hiện qua những khuynh hướng triết lý hay đạo lý khinh thường vật chất, hạ giá xác thịt, và coi thường phụ nữ nơi các tục đa thê v.v.

               

Thế nhưng, kể từ khi "có người kia đi gieo giống tốt trong thửa ruộng của mình" (Mt.13:24), đó là Lời nhập thể đi rao giảng Tin Mừng, đi truyền bá Phúc Âm trên thế gian và cho con người, bắt đầu từ vùng đất Do Thái, thì đất đã bắt đầu "trổ sinh muôn vàn hoa trái" (Jn.12:24,15:5).