LÚA MỤC NÁT

 

Tuy nhiên, vì Phúc Âm Kitô giáo dạy những điều hoàn toàn đi ngược lại với đường lối và chủ trương tự nhiên của thế gian, do đó, Phúc Âm mang thân phận giống như một hạt lúa miến cần phải bị mục nát đi để có thể sinh muôn vàn hoa trái (x.Jn.12:24). Thực tế đã cho thấy hạt lúa miến Phúc Âm đã bị mục nát đi nơi những cuộc bắt bớ, tiêu diệt ngay từ đầu, tại chính nơi phát xuất ra Kitô giáo là Thành Thánh Gia-Liêm. Để rồi, từ đó, về thời gian cũng như không gian, máu của vị tử đạo tiên khởi là Thánh Stêphanô đã liên tục chảy đến tất cả mọi xứ truyền giáo, nhất là đến vùng đất Á Đông, từ thế kỷ 16 đến 19, như Đại Hàn, với 103 vị tử đạo được Đức Gioan Phaolô II phong thánh năm 1984, và Việt Nam, với 117 vị tử đạo cũng được cùng vị Giáo Hoàng phong thánh năm 1989, thậm chí cho tới thế kỷ 20, đặc biệt vào hạ bán thập niên 1990 của cuối thế kỷ 20 này, một thời điểm loài người văn minh tột bậc mà máu tử đạo vẫn còn loang chảy tại Phi Châu.

               

Tuy nhiên, vì Phúc Âm là hạt giống thần linh, "một hạt giống không hư nát" (1Pt.1:23), nên Phúc Âm không thể bị quyền lực thế gian tiêu diệt, trái lại, hơn lúc nào hết, Phúc Âm nhờ đó càng sáng tỏ trên thế gian. Thực tế đã cho thấy, trong tất cả mọi tôn giáo chỉ có Kitô giáo là tôn giáo dễ bị bắt bớ nhất, bị bắt bớ nhiều nhất, bị bắt bớ lâu nhất, bị bắt bớ ở mọi đời và khắp mọi nơi. Đến nỗi, có thể nói, Chúa Kitô không tử nạn không thực là Chúa Kitô thế nào, thì Kitô giáo không bị bắt bớ không là Kitô giáo như vậy.

               

Thế mà, càng bị thế gian bắt bớ, Kitô giáo chẳng những không bị tiêu diệt, trái lại, như có đà, Kitô giáo càng phát triển hơn nữa, phát triển đến "tất cả mọi tạo vật" (Mk.16:15), "đến tận cùng thời gian" (Mt.28:20), một tầm mức phát triển đúng như ý nguyện của Đấng Sáng Lập Kitô giáo khi Người sai các môn đệ của mình đi "như chiên giữa sói rừng" (Mt.10:16), một phát triển "vĩ đại nhất"  (Mt.13:32) và kiên vững nhất (x.Mt.7:24-25), một phát triển vượt trội hơn hết mọi thứ cây tôn giáo, thể chế và ý hệ, một phát triển không lấn át trần gian song thu hút trần gian cho đến khi đạt được sứ mệnh của mình là làm cho trần gian dậy men Phúc Âm thần linh.

               

Hiện nay, trước ngưỡng cửa của ngàn năm thứ ba, kể từ thập niên 1960, Phúc Âm không phải chỉ bị một thể chế, một quyền lực hay một địa phương nào đàn áp nữa, mà là đang bị cả một trào lưu văn hóa trần tục ở khắp nơi, nhất là văn hóa Âu Mỹ, một nền văn hóa chịu ảnh hưởng Kitô giáo và mang tinh thần Kitô giáo, chống đối, áp đảo và muốn hoàn toàn triệt hạ, bằng những luật pháp cho phép phá hủy đi những giá trị luân lý phổ quát làm nên nhân phẩm con người, (như luật cho phép mang thai mướn và cấy thai trong ống nghiệm), làm nên yếu tính hôn nhân, (như luật cho phép hôn nhân đồng phái tính), và làm nên cơ cấu gia đình, (như luật cho phép ly dị và phá thai).

               

Tuy nhiên, hiện tượng băng hoại nơi các nền văn hóa nói chung, nhất là nơi nền văn hóa Âu Mỹ, một nền văn hóa thăng hoa bởi Phúc Âm Kitô giáo qua bao thế kỷ và cũng là một nền văn hóa ảnh hưởng khắp thế giới cho đến nay nhờ các cuộc truyền giáo, không phải là vì Phúc Âm Kitô giáo đã đến lúc hoàn toàn bị lỗi thời, nhất là vào thời của khoa học và kỹ thuật, thời của tự do và nhân quyền. Bởi vì, như thực tế cho thấy, hiện tượng duy nhân bản trong tân thời đại khoa học thực nghiệm này chẳng những không làm con người thăng tiến về mặt tâm linh là yếu tố làm nên con người đích thực, mà càng văn minh con người lại càng cảm thấy bất nhất (về thể chế xã hội theo chủ thuyết cộng sản  ngược lại với chủ nghĩa tư bản), bất an (về mối lo sợ thế chiến thứ ba xẩy ra sẽ tiêu diệt cả loài người bằng chính những sản phẩm khoa học do con người tạo ra là bom nguyên tử và bom khinh khí), bất hòa (với những cuộc Thế Chiến I và II, cùng các cuộc chiến dằng dai ở khắp nơi dọc suốt thế kỷ 20 này, như các cuộc Chiến Tranh Việt Nam, Chiến Tranh Đại Hàn, Chiến Tranh Trung Đông, chiến tranh ở Phi Châu, chiến tranh ở Âu Châu), và bất hạnh (với những đứa trẻ mồ côi bất đắc dĩ vì cha mẹ ly dị nhau, những thai nhi vô tội bị giết chết ngay trong bụng mẹ, những thanh thiếu niên nam lập băng đảng phạm pháp, những thanh thiếu nữ chửa hoang, những người tàn tật và bị bệnh vô phương cứu chữa trở thành gánh nặng cho xã hội cần phải thanh toàn món nợ của mình, những người đồng tính luyến ái bị triệu chứng Aids là triệu chứng hoại kháng tố v.v.).

               

Như thế, nếu trong giai đoạn lịch sử của nền văn hóa chịu ảnh hưởng Kitô giáo đang còn được Phúc Âm hóa xưa kia không hề xẩy ra những hiện tượng băng hoại càng ngày càng lở loét như một căn bệnh ung thư bất trị khắp nơi như được đề cập trên đây, cho đến thời khoa học và kỹ thuật, thời tự do và duy nhân bản mới có, thì không phải hay sao, đó là bằng cớ hiển nhiên và hùng hồn nhất nói lên rằng, khoa học và kỹ thuật, tự do, và duy nhân bản không phải là chúa tể hay là cứu chúa của con người, hơn là một con bò vàng ngẫu tượng mà con người sùng bái mà thôi.

               

Nếu con người hạ bệ Phúc Âm, loại trừ Phúc Âm ngàn đời ra khỏi văn hóa của mình, làm cho văn hóa nhạt mất chất mặn của muối Phúc Âm (x.Mt.5:13), con người đã, đang và sẽ như "cá không ăn muối cá ươn" thế nào thì hiện tượng con người văn minh băng hoại ngày nay đúng là một cuộc trắc nghiệm chứng thực là chỉ được Phúc Âm hóa, văn hóa của con người mới thực sự là văn hóa sự sống mà thôi.