TÁI PHÚC ÂM
 

“Ngàn năm thứ ba đang tiến đến" (Tertio Millennio Adveniente). Thế nhưng, vào chính thời điểm long trọng mừng kỷ niệm 2000 năm Mầu Nhiệm Nhập Thể nói riêng và Mầu Nhiệm Cứu Chuộc nói chung này, cả thế giới lẫn Giáo Hội Chúa Kitô chưa bao giờ cảm thấy một tình trạng "lòng mến nơi nhiều người trở nên nguội lạnh" (Mt.24:12) như vào thời điểm hiện nay.
 

Không phải hay sao, về phía trần gian, lòng mến nơi nhiều người đã chẳng trở nên nguội lạnh là gì, điển hình nhất là khi người ta, từ thập niên 1960, đã bắt đầu công khai hợp thức hoá việc cho phép ly dị và được quyền phá thai, một tình trạng chưa bao giờ có từ tạo thiên lập địa cho tới ngày nay! Phải chăng đây là điềm trời báo động cho thời điểm tận thế, thời điểm cùng tận của thế giới loài người, thời điểm con người ngang nhiên hùa nhau đồng loạt hủy hoại đi tất cả những gì Thiên Chúa đã thiết lập ngay từ ban đầu để làm nên xã hội loài người là giao ước hôn nhân và sinh sản con cái (x.Gn.1:27-28;2:21-24). 

           

Cũng không phải hay sao, về phía Giáo Hội, lòng mến nơi nhiều người đã không trở nên nguội lạnh là gì, khi có rất nhiều cơ sở của các dòng tu rộng lớn, đầy đủ tiện nghi, mà hoàn toàn bỏ trống, không còn ai tu, hoặc chỉ còn rất ít ơn gọi; hay khi con số linh mục càng ngày càng khan hiếm, đến nỗi người ta đang nghĩ cách dùng giáo dân thay thế linh mục hoặc cho linh mục lập gia đình; và khi con số đi dự lễ càng ngày càng ít ỏi, đến nỗi có một số địa phận đã phải đóng cửa không ít nhà thờ, hoặc có còn giữ đạo thì lại là một thứ đạo tại tâm, muốn giữ sao thì giữ, muốn tin gì thì tin, miễn sao hợp với cảm nghĩ và ý muốn tự nhiên của mình, hợp với văn hoá thuần nhân bản của mình.

           

Chính vì tình trạng "lòng mến nơi nhiều người trở nên nguội lạnh" như thế, nơi cả phần đời lẫn phần đạo, mà cũng từ thập niên 1960, Giáo Hội đã phải tự canh tân bản thân mình bằng biến cố Công Đồng Chung Vaticanô II (11/10/1962-8/12/1965). Để rồi, sau đó và từ đó, Giáo Hội đã đi sâu vào việc Tái Phúc Âm Hoá nội bộ cũng như đã đẩy mạnh việc Phúc Âm Hoá thế giới hơn. Việc làm cụ thể nhất trong công cuộc Giáo Hội Tái Phúc Âm Hoá nội bộ cũng như Phúc Âm Hoá thế giới là những cuộc tông du mục vụ của chính vị thừa kế Thánh Phêrô đại diện Chúa Kitô trên trần gian, bắt đầu từ ngay lòng Công Đồng Chung Vaticanô II, do Đức Thánh Cha Phaolô VI khởi xướng năm 1964.

Ngoài ra, để Tái Phúc Âm Hóa nội bộ, còn có các khóa họp của Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới, được Đức Thánh Cha Phaolô VI đề xướng vào thời gian gần kết thúc Công Đồng Chung Vaticanô II, bằng văn kiện Apostolica Sollicitudo ban hành ngày 15-9-1965, với kỳ họp đầu tiên đã được bắt đầu từ tháng 10 năm 1967, sau Công Đồng 2 năm. Và để Phúc Âm Hóa thế giới, cũng có những cuộc họp của Hội Đồng Giám Mục Các Châu, do Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II kêu gọi trong tông thư Tertio Millennio Adveniente của ngài ban hành 10-11-1994, đoạn 38, theo gương của Hội Đồng Giám Mục Châu Âu, nơi Kitô giáo trưởng thành và từ đó lan tràn khắp thế giới, cũng như gương của Hội Đồng Giám Mục Phi Châu.

           

Chủ đề của các kỳ họp Hội Đồng Giám Mục Thế Giới hay của các cuộc họp đặc biệt Hội Đồng Giám Mục Các Châu này đã hiển nhiên nói lên đường hướng canh tân và nhu cầu canh tân cấp thiết này.

           

Về việc Tái Phúc Âm Hóa nội bộ, Thượng Hội Đồng Thế Giới đã bàn đến các vấn đề và đã phổ biến các văn kiện liên quan trực tiếp đến việc Phúc Âm Hóa cũng như các văn kiện nhắm đến từng giới trong Giáo Hội, có thể theo thứ tự kể đến như sau:

           

Kỳ họp thường lệ thứ 1, 29/9-29/10-1967, về việc bảo trì và kiên cường đức tin Công Giáo : chuyên chính, năng lực, phát triển cùng sự nối kết của đức tin Công Giáo giữa tín điều và lịch sử.

           

Kỳ họp ngoại lệ thứ nhất, 11-28/10/1969, về bản chất và ý nghĩa của giáo phẩm đoàn, về mối liên hệ của giám mục và hội đồng giám mục với giáo hoàng cũng như với nhau.

           

Kỳ họp thường lệ thứ 2, 30/9-6/11/1971, về các vị tư tế thừa tác và sự chính trực trong thế giới.

           

Kỳ họp thường lệ thứ 3, 29/9-26/10/1974, về việc truyền bá Phúc Âm hóa trong thế giới tân tiến, được đúc kết trong tông huấn Evangelii Nuntiandi do Đức Thánh Cha Phaolô VI ban hành ngày 8-12-1975.

           

Kỳ họp thường lệ thứ 4, 30/9-29/10/1977, về việc dạy giáo lý trong thời đại của chúng ta, được đúc kết trong tông huấn Catechesi Tradendae do Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II ban hành ngày 16-10-1979.

           

Kỳ họp thường lệ thứ 5, 26/9-25/10/1980, về vai trò của gia đình Kitô hữu trong thế giới tân tiến, được đúc kết trong tông huấn Familiario Consortio do Đức Thánh Cha Gioan Phaolô ban hành ngày 22-11-1981.                       

           

Kỳ họp thường lệ thứ 6, 29/9-29/10/1983, về việc hòa giải và thống hối trong sứ mệnh của Giáo Hội hôm nay, được đúc kết trong tông huấn Reconciliatio et Paenitenlia do Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II ban hành ngày 2-12-1984.

           

Kỳ họp ngoại lệ thứ hai, 24/11-8/12/1985, về Công Đồng Vaticanô II, trong việc thẩm định sự áp dụng của Công Đồng 20 năm qua, cũng như trong việc tìm cách phát động sự canh tân trong Giáo Hội theo tinh thần và văn tự của Công Đồng.

           

Kỳ họp thường lệ thứ 7, 1-30/10/1987, về ơn gọi và sứ mệnh của giáo dân trong Giáo Hội và thế giới, được đúc kết trong tông huấn Christifideles Laici  do Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II ban hành ngày 20-12-1988.

           

Kỳ họp thường lệ thứ 8, 30/9-28/10/1990, về việc đào tạo linh mục trong các hoàn cảnh của ngày hôm nay, được đúc kết trong tông huấn Pastores Dabo Vobis do Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II ban hành ngày 25-3-1992.

           

Kỳ họp thường lệ thứ 9, 2-29/10//1994, về đời tận hiến và sứ mệnh của nó trong Giáo Hội và trong thế giới, được đúc kết trong tông huấn Vita Consecrata do Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II ban hành ngày 25-3-1996.

           

Kỳ họp thường lệ thứ 10 sẽ diễn ra vào cuối năm 1999 với mục tiêu nhắm đến giới còn lại là hàng giáo phẩm, bàn về chủ đề là "Giám mục: Tôi tớ của Phúc Âm Chúa Giêsu đối với niềm hy vọng của Thế Giới".

Về việc Phúc Âm Hóa thế giới, Hội Đồng Giám Mục Các Châu đã và sẽ bàn đến những chủ đề thời sự sau đây:

           

Hội Đồng Giám Mục Âu Châu, đáp lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, đã diễn ra tại Rôma từ ngày 28-11 đến 14-12 năm 1991, tức theo sau Biến Cố Đông Âu sụp đổ năm 1989 và ngay trước biến cố Nước Nga trở lại ngày 25-12-1991, để lợi dụng tình trạng sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản bàn về vai trò Kitô giáo trong tương lai của Âu Châu cũng như về vai trò tác hiệu của Giáo Hội Công Giáo trong việc hình thành một trật tự xã hội chân chính.

           

Hội Đồng Giám Mục Phi Châu nhóm họp tại Rôma vào ngày 10/4-8/5/1994 với chủ đề "Giáo Hội ở Phi Châu với sứ mệnh truyền bá Phúc Âm hướng về năm 2000: 'Các con sẽ là nhân chứng của Thày'", được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đúc kết trong tông huấn Ecclesia in Africa ban hành ngày 14-9-1995, dịp ngài thăm Phi Châu.

           

Hội Đồng Giám Mục Mỹ Châu nhóm họp tại Rôma vào ngày 16/11-12/12/1997, với chủ đề "Gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô hằng sống: Con đường dẫn đến Hối Cải, Hiệp Thông và Đoàn Kết", được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đúc kết trong tông huấn Ecclesia in America ban hành tại Mexicô City ngày 22-1-1999, dịp ngài thăm Mỹ Châu.

           

Hội Đồng Giám Mục Á Châu nhóm họp tại Rôma vào ngày 19/4-14/5/1998, từ ngày 19-4 đến 14-5, với chủ đề "Chúa Giêsu Kitô Cứu Thế với Sứ Mệnh Yêu Thương và Phục Vụ của Người ở Á Châu", sẽ được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đúc kết trong tông huấn Ecclesia in Asia ban hành trong năm 1999, dịp ngài thăm Á Châu.

           

Hội Đồng Giám Mục Đại Dương Châu nhóm họp tại Rôma vào ngày 23/11-12/12/1998, với chủ đề "Chúa Giêsu Kitô và nhân dân Đại Dương Châu - 'Đi Con Đường của Người, nói Sự Thật của Người và sống Sự Sống của Người'".

           

Hội Đồng Giám Mục Âu Châu sẽ nhóm họp lần thứ hai vào thời khoảng 1-23/10/1999 tại Rôma, với chủ đề "Chúa Giêsu Kitô vẫn sống nơi Giáo Hội, Nguồn Mạch Hy Vọng cho Châu Âu".

           

Với đà Canh Tân của Giáo Hội từ Công Đồng Vaticanô II tới nay đã quá rõ ràng và mãnh liệt như thế, thì một khi còn là con cái của Giáo Hội, còn như cành nho dính liền với thân nho, chắc chắn Kitô hữu Công Giáo chúng ta phải thực sự cảm thấy trong mình một luồng thần khí Canh Tân của Mẹ Giáo Hội chuyền sang cho chúng ta, để chúng ta có thể sống một “sự sống viên mãn hơn” (Jn.10:10) trong ngàn năm thứ ba Kitô giáo, Mùa Xuân gieo Tin Mừng Cứu Độ!


Bài nhập đề này của người biên soạn được trích từ cuốn Ý Thức Kitô Giáo

(Cao-Bùi, 1998, trang 109-128) và đã được phổ biến trên N S Dân Chúa MC 10/1999

Khởi dịch tại Tổng Giáo Phận Los Angeles

Ngày vào Thu 23/9/1999

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL.