6.      Những vấn đề hay khía cạnh hoặc lãnh vực đặc biệt được cả hai văn kiện EN và RM cùng nhắc đến liên quan đến chủ đề của mình là gì?

 

Những vấn đề hay khía cạnh hoặc lãnh vực đặc biệt được cả hai văn kiện EN và RM cùng nhắc đến liên quan đến chủ đề của mình, đó là hình thức cộng đoàn cơ bản và việc hội nhập văn hóa.

 

Þ           Về hình thức cộng đoàn cơ bản theo EN (đoạn 58):

 

Những cộng đoàn đích thực mang danh xưng này sẽ là một nơi truyền bá phúc âm hóa, vì lợi ích của các cộng đồng lớn hơn, nhất là của các Giáo Hội riêng. Như Chúng Tôi nói vào lúc kết thúc cuộc Thượng Hội vừa rồi, chúng sẽ là niềm hy vọng cho Giáo Hội hoàn vũ, ở chỗ:

 

®        Họ tìm cách bồi bổ mình bằng Lời Chúa, và không để cho mình bị vướng mắc vào việc đấu tranh chính trị, hay vào những ý hệ theo thời, những gì đang muốn khai thác khả năng nhân bản phong phú của họ;

 

®        Họ giữ mình không để mình bị lôi cuốn bởi chước cám dỗ thịnh hành hơn bao giờ hết, vào việc chống kháng có qui mô, cũng như vào thái độ phê phán cực đoan, viện lý là chính đáng và làm theo tinh thần hợp tác;

 

®        Họ gắn bó chặt chẽ với Giáo Hội địa phương họ thuộc về, cũng như với Giáo Hội hoàn vũ, nhờ thế, họ tránh được cái nguy cơ chính yếu là tự cô lập, rồi cho rằng mình mới là Giáo Hội Chúa Kitô chính cống, và từ đó luận phi các cộng đoàn giáo hội khác;

 

®        Họ giữ mối thông hiệp chân thành với các vị chủ chiên được Chúa gửi đến cho Giáo Hội của Người, cũng như với huấn quyền được Thần Linh của Chúa Kitô trao phó cho các vị mục tử này;

 

®        Họ không bao giờ coi mình như những hưởng thụ viên duy nhất hay những tác nhân duy nhất của việc truyền bá phúc âm hóa – hay ngay cả cho mình là kho chất chứa Phúc Âm duy nhất – trái lại, vì nhận biết rằng Giáo Hội rất bao rộng và đa diện, nên họ chấp nhận sự kiện là Giáo Hội cần phải nhập thể bằng nhiều cách thức khác nữa ngoài chính cách qua họ;

 

®        Họ luôn luôn phát triển theo nhận thức, mộ mến, dấn thân và nhiệt tình truyền giáo;

 

®        Họ chứng tỏ cho thấy họ phổ quát trong hết mọi sự và không bao giờ là một thứ giáo phái.

 

Căn cứ vào những điều kiện này, những điều kiện chắc chắn là nghiêm khắc song cũng nâng cao, communautés de base mang tính cách giáo hội mới tương hợp với ơn gọi căn bản nhất của mình, ở chỗ, cộng đoàn cơ bản này là những người được nghe Phúc Âm loan báo cho mình, và là những thừa hưởng viên đặc biệt của việc truyền bá phúc âm hóa này, chính họ sẽ sớm trở thành người loan báo Phúc Âm.

 

Þ        Về hình thức cộng đoàn cơ bản theo RM (đoạn 51):

 

Có một hiện tượng phát triển nhanh chóng nơi các Giáo Hội trẻ trung – một hiện tượng đôi khi được các vị Giám Mục và Hội Đồng Giám Mục của các vị cho là một ưu tiên mục vụ – đó là hiện tượng “các cộng đoàn giáo hội cơ bản” (cũng được gọi bằng các danh xưng khác nữa), những cộng đoàn đang chứng tỏ cho thấy là những trung tâm ích lợi cho việc đào tạo Kitô hữu cũng như việc dấn thân truyền giáo. Đây là những nhóm Kitô hữu, ở cấp độ gia đình hay trong một môi trường thu hẹp tương tự nào đó, họp nhau lại để nguyện cầu, đọc Thánh Kinh, học giáo lý và bàn luận về các vấn đề nhân bản cũng như giáo hội với ý hướng dấn thân hoạt động chung. Những cộng đoàn này là dấu sinh động trong Giáo Hội, là dụng cụ huấn luyện và truyền bá phúc âm hóa, cũng là một khởi điểm vững vàng cho một tân xã hội được xây dựng trên một ‘nền văn minh yêu thương’.

 

Những cộng đoàn này phân nhỏ cộng đồng giáo xứ và làm nên cộng đồng giáo xứ, một cộng đồng mà họ vẫn gắn bó. Họ đi sâu vào những miền kém may mắn và quê mùa làng mạc, để trở nên men của đời sống Kitô giáo, của việc chăm sóc người nghèo và bị bỏ rơi, cũng như của việc dấn thân làm cho xã hội được biến đổi. Nơi những cộng đoàn giáo hội cơ bản này, cá nhân Kitô hữu cảm nghiệm được cộng đồng, nhờ đó, họ cảm thấy họ đang đóng một vai trò chủ động và được phấn khởi để thông công làm việc chung. Như thế, các cộng đoàn này trở nên một phương tiện truyền bá phúc âm hóa và là việc rao giảng tiên khởi cho Phúc Âm, cũng là nguồn của các thừa tác vụ mới. Ngoài ra, được thấm nhập tình yêu Kitô giáo, các cộng đoàn này còn chứng tỏ cho thấy họ có thể thắng vượt được những chia rẽ, giòng tộc và chủng tộc.

 

Hết mọi cộng đoàn, nếu thực sự là Kitô giáo, đều phải được thiết lập trên Chúa Kitô và sống trong Người, ở chỗ lắng nghe lời Chúa, tập trung việc cầu nguyện của mình vào Thánh Thể, sống hiệp thông với nhau bằng việc nên một lòng trí, cũng như chia sẻ cho nhau tùy theo nhu cầu cần thiết của các phần tử (x. Acts 2:42-47). Như Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã nhắc nhở, hết mọi cộng đoàn này phải sống hiệp nhất với Giáo Hội riêng cũng như với Giáo Hội hoàn vũ, hoàn toàn hiệp thông với các Vị Chủ Chăn và Huấn Quyền của Giáo Hội, bằng quyết tâm hoạt động truyền giáo và không nhường bước cho khuynh hướng cô lập hóa hay những khai thác thuộc ý thức hệ (xem Tông Huấn Evangelii Nuntiandi, đoạn 58: loc. cit., 46-49). Cuộc Thượng Hội Giám Mục Thế Giới năm 1985 lên tiếng như sau: ‘Vì Giáo Hội là hiệp thông, các cộng đoàn cơ bản mới, nếu thực sự hiệp nhất với Giáo Hội, mới là thực sự thể hiện mối hiệp thông này và mới là phương tiện kiến tạo nên một mối hiệp thông sâu xa hơn. Có thế, những cộng đoàn cơ bản ấy mới là nguồn hy vọng dồi dào cho đời sống của Giáo Hội’ (Final Report, II, C, 6)”.

 

Þ           Về việc hội nhập văn hóa theo EN (đoạn 63):

 

Các Giáo Hội riêng, được xây dựng nên không phải bởi nhân sự mà còn bởi các khát vọng, bởi cả những gì phong phú lẫn giới hạn, bởi đường lối nguyện cầu, đường lối yêu thương, đường lối nhìn đời và thế giới, là tất cả những gì phân biệt nhóm người này với nhóm người kia, có nhiệm vụ phải đồng hóa và chuyển đạt sứ điệp Phúc Âm, không sai xẩy một chút nào nơi sự thật chính yếu của sứ điệp Phúc Âm ấy, vào ngôn ngữ để dân chúng riêng của mình hiểu được, rồi đem sứ điệp Phúc Âm này loan báo bằng thứ ngôn ngữ ấy.

 

Việc chuyển đạt phải được thực hiện một cách ý thức, nghiêm cẩn, tôn trọng và đầy đủ, một việc chuyển đạt cần thiết cho lãnh vực cử hành phụng vụ (xem Công Đồng Chung Vaticanô II, Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh Sacrosanctum Concilium, đoạn 37-38: AAS 56 (1964), p.110; cũng xin xem các sách về phụng vụ và các văn kiện hậu công đồng do Tòa Thánh ban bố để áp dụng thực hành việc canh tân phụng vụ theo ý của Công Đồng), cũng cần thiết cho cả lãnh vực giáo lý, cho việc diễn đạt về thần học, cho các cơ cấu hạ tầng giáo hội, và cho các thừa tác vụ. Chữ “ngôn ngữ” ở đây phải hiểu theo nghĩa được người ta gọi là nhân chủng học và văn hóa hơn là theo chữ nghĩa.

 

Chắc chắn đây là một vấn đề tinh tế. Viêïc truyền bá phúc âm hóa sẽ mất đi công sức và hiệu lực của mình, nếu việc này không để ý đến thành phần dân chúng thực tế được nhắm tới, nếu việc này không sử dụng đến ngôn ngữ của họ, dấu hiệu và biểu hiệu của họ, nếu việc này không giải đáp nổi những vấn đề họ nêu lên, và nếu việc này không tác dụng nơi đời sống thực tiễn. Thế nhưng, ngược lại, việc truyền bá phúc âm hóa cũng sẽ gặp cơ nguy mất đi năng lực của mình và hoàn toàn bị biến mất, nếu người ta làm trống rỗng hay nghèo nàn nội dung của việc này, bằng việc chuyển dịch nó; nghĩa là, nếu người ta hy sinh thực tại này và hủy hoại tính cách hiệp nhất không thể thiếu để làm nên mối hiệp nhất, chỉ vì muốn thích ứng thực tại phổ quát này với hoàn cảnh địa phương. Thế nên, chỉ có Giáo Hội, một Giáo Hội bảo trì nhận thức về tính cách phổ quát của mình và tỏ ra mình thực sự phổ quát, mới có thể làm cho mọi người, bất kể biên cương bờ cõi, nghe thấy được sứ điệp của mình.

 

Việc chú ý hợp tình hợp lý đến các Giáo Hội riêng không thể không làm cho Giáo Hội thăng tiến. Việc chú ý như vậy là một việc không thể thiếu và là một việc khẩn thiết. Nó đáp ứng những khát vọng rất sâu xa của các dân cũng như của các cộng đồng nhân loại, trong việc tìm kiếm căn tính của mình cho càng ngày càng sáng tỏ hơn”.

 

Þ           Về việc hội nhập văn hóa theo RM (đoạn 52):

 

Khi thực hiện hoạt động truyền giáo của mình nơi các dân nước, Giáo Hội giao ngộ với các văn hóa khác nhau và dính dáng đến tiến trình hội nhập văn hóa. Nhu cầu cần phải dính dáng đến tiến trình hội nhập văn hóa này đã đánh dấu cuộc lữ hành của Giáo Hội suốt cả giòng lịch sử của mình, thế nhưng, hôm nay đây, nó là một việc đặc biệt khẩn trương.

 

Tiến trình Giáo Hội tiếp nhập vào văn hóa của các dân tộc là một tiến trình dài dòng. Nó không phải là một vấn đề chỉ thích nghi bề ngoài, vì vấn đề hội nhập văn hóa ‘có nghĩa là các giá trị văn hóa đích thực được biến đổi sâu xa, bởi việc hòa nhập vào Kitô giáo, cũng như bởi việc Kitô giáo tiếp nhập vào các thứ văn hóa nhân bản khác nhau’ (ibid. II, D, 4). Bởi thế, tiến trình này là một tiến trình sâu xa và bao gồm hết mọi sự, bao gồm sứ điệp Kitô giáo cùng với những gì Giáo Hội suy nghĩ và áp dụng thực hành. Thế nhưng, nó đồng thời cũng là một tiến trình gay go, vì nó không thể dung hòa những gì chuyện biệt và tinh nguyên thuộc đức tin Kitô giáo.

 

Bằng việc hội nhập văn hóa, Giáo Hội làm cho Phúc Âm nhập thể vào các văn hóa khác nhau, đồng thời cũng đem các dân tộc, cùng với văn hóa của họ, vào cộng đồng của mình (xem Tông Huấn Catechesi Tradendae, ngày 16/10/1979, đoạn 53: AAS 71 – 1979 – 1320; Thông Điệp Slavorum Apostoli, ngày 2/6/1985, 21: AAS 77 – 1985 – 802f). Giáo Hội thông đạt cho chúng các giá trị riêng của mình, đồng thời cũng rút lấy những yếu tố tốt lành vốn có nơi chúng để canh tân bản chất của chúng (xem ĐTC Gioan Phaolô VI, Tông Huấn Evangelii Nuntiandi, 20: loc. cit., 18f). Về phần mình, nhờ việc hội nhập văn hóa, Giáo Hội trở nên một dấu chỉ sáng tỏ hơn cái Giáo Hội là, cũng như trở nên một dụng cụ hiệu nghiệm cho việc truyền giáo.

 

Nhờ hoạt động hội nhập văn hóa này ở nơi các Giáo Hội địa phương, chính Giáo Hội hoàn vũ được trở nên phong phú qua những thể thức diễn đạt cũng như qua những giá trị nơi các lãnh vực khác nhau của đời sống Kitô giáo, như lãnh vực truyền bá phúc âm hóa, lãnh vực thờ phượng, lãnh vực thần học và lãnh vực hoạt động bác ái. Trong khi lúc nào cũng được khơi động để canh tân liên tục, Giáo Hội hiểu biết cách diễn đạt mầu nhiệm Chúa Kitô hơn. Trong các lần Tôi Viếng Thăm Mục Vụ ở các Giáo Hội trẻ, Tôi đã lập đi lập lại những đề tài này, những đề tài được trình bày ở Công Đồng cũng như qua Huấn Quyền sau Công Đồng (Bài Diễn Từ ngỏ với Các Giám Mục Zaire, Kinshara ngày 3/5/1980, 4-6: AAS 72 – 1980 – 432-435; Diễn Từ ngỏ cùng Các Giám Mục Kenya, Nairobi ngày 7/5/1980, 6: AAS 72 – 1980 – 497; Diễn Từ ngỏ với Các Giám Mục India, Delhi ngày 1/2/1986, 5: AAS 78 – 1986 – 748f; Bài Giảng ở Cartagena ngày 6/7/1986, 7-8: AAS 79 – 1987 – 105f; cũng xem Thông Điệp Slavorum Apostoli, 21-22: loc. cit., 802-804).

 

Hội nhập văn hóa là một cuộc hành trình chậm rãi, một hành trình sánh bước với cả cuộc sống của nhà truyền giáo. Nó bao gồm những ai đang hoạt động truyền giáo ad gentes của Giáo Hội, bao gồm các cộng đồng Kitô hữu đang phát triển, và bao gồm cả các Giám Mục, vị có nhiệm vụ phải nhận thức và phấn khích việc áp dụng của nó (xem Công Đồng Chung Vaticanô II, Sắc Lệnh về Hoạt Động Truyền Giáo của Giáo Hội Ad Gentes, 22)”.

 

 

7.      Những vấn đề hay khía cạnh hoặc lãnh vực đặc biệt được mỗi văn kiện EN hay RM nhắc đến riêng liên quan đến chủ đề của mình song cũng hỗ tương cho nhau là gì?

 

Những vấn đề hay khía cạnh hoặc lãnh vực đặc biệt được mỗi văn kiện EN hay RM nhắc đến riêng liên quan đến chủ đề của mình song cũng hỗ tương cho nhau, đó là đường lối tiếp xúc riêng tư trong việc truyền bá phúc âm hóa nơi EN, cũng như đường lối đối thoại liên tôn của hoạt động truyền giáo cho các dân nước nơi RM, và đó là mục tiêu giải phóng của việc truyền bá phúc âm hóa nơi EN, cũng như mục tiêu hiệp thông của Vương Quốc Thiên Chúa nơi RM.

Þ           Đường lối tiếp xúc riêng trong việc truyền bá phúc âm hóa nơi EN:

 

Song song với việc loan báo Phúc Âm cách tập thể, một hình thức khác của việc truyền đạt là hình thức giao tiếp cá nhân, vẫn còn hiệu lực và quan trọng. Chúa thường dùng hình thức này, (chẳng hạn với ông Nicôđêmô, với ông Giakêu, với người phụ nữ Samaritanô, với ông Simon người Pharisiêu), và các tông đồ cũng làm như vậy. Về lâu về dài, có cách nào khác trong việc truyền thông Phúc Âm ngoài cách thông đạt cho người khác cảm nghiệm đức tin riêng của mình chăng? Nhu cầu khẩn thiết trong việc loan báo Tin Mừng cho các đám đông cũng không được khiến chúng ta quên đi cách loan báo này, một cách mà nhờ đó lương tâm riêng của mỗi người được giao chạm bởi một thế giới hoàn toàn chuyên biệt mà họ lãnh nhận từ một người khác. Chúng ta không bao giờ ca ngợi cho đủ những vị linh mục, qua bí tích Thống Hối hay qua việc hội thoại mục vụ, tỏ ra hằng tâm của mình trong việc hướng dẫn người ta theo đường lối Phúc Âm, nâng đỡ những cố gắng của họ, nâng họ lên khi họ sa ngã, và luôn luôn ý thức và sẵn sàng trợ giúp họ.” (đoạn 46)

 

Þ           Đường lối đối thoại liên tôn của hoạt động truyền giáo cho các dân nước nơi RM:

 

Việc đối thoại liên tôn là một phần trong sứ mệnh truyền bá phúc âm hóa của Giáo Hội. Nếu hiểu việc này là một phương pháp và là phương tiện chia sẻ hiểu biết cùng làm cho nhau nên phong phú, thì nó không phản lại với việc truyền giáo ad gentes; thật vậy, nó có một liên hệ đặc biệt với việc truyền giáo này và là một trong những biểu hiện của việc truyền giáo ấy. Đúng thế, việc truyền giáo này hướng đến những ai không biết đến Chúa Kitô và Phúc Âm của Người, hầu hết là những người thuộc về các tôn giáo khác. Thiên Chúa đã kêu gọi tất cả mọi dân tộc đến với Ngài trong Chúa Kitô, và Ngài cũng muốn chia sẻ với họ trong Chúa Kitô tất cả mạc khải và tình yêu của Ngài. Ngài không thôi tỏ mình ra bằng nhiều cách thức, chẳng những với các cá nhân mà còn với toàn thể các dân tộc qua những kho tàng phong phú của họ nữa, những kho tàng được biểu hiệu chính yếu nơi các tôn giáo của họ, cho dù những kho tàng này có chất chứa ‘những khoảng cách, những khiếm khuyết và những lầm lẫn’ (Đức Phaolô VI, Diễn Từ khai mở Khóa Hai của Công Đồng Chung Vaticanô II, ngày 29/9/1963: AAS 55 – 1963 – 858; xem Công Đồng Chung Vaticanô II, Tuyên Ngôn về Mối Liên Hệ với Các Tôn Giáo Ngoài Kitô Giáo Nostra Aetate, đoạn 2; Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium, đoạn 16; Sắc Lệnh về Hoạt Động Truyền Giáo của Ad Gentes, đoạn 9; Đức Phaolô VI, Tông Huấn Evangelii Nuntiandi, đoạn 53: loc. cit., 41f). Tất cả những điều này đã được Công Đồng và Huấn Quyền sau Công Đồng nhấn mạnh, hoàn toàn không thay đổi một tí nào về vấn đề ơn cứu độ do Chúa Kitô mà có và việc đối thoại liên tôn cũng không châm chước cho việc truyền bá phúc âm hóa (xem ĐTC Phaolô VI, Thông Điệp Ecclesiam Suam. ngày 6/8/1964: AAS 56 – 1964 – 609-659; Công Đồng Chung Vaticanô II, Sắc Lệnh về Hoạt Động Truyền Giáo của Giáo Hội Ad Gentes, 11, 41; Văn Phòng Phụ Trách Những Người Ngoài Kitô Giáo, Văn Thư L’Attenggiamento della Chisa di fronte ai seguaci di altre religioni: Rifle ssionie orientamenti su dialogo e missione, ngày 4/9/1984: A A S 76 – 1984 – 816-828).

 

Theo chiều hướng của công cuộc cứu chuộc, Giáo Hội thấy không có gì gọi là tương khắc giữa việc loan truyền Chúa Kitô và việc tham gia vào vấn đề đối thoại liên tôn cả. Trái lại, Giáo Hội cảm thấy cần phải liên kết cả hai lại trong mối tương quan của việc Giáo Hội truyền giáo ad gentes. Hai yếu tố này phải giữ được chẳng những mối liên hệ sâu xa với nhau mà còn cả tính chất đặc thù của mình nữa; bởi vậy, chúng không được lẫn lộn với nhau, lấn át nhau hay coi như nhau, mặc dù chúng có thể trao đổi với nhau.

 

Mới đây Tôi viết cho các vị Giám Mục Á Châu thế này: ‘Mặc dù Giáo Hội hoan hỉ công nhận bất cứ những gì chân thật và thánh hảo nơi các truyền thống đạo nghĩa của Phật Giáo, Ấn Giáo và Hồi Giáo, như là phản ánh cho chân lý chiếu soi tất cả mọi người, thì cũng không có nghĩa là Giáo Hội làm giảm bớt nhiệm vụ của mình, và giải quyết việc loan truyền mà không đả động gì tới Chúa Giêsu Kitô là đường, là sự thật và là sự sống... Sự kiện những người theo đạo khác có thể lãnh nhận ân sủng của Thiên Chúa và được Chúa Kitô cứu độ ngoài những phương tiện bình thường được Người thiết lập như thế cũng không loại trừ ơn kêu gọi họ chấp nhận đức tin và lãnh nhận phép rửa theo ý Thiên Chúa muốn cho tất cả mọi người’ (Bức Thư gửi Cuộc Họp Thứ Năm của Các Hội Đồng Giám Mục Á Châu ngày 23/6/1990, 4: L’Osservatore Romano, 18/7/1990). Thật vậy, chính Chúa Kitô, ‘trong khi minh nhiên nhấn mạnh đến việc cần phải có đức tin và chịu phép rửa, Người cũng xác nhận cả việc cần phải có Giáo Hội nữa, một Giáo Hội cần phải được gia nhập qua cửa ngõ Rửa Tội’ (Công Đồng Chung Vaticanô II, Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium, đoạn 14; Sắc Lệnh về Hoạt Động Truyền Giáo của Giáo Hội Ad Gentes, đoạn 7). Việc đối thoại liên tôn phải được thực hiện và áp dụng với niềm xác tín rằng, Giáo Hội là phương tiện cứu độ bình thườngchỉ Giáo Hội mới có đầy đủ phương tiện cứu độ mà thôi (xem Công Đồng Chung Vaticanô II, Sắc Lệnh về Đại Kết Unitatis Redintegratio, đoạn 3; Sắc Lệnh về Hoạt Động Truyền Giáo của Giáo Hội Ad Gentes, đoạn 7)” (đoạn 55);

Việc đối thoại liên tôn không bắt nguồn từ các mối quan tâm mánh khóe hay ích lợi riêng tư, mà là một hoạt động tuân theo những nguyên tắc chỉ dẫn, những đòi hỏi và giá trị riêng của nó. Nó cần phải có một lòng tôn trọng sâu xa đối với tất cả những gì được Thần Linh, Đấng muốn thổi đâu thì thổi, làm nẩy sinh nơi loài người (xem Thông Điệp Redemptor Hominis, đoạn 12: loc. cit., 279). Nhờ việc đối thoại này, Giáo Hội tìm kiếm để khám phá ra những ‘hạt giống Lời Chúa’ (Công Đồng Chung Vaticanô II, Sắc Lệnh về Hoạt Động Truyền Giáo của Giáo Hội Ad Gentes, 11, 15), khám phá ra ‘tia sáng của chân lý chiếu soi mọi người’ (Công Đồng Chung Vaticanô II, Tuyên Ngôn về Mối Liên Hệ của Giáo Hội với Các Tôn Giáo Ngoài Kitô Giáo Nostra Aetate, 2); những điều này được thấy nơi các cá nhân cũng như nơi những truyền thống về đạo giáo của con người. Việc đối thoại liên tôn được đặt trên căn bản của niềm hy vọng và của tình yêu thương, sẽ sinh hoa trái trong Thần Linh. Các tôn giáo khác tạo nên một thách đố thuận lợi cho Giáo Hội: họ khích thích Giáo Hội cả trong việc khám phá cùng nhận biết các dấu hiện diện của Chúa Kitô cũng như các dấu hoạt động của Thần Linh, lẫn trong việc Giáo Hội đào sâu hơn nữa vào căn tính của mình, và làm chứng cho tất cả Mạc Khải Giáo Hội đã lãnh nhận vì lợi ích của tất cả mọi người.

 

Điều này làm phát sinh một tinh thần phải làm sinh động việc đối thoại trong tương quan với sứ mệnh truyền giáo. Những ai dấn thân vào việc đối thoại này phải nhất trí với các truyền thống và niềm tin thuộc đạo giáo của mình, cũng phải cởi mở để tìm hiểu những truyền thống và niềm tin của phía bên kia, mà không giả bộ hay có một quan niệm hẹp hòi, song thật tình, khiêm tốn và rõ ràng, biết rằng việc đối thoại ấy sẽ làm cho cả đôi bên thêm phong phú. Không có chuyện loại bỏ đi những nguyên tắc hay có chuyện chủ trương hòa đồng sai lầm, trái lại, phải tỏ ra và nhận thấy nơi nhau tiến bộ trên con đường tìm hiểu đạo giáo và cảm nghiệm đạo giáo, đồng thời cũng phải loại trừ đi thành kiến, bất nhẫn và hiểu lầm. Việc đối thoại liên tôn dẫn đến việc thanh tẩy và hoán cải nội tâm là những gì, nếu được con người đơn sơ chiều theo Chúa Thánh Thần, sẽ trổ sinh hoa trái thiêng liêng.” (đoạn 56).