Tông Huấn

NIỀM VUI PHÚC ÂM - GAUDIUM EVANGELII

của

Đức Thánh Cha Phanxicô

ban hành ngày 24/11/2013

   

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

phân tích, tuyển hợp và chuyển dịch

 

http://www.vatican.va/holy_father/francesco/apost_exhortations/documents/papa-francesco_esortazione-ap_20131124_evangelii-gaudium_en.html.

 

 

 

Niềm Vui Phúc Âm - Bối Cảnh Lịch Sử

 

Vẫn biết văn kiện đầu tay của Đức Thánh Cha Phanxicô không phải là Tông Huấn "Niềm Vui Phúc Âm - Evangelii Gaudium" ban hành ngày Lễ Chúa Kitô Vua bế mạc Năm Đức Tin 24/11/2013, mà là Thông Điệp "Ánh Sáng Đức Tin - Lumen Fidei" được ký ban hành vào ngày Lễ Hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô 29/6/2013.

 

Tuy nhiên, Thông Điệp Ánh Sáng Đức Tin hầu như của ĐTC Biển Đức XVI hơn là của ngài, vì bức thông điệp này, như ngài xác nhận ở đoạn 7 là chính vị giáo hoàng tiền nhiệm của ngài "đã hầu như hoàn tất bản nháp đầu tiên cho bức thông điệp về đức tin", còn ngài chỉ "tiếp tục văn kiện hay ho này và góp thêm một ít phần của mình vào đó".

 

Còn Tông Huấn Niềm Vui Phúc Âm, tuy là đóng góp của Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới Thường Lệ lần thứ 13 trong thời đoạn từ 7-28/10/2012 về chủ đề "Việc Tân Truyền Bá Phúc Âm Hóa để Truyền Đạt Đức Tin Kitô Giáo", thế nhưng người đọc vẫn thấy được những nét độc đáo của chính Đức Giáo Hoàng Phanxicô, qua giọng điệu của ngài, chủ trương của ngài cũng như cách sử dụng từ ngữ của ngài, những gì ngài đã bày tỏ qua các cuộc phỏng vấn công khai trước đó.

 

Công Đồng Chung Vaticanô II là một mốc điểm lịch sử quan trọng nhất cho Giáo Hội ở vào hậu bán thế kỷ 20 trước khi tiến vào ngàn năm thứ 3 Kitô giáo, một công đồng kéo dài 3 năm 2 tháng (11/10/1962 - 8/12/1965), ban hành 16 văn kiện, 4 hiến chế (constitutions), 9 sắc lệnh (decrees) và 3 tuyên ngôn (declarations), trong đó có hai văn kiện tiêu biểu nhất cho công đồng thứ 21 này của Giáo Hội, đó là Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội "Ánh Sáng muôn dân - Lumen gentium" (21/11/1964) và Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội "Vui mừng và hy vọng - Gaudium et spes" (7/12/1965).

 

Sau công đồng này, ngoại trừ vị giáo hoàng 33 ngày là Đức Thánh Cha Gioan Phaolô I (26/8-28/9/1978), có 3 vị giáo hoàng hậu công đồng cho tới nay: Nếu Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II (16/10/1978 - 2/4/2005), một triết gia nhân bản, và Đức Thánh Cha Biển Đức XVI (19/4/2005-28/2/2013), một thần học gia về chân lý đức tin, là hai vị giáo hoàng, qua các văn kiện và chiều hướng hoạt động của mình, tiêu biểu cho một Giáo Hội  là "ánh sáng muôn dân", thì Đức Thánh Cha Phanxicô, qua đời sống bình dân và tinh thần từ ái của ngài, là vị giáo hoàng tiêu biểu cho một Giáo Hội thực hiện sứ vụ mang "vui mừng và hy vọng" đến cho loài người, nhất là cho thành phần nghèo khổ và tội lỗi trong một thế giới càng văn minh con người càng bạo loạn và diệt vong.

 

Không phải hay sao, chính hai văn kiện được Đức Thánh Cha Phanxicô ban hành: Thông Điệp "Ánh Sáng Đức Tin" và Tông Huấn "Niềm Vui Phúc Âm" đã đủ nói lên chiều hướng của Công Đồng Chung Vaticanô II: Giáo Hội là "Ánh Sáng muôn dân" để mang "Niềm Vui và hy vọng" đến cho thế giới tân tiến ngày nay? Bức Thông Điệp "Ánh Sáng đức tin", hầu như tác giả là Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, nếu được coi là tiêu biểu cho một Giáo Hội "Ánh Sáng muôn dân", thì cũng có thể là tiêu biểu cho hai vị Giáo Hoàng uyên bác về kiến thức đã tham dự Công Đồng Chung Vaticanô II, đó là Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, một nghị phụ chính thức của Công Đồng này, và Đức Thánh Cha Biển Đức XVI là cố vấn thần học cho một nghị phụ của Công Đồng này. Bức Tông Huấn "Niềm Vui Phúc Âm", nếu được coi là tiêu biểu cho một Giáo Hội mang "Niềm Vui và hy vọng" đến cho nhân loại, thì cũng có thể là tiêu biểu cho vị Giáo Hoàng đã công khai khẳng định rằng ngài mong muốn có được “một Giáo Hội sống nghèo và là một Giáo Hội  cho người nghèo” (Tông Thư Niềm Vui Phúc Âm khoản 198).   

 

Và nếu di sản Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II để lại cho chung Giáo Hội trong ngàn năm thứ ba Kitô giáo được gói ghém trong Tông Thư "Mở Màn Ngàn Năm Mới - Novo Milennio Ineunte" ban hành ngày 6/1/2001 để bế mạc Đại Năm Thánh 2000, đó là "duc in altum - nước sâu thả lưới" (Luca 5:4), thì vị Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã được sai đến trong vòng gần 8 năm ngắn ngủi, (cho đến khi ngài tự ý từ nhiệm), là để dẫn Giáo Hội đến chỗ "nước sâu" và Đức Thánh Cha Phanxicô đang được sai đến là để "thả lưới".

 

Thật vậy, Vị tiền nhiệm Biển Đức XVI của ngài, với bản chất thâm trầm nội tâm và kiến thức thần học uyên bác, đã dẫn Giáo Hội đến chỗ "nước sâu" qua hai văn kiện của 2 Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới, một vào năm 2005 về Thánh Thể và một vào năm 2008 về Lời Chúa, đó là Tông Huấn "Bí Tích Yêu Thương - Sacramentum Caritatis" ban hành ngày 22/2/2007, và Tông Huấn "Lời Chúa - Verbum Domini" ban hành ngày 30/9/2010. Ngoài ra, ngài còn ban bố 3 bức thông điệp cũng có tính chất tu đức và nội tâm, thứ tự như sau: "Thiên Chúa là tình yêu - Deus caritas est" (25/12/2005), "Niềm hy vọng cứu độ - Spe salvi" (30/11/2007), và "Yêu thương trong chân lý - Caritas in veritate" (29/6/2009). Chưa hết, vị giáo hoàng tiền nhiệm này còn mở Năm Đức Tin (11/10/2012 - 24/11/2013), và gần hoàn tất bức thông điệp thứ 4 về đức tin của ngài (như được đề cập đến trên đây).

 

Về phần mình, với kinh nghiệm mục vụ rất già giặn và đầy thực tế, vị giáo hoàng từ một miền đất "tận cùng trái đất" (cụm từ được ngài sử dụng lần đầu tiên khi ngỏ lời với dân chúng ở Quảng Trường Thánh Phêrô  tối ngày 13/3/2013 trong tư cách là một tân giáo hoàng mới được tuyển bầu), miền đất nghèo khổ Mỹ Châu Latinh ở Á Căn Đình được sai đến với ngai tòa Phêrô để đại diện Chúa Kitô, dẫn Giáo Hội tiếp tục từ chỗ "nước sâu" đến sứ vụ "thả lưới". Phải nói rằng bức Tông Huấn Niềm Vui Phúc Âm là phản ảnh sống động nhất và trung thực nhất về tinh thần và đường hướng của Đức Thánh Cha Phanxicô. Nguyên nhan đề của bức Tông Huấn có từ ngữ "niềm vui" đã đủ hiện lên gương mặt luôn tươi cười đầy phấn khởi của ngài cũng như chiều hướng của ngài rất thiết tha muốn mang "vui mừng và hy vọng - gaudium et spes" đến cho thế giới ở vào thời điểm lịch sử hết sức buồn thương và khẩn trương hiện nay.

 

Riêng tôi, càng đọc Tông Huấn Niềm Vui Phúc Âm, tôi càng tự nhiên cảm thấy dường như đang ứng nghiệm lời Chúa Giêsu tiên báo về ngày tận thế như sau: "Vì sự dữ gia tăng mà lòng mến nơi hầu hết đã trở nên nguội lạnh... Tin mừng về Vương Quốc này sẽ được loan báo khắp thế giới như là một chứng từ cho tất cả mọi dân tộc. Chỉ sau đó mới đến ngày cùng tháng tận" (Mathêu 24:12,14).

 

Qua câu tiên báo này của Chúa Giêsu về thời điểm trước ngày cùng tháng tận, chúng ta thấy:

 

1- vào chính lúc con người trở nên nguội lạnh thì tin mừng lại được rao giảng khắp thế giới, tức là cả thế giới đã trở thành nguội lạnh, thiếu bác ái yêu thương, sống hận thù sát hại nhau, cần phải được Trời Cao nhắc nhở qua sứ vụ truyền bá phúc âm hóa của Giáo Hội;

 

2- và chỉ sau khi tin mừng cứu độ được rao giảng khắp nơi rồi thì mới tới ngày cùng tháng tận, tức là việc rao giảng tin mừng khắp thế giới, như việc rao giảng của Tiền Hô Gioan Tẩy Giả cho dân Do Thái xưa, là để dọn đường cho Chúa Kitô tái giáng "để phán xét kẻ sống và kẻ chết. Nước Người sẽ vô cùng bất tận".

 

Lịch sử đã xẩy ra như thể ứng nghiệm lời tiên báo này của Chúa Kitô về thời tận thế "Tin mừng về Vương Quốc này sẽ được loan báo khắp thế giới như là một chứng từ cho tất cả mọi dân tộc": ở chỗ, chưa bao giờ thấy trong lịch sử Giáo Hội có các vị giáo hoàng thực hiện các chuyến tông du khắp thế giới, bắt đầu từ ngay trong Công Đồng Chung Vaticanô II, qua chuyến tông du lịch sử đầu tiên của Đức Thánh Cha Phaolô VI ở Thánh Địa trong thời khoảng 4-6/1/1964. Sau 11 chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phaolô VI tới 104 chuyến tông du của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II trong vòng 26 năm rưỡi, tức trung bình 4 chuyến 1 năm, và 24 chuyến tông du của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI trong vòng 8 năm, tức trung bình 3 chuyến một năm.

 

Công cuộc và sứ vụ truyền bá phúc âm hóa này càng khẩn trương hơn nữa, khi thế giới loài người mỗi ngày mỗi trở nên lạc loài hơn bao giờ hết, với tình trạng khủng hoảng đức tin trong Giáo Hội, cùng với hiện tượng của một xã hội loài người đang bị phá sản luân lý chưa từng thấy bởi thứ văn hóa chết chóc gây ra bởi nọc độc tương đối chủ nghĩa.

 

Sự kiện trùng hợp ở đây là văn kiện đúc kết của Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới thường lệ lần thứ XIII năm 2012 về việc tân truyền bá phúc âm hóa lại do chính vị giáo hoàng năng nổ truyền giáo Phanxicô ban hành, nhan đề "Niềm Vui Phúc Âm", trong đó, các nghị phụ của Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới này nói chung và Đức Phanxicô nói riêng muốn nhắm đến chính tác nhân truyền bá phúc âm hóa, hơn là đến đối tượng được truyền bá phúc âm hóa, như trong Tông Huấn "Evangelii Nuntiandi - Loan Báo Phúc Âm" (8/12/1975) của Đức Thánh Cha Phaolô VI, văn kiện đúc kết Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới Thường Lệ lần thứ III năm 1974, cũng như hơn là đến chính sứ vụ truyền giáo, như trong Thông Điệp "Sứ Vụ Cứu Chuộc - Redemptoris Missio" (7/12/1990) của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II. 

 

Đó là lý do Tông Huấn này đã mở đầu (đoạn 1) bằng câu bao gồm chính tinh thần và chiều hướng của nó như sau: "Niềm vui Phúc Âm là những gì tràn đầy tâm can và đời sống của tất cả những ai gặp gỡ Chúa Giêsu. Những ai chấp nhận việc Người cống hiến ơn cứu độ cho thì được giải phóng khỏi tội lỗi, buồn đau, trống rỗng nội tâm và lẻ loi cô quạnh. Niềm vui luôn được tái sinh nơi Chúa Kitô. Trong Tông Huấn này, tôi muốn phấn khích tín hữu Kitô giáo hãy khai mào một giai đoạn mới của một việc truyền bá phúc âm hóa được đánh dấu bằng niềm vui này, trong khi vạch ra những đường lối mới cho cuộc hành trình vào những năm trước mắt của Giáo Hội".

 

Rõ ràng là câu mở đầu Tông Huấn Niềm Vui Phúc Âm trên đây bao gồm 2 yếu tố chính đó là tác nhân truyền bá phúc âm hóa đường lối mới cho việc tân truyền bá phúc âm hóa. Bởi thế, để vừa ngắn gọn hơn mà vẫn không mất ý nghĩa của toàn văn kiện, vừa dễ dàng hơn trong việc nắm bắt ngay được hai ý chính cốt yếu làm nên văn kiện này, nhưng vẫn không vì thế mà coi thường các câu khác trong bản văn không được trích dịch (bởi những câu này chỉ phụ thuộc hay diễn giải thêm), người dịch ở đây sẽ thực hiện việc tuyển hợp những câu, những đoạn / những khoản nào của Bức Tông Huấn sát với hai ý tưởng chủ yếu nhất trong toàn văn kiện.

 

Sau đây bô cục tổng quan hai phần chính và những khoản tiêu biểu nhất của bức Tông Thư nên đã được người dịch chuyển dịch, trực tiếp từ mạng điện toán toàn cầu của Tòa Thánh. Những tiểu đề theo bố cục và nội dung của bức Tông Thư này vì thế cũng đã được người dịch sắp xếp căn cứ vào câu chủ yếu đầu tiên của bức Tông Thư.

 

 

Phần Một: Thành phần tác nhân loan truyền Niềm Vui Phúc Âm

 

1- Niềm Vui Phúc Âm - một sứ vụ không chấp nhận khuynh hướng phản chứng nơi mục vụ viên

2- Niềm Vui Phúc Âm - một sứ vụ bất khả thiếu và bất khả châm chước của Kitô hữu

3- Niềm Vui Phúc Âm - một sứ vụ cần phải được tràn đầy Thần Linh mới có thể hoàn thành

 

Phần Hai:  Đường lối mới loan truyền Niềm Vui Phúc Âm

 

1- Niềm Vui Phúc Âm – cần một cuộc hoán cải về mục vụ

2- Niềm Vui Phúc Âm - trước những thách đố của thế giới ngày nay

3- Niềm Vui Phúc Âm - những cách thức để  truyền đạt

4- Niềm Vui Phúc Âm - đặc biệt cho người nghèo hèn

 

 

 

Phần Một

 

Thành phần tác nhân loan truyền Niềm Vui Phúc Âm

 

 

Trước hết là thành phần tác nhân của việc tân truyền bá phúc âm hóa, thành phần tác nhân phải làm sao cảm thấy niềm vui phúc âm, ở chỗ "gặp gỡ Chúa Kitô", trong cả tâm can bên trong lẫn đời sống bên ngoài của mình, nhờ đó họ mới có thể thực hiện những đường lối mới của việc tân truyền bá phúc âm hóa trong thế giới ngày nay của Giáo Hội, liên quan đến "3 lãnh vực chính", hay 3 thành phần chính, như đoạn Tông Huấn 14 liệt kê, đó là:

 

Niềm Vui Phúc Âm - về ba lãnh vực

 

1- "Thành phần tín hữu thường xuyên tham dự vào việc thờ phượng của cộng đồng và qui tụ vào Ngày của Chúa", và "những phần tử tín hữu hiếm tham dự vào việc thờ phượng", cả hai thành phần này đều cần đến "thừa tác mục vụ bình thường" của Giáo Hội để nhờ đó "giúp họ tăng trưởng thiêng liêng hầu có thể đáp ứng tình yêu của Thiên Chúa một cách trọn vẹn hơn trong đời sống của họ";

 

2- "Thành phần lãnh nhận phép rửa sống không trọn vẹn những đòi hỏi của Phép Rửa" cần được Giáo Hội giúp để họ có thể thực hiện "một thứ hoán cải phục hồi niềm vui của đức tin trong lòng cùng với niềm cảm hứng dấn thân cho Phúc Âm";

 

3- "Những ai chưa nhận biết Chúa Giêsu Kitô hay những ai luôn loại trừ Người", thế nhưng, "nhiều người trong họ vẫn âm thầm tìm kiếm Thiên Chúa... thậm chí ở các xứ sở có truyền thống Kitô giáo cổ kính", thành phần vẫn "có quyền lãnh nhận phúc âm", "không phải bằng cách dụ giáo" mà là được "thu phục" bởi các tác nhân cảm thấy Niềm Vui Phúc Âm.

 

Ba thành phần được liệt kê ở đoạn 14 này có thể được coi là đối tượng chính yếu của việc tân truyền bá phúc âm hóa. Thật ra, 2 thành phần đầu cần phải là tác nhân của việc tân truyền bá phúc âm hóa, vì họ là Kitô hữu. Nhất là thành phần thứ hai đã "trở nên nguội lạnh", cần phải được tái truyền bá phúc âm hơn ai hết và hơn bao giờ hết. Kể cả thành phần thứ nhất thuộc loại "hiếm tham dự vào việc thờ phượng", nghĩa là cũng đã "trở nên nguội lạnh" ở một mức độ nhẹ hơn thành phần thứ hai, cũng cần phải được tái truyền bá phúc âm hóa.

 

Nếu hai thành phần Kitô hữu một và hai được Tông Thư kể đến ở đoạn 14 cảm thấy được Niềm Vui Phúc Âm nhờ "gặp gỡ Chúa Kitô" thì họ mới có thể làm cho thành phần thứ ba, hầu như là thành phần ngoài Kitô giáo, "chưa nhận biết Chúa Giêsu Kitô hay những ai luôn loại trừ Người", bao gồm cả chính thành phần Kitô hữu "ở các xứ sở có truyền thống Kitô giáo cổ kính", một là đã trở thành hoàn toàn vô thần, hay mới chỉ thiên về phiếm thần, ở chỗ "vẫn âm thầm tìm kiếm Thiên Chúa".

 

Niềm Vui Phúc Âm - điều kiện tiên quyết

 

Thế nhưng, điều kiện trước hết và trên hết bất khả thiếu để cảm nghiệm được Niềm Vui Phúc Âm, nhờ đó trở thành tác nhân loan truyền Niềm Vui Phúc Âm này, như ở ngay câu đầu của Tông Thư đã khẳng định, đó là "gặp gỡ Chúa Kitô":

 

- "Tôi mời gọi tất cả mọi Kitô hữu, ở khắp mọi nơi, vào chính lúc này đây, hãy thực hiện một cuộc tái tấu gặp gỡ riêng tư với Chúa Giêsu Kitô, hay ít là hãy cởi mở để cho Người gặp gỡ mình. Tôi xin tất cả anh chị em hãy không ngừng làm như thế mỗi ngày. Không ai được nghĩ rằng lời mời gọi này không nhắm đến họ, vì 'không ai bị loại trừ ra khỏi niềm vui được Chúa mang đến cho' [Paul VI, Apostolic Exhortation Gaudete in Domino (9 May 1975), 22: AAS 67 (1975), 297.]" (khoản 3);

 

- "Chỉ nhờ có cuộc gặp gỡ này - hay cuộc tái tấu gặp gỡ - với tình yêu của Thiên Chúa, một cuộc gặp gỡ làm bừng nở một thứ thân tình phong phú, chúng ta mới được giải phóng khỏi cảnh hạn hẹp và bám chặt lấy bản thân mình của chúng ta. Chúng ta trở nên người hoàn toàn khi chúng ta trở thành người hơn nữa, khi chúng ta để cho Thiên Chúa đưa chúng ta ra ngoài bản thân mình để đạt tới sự thật trọn vẹn nhất của con người chúng ta. Ở đó chúng ta thấy được nguồn mạch và cảm hứng cho tất cả mọi nỗ lực của mình trong việc truyền bá phúc âm hóa. Vì nếu chúng ta đã lãnh nhận được thứ tình yêu phục hồi ý nghĩa cho cuộc sống của chúng ta thì tại sao chúng ta lại không chia sẻ tình yêu ấy cho người khác chứ?" (khoản 8).

 

Thật vậy, chỉ nhờ được "gặp gỡ Chúa Kitô" mà Kitô hữu mới đạt được trọn vẹn tầm vóc sự sống viên mãn của mình, một sự sống dồi dào đến độ có thể truyền sang cho tha nhân, bằng việc dấn thân phục vụ cho lợi ích của anh chị em của mình, như nhận định của các khoản Tông Huấn sau đây:

 

- "Phúc Âm cống hiến cho chúng ta cơ hội để sống một cuộc đời ở tầm mức cao hơn, nhưng không kém phần gay go: 'Sự sống tăng trưởng nhờ được ban phát đi, và nó trở thành suy yếu nơi tình trạng lẻ loi và thoải mái. Quả thế, những ai hoan hưởng sự sống nhất là những người lìa bỏ những gì là an toàn lại trên bến bờ mà trở nên hăng say với sứ vụ truyền đạt sự sống cho người khác' ” [Fifth General Conference of the Latin American and Caribbean Bishops, Aparecida Document, 29 June 2007, 360.] Khi Giáo Hội kêu gọi Kitô hữu đảm nhận công việc truyền bá phúc âm hóa, Giáo Hội chỉ hướng đến cái nguồn mạch của tầm vóc viên trọn đích thực về bản vị ấy. Vì 'ở đây chúng ta khám phá thấy một thứ luật sâu xa về thực tại, đó là sự sống được đạt thành và trưởng thành ở nơi mức độ nó cống hiến sự sống cho người khác. Đó thực sự là ý nghĩa của sứ vụ truyền giáo' (ibid.). Thế nên, một nhà truyền bá phúc âm hóa không bao giờ giống như một người mới đi dự tang lễ trở về!" (khoản 10).

 

- "Trong thời đại của chúng ta đây, lệnh truyền của Chúa Giêsu trong việc 'hãy đi tuyển mộ các môn đồ' đang âm vang nơi những viễn tượng đổi thay và những thách đố mới mẻ hơn bao giờ hết đối với sứ vụ truyền bá phúc âm hóa của Giáo Hội, và tất cả chúng ta được kêu gọi tham phần vào 'cuộc dấn thân' truyền giáo mới mẻ này. Mỗi một Kitô hữu và hết mọi cộng đồng Kitô hữu cần phải nhận thức được đường lối được Chúa chỉ dẫn, thế nhưng tất cả chúng ta đều được yêu cầu tuân theo tiếng gọi của Người trong việc xuất thân ra khỏi giới tuyến thoải mái của mình để vươn tới tất cả 'những vùng ngoại biên' đang cần đến ánh sáng Phúc Âm" (khoản 20).

 

Việc dấn thân vào đời cho sứ vụ truyền bá phúc âm hóa liên quan đến yếu tố tác nhân chẳng những cần phải: 1- thắng vượt cuộc khủng hoảng nơi các khuynh hướng phản chứng của thành phần mục vụ viên, mà còn 2- là một sứ vụ bất khả thiếu và bất khả châm chước, 3- một sứ vụ cần phải được tràn đầy Thần Linh mới có thể hoàn thành. 

 

 

1- Niềm Vui Phúc Âm - một sứ vụ không chấp nhận khuynh hướng phản chứng nơi mục vụ viên

 

(Chương Hai: Giữa Cuộc Khủng Hoảng về Cuộc Dấn Thân Chung; Mục II: Những Khuynh Hướng nơi Thành Phần Mục Vụ Viên)

 

76- ... Tôi muốn chia sẻ về những thử thách mà tất cả họ cần phải đối diện đương đầu trong bối cảnh của nền văn hóa toàn cầu hóa hiện nay của chúng ta. Thế nhưng, theo công bằng thì trước hết tôi phải nói rằng việc góp phần của Giáo Hội trong thế giới ngày nay thật lớn lao. Nỗi đớn đau và tủi nhục chúng ta cảm thấy vì tội lỗi của một số phần tử nào đó của Giáo Hội, và vì tội lỗi của chúng ta, không được làm cho chúng ta quên rằng đang có biết bao nhiêu là Kitô hữu cống hiến đời sống của mình trong yêu thương.

 

77- Tuy nhiên, là con cái của thời đại này, một cách nào đó chúng ta bị ảnh hưởng bởi nền văn hóa toàn cầu hiện nay, một nền văn hóa trong khi cống hiến cho chúng ta những thứ giá trị và cơ hội mới thì đồng thời cũng giới hạn chúng ta lại, điều kiện hóa chúng ta và cuối cùng tác hại chúng ta...

 

78- Hôm nay chúng ta đang thấy nơi nhiều mục vụ viên, bao gồm cả thành phần nam nữ sống đời tận hiến tu trì, một quan tâm quá độ về những gì là tự do và nghỉ ngơi riêng tư của họ, một thứ quan tâm dẫn họ đến chỗ thấy công việc của họ chỉ là một cái gì phụ trương đối với đời sống của họ, như thể không thuộc về cái căn tính của họ. Đồng thời đời sống thiêng liêng trở thành đồng hóa với một ít việc thực hành đạo đức có thể mang lại cho họ một thứ thoải mái nào đó nhưng không phấn khích họ gặp gỡ người khác, tham phần vào thế giới hay có được nhiệt tình truyền bá phúc âm hóa. Cuối cùng người ta có thể nhận thấy nơi nhiều tác nhân truyền bá phúc âm hóa, cho dù họ có cầu nguyện, một thứ cá nhân chủ nghĩa nổi nang, một cuộc khủng hoảng về căn tính và một tình trạng nguội lạnh. Đó là ba sự dữ tác động lẫn nhau.

 

80- Bởi thế các mục vụ viên có thể rơi vào một thứ chủ nghĩa tương đối, một thứ tương đối, bất chấp lối sống linh đạo riêng biệt hay đường lối suy nghĩ của họ, thậm chí còn nguy hiểm hơn là thứ tương đối về tín lý nữa. Nó liên quan đến những quyết định sâu xa nhất và thâm cung nhất làm nên lối sống của họ. Thứ tương đối thực hành này là ở chỗ tác hành như thể Thiên Chúa không hiện hữu, thực hiện những quyết định như thể người nghèo không hiện hữu, đặt ra những đích điểm như thể người khác không hiện hữu, hoạt động như thể những ai chưa lãnh nhận Phúc Âm không hiện hữu. Đáng chú ý hơn nữa là thậm chí có một số còn minh nhiên xác tín về tín lý và linh đạo thường rơi vào một thứ lối sống gắn bó với vấn đề an toàn về tiền bạc, hay với một ước muốn được quyền lực hay vinh quang trần thế bằng bất cứ giá nào, hơn là hiến cuộc đời của mình truyền giáo cho người khác. Chúng ta đừng để cho mình bị tước mất nhiệt tình truyền giáo! 

 

82- Vấn đề ở đây không phải bao giờ cũng là việc hoạt động quá độ, mà là hoạt động được thực hiện một cách bê bối tệ hại, không có một tác động thích đáng nào, không có một linh đạo thấm nhuần nó và làm cho nó trở thành vui thú. Bởi thế, công việc trở thành nặng nhọc hơn thường tình, thậm chí còn dẫn đến chỗ đôi khi yếu đau bệnh nạn nữa. Chẳng những không phải là một thứ mệt nhọc bằng lòng và vui vẻ mà là một thứ mệt nhọc căng thẳng, nặng nề, bất mãn và cuối cùng là buông bỏ bất khả kham. Tình trạng lạnh cảm về mục vụ này có thể bị gây ra bởi một số cớ sự. Một số bị rơi vào tình trạng này là vì họ lao mình vào những dự án không thiết thực và không cảm thấy thỏa mãn trong việc chỉ làm những gì họ có lý khả kham. Một số khác bị là vì họ thiếu nhẫn nại trong việc chờ đợi cho tiến trình được chín mùi; họ muốn hết mọi sự phải từ trời rơi xuống. Có những người bị là vì họ gắn bó với một số dự án hay những mơ tưởng thành đạt hão huyền. Một số người nữa bị là vì họ mất liên hệ thực sự với dân chúng và họ quá tha hóa việc làm của họ đến độ họ quan tâm tới lộ trình của việc làm hơn là tới chính tiến trình làm việc. Có những người bị rơi vào tình trạng lạnh cảm này vì họ bất khả đợi chờ; họ muốn làm chủ nhịp sống. Cái ám ảnh thành đạt tức khắc ngày nay khiến cho thành phần mục vụ viên khó lòng chấp nhận bất cứ cái gì có vẻ bất đồng, khả bại, chỉ trích, thập giá.

 

83- Và vì thế mà mối đe dọa lớn nhất trong tất cả mọi thứ đe dọa đang từ từ được hình thành, đó là "chủ nghĩa thực dụng xám nơi cuộc sống hằng ngày của Giáo Hội, trong đó tất cả đều tiến hành có vẻ bình thường, nhưng thực tế cho thấy thì đức tin đang bị hao mòn đi và bị thoái hóa thành thiển cận" (J. Ratzinger, The Current Situation of Faith and Theology. Conference given at the Meeting of Presidents of Latin American Episcopal Commissions for the Doctrine of the Faith, Guadalajara, Mexico, 1996. Translation in L’Osservatore Romano, English Language Edition, 6 November 1996. Cf. Fifth General Conference of the Latin American and Caribbean Bishops, Aparecida Document, 29 June 2007, 12). Một thứ tâm lý hầm mộ như thế đang phát triển và từ từ biến thành phần Kitô hữu trở nên những bộ xương khô ở trong một bảo tàng viện.

 

84- Niềm vui Phúc Âm là những gì không thể bị lấy đi khỏi chúng ta bởi bất cứ ai hay bởi bất cứ sự gì (cf Gioan 16:22). Những sự dữ của thế giới này - và những sự dữ của Giáo Hội - không được trở thành những viện dẫn châm chước cho tình trạng suy giảm việc dấn thân của chúng ta và nhiệt tình của chúng ta....

 

85- Một trong những khuynh hướng trầm trọng hơn nữa đang dập tắt sự can trường và lòng nhiệt thành đó là một thứ chủ bại thuyết, những gì biến chúng ta thành những kẻ bi quan yếm thế than van và vỡ mộng, "những kẻ cáu kỉnh"... Cuộc vinh thắng của Kitô giáo bao giờ cũng là một cây thập tự giá, mà đồng thời cũng là một ngọn cờ chiến thắng xuất phát từ nỗi dịu dàng hăng say phản lại các cuộc tấn công của sự dữ. Cái tinh thần chủ bại xấu xa này là anh em với khuynh hướng phân rẽ lúc ra khỏi cỏ lòng trước thời điểm của nó; nó là hoa trái của một thứ lo âu qui ngã thiếu tin tưởng.  

 

86- Ở một số nơi, đang hiển nhiên diễn ra một thứ "sa mạc hóa" đời sống thiêng liêng (a spiritual “desertification”), như là hậu quả của những nỗ lực nơi một số xã hội muốn dựng xây phi Thiên Chúa hay muốn loại trừ các thứ gốc gác Kitô giáo của mình. Ở những nơi đó, "thế giới Kitô giáo đang trở nên cằn cỗi, và tự trở thành kiệt quệ như là một mảnh đất được khai thác quá cỡ mà biến thành sa mạc" (J.H. Newman, Letter of 26 January 1833, in The Letters and Diaries of John Henry Newman, vol. III, Oxford, 1979, 204). Ở những xứ sở khác, tình trạng dữ dội chống Kitô giáo đang bắt Kitô hữu phải che giấu đức tin của mình nơi quê hương yêu dấu của họ. Đó là một thứ sa mạc nhức nhối khác. Thế nhưng gia đình và công sở cũng có thể trở thành một nơi khô cằn mà đáng lẽ đức tin cần phải được bảo trì và truyền đạt. Tuy nhiên, "bắt đầu từ chính cảm nghiệm về sa mạc ấy, từ cái trống rỗng ấy, mà chúng ta có thể lại khám phá được niềm vui của việc tin tưởng, khám phá thấy tầm vóc quan trọng của việc tin tưởng này đối với chúng ta, nam cũng như nữ. Trong sa mạc chúng ta khám phá ra giá trị của những gì là thiết yếu để sống; thế nên, trong thế giới hôm nay có muôn vàn dấu hiệu, thường được thể hiện một cách ngấm ngầm hay tiệc cực, về nỗi khát khao Thiên Chúa, khát khao ý nghĩa tối hậu của cuộc đời. Và ở trong sa mạc, dân của đức tin là thành phần cần thiết, thành phần nhờ gương sống của họ, chỉ đường dẫn lối đến Đất Hứa và giữ cho niềm hy vọng sống động" [Benedict XVI, Homily at Mass for the Opening of the Year of Faith (11 October 2012): AAS 104 (2012), 881]. Trong những hoàn cảnh ấy, chúng ta được kêu gọi trở thành những nguồn nước sự sống để cho người khác uống. Có những lúc điều này trở thành một thánh giá nặng nề, thế nhưng chính từ cây thánh giá này, từ cạnh sườn của Người, mà Chúa của chúng ta đã hiến mình cho chúng ta như một nguồn nước sự sống. Chúng ta đừng để cho mình bị tước mất nhiệt tình truyền giáo!  

 

93- Tính chất trần tục thêng liêng (spiritual worldliness), một tính chất mà ngấm ngầm bề ngoài thì có vẻ đạo hạnh và thậm chí yêu mến Giáo Hội, là ở chỗ không tìm kiếm vinh quang của Chúa mà là vinh quang trần thế và mối phúc hạnh tư riêng. Nó là những gì Chúa quở trách những người Pharisiêu: "Làm sao quí vị có thể tin tưởng được khi quí vị chấp nhận vinh quang từ nhau mà không tìm kiếm vinh quang xuất phát từ Vị Thiên Chúa duy nhất" (Gioan 5:44). Nó là một đường lối xảo quyệt trong việc tìm kiếm "tự lợi của mình chứ không phải của Đức Giêsu Kitô" (Phil 2:21). Nó mặc nhiều hình thức, tùy theo loại người và nhóm người mà nó thâm nhập. Vì nó được dựa vào những hình dáng bề ngoài được cẩn thận vun trồng mà nó bao giờ cũng liên quan đến tội lỗi ngoại diện; theo bề ngoài thì mọi sự diễn ra như thể đúng như vậy. Thế nhưng nếu nó thấm nhiễm vào Giáo Hội thì "nó sẽ vô cùng tai hại hơn bất cứ tính chất trần tục nào khác chỉ thuần luân lý" (H. De Lubac, Méditation sur l’Église, Paris, 1968, 321).

 

94- Tính chất trần tục này có thể bừng tỏa bằng hai cách thức liên hệ mật thiết với nhau. Cách thứ nhất ở nơi cái hấp dẫn của thuyết bất khả thần tri (gnosticism), một đức tin thuần chủ quan chỉ có một quan tâm duy nhất đó là cái cảm nghiệm nào đó hay một số ý nghĩ hay một chút tín liệu nào đó mang ý nghĩa an ủi và soi sáng, nhưng thực sự lại là những gì giam hãm con người ở nơi những ý nghĩ và cảm xúc của riêng họ. Cách khác ở nơi thuyết the self-absorbed promethean neopelagianism của những ai trên hết chỉ biết tin vào quyền lực của họ và cảm thấy mình trổi vượt hơn người khác vì họ tuân giữ một số qui luật nào đó hay trung thành một cách dứt khoát với một mẫu Công giáo đặc biệt nào đó trong quá khứ.

 

95- Cái tính chất trần tục xảo quyệt này là những gì tỏ tường ở nơi một số thái độ có vẻ đảo nghịch nhưng tất cả đều có chung một chiêu bài "chiếm chỗ của Giáo Hội". Nơi một số người chúng ta thấy một thứ bận tâm một cách phô trương đến phụng vụ, đến tín lý cũng như đến thế giá của Giáo Hội, nhưng lại không quan tâm gì đến chuyện Phúc Âm có thực sự ảnh hưởng đến dân Chúa cũng như đến các nhu cầu cụ thể của thời hiện đại. Theo chiều hướng như thế thì đời sống của Giáo Hội trở thành một thứ đồ vật quí ở trong bảo tàng viện hay một cái gì đó thuộc tài sản của một thiểu số ưu đãi. Nơi những người khác thì tính chất trần tục thiêng liêng này ẩn nấp ở đằng sau một thứ say mê chiếm đoạt về xã hội và chính trị, hay một thứ kiêu hãnh về khả năng của họ trong việc điều hành những vụ việc thực tế, hoặc một thứ ám ảnh với các chương trình tự biên tự diễn. Nó cũng có thể chuyển thành một mối quan tâm có thể thấy được, thành một cuộc sống xã hội đầy những bề ngoài, hội họp, tiệc tùng. Nó cũng có thể dẫn đến một thứ tâm thức mậu dịch, dính chặt với việc hành chính, thống kê, phác định và thẩm định mà lợi ích chính yếu của nó không phải là dân Chúa nhưng là một Giáo Hội như là một thứ cơ cấu tổ chức. Dấu tích của Đức Kitô, nhập thể, tử giá và phục sinh, không còn nữa; mà là những nhóm khép kín và thiểu số ưu tú được thành hình, không có một nỗ lực nào dấn thân tìm kiếm những ai xa cách hay vô vàn đám đông đang khát vọng Chúa Kitô. Nhiệt tình phúc âm được thay thế bằng những gì là khoái lạc trống rỗng của lòng tự mãn và mê đắm bản thân.  

 

96- Đường lối suy nghĩ này cũng nuôi dưỡng cả cái vinh quang hư ảo của những ai chấp nhận một chút quyền lực và thà làm một vị tướng chỉ huy một đạo binh bại trận hơn là đóng vai một tên binh nhì quèn ở một đơn vị tiếp tục chiến đấu. Biết bao nhiêu lần chúng ta mơ ước những dự án tông đồ lớn lao, được phác họa một cách hết sức tinh vi kỹ lưỡng, giống như những viên tướng bại trận! Thế nhưng đó lại là những gì chối bỏ lịch sử của chúng ta như là một Giáo Hội, một Giáo Hội vinh quang chính vì có một lịch sử hy sinh, một lịch sử hy vọng và chiến đấu hằng ngày, một lịch sử của những cuộc sống dấn thân phục vụ và trung thành hoạt động, cho dù mệt nhọc đến đâu, vì tất cả mọi công việc đều làm đổ ra "mồ hôi trán của chúng ta". 

 

 

 

2- Niềm Vui Phúc Âm - một sứ vụ bất khả thiếu và bất khả châm chước của Kitô hữu

 

(Chương Ba: Việc loan báo Phúc Âm; Mục I: Toàn Thể Dân Chúa loan báo Phúc Âm; Mục II: Bài Giảng - từ đoạn 135. Biệt chú: dường như chưa có một văn kiện nào của Đức Thánh Cha từ trước tới nay lại nói vừa dài vừa kỹ về vấn đề Bài Giảng và Soạn Giảng như trong Tông Huấn này, một vấn đề liên quan đến cả giảng thuyết viên lẫn cách thức giảng, bao gồm cả ngôn từ và hành vi cử chỉ v.v. Có những chỗ liên quan đến giảng thuyết viên, như ở dưới đây, trong phần đầu về tác nhân truyền bá phúc âm hóa, và có những chỗ liên quan đến chính bài giảng và soạn giảng là những gì thuộc về đường lối mới truyền bá phúc âm hóa thuộc phần thứ hai)

 

111- Việc truyền bá phúc âm hóa là công việc của Giáo Hội. Giáo Hội, với tư cách là một tác nhân của việc truyền bá phúc âm hóa, không phải chỉ là một tổ chức về cơ cấu và phẩm trật; trước hết và trên hết Giáo Hội là một dân đang tiến bước trên con đường hành trình về với Thiên Chúa...

 

112- Ơn cứu độ Thiên Chúa cống hiến cho chúng ta là công cuộc của tình Ngài xót thương...

 

114- ... Giáo Hội cần phải trở thành một nơi của tình thương được tự do trao tặng, là nơi hết mọi người đều cảm thấy được đón nhận, yêu thương, tha thứ và phấn khích để sống một đời sống tốt lành của Phúc Âm.

 

120- Bởi phép rửa của mình, tất cả mọi phần tử thuộc Dân Chúa đã trở thành môn đệ thừa sai (cf Mt 28:19). Tất cả mọi người đã lãnh nhận phép rửa, ở bất cứ vị thế nào trong Giáo Hội hay ở bất cứ tầm mức kiến thức nào về đức tin của mình, đều là tác nhân của việc truyền bá phúc âm hóa, và thật là thiếu sót khi phác họa dự án truyền bá phúc âm hóa được thực hiện bởi các chuyên viên trong khi phần tín hữu còn lại chỉ là thành phần lãnh nhận thụ động. Việc tân truyền bá phúc âm hóa cần đến chuyện cá nhân tham gia về phía mỗi một người đã lãnh nhận phép rửa.... Hết mọi Kitô hữu đều là một vị thừa sai ở chỗ họ đã gặp gỡ tình yêu của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Kitô: chúng ta không còn nói rằng chúng ta là 'môn đệ' và là 'thừa sai', trái lại, chúng ta bao giờ cũng là 'môn đề thừa sai'. Nếu chúng ta vẫn chưa chịu thì hãy quan sát những môn đệ tiên khởi, thành phần ngay sau khi gặp gỡ ánh mắt của Chúa Giêsu liền hân hoan đi loan báo về Người: 'Chúng tôi đã gặp Đấng Thiên Sai' (Gioan 1;41). Người phụ nữ Samaritanô đã trở thành một nhà thừa sai ngay sau khi nói chuyện với Chúa Giêsu, và nhiều người Samaria đã tin vào Người 'vì chứng từ của người đàn bà này' (Gioan 4:39). Thánh Phaolô cũng thế, sau cuộc khi ngài gặp gỡ Đức Giêsu Kitô, 'liền loan truyền Chúa Giêsu' (Acts 9:20;cf 22:6-21). Vậy thì chúng ta còn chờ đợi gì chứ? 

 

121- Tình trạng chưa trọn lành không được trở thành lý do từ chối; trái lại, sứ vụ truyền giáo là một kích tố liên tục không cho phép được tiếp tục sống tầm thường, trái lại phải tiếp tục tăng trưởng. Chứng từ đức tin mà mỗi một Kitô hữu được kêu gọi cống hiến dẫn chúng ta đến chỗ cùng với Thánh Phaolô mà rằng: 'Không phải tôi đã đạt tới điều ấy hay đã trọn hảo; thế nhưng tôi đang theo đuổi để chiếm lấy nó, vì Đức Giêsu Kitô đã biến tôi thành của Người' (Phil 3:12-13).

 

127- ... Là một người môn đệ có nghĩa là liên lỉ sẵn sàng mang tình yêu thương của Chúa Giêsu đến cho người khác, và điều này có thể xẩy ra bất ngờ và ở bất cứ nơi đâu: trên đường phố, ở công viên thành phố, trong khi làm việc, trong một cuộc hành trình.

 

135- ... Bài giảng là tiêu chuẩn thẩm định một vị mục tử có gần gũi và với dân chúng và có khả năng truyền đạt cho dân chúng hay chăng....

 

145- ... Một vị giảng thuyết không soạn dọn thì chẳng có gì là "thiêng liêng"; họ không trung thực và vô trách nhiệm với các tặng ân đã lãnh nhận.

 

149- Vị giảng thuyết "trước hết cần phải phát triển tính chất thật quen thuộc riêng tư với lời Chúa. Kiến thức về những khía cạnh ngôn ngữ học hay chú giải cho dù cần thiết vẫn không đủ... "Mức độ thánh thiện hơn kém của thừa tác viên mới có tác dụng thực sự nơi việc loan truyền lời Chúa" [John Paul II, Post-Synodal Apostolic Exhortation Pastores Dabo Vobis (25 March 1992), 25: AAS 84 (1992), 696].... Các bài đọc Chúa Nhật sẽ tỏa rạng hết sức rạng ngời nơi tâm can của tín hữu nếu trước hết chúng diễn ra như thế ở tâm hồn của vị mục tử.

 

150- Ai muốn giảng dạy thì cần phải là người đầu tiên để cho lời Chúa sâu xa tác động mình và để cho lời Ngài trở thành hiện thực trong đời sống hằng ngày của họ. Có thế thì việc giảng dạy mới nhất trí nơi hoạt động này, một việc giảng dạy rất mạnh mẽ và hiệu quả, đó là "truyền đạt cho người khác những gì mình đã chiêm ngắm" (Saint Thomas Aquinas, S. Th. II-II, q. 188, a. 6.). Vì tất cả những lý do đó mà trước khi soạn dọn những gì chúng ta thực sự nói khi giảng dạy, chúng ta cần để cho mình được thấm nhiễm những lời cũng sẽ thấm nhiễm người khác, vì nó là lời sống động và linh động, như một lươi gươm "xuyên cách hồn thiêng với tâm linh, xương tủy, và thấy rõ được những ý nghĩ và ý hướng của tâm can" (Heb 4:12).

 

151- Nếu họ  không có giờ để cởi mở nghe lời Chúa, nếu họ không để cho lời Chúa chạm đến đời sống của họ, thách đố họ, thúc đẩy họ, và nếu họ không dành giờ để cầu nguyện theo lời Chúa, thì họ thực sự sẽ trở thành một ngụy ngôn sứ, một thứ lường gạt, một kẻ mạo danh nông cạn. Thế nhưng, bằng việc nhìn nhận tình trạng bần cùng của mình và mong muốn gia tăng trong việc dấn thân, thì họ bao giờ cũng có thể bỏ mình cho Chúa Kitô, lập lại lời của Thánh Phêrô: "Tôi chẳng có vàng bạc nhưng cái tôi có thì tôi hiến tặng cho anh" (Acts 3:6). Chúa muốn sử dụng chúng ta như là những con người sống động, tự do và sáng tạo, để cho lời của Người tiến vào tâm hồn của chúng ta trước khi truyền đạt sang cho người khác. Sứ điệp của Chúa Kitô cần phải thực sự thẩm thấu và chiếm hữu vị giảng thuyết, không phải chỉ về tri thức mà là toàn thể con người của họ.

 

153- Trước nhan Thiên Chúa, trong trầm tư xem bài đọc, cần phải đặt vấn đề, chẳng hạn, "Lạy Chúa, bài đọc này nói gì với con đây? Qua bài đọc này Chúa muốn đời sống của con thay đổi ra sao? Cái gì trong bài đọc làm tôi cảm thấy không ổn? Tại sao tôi không hào hứng gì nơi bài đọc này? Hay cũng có thể đặt vấn đề: Tôi cảm thấy hứng thú gì ở bài đọc ấy? Lời Chúa tác động nơi tôi những gì? Đâu là cái thu hút tôi? Tại sao nó lại lôi cuốn tôi?" Khi chúng ta cố gắng lắng nghe Chúa thì những chước cám dỗ thường xẩy ra. Một trong các chước cám dỗ đó là chỉ cảm thấy bất ổn hay nặng nề và muốn tránh né đi. Một chước cám dỗ thông thường nữa đó là nghĩ về ý nghĩa của bài đọc là để cho người khác, và vì vậy không áp dụng nó vào đời sống của chúng ta. Cũng có thể xẩy ra trường hợp là chúng ta tìm cách xóa bỏ ý nghĩa rõ ràng của bài đọc. Hay chúng ta có thể ngẫm nghĩ rằng Thiên Chúa dòi hỏi chúng ta quá nhiều, yêu cầu một quyết định mà chúng ta chưa sẵn sàng thực hiện. Điều này dẫn nhiều người đến chỗ thôi không thích gặp gỡ lời Chúa nữa; thế nhưng như vậy có nghĩa là chúng ta quên rằng không ai nhẫn nại bằng Thiên Chúa là Cha của chúng ta, không ai thông cảm và muốn đợi chờ hơn Ngài. Ngài luôn mời gọi chúng ta hãy bước từng bước một, chứ không đòi hỏi một đáp ứng trọn vẹn nếu chúng ta chưa sẵn sàng. Ngài chỉ yêu cầu chúng ta thành thật nhìn vào cuộc đời của chúng ta và chân tình ra trình diện trước nhan Ngài, và chúng ta muốn tiếp tục tăng triển, xin Ngài những gì chính chúng ta chưa thể đạt được.

 

154- Một vị giảng dạy cần phải chiêm niệm lời Chúa, nhưng đồng thời cũng phải chiêm ngắm con người nữa... Họ cần phải làm sao có thể liên kết sứ điệp của một bài đọc thánh kinh với hoàn cảnh của con người, với một thứ cảm nghiệm cần đến ánh sáng của lời Chúa...  Những gì chúng ta cần tìm kiếm đó là "những gì Chúa cần phải nói ở trường hợp đặc biệt này nọ" [Paul VI, Apostolic Exhortation Evangelii Nuntiandi (8 December 1975), 43: AAS 68 (1976), 33.]

 

155- ... Chúng ta cũng nên nhớ rằng chúng ta không bao giờ trả lời cho những vấn nạn không ai hỏi tới. Hay được cho rằng thích hợp để nói về các tin tức mới nhất hầu gây hứng cho dân chúng; chúng ta đã có các chương trình truyền hình về vấn đề ấy rồi. Tuy nhiên, vẫn có thể bắt đầu bằng một số sự kiện hay truyện trò để lời Chúa có thể âm vang một cách mạnh mẽ nơi việc kêu gọi hoán cải của lời này, kêu gọi tôn thờ, kêu gọi dấn thân cho tình huynh đệ và việc phục vụ v.v. Tuy nhiên, bao giờ cũng có một số người muốn lắng nghe những nhận định của vị giảng thuyết về các sự việc đang xẩy ra, trong khi đó họ lại không muốn mình bị rắc rối.

 

 

3- Niềm Vui Phúc Âm - một sứ vụ cần phải được tràn đầy Thần Linh mới có thể hoàn thành

  

(Chương Năm: Thành phần truyền bá phúc âm hóa tràn đầy Thần Linh; Mục I: Những lý do cho một động lực truyền giáo mới)

 

259- Thành phần truyền bá phúc âm hóa tràn đầy thần linh nghĩa là thành phần truyền bá phúc âm hóa hiên ngang cởi mở cho hoạt động của Thánh Linh ... Chúa Giêsu muốn thành phần truyền bá phúc âm hóa loan báo tin mừng chẳng những bằng lời nói mà trên hết bằng một đời sống được biến đổi bởi sự hiện diện của Thiên Chúa.

 

264- Lý do chính yếu cho việc truyền bá phúc âm hóa đó là tình yêu của Chúa Giêsu mà chúng ta đã lãnh nhận, một cảm nghiệm về ơn cứu độ là những gì thôi thúc chúng ta càng yêu mến Người hơn nữa....

 

265- Tất cả đời sống của Chúa Giêsu, đường lối Người đối xứ với người nghèo, các hành động của Người, tính chất nguyên tuyền của Người, các tác động quảng đại giản dị hằng ngày của Người, và sau cùng là việc Người hoàn toàn hy hiến bản thân mình, là những gì quí báu và cho thấy mầu nhiệm sự sống thần linh của Người... "Nhà truyền giáo tin tưởng rằng, nhờ hoạt động của Thần Linh, vẫn hiện hữu nơi cá nhân cũng như dân chúng một niềm mong đợi, cho dù là niềm mong đợi thiếu ý thức, trong việc nhận biết sự thật về Thiên Chúa, và về cách thức làm sao chúng ta được giải thoát khỏi tội lỗi và sự chết. Lòng nhiệt thành của nhà truyền giáo trong việc loan truyền Chúa Kitô xuất phát từ niềm xác tín rằng Người đang đáp ứng niềm mong đợi ấy" [John Paul II, Encyclical Letter Redemptoris Missio (7 December 1990), 45: AAS 83 (1991), 292.]

 

268- ... Để trở thành những viên truyền bá phúc âm hóa các linh hồn, chúng ta cần khai triển một thứ vị giác thiêng liêng về việc gần với đời sống của dân chúng cũng như cần phải khám phá ra rằng đó chính việc làm này là một nguồn vui hơn nữa. Sứ vụ truyền giáo vừa là một thứ say mê đối với Chúa Giêsu và là một thứ say mê đối với dân của Người...

 

269- ... Chính Chúa Giêsu là mô phạm của phương pháp truyền giáo này, một phương pháp đưa chúng ta đến chính tâm can của dân chúng. Tốt đẹp biết bao khi chúng ta chiêm ngưỡng thấy sự gần gũi Người tỏ ra đối với hết mọi người! Khi nói với ai thì Người ưu ái quan tâm nhìn vào mắt của họ: "Chúa Giêsu trìu mến nhìn anh ta, tỏ lòng ưu ái với anh ta" (Mk 10:21) ... Được đánh động bởi gương của Người, chúng ta tiến vào tầng lớp xã hội một cách trọn vẹn, bằng cách chia sẻ với đời sống của tất cả mọi người, bằng việc lắng nghe các quan tâm của họ, bằng việc giúp đỡ các nhu cầu về thể lý và thiêng liêng của họ, bằng việc vui với người vui khóc với người khóc; chung tay góp sức với nhau chúng ta dấn thân xây dựng một thế giới mới.  ...

 

270- Đôi khi chúng ta thiên về một loại Kitô hữu giữ trong vòng tay mình các thương tích của Chúa. Thế nhưng Chúa Giêsu lại muốn chúng ta đụng chạm tới nỗi khốn cùng của nhân loại, đụng chạm tới xác thịt khổ đau của người khác. Người hy vọng rằng chúng ta sẽ thôi tìm kiếm các thứ hốc tường chung hay riêng là nơi có thể che khuất chúng ta khỏi vũng xoáy bất hạnh của con người, thay vào đó, tiến vào thực tại của đời sống dân chúng và biết được cái quyền lực của sự dịu dàng. Bất cứ khi nào chúng ta làm như thế thì đời sống của chúng ta trở thành phức hợp diệu vợi và chúng ta mạnh mẽ cảm thấy đâu là quần chúng, thuộc về quần chúng.   

 

272- ... Nếu chúng ta thăng tiến trên đời sống thiêng liêng, thì chúng ta cần phải liên lỉ là thành phần thừa sai. Công việc truyền bá phúc âm hóa là những gì làm phong phú trí khôn và cõi lòng; nó làm cho chúng ta nhậy cảm mỗi ngày một hơn với các hoạt động của Thánh Linh, và nó mang chúng ta vượt ra ngoài những cấu trúc thiêng liêng hữu hạn của chúng ta ...

 

273- Sứ vụ truyền giáo của tôi nơi cõi lòng của dân chúng không phải chỉ là một phần đời của tôi hay chỉ là một thứ phù hiệu tôi có thể tháo cởi; nó không phải là một "thứ thêm thắt" hay chỉ là một lúc nào đó trong đời. Trái lại, nó là một cái gì đó tôi không thể nào làm bật gốc nó khỏi con người của tôi mà không hủy hoại chính bản thân tôi. Tôi là một sứ vụ (I am a mission) ở trên mặt đất này; đó là lý do tại sao tôi ở trên thế gian này...

 

275- Một số người không dấn thân cho sứ vụ truyền giáo là vì họ nghĩ rằng chẳng có gì sẽ đổi thay đâu nên cố gắng làm gì cho mất công. Họ nghĩ rằng: "Tại sao tôi lại phải tự bỏ đi những thoải mái và vui thú nếu tôi không thấy bất cứ một thành quả đáng kể nào chứ?" Thái độ này khiến họ không thể nào trở thành một nhà truyền giáo. Nó chỉ là một thứ che đậy độc địa để bám víu lấy những gì là thoải mái, biếng nhác, những bất mãn mơ hồ và cái vị kỷ trống rỗng. Nó là một thái dộ tự hủy, bởi vì "con người không thể sống mà không hy vọng: đời sống sẽ trở nên vô nghĩa và bất khả chịu đựng"  (Second Special Assembly for Europe of the Synod of Bishops, Final Message, 1: L’Osservatore Romano, Weekly English-language edition, 27 October 1999, 5). ....

 

 

276- Cuộc phục sinh của Chúa Kitô không phải là một biến cố thuộc về quá khứ; nó chất chứa một quyền lực sống động đã thấm nhập vào thế giới này. Ở nơi đâu mà tất cả mọi sự dường như chết đi thì các dấu hiệu của sự phục sinh đột nhiên bừng nở. Nó là một thứ quyền lực bất khả chống cưỡng. Thường thì dường như Thiên Chúa không hiện hữu, ở chỗ tất cả mọi sự xẩy ra chung quanh mình chúng ta thầy toàn là bất công, sự dữ, lạnh lùng và tàn ác. Thế nhưng cũng rất thật nữa đó là ở giữa tăm tối thì một cái gì đó mới mẻ luôn xuất hiện cho đời, để rồi không sớm thì muộn sẽ sinh hoa kết trái. Sự sống nẩy lên ở một mảnh đất bị phá trơ trụi, một cách gan lì nhưng bất khả bại. Cho dù các thứ có đen tối đến đâu chăng nữa thì sự thiện bao giờ cũng tái diễn và lan tràn. Vẻ mỹ lệ được tái sinh từng ngày trên thế giới chúng ta đây, nó được biến đổi vươn lên qua các cơn bão tố lịch sử. Các thứ giá trị bao giờ cũng có khuynh hướng tái diễn dưới những dáng vẻ mới, và nhân loại từ thời này đến thời kia đã vươn lên khỏi những tình trạng dường như đã bị tàn tạ. Quyền lực của phục sinh là thế đó, và tất cả những ai truyền bá phúc âm hóa đều là dụng cụ của quyền lực ấy.

 

280- Việc giữ làm sao cho nhiệt tình truyền giáo của chúng ta sống động cần phải mạnh mẽ tin tưởng vào Thánh Linh, vì chính Ngài là Đấng "giúp chúng ta nơi nỗi yếu hèn của chúng ta" (Rm 8:26). Thế nhưng lòng tin tưởng lớn lao này cần phải được nuôi dưỡng, và vì thế chúng ta cần liên lỉ kêu xin Thần Linh. Ngài có thể chữa lành bất cứ những gì khiến chúng ta suy yếu đi nhiệt tình truyền giáo. Quả thực niềm tin tưởng vào đấng vô hình này có thể khiến cho chúng ta cảm thấy lạc hướng làm sao ấy: nó giống như bị nhận chìm xuống thẳm sâu và không biết đâu là những gì chúng ta tìm kiếm. Chính tôi cũng thường cảm nghiệm thấy điều này. Tuy nhiên, không còn tự do nào hơn là thứ tự do để cho mình được hướng dẫn bởi Thánh Linh, bỏ đi cái nỗ lực phác họa và kiểm soát hết mọi sự từng ly từng tí, trái lại, hãy để cho Ngài soi sáng, hướng dẫn và điều khiển chúng ta, dẫn chúng ta đến bất cứ nơi nào Ngài muốn. Thánh Linh biết rõ những gì cần thiết ở mọi lúc và mọi nơi. Đó là ý nghĩa của việc diệu huyền trổ sinh hoa trái vậy!

 

 

285- Chúa Giêsu lưu lại cho chúng ta Mẹ của Người để trở nên Mẹ của chúng ta. Chỉ sau khi làm thế Chúa Giêsu mới phán "mọi sự đã hoàn tất" (Jn 19:28). Dước chân thập tự giá, vào thời điểm tột đỉnh của việc tân tạo, Chúa Kitô đã dẫn chúng ta đến với Mẹ Maria. Người mang chúng ta lại cùng Mẹ vì Người không muốn chúng ta hành trình mà lại thiếu mẹ, và dân của chúng ta đọc thấy nơi hình ảnh mẫu thân này tất cả mọi mầu nhiệm của Phúc Âm. Chúa không muốn xa rời Giáo Hội mà lại thiếu vắng hình ảnh của vai trò người nữ này. Mẹ Maria, vị đã mang Người vào trần gian bằng một đức tin cao cả, cũng đồng hành với "phần giòng dõi còn lại của mình, những người tuân giữ mệnh lệnh của Thiên Chúa và làm chứng cho Chúa Giêsu" (Rev 12:17). Mối liên hệ chặt chẽ giữa Mẹ Maria, Giáo Hội và từng phần tử tín hữu, căn cứ vào sự kiện là mỗi phần hạ sinh Chúa Giêsu theo kiểu cách của mình, đã được Chân Phước Isaac Stella tuyệt vời diễn tả như sau: "Trong các Sách Thánh được linh ứng, những gì nói theo nghĩa phổ quát về người mẹ đồng trinh là Giáo Hội thì cũng được hiểu theo nghĩa cá thể về Trinh Nữ Maria... Một cách nào đó hết mọi Kitô hữu cũng được tin là hôn thê của lời Chúa, mẹ của Đức Kitô, nữ rử và chị em của Người, vừa trinh trắng vừa sinh sản... Chúa Kitô chín tháng đã ở trong nhà tạm là cung dạ của Mẹ Maria. Người cư ngụ cho đến tận thế nơi nhà tạm là đức tin của Giáo Hội. Người sẽ cư ngụ muôn đời nơi sự nhận biết và tình yêu của từng linh hồn tín hữu" (Isaac of Stella, Sermo 51: PL 194, 1863, 1865).

 

 

288- Có một "kiểu cách" Thánh Mẫu cho công cuộc truyền bá phúc âm hóa của Giáo Hội. Bất cứ ở đâu chúng ta nhìn vào Mẹ Maria, chúng ta tiến đến chỗ tin tưởng một lần nữa vào bản chất cách mạng của tình yêu và sự dịu dàng. Nơi Mẹ, chúng ta thấy rằng lòng khiêm nhượng và nỗi dịu dàng không phải là các nhân đức của người hèn yếu mà là của kẻ mạnh, thành phần không cần phải đối xử tàn tệ với người khác để tỏ ra quan trọng hóa bản thân mình. Khi chiêm ngưỡng Mẹ Maria, chúng ta nhận thấy rằng Mẹ là người đã chúc tụng Thiên Chúa vì Ngài "hạ kẻ quyền thế xuống khỏi ngai tòa của họ" và "biến người giầu có trở thành tay không" (Lk 1:52-53) cũng là Đấng mang lại hơi ấm gia đình cho việc theo đuổi công lý của chúng ta. Mẹ cũng là vị cẩn thận lưu giữ "tất cả những sự ấy mà suy niệm chúng trong lòng" (Lk 2:19). Mẹ Maria có thể nhận ra những dấu vết Thần Linh của Thiên Chúa nơi các biến cố lớn nhỏ. Mẹ liên lỉ chiêm ngưỡng mầu nhiệm của Thiên Chúa trên thế gian này, trong lịch sử loài người và trong đời sống hằng ngày của chúng ta. Mẹ là người nữ của nguyện cầu và làm việc ở Nazarét, và Mẹ cũng là Đức Bà Cứu Giúp, vị đã "vội vã" bỏ nhà lên đường (Lk 1:39) để phục vụ người khác. Việc tác động lẫn nhau giữa công lý và nỗi dịu dàng, giữa chiêm niệm và mối quan tâm cho kẻ khác, là những gì khiến cộng đồng giáo hội nhìn lên Mẹ Maria như là một mẫu gương của việc truyền bá phúc âm hóa. Chúng ta van xin lời chuyển cầu từ mẫu của Mẹ để Giáo Hội được trở nên một ngôi nhà cho nhiều người, một người mẹ cho tất cả mọi người, và để mở đường cho việc hạ sinh của một thế giới mới. Chính Chúa Kitô Phục Sinh là Đấng đã nói với chúng ta, bằng một quyền lực làm cho chúng ta tràn đầy tin tưởng và niềm hy vọng không lay chuyển rằng: "Này đây, Ta canh tân tất cả mọi sự" (Rev 21:5).

 

Phần Hai

 Đường lối mới loan truyền Niềm Vui Phúc Âm

  

 

Như câu đầu tiên và đoạn đầu tiên của Tông Huấn Niềm vui Phúc Âm cho thấy nội dung chính yếu của toàn bản văn liên quan tới cả 1- thành phần tác nhân truyền bá phúc âm hóa: "Kitô hữu trung thành khai mở một chương mới của việc truyền bá phúc âm hóa mang đặc tính của niềm vui ấy"; lẫn 2- các chủ trương và công cuộc thực hiện việc truyền bá phúc âm hóa: "những đường lối mới cho cuộc hành trình tương lai của Giáo Hội".

 

Nếu đối với tác nhân thực hiện việc truyền bá phúc âm hóa cần phải hội đủ điều kiện tiên quyết và tối cần bất khả thiếu và bất khả châm chước đó là Niềm Vui Phúc Âm: "Niềm Vui Phúc Âm tràn đầy tâm hồn và đời sống của tất cả những ai được gặp gỡ Chúa Giêsu", thì "những đường lối mới cho cuộc hành trình tương lai của Giáo Hội", liên quan đến chính sứ vụ và công cuộc truyền bá phúc âm hóa, cũng phải phản ảnh Niềm Vui Phúc Âm này mới thật sự có thể sinh hoa kết trái trong một thời đại quá tân tiến với đầy những biến đổi và biến động ngoài dự tưởng hiện nay về tâm thức cũng như về văn hóa, kinh tế và xã hội.

 

Đó là lý do đường lối mới để Giáo Hội có thể thực hiện sứ vụ và công cuộc truyền bá phúc âm hóa cho thích đáng và hiệu năng liên quan tới những lãnh vực sau đây:

 

Trước hết là vấn đề đối nội, một vấn đề liên quan tới chủ trương then chốt đó là tất cả mọi sự trong Giáo Hội, bao gồm chính hoạt động mục vụ của Giáo Hội, phải làm sao nhất trí theo chiều hướng truyền giáo, và vì thế nên, về việc thực hiện, tất cả mọi sự phải làm sao có tính cách truyền giáo và nhắm đến việc truyền giáo, nhờ đó mà cơ cấu tổ chức của Giáo Hội và toàn bộ tín lý của Giáo Hội mới đạt được ý nghĩa và giá trị của mình đúng như dự án của Thiên Chúa và cốt lõi của sứ điệp Phúc Âm là tình yêu thương cứu độ của Thiên Chúa. Chúng ta sẽ đọc thấy những nhận định tóm gọn này ở trong mục: 1- Niềm Vui Phúc Âm – cần một cuộc hoán cải về mục vụ.

 

Sau nữa là vấn đề đối ngoại, một vấn đề liên quan tới tình hình của thế giới và nhân loại ngày nay, những gì chẳng những trở thành thách đố cho sứ vụ và công cuộc truyền bá phúc âm hóa mà còn chính là chính đối tượng của việc truyền bá phúc âm hóa, là động lực thôi thúc phải truyền bá phúc âm hóa và là nhu cầu đòi hỏi phải được truyền bá phúc âm hóa nữa. Những biến đổi và biến động ngoài dự tưởng hiện nay về tâm thức và niềm tin, cũng như về văn hóa, kinh tế, tài chính và xã hội v.v. đang diễn tiến ra sao và cần phải được truyền bá phúc âm hóa hơn bao giờ hết, đều ở trong mục: 2- Niềm Vui Phúc Âm - trước những thách đố của thế giới ngày nay.

 

Sau hết là vấn đề giải quyết, một vấn đề liên quan đến chính cách thức cần phải có và thích đáng cho sứ vụ và công cuộc truyền bá phúc âm hóa, bao gồm đường lối hội nhập văn hóa, thậm chí cả những phương cách gặp gỡ riêng tư, thích hợp với mỗi tâm hồn, hơn là cứ áp dụng theo công thức, nhất là làm sao để có thể thực hiện việc giảng dạy đến độ chinh phục lòng người v.v. như được đề cập đến ở mục 3- Niềm Vui Phúc Âm - Những cách thức để truyền đạt. Thế nhưng, một đường lối truyền bá phúc âm hóa luôn mới mẻ và không bao giờ lỗi thời đối với Giáo Hội đó là tỏ ra ưu ái riêng người nghèo, như ở mục 4- Niềm Vui Phúc Âm - đặc biệt cho người nghèo hèn.  

 

 

1- Niềm Vui Phúc Âm – cần một cuộc hoán cải về mục vụ

(Chương Một: Việc biến đổi truyền giáo của Giáo Hội; Mục II- Hoạt động và việc hoán cải về mục vụ; Mục III- Từ tâm điểm của Phúc Âm; Mục IV- Một sứ vụ được thể hiện trong giới hạn con người; Mục V- Một người mẹ mở rộng con tim

26- ... Có những cơ cấu giáo hội có thể gây ngãng trở cho các nỗ lực truyền bá phúc âm hóa, thế nhưng cho dù là những cơ cấu tốt đẹp cũng chỉ bổ ích khi chất chứa một sự sống liên lỉ thúc đẩy, nâng đỡ và định vị chúng. Bất cứ một cấu trúc nào cũng sẽ chóng trở thành vô hiệu nếu thiếu mất sự sống mới và tinh thần phúc âm chân thực, thiếu vắng "tính chất trung thành với ơn gọi của mình" là Giáo Hội

27- Tôi mơ đến "hướng chiều truyền giáo - missionary option", tức là một thứ thôi thúc truyền giáo có khả năng biến đổi hết mọi sự, nhờ đó những tục lệ của Giáo Hội, những đường lối hành sự, thời gian tính và các chương trình, ngôn ngữ và các cơ cấu đều có thể xứng hợp trở thành phương tiện truyền bá phúc âm hóa cho thế giới ngày nay hơn là việc Giáo Hội cứ bám lấy bản thân mình. Việc canh tân các cơ cấu cần đến việc hoán cải về mục vụ chỉ hợp lý theo chiều hướng ấy mà thôi: nó thuộc về nỗ lực làm cho chúng hướng nhiều hơn nữa về sứ vụ truyền giáo, làm cho hoạt động truyền giáo bình thường ở mọi mức độ bao hàm và cởi mở hơn nữa, tác động nơi thành phần mục vụ viên một ước muốn liên lỉ tiến bước, nhờ đó khơi động một đáp ứng tích cực từ tất cả những ai được Chúa Giêsu kêu gọi sống thân tình với Người.  Như Đức Gioan Phaolô II có lần đã nói với các vị Giám Mục Đại Dương Châu rằng: "Tất cả mọi cuộc canh tân trong Giáo Hội cần phải lấy sứ vụ truyền giáo làm mục đích của mình, bằng không sẽ bị rơi vào cạm bẫy của một thứ tụt hậu Giáo Hội" [John Paul II, Post-Synodal Apostolic Exhortation Ecclesia in Oceania (22 November 2001), 19: AAS 94 (2002), 390.]

 

32- Vì tôi được kêu gọi để áp dụng thực hành những gì tôi yêu cầu người khác mà tôi cũng phải nghĩ đến một cuộc hoán cải về vai trò giáo hoàng nữa. Nhiệm vụ của tôi, với tư cách Giám Mục Rôma, đó là cởi mở đón nhận các ý kiến đề nghị có thể giúp cho việc thi hành thừa tác vụ của tôi một cách trung thực hơn với ý nghĩa được Chúa Giêsu mong muốn nơi vai trò này cũng như trung thực với các nhu cầu hiện nay của việc truyền bá phúc âm hóa... Vai trò giáo hoàng và các cơ cấu tổ chức trung ương của Giáo Hội hoàn vũ cũng cần nghe thấy tiếng gọi hoán cải về mục vụ này... Việc tập quyền trung ương thái quá, hơn là cống hiến hữu ích, là những gì gây rắc rối cho đời sống của Giáo Hội cũng như cho việc vươn mình truyền giáo của Giáo Hội 

34-... Vấn đề lớn nhất đó là lúc sứ điệp chúng ta rao giảng lúc bấy giờ dường như được đồng hóa với các khía cạnh phụ thuộc mà cho dù chúng có quan trọng đến đâu, tự chúng và bởi chúng, cũng không chuyển đạt cốt lõi của sứ điệp Chúa Kitô. Chúng ta cần phải thiết thực và đừng cho rằng thính giả của chúng ta hiểu được tất cả cái bối cảnh về những gì chúng ta đang nói, hay có thể liên hệ đến những gì chúng ta nói với chính cốt lõi của Phúc Âm, một cốt lõi cống hiến ý nghĩa, vẻ đẹp và sự hấp dẫn cho những gì chúng ta nói tới. 

35- Vấn đề thừa tác mục vụ theo một cung cách truyền giáo (a missionary style) không  thể bị  ám ảnh bởi việc truyền đạt rời rạc một đống các thứ tín lý cần phải được nhất trí áp đặt. Khi chúng ta chấp nhận một tiêu đích mục vụ và một cung cách truyền giáo thực sự vươn tới hết mọi người không trừ ai hay loại trừ ai, thì sứ điệp này cần phải tập trung vào những gì là thiết yếu, vào những gì đẹp đẽ nhất, cao cả nhất, thu hút nhất và đồng thời cũng cần thiết nhất. Sứ điệp này được đơn giản hóa mà vẫn không bị  mất đi một chút gì cái sâu xa và sự thật của nó, nhờ đó nó càng trở nên mãnh liệt và có sức chinh phục.  

38- Cần phải rút tỉa những thành quả nơi giáo huấn của Công Đồng là những gì phản ảnh niềm xác tín cổ kính của Giáo Hội. Trước hết, cần phải nói rằng trong việc giảng dạy Phúc Âm cần phải bảo trì một cảm quan xứng hợp về tính cách cân đối. Thường thấy có những đề tài được đề cập đến và nhấn mạnh nơi việc giảng dạy. Chẳng hạn, nếu trong tiến trình của phụng niên, vị linh mục coi xứ nói về sự điều độ chừng mực 10 lần nhưng chỉ đề cập đến đức bác ái hay đức công chính có hai ba lần là xẩy ra chuyện bất quân bằng rồi đó, mà chính những nhân đức này mới cần phải được trình bày hơn hết trong việc giảng dạy và trong vấn đề giáo lý nhưng đã bị coi nhẹ. Xẩy ra tương tự như thế đó là khi chúng ta nói nhiều về luật lệ hơn là về ân sủng, nhiều về Giáo Hội hơn về Chúa Kitô, nhiều về Giáo Hoàng hơn về lời Chúa.

 

39- Vì một mối hiệp nhất về cơ cấu giữa các nhân đức mà không một nhân đức nào trong số đó bị loại trừ khỏi lý tưởng Kitô giáo thế nào thì cũng không một sự thật nào có thể bị chối bỏ. Hơn nữa, mỗi một sự thật sẽ được hiểu rõ hơn khi liên kết với cái tổng thể hòa hợp của sứ điệp Kitô giáo; theo đó thì tất cả mọi sự thật đều quan trọng và soi chiếu lẫn nhau. Khi việc giảng dạy trung thực với Phúc Âm thì tâm điểm của một số sự thật nào đó là những gì hiển nhiên và rõ ràng cho thấy rằng luân lý Kitô giáo không phải là một hình thức tác hành khắc kỷ, hay chối bỏ bản thân mình, hoặc chỉ là một thứ triết lý cụ thể hay là một bản liệt kê các thứ tội lỗi. Trước hết Phúc Âm mời gọi chúng ta hãy đáp ứng Vị Thiên Chúa của tình yêu là Đấng cứu độ chúng ta, hãy nhìn thấy Thiên Chúa nơi người khác và hãy dấn thân tìm kiếm sự thiện của người khác. Lời mời gọi này không thể trở thành lu mờ trước bất cứ một hoàn cảnh nào! Tất cả mọi nhân đức đều giúp vào việc đáp ứng yêu thương ấy. Nếu lời mời gọi này không được tỏa chiếu một cách mãnh liệt và thu hút, thì lâu đài giáo huấn về luân lý của Giáo Hội có nguy cơ trở thành một thứ chồng chất lên nhau ở trên một nền móng lung lay (a house of cards), và đó là cái nguy cơ lớn nhất của chúng ta. Nghĩa là không phải Phúc Âm là những gì được giảng dạy, mà là những điểm nào đó về tín lý hay luân lý được căn cứ vào những chọn lựa theo các ý hệ riêng. Sứ điệp này sẽ có nguy cơ bị mất đi cái tươi mới của nó và sẽ không còn là "hương thơm của Phúc Âm" nữa.

 

41- ... Theo ý hướng thánh hảo trong việc truyền đạt chân lý về Thiên Chúa và nhân loại, đôi khi chúng ta cống hiến cho tín hữu một thứ ngụy thần (a false god) hay một lý tưởng nhân bản không thực sự là Kitô giáo. Như thế là chúng ta đã bám chặt lấy những gì công thức chứ không chuyển đạt chính cái bản chất của nó .....

 

43- Trong việc liên tục nhận thức của mình, Giáo Hội cũng có thể thấy được rằng có một số tục lệ không trực tiếp liên hệ với tâm điểm của Phúc Âm, thậm chí một số đã sâu xa bén rễ trong lịch sử, không còn được hiểu và cảm nhận một cách xác đáng nữa. Một số trong những tập tục ấy thì đẹp đẽ nhưng không còn là phương tiện truyền đạt Phúc Âm nữa. Chúng ta không được sợ hãi trong việc tái xét chúng. Đồng thời Giáo Hội có những qui luật hay qui tắc có thể đã rất hiệu năng trong thời điểm của chúng, nhưng không còn giữ được tác dụng như thế trong việc hướng dẫn và hình thành đời sống của con người nữa...

 

44- ... Tôi muốn nhắc nhở các vị linh mục rằng tòa giải tội không phải là một phòng tra tấn mà là một cuộc hội ngộ tình thương của Chúa, những gì thúc đẩy chúng ta cố gắng hết sức mình. Một bước tiến nhỏ nhoi, giữa những hạn hữu lớn lao của con người, có thể làm hài lòng Thiên Chúa hơn là một đời sống bề ngoài có vẻ đàng hoàng tử tế nhưng lại không phải đương đầu gì với những khó khăn cả thể trong ngày. Hết mọi người cần phải được chạm đến bởi những gì là an ủi và thu hút từ tình yêu cứu độ của Thiên Chúa, một tình yêu cứu độ nhiệm mầu hoạt động nơi từng người, vượt lên trên và vượt ra ngoài các lỗi lầm và thiếu sót của họ.

 

46- Một Giáo Hội "xông pha - goes forth" là một Giáo Hội mở cửa. Xông pha đến với những người khác để vươn tới những bìa mép nhân loại không có nghĩa là hấp tấp nhào đầu vào đời một cách buông quơ. Thường thì tốt hơn hãy cứ chầm chậm, gạt ra ngoài cái háo hức của mình trong việc thấy người khác và nghe người khác, không vội vàng làm hết điều này đến điều kia, và cứ ở với một ai đó đã nản chí dừng chân mỏi bước. Có những lúc chúng ta cần phải như người cha của đứa con hoang đàng, luôn mở cửa để khi đứa con trở về nó có thể tiến vào bên trong.

 

47- Giáo Hội được kêu gọi trở thành nhà Cha, cửa luôn mở. Một dấu hiệu cụ thể của việc mở cửa này đó là các cửa ở các nhà thờ của chúng ta bao giờ cũng phải mở ra để nhỡ có ai đó, được Thần Linh tác động, đến đó mà tìm kiếm Thiên Chúa, thì họ sẽ không đụng phải cánh cửa đóng kín. Cũng không được đóng các cánh cửa khác. Hết mọi người đều có thể tham dự một cách nào đó vào đời sống của Giáo Hội; hết mọi người đều có thể thuộc về cộng đồng này, các cửa ngõ bí tích không được đóng lại vì bất cứ lý do nào. Điều này đặc biệt đúng về bí tích được gọi là "cửa" đó là phép rửa. Bí tích Thánh Thể, mặc dù bí tích này là tất cả sự sống về bí tích, không phải là một thứ phần thưởng cho thành phần trọn hảo mà là một phương dược mãnh liệt và là thứ dưỡng thực cho kẻ hèn yếu (Cf. Saint Ambrose, De Sacramentis, IV, 6, 28: PL 16, 464: “Tôi cần phải luôn lãnh nhận lấy Thánh Thể, nhờ đó Thánh Thể luôn có thể tha thứ tội lỗi của tôi. Nếu tôi cứ tiếp tục phạm tội thì tôi lúc nào cũng cần phải có một phương dược”; ID., op. cit., IV, 5, 24: PL 16, 463: “Những ai ăn manna thì đã chết; những ai ăn thân thể này thì sẽ được ơn thứ tha tội lỗi của họ”; Saint Cyril of Alexandria, In Joh. Evang., IV, 2: PG 73, 584-585: “Tôi xét mình và tôi thấy mình bất xứng. Tôi bảo những người nói như thế rằng: thế thì bao giờ bạn mới xứng đáng chứ? Cuối cùng thì tới khi nào bạn mới trình diện trước Chúa Kitô chứ? Nếu tội lỗi của bạn ngăn bạn đến gần và bạn cứ sa đi ngã lại hoài - vì như Thánh Vịnh nói 'con người biết gì về lỗi lầm của mình?' - thì chẳng lẽ bạn sẽ không tham dự vào việc thánh hóa là những gì hiến ban sự sống cho cõi vĩnh hằng hay sao?"). Những niềm xác tín có những hệ quả về mục vụ này kêu gọi chúng ta hãy khôn ngoan và mạnh dạn cứu xét. Thường chúng ta tác hành như thành phần độc thủ ân sủng (arbiter of grace) hơn là phân phối ân sủng (its facilitator). Thế nhưng Giáo Hội không phải là một nơi thu lộ phí; mà là nhà Cha, nơi có chỗ cho hết mọi người, với tất cả mọi vấn đề của họ.

 

49- Bởi vậy chúng ta hãy xông pha (go forth), chúng ta hãy xông pha để cống hiến cho hết mọi người sự sống của Chúa Giêsu Kitô. Ở đây tôi muốn lập lại cho toàn thể Giáo Hội những gì tôi đã thường nói với các linh mục và giáo dân ở Buenos Aires rằng: Tôi thích một Giáo Hội bị bầm dập, đớn đau và lem luốc vì xuống đường vào đời hơn là một Giáo Hội thiếu lành mạnh bởi bị giam hãm và dính chặt với cái an toàn của mình (I prefer a Church which is bruised, hurting and dirty because it has been out on the streets, rather than a Church which is unhealthy from being confined and from clinging to its own security). Tôi không muốn một Giáo Hội chỉ quan tâm tới vấn đề trở thành tâm điểm để rồi đi đến chỗ bị rơi vào một mạng lưới đầy những thứ ám ảnh và phương thức. Nếu một điều gì đó có lý quấy rầy chúng ta và khiến cho lương tâm của chúng ta cảm thấy áy náy, thì đó là sự kiện là có rất nhiều anh chị em của chúng ta đang sống không có sức mạnh, ánh sáng và niềm ủi an là những gì xuất phát từ tình thân hữu với Chúa Giêsu Kitô, không có một cộng đồng đức tin để nâng đỡ họ, không có ý nghĩa và mục đích trong đời. Niềm hy vọng của tôi đó là chúng ta sẽ được tác động bởi nỗi lo sợ, hơn cái sợ bị lầm đường lạc lối, trong việc cứ khép kín trong các thứ cơ cấu cống hiến cho chúng ta một cảm giác sai lầm về sự an toàn, trong các thứ luật lệ khiến chúng ta có những phán đoán thô l, trong những thứ thói quen khiến cho chúng ta cảm thấy an toàn, trong khi đó thì ở ngay cửa nhà của mình, dân chúng đang chết đói và Chúa Giêsu vẫn không ngừng nói với chúng ta rằng: "Các con hãy cho họ ăn gì đi" (Mk 6:37).

 

 

2- Niềm Vui Phúc Âm - trước những thách đố của thế giới ngày nay

 

(Chương Hai: Giữa Cuộc Khủng Hoảng về Việc Dấn Thân Chung; Mục I - Một số thánh đố của thế giới ngày nay)

  

53- Giống như giới răn "các ngươi không được giết người" đã nêu lên một giới hạn rõ ràng để bảo toàn giá trị của sự sống con người thế nào thì ngày nay chúng ta cần phải nói rằng "các người không được" thực hiện một thứ kinh tế loại trừ và bất quân bình. Đó là một thứ kinh tế sát hại. Tại sao có thể xẩy ra chuyện một người già lão vô gia cư bị chết phơi thây ra đó thì không phải là một tin tức cần được loan báo trong khi đó lại loan tin thị trường chứng khoán xuống 2 điểm chứ? Đó là một trong những trường hợp bị loại trừ. Chúng ta có thể nào tiếp tục chịu đựng được cảnh lương thực đổ đi trong khi dân chúng đang chết đói hay chăng? Đó là vấn đề bất quân bình. Ngày nay tất cả đều bị chi phối bởi luật đấu tranh và thành phần khá nhất sẽ sống còn (the survival of the fittest), thành phần quyền lực dung dưỡng trên thành phần bất lực. Bởi đó mà đa số dân chúng cảm thấy mình bị loại trừ và bị hất ra ngoài: không có công ăn việc làm, không có cơ hội vươn lên, không có bất cứ một phương tiện nào để vượt thoát.

 

Chính con người bị coi là những sản vật tiêu thụ được sử dụng rồi sau đó bị thải đi. Chúng ta đã tạo nên một thứ văn hóa "disposable - thải trừ / loại bỏ" là thứ văn hóa hiện nay đang lan tràn. Không phải chỉ là vấn đề khai thác và đàn áp mà là một cái gì đó mới mẻ. Vấn đề loại trừ cuối cùng có liên quan tới những gì thuộc về xã hội chúng ta sống; những ai bị loại trừ không còn ở dưới đáy của xã hội hay ở ngoài rìa của xã hội hoặc bị tước lột - họ thậm chí không còn thuộc về xã hội nữa. Thành phần bị loại trừ không bị 'khai thác' mà là thành phần bị ruồng bỏ (outcast), thành phần "cặn bã dư thừa" (leftover)

 

54- Trong bối cảnh ấy, một số người vẫn tiếp tục bênh vực cho các thứ thuyết nhỏ giọt (trickle-down theories) chủ trương rằng việc tăng trưởng về kinh tế được kích thích bởi vấn đề tự do mậu dịch sẽ chắc chắn thành đạt trong việc mang lại sự công bằng và sự bao gồm hơn nữa trên thế giới. Ý nghĩ này, một ý nghĩ chưa bao giờ được chứng thực bằng các sự kiện, cho thấy một thứ tin tưởng sống sượng và ngớ ngẩn vào lòng tốt lành của thành phần nắm giữ quyền lực về kinh tế cũng như vào những hoạt động được thần thánh hóa của guồng máy kinh tế đang thịnh hành. Trong khi đó thì thành phần bị loại trừ vẫn đang chờ mong. Trong việc bảo trì một lối sống loại trừ người khác, hay trong việc bảo trì nhiệt huyết sống cho lý tưởng vị kỷ như thế đã phát triển một thứ toàn cầu hóa trạng thái dửng dưng lạnh lùng. Hầu như không thấy được điều ấy, chúng ta tiến đến chỗ không còn cảm thấy thương cảm trước tiếng kêu gào của người nghèo khổ nữa, không còn khóc thương nỗi đớn đau của người khác và cảm thấy cần giúp đáp họ, như thể tất cả những sự ấy là trách nhiệm của ai đó chứ không phải của chúng ta. Thứ văn hóa giầu thịnh này đã khiến cho chúng ta trở thành u mê; chúng ta cảm thấy kích động khi thị trường cống hiến cho chúng ta một cái gì đó mới mẻ để mua; trong khi đó tất cả những cuộc sống lăn lộn bởi thiếu cơ hội vươn lên chỉ như là một thứ cảnh tượng bàng quan; chúng không làm cho chúng ta cảm thấy rung động.

 

55- Lý do duy nhất về tình trạng này liên quan tới tiền bạc, vì chúng ta âm thầm chấp nhận quyền thống trị của nó nơi bản thân mình cũng như trong xã hội. Cuộc khủng hoảng về tài chính hiện nay có thể khiến chúng ta không để ý tới sự kiện là nó xuất phát từ một cuộc khủng hoảng sâu xa về nhân bản, đó là việc chối bỏ cái vị thế chính yếu của con người! Chúng ta đã tạo nên những thứ ngẫu tượng mới. Việc tôn thờ con bò vàng ngày xưa (cf Ex 32:1-35) đã được tái diễn dưới một hình thức mới và tàn nhẫn ở nơi việc thần tượng tiền bạc và ở nơi vai trò độc tài chuyên chính của thứ kinh tế phi nhân thiếu hẳn mục đích thực sự nhân bản. Cuộc khủng hoảng toàn cầu ảnh hưởng đến vấn đề tài chính và kinh tế đã lột trần những gì là bất quân bình của chúng, nhất là vấn đề chúng không quan tâm gì tới nhân loại; con người bị biến thành một trong những nhu cầu của họ đó là việc tiêu thụ.

 

60- Guồng máy kinh tế ngày nay là những gì cổ võ cho việc tiêu thụ thái quá, tuy nhiên vấn đề hiển nhiên ở đây là chủ nghĩa hưởng thụ buông thả kèm theo tình trạng bất bình đẳng đang cho thấy cơ cấu xã hội bị hư hại gấp đôi. Tình trạng bất bình đẳng dần dần gây ra một thứ bạo động võ trang không thể nào và sẽ không thể nào có thể giải quyết được. Tình trạng này chỉ cống hiến những niềm hy vọng sai lạc cho những ai hò hét đề cao an ninh, cho dù ngày nay chúng ta biết rằng các thứ vũ khí và bạo lực, hơn là đưa ra các giải quyết, đều tạo nên các cuộc xung đột mới mẻ và trầm trọng hơn. Một số người chỉ biết vui vẻ trách cứ người nghèo và các xứ sở nghèo đã gây rắc rối; thích vỡ đũa cả nắm một cách vô lý, số người ấy cũng cho rằng việc giải quyết đó là một "thứ giáo dục" làm cho người nghèo và các xứ sở nghèo trầm lắng xuống, khiến họ trở thành thuần thục và vô hại. Tất cả những điều ấy thậm chí càng trở nên trầm trọng hơn đối với thành phần bị đẩy ra ngoài lề xã hội, gây ra bởi tình trạng băng hoại tràn lan và đâm rễ sâu xa nơi nhiều xứ sở - ở chính quyền của họ, ở các thứ thương vụ của họ và ở các cơ cấu tổ chức của họ - nghĩa là bởi bất cứ ý hệ chính trị nào nơi thành phần lãnh đạo họ.

 

61- ... Ở nhiều nơi, vấn đề này còn là vấn đề lan tràn tình trạng dửng dưng và tương đối chủ nghĩa, những gì liên hệ tới cơn mộng vỡ và khủng hoảng của các ý hệ, nó đã xẩy ra như là một thứ phản ứng đối với bất cứ cái gì có vẻ độc tài chuyên chế. Vấn đề này chẳng những tác hại cho Giáo Hội mà còn cho cơ cấu của xã hội nói chung. Chúng ta cần nhận thấy là ở một nền văn hóa mà mỗi người muốn trở thành kẻ ôm ấp lấy cái sự thật chủ quan của họ thì nó trở thành khó khăn cho những người công dân trong việc hoạch định một dự án chung vượt lên trên lợi lộc cá nhân và các tham vọng riêng tư.

 

62- Trong nền văn hóa thịnh hành này thì ưu tiên là những gì bề ngoài, những gì tức khắc, những gì hữu hình, những gì mau chóng, những gì nổi nang và những gì tạm bợ. Những gì thực hữu nhường bước cho những gì là hình thức. Ở nhiều xứ sở vấn đề toàn cầu hóa đã tiến đến chỗ mau chóng trở nên suy đồi về những căn gốc văn hóa của họ và tới chỗ xẩy ra một cuộc xâm lược của những đường lối suy tư và tác hành thích hợp với các nền văn hóa khác đang phát triển về kinh tế nhưng lại trở nên yếu kém về đạo lý....

 

63- Đức tin Công giáo của nhiều người ngày nay đang bị thử thách bởi tình trạng trăm hoa đua nở nơi các phong trào tôn giáo mới, một số có khuynh hướng cực bảo thủ, trong khi một số khác dường như đề ra một thứ linh đạo phi Thiên Chúa. Về phương diện khác thì đây là một thứ phản ứng của con người trước một xã hội duy vật, hưởng thụ và cá nhân chủ nghĩa, thế nhưng nó đồng thời cũng có nghĩa là tình trạng khai thác những nỗi yếu kém của những con người sống nghèo khổ hay ngoài lề xã hội, những người cùng cực trong nỗi đớn đau lớn lao của con người và đang tìm kiếm những giải quyết tức khắc cho những nhu cầu của họ.  Những phong trào tôn giáo này, một cách tinh khôn, đã đến để làm đầy, trong một thứ văn hóa chính yếu là cá nhân chủ nghĩa, cái trống rỗng còn tồn tại bởi chủ nghĩa duy lý trần tục. Chúng ta cần phải nhìn nhận rằng nếu một phần những người lãnh nhận phép rửa thiếu cảm quan thuộc về Giáo Hội thì cũng là vì những cấu trúc nào đó và bầu không khí đôi khi dửng dưng ở một số giáo xứ và cộng đồng của chúng ta, hay vì đường lối quan liêu trong việc giải quyết các vấn đề, dù chúng đơn giản hay phức tạp, nơi đời sống của dân chúng ta. Ở nhiều nơi đường lối quản trị qua mặt đường lối mục vụ, cũng như vấn đề tập trung vào việc ban phát các bí tích tách khỏi những hình thức truyền bá phúc âm hóa khác.

 

64- Tiến trình tục hóa này có khuynh hướng biến đức tin và Giáo Hội trở thành những gì thuộc về lãnh vực riêng tư và cá nhân. Hơn nữa, bằng cách hoàn toàn chối bỏ siêu việt tính nên xẩy ra tình trạng càng ngày càng suy yếu, càng yếu kém về cảm quan tội lỗi chung riêng và càng gia tăng hơn nữa chủ nghĩa tương đối ...

 

 

 

3- Niềm Vui Phúc Âm - Những cách thức để truyền đạt

 

(Chương Ba: Việc loan truyền Phúc Âm; Mục I - Toàn thể dân Chúa loan báo Phúc Âm; Mục II - Bài Giảng, từ khoản 137)

 

115- ... Con người bao giờ cũng được định vị ở một nền văn hóa nào đó: "bản tính và văn hóa là những gì thân mật liên hệ" (Cf. Second Vatican Ecumenical Council, Pastoral Constitution on the Church in the Modern World Gaudium et Spes, 36). Ân sủng là những gì giả định văn hóa, và tặng ân của Thiên Chúa hóa thành nhục thể nơi văn hóa của những ai lãnh nhận ân sủng.

 

116- Kitô giáo không chỉ có thuần một thể hiện văn hóa nào, trái lại, "vẫn hoàn toàn trung thực với mình, kiên định trung thành với việc loan báo Phúc Âm và truyền thống của Giáo Hội, Kitô giáo cũng sẽ phản ảnh các khuôn mặt khác nhau về văn hóa và về con người mà nó được đón nhận và đâm rễ" [John Paul II, Apostolic Letter Novo Millennio Ineunte (6 January 2001), 40: AAS 93 (2001), 295.]... Nhờ việc hội nhập văn hóa, Giáo Hội "dẫn con người, cùng với văn hóa của họ, vào cộng đồng của mình" [John Paul II, Encyclical Letter Redemptoris Missio (7 December 1990), 52: AAS 83 (1991), 300; cf. Apostolic Exhortation Catechesi Tradendae (16 October 1979) 53: AAS 71 (1979), 1321], vì "hết mọi nền văn hóa đều cống hiến những thứ giá trị và hình thức tích cực có thể làm phong phú đường lối rao giảng, hiểu biết và sống Phúc Âm" [John Paul II, Post-Synodal Apostolic Exhortation Ecclesia in Oceania (22 November 2001), 16: AAS 94 (2002), 383].

 

117- ... Chúng ta sẽ không trung thực với lý lẽ của vấn đề nhập thể nếu chúng ta nghĩ về Kitô giáo như là những gì độc canh (monocultural) và độc điệu (monotonous). Thật sự là có một số nền văn hóa đã từng liên hệ chặt chẽ với việc rao giảng Phúc Âm và việc phát triển tư tưởng Kitô giáo, tuy nhiên sứ điệp mạc khải không được đồng hóa với bất cứ nền văn hóa nào như thế; nội dung của sứ diệp mạc khải là những gì xuyên văn hóa (transcultural). Bởi thế, trong việc truyền bá phúc âm hóa cho các nền văn hóa mới, hay các nền văn hóa chưa được lãnh nhận sứ điệp Kitô giáo, thì vấn đề thiết yếu là không áp đặt, cùng với Phúc Âm, một hình thức văn hóa riêng biệt nào, cho dù nền văn hóa ấy có đẹp đẽ hay cổ kính đến đâu chăng nữa. Sứ điệp chúng ta loan truyền bao giờ cũng mặc một thứ văn hóa nào đó, thế nhưng trong Giáo Hội đôi khi chúng ta lại rơi vào một thứ thần thánh hóa vô bổ nền văn hóa của chúng ta, và vì thế để lộ ra tính chất cuồng tín hơn là nhiệt tình thực sự truyền bá phúc âm hóa.

 

128- Trong việc rao giảng này, một việc rao giảng luôn tỏ ra trân trọng và dịu dàng, bước đầu tiên đó là việc đối thoại riêng tư, khi người khác nói và chia sẻ niềm vui, hy vọng và quan tâm của họ đối với những ai thân yêu hay đối với nhiều nhu cầu chân thành khác của họ. Chỉ sau đó mới có thể đề cập đến lời Chúa, có thể bằng việc đọc một câu Thánh Kinh hay kể một câu truyện, nhưng bao giờ cũng nhớ rằng sứ điệp cốt yếu đó là tình yêu bản vị của Thiên Chúa là Đấng đã hóa thân làm người, đã hiến mình cho chúng ta, đang sống và cống hiến cho chúng ta ơn cứu độ của Người và tình hữu nghị của Người. Sứ điệp này cần phải được chia sẻ một cách khiêm tốn như là một chứng từ nơi ai lúc nào cũng muốn học hỏi, ý thức rằng sứ điệp này quá phong phú và quá sâu xa đến độ nó bao giờ cũng vượt quá khả năng nắm bắt của chúng ta. Có lúc sứ điệp này có thể được trình bày một cách trực tiếp, có lúc bằng chứng từ hay cử chỉ riêng tư, hoặc bằng một cách nào đó được Thánh Linh gợi lên tùy từng hoàn cảnh. Tùy khôn ngoan và hoàn cảnh thích hợp, cuộc gặp gỡ huynh đệ và truyền giáo này có thể kết thúc bằng một lời nguyện ngắn liên hệ tới những quan tâm được người ấy đã bày tỏ. Nhờ đó họ cảm thấy mình được lắng nghe và cảm thông; họ sẽ thấy rằng trường hợp đặc biệt của họ đã được trình bày cùng Thiên Chúa và lời Chúa thực sự nói với cuộc đời của họ. 

 

129- Tuy nhiên, chúng ta không được nghĩ rằng sứ điệp Phúc Âm bao giờ cũng cần phải được truyền đạt bằng những công thức ấn định không thay đổi thuộc lòng hay bằng những ngôn từ đặc biệt diễn tả một nội dung tuyệt đối bất khả đổi thay. Việc truyền đạt này diễn ra bằng rất nhiều cách thức khác nhau đến độ không thể diễn tả hay liệt kê hết tất cả được, và dân Chúa, với tất cả bao nhiêu là cử chỉ và dấu hiệu của mình, là chủ thể tổng hợp của nó. Nếu Phúc Âm được gắn vào một nền văn hóa nào đó thì sứ điệp này không còn được truyền đạt hoàn toàn từ người sang người nữa. Ở những xứ sở Kitô giáo chỉ là thiểu số thì, kèm theo việc phấn khích mỗi một người lãnh nhận phép rửa loan truyền Phúc Âm, các Giáo Hội riêng cần phải chủ động đề cao ít là những hình thức sơ khởi của việc hội nhập văn hóa. Mục đích tối hậu là ở chỗ Phúc Âm, khi được rao giảng theo những cung cách hợp với từng văn hóa, sẽ tạo nên một tổng hợp mới nơi nền văn hóa riêng biệt ấy. Điều này bao giờ cũng là một tiến trình chầm chậm và chúng ta có thể cảm thấy lo sợ thái quá về nó. Tuy nhiên, nếu chúng ta để cho những mối ngờ vực và sợ hãi làm nản chí can trường của chúng ta, thay vì trở nên sáng tạo, chúng ta sẽ bám víu lấy những gì là thoải mái và không đạt được bất cứ một tiến bộ nào. Trong trường hợp ấy, chúng ta sẽ không lãnh phần chủ động trong các tiến trình lịch sử mà trở thành những kẻ chỉ biết quan sát khi thấy Giáo Hội dần dần bị trì trệ.

 

137- ... Bài giảng có một tầm vóc quan trọng đặc biệt vì bối cảnh thánh thể của nó: nó vượt trên tất cả mọi hình thức về giáo lý như là một giây phút cao điểm trong cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và dân Ngài, một cuộc đối thoại dẫn đến việc hiệp thông bí tích...

 

138- Bài giảng không thể trở thành một hình thức giúp vui như những thứ giúp vui được truyền thông trình diễn, mà cần phải cống hiến sự sống và ý nghĩa cho việc cử hành. Nó là một thể loại chuyên biệt, vì việc giảng dạy được đặt vào trong cơ cấu của việc cử hành phụng vụ; bởi thế nó cần phải vắn gọn và tránh cái hình thức giống như một bài diễn văn hay một bài thuyết trình. Một nhà giảng thuyết có thể kéo chú ý của thành phần thính giả nghe mình nói cả một tiếng đồng hồ, thế nhưng, trong trường hợp này thì ngôn từ của họ trở thành quan trọng hơn là việc cử hành đức tin. Nếu bài giảng quá dài, nó sẽ gây ảnh hưởng đến hai yếu tố đặc biệt của việc cử hành phụng vụ đó là yếu tố quân bình của nó và nhịp độ của nó. Khi việc giảng dạy diễn ra trong bối cảnh phụng vụ thì nó là một phần của việc hiến dâng lên Cha và là một thứ dàn xếp của thứ ân sủng được Chúa Kitô tuôn đổ xuống trong việc cử hành này. Môi trường phụng vụ ấy cần đến việc giảng dạy phải làm sao hướng dẫn cộng đồng cùng với vị giảng thuyết đến một mối hiệp thông đổi đời với Chúa Kitô trong Thánh Thể. Điều ấy có nghĩa là những ngôn từ của vị giảng thuyết cần phải được thận trọng, để làm sao Chúa, hơn là thừa tác viên của Người, trở thành tâm điểm của sự lưu tâm chú ý.

 

140- Môi trường này, vừa có tính chất mẫu thân vừa có tính chất giáo hội, trong đó cuộc đối thoại giữa Chúa và dân Ngài diễn ra, cần phải được phấn khích bởi việc gần gũi của vị giảng thuyết, bởi cái nồng nàn nơi cung giọng của họ, bởi sự chân tình nơi cung cách nói năng của họ, bởi niềm vui nơi các cử chỉ của họ. Cho dù có những lúc bài giảng trở nên buồn tẻ làm sao ấy, nếu tinh thần mẫu thân và giáo hội này có đó, nó sẽ luôn luôn sinh hoa kết trái, giống như lời khuyên nhủ buồn tẻ của một người mẹ sinh hoa kết trái khi tới lúc của nó trong lòng của con cái vậy.

 

142- ... Trong bài giảng, sự thật đi liền với sự mỹ và sự thiện. Bài giảng chẳng những liên quan tới các sự thật trừu tượng hay những suy diễn lạnh lùng, mà còn truyền đạt sự mỹ của các thứ hình ảnh được Chúa dùng để phấn khích việc thực hành sự thiện. Ký ức của tín hữu, như ký ức của Mẹ Maria, cần phải tràn trề những điều lạ lùng do Chúa thực hiện. Tâm can của họ, gia tăng nơi niềm hy vọng từ việc hân hoan và cụ thể thực hành tình yêu họ đã lãnh nhận, sẽ cảm thấy rằng mỗi một lời Thánh Kinh là tặng ân trước khi nó trở thành một đòi hỏi.

 

157- ... Một trong những điều quan trọng nhất đó là biết làm sao sử dụng các hình ảnh trong khi giảng dạy, làm sao gợi óc tượng tượng. Đôi khi sử dụng những thí dụ để làm sáng tỏ một điểm nào đó, thế nhưng các thí dụ này thường chỉ thu hút trí khôn; trái lại, hình ảnh giúp dân chúng thấm thía hơn và chấp nhận sứ điệp được chúng ta truyền đạt. Một hình ảnh hấp dẫn làm cho sứ điệp dường như quen thuộc, gần gũi, cụ thể và liên hệ tới cuộc sống hằng ngày. Một hình ảnh tác hiệu có thể làm cho con người thưởng thức được sứ điệp, làm bừng lên ước muốn và thúc đẩy ý muốn hướng về Phúc Âm. Một bài giảng hay cần phải có "ý tưởng, cảm thức, hình ảnh".

 

158- ... Nếu chúng ta thích ứng ngôn ngữ của con người và vươn tới họ bằng lời Chúa, chúng ta cần phải tham phần vào đời sống của họ và ưu ái chú trọng tới họ. Tính chất giản dị và sáng tỏ là hai điều khác nhau. Ngôn ngữ của chúng ta có thể đơn giản nhưng việc giảng dạy của chúng ta có thể không được rõ ràng cho lắm. Nó có thể đi đến chỗ khó hiểu vì nó không được hệ thống hóa, thiếu tính chất triển khai hợp lý hay cố gắng nói nhiều điều một lúc. Vậy chúng ta cần làm sao để có thể bảo đảm là bài giảng có một sự thống nhất theo đề tài, rõ ràng thứ tự và ăn khớp với nhau giữa các câu cú, nhờ đó dân chúng mới có thể theo dõi vị giảng thuyết một cách dễ dàng và mới nắm bắt được chiều hướng lập luận của vị này.

 

159- Một đặc điểm khác về một bài giảng hay đó là tính chất tích cực của nó. Nó không quan tâm nhiều đến việc vạch ra những gì không được làm, mà là đến việc gợi ý những gì chúng ta có thể làm tốt đẹp hơn. Dù sao nếu nó cần phải lưu ý đến một cái gì đó tiêu cực thì nó cũng phải cố gắng nêu lên một giá trị tích cực và thu hút nào đó, kẻo nó bị lọ lem nơi những lời phàn nàn trách móc, những than vãn, những phê bình chỉ trích cùng những trách cứ. Việc giảng dạy một cách tích cực bao giờ cũng cống hiến niềm hy vọng, hướng đến tương lai, chứ không lưu lại những gì là tiêu cực lẩn quẩn nơi chúng ta. Tốt đẹp biết bao khi các vị linh mục, phó tế và giáo dân cùng nhau từng giai đoạn một khám phá ra những nguồn liệu có thể giúp cho việc giảng dạy trở nên hấp dẫn hơn! 

 

 

4- Niềm Vui Phúc Âm - đặc biệt cho người nghèo hèn

 

(Chương Bốn: Chiều kích xã hội của việc truyền bá phúc âm hóa; Mục II: Vấn đề bao gồm thành phần nghèo khổ trong xã hội. Biệt chú: Tuy thành phần đối tượng của việc truyền bá phúc âm hóa này không có gì là mới mẻ đối với đường lối truyền bá phúc âm hóa mới của bức Tông Huấn này, nhưng vì đối tượng này bao giờ cũng là đối tượng trước hết và trên hết của sứ vụ này mà nó luôn luôn mới, không bao giờ cũ, không trở thành cũ)

 

189- Tình đoàn kết là phản ứng bột phát của những ai nhận thấy rằng vai trò xã hội của tài sản và mục đích phổ quát của các sản vật là những thực tại có trước tài sản riêng tư. Quyền tư hữu về các sản vật được công chính hóa bởi nhu cầu bảo vệ và gia tăng chúng, nhờ đó chúng có thể giúp ích hơn cho công ích; đó là lý do cần phải sống tình đoàn kết như một dứt khoát phục hồi cho người nghèo những gì thuộc về họ. Những niềm xác tín và thói quen của tình liên kết này, khi chúng được mang ra áp dụng thực hành, sẽ mở đường cho những cuộc biến đổi khác về cơ cấu và khiến chúng trở thành khả dĩ. Việc thay đổi về cơ cấu không sản sinh ra các niềm xác tín và thái độ mới thì cứ nắm chắc là những thứ cấu trúc ấy không sớm thì muộn sẽ trở nên bại hoại, ngột ngạt và vô hiệu. 

 

190- ... Đôi khi vấn đề là ở chỗ lắng nghe tiếng kêu của toàn thể dân chúng, những con người nghèo nhất trên trái đất này, vì "hòa bình được xây dựng chẳng những trên việc tôn trọng các quyền lợi của con người, mà còn trên sự tôn trọng các quyền lợi của dân chúng nữa" (Pontifical Council for Justice and Peace, Compendium of the Social Doctrine of the Church, 157.) Thảm thương thay, thậm chí chính quyền lợi của con người có thể được sử dụng để biện minh cho một việc bênh vực thái quá quyền lợi cá nhân hay quyền lợi của thành phần của những người giầu có hơn. Vẫn tôn trọng quyền tự lập và văn hóa của hết mọi dân nước, chúng ta vẫn không được quên rằng hành tinh này là những gì thuộc về toàn thể nhân loại và để cho tất cả loài người; nguyên sự kiện là có một số người được sinh ra ở những nơi có ít nguồn lợi hơn và ít phát triển hơn cũng không biện minh cho sự kiện về tình trạng họ sống ở mức độ phẩm giá thua kém hơn. Cần phải tái khẳng định rằng "thành phần may mắn hơn cần phải từ bỏ một số quyền lợi của họ để quảng đại lấy các sản vật của họ phục vụ người khác" [Paul VI, Apostolic Letter Octogesima Adveniens (14 May 1971), 23: AAS 63 (1971), 418]........

 

 

193- Chúng ta hiện thực hóa nhiệm vụ nghe thấy tiếng kêu la của người nghèo khi chúng ta bị tác động sâu xa bởi nỗi khổ đau của người khác....

 

194- ... Chúng ta không được chỉ quan tâm đến vấn đề lầm lẫn về tín lý mà còn về cả việc trung thành với con đường sự sống tràn đầy ánh sáng và khôn ngoan này. Vì "những người bênh vực cho tính chất chính thống đôi khi bị tố cáo về tính cách thụ động, khoái thú hay đồng lõa đáng trách đối với những trường hợp bất công bất khả chấp và những chế độ chính trị dung dưỡng chúng" [Congregation for the Doctrine of the Faith, Instruction Libertatis Nuntius (6 August 1984), XI, 18: AAS 76 (1984), 907-908].

 

195- ... Chúng ta không bao giờ có thể suy niệm thích đáng vẻ đẹp của Phúc Âm, thế nhưng có một dấu hiệu chúng ta không bao giờ được thiếu đó là vấn đề ưu tiên cho những ai hèn mọn nhất, những ai bị xã hội loại trừ.

 

197- Cõi lòng của Thiên Chúa dành một chỗ đặc biệt cho người nghèo, đến độ chính Ngài "đã trở nên nghèo" (2Cor 8:9). Toàn thể lịch sử công cuộc cứu chuộc của chúng ta được ghi dấu bằng sự hiện diện của người nghèo. Việc cứu độ đến với chúng ta từ tiếng "xin vâng" được thốt lên bởi một tỳ nữ thấp hèn ở một tỉnh nhỏ bên lề của một đại đế quốc. Đấng Cứu Thế của chúng ta được sinh ra trong một máng cỏ, giữa các thú vật, như những con trẻ của các gia đình nghèo khó; Người được dâng trong Đền Thờ cùng với một cặp bồ câu, một thứ của lễ thuộc những ai không có được một con chiên (cf. Lk 2:24; Lev 5:7); Người được nuôi dưỡng ở một ngôi nhà của những người thợ bình thường và làm việc với đôi tay của mình để sinh nhai. Khi Người bắt đầu rao giảng Nước Trời thì nhiều đám dân chúng bị truất hữu đã theo Người, đúng như lời Người phán: "Thần Linh của Chúa xuống trên Tôi, vì Ngài đã xức dầu cho Tôi để Tôi rao giảng tin mừng cho người nghèo khó" (Lk 4:18). Người đã trấn an những ai cảm thấy nặng gánh bởi buồn thương và bị quằn quại nghèo khốn thì Thiên Chúa đã dành cho họ một chỗ đặc biệt trong cõi lòng của Ngài: "Phúc cho các con là kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa thuộc về các con" (Lk 6:20); Người đã biến mình thành một người trong họ: "Ta đói các người đã cho Ta ăn", và Người dạy họ rằng tình thương đối với tất cả những người này là chìa khóa mở cửa thiên đàng vậy (cf. Mt 25:5ff).

 

198- ... Đó là lý do tại sao tôi muốn một Giáo Hội nghèo và cho người nghèo. Họ có nhiều điều để dạy chúng ta. Không phải họ thông phần vào cảm quan đức tin - fidei sensus, mà họ còn nhận biết Chúa Kitô khổ đau nơi những khó khăn của họ nữa. Chúng ta cần để mình được họ truyền bá phúc âm hóa cho. Việc tân truyền bá phúc âm hóa là một lời mời gọi nhận biết quyền lực cứu độ ở nơi đời sống của họ và đặt chúng vào tâm điểm của con đường Giáo Hội hành trình. Chúng ta được kêu gọi tìm gặp Chúa Kitô nơi họ, lên tiếng cho lợi ích của họ, nhưng cũng được kêu gọi để trở nên bạn hữu của họ, lắng nghe họ, nói cho họ và chú trọng tới sự khôn ngoan huyền diệu Thiên Chúa muốn chia sẻ với chúng ta qua họ.

 

199- ... Không đối sử ưu ái với người nghèo thì "việc loan truyền Phúc Âm, tự nó là một hình thức chính yếu của đức bác ái, có cơ nguy bị hiểu lầm hay bị chìm đắm trước một đại dương ngôn từ hằng ngày nhận chìm chúng ta trong cái xã hội truyền thông đại chúng ngày nay" [John Paul II, Apostolic Letter Novo Millennio Ineunte (6 January 2001), 50: AAS 93 (2001), 303.

 

Niềm Vui Phúc Âm - Chia Sẻ Kiểm Nghiệm
 
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
 
 
Hằng năm, Nhóm Tông Đồ Chúa Tình Thương (TĐCTT), một nhóm được hình thành để hưởng ứng và tích cực đáp ứng lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II ngày 17-18/8/2002 ở Balan về sứ vụ làm chứng cho Lòng Thương Xót Chúa và loan truyền Lòng Thương Xót Chúa, đều thực hiện các cuộc tĩnh tâm về Lòng Thương Xót Chúa ở các nơi khác nhau, cùng một chủ đề, và chủ đề cho năm 2014 là "Người động lòng thương" (Matheu 9:36 & 14:14; Marco 6 :34 & 1:41; Luca 7:13; Gioan 11:33,35).
 
Tuy nhiên, trong các buổi họp định kỳ hằng tháng của nhóm ở những nơi khác nhau, nhất là ở Nam California, chủ đề này đã được chia sẻ học hỏi theo từng đề tài một, những đề tài được lấy từ trong Tông Huấn Niềm Vui - Gaudium Fidei của Đức Thánh Cha Phanxicô, một văn kiện rất thích hợp với chủ đề "Người động lòng thương" của Nhóm TĐCTT cho Năm 2014, một văn kiện ban hành ngày 24/11/2013, thời điểm kết thúc Năm Đức Tin từ 11/10/2013. Sau đây là các đề tài của từng nhóm và cho từng lần cùng với các gợi ý mở đầu và chia sẻ chung của anh chị em tham dự viên trong Tháng 1/2014 (ngày 2, 11 và 16).
 
 
Đề tài 1 (đoạn Tông Huấn 53): Văn Hóa Thải Trừ
 
"Chính con người bị coi là những sản vật tiêu thụ được sử dụng rồi sau đó bị thải đi. Chúng ta đã tạo nên một thứ văn hóa 'disposable - thải trừ' là thứ văn hóa hiện nay đang lan tràn. Không phải chỉ là vấn đề khai thác và đàn áp mà là một cái gì đó mới mẻ. Vấn đề loại trừ cuối cùng có liên quan tới những gì thuộc về xã hội chúng ta sống; những ai bị loại trừ không còn ở dưới đáy của xã hội hay ở ngoài rìa của xã hội hoặc bị tước lột - họ thậm chí không còn thuộc về xã hội nữa. Thành phần bị loại trừ không bị 'khai thác' mà là thành phần bị ruồng bỏ (outcast), thành phần 'cặn bã dư thừa' (leftover)".
 
Gợi ý đầu:
 
1- Về ý nghĩa của câu đề tài
- Ở đây Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh đến "thành phần bị ruồng bỏ (outcast), thành phần 'cặn bã dư thừa' (leftover)"
- Theo Đức Thánh Cha, những người anh chị em này còn tệ hơn cả những ai: "ở dưới đáy của xã hội hay ở ngoài rìa của xã hội hoặc bị tước lột"
- Người "ở dưới đáy của xã hội", như trường hợp buôn người, buôn gái mãi dâm, hay nô lệ tình dục v.v., nhưng vẫn còn giá trị lợi dụng;
- Người "ở ngoài rìa xã hội", như trường hợp của những ai di dân hoặc tị nạn bị hất hủi không được tiếp đón v.v., nhưng vẫn còn được thế giới quan tâm;
- Người "bị tước lột", như trường hợp của những ai bị tước đoạt các thứ quyền làm người v.v., nhưng vẫn còn được các cơ quan nhân quyền bênh vực.
- Còn "thành phần bị ruồng bỏ (outcast), thành phần 'cặn bã dư thừa' (leftover)" là thành phần "không còn thuộc về xã hội nữa".
- Chẳng hạn trường hợp được Đức Thánh Cha nói đến trong cùng một đoạn 53 của bức Tông Thư: "Tại sao có thể xẩy ra chuyện một người già lão vô gia cư bị chết phơi thây ra đó thì không phải là một tin tức cần được loan báo trong khi đó lại loan tin thị trường chứng khoán xuống 2 điểm chứ? Đó là một trong trường hợp bị loại trừ". 
 
2- Về cảm nghiệm từ câu đề tài:
- Muốn biết chúng ta có bị ảnh hưởng hay lây nhiễm "thứ văn hóa 'disposable - thải trừ' là thứ văn hóa hiện nay đang lan tràn" này chúng ta hãy căn cứ vào câu ĐTC nói ở đoạn 54 trong cùng Bức Tông Huấn ấy, nguyên văn như sau:
- "Thứ văn hóa giầu thịnh này đã khiến cho chúng ta trở thành u mê; chúng ta cảm thấy kích động khi thị trường cống hiến cho chúng ta một cái gì đó mới mẻ để mua; trong khi đó tất cả những cuộc sống lăn lộn bởi thiếu cơ hội vươn lên chỉ như là một thứ cảnh tượng bàng quan; chúng không làm cho chúng ta cảm thấy rung động".
 
3- Về áp dụng theo câu đề tài
- Căn cứ vào lời trên đây của ĐTC Phanxicô, vừa có tính cách cảnh giác vừa kêu gọi, chúng ta hãy tự kiểm xem trong vấn đề ăn uống, phục sức và đồ dùng của chúng ta, ở chỗ:
- Khi ăn uống chúng ta có ăn uống một cách phung phí trong khi có biết bao nhiêu người anh chị em của chúng ta đang đói khát không có gì để ăn để uống, thậm chí chết đói!
- Khi mua sắm (quần áo, trang sức hay đồ dùng) chúng ta có thích (hơn là cần) là mua (chẳng hạn đang có I-phone 4 bỏ đi mua I-phone 5), mua cho nhiều (rồi không biết mình có bao nhêu, hoặc mặc không hết hay không biết mặc bộ nào v.v.), trong khi đó biết bao người không gì để mặc, không đồ để xài!
- Nếu chúng ta như "Người động lòng thương", chúng ta cần phải ra tay hành động giúp đáp một cách cụ thể những người anh chị em bị xã hội loại trừ, những người anh chị em bị coi là phế thải.

- Chúng ta theo tự nhiên dễ động lòng thương khi nghe tin một anh chị em homeless ở San Jose California cuối năm trước bị chết mấy ngày mà không ai biết, hay có những người anh chị em homeless cũng ở Bắc California bị chết vì trời đột nhiên trở lạnh quá sức.

- Chúng ta động lòng thương thực sự, chứ không phải chỉ động lòng thương xuông vậy thôi, ở chỗ mỗi khi biết được trời trở lạnh quá độ, chúng ta có thể chạy báo tin cho những người anh chị em homeless của chúng ta để họ là những người không có phương tiện để theo dõi tin tức biết mà tìm cách trú ẩn.

- Chúng ta động lòng thương hơn nữa khi chúng ta tìm cách đưa những người anh chị em homeless của chúng ta vào một chỗ trú ẩn an toàn nào đó, kẻo chính họ cũng không biết đâu mà nương ẩn để thoát khỏi thiên tai khắc nghiệt.

- Chúng ta động lòng thương một cách thực tế và thiết thực rất thích đáng với trường hợp của hầu hết trong chúng ta đó là chúng ta ăn uống và mua sắm một cách vừa đáp ứng nhu cầu của mình vừa có thể giúp đáp cho biết bao người anh chị em bần cùng khốn khổ đang cần chúng ta giúp đáp. 

 

Chia sẻ chung:

 

Về người homeless:

Có những người homeless rất giầu, nhưng thích sống thoải mái như vậy; hay có những người homeless rất thành thực, vớ được tiền bạc của ai thì đi trả lại, không tham lam; tại Việt Nam một trong những miền nghèo khổ nhất đó là ở Sapa Miền Bắc gần biên giới Trung Hoa, nơi có các gia đình anh chị em thiểu số tuy không homeless nhưng cũng hết sức đáng thương.

 

Về việc làm từ thiện:

Chở người quá giang trên xe có thể nguy hiểm; có người nghèo khổ sử dụng cùng một mánh khóe ở các nơi khác nhau để làm tiền; tuy nhiên có những trường hợp thức ăn dư thừa phải đổ đi chứ không được cho dù chính người nghèo xin, vì sợ trách nhiệm gây ngộ độc; một khi giúp ai nên giúp ngay kẻo lỡ cơ hội vì họ không thể chờ đợi mình v.v.

 

Về trường hợp mất trộm:

Một khi bị mất trộm tất nhiên ai cũng tiếc xót và giận kẻ trộm, nhưng nên nghĩ rằng nếu họ xin chắc mình không cho và vì họ nghèo khổ nên mới lấy trộm thì thôi kể như tặng cho họ; có trường hợp ăn trộm mà không có tội, đó là khi ai đó gần chết mà xin chúng ta không cho thì họ có quyền ăn trộm để có thể sống còn, vì của cải vật chất là để phục vụ con người chứ không phải con người làm nô lệ cho vật chất.

 

 

 

Đề tài 2 (đoạn Tông Huấn 193): Những Tiếng Kêu La

 

"Chúng ta hiện thực hóa nhiệm vụ nghe thấy tiếng kêu la của người nghèo khổ đó là khi chúng ta tỏ ra sâu xa cảm kích trước khổ đau của người khác".

 
Gợi ý đầu:
 
1- Về ý nghĩa của câu đề tài
- Câu này nghe có vẻ như bình thường và đơn giản, chẳng có gì là đặc biệt, sâu xa và quan trọng cho lắm, thế mà lại liên quan đến phần rỗ đời đời của Kitô hữu chúng ta đó.
- Câu này có 2 phần rõ ràng: phần đầu là thái độ "nghe thấy tiếng kêu la của người nghèo khổ", và phần sau là phản ứng "sâu xa cảm kích trước khổ đau của người khác".
- "Tiếng kêu la của người nghèo khổ" có thể là hình ảnh trên TV về cảnh những trẻ em Phi Châu được trông thấy toàn thân chỉ là một bộ xương, hay là một mẫu tin tức về những người homeless bị chết lạnh, hoặc một lời nhắc khéo của ai đó về người nghèo khi thấy chúng ta tiêu xài có vẻ xa xỉ hoang phí v.v. Chúng ta có "nghe thấy" hay chăng? Nếu có thì phải tiến đến chỗ:
- "Sâu xa cảm kích trước khổ đau của người khác", bằng không, cho dù chúng ta có "nghe thấy" mà như không nghe, mà chỉ "nghe thấy" cái nhu cầu cá nhân của mình, chỉ "nghe theo" cái đòi hỏi thái quá và vị kỷ của mình, như trường hợp của người phú hộ trong Phúc Âm Thánh Luca 16:19-31).
 
2- Về tác hiệu của câu đề tài
- Bài Phúc Âm về Lazarô và người phú hộ cho thấy người phú hộ quả thực có "nghe thấy tiếng kêu la" của Lazarô, cho dù Phúc Âm không thuật lại một lời nào của Lazarô gì cả, nhưng sự kiện hiện diện của Lazarô "ở trước cổng" của nhà người phú hộ cũng đủ là một tiếng "kêu la" vang lừng rồi vậy, nếu người phú hộ có lòng thương yêu thật sự.
- Thế nhưng người phú hộ, "ăn mặc lụa là" và "yến tiệc linh đình" ấy vẫn không "sâu xa cảm kích trước khổ đau của người khác" là Lazarô, ở chỗ, cho dù Lazarô bần cùng đến độ thèm thuồng những mảnh vụn rơi xuống từ bàn tiệc của người phú hộ mà chẳng ai cho, trái lại, ông còn bị chó đến liếm ghẻ chốc ở trên thân thể của ông, thế mà người phú hộ vẫn IGNORE Lazarô, vẫn không thèm lưu ý tới, vẫn lạnh lùng dửng dưng "bay chết mặc bay".
- Bởi thế, mặc dù người phú hộ may mắn được giầu sang phú quí hơn Lazarô ấy chẳng hề chửi rủa và hất hủi đuổi Lazarô đi cho khuất mắt mình, thế mà, sau khi chết, người phú hộ này cũng bị hư đi đời đời, phải ở một nơi "không thể từ đây (nơi Lazarô đang hưởng phúc trong lòng Abraham) qua đó (nơi người phú hộ đang chịu cực hình) hay từ đó qua đây" được nữa.
- Quả đúng như tiêu chuẩn chung thẩm của Chúa Giêsu về cả chiên lẫn dê, như Phúc Âm Thánh Mathêu thuật lại ở đoạn 25, ở chỗ, những ai tỏ ra cố tình KHÔNG (= IGNORE / NEGLECT) với những người anh chị em hèn mọn của mình sẽ vĩnh viễn hư đi: KHÔNG cho ăn, KHÔNG cho uống, KHÔNG tiếp rước, KHÔNG cho mặc, KHÔNG an ủi, KHÔNG thăm viếng, chưa cần phạm những tội ác như phá thai, hiếp dâm, khủng bố, cướp phá v.v.
- Đó là lý do ngay từ đầu của mục chia sẻ mới có nhận định là câu "Chúng ta hiện thực hóa nhiệm vụ nghe thấy tiếng kêu la của người nghèo khổ đó là khi chúng ta tỏ ra sâu xa cảm kích trước khổ đau của người khác" liên quan đến phần rỗi đời đời của chúng ta vậy. 
 
Cha Sẻ Chung:
 
1- Về những người anh chị em homeless:
Cho dù có những người sử dụng tiền bạc chúng ta cho họ để uống rượu hay hút thuốc, nhưng một số người vẫn cứ cho họ chỉ vì lương tâm của mình hơn là căn cứ vào một số người như vậy. Bởi vì đa số anh chị em nghèo khổ homeless này cũng chỉ vì bất đắc dĩ (hoặc vì một lý do đặc biệt nào đó mà mình không biết, chẳng hạn một trường hợp cụ thể Chi Hồng kể lại về người chị biết), và coi thường phẩm giá làm người của mình để mà đi ăn xin hay sống một cuộc đời bần cùng khốn khổ như vậy mà thôi. Biết đâu vì một cử chỉ được giúp đáp của chúng ta vì lòng bác ái mà vào một lần nào đó mà họ nhận biết Chúa trước khi họ qua đời hay sao v.v.
 
2- Về những gì để cho:
Không nên cho tiền mà là cho thực phẩm. Nhưng khi cho thực phẩm thì đừng cho họ những gì mình thích hay hợp với mình mà lại không hợp hay chưa chắc đã hợp với người và chưa chắc họ thích dù họ cần. Có trường hợp cho họ ăn cơm kiểu Việt Nam nhưng đã hoàn toàn thất bại. Cũng nên phòng hờ những nhu cầu bất thường không ngờ khác. Chẳng hạn trong chuyến tặng quà Giáng Sinh ở Downtown Los Angeles trước Giáng sinh 2013 vừa rồi của Nhóm TĐCTT, có một người nữ Việt Nam còn trẻ đến chẳng những nhận phần quà thực phẩm mà còn xin thêm cả băng vệ sinh đàn bà nữa...
 
3- Về việc phục vụ anh chị em nghèo khổ homeless:
Ở West Covina California, Nhà Thờ Saint Christopher, nơi có cộng đoàn Công Giáo Việt Nam Thánh Giuse, theo truyền thống từ mấy năm nay, hằng năm cứ vào dịp Thanksgiving, anh chị em homeless sẽ được ăn ở trong khu vực nhà xứ 3 tuần lễ liền cho tới cuối tháng 11, chưa kẻ được tắm rửa và được có xe chở đi chơi đây đó. Anh chị em trong cộng đoàn Việt Nam này cũng hợp tác với nhà xứ để phục vụ anh chị em homeless này tùy theo khả năng và hoàn cảnh của mình. Cũng tại khu vực gần nhà xứ này, ở ngay bên cạnh, cách 1 con đường, trong khu tiệm dịch vụ, có một bụi cây có một số anh chị em homeless chui rúc sống ở đó!
 
4- Về một số trường hợp homeless thiêng liêng:
Có hai trường hợp về hai tâm hồn (một Mễ một Việt) đã từng sống đời tội lỗi nay đang tìm về với Chúa qua việc tỏ lòng kính mến Đức Mẹ và đọc Sách Thánh (Mễ) hay thường xuyên tham dự Thánh Lễ mà chưa được Rước Lễ (Việt). Đây là những tâm hồn mà Chúa gần gũi nhất, gần gũi nhất không phải như những Kitô hữu có Ơn Thánh Sủng, mà vì được Chúa quan tâm đến hơn cả thành phần công chính tốt lành. Không phải Chúa hằng đi tìm kiếm từng con chiên lạc như họ, tức đến gần với họ, hơn là với những người thuộc về 99 con chiên không cần đi tìm hay sao?
 
5- Về vấn đề áp dụng thực hành về đề tài chia sẻ:
Điểm thứ nhất, chúng ta phải tạ ơn Chúa về tất cả những gì Ngài đã ban cho chúng ta cả hồn lẫn xác may lành hơn nhiều người. Điểm thứ hai, thế nhưng, theo ý định tối hậu và phổ quát của mình thì Thiên Chúa ban cho con người ân phúc là để chia sẻ và phục vụ ích chung chứ không phải để cho riêng một mình ai. Điểm thứ ba, bởi thế, chúng ta phải làm sao để vừa hưởng dùng tất cả những gì chúng ta có (tức được ban cho) theo đúng như ý Chúa, ở chỗ phải làm sao để "chúng ta hiện thực hóa nhiệm vụ nghe thấy tiếng kêu la của người nghèo khổ đó là khi chúng ta tỏ ra sâu xa cảm kích trước khổ đau của người khác".
 
 
 

Đề tài 3 (đoạn Tông Huấn 54): U Mê Ngu Ngốc

 

"Trong việc bảo trì một lối sống loại trừ người khác, hay trong việc bảo trì nhiệt huyết sống cho lý tưởng vị kỷ như thế đã phát triển một thứ toàn cầu hóa trạng thái dửng dưng lạnh lùng. Hầu như không thấy được điều ấy, chúng ta tiến đến chỗ không còn cảm thấy thương cảm trước tiếng kêu gào của người nghèo khổ nữa, không còn khóc thương nỗi đớn đau của người khác và cảm thấy cần giúp đáp họ, như thể tất cả những sự ấy là trách nhiệm của ai đó chứ không phải của chúng ta. Thứ văn hóa giầu thịnh này đã khiến cho chúng ta trở thành u mê; chúng ta cảm thấy kích động khi thị trường cống hiến cho chúng ta một cái gì đó mới mẻ để mua; trong khi đó tất cả những cuộc sống lăn lộn bởi thiếu cơ hội vươn lên chỉ như là một thứ cảnh tượng bàng quan; chúng không làm cho chúng ta cảm thấy rung động".

 

Gợi ý đầu:

 

1- Về ý nghĩa của câu đề tài

- Bài Phúc Âm Thánh Luca đoạn 12 câu 13-21 được chọn đọc trong đó có lời Chúa dạy cảnh báo liên quan đến số phận của "kẻ nào thu tích của cải cho mình mà không lo làm giầu trước mặt Thiên Chúa thì..."

- Bài Phúc Âm này có liên quan tới đề tài được chia sẻ, nhất là câu cuối cùng: "Thứ văn hóa giầu thịnh này đã khiến cho chúng ta trở thành u mê; chúng ta cảm thấy kích động khi thị trường cống hiến cho chúng ta một cái gì đó mới mẻ để mua; trong khi đó tất cả những cuộc sống lăn lộn bởi thiếu cơ hội vươn lên chỉ như là một thứ cảnh tượng bàng quan; chúng không làm cho chúng ta cảm thấy rung động".

- Người giầu trong bài Phúc Âm đã "trở thành u mê" đến độ bị Chúa phán là "đồ ngốc". Thật vậy, về tinh thần và tâm lý, thường người giầu phải nói là nghèo nhất, vì lòng tham vô đáy của họ, bao nhiêu cũng không vừa, cũng vẫn cứ thiếu thốn và hình như càng "đói" khát hơn bao giờ hết và hơn ai hết, đến độ "ăn" hiếp cả chính người người nghèo khổ cần họ giúp đỡ và bố thí, chia sẻ những gì họ có được là do Chúa ban hơn là chỉ do công lao của họ.

 

1- Về thực hiện theo câu đề tài

- Tuy chúng ta không nghèo khổ và homeless thực sự như nhiều anh chị em của chúng ta mà chúng ta biết được hay gặp thấy, chúng ta vẫn cò thể sống tinh thần nghèo khổ và homeless ở một nghĩa nào đó, một lúc nào đó, một chỗ nào đó. Chẳng hạn sống thiếu thốn như người nghèo khổ, thay vì bỏ tiền mua sắm đồ dùng và đồ đạc đầy đủ tiện nghi, thì sử dụng những thứ vừa phải hay tầm thường hơn, hoặc chịu khó mất giờ và mất công hơn v.v.

- Chúng ta cứ hưởng dùng những gì Chúa ban cho chúng ta nhưng chúng ta vẫn không quên anh chị em bất hạnh của mình, vẫn lưu ý tới những người anh chị em nghèo khổ thiếu thốn bần cùng của chúng ta, để làm sao chúng ta vẫn sống một cách công bằng với họ, ở chỗ không xa xỉ, không sang trọng, không dư thừa v.v. trong khi nhiều người anh chị em của chúng ta thật sự đang sống trong cảnh túng thiếu và bần cùng cả về thể lý lẫn tâm lý.

 

Chia sẻ chung:

 

1- Câu truyện người nhà giầu trong bài Phúc Âm và gợi ý đầu liên quan đến khuynh hướng tham lam của người giầu có trong xã hội quả thực xẩy ra ở Orange County California liên quan đến một người Việt Nam ở Mỹ khoảng 10 năm nay, nhà ở giá cả mấy triệu đôla, nhưng keo kiệt đến độ thuê một anh Mễ bị tật ở tay cắt cỏ hằng tuần cho một căn nhà rộng lớn rất mất công mà anh đòi 75 Mỹ kim một tuần mới đáng công và bõ công, thì người gia chủ giầu có này chẳng những đã hạ xuống còn 60 Mỹ kim mà còn muốn anh làm thêm đủ thứ khác cho vườn của mình nữa v.v. 

 

2- Hãy cho bằng tất cả tấm lòng thương người thực sự của mình và bởi thế phải cho làm sao (bao gồm cả của cho lẫn cách cho) thật là xứng đáng với nhân phẩm làm người của thành phần anh chị em nghèo khổ đáng thương chúng ta.

 

3- Theo nguyên tắc phổ quát này, thì đừng mang cho những đồ ăn dư thừa, ăn không hết, để mấy ngày đến gần thiu, mà đổ đi thì tiếc và sợ tội nên đem cho người nghèo đói. Việc làm này có thể nói là một hành động coi người anh chị em nghèo đói của mình chỉ là đồ dư thừa trong xã hội, chỉ đáng ăn những thứ dư thừa của mình mà thôi.

 

4- Để tránh điều này thì đừng nấu dư quá, nếu lỡ dư thì cố mà ăn từ từ đến hết cho dù không thích, thậm chí cho dù mình có nhỡ bị đau bụng, còn hơn đối xử với người khác như thứ đồ bỏ và còn làm cho họ bị đau bụng thay mình nữa.

 

5- Tuy nhiên, những đồ dư thừa khác trong nhà, còn nguyên trong bịch, trong bao, trong loong v.v., còn xài được, còn dùng được, hay quần áo cũ được giặt sạch sẽ, vẫn có thể mang cho, nhưng chớ nói theo thói quen cụm từ "phát quà cho người nghèo" (distribution of gift to the poor) mà là "tặng quà" (presentation of gift to the poor) cho có vẻ trân trọng và tỏ ra quí mến những người anh chị em mình chia sẻ những gì có thể.

 

6- Đừng bao giờ nhân danh việc bác ái để lỗi đến chính đức bái ái, chẳng hạn tranh giành nhau gây quĩ một cách vô kỷ luật hay đấu đá nhau vì quyền lợi, hoặc nói xấu nhau khi bị động đến quyền lợi của mình, hay tỏ ra ghen tị với quyền lợi và mối lợi hơn của người khác; và nhất là đừng bao giờ nhân danh người nghèo, nhất là thành phần nạn nhân bị thiên tai để làm tiền, để thủ lợi, để moi tiền từ những tấm lòng hảo tâm đóng góp dâng cúng cứu trợ v.v.

 

Hy vọng những gị chất chứa trong bài viết được trở thành diễn đàn chung này, dù liên quan đến một nhóm anh chị em Công giáo, cũng mang lại phần nào lợi ích sống đạo cho một số tâm hồn nào chưa có dịp đọc Tông Huấn Niềm Vui Phúc Âm và áp dụng những gì được kêu gọi và phấn khích từ chính Vị Đại Diện Chúa Kitô trên trần gian rất khẩn trương vào lúc này đây, để mỗi người đều thực sự cảm thấy Niềm Vui Phúc Âm nhờ đó chia sẻ cho mọi người anh chị em của mình Niềm Vui Phúc Âm của Chúa!

 

- "Tôi mời gọi tất cả mọi Kitô hữu, ở khắp mọi nơi, vào chính lúc này đây, hãy thực hiện một cuộc tái tấu gặp gỡ riêng tư với Chúa Giêsu Kitô, hay ít là hãy cởi mở để cho Người gặp gỡ mình. Tôi xin tất cả anh chị em hãy không ngừng làm như thế mỗi ngày. Không ai được nghĩ rằng lời mời gọi này không nhắm đến họ, vì 'không ai bị loại trừ ra khỏi niềm vui được Chúa mang đến cho' [Paul VI, Apostolic Exhortation Gaudete in Domino (9 May 1975), 22: AAS 67 (1975), 297.]" (khoản 3);

 

- "Chỉ nhờ có cuộc gặp gỡ này - hay cuộc tái tấu gặp gỡ - với tình yêu của Thiên Chúa, một cuộc gặp gỡ làm bừng nở một thứ thân tình phong phú, chúng ta mới được giải phóng khỏi cảnh hạn hẹp và bám chặt lấy bản thân mình của chúng ta… Vì nếu chúng ta đã lãnh nhận được thứ tình yêu phục hồi ý nghĩa cho cuộc sống của chúng ta thì tại sao chúng ta lại không chia sẻ tình yêu ấy cho người khác chứ?" (khoản 8).

 

 

Phụ Đề

 

Chia Sẻ Kiểm Nghiệm 4 - Những Tấm Hình Hài

 
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
 

(Ảnh chụp chiều Chúa Nhật 26/1/2014 ở Downtown Los Angeles California - Đaminh Cao Tấn Tĩnh, BVL)

"Tại sao có thể xẩy ra chuyện một người già lão vô gia cư bị chết phơi thây ra đó thì không phải là một tin tức cần được loan báo trong khi đó lại loan tin thị trường chứng khoán xuống 2 điểm chứ? Đó là một trong những trường hợp bị loại trừ" . (Tông Huấn Niềm Vui Phúc Âm - 53)

(Ảnh chụp chiều Chúa Nhật 26/1/2014 ở Downtown Los Angeles California - Đaminh Cao Tấn Tĩnh, BVL)

"Chúng ta có thể nào tiếp tục chịu đựng được cảnh lương thực đổ đi trong khi dân chúng đang chết đói hay chăng? Đó là vấn đề bất quân bình". (Tông Huấn Niềm Vui Phúc Âm - 53)

(Ảnh chụp chiều Chúa Nhật 26/1/2014 ở Downtown Los Angeles California - Đaminh Cao Tấn Tĩnh, BVL)

"Bởi đó mà đa số dân chúng cảm thấy mình bị loại trừ và bị hất ra ngoài: không có công ăn việc làm, không có cơ hội vươn lên, không có bất cứ một phương tiện nào để vượt thoát". (Tông Huấn Niềm Vui Phúc Âm - 53)

(Ảnh chụp chiều Chúa Nhật 26/1/2014 ở Downtown Los Angeles California - Đaminh Cao Tấn Tĩnh, BVL)

"Chính con người bị coi là những sản vật tiêu thụ được sử dụng rồi sau đó bị thải đi. Chúng ta đã tạo nên một thứ văn hóa 'disposable - thải trừ / loại bỏ' là thứ văn hóa hiện nay đang lan tràn. Không phải chỉ là vấn đề khai thác và đàn áp mà là một cái gì đó mới mẻ. Vấn đề loại trừ cuối cùng có liên quan tới những gì thuộc về xã hội chúng ta sống; những ai bị loại trừ không còn ở dưới đáy của xã hội hay ở ngoài rìa của xã hội hoặc bị tước lột - họ thậm chí không còn thuộc về xã hội nữa. Thành phần bị loại trừ không bị 'khai thác' mà là thành phần bị ruồng bỏ (outcast), thành phần 'cặn bã dư thừa' (leftover)" (Tông Huấn Niềm Vui Phúc Âm - 53)

(Ảnh chụp chiều Chúa Nhật 26/1/2014 ở Downtown Los Angeles California - Đaminh Cao Tấn Tĩnh, BVL)

Ngày nay tất cả đều bị chi phối bởi luật đấu tranh và thành phần khá nhất sẽ sống còn (the survival of the fittest), thành phần quyền lực dung dưỡng trên thành phần bất lực. (Tông Huấn Niềm Vui Phúc Âm - 53)

(Ảnh chụp chiều Chúa Nhật 26/1/2014 ở Downtown Los Angeles California - Đaminh Cao Tấn Tĩnh, BVL)

"Một số người vẫn tiếp tục bênh vực cho các thứ thuyết nhỏ giọt (trickle-down theories) chủ trương rằng việc tăng trưởng về kinh tế được kích thích bởi vấn đề tự do mậu dịch sẽ chắc chắn thành đạt trong việc mang lại sự công bằng và sự bao gồm hơn nữa trên thế giới. Ý nghĩ này, một ý nghĩ chưa bao giờ được chứng thực bằng các sự kiện, cho thấy một thứ tin tưởng sống sượng và ngớ ngẩn vào lòng tốt lành của thành phần nắm giữ quyền lực về kinh tế cũng như vào những hoạt động được thần thánh hóa của guồng máy kinh tế đang thịnh hành. Trong khi đó thì thành phần bị loại trừ vẫn đang chờ mong". (Tông Huấn Niềm Vui Phúc Âm - 54)

(Ảnh chụp chiều Chúa Nhật 26/1/2014 ở Downtown Los Angeles California - Đaminh Cao Tấn Tĩnh, BVL)

"Trong việc bảo trì một lối sống loại trừ người khác, hay trong việc bảo trì nhiệt huyết sống cho lý tưởng vị kỷ như thế đã phát triển một thứ toàn cầu hóa trạng thái dửng dưng lạnh lùng. Hầu như không thấy được điều ấy, chúng ta tiến đến chỗ không còn cảm thấy thương cảm trước tiếng kêu gào của người nghèo khổ nữa, không còn khóc thương nỗi đớn đau của người khác và cảm thấy cần giúp đáp họ, như thể tất cả những sự ấy là trách nhiệm của ai đó chứ không phải của chúng ta. Thứ văn hóa giầu thịnh này đã khiến cho chúng ta trở thành u mê; chúng ta cảm thấy kích động khi thị trường cống hiến cho chúng ta một cái gì đó mới mẻ để mua; trong khi đó tất cả những cuộc sống lăn lộn bởi thiếu cơ hội vươn lên chỉ như là một thứ cảnh tượng bàng quan; chúng không làm cho chúng ta cảm thấy rung động". (Tông Huấn Niềm Vui Phúc Âm - 54)

 

 

Phụ Đề

 

Chia Sẻ Kiểm Nghiệm 5 - Những Bàn Tay Trái

 
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL 
 
Nếu Chúa dạy rằng: "Khi các con làm phúc thì đừng để tay trái biết những gì tay phải làm" (Mathêu 6:3) thì trong âm thầm vẫn có những bàn tay trái, ở khắp nơi, đã âm thầm bỏ giờ, bỏ công và bỏ của ra để cùng nhau phục vụ anh chị em homeless vô gia cư, điển hình là một nhóm anh chị em giáo dân thiện chí đã và đang làm cho những người anh chị em bất hạnh của mình ở cả Orange County và Los Angeles California.
 
Thật vậy, mỗi tháng một lần, vào Chúa Nhật cuối tháng những bàn tay trái này đã qui tụ lại từ 5 giờ sáng thực hiện chiên gà, chia quà, gói quà thành những bao thực phẩm ngon lành, chất lên xe, kéo nhau lên Los Angeles Downtown là thành phố lớn thứ nhì ở thiên đường Mỹ quốc, để tận tay trao tặng cho những người anh chị em hèn mọn đáng thương của mình, hầu phần nào thực hiện những lời Chúa dạy ở Bài Giảng Phúc Đức Trọn Lành Trên Núi (xem Phúc Âm Thánh Mathêu đoạn 5-7), nhất là hoàn trọn giới răn mới "Thày đã yêu thương các con thế nào, các con cũng hãy yêu thương nhau như thế" (Gioan 13:34, 15:12), và đáp ứng Tông Huấn Niềm Vui Phúc Âm của Vị Giáo Hoàng muốn "Giáo Hội nghèo và cho người nghèo".
 
Chúa Nhật 26/1/2014 là chuyến tặng quà đầu tiên trong năm cho những người anh chị em homeless ở Downtown Los Angeles, với 600 phần quà, trong đó từng gói quà có gà chiên, bánh ngọt, chuối, khoai nhuyễn v.v.
 
 
 
Ba chảo lớn chiên gà ở ngay trước cửa garage tư gia của cặp vợ chồng chủ yếu, nơi trở thành kho chất đồ cho anh chị em homeless.
 
 
Trong khi đó, bên trong căn duplex giới trẻ cũng hăng say vui tươi cộng tác làm việc tông đồ bác ái với thành phần người lớn của các em!
 
 
Ở trong garage, một nhóm giới trẻ khác vừa gói gà chiên vào giấy nhuôm vừa cho vào từng bao quà đã được các em trong nhà cho chuối và kẹo vào đó.
 
 
Trong bao quà còn có cả các thứ bánh ngọt như pound cake hợp khẩu vị ngoại quốc, được chia cắt và gói vào giấy nylon trước khi cho vào từng gói quà.
 
 
Món khoai nhuyễn hợp khẩi vị ngoại quốc cũng được nấu sẵn ở nhà và được chia ra từng ly có nắp đậy được cho vào từng gói quà.
 
 
Giới trẻ đang kiểm lại kỷ lưỡng từng gói quà xem gói nào cũng phải đầy đủ các món thực phẩm như nhau mới được...
 
 
các gói quà được kẹp đầu bao và thứ tự chất lên xe, chồng chất lên nhau sao sao cho đủ 600 phần quà cho chuyến đi đầu năm 2014 này.
 
 
Ba chiếc xe, 2 minivan và 1 nhỏ, cả đằng trước lẫn trong bụng (2 chiếc minivan phải bỏ ghế trong ra, đầy những gói quà trước khi lên đường.
 
 
Một đĩa mì và một chén súp cũng được sửa soạn sẵn sàng cho 8 anh chị em, 4 nam 4 nữ, trong đó có 3 cặp vợ chồng, lấy sức lên đường.
 
 
Một trong những người anh em homeless rất vui khi nhận được món quà và còn đòi được chụp hình nữa.
 
 
(Bộ hình ảnh chụp Chúa Nhật 26/1/2014 ở Downtown Los Angeles California - Đaminh Cao Tấn Tĩnh, BVL)
 
197- Cõi lòng của Thiên Chúa dành một chỗ đặc biệt cho người nghèo, đến độ chính Ngài "đã trở nên nghèo" (2Cor 8:9). Toàn thể lịch sử công cuộc cứu chuộc của chúng ta được ghi dấu bằng sự hiện diện của người nghèo...
 

198- ... Đó là lý do tại sao tôi muốn một Giáo Hội nghèo và cho người nghèo... Việc tân truyền bá phúc âm hóa là một lời mời gọi nhận biết quyền lực cứu độ ở nơi đời sống của họ và đặt chúng vào tâm điểm của con đường Giáo Hội hành trình. Chúng ta được kêu gọi tìm gặp Chúa Kitô nơi họ, lên tiếng cho lợi ích của họ, nhưng cũng được kêu gọi để trở nên bạn hữu của họ, lắng nghe họ, nói cho họ và chú trọng tới sự khôn ngoan huyền diệu Thiên Chúa muốn chia sẻ với chúng ta qua họ.

 

27- Tôi mơ đến "hướng chiều truyền giáo - missionary option", tức là một thứ thôi thúc truyền giáo có khả năng biến đổi hết mọi sự, nhờ đó những tục lệ của Giáo Hội, những đường lối hành sự, thời gian tính và các chương trình, ngôn ngữ và các cơ cấu đều có thể xứng hợp trở thành phương tiện truyền bá phúc âm hóa cho thế giới ngày nay hơn là việc Giáo Hội cứ bám lấy bản thân mình.

 

49- ... Tôi thích một Giáo Hội bị bầm dập, đớn đau và lem luốc vì xuống đường vào đời hơn là một Giáo Hội thiếu lành mạnh bởi bị giam hãm và dính chặt với cái an toàn của mình (I prefer a Church which is bruised, hurting and dirty because it has been out on the streets, rather than a Church which is unhealthy from being confined and from clinging to its own security). Tôi không muốn một Giáo Hội chỉ quan tâm tới vấn đề trở thành tâm điểm để rồi đi đến chỗ bị rơi vào một mạng lưới đầy những thứ ám ảnh và phương thức. Nếu một điều gì đó có lý quấy rầy chúng ta và khiến cho lương tâm của chúng ta cảm thấy áy náy, thì đó là sự kiện là có rất nhiều anh chị em của chúng ta đang sống không có sức mạnh, ánh sáng và niềm ủi an là những gì xuất phát từ tình thân hữu với Chúa Giêsu Kitô, không có một cộng đồng đức tin để nâng đỡ họ, không có ý nghĩa và mục đích trong đời. Niềm hy vọng của tôi đó là chúng ta sẽ được tác động bởi nỗi lo sợ, hơn cái sợ bị lầm đường lạc lối, trong việc cứ khép kín trong các thứ cơ cấu cống hiến cho chúng ta một cảm giác sai lầm về sự an toàn, trong các thứ luật lệ khiến chúng ta có những phán đoán thô lỗ, trong những thứ thói quen khiến cho chúng ta cảm thấy an toàn, trong khi đó thì ở ngay cửa nhà của mình, dân chúng đang chết đói và Chúa Giêsu vẫn không ngừng nói với chúng ta rằng: "Các con hãy cho họ ăn gì đi" (Mk 6:37).