GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

Misericordiae Vultus - Dung nhan của Tình Thương 

Tông Sắc mở Năm Thánh Ngoại Lệ về Tình Thương

Phanxicô, Giám Mục Rôma, Người Tôi Tớ của Các Tôi Tớ,

gửi đến tất cả những ai đọc Bức Thư này Ân Sủng, Tình Thương và Bình An


 http://w2.vatican.va/content/francesco/en/apost_letters/documents/papa-francesco_bolla_20150411_misericordiae-vultus.html

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch, (kèm theo 7 tiểu đề cho từng phần và những chỗ nhấn mạnh tự ý)

 

I- Năm Thánh: Chủ Đề và Thời Điểm (1-5)

II- Tình Thương: Hành Động của Thiên Chúa trong Mạc Khải Thánh Kinh (6-9)

III- Tình Thương: Nền Tảng của Đời Sống Giáo Hội (10-12)

IV- Tình Thương: Như Cha Thương Xót (13-17)

V- Tình Thương: Thành Phần Thừa Sai (18-19)

VI- Tình Thương và Công Lý (20-21)

VII- Năm Thánh: Ân Xá (22), Liên Tôn (23), Thánh Mẫu (24) và Giáo Hội (25)

 

 

I- Năm Thánh: Chủ Đề và Thời Điểm (1-5)

1. Chúa Giêsu Kitô là dung nhan của tình thương Cha. Những lời này có thể tóm lại rõ ràng mầu nhiệm đức tin Kitô giáo. Tình thương đã trở nên sống động và hữu hình nơi Đức Giêsu Nazarét, đạt đến tột đỉnh của mình nơi Người. Chúa Cha, Đấng "giầu lòng thương xót" (Epheso 2:4), sau khi đã mạc khải danh của mình cho Moisen như là "một Vị Thiên Chúa nhân hậu và từ ái, chậm bất bình và tràn đầy tình yêu bền vững và lòng trung thành" (Xuất Hành 34:6), đã không bao giờ thôi tỏ ra cho thấy bản tính thần linh của Ngài qua các đường lối khác nhau suốt giòng lịch sử. Vào "thời điểm viên trọn" (Galata 4:4), khi mọi sự đã được sắp xếp theo dự án cứu độ của mình, Ngài đã sai Người Con duy nhất của Ngài đến thế gian, hạ sinh bởi Trinh Nữ Maria, để tỏ cho chúng ta thấy hết cỡ tình yêu của Ngài. Ai thấy Đức Giêsu là thấy Cha (xem Gioan 14:9). Đức Giêsu Nazarét là Đấng mạc khải cho thấy tình thương của Thiên Chúa, bằng lời nói của Người, hành động của Người và toàn thể bản thân của Người (Cf. Second Vatican Ecumenical Council, Dogmatic Constitution on Divine Revelation Dei Verbum4).

2. Chúng ta cần liên lỉ chiêm ngưỡng mầu nhiệm của tình thương. Nó là một suối nguồn của niềm vui, thảnh thơi và an bình. Ơn cứu độ của chúng ta lệ thuộc vào nó. Tình thương là một từ ngữ mạc khải cho thấy chính mầu nhiệm của Ba Ngôi Chí Thánh. Tình thuơng là một hành động tối hậu và tối cao đưa Thiên Chúa đến gặp gỡ chúng ta. Tình thương là thứ luật cốt yếu ở trong tâm can của hết mọi con người chân thành nhìn vào mắt của anh chị em mình trên đường đời. Tình thương là chiếc cầu nối liên kết Thiên Chúa với con người, hướng lòng chúng ta về niềm hy vọng vĩnh viễn được yêu thương bất chấp tội lỗi của chúng ta. 

3. Có những lúc chúng ta được kêu gọi để chăm chú hơn nữa ngắm nhìn tình thương để chúng ta có thể trở thành một dấu hiệu tác dụng hơn nữa cho hành động của Chúa Cha trong đời sống của chúng ta. Vì lý do này, tôi đã công bố một Năm Thánh Ngoại Lệ về Tình Thương như là một thời điểm đặc biệt cho Giáo Hội; một thời điểm mà chứng từ của thành phần tín hữu trở nên mạnh mẽ hơn và hiệu năng hơn. 

Năm Thánh này sẽ được khai mở vào ngày 8/12/2015, Lễ Trọng Kính Đức Mẹ Hoài Thai Vô Nhiễm Tội. Ngày lễ phụng vụ này nhắc lại hành động của Thiên Chúa ngay từ ban đầu trong lịch sử loài người. Sau khi xẩy ra tội lỗi của Adong và Evà, Thiên Chúa đã không muốn để cho nhân loại lẻ loi một mình trong những nỗi thống khổ của sự dữ. Bởi vậy mà Ngài đã ghé mắt nhìn tới Đức Maria, thánh hảo và tình tuyền trong yêu thương (xem Epheso 1:4), chọn đức nữ này làm Mẹ của Đấng Cứu Chuộc nhân trần. Trước cái trầm trọng của tội lỗi, Thiên Chúa đã đáp ứng một cách tràn đầy tình thương. Tình thương bao giờ cũng sẽ lớn lao hơn bất cứ tội lỗi nào, và không ai có thể đặt giới hạn cho tình yêu của Thiên Chúa là Đấng hằng sẵn lòng thứ tha. Tôi sẽ hân hoan mở Cửa Thánh vào Lễ Trọng Đức Mẹ Hoài Thai Vô Nhiễm này. Hôm đó, Cửa Thánh sẽ trở thành Cửa Tình Thương qua đó bất cứ ai tiến vào sẽ cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa là Đấng an ủi, thứ tha và lan tràn niềm hy vọng.

Vào Chúa Nhật sau đó, Chúa Nhật Thứ Ba Mùa Vọng, Cửa Thánh của Vương Cung Thánh Đường Rôma - tức là Đến Thờ Thánh Gioan Laterano - sẽ được mở ra. Vào những tuần tiếp theo, các Cửa Thánh của các Đền Thờ Tông Tòa khác sẽ được mở ra. Cùng ngày Chúa Nhật này, tôi sẽ loan báo rằng ở hết mọi Giáo Hội địa phương, tại vương cung thánh đường - thánh đường mẹ của tín hữu ở bất cứ vùng đất đặc biệt nào - hay, có thể thay thế, ở một ngôi đồng vương cung thánh đường hay nhà thờ khác có tính cách quan trọng đặc biệt, Cửa Tình Thương sẽ được mở ra cho thời gian của Năm Thánh. Tùy theo sự khôn ngoan của bản quyền địa phương, một cửa tương tự có thể được mở ra ở bất cứ Đền Thánh nào được đông các nhóm hành hương tới thăm viếng, vì các cuộc viếng thăm ở những nơi thánh này thường là những giây phút tràn đầy ân sủng, khi dân chúng tìm thấy con đường hoán cải. Bởi thế, hết mọi Giáo Hội Riêng sẽ trực tiếp tham phần vào việc sống Năm Thánh này như là một thời khắc của ân sủng và canh tân thiêng liêng. Vậy Năm Thánh này sẽ được cử hành cả ở Rôma cũng như ở các Giáo Hội Riêng như một dấu hiệu hữu hình của mối hiệp thông toàn cầu của Giáo Hội. 

4. Tôi đã chọn ngày 8/12 vì ý nghĩa phong phú của nó trong lịch sử gần đây của Giáo Hội. Thật vậy, tôi muốn mở Cửa Thánh vào dịp mừng kỷ niệm 50 năm bế mạc Công Đồng Chung Vaticanô II. Giáo Hội cảm thấy rất cần để giữ cho biến cố này được tồn tại. Nhờ Công Đồng này mà Giáo Hội đã tiến vào một giai đoạn mới của lịch sử mình. Các Nghị Phụ Công Đồng mạnh mẽ nhận thấy, như hơi thở thực sự của Thánh Linh, nhu cầu cần phải nói về Thiên Chúa cho con người nam nữ của thời đại họ một cách khả đạt hơn. Các bức tường quá dài đã làm cho Giáo Hội trở thành một thứ thành trì đã bị đổ xuống và đã đến thời điểm để loan báo Phúc Âm một cách mới mẻ. Nó là một giai đoạn mới của cùng một việc truyền bá phúc âm hóa đã từng hiện hữu ngay từ ban đầu. Nó là việc thực hiện mới mẻ đối với tất cả mọi Kitô hữu trong việc làm chứng cho đức tin của họ một cách nhiệt thành và thâm tín hơn. Giáo Hội đã cảm thức được trách nhiệm trở thành một dấu sống động cho tình yêu Chúa Cha trên thế giới này. 

Chúng ta nhớ lại những lời sắc bén của Thánh Gioan XXIII vào lúc khai mở Công Đồng này, khi ngài phác họa đường lối phải theo: "Giờ đây, Hiền Thê của Chúa Kitô muốn sử dụng phương dược tình thương hơn là tỏ ra khắc nghiệt... Giáo Hội Công Giáo, như Giáo Hội nâng cao ngọn đuốc chân lý Công giáo ở Công Đồng này, muốn chứng tỏ mình là một người mẹ yêu thương tất cả mọi người; nhẫn nại, nhân từ, được tác động bởi lòng cảm thương và sự thiện hảo đối với những đức con tách lìa" (Opening Address of the Second Vatican Ecumenical Council, Gaudet Mater Ecclesia, 11 October 1962, 2-3). Chân Phước Phaolô VI đã nói theo cùng một chiều hướng vào lúc bế mạc Công Đồng này: "Chúng ta thích vạch ra cách thức làm sao đức ái đã từng là đặc tính đạo giáo chính yếu của Công đồng này... câu chuyện về Người Samaritanô xưa đã là mô phạm cho linh đạo của Công Đồng... một làn sóng cảm mến và cảm phục xuất phát từ Công Đồng này tuôn vào thế giới nhân loại tân tiến. Những lỗi lầm thực sự bị lên án vì đức ái đòi hỏi điều ấy không thua gì sự thật đòi hỏi, thế nhưng đối với chính các cá nhân thì chỉ có khuyên răn, tôn trọng và yêu thương. Thay vì những chuẩn đoán thê lương là những phương trị phấn chấn; thay vì những tiên đoán thảm khốc là các sứ điệp tin tưởng được xuất phát từ Công Đồng này cho thế giới ngày nay. Các giá trị của thế giới tân tiến chẳng những được tôn trọng mà còn được tôn kính nữa, các nỗ lực của nó được chuẩn nhận, các hứng khởi của nó được thanh tẩy và chúc phúc... Một điểm khác chúng ta cần nhấn mạnh ở đây là tất cả giáo huấn phong phú này đều được tuôn theo một chiều hướng duy nhất, đó là việc phục vụ nhân loại thuộc mọi thân phận, nơi hết mọi nỗi yếu hèn và nhu cầu" (Speech at the Final Public Session of the Second Vatican Ecumenical Council, 7 December 1965).

Với những cảm thức tri ân cảm tạ về hết mọi sự Giáo Hội đã nhận lãnh, và với một cảm quan về trách nhiệm đối với công việc trước mắt, chúng ta sẽ vượt qua ngưỡng Cửa Thánh hoàn toàn tin tưởng rằng sức mạnh của Chúa Phục Sinh, Đấng liên lỉ nâng đỡ chúng ta  trên con đường hành trình của chúng ta, sẽ phù trì trợ giúp chúng ta. Xin Thánh Linh, Đấng hướng dẫn những bước đường của tín hữu trong việc cộng tác với công việc cứu độ được Chúa Kitô thực hiện, dẫn đường chỉ lối và nâng đỡ Dân Chúa để họ có thể chiêm ngưỡng dung nhan của tình thương (Cf. Second Vatican Ecumenical Council, Dogmatic Constitution on the Church Lumen Gentium16: Pastoral Constitution on the Church in the Modern World Gaudium et Spes, 15).

5. Năm Thánh này sẽ bế mạc với Lễ Trọng Chúa Kitô Làm Vua vào ngày 20 tháng 11 năm 2016. Vào ngày đó, khi chúng ta đóng Cửa Thánh lại, chúng ta sẽ được tràn đầy trước hết một cảm quan tri ân cảm tạ Ba Ngôi Chí Thánh đã ban cho chúng ta một thời gian đặc biệt của ân sủng. Chúng ta sẽ ký thác đời sống của Giáo Hội, toàn thể nhân loại, và toàn thể vũ trụ này cho vai trò làm Chúa của Đức Kitô, xin Người tuôn đổ tình thương của Người trên chúng ta như sương mai, nhờ đó hết mọi người có thể cùng nhau hoạt động để xây dựng một tương lai rạng ngời hơn. Tôi mong muốn biết bao năm tới sẽ trở nên sâu xa hơn về tình thương, để chúng ta có thể tiến tới với hết mọi con người nam nữ, mang đến cho họ sự thiện hảo và niềm dịu dàng êm ái của Thiên Chúa! Chớ gì dầu thơm của tình thương tỏa ra cho hết mọi người, cả thành phần tín hữu lẫn những ai xa cách, như là một dấu hiệu cho thấy rằng Vương Quốc của Thiên Chúa đã ở giữa chúng ta rồi vậy!

 

II- Tình Thương: Hành Động của Thiên Chúa trong Mạc Khải Thánh Kinh (6-9)

6. "Thật là thích hợp để Thiên Chúa thực thi tình thương và Ngài bày tỏ quyền toàn năng của Ngài ra một cách đặc biệt như thế" (Saint Thomas Aquinas, Summa Theologiae, II-II, q. 30, a. 4). Những lời của Thánh Tôma Aquinas cho thấy rằng tình thương của Thiên Chúa là dấu hiệu cho quyền toàn năng của Ngài, hơn là một dấu hiệu của những gì là yếu hènĐó là lý do phụng vụ, ở một trong những lời nguyện đầu lễ cổ kính nhất chúng ta đã cầu rằng: "Ôi Thiên Chúa, Đấng tỏ quyền năng của Chúa ra nhất là nơi tình thương và sự tha thứ của Chúa..." (XXVI Sunday in Ordinary Time. This Collect already appears in the eighth century among the euchological texts of the Gelasian Sacramentary [1198]). Trải suốt giòng lịch sử của nhân loại, Thiên Chúa bao giờ cũng là Đấng hiện diện, gần gũi, quan phòng, thánh hảo và nhân hậu. 

"Nhẫn nại và nhân hậu". Những lời này thường đi với nhau trong Cựu Ước để diễn tả bản tính của Thiên Chúa. Bản tính nhân hậu của Ngài được thể hiện một cách cụ thể nơi nhiều hành động của Ngài dọc suốt giòng lịch sử cứu độ, một giòng lịch sử cho thấy sự thiện hảo của Ngài trổi vượt hơn là trừng phạt và hủy diệt. Các Thánh Vịnh đã đặc biệt nhấn mạnh đến sự cao cả nơi hành động nhân hậu của Ngài: "Ngài thứ tha tất cả mọi lầm lỗi của ngươi, Ngài chữa lành tất cả mọi bệnh hoạn của ngươi, Ngài cứu chuộc sự sống của ngươi khỏi huyệt thẳm, Ngài thăng hóa ngươi bằng tình yêu và tình thương bền vững" (103:3-4). Bài Thánh Vịnh khác, còn rõ ràng hơn nữa, chứng thực cho thấy các dấu hiệu cụ thể của tình thương Ngài: "Ngài bảo đảm công lý cho kẻ bị đàn áp; Ngài ban lương thực cho người đói khổ. Chúa giải phóng thành phần tù nhân; Chúa mở mắt cho những ai mù lòa. Chúa nâng dậy những ai bị đè nén; Chúa yêu thương thành phần công chính. Chúa canh chừng những ai kiều cư, Ngài nâng đỡ cô nhi quả phụ; nhưng Ngài phá tan đường lối của kẻ gian ác" (146:7-9). Đây là một số diễn tả khác của Thánh Vịnh gia: "Ngài chữa lành tâm can tan nát và băng bó các thương tích của họ... Kẻ bị chà đạp được Chúa nâng lên, kẻ gian ác bị Ngài quăng xuống đất" (147:3,6). Tóm lại, tình thương của Thiên Chúa không phải là một ý nghĩ trừu tượng mà là một thực tại cụ thể nhờ đó Ngài mạc khải cho thấy tình yêu thương của Ngài như tình yêu của một người cha hay của một người mẹ, một tình yêu hết sức động lòng yêu thương đứa con của mình. Nói mà không sợ quá đáng thì đó là một thứ tình yêu "đầy cảm xúc". Nó vọt ra một cách tự nhiên từ thâm cung đầy những niềm êm ái dịu dàng và cảm thương, yêu chiều và xót thương.  

7. "Vì tình thương của Ngài bền vững muôn đời". Đây là phiên khúc được lập lại sau mỗi câu trong Thánh Vịnh 136 khi Thánh Vịnh này kể ra lịch sử mạc khải của Thiên Chúa. Vì tình thương mà tất cả mọi biến cố trong Cựu Ước đầy những ý nghĩa cứu độ sâu xa. Tình thương làm cho lịch sử của Thiên Chúa với dân do Thái thành một lịch sử cứu độ. Việc lập lại liên tục "vì tình thương của Ngài bền vững muôn đời", như trong bài Thánh Vịnh này, như thể làm cho các chiều kích về không gian và thời gian được thông suốt, đem hết mọi sự vào mầu nhiệm đời đời của tình yêu. Như thể nói rằng chẳng những trong lịch sử mà còn cho đến đời đời con người bao giờ cũng sẽ ở dưới ánh mắt nhân hậu của Chúa Cha. Không phải là ngẫu nhiên mà dân Do Thái đã muốn cho bài thánh vịnh này - được gọi là "Great Hallel - Bài Chúc Tụng Cao Cả" - vào những ngày lễ phụng vụ quan trọng nhất.

Trước cuộc Khổ Nạn của mình, Chúa Giêsu đã cầu nguyện bằng bài thánh vịnh tình thương này. Thánh ký Mathêu chứng thực điều ấy khi ngài nói rằng "khi các vị hát một bài thánh ca" (26:30) Chúa Giêsu và các môn đệ của Người đi lên Núi Cây Dầu. Khi Người thiết lập Thánh Thể như là một việc muôn đời tưởng nhớ đến Người và hy tế vượt qua của Người, Người đã đặt tác động mạc khải tối cao này một cách biểu hiệu theo chiều kích tình thương của Người. Trong chính bối cảnh tình thương ấy, Chúa Giêsu đã tiến vào cuộc khổ nạn và tử nạn của Người, ý thức về mầu nhiệm yêu thương cao cả mà Người sẽ hoàn tất trên cây thập tự giá. Việc nhận thức được chính Chúa Giêsu đã cầu nguyện bài thánh vịnh này đã làm cho bài thánh vịnh ấy thậm chí càng trở nên quan trọng hơn nữa đối với Kitô hữu chúng ta, thách thức chúng ta hãy lập lại điệp khúc này trong đời sống hằng ngày của chúng ta, bằng cách cầu nguyện với những lời chúc tụng ấy: "vì tình thương của Ngài muôn đời bền vững". 

8. Bằng ánh mắt của mình ngắm nhìn Chúa Giêsu cũng như ngắm nhìn ánh mắt nhân hậu của Người, chúng ta cảm nghiệm được tình yêu của Ba Ngôi Chí ThánhSứ vụ Chúa Giêsu đã lãnh nhận từ Cha là sứ vụ mạc khải tất cả mầu nhiệm tình yêu thần linh. "Thiên Chúa là tình yêu" (1Gioan 4:8,16), Thánh ký Gioan khẳng định như thế lần đầu tiên và là lần duy nhất trong toàn bộ Thánh Kinh. Tình yêu này giờ đây đã trở thành hữu hình và khả giác nơi tất cả cuộc đời trần thế của Chúa Giêsu. Bản thân của Người chẳng là gì khác hơn là tình yêu, một tình yêu được tặng ban một cách nhưng không. Các mối liên hệ Người tạo nên với dân chúng là thành phần tiến đến với Người cho thấy một cái gì đó hoàn toàn đặc thù và bất khả tái diễn. Những dấu hiệu Người thực hiện, nhất là trước các tội nhân, trước thành phần nghèo khổ, thành phần ở bên lề xã hội, thành phần yếu bệnh, và thành phần đau khổ, tất cả đều có mục đích giáo huấn về tình thươngHết mọi sự nơi Người đều nói về tình thương. Không một sự gì nơi Người mà lại trống rỗng lòng cảm thương

Chúa Giêsu, khi thấy các đám đông dân chúng đi theo Người, đã nhận thấy rằng họ mệt mỏi và kiệt sức, lạc loài và không có người chăn dắt, nên Người đã cảm thấy thật là cảm thương họ (xem Mathêu 9:36). Theo tình yêu cảm thương này, Người đã chữa lành các bệnh nhân được mang đến cho Người (xem Mathêu 14:14), và bằng một chút ổ bánh và cá, Người đã nuôi no thỏa cả một đám thật đông (xem Mathêu 15:37). Cái đã tác động Chúa Giêsu trong tất cả mọi trường hợp này không là gì khác ngoài tình thương, một tình thương khiến Người biết được tâm can của những ai Người gặp gỡ và đã đáp ứng nhu cầu sâu xa nhất của họ. Khi Người thấy bà góa Thành Naim đang đưa đứa con trai của mình đi chôn, Người đã hết sức cảm thương về nỗi đau khổ mênh mông của người mẹ sầu thương này, và Người đã trả lại đứa con cho bà bằng việc làm em hồi sinh từ kẻ chết (xem Luca 7:15). Sau khi giải thoát cho một người bị quỉ ám ở miền Gerasenes, Người đã trao cho anh ta sứ vụ này là "Hãy trở về với bạn bè của anh mà nói cho họ biết Chúa đã làm cho anh biết bao, và Ngài đã thương anh như thế nào" (Marco 5:19). Việc kêu gọi chàng Mathêu cũng xẩy ra trong bối cảnh của tình thương. Khi đi ngang qua một quán của người thu thuế này, Chúa Giêsu đã chăm chú nhìn chàng Mathêu. Chính cái nhìn đầy tình thương này đã thứ tha các tội lỗi của con người đó, một tội nhân và là một viên thu thuế, kẻ được Chúa Giêsu chọn - ngược lại với sự ngần ngại của các môn đệ - để trở thành một trong Nhóm 12. Thánh Bede the Venerable, khi dẫn giải về đoàn Phúc Âm này, đã viết rằng Chúa Giêsu đã nhìn chàng Mathêu một cách yêu thương nhân hậu và đã chọn chàng: miserando atque eligendo (Cf. Homily 22CCL, 122, 149-151). Lời diễn tả này đã đánh động tôi đến độ tôi đã chọn nó làm câu tâm niệm giáo phẩm của tôi

9. Trong các dụ ngôn về tình thương, Chúa Giêsu đã mạc khải cho thấy bản tính của Thiên Chúa như là bản tính của một Người Cha không bao giờ bỏ cuộc cho đến khi Ngài tha thứ kẻ lầm đường lỡ bước và chế ngự thái độ tẩy chay bằng lòng cảm thương và tình thương. Chúng ta quá biết những dụ ngôn ấy, đặc biệt là 3 dụ ngôn: về con chiên lạc, về đồng cắc thất lạc và về người cha với 2 đứa con (xem Luca 15:1-32). Trong những dụ ngôn này, Thiên Chúa luôn tỏ ra tràn đầy niềm vui, nhất là khi Ngài tha thứ. Nơi những dụ ngôn ấy, chúng ta thấy được cái cốt lõi của Phúc Âm và của đức tin chúng ta, vì tình thương hiện lên như là một quyền lực thắng vượt hết mọi sự, làm cho tâm can tràn đầy yêu thương và mang lại niềm ai ủi bằng ơn tha thứ

Ở dụ ngôn khác, chúng ta có được một giáo huấn quan trọng cho đời sống Kitô hữu của chúng ta. Trong câu trả lời cho vấn nạn của Tông Đồ Phêrô về số lần tha thứ cần thiết, Chúa Giêsu nói rằng: "Thày không bảo là 7 lần mà là 70 lần 7" (Mathêu 18:22). Đoạn Người tiếp tục nói về dụ ngôn của "người bầy tôi tàn nhẫn", kẻ bị chủ mình đòi nợ một số tiền khổng lồ đã quì xuống van xin ông thương tình. Người chủ nợ đã tha hết số nợ cho hắn. Nhưng sau đó hắn gặp một người đồng nghiệp bầy tôi mắc nợ hắn có vài xu thôi và người này quì xuống xin thương tình, nhưng tên đầy tớ trước từ khước lời van xin của người bạn bầy tôi này mà tống anh ta vào tù. Khi người chủ nghe thấy tự sự thì nổi giận và gọi tên đầy tớ thứ nhất vào mà nói: "Tại sao ngươi đã chẳng xót thương người bạn bầy tôi của ngươi như ta đã thương xót ngươi chứ?" (Mathêu 18:33). Chúa Giêsu kết luận: "Cha Thày ở trên trời cũng sẽ đối xử với mọi người trong các con như vậy, nếu các con không thật lòng tha thứ cho anh em của các con" (Mathêu 18:35). 

Dụ ngôn này chất chứa một giáo huấn sâu xa cho tất cả chúng ta. Chúa Giêsu khẳng định rằng tình thương không chỉ là một hành động của Người Cha, nó còn trở thành một tiêu chuẩn cho thấy ai thật là con cái của Ngài. Tóm lại, chúng ta được kêu gọi để tỏ ra tình thương vì chúng ta đã được tình thương cho ra cho trướcViệc tha thứ các xúc phạm trở nên việc thể hiện rõ ràng nhất tình yêu nhân hậu, và đối với Kitô hữu chúng ta nó là một mệnh lệnh chúng ta không thể tránh né. Có những lúc dường như khó mà có thể thứ tha! Tuy nhiên, tha thứ là một dụng cụ được đặt trong bàn tay mềm yếu của chúng ta để đạt được sự thanh thản của cõi lòng. Việc giải tỏa những gì hận tức, giận dữ, bạo động và trả thù là những điều kiện cần thiết để sống một cách hân hoan. Bởi thế, chúng ta hãy lắng nghe lời huấn dụ của Thánh Tông Đồ: "Đừng để cho đến khi mặt trời lặn mà vẫn còn hận tức" (Epheso 4:26). Trước hết, hãy lắng nghe lời của Chúa Giêsu là Đấng làm cho tình thương trở thành lý tưởng của đời sống và là tiêu chuẩn cho cái thế giá của đức tin chúng ta: "Phúc cho ai biết xót thương, vì họ sẽ được thương xót" (Mathêu 5:7): phúc đức này là những gì chúng ta đặc biệt cần phải khao khát trong Năm Thánh này. 

Như chúng ta có thể thấy trong Thánh Kinh, tình thương là từ ngữ then chốt cho thấy hành động của Thiên Chúa đối với chúng ta. Ngài không chỉ hạn hẹp mình nơi việc xác nhận tình yêu của Ngài mà còn làm cho nó trở nên hữu hình và khả giác nữa. Dù sao tình yêu không bao giờ chỉ là một cái gì đó trừu tượngNơi chính bản chất của mình, tình yêu nói lên một cái gì đó cụ thể: những ý hướng, các thái độ và những hành vi cử chỉ được tỏ ra trong cuộc sống hằng ngàyTình thương của Thiên Chúa là mối quan tâm yêu thương của Ngài đối với từng người chúng ta. Ngài cảm thấy có trách nhiệm; tức là Ngài muốn chúng ta được phúc hạnh và Ngài muốn thấy chúng ta hạnh phúc, tràn đầy hân hoan và an bình. Đó là con đường mà tình yêu nhân hậu của thành phần Kitô hữu cũng cần phải hành trình. Cha yêu thương thế nào thì con cái của Ngài cũng thế. Như Ngài là Đấng nhân hậu thì chúng là cũng được kêu gọi sống nhân hậu với nhau như thế. 


III- Tình Thương: Nền Tảng của Đời Sống Giáo Hội (10-12)

10. Tình thương là chính nền tảng của đời sống Giáo Hội. Tất cả mọi hoạt động mục vụ của Giáo Hội cần phải được gắn bó với niềm êm ái dịu dàng Giáo Hội tỏ ra với các tín hữu; không một sự gì nơi việc giảng dạy của Giáo Hội cũng như nơi chứng từ của Giáo Hội trước thế giới lại có thể vắng bóng tình thương. Chính cái uy tín của Giáo Hội được nhận thấy ở cách thức Giáo Hội tỏ ra cho thấy tình yêu nhân hậu và cảm thương. Giáo Hội "có một ước muốn khôn nguôi bày tỏ cho thấy tình thương" (Apostolic Exhortation Evangelii Gaudium, 24). Có lẽ chúng ta đã quên đi từ lâu lắm rồi cách thức tỏ bày và sống đường lối của tình thương. Một đàng thì khuynh hướng chỉ tập trung vào công lý làm cho chúng ta quên rằng công lý chỉ là những gì đầu tiên mặc dù là một bước cần thiết và bất khả châm chước. Thế nhưng Giáo Hội cần phải tiến xa hơn nữa và nỗ lực đạt tới một mục đích cao hơn và quan trọng hơn. Đàng khác, đáng buồn thay, chúng ta cần phải công nhận rằng việc thực hành tình thương là những gì đang bị suy tàn trong một nền văn hóa bao rộng hơn. Ở một số trường hợp chữ này được như đã bị bỏ đi không còn sử dụng nữa. Tuy nhiên, không có chứng từ tình thương thì đời sống trở thành thui chột và héo úa, như thể bị khuất dạng trong một sa mạc cằn cỗi. Đã đến lúc Giáo Hội cần phải tiếp tục ơn gọi hân hoan về tình thương một lần nữa. Đã đến lúc trở về với những gì là căn bản và mang lấy những yếu hèn cùng các thứ chống chọi của anh chị em chúng ta. Tình thương là năng lực làm chúng ta tái bừng lên sự sống mới và thâm nhập trong chúng ta lòng can đảm hy vọng nhìn về tương lai. 

11. Chúng ta đừng quên giáo huấn cao cả của Thánh Gioan Phaolô II gửi cho chúng ta trong bức Thông Điệp thứ 2 của ngài, Giầu Lòng Thương Xót - Dives in Misericordia, một thông điệp vào lúc ấy là những gì không ngờ lại có, mà đề tài của bức thông điểm này đã làm cho nhiều người cảm thấy ngỡ ngàng. Có 2 đoạn đặc biệt tôi muốn nhấn mạnh đến. Đoạn thứ nhất, Thánh Gioan Phaolô II đã nhấn mạnh đến sự kiện là chúng ta đã quên vấn đề về tình thương trong môi trường văn hóa ngày nay: "Tâm thức của ngày hôm nay đây, có lẽ hơn tâm thức của con người ta trong quá khứ, dường như chống lại với một Vị Thiên Chúa của tình thương, thực sự là có khuynh hướng loại trừ ra khỏi đời sống và tẩy chay khỏi tâm can của con người chính ý nghĩ tình thương. Từ ngữ và quan niệm 'tình thương' dường như gây ra cái cảm giác khó chịu nơi con người, thành phần mà nhờ sự phát triển khổng lồ về khoa học và kỹ thuật, chưa từng thấy trong lịch sử, đã trở thành chủ nhân ông của trái đất này và đã làm chủ cùng thống trị nó (xem Khởi Nguyên 1:28). Việc thống trị trái đất này, đôi khi được hiểu theo một chiều và hời hợt, dường như không còn chỗ đứng cho tình thương... Và đó là lý do tại sao, trong tình trạng của Giáo Hội và thế giới ngày nay, nhiều cá nhân và tập thể được hướng dẫn bởi một cảm quan sống động của đức tin đang quay về, tôi có thể nói là hầu như một cách bộc phát tự nhiên, với tình thương của Thiên Chúa" (Apostolic Exhortation Evangelii Gaudium, 2).

Ngoài ra, Thánh Gioan Phaolô II đã đẩy mạnh việc loan báo và chứng từ cho tình thương một cách khẩn trương hơn nữa trong thế giới hiện đại: "Nó được thúc đẩy bởi tình yêu thương giành cho con người, giành cho tất cả những gì là nhân bản và là những gì, theo trực giác của nhiều người đồng thời của chúng ta, đang bị đe dọa bởi một mối nguy hiểm ngút ngàn. Mầu nhiệm của Chúa Kitô... buộc tôi phải loan báo tình thương như là tình yêu nhân hậu của Thiên Chúa, một tình yêu được mạc khải cũng ở nơi mầu nhiệm Chúa Kitô ấy. Nó đồng thời cũng bắt buộc tôi phải chạy đến với tình thương ấy mà van xin tình thương vào lúc khó khăn này, giai đoạn nghiêm trọng của lịch sử Giáo Hội và thế giới" (Saint John Paul II, Encyclical Letter Dives in Misericordia, 15). Giáo huấn này càng liên hệ hơn bao giờ hết và đáng được tái tiếp tục trong Năm Thánh này. Chúng ta hãy nghe lời ngài một lần nữa: "Giáo Hội sống một đời sống chân thực khi Giáo Hội tuyên xưng và loan báo tình thương - một phẩm tính kỳ diệu nhất của Đấng Hóa Công và của Đấng Cứu Chuộc - cũng như khi Giáo Hội mang con người đến gần với các nguồn mạch tình thương của Đấng Cứu Thế, một tình thương mà Giáo Hội là ký thác viên và là nơi chất chứa" (Saint John Paul II, Encyclical Letter Dives in Misericordia, 13).

12. Giáo Hội được sai đi loan báo tình thương của Thiên Chúa là con tim đang rung đập của Phúc Âm, một tình thương theo cách thức của mình cần phải thấm nhập tâm trí của hết mọi người. Hiền Thê của Chúa Kitô cần phải khuôn mẫu hành vi cử chỉ của mình theo gương Con Thiên Chúa, Đấng đã tiến đến với hết mọi người không trừ ai. Vào ngày hôm nay đây, khi Giáo Hội đang chuyển mình với công việc tân truyền bá phúc âm hóa, đề tài tình thương là những gì cần phải được đề ra một lần nữa bằng một nhiệt tình mới và hoạt động mục vụ đổi mới. Thật là vô cùng cần thiết đối với Giáo Hội cũng như đối với thế giá sứ điệp của Giáo Hội mà chính Giáo Hội phải sống và làm chứng cho tình thương. Ngôn ngữ của Giáo Hội và cử chỉ của Giáo Hội cần phải truyền đạt tình thương, để có thể chạm đến tâm can của tất cả mọi người và phấn chấn họ một lần nữa trong việc tìm kiếm con đường dẫn về cùng Chúa Cha. 

Sự thật tiên quyết của Giáo Hội là tình yêu của Chúa Kitô. Giáo Hội biến mình trở thành tôi tớ cho tình yêu này và hòa giải nó với tất cả mọi dân tộc: một tình yêu tha thứ và tỏ mình ra nơi việc ban tặng bản thân mình. Nhờ đó, bất cứ Giáo Hội hiện diện ở đâu thì tình thương của Cha cần phải được hiện lộ ở đó. Tóm lại, trong các giáo xứ, cộng đồng, hiệp hội và phong trào của chúng ta, ở đâu có Kitô hữu thì ở đấy mọi người thấy được một ốc đảo tình thương.

 

IV- Tình Thương: Như Cha Thương Xót (13-17)

13. Chúng ta muốn sống Năm Thánh này theo chiều hướng của lời Chúa: Hãy thương xót như Cha. Vị Thánh ký nhắc nhở chúng ta về giáo huấn của Chúa Giêsu là Đấng đã nói: "Hãy xót thương như Cha của các con thương xót" (Luca 6:36). Nó là chương trình sống gắt gao cùng đầy niềm vui và an bình. Mệnh lệnh của Chúa Giêsu là những gì nhắm đến hết bất cứ ai muốn lắng nghe tiếng của Người (xem Luca 6:27). Vì thế, để có thể xót thương, trước hết chúng ta cần phải sẵn sàng nghe Lời Chúa. Có nghĩa là tái nhận thức được cái giá trị của sự thinh lặng để suy niệm chính Lời muốn nói với chúng ta. Có thế chúng ta mới có thể chiêm ngưỡng tình thương của Thiên Chúa và chấp nhận tình thương như là lối sống của chúng ta

14. Việc hành hương có một chỗ đứng đặc biệt trong Năm Thánh này, vì nó tiêu biểu cho cuộc hành trình mà mỗi người chúng ta thực hiện trong cuộc sống đây. Chính đời sống là một cuộc hành hương, và nhân loại là một lữ khách; một kẻ hành trình đang tiến bước trên con đường của mình để tới đích điểm ước định. Cũng thế, để tiến đến Cửa Thánh ở Rôma hay ở bất cứ nơi nào khác trên thế giới, hết mọi người, mỗi người tùy theo khả năng của mình, sẽ cần phải thực hiện một cuộc hành trình. Điều ấy sẽ là một dấu hiệu lấy tình thương làm đích nhắm và đòi phải dấn thân cùng hy sinh. Chớ gì cuộc hành trình là một cái đà hoán cải: bằng việc bước qua ngưỡng Cửa Thánh, chúng ta sẽ được sức mạnh để gắn bó với tình thương của Thiên Chúa và dấn thân trở nên nhân hậu với người khác như Cha đã đối xử với chúng ta. 

Chúa Giêsu tỏ cho chúng ta thấy những bước đường hành trình để đạt tới mục đích của chúng ta, đó là: "Đừng phán xét để các con khỏi bị phán xét; đừng lên án để các con khỏi bị lên án; hãy tha thứ thì các con sẽ được thứ tha; hãy cho thì các con sẽ được ban tặng; đong đầy, nén sâu, lắc kỹ, thì các con sẽ được thỏa thuê. Vì các con đong đấu nào các con sẽ nhận được đấu ấy" (Luca 6:37-38). Chúa xin chúng ta trước hết là đừng phán xét và đừng lên án. Nếu ai muốn không bị Thiên Chúa phán xét thì họ không được biến mình thành quan án của anh chị em mình. Nhân loại, bất cứ khi nào phán xét thì chỉ thiển cận bề ngoài, trong khi đó Chúa Cha nhìn vào tận thẳm cung linh hồn. Biết bao nhiêu là lời nói tai hại khi họ bị kích động bởi những cảm giác ghen tương đố kỵ! Việc nói xấu người khác là việc đẩy người ấy vào một làn ánh sáng nhạt nhòa, làm suy yếu tiếng tăm của người ta và biến người ấy thành mối ngon cho những lời xì xèo bàn tán. Việc kiềm chế phán xét và lên án, theo nghĩa tích cực, có nghĩa là biết chấp nhận cái tốt nơi hết mọi người và không gây cho họ bất cứ một đau khổ nào có thể gây ra bởi việc phán xét thiên lệnh của chúng ta cũng như bởi những gì chúng ta tưởng rằng chúng ta biết hết mọi sự về họ. Thế nhưng điều ấy vẫn chưa đủ để thể hiện tình thương. Chúa Giêsu cũng xin chúng ta hãy tha thứ và hãy ban tặng nữaHãy trở thành dụng cụ của tình thương, vì chính chúng ta là thành phần đã lãnh nhận tình thương của Thiên Chúa trước. Hãy quảng đại với người khác, nhận thức rằng Thiên Chúa đã vô cùng quảng đại tuôn đổ lòng thiện hảo của Ngài xuống trên chúng ta.

Vì thế, hãy thương xót như Cha là "câu tâm niệm" của Năm Thánh này. Nơi tình thương chúng ta thấy được chứng cớ Thiên Chúa yêu thương chúng ta ra sao. Ngài đã ban cho chúng ta tất cả bản thân của Ngài, luôn luôn, một cách tự do, chẳng đòi lại gì. Ngài đến trợ giúp chúng ta bất cứ khi nào chúng ta kêu cầu Ngài. Thật là một điều tốt đẹp khi Giáo Hội bắt đầu kinh nguyện hằng ngày của mình bằng câu: "Ôi Thiên Chúa, xin đến trợ giúp con. Ôi Chúa, xin mau đến giúp con" (Thánh Vịnh 70:2)! Sự trợ giúp chúng ta xin đây đã là bước đầu tiên của tình thương Thiên Chúa đối với chúng ta rồi. Ngài đến trợ giúp chúng ta nơi nỗi yếu hèn của chúng ta. Và ơn trợ giúp của Ngài là ở chỗ giúp chúng ta chấp nhận sự hiện diện của Ngài và sự gần gũi của Ngài. Ngày ngày được lòng cảm thương của Ngài chạm đến, chúng ta cũng có thể trở nên cảm thương đối với người khác.  

15. Trong Năm Thánh này, chúng ta hướng tới cái cảm nghiệm về việc mở lòng của chúng ta ra cho những ai đang sống ở những lề mép xa xôi nhất của xã hội: những lề mép do chính xã hội tân tiến tạo nên. Biết bao nhiêu là những tình trạng bất ổn và đau thương trong thế giới ngày nay! Biết bao nhiêu là những thương tích nơi xác thịt của những người không có tiếng nói, vì tiếng kêu la của họ bị bóp nghẹt và nhận chìm bởi thái độ lạnh lùng của kẻ giầu sang phú quíTrong Năm Thánh này, Giáo Hội được kêu gọi hơn nữa trong việc hàn gắn các thương tích ấy, trong việc xoa dịu chúng bằng dầu an ủi, trong việc băng bó chúng bằng tình thương và chữa lành chúng bằng tình liên kết cùng với việc ân cần chăm sóc. Chúng ta đừng để mình bị rơi vào tình trạng dửng dưng đáng xấu hổ hay vào một cái thói quen thuộc làm cản trở chúng ta trong việc khám phá ra những gì là mới mẻ! Chúng ta hãy tránh né những gì là yếm thế hủy hoại! Chúng ta hãy mở mắt chúng ta ra để thấy được tình trạng khốn khổ của thế giới, thấy những vết thương của anh chị em chúng ta là những người đang bị chối bỏ phẩm vị của họ, và chúng ta hãy nhận thức rằng chúng ta buộc phải lắng nghe tiếng kêu la xin được cứu giúp của họ! Chớ gì chúng ta vươn đến họ và nâng đỡ họ để họ có thể cảm thấy hơi ấm của việc chúng ta hiện diện, của tình thân hữu chúng ta, và của tình huynh đệ của chúng ta! Chớ gì tiếng kêu la của họ trở thành của chúng ta, và cùng nhau chúng ta phá đổ những rào cản cái dửng dưng lạnh lùng là những gì quá ư thống trị chúng ta và hãy lột bỏ đi cái mặt nạ giả hình và cái tôi của chúng ta!

Ước muốn thiết tha của tôi là, trong Năm Thánh này, dân Kitô giáo hãy nghĩ đến các công việc xót thương về thể lý và tâm linh. Nó sẽ là cách để làm cho lương tâm của chúng ta bừng tỉnh lại, một lương tâm đã quá thường trở nên cùn nhụt trước cảnh nghèo khổ. Và chúng ta hãy tiến sâu hơn nữa vào cốt lõi của Phúc Âm là nơi người nghèo có một vị thế đặc biệt nơi tình thương của Thiên Chúa. Chúa Giêsu giới thiệu cho chúng ta những công việc xót thương này trong việc giảng dạy của Người nhờ đó chúng ta có thể biết chúng ta có đang sống như là môn đệ của Người hay chăng. Chúng ta hãy tái khám phá ra những công việc xót thương về thể lý (theo kinh nguyện Tiếng Việt là Thương Xác 7 Mối): cho k đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới áo mặc, viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc, cho khách đỗ nhà, chuộc kẻ làm tôi, chôn xác kẻ chết. Và chúng ta đừng quên các công việc xót thương về tâm linh (theo kinh nguyện tiếng Việt là Thương Linh Hồn 7 Mối), đó là lấy lời lành mà khuyên người, mở dạy kẻ mê muội, yên ủi kẻ âu lo, răn bảo kẻ có tội, tha kẻ dể ta, nhịn kẻ mất lòng ta, cầu cho kẻ sống và kẻ chết

Chúng ta không thể thoát khỏi lời Chúa nói với chúng ta, và những lời này trở thành tiêu chuẩn mà chúng ta sẽ bị phán xét, ở chỗ chúng ta có cho kẻ đói ăn và cho kẻ khát uống hay chăng, chúng ta có cho khách đỗ nhà và cho kẻ rách rưới áo mặc hay chăng, hay chúng ta có viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc hay chăng (xem Mathêu 25:31-45). Hơn thế nữa, chúng ta sẽ phải trả lẽ rằng chúng ta có giúp cho người khác khỏi bị ngờ vực khiến họ bị chán nản và thường là nguồn gây ra tình trạng lẻ loi cô độc hay chăng; chúng ta có giúp vào việc thắng vượt tình trạng vô tri mà hằng bao nhiêu triệu người đang sống hay chăng, nhất là các trẻ em bị hụt hẫng những phương tiện cần thiết để giải thoát họ khỏi mọi ràng buộc nghèo khổ; chúng ta có gần gũi với những ai lẻ loi cô độc và sầu thương hay chăng; chúng ta có tha thứ cho những ai xúc phạm đến chúng ta, và loại trừ tất cả mọi hình thức hận tức cùng thù ghét gây ra bạo lực hay chăng; chúng ta có đức nhẫn nại như của Thiên Chúa là Đấng quá nhẫn nại với chúng ta hay chăng; và chúng ta có phó dâng anh chị em chúng ta lên Chúa trong nguyện cầu hay chăng. Nơi mỗi một người trong "những kẻ hèn mọn" này có chính Chúa Kitô hiện diện. Xác thịt của Người trở nên hữu hình nơi xác thịt của những ai bì hành hạ, những ai bị chà đạp, những ai bị áp bức, những ai bị thiếu dinh dưỡng, và những ai bị đầy ải... thành phần chúng ta cần phải nhận ra, chạm tới và chăm sóc. Chúng ta đừng quên những lời của Thánh Gioan Thánh Giá: "khi chúng ta lìa đời, chúng ta sẽ bị phán xét về tình yêu" (Words of Light and Love, 57).

16. Trong Phúc Âm Thánh Luca, chúng ta thấy một yếu tố quan trọng khác là những gì sẽ giúp chúng ta sống Năm Thánh bằng đức tin. Thánh Luca viết rằng Chúa Giêsu, vào Ngày Hưu Lễ, đã trở lại Nazarét, và như thói quen, Người đã vào hội đường. Họ mời Người đọc Thánh Kinh và dẫn giải Thánh Kinh. Đoạn Thánh Kinh này đoạn ở Sách Tiên Tri Isaia: "Thần Linh của Chúa là Thiên Chúa ở trên tôi, vì Chúa đã xức dầu cho tôi để mang tin mừng cho người sầu khổ; Ngài đã sai tôi đi băng bó cho kẻ đoạn trường, loan báo tự do cho kẻ bị tù đầy, và giải phóng cho những ai bị giam cầm; công bố năm hồng ân của Chúa" (61:1-2). Một "năm hồng ân của Chúa" hay "tình thương": đó là những gì Chúa công bố và là những gì giờ đây chúng ta muốn sống. Năm Thánh này sẽ nhấn mạnh đến sự phong phú nơi sứ vụ của Chúa Giêsu được vang vọng qua các lời của vị tiên tri, đó là mang lại một lời nói hay cử chỉ an ủi cho kẻ nghèo khổ, là loan báo tự do cho những ai bị ràng buộc bởi những hình thức nô lệ mới trong xã hội tân tiến, là phục quang cho những ai không còn thấy gì nữa vị họ chỉ nhắm vào bản thân mình, là phục hồi phẩm giá cho tất cả những ai đã bị cướp lột. Việc giảng dạy của Chúa Giêsu được trở nên hữu hình một lần nữa nơi việc đáp ứng của đức tin mà thành phần Kitô hữu được kêu gọi để cống hiến bằng chứng từ của mình. Chớ gì những lời của vị Tông Đồ luôn đi kèm với chúng ta: Ai thực hiện các việc tình thương thì hãy làm việc ấy một cách vui tươi hớn hở (xem Roma 12:8). 

17. Mùa Chay trong Năm Thánh này cũng phải được sống một cách tha thiết hơn như là một thời điểm hồng ân để cử hành và cảm nghiệm tình thương của Thiên ChúaBiết bao nhiêu là đoạn Thánh Kinh thích hợp cho việc suy niệm trong các tuần lễ Mùa Chay để giúp chúng ta tái nhận thức được dung nhan nhân hậu của Chúa Cha! Chúng ta có thể lập lại những lời của vị tiên tri Mica như là của chúng ta: Ôi Chúa, Chúa là một Vị Thiên Chúa bỏ qua lỗi lầm và thứ tha tội lỗi, Đấng không vĩnh viễn giận dữ nhưng muốn bày tỏ tình thương. Lạy Chúa, Chúa sẽ trở lại với chúng con và thương đến dân của Chúa. Chúa sẽ chà đạp tội lỗi của chúng con và quẳng chúng xuống lòng biển cả (xem 7:18-19).

Những trang sách của Tiên Tri Isaia cũng có thể được suy niệm một cách cụ thể trong mùa cầu nguyện, chay tịnh và làm việc bác ái này: "Cách ăn chay mà Ta ưa thích chẳng phải là thế này sao: mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm? Chẳng phải là chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục? Bấy giờ ánh sáng ngươi sẽ bừng lên như rạng đông, vết thương ngươi sẽ mau lành. Đức công chính ngươi sẽ mở đường phía trước, vinh quang ĐỨC CHÚA bao bọc phía sau ngươi. Bấy giờ, ngươi kêu lên, ĐỨC CHÚA sẽ nhận lời, ngươi cầu cứu, Người liền đáp lại: 'Có Ta đây!' Nếu ngươi loại khỏi nơi ngươi ở gông cùm, cử chỉ đe doạ và lời nói hại người, nếu ngươi nhường miếng ăn cho kẻ đói, làm thoả lòng người bị hạ nhục, thì ánh sáng ngươi sẽ chiếu toả trong bóng tối, và tối tăm của ngươi chẳng khác nào chính ngọ. ĐỨC CHÚA sẽ không ngừng dẫn dắt ngươi, giữa đồng khô cỏ cháy, Người sẽ cho ngươi được no lòng; xương cốt ngươi, Người sẽ làm cho cứng cáp. Ngươi sẽ như thửa vườn được tưới đẫm như mạch suối không cạn nước bao giờ". (Bản dịch của Nhóm Phụng Vụ Giờ Kinh).

Sáng kiến "24 Giờ cho Chúa" được cử hành vào Thứ Sáu và Thứ Bảy trước Tuần Thứ Bốn Mùa Chaycần phải được áp dụng ở hết mọi giáo phậnRất nhiều người, bao gồm cả giới trẻ, đang trở về với Bí Tích Hòa Giải; nhờ cảm nghiệm này, họ đang tái khám phá con đường trở về cùng Chúa, sống một giờ khắc thiết tha nguyện cầu và tìm kiếm ý nghĩa trong đời sống của họ. Chúng ta hãy lấy lại Bí Tích Hòa Giải như tâm điểm của đời sống mình ở chỗ bí tích này giúp cho con người chạm đến được tình thương của Thiên Chúa bằng bàn tay của họ. Đối với hết mọi hối nhân thì bí tích này sẽ là một nguồn an bình nội tâm thực sự. 

Tôi sẽ không bao giờ mệt mỏi trong việc nhấn mạnh rằng các vị giải tội là dấu hiệu đích thực của tình thương Chúa Cha. Chúng ta không trở thành những vị giải tội tốt lành một cách tự động đâu. Chúng ta trở nên những vị giải tội tốt lành, trước hết, khi chúng ta để cho mình thành những hối nhân tìm kiếm tình thương của NgàiChúng ta đừng bao giờ quên rằng là các vị giải tội có nghĩa là tham dự vào chính sứ vụ của Chúa Giêsu trong việc trở thành dấu hiệu cụ thể cho tính chất liên lỉ của tình yêu thần linh hằng tha thứ và cứu độ. Linh mục chúng ta đã lãnh nhận tặng ân Thánh Linh để tha thứ tội lỗi, và chúng ta có trách nhiệm về tặng ân này. Không ai trong chúng ta nắm giữ quyền trên Bí Tích y; trái lại, chúng ta là những người tôi tớ trung thành của tình thương Thiên Chúa qua bí tích ấyHết mọi vị giải tội cần phải chấp nhận tín hữu như là người cha trong dụ ngôn người con hoang đàng: một người cha chạy đến gặp con của mình, bất chấp sự kiện là nó đã phung phí hết gia sản của nó. Các vị giải tội được kêu gọi ôm ấp người con thống hối trở về và bày tỏ niềm vui thấy họ trở về. Chúng ta không bao giờ được tỏ ra mệt mỏi trong việc đến với người con kia là kẻ đứng bên ngoài, không biết hân hoan vui mừng, để giải thích cho nó rằng phán đoán của nó thì khiêm khắc, bất công và vô nghĩa theo chiều hướng của tình thương vô hạn của người cha. Chớ gì các vị giải tội đừng đặt ra những câu hỏi vô ích, nhưng như người cha trong dụ ngôn ấy, làm gián đoạn lời phát biểu được người con hoang đàng soạn nói, nhờ đó các vị giải tội biết chấp nhận lời thỉnh cầu được giúp đỡ và tình thương xuất phát từ tâm can của hết mọi hối nhânTóm lại, các vị giải tội được kêu gọi để trở thành dấu hiệu chính yếu của tình thương, trong mọi lúc, hết mọi nơi và trong mọi trường hợp, bất kể

 

V- Tình Thương: Thành Phần Thừa Sai (18-19)

18. Trong Mùa Chay của Năm Thánh này, tôi có ý định sai đi các Vị Thừa sai của Tình Thương. Họ sẽ là một dấu hiệu cho thấy mối quan tâm từ mẫu của Giáo Hội đối với Dân Chúa, nhờ đó họ có thể tiến vào kho tàng sâu xa của mầu nhiệm rất nền tảng cho đức tin này. Sẽ có những vị linh mục tôi sẽ ban năng quyền để tha thứ những tội cho dù chỉ giành cho Tòa Thánh mới có thẩm quyền, nhờ đó tính cách bao rộng nơi sứ vụ của họ là những vị giải tội được sáng tỏ hơn nữa. Trên hết, họ sẽ là những dấu hiệu sống động của việc Chúa Cha sẵn lòng đón nhận những ai tìm kiếm ơn tha thứ của Ngài. Họ sẽ là những vị thừa sai của tình thương vì họ sẽ là những thuận lợi viên cho một cuộc hội ngộ thực sự nhân bản, một nguồn mạch giải phóng, đầy trách nhiệm đối với việc thắng vượt những trở ngại mà tiếp tục lại đời sống mới của Phép Rửa. Họ sẽ thi hành sứ vụ của mình theo những lời của Thánh Tông Đồ: "Vì Thiên Chúa dồn tất cả mọi người vào sự bất tuân để Ngài có thể tỏ tình thương hết mọi người" (Roma 11:32). Thật vậy, hết mọi người không trừ ai đều được kêu gọi theo đuổi ơn gọi sống tình thương. Chớ gì những vị Thừa Sai này sống ơn gọi ấy bằng niềm tin tưởng rằng họ có thể gắn mắt vào Chúa Giêsu là "vị thượng tế nhân hậu và trung tín phụng sự Thiên Chúa" (Do Thái 2:17). 

Tôi xin chư huynh Giám Mục hãy mời gọi và đón nhận những vị Thừa Sai này để họ trước hết trở thành những vị giảng thuyết thu phục về tình thương. Chớ gì mỗi giáo phận tổ chức "những cuộc truyền giáo cho dân chúng" ở chỗ các vị Thừa Sai này trở thành những sứ giả của niềm vui và sự tha thứ. Xin các vị giám mục cử hành Bí Tích Hòa Giải với dân chúng của mình để thời điểm ân sủng được Năm Thánh cống hiến trở thành khả dĩ cho nhiều con cái nam nữ của Thiên Chúa trong việc tiếp tục lại cuộc hành trình về nhà Cha. Chớ gì các vị mục tử, nhất là trong phụng vụ Mùa Chay, tỏ ra ân cần kêu gọi tín hữu "đến với ngai tòa ân sủng để chúng ta được nhận lãnh tình thương và ân sủng" (Do Thái 4:16). 

19. Chớ gì sứ điệp tình thương chạm tới hết mọi người, và chớ gì đừng có ai tỏ ra dửng dưng lạnh lùng trước tiếng gọi cảm nghiệm tình thương. Tôi nhắm lời mời gọi hoán cải này một cách thiết tha hơn nữa tới những ai có những hành vi khiến họ xa cách ân sủng của Chúa. Tôi đặc biệt nhớ đến những con người nam nữ thuộc về các tổ chức tội ác bất cứ thuộc loại nào. Vì thiện ích của riêng họ, tôi xin họ hãy thay đổi cuộc sống của mình. Tôi xin họ điều này nhân danh Con Thiên Chúa là Đấng không bao giờ loại trừ tội nhân cho dù loại trừ tội lỗi. Đừng rơi vào cái bẫy kinh hoàng khi nghĩ rằng đời sống lệ thuộc vào tiền bạc và, so với tiền bạc, bất cứ một sự gì khác đều chẳng còn giá trị gì hay chẳng có phẩm vị chi. Đó chỉ là một ảo tưởng! Chúng ta không thể mang tiền bạc theo với chúng ta về đời sau. Tiền bạc không mang lại cho chúng ta hạnh phúc. Bạo lực gây ra vì tích lũy thứ giầu sang phú quí đẫm máu không mang lại cho người ta quyền năng và sự bất tử. Hết mọi người không sớm thì muộn, sẽ phải trả lẽ với phán quyết của Thiên Chúa, không ai có thể thoát được. 

Lời mời gọi trên đây cũng được gửi đến những ai gây ra hay dự phần vào tình trạng băng hoại. Vết thương đang mưng mủ này là một thứ tội trầm trọng vang lên tới trời đòi báo oán, vì nó đe dọa chính nền tảng của cuộc sống cá nhân và xã hội. Tình trạng băng hoại ngăn cản chúng ta không hy vọng hướng tới tương lai, vì lòng tham chuyên chế của nó làm tiêu tan những dự định của người yếu kém và chà đạp lên những ai nghèo khổ nhất trong các người nghèo khổ. Nó là một sự dữ tỏ hiện nơi các hành động của đời sống hằng ngày và lan tràn, gây tai hại lớn lao chung. Tình trạng băng hoại là tình trạng cứng lòng tội lỗi muốn thay thế bằng ảo tưởng cho rằng tiền bạc là một hình thức quyền lực. Nó là một công việc của tăm tối, được nuôi dưỡng bằng ngờ vực và mưu đồ. Corruptio optimi pessima (sự băng hoại của kẻ khá nhất là những gì tệ nhất trong tất cả mọi sự), Thánh Gregoriô Cả đã có lý khẳng định rằng không ai có thể nghĩ mình tránh khỏi khuynh hướng ấy. Nếu chúng ta muốn loại trừ nó khỏi đời sống cá nhân cũng như xã hội thì chúng ta cần phải thận trọng, tỉnh táo, trung thành, trong sáng, cùng với lòng can đảm để từ khước bất cứ điều gì sai trái. Nếu nó không được công khai đấu chọi, không sớm thì muộn, mọi người sẽ trở thành kẻ tòng phạm với nó, và cuối cùng nó sẽ hủy hoại chính sự sống của chúng ta.   

Đây là thời điểm thuận lợi để thay đổi đời sống của chúng taĐây là thời điểm hãy để cho tâm can của chúng ta được đụng chạm! Khi phải đương đầu với các việc làm xấu, thậm chí khi phải đối diện với các tội ác trầm trọng, thì đó là lúc lắng nghe tiếng kêu la của thành phần vô tội đang bị mất đi sản vật của họ, phẩm vị của họ, cảm xúc của họ, và ngay cả chính mạng sống của họ. Việc theo đuổi đường lối của sự dữ sẽ chỉ làm cho con người bị lừa dối và buồn thảm mà thôi. Sự sống thật là một điều gì đó hoàn toàn khác hẳn. Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi trong việc vươn tới với chúng ta. Ngài bao giờ cũng sẵn sàng lắng nghe, như tôi cũng lắng nghe, cùng với chư huynh giám mục và linh mục của tôi. Tất cả những gì mà người ta cần làm đó là hãy chấp nhận lời mời gọi hoán cải và thuần phục công lý trong thời điểm tình thương đặc biệt được Giáo Hội cống hiến đây.

 

VI- Tình Thương và Công Lý (20-21)

20. Đến đây không phải là lạc đề khi nhắc lại mối liên hệ giữa công lý  tình thươngĐây không phải là hai thực tại trái ngược nhau mà là hai chiều kích của một thực tại duy nhất được mở ra một cách tiến triển cho tới khi nó đạt đến tột đỉnh nơi tầm vọc trọn vẹn của tình yêu. Công lý là một quan niệm nền tảng cho xã hội dân sự, một xã hội được quản trị bởi qui tắc của luật lệ. Công lý cũng được hiểu như là những gì đúng đối với mỗi một người. Trong Thánh Kinh có nhiều chỗ nói đến công lý thần linh cũng như đến Thiên Chúa như "vị thẩm phán". Ở những đoạn ấy, công lý được hiểu như là việc trọn vẹn tuân giữ Lề Luật và hành vi của hết mọi người Do Thái tốt lành sống tuân hợp với các mệnh lệnh của Thiên Chúa. Tuy nhiên, một nhãn quan như thế, đã thường dẫn đến chỗ duy luật bằng việc bóp méo ý nghĩa nguyên vẹn của công lý và làm lu mờ đi giá trị sâu xa của nó. Để thắng vượt chiều hướng duy luật này, chúng ta cần nhớ lại rằng trong Thánh Kinh, công lý được quan niệm một cách thiết yếu như là việc trung thành phó mình cho ý muốn của Thiên Chúa. 

Về phần mình, Chúa Giêsu đã nói một số lần về tầm quan trọng của đức tin vượt lên trên và ở bên trên việc tuân giữ lề luật. Chính theo ý ngjĩa đó mà chúng ta cần phải hiểu lời của Người khi mà Người ngả mình ở cùng bàn với Mathêu và các viên thu thuế khác cùng các tội nhân, Người đã nói với những người biệt phái bấy giờ đang tỏ thái độ phản chống Người rằng: "Hãy đi mà học ý nghĩa của câu 'Ta muốn tình thương chứ không phải hy tế'. Tôi đến không phải để kêu gọi kẻ công chính mà là các tội nhân" (Mathêu 9:13). Trước một nhãn quan về công lý như việc thuần túy tuân giữ lề luật là những gì phán đoán dân chúng bằng cách chia họ thành 2 nhóm - kẻ công chính và các tội nhân - Chúa Giêsu cương quyết tỏ ra cho thấy một tặng ân tình thương cao cả là những gì tìm kiếm các tội nhân và cống hiến cho họ sự tha thứ cùng ơn cứu độ. Người ta có thể thấy được lý do tại sao, dựa trên căn bản của một thứ nhãn quan về tình thương giải phóng như là một nguồn sự sống mới như thế, Chúa Giêsu đã bị thành phần biệt phái và các bậc thày về lề luật loại trừ. Trong nỗ lực vẫn cứ trung thành với lề luật, họ chỉ đặt gánh nặng trên vai của kẻ khác và làm mai một đi tình thương của Chúa Cha. Việc kêu gọi trung thành tuân giữ lề luật không được ngăn cản việc chú trọng đến các vấn đề đụng chạm đến phẩm vị của con người.

Lời kêu gọi của Chúa Giêsu liên quan đến đoạn sách tiên tri Hosea - "Ta muốn yêu thương chứ không phải hy tế" (6:6) - là những gì quan trọng về vấn đề này. Chúa Giêsu khẳng định rằng, từ bấy giờ trở đi, luật sống cho các môn đệ của Người là cần phải lấy tình thương làm chính, như chính Chúa Giêsu đã thể hiện bằng việc cùng ăn với các tội nhân. Một lần nữa, tình thương được mạc khải cho thấy như là một khía cạnh chủ chốt nơi sứ vụ của Chúa Giêsu. Điều này thực sự là một thách thức đối với thành phần thính giả của Người, những người đã vẽ một lằn răn nghiêng về việc trân trọng lề luật. Trái lại, Chúa Giêsu lại đi ra ngoài lề luật; mối liên hệ Người có với những ai bị lề luật coi là tội nhân làm cho chúng ta nhận thấy được chiều sâu nơi tình thương của Người

Tông Đồ Phaolô thực hiện một cuộc hành trình tương tự. Trước khi được gặp gỡ Chúa Giêsu trên đường đến Damacus, ngài đã hiến đời ngài cho việc nhiệt thành theo đuổi công lý của lề luật (xem Philiphe 3:6). Việc ngài hoán cải trở về với Chúa Kitô đã khiến ngài xoay hẳn lại nhãn quan của ngài, đến độ ngài đã viết cho tín hữu Thành Galata rằng: "Chúng ta đã tin vào Đức Giêsu Kitô để được công chính bởi đức tin nơi Đức Kitô, chứ không phải bởi các việc làm theo lề luật, vì không ai được công chính hóa bởi các việc làm theo lề luật" (2:16). 

Việc hiểu biết của Thánh Phaolô về công chính đã hoàn toàn thay đổi. Tới bấy giờ ngài đã đặt đức tin lên hàng đầu, chứ không phải công chính. Ơn cứu độ đến không phải là nhờ ở việc tuân giữ lề luật, mà là bởi tin tưởng vào Đức Giêsu Kitô, Đấng bằng cái chết và sự phục sinh của mình đã mang lại ơn cứu độ cùng với một tình thương công chính hóa. Sự công chính của Thiên Chúa giờ đây trở thành một quyền lực giải phóng cho những ai bị áp bức bởi tình trạng làm nô lệ cho tội lỗi cũng như bởi các hậu quả của tội lỗi. Đức công chính của Thiên Chúa là tình thương của Ngài (xem Thánh Vịnh 51:11-16). 

21. Tình thương không phản lại công lý mà thể hiện cách thức Thiên Chúa vươn đến tội nhân, cống hiến họ một cơ hội mới để nhìn lại chính bản thân họ mà hoán cải và tin tưởng. Cảm nghiệm của tiên tri Hosea có thể giúp chúng ta thấy được đường lối tình thương vượt trên công lý. Thời kỳ vị tiên tri này sống là một trong những thời kỳ thê thảm nhất trong lịch sử của dân Do Thái. Vương quốc đang bị chao đảo ở trên bờ vực diệt vong; dân chúng không còn trung thành với giao ước nữa; họ đã lạc xa Thiên Chúa và mất đi đức tin của cha ông họ. Theo lý lẽ loài người thì Thiên Chúa có lý để nghĩ đến việc loại trừ đi một dân tộc bất trung; họ không tuân giữ giao ước với Thiên Chúa và vì thế đáng bị đích đáng trừng phạt: tức là bị lưu đầy. Những lời của vị tiên tri đã chứng thực như thế: "Họ sẽ không quay về với mảnh đất Ai Cập, và Assyria sẽ là vua của họ, vì họ không chịu trở về cùng Ta" (11:5). Tuy nhiên, sau lời viện dẫn về công lý ấy, vị tiên tri hoàn toàn thay đổi lời phát biểu của mình và cho thấy chân dung của Thiên Chúa: "Làm sao ta có thể bỏ các ngươi được chứ, Ôi Ephraim! Làm sao Ta có thể trao nộp ngươi chứ, Ôi Yến Duyên (Israel)! Làm sao ta có thể làm cho các ngươi như Admah được chứ! Làm sao ta có thể đối xử với các ngươi như Zaboiim! Tâm can của Ta bồn chồn làm sao ấy, lòng cảm thương của Ta trở nên nồng ấm và dịu dàng. Ta sẽ không bùng lên cơn giận dữ bừng bừng của Ta, Ta sẽ không hủy diệt Ephraim một lần nữa; vì Ta là Thiên Chúa chứ không phải con người, là Đấng Thánh ở giữa các ngươi, và Ta sẽ không đến để hủy diệt đâu" (11:8-9). Thánh Âu Quốc Tinh, hầu như thể ngài đã dẫn giải về những lời ấy của vị tiên tri mà rằng: "Thiên Chúa dễ cầm lại cơn giận hơn là tình thương" (Homilies on the Psalms, 76, 11). Đúng là như thế. Cơn giận của Thiên Chúa kéo dài trong giây lát nhưng tình thương của Ngài đến muôn đời.

Nếu Thiên Chúa tự giới hạn mình vào công lý thì Ngài sẽ không còn là Thiên Chúa nữa, trái lại, Ngài sẽ như loài người là thành phần chỉ muốn luật lệ được tôn trọng. Thế nhưng chỉ có công lý thôi thì chưa đủ. Kinh nghiệm cho thấy rằng lời kêu gọi công lý mà thôi sẽ đi đến chỗ nó bị hủy hoại. Đó là lý do tại sao Thiên Chúa vượt ra ngoài công lý bằng tình thương và sự tha thứ của Ngài. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là cần phải làm giảm giá trị của công lý hay cho công lý là đồ dư thừa. Trái lại: bất cứ ai lầm lỗi đều phải trả giá của nó. Tuy nhiên, đó mới là bước đầu của việc hoán cải, chứ không phải cùng đích của nó, vì người ta bắt đầu cảm thấy sự êm ái dịu dàng và tình thương của Thiên Chúa. Thiên Chúa không chối bỏ công lý. Trái li Ngài bao bọc công lý và vượt lên trên công lý bằng một biến cố còn cao cả hơn nữa, trong đó chúng ta cảm thấy tình yêu như là nền tảng của công lý thực sự. Chúng ta cần phải chú ý tới những gì Thánh Phaolô nói nếu chúng ta muốn tránh gây ra cùng một lầm lỗi mà Người đã khiển trách dân do Thái vào thời của Người: Vì  "họ không nhận biết rằng chính Thiên Chúa làm cho người ta nên công chính, và họ tìm cách nên công chính tự sức mình. Như vậy là họ không tuân theo đường lối Thiên Chúa làm cho người ta nên công chính. Quả thế, cứu cánh của Lề Luật là Đức Kitô, khiến bất cứ ai tin đều được nên công chính" (Roma 10:3-4). Công lý của Thiên Chúa là tình thương của Ngài được ban cho hết mọi người như ân sủng xuất phát từ cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô. Vậy Thánh Giá của Chúa Kitô là phán quyết của Thiên Chúa về tất cả chúng ta và toàn thế giới, vì nhờ Thánh Giá mà Người cống hiến cho chúng ta cái vững chắc của tình yêu và sự sống mới.   

 

VII- Năm Thánh: Ân Xá (22), Liên Tôn (23), Thánh Mẫu (24)  Giáo Hội (25)

22. Năm Thánh cũng bao gồm cả việc ban các ân xá nữa. Việc thực hành này sẽ có được một ý nghĩa quan trọng hơn nữa trong Năm Thánh Tình Thương. Ơn tha thứ của Thiên Chúa thì vô hạn. Nơi cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa còn làm sáng tỏ hơn nữa tình yêu của Ngài cùng quyền lực của tình yêu Ngài trong việc hủy diệt tất cả tội lỗi của con người. Việc hòa giải với Thiên Chúa trở thành khả dĩ nhờ mầu nhiệm vượt qua này và nhờ vai trò môi giới của Giáo Hội. Bởi thế, Thiên Chúa bao giờ cũng sẵn sàng tha thứ, và Ngài không bao giờ biết mệt mỏi thứ tha bằng những cách thức liên tục mới mẻ và ngỡ ngàng. Tuy nhiên, tất cả chúng ta đều biết rõ về cảm nghiệm tội lỗi. Chúng ta biết rằng chúng ta được kêu gọi nên hoàn thiện (xem Mathêu 5:48), nhưng chúng ta cảm thấy gánh nặng của tội lỗi. Cho dù chúng ta cảm thấy quyền năng biến đổi của ân sủng, chúng ta vẫn cảm thấy các tác dụng tội lỗi tiêu biểu cho tình trạng sa phạm của chúng ta. Cho dù có bị quên lãng chăng nữa thì những hậu quả tương phản nơi tội lỗi của chúng ta vẫn còn nguyên đó. Nơi Bí Tích Hòa Giải, Thiên Chúa tha thứ tội lỗi của chúng ta là những gì Ngài thực sự tẩy xóa đi; nhưng tội lỗi vẫn để lại tác dụng tiêu cực nơi cách thức chúng ta suy nghĩ và hành động. Tuy nhiên tình thương của Thiên Chúa còn mạnh hơn cả tác dụng của tội lỗi nữa. Tình thương này trở thành ân xá về phía Chúa Cha, Đấng mà qua Hiền Thê của Chúa Kitô là Giáo Hội của Người, vươn tới tội nhân được tha thứ và giải phóng họ khỏi hết mọi cặn bã do các hậu quả của tội lỗi còn lưu lại, giúp cho họ có thể tác hành một cách bác ái, lớn lên trong yêu thương hơn là lại tái phạm tội lỗi. 

Giáo Hội sống trong mối hiệp thông của các thánh. Nơi Thánh Thể, mối hiệp thông này, một tặng ân của Thiên Chúa, trở thành một mối hiệp nhất thiêng liêng nối kết chúng ta lại với vô vàn chư thánh cùng với các phúc nhân (xem Khải Huyền 7:4). Thánh đức của các vị trợ giúp nỗi yếu hèn của chúng ta, ở chỗ để cho Giáo Hội, bằng những lời nguyện cầu từ mẫu của Giáo Hội và lối sống của Giáo Hội, có thể kiên cường tình trạng yếu hèn của một số tín hữu bằng sức mạnh của những tín hữu khác. Thế nên, việc sống ân xá của Năm Thánh nghĩa là việc tiến đến với tình thương của Chúa Cha bằng niềm tin tưởng rằng ơn tha thứ của Ngài bao gồm trọn cuộc đời của tín hữu. Việc hưởng ân xá là việc cảm nghiệm được thánh đức của Giáo Hội, một Giáo Hội ban xuống trên tất cả mọi người các hoa trái cứu chuộc của Chúa Kitô, nhờ đó tình yêu thương và ơn tha thứ của Thiên Chúa có thể lan tràn khắp nơi. Chúng ta hãy thiết tha sống Năm Thánh này, nài xin Chúa Cha thứ tha tội lỗi của chúng ta và tắm gội chúng ta trong "ân xá" từ bi nhân hậu của Ngài. 

23. Có một khía cạnh về tình thương vượt ra ngoài giới hạn của Giáo Hội. Nó liên quan tới Do Thái giáo và Hồi giáo, cả hai đều coi tình thương là một trong những ưu phẩm quan trọng nhất của Thiên Chúa. Dân Do Thái là dân tộc đầu tiên nhận được mạc khải này, một mạc khải tiếp tục trong giòng lịch sử như nguồn mạch của một kho tàng khôn cùng cần phải được chia sẻ với toàn thể nhân loại. Như chúng ta đã thấy, những trang Cựu Ước thấm đẫm tình thương, vì những trang ấy thuật lại các công việc Chúa thực hiện vì dân của Ngài ở những lúc khó khăn nhất trong lịch sử của họ. Trong số các danh hiệu đặc biệt được Hồi giáo qui cho Đấng Hóa Công đó là danh hiệu "Nhân hậu và Từ ái". Lời kêu cầu này thường ở trên môi miệng của tín đồ Hồi giáo thuần thành, thành phần cảm thấy mình được tình thương hỗ trợ và nâng đỡ trong tình trạng yếu hèn hằng ngày của họ. Họ cũng tin rằng không ai có thể giới hạn được tình thương thần linh vì các cánh cửa của tình thương thần linh này luôn rộng mở.

Tôi tin rằng Năm Thánh cử hành tình thương của Thiên Chúa đây sẽ bồi dưỡng một cuộc gặp gỡ với những tôn giáo này cũng như với các truyền thống đạo giáo cao quí khác; chớ gì tình thương thần linh này hướng chúng ta đến một cuộc đối thoại nhiệt tình hơn, nhờ đó chúng ta có thể nhận biết và am hiểu nhau hơn; chớ gì tình thương thần linh này loại trừ đi hết mọi hình thức cố chấp và bất kính, và tẩy chay đi hết mọi hình thức bạo động và kỳ thị. 

24. Giờ đây tôi nghĩ đến Người Mẹ của Tình Thương. Chớ gì nét dịu ngọt nơi dung nhan của Mẹ coi sóc chúng ta trong Năm Thánh này, nhờ đó tất cả chúng ta có thể tái khám phá ra niềm vui của sự êm ái dịu dàng của Thiên Chúa. Không ai đã thấm nhập vào mầu nhiệm nhập thể sâu xa như Mẹ Maria. Tất cả đời sống của Mẹ được khuôn đúc theo sự hiện diện của tình thương hiện thân. Người Mẹ của Đấng Tử Giá và Phục Sinh này đã tiến vào cung thánh của lòng thương xót Chúa vì Mẹ đã mật thiết tham phần vào mầu nhiệm yêu thương của Người.

Được tuyển chọn làm Mẹ của Người Con Thiên Chúa, Mẹ Maria, ngay từ ban đầu, đã được tình yêu của Thiên Chúa sửa soạn để trở thành Hòm Bia Giao Ước giữa Thiên Chúa và loài người. Mẹ đã trân quí lòng thương xót Chúa nơi tâm can của Mẹ một cách hoàn toàn hòa hợp với Người Con Giêsu của Mẹ. Bài thánh ca chúc tụng, được hát lên ở ngưỡng cửa nhà bà Isave, là bài thánh ca dâng lên tình thương của Thiên Chúa là tình thương trải qua "từ đời nọ đến đời kia" (Luca 1:50). Chúng ta cũng được bao gồm trong những lời tiên tri y của Vị Trinh Nữ Maria này. Đó sẽ là nguồn mạch ủi an và sức mạnh của chúng ta khi chúng ta bước qua ngưỡng cửa của Năm Thánh hầu cảm nghiệm thấy được các hoa trái của lòng thương xót Chúa. 

Ở dưới chân cây thập tự giá, cùng với Thánh Gioan, người môn đệ của tình yêu, Mẹ Maria đã nghe thấy những lời thứ tha của Chúa Giêsu. Lời bày tỏ thương xót này nhắm đến những ai đóng đanh Người cho chúng ta thấy điểm nhắm tới của tình thương Thiên Chúa. Mẹ Maria chứng thực rằng tình thương của Người Con Thiên Chúa là những gì bất tận và bao gồm hết mọi người không trừ ai. Chúng ta hãy dâng lên Mẹ những lời của Kinh Lạy Nữ Vương - Salve Regina, một kinh nguyện vốn cổ lại tân, xin Mẹ đừng bao giờ thôi hướng ánh mắt nhân hậu của Mẹ đến chúng ta, và làm cho chúng ta xứng đáng chiêm ngưỡng dung nhan của tình thương là Chúa Giêsu Người Con của Mẹ.

Việc cầu nguyện của chúng ta cũng vươn tới các thánh nhân và các phúc nhân là thành phần đã làm cho lòng thương xót Chúa trở thành sứ vụ của đời sống các vị. Tôi đặc biệt nghĩ đến vị đại tông đồ của tình thương là Thánh Faustina Kowalska. Xin thánh nữ, vị đã được kêu gọi tiến vào vực thẳm của lòng thương xót Chúa, chuyển cầu cho chúng ta và xin cho chúng ta ơn biết luôn sống động và bước đi theo tình thương của Thiên Chúa bằng một niềm tin tưởng không lay chuyển vào tình yêu của Ngài

25. Bởi thế, tôi xin giới thiệu Năm Thánh Ngoại Lệ này, một năm giành để sống tình thương được Chúa Cha liên lỉ bao gồm tất cả chúng ta, trong đời sống hằng ngày của chúng taTrong Năm Thánh này, chúng ta hãy để cho Thiên Chúa làm cho chúng ta ngỡ ngàng. Ngài chẳng bao giờ mệt mỏi trong việc mở cửa lòng của Ngài ra và lập lại rằng Ngài yêu thương chúng ta và muốn chia sẻ tình yêu của Ngài với chúng ta. Giáo Hội cảm thấy nhu cầu khẩn trương cần phải loan báo tình thương của Thiên Chúa. Đời sống của Giáo Hội chân thực và có uy tín chỉ khi nào Giáo Hội trở thành một sứ giả thuyết phục của tình thương. Giáo Hội biết rằng công việc chính yếu của Giáo Hội, nhất là ở một thời điểm đầy những niềm hy vọng lớn lao cùng với các dấu hiệu mâu thuẫn, là mang hết mọi người đến với mầu nhiệm tình thương cao cả của Thiên Chúa, bằng việc chiêm ngắm dung nhan của Chúa Kitô. Giáo Hội được kêu gọi trước hết trở thành một chứng nhân khả tín cho tình thương, tuyên xưng tình thương và sống tình thương như là cốt lõi của những gì Chúa Giêsu Kitô mạc khải. Từ cung lòng của Ba Ngôi, từ thẳm cung mầu nhiệm của Thiên Chúa, một con sông lớn tình thương vọt lên và không ngừng trào đổ. Tình thương là một suối nước không bao giờ cạn, bất kể bao nhiêu người tiến đến với suối nước tình thương này. Hễ bao giờ có ai cảm thấy cần đến thì họ đều có thể tiến tới với suối nước tình thương ấy, vì tình thương của Thiên Chúa không bao giờ cùng. Cái thâm sâu của mầu nhiệm bao quanh suối nước tình thương này là một nguồn phong phú khôn cùng vọt lên từ suối nước tình thương ấy. 

Trong Năm Thánh này, chớ gì Giáo Hội làm vang vọng lời Chúa để lời Chúa âm vang một cách mạnh mẽ và rõ ràng về một sứ điệp và một dấu hiệu của sự tha thứ, của sức mạnh, của sự trợ giúp và của tình yêu thương. Chớ gì Giáo Hội không bao giờ mệt mỏi trong việc làm cho tình thương vươn dài mở rộng, và hằng nhẫn nại cống hiến lòng cảm thương và niềm an ủi. Chớ gì Giáo Hội trở thành tiếng nói của hết mọi con người nam nữ, và mãi mãi tin tưởng lập lại rằng: "Ôi Chúa, xin nhớ đến tình thương của Chúa và tình yêu bền vững của Chúa, vì tình yêu thương này đã có từ thuở xa xưa" (Thánh Vịnh 25:6). 

 

Ban hành ở Rôma, tại Đền Thờ Thánh Phêrô, ngày 11/4, Vọng Chúa Nhật II Phục Sinh, hay Chúa Nhật Lòng Thương Xót Chúa, trong năm của Chúa 2015, năm thứ ba của Giáo Triều tôi. 

Phanxicô

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch, (kèm theo các tiểu đề cho từng phần và những chỗ nhấn mạnh tự ý)

 http://w2.vatican.va/content/francesco/en/apost_letters/documents/papa-francesco_bolla_20150411_misericordiae-vultus.html

 

Dung Nhan của Tình Thương


Đaminh Maria Cao tấn Tĩnh, BVL, Chuyển Dịch, Phân Tích và Tổng Hợp


Dung Nhan của Tình Thương là nhan đề và là tất cả nội dung của Sắc Chỉ mở Năm Thánh Ngoại Lệ về Tình Thương 2016 của Đức Thánh Cha Phanxicô, ban hành Thứ Bảy 11/4/2015, Vọng Lễ Lòng Thương Xót Chúa Chúa Nhật 12/4/2015, Năm Đời Thánh Hiến.

Thật vậy, nếu Chúa Kitô "là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình" (Colose 1:15), "là hiện thân đích thực của bản thể Cha" (Do Thái 1:3), "Đấng tỏ Cha ra" (Gioan 1:18), mà "Thiên Chúa là tình yêu" (1Gioan 4:8,16), thì quả thực “Chúa Giêsu Kitô là dung nhan của tình thương Cha” (đoạn 1)

Thế nhưng, theo chiều hướng của văn kiện mở Năm Thánh Ngoại Lệ về Tình Thương, tựa đề “dung nhan của tình thương”, thì: Đâu là “tình thương Cha” hay tình thương của Thiên Chúa Cha đã được tỏ ra như thế nào? (1), “Chúa Giêsu Kitô là dung nhan của tình thương Cha” ra sao hay ở chỗ nào? (2), và Giáo Hội là Hiền Thê của Chúa Kitô và là Mẹ phải làm sao để có thể chiêm ngắm và làm sáng tỏ Dung Nhan của Tình Thương là Chúa Giêsu Kitô, cách riêng trong Năm Thánh Tình Thương 2016?  (3)

 

1-  THIÊN CHÚA - TÌNH THƯƠNG

Đâu là “tình thương Cha” hay tình thương của Thiên Chúa Cha đã được tỏ ra như thế nào?

 

Đoạn 2:

 

Tình thuơng là một hành động tối hậu và tối cao đưa Thiên Chúa đến gặp gỡ chúng ta... Tình thương là chiếc cầu nối liên kết Thiên Chúa với con người, hướng lòng chúng ta về niềm hy vọng vĩnh viễn được yêu thương bất chấp tội lỗi của chúng ta.  

 

Đoạn 3:

 

Tình thương bao giờ cũng sẽ lớn lao hơn bất cứ tội lỗi nào, và không ai có thể đặt giới hạn cho tình yêu của Thiên Chúa là Đấng hằng sẵn lòng thứ tha.

 

Đoạn 6:

 

Tình thương của Thiên Chúa là dấu hiệu cho quyền toàn năng của Ngài, hơn là một dấu hiệu của những gì là yếu hèn (đoạn 6).

 

Bản tính nhân hậu của Ngài được thể hiện một cách cụ thể nơi nhiều hành động của Ngài dọc suốt giòng lịch sử cứu độ, một giòng lịch sử cho thấy sự thiện hảo của Ngài trổi vượt hơn là trừng phạt và hủy diệt.

 

Đoạn 7:

 

Vì tình thương mà tất cả mọi biến cố trong Cựu Ước đầy những ý nghĩa cứu độ sâu xa. Tình thương làm cho lịch sử của Thiên Chúa với dân do Thái thành một lịch sử cứu độ.

 

Chẳng những trong lịch sử mà còn cho đến đời đời con người bao giờ cũng sẽ ở dưới ánh mắt nhân hậu của Chúa Cha.

 

Đoạn 20:

 

Sự công chính của Thiên Chúa giờ đây trở thành một quyền lực giải phóng cho những ai bị áp bức bởi tình trạng làm nô lệ cho tội lỗi cũng như bởi các hậu quả của tội lỗi. Đức công chính của Thiên Chúa là tình thương của Ngài


Đoạn 21:

Tình thương không phản lại công lý mà thể hiện cách thức Thiên Chúa vươn đến tội nhân, cống hiến họ một cơ hội mới để nhìn lại chính bản thân họ mà hoán cải và tin tưởng.

Nếu Thiên Chúa tự giới hạn mình vào công lý thì Ngài sẽ không còn là Thiên Chúa nữa, trái lại, Ngài sẽ như loài người là thành phần chỉ muốn luật lệ được tôn trọng. 

Thiên Chúa vượt ra ngoài công lý bằng tình thương và sự tha thứ của Ngài.

Công lý của Thiên Chúa là tình thương của Ngài được ban cho hết mọi người như ân sủng xuất phát từ cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô.

Thánh Giá của Chúa Kitô là phán quyết của Thiên Chúa về tất cả chúng ta và toàn thế giới, vì nhờ Thánh Giá mà Người cống hiến cho chúng ta cái vững chắc của tình yêu và sự sống mới. 

 

Đoạn 22:

Tình thương của Thiên Chúa còn mạnh hơn cả tác dụng của tội lỗi nữa. Tình thương này trở thành ân xá về phía Chúa Cha.

 

 2-  CHÚA KITÔ - DUNG NHAN CỦA TÌNH THƯƠNG

“Chúa Giêsu Kitô là dung nhan của tình thương Cha” ra sao hay ở chỗ nào?

 

Đoạn 1:

 

Tình thương đã trở nên sống động và hữu hình nơi Đức Giêsu Nazarét, đạt đến tột đỉnh của mình nơi Người.

 

Đức Giêsu Nazarét là Đấng mạc khải cho thấy tình thương của Thiên Chúa, bằng lời nói của Người, hành động của Người và toàn thể bản thân của Người.

 

Đoạn 8:

Sứ vụ Chúa Giêsu đã lãnh nhận từ Cha là sứ vụ mạc khải tất cả mầu nhiệm tình yêu thần linh.

 

Tình yêu này giờ đây đã trở thành hữu hình và khả giác nơi tất cả cuộc đời trần thế của Chúa Giêsu. Bản thân của Người chẳng là gì khác hơn là tình yêu, một tình yêu được tặng ban một cách nhưng không.

 

Hết mọi sự nơi Người đều nói về tình thương. Không một sự gì nơi Người mà lại trống rỗng lòng cảm thương.

 

Cái đã tác động Chúa Giêsu trong tất cả mọi trường hợp này không là gì khác ngoài tình thương, một tình thương khiến Người biết được tâm can của những ai Người gặp gỡ và đã đáp ứng nhu cầu sâu xa nhất của họ.

 

Đoạn 9:

Trong các dụ ngôn về tình thương, Chúa Giêsu đã mạc khải cho thấy bản tính của Thiên Chúa như là bản tính của một Người Cha không bao giờ bỏ cuộc cho đến khi Ngài tha thứ kẻ lầm đường lỡ bước và chế ngự thái độ tẩy chay bằng lòng cảm thương và tình thương.

 

Trong những dụ ngôn này, Thiên Chúa luôn tỏ ra tràn đầy niềm vui, nhất là khi Ngài tha thứ. Nơi những dụ ngôn ấy, chúng ta thấy được cái cốt lõi của Phúc Âm và của đức tin chúng ta, vì tình thương hiện lên như là một quyền lực thắng vượt hết mọi sự, làm cho tâm can tràn đầy yêu thương và mang lại niềm ai ủi bằng ơn tha thứ. 

 

Đoạn 20:

Tình thương được mạc khải cho thấy như là một khía cạnh chủ chốt nơi sứ vụ của Chúa Giêsu… mối liên hệ Người có với những ai bị lề luật coi là tội nhân làm cho chúng ta nhận thấy được chiều sâu nơi tình thương của Người. 

 

3-  GIÁO HỘI PHẢN ẢNH CHÚA KITÔ LÀ DUNG NHAN CỦA TÌNH THƯƠNG

 

Giáo Hội phải làm sao để có thể chiêm ngắm và làm sáng tỏ Dung Nhan của Tình Thương là Chúa Giêsu Kitô,

cách riêng trong Năm Thánh Tình Thương 2016?

 

Đoạn 3:

Hết mọi Giáo Hội Riêng sẽ trực tiếp tham phần vào việc sống Năm Thánh này như là một thời khắc của ân sủng và canh tân thiêng liêng. Vậy Năm Thánh này sẽ được cử hành cả ở Rôma cũng như ở các Giáo Hội Riêng như một dấu hiệu hữu hình của mối hiệp thông toàn cầu của Giáo Hội. 

Đoạn 10:

Tình thương là chính nền tảng của đời sống Giáo Hội. Tất cả mọi hoạt động mục vụ của Giáo Hội cần phải được gắn bó với niềm êm ái dịu dàng Giáo Hội tỏ ra với các tín hữu; không một sự gì nơi việc giảng dạy của Giáo Hội cũng như nơi chứng từ của Giáo Hội trước thế giới lại có thể vắng bóng tình thương. Chính cái uy tín của Giáo Hội được nhận thấy ở cách thức Giáo Hội tỏ ra cho thấy tình yêu nhân hậu và cảm thương.

Đoạn 12:

Ngôn ngữ của Giáo Hội và cử chỉ của Giáo Hội cần phải truyền đạt tình thương, để có thể chạm đến tâm can của tất cả mọi người và phấn chấn họ một lần nữa trong việc tìm kiếm con đường dẫn về cùng Chúa Cha. 

Sự thật tiên quyết của Giáo Hội là tình yêu của Chúa Kitô. Giáo Hội biến mình trở thành tôi tớ cho tình yêu này và hòa giải nó với tất cả mọi dân tộc: một tình yêu tha thứ và tỏ mình ra nơi việc ban tặng bản thân mình. Nhờ đó, bất cứ Giáo Hội hiện diện ở đâu thì tình thương của Cha cần phải được hiện lộ ở đó.

Đoạn 15:

Trong Năm Thánh này, chúng ta hướng tới cái cảm nghiệm về việc mở lòng của chúng ta ra cho những ai đang sống ở những lề mép xa xôi nhất của xã hội: những lề mép do chính xã hội tân tiến tạo nên. 

Biết bao nhiêu là những tình trạng bất ổn và đau thương trong thế giới ngày nay! Biết bao nhiêu là những thương tích nơi xác thịt của những người không có tiếng nói, vì tiếng kêu la của họ bị bóp nghẹt và nhận chìm bởi thái độ lạnh lùng của kẻ giầu sang phú quí! 

Trong Năm Thánh này, Giáo Hội được kêu gọi hơn nữa trong việc hàn gắn các thương tích ấy, trong việc xoa dịu chúng bằng dầu an ủi, trong việc băng bó chúng bằng tình thương và chữa lành chúng bằng tình liên kết cùng với việc ân cần chăm sóc.

Ước muốn thiết tha của tôi là, trong Năm Thánh này, dân Kitô giáo hãy nghĩ đến các công việc xót thương về thể lý và tâm linh. Nó sẽ là cách để làm cho lương tâm của chúng ta bừng tỉnh lại, một lương tâm đã quá thường trở nên cùn nhụt trước cảnh nghèo khổ. Và chúng ta hãy tiến sâu hơn nữa vào cốt lõi của Phúc Âm là nơi người nghèo có một vị thế đặc biệt nơi tình thương của Thiên Chúa. Chúa Giêsu giới thiệu cho chúng ta những công việc xót thương này trong việc giảng dạy của Người nhờ đó chúng ta có thể biết chúng ta có đang sống như là môn đệ của Người hay chăng.

Chúng ta hãy tái khám phá ra những công việc xót thương về thể lý (theo kinh nguyện Tiếng Việt là Thương Xác 7 Mối): cho k đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới áo mặc, viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc, cho khách đỗ nhà, chuộc kẻ làm tôi, chôn xác kẻ chết. Và chúng ta đừng quên các công việc xót thương về tâm linh (theo kinh nguyện tiếng Việt là Thương Linh Hồn 7 Mối), đó là lấy lời lành mà khuyên người, mở dạy kẻ mê muội, yên ủi kẻ âu lo, răn bảo kẻ có tội, tha kẻ dể ta, nhịn kẻ mất lòng ta, cầu cho kẻ sống và kẻ chết

Đoạn 17:

Mùa Chay trong Năm Thánh này cũng phải được sống một cách tha thiết hơn như là một thời điểm hồng ân để cử hành và cảm nghiệm tình thương của Thiên Chúa. Biết bao nhiêu là đoạn Thánh Kinh thích hợp cho việc suy niệm trong các tuần lễ Mùa Chay để giúp chúng ta tái nhận thức được dung nhan nhân hậu của Chúa Cha! 

Sáng kiến "24 Giờ cho Chúa" được cử hành vào Thứ Sáu và Thứ Bảy trước Tuần Thứ Bốn Mùa Chay, cần phải được áp dụng ở hết mọi giáo phận.

Các vị giải tội được kêu gọi để trở thành dấu hiệu chính yếu của tình thương, trong mọi lúc, hết mọi nơi và trong mọi trường hợp, bất kể. 

Đoạn 18:

Sẽ có những vị linh mục tôi sẽ ban năng quyền để tha thứ những tội cho dù chỉ giành cho Tòa Thánh mới có thẩm quyền, nhờ đó tính cách bao rộng nơi sứ vụ của họ là những vị giải tội được sáng tỏ hơn nữa. Trên hết, họ sẽ là những dấu hiệu sống động của việc Chúa Cha sẵn lòng đón nhận những ai tìm kiếm ơn tha thứ của Ngài.

Xin các vị giám mục cử hành Bí Tích Hòa Giải với dân chúng của mình để thời điểm ân sủng được Năm Thánh cống hiến trở thành khả dĩ cho nhiều con cái nam nữ của Thiên Chúa trong việc tiếp tục lại cuộc hành trình về nhà Cha.

Đoạn 20:

Luật sống cho các môn đệ của Người là cần phải lấy tình thương làm chính, như chính Chúa Giêsu đã thể hiện bằng việc cùng ăn với các tội nhân.

Đoạn 22:

Việc sống ân xá của Năm Thánh nghĩa là việc tiến đến với tình thương của Chúa Cha bằng niềm tin tưởng rằng ơn tha thứ của Ngài bao gồm trọn cuộc đời của tín hữu.

Đoạn 25:

Năm Thánh Ngoại Lệ này, một năm giành để sống tình thương được Chúa Cha liên lỉ bao gồm tất cả chúng ta, trong đời sống hằng ngày của chúng ta. Trong Năm Thánh này, chúng ta hãy để cho Thiên Chúa làm cho chúng ta ngỡ ngàng. 

Giáo Hội cảm thấy nhu cầu khẩn trương cần phải loan báo tình thương của Thiên Chúa. Đời sống của Giáo Hội chân thực và có uy tín chỉ khi nào Giáo Hội trở thành một sứ giả thuyết phục của tình thương.

Giáo Hội biết rằng công việc chính yếu của Giáo Hội, nhất là ở một thời điểm đầy những niềm hy vọng lớn lao cùng với các dấu hiệu mâu thuẫn, là mang hết mọi người đến với mầu nhiệm tình thương cao cả của Thiên Chúa, bằng việc chiêm ngắm dung nhan của Chúa Kitô.

Giáo Hội được kêu gọi trước hết trở thành một chứng nhân khả tín cho tình thương, tuyên xưng tình thương và sống tình thương như là cốt lõi của những gì Chúa Giêsu Kitô mạc khải. 

Chớ gì Giáo Hội không bao giờ mệt mỏi trong việc làm cho tình thương vươn dài mở rộng, và hằng nhẫn nại cống hiến lòng cảm thương và niềm an ủi.