Tổng Kết

 

“Sửa Soạn Thế Giới

cho Lần Đến Cuối Cùng của Cha”

 

 

 

Đ

ể kết thúc tập sách nhỏ này về vị giáo hoàng của “Phúc Âm Sự Sống – Evangelium Vitae” đối với thế giới tân tiến ngày nay, cũng là vị giáo hoàng của “Giáo Hội sống bởi Thánh Thể – Ecclesia de Eucharistica” đối với Giáo Hội của ngàn năm thứ ba, không thể không nói đến mối liên hệ chặt chẽ giữa ngài và Mẹ Maria.

 

Không phải chỉ ở chỗ ngài đã chọn khẩu hiệu giáo hoàng (chưa từng có trong lịch sử giáo hội) của ngài về Mẹ theo Thánh Long Mộng Phố (Louis Montfort): “Totus Tuus ego sum – Con hoàn toàn thuộc về Mẹ”, mà còn ở chỗ cuộc đời của ngài đã được gắn liền với Biến Cố Fatima nói chung và Bí Mật Fatima nói riêng, một mối liên hệ chẳng những dính dáng tới lịch sử thế giới mà còn tới Lòng Thương Xót Chúa, tới sứ vụ là “ánh sáng phát hiện từ Balan để sửa soạn thế giới cho lần đến cuối cùng của Cha” của ngài.

Mối liên hệ giữa Đức Gioan Phaolô II và Đức Mẹ Fatima được thể hiện qua những sự kiện sau đây:

 

Biến Cố Fatima có liên hệ mật thiết tới hòa bình thế giới nói chung và Nước Nga theo chủ nghĩa cộng sản nói riêng.

 

Ở chỗ:

 

Thứ nhất, Đức Mẹ đã chọn thời điểm hiện ra ở Fatima từ tháng 5 đến tháng 10/1917, giữa thời khoảng biến chuyển ở Nga, vì Lenin từ ngoại quốc về nước (Nga) vào tháng 4/1917 và Cách Mạng Tháng Mười thành công vào tháng 11/1917;

 

Thứ hai, Bí Mật Fatima, phần thứ hai đã nói rõ ràng “Nước Nga sẽ reo rắc lầm lạc khắp nơi, gây chiến tranh và bắt bớ Giáo Hội… Đức Thánh Cha sẽ hiến dâng Nước Nga, Nước Nga sẽ trở lại và thế giới sẽ được hưởng một thời gian hòa bình”;

 

Thứ ba, Bí Mật Fatima, phần thứ ba, là một thị kiến, đã cho thấy hình ảnh của những gì đã được Đức Mẹ tiên báo về Nước Nga ở phần Bí Mật Fatima thứ hai trên đây, trong đó, vị giám mục mặc áo trắng (tức đức giáo hoàng) bị sát hại;

 

Thứ bốn, điều kiện để “thế giới được hưởng một thời gian hòa bình” là Nước Nga trở lại.

 

Ngoài ra, Sứ Điệp Fatima còn mở màn và chất chứa tất cả Lòng Thương Xót Chúa nữa:

 

Trước hết, ở lời cầu “Lạy Chúa Giêsu xin Chúa tha tội chúng con, xin cứu chúng con khỏi lửa hỏa ngục, xin đem các linh hồn lên thiên đàng, nhất là những linh hồn cần đến lòng Chúa thương xót hơn”, Lời Nguyện Mân Côi Fatima được Mẹ Maria, sau khi tiết lộ Bí Mật Fatima cho ba em thiếu nhi Lucia, Phanxicô và Giaxinta biết vào lần hiện ra thứ ba 13/7/1917, bảo các em đọc sau mỗi chục Kinh Mân Côi;

 

Sau nữa, ở lời Mẹ Maria cho ba em thiếu nhi Fatima này biết vào lần hiện ra thứ 4, 19/8/1917 rằng: “Các con hãy cầu nguyện, hãy cầu nguyện thật nhiều và hãy hy sinh cho các tội nhân; vì nhiều linh hồn bị sa hỏa ngục vì không có ai chịu hy sinh cầu nguyện cho họ”;

 

Sau hết, ở lời Mẹ Maria thảm thiết kêu gọi để kết thúc Biến Cố Fatima vào lần hiện ra cuối cùng 13/10/1917, đó là “Đừng xúc phạm đến Chúa là Thiên Chúa của chúng ta nữa, vì Người đã bị xúc phạm đến nhiều lắm rồi”.

 

Riêng lời kêu gọi cuối cùng kết thúc Biến Cố Fatima 1917 này, một lời kêu gọi đã liên hệ chẳng những với những gì xẩy ra trước năm 1917 mà còn xẩy ra sau năm 1917 nữa.

 

Trước năm 1917, lời Đức Mẹ kêu gọi “Đừng xúc phạm đến Chúa là Thiên Chúa của chúng ta nữa, vì Người đã bị xúc phạm đến nhiều lắm rồi” là lời kêu gọi liên quan đến Chúa Giêsu Thánh Thể, Đấng đã được Thiên Thần Hòa Bình hiện ra với 3 em Thiếu Nhi Fatima vào năm 1916 ba lần: lần nhất vào mùa xuân để dạy cho các em biết cầu nguyện với Chúa Giêsu Thánh Thể, lần hai vào mùa hè để dạy cho các em biết hy sinh cho Chúa Giêsu Thánh Thể, và lần thứ ba vào mùa thu để dạy cho các em biết đền tạ Chúa Giêsu Thánh Thể.

Sau năm 1917, lời Đức Mẹ kêu gọi “Đừng xúc phạm đến Chúa là Thiên Chúa của chúng ta nữa, vì Người đã bị xúc phạm đến nhiều lắm rồi” liên quan đến Lòng Thương Xót của Chúa Giêsu Thánh Thể, như nữ tu Lucia, em thiếu nhi Fatima thụ khải còn sống sót đã được thị kiến thấy trong giờ chầu Thánh Thể về đêm (từ 11 đến 12 giờ khuya) của mình trong nguyện đường của nhà dòng Đorôthêu của chị ở Tuy, Tây Ban Nha, ngày 13/6/1929.

 

Theo chị kể lại thì khi chị đang giang tay cầu nguyện, đột nhiên, cả nhà nguyện bừng sáng, không còn lờ mờ với ngọn đèn chầu nhà tạm nữa. Một thánh giá bằng ánh sáng hiện ra trên bàn thờ cao lên tới trần nhà nguyện. Phần trên của cây thánh giá sáng hơn, có dung nhan cùng với thân mình của một người từ cạnh sườn trở lên; trên ngực của người này có một con chim câu bằng ánh sáng; bị đóng đanh vào thập giá là thân mình của một người khác. Dưới cạnh sườn chút xíu, có một chén thánh và một bánh thánh lớn lơ lửng trên không trung. Những giọt máu từ mặt của Chúa Giêsu Tử Giá và từ cạnh sườn của Người chảy xuống bánh thánh và nhỏ vào chén thánh. Bên phải cây thánh giá là Đức Mẹ với Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội ở trong tay Mẹ. Bên trái cây thánh giá có những chữ lớn như thể bằng nước trong như thủy tinh chảy xuống trên bàn thờ làm thành những chữ: "Ân Sủng và Tình Thương".

 

Như thế, nếu Biến Cố Fatima là biến cố liên quan tới hòa bình thế giới nói chung và Nước Nga theo chủ nghĩa cộng sản nói riêng, và Sứ Điệp Fatima là sứ điệp về Thánh Thể và Lòng Thương Xót Chúa, thì Đức Gioan Phaolô II quả thực đã có một liên hệ hết sức mật thiết với Đức Mẹ Fatima, ở những điểm trùng hợp sau đây:

 

Thứ nhất, nếu Biến Cố Fatima liên quan tới Nước Nga và cộng sản thì vị giáo hoàng này đã không đột xuất từ một nước Balan theo cộng sản vì đã bị quan thày Nga “gieo rắc lầm lạc” hay sao! Phải chăng Thiên Chúa quan phòng, Đấng làm chủ lịch sử loài người, đã chẳng có ý chọn ngài vào thời điểm ấn định để dẹp bỏ cộng sản Âu Châu?

 

Thứ hai, nếu Bí Mật Fatima, ở phần thứ hai đã báo trước là “Đức Thánh Cha sẽ hiến dâng nước Nga”, và ở phần thứ ba đã cho thấy vị giám mục mặc áo trắng bị sát hại, thì không phải vị giám mục Rôma duy nhất trên thế giới mặc áo trắng ấy là giáo hoàng Gioan Phaolô II đã bị ám sát tại Quảng Trường Thánh Phêrô vào ngày 13/5/1981, đúng vào ngày kỷ niệm Mẹ Maria hiện ra ở Fatima lần đầu tiên vào năm 1917 hay sao, một biến cố làm cho ngài đã hiến dâng Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ vào ngày 25/3/1984, theo đúng như cách thức Thiên Chúa muốn, như Mẹ Maria đã tỏ cho chị Lucia biết từ ngày 13/6/1929, điều chị cũng đã đệ trình Đức Piô XII qua thư đề ngày 24/10/1940?

 

Thứ ba, nếu Sứ Điệp Fatima liên quan đến Chúa Giêsu Thánh Thể (13/7,18/9,13/10/1917) và về Lòng Thương Xót Chúa (thị kiến 13/6/1929), thì vị giáo hoàng thứ tha cho kẻ sát hại mình và xin ân xá cho kẻ sát hại ấy, vị giáo hoàng đã thực hiện việc xin lỗi và tha lỗi vào Ngày Tha Thứ 12/3/2000, đã không mở Năm Mân Côi (16/10/2002-19/10/2003) để cùng Mẹ Maria chiêm ngưỡng dung nhan Chúa Kitô qua các Mầu Nhiệm Mân Côi (xem Tông Thư Kinh Mân Côi Trinh Nữ Maria, khoản số 3), kể cả 5 Mầu Nhiệm Mân Côi Ánh Sáng mới được ngài thêm vào (xem cùng Tông Thư, đoạn 21), nhất là cùng Mẹ chiêm ngưỡng Người trong Năm Thánh Thể (10/10/2004-29/10/2005), một mầu nhiệm Thánh Thể phát xuất từ tình thương vô biên của Thiên Chúa, một Lòng Thương Xót Chúa đã được ngài chính thức kêu gọi cả Giáo Hội tôn thờ và tin tưởng khi thêm vào Chúa Nhật Thứ Hai Phục Sinh ý nghĩa Lòng Thương Xót Chúa, theo đúng như ý muốn Chúa Giêsu đã yêu cầu chị Faustina xin với Giáo Hội làm như thế.

 

Nếu vị giáo hoàng đến “từ một xứ sở xa xăm” này, qua 26 năm rưỡi, đã làm hết sức để chu toàn ơn gọi cũng là sứ vụ của mình trong việc mang con người về với Lòng Thương Xót Chúa, thì quả thực ngài đã dọn đường cho “lần đến cuối cùng” của “Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần”, Đấng “đến thế gian lần thứ hai không phải để xóa tội lỗi nữa mà là để cứu những ai thiết tha trông đợi Người” (Heb 9:28), Đấng đã báo trước cho chị Thánh Faustina biết rõ dấu hiệu của ngày cùng tháng tận như sau: 

 

·         "Hãy nói cho thế giới biết về tình thương của Cha; tất cả loài người hãy nhân biết tình thương khôn dò của Cha. Đó là dấu hiệu cho ngày cùng tháng tận; sau đó sẽ là ngày của công lý - Speak to the world about My mercy; let all mankind recognize My unfathomable mercy. It is a sign for the end times; after it will come the day of justice” (Chúa Giêsu với chị Thánh Maria Faustina: Nhật Ký, 848)

 

Chẳng những chính Vị Chủ Chăn Tối Cao của Giáo Hội là vị giáo hoàng Gioan Phaolô II đi khắp thế giới để loan truyền Tin Mừng Sự Sống là Lòng Thương Xót Chúa, mà cả thành phần chi thể của Giáo Hội nữa, điển hình nhất là Mẹ Têrêsa Calcutta, vị sáng lập hội dòng Chư Thừa Sai Bác Ái, phục vụ thành phần nghèo nhất trong những người nghèo, căn cứ vào Lời Chúa dạy ai phục vụ anh chị em hèn mọn nhất của Chúa Kitô là làm cho chính Chúa.

 

Nơi Mẹ Têrêsa Calcutta và Đức Gioan Phaolô II, chúng ta thấy được những dấu chỉ thời đại về “lần đến cuối cùng của Cha” như thế này: Nơi Mẹ Têrêsa, niềm tin phục vụ cho anh chị em hèn mọn nhất tức làm cho chính Chúa Kitô là những gì được Vị Thẩm Phán sẽ đến trên mây trời sử dụng để phán xét nhân loại trong cuộc chung thẩm (x Mt 25:40,45); và nơi Đức Gioan Phaolô II, vấn đề thần học về thân thể (theology of body) được ngài quảng diễn trong loạt bài giáo lý về nhân loại học siêu nhiên liên quan đến chủ đề “tình yêu và trách nhiệm” mở màn cho giáo triều của ngài, từ ngày 5/9/1979 đến 21/11/1984, một thân thể liên quan tới niềm tin xác sống lại để chịu phán xét (x.2Cor 5:10), tới sự cứu độ của xác thể (x Rm 8:23).

 

Tóm lại, nếu đối nội, Đức Gioan Phaolô II là vị giáo hoàng được chúa chọn để dẫn Giáo Hội tiến vào ngàn năm thứ ba Kitô giáo bằng cách bước qua ngưỡng cửa Đại Năm Thánh 2000, thì đối ngoại, Đức Gioan Phaolô II, vị giáo hoàng của “Giáo Hội trong thế giới tân tiến”, mang “vui mừng và hy vọng” là “Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần” đến cho một thế giới tân tiến nhưng lại đầy lo âu và nguy biến tự diệt trong nền văn hóa sự chết, bằng cách, qua các giáo huấn đầy “Phúc Âm Sự Sống” cùng với những cuộc tông du khắp nơi trong tinh thần đại kết toàn cầu, đã luôn kêu gọi con người đừng sợ mà hãy mở cửa cho Chúa Kitô, nghĩa là hãy tin vào Lòng Thương Xót Chúa, đúng như những gì ngài đã kêu gọi con người ngay khi mở màn cho giáo triều của ngài, những lời ngài đã lập lại nhân dịp mừng ngân khánh giáo hoàng 25 năm của ngài:

 

·         “Đừng sợ tiếp đón Chúa Kitô và chấp nhận quyền bính của Người! Hôm nay đây, Tôi mạnh mẽ lập lại là: Hãy mở cửa, hãy mở rộng của cho Chúa Kitô! Hãy để cho Người hướng dẫn anh chị em! Hãy tin tưởng vào tình yêu của Người!”

 

Bởi vì, theo ngài:

 

1.       ‘Nhân loại sẽ không bao giờ tìm thấy hòa bình, cho đến khi họ tin tưởng quay về với Lòng Thương Xót Chúa’ (Thánh Faustina, Diary, trang 132). Lòng Thương Xót Chúa! Đó là quà tặng Phục Sinh Giáo Hội đã nhận được từ Chúa Kitô phục sinh để cống hiến cho loài người vào lúc rạng động của một thiên kỷ” (bài giảng Lễ Chúa Tình Thương 2001 của ĐTC GPII).

 

2.       “Hôm nay đây chúng ta dường như được kêu gọi đặc biệt để loan báo sứ điệp này trước thế giới. Chúng ta không thể lơ là với sứ vụ này, nếu chính Thiên Chúa đã kêu gọi chúng ta thực hiện sứ vụ này qua chứng từ của Thánh Nữ Faustina. Thiên Chúa đã chọn thời đại của chúng ta cho mục đích này” (bài giảng Lễ Phong Chân Phước cho 4 vị đồng hương Balan năm 2002 trong chuyến về nước thứ 8 cũng là lần về quê hương cuối cùng của vị giáo hoàng người Balan).

 

3.       Sứ điệp tình yêu nhân hậu cần được vang vọng một cách mạnh mẽ một lần nữa. Thế giới cần đến thứ tình yêu này. Đã đến thời giờ cần phải mang sứ điệp của Chúa Kitô đến cho mọi người: cho các kẻ trị vì và thành phần bị áp bức, cho những ai có bản tính và phẩm vị bị tiêu ma trong mầu nhiệm lỗi lầm. Đã đến thời giờ sứ điệp Lòng Thương Xót Chúa có thể làm cho các tâm hồn tràn đầy hy vọng và trở nên tia sáng cho một nền văn minh mới, một nền văn minh yêu thương” (bài giảng Lễ Phong Chân Phước cho 4 vị đồng hương Balan năm 2002, cũng trong chuyến thăm quê hương lần cuối cùng trên đây).

 

Đó là lý do, theo di chúc hay ước nguyện cuối cùng của mình trong sứ điệp cho Chúa Nhật Kính Chúa Tình Thương 3/4/2005 khi ngài vừa nằm xuống vào đêm áp lễ được ngài thiết lập trong Năm Thánh 2000, ĐTC GPII, vị giáo hoàng của “Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần – Redemptor Hominis”, thực sự muốn để lại cho cả Giáo Hội lẫn toàn thể nhân loại, “một nhân loại có những lúc dường như bị lạc mất và bị thống trị bởi quyền lực sự dữ, cái tôi và sợ hãi”, đó là “thế giới này cần phải hiểu biết và chấp nhận Lòng Thương Xót Chúa biết bao!” Thế nhưng, để được như vậy, để nhân loại có thể “chấp nhận Lòng Thương Xót Chúa”, Giáo Hội nói chung và vị tân giáo hoàng nói riêng, phải trở thành Tông Đồ của Lòng Thương Xót Chúa, nhờ “việc chiêm ngưỡng mầu nhiệm vĩ đại của tình yêu nhân hậu xuất phát từ thánh tâm Chúa Giêsu này bằng ánh mắt của Mẹ Maria”.

 

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

Khởi viết Chúa Nhật Lễ Chúa Tình Thương 3/4/2005,

Kết thúc Chúa Nhật V Phục Sinh 24/4/2005,
Lễ Đăng Quang Đức Tân Giáo Hoàng Biển Đức XVI