Điện Lưới Toàn Cầu: Một Nơi Diễn Đàn Mới Cho Việc Truyền Bá Phúc Âm.

(Sứ Điệp của ĐTCGPII cho Ngày Thế Giới Truyền Thông Thứ 36 được cử hành vào ngày 12/5/2002)

Sứ điệp này của ĐTC Gioan Phaolô II được ban bố bằng 6 thứ tiếng phổ thông nhất Âu Châu là Tây Ban Nha, Anh, Pháp, Ý, Đức và Bồ Đào Nha. Sau đây là một số đoạn trọng yếu trong sứ điệp này:

Qua mọi thời đại, Giáo Hội vẫn tiếp tục công việc đã được khởi sự từ Ngày Lễ Ngũ Tuần, ngày mà Các Tông Đồ, theo quyền năng của Chúa Thánh Thần, tuôn ra các đường phố ở Giêrusalem để rao giảng Phúc Âm của Chúa Giêsu Kitô bằng nhiều thứ tiếng. Qua các thế kỷ sau đó, công cuộc truyền bá phúc âm hóa này đã được lan tới tận cùng trái đất, khi Kitô giáo ăn rễ vào nhiều nơi và nói được những thứ tiếng khác nhau trên thế giới.

“Thế nhưng, lịch sử của việc truyền bá phúc âm hóa không phải chỉ là vấn đề giành dân chiếm đất, vì Giáo Hội cũng cần phải vượt qua cả những ngưỡng cửa của nhiều thứ văn hóa nữa… Thời của những đại khám phá, Thời Phục Hưng và thời sáng chế ra máy in, thời Cách Mạng Kỹ Nghệ và thời ra đời của thế giới tân tiến: cả những thời này nữa cũng là những thời điểm mở màn đòi phải có những hình thức mới cho việc truyền bá phúc âm hóa. Hiện nay, Giáo Hội đang hiển nhiên đứng tại một cửa ngỏ quan trọng nữa, ngay trước cuộc cách mạng nở rộ của các phương tiện truyền thông và tín liệu. Bởi thế, việc chúng ta phải suy nghĩ về đề tài ‘Điện Lưới Toàn Cầu: Một Nơi Diễn Đàn Mới Cho Việc Truyền Bá Phúc Âm’ thật là xứng hợp cho Ngày Thế Giới Truyền Thông 2002 này.

“Ngành Điện Lưới Toàn Cầu quả thực là một ‘diễn đàn’ mới, được hiểu theo ý nghĩa của người Rôma xưa về một công khoảng (public space)… Nó là một thứ công khoảng của phố thị đông đảo và nhộn nhịp, một nơi qui tụ văn hóa chung quanh và cũng là nơi tạo nên một thứ văn hóa cho riêng mình nữa. Công khoảng này cũng thích hợp với thông khoảng (cyberspace), một khoảng không gian truyền thông quả thực là một biên giới mới được mở ra vào lúc khai mào cho một tân thiên niên kỷ đây… Đối với Giáo Hội thì thế giới mới của thông khoảng này là một lời hiệu triệu hãy xông pha hơn nữa trong việc sử dụng khả năng của nó để loan báo sứ điệp Phúc Âm.

“Giáo Hội có một thái độ thực tiễn và tin tưởng đối với loại phương tiện mới này. Cũng như những phương tiện truyền thông đại chúng khác, nó chỉ là một phương tiện chứ tự mình nó không phải là cùng đích. Ngành Điện Lưới Toàn Cầu có thể cống hiến những cơ hội cả thể cho việc truyền bá phúc âm hóa, nếu nó được sử dụng một cách thích hợp vớ ý thức rõ ràng về những ưu điểm và yếu điểm của nó. Trước hết, bằng việc cung cấp tin tức và khêu gợi thích thú, nó làm cho sứ điệp Kitô giáo được gặp gỡ vào bước đầu, nhất là nơi giới trẻ, thành phần càng ngày càng tìm đến với thế giới của thông khoảng như cửa sổ mở ra trước thế giới này. Bởi thế, cộng đồng Kitô hữu cần phải nghĩ đến những đường lối hết sức cụ thể trong việc giúp cho những ai, nhờ phương tiện Điện Lưới Toàn Cầu, mới bắt đầu đi từ thế giới hiển thị của thông khoảng sang thế giới thực sự của cộng đồng Kitô giáo.

“Ở vào giai đoạn sau đó, phương tiện Điện Lưới Toàn Cầu còn có thể giúp cho cả vấn đề bổ túc hậu lai cần phải có đối với việc truyền bá phúc âm hóa nữa… Trên Mạng Điện Lưới đã có vô vàn các nguồn tin liệu, tài liệu và giáo liệu về Giáo Hội, về lịch sử và truyền thống của Giáo Hội, về tín lý cũng như hoạt động của Giáo Hội trong mọi lãnh vực ở tất cả mọi phần đất trên thế giới. Như thế, hiển nhiên là phương tiện Điện Lưới Toàn Cầu… chắc chắn có thể góp phần vào việc phụ cấp và nâng đỡ một cách chuyên biệt, chẳng những cho việc sửa soạn để gặp gỡ Chúa Kitô nơi cộng đồng, mà còn cho cả việc bảo trì tín hữu mới trong giai đoạn khởi sự của cuộc hành trình đức tin nữa.

“Tuy nhiên, cũng có một số vấn đề cần thiết phát xuất từ việc sử dụng phương tiện Điện Lưới Toàn Cầu cho việc truyền bá phúc âm hóa. Bản tính của phương tiện Điện Lưới Toàn Cầu thật ra là ở chỗ cung cấp hầu như tràn ngập vô tận các tín liệu mà đa số những tín liệu này qua đi trong khoảnh khắc. Nơi một nền văn hóa sống nhờ tình trạng thoáng hiện này, chúng ta có thể sẽ dễ bị nguy hiểm ở chỗ tin rằng dữ kiện mới quan trọng, chứ không phải giá trị… Cho dù nó có rất nhiều khả năng đem lại lợi ích, ai cũng thấy phương tiện Điện Lưới Toàn Cầu có thể được sử dụng vào những việc hạ cấp và tác hại, chính quyền phải có trách nhiệm bảo đảm việc phục vụ công ích và bất phương hại của phương tiện hay ho lạ lùng này. 

“Chưa hết, phương tiện Điện Lưới Toàn Cầu còn thay đổi tận gốc rễ mối liên hệ nơi tâm lý của con người đối với thời gian và không gian nữa. Người ta chỉ chú trọng đến những gì là cụ thể, hữu ích, tiện lợi tức thời; họ bị hụt hẫng mất động lực trầm tư mặc tưởng… Việc hiểu biết và khôn ngoan là hoa trái của ánh mắt chiêm ngưỡng thế giới, chứ không phát xuất thuần túy từ một đống dữ kiện… Chúng là hoa trái của một minh thức thấu nhập ý nghĩa sâu xa của những sự vật liên hệ với nhau cũng như với toàn khối thực tại. Hơn nữa, là một diễn đàn được thực tế cho thấy mọi sự đều khả chấp và hầu như không có gì là bền bỉ, phương tiện Điện Lưới Toàn Cầu hướng chiều theo đường lối tương đối về tư duy, đôi khi gieo mầm mống thoát ly trách nhiệm và việc dấn thân nơi cá nhân mỗi người.

“Nhờ phương tiện Điện Lưới Toàn Cầu, con người đã tăng gấp bội những mối giao tiếp của mình bằng những đường lối bất khả tưởng cho thấy những cơ hội tuyệt vời để truyền bá Phúc Âm, đó là một sự thật. Thế nhưng, cũng thật nữa là, những mối liên hệ qua trung gian điện tử ấy không bao giờ có thể thay thế cho việc trực hệ giao tiếp của con người đối với việc truyền bá phúc âm hóa đích thực. Vì việc truyền bá phúc âm hóa bao giờ cũng tùy thuộc vào chứng từ bản thân của con người được sai đi truyền bá phúc âm hóa. Giáo Hội làm cách nào để có thể đem thứ giao tiếp được thực hiện bằng phương tiện Điện Lưới Toàn Cầu này tới tình trạng hiệp thông sâu xa hơn theo đòi hỏi của việc loan báo Kitô giáo đây? Chúng ta làm cách nào lợi dụng việc giao tiếp và trao đổi tín liệu ban đầu được thực hiện bởi phương tiện Điện Lưới Toàn Cầu này đây?

“Cuộc cách mạnh điện tử nắm chắc trong tay những hứa hẹn huy hoàng sáng lạn cho cuộc phát triển thế giới; thế nhưng, cũng có thể xẩy ra là nó thực sự làm cho những chênh lệch hiện tại đến mức thái quá, một khi khoảng cách về tín liệu và những việc truyền thông nới rộng ra. Chúng ta làm sao để bảo đảm là cuộc cách mạng tín liệu và những việc truyền thông lấy phương tiện Điện Lưới Toàn Cầu làm guồng máy chính sẽ hoạt động thuận lợi cho việc toàn cầu hóa tình trạng phát triển và đoàn kết của con người, một tình trạng phát triển và đoàn kết là mục tiêu gắn liền với sứ vụ truyền bá phúc âm hóa của Giáo Hội?... Chúng ta làm sao có thể bảo đảm là phương tiện hay ho, thoạt tiên được sáng chế ra liên quan đến những việc làm thuộc lãnh vực quân sự này, giờ đây quay ra phục vụ cho hòa bình? Nó có thuận lợi cho văn hóa của đối thoại, của dự phần, của đoàn kết và của hòa giải là những gì bất khả thiếu cho hòa bình triển nở chăng? Giáo Hội tin rằng nó có thể; và để bảo đảm đó là những gì phải xẩy ra, Giáo Hội, được trang bị với Phúc Âm Chúa Kitô, Hoàng Tử Hòa Bình, đã cương quyết nhập cuộc diễn đàn mới này.

“Cả hằng tỉ hình ảnh xuất hiện trên hằng triệu màn ảnh điện toán khắp thế giới qua phương tiện Điện Lưới Toàn Cầu. Trong giải ngân hà hình ảnh và âm thanh này liệu có hiện lên dung nhan của Chúa Kitô và liệu có nghe thấy lời của Người hay chăng? Vì chỉ khi nào thấy được dung nhan của Ngừời và nghe được tiếng của Người thế giới mới biết được tin mừng cứu độ của chúng ta… Bởi thế, trong Ngày Thế Giới Truyền Thông này, Tôi dám lên tiếng mời toàn thể Giáo Hội hãy can đảm vượt qua ngưỡng cửa mới này, để thả Lưới sâu hơn, nhờ đó, lúc này đây cũng như trong quá khứ, việc liên hệ sâu xa giữa Phúc Âm và văn hóa có thể tỏ cho thế giới thấy ‘vinh quang của Thiên Chúa trên dung nhan Chúa Kitô’”.

(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ VIS Thứ Ba 22/1/2002)