THẾ GIỚI VĂN MINH - CON NGƯỜI BUỒN CHÁN
Hội Nghị Quốc Tế về Tâm Trạng Buồn Chán
Thứ Tư 12/11/2003, tại văn phòng báo chí của Tòa Thánh, ĐHY Javier Lozano Barragan, chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh lo Thừa Tác Vụ Chăm Sóc Sức Khỏe, cùng với hai vị Thư Ký và Phó Thư Ký của mình là ĐGM Jose Luis Redrado, O.O, và linh mục Felice Ruffini, M.I, đã phổ biến chương trình của Hội Nghị Lần Thứ XVIII do phân bộ tòa thánh này tổ chức, một hội nghị năm nay, được diễn tiến 3 ngày 13-15/11/2003 ở Vatican, sẽ bàn về chủ đề tình trạng buồn chán. Trong số tham dự viên ở tại văn phòng báo chí Tòa Thánh này còn có các vị giáo sư và các nhà tâm thần trên khắp thế giới, trong đó có cả ông Benedetto Saraceno, giám đốc phân bộ Bệnh Tâm Thần của cơ quan sức khỏe thế giới WHO (World Health Organization).
ĐHY chủ tịch cho biết là phân bộ của ngài có nhiệm vụ phải làm quen với những chứng bệnh của thời đại hiện nay, mà “một trong những chứng bệnh quan trọng là tâm trạng buồn chán. Chứng bệnh buồn chán này được xếp vào một trong những bệnh ‘sát hại’ chính của thời đại chúng ta”.
Căn cứ vào nhận định về một thứ văn hóa hiện đại “rỗng tuyếch giá trị, chạy theo phúc lợi và thoả mãn, lấy lợi lộc về kinh tế làm mục đích tối hậu”, ĐHY cho biết con người “vẫn không thể nào thoát khỏi ma quái tử thần”, mặc dù họ đạt được những tiến bộ về kỹ thuật và khám phá về khoa học. Nỗi buồn phiền và lo sợ bị hủy diệt vẫn chi phối họ. ĐHY xác nhận sự kiện chết là “một nguy hiểm gây ra sợ hãi có thể biến thành tâm trạng buồn chán dưới mọi hình thức. Đó là lý do tại sao chúng tôi nghĩ rằng cần phải suy nghĩ sâu xa hơn về chứng bệnh này”.
Theo vị chủ tịch hồng y, trong cuộc hội nghị được chia làm 3 ngày này, chủ đề về tâm trạng buồn chán trong thế giới tân tiến hiện nay, ở ngày thứ nhất, sẽ được khảo sát bởi những bài trình bày qua những đề tài như: tâm trạng buồn chán giữa bồn chồn và bệnh nạn; tâm trạng buồn chán và tình trạng khủng hoảng đạo nghĩa; cuộc khủng hoảng tự tử; truyền thông và tình trạng căng thẳng tăng phát. Ở ngày thứ hai, các đề tài sẽ được bàn đến là: lịch sử của tâm trạng buồn chán; tâm trạng buồn chán, những qui chiếu luân lý chủ quan và khách quan; việc phủ nhận đau khổ; việc tìm kiếm phúc lợi bản thân; ý nghĩa về tâm trạng buồn chán và cảm giác bồn chồn theo quan điểm Do Thái, Hồi Giáo, Ấn Giáo và Phật Giáo. Vào ngày thứ ba, các đề tài còn lại là: việc tiếp nhận thành phần bị buồn chán nơi môi trường y khoa và y viện; vai trò của gia đình với tâm trạng buồn chán; vấn đề chăm sóc mục vụ và tâm linh cần cho thành phần bị buồn chán và nhu cầu chăm sóc mục vụ về đức tin Kitô giáo cùng lòng tin tưởng để sống.
Hội Nghị Quốc Tế về Tâm Trạng Buồn Chán: lý do và phương dược cứu chữa
Trong phần mở đầu của hội nghị quốc tế về tâm trạng buồn chán hôm nay, Thứ Năm 13/11/2003, ĐHY José Saraiva Martins, chủ tịch Thánh Bộ Điều Tra Phong Thánh đã cho biết những hình thức liên quan đến tâm trạng buồn chán đã được Thánh Kinh đề cập đến:
“Buồn phiền, thiếu phấn khởi, giảm hoạt năng, khó ngủ, sút cân, cảm giác tội lỗi, ý nghĩ tự tử, muốn khóc” là những triệu chứng được thấy trong sách thánh. Nếu nhân loại học theo thánh kinh đã biết về hiện tượng của tâm trạng buồn chán này thì chúng ta có thể đặt vấn đề đâu là những câu trả lời cho vấn đề này từ sách thánh. Những câu trả lời ở nơi một số niềm xác tín nồng cốt như phương dược chữa trị, niềm xác tín đó là con người luôn được Thiên Chúa yêu thương và cảm mến, là Thiên Chúa hằng gần gũi họ, và thế gian không thù hằn họ mà là tốt lành với họ. Con người chịu đựng khổ đau hoan hưởng một vị thế ân huệ theo nhân loại học Thánh Kinh cũng như theo sứ điệp Kitô giáo. Thiên Chúa không quên lãng bệnh nhân, hơn thế nữa, họ còn là tâm điểm tình yêu thương cảm của Ngài”.
Cha Tony Anatrella, một nhà phân tâm và là một bác sĩ tâm thần ở Paris, đã cho biết “tâm trạng buồn chán hiện nay cho thấy một thực tại sâu xa hơn đang chiếm được chỗ đứng nơi nhân loại cũng như đang được bộc lộ bằng việc loại bỏ ý định muốn sống. Con người không buồn vì lý do nào ngoài bản thân mình, vì tình trạng bất ổn nội tâm và vì tình trạng con người không được hoàn trọn. Con người ngày nay cũng như ngày hôm qua cảm nghiệm được nhu cầu cần phải học yêu mến cuộc sống để hoàn trọn bản thân nơi nhân tính của mình cũng như để khám phá ra ý nghĩa nơi cuộc hiện hữu của họ”.
Hội Nghị Quốc Tế về Tâm Trạng Buồn Chán được kết thúc vào Thứ Bảy này đang chú trọng đến hai đề tài: “Ánh sáng đức tin nơi thế giới buồn chán” và “Những gì cần phải làm để thoát được ngõ cụt của tầm trạng buồn chán”
ĐTC với Hội Nghị Quốc Tế về Tâm Trạng Buồn Chán
Sáng Thứ Sáu, 14/11/2003, ĐTC đã tiếp các tham dự viên Hội Nghị Quốc Tế Lần Thứ 18, chủ đề về Tâm Trạng Buồn Chán, do Hội Đồng Tòa Thánh Về Tác Vụ Chăm Sóc Sức Khỏe tổ chức tại Vatican, từ ngày 12-15/2003. Trong bài huấn từ của mình, ĐTC đã nhận định và khuyến dụ như sau:
“Tình trạng lan tràn tâm trạng buốn chán đã trở thành một hiện tượng đáng lo ngại. Tính cách mỏng dòn của con người về tâm lý và tinh thần đã bộc lộ qua bệnh tật là những gì một phần nào đó đã bị gây ra bởi xã hội. Vấn đề quan trọng là cần phải nhận thức được những ảnh hưởng phát xuất từ những phổ biến của truyền thông trước quần chúng, những gì phát động cổ võ khuynh hướng hưởng thụ, khuynh hướng tìm thỏa mãn cấp thời cho hết mọi ước muốn của con người, khuynh hướng liên tục tìm kiếm những phúc lợi vật chất hơn nữa. Cần phải đưa ra những đường lối mới để hết mọi người có thể cải tiến tư cách của mình, bằng việc vun trồng đời sống thiêng liêng là nền tảng cho việc hiện hữu trưởng thành”.
Về thành phần phục vụ những ai lâm vào tâm trạng buồn chán, ĐTC khuyên rằng: “phải giúp cho họ tái nhận thức niềm tự tin của họ, niềm tin tưởng vào khả năng của họ, chú trọng đến tương lai, mong muốn được sống. Bởi thế, cần phải giúp đỡ thành phần bệnh nhân, làm cho họ cảm thấy tấm lòng êm ái của Thiên Chúa, giúp họ hội nhập vào cộng đồng đức tin và sự sống để họ cảm thấy được yêu thương, thông cảm, nâng đỡ, kính trọng, tức là yêu thương và được thương yêu”. Về phương diện thiêng liêng, ĐTC còn khuyên đọc và suy niệm các bài Thánh Vịnh, lần hạt Mân Côi, tham dự Thánh Lễ, “nguồn mạch của an bình nội tâm”.
ĐTC cũng nhấn mạnh là đối diện với hiện tượng của tâm trạng buồn chán, Giáo Hội và xã hội cần phải “nêu lên cho con người, nhất là cho giới trẻ, những mẫu gương và những kinh nghiệm giúp họ lớn lên về lãnh vực nhân bản, tâm lý, luân lý và thiêng liêng. Sự thiết hụt những điểm qui chiếu này sẽ chỉ làm suy yếu tư cách của họ, khiến họ nghĩ tất cả mọi hành vi cử chỉ đều có giá trị như nhau. Về khía cạnh này, vai trò của gia đình, học đường, phong trào giới trẻ và hiệp hội giáo xứ rất ư là cần thiết. Vai trò của các tổ chức công cộng cũng quan trọng nữa, trong việc bảo đảm những điều kiện sống xứng đáng, nhất là cho thánh phần bị bỏ rơi, bệnh tật và già lão. Cũng thế, cần phải có những qui chế cho giới trẻ, những qui chế hiến lý do hy vọng cho các thế hệ mới, cứu vãn họ khỏi cảm giác trống rỗng hay những nguy hiểm khác”.
Một cuộc khủng hoảng tự tử
Sau đây là bài trình bày (được các nguồn tài liệu phổ biến ở đây tuy nguyên văn nhưng chỉ lấy những chỗ quan trọng) của bác sĩ Gengt Safsten phân bộ Nội Khoa Y Học tại Bệnh Viện Đại Học ở Uppsala, Thụy Điển, trong hội nghị quốc tế (13-15/11/2003) về tình trạng buồn chán.
“Theo thống kê của Tổ Chức Sức Khỏe Thế Giới WHO thì có khoảng 1 triệu người sẽ tự tử hằng năm. Trong vòng 45 năm qua, mức độ tự tử đã tăng lên 60% trên toàn thế giới. Cứ 40 giây lại xẩy ra một vụ tử tử trên thế giới. Tự tử sát hại vị thành niên hơn bất cứ bệnh tật hay nguyên cớ tự nhiên nào khác, và những nố tìm cách tự tử hay có thái độ muốn tự tử còn nhiều hơn cả những vụ tự tử thật nữa.
“Tuy nhiên, thống kê về tự tử khó có thể đối chiếu và có thể không chính xác vì tính cách tế nhị của vấn đề; ngoài ra, những lầm lẫn về phương thức cùng với những phân loại sai lệch cũng làm lu mờ bức tranh tự tử này. Có điều chắc chắn là tâm trạng buồn chán và việc tử tử đã xẩy ra từ khi có các thứ biên bản ghi nhận.
“Hành động tự tử đi từ những ý nghĩ, hành vi và tìm cách tự tử, đến việc tự tử thật sự. Thế nhưng, cũng có những hình thức khác thuộc hành vi tự tử nữa. Nơi thành phần lão niên, việc tự nhịn đói và không tuân theo y khoa có thể cuối cùng sẽ đưa đến cái chết, cho dù nạn nhân không rõ ràng có ý ấy. Hiện tượng này được gọi là kiểu tự tử âm thầm. Việc tự cắt bỏ đi phần thân thể của mình và những cách tác hành tự hủy khác nơi giới trẻ ở một số trường hợp cũng được coi như những hình thức thuộc hành vi tự tử.
“Những thứ bấn loạn tâm thần, chính yếu là những tình trạng buồn chán, chính là những yếu tố tạo nên nguy cơ tự tử từ 50-90% vụ. Nghiện rượu và hút sách không phải là không liên quan đến vấn đề tự rử này, có khoảng 5% vụ tự tử xẩy ra do tâm trạng ngớ ngẩn.
“Cũng cần phải nhớ rằng 10% dân chúng tự tử không hề có bất cứ triệu chứng tâm thần nào. Cũng cần phải biết là đa số những trường hợp bị buồn chán theo y khoa vẫn không có đủ chữa trị cho bệnh trạng của họ.Õ Tuy nhiên, những triệu chứng buồn chán có thể giảm thiểu bằng thuốc men vẫn không làm giảm bớt khuynh hướng muốn tự tử – thuốc men mà thôi không đủ để chữa trị những thứ bấn loạn tâm thần hay những xu hướng muốn tự tử.
“Yếu tố nguy hiểm quan trọng nhất đối với việc đạt được hành vi tự tử đó là những lần đã cố tự tử trước đó. Những yếu tố nguy hiểm khác bao gồm cả trường hợp trong gia đình đã có người trước đó tìm cách tự tử; trường hợp nhập viện tâm thần trong quá khứ hay xuất viện tâm thần trước đó; trường hợp mất ngủ; trường hợp yếu đau thể lý và bị đau đớn kinh niên; trường hợp vừa bị những mất mát (chết chóc, ly dị, việc làm, địa vị, danh giá); trường hợp bị cô lập lẻ loi trong xã hội; trường hợp di dân; trường hợp hút sách hay nghiện rượu; trường hợp gặp bạo động; trường hợp chấn thương khi còn nhỏ; và trường hợp nam giới.
“Con người thường vật lộn với những cảm giác tiêu cực như thất vọng, bất lực, vô dụng và đơn độc một thời gian dài. Qua thời gian, lại tăng thêm những căng thẳng khác nữa, cho đến khi xẩy ra một biến cố căng thẳng kế đó, hay chỉ cần dự tưởng xẩy ra một biến cố căng thẳng khác, là gây ra hành động tự tử, chứ không cần phải có những gì đáng xẩy ra. Việc thay đổi công ăn việc làm hay trường học hoặc những thứ đổi thay về nghề nghiệp có thể là những biến cố này.
“Nói chung thì vấn đề vai trò cha mẹ và tổ chức xã hội ổn định là những gì bảo vệ cho khỏi xẩy ra những vụ tự tử.
“Có thể chữa trị các khuynh hướng muốn tự tử. Tuy nhiên, những thái độ hướng về hành vi tự tử thì khác nhau, và trong một số trường hợp, có thể gây ra trở ngại cho việc chữa trị, can thiệp và ngăn ngừa. Việc chối bỏ, loại trừ hay những thứ cấm kỵ theo lịch sử cho thấy không bao giờ là những cách thức đáng kể và thành công trong việc làm giảm bớt những vụ đe dọa đến tính mạng cả.
“Chúng ta phải đương đầu với những cuộc khủng hoảng về tự tử như là một cuộc khủng hoảng về sức khỏe của quần chúng và khuyến khích các nỗ lực quốc gia cũng như quốc tế thuộc mọi lãnh vực. Không phải chỉ có những cơ quan chăm sóc sức khỏe về y khoa thôi mà tất cả mọi tổ chức trong cộng đồng cũng phải tham phần nữa, chú trọng đến tâm trạng buồn chán, đến việc điều trị đau đớn, đến việc chăm sóc xoa dịu và tính chất của sự sống. Trẻ em và giới trẻ đặc biệt phải được dạy cho những khả năng đương đầu hữu hiệu đối với những khó khăn sau này trong cuộc sống. Phải phát động trước cho học đường, sở làm và các tổ chức như giáo phận và giáo xứ các điều hướng dẫn và các dự án giúp cho con người nhận thức được các trường hợp tự tử và ra tay cấp cứu khi xầy ra vụ tự tử.
“Những nỗ lực thành công trong việc giảm bớt hành vi tự tử đã đạt được và có thể nêu gương từ những dự án gần đây ở Phần Lan, Thụy Điển (tỉnh Gotland) và Hoa Kỳ (Không Lực Mỹ). Những trường hợp này đã chú trọng đến việc giáo dục, nhất là đến mức độ chăm sóc căn bản cũng như bằng việc loại trừ đi những chướng ngại vật chữa trị cùng tăng thêm phương tiện giúp đỡ.
“Sau hết, cũng phải chú trọng đến các nỗ lực giúp cho các nạn nhân có hành vi tự tử trở thành những người sống sót. Các cá nhân gần gũi với nạn nhân có thể trải qua những năm buồn chán, chẳng những về muôn vàn những vấn đề nan giải liên quan đến chết chóc cùng với những cảm thức tội lỗi.
“Mức độ tự tử đang giảm sút một cách chầm chậm mặc dù có những tiến bộ nơi việc chữa trị công hiệu đối với những thứ bấn loạn tâm thần chính. Việc ngăn ngừa bởi thế không phải chỉ có vấn đề y khoa mà còn cả những nỗ lực về xã hội, tâm lý, kinh tế, luân lý, tôn giáo và chính trị nữa, có những nỗ lực liên chư diện.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tài liệu của Tòa Thánh được Zenit phổ biến ngày 24/11/2003
Chính xã hội sống theo chiều hướng tương đối với những nguyên tắc luân lý khách quan đã là nguyên nhân làm lan tràn tình trạng buốn chán.Hội Nghị Quốc Tế về Tình Trạng Buồn Chán với tham dự viên đủ mọi thành phần đạo đời từ 62 quốc gia trên thế giới đã kết thúc vào ngày 15/11/2003 và đã đúc kết bằng những nhận định và khuyêu dụ sau đây:
“Tình trạng buồn chán là một thứ bệnh ngày nay đang có 340 triệu người vướng mắc”.
“Cá nhân chủ nghĩa, nạn thất nghiệp, vấn đề ly dị, tình trạng mất an ninh, không được giáo dục một cách chuyên chính, thiếu việc truyền đạt kiến thức, văn hóa, luân lý và đời sống tôn giáo, và sự bỏ bê của khuynh hướng tương đối về luân thường đạo lý đối với những qui chuẩn khách quan, đã làm con người bị yếu kém”.
“Lắng nghe, thông cảm, yêu thương, luôn quí trọng con người và khuyến khích họ tham gia và cảm thấy được an ủi” là sứ điệp Giáo Hội cống hiến cho thành phần nạn nhân của tâm trạng buồn chán.
“Thật vậy, khi bắt đầu sự vụ thiên sai của mình, Chúa Giêsu đã nói: ‘Tôi đến với thành phần bệnh nhân’”, trong số đó có thành phần mang tâm trạng buồn chán.
“Đời sống thiêng liêng biến đổi lời hứa này bằng những đường lối thực tế cống hiến cho tín hữu sự nâng đỡ tinh thần để chịu đựng bệnh nạn tật nguyền, bao gồm cả tâm trạng buồn chán”.
“Để tái tạo nên một liên hệ xã hội chuyên chính, bắt đầu bằng việc đổi thay hoàn toàn hành vi cử chỉ của con người, cần phải coi trọng lại những nguyên tắc luân lý, những nguyên tắc có thể ‘gây ra’ một sự thay đổi sâu xa nơi tinh thần của thành phần cảm thấy buồn chán và phấn khích họ, làm phục hồi cùng một lúc cả con người lẫn xã hội”.
Ngoài ra, thành phần tham dự viên hội nghị này cũng không quên nhấn mạnh là: “truyền thông đại chúng là những phương tiện của văn minh, trong việc phổ biến những mẫu sống và những đường hướng văn hóa tôn trọng các thứ giá trị của sự sống, gia đình và xã hội, có thể giúp rất nhiều vào việc biến đổi những thái độ cá nhân chủ nghĩa và những khuynh hướng của thứ văn hóa hậu tân tiến… thành những kiểu mẫu hành vi thiên về sự sống có tính cách tích cực, cá biệt, vị tha và đoàn kết”.