THÀNH PHẦN KHUYẾT TẬT

 

“Phẩm giá và quyền lợi của thành phần khuyết tật tâm thần”

Thứ Năm 8/1/2004, văn phòng báo chí của Tòa Thánh phổ biến sứ điệp của ĐTC GPII gửi tham dự viên cuộc hội luận quốc tế về chủ đề “Phẩm giá và quyền lợi của thành phần khuyết tật tâm thần”, do Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin tổ chức ở Vatican trong 3 ngày 7-9/1/2004, nhân dịp kết thúc Năm Thành Phần Khuyết Tật Ở Âu Châu. Sau đây là những điểm tiêu biểu:

“Thánh phần khuyết tật, cho dù họ có bị giới hạn về tâm thần, hay bị khuyết tật về cảm xúc và trí tuệ, vẫn hoàn toàn là những chủ thể có những quyền lợi linh thánh và bất khả nhượng giống như tất cả mọi người.

“Chỉ khi nào những quyền lợi của các phần tử yếu kém nhất trong xã hội được nhìn nhận xã hội mới có thể nói rằng nó được xây dựng trên nền tạng luật lệ và công bằng.

“Một xã hội chỉ giành chỗ cho những phần tử sinh hoạt hoàn toàn bình thường, thành phần hoàn toàn tự động và độc lập, không phải là một xã hội xứng với con người. Việc kỳ thị căn cứ vào tính cách hiệu năng thì cũng không kém việc kỳ thị căn cứ vào nòi giống, phái tính hay tôn giáo.

“Cần phải cố gắng để cổ võ sự thiện nguyên vẹn của những con người này, không được khước việc giúp đỡ và bảo vệ họ cho dù vì thế có gây thêm gánh nặng về xã hội và kinh tế. Có lẽ thành phần bị chậm trí khôn nay cần được chú trọng, cảm mến, thông cảm và yêu thương hơn các bệnh nhân, ở chỗ, chúng ta không thể để mặc kệ họ, không được trang bị và không thể tự vệ, xoay sở trong cuộc sống gay go.

“Cũng cần phải chú ý tới việc chăm sóc cho thành phần khuyết tật về những khía cạnh cảm tình và tính dục của họ nữa.

“Họ cũng có nhu cầu yêu thương và cần được yêu thương, họ cần được săn đón, gần gũi và thân tình. Tiếc thay, thành phần khuyết tật phải sống những nhu cầu hợp lý và tự nhiên này trong một hoàn cảnh bất thuận lợi, một hoàn cảnh càng trở nên rõ hơn theo giòng thời gian họ sống từ thuở nhỏ đến trưởng thành.

“Họ tìm kiếm những mối liên hệ đích thực làm cho họ được cảm nhận và nhìn nhận như là một con người.

“Thật sự thành phần khuyết tật, qua tính cách hết sức mềm yếu của thân phận con người, là một hiện thân của cái thảm kịch sầu thương trong thế giới của chúng ta đây, một thế giới quá háo hức hưởng lạc và bị thu hút bởi vẻ đẹp hào nhoáng giả tạo, nên những khốn khó của họ thường được coi như là một thứ sự dữ và là một thứ chấn động, những trục trặc của họ được coi như là một gánh nặng cần phải loại trừ hay giải quyết càng sớm càng tốt.

“Thành phần khuyết tật này có thể dạy cho hết mọi người biết những gì là yêu thương và cách trở thành những người phát động một thế giới mới, một thế giới không phải bị thống trị bởi quyền lực, bởi bạo động và bởi những gì là hung tàn nữa, mà là bởi yêu thương, bởi tình đoàn kết, bởi việc chấp nhận nhau, một thế giới mới được biến đổi bởi ánh sáng của Chúa Kitô, Con Thiên Chúa nhập thể, Đấng tử giá và phục sinh”.

Đaminh Maria Cao tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu của Tòa Thánh do VIS phổ biến ngày 8/1/2004