Vấn Đề Toàn Cầu Hóa
Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc với Nhóm 77 về một Thế Giới đã trở nên “càng chênh lệch hơn”
Ông Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Annan, trong lời ngỏ cùng cuộc họp ở Sao Paulo, Ba Tây, nhân dịp 40 năm thành lập của một cơ cấu các quốc gia đang phát triển lên đến con số 132 quốc gia, mặc dù vẫn giữ tên gọi là Nhóm 77 (như từ ban đầu với con số quốc gia của nhóm này). Nhóm 77 hoàn toàn ngược lại với G8 là Thượng Hội hằng năm của 8 đệ nhất cường quốc trên thế giới hiện nay (Ý, Pháp, Đức, Nga, Nhật, Gia Nã Đại, Hiệp Chủng Quốc và Hiệp Vương Quốc), những quốc gia chủ trương toàn cầu hóa thế giới, nhất là về phương diện kinh tế. Nhóm này họp cùng trùng vào thời điểm của G8.
Hôm Thứ Bảy 12/6/2004, vị Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc đã nhận định về tình hình kinh tế thế giới nói chung và ở các nước đang phát triển nói riêng thế này:
“Sự thật đáng buồn là thế giới ngày nay lại càng là nơi càng chênh lệch hơn 40 năm trước đây. Những cuộc khủng hoảng về nợ nần đã cho thấy tình trạng yếu kém trầm trọng nơi cơ cấu tài chính quốc tế. Quá nhiều các quốc gia đang phát triển vẫn còn phải lệ thuộc vào việc xuất cảng những sản phẩm chính để kiếm được tất cả hay hầu hết lợi tức về tiền tệ ngoại quốc, khiến cho họ bị tổn hại về vấn đề giảm suy giá cả và đột biến giá cả.
“Các quốc gia đang phát triển nhìn nhận rằng họ nắm trách nhiệm chính yếu đối với việc phát triển của mình. Các quốc gia và các cơ quan viện trợ… dần dần nhường lại cho họ chủ quyền về các chương trình và các dự án. Tôi xin quí quốc hãy tiếp tục con đường canh tân này”.
Ông Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc nói rằng hội nghị Sao Paulo là một cơ hội để phát động việc chú trọng hơn nữa đến tình trạng khốn khó về kinh tế của các quốc gia đang phát triển. Ông kêu gọi các nhà lãnh đạo ở các nước này hãy xây dựng việc phát triển họ đã đạt được “bằng việc cải tiến vấn đề quản trị và điều hành ngành kinh tế”.
“Việc xây dựng những cơ cấu dân chủ là điều thiết yếu, như việc tham dự của dân chúng vào vấn đề quyết định cũng như việc bảo vệ quyền lợi của nữ giới. Những phần tử dễ bị tổn hại nhất của xã hội cũng phải được quí quốc chú trọng đặc biệt, và tôi hy vọng rằng khi quí quốc cố gắng thực hiện tính cách khôn khéo về tài chính thì quí quốc cũng làm sao để có thể bảo đảm được rằng những đầu tư cần thiết về xã hội và những hệ thống an ninh xẩy ra”.
Tòa Thánh Vatican tại Liên Hiệp Quốc về Vấn Ðề coi trọng nền công lý xã hội trong lãnh vực thương mại thị trường
Ngày Thứ Tư 5/11, về vấn đề coi trọng nền công lý xã hội trong lãnh vực thương mại thị trường, với Tiểu Ban Thứ Hai bàn đến khoản 91-a của chương trình họp “Thương Mại Thế Giới và Vấn Đề Phát Triển”, ĐTGM Celeatino Migliore đã nêu lên chủ trương của mình thay cho Tòa Thánh như sau:
Thưa Ngài chủ tọa, mục đích chính yếu của Tòa Thánh trong việc tham dự vào những cuộc diễn đàn quốc tế là để giúp vào việc cổ võ phẩm vị con người cũng như để góp phần xây dựng công ích cho toàn thể gia đình nhân loại.
Nơi lãnh vực liên hệ về kinh tế, nhất là nơi những vấn đề về thương mại, Tòa Thánh chủ trương một hệ thống cân bằng và chân chính phục vụ phẩm vị con người và việc phát triển toàn vẹn. Thị trường thật sự là cốt lõi của kinh tế và phần lớn thị trường quốc tế cân bằng đã giải quyết nhiều vấn đề cho những xứ sở kém phát triển về kinh tế đang phải đương đầu. Thế nhưng, tự bản chất, thị trường không giải quyết được hết mọi vấn đề xã hội, kể cả những vấn đề liên quan đến tình trạng thất nghiệp và nghèo hèn.
Có những lúc, theo nguyên tắc liên đới, các chính quyền cần phải đóng một vai trò quan trọng hơn trong lãnh vực kinh tế. Do đó, mối liên hệ giữa chính quyền và thị trường phải được coi như hỗ tương nhau hơn là tranh chấp hay thậm chí đối địch nhau. Đồng thời lúc nào cũng phải tôn trọng và áp dụng hơn nữa nguyên tắc phụ trợ. Việc bỏ đi những giới hạn được con người đặt ra về việc tung ra các thứ sản vật, và ở mộỉt mức độ nào đó, các thứ dịch vụ, có thể gây ra một tác dụng kích thích về kinh tế, mang lại hiệu năng hơn cùng với việc phát triển về kinh tế. Tuy nhiên, việc thay đổi này cũng có thể làm lũng đoạn và những thứ biến dạng về xã hội này có thể gây ra những tác hiệu tiêu cực, nhất là tùi nền kinh tế của các nước kém phát triển, những biến dạng cần chính quyền có biện pháp để giảm bớt tình trạng khốn khó và đau khổ nhất là của người nghèo, báo hiệu tình trạng suy thoái về kinh tế có thể xẩy ra.
Các qui luật thương mại quốc tế không được làm cản trở khả năng của các chính quyền trong việc áp dụng các biện pháp ấy. Qui chế thương mại cần phải được thiết định để làm sao góp phần vào việc phát triển kinh tế khả thủ. Về phần mình, các nước kém phát triển cũng phải thực hiện những việc cần thiết để tránh những hoạt động băng hoại và phi luân thường đạo lý, những hoạt động trong quá khứ đã ảnh hưởng một cách tiêu cực cho tiến trình phát triển của họ cũng như cho tình trạng phúc hạnh của nhân dân họ.
Bằng không, những thiện ích tích cực của hệ thống thương mại quốc tế được tổ chức ngon lành cũng không ảnh hưởng gì tới thành phần nghèo khổ ở các nước kém phát triển. Tòa Thánh bao giờ cũng ủng hộ tất cả mọi nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhắm đến tình trạng phúc hạnh của hết mọi phần tử thuộc gia đình nhân loại. Cuộc họp mới đây ở Cancun (Mễ Tây Cơ) ngày 14/9/2003 của những vị ký viên kho bạc dường như đã gây nguy hiểm cho nỗi lạc quan hớn hở của những quốc gia đang phát triển trong cuộc họp ở Doha. Niềm hy vọng vẫn không hiện lên nơi những xứ sở nghèo bị các nước giầu làm giảm bớt những thứ phụ cấp về trồng trọt bởi việc thương mại thiên lệch, gây rắc rối về quan thuế trên những sản phẩm trồng trọt và loại bỏ những thứ phụ cấp xuất cảng về canh nông.
Vấn đề quan thuế về kỹ nghệ tơ sợi hay vấn đề quan tâm của các quốc gia đang phát triển liên quan đến việc điều trị đặc biệt và khác biệt hay liên quan đến việc áp dụng đều không được đề cập tới. Căn cứ vào tình hình căng thẳng chi phối buổi họp ở Cancun, cơ hội dung hoà giữa các nước giầu và nghèo đã trở nên hết sức khó khăn. Hy vọng là những gì xẩy ra ở Cancun không gây thương tổn đến cơ hội thiết lập một guồng máy vững chắc, chân chính hơn, liên quan đến nhiều phía nơi những lãnh vực về thương mại và phát triển cho tương lai tới đây. Xin cho tôi được kết thúc những lời phát biểu này bằng lời lẽ sau đây: “những mẫu thức thực hữu và thực sự hiệu nghiệm chỉ khi nào chúng được phát xuất từ khung cảnh của những tình trạng lịch sử khác nhau, bằng nỗ lực của tất cả những ai đương đầu một cách ý thức với những vấn đề cụ thể của tất cả mọi khía cạnh về xã hội, kinh tế, chính trị và văn hóa, vì những khía cạnh này liên hệ với nhau” (Pope John Paul II, Centesimus Annus, #43).
Về công việc này, Tòa Thánh muốn lập lại chủ trương của mình trong việc nhìn nhận giá trị tích cực của thị trường và việc giao dịch tự do; đồng thời cũng cho thấy những hoạt động ấy phải hướng tới công ích ra sao. Vần đề cần thiết ở đây là mức độ liên đới quốc tế cần phải tăng thêm hơn nữa nơi tất cả mọi quốc gia trên thế giới, cũng như việc loại bỏ đi những nhóm chú trọng đến việc phát động những mục tiêu vị kỷ của mình bất chấp công ích.
Ngoài ra, những việc làm bại hoại, cả ở những nước phát triển lẫn đang phát triển, cũng cần phải được chấm dứt, để tất cả mọi thành phần trong xã hội, giầu cũng như nghèo, chứ không phải chỉ một số nhỏ đặc ân, được hoan hưởng hoa trái của việc thương mại và phát triển lành mạnh.
Đây là một thách đố mà tất cả mọi quốc gia vì tinh thần liên đới cần phải cùng nhau chia sẻ. Cám ơn Ngài chủ tọa.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu của Tòa Thánh được Zenit phổ biến ngày 7/11/2003
ĐTC gửi sứ điệp cho Đại Hội Caritas Quốc Tế lần tứ 17
Đại Hội Caritas Quốc Tế lần thứ 17 được diễn ra từ ngày 7-12/7/2003 ở Rôma, với câu tâm niệm “Toàn cầu Hóa Tình Đoàn Kết”, qui tụ 450 đại biểu của hơn 150 tổ chức Caritas cấp quốc gia. Sứ điệp ĐTC gửi cho Đại Hội này qua vị chủ tịch là ĐGM Youhanna Fouad El-Hage, vị giám mục ở Tripoli nước Lebanon. Ngài bắt đầu sứ điệp của mình bằng nhận định:
“Vấn đề toàn cầu hóa đã trở thành một chân trời cần thiết của tất cả mọi thứ chính trị. Để tình đoàn kết được toàn cầu hóa, người ta phải thực sự để ý tới tất cả mọi dân tộc thuộc tất cả mọi miền trên thế giới. Điều này đòi hỏi nhiều nỗ lực, nhất là đòi hỏi những thứ bảo đảm quốc tế vững chắc liên quan tới các tổ chức nhân đạo, những thứ bảo đảm thường thiên lệch ở những nơi xẩy ra xung khắc vì chúng không thể bảo đảm tình trạng an ninh cũng không thể nắm được quyền hạn để trợ giúp con người ta.
“Việc toàn cầu hóa tình đoàn kết cũng đòi phải hoạt động băng một mối liên hệ gần gũi và liên tục với các tổ chức quốc tế, những tổ chức bảo đảm luật lệ và pháp lý, trong việc cân bằng những đường lối mới mẻ các mối liên hệ giữa quốc gia giầu nghèo, hầu chấm dứt những mối liên hệ trợ giúp một chiều, những thứ liên hệ trợ giúp thường góp phần vào tình trạng chênh lệch đưa đến những thứ nợ nần thường xuyên. Cần phải công hiệu hóa việc hợp tác thực sự dựa vào các mối liên hệ cân bằng và hỗ tương là những gì nhìn nhận quyền mỗi người và mọi người đều làm chủ tương lai của họ.
“Vấn đề toàn cầu hóa tình đoàn kết trước hết là việc đáp ứng những lời kêu gọi khẩn trương của Phúc Âm Chúa Kitô. Đối với Kitô hữu chúng ta, cũng như đối với tất cả mọi con người nam nữ, thì điều này đòi phải có một đường lối thiêng liêng thực sự, phải hoán cải tâm trí và con người. Việc trợ giúp không thể chỉ là việc bố thí cho kẻ nghèo, khiến cho kẻ cho cảm thấy hãnh diện và thành phần nhận lãnh cảm thấy nhục nhã. Việc trơ ỉ giúp cần phải là một việc ‘chia sẻ huynh đệ’”.
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II kêu gọi Các Đại Học Công Giáo hãy Nhân Bản Hóa Hiện Trình Toàn Cầu Hóa và hãy Trung Thành Với Căn Tính Công Giáo của Mình.
Hội Nghị Đại Học Đường Công Giáo 5 ngày tại Rôma được chấm dứt vào Thứ Sáu 6/12/2002, một hội nghị được tổ chức bởi Thánh Bộ Giáo Dục Công Giáo và Liên Hiệp Quốc Tế Đại Học Đường Công Giáo. Thứ Năm 5/12/2002, Đức Thánh Cha, qua một cuộc triều kiến riêng, đã ban huấn từ cùng thành phần tham dự hội nghị bàn về chủ đề “Vấn Đề Toàn Cầu Hóa và Ngành Giáo Dục Cao Cấp Công Giáo: Những Niềm Hy Vọng và Thách Đố” này như sau:
Ngỏ lời cùng thành phần điều hành, giáo sư và sinh viên, ĐTC thúc giục họ “hãy tinh khôn trong việc nhìn thấy nơi vấn đề tiến bộ về khoa học và kỹ thuật, cũng như nơi hiện tượng toàn cầu hóa, cả những gì hứa hẹn cho con người và nhân loại, lẫn những nguy hiểm do những tiến bộ và hiện tượng này gây ra cho tương lai”. Nói bằng 4 thứ tiếng, ĐTC cho biết Ngài coi các vấn đề hội nghị bàn tới là những gì đáng chú trọng nhất hiện nay: “Những đề tài liên quan trực tiếp đến phẩm giá của con người cùng với các quyền lợi trọng yếu của họ, những gì hết sức liên quan tới những vấn đề quan trọng thuộc lãnh vực khoa luân lý sinh hóa…”, nhất là vấn đề “tình trạng của phôi bào con người và những nguyên bào là đối tượng cho những thử nghiệm và lạm dụng đáng lo ngại hiện nay, những việc làm không phải bao giờ cũng chính đáng về luân lý và khoa học”.
“Vấn đề toàn cầu hóa hầu như bao giờ cũng là thành quả của những yếu tố về kinh tế, những yếu tố hiện nay, hơn bao giờ hết, đang chi phối những quyết định về chính trị, pháp lý và luân lý sinh hóa, những quyết định thường gây ra tai hại cho những gì liên hệ đến con người và xã hội. Giới đại học phải nỗ lực để phân tích những yếu tố đưa đến những quyết định ấy, cũng như phải lãnh trách nhiệm góp phần vào việc làm cho những quyết định ấy trở thành những tác động thực sự theo luân lý, những tác động xứng với con người. Điều này nghĩa là cấn phải hết sức chú trọng đến cốt lõi của phẩm giá bất khả vi phạm của con người nơi việc nghiên cứu khoa học cũng như nơi các qui chế xã hội”. Để đạt được mục tiêu này, ĐTC cho biết các vị giáo sư cũng như thành phần sinh viên đều “được kêu gọi để minh chứng cho đức tin của họ trước cộng đồng khoa bảng, cho thấy việc họ dấn thân phục vụ chân lý cùng với việc họ tôn trọng con người. Đối với Kitô hữu, việc nghiên cứu thực sự phải được đảm trách trong ánh sáng của một đức tin sâu xa cầu nguyện, thấm nhuần lời Chúa, Truyền Thống và giáo huấn của huấn quyền”.
Cũng trong cuộc triều kiến riêng của các tham dự viên hội nghị này, Đức Thánh Cha còn nhấn mạnh đến hai yếu tố nồng cốt nơi yếu tính của một đại học đường Công Giáo, đó là quyền tự lập của khoa học và việc trung thành với Giáo Hội.
“Một đại học Công Giáo phải thực thi sứ vụ của mình liên quan đến việc bảo trì căn tính Kitô Giáo của nó, bằng việc tham dự vào sinh hoạt của Giáo Hội địa phương. Trong khi bảo trì quyền tự lập của mình về khoa học, nó còn có nhiệm vụ sống giáo huấn của huấn quyền ở những lãnh vực nghiên cứu khác nhau được nó theo đuổi”. Để có thể thực hiện được mục tiêu này, ĐTC kêu gọi thành phần đại học Công Giáo hãy tìm hiểu kỹ lưỡng tông hiến “Ex Corde Ecclesiae” là văn kiện Ngài đã phác ra “những tiêu chuẩn tổng quan” mà các học viện Công Giáo cần phải theo.
ĐTC lập lại là, theo tông hiến này, học viện Công Giáo có một sứ vụ lưỡng diện: “Với tư cách đại học, nó là một cộng đồng học vấn giúp một cách vững chắc và sáng suốt vào việc bảo vệ và thăng tiến phẩm giá con người cùng với gia sản văn hóa, bằng việc thực hiện nghiên cứu, giảng dạy và nhiều dịch vụ khác nhau” (số 12). Với tư cách Công Giáo, đại học Công Giáo bày tỏ cái căn tính được bắt nguồn từ đức tin Công Giáo của mình, bày tỏ lòng trung thành với các giáo huấn và hướng dẫn của Giáo Hội giành cho nó, bảo đảm là “trước những vấn đề trọng yếu của xã hội và văn hóa đều có mặt của Kitô hữu nơi giới đại học”. Ngỏ lời riêng cùng thành phần có thẩm quyền nơi các đại học Công Giáo, ĐTC nhắc nhở và huấn dụ rằng “hãy để ý đến tính cách chân thành và hãy nắm giữ các nguyên tắc của Công Giáo trong việc giảng dạy và nghiên cứu nơi học viện của mình. Dĩ nhiên các trung tâm đại học không tôn trọng luật lệ của Giáo Hội và các giáo huấn của huấn quyền, nhất là nơi ngành luân lý sinh hóa, không thể mang tính chất của một đại học đường Công Giáo”. ĐTC đã kết thúc bằng việc kêu gọi tất cả mọi đại học cũng như tất cả những ai dấn thân vào thế giới đại học “hãy phản ảnh những nguyên tắc mang đặc điểm của căn tính Công Giáo qua đường lối trung thành sống động của họ, từ đó, họ hãy đi đến những quyết định cần thiết”.
Thánh Bộ Giáo Dục Công Giáo sẽ Tổ Chức Hội Nghị: Về Đại Học Đối Với Vấn Đề Toàn Cầu Hóa
ĐTGM Giuseppe Pittau, Thư Ký Thánh Bộ Giáo Dục Công Giáo thông báo Thánh Bộ của Ngài sẽ tổ chức một hội nghị từ ngày 2 tới 6/12/2002, với chủ đề “Vấn Đề Toàn Cầu Hóa và Nền Giáo Dục Cao Cấp Công Giáo: Những Niềm Hy Vọng và Những Thách Đố”. Theo vị thư ký thánh bộ này, thì “Công giáo và toàn cầu ngay trong chính danh xưng của mình đã có những liên hệ chặt chẽ”. Thế nhưng, “một tiến trình toàn cầu hóa không được kiểm chế sẽ có nhiều nạn nhân phải chịu hậu quả của nó. Tình trạng khác biệt giữa giầu và nghèo đã là một cái hố sâu, mà vấn đề toàn cầu hóa lại làm tăng thêm khoảng cách giữa hai thành phần này”. Đối với Giáo Hội, vấn đề toàn cầu hóa không phải là “một cái số cần phải chịu đựng” hay “đành phải chịu vậy. Thế nhưng nó cũng chẳng phải là một thứ cứu độ gì cả. Nó là một tiến trình cần phải được thanh tẩy và kiểm chế”. Trong tình thế này các việc đại học Công Giáo có nhiệm vụ phải “cống hiến cho các sinh viên qui chuẩn đế biết đàng phán đoán”. Đại học đường phải “đào luyện cho có những người công dân hữu trách, xứng hợp và chân thành biết cổ võ một thứ toàn cầu hóa tôn trọng toàn diện con người”. Đó là mục đích của hội nghị này. Theo thống kê của Thánh Bộ đây thì trên thế giới hiện nay có 1000 đại học Công Giáo phục vụ 4 triệu sinh viên.