Bài Giáo Lý số 17

 

CẤU GIÁO HỘI

(các số 871-945)



CẢM NGHIỆM NHÂN SINH



Lịch sử cho thấy, có những lúc xã hội loài người, ở một nơi nào đó và ở một thời điểm nào đó, đã hoàn toàn bị chi phối bởi các đạo giáo, nhất là đạo ấy lại là quốc giáo của cả một dân tộc, như tại Ấn Độ, Trung Hoa và Do Thái v.v. Ấn Giáo có tất cả 5 giai cấp (castes) xã hội, mỗi giai cấp đóng một vai trò và giữ một địa vị đặc biệt của mình. Theo thứ tự giá trị từ cao xuống thấp thì thứ nhất là giai cấp tư tế (Brahmin), thứ hai là giai cấp là binh sĩ (Kshatriya), thứ ba là giai cấp thương gia (Vaishya), thứ bốn là giai cấp công nghệ (Shudra) và thứ năm là giai cấp cùng đinh (Dalit). Khổng Giáo, một tôn giáo thiên về tổ chức xã hội “tề gia trị quốc bình thiên hạ”, hơn là chỉ chuyên chú sống nội tâm chủ trương “vô vi” siêu thoát như Lão Giáo, thì theo các Nho Gia, như Nguyễn Công Trứ, cũng chia xã hội làm 4 giai cấp là Sĩ, Nông, Công, Thương, trong đó Sĩ đứng đầu, như trong câu phú bài Kẻ Sĩ của ông đã cho thấy rõ chủ trương này: “Tước hữu ngũ sĩ cư kỳ liệt, dân hữu tứ sĩ vi chi tiên”. Do Thái Giáo cũng có một cơ cấu tổ chức lãnh đạo tối cao, từ thế kỷ thứ ba hay thứ bốn BC cho tới khi Gialiêm thành sụp đổ vào năm 70 AD, được gọi là Hội Đồng Do Thái, một hội đồng có 71 thành viên, gồm 3 thành phần là kỳ lão, thượng tế và luật sĩ. Ngoài ra, Do Thái Giáo còn có hẳn một chi tộc chuyên lo về việc phụng tự đó là chi tộc Lêvi, chi tộc đứng thứ ba trong 12 chi tộc Yến Duyên. Chưa hết, căn cứ vào việc giữ lề luật, dân gian còn tự động chia mình ra làm hai thành phần đặc biệt nữa, đó là thành phần lành thánh công chính (điển hình là phái Pharisiêu v.v) và thành phần tội nhân bất chính (tiêu biểu là đám người thu thuế và gái điếm v.v). Kitô Giáo nói chung và Giáo Hội Công Giáo Rôma nói riêng chia phần tử của mình ra làm hai thành phần chính yếu, đó là giáo sĩ và giáo dân, tức thành phần mục tử lãnh đạo và thành phần chiên cần phải được chăn dắt.

Trong Giáo Hội Công Giáo Rôma, thành phần giáo sĩ, tức thành phần có chức thánh, bao gồm ba phẩm cấp là phó tế, linh mục và giám mục. Thế nhưng, phẩm trật cao nhất trong Giáo Hội Công Giáo Rôma là hàng giáo phẩm, một phẩm trật bao gồm tất cả mọi vị giám mục, trong đó vị giám mục Rôma là chính, đóng vai trò giáo hoàng. Ngoài ra, còn một thành phần không thuộc về phẩm trật lãnh đạo song cũng không sống đời sống trần gian thuần túy như thành phần giáo dân, đó là những người sống đời tận hiến tu trì.
 


KIẾN THỨC ĐỨC TIN
 


1. HÀNG GIÁO PHẨM

Theo Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, hàng giáo phẩm có liên quan trực tiếp đến thừa tác vụ nhân danh Chúa Kitô để phục vụ Dân Chúa, đứng đầu là Giáo Hoàng cùng với toàn thể hàng Giáo Phẩm, trong việc chăn dắt toàn thể Giáo Hội bằng vai trò giảng dạy, thánh hóa và quản trị.

Hàng giáo phẩm có liên quan trực tiếp đến thừa tác vụ nhân danh Chúa Kitô để phục vụ Dân Chúa:

“... Không một ai, cá nhân cũng như đoàn thể, có thể loan báo Phúc Âm cho chính mình: ‘Đức tin do nghe mà có’ (Rm 10:17). Không một ai tự trao cho mình lệnh truyền và sứ vụ loan báo Phúc Âm. Người được Chúa Kitô sai đi không nói và làm theo quyền bính của mình, mà là bởi quyền bính Chúa Kitô; không phải như một phần tử của cộng đồng để nói với cộng đồng song nhân danh Chúa Kitô mà nói. Không ai có thể tự ban ơn cho mình, song phải được ban phát và hiến tặng. Sự kiện này cho thấy cần phải có những thừa tác viên ân sủng là thành phần Chúa Kitô ban thẩm quyền và năng quyền cho. Họ nhận lãnh từ Người sứ vụ và khả năng (‘quyền linh’) để tác hành với tư cách Chúa Kitô là Đầu in persona Christi Capitis. Thừa tác vụ mà các vị thừa hành của Chúa Kitô thực hiện và ban phát bởi ơn Chúa, những gì họ không thể nào tự mình có khả năng thực hiện và ban phát, thì theo truyền thống của Giáo Hội, được gọi là ‘bí tích’. Thật vậy, sứ vụ của Giáo Hội lãnh nhận được ban cho bởi một bí tích đặc biệt”. (số 875)

“Bản chất có tính cách bí tích nơi sứ vụ của Giáo Hội tự mình gắn liền với đặc tính phục vụ... Vì lời và ơn mà các vị là thừa tác viên không phải là của các vị mà là do các vị được Chúa Kitô ban cho vì những người khác, bởi thế các vị phải tự nguyện trở thành tôi tớ cho mọi người”. (số 876)

 “Cũng thế, bản chất có tính cách bí tích nơi thừa tác vụ của Giáo Hội còn có đoàn tính nữa. Thật vậy, ngay từ đầu sứ vụ của mình, Chúa Giêsu đã thiết lập 12 Vị như ‘những hạt giống của một tân Yến Duyên và là khởi đầu cho hàng phẩm trật linh thánh’ (Sắc Lệnh Ad Gentes, 5)…... Vì lý do này, mọi vị giám mục thi hành thừa tác vụ của mình từ bên trong hàng giáo phẩm hiệp thông với giám mục Rôma, vị thừa kế Thánh Phêrô cũng là vị thủ lãnh hàng giáo phẩm. Các vị linh mục cũng thi hành thừa tác vụ của mình từ bên trong hàng tư tế của giáo phận dưới quyền điều hành của vị giám mục mình”. (số 877)

 “Sau hết, bản chất có tính cách bí tích nơi thừa tác vụ của Giáo Hội còn có cá tính nữa. Mặc dù các vị thừa tác viên của Chúa Kitô có tác hành hiệp thông với nhau, các vị lúc nào cũng còn có thể tác hành theo cách thức riêng của mình nữa. Mỗi người đều được Chúa kêu gọi một cách riêng tư: ‘Phần con, hãy theo Thày’ (Jn 21:22; Mt 4:19.21; Jn 1:4),Õ để lấy bản thân mình làm chứng cho sứ vụ chung, để chịu trách nhiệm của mình trước Đấng trao ban sứ vụ ấy, khi tác hành ‘với tư cách của Người’ cho kẻ khác: ‘Tôi rửa con nhân danh Cha và Con và Thánh Thần...’; ‘Tôi tha tội cho con...’”. (số 878)

Giáo Hoàng cùng với toàn thể hàng Giáo Phẩm chăn dắt toàn thể Giáo Hội:

 “Chúa Kitô làm cho một mình Simon, vị được Người đặt tên là Phêrô, là ‘tảng đá’ của Giáo Hội Người. Người ban cho thánh nhân chìa khóa Giáo Hội của Người và đặt thánh nhân làm vị mục tử chăn dắt tất cả đàn chiên (x Mt 16:18-19; Jn 21:15-17). ‘Vai trò cầm buộc và tháo cởi Người đã ủy thác cho Thánh Phêrô thì Người cũng trao cho cả tông đồ đoàn hiệp nhất với đầu của các vị’ (Hiến Chế Lumen Gentium, 22.2)...”. (số 881)

 “Giáo Hoàng, Vị Giám Mục Rôma và là Vị Thừa Kế Thánh Phêrô, ‘là nguồn mạch và là nền tảng tồn tại hữu hình cho mối hiệp nhất của cả giám mục lẫn cộng đồng tín hữu’ (cùng hiến chế vừa dẫn, 23). ‘Bởi vai trò là Đại Diện của Chúa Kitô, làm mục tử chăn dắt toàn thể Giáo Hội, Giáo Hoàng Rôma có toàn quyền, thượng quyền và phổ quyền trên toàn thể Giáo Hội, một quyền bính ngài được tùy ý hành sử’ (cùng hiến chế, 22; xem Sắc Lệnh Christus Dominus, 2, 9)”. (số 882)

“Giám mục đoàn hay cơ chế các vị giám mục không có thẩm quyền gì nếu không hiệp nhất với Giáo Hoàng Rôma, Vị Thừa Kế Thánh Phêrô, là đầu của mình...” (số 883). “Giám mục đoàn thi hành quyền bính của mình trên Giáo Hội hoàn vũ một cách trọng thể qua một công đồng chung” (số 884). “Mỗi vị giám mục là nguồn mạch và là nền tảng hữu hình cho mối hiệp nhất nơi Giáo Hội riêng biệt của mình... Thế nhưng, là một phần tử của hàng giáo phẩm, mỗi vị giám mục còn phải chia sẻ mối quan tâm với toàn thể Hội Thánh nữa (x sắc lệnh vừa dẫn, 3)” (số 886).

Vai trò giảng dạy, thánh hóa và quản trị của Hàng Giáo Phẩm:

 “Để bảo toàn Giáo Hội trong một đức tin tinh tuyền do các tông đồ truyền lại, Chúa Kitô, Đấng là Sự Thật, đã muốn cho Giáo Hội được thông phần vào vô ngộ tính của Người...” (số 889). “Giáo Hoàng Rôma, thủ lãnh của giám mục đoàn, được hưởng ơn vô ngộ vì vai trò của mình, khi ngài lấy tư cách là vị mục tử tối cao và là thày dạy tất cả mọi tín hữu, bằng một hành động dứt khoát để tuyên bố một tín lý liên quan đến đức tin và luân lý... Ơn vô ngộ được Chúa Kitô hứa ban cho Giáo Hội cũng hiện diện nơi cả giám mục đoàn nữa, khi các vị, cùng với vị thừa kế Thánh Phêrô, thi hành Huấn Quyền tối thượng’ nhất là bằng một Công Đồng Chung (cùng hiến chế, 25; xem Công Đồng Chung Vaticanô I: DS 3074). Khi Giáo Hội lấy Huấn Quyền tối thượng của mình nêu lên một tín lý ‘phải tin như được thần linh mạc khải’ (Hiến Chế Dei Verbum, 10.2) và như giáo huấn của Chúa Kitô, thì những xác định đó ‘phải được nắm giữ bằng một đức tin tuân phục’ (cùng hiến chế, 25.2). Ơn vô ngộ này bao gồm ngay cả kho tàng Mạc Khải thần linh (xem cùng hiến chế, 25) (số 891).

 “... Thánh Thể là tâm điểm cho đời sống của một Giáo Hội riêng biệt. Giám mục và các linh mục thánh hóa Giáo Hội bằng việc nguyện cầu và hoạt động của mình, bằng thừa tác vụ rao giảng lời Chúa và ban phát các bí tích. Các vị thánh hóa Giáo Hội bằng gương mẫu của mình, ‘không phải bằng việc thống trị những người thuộc quyền mình mà là bằng việc nêu gương cho đàn chiên’ (1Pt 5:3). Như thế, ‘cùng với đàn chiên được trao phó cho mình, các vị cũng đạt đến sự sống vĩnh cửu’ (cùng hiến chế, 26.3)”. (số 893)

 “’Các vị giám mục, với tư cách là đại diện và là khâm mạng của Chúa Kitô, quản trị các Giáo Hội riêng biệt được ủy thác cho các vị, bằng các lời khuyên bảo, các huấn dụ và gương mẫu của các vị, nhất là bằng quyền bính và bằng quyền linh là những quyền các vị thực sự phải thi hành để xây dựng trong tinh thần phục vụ là tinh thần của Thày mình (cùng hiến chế, 27; x Lk 22:26-27)”. (số 894)
 

2.BẬC GIÁO DÂN

Theo Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, ơn gọi của giáo dân là sống trong lòng đời để biến đổi những sự trần thế, bằng việc sống vai trò tư tế, ngôn xứ và vương giả của mình.

Ơn gọi của giáo dân là sống trong lòng đời để biến đổi những sự trần thế:

 “Chữ ‘giáo dân’ đây được hiểu là tất cả thành phần tín hữu không phải là những người có Chức Thánh và những người thuộc về đời sống tu trì được Giáo Hội chuẩn nhận...” (số 897). “Vì ơn gọi đặc biệt của mình, giáo dân tìm kiếm vương quốc của Thiên Chúa bằng cách dấn thân vào những việc trần thế và hướng chúng theo chiều ý muốn của Thiên Chúa... ” (số 898). “... ‘Tín hữu giáo dân ở ngay tuyến đầu của đời sống Giáo Hội; với họ, Giáo Hội là yếu tố linh hoạt của xã hội loài người. Bởi thế họ đặc biệt phải ý thức rõ hơn bao giờ hết là họ chẳng những thuộc về Giáo Hội mà còn là Giáo Hội nữa, tức là một cộng đồng tín hữu trên thế gian này dưới quyền lãnh đạo của Đức Giáo Hoàng là Đầu chung cũng như của các vị giám mục hiệp thông với ngài. Họ là Giáo Hội’ (Đức Piô XII, Bài Diễn Từ ngày 20/2/1946: AAS 38 năm 1946; Đức Gioan Phaolô II trích lại trong Tông Huấn Christifideles Laici, 9)” (số 899).

Vai trò tư tế, ngôn xứ và vương giả của người giáo dân:

“Vì được thực sự thánh hiến cho Chúa Kitô và được xức dầu bởi Thánh Linh, giáo dân được kêu gọi và sửa soạn một cách lạ lùng để nơi họ phát sinh ra những hoa trái của Thần Linh dồi dào hơn. Nếu được thực hiện trong Thần Linh thì tất cả mọi hành động, mọi việc nguyện cầu và mọi trọng trách tông đồ, gia đình và đời sống hôn nhân, công việc thường nhật, việc tâm trí và thân xác nghỉ ngơi – ngay cả những khó nhọc của đời sống nếu được chịu đựng một cách nhẫn nại – tất cả đều trở nên những hy sinh đáng Thiên Chúa chấp nhận qua Chúa Giêsu Kitô. Những hy sinh này xứng đáng dâng lên Chúa Cha nhất là trong khi cử hành Thánh Thể cùng với Mình Chúa Kitô...’ (Hiến Chế Lumen Gentium, 34; x cả đoạn 10; 1Pt 2:5)”. (số 901)

 “Giáo dân cũng làm trọn vai trò ngôn xứ của mình bằng việc truyền bá phúc âm hóa, ‘tức là loan báo Chúa Kitô bằng lời nói và chứng từ cuộc sống’. Đối với giáo dân thì ‘việc truyền bá phúc âm hóa này... có một tính chất đặc biệt và có tác hiệu đặc thù, vì nó được thực hiện trong những hoàn cảnh thường tình trên đời’ (cùng hiến chế, 35.1,2)”. (số 905)

 “Giáo dân phải hợp lực để làm cho các thể chế và tình trạng của thế giới, khi chúng hướng chiều về tội lỗi, trở nên lành mạnh hơn, hợp với các qui tắc công bình, thuận lợi hơn là ngăn trở đối với việc luyện tập các nhân đức. Hành động như thế, giáo dân sẽ làm cho văn hóa và các công trình của loài người thấm nhuần các giá trị luân lý (cùng hiến chế, 36.3)”. (số 909)
 


3. ĐỜI TẬN HIẾN

Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo cũng cho thấy cả bản chất của đời sống tận hiến tu trì, và tiến trình phát triển của các lối sống tu trì theo lịch sử của Giáo Hội:

Bản chất của đời sống tận hiến tu trì:

“... Đức ái trọn hảo mà tất cả mọi tín hữu được gọi để đạt tới, đòi buộc những người tự nguyện theo ơn gọi sống đời tận hiến (consecrated life) phải thực hành đức thanh tịnh độc thân vì Nước Trời, đức thanh bần và đức tuân phục. Chính lời khấn sống các lời khuyên Phúc Âm này, trong một lối sống vĩnh viễn như Giáo Hội công nhận, làm nên đặc tính của đời sống tận hiến cho Thiên Chúa (x Hiến Chế Lumen Gentium, 42-; Sắc Lệnh Perfectae Caritatis, 1)”. (số 915)

 “Như thế lối sống tu trì (religious state) là một đường lối diễn đạt ‘sâu xa hơn’ việc thánh hiến được bắt nguồn từ Phép Rửa cũng là việc thánh hiến toàn thân cho Thiên Chúa. Trong đời sống tận hiến, người tín hữu của Chúa Kitô, được Thánh Linh tác động, cố gắng theo sát Chúa Kitô hơn, hiến mình cho Thiên Chúa là Đấng phải được mến yêu trên hết mọi sự và, khi theo đuổi đức ái trọn hảo trong việc phụng sự Nước Trời, họ còn cho thấy và loan báo trong Giáo Hội vinh quang của một thế giới sẽ đến sau này (x Giáo Luật khoản 573)” (số 916).

Tiến trình phát triển của các lối sống tu trì theo lịch sử của Giáo Hội:

 “Không luôn luôn công khai tuyên khấn ba lời khuyên Phúc Âm, các ẩn sĩ (hermit) ‘hiến đời mình cho việc chúc tụng Thiên Chúa cũng như cho phần rỗi thế gian, bằng cách tách mình ra khỏi thế gian một cách sát nghĩa hơn, âm thầm sống trong cô quạnh, cùng thiết tha nguyện cầu và xám hối’ (Giáo Luật khoản 603.1)”. (số 920)

 “Người trinh nữ (virgin), khi dấn thân cho ước vọng thánh thiện để theo sát Chúa Kitô hơn, đã hiến mình cho Thiên Chúa qua vị giám mục giáo phận theo lễ nghi phụng vụ được chuẩn nhận, đã được mầu nhiệm kết hôn với Chúa Kitô, và đã hiến thân phụng sự Giáo Hội’ (Giáo Luật khoản 604.1)”. (số 923)

 “Đời sống tu trì (religious life) phát xuất từ bên Đông Phương trong những thế kỷ đầu tiên của Kitô Giáo. Sống trong những viện tu được Giáo Hội thiết lập theo giáo luật, đời sống tu trì nổi hơn các hình thức tận hiến khác ở đặc tính phụng vụ của mình, ở việc công khai tuyên khấn các lời khuyên Phúc Âm, ở cuộc sống chung huynh đệ, và ở chứng từ cho mối hiệp nhất giữa Chúa Kitô và Giáo Hội (x Giáo Luật khoản 607; 573; Sắc Lệnh Unitatis Redintegratio, 15)”. (số 925)

 “Một hội dòng đời (secular institute) là một hội dòng sống đời tận hiến ở chỗ người Kitô hữu sống trong thế gian nỗ lực đạt đến mức trọn hảo của đức ái và hoạt động để thánh hóa thế gian đặc biệt từ bên trong’ (Giáo Luật khoản 710)”. (số 928)

“Cùng với những hình thức khác nhau của đời tận hiến là ‘các hội tông đồ (society of apostolic life) với những phần tử không khấn hứa tu trì song theo đuổi một mục đích tông đồ đặc biệt của tổ chức mình, và sống chung như anh em hay chị em với nhau, nỗ lực đạt đến mức độ trọn hảo của đức ái bằng việc giữ hiến pháp của hội. Trong số những hội này cũng có những hội có phần tử nắm giữ các lời khuyên Phúc Âm’ (x Giáo Luật khoản 731.1 và 2) theo hiến pháp của họ”. (số 930)

TÓM LẠI:

Theo Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, hàng giáo phẩm có liên quan trực tiếp đến thừa tác vụ nhân danh Chúa Kitô để phục vụ Dân Chúa (SGL số 875-878), đứng đầu là Giáo Hoàng cùng với toàn thể hàng Giáo Phẩm (SGL số 881-884, 886), trong việc chăn dắt toàn thể Giáo Hội bằng vai trò giảng dạy, thánh hóa và quản trị (SGL số 889, 891, 893-894). Theo Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, ơn gọi của giáo dân là sống trong lòng đời để biến đổi những sự trần thế (SGL số 897-899), bằng việc sống vai trò tư tế, ngôn xứ và vương giả của mình (SGL số 901, 905, 909). Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo cũng cho thấy cả bản chất của đời sống tận hiến tu trì (SGL số 915-916) và tiến trình phát triển của các lối sống tu trì theo lịch sử của Giáo Hội (SGL sốÕ 920, 923, 925, 928, 930).

THÂM TÍN SỐNG ĐẠO

Giáo sử cho thấy, đã có thời Giáo Hội phải theo chiều hướng giáo sĩ và cũng có thời Giáo Hội lại nhấn mạnh đến chiều hướng giáo dân. Giáo Hội đã theo chiều hướng giáo sĩ nổi bật nhất từ thời Công Đồng Chung Triđentinô (1545-1563), vì Công Đồng này muốn lấy lại thẩm quyền và thế giá của chung Giáo Quyền cũng như của riêng hàng giáo sĩ trước những tấn công mãnh liệt của các trào lưu thệ phản ở thế kỷ 16 thời bấy giờ. Chiều hướng này đã đạt đến tuyệt đỉnh của mình tại Công Đồng Chung Vaticanô I (1869-1870), một Công Đồng đã tuyên bố Tín Điều Giáo Hoàng Vô Ngộ.

Tuy nhiên, một khi đã nắm vững được thế đứng của mình, nhất là thấy được vai trò của mình cần phải dấn thân hơn nữa vào một thế giới càng ngày càng văn minh tân tiến song lại xa lìa đức tin và phá sản văn hóa hơn bao giờ hết, do đó, qua Công Đồng Chung Vaticanô II (11/10/1962-8/12/1965), một Công Đồng về Giáo Hội và Mục Vụ, được tiêu biểu qua Hiến Chế Giáo Hội trong Thế Giới Tân Tiến Gaudium et Spes, Giáo Hội đã hết sức chú trọng đến vai trò của giáo dân, một vai trò mà nếu thiếu đi, Giáo Hội chân nhận là Giáo Hội sẽ không thể nào đi sâu vào lòng đời để có thể làm cho cả đấu bột thế gian dậy hết lên Men Phúc Âm, đến nỗi Công Đồng đã dành hẳn một trong 16 văn kiện cho vấn đề hết sức khẩn thiết và hợp thời này, đó là Sắc Lệnh Tông Đồ Giáo Dân Apostolicum Actuositatem.

Dấu chứng cho thấy rõ chiều hướng giáo dân hiện nay của Giáo Hội này là việc canh tân phụng vụ, được tỏ ra qua ba việc làm sau đây: thứ nhất là việc làm lễ quay xuống giáo dân, thứ hai là việc cử hành phụng vụ bằng tiếng bản xứ để cho giáo dân hiểu hơn, và thứ ba là việc chính giáo dân được tham dự vào các tác động phụng vụ thánh, với vai trò làm thừa tác viên Lời Chúa hay thừa tác viên Thánh Thể, nhất là vai trò Thày Sáu Vĩnh Viễn v.v. Tuy nhiên, không phải vì thế, vì phong trào giáo dân đang được coi trọng, nhất là trong thời đoạn khan hiếm ơn gọi linh mục hiện nay, mà nữ giới đòi phải làm linh mục, nam giới có gia đình cũng cần phải làm linh mục, hay ngược lại linh mục cũng cần phải được lập gia đình mới tránh khỏi tình trạng khan hiếm v.v.

Vẫn biết, về cơ cấu, Giáo Hội bao giờ cũng có hai thành phần, giáo sĩ và giáo dân. Tuy nhiên, về sinh hoạt, Giáo Hội lại được Thần Linh Chúa tác động theo cả hệ phẩm trật lẫn hệ đoàn sủng. Hệ phẩm trật là để điều khiển và hệ đoàn sủng là để phát triển. Nếu trước khi được làm tông đồ (theo hệ phẩm trật), các môn đệ đầu tiên của Chúa Kitô đã được Người kêu gọi (theo hệ đoàn sủng) thế nào, thì hệ đoàn sủng có trước hệ phẩm trật. Tuy nhiên, không phải vì giáo dân, qua Mai-Đệ-Liên, đến mồ trước, nhận ra hiện tượng phục sinh trước, nhất là được Đấng Phục Sinh hiện ra cho thấy trước, mà có thể tự động “đi khắp thế gian rao giảng tin mừng cho mọi tạo vật” (Mk 16:15), trái lại, theo chính ý của Đấng Phục Sinh, thành phần này phải “đến với anh em Thày mà cho họ biết” (Jn 20:17), vì chính các vị tông đồ mới là thành phần trực tiếp lãnh nhận Lệnh Truyền Phục Sinh của Chúa Kitô: “Các con hãy đi tuyển mộ môn đồ nơi tất cả mọi dân tộc và rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Các con hãy dạy họ tuân giữ hết mọi điều Thày đã truyền cho các con. Và hãy biết rằng Thày luôn ở cùng các con cho đến tận thế” (Mt 28:19-20).

Thế nên, để có thể sống trọn vai trò là môn đệ Chúa Kitô của mình, dù theo ơn gọi giáo dân hay giáo sĩ, người tín hữu chúng ta cũng cần phải sống Tinh Thần Hiệp Thông của Nhiệm Thể Chúa Kitô, một Nhiệm Thể có cả đầu (tiêu biểu cho hàng giáo phẩm) lẫn thân (tiêu biểu cho bậc giáo dân), được liên kết và giao tiếp với nhau bằng cả những sợi giây thần kinh truyền lệnh đức tin phát ra từ đầu lẫn các mạch máu sự sống đức ái phát ra từ thân được châu lưu lên cho tới cả đầu, chứ không phải chỉ là một cái thây mất đầu hay chỉ là một chiếc đầu lâu bị chặt lìa khỏi thân: thân phải hoạt động bởi đầu và đầu cần hoạt động nhờ thân, trong cùng một Thánh Thần là linh hồn của Nhiệm Thể Chúa Kitô.

"Những sự rất khác nhau Chúa Kitô muốn có nơi các phần thể thuộc thân mình của Người đều đóng góp vào mối hiệp nhất và sứ vụ của thân mình Người. Vì ‘trong Giáo Hội thừa tác vụ thì khác nhau song sứ vụ chỉ là một. Đối với các vị tông đồ và các vị thừa kế của các ngài, Chúa Kitô đã ủy thác cho vai trò giảng dạy, thánh hóa và quản trị nhân danh Người và bằng quyền bính của Người. Thế nhưng, giáo dân cũng được thông phần vào vài trò tư tế, ngôn sứ và vương giả của Chúa Kitô; bởi thế, trong Giáo Hội cũng như trên thế giới, họ có phần vụ riêng của mình trong sứ vụ của toàn thể Dân Chúa’ (Sắc Lệnh Tông Đồ Giáo Dân Apostolicam Actuositatem, 2)’”. (số 873)

“Bởi được tái sinh trong Chúa Kitô, tất cả mọi tín hữu Kitô giáo đều thực sự bình đẳng với nhau trong phẩm vị và hoạt động là những gì làm cho hết thẩy mọi người cộng tác với nhau để xây dựng Thân Thể Chúa Kitô hợp với điều kiện và chức phận của mình”. (số 872)



TRẮC NGHIỆM


Xin đọc bài Giáo Lý lược tóm tổng ôn dưới đây, rồi dùng các chữ ở cuối trang để điền vào những chỗ gạch trống các câu Sách Giáo Lý vừa học hỏi cho đúng nguyên văn ý nghĩa của nó. Trong vòng 10 phút.

Qua bài Giáo Lý 17 về Cơ Cấu Giáo Hội, Giáo Hội Công Giáo đã cho con cái của mình thấy những điểm chính sau đây: Theo Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, hàng giáo phẩm có liên quan trực tiếp đến thừa tác vụ nhân danh Chúa Kitô để phục vụ Dân Chúa (SGL số 875-878), đứng đầu là Giáo Hoàng cùng với toàn thể hàng Giáo Phẩm (SGL số 881-884, 886), trong việc chăn dắt toàn thể Giáo Hội bằng vai trò giảng dạy, thánh hóa và quản trị (SGL số 889, 891, 893-894). Theo Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, ơn gọi của giáo dân là sống trong lòng đời để biến đổi những sự trần thế (SGL số 897-899), bằng việc sống vai trò tư tế, ngôn xứ và vương giả của mình (SGL số 901, 905, 909). Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo cũng cho thấy cả bản chất của đời sống tận hiến tu trì (SGL số 915-916) và tiến trình phát triển của các lối sống tu trì theo lịch sử của Giáo Hội (SGL số 920, 923, 925, 928, 930).

1. “... Không một ai, cá nhân cũng như đoàn thể, có thể loan báo Phúc Âm cho chính mình: Đức tin do nghe mà có. Không một ai tự trao cho mình __________ và sứ vụ loan báo Phúc Âm... Không ai có thể tự ________ cho mình, song phải được ban phát và hiến tặng. Sự kiện này cho thấy cần phải có những __________ ân sủng là thành phần Chúa Kitô ban thẩm quyền và năng quyền cho. Họ nhận lãnh từ Người sứ vụ và khả năng (‘quyền linh’) để tác hành với ________ Chúa Kitô là Đầu in persona Christi Capitis. Thừa tác vụ mà các vị thừa hành của Chúa Kitô thực hiện và ban phát bởi ơn Chúa, những gì họ không thể nào tự mình có khả năng thực hiện và ban phát, thì theo truyền thống của Giáo Hội, được gọi là ‘bí tích’. Thật vậy, sứ vụ của Giáo Hội lãnh nhận được ban cho bởi một bí tích đặc biệt”. (số 875)

2. “Giáo Hoàng, Vị Giám Mục Rôma và là Vị Thừa Kế Thánh Phêrô, là nguồn mạch và là nền tảng tồn tại hữu hình cho mối _________ của cả giám mục lẫn cộng đồng tín hữu. Bởi vai trò là Đại Diện của Chúa Kitô, làm mục tử chăn dắt toàn thể Giáo Hội, Giáo Hoàng Rôma có __________, thượng quyền và phổ quyền trên toàn thể Giáo Hội, một quyền bính ngài được ________ hành sử”. (số 882)

3. “Giám mục đoàn hay cơ chế các vị giám mục không có thẩm quyền gì nếu không _________ với Giáo Hoàng Rôma, Vị Thừa Kế Thánh Phêrô, là đầu của mình...” (số 883). “Giám mục đoàn thi hành quyền bính của mình trên Giáo Hội hoàn vũ một cách trọng thể qua một _______________” (số 884). “Mỗi vị giám mục là nguồn mạch và là nền tảng hữu hình cho mối ____________ nơi Giáo Hội riêng biệt của mình... Thế nhưng, là một phần tử của hàng giáo phẩm, mỗi vị giám mục còn phải chia sẻ mối quan tâm đối với tất cả mọi Giáo Hội nữa” (số 886).

4. “Chữ ‘giáo dân’ đây được hiểu là tất cả thành phần tín hữu không phải là những người có ___________ và những người thuộc về đời sống _________ được Giáo Hội chuẩn nhận...” (số 897). “Vì ơn gọi đặc biệt của mình, giáo dân tìm kiếm vương quốc của Thiên Chúa bằng cách dấn thân vào những việc __________ và hướng chúng theo chiều ________ của Thiên Chúa... ” (số 898). “... Tín hữu giáo dân ở ngay tuyến đầu của đời sống Giáo Hội; với họ, Giáo Hội là __________linh hoạt của xã hội loài người. Bởi thế họ đặc biệt phải ý thức rõ hơn bao giờ hết là họ chẳng những thuộc về Giáo Hội mà còn là ________ nữa, tức là một cộng đồng tín hữu trên thế gian này dưới quyền lãnh đạo của Đức Giáo Hoàng là Đầu chung cũng như của các vị giám mục hiệp thông với ngài. Họ là Giáo Hội” (số 899).

5. “... Đức ái _________ mà tất cả mọi tín hữu được gọi để đạt tới, đòi buộc những người tự nguyện theo ơn gọi sống đời tận hiến phải thực hành đức thanh tịnh độc thân vì Nước Trời, đức thanh bần và đức tuân phục. Chính _________ sống các lời khuyên Phúc Âm này, trong một lối sống vĩnh viễn như Giáo Hội công nhận, làm nên ________ của đời sống tận hiến cho Thiên Chúa”. (số 915)
 

(đặc tính, lệnh truyền, ban ơn, lời khấn, trọn hảo, thừa tác viên, tư cách, Giáo Hội, yếu tố, hiệp nhất, toàn quyền, ý muốn, trần thế, tùy ý, hiệp nhất, tu trì, chức thánh, công đồng chung, hiệp nhất)