VIỆC CON NGƯỜI ĐÁP ỨNG THIÊN CHÚA

(các số 142-197)
 


CẢM NGHIỆM NHÂN SINH


Nói đến tôn giáo là nói đến niềm tin, tức là nói đến những thực tại thần linh và siêu việt vượt trên tầm thức suy tưởng của con người hữu hình và hữu hạn. Tuy nhiên, tự bản chất, là một loài có tín ngưỡng, bởi thế, cho dù hữu hình và hữu hạn, đúng hơn, cũng chính vì hữu hình và hữu hạn, con người mới hướng về tôn giáo, mới tìm kiếm Siêu Việt Thể, mới vươn lên Tuyệt Đối Thể. Nghĩa là con người tín ngưỡng bao giờ cũng tìm kiếm Chân, Thiện, Mỹ, là tất cả những gì sẽ làm thỏa mãn con người và làm cho con người nên kiện toàn hay hoàn hảo: Chân Lý làm thỏa mãn trí con người luôn tìm hiểu và suy luận, Thiện Hảo làm thỏa mãn lòng con người luôn khát khao và ước muốn, và Mỹ Diệu làm hoàn hảo việc con người tác hành (khôn ngoan) về phương diện luân lý, hay thực hiện (khéo léo) về phương diện mỹ thuật, nghệ thuật hay kỹ thuật.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, không phải những gì con người tín ngưỡng tìm kiếm họ đều sẽ đạt thành và toại nguyện. Chính vì những gì con người tìm kiếm, thay vì Chân Lý lại là giả tạo, thay vì Thiện Hảo lại là xấu xa, thay vì Mỹ Diệu lại là tai hại, con người mới không ngừng cảm thấy bất an, bất hạnh và bất mãn. Phải chăng đối tượng của những gì con người tín ngưỡng tìm kiếm chỉ là ảo tưởng, hoàn toàn không có, hay đường lối tìm kiếm của con người tín ngưỡng hoàn toàn ngược chiều, hầu như lạc hướng, nên đã dẫn họ tới những nơi bất định hay tới một địa chỉ ma? Đức tin Kitô giáo nói chung và của Giáo Hội Công Giáo nói riêng có gặp trường hợp này chăng?? Nếu không, tại sao thế giới Kitô giáo, đặc biệt ở Âu Châu là nơi đức tin Kitô giáo phát triển và từ đó lan tràn khắp thế giới, và ở Mỹ Châu là địa lục toàn tòng Kitô giáo, lại đang dẫn đầu và phá kỷ lục về văn hóa chết chóc, đến nỗi, đức tin của họ hầu như đang bị phá sản hoàn toàn??? Vậy Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo dạy về Đức Tin như thế nào?

1. Được Thiên Chúa tỏ mình và ban mình cho để con người có thể nhận biết và yêu mến Ngài và nhờ đó họ được thừa hưởng sự sống vinh phúc của Ngài (xem SGL số 51, 52 và 1), con người phải có thái độ nào, thái độ ấy được gọi là gì và thái độ ấy nhắm đến đối tượng nào?

2. Nếu “tác động đức tin tự bản chất là một tác động tự do” (SGL số 160) của con người đáp ứng mạc khải của Thiên Chúa, thì phải chăng con người tự mình có khả năng chấp nhận mạc khải của Thiên Chúa và thấu hiểu được mạc khải của Ngài?

3. Nếu con người có thể và được quyền tìm hiểu những gì Thiên Chúa mạc khải cho mình, để chẳng những tránh được mê tín dị đoan, mà còn để sống đức tin một cách ý thức hơn, thì phải chăng lý trí của con người mới là yếu tố chính đưa con người đến gần Thiên Chúa, chứ không phải đức tin cứu độ con người hay đức tin công chính hóa con người?

4. Nếu “đức tin là một tác động riêng tư” (SGL số 166) của mỗi người đối với Mạc Khải Thần Linh, thì tại sao trong Phụng Vụ Thánh Lễ tín hữu Công Giáo lại cần phải tuyên xưng chung và bằng “những bản tuyên xưng đức tin” (SGL số 187) nói lên “những biểu hiệu đức tin” (SGL số 187) được gọi là “Kinh Tin Kính” (SGL số 187)?

5. Kinh Tin Kính được chia ra làm mấy phần và bao gồm bao nhiêu “điều” (SGL số 191) phải tin, những “điều” này có phải là chính đối tượng của đức tin hay không?


KIẾN THỨC ĐỨC TIN


1- ĐƯỢC THIÊN CHÚA TỎ MÌNH VÀ BAN MÌNH CHO ĐỂ CON NGƯỜI CÓ THỂ NHẬN BIẾT VÀ YÊU MẾN NGÀI VÀ NHỜ ĐÓ HỌ ĐƯỢC THỪA HƯỞNG SỰ SỐNG VINH PHÚC CỦA NGÀI (xem SGL số 51, 52 và 1), CON NGƯỜI PHẢI CÓ THÁI ĐỘ NÀO, THÁI ĐỘ ẤY ĐƯỢC GỌI LÀ GÌ VÀ THÁI ĐỘ ẤY NHẮM ĐẾN ĐỐI TƯỢNG NÀO?

Con người phải đáp ứng một cách hoàn toàn và xứng với tất cả những gì Thiên Chúa muốn mạc khải cho mình, bằng việc ưng thuận của cả trí khôn lẫn lòng muốn. Thái độ đáp ứng bằng việc ưng thuận một cách hoàn toàn và xứng hợp với Mạc Khải Thần Linh này nơi con người, được Thánh Phaolô trong thư gửi giáo đoàn Rôma, gọi là “việc tuân phục của đức tin” (cũng có thể dịch là “việc đức tin tuân phục”), một đức tin tuân phục vào một mình Thiên Chúa duy nhất là Cha và Con và Thánh Thần.

“Bằng đức tin, con người lấy trí khôn và lòng muốn của mình hoàn toàn suy phục Thiên Chúa (xem Hiến Chế Mạc Khải, đoạn 5). Với cả con người mình, con người chấp nhận Thiên Chúa là Đấng tỏ mình ra. Thánh Kinh gọi việc con người đáp ứng Thiên Chúa, tác giả của mạc khải, này là ‘việc vâng phục của đức tin’ (xem Rm.1:5; 16:26)”. (số 143)

“Đức tin là việc con người trước hết gắn bó cá nhân mình với Thiên Chúa. Đức tin đồng thời cũng đi liền với việc tự do chấp nhận tất cả sự thật Thiên Chúa đã mạc khải... Hoàn toàn phó mình cho Thiên Chúa và tuyệt đối tin tưởng những gì Ngài phán là một việc chân thực và chính đáng” (số 150); “Đối với Kitô hữu, tin tưởng vào Thiên Chúa gắn liền với việc tin tưởng vào Đấng Ngài sai... Chúng ta có thể tin Chúa Giêsu Kitô, vì Người chính là Thiên Chúa, Lời nhập thể...” (số 151); “Người ta không thể tin Chúa Giêsu Kitô mà lại không thông phần với Thần Linh của Người. Chính Thánh Linh đã tỏ cho con người biết Chúa Giêsu là ai... Chỉ một mình Thiên Chúa mới biết mình hoàn toàn: chúng ta tin vào Chúa Thánh Thần vì Ngài là Thiên Chúa” (số 152).


2- NẾU “TÁC ĐỘNG ĐỨC TIN TỰ BẢN CHẤT LÀ MỘT TÁC ĐỘNG TỰ DO” (SGL số 160) CỦA CON NGƯỜI ĐÁP ỨNG MẠC KHẢI CỦA THIÊN CHÚA, THÌ PHẢI CHĂNG CON NGƯỜI TỰ MÌNH CÓ KHẢ NĂNG CHẤP NHẬN MẠC KHẢI CỦA THIÊN CHÚA VÀ THẤU HIỂU ĐƯỢC MẠC KHẢI CỦA NGÀI?

Tuy công nhận “tác động đức tin tự bản chất là một tác động tự do” (SGL số 160) của con người đáp ứng mạc khải của Thiên Chúa, Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo cũng minh định chính “đức tin là một tặng ân của Thiên Chúa, một nhân đức siêu nhiên được Ngài phú bẩm cho” (SGL số 153, xem cả số 35) con người như Thánh Kinh cho thấy (x.Mt.16:17; Gal.1:15; Mt.11:25). Bởi thế mà, trong thực hành, căn cứ vào giáo huấn của Công Đồng Chung Vaticanô I (Hiến Chế Dei Filius) và II (Hiến Chế Dei Verbum), cũng như Tổng Luận Thần Học của Thánh Tôma Tiến Sĩ, Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo còn cho thấy là:

“Trước khi thực thi đức tin, con người cần phải có ơn Chúa đánh động và nâng đỡ; họ phải được Thánh Linh ban ơn trợ giúp bề trong, Ngài là vị tác động tâm trí và qui hướng nó về Thiên Chúa, Đấng mở mắt trí khôn và ‘làm cho mọi người dễ dàng chấp nhận và tin tưởng chân lý’” (Hiến Chế Mạc Khải, đoạn 5; xem DS 377; 3010). (số 153)

 “... ’Tin tưởng là tác động của lý trí ưng thuận chân lý thần linh theo lệnh của ý muốn được Thiên Chúa tác động bằng ân sủng’” (Thánh Tôma Aquinô, STh II-II, 2, 9; xem Hiến Chế Dei Filius 3: DS 3010). (số 155)

Vẫn biết “cái làm cho chúng ta tin tưởng không phải là các chân lý được mạc khải có vẻ chân thực và hiểu được đối với lý trí tự nhiên của chúng ta” (SGL số 156), nhưng như thế không có nghĩa là con người chúng ta hoàn toàn mù quáng trước tác động của Thiên Chúa trong việc Ngài ban ơn giúp mình chấp nhận những gì chính Ngài là Đấng đáng tin trong những gì Ngài đã mạc khải vượt quá tầm thức suy luận và hiểu biết tự nhiên của mình. Trái lại, Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo minh xác: “Tin tưởng vào Thiên Chúa và gắn bó với các chân lý do Ngài mạc khải không phản lại với tự do và lý trí của con người” (SGL số 154). Tại sao? Căn cứ vào Hiến Chế Dei Filius của Công Đồng Chung Vaticanô I, Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo xác nhận đức tin cần dấu chứng và cần được tìm hiểu:

“Để ‘việc đức tin vâng phục của chúng ta hợp với lý trí, thì theo ý định của Thiên Chúa, các chứng cớ bề ngoài về những gì Ngài Mạc Khải phải liên kết với ơn Chúa Thánh Thần trợ giúp bề trong’ (đoạn 3: DS 3009). Thế nên, những phép lạ Chúa Kitô và các thánh làm (người biên soạn biệt chú: phân biệt với các sự lạ hay dấu lạ do thành phần kitô giả làm vào những ngày cuối thời), những lời tiên tri (phân biệt với Sấm Trạng Trình về Việt Nam hay Sấm Malachi về các vị giáo hoàng), việc phát triển và thánh thiện của Giáo Hội, việc sinh hoa kết trái và bền vững của Giáo Hội (phân biệt tử đạo với tử vì đảng của cán bộ Cộng Sản) đều ‘là những dấu hiệu chắc chắn nhất của Mạc Khải thần linh, hợp với trí khôn của tất cả mọi người”; chúng là “những động lực tin tưởng’ (motiva credibilitatis), chứng tỏ cho thấy rằng việc chấp nhận đức tin ‘không phải là một thúc đẩy mù quáng của tâm trí’ (đoạn 3: DS 3008 – 10; xem Mk. 16:20; Heb.2:4)”. (số 156)

“Chính nội dung của đức tin khiến người tín hữu muốn biết r hơn nữa về Đấng họ tin tưởng và hiểu hơn nữa về những gì Ngài mạc khải; càng hiểu biết sâu xa, đức tin càng mãnh liệt hơn, bằng tình yêu mỗi ngày một nồng nàn. Ơn đức tin mở ‘mắt ci lòng’ (Eph.1:18) để hiểu biết một cách sống động những gì được Mạc Khải: tức là hiểu biết trọn vẹn dự án của Thiên Chúa và các mầu nhiệm đức tin, hiểu biết mối liên hệ của chính những mầu nhiệm này với nhau cũng như với Chúa Kitô, tâm điểm của mầu nhiệm mạc khải. ‘Cùng một Chúa Thánh Thần là Đấng liên lỉ hoàn hảo hóa đức tin bằng tặng ân của Ngài, để Mạc Khải được hiểu biết càng ngày càng sâu xa hơn’ (Hiến Chế Mạc Khải, đoạn 5). Theo Thánh Âu-Quốc-Tinh nói: ‘Tôi tin tôi mới hiểu; và càng hiểu tôi càng tin’ (Sermo 43, 7, 9: PL 38, 257-258)”. (số 158)

Do đó, theo Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo (số 159), “mặc dù đức tin vượt trên lý trí, song giữa đức tin và khoa học không bao giờ thực sự mâu thuẫn với nhau”.


3- NẾU CON NGƯỜI CÓ THỂ VÀ ĐƯỢC QUYỀN TÌM HIỂU NHỮNG GÌ THIÊN CHÚA MẠC KHẢI CHO MÌNH, ĐỂ CHẲNG NHỮNG TRÁNH ĐƯỢC MÊ TÍN DỊ ĐOAN, MÀ CÒN ĐỂ SỐNG ĐỨC TIN MỘT CÁCH Ý THỨC HƠN, THÌ PHẢI CHĂNG LÝ TRÍ CỦA CON NGƯỜI MỚI LÀ YẾU TỐ CHÍNH ĐƯA CON NGƯỜI ĐẾN GẦN THIÊN CHÚA, CHỨ KHÔNG PHẢI ĐỨC TIN CỨU ĐỘ CON NGƯỜI HAY ĐỨC TIN CÔNG CHÍNH HÓA CON NGƯỜI?

Kinh nghiệm sống đạo cho thấy, mặc dù hiểu biết đức tin của mình r hơn, qua khoa thần học hay môn giáo lý, con người nhiều khi vẫn sống mâu thuẫn với đức tin, đôi khi còn sống phản lại đức tin, thậm chí có trường hợp còn chối bỏ đức tin nữa là đàng khác. Bởi thế, lý trí của con người hay kiến thức hiểu biết về đạo của họ không phải là yếu tố phần rỗi của họ hay yếu tố làm cho họ nên công chính, mà là đức tin nơi họ. Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo đã xác quyết chân lý đức tin cứu độ và chỉ dẫn việc bảo tồn đức tin:

“Tin tưởng vào Chúa Giêsu Kitô và vào Đấng đã sai Người vì phần rỗi của chúng ta là việc cần thiết để chiếm lấy ơn cứu độ (xem Mk.16:16; Jn.3:36, 6:40 v.v.). ‘Bởi không có đức tin không thể làm đẹp lòng Thiên Chúa cũng như không thể hiệp thông với con cái của Ngài, do đó, không có đức tin không ai được công chính hóa, cũng không ai được sự sống đời đời, ngoại trừ kẻ kiên tâm đến cùng’ (Hiến Chế Dei Filius 3: DS 3012; xem Mt. 10:22, 24:13 và Heb.11:6; Công Đồng Triđentrinô: DS 1532)”. (số 161)

“Đức tin là một tặng ân hoàn toàn nhưng không Thiên Chúa ban cho con người. Chúng ta có thể làm mất đi tặng ân vô giá này... Để sống theo đức tin, lớn lên trong đức tin và kiên trì với đức tin, chúng ta phải nuôi dưỡng đức tin bằng lời Chúa; chúng ta phải xin Chúa tăng thêm đức tin của mình (xem Mk.9:24; Lk.17:5, 22:32), một đức tin phải ‘hoạt động bởi đức ái’, tràn đầy niềm hy vọng và đâm rễ vào đức tin của Giáo Hội (Gal.5:6; Rm.15:13; xem Jas.2:14-26)”. (số 162)

4- NẾU “ĐỨC TIN LÀ MỘT TÁC ĐỘNG RIÊNG TƯ” (SGL số 166) CỦA MỖI NGƯỜI ĐỐI VỚI MẠC KHẢI THẦN LINH, THÌ TẠI SAO TRONG PHỤNG VỤ THÁNH LỄ TÍN HỮU CÔNG GIÁO LẠI CẦN PHẢI TUYÊN XƯNG CHUNG, BẰNG “NHỮNG BẢN TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN” (SGL số 187) NÓI LÊN “NHỮNG BIỂU HIỆU ĐỨC TIN” (SGL số 187), ĐƯỢC GỌI LÀ “KINH TIN KÍNH” (SGL số 187)?

Bởi vì, theo Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, thì tuy:

“Đức tin là một tác động riêng tư – là việc con người tự do đáp ứng Thiên Chúa là Đấng mạc khải mình ra khơi động họ. Thế nhưng, đức tin không phải là một tác động biệt lập. Không ai có thể tự mình tin tưởng, cũng như không ai có thể tự mình sống. Quí bạn không tự hiến cho mình sự sống thế nào, quí bạn cũng không tự mình có đức tin như vậy. Tín hữu đã lãnh nhận đức tin từ người khác và phải truyền đạt đức tin cho người khác nữa” (SGL số 166).

Để dẫn chứng nguồn gốc của đức tin được phát xuất từ Giáo Hội, Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo đã cho thấy như sau:

“Chính Giáo Hội tin tưởng trước, rồi sau đó đã cưu mang, nuôi dưỡng và bảo trì đức tin của tôi... Chính nhờ đức tin của Giáo Hội mà tôi được nhận lãnh đức tin và sự sống mới trong Chúa Kitô qua Phép Rửa. Nơi Rituale Romanum, vị thừa tác viên cử hành Phép Rửa hỏi các dự tòng rằng: ‘Quí vị xin Giáo Hội Chúa điều gì?’ Câu trả lời là ‘Đức tin’. ‘Đức tin ban cho quí vị điều gì?’ ‘Sự sống đời đời’ (Roman Ritual, Nghi Thức Rửa Tội Người Lớn). (số 168, xin xem cả số 172 và 173)

Để phân biệt giữa “đức tin là một tác động riêng tư” song cũng “không phải là một tác động biệt lập”, Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo trình bày như sau:

“’Tôi tin kính’ (Kinh Tin Kính Các Thánh Tông Đồ – xem SGL số 194) là đức tin của Giáo Hội được tuyên xưng riêng tư bởi mỗi người tín hữu, đặc biệt trong khi lãnh nhận Phép Rửa. ‘Chúng tôi tin’ (Kinh Tin Kính Các Công Đồng Chung Nicêa và Contantinôpôli – xem SGL số 195) là đức tin của Giáo Hội được các giám mục họp công đồng tuyên xưng, hay phổ thông hơn, được cộng đồng tham dự phụng vụ tuyên xưng”. (số 167, xin xem cả số 171)


5- KINH TIN KÍNH ĐƯỢC CHIA RA LÀM MẤY PHẦN VÀ BAO GỒM BAO NHIÊU “ĐIỀU” (SGL số 191) PHẢI TIN, NHỮNG “ĐIỀU” NÀY CÓ PHẢI LÀ CHÍNH ĐỐI TƯỢNG CỦA ĐỨC TIN HAY KHÔNG?

Theo Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, “Kinh Tin Kính được chia ra làm ba phần” (SGL số 190 và cả số 189) và kể “như có 12 điều” (SGL số 191). Những tín (=tin) điều này (tức “12 điều” trong Kinh Tin Kính, hay “12 điều” tin theo Kinh Tin Kính), Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo đã phân biệt và xác nhận là tự những tín điều ấy không phải là chính đối tượng của đức tin, song thực tại của những tín điều ấy mới là chính đối tượng của đức tin:

“Chúng ta không tin vào các câu công thức, mà là những thực tại được các câu công thức này nói lên, những thực tại chỉ có đức tin của chúng ta mới chạm tới... Cũng thế, chúng ta tiến đến những thực tại này nhờ các công thức đức tin, giúp chúng ta diễn đạt đức tin và truyền đạt đức tin, cử hành đức tin trong cộng đồng, áp dụng và sống đức tin mỗi ngày một hơn”. (số 170)


TÓM LẠI:

Để có thể dự phần vào sự sống vinh phúc của Thiên Chúa (xem SGL số 1 và 51), con người phải biết đáp ứng mạc khải thần linh của Thiên Chúa (số 50, 51 và 52), một cách hoàn toàn bằng tác động vâng phục của đức tin, được thể hiện qua việc cả lý trí lẫn lòng muốn của con người chấp nhận (số 143-144) chính Thiên Chúa là Đấng mạc khải cho mình cùng với tất cả sự thật được Ngài mạc khải (số 150), qua Chúa Giêsu Kitô (số 151) và trong Chúa Thánh Thần (số 152). Tự bản chất, đức tin là tặng ân Thiên Chúa ban (số 153) cho con người khi họ được Giáo Hội ban Phép Rửa (số 168), để nhờ đó họ được cứu độ (số 161), bởi thế, con người phải cẩn thận bảo tồn và tăng tiến đức tin của mình cho đến cùng mới được cứu rỗi (số 162). Tuy nhiên, vì đức tin cũng là tác động con người tự do ưng thuận (số 160) đối với tất cả chân lý Thiên Chúa mạc khải (số 150), do đó, Thiên Chúa cũng dùng các dấu hiệu bề ngoài hợp với con người (số 156) để lôi kéo họ đến với Ngài. Phần con người, càng hiểu biết những gì mình tin tưởng, họ càng nắm vững đức tin (số 158), một đức tin được tiếp nhận từ Mẹ Giáo Hội (số 168-169, 171), và được diễn đạt và truyền đạt theo hai Kinh Tin Kính chính (số 187, 194 và 195), để tuyên xưng đức tin riêng (số 167 và 194) hay chung (số 167 và 195), song 12 điều trong 3 phần (số 191) của các Kinh Tin Kính ấy cũng chỉ nhắm đến chính thực tại đức tin (số 170).


THÂM TÍN SỐNG ĐẠO


1- Đức tin là hạt giống thần linh Thiên Chúa đã gieo vào thửa ruộng của Ngài là Giáo Hội nói chung và mỗi tâm hồn nói riêng, một hạt giống chứa đựng tất cả những gì Ngài muốn mạc khải cho Giáo Hội cũng như qua Giáo Hội cho thế giới, một hạt giống mang mầm mống sự sống đời đời, một hạt giống nhỏ đến nỗi con người tự nhiên không thấy được song một khi đâm rễ vào trần gian, vào văn hóa các dân nước, sẽ trở thành Nước Trời cho chim trời là các hồn thiêng bất tử.

2- Vì đức tin là hạt giống được gieo vào tâm hồn của mình, Kitô hữu phải trở thành những mảnh đất tốt, hoàn toàn dễ dạy theo tác động của Chúa Thánh Thần, trong lòng Giáo Hội, bắt chước Mẹ Maria luôn giữ và suy ngắm những gì Chúa mạc khải.


TRẮC NGHIỆM

Xin đọc bài Giáo Lý lược tóm tổng ôn dưới đây, rồi dùng các chữ ở cuối trang để điền vào những chỗ gạch trống các câu Sách Giáo Lý vừa học hỏi cho đúng nguyên văn ý nghĩa của nó. Trong vòng 10 phút.

Qua bài Giáo Lý 6 về Việc Con Người Đáp Ứng Thiên Chúa, Giáo Hội Công Giáo đã cho con cái của mình thấy những điểm chính yếu sau đây: Để có thể dự phần vào sự sống vinh phúc của Thiên Chúa (xem SGL số 1 và 51), con người phải biết đáp ứng mạc khải thần linh của Thiên Chúa (xem SGL số 50, 51 và 52), một cách hoàn toàn bằng tác động vâng phục của đức tin, được thể hiện qua việc cả lý trí lẫn lòng muốn của con người chấp nhận (xem SGL số 143-144) chính Thiên Chúa là Đấng mạc khải cho mình cùng với tất cả sự thật được Ngài mạc khải (xem SGL số 150), qua Chúa Giêsu Kitô (xem SGL số 151) và trong Chúa Thánh Thần (xem SGL số 152). Tự bản chất, đức tin là tặng ân Thiên Chúa ban (xem SGL số 153) cho con người khi họ được Giáo Hội ban Phép Rửa (xem SGL số 168), để nhờ đó họ được cứu độ (xem SGL số 161), bởi thế, con người phải cẩn thận bảo tồn và tăng tiến đức tin của mình cho đến cùng mới được cứu rỗi (xem SGL số 162). Tuy nhiên, vì đức tin cũng là tác động tự do (xem SGL số 160) ưng thuận của con người đối với tất cả chân lý Thiên Chúa mạc khải (xem SGL số 150), do đó, Thiên Chúa cũng dùng các dấu hiệu bề ngoài hợp với con người (xem SGL số 156) để lôi kéo họ đến với Ngài. Phần con người càng hiểu biết những gì mình tin tưởng, họ mới nắm vững đức tin (xem SGL số 158), một đức tin được tiếp nhận từ Mẹ Giáo Hội (xem SGL số 168-, 169, 171), và được diễn đạt và truyền đạt theo hai Kinh Tin Kính chính (xem SGL số 187, 194 và 195), để tuyên xưng riêng (xem SGL số 167 và 194) hay chung (xem SGL số 167 và 195), song 12 điều trong 3 phần (xem SGL số 191) của các Kinh Tin Kính ấy cũng chỉ nhắm đến chính thực tại của đức tin (xem SGL số 170).

1- Bằng đức tin, con người hoàn toàn suy phục __________ và _________ của mình trước Thiên Chúa. Với cả con người mình, con người chấp nhận Thiên Chúa là Đấng tỏ mình ra. Thánh Kinh gọi việc con người đáp ứng Thiên Chúa, tác giả của mạc khải, này là “việc _________ của __________”. (số 143)
2- “Tin tưởng vào Thiên Chúa và gắn bó với các chân lý do Ngài mạc khải không ___________ với tự do và lý trí của con người”. (số 154)
3- Để “việc đức tin vâng phục của chúng ta hợp với lý trí, thì theo ý định của Thiên Chúa, các ___________ bề ngoài về những gì Ngài Mạc Khải phải liên kết với ơn Chúa Thánh Thần trợ giúp bề trong”. Thế nên, những ___________ Chúa Kitô và các thánh làm, những lời _________, việc phát triển và thánh thiện của Giáo Hội, việc sinh hoa kết trái và bền vững của Giáo Hội đều “là những dấu hiệu chắc chắn nhất của Mạc Khải thần linh, hợp với trí khôn của tất cả mọi người”; chúng là “những động lực tin tưởng” (motiva credibilitatis), chứng tỏ cho thấy rằng việc chấp nhận ___________“không phải là một thúc đẩy mù quáng của tâm trí”. (số 156)
4- Chính nội dung của đức tin khiến người tín hữu muốn biết r hơn nữa về Đấng họ tin tưởng và hiểu hơn nữa về những gì Ngài mạc khải; càng ___________ sâu xa, đức tin càng ___________ hơn, bằng tình yêu mỗi ngày một nồng nàn. Ơn đức tin mở “mắt ci lòng” để hiểu biết một cách sống động những gì được Mạc Khải: tức là hiểu biết trọn vẹn dự án của Thiên Chúa và các mầu nhiệm đức tin, hiểu biết mối liên hệ của chính những mầu nhiệm này với nhau cũng như với Chúa Kitô, tâm điểm của mầu nhiệm mạc khải. “Cùng một Chúa Thánh Thần là Đấng liên lỉ hoàn hảo hóa đức tin bằng tặng ân của Ngài, để Mạc Khải được hiểu biết càng ngày càng sâu xa hơn”. Theo Thánh Âu-Quốc-Tinh nói: “Tôi _______tôi mới ________; và càng ________ tôi càng ________”. (số 159)
5- Đức tin là một __________hoàn toàn nhưng không Thiên Chúa ban cho con người. Chúng ta có thể làm _________tặng ân vô giá này... Để sống theo đức tin, lớn lên trong đức tin và kiên trì với đức tin, chúng ta phải __________đức tin bằng lời Chúa; chúng ta phải xin Chúa tăng thêm đức tin của mình, một đức tin phải “hoạt động qua đức ái”, tràn đầy niềm hy vọng và đâm rễ vào đức tin của Giáo Hội. (số 162)

(nuôi dưỡng, trí khôn, lòng muốn, mất đi, tặng ân, vâng phục, đức tin, tin, hiểu, phản lại, chứng cớ, hiểu, tin, phép lạ, tiên tri, mãnh liệt, hiểu biết, tiên tri, đức tin)