DẪN NHẬP


Giáo Hội đã Tiến Vào Ngàn Năm Thứ Ba, theo Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, như đang tiến vào một Mùa Xuân Gieo Tin Mừng Cứu Độ, một mùa truyền bá phúc âm hóa mới cần phải được nở rộ từ Đại Năm Thánh 2000.

 “Thiên Chúa đang mở ra trước mắt Giáo Hội một chân trời nhân loại hết sức thuận lợi cho việc gieo vãi Phúc Âm. Tôi cảm thấy rằng đã đến lúc tất cả năng lực của Giáo Hội cần phải dấn thân vào một việc truyền bá phúc âm hóa mới, cũng như vào việc truyền giáo ad gentes (cho các dân tộc). Không một tín hữu nào tin tưởng vào Chúa Kitô, không một tổ chức nào của Giáo Hội được phép tránh né nhiệm vụ trên hết này: đó là nhiệm vụ phải loan truyền Chúa Kitô cho tất cả mọi dân nước”.

(Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, Thông Điệp Sứ Mệnh Đấng Cứu Chuộc Redemptoris Missio, ban hành ngày 7/12/1990, ban hành ngày 16/10/1979, đoạn 3.4)

Thế nhưng, để Gieo Tin Mừng Cứu Độ trong một thời đại đang sống trong một nền “văn hóa tử vong” đến nỗi đức tin như đang bị phá sản hiện nay, Kitô hữu không thể nào bỏ qua được việc nắm vững Đức Tin của mình bằng việc học hỏi Giáo Lý:

 “Vấn đề giáo lý cần cho cả việc trưởng thành đức tin Kitô hữu lẫn việc họ làm chứng nhân trong thế giới: Nó nhắm đến việc làm cho Kitô hữu ‘đạt đến tình trạng hiệp nhất trong đức tin và trong kiến thức về Con Thiên Chúa, nên con người thành toàn là Đức Kitô viên trọn tầm vóc’ (Ephêsô 4:13); nó cũng nhắm đến việc giúp họ sẵn sàng trả lời cho những ai đặt vấn đề với họ về niềm hy vọng ở nơi họ (xem 1Phêrô 3:15)”.

(ĐTC Gioan Phaolô II, Tông Huấn Giáo Lý Trong Thời Đại Chúng Ta Catechesi Tradendae, đoạn 33)

Ngoài ra, một lý do thúc đẩy Kitô hữu càng cần phải Học Hỏi Giáo Lý hơn bao giờ hết là vì Học Hỏi Giáo Lý còn là một nhiệm vụ bó buộc và là một quyền lợi đặc biệt của Kitô hữu nữa:

 “Cần phải nhắc lại rằng không một ai trong Giáo Hội của Chúa Giêsu Kitô được phép chuẩn chước cho mình việc học hỏi giáo lý. Điều này áp dụng cho cả những chủng sinh trẻ và tu sĩ trẻ, cũng như cho tất cả những ai được kêu gọi đảm trách công việc làm mục tử và làm giáo lý viên. Họ sẽ hoàn thành công việc này hết sức tốt đẹp nếu họ là những học viên khiêm hạ của Giáo Hội, một truyền đạt viên giáo lý cao cả cũng là một thụ lãnh sinh giáo lý tuyệt vời”.

(ĐTC Gioan Phaolô II, Tông Huấn Giáo Lý Trong Thời Đại Chúng Ta Catechesi Tradendae, đoạn 45)
 “Tất cả mọi tín hữu có quyền được học hỏi giáo lý; tất cả mọi vị chủ chăn có nhiệm vụ phải cung cấp vấn đề giáo lý cho họ”.

(ĐTC Gioan Phaolô II, Tông Huấn Giáo Lý Trong Thời Đại Chúng Ta Catechesi Tradendae, đoạn 64)


Để Học Hỏi Giáo Lý, không gì bằng học chính cuốn Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, một cuốn sách đã được Thượng Hội Giám Mục Thế Giới Ngoại Lệ năm 1985, một Thượng Hội họp mừng kỷ niệm 30 năm bế mạc Công Đồng Chung Vaticanô II, đề nghị thực hiện, rồi sau đó đã được soạn thảo trong vòng 6 năm (1986-1992), do một ủy ban gồm 12 vị hồng y và giám mục đặc trách, dưới quyền lãnh đạo của chính vị hồng y tổng trưởng Thánh Bộ về Tín Lý Đức Tin, với sự đóng góp của toàn thể hàng giáo phẩm trên khắp thế giới.

Về cuốn Sách Giáo Lý hiện đại này, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, vị Giáo Hoàng đã dạy giáo lý cho con chiên của mình suốt từ 21 năm trong giáo triều của mình vào các buổi yết kiến chung ngày thứ tư hằng tuần từ năm 1979 tới nay là Năm Thánh 2000, qua Tông Hiến Kho Tàng Đức Tin Fedei Depositum ban hành ngày 11/10/1992 để giới thiệu cuốn Sách Giáo Lý này, đã xác định về nguồn gốc, mục đích và tính cách của Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, cũng như đã nói đến kết cấu, giá trị và mục tiêu của chính cuốn Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo.

Nguồn Gốc, Mục Đích và Tính Cách của Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo:

 Giáo lý phải trung thực và thứ tự trình bày giáo huấn Thánh Kinh, Truyền Thống lưu tồn trong Giáo Hội và Huấn Quyền chính thức của Giáo Hội, cả di sản thiêng liêng của các Vị Giáo Phụ, Tiến Sĩ và các thánh trong Giáo Hội, để giúp vào việc hiểu biết hơn Mầu Nhiệm Kitô Giáo cũng như để làm sống động đức tin của Dân Chúa. (đoạn 2)

 “Nhờ ánh sáng đức tin, giáo lý cũng phải soi dẫn cho những hoàn cảnh và vấn đề mới chưa xẩy ra trong qúa khứ (phụ chú riêng của người biên soạn: như ly dị, phá thai, ngừa thai nhân tạo, mê tử, đồng tính luyến án, án tử hình)… Những chi tiết giáo lý thường được trình bày bằng một đường lối “mới mẻ” (phụ chú riêng: chẳng hạn như thay vì hành động lên án hay phạt vạ như 20 Công Đồng Chung trước đây, thì Giáo Hội tỏ ra cởi mở, đối thoại, trình bày, kêu gọi, tuyên ngôn v.v. như tinh thần và đường hướng của Công Đồng Chung Vaticanô II vào thập niên 1960), để đáp ứng cho những vấn đề của thời đại chúng ta”. (đoạn 2)

Kết Cấu, Giá Trị và Mục Tiêu của chính cuốn Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo:

 “Cuốn Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo lập lại bố cục truyền thống “cũ” đã được Cuốn Giáo Lý của Thánh Giáo Hoàng Piô V noi theo, khi sắp xếp các chi tiết thành bốn phần: phần Kinh Tin Kính, phần Phụng Vụ Thánh, đặc biệt là các bí tích, phần sống đạo Kitô giáo, được dẫn giải căn bản từ Mười Điều Răn, sau hết là phần cầu nguyện Kitô giáo”. (đoạn 2)
ở “Đọc cuốn Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, chúng ta thấy được tính cách hiệp nhất lạ lùng nơi mầu nhiệm Thiên Chúa, nơi ý Ngài muốn cứu độ, cũng như nơi vị trí trọng yếu của Chúa Giêsu Kitô … (Đấng) luôn luôn hiện diện trong Giáo Hội, nhất là qua các bí tích; Người là nguồn mạch đức tin của chúng ta, là mẫu mực tác hành cho Kitô hữu và là Thày dạy chúng ta cầu nguyện”. (đoạn 2)

 “Cuốn sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo… là một lời tuyên xưng đức tin của Giáo Hội và của giáo huấn công giáo, được Thánh Kinh, Tông Truyền và Huấn Quyền Giáo Hội chứng thực hay soi sáng. Tôi tuyên bố cuốn sách giáo lý này là một qui tắc bảo đảm cho việc giảng dạy đức tin…” (đoạn 3)

 “Cuốn giáo lý này được trao đến các vị mục tử để làm một văn bản tham khảo chắc chắn và chính thức cho việc giảng dạy giáo huấn công giáo, và nhất là cho việc soạn thảo các cuốn giáo lý ở địa phương. Nó cũng được trao đến tất cả mọi tín hữu muốn đào sâu kiến thức của mình về kho tàng cứu độ khôn dò (x.Eph.3:8)… Sau hết, Cuốn Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo còn được trao đến tất cả mọi người muốn đối chất với chúng ta về niềm hy vọng ở nơi chúng ta (x.1Pt.3:15), cũng như những người muốn biết các điều Giáo Hội Công Giáo tin tưởng”. (đoạn 3)

Chúng ta có thể lược tóm Tông Hiến Kho Tàng Đức Tin của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II về vấn đề Giáo Lý nói chung và về Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo nói riêng như sau:

Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo là tất cả những gì Giáo Hội Công Giáo dạy con cái mình tin tưởng, cử hành, tuân giữ và cầu nguyện, căn cứ vào Thánh Kinh, Thánh Truyền và Huấn Quyền (xem FD 2.1). Sở dĩ Thánh Kinh, Thánh Truyền và Huấn Quyền là nguồn mạch và là yếu tố tạo nên Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo (xem FD 2.1, 3.1) là vì Giáo Lý liên quan đến Đức Tin Cứu Độ. Tuy nhiên, vì có những điều chưa được Sách Giáo Lý cũ của Giáo Hội đề cập tới cũng như vì cách thức trình bày Giáo Lý cần phải hợp thời (xem FD 2.3), Giáo Hội Công Giáo đã phải soạn thảo cuốn Giáo Lý hiện đại. Để hợp thời, cuốn Giáo Lý này đã được đề nghị soạn thảo từ năm 1985, được một ủy ban gồm 12 vị hồng y và giám mục đặc trách, cũng như được tất cả hội đồng giám mục trên thế giới góp ý và được hoàn tất vào năm 1992 (xem FD 1.1, 1.2, 1.4). Tuy nhiên, nội dung và bố cục của cuốn Giáo Lý vẫn theo truyền thống (xem FD 2.3, 2.6), nghĩa là vẫn được chia ra làm bốn phần, theo thứ tự liên quan đến những gì Giáo Hội Công Giáo dạy tin tưởng, cử hành, tuân giữ và cầu nguyện. Như thế, cuốn Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo hiện đại này là một chỉ nam đức tin (xem FD 3.1, 3,3) cho chung mọi tín hữu, nhất là cho riêng các vị mục tử, và cho cả những ai thắc mắc hay muốn tìm hiểu niềm tin của Giáo Hội Công Giáo (xem FD 3.3).

Chính vì cuốn Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo hiện đại này thật sự là một Kho Tàng Đức Tin hết sức phong phú, do đó, để Học Hỏi một cách kỹ lưỡng và vững vàng tất cả những gì Giáo Hội Công Giáo dạy con cái phải tuyên xưng, cử hành, tuân giữ và cầu nguyện theo Thánh Kinh, Thánh Truyền và Huấn Quyền của Giáo Hội, Kitô hữu Công giáo chúng ta, nơi mỗi bài Giáo Lý, trước hết sẽ nêu lên những vấn nạn hợp với Cảm Nghiệm Nhân Sinh của mình về chủ đề muốn học hỏi, sau đó sẽ giải quyết vấn đề bằng những Kiến Thức Đức Tin theo chính Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, và sau hết từ những kiến thức đức tin này chúng ta sẽ rút là những Thâm Tín Sống Đạo để áp dụng vào đời sống đạo của mình.

 “Giáo lý là môn học sống đạo, môn học về ân sủng, môn học lớn lên trong ơn thánh, chứ không phải là môn học hiểu suông...

 “Bởi vậy, việc dạy Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo là việc truyền đạt cái cảm nghiệm đức tin thần linh của mình, hơn là dạy học một mớ kiến thức đức tin suông (xem Tông Huấn Catechesis Tradendae, số 58), và việc học hỏi Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo cũng vậy, không phải chỉ là việc học biết những gì cần thiết để được lãnh nhận bí tích, cho bằng việc làm cho ‘đức tin tuân phục’ (Rôma 1:5) của mình sống động hơn (cũng Tông Huấn trên, số 20, 33, 37), cũng là làm cho ‘ơn cứu độ gần hơn lúc chúng ta mới chấp nhận đức tin’ (Rôma 13:11), qua một cảm thức đức tin càng ngày càng sâu xa khi đến với Chúa nơi các Bí Tích Thánh, ‘cho đến lúc đạt tới tầm vóc viên trọn của Chúa Kitô là đầu’ (Eâphêsô 4:15).

 “Ngoài ra, Kitô hữu không phải chỉ là thành phần theo Chúa Kitô mà còn là làm chứng cho Người và truyền giáo nữa. Bởi thế, nếu không thực sự cảm nghiệm được Đức Tin Tông Truyền của mình, nhất là trong thời điểm khủng hoảng tâm linh và phá sản văn hóa hiện nay, Kitô hữu chẳng những sẽ không thể hoàn tất được sứ mệnh truyền giáo làm nên bản tính Kitô giáo của mình mà còn nguy hiểm đến đờiỉ sống đạo và phần rỗi của họ nữa (xem Tông Huấn Catechesis Tradendae, số 25).
 

(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, Giáo Lý Chỉ Nam, Cao-Bùi, 1999, trang 224)

Khởi soạn tại Tổng Giáo Phận Los Angeles ngày Thứ Bảy 24/7/1999
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL