“Thiên Chúa đã trở thành con người
để con người trở thành Thiên Chúa”
(Thánh Âu-Quốc-Tinh: Sermo 13 de Tempore: PL 39:1097-1098).



Nghĩ đến hay nói đến Thiên Chúa không phải là chỉ nghĩ đến hay nói đến một Đấng Tối Cao, một Đấng Toàn Năng, mà còn nói đến một Đấng Toàn Thiện nữa. Nếu Thiên Chúa chỉ là một Đấng Toàn Năng mà không Toàn Thiện thì Ngài sẽ là một vị Hung Thần, không gì có thể tồn tại với Ngài, nếu Ngài không ưng ý hay khi Ngài bị nghịch ý điều gì. Như thế, nếu Thiên Chúa là Đấng Toàn Thiện, thì Ngài chính là một Vị Thiên Chúa Cứu Độ, đúng như cảm nhận của Mẹ Maria trong lời mở đầu Bài Ca Vịnh Ngợi Khen của Mẹ: “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, và thần trí tôi hớn hở trong Thiên Chúa Đấng cứu độ tôi” (Lk 1:46-47).

Thiên Chúa Cứu Độ thật sự phải là và chính là Đấng Toàn Thiện, đến nỗi, Vị Tông Đồ Dân Ngoại đã tuyên xưng: “Thiên Chúa đã chứng tỏ tình Ngài yêu thương chúng ta ở chỗ, đang khi chúng ta còn là những tội nhân thì Chúa Kitô đã chết cho chúng ta” (Rm 5:8).

Ôi, loài người vô cùng thấp hèn chúng ta có phúc là chừng nào! Ở chỗ, loài thấp hơn thiên thần chúng ta đã trở thành đối tượng yêu thương của một Vị “Thiên Chúa là tình yêu” (1Jn 4:8,16), Vị Thiên Chúa “hiện thân” (Heb 1:3) nơi “Lời đã hóa thành nhục thể và ở giữa chúng ta” (Jn 1:14), Đấng trở thành một con người thực sự như chúng ta: “Người đã làm việc bằng đôi tay của nhân loại, đã suy nghĩ bằng trí khôn của nhân loại, đã hành động bằng ý chí của nhân loại, đã yêu thương bằng con tim của nhân loại” (Hiến Chế Gaudium et Spes, 22). Nếu Lời Nhập Thể “là Thiên Chúa thật và là một con người thật” (GLGHCG, 469), thì chúng ta có thể định nghĩa về Thiên Chúa như thế này: nơi Đức Giêsu Kitô “Thiên Chúa là một con người” và “con người là Thiên Chúa”.

Như thế, về phần nhân loại chúng ta, cũng nơi Đức Giêsu Kitô, con người đã đạt thành giấc mộng ban đầu của mình trong việc muốn “nên bằng Thiên Chúa” (Gen 3:5,6), một giấc mộng rất hợp với ý định của Thiên Chúa, Đấng cũng thực sự muốn “các con phải nên trọn lành như Cha trên trời là Đấng trọn lành” (Mt 5:48), tức là Ngài muốn họ phải nỗ lực làm sao để có thể thực sự phản ảnh Vị “Thiên Chúa là thần linh” (Jn 4:24), bằng không, con người sẽ không bao giờ có thể hoàn trọn ơn gọi làm người cao trọng của mình.

“Thực vậy, mầu nhiệm về con người chỉ thực sự được sáng tỏ trong mầu nhiệm Lời Nhập Thể. Bởi vì Adong, con người đầu tiên, đã là hình bóng của Adong là Chúa Kitô sẽ đến. Chúa Kitô, Adong mới, trong khi mạc khải về Cha cũng như mạc khải về tình yêu của Cha, đã làm sáng tỏ cho con người thấy r về bản thân của họ cũng như về thiên chức cao cả của họ”. (Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội Vui Mừng và Hy Vọng, số 22.1)

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, 24/12/2001