SUY NGUYỆN và SỐNG ĐẠO

 

 

 

Chia Sẻ Phụng Vụ Lời Chúa 
Mùa Thường Niên Tuần III 
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL


   

Chúa Nhật


Lời Chúa


Bài Ðọc I: Is 9, 1-4 (Hr 8, 23b - 9, 3)

"Tại Galilêa các dân tộc và dân chúng thấy một ánh sáng vĩ đại".

Trích sách Tiên tri Isaia.

Lúc đầu, đất Giabulon và Nephthali rất hèn hạ, trong tương lai dần dần trở thành đường biển, bên kia sông Giođan trở thành Galilêa các dân tộc. Dân chúng đi trong tối tăm đã thấy một ánh sáng vĩ đại, và một ánh sáng đã chiếu soi trên dân ở vùng bóng sự chết. Người đã gia tăng dân số, đã ban một nguồn vui lớn; thiên hạ hân hoan trước mặt Người, như hân hoan khi được mùa, nhảy mừng như khi phân chia chiến lợi phẩm. Vì ách đã đè trên họ, đòn ngang nằm trên vai họ, và gậy của kẻ lạm thu họ, Người đã bẻ gẫy tất cả như trong ngày Mađian.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 26, 1. 4. 13-14

Ðáp: Chúa là sự sáng và là Ðấng cứu độ tôi (c. 1a).

Xướng: 1) Chúa là sự sáng, là Ðấng cứu độ; tôi sợ chi ai? Chúa là Ðấng phù trợ đời tôi, tôi sợ gì ai? - Ðáp.

2) Có một điều tôi xin Chúa, một điều tôi kiếm tìm, đó là tôi được cư ngụ trong nhà Chúa suốt đời tôi, hầu vui hưởng sự êm đềm của Chúa, và chiêm ngưỡng thánh điện của Người. - Ðáp.

3) Tôi tin rằng tôi sẽ được nhìn xem những ơn lành của Chúa trong cõi nhân sinh. Hãy chờ đợi Chúa, hãy sống can trường, hãy phấn khởi tâm hồn và chờ đợi Chúa. - Ðáp.

 

Bài Ðọc II: 1 Cr 1, 10-13. 17

"Tất cả anh em hãy đồng tâm hợp ý với nhau, và giữa anh em, đừng có chia rẽ".

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, nhân danh Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tôi xin anh em tất cả hãy đồng tâm hiệp ý với nhau, giữa anh em đừng có chia rẽ; hãy đoàn kết chặt chẽ trong cùng một thần khí và cùng một tâm tình. Anh em thân mến, tôi đã được các người nhà Khloê cho hay rằng: giữa anh em đang có những sự bất đồng. Tôi có ý nói điều này, là mỗi người trong anh em nói: "Tôi, tôi thuộc về Phaolô; - "Tôi về phe Apollô"; - "Còn tôi, tôi về phe Kêpha"; - "Và tôi thuộc về phe Chúa Kitô". Chúa Kitô bị phân chia rồi sao? Có phải Phaolô đã chịu đóng đinh vì anh em đâu? Hay là nhân danh Phaolô mà anh em chịu phép rửa? Ðức Kitô không sai tôi đi rửa tội, mà là đi rao giảng Tin Mừng, không phải bằng lời nói khôn khéo, kẻo thập giá của Ðức Kitô ra hư không.

Ðó là lời Chúa.

 

Alleluia: Mt 4, 23

Alleluia, alleluia! - Chúa Giêsu rao giảng Tin Mừng nước Trời, và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền trong dân. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Mt 4, 12-23 (bài dài)

"Người vào Capharnaum để ứng nghiệm lời tiên tri Isaia đã tiên báo".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, nghe tin Gioan bị nộp, Chúa Giêsu lui về Galilêa. Người rời bỏ thành Nadarét, đến ở miền duyên hải, thành Capharnaum, giáp ranh đất Giabulon và Nepthali, để ứng nghiệm lời đã phán bởi miệng tiên tri Isaia rằng: "Hỡi đất Giabulon và đất Nepthali, đường dọc theo biển, bên kia sông Giođan, Galilêa của ngoại bang! Dân ngồi trong tối tăm đã thấy ánh sáng huy hoàng; ánh sáng đã xuất hiện cho người ngồi trong bóng sự chết".

Từ bấy giờ, Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng và nói: "Hãy hối cải, vì nước trời đã gần đến!"

Nhân lúc Chúa Giêsu đi dọc theo bờ biển Galilêa, Người thấy hai anh em là Simon, cũng gọi là Phêrô, và Anrê, em ông, cả hai đang thả lưới dưới biển, vì hai ông là ngư phủ. Người bảo hai ông rằng: "Các ngươi hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành những ngư phủ lưới người ta". Lập tức hai ông bỏ lưới đó mà theo Người. Ði xa hơn một đỗi, Người lại thấy hai anh em khác là Giacôbê con ông Giêbêđê, và Gioan em ông đang vá lưới trong thuyền với cha là Giêbêđê. Người cũng gọi hai ông. Lập tức hai ông bỏ lưới và cha mình mà đi theo Người.

Và Chúa Giêsu đi rảo quanh khắp xứ Galilêa, dạy dỗ trong các hội đường của họ, rao giảng tin mừng nước trời, chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền trong dân.

Ðó là lời Chúa.

 

Related image

 

 

Suy niệm


"Chúa Giêsu muốn trở thành một vị tiên tri lưu động nay đây mai đó. Người không chờ đợi dân chúng mà là đến gặp gỡ họ. Chúa Giêsu luôn hành trình!... Chúa tỏ Mình ra cho chúng ta không phải bằng một đường lối phi thường hay nổi bật, mà là trong đời sống thường ngày của chúng ta."

(ĐTC Phanxicô - Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật III ngày 22/1/2017)

Xin chào anh chị em thân mến!

Đoạn Phúc Âm hôm nay (xem Mathêu 4:12-23) thuật lại thời điểm mở màn cho việc giảng dạy của Chúa Giêsu ở Galilêa. Người bỏ Nazarét là một ngôi làng ở trên đồi mà đến ở thành Caphanaum, một trung tâm trọng yếu ở bên bờ Hồ, có rất nhiều dân ngoại cư ngụ, một giao điểm giữa Địa Trung Hải và nội địa Mesopotamia. Sự chọn địa điểm này cho thấy rằng thành phần lãnh nhận việc rao giảng của Người không phải chỉ có đồng bào của Người mà còn tất cả những ai sống ở một đại đồng "Galilêa của các Dân Ngoại" (câu 15; xem Isaiah 8:23), như nó được gọi như vậy. So với Giêrusalem là thủ đô thì miền đất này về địa dư ở vùng ngoại biên và dơ bẩn về tôn giáo, vì nó đầy những dân ngoại, ở chỗ pha trộn với tất cả những ai không thuộc về dân Do Thái. Những điều cao cả trọng đại đối với lịch sử cứu độ thực sự là không được mong đợi xuất phát từ Galilêa. Thế mà, chính từ chỗ đó "ánh sáng" đã phát tỏara là điều chúng ta đã suy niệm trong các Chúa Nhật vừa qua: ánh sáng Chúa Kitô. Ánh sáng này thật sự tỏa ra từ một vùng ngoại biên.

Sứ điệp của Chúa Giêsu lập lại sứ điệp của vị Tẩy Giả, loan báo về "Nước Trời" (câu 17). Vương quốc này không bao gồm việc thiết lập một thứ quyền lực mới về chính trị, mà là việc hoàn thành Giao Ước giữa Thiên Chúa và Dân của Ngài, một việc hoàn thành sẽ khai mào cho một mùa hòa bình và công lý. Mỗi người được kêu gọi hoán cải, củng cố Giao Ước này với Thiên Chúa, biến đổi cách suy nghĩ và sống động của mình. Điều quan trọng là ở chỗ hoán cải không phải chỉ là việc thay đổi lối sống mà còn cả lối suy nghĩ của mình nữa. Nó không phải là việc thay đổi y phục mà là những thói quen! Điều làm cho Chúa Giêsu khác với vị Gioan Tẩy Giả đó là kiểu cách và phương pháp. Chúa Giêsu muốn trở thành một vị tiên tri lưu động nay đây mai đó. Người không chờ đợi dân chúng mà là đến gặp gỡ họ. Chúa Giêsu luôn hành trình! Những cuộc truyền giáo đầu tiên của Người đã xẩy ra dọc Biển Hồ Galilêa, giao tiếp với đám đông, đặc biệt là với những người đánh cá. Chúa Giêsu ở đó chẳng những loan báo Nước Thiên Chúa đến mà còn tìm kiếm các bạn đồng hành để cộng tác vào sứ vụ cứu độ của Người. Ở cùng một chỗ ấy, Người đã gặp được hai cặp anh em là Simon và Anrê cùng Giacôbê và Gioan. Người gọi họ mà rằng: "Hãy theo Tôi, và Tôi sẽ làm cho anh em thành những kẻ chài lưới người" (câu 19). Tiếng gọi này chạm đến họ ngay giữa sinh hoạt hằng ngày của họ: Chúa tỏ Mình ra cho chúng ta không phải bằng một đường lối phi thường hay nổi bật, mà là trong đời sống thường ngày của chúng ta. Chúng ta cần phải thấy Chúa ở đó; Người tỏ Mình ra ở đó, làm cho lòng chúng ta cảm thấy được tình yêu của Người; và ở đó - bằng cuộc trao đổi này với Người trong cuộc sống hằng ngày - lòng của chúng ta được biến đổi. Việc đáp ứng của bốn người chài lưới này xẩy ra ngay lập tức: "Họ liền bỏ lưới của mình lại mà theo Người" (câu 20). Thật vậy, chúng ta biết rằng họ đã từng là những người môn đệ của vị Tẩy Giả, và nhờ chứng từ của vị này họ đã bắt đầu tin rằng Đức Giêsu là Đấng Thiên Sai (xem Gioan 1:35-42).

Thành phần Kitô hữu chúng ta hôm nay đây hân hoan loan báo và làm chứng cho đức tin của chúng ta, vì đó là việc loan báo tiên khởi, vì đã có những con người khiêm tốn và can trường quảng đại đáp lại tiếng gọi của Chúa Giêsu. Cộng đồng môn đệ đầu tiên của Chúa Kitô được xuất thân ở bờ Hồ, ở một miền đất không ngờ. Chớ gì cái nhận thức về những sự khởi đầu này khơi động trong chúng ta ước muốn mang Lời Chúa, tình yêu thương và niềm êm ái dịu dàng của Chúa Giêsu đến cho hết mọi tình huống, cho dù là thành phần không tiếp thu và chống cưỡng nhất. Hãy mang Lời Chúa đến cho tất cả những vùng ngoại biên! Tất cả mọi lãnh vực của đời sống con người đều là khu vực để gieo hạt giống Phúc Âm, nhờ đó hạt giống này mới sinh hoa trái cứu độ.

Xin Trinh Nữ Maria giúp chúng ta, bằng việc chuyển cầu từ mẫu của mình, biết hân hoan đáp lại tiếng gọi của Chúa Giêsu, và dấn thân phục vụ Vương Quốc của Thiên Chúa.

https://zenit.org/articles/angelus-address-on-the-need-for-conversion-to-follow-jesus/
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và những chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu        


"Galilêa thuộc các dân nước"

 

Phúc Âm Chúa Nhật này thuật lại khởi điểm đời sống công khai của Chúa Giêsu ở các phố thị và làng mạc Xứ Galilêa. Sứ vụ của Người không bắt đầu ở Giêrusalem, trung tâm về tôn giáo và cũng là trung tâm về xã hội và chính trị, mà là ở một miền đất ngoại vi bên lề, một miền đất bị hầu hết thành phần Do Thái ngoan đạo khinh bỉ vì ở miền đất này có các thành phần ngoại quốc khác nhau; đó là lý do tại sao Tiên Tri Isaia đã gọi nó là "Xứ Galilêa thuộc các dân nước" (9:1).

 

Nó là một miền đất biên giới, một nơi qua lại của thành phần dân chúng thuộc các chủng tộc, văn hóa và tôn giáo khác nhau tụ lại. Bởi thế Galilêa trở thành một nơi tiêu biểu cho Phúc Âm hướng tới tất cả mọi dân nước. Theo quan điểm ấy thì Galilêa giống như thế giới ngày nay, ở chỗ đồng hiện diện của các thứ văn hóa khác nhau, nhu cầu cần so sánh và nhu cầu cần hội ngộ. Cả chúng ta nữa bị chìm đắm hằng ngày vào một thứ "Galilêa thuộc các dân nước", và trong thứ bối cảnh này chúng ta cảm thấy lo sợ và chiều theo khuynh hướng thực hiện việc ngăn chặn rào cản để cảm thấy mình được an toàn hơn, được bảo vệ hơn. Thế nhưng Chúa Giêsu dạy chúng ta rằng Tin Mừng được Người mang đến không phải chỉ dành cho một phần nhân loại mà là được truyền đạt cho hết mọi người. Nó là một thứ loan báo về niềm hân hoan nhắm đến những ai đang đợi chờ nó, thế nhưng cũng cho tất cả những ai có lẽ không còn chờ đợi bất cứ gì nữa và thậm chí không còn sức để tìm kiếm và kêu xin.

 

Bắt đầu từ Galilêa, Chúa Giêsu dạy chúng ta rằng không có ai bị loại trừ khỏi ơn cứu độ của Thiên Chúa, trái lại, chính từ những nơi ngoại biên này mà Thiên Chúa thích khởi sự, từ những gì là bé mọn nhất, để vươn tới hết mọi người. Người dạy chúng ta một phương pháp, phương pháp của Người, cũng cho thấy nội dung của của nó là tình thương của Cha....

 

Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ của Người chẳng những từ một nơi chốn ngoài tâm điểm mà còn giữa những con người mà người ta có thể gọi, ám chỉ, như là một thứ "hạ cấp - low profile". Khi chọn các môn đệ đầu tiên của mình và là các vị tông đồ sau này, Người đã không hướng tới các trường phái luật sĩ hay tiến sĩ Luật, mà về thành phần thấp hèn và thành phần quê mùa, thành phần ân cần sửa soạn cho việc trị đến của Vương Quốc Thiên Chúa. Chúa Giêsu đến kêu gọi họ ở nơi họ đang làm việc, trên bờ hồ: họ là những tay đánh cá. Người kêu gọi họ, và họ lập tức theo Người. Họ lìa bỏ chài lưới mà đi theo Người: đời sống của họ sẽ trở thành một cuộc mạo hiểm phi thường và hấp dẫn.

 

 

http://w2.vatican.va/content/francesco/en/angelus/2014/documents/papa-francesco_angelus_20140126.html

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch  




Thứ Hai


Lời Chúa


  

Bài Ðọc I: (năm I) Dt 9, 15. 24-28

"Người chỉ tế lễ chính mình một lần để huỷ diệt tội lỗi, Người sẽ xuất hiện lần thứ hai để cứu độ những ai trông đợi Người".

Trích thơ gửi tín hữu Do-thái.

Anh em thân mến, Chúa Kitô là trung gian của Tân Ước, vì nhờ sự chết của Người để cứu chuộc các tội phạm dưới thời Cựu Ước, mà những kẻ được kêu gọi, đến lãnh lấy gia nghiệp đời đời đã hứa cho họ. Ðức Giêsu không tiến vào cung thánh do tay người phàm làm ra, chỉ là hình bóng cung thánh thật, nhưng Người vào chính thiên đàng, để từ đây xuất hiện trước tôn nhan Thiên Chúa vì chúng ta. Người không còn hiến dâng chính mình nhiều lần, như vị thượng tế vào cung thánh mỗi năm một lần với máu không phải của mình. Chẳng vậy, từ tạo thiên lập địa, Người đã phải chết nhiều lần: nhưng từ nay cho đến tận thế, Người chỉ xuất hiện một lần tế lễ chính mình để huỷ diệt tội lỗi. Như đã quy định, người ta chỉ chết một lần thế nào, sau đó là phán xét, thì Ðức Kitô cũng tế hiến một lần như vậy, để xoá tội lỗi của nhiều người. Người sẽ xuất hiện lần thứ hai, không phải để chuộc tội, nhưng để cứu độ những ai trông đợi Người.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 97, 1. 2-3ab. 3cd-4. 5-6.

Ðáp: Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu (c. 1a).

Xướng: 1) Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu. Tay hữu Người đã tạo cho Người cuộc chiến thắng, cùng với cánh tay thánh thiện của Người. - Ðáp.

2) Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người, trước mặt chư dân Người tỏ rõ đức công minh, Người đã nhớ lại lòng nhân hậu và trung thành, để sủng ái nhà Israel. - Ðáp.

3) Khắp nơi bờ cõi địa cầu, đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. Toàn thể địa cầu hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hỉ, mừng vui và đàn ca. - Ðáp.

4) Hãy ca mừng Chúa với cây đàn cầm, với cây đàn cầm với điệu nhạc du dương, cùng với tiếng kèn râm ran, tiếng tù và rúc, hãy hoan hô trước thiên nhan Chúa là vua. - Ðáp.

 

Alleluia: Ga 14, 23

Alleluia, alleluia! - Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu thương người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Mc 3, 22-30

"Satan phải diệt vong".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, những luật sĩ từ Giêrusalem xuống nói rằng: "Ông ấy bị quỷ Belgiêbút ám", và nói thêm rằng: "Chính nhờ tướng quỷ mà ông ấy trừ quỷ". Khi đã gọi họ lại, Chúa Giêsu phán bằng dụ ngôn rằng: "Satan lại trừ Satan làm sao được? Nếu một nước mà tự chia rẽ nhau, thì nước đó tồn tại làm sao được? Vậy nếu Satan dấy lên chống đối với chính mình và tự phân tán, thì nó không thể đứng vững được mà phải diệt vong. Chẳng ai có thể vào nhà một người khoẻ mạnh và cướp của y, nếu không trói được y trước đã, rồi sau mới cướp phá nhà y. Quả thật, Ta bảo các ông hay, mọi tội lỗi và mọi lời phạm thượng của con cái loài người sẽ được tha hết, nhưng kẻ nào nói phạm đến Chúa Thánh Thần, sẽ muôn đời không bao giờ được tha: nó mắc tội muôn đời". Ðó là vì họ nói "Người bị thần ô uế ám".

Ðó là lời Chúa.

 



Suy niệm

 


Đức Kitô Quyền Năng


   Hôm nay, Thứ Hai, ngày thường đầu tiên trong Tuần 3 Mùa Thường Niên hậu Giáng Sinh, chủ đề "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân lý" cho chung thời điểm phụng vụ này vẫn tiếp tục phản ảnh nơi bài Phúc Âm hôm nay. 

Bài Phúc Âm hôm nay Thánh ký Marco thuật lại sự kiện đụng độ giữa "những luật sĩ từ Giêrusalem đến" và Chúa Giêsu, một cuộc đụng độ càng cho thấy bản chất "đầy ân sủng và chân lý" của "Người Con duy nhất đến từ Cha" này. Ở chỗ, cho dù bị xuyên tạc chụp mũ Người vẫn "hiền lành và khiêm nhượng trong lòng" (Mathêu 11:29), vẫn nhẫn nhịn giúp cho đối phương nhận ra cái sai lầm của họ và cảnh giác họ để họ khỏi bị đời đời hư mất.

Thật vậy, khi thấy danh tiếng của Chúa Giêsu càng ngày càng nổi nang khắp nơi trong dân chúng, cho dù Người mới chỉ ở Galilêa thuộc miền bắc đất nước Do Thái, chứ chưa xuống tới Giuđêa thuộc miền nam là nơi toàn tòng dân Do Thái và có giáo đô Giêrusalem là trung tâm của Do Thái giáo, thành phần "những luật sĩ từ Giêrusalem đến nói rằng 'Ông ấy bị quỷ Belgiêbút ám', và nói thêm rằng: 'Chính nhờ tướng quỷ mà ông ấy trừ quỷ'".  

Không biết thành phần luật sĩ từ Giêrusalem đến này từ bao lâu rồi, đã tận mắt xem thấy Chúa Giêsu trừ quỉ hay chưa, hoặc chỉ nghe nói đến thôi, rồi suy diễn một cách méo mó như vậy để chống phá đối phương mới trở nên nổi tiếng, với chủ đích hạ bệ đối thủ của mình xuống càng sớm càng tốt?! 

Tuy nhiên, nếu "miệng nói ra những gì đầy trong lòng", như chính Chúa Giêsu đã nói với những người Pharisiêu trong Phúc Âm của Thánh ký Mathêu (12:34) cũng có cùng chủ trương như những người luật sĩ trong bài Phúc Âm hôm nay, thì nội dung của lời phát biểu này dường như chất chứa tính cách cạnh tranh xuất phát từ lòng ghen ghét, chứ chưa nói đến tính cách hết sức phạm thượng của nó, của những ai phát ngôn như thế.

Thế nhưng, cho dù bị phạm thượng như vậy, Chúa Giêsu chẳng những đã không nổi giận, quát mắng họ hay thậm tệ quở trách họ, như Người sẽ làm sau này, được thấy ở nguyên đoạn 23 Phúc Âm Thánh Mathêu, mà còn hết sức nhân từ "gọi họ lạivà "dùng tỉ dụ" (như cha mẹ hay thày cô dạy cho đám học trò con nít của mìnhcho dễ hiểu để nhờ đó vạch ra cho họ thấy những gì sơ hở đầy mẫu thuẫn nơi cái nhận định và lập luận vừa thiển cận nông nổi vừa mâu thuẫn mù tối của họ, bằng cách Người đã lấy gậy ông đập lưng ông, như sau:

"Satan lại trừ Satan làm sao được? Nếu một nước mà tự chia rẽ nhau, thì nước đó tồn tại làm sao được? Vậy nếu Satan dấy lên chống đối với chính mình và tự phân tán, thì nó không thể đứng vững được mà phải diệt vong". Tức là Chúa Giêsu muốn nói với thành phần luật sĩ đầy thế lực từ giáo đô Giêrusalem rằng: quí vị thật là mâu thuẫn, chẳng hiểu gì cả, nếu tôi như quí vị nói "bị quỉ Belzebul ám" nhờ đó tôi mới có thể "nhờ chính tướng quỷ mà trừ quỷ" thì ma quỉ tự chúng chia rẽ nhau mà chết thôi - làm gì có cái chuyện hoang đường là ma quỉ quay ra tàn sát lẫn nhau để hủy diệt đi vương quốc tử thần của chúng chứ? 

Chưa hết, Chúa Giêsu muốn lợi dụng dịp này để chẳng những sửa lỗi cho họ mà còn tỏ mình ra cho họ thấy rõ hơn một chút nữa, hy vọng họ thấy được quyền phép thần linh của mình là "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân lý", một quyền phép vô địch còn hơn cả quyền lực chết chóc của thần dữ, ở chỗ còn khống chế được cả ma quỉ là loài vẫn từng thống trị loài người từ sau nguyên tội: "Chẳng ai có thể vào nhà một người khoẻ mạnh và cướp của y, nếu không trói được y trước đã, rồi sau mới cướp phá nhà y". 

Không biết các nhà luật sĩ khôn ngoan thông thái trong bài Phúc Âm hôm nay, nghe xong câu nói nhẹ nhàng xa xa bóng gió này của Chúa Giêsu có hiểu ý Người muốn nói hay chăng, nhưng thực tại đúng là như thế, đúng là Người có một quyền lực vô địch, một quyền lực sẽ đạt đến tột đỉnh của mình nơi cuộc Vượt Qua chiến thắng tội lỗi và sự chết của Người.

Tình thương của Chúa Giêsu tỏ ra với thành phần luật sĩ mù quáng trong bài Phúc Âm hôm nay không phải chỉ ở chỗ: 1- vạch ra cho họ thấy cái sai lầm của họ; và 2- tỏ cho họ thấy quyền lực thần linh trừ quỉ của Người, mà còn 3- cảnh báo về phần rỗi đời đời của họ nữa, như thể khuyên họ hãy cẩn thận và coi chừng thứ tội nguy hiểm được Người thẳng thắn cho họ biết rằng: 

"'Quả thật, Ta bảo các ông hay, mọi tội lỗi và mọi lời phạm thượng của con cái loài người sẽ được tha hết, nhưng kẻ nào nói phạm đến Chúa Thánh Thần, sẽ muôn đời không bao giờ được tha: nó mắc tội muôn đời'. Ðó là vì họ nói 'Người bị thần ô uế ám'".

Căn cứ vào lời cảnh báo này của Chúa Giêsu thì ở đây Chúa Giêsu nói đến kẻ phạm tội "kẻ nào nói phạm đến Chúa Thánh Thần... nó mắc tội muôn đời'", hơn là thứ tội "phạm đến Chúa Thánh Thần", và hình phạt muôn đời giành cho kẻ phạm một thứ tội phạm thượng khủng khiếp, dám cho "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân lý" là Đấng có thể khống chế quyền lực của thần dữ "bị thần ô uế ám", có nghĩa là dám hoàn toàn phủ nhận Thánh Linh là "quyền phép Đấng Tối Cao" (Luca 1:35) ở trong Người và làm việc đó, và vì thế cũng có nghĩa là gián tiếp không chấp nhận Người là Đấng Thiên Sai, Đấng Được Xức Dầu Thánh Linh, một điều kiện tối yếu bất khả thiếu để được cứu độ (xem Marco 16:16).

 


Thứ Ba


Lời Chúa


Bài Ðọc I: (năm I) Dt 10, 1-10

"Lạy Chúa, nầy tôi đến để làm theo thánh ý Chúa"

Bài trích thơ gởi tín hữu Do thái.

Anh em thân mến, lề luật là bóng dáng của những việc tốt lành tương lai, chớ không phải chính hình ảnh chân chính của sự thật.

Lề luật ấy với những hy tế được hiến dâng liên tiếp hằng năm không bao giờ có thể làm cho những kẻ đến tham dự được hoàn hảo.

Chẳng vậy, người ta sẽ chấm dứt việc tế lễ, vì lẽ những người làm việc phượng tự nầy, đã được tẩy sạch một lần rồi, nên không còn ý thức mình có tội nữa.

Ngược lại, các lễ tế hằng năm nhắc nhở người ta nhớ đến tội lỗi.

Bởi chưng máu bò dê không thể xóa bỏ tội lỗi.

Vì thế, khi đến trong thế gian, Chúa Giêsu phán: "Chúa đã không muốn của hy tế và của lễ hiến dâng, nhưng đã tạo nên cho tôi một thể xác.

Chúa không nhận của lễ toàn thiêu và của lễ đền tội.

Nên tôi nói: Lạy Chúa, nầy tôi đến để thi hành thánh ý Chúa, như đã nói về tôi ở đoạn đầu cuốn sách.

Sách ấy bắt đầu như thế này: Của lễ hy tế, của lễ hiến dâng, của lễ toàn thiêu và của lễ đền tội, Chúa không muốn cũng không nhận, mặc dầu được hiến dâng theo lề luật".

Ðoạn Người nói tiếp: "Lạy Chúa, nầy đây tôi đến để thi hành thánh ý Chúa".

Như thế đã bãi bỏ điều trước để thiết lập điều sau, chính bởi thánh ý đó mà chúng ta được thánh hóa nhờ việc hiến dâng Mình Chúa Giêsu Kitô một lần là đủ.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv. 39,2 và 4ab, 7-8a, 7-9, 10, 11

Ðáp: Lạy Chúa, nầy tôi xin đến, để thực thi ý Chúa. (8a và 9a)

Xướng 1) Tôi đã cậy trông, tôi đã cậy trông ở Chúa, Ngài đã nghiêng mình về bên tôi, và Ngài đã nghe tiếng tôi kêu cầu. Ngài đã đặt trong miệng tôi một bài ca mới, bài ca mừng Thiên Chúa chúng ta. - Ðáp.

2) Hy sinh và lễ vật thì Chúa chẳng ưng, nhưng Ngài đã mở tai tôi. Chúa không đòi hỏi hy lễ toàn thiêu và đền tội, bấy giờ tôi đã thưa: "Nầy tôi xin đến". - Ðáp.

3) Như trong cuốn sách đã chép về tôi: lạy Chúa, tôi sung sướng thực thi ý Chúa, và pháp luật của Chúa ghi tận lòng tôi. - Ðáp.

4) Tôi đã loan truyền đức công minh Chúa trong Ðại Hội, thực tôi đã chẳng ngậm môi, lạy Chúa, Chúa biết rồi. - Ðáp.

5) Tôi chẳng có che đậy đức công minh Chúa trong lòng tôi: tôi đã kể ra lòng trung thành với ơn phù trợ Chúa, tôi đã không giấu giếm gì với Ðại Hội về ân sủng và lòng trung thành của Chúa. - Ðáp. 

 

  

Alleluia: Ga 15,15b

Alleluia, Alleluia. - Chúa phán: "Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết". - Alleluia.

 

Phúc Âm: Mc 3,31-35

"Ai làm theo ý Thiên Chúa, thì người ấy là anh chị em và là mẹ Ta".

Bài trích Phúc Âm theo Thánh Marcô.

Khi ấy, mẹ Chúa Giêsu và anh em Người đến và đứng ở ngoài sai người vào mời Chúa ra.

Bấy giờ có đám đông ngồi chung quanh Người và họ trình với Người rằng: "Kìa mẹ và anh em Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy".

Người trả lời rằng: "Ai là mẹ Ta? Ai là anh em Ta?"

Rồi đưa mắt nhìn những người ngồi vòng quanh, Người nói: "Ðây là mẹ Ta và anh em Ta. Vì ai làm theo ý Thiên Chúa, thì người ấy là anh chị em và là mẹ Ta".

Ðó là Lời Chúa.

 


Suy niệm


 

  

Đức Kitô Tình Nghĩa   



Bài Phúc Âm cho ngày Thứ Ba trong Tuần 3 Mùa Thường Niên hậu Giáng Sinh hôm nay vẫn tiếp chủ đề "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân lý" cho chung thời điểm phụng vụ này. 

Thánh ký Marco thuật lại cho chúng ta biết sự kiện "mẹ Chúa Giêsu và anh em Người đến và đứng ở ngoài sai người vào mời Chúa ra", cũng như phản ứng của Chúa Giêsu khi Người được "đám đông ngồi chung quanh Người trình với Người rằng: 'Kìa mẹ và anh em Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy'".

Phản ứng của Chúa Giêsu, qua cả lời nói lẫn cử chỉ tác hành của Người, như được thuật lại trong bài Phúc Âm hôm nay, như sau: "Người trả lời rằng: 'Ai là mẹ Ta? Ai là anh em Ta?' Rồi đưa mắt nhìn những người ngồi vòng quanh, Người nói: 'Ðây là mẹ Ta và anh em Ta. Vì ai làm theo ý Thiên Chúa, người ấy là anh chị em và là mẹ Ta'".

Phải chăng Người tỏ ra như thể bị gia đình làm phiền Người đang khi Người thi hành sứ vụ Thiên Sai của Người, nên Người có thái độ như lạnh nhạt hơn là vồn vã với gia đình của Người, thậm chí Người còn có vẻ coi trọng thính giả của Người hơn cả gia đình của Người nữa.

Bề ngoài có thể là thế thật, nhưng tận sâu xa ở những lời nói và cử chỉ có vẻ tiêu cực này của mình, Người lại sử dụng đường lối phủ nhận cách liên quan đến mối liên hệ ruột thịt tự nhiên với gia đình của Người để khẳng định một chân lý hết sức quan trọng về mối liên hệ thiêng liêng với Người là những gì Người đang thiết lập và sẽ hoàn thành vào cuộc Vượt Qua của Người trong tương lai.

Thật vậy, là "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân lý", Người không đến chỉ cho Mẹ của Người hay gia đình của Người thôi, mà cho toàn thể nhân loại, được đại diện bởi thành phần thính giả của Người bấy giờ. 

Nếu "Lời đã hóa thành nhục thể và ở cùng chúng ta" (Gioan 1:14) như "ánh sáng thật chiếu soi mọi người đã đến trong thế gian" (Gioan 1:9), để "ai chấp nhận Người thì Người ban cho họ quyền làm con Thiên Chúa" (Gioan 1:12), thì Người quả thực, qua việc rao giảng và tỏ mình ra, "như ánh sáng chiếu soi mọi người", đang thiết lập mối liên hệ thiêng liêng với nhân loại, nghĩa là Người đang làm cho nhân loại tin vào Người, "chấp nhận Người", để họ "được quyền làm con Thiên Chúa" như Người và với Người.

Bởi thế, so với tình nghĩa thiêng liêng vô cùng chân thật, hoàn hảo và bền vững thì tình nghĩa xác thịt thấp hèn, hạn hữu và trần tục không thể nào sánh bằng, và vì thế tình nghĩa xác thịt tự nhiên cần phải được thăng hoa, cần được thánh hóa, cần phải được nâng cấp bằng lời Chúa. 

Nếu tình nghĩa thiêng liêng với Chúa Kitô, như Người nói, ở chỗ "làm theo ý Thiên Chúa", như chính bản thân Người liên lỉ chú trọng và thực thi cho tới cùng, thì không còn ai hơn Mẹ của Người, một Trinh Nữ đã đáp ứng lời thiên sứ truyền tin Lời Nhập Thể bằng tất cả đức tin siêu vượt của mình qua tiếng "Xin Vâng" (Luca 1:38), cho đến khi "đứng chân Thánh Giá Chúa Giêsu" (Gioan 19:25).

Như vậy, lời nói và thái độ có vẻ dửng dưng lạnh lùng như phủ nhận gia đình mình của Chúa Kitô trong bài Phúc Âm hôm nay thực sự là những gì chẳng những phấn khích việc nâng cấp cho thành phần thính giả của Người bấy giờ mà nhất là còn cố ý chúc tụng Mẹ của Người, lấy Mẹ của Người như là một mô phạm cho thành phần thính giả ấy trong việc lắng nghe lời Chúa (xem Luca 2:19,51).

 


Thứ Tư


Lời Chúa


Ngày 25 tháng 1

Lễ Thánh Phaolô, Tông Đồ trở lại

(Lễ kính)

 

Bài Ðọc I: Cv 22, 3-16

"Kêu danh thánh Chúa, tôi chỗi dậy".

Bài trích sách Tông đồ Công vụ.

Ngày ấy, Phaolô nói với dân chúng: "Tôi là người Do-thái, sinh tại Tarsê xứ Cilicia, đã được nuôi nấng trong thành này, đã được đào tạo theo chân lý lề luật cha ông dưới chân ông Gamaliêl. Tôi nhiệt thành với lề luật cũng như hết thảy quý vị hôm nay. Tôi đã bắt bớ giết chóc đạo này, xiềng xích và bỏ tù cả đàn ông lẫn đàn bà. Như thầy thượng tế và toàn thể hội đồng kỳ lão đã làm chứng điều đó. Các ngài đã trao cho tôi chứng minh thư để tôi đến kiếm anh em ở Ðamas, bắt trói họ và điệu về Giêrusalem để trừng phạt.

Xảy đến lúc đó khoảng trưa, tôi đang trên đường gần đến Ðamas, thình lình một luồng ánh sáng chan hoà từ trời chói rạng quanh tôi. Tôi ngã xuống đất và nghe tiếng phán bảo tôi: "Saolô, Saolô, sao ngươi bắt bớ Ta?" Tôi đáp: "Thưa Ngài, Ngài là ai?" Người trả lời: "Ta là Giêsu Nadarét mà ngươi đang bắt bớ". Và những người cùng ở đó với tôi lúc ấy, cũng thấy ánh sáng, nhưng không nghe tiếng Ðấng nói với tôi. Tôi hỏi: "Lạy Chúa, con phải làm gì?" Chúa liền nói với tôi: "Hãy chỗi dậy, vào thành Ðamas, ở đó sẽ nói cho ngươi tất cả những gì ngươi phải làm". Nhưng vì ánh sáng chói loà kia, tôi không còn thấy được, nên các bạn tôi cầm tay dẫn tôi vào thành Ðamas. Có một người kia tên là Anania, người đạo đức, sống theo Lề luật, và được mọi người Do-thái ở đó kính phục, đến tìm tôi và đứng gần tôi mà nói: "Hỡi anh Saolô, anh hãy nhìn!" Ngay lúc đó tôi nhìn thấy ông.

Và ông nói: "Thiên Chúa cha ông chúng ta đã tiền định cho anh biết thánh ý Người, thấy Ðấng Công Chính và nghe tiếng Người nói. Vậy anh phải làm chứng cho Người trước mặt mọi người về điều anh đã thấy và đã nghe. Và bây giờ, anh còn chần chừ gì nữa? Hãy chỗi dậy và cầu khẩn danh Người mà chịu thanh tẩy và gột rửa mình cho sạch tội lỗi".

Ðó là lời Chúa.

 



2. Hoặc: Cv 9, 1-22

"Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì?"

Bài trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, Saolô còn mải say mê hăm doạ giết các môn đồ Chúa. Ông đến thượng tế, xin chứng minh thư gởi đến hội đường ở Ðamas, để nếu gặp ai theo đạo ấy, bất luận nam nữ, ông bắt trói đem về Giêrusalem.

Ðang khi đi đường, lúc đến gần Ðamas, bỗng nhiên một luồng ánh sáng từ trời chiếu xuống bao phủ lấy ông, ông ngã xuống đất và nghe tiếng phán rằng: "Saolô, Saolô, sao ngươi bắt bớ Ta?" Ông thưa: "Lạy Ngài, Ngài là ai?" Chúa đáp: "Ta là Giêsu mà ngươi đang bắt bớ; giơ chân đạp mũi nhọn thì khổ cho ngươi". Saolô run sợ và kinh hoàng hỏi rằng: "Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì?" Chúa phán: "Hãy chỗi dậy, vào thành, và ở đó người ta sẽ nói cho ngươi phải làm gì". Những kẻ đồng hành với ông đứng lại, hoảng hốt; họ nghe rõ tiếng mà không thấy ai. Saolô chỗi dậy khỏi đất, mắt ông vẫn mở mà không trông thấy gì. Người ta cầm tay dẫn ông vào thành Ðamas; ông ở lại đấy ba ngày mà không thấy, không ăn, cũng không uống.

Bấy giờ ở Ðamas, có một môn đồ tên là Anania; trong một thị kiến, Chúa gọi ông rằng: "Anania". Ông thưa: "Lạy Chúa, này con đây". Chúa phán: "Hãy chỗi dậy và đến phố kia gọi là phố "Thẳng", và tìm tại nhà Giuđa một người tên Saolô, quê ở Tarsê; nó đang cầu nguyện". (Saolô cũng thấy một người tên Anania bước vào, và đặt tay trên ông để ông được sáng mắt). Anania thưa: "Lạy Chúa, con đã nghe nhiều người nói về người này rằng: ông đã gây nhiều tai ác cho các thánh của Chúa tại Giêrusalem; tại đây, ông đã được các thượng tế cho phép bắt trói tất cả những ai kêu cầu danh Chúa". Nhưng Chúa phán: "Cứ đi, vì người này là lợi khí Ta đã chọn, để mang danh Ta đến trước dân ngoại, vua quan và con cái Israel. Ta sẽ tỏ cho nó biết phải chịu nhiều đau khổ vì danh Ta".

Anania ra đi, bước vào nhà, và đặt tay trên Saolô mà nói: "Anh Saolô, Chúa Giêsu, Ðấng hiện ra với anh trên đường đi đến đây, sai tôi đến cùng anh, để anh được thấy và được tràn đầy Thánh Thần. Tức thì có thứ gì như những cái vảy rơi khỏi mắt ông, và ông được sáng mắt.

Ông chỗi dậy chịu phép rửa, và sau khi ăn uống, ông được lại sức, ông ở lại ít ngày cùng với các môn đồ thành Ðamas. Và lập tức ông rao giảng trong các hội đường rằng Ðức Giêsu là Con Thiên Chúa. Mọi người nghe rao giảng đều kinh ngạc và nói rằng: "Há chẳng phải ông này đã bách hại những người đã cầu khẩn danh ấy tại Giêrusalem, và cũng đã tới đây mà truy nã họ để điệu họ về cho các thượng tế sao?"

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 116, 1. 2

Ðáp: Hãy đi rao giảng Tin Mừng khắp thế gian (Mc 16, 15).

Xướng: 1) Toàn thể chư dân, hãy ngợi khen Chúa! Hết thảy các nước, hãy chúc tụng Người! - Ðáp.

2) Vì tình thương Chúa dành cho chúng ta thực là mãnh liệt. và lòng trung thành của Chúa tồn tại muôn đời. - Ðáp.

 

Alleluia: Ga 15, 16

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Ta đã chọn các con giữa thế gian, hầu để các con đi và mang lại hoa trái, để hoa trái các con tồn tại". - Alleluia.

 

Phúc Âm: Mc 16, 15-18

"Các con hãy đi rao giảng Tin Mừng khắp thế gian".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu (hiện ra với mười một môn đệ và) nói: "Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật. Ai tin và chịu phép rửa, thì sẽ được cứu độ; ai không tin, sẽ bị luận phạt. Và đây là những dấu lạ đi theo những người đã tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ quỷ, nói các thứ tiếng lạ, cầm rắn trong tay, và nếu uống phải chất độc thì cũng không bị hại; họ đặt tay trên những người bệnh, và bệnh nhân được lành mạnh".

Ðó là lời Chúa.

 

 

Phụng Vụ Lời Chúa theo ngày trong tuần cho nhũng năm không trùng với Lễ Thánh Phaolô trở lại

 

 

Bài Ðọc I: (năm I) Dt 10, 11-18

"Người đã làm cho những kẻ được thánh hóa nên hoàn hảo đến muôn đời"

Bài trích thơ gởi tín hữu Do thái.

Trong khi mọi tư tế hằng ngày đứng gần bàn thờ chu toàn chức vụ mình và hiến dâng cũng những ngần ấy của lễ nhiều lần, nhưng không bao giờ xóa được tội lỗi, còn Người khi dâng xong của lễ duy nhất đền tội, đã ngự bên hữu Thiên Chúa đến muôn đời, và từ đây, Người chờ đợi cho đến khi thù địch bị đặt làm bệ dưới chân Người.

Vì chưng, nhờ việc hiến dâng duy nhất mà Người đã làm cho những kẻ được thánh hóa nên hoàn hảo đến muôn đời.

Vả chính Thánh Thần cũng đã minh chứng cho chúng ta như thế.

Vì sau khi Chúa đã phán: "Nầy là giao ước Ta sẽ ký kết với chúng sau những ngày ấy", thì Người còn thêm: "Ta sẽ đặt lề luật Ta trong lòng chúng, và khắc nó vào tâm trí chúng; ta sẽ không còn nhớ đến những tội lỗi và sự gian ác của chúng nữa".

Vậy nơi nào tội lỗi được thứ tha, thì không còn việc dâng của lễ đền tội nữa.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv. 88, 4-5, 27-28, 29-30

Ðáp: Ðời đời Ta sẽ dành cho người lòng sủng ái. (29)

Xướng 1) Ta sẽ ký minh ước cùng người Ta tuyển lựa. Ta đã thề cùng Ðavít là tôi tớ Ta rằng: "Cho tới muôn đời Ta bảo tồn miêu duệ của ngươi, và Ta thiết lập ngai báu ngươi qua muôn thế hệ".

2) Chính người sẽ thưa cùng Ta: "Chúa là Cha tôi, là Thiên Chúa và Ðá Tảng cứu độ của tôi". và Ta sẽ đặt người làm trưởng tử, cao sang hơn các vua chúa ở trần gian.

3) Ðời đời Ta sẽ dành cho người lòng sủng ái, và lời Ta ký với người sẽ được mãi mãi duy trì. Ta sẽ gìn giữ miêu duệ người muôn đời, và ngai báu người như những ngày của cõi cao xanh.

 

Alleluia: 1Sam 3,9

Alleluia, Alleluia. - Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe; Chúa có lời ban sự sống đời đời. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Mc 4,1-20

"Người gieo hạt đi gieo hạt giống"

Bài trích Phúc Âm theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu bắt đầu giảng dạy ở bờ biển và có đám đông dân chúng tụ lại gần Người, nên Người xuống ngồi trong một chiếc thuyền trên mặt biển, tất cả đám đông thì ở trên đất theo dọc bờ biển.

Người dùng dụ ngôn mà dạy họ nhiều điều, và khi giảng, Người nói với họ rằng:

"Các ngươi hãy nghe! Nầy người gieo hạt đi gieo hạt giống.

Khi gieo, một phần hạt rơi xuống vệ đường và chim trời đến ăn hết.

Phần khác rơi trên đất sỏi, nơi không có nhiều đất.

Hạt giống đã mọc lên ngay, vì lớp đất không sâu.

Nhưng khi mặt trời mọc lên, hạt giống bị nắng đốt và vì không rễ, nên bị chết khô.

Một phần khác rơi vào bụi gai và gai mọc lên làm hạt giống chết mà không sinh hoa trái được.

Phần hạt khác rơi vào đất tốt, mọc lên, nẩy nở và sinh quả, hạt thì sinh được ba mươi, hạt được sáu mươi, hạt được một trăm".

Và Người phán rằng: "Ai có tai nghe thì hãy nghe".

Khi Người còn lại một mình, thì mười hai ông là những kẻ luôn ở với Người, hỏi Người về ý nghĩa dụ ngôn, Người liền bảo các ông:

"Các con được ơn biết mầu nhiệm về nước Thiên Chúa, còn những người khác ở ngoài thì mọi sự được giảng dạy bằng dụ ngôn, vì chúng nhìn mà không thấy, nghe mà không hiểu, kẻo chúng trở lại mà được tha tội".

Người nói với các ông:

"Các con không hiểu dụ ngôn đó sao? Vậy thì hiểu sao được tất cả những dụ ngôn khác?

Người gieo hạt là gieo lời Chúa.

Vệ đường mà lời Chúa được gieo vào, là những kẻ vừa nghe xong, thì Satan đến và cất lấy lời Chúa gieo trong tâm hồn họ.

Và cũng thế, những hạt giống rơi trên đất sỏi, là những kẻ khi nghe lời Chúa thì đón nhận vui vẻ, nhưng chúng không đâm rễ bên trong và là những người hay thay đổi: sau đó gặp phải cơ cực hay bắt bớ vì lời Chúa, thì họ sa ngã liền.

Lại có những hạt giống rơi trong bụi gai.

Ðây là những kẻ nghe lời Chúa, nhưng những lo lắng trần tục, bóp nghẹt lời Chúa, khiến không thể sinh hoa trái được.

Còn những hạt giống gieo trong đất tốt: đó là những người nghe lời Chúa, biết giữ lấy và làm sinh lợi, hạt ba mươi, hạt sáu mươi và hạt một trăm".

Ðó là Lời Chúa.

 


Suy niệm

 

 

   

 Đức Kitô Mạc Khải   

 

Tiếp tục "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân lý" cho chung Mùa Thường Niên hậu Giáng Sinh, bài Phúc Âm Thứ Tư hôm nay trong Tuần 3 của thời điểm phụng vụ này liên quan đến dụ ngôn "người gieo hạt đi gieo hạt giống".

Theo bài Phúc Âm thuật lại ở phần đầu thì nội dung của dụ ngôn này như sau: "Khi gieo, một phần hạt rơi xuống vệ đường và chim trời đến ăn hết. Phần khác rơi trên đất sỏi, nơi không có nhiều đất. Hạt giống đã mọc lên ngay, vì lớp đất không sâu. Nhưng khi mặt trời mọc lên, hạt giống bị nắng đốt và vì không rễ, nên bị chết khô. Một phần khác rơi vào bụi gai và gai mọc lên làm hạt giống chết mà không sinh hoa trái được. Phần hạt khác rơi vào đất tốt, mọc lên, nẩy nở và sinh quả, hạt thì sinh được ba mươi, hạt được sáu mươi, hạt được một trăm".

Cũng theo bài Phúc Âm hôm nay, ở phần cuối Chúa Giêsu đã giải thích ý nghĩa của từng hình ảnh được ám chỉ trong dụ ngôn cho các môn đệ nghe, như lời yêu cầu của các vị:

"Người gieo hạt là gieo lời Chúa. Vệ đường mà lời Chúa được gieo vào, là những kẻ vừa nghe xong, thì Satan đến và cất lấy lời Chúa gieo trong tâm hồn họ. Và cũng thế, những hạt giống rơi trên đất sỏi, là những kẻ khi nghe lời Chúa thì đón nhận vui vẻ, nhưng chúng không đâm rễ bên trong và là những người hay thay đổi: sau đó gặp phải cơ cực hay bắt bớ vì lời Chúa, thì họ sa ngã liền. Lại có những hạt giống rơi trong bụi gai. Ðây là những kẻ nghe lời Chúa, nhưng những lo lắng trần tục, bóp nghẹt lời Chúa, khiến không thể sinh hoa trái được. Còn những hạt giống gieo trong đất tốt: đó là những người nghe lời Chúa, biết giữ lấy và làm sinh lợi, hạt ba mươi, hạt sáu mươi và hạt một trăm".

Trong phần dẫn giải của mình, Chúa Giêsu không cho biết "người gieo hạt" là ai. Tuy nhiên, vì "gieo hạt là gieo lời Chúa" như Chúa Giêsu dẫn giải, thì "người gieo hạt" đây còn ai khác ngoài chính bản thân Người, "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân lý". 

Nếu "hạt đây là lời Chúa" và lời Chúa đây chất chứa "ân sủng và chân lý", vì chính bản thân Người là "Lời", bởi thế "người gieo hạtđây tức là "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân lý" tỏ mình ra để thông ban cho "những ai chấp nhận Người" (Gioan 1:12) "ân sủng và chân lý" của Người và từ Người: "ân sủng" là "được quyền làm con Thiên Chúa" và "chân lý" là "được sinh ra bởi Thiên Chúa, chứ không phải bởi huyết nhục, bởi nhục dục hay bởi ý muốn của con người" (Gioan 1:13).

Đúng thế, theo dẫn giải của Chúa Giêsu trong bài Phúc Âm hôm nay thì hạt khi chưa gieo vẫn còn là hạt, nhưng một khi đã gieo xuống rồi thì hạt được gieo xuống ấy trở thành người nghe, người đón nhận. Có tất cả 4 loại người chính yếu tiêu biểu đáp ứng lời Chúa, đáp ứng mạc khải thần linh là chính Chúa Kitô, hay "chấp nhận" Chúa Kitô cũng thế.

Nếu "ai chấp nhận Người thì Người ban cho họ quyền làm con Thiên Chúa" (Gioan 1:12) và là người "sinh bởi Thiên Chúa" thì họ quả thực là "những hạt giống gieo trong đất tốt: đó là những người nghe lời Chúa, biết giữ lấy và làm sinh lợi, hạt ba mươi, hạt sáu mươi và hạt một trăm". 

Vậy thì 3 thành phần còn lại sẽ có thể được suy diễn và áp dụng như sau:

"Những hạt ở trên vệ đường là những kẻ vừa nghe xong, thì Satan đến và cất lấy lời Chúa gieo trong tâm hồn họ" ở đây có thể hiểu về thành phần "sinh bởi huyết nhục", nghĩa là hoàn toàn sống theo tự nhiên nông nổi bề ngoài một cách hờ hững lãnh đạm với những gì siêu nhiên, thuộc lãnh vực đức tin, thuộc đời sống thiêng liêng.


"Những hạt giống rơi trên đất sỏi, là những kẻ khi nghe lời Chúa thì đón nhận vui vẻ, nhưng chúng không đâm rễ bên trong và là những người hay thay đổi: sau đó gặp phải cơ cực hay bắt bớ vì lời Chúa, thì họ sa ngã liền" ở đây có thể hiểu về thành phần "sinh bởi nhục dục", sống theo cảm giác cảm tình nên rất thay đổi bất nhất.


"Những hạt giống rơi trong bụi gai. Ðây là những kẻ nghe lời Chúa, nhưng những lo lắng trần tục, bóp nghẹt lời Chúa, khiến không thể sinh hoa trái được" ở đây có thể hiểu về thành phần "sinh bởi ý muốn của con người", sống tìm kiếm và theo đuổi ưu tiên lợi lộc trần gian, coi trọng giá trị trần gian hơn những gì là chân thực bất biến. 


 

 

 

 

Thứ Năm


Lời Chúa


Bài Ðọc I: (năm I) Dt 10, 19-25

"Chúng ta hãy kiên trì tuyên xưng niềm hy vọng của chúng ta, và hãy thúc giục nhau thực thi bác ái".

Trích thơ gửi tín hữu Do-thái.

Anh em thân mến, nhờ máu Chúa Giêsu, chúng ta tin tưởng bước vào cung thánh. Ðó là con đường mới và sống động mà Người đã mở cho chúng ta, xuyên qua tấm màn là thân xác Người; và ban cho chúng ta có một thượng tế cai quản nhà Thiên Chúa. Chúng ta hãy tiến đến với lòng chân thành, đầy đức tin, lòng được trong sạch khỏi lương tâm gian ác, và thân xác được tắm gội bằng nước trong sạch. Chúng ta hãy kiên trì tuyên xưng niềm hy vọng của chúng ta, vì Ðấng đã hứa là Ðấng trung tín. Chúng ta hãy thúc giục nhau thực thi bác ái và làm việc thiện. Ðừng trốn tránh những buổi hội chung như ít người có thói quen, nhưng anh em hãy khích lệ nhau, nhất là khi thấy ngày đó gần đến.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 23, 1-2. 3-4ab. 5-6.

Ðáp: Lạy Chúa, đó là dòng dõi người tìm kiếm Chúa (c. 6).

Xướng: 1) Chúa là chủ trái đất và mọi vật làm sung mãn nó, chủ địa cầu và muôn loài cư trú ở trong. Vì chính Ngài xây dựng nó trên biển cả, và Ngài giữ vững nó trên chỗ nước nguồn. - Ðáp.

2) Ai khá trèo lên cao sơn của Chúa, ai được đứng trong nơi thánh của Ngài? Người tay vô tội và lòng thanh khiết, người không để lòng xu hướng bả phù hoa. - Ðáp.

3) Người đó sẽ được Chúa chúc phúc cho, và được Thiên Chúa là Ðấng cứu độ ban ân thưởng. Ðó là dòng dõi người tìm kiếm Chúa, người tìm long nhan Thiên Chúa nhà Giacóp. - Ðáp.

 

Alleluia: Tv 24, 4c và 5a

Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin dạy bảo con về lối bước của Chúa, và xin hướng dẫn con trong chân lý của Ngài. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Mc 4, 21-25

"Ðèn đốt lên là để đặt trên giá đèn. Các ngươi đong đấu nào, thì người ta sẽ đong đấu ấy cho các ngươi".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng rằng: "Có ai đem đèn sáng đặt trong thùng hay dưới gầm giường chăng? Chẳng phải là để đặt trên giá đèn sao? Vì chẳng có gì giấu kín mà chẳng tố lộ ra và chẳng có gì kín đáo mà không bị đưa ra ánh sáng. Ai có tai để nghe, thì hãy nghe". Và Người bảo họ rằng: "Hãy coi chừng điều các ngươi nghe thấy. Các ngươi đong bằng đấu nào, thì người ta sẽ đong lại cho các ngươi bằng đấu ấy, và người ta còn thêm nữa. Vì ai có, sẽ được cho thêm; và ai không có, cả cái đang có cũng bị lấy mất".

Ðó là lời Chúa.


 

 

Suy niệm



  Đức Kitô tỏa sáng   


Hôm nay, Thứ Năm Tuần 3 Thường Niên hậu Giáng Sinh, chủ đề "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân lý" cho chung thời điểm phụng vụ này liên quan đến những lời Chúa dạy trong bài Phúc Âm sau đây:

"Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng rằng: 'Có ai đem đèn sáng đặt trong thùng hay dưới gầm giường chăng? Chẳng phải là để đặt trên giá đèn sao? Vì chẳng có gì giấu kín mà chẳng tố lộ ra và chẳng có gì kín đáo mà không bị đưa ra ánh sáng. Ai có tai để nghe, thì hãy nghe'. Và Người bảo họ rằng: 'Hãy coi chừng điều các ngươi nghe thấy. Các ngươi đong bằng đấu nào, thì người ta sẽ đong lại cho các ngươi bằng đấu ấy, và người ta còn thêm nữa. Vì ai có, sẽ được cho thêm; và ai không có, cả cái đang có cũng bị lấy mất'".

Đối tượng của những lời Chúa Giêsu phán dạy trong bài Phúc Âm hôm nay, như Thánh ký Marco cho biết, đó là "dân chúng", chứ không phải là các môn đệ của Người, cho dù các môn đệ của Người là thành phần đã được Người ví như "là ánh sáng thế gian" (Mathêu 5:14).

"Có ai đem đèn sáng đặt trong thùng hay dưới gầm giường chăng? Chẳng phải là để đặt trên giá đèn sao?": Chúa Giêsu muốn nói gì đây hay ám chỉ ai đây? Phải chăng Người muốn ám chỉ Lời giảng dạy của Người? Vì "Lời Ngài là đèn soi chân con bước, là ánh sáng soi đường con đi" (Thánh Vịnh 119:105). 

Thật vậy, bài Phúc Âm hôm nay tiếp theo ngay sau bài Phúc Âm hôm qua, mà bài Phúc Âm hôm qua về dụ ngôn "người đi gieo hạt" và "hạt là Lời Chúa", thì bài Phúc Âm hôm nay Người muốn tiếp tục đề tài Lời Chúa hay mạc khải thần linh, nhưng bằng một hình ảnh khác hay đúng hơn bằng một tác động khác, thay vì "đi gieo hạt" như trong bài Phúc Âm hôm qua thì lại "đặt trên giá đèn" trong bài Phúc Âm hôm nay.

Nếu ánh sáng là hình ảnh hay tiêu biểu cho sự thật cũng như cho bản chất của ánh sáng hay của sự thật là chiếu soi, là giải phóng thì quả thực, đúng như lời Chúa Giêsu khẳng định trong bài Phúc Âm hôm nay, "chẳng có gì giấu kín mà chẳng tố lộ ra và chẳng có gì kín đáo mà không bị đưa ra ánh sáng". 

Câu "chẳng có gì giấu kín mà chẳng tố lộ ra và chẳng có gì kín đáo mà không bị đưa ra ánh sáng" này cũng có thể hiểu là không gì có thể ẩn khuất, cho dù là thâm tâm của con người, là âm mưu tinh quái nhất của con người, cũng không thể nào qua mặt được Lời Chúa, không thể nào che giấu được Lời Chúa là Chúa Kitô, che giấu được ánh mắt thần linh của Người: "Người tự mình biết được những gì nơi con người ta" (Gioan 2:25).

Trong bài Phúc Âm hôm qua, khi nói về dụ ngôn "người đi gieo hạt", Chúa Giêsu còn nói cả về phía thành phần lãnh nhận và đáp ứng thế nào: hạt vệ đường, hạt đá sỏi, hạt bụi gai, hạt đất tốt bao gồm hạt 30, hạt 60 và hạt 100, thì trong bài Phúc Âm hôm nay cũng thế, Người cũng bao gồm cả vế thành phần lãnh nhận nữa: "Hãy coi chừng điều các ngươi nghe thấy" (chính động từ "nghe" ở đây cũng cho thấy "đèn soi" là Lời Chúa, đối tượng của tác động "nghe").

"'Ai có tai để nghe, thì hãy nghe'. Và Người bảo họ rằng: 'Hãy coi chừng điều các ngươi nghe thấy. Các ngươi đong bằng đấu nào, thì người ta sẽ đong lại cho các ngươi bằng đấu ấy, và người ta còn thêm nữa. Vì ai có, sẽ được cho thêm; và ai không có, cả cái đang có cũng bị lấy mất'".

Đúng thế, càng cởi mở và khao khát lời Chúa, nhất là càng nhiệt thành và mau mắn đón nhận Lời Chúa, tức là càng tìm kiếm chân lý là Chúa Kitô, càng đáp ứng Chúa Kitô là mạc khải thần linh, thì tùy theo tầm vóc của mình, một tầm vóc được ví như cái "đấu", cũng như tùy theo cường độ khát vọng thần linh của mình, tùy theo khoảng rộng cởi mở của mình, một thứ cường độ và khoảng rộng được ví như tác động "đong" của con người lãnh nhận, Lời Chúa ở nơi họ, một là "có, sẽ được cho thêm", hai là "không có, cả cái đang có cũng bị lấy mất".

Thật ra, cho dù tác dụng của "đèn soi" hay của "hạt gieo" có vẻ bị lệ thuộc vào môi trường là người nhận, ở chỗ nếu họ không mở cửa thì ánh sáng của "đèn soi" không lọt vào được, hay nếu không gặp "đất tốt" thì "hạt gieo" sẽ không thể nẩy mầm và phát triển, nhưng tự mình, "đèn soi" vẫn không thể nào không tỏa sáng để làm cho môi trường biến khuất tối tăm, và "hạt gieo" vẫn chất chứa mầm sống để làm cho môi trường phát triển tốt tươi

Những môi trường nhân bản nào khép kín không tiếp nhận ánh sáng của "đèn soi", hay khô cằn không thể thích hợp với mầm sống của "hạt gieo" là những môi trường nhân bản hay những con người tự tác hại bản thân mình, chứ không thể nào tác hại đến chính "đèn soi" tự bản chất vẫn soi chiếu, hay đến chính "hạt gieo" tự bản chất vẫn làm cho cây cối phát triển.

 

Ngày 26 tháng 1 - Thánh Timôthêu và Thánh Titô, Giám Mục



Thánh Timôthêô sinh tại Lystres, miền Lycaonia Thổ Nhĩ Kỳ. Cha ngài là người ngoại giáo, còn mẹ ngài theo Do Thái Giáo, nhưng sau đã trở lại. Theo lời truyền tụng thì thánh nhân đã tin theo Tin Mừng nhờ lời giảng dạy của thánh Phaolô tông đồ trong cuộc du hành duy nhất của ngài. Khi đến lần thứ hai, thánh Phaolô đã chọn ngài làm phụ tá, và ngài theo thánh tông đồ đi giảng khắp miền Tiểu Á, Macedoine và Hy Lạp. Ngài được đặt làm Giám Mục coi sóc giáo đoàn Êphêsô. Thánh Phaolô đã đặc biệt nâng đỡ chỉ dạy và khích lệ ngài trong nhiệm vụ coi sóc đàn chiên Chúa qua những bức thư gửi cho ngài.

Nhân một buổi lễ tế dâng kính thần Ðiana của dân thành Êphêsô, ngài đã công khai chỉ trích và chính ngài bị dân chúng bắt và ném đá (24/01/97). Thi hài được giáo dân đem chôn ở đỉnh núi gần đấy.

Thánh Titô cũng trở lại đạo nhờ lời thánh Phaolô và được chọn làm cộng sự viên của ngài, chia sẻ mọi công việc tại Corintô và tại Crêta. Vì lòng nhiệt thành và trung tín trong việc rao giảng Tin Mừng, ngài đã trở nên bạn nghĩa thiết của thánh Phaolô. Chính trong thư (2 Cor 4, 6) thánh Phaolô viết khi còn ở Troas, đã thú nhận điều này: "Nhưng Thiên Chúa, Ðấng an ủi những người cùng khốn, đã đến viếng thăm chúng tôi qua sự đến thăm của Titô". Ngài được thánh tông đồ sai đến Corintô với xứ mạng đặc biệt là quyên góp tiền để an ủi và giúp đỡ giáo dân Do Thái. Ngài đã hoàn tất sứ mạng cách hết sức khôn ngoan. Ngài cũng đã hướng dẫn vị tông đồ đến Crêta, và sau cùng ngài được thánh Phaolô đặt làm Giám Mục tại đây. Vì thập giá Ðức Kitô, ngài đã phải chịu khổ sở cùng cực đối với dân Dalmatas. Sau cùng, ngài đã kết thúc cuộc đời trong tay Chúa, hưởng thọ 94 tuổi.

 


Thứ Sáu


Lời Chúa

 

 

Bài Ðọc I: (năm I) Dt 10, 32-39

"Anh em đừng mất lòng kiên nhẫn".

Trích thơ gửi tín hữu Do-thái.

Anh em thân mến, anh em hãy nhớ lại những ngày trước, khi anh em vừa lãnh nhận ánh sáng, anh em đã đương đầu với bao nhiêu trận đau khổ lớn lao. Khi thì anh em bị công khai sỉ nhục và hoạn nạn, khi thì anh em phải liên đới với những kẻ chịu những sự đối xử như thế. Vì chưng, anh em đã cùng chịu số phận của những tù nhân, anh em đã vui mừng chấp nhận người ta tước đoạt của cải, vì anh em biết rằng mình có của cải tốt hơn và bền vững. Vậy anh em đừng bỏ mất lòng tin tưởng của anh em, đáng được thưởng công bội hậu. Anh em cần phải kiên nhẫn, để khi làm tròn thánh ý Chúa, anh em được lãnh nhận điều Chúa hứa. Vì chỉ còn một thời gian rất ngắn nữa thôi, Ðấng phải đến sẽ đến, và Người sẽ không trì hoãn. "Còn kẻ công chính của Ta thì sống theo đức tin. Nhưng nếu người đó tháo lui, thì sẽ không làm đẹp lòng Ta". Còn chúng ta, chúng ta không thuộc hạng người tháo lui mà hư mất, nhưng chúng ta là con cái đức tin để cứu thoát linh hồn chúng ta.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 36, 3-4. 5-6. 23-24. 39-40

Ðáp: Người hiền được Chúa ban ơn cứu độ (c. 39a).

Xướng: 1) Hãy trông cậy Chúa và hãy làm lành, để được cư ngụ trong đất nước, thọ hưởng an ninh. Hãy hân hoan tin tưởng vào Chúa, Người sẽ ban cho sự lòng bạn thỉnh cầu. - Ðáp.

2) Bạn hãy phó thác đường lối mình cho Chúa, hãy trông cậy vào Người và để chính Người hành động, Người sẽ làm cho chính nghĩa bạn sáng như bình minh, và quyền lợi bạn tỏ như giờ ngọ. - Ðáp.

3) Nhờ ơn Chúa mà hiền nhân vững bước, và Người yểm hộ đường lối họ đi. Dầu có ngã, họ sẽ không nằm gục, vì Chúa sẽ nâng đỡ tay họ. - Ðáp.

4) Người hiền được Chúa ban ơn cứu độ, trong cơn khốn khó, Người là chỗ họ dung thân. Chúa bang trợ và giải thoát họ, Người giải thoát và cứu họ khỏi lũ ác nhân, vì họ đã nương tựa vào Người. - Ðáp.

 

Alleluia: Tv 94, 8ab

Alleluia, alleluia! - Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Chúa, và đừng cứng lòng. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Mc 4, 26-34

"Người kia đã gieo hạt xuống đất, rồi đi ngủ, hạt giống mọc lên thế nào người đó cũng không hay biết".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng rằng: "Nước Thiên Chúa giống như người kia đã gieo hạt xuống đất: người đó ngủ hay thức, đêm hay ngày, hạt giống cứ đâm mầm và mọc lên thế nào người đó cũng không hay biết nữa. Ðất tự nó làm cây lúa mọc lên: trước hết thành cây, rồi đâm bông, rồi kết hạt. Và khi lúa chín, người ấy liền gặt vì đã đến mùa".

Người còn phán: "Chúng ta sẽ lấy gì mà hình dung nước Thiên Chúa? hay dùng dụ ngôn nào mà so sánh nước đó được? Nước đó giống như hạt cải, khi gieo xuống đất thì nhỏ bé nhất trong tất cả các hạt trên mặt đất. Nhưng khi gieo rồi, nó mọc lên thành cây rau lớn nhất, và đâm những cành to, đến nỗi chim trời có thể tới núp bóng được". Người dùng nhiều dụ ngôn như thế mà rao giảng lời Chúa cho họ, tuỳ sức họ có thể hiểu được, và Người chỉ nói với họ bằng dụ ngôn, nhưng khi ở riêng với các môn đệ, Người giải thích tất cả cho các ông.

Ðó là lời Chúa.



Suy niệm

   

 Đức Kitô Nước Trời  


Thứ Sáu Tuần 3 Thường Niên hậu Giáng Sinh hôm nay, Bài Phúc Âm nói riêng và phụng vụ Lời Chúa nói chung vẫn phản ảnh chủ đề "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân lý" của thời điểm phụng vụ này.

Trước hết, ở bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu đã sử dụng 2 dụ ngôn để nói về mầu nhiệm hay thực tại "Nước Thiên Chúa", dụ ngôn đầu về "người kia đã gieo hạt xuống đất" và dụ ngôn sau về "hạt cải", thứ tự như sau:

Dụ ngôn về "người kia đã gieo hạt xuống đất": "Nước Thiên Chúa giống như người kia đã gieo hạt xuống đất: người đó ngủ hay thức, đêm hay ngày, hạt giống cứ đâm mầm và mọc lên thế nào người đó cũng không hay biết nữa. Ðất tự nó làm cây lúa mọc lên: trước hết thành cây, rồi đâm bông, rồi kết hạt. Và khi lúa chín, người ấy liền gặt vì đã đến mùa".

Dụ ngôn về "hạt cải": "Nước đó giống như hạt cải, khi gieo xuống đất thì nhỏ bé nhất trong tất cả các hạt trên mặt đất. Nhưng khi gieo rồi, nó mọc lên thành cây rau lớn nhất, và đâm những cành to, đến nỗi chim trời có thể tới núp bóng được".

Về dụ ngôn "người kia đã gieo hạt xuống đất", Chúa Giêsu có bao gồm 2 đặc điểm liên hệ với nhau giữa người gieo hạt giống và chính hạt giống, đó là "người đó ngủ hay thức, đêm hay ngày, hạt giống cứ đâm mầm và mọc lên thế nào người đó cũng không hay biết nữa". 

"Người đó cũng không hay biết nữa" ở đây có thể hiểu là: 1- không cần để ý, vì theo kinh nghiệm nhà nông người này đã thừa biết rằng: "đất tự nó làm cây lúa mọc lên"; 2- hoàn toàn tin tưởng vào khả năng của hạt giống được mình gieo xuống: "hạt giống cứ đâm mầm và mọc lên... trước hết thành cây, rồi đâm bông, rồi kết hạt"; và 3- sống trong chờ đợi công lao gieo vãi chuyên nghiệp của mình: "Và khi lúa chín, người ấy liền gặt vì đã đến mùa".

 

Ngày 27 tháng 1 - Thánh Angiêla Mêrici, trinh nữ (1474-1540)

 

 


Angêla Mêrici chào đời ngày 21/3/1474 trong một gia đình trung lưu và đạo hạnh bên Ý. Khi lên 9 tuổi, Angêla làm một tuần tĩnh tâm và khấn nguyện giữ mình đồng trinh trọn đời. Từ đó ngài từ khước mọi xa hoa phù phiếm, chuyên tâm cầu nguyện và hăng hái làm việc lành. Năm 12 tuổi, Angêla mồ côi cha mẹ nên phải sống chật vật, nhưng càng cực khổ, ngài càng sống kết hiệp với Chúa hơn và tăng thêm lòng yêu mến Ðức Mẹ. Ðể đáp lại tấm lòng của người con hiếu thảo, Ðức Mẹ đã báo trước cho ngài được biết ngày hưởng hạnh phúc Thiên Ðàng. Từ đó thánh nữ càng cố gắng hơn trên con đường tu đức, với cuộc sống hy sinh và cầu nguyện. Ngài thường nhủ mình: "Cầu nguyện hãm mình đi trước rồi việc làm và lời nói đến sau thì công việc tông đồ mới có kết quả". Do đó, ngài tỏ ra tận tụy giúp đỡ người nghèo khó, săn sóc và an ủi kẻ yếu đau. Khi thi hành công việc bác ái, ngài được Chúa cho biết nên tổ chức và phổ biến công việc đó rộng rãi hơn. Với sự soi sáng và mục đích đó, Hội Phụ Nữ Bác Ái do ngài sáng lập, đã phát triển mau lẹ. Năm 1529, sau chuyến đi hành hương thánh địa, ngài được Chúa cho biết phải lập một tu viện. Dòng được mở mang nhiều nơi và chính ngài đích thân huấn luyện các chị em.

Ngày 28/01/1540, sau một cơn bạo bệnh, ngài qua đời hưởng thọ 66 tuổi.

Năm 1807, ngài được Ðức Giáo Hoàng Piô VII phong lên bậc Hiển Thánh.

 



Thứ Bảy


Lời Chúa

 

Bài Ðọc I: (năm I) Dt 11, 1-2. 8-19

"Ông mong đợi thành trì có nền móng mà Thiên Chúa là kiến trúc sư và là Ðấng Sáng Lập".

Trích thơ gửi tín hữu Do-thái.

Anh em thân mến, đức tin là cốt yếu những thực tại người ta mong đợi, là bằng chứng điều bí ẩn. Vì nhờ đức tin mà các tiền nhân đã nhận được bằng chứng tốt. Nhờ đức tin, Abraham đáp lại tiếng Chúa gọi, để ra đi đến xứ ông sẽ được lãnh làm gia nghiệp, và ông ra đi mà không biết mình đi đâu. Nhờ đức tin, ông đến cư ngụ trong đất Chúa hứa, như trong đất khách quê người, sống trong lều trại, cũng như Isaac, và Giacóp, những kẻ đồng thừa tự cùng một lời hứa. Vì chưng, ông mong đợi thành trì có nền móng mà Thiên Chúa là kiến trúc sư và là Ðấng sáng lập. Nhờ đức tin mà ngay cả bà Sara son sẻ được sức mang thai, mặc dầu bà đã già, bởi vì bà tin rằng Ðấng đã hứa sẽ trung tín giữ lời. Vì thế, do tự một người, mặc dầu người đó như chết rồi, mà có một dòng dõi đông đúc vô số như sao trên trời và như cát bãi biển.

Chính trong đức tin mà tất cả những kẻ ấy đã chết trước khi nhận lãnh điều đã hứa, nhưng được nhìn thấy và đón chào từ đàng xa, đồng thời thú nhận rằng mình là lữ khách trên mặt đất. Những ai nói những lời như thế, chứng tỏ rằng mình đang đi tìm quê hương. Giá như họ còn nhớ đến quê hương dưới đất mà họ đã lìa bỏ, chắc họ có đủ thời giờ trở về. Nhưng hiện giờ họ ước mong một quê hương hoàn hảo hơn, tức là quê trời. Vì thế, Thiên Chúa không ngại để họ gọi mình là Thiên Chúa của họ, vì Người đã dọn sẵn cho họ một thành trì. Nhờ đức tin, khi bị thử lòng, Abraham đã dâng Isaac. Ông hiến dâng con một mình, ông là người nhận lãnh lời hứa, là người đã được phán bảo lời này: "Chính nơi Isaac mà có một dòng dõi mang tên ngươi". Vì ông nghĩ rằng Thiên Chúa có quyền làm cho kẻ chết sống lại, do đó, ông đã đón nhận con ông như một hình ảnh.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Lc 1, 69-70. 71-72. 73-75

Ðáp: Chúc tụng Chúa là Thiên Chúa của Israel, vì Chúa đã viếng thăm và cứu chuộc dân Ngài (c. 68a).

Xướng: 1) Chúa đã gầy dựng cho chúng tôi một uy quyền cứu độ, trong nhà Ðavít là tôi tớ Chúa. Như Ngài đã phán qua miệng các thánh nhân từ ngàn xưa, là tiên tri của Chúa. - Ðáp.

2) Ðể giải phóng chúng tôi khỏi quân thù, và khỏi tay những người ghen ghét chúng tôi. Ðể tỏ lòng từ bi với tổ tiên chúng tôi, và nhớ lại lời thánh ước của Ngài. - Ðáp.

3) Lời minh ước mà Ngài tuyên thệ, với Abraham tổ phụ chúng tôi, rằng Ngài cho chúng tôi được khỏi sợ hãi, sau khi thoát khỏi tay quân thù. Phục vụ Ngài trong thánh thiện và công chính, trước tôn nhan Ngài, trọn đời sống chúng tôi. - Ðáp.

 

Alleluia: Tv 118, 27

Alleluia, alleluia! - Xin Chúa cho con hiểu đường lối những huấn lệnh của Chúa, và con suy gẫm các điều lạ lùng của Chúa. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Mc 4, 35-41

"Người là ai mà cả gió lẫn biển cũng đều vâng lệnh Người?"

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Ngày ấy, khi chiều đến, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Chúng ta hãy sang bên kia biển hồ". Các ông giải tán đám đông; vì Người đang ở dưới thuyền, nên các ông chở Người đi. Cũng có nhiều thuyền khác theo Người. Chợt có một cơn bão lớn và những lớp sóng ùa vào thuyền đến nỗi sắp đầy nước. Và Người thì ở đàng lái dựa gối mà ngủ. Các ông đánh thức Người và nói: "Thưa Thầy, chúng con chết mất mà Thầy không quan tâm đến sao?" Chỗi dậy, Người đe gió và phán với biển rằng: "Hãy im đi, hãy lặng đi". Tức thì gió ngừng biển lặng như tờ. Rồi Người nói với các ông: "Sao các con sợ hãi thế? Các con không có đức tin ư?" Bấy giờ các ông kinh hãi và nói với nhau rằng: "Người là ai mà cả gió lẫn biển cũng đều vâng lệnh Người?"

Ðó là lời Chúa.


Suy niệm


   

  

 Đức Kitô chỗi dậy

 

Hôm nay Thứ Bảy, ngày cuối cùng của Tuần 3 Thường Niên hậu Giáng Sinhchủ đề "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân lý" của thời điểm phụng vụ này vẫn được tiếp tục ở chung phụng vụ Lời Chúa hôm nay, cách riêng là bài Phúc Âm, qua sự kiện Người dẹp yên bão tố.

Thật vậy, "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân lý" này đã tỏ mình ra qua sự kiện dẹp yên bão tố để cứu các môn đệ của Người, thành phần yếu đức tin cần phải mạnh tin hơn nhờ chứng kiến thấy quyền năng của Người: "Bấy giờ các ông kinh hãi và nói với nhau rằng: 'Người là ai mà cả gió lẫn biển cũng đều vâng lệnh Người?'"

Căn cứ vào sự kiện xẩy ra được Phúc Âm hôm nay thuật lại là "chợt có một cơn bão lớn và những lớp sóng ùa vào thuyền đến nỗi sắp đầy nước. Và Người thì ở đàng lái dựa gối mà ngủ. Các ông đánh thức Người và nói: 'Thưa Thầy, chúng con chết mất mà Thầy không quan tâm đến sao?'" chúng ta thấy quả thực các môn đệ đáng bị Thày của các vị quở trách: "Sao các con sợ hãi thế? Các con không có đức tin ư?"

Lời quở trách này của Người như thể Người muốn nói cùng các vị rằng: Tại sao các con lại cuống lên và quá hoảng loạn như thế. Chính Thày đang ở bên các con và ở cùng các con mà các con còn sợ và vẫn sợ hay sao. Các con không nhớ rằng Thày đã từng tỏ quyền năng thần linh của Thày ra bằng cách chữa lành đủ thứ bệnh nạn tật nguyền, thậm chí trừ được cả quyền lực của ngụy thần ma quỉ. 

Phải, chắc chắn các môn đệ của Người không chối cãi được quyền năng của Thày trong việc Người chữa lành và trừ quỉ, nhưng còn bão tố dữ dội khủng khiếp trong thiên nhiên như lần này thì các vị mới gặp lần đầu tiên, nên không biết quyền năng của Thày các vị ra sao và tới đâu, liệu có thể làm chủ nổi sức mạnh cuồng phong kinh hoàng bấy giờ hay chăng thì chưa thấy, do đó để chắc ăn các vị cần phải "đánh thức Người đậy mà nói: 'Thưa Thầy, chúng con chết mất mà Thầy không quan tâm đến sao?'"

Đúng là cơn bão tố quá dữ dội đến độ đã làm cho các môn đệ trở nên hoảng loạn, thậm chí các vị không còn bình tĩnh để nghĩ được rằng tại sao Thày của các vị có thể ngủ say đến thế, đến độ "những lớp sóng ùa vào thuyền đến nỗi sắp đầy nước" mà Thày lại cứ "dựa gối mà ngủ ở đằng lái" được là làm sao? Các vị đang hết sức chống chọi với bão tố mà còn có thể bị chết thì chẳng lẽ Thày ngủ như vậy mà thoát chết được hay sao??

Tuy nhiên, dầu sao cũng nhờ tình trạng quá yếu kém đức tin của các vị mà Chúa Kitô được dịp tỏ quyền năng của Người nơi cả thiên nhiên tạo vật nữa, chứ không phải chỉ nơi loài người hay nơi ma quỉ mà thôi. Thiên nhiên tạo vật sở dĩ xẩy ra những thiên tai cũng do bởi tội lỗi của loài người, như bệnh hoạn tật nguyền cũng bởi nguyên tội, bị quỉ ám cũng bởi nguyên tội. Là "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân lý", Người cứu độ con người chẳng những phần hồn mà còn phần xác của họ nữa

Chỉ vào lúc con người cảm thấy hoàn toàn bất lực, cảm thấy bất khả cứu vãn, Thiên Chúa thường mới lợi dụng để tỏ mình ra, nhờ đó đức tin của họ được gia tăng trong đời sống trần gian này và Người được họ nhận biết. Bởi thế, như bài Phúc Âm hôm nay thuật lại: "Chỗi dậy, Người đe gió và phán với biển rằng: 'Hãy im đi, hãy lặng đi'. Tức thì gió ngừng biển lặng như tờ". 

 


Ngày 28 tháng 1 - Thánh Tôma Aquinô, linh mục, tiến sĩ Hội thánh (1225-1274)


 

Thánh Tôma sinh tại thành Naples năm 1225 trong một gia đình giàu sang và đạo hạnh. Cha ngài làm lãnh chúa đảo Aquinô. Chính nhờ ảnh hưởng gia đình mà Tôma đã hấp thụ được một nền đạo đức chắc chắn để tiến lên đỉnh trọn lành, một ý chí sắt đá để theo ơn gọi và một nền học vấn uyên thâm để giải đáp các vấn nạn của thời đại.

Lúc đầu Tôma được cha gửi ở tu viện Cassino của các cha dòng Bênêđictô. Nhưng 9 năm sau, vì một biến cố chính trị, tu viện bị giải tán, Tôma được gửi về gia đình và tiếp tục học đại học Naples. Nơi đây, Tôma có dịp tiếp xúc với các tu sĩ dòng Ða Minh và cậu bắt đầu say mê lý tưởng sống nghèo khó và làm việc trí thức để truyền bá cho người khác chân lý đã suy niệm.

Năm 1244, Tôma đã quyết định xin khoác bộ áo trắng của dòng Ða Minh. Việc này đã gây chấn động mạnh mẽ cho gia đình, vì thân mẫu ngài vẫn thầm có tham vọng muốn cho con mình trở thành tu viện trưởng ở Cassino. Bà đã quyết định bắt Tôma về giam trong nhà và dùng mọi mưu kế để dụ dỗ cậu trở về thế gian, nhưng bị thất bại nên cuối cùng trong cơn mù quáng bà đã nhờ tới một cô gái trắc nết quyến rũ Tôma. Thầy đã dùng một thanh củi đang cháy đuổi cô gái phóng đãng ra khỏi phòng. Sau việc này, Chúa đã sai thiên thần xuống thắt dây trinh khiết biểu hiện huy chương chiến thắng cho Tôma.

Trước ý chí sắt đácủa con, bà mẹ đành chịu để cho Tôma trốn thoát về tu viện. Năm sau, ngài được thụ huấn với thánh Albertô, một học giả nổi danh thời ấy. Năm 27 tuổi, ngài trở thành giảng sư đại học với một kiến thức uyên bác có thể hướng dẫn được giới trí thức bấy giờ đang say mê với nền triết lý ngoại giáo Hy Lạp. Công trình tuyệt tác của thánh Tôma chính là bộ "Tông Luận Thần Học" mà ngài còn lưu lại cho hậu thế. Ngài thú nhận mình đã kín múc tất cả sự thông thái ấy nơi Chúa qua suy niệm và cầu nguyện.

Ngài qua đời năm 1274, hưởng thọ 49 tuổi. 

Năm 1328, Ðức Giáo Hoàng Gioan XXII tôn phong ngài lên bậc Hiển Thánh. 

Năm 1567, Ðức Piô V lại phong ngài làm Tiến Sĩ Hội Thánh với biệt hiệu "Tiến Sĩ Thiên Thần". 

Ðến năm 1880, Ðức Lêô XIII đặt ngài làm quan thầy các trường Công Giáo.