SUY NGUYỆN và SỐNG ĐẠO

 

 

Phụng Vụ Lời Chúa Tuần XI Thường Niên A


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL


Chúa Nhật

 

Năm 2017 Chúa Nhật này là Chúa Nhật Lễ Trọng Kính Mình Máu Thánh Chúa Giêsu

Phụng Vụ Lời Chúa Chúa Nhật Lễ Mình Máu Thánh Chúa Giêsu Năm A

 

Bài Ðọc I: Xh 19, 2-6a

"Ðối với Ta, các ngươi sẽ là một vương quốc tư tế, một dân tộc hiến thánh".

Trích sách Xuất Hành.

Trong những ngày ấy, con cái Israel đi đến hoang địa Sinai, và đóng trại ở đó. Israel cũng dựng nhà xếp trên triền núi. Còn Môsê thì lên cùng Thiên Chúa. Từ trên núi, Chúa gọi ông và bảo: "Ngươi hãy nói với nhà Giacóp và thông báo cho con cái Israel thế này: Chính các ngươi đã thấy những gì Ta làm cho người Ai-cập. Ta đã mang các ngươi trên cánh phượng hoàng và đem các ngươi đến với Ta. Từ nay, nếu các ngươi nghe lời Ta và giữ giao ước Ta, thì các ngươi sẽ là sở hữu của Ta được tách biệt khỏi mọi dân, vì cả trái đất là của Ta. Ðối với Ta, các ngươi sẽ là một vương quốc tư tế, một dân tộc hiến thánh".

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 99, 2. 3. 5

Ðáp: Ta là dân tộc, là đoàn chiên Chúa chăn nuôi (c. 3c).

Xướng: 1) Hãy phụng sự Chúa với niềm vui vẻ, hãy vào trước thiên nhan với lòng hân hoan khoái trá. - Ðáp.

2) Hãy biết rằng Chúa là Thiên Chúa, chính Người đã tạo tác thân ta, và ta thuộc quyền sở hữu của Người; ta là dân tộc, là đoàn chiên Chúa chăn nuôi. - Ðáp.

3) Vì chưng Chúa thiện hảo, lòng từ bi Người tồn tại muôn đời, và lòng trung tín còn tới muôn muôn thế hệ. - Ðáp.

 

Bài Ðọc II: Rm 5, 6-11

"Nếu chúng ta được giao hoà cùng Thiên Chúa nhờ cái chết của Con Ngài, ắt chúng ta sẽ được cứu độ trong sự sống của Ngài".

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, Chúa Kitô theo kỳ hẹn đã chịu chết vì chúng ta là kẻ tội lỗi. Ít có ai chết thay người công chính, hoạ chăng có những người dám chết vì kẻ lành. Nhưng Thiên Chúa chứng tỏ tình yêu của Người đối với chúng ta, nghĩa là trong lúc chúng ta còn là tội nhân, thì theo kỳ hẹn, Chúa Kitô đã chết vì chúng ta. Vậy phương chi bây giờ, chúng ta đã nên công chính trong máu của Người, và nhờ Người chúng ta sẽ được cứu khỏi cơn thịnh nộ. Bởi chưng, nếu khi chúng ta còn là thù nghịch, mà chúng ta đã được giao hoà cùng Thiên Chúa nhờ cái chết của Con Ngài, thì huống chi khi đã được giao hoà, ắt chúng ta sẽ được cứu độ trong sự sống của chính Chúa Kitô, và không những thế, chúng ta còn được vinh hiển trong Thiên Chúa nhờ Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, nhờ Người mà bây giờ chúng ta được lãnh ơn giao hoà.

Ðó là lời Chúa.

 

Alleluia: Ga 6, 64b và 69b

Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, lời của Chúa là thần trí và là sự sống; Chúa có những lời ban sự sống đời đời. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Mt 9, 36 - 10, 8

"Sau khi triệu tập mười hai môn đệ, Người sai các ông đi".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu thấy đoàn lũ dân chúng, liền động lòng xót thương họ: vì họ tất tưởi bơ vơ như những con chiên không có người chăn, Người liền bảo môn đệ rằng: "Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt thì ít. Các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đi gặt lúa".

Và Người liền triệu tập mười hai môn đệ, ban cho họ quyền năng trên các thần ô uế, để họ xua đuổi chúng, và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền. Ðây là tên của mười hai tông đồ: trước hết là Simon cũng gọi là Phêrô, rồi đến Anrê em ông; Giacôbê con của Giêbêđê và Gioan em ông; Philipphê và Bartôlômêô; Tôma và Matthêu người thu thế; Giacôbê con của Alphê và Tađêô; Simon người Cananêô và Giuđa Iscariốt, kẻ nộp Người. Chúa Giêsu sai mười hai ông này đi và truyền lệnh cho các ông rằng:

"Các con đừng đi về phía dân ngoại, và đừng vào thành các người Samaritanô. Nhưng tốt hơn, các con hãy đi đến cùng chiên lạc của nhà Israel trước đã, và rao giảng rằng: "Nước Trời đã đến gần". Hãy chữa lành người liệt, phục sinh kẻ chết, chữa lành người phung, và xua trừ ma quỷ. Các con đã lãnh nhận nhưng không, thì hãy cho nhưng không".

Ðó là lời Chúa.

 

 

Thứ Hai

 

Đức ái trọn hảo mới có thể thắng vượt kẻ hung ác và ngăn chặn sự ác


Chủ đề sự sống thần linh của Mùa Phục Sinh tiếp tục vói bài Phúc Âm của Thánh ký Mathêu về một sự sống Phúc Đức Trọn Lành cho Thứ Hai Tuần XI Thường Niên hôm nay. 

Bài Giảng Trên Núi của Chúa Kitô về Phúc Đức Trọn Lành được Phúc Âm Thánh ký Mathêu thuật lại đây, tiếp theo Tuần X Thường Niên, không còn liên quan đến các điều răn nữa, như điều răn thứ 5 "chớ giết người" (Thứ Năm tuần trước), điều răn thứ 6 và 9 "chớ làm sự dâm dục" (Thứ Sáu tuần trước), và điều răn thứ 8 "chớ làm chứng dối" (Thứ Bảy tuần trước). 

 

Hôm nay (và cả ngày mai nữa), Bài Giảng Trên Núi bắt đầu sang đến chính đức bác ái trọn lành, cốt lõi của Bài Giảng về Phúc Đức Trọn Lành. Tuy nhiên, không phải vì không còn liên quan đến những điều răn trong Thập Giới nữa, như tuần trước cho thấy, mà Chúa Kitô không còn so sánh giữa những gì là cũ, liên quan đến ý hệ hay văn hóa hoặc tâm thức tự nhiên của Dân Do Thái trong Cựu Ước, những gì bất toàn (tuy đúng lý, hoàn toàn hợp lý theo phép công bằng), hay đúng hơn những gì chưa thực sự trọn lành như những gì mới được Người chỉ dạy cho thành phần môn đệ ở Bài Giảng Trên Núi về Phúc Đức Trọn Lành để nhờ đó sau này các vị mới có thể trở thành "muối đất... (và) ánh sáng thế gian" (Mathêu 5:13-14) theo đúng bản chất và ơn gọi là môn đệ Chúa Kitô của các vị.

 

Một trong hai điều liên quan đến đức bác ái trọn lành được Chúa Kitô nhắc đến ở bài Phúc Âm (Mathêu 5:38-42) riêng cho ngày hôm nay đó là: 

 

"Các con đã nghe bảo: 'Mắt đền mắt, răng đền răng'. Còn Thầy, Thầy bảo các con: đừng chống cự lại với kẻ hung ác; trái lại, nếu ai vả má bên phải của con, thì hãy đưa má bên kia cho nó nữa. Và ai muốn kiện con để đoạt áo trong của con, thì hãy trao cho nó cả áo choàng nữa. Và ai bắt con đi một dặm, thì con hãy đi với nó hai dặm. Ai xin, thì con hãy cho. Ai muốn vay mượn, thì con đừng khước từ".

 

Trong những lời khuyên dạy trọn lành này của Chúa Kitô, có một số chi tiết cần phải lưu ý như sau:

 

Trước hết, về mặt tiêu cực, Chúa Kitô bảo chúng ta "đừng chống cự lại với kẻ hung ác",nghĩa là cho dù chúng ta có là nạn nhân của họ, chúng ta vẫn phải tôn trọng con người phạm nhân, không được hận thù ghen ghét chính con người của họ, tìm cách trả thù họ theo luật công bình, hơn là chống lại việc làm gian ác của họ mà không phải vì hận thù họ v.v.

 

Sau nữa, về mặt tích cực, Chúa Kitô dạy chúng ta lấy lành thắng dữ, phản ứng của chúng ta cần phải làm sao để sự dữ bị tiêu tan như bóng tối gian ác tan biến trước ánh sáng chân thật. Ở chỗ, như Người dạy: "ai muốn vay mượn, thì con đừng khước từ". 

 

Ý nghĩa của vấn đề "vay mượn" trong lời Chúa Giêsu dạy đây đó là những gì tha nhân phạm đến chúng ta, như chúng ta đã phạm đến Chúa nên chúng ta xin Ngài "tha nợ" cho chúng ta. Một khi chúng ta bị anh chị em chúng ta xúc phạm, thì chúng ta không có quyền lên án và trừng phạt họ, cho bằng có quyền tha cho họ, hơn là chấp nhất. Nghĩa là sẵn sàng chấp nhận bị tha nhân phạm đến - "đừng từ khước" cho tha nhân "vay mượn" là như thế.


Đúng thế, nếu so sánh nguyên tắc công bằng ăn thua đủ - nợ máu phải trả bằng máu: 'Mắt đền mắt, răng đền răng', như tình hình giữa nước Do Thái và dân tộc Palestine ở Trung Đông gần 3/4 thế kỷ cho tới nay, bên khủng bố (Palestine) bên tấn công (Do Thái), liên tục hầu như bất tận và bất khả giải quyết. 


Thế nhưng, để có thể giải quyết một cách tốt đẹp, họ không còn cách nào khác ngoài những gì được Chúa Kitô khuyên dạy trong bài Phúc Âm hôm nay, ở chỗ thắng vượt nguyên tắc công bình bằng tinh thần bác ái vị tha, lấy lành thắng dữ, một tinh thần chắc chắn họ sẽ không thể nào làm được nếu không có Vị Thánh Linh của Đấng Phục Sinh đã thông ban cho các tông đồ để các vị có thể tha tội cho tha nhân (xem Gioan 20:22-23). 

 

Bởi vậy, huấn dụ bác ái trọn lành của Chúa Kitô ở Bài Giảng Trên Núi không phải chỉ là đích điểm hay tầm vóc viên trọn cho cuộc sống và ơn gọi làm người nói chung và làm môn đệ của Người nói riêng, mà còn là chính đường lối để còn người có thể sống an vui hạnh phúc cho chính bản thân mình cũng như cho xã hội loài người, một đường lối phản ảnh nơi giáo huấn tổng hợp như một học thuyết nhân bản đích thực về xã hội của Giáo Hội Chúa Kitô từ cuối thể kỷ 19 cho tới nay.

  

Tinh thần Phúc Âm Phúc Đức Trọn Lành của Chúa Kitô liên quan đến đức ái trọn hảo thật sự đã thấm nhuần nơi thành phần môn đệ của Người trong suốt giòng lịch sử của Giáo Hội, nhất là qua các thánh nhân được Thiên Chúa sai đến vào từng thời điểm của các vị, kể từ các vị tông đồ, điển hình nhất là vị Tông đồ Dân Ngoại Phaolô, như chính thánh nhân đã vừa bày tỏ vừa huấn dụ Kitô hữu Giáo Đoàn Côrintô (2Corinto 6:1-10) trong bài đọc 1 Năm Lẻ hôm nay như sau:  

 

"Trong mọi sự, chúng tôi chứng tỏ mình là những người phục vụ Thiên Chúa, với hết lòng kiên nhẫn: trong gian truân thiếu thốn, nguy khốn, đòn vọt, tù đày, biến loạn, khó nhọc, nhịn ăn, nhịn ngủ với lòng thanh khiết, am hiểu, đại lượng, dịu dàng, bằng sức mạnh Thánh Thần, bằng lòng yêu thương không giả dối, bằng lời chân thật, và bằng quyền năng Thiên Chúa; nhờ khí giới công chính bên tả bên hữu; trải qua vinh quang cũng như tủi nhục, tiếng xấu cũng như tiếng tốt, bị coi là phường bịp bợm, mặc dầu là chân thành; bị coi là vô danh, nhưng hằng được biết đến; bị coi là đang giẫy chết, nhưng này chúng tôi vẫn sống; bị coi như bị gia hình, mà nào đã chết đâu; bị coi như phải ưu sầu, nhưng chúng tôi vẫn luôn an vui; bị coi là kẻ nghèo túng, nhưng chúng tôi lại làm cho nhiều người được giàu có; bị coi như không có gì, nhưng chúng tôi làm chủ tất cả".

 

Đời sống chứng nhân của Giáo Hội qua các phần thể sống đức ái trọn hảo như Thánh Phaolô ở bài đọc 1 hôm nay quả thực là tác động thần linh kỳ diệu của Thiên Chúa biến đổi con người để một số con người nào đó "được tiền định nên giống hình ảnh Con của Ngài" (Roma 8:28), họ trở thành "phương tiện" (Tông Vụ 9:15) cho phần rỗi của chung nhân loại, đúng như những gì được bài Đáp Ca (Thánh Vịnh 97:1,2-3ab,3cd-4) cảm nhận:

 

1) Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu. Tay hữu Người đã tạo cho Người cuộc chiến thắng, cùng với cánh tay thánh thiện của Người. 


2) Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người, trước mặt chư dân Người tỏ rõ đức công minh. Người đã nhớ lại lòng nhân hậu và trung thành, để sủng ái nhà Israel. 


3) Khắp nơi bờ cõi địa cầu đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. Toàn thể địa cầu hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hỉ, mừng vui và đàn ca. 

 

 

Thứ Ba

 

Đức ái trọn hảo như Cha trên trời


Bài Phúc Âm hôm nay (Mathêu 5:43-48) đúng là tột đỉnh của Bài Giảng Trên Núi của Chúa Kitô, ở ngay câu kết: "Vậy các con hãy nên hoàn hảo như Cha các con trên trời là Đấng hoàn hảo". 

 

Qua câu chính yếu nhất của Bài Giảng Trên Núi này và là câu làm nên tất cả Bài Giảng Phúc Đức Trọn Lành của Chúa Kitô ấy, chúng ta có thể kết luận một cách suy diễn như thế này: Vì các con là môn đệ của Thày nên các con phải nên trọn lành như Cha của các con trên trời là Đấng trọn lành, theo như những gì Thày truyền dạy các con trong việc sống tinh thần của lề luật là chính đức ái trọn hảo vậy.

 

Ở chỗ, nếu theo tâm lý và lý lẽ tự nhiên "Ngươi hãy yêu thân nhân, và hãy thù ghét địch thù", thì sống bác ái trọn lành theo Chúa Kitô để có thể nên trọn lành như Cha trên trời, thành phần môn đệ của Chúa Kitô cần phải: "yêu thương thù địch và làm ơn cho những kẻ ghét các con, hãy cầu nguyện cho những ai bắt bớ và nguyền rủa các con", chứ không thể sống ở tầm mức tự nhiên như hai thành phần vốn bị dân Do Thái khinh bỉ, đó là thành phần "thu thuế" vốn bị họ coi là hạng người tội lỗi, hay như thành phần "ngoại giáo" vốn bị họ coi là thành phần ô uế nhơ nhớp, đáng xa tránh. 

 

Trong lời Chúa Giêsu dạy các môn đệ của Người sống bác ái trọn hảo: "các con hãy yêu thương thù địch và làm ơn cho những kẻ ghét các con, hãy cầu nguyện cho những ai bắt bớ và nguyền rủa các con", chúng ta thấy, trước hết, về đối tượng, tinh thần bác ái trọn lành ở chỗ "yêu thương (cả) thù địch" nữa chứ không phải chỉ những ai yêu thương chúng ta hay những ai chúng ta thích hoặc thành thần thân nhân ruột thịt của chúng ta mà thôi. 

 

Sau nữa, về hành động, tinh thần bác ái trọn lành là ở chỗ "làm ơn cho những kẻ ghét các con, hãy cầu nguyện cho những ai bắt bớ và nguyền rủa các con". Tức là "làm ơn" và "cầu nguyện" cho những đối tượng "thù địch" của mình, vì họ là những người "thù ghét" mình, "bắt bớ" mình và "nguyền rủa" mình, chứ không phải là thành phần thương yêu mình hay được mình thương yêu. 

 

Riêng về vấn đề "làm ơn", Thánh Phaolô, trong bài đọc 1 hôm nay (2Corinto 8:1-9) đã đề cập đến mẫu gương của "giáo đoàn xứ Macêđônia", một giáo đoàn cho dù trải qua "gian nan thử thách" nhưng vẫn "trở thành kho tàng phúc hậu" một cách lạ lùng cho tha nhân, như ngài đã viết về họ như sau:

 

"Trong nhiều nỗi gian truân thử thách, họ được tràn đầy vui mừng, và cảnh cùng cực thẳm sâu của họ lại trở nên kho tàng phúc hậu. Tôi làm chứng rằng: họ đã tự động nài ép tôi cho họ được ân huệ tham dự vào việc phục vụ các thánh, tùy sức họ và quá sức họ nữa. Không phải như chúng tôi hy vọng mà thôi, họ còn đã hiến mình, trước tiên là cho Chúa, sau là cho chúng tôi, chiếu theo ý muốn của Thiên Chúa".

 

Như thế, giáo đoàn này đã thực sự phản ảnh, như Thánh Phaolô nói trong cùng bài đọc 1 cho Năm lẻ hôm nay: "lòng quảng đại của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, mặc dù giàu sang, Người đã nên thân phận nghèo khó, để nhờ việc nghèo khó của Người, anh em nên giàu có".

 

Vì đức ái trọn hảo xuất phát từ Thiên Chúa và là chính bản tính của Thiên Chúa mà Ngài yêu thương hết mọi người, nhất là những ai hèn yếu đáng thương, như Bài Đáp Ca (nhất là câu 3 và 4) được trích từ Thánh Vịnh 145 (2,5-6,7,8-9a) đã cảm nhận và cho thấy:

 

3) Đấng trả lại quyền lợi cho người bị ức, và ban cho những người đói được cơm ăn. Thiên Chúa cứu gỡ những người tù tội. 


4) Thiên Chúa mở mắt những kẻ đui mù. Thiên Chúa giải thoát những kẻ bị khòm lưng khuất phục, Thiên Chúa yêu quí các bậc hiền nhân. Thiên Chúa che chở những khách kiều cư. 

 



  

Thứ Tư

 

 

Sống nội tâm là sống trước nhan Chúa 

 



Bài Phúc Âm hôm nay, vẫn là bài Phúc Âm thuộc loạt bài về Bài Giảng Phúc Đức Trọn Lành Trên Núi được Chúa Giêsu huấn dụ riêng cho các tông đồ là thành phần chứng nhân tiên khởi của Người và là nền tảng cho Giáo Hội tương lai của Người, nhưng không còn theo công thức so sánh giữa lề luật cũ hay tâm thức tự nhiên với giáo huấn trọn lành của Người liên quan đến đức ái trọn hảo. 


Bài Phúc Âm hôm nay bắt đầu sang đoạn 6 (Mathêu 6:1-6,16-18) và liên quan đến các việc thiện, như "bố thí", "cầu nguyện" và "chay tịnh", một bài Phúc Âm được Giáo Hội chọn đọc cho Thứ Tư Lễ Tro mở màn cho Mùa Chay hằng năm. Căn cứ vào thứ tự 3 việc lành này thì ưu tiên nhất là bố thí liên quan đến đức bác ái, sau đó mới đến việc cầu nguyện liên quan đến Thiên Chúa, và sau cùng mới đến việc chay tịnh liên quan đến bản thân.

 

 

 

Có thể nói bố thí là hoa trái của cầu nguyện, thậm chí có thể bỏ cầu nguyện để làm việc bác ái khi khẩn cấp, và muốn cầu nguyện sốt sắng và tác hiệu cần phải chay tịnh (làm chủ mình, khổ chế), nhưng khổ chế chay tịnh mà thiếu đức bác ái cũng không tốt. Kể cả các việc lành này nữa, các tông đồ cũng cần phải thực hiện một cách trọn lành, khác với thái độ giả hình của thành phần đạo đức phô trương làm vì danh tiếng hơn là vinh hiển của Thiên Chúa. 


Qua việc thực hành các việc thiện bề ngoài này, Chúa Giêsu muốn dạy các tông đồ phải sống nội tâm, sống như là một thứ "muối đất", theo nguyên tắc chung như Người truyền dạy, đó là: "Các con hãy cẩn thận, đừng phô trương công đức trước mặt người ta để thiên hạ trông thấy, bằng không, các con mất công phúc nơi Cha các con là Đấng ở trên trời".


Căn cứ vào nguyên tắc "đừng phô trương công đức" này, Người dạy các môn đệ trước hết về cách thức thực hành việc bố thí như thế này: "Vậy khi các con bố thí, thì đừng thổi loa báo trước, như bọn giả hình làm ở nơi hội đường và phố xá, để cho người ta ca tụng họ. Quả thật, Ta bảo các con, họ đã được thưởng công rồi. Còn con có bố thí, thì làm saođừng để tay trái biết việc tay phải làm, để việc con bố thí được giữ kín, và Cha con, Đấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho con.


Nguyên tắc "đừng phô trương công đức" như Chúa dạy được áp dụng, sau nữa, vào việc cầu nguyện ở cách thức cũng như việc bố thí ở chỗ tránh hành vi tiêu cực mà thể hiện các cử chỉ tích cực như sau: "Rồi khi các con cầu nguyện, thì cũng chớ làm như những kẻ giả hình: họ ưa đứng cầu nguyện giữa hội đường và các ngả đàng, để thiên hạ trông thấy. Quả thật, Ta bảo các con: họ đã được thưởng công rồi. Còn con khi cầu nguyện, thì hãy vào phòng đóng cửa lại mà cầu xin với Cha con, Đấng ngự nơi bí ẩn, và Cha con, Đấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho con".


Sau hết, về cách thức chay tịnh, theo nguyên tắc "đừng phô trương công đức", Chúa dạy các tông đồ thực hiện vừa tránh tiêu cực vừa làm tích cực như sau: "Khi các con ăn chay, thì đừng làm như bọn giả hình thiểu não: họ làm cho mặt mũi ủ dột, để có vẻ ăn chay trước mặt người ta. Quả thật, Ta bảo các con, họ đã được thưởng công rồi. Còn con khi ăn chay, hãy xức dầu thơm trên đầu và rửa mặt, để thiên hạ không biết con ăn chay, nhưng chỉ tỏ ra cho Cha con Đấng ngự nơi bí ẩn, và Cha con thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho con".


Muốn tránh khỏi khuynh hướng tự nhiên thích "phô trương công đức" về các việc lành mình làm, con người phải hoàn toàn tin vào Chúa, phải có một đức tin mãnh liệt, luôn sống trước nhan Chúa, "Đấng thấu suốt mọi bí ẩn" và là "Đấng ngự nơi bí ẩn", như gương sáng của bà góa bỏ tiền vào đền thờ vậy (xem Luca 21:2-3). Nghĩa là hãy làm việc lành với tất cả tấm lòng chân thành của mình, ở chỗ hoàn toàn vì Chúa và cho Chúa mà thôi.


Đó là lý do, theo nguyên tắc vì Chúa và cho Chúa, Thánh Phaolô đã khuyên tín hữu Côrintô trong Thư Thứ 2 của ngài trong bài đọc 1 năm lẻ hôm nay rằng: "Mỗi người hãy cho theo như lòng đã định, không phải cách buồn rầu, hoặc miễn cưỡng: Thiên Chúa yêu thương kẻ cho cách vui lòng. Thiên Chúa có quyền cho anh em được dư tràn mọi ân phúc: để anh em vừa luôn luôn sung túc mọi mặt, vừa còn được dư dật để làm các thứ việc phúc đức, như đã chép rằng: 'Người đã rộng tay bố thí cho kẻ nghèo khó, đức công chính của Người sẽ tồn tại muôn đời'".


Một con người làm mọi sự vì Chúa và cho Chúa quả thực là một con người sống đức tin, biết kính sợ Chúa, nhờ đó họ có thể sống quảng đại như Ngài, đúng như cảm nhận của Thánh Vịnh 111 (1-2,3-4,9) ở trong bài Đáp Ca hôm nay: 

 


1) Phúc đức thay người tôn sợ Chúa, người hết lòng ham mộ luật pháp của Ngài. Con cháu ngươi sẽ hùng cường trong Đất Nước: thiên hạ sẽ chúc phúc cho dòng dõi hiền nhân.  


2) Trong nhà người có tài sản phú quý, và lòng quảng đại người còn mãi muôn đời. Trong u tối người xuất hiện như ánh sáng soi kẻ lòng ngay, người nhân hậu, từ bi và công chính. 


3) Người ban phát và bố thí cho những kẻ nghèo, lòng quảng đại của người muôn đời còn mãi, sừng người được ngẩng lên trong vinh quang. 

 

 

Thứ Năm


cốt lõi của Kinh Lạy Cha là ở ngay tâm điểm của kinh này,
tức ở lời nguyện thứ 3 (thuộc phần đầu) và lời cầu thứ 1 (thuộc phần sau).


Bài Phúc Âm (Mathêu 6:7-15) cho Thứ Năm Tuần XI Thường Niên hôm nay liên quan đặc biệt đến việc cầu nguyện nói chung và Kinh Lạy Cha nói riêng, hay nói cách khác, liên quan đến cách thức cầu nguyện và mẫu thức cầu nguyện. 

Trước hết, về cách thức cầu nguyện, Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ cầu nguyện một cách đơn sơ nhưng đầy lòng tin tưởng vào Đấng thấu suốt mọi sự như thế này: "Khi cầu nguyện, các con đừng nhiều lời như dân ngoại: họ nghĩ là phải nói nhiều mới được chấp nhận. Đừng làm như họ, vì Cha các con biết rõ điều các con cần, ngay cả trước khi các con xin". 

Sau nữa, về mẫu thức cầu nguyện, Chúa Giêsu đã tóm gọn những gì cần thiết nhất và đáng cầu nhất vào một lời nguyện vẫn được chúng ta gọi là Kinh Lạy Cha: "Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày, và tha nợ chúng con, như chúng tôi cũng tha kẻ có nợ chúng con, xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Amen".

Kinh Lạy Cha là mẫu thức cầu nguyện này bao gồm tất cả đời sống vì Chúa và cho Chúa của chung loài người và của riêng Kitô hữu môn đệ Chúa Kitô, Con Thiên Chúa làm người. Kinh Lạy Cha được cấu tạo nên bởi 2 phần rõ ràng: phần nguyện và phần xin. Phần nguyện trực tiếp đến Chúa là đối tượng chính của kinh nguyện này, và phần xin trực tiếp đến chủ thể đọc lên kinh nguyện này, nhưng vẫn nhắm đến đối tượng chính yếu là Chúa.

Thật vậy, phần nguyện bao gồm 3 ước nguyện thứ tự là: 1ước nguyện cho danh Cha cả sáng, 2- ước nguyện cho nước Cha được trị đến, và 3- ước nguyện cho ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Tâm hồn nào quả thực chỉ ước nguyện và thật lòng ước nguyện như thế thì đúng là người con ngoan của Thiên Chúa là "Cha trên trời". 

Thế nhưng muốn có một tấm lòng chỉ ước nguyện 3 điều chính yếu trên liên quan đến Sự Sống của Ba Ngôi Thiên Chúa là Cha (Danh Cha - Sự Sống Hằng Hữu), và Con (Nước Cha - Sự Sống Thần Linh) và Thánh Thần (Ý Cha - Sự Sống Thông Ban), con người cần phải cầu xin cho được 3 điều tương xứng với 3 ước nguyện ở phần đầu, thứ tự như sau: 

"Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày": đó là xin Cha tỏ cho chúng con biết được những gì Cha muốn, để nhờ đó chúng con có thể chu toàn tất cả những gì Cha muốn nơi chúng con cho "Danh Cha cả sáng", như Chúa Giêsu đã sử dùng lương thực của Người như thế: "Lương thực của Thày là làm theo ý Đấng đã sai Thày và hoàn tất công việc của Ngài" (Gioan 4:34); 

"Xin Cha tha nợ chúng con, như chúng tôi cũng tha kẻ có nợ chúng con": đó là xin Cha cho chúng con biết sống bác ái yêu thương cho "Nước Cha trị đến", như chúng con đã được chính Cha "đã chứng tỏ lòng yêu thương đối với chúng con khi chúng con đang còn là tội nhân" (Rôma 5:8), nơi Con Một của Cha là Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã "đến không phải để được hầu hạ mà là hầu hạ và hiến mạng sống mình cho nhiều người" (Mathêu 20:28), trong đó có chúng con.

"Xin Cha chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ": đó là xin Cha cho chúng con luôn luôn biết tuyệt đối trung thành với Ý Muốn vô cùng khôn ngoan và nhân hậu của Cha ở mọi nơi, trong mọi lúc và hết mọi sự, bất chấp mọi chước cám dỗ và thắng vượt tất cả mọi xu hướng bất trung và phản bội, nhờ "Đấng Phù Trợ" được sai đến để "chứng tỏ cho thế gian biết họ sai lầm về tội lỗi, về sự công chính và về án phạt (xem Gioan 16:8).

Có thể nói cốt lõi của Kinh Lạy Cha là ở ngay tâm điểm của kinh này, tức ở lời nguyện thứ 3 (thuộc phần đầu) và lời cầu thứ 1 (thuộc phần sau). Thật vậy, "danh Cha" không thể "cả sáng" (ước nguyện 1) và "Nước Cha" không thể "trị đến" (ước nguyện 2), nơi chúng ta nếu chúng ta không "ước nguyện cho ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời" (ước nguyện 3).


Và cũng chính vì "ước nguyện cho ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời" mới "xin Cha tha nợ chúng con" (lời cầu 2), tức tha cho những gì chúng ta đã không làm theo ý của Cha, hay làm trái ý Cha, làm phật ý của Cha, và mới "xin Cha đừng để chúng con sa chước cám dỗ nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ" (lời cầu 3), nghĩa là xin Cha đừng để cho chúng con bao giờ làm mất lòng cha là sự dữ trên hết mà chúng con cần phải tránh.

Một mẫu gương sống vì Chúa và cho Chúa, sống Kinh Lạy Cha đó là Thánh Tông Đồ Phaolô, như trong bài đọc 1 hôm nay cho thấy (2Corintô 11:1-11), như chính ngài đã bày tỏ: "Trong mọi sự, tôi đã giữ mình không làm phiền lòng ai, sau này, tôi vẫn giữ mình như thế. Đã có sự thật của Đức Kitô trong tôi, nên tôi không để ai giựt khỏi tôi được sự tôi khoe như thế trong khắp miền Akaia. Vì sao thế? Có phải vì tôi không yêu mến anh em chăng? Đã có Thiên Chúa biết".

Một con người sống Kinh Lạy Cha, sống chỉ vì và hoàn toàn cho Vị Thiên Chúa chân thật duy nhất là Cha của mình, như Mẹ Maria, như Thánh Tông Đồ Phaolô và như các Thánh Tông Đồ, cũng như các Thánh Nhân trong giòng lịch sử Giáo Hội, quả là những kỳ công do Chúa thực hiện chứ không ai có thể tự mình sống được như vậy. 

Thánh Vịnh 110 (1-2,3-4,7-8) hôm nay đã ám chỉ ý nghĩa này qua câu Đáp Ca chính "Lạy Chúa, công cuộc tay Chúa làm ra đều chân thật và công chính", cũng như ở 3 câu xướng Đáp Ca như sau:


1) Tôi sẽ ca tụng Chúa hết lòng, trong nhóm hiền nhân và trong Công hội. Vĩ đại thay công cuộc của Chúa tôi, thực đáng cho những người mến yêu quan tâm học hỏi!  


2) Công cuộc của Chúa là sự hùng vĩ oai nghiêm, và đức công minh của Ngài muôn đời tồn tại. Chúa đã làm những điều lạ lùng đáng nhớ, Người thực là Đấng nhân hậu từ bi. 


3) Công cuộc tay Chúa làm ra đều chân thật và công chính, mọi giới răn của Người đều đáng cậy tin. Những giới răn đó được lập ra cho tới muôn ngàn đời, được ban hành một cách chân thành và đoan chánh. 

  

 

 

Thứ Sáu

 

 

 

Thánh Tâm Chúa Giêsu là tiêu biểu cho cả Tình yêu của Thiên Chúa lẫn tình yêu của nhân loại


Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay về Thánh Tâm Chúa Giêsu. Bài Phúc Âm cho Phụng Vụ Chu Kỳ Năm B được lấy từ Phúc Âm Thánh Gioan (19:31-37), chứ không phải Thánh Marco, trong khi bài Phúc Âm Năm A vẫn Thánh Mathêu và Năm C vẫn Thánh Luca, vì Năm A và C có hai bài Phúc Âm thích hợp về Thánh Tâm Chúa Giêsu, một bài của Phúc Âm của Thánh Mathêu (11:25-30) về một Thánh Tâm "hiền lành và khiêm nhượng trong lòng" (Năm A) và một bài Phúc Âm của Thánh Luca (15:3-7) về Thánh Tâm yêu thương "con chiên lạc".

 

Còn bài Phúc Âm của Thánh Gioan cho Năm B là bài phúc âm về biến cố Chúa Giêsu tử giá bị lưỡi đòng đâm vào cạnh sườn khiến máu cùng nước chảy ra: "Khi đến gần Chúa Giêsu, chúng thấy Người đã chết, nên không đánh giập ống chân Người; nhưng một tên lính lấy ngọn giáo đâm thủng cạnh sườn Người, và lập tức máu cùng nước chảy ra". 

 

Sự kiện cho dù đã chết mà thân xác tử giá của Chúa Kitô vẫn bị lưỡi đòng đâm vào như thế chứng tỏ là "Người đã yêu thương những ai thuộc về Người thì Người muốn chứng tỏ rằng Người yêu thương họ cho đến cùng" (Gioan 13:1), đến giọt máu cuối cùng, đến giọt nước cuối cùng, cả hai "máu" và "nước" đều biểu hiệu cho sự sống nơi thân thể của Người, đã hoàn toàn tiết ra hết không còn gì trong thân thể của Người nữa.

 

Sự kiện "máu và nước chảy ra" ở đây cũng tiêu biểu cho việc Giáo Hội được hạ sinh từ cạnh sườn của Chúa Kitô như nguyên tổ Evà từ cạnh sườn của Adong trong vườn địa đường vậy, một sự kiện có thể đã được cảm nghiệm bởi Vị Tông Đồ Dân Ngoại Phaolô trong Thư Epheso: "... Chúa Kitô đã yêu thương Giáo Hội. Người đã hiến mình cho Giáo Hội, để làm cho Giáo Hội nên thánh hảo, thanh tẩy Giáo Hội trong nước bằng quyền năng lời của Người, để hiện lên trước nhan Người một Giáo Hội hiển vinh, thánh hảo và tinh tuyền, không nhăn nheo hay bất cứ sự gì như thế" (5:25-27).

 

Sự kiện "máu và nước chảy ra" đây còn tiêu biểu cho chính cuộc Vượt Qua của Chúa Kitô, "máu" (tiểu biểu cho cuộc tử nạn) chảy ra trước "nước" (tiêu biểu cho sự sống hay Thánh Linh) chảy ra sau. Nhưng cả hai đều tiêu biểu cho tình Ngài yêu thương Giáo Hội: "máu Thày sẽ đổ ra vì các con" (Luca 22:20), "các con hãy nhận lấy Thánh Linh" (Gioan 20:22).

 

Thánh Tâm Chúa Giêsu quả thực là biểu hiệu cho tình yêu thương của Chúa Giêsu đối với chung nhân loại và riêng Giáo Hội Nhiệm Thể của Người, và chính bản thân của Người nói chung và Thánh Tâm của Người nói riêng là hiện thân của tình yêu vô cùng nhân hậu của Thiên Chúa, một tình yêu tuyệt vời đã được mạc khải trong suốt Lịch Sử Cứu Độ của Dân Do Thái, như được Tiên Tri Hosêa (11:1b,3-4,8c-9) thuật lại tất cả tâm can của Vị Thiên Chúa chân thật duy nhất này hết sức cảm động như sau:

 

"Lúc Israel còn niên thiếu, Ta đã yêu thương nó, và Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai-cập.... Ta đã dưỡng nuôi Ephraim, Ta đã bồng chúng trên cánh tay Ta mà chúng không biết Ta chăm sóc chúng. Ta đã dùng dây êm ái và mối yêu thương mà tập (cho) chúng đi; Ta đối xử với chúng như người dưỡng nuôi trẻ thơ, Ta đã ấp yêu chúng vào má. Ta nghiêng mình trên chúng và đút cho chúng ăn... Quả tim Ta thổn thức trong Ta và ruột gan Ta bồi hồi. Ta sẽ không buông thả theo cơn giận của Ta. Ta sẽ không huỷ diệt Ephraim, vì Ta là Thiên Chúa chứ không phải người phàm; Ta là Ðấng Thánh ở giữa ngươi, Ta không thích tiêu diệt".

 

Ở trong Thư Epheso (3:8-12,14-19), vị tông đồ Phaolô, một "kẻ hèn nhất trong các thánh" đã bày tỏ niềm nguyện cầu của mình cho Kitô hữu Thành Êphêsô được nhờ tình yêu của Thiên Chúa nơi Đức Kitô mà trở nên "con người thiêng liêng" đầy những kiến thức thần linh về mọi chiều kích của tình yêu Chúa Kitô: 

 

"Tôi quỳ gối trước mặt Cha Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Ngài là nguồn gốc mọi danh phận làm cha trên trời dưới đất. Xin Ngài chiếu theo sự giàu có vinh quang của Ngài và nhờ Thánh Thần của Ngài, thêm sức mạnh cho anh em được nên người thiêng liêng, và nhờ đức tin, anh em được Ðức Kitô ngự trong lòng anh em, làm cho anh em đâm rễ sâu và lập nền kiên cố trong đức mến, để anh em được hiệp cùng các thánh mà hiểu biết chiều rộng, dài, cao, sâu, và cũng được biết lòng mến của Ðức Kitô vượt quá trí hiểu loài người, để anh em được sung mãn trong mọi sự viên mãn của Thiên Chúa".

 

Tuy nhiên, vì Chúa Giêsu là một Ngôi Vị Thần Linh có hai bản tính: Thiên tính và nhân tính, là Thiên Chúa thật và là người thật, mà Trái Tim Người chẳng những là biểu hiệu cho tình yêu vô cùng nhân hậu của Thiên Chúa ở nơi Người mà còn là biểu hiệu của tình yêu của con người đối với Thiên Chúa nữa. Tức là con người đáp trả tình yêu vô cùng nhân hậu của Thiên Chúa bằng chính Trái Tim của Chúa Kitô, và chỉ có nhờ Trái Tim Chúa Kitô, với Trái Tim Chúa Kitô và trong Trái Tim Chúa Kitô con người mới xứng đáng và có khả năng đáp trả "Thiên Chúa là tình yêu" (1Gioan 4:8,16) mà thôi.

 

Bài Phúc Âm theo Thánh Mathêu (11:25-30) cho Năm A bao gồm 2 chiều kích hay hai mặt của cùng một đồng tiền nơi Thánh Tâm Chúa Giêsu. Trước hết là chiều kích thiên tính liên quan đến Chúa Cha, đến Vị "Thiên Chúa là Thần Linh" (Gioan 4:24), vị Thiên Chúa đã tỏ mình hết mình ra nơi Con của Ngài là chính Nhân Vật Lịch Sử Nazarét Thiên Sai, Đấng đã đến để "tỏ Cha ra" (Gioan 1:18), đến độ "ai thấy Thày là thấy Cha" (Gioan 14:9).

 

"Lạy Cha là Chúa trời đất, Con xưng tụng Cha, vì Cha đã giấu không cho những người hiền triết và khôn ngoan biết những điều ấy, mà lại mạc khải cho những kẻ bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì ý Cha muốn như vậy. Mọi sự đã được Cha Ta trao phó cho Ta. Và không ai biết Con, trừ ra Cha. Và cũng không ai biết Cha, trừ ra Con và kẻ mà Con muốn mạc khải cho".

 

Sau nữa là chiều kích nhân tính liên quan đến con người trần gian, mà chính Người là mô phạm và là lý tưởng, chính Người, nơi thân phận làm người của mình, cũng chẳng những đã cảm thấy "khó nhọc và gánh nặng" của con người, mà còn chịu "khó nhọc và gánh nặng" với con người và thay con người, như hình ảnh người Samaritanô Nhân Lành đối với nạn nhân đang quằn quại nguy tử dọc đường (xem Luca 10:25-37). Đó là lý do Người mới thông cảm và kêu gọi loài người nói chúng và những ai cần đến Người nói riêng như sau:

 

"Tất cả hãy đến cùng Ta, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các ngươi. Hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng, và tâm hồn các ngươi sẽ gặp được bình an. Vì ách của Ta thì êm ái và gánh của Ta thì nhẹ nhàng".

 

Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhượng trong lòng, xin hoán cải con trở nên như những trẻ nhỏ của Lòng Thương Xót Chúa, để con biết nhìn hết mọi anh chị em con bằng ánh mắt của tình yêu vô cùng nhân hậu Chúa như Mẹ Maria, cho tất cả được hiệp nhất nên một trong Cha và Con và Thánh Thần. Amen.

 



Thứ Bảy

 

Lễ Trọng Sinh Nhật Thánh Gioan Tẩy Giả 24/6, át lễ kính Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria cùng ngày

 

Chúa Giêsu đã khen tặng Vị Tiền Hô được sai đến trước Người là Đấng cao trọng hơn ông để dọn đường cho Người là Đấng đến sau ông:


"Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng rằng: 'Ta bảo thật các ngươi, trong các con cái người nữ sinh ra, chưa từng xuất hiện một ai cao trọng hơn Gioan Tẩy Giả, nhưng người nhỏ nhất trong nước trời lại cao trọng hơn ông. Từ thời ông Gioan Tẩy Giả đến giờ, nước trời phải dùng sức mạnh mà chiếm lấy, và những kẻ mạnh mẽ can đảm mới chiếm được. Tất cả các tiên tri và lề luật đã tuyên sấm cho đến Gioan và nếu các ngươi muốn hiểu, thì chính Gioan là Elia, kẻ phải đến. Ai có tai, thì hãy nghe!'" (Mathêu 11:11-15).


Trước hết, Chúa Giêsu đã minh định Tiền Hô Gioan Tẩy Giả là con người cao cả nhất loài người, không một ai cao trọng hơn ngài, thậm chí có thể nói bao gồm cả Mẹ Maria. Phải chăng chính vì thế mà trong tất cả các thánh (ngoài trừ Mẹ Maria), chỉ có một mình Thánh Gioan Tẩy Giả mới được Giáo Hội mừng lễ sinh nhật trần gian của ngài, 24/6 (trước Lễ Giáng sinh 6 tháng), (lễ sinh nhật nước trời tưởng nhớ cái chết mất đầu của ngài 29/8) mà là mừng ở bậc Lễ Trọng (solemnity), hơn cả lễ sinh nhật Mẹ Maria ngày 8/9, chỉ ở bậc lễ kính (feast)? 


Dầu sao nhân vật Tiền Hô Gioan Tẩy Giả này, về cấp độ ân sủng, ngài không thể nào "Đầy Ơn Phúc" (Luca 1:28) như Mẹ Maria, và phải chăng đó là lý do Chúa Giêsu đã ám chỉ về Mẹ Maria ngay sau khi khen tặng vị tiền hô của Người: "người nhỏ nhất trong nước trời lại cao trọng hơn ông"? 


Đúng thế, nếu càng khiêm hạ nhỏ bé thì càng lớn lao cao trọng trên nước trời thì ai bé nhỏ bằng Mẹ Maria nên nhờ đó Mẹ Maria mới càng lớn lao cao trọng nhất trên Nước Trời, nghĩa là vì Mẹ càng nhỏ, càng trở thành hư không, thành zero, Mẹ mới càng đầy Thiên Chúa là sự hữu, là tất cả, mới càng giống Chúa Kitô, đến độ phản ảnh Người là mặt trời công chính, như Mẹ được Thánh ký Gioan thị kiến thấy và mô tả trong Sách Khải Huyền của ngài như "mặc mặt trời" (12:1), hay như Diễm Tình Ca cho biết là "rực rỡ như mặt trời" (6:10). Trong khi đó Thánh Gioan Tẩy Giả chỉ là cái đèn soi mà thôi (xem Gioan 1:6-8;5:35).


Sở dĩ Vị Tiền Hô Gioan Tẩy Giả này là một con người cao cả nhất loài người, tất nhiên không phải về lãnh vực ân sủng, như trên đã cảm nhận và phân tích, cho dù ngài có được cho rằng khỏi nguyên tội khi còn là thai nhi 6 tháng trong lòng thai mẫu, vào chính lúc ngài nhẩy mừng khi nghe thấy lời Mẹ Maria chào mẹ của ngài (xem Luca 1:44), mà là về vai trò của ngài, một vai trò không ai trên trần gian này có thể hơn được ngài. Giống như trường hợp các vị linh mục, cho dù không đầy ân phúc như Mẹ Maria trong cấp trật ân sủng, nhưng vẫn hơn Mẹ trong vai trò linh mục của các vị, bởi các vị được đồng hóa với Chúa Kitô và là Chúa Kitô (Alter Christus) khi các vị thi hành thừa tác vụ thánh.


Sứ vụ cao trọng vô tiền khoáng hậu của Vị Tiền Hô Gioan Tẩy Giả này là ở chỗ ngài là vị trung gian giữa Cựu Ước và Tân Ước. Thật vậy, nếu nền tảng của Nhà Thiên Chúa được xây trên "nền tảng các tông đồ và tiên tri" (Êphêsô 2:20), thì Thánh Gioan Tẩy Giả chẳng những là vị tiên tri của các vị tiên tri, "tiên tri của Đấng Tối Cao" (Luca 1:46) được tiên báo bởi chính một vị tiên tri trong Cựu Ước (xem Isaia 40:3), mà còn là "chàng phù rể" (Gioan 3:29) ở sát ngay bên với Chàng Rể Kitô hơn hết mọi ngườiđã nhận biết Chúa Kitô trước để rồi sau đó đã giới thiệu Người cho các tông đồ tiên khởi của Chúa Kitô (xem Gioan 1:35-51). 


Chưa hết, sứ vụ cao trọng của ngài còn lên đến tột đỉnh ở chỗ ngài đã làm phép rửa cho chính Đấng Thiên Sai Cứu Thế, như thể ngài đã trở thành người cha thiêng liêng của Con Thiên Chúa làm người. Không một vị tiên tri nào trong Cựu Ước đã được tận mắt nhìn thấy Chúa Kitô và gặp Chúa Kitô, ngoài trừ Thánh Gioan Tẩy Giả. Và cũng không một tông đồ nào đã nhận biết Chúa Kitô như ngài, cho dù các vị đã sống với Chúa Kitô 3 năm, trong khi ngài chưa hề gặp Người mà vẫn có thể nhận ra Người để giới thiệu Người cho các vị (xem Gioan 1:33-34). Nếu các tông đồ là thành phần chứng nhân tiên khởi của Chúa Kitô trên thế giới nói chung thì Thánh Gioan Tẩy Giả là chứng nhân tiên khởi cho Chúa Kitô trước dân Do Thái cũng như trước các tông đồ của Chúa Kitô nói riêng. 


Phải chăng Vị Tiền Hô Gioan Tẩy Giả cũng được lời Chúa qua miệng Tiên Tri Isaia (41:19) tiên báo và ám chỉ ở các câu sau đây: "Nơi hoang địa, Ta sẽ cho mọc lên cây hương nam, cây keo, cây sim và cây dầu; nơi sa mạc, Ta sẽ trồng cây tùng, cây du, cây bách, để mọi người thấy, biết, lưu tâm và hiểu rằng chính tay Chúa đã làm nên sự nghiệp đó, và Ðấng Thánh của Israel đã tạo nên cơ đồ này"? Phải chăng Thánh Gioan Tẩy Giả, với sứ vụ cao trọng đệ nhất thiên hạ của ngài chính là "cây hương nam trong hoang địa",  "cây tùng trong sa mạc"?


Việc "Lời đã hóa thành nhục thể", một mầu nhiệm vô cùng mầu nhiệm, rất khó có thể chấp nhận với tâm thức tự nhiên của con người, trái lại, còn có thể "trở thành cớ vấp phạm cho nhiều người trong Israel" (Luca 2:34), nên còn được Thiên Chúa vô cùng khôn ngoan đã cẩn thận sửa soạn cho việc Người xuất hiện trước dân Do Thái của Ngài, ở chỗ sai "vị tiên tri của Đấng Tối Cao" là Tiền Hô Gioan Tẩy Giả này đến trước để dọn đường cho "Người tỏ mình ra" (Gioan 1:31), nhờ đó dân của Ngài mới có thể nhận biết Người mà được cứu độ. 


Thật vậy, vai trò của Vị Tiền Hô Gioan Tẩy Giả thật là quan trọng và cần thiết, ở chỗ, theo ý định thần linh cứu độ của Thiên Chúa, ngài cần phải được sai đến trước để dọn đường cho Người là Đấng đến sau, nên chính bản thân của vị tiền hô này cũng đã được thụ thai cách lạ trước Người 6 tháng (xem Luca 1:36), và là vị "còn hơn một tiên tri nữa", như Chúa Kitô đã minh định ngay trong bài Phúc Âm hôm nay, bởi vì ngài còn là "sứ thần" của Thiên Chúa,một vai trò tương đương với vai trò của sứ thần Gabiên từ trời xuống truyền tin cho thân phụ của ngài (xem Luca 1:19), hay cho thân mẫu của Chúa Giêsu (xem Luca 1:26), vị sứ thần đã được Trời Cao sai đến với dân Do Thái nên đã được chính Thánh Kinh Cựu Ước của dân này tiên báo, như Chúa Giêsu đã trích lại trong lời Người nói về vị tiền hô của mình: "Này đây Ta sai sứ thần Ta đi trước con, và sẽ dọn đường cho con",  là vị được Chúa Kitô đã hết lời khen tặng, khen tặng hết lời: "Ta nói cho các ngươi biết, trong các con cái người nữ sinh ra, chưa từng xuất hiện một người nào cao trọng hơn Gioan, nhưng người nhỏ nhất trong nước Thiên Chúa lại cao trọng hơn ông" (Mathêu 11:11).