SUY NGUYỆN và SỐNG ĐẠO

 

 

 

Chia Sẻ Phụng Vụ Lời Chúa Tuần XIX Thường Niên Năm A và Lẻ
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL


Chúa Nhật


Phụng Vụ Lời Chúa

Bài Ðọc I: 1 V 19, 9a. 11-13a

"Ngươi hãy ra đứng trên núi trước tôn nhan Chúa".

Trích sách Các Vua quyển thứ nhất.

Trong những ngày ấy, khi Êlia đã lên núi Horeb của Thiên Chúa, ông trú ẩn trong một cái hang... Có lời Chúa phán cùng ông rằng: "Hãy ra đứng trên núi trước tôn nhan Chúa". Bỗng Chúa đi qua; có một cơn gió mạnh xé núi non và nghiền nát đá trước mặt Chúa; nhưng Chúa không ở trong gió bão. Sau trận gió bão thì đất động; Chúa cũng không ở trong cơn động đất. Sau cơn động đất thì có lửa; nhưng Chúa cũng không ở trong lửa. Sau lửa thì có tiếng gió hiu hiu. Vừa nghe thấy, Êlia liền lấy áo choàng che mặt lại, đi ra đứng ở cửa hang.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 84, 9ab-10. 11-12. 13-14

Ðáp: Lạy Chúa, xin tỏ lòng từ bi Chúa cho chúng con, và ban ơn cứu rỗi cho chúng con (c. 8).

Xướng: 1) Tôi sẽ nghe Chúa là Thiên Chúa của tôi phán báo điều chi? Chắc hẳn Người sẽ phán bảo về sự bình an. Vâng, ơn cứu độ Chúa gần đến cho những ai tôn sợ Chúa, để vinh quang Chúa ngự trị trong Ðất Nước chúng tôi. - Ðáp.

2) Lòng nhân hậu và trung thành gặp gỡ nhau, đức công minh và sự bình an hôn nhau âu yếm. Từ mặt đất, đức trung thành sẽ nở ra, và đức công minh tự trời nhìn xuống. - Ðáp.

3) Vâng, Chúa sẽ ban cho mọi điều thiện hảo, và Ðất Nước chúng con sẽ sinh bông trái. Ðức công minh sẽ đi trước thiên nhan Chúa, và ơn cứu độ theo sau lốt bước của Ngài. - Ðáp.

 

Bài Ðọc II: Rm 9, 1-5

"Tôi đã ước ao được loại khỏi Ðức Kitô vì phần ích anh em của tôi".

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, tôi xin nói thật trong Ðức Kitô, tôi không nói dối: lương tâm tôi làm chứng cho tôi trong Thánh Thần: là tôi buồn phiền quá đỗi, lòng tôi hằng đau đớn luôn. Chính tôi đã ao ước được loại khỏi Ðức Kitô vì phần ích anh em của tôi, là những thân nhân của tôi về phần xác. Họ đều là người Israel, họ được quyền làm nghĩa tử, được vinh quang, giao ước, lề luật, việc phượng tự và lời hứa: các tổ phụ cũng là của họ, và bởi các đấng ấy mà Ðức Kitô sinh ra phần xác, Người là Thiên Chúa trên hết mọi sự, đáng chúc tụng muôn đời.Amen.

Ðó là lời Chúa.

 

Alleluia: Ga 1, 14 và 12b

Alleluia, alleluia! - Ngôi lời đã làm người và đã ở giữa chúng ta. Những ai tiếp rước Người, thì Người ban cho họ quyền làm con Thiên Chúa. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Mt 14, 22-33

"Xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến cùng Thầy".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi dân chúng đã ăn no, lập tức Chúa Giêsu giục môn đệ trở xuống thuyền mà qua bờ bên kia trước, trong lúc Người giải tán dân chúng. Giải tán họ xong, Người lên núi cầu nguyện một mình. Ðến chiều, Người vẫn ở đó một mình. Còn thuyền thì đã ra giữa biển, bị sóng đánh chập chờn vì ngược gió.

Canh tư đêm tối, Người đi trên mặt biển mà đến với các ông. Thấy Người đi trên mặt biển, các ông hoảng hồn mà nói rằng: "Ma kìa!", và các ông sợ hãi kêu la lớn tiếng. Lập tức, Chúa Giêsu nói với các ông rằng: "Hãy yên tâm. Thầy đây, đừng sợ!" Phêrô thưa lại rằng: "Lạy Thầy, nếu quả là Thầy, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến cùng Thầy". Chúa phán: "Hãy đến!" Phêrô xuống khỏi thuyền, bước đi trên mặt nước mà đến cùng Chúa Giêsu. Khi thấy gió mạnh, ông sợ hãi và sắp chìm xuống nên la lên rằng: "Lạy Thầy, xin cứu con!" Lập tức, Chúa Giêsu giơ tay nắm lấy ông mà nói: "Người hèn tin, tại sao mà nghi ngờ?" Khi cả hai đã lên thuyền thì gió liền yên lặng. Những người ở trong thuyền đến lạy Người mà rằng: "Thật, Thầy là Con Thiên Chúa".

Ðó là lời Chúa.


Suy Nghiệm Lời Chúa

 

 

Một khi tiến tới chỗ "gặp gỡ nhau" đến độ "hôn nhau âu yếm" thì...



Trong suốt cuộc đời trần thế của mình, "Lời đã hóa thành nhục thể" (Gioan 1:14) là để tỏ mình "Thày là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống" (Mathêu 16:16), để "ai tin vào Người thì không bị chết song được sự sống đời đời" (Gioan 3:16), "ai chấp nhận Người thì Người ban cho họ được quyền làm con Thiên Chúa" (Gioan 1:12), đúng như câu Alleluia hôm nay xướng lên trước Bài Phúc Âm.

Thế nhưng, về ngôn từ, Người không bao giờ tự động tự xưng mình "là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống", vì liên quan đến giáo quyền Do Thái giáo, cũng như Người không bao giờ tự mình công khai xưng mình rằng "Ta là vua dân Do Thái", vì liên quan đến chính quyền của đế quốc Roma. Đó là lý do chẳng lạ gì Người hay ngăn cấm cả thành phần được Người chữa lành lẫn ma quỉ tiết lộ về Người!

Tuy nhiên, về việc làm, Người liên lỉ tìm cách và lợi dụng mọi sự để ngấm ngầm chứng thực Người "là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống", chẳng những chính yếu ở chỗ Người không bao giờ làm theo ý riêng của Người mà là ý Đấng đã sai Người: "Người đã vâng lời cho đến chết và chết trên thập tự giá" (Philiphê 2:8); "cho dù là Con nhưng Người đã biết tuân phục nơi những gì phải chịu để khi thành toàn Người trở nên căn nguyên cứu độ cho tất cả những ai tín phục Người" (Do Thái 5:8-9), mà còn bằng giáo huấn siêu việt đầy uy thế của Người cũng như bằng quyền năng chữa lành của Người, bao gồm cả quyền năng của Người trên thiên nhiên tạo vật nữa, như trong Bài Phúc Âm hôm nay cho thấy.

Đúng thế, sau khi tỏ mình cho chung dân Do Thái và riêng các môn đệ tông đồ của mình bằng phép lạ bánh hóa ra nhiều, như được Bài Phúc Âm cho Chúa Nhật tuần trước thuật lại, Chúa Giêsu còn muốn tỏ mình ra cho riêng thành phần môn đệ tông đồ của Người một cách đặc biệt hơn nữa, khiến cho các vị nói chung và tông đồ Phêrô nói riêng càng tin vào Người hơn.

Người tỏ mình ra cho chung các môn đệ tông đồ, như Bài Phúc Âm hôm nay thuật lại:
 

"Khi dân chúng đã ăn no, lập tức Chúa Giêsu giục môn đệ trở xuống thuyền mà qua bờ bên kia trước, trong lúc Người giải tán dân chúng. Giải tán họ xong, Người lên núi cầu nguyện một mình. Ðến chiều, Người vẫn ở đó một mình. Còn thuyền thì đã ra giữa biển, bị sóng đánh chập chờn vì ngược gió. Canh tư đêm tối, Người đi trên mặt biển mà đến với các ông. Thấy Người đi trên mặt biển, các ông hoảng hồn mà nói rằng: 'Ma kìa!', và các ông sợ hãi kêu la lớn tiếng. Lập tức, Chúa Giêsu nói với các ông rằng: 'Hãy yên tâm. Thầy đây, đừng sợ!'... Những người ở trong thuyền đến lạy Người mà rằng: 'Thật, Thầy là Con Thiên Chúa'".

 

Người tỏ mình ra cho riêng tông đồ Phêrô, cũng được cùng Bài Phúc Âm thuật lại ngay sau đó như thế này:

"Phêrô thưa lại rằng: 'Lạy Thầy, nếu quả là Thầy, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến cùng Thầy'. Chúa phán: 'Hãy đến!' Phêrô xuống khỏi thuyền, bước đi trên mặt nước mà đến cùng Chúa Giêsu. Khi thấy gió mạnh, ông sợ hãi và sắp chìm xuống nên la lên rằng: 'Lạy Thầy, xin cứu con!' Lập tức, Chúa Giêsu giơ tay nắm lấy ông mà nói: 'Người hèn tin, tại sao mà nghi ngờ?' Khi cả hai đã lên thuyền thì gió liền yên lặng".

Sở dĩ tông đồ Phêrô lúc đầu tin tưởng vào Chúa, nhưng sau đó "khi thấy gió mạnh, ông sợ hãi và sắp chìm xuống", là vì ngay lúc bấy giờ vị tông đồ hăng hái này, như Chúa Giêsu sau đó cho biết lòng chàng đã tỏ ra "nghi ngờ", ở chỗ chàng bị ngoại cảnh chi phối, không còn nhìn thẳng vào Chúa nữa, mà chỉ nhìn vào tạo vật hay vào chính biến cố xẩy ra quanh mình. Thực tế sống đạo cũng cho thấy như vậy, ở chỗ, nếu chúng ta là nạn nhân mà chỉ nhìn vào phạm nhân thì chỉ muốn trả thù, cho đến khi nhìn lên Thiên Chúa mới cảm thấy bình an và có thể tha thứ.

Thật vậy chàng tông đồ Phêrô vì bị ngoại cảnh chi phối, đến độ đã lấn át được cả đức tin ban đầu của chàng, nên chẳng lạ gì chàng đã bị mất bình an nội tâm, là chính nơi Chúa tỏ mình ra cho từng tâm hồn như "tiếng gió hiu hiu" mà Tiên Tri Êlia "vừa nghe thấy, liền lấy áo choàng che mặt lại, đi ra đứng ở cửa hang" ở Bài Đọc 1 hôm nay. Các hiện tượng đáng sợ bên ngoài (như "gió bão", "động đất" và "lửa" trong Bài Đọc I) chỉ là hiện tượng hay dấu báo Chúa đến, chứ không phải dấu hiệu Chúa hiện diện, Chúa ở trong, Chúa tỏ mình ra, như nơi "tiếng gió hiu hiu" mà tâm hồn nào biết "đóng cửa lại" (Mathêu 6:6) mới có thể nghe thấy "những gì thì thầm bên tai" (Mathêu 10:27).

Sự kiện "Thiên Chúa là thần linh" (Gioan 4:24) tỏ mình ra nơi Người Con hóa thành nhục thể của Ngài, "Người Con duy nhất đến từ Cha, đầy ân sủng và chân lý" (Gioan 1:14) và việc con người "thuộc hạ giới" tin tưởng chấp nhận Người là tất cả mạc khải thần linh của Ngài, đã được cảm nghiệm thấy và diễn tả một cách rất chính xác như là một cuộc "gặp gỡ nhau" và như là một tác động "hôn nhau âu yếm", được Bài Đáp Ca hôm nay diễn tả ở câu thứ 2:

"Lòng nhân hậu và trung thành gặp gỡ nhau, đức công minh và sự bình an hôn nhau âu yếm. Từ mặt đất, đức trung thành sẽ nở ra, và đức công minh tự trời nhìn xuống". "Lòng nhân hậu" và "đức công minh" là những gì thuộc về thượng giới "từ trời nhìn xuống", còn "đức trung thành" và "sự bình an" là những gì từ con người, ở nơi con người, nên thuộc hạ giới - "từ mặt đất".

Một khi cuộc "gặp gỡ nhau" giữa Thiên Chúa là thần linh, Đấng đã tỏ hết mình ra nơi Đức Giêsu Kitô Con của Ngài và tâm hồn hết lòng tin tưởng vào Ngài cũng như vào Đấng Thiên sai của Ngài lên tới tột đỉnh, đến độ như thể "hôn nhau âu yếm" thì tâm hồn lên tới bậc hiệp sinh chất ngất của linh đạo Kitô giáo này có thể dám hy sinh tất cả, thậm chí hy sinh cả chính phần rỗi của mình nữa cho ơn cứu độ của Chúa Kitô vì tha nhân, như chính cảm nghiệm tận tuyệt này của Vị Tông Đồ Dân Ngoại Phaolô đối với dân riêng Do Thái của ngài trong Thư gửi Giáo đoàn Rôma  Bài Đọc 2 hôm nay:

"Anh em thân mến, tôi xin nói thật trong Ðức Kitô, tôi không nói dối: lương tâm tôi làm chứng cho tôi trong Thánh Thần: là tôi buồn phiền quá đỗi, lòng tôi hằng đau đớn luôn. Chính tôi đã ao ước được loại khỏi Ðức Kitô vì phần ích anh em của tôi, là những thân nhân của tôi về phần xác. Họ đều là người Israel, họ được quyền làm nghĩa tử, được vinh quang, giao ước, lề luật, việc phượng tự và lời hứa: các tổ phụ cũng là của họ, và bởi các đấng ấy mà Ðức Kitô sinh ra phần xác, Người là Thiên Chúa trên hết mọi sự, đáng chúc tụng muôn đời. Amen".




Thứ Hai

Phụng Vụ Lời Chúa

 

Bài Ðọc I: (Năm I) Ðnl 10, 12-22

"Các ngươi hãy cắt bì lòng dạ các ngươi. Hãy yêu thương khách trọ, vì chính các ngươi cũng đã là khách trọ".

Trích sách Ðệ Nhị Luật.

Môsê nói với dân chúng rằng: "Giờ đây, hỡi Israel, Chúa là Thiên Chúa các ngươi, đòi hỏi các ngươi điều gì, nếu không phải là kính sợ Chúa là Thiên Chúa các ngươi, đi theo mọi đường lối của Người, yêu mến Người, làm tôi Chúa là Thiên Chúa các ngươi hết lòng và hết linh hồn các ngươi, tuân giữ các giới răn và nghi lễ của Thiên Chúa mà hôm nay tôi truyền cho các ngươi để các ngươi được hạnh phúc.

"Hãy xem trời và các tầng trời, trái đất và mọi sự trên mặt đất đều thuộc về Chúa là Thiên Chúa các ngươi. Nhưng Chúa chỉ quyến luyến cha ông các ngươi, đã yêu thương các ông ấy, và sau đó, trong mọi dân tộc, Người đã chọn dòng dõi kế tiếp các ông ấy là chính các ngươi như ngày hôm nay.

"Vậy các ngươi hãy cắt bì lòng dạ các ngươi, và đừng cứng cổ nữa, vì Chúa là Thiên Chúa các ngươi, là Thiên Chúa trên hết các chúa, là Chủ Tể trên hết các chủ tể, là Chúa cao cả, quyền năng và đáng khiếp sợ, là Ðấng không vị nể ai, và không để cho lễ vật hối lộ; Người giải oan cho cô nhi quả phụ, Người yêu mến người khách trọ và cho họ cơm ăn áo mặc. Vậy các ngươi hãy yêu thương khách trọ, vì các ngươi cũng đã là khách trọ trong đất Ai-cập.

"Các ngươi phải kính sợ Chúa là Thiên Chúa các ngươi, và phụng sự một mình Người, phải trìu mến Người và lấy danh Người mà thề. Chính Người là Ðấng các ngươi phải ca tụng và là Chúa các ngươi. Người đã thực hiện cho các ngươi những điều trọng đại và khủng khiếp, mà mắt các ngươi đã xem thấy. Cha ông các ngươi chỉ có bảy mươi khi xuống ở Ai-cập, và nay Chúa, là Thiên Chúa các ngươi, đã làm cho các ngươi đông như sao trên trời".

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 147, 12-13. 14-15. 19-20

Ðáp: Giêrusalem hỡi, hãy ngợi khen Chúa! (c. 12a)

Xướng: 1) Giêrusalem hỡi, hãy ngợi khen Chúa, hãy ngợi khen Thiên Chúa của ngươi, hỡi Sion, vì Người giữ chặt các then cửa ngươi, Người chúc phúc cho con cái ngươi trong thành nội. - Ðáp.

2) Người giữ cho bờ cõi ngươi được bình an, Người dưỡng nuôi ngươi bằng tinh hoa của lúa mì. Người đã sai lời Người xuống cõi trần ai, và lời Người lanh chai chạy rảo. - Ðáp.

3) Người đã loan truyền lời Người cho Giacóp, những thánh chỉ và huấn lệnh Người cho Israel. Người đã không làm cho dân tộc nào như thế, Người đã không công bố cho họ các huấn lệnh của Người. - Ðáp.

 

Alleluia: Ga 14, 23

Alleluia, alleluia! - Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Mt 17, 21-26

"Họ sẽ giết Người, nhưng Người sẽ sống lại. Con cái thì được miễn thuế".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, các môn đệ và Chúa Giêsu còn đang ở Galilêa, thì Chúa Giêsu bảo các ông rằng: "Con Người sắp bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết người, nhưng ngày thứ ba, Người sẽ sống lại". Các môn đệ rất đỗi buồn phiền.

Khi các ngài đến Capharnaum, thì những người thu thế đền thờ đến gặp Phêrô và hỏi rằng: "Thầy các ông không nộp thuế "đền thờ' sao?" Ông nói: "Có chớ".

Khi ông về đến nhà, Chúa Giêsu hỏi đón trước rằng: "Simon, con nghĩ sao? Vua chúa trần gian thu thuế má hạng người nào? Ðòi con cái mình hay người ngoài?" Ông thưa rằng: "Ðòi người ngoài". Chúa Giêsu bảo ông rằng: "Vậy thì con cái được miễn. Nhưng để chúng ta không làm cho họ vấp phạm, con hãy ra biển thả câu: con cá nào câu lên trước hết thì bắt lấy, mở miệng nó ra, sẽ thấy một đồng tiền, con hãy lấy tiền đó mà nộp cho họ, trả phần Thầy và phần con".

Ðó là lời Chúa.



Cảm Nghiệm Suy Niệm


"Việc Chúa Giêsu nộp thuế đến thờ ám chỉ việc Người bị nộp vào tay thành phần âm mưu sát hại Người"

Hôm nay, Thứ Hai Tuần XIX Thường Niên, bài Phúc Âm của Thánh ký Mathêu thuật lại cho chúng ta 2 sự kiện liên quan đến lời Chúa Kitô tiên báo lần đầu tiên về cuộc Vượt Qua của Người và liên quan đến vấn đề nộp thuế đền thờ của Người.

Lời Chúa Kitô tiên báo lần đầu tiên về cuộc Vượt Qua của Người: "Khi thầy trò tụ họp ở miền Galilêa, Chúa Giêsu nói với các ông rằng: 'Con Người sắp bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ngày thứ ba Người sẽ sống lại'. Các môn đệ buồn phiền lắm".

Vấn đề nộp thuế đền thờ của Người: "Khi thầy trò tới Caphanaum, thì những người thu thuế cho đền thờ đến hỏi Phêrô: 'Thầy của các anh không nộp thuế sao?' Ông đáp: 'Có chứ!' Ông về tới nhà, Chúa Giêsu đón hỏi ông: 'Anh Si-môn, anh nghĩ sao? Vua chúa trần gian bắt ai đóng sưu nộp thuế? Con cái mình hay người ngoài?' Phêrô đáp: 'Thưa, người ngoài'. Chúa Giêsu liền bảo: 'Vậy thì con cái được miễn. Nhưng để khỏi làm gai mắt họ, anh ra biển thả câu; con cá nào câu được trước hết, thì bắt lấy, mở miệng nó ra: anh sẽ thấy một đồng tiền bốn quan; anh lấy đồng tiền ấy, nộp thuế cho họ, phần của Thầy và phần của anh'".

Có thể nói 2 sự kiện này có liên hệ mật thiết với nhau, chứ không phải là hai sự kiên hoàn toàn tách biệt chẳng nhắm nhò gì với nhau. Sự kiện thứ nhất là một sự kiện lịch sử và thực hữu. Còn sự kiện thứ hai là một sự kiện cụ thể nhưng mang tính cách của một dụ ngôn, hàm chứ những ý nghĩa ám chỉ sâu xa liên quan tới sự kiện thuú nhất.

Thật vậy, sự kiện chính yếu trong bài Phúc Âm hôm nay là lời Chúa Giêsu tiên báo lần đầu tiên về cuộc vượt qua của Người tử khổ giá tới phục sinh, và sự kiện thứ hai về vấn đề nộp thuế đền thờ của cả Chúa Giêsu và Tông Đồ Phêrô là sự kiện ám chỉ đến cuộc vượt qua của riêng Chúa Giêsu, thậm chí bao gồm cả Tông Đồ Phêrô nữa.

Không phải hay sao, nếu đền thờ là nhà Cha của Người (xem Gioan 2:16), mà Người là Con của Cha, thì Người tất nhiên được ở free, tức là "con cái được miễn" không phải đóng thuế như những "người ngoài", đúng như Người đã nói với tông đồ Phêrô. 

Đền thờ ở đây đồng thời còn ám chỉ đến thân xác của Chúa Kitô (xem Gioan 2:19,21) sẽ bị trao "nộp" (chữ "nộp" trong Việt ngữ ở đây được sử dụng 2 lần cho 2 sự kiện khác nhau trong bài Phúc Âm: "nộp" thuế và "nộp" mạng) cho thành phần giáo quyền trong dân để họ ra tay phá hủy đi. Vậy việc Chúa Giêsu nộp thuế đến thờ ám chỉ việc Người bị nộp vào tay thành phần âm mưu sát hại Người.

Phải chăng đó là lý do Chúa Giêsu bảo tông đồ Phêrô "ra biển thả câu" để bắt "", một sinh vật ám chỉ đến cái chết của Người trong ngôi mồ, một cái chết đã được tiên báo ở sự kiện Tiên Tri Giona ở trong bụng cá 3 ngày đêm, và nhờ cái chết này của Người mà Người mới có thể trả thuế đền thờ, ám chỉ Người mới có thể xây lại đền thờ thân thể Người bằng cuộc phục sinh của Người?

Chúng ta chắc không thắc mắc về vấn đề làm sao Chúa Giêsu lại biết được con cá đầu tiên Tông Đồ Phêrô câu được lại có "một đồng tiền bốn quan", vừa đủ trả tiền thuế đền thờ cho cả Người và tông đồ Phêrô, cho bằng thắc mắc về vấn đề tại sao số tiền ấy lại chỉ được sử dụng để trả thuế đền thờ cho "phần của Thầy và phần của anh", nghĩa là chỉ cho tông đồ Phêrô mà không cho các tông đồ khác nữa. 

Xin thưa, là vì trong các tông đồ chỉ duy mình tông đồ Phêrô là được Chúa Kitô báo cho biết trước số phận sẽ được kết thúc ra sao (xem Gioan 21:18), một số phận không khác gì của Người và như Người, nên Người đã kêu gọi vị tông đồ thủ lãnh này là "hãy theo Thày" (Gioan 21:19), nghĩa là ngài sẽ "được dự phần với Thày" (Gioan 13:8), ở chỗ ngài cũng sẽ trở thành một vị mục tử nhân lành hiến mạng sống mình vì chiên như Người (xem Gioan 10:11). 


Thứ Ba

Giáo Hội Tin Tưởng Vào Việc Mông Triệu Của Mẹ Maria

(ĐTC Gioan Phaolô II - Loạt bài Giáo Lý về Thánh Mẫu Maria, ngày 2/7/1997)

1.- Theo Trọng Sắc Munificentissimus Deus được Vị Tiền Nhiệm của Tôi là Đức Piô XII công bố, Công Đồng Chung Vaticanô II đã xác nhận Vị Trinh Nữ Vô Nhiễm “được đưa cả hồn lẫn xác vào vinh quang thiên quốc khi cuộc sống trần thế của Mẹ chấm dứt” (Lumen Gentium, 59). 

Các Nghị Phụ Công Đồng muốn nhấn mạnh là Mẹ Maria, không giống như trường hợp Kitô hữu chết trong ơn nghĩa Chúa, đã được đưa lên hưởng vinh quang thiên đình với cả thân xác của Mẹ. Niềm tin rất cổ kính này đã được biểu lộ qua truyền thống lâu dài nơi các ảnh tượng cho thấy Mẹ Maria “tiến vào” thiên đình với cả thân xác của Mẹ. 

Tín điều Mông Triệu xác nhận rằng thân xác của Mẹ Maria đã được hiển vinh sau khi Mẹ chết. Thật vậy, đối với những người khác, cuộc phục sinh về thân xác của họ chỉ xẩy ra vào ngày tận thế, còn đối với Mẹ Maria, thân xác của Mẹ đã được hưởng vinh quang trước bằng một đặc ân riêng.

2.- Vào ngày 1/11/1950, khi xác định tín điều Mông Triệu, Đức Piô XII đã tránh dùng từ ngữ “phục sinh”, cũng như đã không khẳng định rõ ràng về vấn đề cái chết của Đức Trinh Nữ như là một chân lý đức tin. Trọng Sắc Munificentissimus Deus chỉ giới hạn vào việc xác định thân xác của Mẹ Maria được nâng lên trong vinh quang thiên quốc, khi tuyên bố rằng chân lý này là một “tín điều theo mạc khải thần linh”.

Làm sao chúng ta lại không thể thấy rằng việc Mông Triệu của Đức Trinh Nữ bao giờ cũng thuộc về đức tin của dân Kitô giáo, thành phần đã nhắm đến việc công bố sự vinh hiển của thân xác Mẹ, khi xác nhận là Mẹ Maria được vào hưởng vinh quang thiên quốc? 

Dấu vết tiên khởi nơi niềm tin tưởng vào việc Mông Triệu của Vị Trinh Nữ này có thể được thấy ở những mẩu truyện trong ngụy kinh dưới nhan đề Transitus Mariae (xin tạm dịch là Cuộc Đổi Đời của Đức Maria), phát xuất từ thế kỷ thứ hai, thứ ba. Những truyện kể này trở nên thịnh hành và đôi khi còn được thêu dệt cho hay, song những sự kiện này cũng đã cho thấy cái trực giác nơi đức tin của Dân Thiên Chúa.

Sau đó là một thời gian dài càng ngày càng suy tư hơn về định mệnh của Mẹ Maria ở đời sau. Việc suy tư này từ từ đã dẫn tín hữu đến chỗ tin tưởng vào việc vinh thăng Người Mẹ của Chúa Giêsu cả xác lẫn hồn, cũng như đến chỗ bên Đông Phương đã thiết lập các lễ phụng vụ về Cái Chết và Mông Triệu của Mẹ Maria.

Niềm tin vào định mệnh vinh hiển nơi cả xác lẫn hồn của Người Mẹ Chúa Kitô sau khi Mẹ chết đã được truyền lan rất nhanh từ Đông sang Tây, và đã trở thành phổ thông từ thế kỷ 14. Trong thế kỷ của chúng ta, vào lúc gần xác định tín điều này, niềm tin ấy đã trở thành một sự thật hầu như được mọi người chấp nhận và được công đồng Kitô hữu khắp nơi trên thế giới tuyên xưng.

3.- Bởi đó, vào Tháng Năm 1946, với Thông Điệp Deiparea Virginis Mariae, Đức Piô XII đã kêu gọi một cuộc tham vấn rộng rãi, lấy ý kiến từ các Vị Giám Mục, và qua các vị, từ hàng giáo sĩ và Dân Chúa, về khả thể cũng như về cơ hội xác định việc mộng triệu về thể lý của Mẹ Maria như là một tín lý thuộc đức tin. Kết quả cho thấy hết sức tích cực: chỉ có 6 trong 1.181 hồi âm tỏ ra lưỡng lự làm sao ấy về tính cách mạc khải của sự thật này. 

Trích dẫn sự kiện tham vấn này, Trọng Sắc Munificentissimus Deus đã viết: “Từ việc đồng ý chung về Huấn Quyền bình thường của Giáo Hội, Chúng Tôi đã có được một chứng cớ chắc chắn và mạnh mẽ cho thấy rằng việc Mông Triệu về thể lý của Đức Trinh Nữ Maria về trời… là một sự thật được Thiên Chúa mạc khải, và vì vậy tất cả mọi người con của Giáo Hội cần phải vững vàng và trung thành tin tưởng” (Tông Hiến Munificentissimus Deus: AAS 42, 1950, 757). 
Việc xác định tín điều này, hợp với đức tin chung của Dân Chúa, đã hoàn toàn loại trừ hết mọi ngờ vực, và kêu gọi tất cả mọi Kitô hữu phải tỏ ra ưng thuận một cách minh nhiên.

Sau khi nhấn mạnh đến niềm tin thực sự vào việc Mông Triệu, bản Trọng Sắc đã nhắc lại nền tảng Thánh Kinh về sự thật này.

Mặc dù không rõ ràng xác nhận việc Mông Triệu của Mẹ Maria, Tân Ước cũng cống hiến cho thấy cái nền tảng của việc này, vì Tân Ước nhấn mạnh một cách mãnh liệt về việc Đức Trinh Nữ được hoàn toàn hiệp nhất với định mệnh của Chúa Giêsu. Việc hiệp nhất này, một việc, ngay từ lúc Chúa Cứu Thế được mầu nhiệm thụ thai, được biểu lộ nơi việc Mẹ tham dự vào sứ vụ của Con Mẹ, nhất là trong việc Mẹ liên kết với hy tế cứu chuộc của Con, lại không thể nào không tiếp tục xẩy ra cả sau khi chết. Hoàn toàn được hiệp nhất với đời sống và công cuộc cứu chuộc của Chúa Giêsu, Mẹ Maria cũng được thông phần cả xác lẫn hồn với định mệnh vinh quang của Người.

4.- Trọng Sắc Munificentissimus Deus trên đây đã qui chiếu về việc người nữ trong cuốn Tiền Phúc Âm tham dự vào cuộc chiến chống lại con rắn, nhìn nhận Mẹ Maria là Tân Evà, và cho thấy việc Mông Triệu là thành quả của việc Mẹ Maria hiệp nhất với công cuộc cứu độ của Chúa Kitô. Về khía cạnh này, bản Trọng Sắc đã viết: “Bởi thế, như Cuộc Phục Sinh vinh hiển của Chúa Kitô là yếu tố chính yếu và là dấu hiệu cuối cùng cho cuộc vinh thắng này thế nào, thì cuộc chiến đấu chung cho cả Đức Trinh Nữ và Người Con thần linh của Mẹ cũng phải được kết thúc bằng việc vinh thăng thân xác trinh nguyên của Mẹ như vậy” (Tông Hiến Munificentissimus Deus: AAS 42, 1950, 768). 

Việc Mông Triệu, bởi vậy, là tuyệt đỉnh của một cuộc chiến đấu mà Mẹ Maria đã quảng đại yêu mến dấn thân cộng tác vào việc cứu chuộc loài người, và là hoa trái của việc Mẹ thông phần với cuộc vinh thắng của Thập Giá.


(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, 

chuyển dịch từ Tuần san L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ ngày 9/7/1997 hay t

http://w2.vatican.va/content/john-paul-ii/en/audiences/1997/documents/hf_jp-ii_aud_02071997.html)



Mẹ Maria Thiếp Chết và Mộng Triệu 

 

 (Thần Đô Huyền Nhiệm - Chuyển Dịch Phạm Duy Lễ, CRM)



Ba ngày trước khi Mẹ Maria từ trần vinh hiển, các Tông đồ và môn đệ đã tề tựu tại Giêrusalem trong mái ấm Tiệc Ly. Vị Tông đồ đến trước nhất là thánh Phêrô. Một thiên thần đã đưa Người từ Rôma về. Mẹ Maria ra tận cửa phòng nguyện để đón vị Đại Diện Chúa Giêsu. Mẹ quì gối xin thánh nhân ban phép lành và nói: "Mẹ xin cảm tạ Thiên Chúa đã sai người cha thánh thiện đến để giúp Mẹ trong giờ chết". Liền đó là thánh Phaolô, tiếp đến các Tông đồ khác tới bái chào Mẹ với một tâm hồn đau khổ và kính cẩn, vì các thiên thần đã nói cho các Người biết lý do của cuộc tụ họp lạ lùng này. Mẹ tiếp đón tất cả các Người với một đức khiêm nhượng thẳm sâu, và một tình yêu thương hiền ái, Mẹ xin từng vị ban phép lành cho mình.

Các môn đệ trở về vì được một ơn thúc đẩy bề trong mà không biết mục đích. Thánh Phêrô cho mời họ họp lại với các Tông đồ để bảo cho họ biết mục đích ấy. Người thoạt vừa lên tiếng đã nức nở nghẹn lời. Toàn thể cử tọa cũng chung một cảm xúc đó. Lúc có thể nói lên, Người nói: "Tất cả anh em và các con, chúng ta hãy vào gần bên Mẹ chúng ta. Ta hãy ở đó với Mẹ trong khoảng thời gian ngắn Mẹ còn sống với ta, và xin Mẹ ban phép lành".

Các Người thấy Mẹ đang quì trên một bục gỗ nhỏ, nơi Mẹ vẫn thường nằm nghỉ. Một vẻ đẹp rạng ngời từ nơi Mẹ giãi ra, một ánh sáng trời cao bao phủ Mẹ, và các thiên thần hầu cận đứng chung quanh. Vẻ đẹp của thân Xác và gương mặt Mẹ là vẻ đẹp của tuổi ba mươi ba; từ tuổi này, Mẹ không hề thay đổi chút nào. Các Tông đồ, các môn đệ và một số tín hữu đứng thành hàng lớp trong phòng Mẹ. Thánh Phêrô và thánh Gioan đứng ở ngay đầu bục. Mẹ ngước nhìn hết mọi người một cách rất đoan trang thùy mị thường xuyên và nói: "Các con rất yêu dấu của Mẹ, Mẹ xin các con cho phép nữ tì của các con đây được nói trước mặt các con và bầy giãi những nguyện vọng khiêm hèn của Mẹ". Thánh Phêrô đáp lại lời Mẹ rằng ai nấy đều lắng nghe Mẹ, sẵn sàng vâng theo ý Mẹ. Người xin Mẹ ngồi xuống, lấy lẽ rằng Mẹ quì để cầu xin Chúa, còn nói với các Người Mẹ phải ngồi mới phải, vì Mẹ là Nữ Vương các Người...

Những lời đó như những mũi tên lửa xuyên cắm vào tâm hồn hết mọi người hiện diện. Ai cũng đau khổ tái tê, trào lệ phục xuống lạy Người Mẹ yêu dấu của mình. Tiếng nấc nở nghẹn ngào, tiếng than khóc bi ai của họ đã rung động mạnh tâm hồn Mẹ, khiến Mẹ cũng phải sụt sùi. Một lúc sau, Mẹ khuyên mọi người im lặng cầu nguyện với Mẹ…

Lúc bầu không khí êm đềm đã trở lại trong phòng, Chúa Giêsu từ trời xuống trên một ngai rất lộng lẫy chói ngời, và với một đoàn tháp tùng là toàn thể các thánh và vô số thiên thần, cả ngôi nhà Tiệc Ly tràn ngập ánh vinh quang. Mẹ Maria sấp mình trước mặt Chúa, kính hôn chân Chúa, và làm việc tạ ơn khiêm nhượng hết sức thẳm sâu lần cuối cùng ở thế gian. Chúa Giêsu chúc lành cho Mẹ, rồi nói: "Mẹ rất yêu dấu của Con, Con đã chọn Mẹ là nơi lưu ngụ. Nay đã tới giờ Mẹ phải từ biệt trần gian để lên hưởng vinh hiển của Cha Con và của Con; trên đó đã chuẩn bị cho Mẹ ngay bên hữu Con một địa vị Mẹ sẽ thụ hưởng đời đời. Nhưng, Con đã muốn cho Mẹ, với tư cách là Mẹ của Con, khi vào trần thế, Mẹ đã không vương chút tì ố, giờ đây Con cũng muốn Mẹ ra khỏi thế gian mà không phải chết. Nếu Mẹ không muốn phải qua cái chết, xin Mẹ đến với Con đi". Mẹ lại cúi sâu lạy Chúa Giêsu và trả lời với một thái độ rất hân hoan rằng: "Con là Chúa của Mẹ, Mẹ xin Con cho phép Mẹ là nữ tì của Con đây được vào nước hằng sống qua cửa sự chết chung cho mọi người. Mẹ đã cố gắng theo Con khi sống, Mẹ cũng xin theo Con cả khi chết nữa mới phải lẽ".

Chúa Giêsu chấp thuận quyết định ấy của Mẹ. Tức thì các vị thiên thần xướng lên nhiều ca khúc của Salômôn với nhiều thánh ca mới lạ. Chỉ có thánh Gioan và một vài Tông đồ nhìn thấy Chúa Giêsu, nhưng mọi người, cả những người ở ngoài phố đều được nghe tiếng nhạc trời. Nhà Tiệc Ly ngập đầy hương thơm thiên quốc, tỏa cả ra ngoài. Một ánh sáng chói lọi từ nhà ấy giãi chiếu ra, ai ai cũng nhìn thấy. Có rất nhiều dân chúng Giêrusalem tuốn đến xem. Mẹ Maria cúi mình trên chiếc bục gỗ nhỏ của Mẹ, chắp hai tay lại, mắt nhìn cắm vào Chúa Giêsu, Trái Tim Mẹ cháy bừng lên trong tình yêu mến Chúa. Khi thiên thần hát đến câu sau này trong chương hai sách Diễm Ca: "Bạn Tình Ta ơi, mau dậy đi nào. Đến đi thôi: mùa đông qua rồi", Mẹ Maria thốt lên những lời sau cùng này của Chúa Giêsu trên cây Thánh Giá: "Chúa ơi, con xin phó linh hồn con trong tay Chúa", Mẹ nhắm mắt, tắt hơi. Mẹ đã tắt hơi vì tình yêu quá mãnh liệt, không còn phép lạ nào cản ngăn nữa, nên đã phá vỡ những ràng buộc của thân xác, chứ không phải tại một suy nhược bệnh tật, hay tai nạn nào. Mẹ sống là nhờ phép lạ. Phép lạ ngừng, Mẹ đi vào cõi chết.

Linh hồn nguyên tuyền của Mẹ Maria giã từ Thân Xác trinh vẹn của Mẹ, lên tới bên hữu Chúa Giêsu trên ngai của Chúa. Ngay lúc đó, Mẹ được tôn lên ngai trong một vinh quang khôn sánh. Tại nhà Tiệc Ly, mọi người nghe tiếng nhạc thiên quốc xa dần trong không gian: đoàn thần thánh tháp tùng đã đi theo Chúa Giêsu và Mẹ Maria lên Thiên đàng rồi.

Thi thể Mẹ Maria, một thi thể từng là cung thánh của Thiên Chúa hằng sống, mặc một vẻ lộng lẫy rất chói ngời và tỏa lên một mùi hương thanh thoát, ở giữa một nghìn thiên thần hầu cận của Mẹ. Các Tông đồ và môn đệ đau sầu, bùi ngùi, buồn khổ, nhưng hân hoan trước những sự việc lạ lùng vô song ấy. Tất cả đều như ngất ngây một lúc dài, rồi mới bắt đầu hát lên được nhiều thánh ca và thánh vịnh tôn kính Mẹ là Nữ Vương mình. Mẹ qua đời vào thứ Sáu, lúc ba giờ chiều, ngày 13 tháng tám năm 55 sau Chúa Giáng Sinh. Vào năm ấy Mẹ được 70 tuổi, kém hai mươi sáu ngày, tính từ ngày mười ba tháng tám lên tới ngày mồng tám tháng chín là ngày sinh của Mẹ. Mẹ sống còn lại sau Chúa Giêsu hai mươi mốt năm, bốn tháng, mười chín ngày.

Trên thiên đàng hoan hỉ tràn ngập, nhưng ở dưới đất đầy màu tang và tiếng khóc. Các Tông đồ, các môn đệ và các tín hữu, tất cả đều thổn thức buồn sầu không nguôi trước cuộc ly trần của Người Mẹ chí ái, Đấng Bảo trợ và là Nguồn vui của họ. Chúa phải thêm sức mạnh cho họ, vì lúc nào Người cũng cấp cứu các con yêu của Người, để họ khỏi bị đau thương đè bẹp và lo làm những nghĩa vụ sau cùng đối với Thi thể chí thánh của Mẹ. Các Tông đồ đặc biệt đắn đo, đúng mức, đã quyết định sẽ an táng Mẹ tại thung lũng Giosaphát trong một ngôi mồ mới mà Chúa Quan Phòng vừa liệu cho một cách mầu nhiệm. Theo tục người Do thái, Thể Xác Chúa Giêsu đã được khâm liệm trong một tấm khăn liệm dài với nhiều hương liệu, nên các Tông đồ cũng khâm liệm Thi thể Mẹ Maria như vậy. Để thi hành ý định đó, các Người đã cho mời hai thiếu nữ đạo hạnh mà Mẹ đã trối lại cho hai áo ngắn đến, ủy cho họ việc khâm liệm, và nhặn họ phải hết sức thận trọng kính cẩn. Hai thiếu nữ đó hết sức tôn kính vào phòng nguyện của Mẹ; nhưng trước ánh ngời chói bao quanh Thi thể chí thánh của Mẹ, họ bị lóa mắt không thể xác định được là Thi thể Mẹ nằm ở chỗ nào.

Vừa sợ hãi vừa kinh ngạc, họ ra thuật lại sự kiện đó với các Tông đồ. Các Người hiểu ngay ra rằng không thể khâm liệm xác từng là Hòm Bia Thánh của Tân Ước đó theo luật chung được. Thánh Phêrô và thánh Gioan vào phòng nguyện; hai Người nghiệm thấy rõ ràng ánh ngời chói đó, đồng thời nghe tiếng các thiên thần hát: "Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng Mẹ". Các vị khác hát rằng: "Mẹ Đồng Trinh trước sinh Con, Mẹ Đồng Trinh lúc sinh Con, Mẹ Đồng Trinh sau sinh Con". Hai thánh Tông đồ ngẩn người một lúc trước quang cảnh đó, rồi quì xuống cầu nguyện xin Chúa soi cho biết phải làm thế nào. Tức thì có tiếng trả lời: "Không ai được động tới hay mở Thi thể chí thánh này ra". Chính Mẹ Maria là Nữ Vương những người đồng trinh đã cẩn phòng mà xin Chúa như vậy.

Lúc đó, hai thánh Tông đồ đi lấy áo quan, đem vào bên giường Mẹ. Ánh chói ngời dịu đi. Hai Người hết sức kính cẩn cầm các chéo áo, nương nhẹ đặt Thi thể Mẹ vào áo quan y nguyên thế nằm cũ. Hai Người cảm thấy Thi thể Mẹ không có một chút sức nặng nào: ngay tấm áo cũng không nhìn thấy. Ánh ngời chói vẫn cứ giảm đi mãi, cho tới lúc mọi người có thể nhìn thấy gương mặt và đôi tay Mẹ. Đó là mối ân cần Chúa giữ riêng hẳn cho Mình, để lo cho Mẹ rất trinh trong của Người. Ngay đối với Thể Xác thần hóa của chính Người, Người cũng không bảo trì đến thế.

Các Tông đồ tự khiêng lấy Xác Thánh là Đền thờ Thiên Chúa của Mẹ, qua các phố Giêrusalem với một trật tự đẹp đẽ nhất, hợp với một đám tang đẹp đẽ nhất. Chúa đã gợi ý cho toàn thể dân thành đi dự tang lễ Mẹ Chí Thánh Người. Hầu như không có một người Do thái nào hay một người Dân ngoại nào lại không đến dự khi nghe tin. Nhưng trong cõi vô hình còn có một đám tang lộng lẫy hơn nữa. Trước tiên là một nghìn thiên thần hầu cận Mẹ, vừa đi vừa cử nhạc trời. Tiếp đến, một số đông đảo các thiên thần khác đi theo, rồi đến các tổ phụ, các tiên tri, thánh Gioakim và thánh nữ Anna, thánh Giuse và thánh Gioan Tiền hô. Sau cùng là một số rất đông các thánh khác.

Trên đường tới mồ đã xảy ra rất nhiều phép lạ. Tất cả bệnh nhân đã dự đám tang đều được hoàn toàn lành mạnh. Nhiều người quỉ ám đã được giải cứu ngay trước khi họ đến gần quan tài Mẹ. Người Do thái và Dân ngoại trở lại đạo Chúa rất đông, đến nỗi sau đó phải dành nhiều ngày để dạy đạo và rửa tội cho họ. Bất cứ ai đi dự tang lễ đều cảm hưởng một hương thơm thanh thoát từ thi thể thánh của Mẹ tỏa ra, đều được thưởng thức ca nhạc nhiệm mầu của các thiên thần, được nhận thấy nhiều sự kiện phi thường, và thảy đều kinh ngạc tán thưởng. Họ đều cao tiếng xưng tụng rằng: Thiên Chúa đã tỏ rạng những ánh cao quang của Người nơi Mẹ Maria. Họ đấm ngực ăn năn sám hối thật tình. Cả những động vật vô linh cũng không thiếu mặt trong đám lễ an táng Đức Nữ Vương vũ trụ: lúc Xác thánh Mẹ gần đến mồ, người ta thấy một số đông vô kể chim đủ loại, và nhiều dã thú, chim hót lên những giọng bi ai, dã thú kêu lên những tiếng buồn thảm, tỏ ra lòng chúng luyến tiếc Mẹ, như là chúng cũng cảm nghiệm được sự mất mát to lớn mà mọi loài đều phải chịu này. Sau cùng, một điều lạ hơn nữa là những bó đuốc soi đường không những không lụi tắt, mà cũng không hề hao hụt chút nào.

Khi tới phần mộ, thánh Phêrô và thánh Gioan để Xác thánh vào, cũng với một niềm tôn kính và dễ dàng như khi đặt vào áo quan. Các Người lăn một tảng đá lớn lấp cửa mộ theo thông tục, sau khi đã che trên Thi thể Mẹ một khăn phủ mặt cách hết sức nương nhẹ.

Lễ an táng xong, các thần thánh trở về trời; nhưng các thiên thần hầu cận Mẹ vẫn còn ở lại, tiếp tục tấu nhạc kính tôn. Dân chúng giải tán. Các Tông đồ và môn đệ vừa đi vừa sụt sùi sa lệ, trở về nhà Tiệc Ly. Theo quyết định của các Người, một số Tông đồ và môn đệ liên tục ở lại bên phần mộ của Mẹ bao lâu còn nghe thấy tiếng nhạc thiên thần. Riêng thánh Phêrô và thánh Gioan luôn luôn đến thăm mồ và ở lại lâu hơn các vị khác: tâm hồn và kho tàng các Người ở cả nơi mồ Mẹ.

Hương thơm tỏa ra từ Xác thánh của Mẹ lan khắp nhà Tiệc Ly, suốt một năm còn phảng phất. Riêng tại phòng nguyện của Mẹ, hương thơm ấy vẫn thơm phức nhiều năm. Nơi đây, tất cả những ai đau khổ đều đến kính viếng và tìm được một phương dược lạ lùng chữa gian nan họ chịu. Cho tới mãi sau này, khi dân thành Giêrusalem phạm quá nhiều tội, những ơn lạ ấy mới ngưng ban.

Linh hồn rất thánh của Mẹ Maria đã hưởng phúc thiên đàng được ba ngày, Thiên Chúa tỏ cho thần thánh biết quyết định hằng hữu của Người là phục sinh cho Xác thể đáng kính của Mẹ. Tới lúc đó, Chúa Giêsu từ trời, đem theo Linh hồn Mẹ chí ái Người xuống mồ thánh của Mẹ giữa vô số đoàn các thiên thần, các vị tổ phụ và các tiên tri. Đến mồ Mẹ, Chúa phán với đoàn tháp tùng rằng: "Mẹ của Cha đã được đầu thai Vô Nhiễm, để Cha mặc lấy Nhân Tính Cha từ nơi bản thể vô nhiễm của Mẹ. Thể xác Cha là Thể xác Mẹ. Hơn nữa, Mẹ còn đồng công vào hết mọi công trình việc Cứu Chuộc của Cha. Cho nên Cha phải phục sinh cho Mẹ Cha, như Cha đã sống lại, và phải phục sinh cho Mẹ vào cùng lúc Cha đã sống lại, vì Cha muốn Mẹ nên tương tự Cha trong mọi sự". Toàn thể các thánh đều ca tụng Chúa vì sự quyết định ấy, nhất là Adong Evà, Thánh Cả Giuse và hai thánh song thân của Mẹ.

Tức thì Linh hồn hiển vinh của Mẹ vào lại Thân xác đồng trinh của Mẹ, trả lại sự sống cho Thân xác ấy, mà không hề động chạm gì đến tảng đá che mồ, hay đảo lộn những nếp áo và khăn phủ mặt. Không thể nào tả lại được vẻ mĩ lệ và ánh sáng chói ngời trang sức cho Mẹ lúc ấy. Ta chỉ cần nói rằng Chúa Giêsu muốn trả lại cho Mẹ tất cả những gì Người đã tiếp nhận từ Mẹ lúc Nhập Thể đã đủ. Hôm đó là ngày Chúa nhật, 15 tháng 8, liền ngay sau nửa đêm. Xác thánh Mẹ Maria ở trong mồ ba mươi giờ y như Xác thánh Chúa Giêsu.

Lúc đó diễn ra từ phần mộ của Mẹ về thiên đàng một cuộc cung nghinh trang trọng không thể tả hết giữa thanh âm của một điệu nhạc say lòng. Các vị thánh và các thiên thần vào thiên đàng vị nào theo địa vị nấy. Sau cùng là Chúa Giêsu Kitô với Mẹ Rất Thánh Người ở bên hữu. Toàn thể thần thánh đều quay về phía Mẹ để nhìn ngắm và chúc tụng Mẹ trong một nguồn hoan lạc mới lạ, những khúc thánh ca mới và những lời ở trong chương ba sách Diễm Ca. Khi Mẹ tới bệ ngai Chúa Ba Ngôi, Chúa đã tiếp đón Mẹ với một tiếp đón thỏa tình nhất. Chúa Cha phán với Mẹ: "Con rất yêu dấu của Cha, con hãy lên cao hơn trên tất cả mọi thụ tạo". - Và Chúa Con thêm: "Mẹ ạ, xin Mẹ nhận từ tay Con phần thưởng Mẹ đáng được". - Đến lượt Thánh Linh nói: "Bạn dấu yêu, hãy vào hưởng nguồn vui vĩnh cửu xứng với tình trạng trinh trong của Bạn".


(Xin xem tiếp phần Mẹ được Thiên Chúa tôn vương trên trời vào Lễ Mẹ Nữ Vương 22/8/2017 tuần tới)



Phụng Vụ Lời Chúa (theo ngày trong tuần nếu không trùng với lễ Mẹ Mông Triệu 15/8 như năm 2017)


Bài Ðọc I: (Năm I) Ðnl 31, 1-8

"Giosuê, anh hãy dũng mạnh và can đảm: anh sẽ đem dân vào Ðất Nước".

Trích sách Ðệ Nhị Luật.

Môsê đến nói với toàn dân Israel tất cả những lời này: "Tôi hôm nay đã một trăm hai mươi tuổi. Tôi không còn đi đứng được nữa, nhất là khi Chúa đã phán cùng tôi rằng: "Ngươi sẽ không qua sông Giođan này". Chúa là Thiên Chúa của ngươi sẽ qua trước ngươi, chính Người sẽ tiêu diệt các dân tộc ấy trước mặt ngươi và ngươi sẽ thắng chúng. Chính Giosuê sẽ qua trước ngươi như Chúa đã phán. Chúa sẽ đối xử với chúng như đã đối xử với Sêhon và Og là vua người Amorê và với đất nước các vua ấy. Người đã tiêu diệt chúng. Vậy khi Chúa nộp chúng cho các ngươi, các ngươi sẽ đối xử với chúng như tôi đã truyền cho các ngươi. Hãy dũng mạnh và kiên trì, đừng sợ, đừng kinh hãi trước mặt chúng. Vì chính Chúa là Thiên Chúa các ngươi dẫn đường cho các ngươi, Người sẽ không bỏ rơi và lìa khỏi các ngươi".

Ông Môsê gọi ông Giosuê đến và nói với ông trước mặt toàn dân Israel rằng: "Hãy dũng mạnh và can đảm: vì anh sẽ đem dân này vào Ðất Nước Chúa đã thề hứa sẽ ban cho cha ông chúng; chính anh sẽ bắt thăm phân chia phần đất ấy. Chúa là Ðấng dẫn đàng cho anh, chính Người sẽ ở với anh. Người sẽ không bỏ rơi và lìa khỏi anh. Anh đừng sợ và đừng kinh hãi".

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Ðnl 32, 3-4a. 7. 8. 9 và 12

Ðáp: Chúa lấy dân Người làm phần riêng mình (c. 9a).

Xướng: 1) Tôi sẽ kêu cầu thánh danh Chúa. Các ngươi hãy mang sự uy linh lại cho Chúa chúng ta. Các công trình của Thiên Chúa đều hoàn hảo, và mọi đường lối của Người đều chính trực. - Ðáp.

2) Ngươi hãy nhớ lại những ngày xa xưa, hãy tưởng nghĩ lại mỗi thế hệ: Hãy hỏi cha ngươi, và người sẽ loan báo cho ngươi; hãy hỏi tổ phụ ngươi, và các ngài sẽ chỉ dạy ngươi. - Ðáp.

3) Khi Ðấng Tối Cao phân chia các dân tộc, khi Người tách biệt con cái của Ađam, Người đã thiết lập ranh giới của các nước, chiếu theo số con cái Israel. - Ðáp.

4) Nhưng Chúa lấy dân Người làm phần riêng mình, chọn Giacóp làm dây đo cơ nghiệp của Người. Chỉ có một Chúa là Ðấng dẫn đưa nó, và chẳng có Chúa nào khác ở với nó. - Ðáp.

 

Alleluia: 1 Sm 3, 9

Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe: Chúa có lời ban sự sống đời đời. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Mt 18, 1-5. 10. 12-14

"Các con hãy coi chừng, đừng khinh rẻ một ai trong những kẻ bé mọn này".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy các môn đệ đến bên Chúa Giêsu mà hỏi: "Chớ thì ai là kẻ lớn nhất trong Nước Trời?" Chúa Giêsu gọi một trẻ nhỏ lại, đặt nó giữa các ông mà phán rằng: "Thật, Thầy bảo thật các con: nếu các con không hoá nên như trẻ nhỏ, các con sẽ không được vào Nước Trời. Vậy ai hạ mình xuống như trẻ nhỏ này, người ấy là kẻ lớn nhất trong Nước Trời.

"Và kẻ nào đón nhận một trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón nhận Thầy. Các con hãy coi chừng, đừng khinh rẻ một ai trong những kẻ bé mọn này, vì Thầy bảo các con, thiên thần của chúng trên trời hằng chiêm ngưỡng thánh nhan Cha Ta, Ðấng ngự trên trời.

"Các con nghĩ sao? Nếu ai có một trăm con chiên mà lạc mất một con, thì người đó lại không bỏ chín mươi chín con trên núi, để đi tìm con chiên lạc sao? Nếu người đó tìm được, Thầy bảo thật các con, người đó sẽ vui mừng vì con chiên đó, hơn chín mươi chín con chiên không thất lạc. Cũng vậy, Cha các con trên trời không muốn để một trong những kẻ bé mọn này phải hư mất".

Ðó là lời Chúa.




Cảm Nghiệm Suy Niệm


Tông Đồ không thể qua mặt trẻ nhỏ

Bài Phúc Âm cho Thứ Ba Tuần XIX hôm nay chất chứa câu trả lời của Chúa Giêsu được
 các môn đệ đặt ra về vấn đề "ai là kẻ lớn nhất trong Nước Trời" 

Câu trả lời của Người như thế này: "Chúa Giêsu gọi một trẻ nhỏ lại, đặt nó giữa các ông mà phán rằng: 'Thật, Thầy bảo thật các con: nếu các con không hoá nên như trẻ nhỏ, các con sẽ không được vào Nước Trời. Vậy ai hạ mình xuống như trẻ nhỏ này, người ấy là kẻ lớn nhất trong Nước Trời'".

Hành động "gọi một trẻ nhỏ lại, đặt nó giữa các ông" của Chúa Giêsu cho thấy Người rất quí yêu con trẻ, và con trẻ là mô phạm cho cả thành phần môn đệ của Người, thành phần chứng nhân tiên khởi của Người và là nền tảng của Giáo Hội được Người thiết lập. Tuy nhiên, trẻ nhỏ là mô phạm cho các vị về tinh thần mà thôi, chứ không phải về thể lý. Bởi thế, Người không bảo các vị rằng "nếu các con không hoán cải và trở nên như trẻ nhỏ này...", mà là bảo các vị: "ai hạ mình xuống như trẻ nhỏ này...", nghĩa là việc "hoán cải và trở nên như trẻ nhỏ" chính là việc "hạ mình xuống". 

Đúng thế, nếu "Nước Trời" đây là chính bản thân Người, mà Người đã "hóa ra như không, mặc lấy thân phận tôi đòi v.v." (Philiphê 2:6), thì chỉ có "ai hạ mình xuống như trẻ nhỏ này..." mới có thể nhận ra Người, chấp nhận Người và đáp ứng Người mà thôi, nghĩa là mới có thể "vào Nước Trời". Ý nghĩa sâu xa của cụm từ "vào Nước Trời" là như vậy, là đến được với Chúa Giêsu, bằng không, không thể nào, như trường hợp của thành phần luật sĩ và biệt phái vừa kiêu kỳ vừa giả hình không đơn sơ chân thật như trẻ nhỏ trong dân Do Thái. 

Chưa hết, việc "hoán cải và trở nên như trẻ nhỏ" là "hạ mình xuống" này chẳng những giúp cho con người "vào Nước Trời" là nhận biết Chúa Kitô, mà còn trở thành "kẻ lớn nhất trong Nước Trời" nữa. Ở chỗ được Chúa Kitô yêu thích nhất, được hiệp nhất nên một với Người nhất, như một Con Trẻ Maria "đầy ân phúc" (Luca 1:28), vì Con Trẻ Maria này liên lỉ sống "đức tin tuân phục" (Roma 1:5) ở mọi nơi, trong mọi lúc và hết mọi sự - quả thực Con Trẻ Maria "có phúc vì đã tin" (Luca 1:45). 

Tuy nhiên, trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu dường như nói đến "trẻ nhỏ" ở hai ý nghĩa trái nghịch nhau. Ý nghĩa thứ nhất là tính cách bé nhỏ "khiêm nhượng" của "trẻ nhỏ" để có thể chẳng những "vào Nước Trời" là gặp gỡ Chúa Kitô mà còn trở nên cao trọng nhất trong Nước Trời là được hiệp nhất nên một với Người. Ý nghĩa thứ hai về "trẻ nhỏ" đó là tính chất "dại dột" vụng về của chúng.

Phải chăng đó là lý do ở phần sau của bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Kitô đã cảnh giác các môn đệ là đừng khinh dể "trẻ nhỏ" ở tính chất dại khờ vụng dại của chúng: "Các con hãy coi chừng, đừng khinh rẻ một ai trong những kẻ bé mọn này"? Bởi vì, ngay sau đó Người nói đến tình trạng con chiên lạc: "Nếu ai có một trăm con chiên mà lạc mất một con, thì người đó lại không bỏ chín mươi chín con trên núi, để đi tìm con chiên lạc sao?"

Sở dĩ các môn đệ không được khinh dể thành phần "trẻ nhỏ" dại khờ hèn yếu này là vì 2 lý do: Lý do thứ nhất đó là 
"kẻ nào đón nhận một trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón nhận Thầy", và lý do thứ hai đó là: "vì Thầy bảo các con, thiên thần của chúng trên trời hằng chiêm ngưỡng thánh nhan Cha Ta, Đấng ngự trên trời".  

Thật vậy, trước nhan Thiên Chúa hằng được các thiên thần chiêm ngưỡng trên trời, biết đâu những kẻ tầm thường trên thế gian này, thậm chí những con người tội lỗi đáng khinh bỉ lại được Thiên Chúa tuyển chọn để làm những việc cả thể cho Ngài, như đã từng xẩy ra trong giòng lịch sử loài người nói chung và Giáo Hội nói riêng. Biết đâu thành phần bé mọn yếu hèn này lại biết nhận lỗi và hối lỗi trước nhan Chúa, như người thu thuế trong đền thờ mà lại nên công chính hơn người Pharisiêu cũng cầu nguyện với họ bấy giờ (xem Luca 18:13-14).

Nếu thành phần "trẻ nhỏ" dại khờ hèn yếu chẳng khác gì như "một con chiên lạc" (chứ không phải con dê), được Thiên Chúa chú ý và tìm kiếm cho đến cùng và cho bằng được như thế thì quả thực từng "con chiên lạc" là những gì rất quí báu trước nhan Thiên Chúa, đến độ "kẻ nào đón nhận một trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón nhận Thầy" - Nếu chúng ta yêu mến Thiên Chúa thật, chúng ta không thể nào lại khinh thường những gì được Thiên Chúa yêu thương quí chuộng, nhất là thành phần tội nhân vô cùng đáng thương của Ngài.  



Thứ Tư

 

Phụng Vụ Lời Chúa


Bài Ðọc I: (Năm I) Ðnl 34, 1-12

"Môsê qua đời tại đó như Chúa đã truyền dạy, và không còn tiên tri nào như ông đứng lên nữa".

Trích sách Ðệ Nhị Luật.

Trong những ngày ấy, ông Môsê từ đồng bằng Moab đi lên núi Nêbô, ngọn núi Phasga, ngay trước mặt thành Giêricô. Và Chúa cho ông thấy khắp xứ Galaad cho đến Ðan, cả miền Nephtali, đất Ephraim và Manassê, cả xứ Giuđa cho đến Biển Tây, phần đất phía nam vùng đồng bằng rộng lớn Giêricô, là thành cây chà là, cho đến Sêgor. Chúa phán cùng ông rằng: "Ðây là Ðất Ta đã thề hứa với Abraham, Isaac và Giacóp bằng những lời này: "Ta sẽ ban nó cho con cháu ngươi". Ta đã cho ngươi thấy tận mắt xứ ấy, nhưng ngươi sẽ không được qua đến đó".

Môsê, tôi tớ của Chúa, đã qua đời tại đó, trên đất Moab, như Chúa đã truyền dạy. Ông được chôn cất trong thung lũng tại xứ Moab, ngay trước mặt thành Phegor. Mãi đến nay, không ai biết ngôi mộ của ông. Khi Môsê qua đời, ông được một trăm hai mươi tuổi: mắt vẫn chưa mờ và răng vẫn chưa lung lay. Con cái Israel thương khóc ông suốt ba mươi ngày trong đồng bằng Moab. Ngày thọ tang Môsê chấm dứt, thì Giosuê, con ông Nun, được đầy tinh thần khôn ngoan, vì Môsê đã đặt tay trên ông. Con cái Israel vâng lời ông, thi hành mệnh lệnh Chúa đã truyền cho Môsê.

Về sau, trong Israel không còn tiên tri nào như Môsê đứng lên nữa: ông là người Thiên Chúa từng quen mặt. Biết bao dấu lạ, kỳ công Chúa đã sai ông làm trong đất Ai-cập, chống lại Pharaon cùng tất cả triều thần và xứ sở vua ấy. Môsê đã tác oai và làm những việc kỳ diệu vĩ đại trước mắt toàn thể Israel.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 65, 1-3a. 5 và 8. 16-17

Ðáp: Chúc tụng Chúa là Ðấng đã ban cho linh hồn chúng tôi được sống (c. 20a & 9a).

Xướng: 1) Toàn thể đất nước, hãy reo mừng Thiên Chúa, hãy ca ngợi vinh quang danh Người; hãy kính dâng Người lời khen ngợi hiển vinh. Hãy thưa cùng Thiên Chúa: kinh ngạc thay sự nghiệp Chúa. - Ðáp.

2) Hãy tới và nhìn coi sự nghiệp của Thiên Chúa. Người thi thố những chuyện kinh ngạc giữa con cái người ta! Hỡi chư dân, hãy chúc tụng Thiên Chúa chúng tôi, và loan truyền lời ca khen Người. - Ðáp.

3) Phàm ai tôn sợ Chúa, hãy đến, hãy nghe tôi kể lại, Chúa đã làm cho linh hồn tôi những điều trọng đại biết bao. Tôi đã mở miệng kêu lên chính Chúa, và lưỡi tôi đã ngợi khen Người. - Ðáp.

 

Alleluia: Gc 1, 21

Alleluia, alleluia! - Anh em hãy khiêm nhu nhận lãnh lời giao ước trong lòng, lời đó có thể cứu thoát linh hồn anh em. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Mt 18, 15-20

"Nếu nó nghe ngươi, thì ngươi đã lợi được người anh em".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Nếu anh em con lỗi phạm, hãy đi sửa dạy nó, riêng con và nó thôi. Nếu nó nghe con, thì con đã lợi được người anh em. Nếu nó không nghe lời con, hãy đem theo một hoặc hai người nữa, để mọi việc được giải quyết nhờ lời hai hoặc ba nhân chứng. Nếu nó không nghe họ, hãy trình với cộng đoàn. Và nếu nó cũng không nghe cộng đoàn, con hãy kể nó như người ngoại giáo và như người thu thuế.

"Thầy bảo thật các con, những gì các con cầm buộc dưới đất thì trên trời cũng cầm buộc, và những gì các con tháo gỡ dưới đất thì trên trời cũng tháo gỡ.

"Thầy cũng bảo thật các con, nếu hai người trong các con, ở dưới đất, mà hiệp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời, sẽ ban cho họ điều đó. Vì ở đâu có hai hoặc ba người tụ họp nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa những người ấy".

Ðó là lời Chúa.

 


Cảm Nghiệm Suy Niệm


Tiến trình haón cải anh chị em lầm lỡ của mình


Bài Phúc Âm hôm nay, Thứ Tư Tuần XIX Thường Niên, dường như có nội dung liên hệ với bài Phúc Âm hôm qua. Ở chỗ, sau khi nói về thành phần "
trẻ nhỏ" dại khờ hèn yếu như "một 
con chiên lạc", Chúa Giêsu liền nói với các môn đệ về vấn đề sửa lỗi cho nhau khi có ai lầm lỡ vấp phạm:

"Nếu anh em con lỗi phạm, hãy đi sửa dạy nó, riêng con và nó thôi. Nếu nó nghe con, thì con đã lợi được người anh em. Nếu nó không nghe lời con, hãy đem theo một hoặc hai người nữa, để mọi việc được giải quyết nhờ lời hai hoặc ba nhân chứng. Nếu nó không nghe họ, hãy trình với cộng đoàn. Và nếu nó cũng không nghe cộng đoàn, con hãy kể nó như người ngoại giáo và như người thu thuế".

Căn cứ vào lời truyền dạy này của Chúa Kitô, trước hết chúng ta phải công nhận rằng chúng ta có phận sự phải sửa lỗi cho nhau, phải giúp nhau cải tiến hơn, giúp nhau nên hoàn thiện hơn, chứ không được khách quan đến dửng dưng, như thể tội ai người nấy chịu, không mắc mớ gì tới tôi, ai dại gì đụng vào nhau để họ ghét và chửi cho v.v. Nếu chúng ta có phận sự phải sửa bảo nhau, nhất là những ai có trách nhiệm phục vụ trong một đoàn thể, mà không dám lên tiếng thì chúng ta phải trả lẽ trước mặt Chúa.

Sau nữa, về cách thức sửa lỗi cho nhau, cũng theo lời Chúa dạy, chúng ta cần phải đi từ từ, từ chỗ riêng tư, đến chỗ thêm nhân chứng, sau cùng mới tới chung cộng đồng, thậm chí cho dù bất thành chăng nữa cũng mặc kệ họ, đừng khinh thường họ, cố gắng tránh đừng động một cái là làm toáng lên, làm mất mặt nhau, khiến nạn nhân cảm thấy bị chạm tự ái, đến độ cho dù có lỗi thật đấy họ cũng trở nên bất cần và bất chấp. Như thế, thay vì chúng ta giúp nhau nên hoàn thiện hơn lại đẩy nhau vào chỗ tệ hại hơn, mất mục đích của chúng ta, hoàn toàn trái với ý muốn của Chúa.

Đường lối sửa lỗi này được Giáo Hội vẫn thường áp dụng, nhất là đối với các thần học gia chủ trương những điều về tín lý hay luân lý hoặc cả hai trái với giáo huấn của Chúa Kitô và huấn quyền truyền thống của Giáo Hội. Chẳng hạn bề trên hay giám mục địa phương của một thần học gia nào đó nói chuyện riêng với thần học gia ấy. Nếu không xong bề trên hay vị giám mục địa phương mời thêm các chuyên gia trong dòng hay trong giáo phận đến tham dự với thần học gia này để cùng nhau giải quyết vấn đề. Nếu vẫn bất thành thì vị bề trên hay giám mục địa phương sẽ trình sự vụ lên Tòa Thánh qua Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin. Sau cùng, nếu đương sự vẫn cương quyết không chấp nhận sửa sai thì buộc lòng Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin đành phải công khai thông báo về những sai lầm của thần học gia ấy, để bảo vệ đàn chiên của mình, trong đó có những biện pháp ngăn nga bao nhiêu có thể để tình trạng sai lầm không thể lan rộng và kéo dài hơn được nữa, như không cho vị thần học gia này giảng dạy v.v.

Dường như ở đây Chúa Giêsu áp dụng việc sửa bảo nhau này hay trách nhiệm cần phải hoàn chỉnh nhau ấy đặc biệt cho riêng các vị có thẩm quyền trong Giáo Hội. Bởi vì, sau đó Người còn nói thêm như thế này với các tông đồ: "Thầy bảo thật các con, những gì các con cầm buộc dưới đất thì trên trời cũng cầm buộc, và những gì các con tháo gỡ dưới đất thì trên trời cũng tháo gỡ".

Ở đây, qua câu này, Chúa Giêsu như muốn bổ túc thêm về quyền bính trong Giáo Hội, một quyền bính tối thượng đã được Người trước hết trao cho riêng Tông Đồ Phêrô (xem Mathêu 16:19): "Những gì con cầm buộc dưới đất thì trên trời cũng cầm buộc, sự gì con tháo cởi dưới đất trên trời cũng tháo cởi", và giờ đây Người trao cho chung tông đồ đoàn, trong đó có cả Tông Đồ Phêrô, một cơ cấu được gọi là hàng giáo phẩm của Giáo Hội hoàn vũ: "Thầy bảo thật các con, những gì các con cầm buộc dưới đất thì trên trời cũng cầm buộc, và những gì các con tháo gỡ dưới đất thì trên trời cũng tháo gỡ".

Sở dĩ quyền bính tối thượng này được Chúa Giêsu trao cho riêng Tông Đồ Phêrô cũng như cho chung Tông Đồ Đoàn ấy trong việc phục vụ Giáo Hội của Người trên trần gian có tính cách như thể "bất khả sai lầm" như vậyđến độ dưới đât phán quyết thế nào thì trên trời cũng chấp nhận y như vậy, là vì Người vẫn tiếp tục ở cùng Giáo Hội cho đến tận thế (xem Mathêu 28:20), nơi tinh thần hiệp nhất nguyện cầu của các vị, như Người đã khẳng định ở câu kết bài Phúc Âm hôm nay: 

"Thầy cũng bảo thật các con, nếu hai người trong các con, ở dưới đất, mà hiệp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho họ điều đó. Vì ở đâu có hai hoặc ba người tụ họp nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa những người ấy".



Thứ Năm

Phụng Vụ Lời Chúa

 

Bài Ðọc I: (Năm I) Gs 3, 7-10a. 11. 13-17

"Hòm giao ước của Thiên Chúa sẽ dẫn các ngươi qua sông Giođan".

Trích sách ông Giosuê.

Trong những ngày ấy, Chúa phán cùng Giosuê rằng: "Hôm nay Ta sẽ bắt đầu tôn ngươi lên trước mặt toàn thể Israel, để chúng biết rằng: Ta đã ở với Môsê thế nào, thì cũng sẽ ở với ngươi như vậy. Phần ngươi, ngươi hãy truyền lệnh này cho các thầy tư tế mang hòm giao ước rằng: "Khi các thầy đã đến sông Giođan, các thầy hãy đứng giữa lòng sông".

Rồi Giosuê nói với con cái Israel rằng: "Hãy tiến lại đây mà nghe lời Chúa là Thiên Chúa các ngươi". Và Giosuê nói: "Cứ dấu này mà các ngươi nhận biết Thiên Chúa hằng sống ở giữa các ngươi. Ðó là hòm giao ước của Thiên Chúa, chủ tể địa cầu, sẽ dẫn các ngươi qua sông Giođan. Khi các thầy tư tế mang hòm giao ước của Thiên Chúa, chủ tể địa cầu, vừa đặt chân trong nước sông Giođan, thì nước phía dưới tiếp tục chảy đi và khô cạn, còn nước phía trên thì dừng lại thành một khối".

Vậy, khi dân nhổ trại để qua sông Giođan, thì các thầy tư tế mang hòm giao ước đi trước dân. Vừa khi những người mang hòm giao ước đến sông Giođan và chân họ đụng nước, (suốt mùa gặt, sông Giođan tràn lan dọc theo hai bên bờ) thì nước từ nguồn chảy xuống dừng lại một nơi, từ xa trông như dãy núi kéo dài, từ thành Ađam đến luỹ Sarthan; còn phần nước phía dưới chảy vào biển Araba tức là Biển Mặn, thì chảy cạn hết. Dân vượt qua nhắm thẳng thành Giêricô. Các thầy tư tế mang hòm giao ước của Thiên Chúa đứng yên trên đất khô, giữa sông Giođan, và dân đi qua lòng sông khô cạn.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 113A, 1-2. 3-4. 5-6

Ðáp: Alleluia.

Xướng: 1) Hồi Israel ra khỏi Ai-cập, nhà Giacóp thoát xa dân mọi, Giuđa đã trở nên cung thánh, Israel biến thành vương quốc của Người. - Ðáp.

2) Biển khơi xem thấy và chạy trốn, Giođan thì bước lại đàng sau. Núi non nhảy chồm lên như bầy dê đực, các ngọn đồi như đàn chiên con. - Ðáp.

3) Biển ơi, can chi tới ngươi mà chạy trốn, Giođan hỡi, can chi mà bước lại đàng sau? Núi non, can chi mà chồm lên như bầy dê đực, các ngọn đồi như đàn chiên con? - Ðáp.

 

Alleluia: Tv 110, 8ab

Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, mọi giới răn Chúa được lập ra cho tới muôn ngàn đời. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Mt 18, 21 - 19, 1

"Thầy không bảo con phải tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Phêrô đến thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, khi anh em xúc phạm đến con, con phải tha thứ cho họ mấy lần? Có phải đến bảy lần không?" Chúa Giêsu đáp: "Thầy không bảo con phải tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy.

"Về vấn đề này, thì Nước Trời cũng giống như ông vua kia muốn tính sổ với các đầy tớ. Trước hết người ta dẫn đến vua một người mắc nợ mười ngàn nén bạc. Người này không có gì trả, nên chủ ra lệnh bán y, vợ con và tất cả tài sản của y để trả hết nợ. Người đầy tớ liền sấp mình dưới chân chủ và van lơn rằng: "Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn, và tôi sẽ trả lại cho ngài tất cả". Người chủ động lòng thương, trả tự do và tha nợ cho y.

"Khi ra về, tên đầy tớ gặp một người bạn mắc nợ y một trăm bạc: Y tóm lấy, bóp cổ mà nói rằng: "Hãy trả nợ cho ta". Bấy giờ người bạn sấp mình dưới chân và van lơn rằng: "Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn, tôi sẽ trả hết nợ cho anh". Y không nghe, bắt người bạn tống giam vào ngục, cho đến khi trả nợ xong. Các bạn y chứng kiến cảnh tượng đó, rất khổ tâm, họ liền đi thuật với chủ tất cả câu truyện. Bấy giờ chủ đòi y đến và bảo rằng: "Tên đầy tớ ác độc kia, ta đã tha hết nợ cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta; còn ngươi, sao ngươi không chịu thương bạn ngươi như ta đã thương ngươi?" Chủ nổi giận, trao y cho lý hình hành hạ, cho đến khi trả hết nợ.

"Vậy, Cha Thầy trên trời cũng xử với các con đúng như thế, nếu mỗi người trong các con không hết lòng tha thứ cho anh em mình".

Khi Chúa Giêsu nói những lời đó xong, thì Người bỏ xứ Galilêa mà đến Giuđêa, bên kia sông Giođan.

Ðó là lời Chúa.



Cảm Nghiệm Suy Niệm


Chúng ta muốn lấy được vài đồng bạc nợ nần của nhau chẳng đáng là bao để trả món nợ kếch sù cả tỉ bạc bất khả thanh toán với Thiên Chúa hay sao?


Từ trách nhiệm sửa lỗi cho nhau trong bài Phúc Âm hôm qua 
sang đến bổn phận tha thứ cho nhau trong bài Phúc Âm hôm nay, hai bài Phúc Âm liên tục ở cuối đoạn 18 của Phúc Âm Thánh ký Mathêu. 

Thật vậy, bài Phúc Âm hôm nay bao gồm câu trả lời của Chúa Giêsu cho câu hỏi của Tông Đồ Phêrô: "'Lạy Thầy, khi anh em xúc phạm đến con, con phải tha thứ cho họ mấy lần? Có phải đến bảy lần không?' Chúa Giêsu đáp: 'Thầy không bảo con phải tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy'". 

Nghĩa là bao giờ cũng tha, không bao giờ chấp nhất, dù có thế nào chăng nữa, dù có nhiều đến đâu chăng nữa, dù có nặng đến mấy chăng nữa, thậm chí dù có cố tình chăng nữa, chứ không phải chỉ tha khi đương sự vô tình, không có ý gì. Và còn phải tự động tha nữa, chứ không cần phải được xin lỗi mới tha, như Người đã dạy trong bài giảng Phúc Đức Trọn Lành đối với những ai phạm đến chúng ta trước khi chúng ta dâng của lễ cho Thiên Chúa (xem Mathêu 5:24). 

Tất cả tinh thần nhân hậu và thái độ bao dung của chúng ta như thế mới trung thực phản ảnh Đấng được Chúa Giêsu kêu gọi "hãy thương xót như Cha là Đấng xót thương" (Luca 6:36), một Đấng được Người ám chỉ trong dụ ngôn về vị vương chủ tha nợ cho người bầy tôi của mình trong bài Phúc Âm hôm nay:

"Về vấn đề này, thì Nước Trời cũng giống như ông vua kia muốn tính sổ với các đầy tớ. Trước hết người ta dẫn đến vua một người mắc nợ mười ngàn nén bạc. Người này không có gì trả, nên chủ ra lệnh bán y, vợ con và tất cả tài sản của y để trả hết nợ. Người đầy tớ liền sấp mình dưới chân chủ và van lơn rằng: 'Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn, và tôi sẽ trả lại cho ngài tất cả'. Người chủ động lòng thương, trả tự do và tha nợ cho y". 

Ở đây chúng ta thấy vị vương chủ này quảng đại bao dung đến độ chỉ cần người bầy tôi van xin ông, không phải là van xin tha nợ mà chỉ van xin khất nợ để rồi từ từ trả sau, cho dù không biết phải trả đến bao giờ mới hết món nợ kếch sù ấy và cũng chẳng biết có thể trả nổi món nợ ấy hay chăng, nhưng vị vương chủ vẫn "động lòng thương" tự tha hết món nợ khổng lồ ấy cho người bầy tôi khốn khổ van xin của mình. 

Thế nhưng, cho dù được tha bổng món nợ khổng lồ ấy, đến độ giá trị của món nợ này bằng cả nhà của người bầy tôi mắc nợ: "Người này không có gì trả, nên chủ ra lệnh bán y, vợ con và tất cả tài sản của y để trả hết nợ", vẫn còn nguyên đó, chứ chưa hoàn toàn được xóa sổ, tùy theo thái độ của con nợ bầy tôi này với chính con nợ của hắn. 

Thật vậy, con nợ bầy tôi này đã đối xử hoàn toàn ngược lại với những gì hắn được hưởng từ vị vương chủ của hắn, như dụ ngôn Chúa tiếp tục cho biết như sau:

"Khi ra về, tên đầy tớ gặp một người bạn mắc nợ y một trăm bạc: Y tóm lấy, bóp cổ mà nói rằng: 'Hãy trả nợ cho ta'. Bấy giờ người bạn sấp mình dưới chân và van lơn rằng: 'Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn, tôi sẽ trả hết nợ cho anh'. Y không nghe, bắt người bạn tống giam vào ngục, cho đến khi trả nợ xong".

Con nợ của người bầy tôi này cũng có cùng một cử chỉ và lời van xin khất nợ như hắn đã tỏ ra với vị vương chủ của hắn, nhưng hắn vẫn không tha cho con nợ của hắn là người chỉ nợ hắn chẳng là bao so với món nợ kếch sù của hắn với vị vương chủ của hắn, đến độ, trong khi hắn được vị vương chủ này tha hẳn cho cả món nợ, không phải trả nữa, thì hắn lại "bắt người bạn tống giam vào ngục, cho đến khi trả nợ xong", nghĩa là lòng của hắn vẫn thù hắn chấp nhất con nợ của hắn cho đến khi hắn trả thù cho bằng được, cho đến khi hắn lấy lại công bằng, "mắt đền mắt, răng đền răng" (Mathêu 5:38).

Chính vì thế, món nợ kếch sù của hắn với vị vương chủ của hắn vẫn chưa hoàn toàn xóa sổ là như thế. Tóm lại, vấn đề xóa sổ nợ của chúng ta với Thiên Chúa là ở chúng ta hơn là ở nơi Thiên Chúa, Đấng lúc nào cũng tha cho chúng ta và mong chúng ta cũng tha cho nhau như Ngài tha cho chúng ta, bằng không, tự chúng ta làm khổ mình, ở chỗ bị chính bản thân mình là "lý hình hành hạ, cho đến khi trả hết nợ"

Chúng ta không tha cho nhau nghĩa là chúng ta mặc nhiên không muốn được Thiên Chúa tha nợ cho chúng ta, không chấp nhận ơn tha thứ của Thiên Chúa, ở chỗ chúng ta muốn lấy được vài đồng bạc nợ nần của nhau chẳng đáng là bao để trả món nợ kếch sù cả tỉ bạc bất khả thanh toán với Thiên Chúa hay sao. Tại sao chúng ta điên khùng đến như thế nhỉ?! Bài Phúc Âm hôm nay đã kết thúc dụ ngôn với những lời của chính vị vương chủ cũng là lời của Chúa Giêsu sau đó như thế này:  

"Bấy giờ chủ đòi y đến và bảo rằng: 'Tên đầy tớ ác độc kia, ta đã tha hết nợ cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta; còn ngươi, sao ngươi không chịu thương bạn ngươi như ta đã thương ngươi?' Chủ nổi giận, trao y cho lý hình hành hạ, cho đến khi trả hết nợ. Vậy, Cha Thầy trên trời cũng xử với các con đúng như thế, nếu mỗi người trong các con không hết lòng tha thứ cho anh em mình".




Thứ Sáu

Phụng Vụ Lời Chúa

 

Bài Ðọc I: (Năm I) Gs 24, 1-13

"Ta đã đem tổ phụ các ngươi từ Mêsôpôtamia về, đã dẫn các ngươi ra khỏi Ai-cập, đã đem các ngươi vào đất nước".

Trích sách ông Giosuê.

Trong những ngày ấy, Giosuê triệu tập tất cả các chi tộc lại ở Sikem, rồi gọi các kỳ lão, các thủ lãnh gia tộc, quan án, sĩ quan đến, và họ đứng trước mặt Thiên Chúa. Giosuê liền nói với toàn dân như thế này:

Chúa là Thiên Chúa Israel phán rằng: Thuở xưa tổ tiên các ngươi là Tharê, cha của Abraham và Nacor, đã ở bên kia sông, và đã thờ các thần ngoại. Bấy giờ Ta đã đem Abraham, tổ phụ các ngươi, từ bên kia sông và đã dẫn đưa ông vào đất Canaan. Ta lại làm cho con cháu ông trở nên đông đúc, đã ban cho ông được Isaac. Ta lại ban cho Isaac được Giacóp và Êsau. Trong hai người này, Ta đã ban cho Êsau miền núi Sêir làm sản nghiệp. Còn Giacóp và con cái thì xuống Ai-cập.

Sau đó, Ta đã sai Môsê và Aaron, và trừng phạt Ai-cập bằng những phép lạ. Rồi Ta đã dẫn các ngươi và cha ông các ngươi ra khỏi Ai-cập, và các ngươi đã đi tới Biển. Người Ai-cập đuổi theo cha ông các ngươi với chiến xa binh mã cho đến Biển Ðỏ. Bấy giờ con cái Israel kêu cầu Chúa và Người đã khiến sự tối tăm ngăn giữa các ngươi và quân Ai-cập, và làm cho biển tràn ra mà vùi lấp chúng. Chính mắt các ngươi đã thấy tất cả những gì Ta đã làm ở Ai-cập, rồi các ngươi đã ở lâu trong hoang địa.

Sau đó, Ta đã đưa các ngươi vào xứ Amorê, bên kia sông Giođan. Chúng đã giao chiến với các ngươi và Ta đã trao chúng trong tay các ngươi. Các ngươi đã chiếm được đất đai của chúng, và Ta đã tiêu diệt chúng trước mặt các ngươi. Rồi Balac, con Sêphor, vua xứ Moab, dấy lên giao chiến với Israel. Vua ấy đã cho mời Balaam, con của Bêor, đến để chúc dữ các ngươi. Ta không muốn nghe Balaam. Nhưng trái lại Ta đã dùng nó chúc phúc cho các ngươi và Ta đã cứu các ngươi thoát khỏi bàn tay nó.

Sau đó, các ngươi đã qua sông Giođan và đến Giêricô, dân thành này, cũng như các người Amorê, Phêrêsê, Canaan, Hêthê, Gergêsê, Hêvê, Giêbusê, đã giao chiến với các ngươi. Nhưng Ta đã trao chúng trong tay các ngươi. Ta đã cho ong bò vẽ đi trước các ngươi, và Ta đuổi hai vua xứ Amorê ra khỏi các địa hạt của họ mà không cần nhờ đến cung kiếm của các ngươi. Ta đã ban cho các ngươi một vùng đất mà các ngươi không mất công đánh chiếm. Ta đã cho các ngươi được ở những thành mà các ngươi không phải xây cất, Ta đã cho các ngươi những vườn nho và vườn ôliu mà các ngươi không vun trồng.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 135, 1-3. 16-18. 21-22 và 24

Ðáp: Bởi đức từ bi Người muôn thuở.

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: 1) Hãy ca ngợi Chúa, vì Người hảo tâm, bởi đức từ bi Người muôn thuở. Hãy ca ngợi Thiên Chúa của chư thần, bởi đức từ bi Người muôn thuở. Chỉ mình Người làm những việc kỳ diệu vĩ đại, bởi đức từ bi Người muôn thuở. - Ðáp.

2) Người đã dẫn đưa dân Người qua sa mạc, bởi đức từ bi Người muôn thuở. Người đã đánh dẹp các đại vương đế, bởi đức từ bi Người muôn thuở. Người đã giết các vua quyền thế, bởi đức từ bi Người muôn thuở. - Ðáp.

3) Người đã ban đất chúng để làm gia sản, bởi đức từ bi Người muôn thuở. Làm gia sản của Israel tôi tớ Người, bởi đức từ bi Người muôn thuở. Người đã giải thoát chúng ta khỏi quân thù địch, bởi đức từ bi Người muôn thuở. - Ðáp.

 

Alleluia: 1 Ga 2, 5

Alleluia, alleluia! - Ai giữ lời Chúa Kitô, thì quả thật, tình yêu của Thiên Chúa đã tuyệt hảo nơi người ấy. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Mt 19, 3-12

"Vì lòng chai đá của các ngươi mà Môsê đã cho phép các ngươi rẫy vợ; nhưng từ ban đầu thì không có như vậy".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, có những người biệt phái đến cùng Chúa Giêsu và hỏi thử Người rằng: "Có được phép rẫy vợ vì bất cứ lẽ gì không?" Người đáp: "Nào các ông đã chẳng đọc thấy rằng: Từ thuở ban đầu, Tạo Hoá đã dựng loài người có nam có nữ, và Người đã phán: Bởi thế nên người nam sẽ bỏ cha mẹ mà kết hợp với vợ mình, và cả hai sẽ nên một thân xác? Cho nên họ không còn là hai, nhưng là một thân xác. Vậy điều gì Thiên Chúa đã kết hợp, thì loài người không được phân ly". Họ hỏi lại: "Vậy tại sao Môsê đã truyền cấp tờ ly hôn mà cho rẫy vợ?" Người đáp: "Vì lòng chai đá của các ông mà Môsê đã cho phép các ông rẫy vợ; nhưng từ ban đầu thì không có như vậy. Tôi bảo các ông rằng: Ai rẫy vợ, trừ nố gian dâm, và đi cưới vợ khác, thì phạm tội ngoại tình. Và ai cưới người đã bị rẫy, cũng phạm tội ngoại tình".

Các môn đệ thưa Người rằng: "Nếu sự thể việc vợ chồng là như thế, thì tốt hơn đừng cưới vợ". Người đáp: "Không phải mọi người hiểu được điều ấy, nhưng chỉ những ai được ban cho hiểu mà thôi. Vì có những hoạn nhân từ lòng mẹ sinh ra, có những hoạn nhân do người ta làm nên, và có những người vì Nước Trời, tự trở thành hoạn nhân. Ai có thể hiểu được thì hiểu".

Ðó là lời Chúa.

 

 

Cảm Nghiệm Suy Niệm

 

 

"thà đừng lấy vơ" hay "sống như không có vợ"

Hôm nay, Thứ Sáu Tuần XIX Thường Niên đưa chúng ta đến bài Phúc Âm về vấn đề chồng ly dị vợ, một bài Phúc Âm ngay sau bài Phúc Âm hôm qua về lòng quảng đại thứ tha như Thiên Chúa tha thứ cho chúng ta.

Vấn đề chồng ly dị vợ này được "những người biệt phái đến cùng Chúa Giêsu và hỏi thử Người rằng: 'Có được phép rẫy vợ vì bất cứ lẽ gì không?'", một vấn đề đã được Chúa Giêsu dứt khoát giải quyết một cách thẳng thắn hoàn toàn có tính cách chính thống như sau:

"Nào các ông đã chẳng đọc thấy rằng: Từ thuở ban đầu, Tạo Hoá đã dựng loài người có nam có nữ, và Người đã phán: Bởi thế nên người nam sẽ bỏ cha mẹ mà kết hợp với vợ mình, và cả hai sẽ nên một thân xác? Cho nên họ không còn là hai, nhưng là một thân xác. Vậy điều gì Thiên Chúa đã kết hợp, thì loài người không được phân ly".

Có lẽ thành phần đặt vấn nạn với Chúa Kitô đã đoán trước được câu trả lời của Người rồi nên đã từ đó đi thẳng vào vấn đề họ muốn thử Người, với vấn nạn chính yếu thứ hai: "Vậy tại sao Môsê đã truyền cấp tờ ly hôn mà cho rẫy vợ?", một vấn nạn cũng được Chúa Kitô không ngần ngại vạch trần sự thật cho họ biết về chính bản thân họ rằng:

"Vì lòng chai đá của các ông mà Moisen đã cho phép các ông rẫy vợ; nhưng từ ban đầu thì không có như vậy. Tôi bảo các ông rằng: Ai rẫy vợ, trừ nố gian dâm, và đi cưới vợ khác, thì phạm tội ngoại tình. Và ai cưới người đã bị rẫy, cũng phạm tội ngoại tình".

Không ngờ vấn đề Người quả quyết như vậy đã đụng đến chính thành phần bỏ mọi sự mà theo Người, kể cả vợ con của các vị, nên các vị đã bồi thêm một câu vừa như để hỏi Người vừa như để than thân trách phận thay cho thành lập lập gia đình như sau: "Nếu sự thể việc vợ chồng là như thế, thì tốt hơn đừng cưới vợ". Đó phải chăng là lý do Thánh Phaolô đã khuyên sống đời hôn nhân một cách siêu nhiên: "ai có vợ thì sống như thể không có vợ" (1Corinto 7:29).

Thế nhưng, Chúa Giêsu đã lợi dụng ngay câu than vãn này của các vị để nói đến chính đời sống độc thân theo Người của các vị: "Không phải mọi người hiểu được điều ấy, nhưng chỉ những ai được ban cho hiểu mà thôi. Vì có những hoạn nhân từ lòng mẹ sinh ra, có những hoạn nhân do người ta làm nên, và có những người vì Nước Trời, tự trở thành hoạn nhân. Ai có thể hiểu được thì hiểu".

Qua bài Phúc Âm hôm nay, chúng ta thấy giáo huấn của Chúa Kitô về vấn đề hôn nhân gia đình là thế này: 1- hôn nhân theo dự án thần linh của Thiên Chúa chỉ xẩy ra giữa một người nam và một người nữ mà thôi; 2- hôn nhân là do chính Thiên Chúa xe duyên kết nghĩa nên đôi phối ngẫu không được tự ý ly dị nhau, trừ trường hợp ngoại tình; 3- ai tự ý ly dị vợ chồng mình mà lấy người khác là phạm tội ngoại tình và ai lấy người ly dị cũng phạm tội ngoại tình; 4- ly dị vợ chồng là do con người gây ra chứ tự bản chất của hôn nhân là những gì bất khả phân ly. Đó là lý do chúng ta thấy Giáo Hội Công Giáo cứu xét rất kỹ lưỡng và cẩn thận giúp thực hiện việc học hỏi dự bị hôn nhân trước khi ban bí tích hôn nhân, cũng như trong việc giải hôn hay tiêu hôn khi cần

Tuy luật lệ về đời sống hôn nhân ngặt nghèo như thế, đến độ người ta cảm thấy "Nếu sự thể việc vợ chồng là như thế, thì tốt hơn đừng cưới vợ", nghĩa là đừng lập gia đình, nhưng theo bản tính tự nhiên và phái tính xu hướng về nhau hầu như bất khả chống cưỡng, liên quan đến cả tình cảm lẫn tình dục của mình, con người, hầu hết vẫn không thể nào, không sớm thì muộn, không trước thì sau, không tiến tới đời sống lứa đôi trong hôn nhân gia đình, nếu chính thức, bằng không cũng khó lòng mà tránh được cảnh ăn ở với nhau ngoài hôn nhân một cách nào đó. 

Dầu sao thực tế cũng cho thấy 3 trường hợp ngoại lệ được Chúa Giêsu kể đến trong bài Phúc Âm, đó là: thứ nhất, tự bẩm sinh là hoạn nhân (như sinh ra mang giới tính ái nam ái nữ, hoặc tự nhiên bị bất lực về sinh dục v.v.), thứ hai là bị trở thành hoạn nhân (như đã xẩy ra cho thành phần nam nhân được hầu cận gần gũi hoàng hậu hoặc công chúa hay cung phi của vua chúa ngày xưa), và thứ ba là tự ý làm hoạn nhân vì lý tưởng phụng vụ cao cả (như nam nữ tu sĩ khấn đồng trinh hoặc hàng giáo sĩ Công giáo hứa sống độc thân v.v.). 

 


Thứ Bảy

Phụng Vụ Lời Chúa

 

Bài Ðọc I: (Năm I) Gs 24, 14-29

"Hôm nay các ngươi hãy tuỳ ý chọn phải tôn thờ ai hơn".

Trích sách ông Giosuê.

Trong những ngày ấy, Giosuê nói với dân chúng rằng: "Giờ đây, các ngươi hãy kính sợ Chúa và tôn thờ Người với tâm hồn thiện hảo và chân thành. Hãy loại bỏ những thần cha ông các ngươi đã tôn thờ trong xứ Mêsôpôtamia và ở Ai-cập, mà tôn thờ Chúa. Còn nếu các ngươi không muốn tôn thờ Thiên Chúa, thì cho các ngươi lựa chọn: hôm nay, các ngươi hãy tùy ý chọn phải tôn thờ ai hơn: hoặc là các thần cha ông các ngươi đã tôn thờ ở Mêsôpôtamia, hoặc các thần của người xứ Amôrê, nơi các ngươi đang ở. Phần tôi và gia đình tôi, chúng tôi sẽ tôn thờ Chúa".

Dân trả lời rằng: "Không thể có chuyện chúng tôi bỏ Chúa mà tôn thờ những thần ngoại. Chúa là Thiên Chúa chúng tôi, chính Người đã dẫn chúng tôi và cha ông chúng tôi ra khỏi Ai-cập, khỏi nhà nô lệ. Người đã làm những việc kỳ diệu cả thể trước mắt chúng tôi và đã gìn giữ chúng tôi suốt con đường chúng tôi đã đi, giữa tất cả mọi dân chúng tôi đã đi qua. Chúa đã trục xuất tất cả những dân đó cũng như người Amôrê trên phần đất chúng tôi đã tiến vào. Vậy chúng tôi sẽ tôn thờ Chúa, vì chính Người là Thiên Chúa chúng tôi".

Bấy giờ Giosuê nói với dân chúng rằng: "Các ngươi không thể tôn thờ Chúa được, vì Người là Thiên Chúa chí thánh, Thiên Chúa ghen tương, sẽ không tha thứ những tội ác và lỗi lầm của các ngươi. Nếu các ngươi bỏ Chúa mà tôn thờ các thần ngoại, Người sẽ trở lại giáng hoạ trên các ngươi và tiêu diệt các ngươi, sau khi đã thi ân cho các ngươi".

Dân chúng thưa với Giosuê rằng: "Không phải như ông nói đâu, nhưng chúng tôi sẽ tôn thờ Chúa". Giosuê liền bảo dân chúng rằng: "Vậy các ngươi hãy tự làm chứng rằng: chính các ngươi đã chọn Chúa để tôn thờ Người". Họ đáp: "Chúng tôi xin làm chứng". Ông nói: "Vậy thì hãy loại bỏ những thần ngoại ra khỏi các ngươi và hướng lòng về Chúa là Thiên Chúa Israel". Dân chúng thưa với Giosuê rằng: "Chúng tôi sẽ tôn thờ Chúa là Thiên Chúa chúng tôi, và sẽ tuân phục các mệnh lệnh của Người".

Hôm ấy, Giosuê lập giao ước, ấn định quy chế và luật lệ cho dân ở Sikem. Giosuê ghi chép các lời đó vào sách Luật của Chúa, rồi lấy một tảng đá thật lớn và dựng lên dưới cây sồi ở trong nơi thánh của Chúa, và nói với toàn dân rằng: "Ðây, tảng đá này sẽ làm chứng cho các ngươi, vì nó đã nghe mọi lời Chúa phán với các ngươi, kẻo sau này các ngươi chối bỏ và lừa dối Chúa là Thiên Chúa các ngươi". Sau đó, Giosuê giải tán dân chúng và ai nấy trở về với phần đất của mình. Sau những sự việc đó, Giosuê, con ông Nun, tôi tớ Chúa, qua đời, hưởng thọ một trăm mười tuổi.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 15, 1-2a và 5. 7-8. 11

Ðáp: Lạy Chúa, Chúa là phần gia nghiệp của con (x. c. 5a).

Xướng: 1) Xin bảo toàn con, lạy Chúa, vì con tìm nương tựa Chúa. Con thưa cùng Chúa: Ngài là Chúa tể con! Chúa là phần gia nghiệp và phần chén của con; chính Ngài nắm giữ vận mạng của con. - Ðáp.

2) Con chúc tụng Chúa vì đã ban cho con lời khuyên bảo. Ðó là điều lòng con tự nhủ, cả những lúc đêm khuya. Con luôn luôn đặt Chúa ở trước mặt con, vì Chúa ngự bên hữu con, con sẽ không nao núng. - Ðáp.

3) Chúa sẽ chỉ cho con biết đường lối trường sinh, sự no đầy hoan hỉ ở trước thiên nhan, sự khoái lạc bên tay hữu Chúa tới muôn muôn đời. - Ðáp.

Alleluia: Tv 118, 18

Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin mở rộng tầm con mắt con, để con tuân cứ luật pháp của Chúa và để con hết lòng vâng theo luật đó. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Mt 19, 13-15

"Ðừng ngăn cấm các trẻ nhỏ đến với Ta, vì Nước Trời là của những người giống như chúng".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, người ta đem những trẻ nhỏ đến cho Chúa Giêsu để Người đặt tay và cầu nguyện cho chúng. Các môn đệ liền quở trách chúng, nhưng chúa Giêsu bảo: "Hãy để các trẻ nhỏ đến với Ta, và đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời là của những người giống như chúng". Sau khi Người đặt tay trên chúng, thì Người đi khỏi nơi đó.

Ðó là lời Chúa.



Cảm Nghiệm Suy Niệm


Trẻ nhỏ đưoọc vào Nước Trời hay Nước Trời thuộc về trẻ nhỏ

Bài Phúc Âm được Giáo Hội chọn đọc cho ngày hôm nay, Thứ Bảy Tuần XIX Thường Niên, vẫn tiếp tục bài Phúc Âm của Thánh ký Mathêu từ các ngày trước trong tuần. 

Nếu bài Phúc Âm cho Thứ Ba tuần này "trẻ nhỏ" được Chúa Giêsu đặt giữa các môn đệ để làm mô phạm linh đạo theo Chúa cho các vị, thì bài Phúc Âm hôm nay, ngay sau bài Phúc Âm hôm qua là bài về vấn đề ly dị trong đời sống hôn nhân gia đình giữa vợ chồng với nhau, dường như cũng có một ý nghĩa sâu xa nào đó, như thể hôn nhân gia đình bao gồm cả con cái và liên quan đến cả con cái nữa chứ không phải chỉ có chuyện vợ chồng với nhau mà thôi, và "trẻ nhỏ" cũng là mô phạm linh đạo cho cả ơn gọi sống đời hôn nhân gia đình nữa vậy.

"Bấy giờ người ta đem các trẻ nhỏ đến với Người, để Người đặt tay cầu nguyện cho chúng. Nhưng môn đồ quát rầy chúng. Song Chúa Giêsu nói: 'Hãy để mặc các trẻ, và đừng ngăn cản chúng đến với Ta, vì Nước Trời thuộc về những người như thế'. Rồi Người đặt tay trên đầu chúng trước khi Người rời khỏi nơi đó".

Bài Phúc Âm tuy ngắn, chỉ vỏn vẹn có 3 câu 13-15 ở đoạn 19 của Thánh ký Mathêu nhưng rất sâu xa về ý nghĩa. Chúng ta hãy lưu ý đến từng chi tiết của bài Phúc Âm sẽ thấy:

"Bấy giờ người ta đem các trẻ nhỏ đến với Người, để Người đặt tay cầu nguyện cho chúng". 


Chúng ta không biết trẻ nhỏ được người ta mang đến cho Chúa Giêsu ở đây bao nhiêu tuổi. Có thể là còn đang được bế trên tay, tức khoảng độ trên dưới 1 tuổi, hay đã có thể
 tự mình bước đi, khoảng độ 3-4 tuổi, nhưng được dìu đến với Chúa.

Dầu sao cũng cho thấy sự kiện rất thực tế đó là trẻ nhỏ cần phải được dẫn đến với Chúa Giêsu chứ tự chúng không thể nào đến với Người, bởi có thể là về thể lý chưa biết đi. Nhất là vì các em chẳng hề biết Người là ai, và thường trẻ con lại hay sợ người lạ mặt nữa. Ở đây chúng ta thấy gợi lên vấn đề giáo dục con cái trong gia đình đó là trước hết và trên hết hãy dạy cho các con về Thiên Chúa, hãy dẫn chúng đến với Đấng đã dựng nên chúng qua cha mẹ chúng.

Trong bài Phúc Âm này, chúng ta thấy mục đích của những người mang trẻ em, có thể là con cái của họ, không biết là bao nhiêu em, đến với Chúa Giêsu với mục đích là "để Người đặt tay cầu nguyện cho chúng". Những người này, thường là cha mẹ của các em, quả thực đã hiểu Chúa Giêsu hơn ai hết, nên mới mang con cái của mình đến với Người, không phải để Người dạy dỗ chúng, vì chúng chưa hiểu được những gì Người nói, cho bằng để cho chúng được gần Người và để chúng được Người chúc lành cho, thế là đủ. Và chính họ cũng được diễm phúc lây, như trường hợp con cái của thành phần Kitô hữu Công giáo ở Quảng Trường Thánh Phêrô thường được Đức Thánh Cha Phanxicô ẵm bế và ôm hôn vậy. 

"Nhưng môn đồ quát rầy chúng". 


Th
ế nhưng, không ngờ, thành phần được gần Chúa Giêsu nhất là các môn đệ của Người lại không hiểu Người bằng thành phần đem con trẻ đến cùng Người trong bài Phúc Âm hôm nay. Bởi đó, các vị thay vì tỏ ra vui mừng hớn hở giúp cho các em đến với Chúa Giêsu Thày mình một cách dễ dàng hơn thì lại ra tay ngăn cản và xua đuổi chúng đi bằng thái độ "quát rầy chúng". 

Các vị có lẽ không ghét bỏ trẻ em đâu. Các em có tội tình gì đâu mà ghét bỏ chúng. Thế nhưng có thể các vị nghĩ rằng Thày của các vị là Đấng cao trọng, không giao tiếp với trẻ con, hay trẻ con không đáng được giao tiếp với Người, vì trẻ con biết gì mà đến với người, trái lại còn làm mất giờ quí báu của Người, chỉ làm phiền Người hơn là làm vui lòng Người. Thái độ của các môn đệ trong trường hợp này quả là còn nặng tính cách quan liêu lắm vậy.

Tuy nhiên, hành động của các vị đã cho thấy là các vị đã hoàn toàn quên rằng Chúa Giêsu Thày của các vị mới trước đó ít lâu đã đặt một em bé ở giữa các vị để chẳng những khuyên các vị là hãy "hoán cải và trở nên như trẻ nhỏ", mà nhất là còn khẳng định với các vị rằng: "Ai tiếp nhận một trẻ nhỏ như thế này vì danh Thày là tiếp nhận Thày... Đừng bao giờ khinh thường một trong những trẻ nhỏ này" (Mathêu 18:5,10). Đó là lý do Chúa Giêsu đã phải lên tiếng nói với các vị như sau:

"Hãy để mặc các trẻ, và đừng ngăn cản chúng đến với Ta, vì Nước Trời thuộc về những người như thế". 


Ở đây, trong câu nói này, Chúa Giêsu đã lập lại những gì Người đã khẳng định với các môn đệ ở lần trước rằng
 "trừ phi các con hoán cải và trở nên như trẻ nhỏ các con mới được vào Nước Trời" (Mathêu 18:3). 

Trong lần này, Người còn nhấn mạnh hơn nữa, ở chỗ, nếu Nước Trời là chính bản thân Người, mà "Nước Trời thuộc về những người như thế", tức thuộc về thành phần sống như trẻ nhỏ, thì Người thuộc về những người sống cuộc đời thơ ấu thiêng liêng vậy.

Đó là lý do chỉ có tâm hồn nào sống bé nhỏ mới đến được với Chúa Kitô, mới nhận biết Chúa Kitô, mới tin tưởng vào Người, mới để Người nâng niu yêu thương ấp ủ, nhờ đó mới được hiệp nhất nên một với Chúa Kitô, mới là thành phần cao trọng nhất trên Nước Trời (xem Mathêu 18:4).

 

 

"Rồi Người đặt tay trên đầu chúng trước khi Người rời khỏi nơi đó".


Cử chỉ Chúa Giêsu đặt tay trên đầu các em không phải chỉ đáp ứng lòng mong ước của thành phần người lớn mang các em đến với Người, mà chính các em xứng đáng lãnh nhận phép lành đầy ân sủng của Người. 


Nếu việc đặt tay vẫn bao gồm việc thông ban Thánh Linh thì việc Chúa Giêsu đặt tay trên đầu các em bé ở đây còn có ý nghĩa là Người xác nhận tâm hồn ngây thơ vô tội của các em xứng đáng là nơi Thánh Linh ngự trị.


Việc đặt tay của Chúa Kitô trên đầu các em "trước khi Người rời khỏi nơi đó" còn có nghĩa là Người luôn ở cùng các em, vì Người thuộc về các em, như "Nước Trời thuộc về những người như thế", nhờ Thánh Linh được Người thông ban cho các em qua việc đặt tay của Người trên đầu của các em.