SUY NGUYỆN và SỐNG ĐẠO

 

 

 

 

Chia Sẻ Phụng Vụ Lời Chúa Tuần XVII Thường Niên A - Lẻ

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL


Chúa Nhật

Phụng Vụ Lời Chúa

Bài Ðọc I: 1 V 3, 5. 7-12

"Xin ban cho tôi tớ Chúa tâm hồn khôn ngoan".

Trích sách Các Vua quyển thứ nhất.

Trong những ngày ấy, tại Gabaon, ban đêm, Chúa hiện ra cùng Salomon trong giấc mộng và phán rằng: "Ngươi muốn gì thì hãy xin, Ta sẽ ban cho ngươi". Salomon thưa: "Lạy Chúa là Thiên Chúa, Chúa khiến tôi tớ Chúa cai trị kế vị Ðavít thân phụ con. Nhưng con chỉ là một trẻ nhỏ, không biết đường đi nước bước. Tôi tớ Chúa đang sống giữa dân Chúa chọn, một dân đông đảo không thể đếm và ước lượng được. Vậy xin Chúa ban cho tôi tớ Chúa tâm hồn khôn ngoan để đoán xét dân Chúa, và phân biệt lành dữ, vì ai có thể xét xử dân này, một dân của Chúa đông đảo thế này?"

Ðiều Salomon kêu xin như trên đã đẹp lòng Chúa, nên Chúa phán cùng Salomon rằng: "Vì ngươi đã xin điều đó, mà không xin sống lâu, được giàu có, của cải, mạng sống quân thù, lại xin cho được khôn ngoan để biết xét đoán, thì đây Ta ban cho ngươi điều ngươi xin, và ban cho ngươi tâm hồn khôn ngoan minh mẫn, đến nỗi trước ngươi không có ai giống ngươi, và sau ngươi không có ai bằng ngươi".

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 118, 57 và 72. 76-77. 127-128. 129-130

Ðáp: Lạy Chúa, con yêu chuộng luật pháp của Chúa biết bao! (c. 97a)

Xướng: 1) Lạy Chúa, con xưng thực kỷ phần của con là tuân giữ những lời ban dạy của Ngài. Ðối với con, luật pháp do miệng Chúa đáng chuộng hơn vàng bạc châu báu muôn ngàn. - Ðáp.

2) Xin Chúa tỏ lòng thương hầu uỷ lạo con, theo như lời đã hứa cùng tôi tớ Chúa. Nguyện Chúa xót thương cho con được sống, vì luật pháp Ngài là sự sung sướng của con. - Ðáp.

3) Bởi thế nên con yêu quý chỉ thị Ngài hơn vàng, và hơn cả vàng ròng tinh khiết. Bởi thế nên con tự chọn tất cả huấn lệnh của Ngài; hết thảy đường lối gian tà con đều ghét bỏ. - Ðáp.

4) Kỳ diệu thay những lời Ngài nghiêm huấn, bởi thế linh hồn con vẫn tuân theo. Sự mạc khải lời Ngài soi sáng và dạy bảo những người chưa kinh nghiệm. - Ðáp.

 

Bài Ðọc II: Rm 8, 28-30

"Người đã tiền định cho chúng ta trở nên giống hình ảnh Con Người".

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, chúng ta biết rằng những kẻ yêu mến Thiên Chúa thì Người giúp họ được sự lành, họ là những người theo dự định của Chúa, được kêu gọi nên thánh. Vì chưng, những kẻ Chúa đã biết trước, thì Người đã tiền định cho họ nên giống hình ảnh Con Người, để Ngài trở nên trưởng tử giữa đoàn anh em đông đúc. Những ai Người đã tiền định, thì Người cũng kêu gọi; những ai Người đã kêu gọi, thì Người cũng làm cho nên công chính; mà những ai Người đã làm cho nên công chính?, thì Người cũng cho họ được vinh quang.

Ðó là lời Chúa.

 

Alleluia: 1 Pr 1, 25

Alleluia, alleluia! - Lời Chúa tồn tại muôn đời, đó là lời Tin Mừng đã rao giảng cho anh em. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Mt 13, 44-46 {hoặc 44-52}

"Anh bán tất cả những gì anh có mà mua thửa ruộng đó".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng rằng: "Nước trời giống như kho tàng chôn giấu trong ruộng, người kia tìm được, vội chôn vùi xuống, vui mừng trở về bán tất cả những gì anh có mà mua thửa ruộng ấy. Nước trời cũng giống như người buôn nọ đi tìm ngọc quý. Tìm được một viên ngọc quý, anh về bán mọi của cải mà mua viên ngọc ấy.

{"Nước trời lại giống như lưới thả dưới biển, bắt được mọi thứ cá. Lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi đó mà lựa chọn: cá tốt thì bỏ vào giỏ, còn cá xấu thì ném ra ngoài. Trong ngày tận thế cũng vậy: các thiên thần sẽ đến mà tách biệt kẻ dữ ra khỏi người lành, rồi ném những kẻ dữ vào lò lửa, ở đó sẽ phải khóc lóc và nghiến răng. Các ngươi có hiểu những điều đó không?" Họ thưa rằng: "Có".

Người liền bảo họ: "Bởi thế, những thầy thông giáo am tường về Nước trời cũng giống như chủ nhà kia, hay lợi dụng những cái mới, cũ trong kho mình".}

Ðó là lời Chúa.


Suy nghiệm Lời Chúa

 

Kho tàng khôn ngoan nơi những kẻ yêu mến Thiên Chúa

 

 

Tiếp theo hai Chúa Nhật trước về dụ ngôn Nước Trời, Chúa Nhật XVII Năm A tuần này Giáo Hội chọn đọc dụ ngôn khác về Nước Trời. Nếu hai dụ ngôn chính về Nước Trời của hai Chúa Nhật trước liên quan đến "người gieo giống ra đi gieo giống" (Chúa Nhật XV) và "người kia gieo giống tốt trong ruộng của mình" (Chúa Nhật XVI), thì dụ ngôn về Nước Trời của Chúa Nhật XVII Thường Niên Năm A tuần này, bao gồm 2 dụ ngôn liền,  (còn dụ ngôn sau đó về "lưới thả dưới biển, bắt được mọi thứ cá" không buộc đọc), và hai dụ ngôn ngắn gọn về Nước Trời của Chúa Nhật tuần này bất khả phân ly: dụ ngôn đầu liên quan đến một "kho tàng chôn giấu trong ruộng" và dụ ngôn sau liên quan đến một "người buôn nọ đi tìm ngọc quý".

Hai dụ ngôn về Nước Trời này thật sự có một liên hệ mật thiết bất khả phân ly với nhau như nội tâm với hoạt động vậy. Dụ ngôn "kho tàng chôn giấu trong ruộng" có tính cách nội tâm và dụ ngôn "người buôn nọ đi tìm ngọc quý" có chiều kích hoạt động. Nội tâm bao giờ cũng phải có trước, như nguồn mạch cho mọi hoạt động bề ngoài của con người Kitô hữu, và hoạt động phải theo nội tâm, phản ảnh nội tâm của họ. Thế nhưng, thực ra "kho tàng chôn giấu trong ruộng" đây là gì và "người buôn nọ đi tìm ngọc quí" đây là ai? Chúa Giêsu không hề giải thích hai dụ ngôn này như Người đã giải thích về hai dụ ngôn "người gieo giống" trước đó. Tuy nhiên, căn cứ vào chung Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay, chúng ta có thể thấy được ngay ý nghĩa của chúng.

Trước hết, "kho tàng chôn giấu trong ruộng" đây, theo Sách Các Vua Quyển Thứ 1 ở Bài Đọc 1 hôm nay, đó là một "tâm hồn khôn ngoan" mà Vua Salomon xin cùng Chúa: "Lạy Chúa là Thiên Chúa, Chúa khiến tôi tớ Chúa cai trị kế vị Ðavít thân phụ con. Nhưng con chỉ là một trẻ nhỏ, không biết đường đi nước bước. Tôi tớ Chúa đang sống giữa dân Chúa chọn, một dân đông đảo không thể đếm và ước lượng được. Vậy xin Chúa ban cho tôi tớ Chúa tâm hồn khôn ngoan để đoán xét dân Chúa, và phân biệt lành dữ, vì ai có thể xét xử dân này, một dân của Chúa đông đảo thế này?"

Thật vậy, nếu "kho tàng chôn giấu trong ruộng" "tâm hồn khôn ngoan" mà Vua Salomon "người kia tìm được, vội chôn vùi xuống, vui mừng trở về bán tất cả những gì anh có mà mua thửa ruộng ấy" "dân Chúa chọn, một dân đông đảo không thể đếm và ước lượng được", ở chỗ, vua đã "không xin sống lâu, được giàu có, của cải, mạng sống quân thù", nhờ đó vua đã chiếm được thửa ruộng ấy: "Đây Ta ban cho ngươi điều ngươi xin, và ban cho ngươi tâm hồn khôn ngoan minh mẫn, đến nỗi trước ngươi không có ai giống ngươi, và sau ngươi không có ai bằng ngươi".

Sau nữa, "người buôn nọ đi tìm ngọc quý"
đây, theo Thư Thánh Phaolô gửi Giáo đoàn Rôma ở Bài Đọc 2 hôm nay, đó là "những kẻ yêu mến Thiên Chúa", "viên ngọc quí" đây là gì nếu không phải, cũng căn cứ vào lời Thánh Phaolô trong Bài Đọc 2 hôm nay, đó "hình ảnh Con Người", một "viên ngọc quí" trên hết mọi sự, đến độ họ phải đánh đổi tất cả những gì họ có, như lời Chúa Giêsu trong dụ ngôn của Bài Phúc Âm cho biết, "anh về bán mọi của cải mà mua viên ngọc ấy".

Đúng thế, để "nên giống hình ảnh Con Người", nghĩa là để "mặc lấy con người mới" (Epheso 4:24) cũng chính là "mặc lấy Chúa Giêsu Kitô" (Roma 13:14), Kitô hữu nói chung và thành phần được Thánh Phaolô đề cập đến trong Bài Đọc 2 là "những kẻ Chúa đã biết trước", cần phải "cởi bỏ con người cũ" (Epheso 4:22) thật bất xứng và đầy tương phản của mình, hay nói đúng hơn, là để cho "con người mới" "Chúa Giêsu Kitô" sống trong họ, làm chủ họ, "để Ngài trở nên trưởng tử giữa đoàn anh em đông đúc", theo đúng ý định tối hậu của Thiên Chúa, Đấng mà, như Thánh Phaolô xác tín và tuyên xưng trong Bài Đọc 2 hôm nay: "Những ai Người đã tiền định, thì Người cũng kêu gọi; những ai Người đã kêu gọi, thì Người cũng làm cho nên công chính; mà những ai Người đã làm cho nên công chính, thì Người cũng cho họ được vinh quang".

Áp dụng hai dụ ngôn này vào cơ cấu siêu nhiên và tu đức Kitô giáo thì "kho tàng chôn giấu trong ruộng" đây còn được hiểu là Thánh Sủng, là "quyền được làm con Thiên Chúa" (Gioan 1:12), một Thánh Sủng hay quyền làm con Thiên Chúa được chôn giấu trong thửa ruộng Giáo Hội là những gì cần phải phải được trao đổi bằng niềm tin tưởng (vượt trên mọi khuynh hướng và đòi hỏi của bản tính tự nhiên) chấp nhận vào Chúa Kitô là Đấng Thiên Sai. "Viên ngọc quí" đây là đức ái trọn hảo đối với tha nhân, một đức ái trọn hảo chỉ có thể trở thành hiện thực bằng đời sống hy sinh bỏ mình và chịu đựng cùng tha thứ cho tha nhân.

Trong cả hai dụ ngôn đều qui tụ lại một chỗ là việc trao đổi hay đánh đổi, chứ không phải tự nhiên mà có được, bởi vì đó là kho tàng và ngọc quí chứ không phải thứ đồ bỏ, đồ bị sa thải, đồ bị hư hại cần mang for sale rẻ tiền. Chính vì thế kinh nghiệm sống đạo mới cho thấy việc "cởi bỏ con người cũ" để "mặc lấy con người mới" "Chúa Giêsu Kitô" một tiến trình khó khăn chứ không dễ dàng. Khó khăn ở chỗ làm sao tự mình có thể biến đổi những gì là tầm thường hèn yếu thành cao quí thu hút, những gì là nhạt nhẽo như nước lã trở thành say đắm như rượu ngon (xem Gioan 2:7-10)?

Nếu thành phần phục vụ tiệc cưới ở Cana là yếu tố then chốt trong sự lạ nước lã hóa thành rượu ngon ở chỗ họ ngoan ngoãn và mau mắn đáp ứng "những gì Người bảo" (Gioan 2:5,7) thế nào, thì những ai muốn được biến đổi cũng cần phải có một "tâm hồn khôn ngoan" như vậy, ở chỗ hoàn toàn tin tưởng phó thác vào tác động thần linh vô cùng mãnh lực và hiệu nghiệm của duy một mình Thiên Chúa, qua việc tuân thủ tất cả "những gì Người bảo" theo tinh thần của Thánh Vịnh 18 ở Bài Đáp Ca hôm nay:

1) Lạy Chúa, con xưng thực kỷ phần của con là tuân giữ những lời ban dạy của Ngài. Ðối với con, luật pháp do miệng Chúa đáng chuộng hơn vàng bạc châu báu muôn ngàn.

2) Xin Chúa tỏ lòng thương hầu uỷ lạo con, theo như lời đã hứa cùng tôi tớ Chúa. Nguyện Chúa xót thương cho con được sống, vì luật pháp Ngài là sự sung sướng của con.

3) Bởi thế nên con yêu quý chỉ thị Ngài hơn vàng, và hơn cả vàng ròng tinh khiết. Bởi thế nên con tự chọn tất cả huấn lệnh của Ngài; hết thảy đường lối gian tà con đều ghét bỏ.

4) Kỳ diệu thay những lời Ngài nghiêm huấn, bởi thế linh hồn con vẫn tuân theo. Sự mạc khải lời Ngài soi sáng và dạy bảo những người chưa kinh nghiệm.


Vâng: "Alleluia, alleluia! - Lời Chúa tồn tại muôn đời, đó là lời Tin Mừng đã rao giảng cho anh em. - Alleluia".


Ngày 30: Thánh Phêrô Chrysôlôgô, Giám Mục Tiến Sĩ Hội Thánh



Thứ Hai

sự sống nhỏ mọn nhưng mãnh liệt

Bài Đọc I: (Năm I) Xh 32, 15-24. 30-34
Đáp Ca: Tv 105, 19-20. 21-22. 23
Phúc Âm: Mt 13, 31-35

Bài Phúc Âm của Thánh ký Mathêu hôm nay, Thứ Hai Tuần XVII Thường Niên tiếp tục loạt bài Phúc Âm về các dụ ngôn Nước Trời của Chúa Giêsu ở đoạn 13. 

Dụ ngôn đầu tiên (trong bài Phúc Âm Thứ Tư tuần trước) trong loạt dụ ngôn này là dụ ngôn người gieo giống ra đi gieo giống liên quan đến 4 loại môi trướng tiếp nhận hạt giống, và dụ ngôn thứ hai (trong bài Phúc Âm Thứ Bảy tuần trước) cũng về người gieo giống nhưng là giống tốt trong ruộng của mình liên quan đến cỏ lùng. Dụ ngôn hôm nay, dụ ngôn thứ ba cũng liên quan đến hạt giống, nhưng là loại hạt cải, được Chúa Giêsu sử dụng để ám chỉ về Nước Trời như sau:

"Nước trời giống như hạt cải người kia gieo trong ruộng mình. Hạt ấy bé nhỏ hơn mọi thứ hạt giống, nhưng khi mọc lên, thì lớn hơn mọi thứ rau cỏ, rồi thành cây, đến nỗi chim trời đến nương náu nơi ngành nó".

Ngoài ra, song song với dụ ngôn này, như là một cặp dụ ngôn bất khả phân ly về Nước Trời, một dụ ngôn được Chúa Giêsu đề cập đến ngay sau đó, đó là dụ ngôn: "Nước trời giống như men người đàn bà kia lấy đem trộn vào ba đấu bột, cho đến khi bột dậy men".

Cặp dụ ngôn hôm nay đây và cặp dụ ngôn vào Thứ Tư tuần này về Nước Trời không được Chúa Giêsu giải thích ý nghĩa ám chỉ của những gì trong dụ ngôn, như Người đã dẫn giải dụ ngôn thứ 1 (trong bài Phúc Âm Thứ Sáu tuần trước) và như Người đã dẫn giải dụ ngôn thứ 2 (trong bài Phúc Âm ngày mai). 

Thế nhưng, không phải vì thế mà 2 cặp dụ ngôn này tự chúng là những gì dễ hiểu, trái lại, như các dụ ngôn được Người dẫn giải, chúng vẫn là những điều bí ẩn, sâu nhiệm, như câu kết của bài Phúc Âm hôm nay cho thấy về chung các dụ ngôn:

"Chúa Giêsu dùng dụ ngôn mà phán những điều ấy với dân chúng. Người không phán điều gì với họ mà không dùng dụ ngôn, để ứng nghiệm lời tiên tri đã chép rằng: 'Ta sẽ mở miệng nói lời dụ ngôn: Ta sẽ tỏ ra những điều bí nhiệm từ lúc dựng nên thế gian'".

Dầu sao tính tò mò của con người vẫn muốn biết được ý nghĩa ám chỉ của các cặp dụ ngôn về Nước Trời không được Chúa Giêsu giải thích ấy, không phải chỉ thỏa tính tò mò mà nhất là để nắm bắt được thực tại của Nước Trời hầu có thể hưởng ứng và đáp ứng một cách xứng đáng.

Trước hết, "Nước trời giống như hạt cải người kia gieo trong ruộng mình" - Phải chăng "hạt cải" ở đây Chúa Giêsu ám chỉ đến mầu nhiệm nhập thể của Người: "Lời đã hóa thành nhục thể và ở giữa chúng ta" (Gioan 1:14)? "Hạt ấy bé nhỏ hơn mọi thứ hạt giống" - Phải chăng, Chúa Giêsu muốn ám chỉ đến mầu nhiệm khổ giá, ở chỗ Người chẳng những đã "tự hạ ra như không" (Philiphê 2:6) mà còn "vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá" (xem Philiphê 2:8)? "Nhưng khi mọc lên, thì lớn hơn mọi thứ rau cỏ, rồi thành cây, đến nỗi chim trời đến nương náu nơi ngành nó" - Phải chăng Chúa Giêsu muốn ám chỉ đến mầu nhiệm phục sinh và thăng thiên của Người, ở chỗ "Thiên Chúa đã tôn vinh Người và ban cho Người một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu..."(Philiphê 2:9).
 
Sau nữa, "Nước trời giống như nắm men người đàn bà kia lấy đem trộn vào ba đấu bột, cho đến khi bột dậy men". Phải chăng "nắm menChúa Giêsu muốn ám chỉ đến sự sống thần linh nói chung và mầu nhiệm Thánh Thể cùng với các bí tích chất chứa sự sống nói riêng? Phải chăng "người đàn bà" trong dụ ngôn Người muốn ám chỉ đến Giáo Hội đóng vai trò làm mẹ có nhiệm vụ ban phát sự sống thần linh này bằng việc ban các bí tích nhất là việc cử hành Thánh Thể? Phải chăng "ba đấu bột" cần phải "dậy men" ở đây, tức cần phải "được sống và sống dồi dào hơn" (Gioan 10:10), Chúa Giêsu muốn ám chỉ đến đấu bột thứ nhất là từng Kitô hữu, chi thể của Chúa Kitô, đấu bột thứ hai là chung Giáo Hội, Nhiệm Thể Chúa Kitô, và đấu bột thứ ba là toàn thể xã hội loài người?

Nếu Moisen là nhận vật được Thiên Chúa tuyển chọn để giải phóng dân của Ngài khỏi làm nô lệ ở Ai Cập, nhờ đó Moisen là hình bóng báo trước một Đấng Thiên Sai sẽ đến để giải phóng nhân loại nói chung, trong đó có cả dân Do Thái, khỏi tội lỗi và sự chết, thì trong Bài Đọc 1 cho năm lẻ hôm nay cho thấy Moisen có thể được coi là một "hạt cảI" trong thửa ruộng cộng đồng dân Do Thái, một con người chẳng là gì trước nhan Thiên Chúa, nhưng lại vươn lên thành cây vĩ đại cho chim trời làm tổ, ở chỗ đã trở thành một con người có thế lực trước Thiên Chúa, với vai trò đại diện cho dân tộc của mình mà chuyển cầu để h khỏi bị Ngài tiêu diệt bởi tội thờ bỏ vàng của họ:

"Hôm sau Moisen nói với dân: 'Các ngươi đã phạm một tội rất lớn, nhưng bây giờ ta sắp lên với Giavê: có lẽ ta sẽ xin được Người xá tội cho các ngươi!' Moisen trở lại với Giavê và nói: 'Phải! dân này đã phạm một tội rất lớn, chúng đã làm cho mình những thần bằng vàng! Nhưng bây giờ, ước gì Người miễn chấp tội chúng. Bằng không, xin Người hãy xoá con đi khỏi sách Người đã viết'. Giavê phán với Moisen: 'Ai phạm tội chống lại Ta, Ta sẽ xoá nó khỏi sách của Ta! Còn bây giờ, ngươi hãy đi, hãy dẫn dân đến nơi Ta đã phán với ngươi! Này thần sứ của Ta sẽ đi trước ngươi, và đến ngày truy phạt của Ta, Ta sẽ trừng phạt chúng vì tội của chúng'".

Bài Đáp Ca hôm nay tóm tắt ý nghĩa của Bài Đọc 1 về tinh thần bất trung và thái độ thiên về ngẫu tượng tà thần của họ cho dù họ đã được liên tục chứng kiến thấy các điềm thiêng dấu lạ Ngài tỏ ra cho họ, nhưng nhờ có Moisen mà họ đã được Ngài thương tha:

1) Dân chúng đúc hình bò con tại Horéb, và lễ bái thần tượng đã đúc bằng vàng. Họ đem vinh quang của mình đánh đổi lấy hình tượng con bò ăn cỏ. 

2) Họ đã quên Thiên Chúa là Đấng cứu độ mình, Đấng đã làm những điều trọng đại bên Ai-cập, Đấng đã làm những điều kỳ diệu trên lãnh thổ họ Cam, và những điều kinh ngạc nơi Biển Đỏ. 

3) Chúa đã nghĩ tới tiêu diệt họ cho rồi, nếu như Môsê là người Chúa chọn, không đứng ra cầu khẩn với Ngài, để Ngài nguôi giận và đừng tiêu diệt họ. 


Ngày 31: 1. Thánh Ignatiô Loyola, linh mục sáng lập dòng Tên

2. Thánh Phêrô Ðoàn Công Quý, linh mục; Emmanuel Lê Văn Phụng, giáo dân



Thứ Ba

Cánh chung: Từ thời điểm viên trọn tới thời điểm chung cuộc

Bài Đọc I: (Năm I) Xh 33, 7-11; 34, 5b-9. 28
Đáp Ca: Tv 102, 6-7. 8-9. 10-11. 12-13
Phúc Âm: Mt 13, 36-43

Bài Phúc Âm cho Thứ Ba Tuần XVII Thường Niên hôm nay chất chứa những lời Chúa Giêsu dẫn giải về dụ ngôn người gieo giống tốt trong thửa ruộng của mình trong bài Phúc Âm hôm Thứ Bảy tuần trước, để đáp lại lời yêu cầu của các môn đệ: "Khi ấy, sau khi giải tán dân chúng, Chúa Giêsu trở về nhà. Các môn đệ đến gặp Người và thưa rằng: 'Xin Thầy giải thích dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe'".

Theo thứ tự các hình ảnh trong dụ ngôn, Chúa Giêsu giải thích ý nghĩa của từng hình ảnh hay sự việc được Người ám chỉ trong dụ ngôn này như sau:

"Kẻ gieo giống tốt là Con Người. Ruộng là thế gian. Còn hạt giống tốt là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái gian ác. Kẻ thù gieo cỏ lùng là ma quỷ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên thần. Cũng như người ta thu lấy cỏ lùng, rồi thiêu đốt trong lửa thế nào, thì ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy: Con Người sẽ sai các thiên thần đi thu tất cả gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác khỏi nước Chúa, rồi ném tất cả chúng vào lửa: ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng. Bấy giờ kẻ lành sẽ sáng chói như mặt trời trong nước của Cha mình".

Ở đây chúng ta thấy những điều cần chú ý sau đây: 

1- Nếu "Kẻ gieo giống tốt là Con Người. Ruộng là thế gian. Còn hạt giống tốt là con cái Nước Trời" thì có nghĩa là Chúa Kitô Thiên Sai đã cứu độ thế gian hay cứu độ loài người khỏi tội lỗi và sự chết bằng cuộc Vượt Qua của Người, nhờ đó Người đã ban cho họ sự sống thần linh, như thể Người đã gieo giống tốt trong thửa ruộng thế gian của Người, nơi Người đã hóa thân làm người để nhờ Người mà thế gian được cứu độ (xem Gioan 3:16-17). 

2-  Nếu "Cỏ lùng là con cái gian ác. Kẻ thù gieo cỏ lùng là ma quỷ" thì có nghĩa là Satan và bọn ngụy thần của hắn nhất định tàn phá công nghiệp của Chúa Kitô nơi các tâm hồn nói riêng và Giáo Hội nói chung. Bởi thế, chúng ta không lạ gì Giáo Hội của Chúa Kitô liên lỉ trở thành mục tiêu tấn công của thần dữ suốt giòng lịch sử của Giáo Hội, và thành phần Kitô hữu là chi thể của Giáo Hội luôn bị bách hại và sát hại, càng ngày càng dữ dội hơn. 

3-  Nếu "Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên thần" thì có nghĩa là tất cả sẽ có cùng, và mọi sự sẽ được giải quyết công minh đúng như dự án thần linh của Thiên Chúa là Đấng Quan Phòng Thần Linh làm chủ lịch sử loài người, cho dù trong thời gian hiện tại thành phần kẻ lành lúa tốt chỉ là một thiểu số và bao giờ cũng chịu thua thiệt tất cả mọi sự trước áp lực hung hăng tàn bạo của thành phần kẻ dữ lùng vực hầu như bất khả khống chế.

Có một chi tiết hơi kỳ lạ trong dụ ngôn được Chúa Kitô đề cập tới, đó là chi tiết: "Con Người sẽ sai các thiên thần đi thu tất cả gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác khỏi nước Chúa, rồi ném tất cả chúng vào lửa". Chi tiết kỳ lạ này là "tất cả gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác khỏi nước Chúa", nghĩa là trong "nước Chúa" đã có hay đã bao gồm "tất cả gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác" rồi phải không nên sau cùng mới bị loại ra. Như thế nghĩa là gì? "Nước Chúa", nếu hiểu là thiên đàng, là mối hiệp thông thần linh với Thiên Chúa, cũng có cái xấu và sự dữ hay sao?


Ở đây, theo kẻ chia sẻ suy niệm lời Chúa hiểu, thì "Nước Chúa" trên thế gian này có thể hiểu là chính mạc khải thần linh của Thiên Chúa, một mạc khải được tỏ ra cho tất cả mọi người, như hạt giống được gieo cả vào vệ đường, sỏi đá và bụi gai nữa, chứ không phải chỉ vào đất tốt, và vì thế ai không chấp nhận mạc khải thần linh của Ngài là Chúa Giêsu Kitô, là ơn cứu độ của Người, là Lòng Thương Xót Chúa, thì kể như họ không chấp nhận Lòng Thương Xót Chúa, không chấp nhận ơn cứu độ của Ngài, do đó tự họ loại mình ra khỏi "Nước Chúa".


Nh
ư thế, dụ ngôn người gieo giống tốt trong thửa ruộng của mình đây bao gồm từ "thời điểm viên trọn"(Galata 4:4) của Chúa Kitô Thiên Sai, qua suốt giòng lịch sử của Giáo Hội Chúa Kitô, cho đến tận thế là thời điểm chung cuộc. Dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng này là một dụ ngôn Chúa dẫn giải chẳng những để giúp cho chúng ta hiểu biết về thực tại Nước Trời mà còn khuyến dụ chúng ta hãy sống thực tại Nước Trời này nữa, ở chỗ hãy nhẫn nhục chịu đựng gian nan khốn khó trong cuộc hành trình đức tin của mình và luôn chờ đợi bằng lòng tin tưởng vào Đấng "sẽ xuất hiện lần thứ hai để mang ơn cứu độ cho những ai thiết tha mong đợi Người" (Do Thái 9:28).

Dụ ngôn này đồng thời cũng cho chúng ta thấy một Vị Thiên Chúa nhẫn nại cho tới cùng, đối với cả kẻ dữ, và làm tất cả mọi sự cho lợi ích của kẻ lành là lúa tốt, thậm chí bằng chính kẻ dữ là cỏ lùng. Chính tình yêu vô cùng nhân hậu của Ngài cuối cùng sẽ thắng vượt tất cả trong Chúa Kitô Thiên Sai, Đấng đã vượt qua từ khổ giá đến phục sinh, và nếu kẻ dữ bị trừng phạt xứng với tội ác của họ thì không phải là Ngài ra tay, cho bằng chính họ bị day dứt quằn quại trước tình yêu vô cùng nhân hậu của Ngài.

Trong Bài Đọc 1 cho năm lẻ hôm nay cho thấy một Moisen, hình bóng của một Đức Kitô Thiên sai giải phóng con người khỏi tội lỗi và sự chết mà đem vào đất hứa sự sống viên mãn, đang đóng vai trò là người gieo lúa tốt trong thửa ruộng dân Chúa của mình, đồng thời qua Moisen cũng cho thấy một vị Thiên Chúa vô cùng nhân hậu xót thương, ở chỗ:

1- Di chuyển nhà xếp giao ước cho lợi ích của dân: "Trong những ngày ấy, Moisen hạ nhà xếp, đem dựng ra một khoảng ở ngoài trại, và đặt tên là 'nhà xếp giao ước'. Ai trong dân có điều gì muốn hỏi, thì đến nhà xếp ở ngoài trại".

2- Có một hầu cận là mầm mống thừa kế của mình: "Chúa đàm đạo cùng Moisen diện đối diện, như người ta quen đàm đạo với bạn hữu mình. Khi ông trở về trại, thì người hầu cận ông là Giodu, con ông Nun, còn trẻ tuổi, không rời khỏi nhà xếp".

3- Cầu khẩn cùng Chúa cho dân: "Chúa! Chúa! Đấng cai trị mọi sự, là Đấng từ bi, nhân hậu, nhẫn nại, đầy lân tuất và chân chính. Chúa xót thương đến ngàn đời, tha thứ gian ác, độc dữ và tội lỗi; trước mặt Chúa không ai coi mình là vô tội. Sự gian ác tổ tiên đã phạm, Chúa phạt con cháu đến ba bốn đời".

4- Nhận lãnh bia đá thập giới (lần hai) từ Thiên Chúa để trao lại cho dân: "Vậy ông Môsê ở đó với Chúa bốn mươi đêm ngày, không ăn bánh và không uống nước; Chúa ghi mười lời giao ước vào bia đá".

Bài Đáp Ca hôm nay chất chứa một cảm nghiệm thần linh về một vị Thiên Chúa chẳng những tỏ mình ra bề ngoài có vẻ uy nghi lừng lẫy mà còn có một tấm lòng vô cùng nhân hậu xót thương đúng như những gì Moisen đã cảm nhận trong Bài Đọc 1: "Chúa! Chúa! Đấng cai trị mọi sự, là Đấng từ bi, nhân hậu, nhẫn nại, đầy lân tuất và chân chính. Chúa xót thương đến ngàn đời, tha thứ gian ác, độc dữ và tội lỗi": 

1) Chúa thi hành những sự việc công minh, và trả lại quyền lợi cho những người bị ức. Người tỏ cho Môsê được hay đường lối, tỏ công cuộc Người cho con cái Israel.  

2) Chúa là Đấng từ bi và hay thương xót, chậm bất bình và hết sức khoan nhân. Người không chấp tranh triệt để, cũng không đời đời giữ thế căm hờn. 

3) Người không xử với chúng tôi như chúng tôi đắc tội, và không trả đũa theo điều oan trái chúng tôi. Nhưng cũng như trời xanh vượt cao trên mặt đất, lòng nhân Người còn siêu việt hơn thế trên kẻ kính sợ Người. 

4) Cũng như từ đông sang tây xa vời vợi, Người đã ném tội lỗi xa khỏi chúng tôi. Cũng như người cha yêu thương con cái, Chúa yêu thương những ai kính sợ Người. 



Ngày 01: 1. Thánh Alphongsô Maria Liguori, Giám Mục Tiến Sĩ Hội Thánh

                2. Thánh Bênađô Võ Văn Duệ, linh mục; Ða Minh Nguyễn Văn Hạnh, linh mục



Thứ Tư

Kho tàng ơn gọi và viên ngọc đẫm máu


Bài Đọc 1 (Năm Lẻ): Xh. 34,29-35
Đáp Ca: Tv. 99:5,6,7,9
Phúc Âm: Mt. 13,44-46

Hôm nay, Thứ Tư Tuần XVIIThường Niên, Bài Phúc Âm của Thánh ký Mathêu tiếp tục ghi lại một cặp dụ ngôn nữa về Nước Trời được Chúa Kitô diễn tả để mạc khải cho dân Do Thái nói chung và cho các môn đệ của Người nói riêng biết. 

"Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy".


"Nước Trời lại cũng giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp. Tìm được một viên ngọc quý, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy".


Hai dụ ngôn về Nước Trời này có liên hệ hết sức mật thiết với nhau bất khả phân ly, có tính cách tu đức hơn là thần học. Ở chỗ, một đàng thì "kho báu trong ruộng" được tìm thấy, một đàng thì đi tìm được: "viên ngọc quí". Một đàng thụ động: "kho báu trong ruộng" và một đàng chủ động: "đi tìm ngọc đẹp".


Cặp dụ ngôn thứ hai về Nước Trời này, như cặp dụ ngôn thứ nhất trong bài Phúc Âm Thứ Hai tuần này, không được Chúa Giêsu giải thích cho biết. Tuy nhiên, căn cứ vào đường lối suy diễn như ở cặp dụ ngôn thứ nhất, nhờ căn cứ vào Chúa Kitô như là chính Nước Trời thì cặp dụ ngôn thứ hai về Nước Trời hay về Chúa Kitô có thể suy diễn như sau. 

Dầu sao cũng cần phải nhớ rằng cặp dụ ngôn thứ hai này Chúa Giêsu nói riêng với các tông đồ chứ không phải chung cho dân chúng như cặp dụ ngôn thứ nhất. Vì Người nói ngày sau khi dẫn giải dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng lúa tốt cho các môn đệ là thành phần xin Người giải thích "sau khi giải tán dân chúng, Người đã về nhà...".

Trước hết, "Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng" - Phải chăng Chúa Giêsu có ý nói rằng Người chính là kho báu được chôn giấu trong ruộng, mà "ruộng là thế gian" (theo chính lời Chúa Giêsu giải thích trong bài Phúc Âm hôm qua), nên Chúa Giêsu vẫn là những gì quí báu nhất trên trần gian này mà ít người biết tới như thể kho tàng quí báu ấy bị chôn giấu đi vậy? 

"Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy" - Nghĩa là cho dù kho tàng ấy ít ai biết đến như bị che giấu đi như thế, ai mà gặp được, chẳng hạn thành phần bé mọn được Cha tỏ ra cho (xem Mathêu 11:25), thì họ chẳng còn tiếc gì nữa, sẵn sàng từ bỏ mọi sự mà mua thửa ruộng có kho tàng này, chứ không phải mua chính kho tàng, vì mua cả thửa ruộng thì tất nhiên có được kho báu trong đó nữa. 

Đúng thế, nếu Chúa Kitô đã cứu chuộc thế gian thì ai tìm gặp Người cũng quí chuộng ơn cứu chuộc của Người và tìm hết cách để cứu lấy thế gian, và khi họ đã dám hy sinh tất cả mọi sự của họ cho phần rỗi của tha nhân trên thế gian này là họ có được tất cả Chúa Kitô là kho tàng chôn trong thửa ruộng được họ tậu lấy vậy. Theo ý nghĩa ấy thì quả thực dụ ngôn kho tàng trong ruộng này liên quan đến ơn gọi theo Chúa của các tông đồ, thành phần môn đệ chứng nhân tiên khởi của Người.

"Nước Trời lại cũng giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp. Tìm được một viên ngọc quý, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy". Phải chăng "một thương gia đi tìm ngọc đẹp" đây chính là Chúa Kitô, Đấng đã "đến để tìm kiếm và cứu với những gì hư hoại" (Luca 19:10), nhưng đối với Người "những gì hư hoại" ấy, như con chiên lạc thứ 100 hay đồng tiền thất lạc (xem Luca 15:4,8) lại rất quí báu, đến độ Người đã phải từ trời xuống thế để tìm kiếm. 

Như thế có nghĩa là con người ta là "một viên ngọc quí" đã được Thiên Chúa tìm thấy và đã thực sự "mua viên ngọc ấy" bằng chính máu thánh vô giá của Người, bằng chính sự sống hy hiến của Người (xem Gioan 17:19; Mathêu 20:28)? Dụ ngôn này cũng liên quan đến vai trò của các tông đồ chẳng những trong sứ vụ thừa sai nhân chứng mà còn trong cả thừa tác vụ ban phát ân sủng và sự sống thần linh cho các linh hồn nữa. 


Cặp dụ ngôn về "kho tàng chôn giấu trong ruộng" và "viên ngọc quí" được thương gia tìm thấy đây như thế có thể hiểu "kho tàng" là chính Ơn Cứu Độ vô cùng quí giá của Chúa Kitô, và "viên ngọc quí" chính là phần rỗi vô cùng quan trọng của các linh hồn. Cả "kho tàng" Ơn Cứu Độ và "viên ngọc" Phần Rỗi này đều phải được đánh đổi bằng tất cả những gì có được của những ai được kêu gọi làm chứng nhân tông đồ của Chúa Kitô như Kitô hữu chúng ta.

Bài Đọc 1 cho năm lẻ hôm nay cho thấy "rằng da mặt Moisen sáng chói bởi đã đàm đạo với Thiên Chúa... Con cái Israel nhìn mặt ông Moisen thấy da mặt ông sáng chói; ông Moisen lại lấy khăn che mặt, cho đến khi vào đàm đạo với Thiên Chúa".


Nội dung của Bài Đọc 1 này có liên hệ gì với cặp dụ ngôn trong bài Phúc Âm hôm nay hay chăng? Xin thưa, tất nhiên là có. Ở chỗ nào? Ở chỗ khi được gần gũi với "Thiên Chúa là ánh sáng" (1Gioan 1:5), con người cần phải trở thành phản ánh của Ngài, như Chúa Kitô "là phản ánh vinh hiển của Cha" (Do Thái 1:3).

Như thế, một khi kho tàng thần linh trong thửa ruộng thế gian là Chúa Kitô thuộc về ai, có nghĩa là họ được hiệp nhất nên một với Người, thì tất cả đời sống và con người của họ trở thành phản ảnh Người, (như mặt Moisen phản ảnh vinh quang Thiên Chúa nhờ gặp gỡ Thiên Chúa), bởi họ đã dám hy sinh tất cả để mua lấy tất cả thuở ruộng thế gian đã được Người cứu chuộc, đến độ Chúa Kitô sống trong họ để tiếp tục công cuộc cứu chuộc của Người cho đến tận thế, cho đến khi Người lại đến trong vinh quang. Nhờ đó, họ phản ảnh một Chúa Kitô nhân hậu đi tìm kiếm viên ngọc quí là phần rỗi của các linh hồn, qua sứ vụ chứng nhân và tinh thần tông đồ truyền giáo của họ như Chúa Kitô. 

Bài Đáp Ca hôm nay bao gồm nhận thức thần linh về Vị Thiên Chúa Thánh Hảo, Đấng tỏ mình ra cho những ai cầu khẩn Danh Ngài và tuân hành các thánh chỉ của Ngài, vì Ngài là Đấng Thánh:

1- Hãy suy tôn Chúa là Thiên Chúa chúng ta, phủ phục trước bệ rồng, bởi Người là Đấng Thánh.

2- Moisen cùng Aaron trong hàng tư tế Chúa, cũng như Samuel trong số người cầu khẩn Thánh Danh! Các ngài cầu khẩn Chúa, Chúa thương đáp lại.

3- Từ cột mây, Chúa phán dạy các ngài, các ngài đã tuân hành thánh ý, và chiếu chỉ Người ban.

4- Hãy suy tôn Chúa là Thiên Chúa chúng ta, hướng về núi thánh mà phủ phục, vì Chúa, Thiên Chúa ta thờ, quả thật là Đấng Thánh.

Ngày 02: Thánh Eusêbiô Vercellêsi, Giám Mục



Thứ Năm

thế gian biển cả - thừa sai mạng lưới


Bài Đọc I: (Năm I) Xh 40, 14-19. 32-36
Đáp Ca: Tv 83, 3. 4. 5-6a và 8a. 11
Phúc Âm: Mt 13, 47-53

Bài Phúc Âm cho Thứ Năm Tuần XVII Thường Niên hôm nay ghi lại dụ ngôn cuối cùng của Chúa Giêsu về Nước Trời trong Phúc Âm Thánh Ký Mathêu ở đoạn 13. 

"Nước trời lại giống như lưới thả dưới biển, bắt được mọi thứ cá. Lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi đó mà lựa chọn: cá tốt thì bỏ vào giỏ, còn cá xấu thì ném ra ngoài. Đến ngày tận thế cũng như vậy: các thiên thần sẽ đến mà tách biệt kẻ dữ ra khỏi người lành, rồi ném những kẻ dữ vào lò lửa: ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng"

Cũng như cặp dụ ngôn thứ hai trong bài Phúc Âm hôm qua, dụ ngôn cuối cùng về Nước Trời này cũng không được Chúa Giêsu giải thích gì hết về những hình ảnh Người sử dụng. Lý do Người không giải thích gì hết là vì các môn đệ của Người không yêu cầu Người giải thích như ở dụ ngôn người gieo giống ra đi gieo giống và người gieo giống tốt trong ruộng của mình. Thậm chí khi được Người hỏi: "'Các con có hiểu những điều đó không?' Họ thưa: 'Có'".

Sở dĩ các môn đệ nói "" hiểu dụ ngôn cuối cùng về Nước Trời này có thể là vì nội dung của dụ ngôn này cũng giống như dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng. Đúng thế, dụ ngôn cuối cùng về Nước Trời này cũng liên quan đến hai loại tốt và xấu. Nếu dụ ngôn người gieo giống tốt trong ruộng của mình bao gồm lúa tốt và cỏ xấu, thì dụ ngôn cuối cùng này liên quan đến cá tốt và cá xấu. 

Tuy nhiên, không biết các môn đệ của Chúa Giêsu bấy giờ đã hiểu dụ ngôn cuối cùng về Nước Trời này như thế nào, chẳng hạn "lưới thả dưới biển" ám chỉ những gì, và ý nghĩa chính yếu của dụ ngôn này là chi, phần chúng ta, vẫn cần tìm hiểu xem những gì còn mập mờ trong dụ ngôn này. Vậy, dựa theo đường hướng Nước Trời ám chỉ Chúa Kitô, và dụ ngôn cuối cùng trong loạt dụ ngôn được Thánh ký Mathêu ghi lại ở Đoạn 13 này là dụ ngôn Chúa Giêsu nói riêng với các môn đệ thì chúng ta có thể suy diễn như sau:

"Nước trời lại giống như lưới thả dưới biển, bắt được mọi thứ cá".

Nếu đây là dụ ngôn cuối cùng trong loạt dụ ngôn về Nước Trời được Thánh ký Mathêu thuật lại ở đoạn 13, và cũng là dụ ngôn được Chúa Giêsu nói riêng với các tông đồ, thì dụ ngôn này gợi lại hình ảnh 7 tông đồ đi đánh cá ở Biển Hồ Tibêria sau 2 lần Chúa Kitô Phục Sinh đã hiện ra với các vị (xem Gioan 21:1-14). 

Nếu "ruộng" là nơi có cả "lúa tốt" lẫn "cỏ lùngtrong dụ ngôn "người gieo giống tốt trong ruộng của mình" là "thế gian" thì "biển" trong dụ ngôn này cũng có thể ám chỉ "thế gian", nơi có cả "cá tốt" là "người lànhlẫn "cá xấu" là "kẻ dữ". Vậy "lưới thả dưới biển" đây phải chăng chính là thành phần thừa sai được Chúa Kitô Phục Sinh truyền lệnh: "Thày được toàn quyền trên trời dưới đất. Bởi vậy các con hãy đi tuyển mộ môn đồ thuộc tất cả mọi dân nước. Hãy rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh thần. Hãy dạy cho họ thi hành tất cả những gì Thày đã truyền cho các con" (Mathêu 28:19)?

"Lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi đó mà lựa chọn: cá tốt thì bỏ vào giỏ, còn cá xấu thì ném ra ngoài". 

Nếu "lưới thả dưới biển" đây ám chỉ thành phần thừa sai truyền giáo của Giáo Hội Chúa Kitô, tức là liên quan đặc biệt đến dân ngoại, thành phần chính yếu làm nên Giáo Hội Chúa Kitô, không phải dân Do Thái, thì "lưới đầy" ở đây phải chăng có nghĩa là "đủ số dân ngoại" (Roma 11:25), và chỉ khi nào "đủ số dân ngoại" bấy giờ mới có chuyện "người ta kéo lên bãi, rồi ngồi đó mà lựa chọn: cá tốt thì bỏ vào giỏ, còn cá xấu thì ném ra ngoài", đúng như ấn định cứu độ của Chúa Kitô: "Các con hãy đi khắp thế gian mà loan báo tin mừng cho tất cả mọi tạo vật. Ai chấp nhận tin mừng và chịu phép rửa thì được cứu độ; người nào không chấp nhận tin mừng thì sẽ bị luận phạt" (Marco 16:15-16).

"Đến ngày tận thế cũng như vậy: các thiên thần sẽ đến mà tách biệt kẻ dữ ra khỏi người lành, rồi ném những kẻ dữ vào lò lửa: ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng"

Như thế thì vấn đề "đủ số dân ngoại" là dấu hiệu ngày cùng tháng tận, là dấu hiệu ến ngày tận thế", thời điểm chung thẩm cho số phận đời đời giữa chiên và dê (xem Mathêu 25:31-46), thời điểm "các thiên thần sẽ đến mà tách biệt kẻ dữ ra khỏi người lành, rồi ném những kẻ dữ vào lò lửa: ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng", cũng như các vị ở trong dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng đã làm vậy: "Thợ gặt là các thiên thần. Cũng như người ta thu lấy cỏ lùng, rồi thiêu đốt trong lửa thế nào, thì ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy: Con Người sẽ sai các thiên thần đi thu tất cả gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác khỏi nước Chúa, rồi ném tất cả chúng vào lửa: ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng. Bấy giờ kẻ lành sẽ sáng chói như mặt trời trong nước của Cha mình".

Đúng thế, việc thanh lọc cuối cùng chính yếu là để "tách biệt kẻ dữ ra khỏi người lành", nhờ đó, thành phần đã từng là nạn nhân của kẻ dữ, đã trải qua gian nan khốn khó trên đời "bấy giờ sẽ sáng chói như mặt trời trong nước của Cha mình", thành phần ngay trong cuộc hành trình đức tin của họ đã phản ảnh được Vị Thiên Chúa là Đấng luôn ở cùng họ, và họ đã trở thành nơi tỏ hiện vinh quang của Thiên Chúa, như nhà xếp trong Bài Đọc 1. 

Phải, Bài Đọc 1 cho năm lẻ hôm nay liên quan đến việc thiết dựng nhà xếp, nơi Moisen "đặt bia chứng từ vào hòm, xỏ đòn khiêng vào hai bên, và để toà phán dạy trên hòm", và cũng là nơi tỏ hiện vinh quang của một Vị Thiên Chúa ẩn ngự: "Khi đã rước hòm bia vào nhà xếp, ông treo màn trước hòm để hoàn tất lời Chúa đã truyền dạy. Sau khi mọi việc đã hoàn tất, thì có một đám mây bao phủ nhà xếp chứng từ, và vinh quang của Chúa tràn ngập nhà xếp". 

Cảm nghiệm thần linh của kẻ lành lúc nào cũng cảm thấy khao khát thần linh và mong được ở với Đấng duy nhất có thể thỏa đáng lòng của họ, được diễn tả qua Bài Đáp Ca hôm nay: 

1) Linh hồn con khát khao và mòn mỏi, mong vào hành lang nhà Chúa. Tâm thần và thể xác con hoan hỉ tìm đến cùng Thiên Chúa trường sinh. 

2) Đến như chim sẻ còn kiếm được nhà, và chim nhạn tìm ra tổ ấm, để làm nơi ấp ủ con mình, cạnh bàn thờ Chúa, ôi Chúa là Thiên Chúa thiên binh, ôi Đại vương là Thiên Chúa của con. 

3) Ôi Thiên Chúa, phúc đức ai ngụ nơi nhà Chúa: họ sẽ khen ngợi Chúa tới muôn đời. Phúc thay người Chúa con nâng đỡ, họ tiến lên ngày càng thêm hăng hái. 

4) Thực một ngày sống trong hành lang nhà Chúa, đáng quý hơn ngàn ngày ở nơi đâu khác. Con ưa đứng nơi ngưỡng cửa nhà Chúa, hơn là cư ngụ trong lều bọn ác nhân. 





Thứ Sáu

Loại đồng hương hạt giống bụi gai

Bài Đọc I: (Năm I) Lv 23, 1. 4-11. 15-16. 27. 34b-37
Đáp Ca: Tv 80, 3-4. 5-6ab. 10-11ab
Phúc Âm: Mt 13, 54-58

Bài Phúc Âm hôm nay, Thứ Sáu Tuần XVII Thường Niên, được Thánh ký Mathêu thuật lại về sự kiện: "Chúa Giêsu trở về quê quán Người, và giảng dạy người ta trong hội đường, khiến người ta ngạc nhiên"

Thế nhưng, cái ngạc nhiên của họ mang tích cách tiêu cực (ngờ vực) hơn là tính cách tích cực (nhận biết), bởi thế, họ đã tỏ ra hết sức thắc mắc với đầy những nghi vấn như sau

"'Bởi đâu ông này được sự khôn ngoan và quyền làm phép lạ như vậy? Nào ông chẳng phải là con bác thợ mộc sao? Nào mẹ ông chẳng phải là bà Maria, và Giacôbê, Giuse, Simon, Giuđa chẳng phải là anh em ông sao? Và chị em ông, nào chẳng phải những người ở nơi chúng ta sao? Vậy bởi đâu ông được những sự ấy?' Và họ vấp phạm đến Người".

Thái độ tiêu cực gần như tẩy chay Chúa Giêsu của dân làng Người cũng là chuyện dễ hiểu theo tâm lý tự nhiên, vì họ đã từng biết Người từ hồi còn nhỏ, một con người ra sao trong làng, có cha mẹ và thân thuộc như thế nào. Bởi thế, "Chúa Giêsu phán cùng họ rằng: 'Không tiên tri nào mà không được vinh dự, trừ nơi quê quán và nhà mình'".

Nếu căn cứ vào 1 trong 4 loại môi trường ở dụ ngôn "người gieo giống ra đi gieo giống" nơi Bài Phúc Âm Thứ Tư tuần trước (xem Mathêu 13:18-23), thì dân làng của Người không thuộc loại "hạt rơi trên vệ đường", vì họ cũng hào hứng nghe Người chứ không đến nỗi hững hờ chẳng để ý hay thiết tha gì; họ cũng không phải là "hạt rơi trên đá sỏi" vì họ đâu có chấp nhận Người nên không đâm rễ tí nào hết, mà là "hạt rơi vào bụi gai" đã bị chết nghẹt gây ra bởi các lo âu ngờ vực của họ. Do đó bài Phúc Âm mới kết luận: "Người không làm nhiều phép lạ ở đó, vì họ chẳng có lòng tin".

Thật ra, theo chiều hướng của Phúc Âm Thánh Gioan thì "là ánh sáng thế gian" (8:12) mà đã là ánh sáng thì không thể không soi chiếu mà còn là ánh sáng, Chúa Kitô cần phải tự động tỏ mình ra để nhờ đó người ta mới có thể nhận biết người và tin tưởng Người, hơn là cứ phải có đức tin mới làm phép lạ, mới tỏ mình ra sau. 

Tuy nhiên, trong trường hợp dân làng của Người trong bài Phúc Âm hôm nay đã được Người tỏ mình ra cho họ rồi, đến nỗi đã khiến họ phải bàng hoàng ngỡ ngàng: "Bởi đâu ông này được sự khôn ngoan và quyền làm phép lạ như vậy?", thế mà họ vẫn không tin. Chính thành kiến tự nhiên về Người đã là một trở ngại khổng lồ chắn lối đức tin của dân làng Người.

Bài Đọc 1 cho năm lẻ hôm nay được trích từ Sách Lêvi, bởi vì nội dung của bài đọc liên quan đến các ngày lễ trong năm được coi là ngày thánh mà Dân Do Thái cần phải cẩn thận cử hành theo qui định của Thiên Chúa, đặc biệt và chính yếu nhất là Lễ Vượt Qua, "ngày mười bốn tháng Giêng", sau đó, theo thời gian trong năm, đến Ngày Lễ Ngũ Tuần: "từ hôm sau ngày sabbat,... các ngươi tính đủ bảy tuần, cho đến ngày hôm sau cuối tuần thứ bảy, tức là năm mươi ngày", tới Lễ Đền Tội "ngày mùng mười tháng Bảy", và sau cùng là Lễ Lều Tạm (Nhà Xếp) "ngày mười lăm tháng Bảy": "Đó là những ngày lễ của Chúa mà các ngươi phải kể là những ngày rất trọng thể và rất thánh, trong những ngày ấy, các ngươi phải dâng lên Chúa lễ vật, của lễ toàn thiêu và lễ quán theo nghi lễ của mỗi ngày".

Bài Đọc 1 về các ngày lễ của dân Do Thái và Bài Phúc Âm về sự kiện dân làng của Chúa Kitô không tin tưởng vào Người có liên hệ gì tới nhau hay chăng? Nếu không - tại sao? Nếu có - ở chỗ nào?

Nếu tất cả mọi ngày lễ của Dân Do Thái là để họ tưởng nhớ đến Thiên Chúa, Đấng đã tuyển chọn họ và hằng tỏ mình ra cho họ vào những thời điểm đặc biệt trong giòng lịch sử cứu độ của họ, cho tới "thời điểm viên trọn, Thiên Chúa sai Con Ngài sinh hạ bởi một người nữ, sinh ra theo lề luật" (Galata 4:4), nghĩa là tất cả lịch sử cứu độ đều hướng về Chúa Kitô và về "thời điểm viên trọncủa Người, thì dân của Ngài cần phải tin vào Con Ngài mới được cứu độ, thế nhưng họ đã không tin, hay đúng hơn chưa tin Người được, chỉ vì Con của Ngài, của một Vị Thiên Chúa vô cùng cao cả và toàn hảo, lại được "sinh hạ bởi một người nữ" ngay trong làng của họ.

Tuy nhiên, không phải bị dân làng tẩy chay bất chấp mà Chúa Kitô không phải là Con Thiên Chúa nữa, không còn là Đấng Thiên Sai nữa, Đấng duy nhất có thể cứu họ cùng toàn thể nhân loại khỏi tội lỗi và sự chết, Đấng một khi được nhận biết thì Người chính là một tin mừng cần phải được đón nhận, và là một đại lễ cần phải hân hoan long trọng cử hành của mình thì dân Do Thái sẽ không thể nào không cảm thấy hớn hở như trong Bài Đáp Ca hôm nay:

1) Hãy hoà nhạc và đánh trống râm ran; dạo đàn cầm êm ái cùng với thất huyền. Hãy rúc tù và lên mừng ngày trăng mới, trong buổi trăng rằm, ngày đại lễ của chúng ta. 

2) Vì đó là điều đã thiết lập cho Israel; đó là huấn lệnh của Thiên Chúa nhà Giacóp. Người đã đặt ra luật này cho nhà Giuse, khi họ cất gót lên đường lìa xa Ai-cập. 

3) Ở nơi ngươi đừng có một chúa tể nào khác; ngươi cũng đừng thờ tự một chúa tể ngoại lai: vì Ta là Chúa, là Thiên Chúa của ngươi, Ta đã đưa ngươi ra ngoài Ai-cập. 


Ngày 04: Thánh Gioan Vianney, linh mục 



Thứ Bảy

Hêrôđê - Một con cáo già, vừa đáng trống vừa ăn cướp

Bài đọc 1: Lv 25:1,8-17

Đáp Ca: Tv 67:2-3,5,7-8

Phúc Âm: Mt. 14,1-12

Hôm nay, Thứ Bảy Tuần XVII Thường Niên, Thánh Ký Mathêu ghi lại một sự kiện đó là "Thời ấy, tiểu vương Hêrôđê nghe danh tiếng Đức Giêsu, thì nói với những kẻ hầu cận rằng: 'Đó chính là ông Gioan Tẩy Giả; ông đã từ cõi chết trỗi dậy, nên mới có quyền năng làm phép lạ". 

Sau đó vị thánh ký đã thuật lại lý do tại sao đã thúc đẩy vị tiểu vương này đã ra tay sát hại nhân vật mà ông cho là đã sống lại từ cõi chết và đang sống động nơi Chúa Giêsu Kitô:

"Số là vua Hêrôđê đã bắt trói ông Gioan và tống ngục vì bà Hêrôđia, vợ ông Philípphê, anh của nhà vua. Ông Gioan có nói với vua: 'Ngài không được phép lấy bà ấy'. Vua muốn giết ông Gioan, nhưng lại sợ dân chúng, vì họ coi ông là ngôn sứ. Vậy, nhân ngày sinh nhật của vua Hêrôđê, con gái bà Hêrôđia đã biểu diễn một điệu vũ trước mặt quan khách, làm cho nhà vua vui thích. Bởi đó, vua thề là hễ cô xin gì, vua cũng ban cho. Nghe lời mẹ xui bảo, cô thưa rằng: 'Xin ngài ban cho con, ngay tại chỗ, cái đầu ông Gioan Tẩy Giả đặt trên mâm'. Nhà vua lấy làm buồn, nhưng vì đã trót thề, lại thề trước khách dự tiệc, nên truyền lệnh ban cho cô. Vua sai người vào ngục chặt đầu ông Gioan. Người ta đặt đầu ông trên mâm, mang về trao cho cô, và cô ta đem đến cho mẹ. Môn đệ ông đến lấy thi hài ông đem đi mai táng, rồi đi báo cho Đức Giêsu".

Vấn đề được đặt ra ở đây là tại sao vị quận vương này cho rằng nhân vật Gioan Tẩy Giả có thể tự mình sống lại cho dù bị ông ta sát hại, và tại sao ông ta lại ghép việc sống lại của vì Tẩy Giả này vào trường hợp của Chúa Giêsu, bởi nghe thấy Người "có quyền năng làm phép lạ"Ông ta có ý nghĩ Gioan Tẩy Giả có thể sống lại trước khi ông ta ra lệnh lấu đầu của ngài, hay sau khi nghe thấy Chúa Giêsu làm nhiều phép lạ mới có ý nghĩ Gioan sống lại như vậy?

Phải chăng vị quận vương này có ý muốn nói rằng chính nhờ ông ta hành quyết Gioan Tẩy Giả mà Chúa Giêsu mới có quyền năng làm phép lạ như thế, bằng không Người không thể nào có thể làm phép lạ như vậy? Qua câu nói này của ông ta, cũng có thể là ông ta đã bị ám ảnh về cái chết của nhân vật Gioan Tẩy Giả là nhân vật ông rất kính nể nhưng đã ra lệnh hành quyết bởi lỡ miệng hứa với đứa con gái của người vợ bất chính và muốn giữ thể diện của mình trước mặt bá quan văn võ trong triều đình của ông bấy giờ? 

Có nghĩa là ông ta đang tìm cách vừa đánh trống vừa ăn cướp, ở chỗ muốn xoa dịu lương tâm bị áy náy của mình là người đã lỡ sát hại một kẻ công chính, bằng cách gán ghép quyền năng làm phép lạ của Chúa Giêsu cho nạn nhân của mình là kẻ đã bị mình hành quyết, nhờ đó mình chẳng những vô tội mà còn nổi tiếng nữa qua các phép lạ Chúa Giêsu làm. Nếu vậy thì vị quận vương này đúng là một thứ cáo già, gian manh không thể nào tượng tưởng nổi! 

Không biết có phải vì thế mà ít lâu sau, khi gặp lại ông ta trong thân phận của một tử tội được Tổng Trấn Philatô chuyển đến cho thẩm quyền của ông ta, Chúa Giêsu đã không hề lên tiếng nói gì với ông ta (xem Luca 23:9). Chắc chắn thái độ im lặng của Chúa Giêsu không phải là thái độ coi thường thẩm quyền của ông ta hay khinh bỉ con người tồi bại của ông ta, cho bằng Người muốn tỏ ra thái độ nhẫn nhục nhân ái với con người đầy gian ác hết sức đáng thương ấy, một con người chỉ biết có quyền lực, và chỉ mong gặp Chúa Giêsu để xem Người làm phép lạ (xem Luca 23:8) mà không được toại nguyện, vì Chúa Giêsu đến thế gian này không phải như một cứu tinh xuất chúng về quyền lực nhưng là để giải thoát con người, điển hình là vị quận vương Hêrôđê này, khỏi tội lỗi và sự chết. 

Bài Đọc 1 cho năm lẻ hôm nay liên quan đến năm toàn xá là thời điểm 50 năm một lần trong dân Do Thái, một "năm thánh", bao gồm, trước hết là việc nghỉ ngơi cho chính con người cũng như cho thiên nhiên vạn vật:

"Các ngươi sẽ công bố năm thứ năm mươi là năm thánh và sẽ tuyên cáo trong xứ lệnh ân xá cho mọi người sống tại đó. Đối với (các) ngươi, đó là thời kỳ toàn xá: mỗi người trong các ngươi sẽ trở về phần sở hữu của mình, mỗi người sẽ trở về dòng họ của mình. Đối với các ngươi, năm thứ năm mươi sẽ là thời kỳ toàn xá: các ngươi không được gieo, không được gặt lúa tự nhiên mọc, không được hái trong vườn nho không cắt tỉa. Vì đó là thời kỳ toàn xá, một năm thánh đối với các ngươi, các ngươi sẽ ăn hoa lợi của đồng ruộng".


Sau nữa, "năm thánh" không phải chỉ liên quan đến việc nghỉ ngơi của con người và thiên nhiên tạo vật, mà còn liên quan nhất là với tha nhân nữa, qua các việc bác ái yêu thương không gây thiệt hại cho người khác, như sau:  


"Năm toàn xá đó, mỗi người trong các ngươi sẽ trở về phần sở hữu của mình. Nếu các ngươi bán cái gì cho người đồng bào hoặc mua cái gì từ tay người đồng bào, thì đừng ai làm thiệt hại người anh em mình. Ngươi sẽ mua của người đồng bào theo số năm sau năm toàn xá, và nó sẽ bán cho ngươi theo số năm thu hoạch. Còn nhiều năm thì ngươi mua giá cao, còn ít năm thì ngươi mua giá thấp, vì nó bán cho ngươi một số năm thu hoạch. Không ai trong các ngươi được làm thiệt hại người đồng bào, nhưng (các) ngươi phải kính sợ Thiên Chúa của (các) ngươi, vì Ta là Chúa, Thiên Chúa của (các) ngươi. Thiên Chúa bảo đảm về năm sabát".

Mối liên hệ giữa Bài Phúc Âm về ý nghĩ của quận vương Hêrôđê về quyền năng của Chúa Giêsu và Bài Đọc 1 hôm nay về năm thánh 50 năm một lần của dân Do Thái liên quan đến bác ái yêu thương, là ở chỗ Chúa Giêsu là hiện thân sống động của Lòng Thương Xót Chúa, và vì thế sứ vụ của Người đó là công bố Năm Thánh cũng là năm hồng ân của Thiên Chúa (xem Isaia 61:2; Luca 4:19) cho cả nhân loại, không trừ một ai, "nhất là những linh hồn cần đến LTXC hơn" như quận vương Hêrôđê, cùng tất cả mọi tạo vật (xem Marco 16:15; Roma 8:21). 


Bởi thế, trước tình yêu thương của Thiên Chúa, Đấng chẳng những dựng nên tất cả mọi sự, mà còn quan phòng chăm sóc cho những gì Ngài dựng nên, để làm cho chúng được nên thánh hảo theo ý muốn của Ngài, mà con người cần phải có tâm tình như các câu Đáp ca hôm nay: 


1- Nguyện Chúa Trời dủ thương và chúc phúc, xin toả ánh tôn nhan rạng ngời trên chúng con, cho cả hoàn cầu biết đường lối Chúa, và muôn nước biết ơn cứu độ của Ngài.


2- Ước gì muôn nước reo hò mừng rỡ, vì Chúa cai trị cả hoàn cầu theo lẽ công minh, Người cai trị muôn nước theo đường chính trực và lãnh đạo muôn dân trên mặt đất này. 


3- Đất đã sinh ra mùa màng hoa trái: Chúa Trời, Chúa chúng ta, đã ban phúc lộc. Nguyện Chúa Trời ban phúc lộc cho ta! Ước chi toàn cõi đất kính sợ Người!


Ngày 05: Cung hiến đền thờ Ðức Bà cả