SUY NGUYỆN và SỐNG ĐẠO

 

 

Chia Sẻ Phụng Vụ Lời Chúa Tuần XXXIII Thường Niên 
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL



Chúa Nhật


Lời Chúa


Bài Ðọc I: Ml 4, 1-2a

"Các ngươi sẽ được Mặt Trời công chính mọc lên cho".

Trích sách Tiên tri Malakhi.

"Ðây sẽ đến ngày bừng cháy lên như lò lửa: tất cả những kẻ kiêu căng và những người làm tội ác sẽ như rơm rạ, ngày ấy đến sẽ thiêu đốt họ, và không để sót lại cho họ cội rễ ngành chồi gì cả, Chúa các đạo binh phán như vậy. Phần các ngươi là những kẻ kính sợ thánh danh Ta, các ngươi sẽ được Mặt Trời công chính mọc lên cho, mang theo sự cứu chữa trong cánh Người".

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 97, 5-6. 7-8. 9

Ðáp: Chúa ngự tới cai quản chư dân trong đường chính trực (x. c. 9).

Xướng: 1) Hãy ca mừng Chúa với đàn cầm, với cây đàn cầm, với điệu nhạc du dương, cùng với tiếng kèn râm ran, tiếng tù và rúc, hãy hoan hô trước thiên nhan Chúa là Vua. - Ðáp.

2) Biển khơi và muôn vật trong đó hãy rống tiếng lên, cả địa cầu và những dân cư ngụ ở trong cũng thế. Các sông ngòi hãy vỗ tay reo, đồng thời các núi non hãy hân hoan nhảy nhót. - Ðáp.

3) Trước thiên nhan Chúa vì Người ngự tới, vì Người ngự tới cai quản địa cầu. Người cai quản địa cầu với đức công minh, và cai quản chư dân trong đường chính trực. - Ðáp.

 

Bài Ðọc II: 2 Tx 3, 7-12

"Nếu ai không muốn làm việc thì đừng có ăn".

Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Thêxalônica.

Anh em thân mến, chính anh em biết phải noi gương chúng tôi thế nào, bởi vì chúng tôi đã không lười biếng lúc ở giữa anh em, cũng không ăn bám của ai, nhưng chúng tôi làm lụng khó nhọc vất vả đêm ngày, để không trở nên gánh nặng cho người nào trong anh em. Không phải chúng tôi không có quyền, nhưng là để nêu gương cho anh em, để anh em bắt chước chúng tôi. Bởi vì khi chúng tôi còn ở với anh em, chúng tôi đã truyền dạy anh em rằng: "Nếu ai không muốn làm việc, thì đừng có ăn". Vì chúng tôi nghe tin có một số người trong anh em sống nhàn cư, chẳng làm việc gì hết, nhưng lại dây mình vào mọi việc. Ðối với những hạng người đó, chúng tôi mời gọi và khuyến cáo họ trong Chúa Giêsu Kitô, để họ yên hàn làm việc và dùng lương thực mình tìm ra.

Ðó là lời Chúa.

 

Alleluia: Mt 24, 42a và 44

Alleluia, alleluia! - Các con hãy tỉnh thức và sẵn sàng, vì lúc các con không ngờ, Con Người sẽ đến. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Lc 21, 5-19

"Các con cứ bền đỗ, các con sẽ giữ được linh hồn các con".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, có mấy người trầm trồ về đền thờ được trang hoàng bằng đá tốt và những lễ vật quý, nên Chúa Giêsu phán rằng: "Những gì các con nhìn ngắm đây, sau này sẽ đến ngày không còn hòn đá nào nằm trên hòn đá nào mà chẳng bị tàn phá". Bấy giờ các ông hỏi Người rằng: "Thưa Thầy, bao giờ những sự ấy sẽ xảy ra, và cứ dấu nào mà biết những sự đó sắp xảy đến?" Người phán: "Các con hãy ý tứ kẻo bị người ta lừa dối. Vì chưng, sẽ có nhiều kẻ mạo danh Thầy đến mà tự xưng rằng: 'Chính ta đây và thời giờ đã gần đến'. Các con chớ đi theo chúng. Khi các con nghe nói có chiến tranh loạn lạc, các con đừng sợ, vì những sự ấy phải đến trước đã, nhưng chưa phải là hết đời ngay đâu".

Bấy giờ Người phán cùng các ông ấy rằng: "Dân này sẽ nổi dậy chống lại dân kia, và nước này sẽ chống với nước nọ. Sẽ có những cuộc động đất lớn mọi nơi; sẽ có ôn dịch đói khát, những hiện tượng kinh khủng từ trên trời và những điềm lạ cả thể. Nhưng trước những điều đó, người ta sẽ tra tay bắt bớ, ức hiếp và nộp các con đến các hội đường và ngục tù, điệu các con đến trước mặt các vua chúa quan quyền vì danh Thầy; các con sẽ có dịp làm chứng. Vậy các con hãy ghi nhớ điều này trong lòng, là chớ lo trước các con sẽ phải thưa lại thể nào. Vì chính Thầy sẽ ban cho các con miệng lưỡi và sự khôn ngoan, mọi kẻ thù nghịch các con không thể chống lại và bắt bẻ các con. Cha mẹ, anh em, bà con, bạn hữu sẽ nộp các con, và có kẻ trong các con sẽ bị giết chết. Các con sẽ bị mọi người ghét bỏ vì danh Thầy. Nhưng dù một sợi tóc trên đầu các con cũng sẽ chẳng hư mất. Các con cứ bền đỗ, các con sẽ giữ được linh hồn các con".

Ðó là lời Chúa.

 





Suy niệm

 

 





Thứ Hai


Lời Chúa


Bài Ðọc I: (Năm II) Kh 1, 1-4; 2, 1-5a

"Hãy nhớ lại ngươi đã sa sút từ mức nào và hãy hối cải".

Khởi đầu sách Khải Huyền của Thánh Gioan Tông đồ.

Mạc khải của Ðức Giêsu Kitô mà Thiên Chúa đã ban cho Người, để Người tỏ cho các tôi tớ Người các điều sắp xảy ra. Vậy Người đã sai thiên thần loan báo cho tôi tớ người là Gioan, và Gioan làm chứng rằng tất cả những gì ông đã thấy là lời của Thiên Chúa và lời chứng của Ðức Giêsu Kitô. Phúc cho ai đọc và nghe các lời tiên tri này, cùng tuân giữ những điều đã chép trong đó, vì thời giờ đã gần.

Gioan kính gởi bảy Giáo đoàn ở Tiểu Á. Nguyện chúc ân sủng và bình an cho anh em do từ Ðấng đang có, đã có và sẽ đến và do từ bảy thần linh đứng trước ngai của Người.

Tôi nghe Chúa phán bảo tôi: "Hãy viết cho thiên thần Giáo đoàn Êphêxô rằng: 'Ðây là lời của Ðấng cầm bảy ngôi sao trong tay hữu và đi giữa bảy chân đèn bằng vàng. Ta biết việc làm của ngươi nổi bật và lòng kiên nhẫn của ngươi; Ta biết ngươi không thể dung kẻ bất lương; ngươi đã thử thách những kẻ tự cho mình là tông đồ, mà kỳ thực thì không phải, nhưng ngươi đã thấu rõ họ là hạng gian dối. Ngươi có lòng kiên nhẫn, ngươi đã chịu đựng vì danh Ta mà không sờn lòng. Nhưng Ta trách ngươi điều này, là ngươi đã bỏ lòng yêu mến thuở ban đầu. Vậy hãy nhớ lại xem ngươi đã sa sút từ mức nào, hãy ăn năn hối cải và làm lại những việc thuở ban đầu' ".

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 1, 1-2. 3. 4 và 6

Ðáp: Ta sẽ cho kẻ thắng trận ăn trái cây sự sống (Kh 2, 7b).

Xướng: 1) Phúc cho ai không theo mưu toan kẻ gian ác, không đứng trong đường lối những tội nhân, không ngồi chung với những quân nhạo báng, nhưng vui thoả trong lề luật Chúa, và suy ngắm luật Chúa đêm ngày. - Ðáp.

2) Họ như cây trồng bên suối nước, trổ sinh hoa trái đúng mùa: lá cây không bao giờ tàn úa. Tất cả công việc họ làm đều thịnh đạt. - Ðáp.

3) Kẻ gian ác không được như vậy: họ như vỏ trấu bị gió cuốn đi, vì Chúa canh giữ đường người công chính, và đường kẻ gian ác dẫn tới diệt vong. - Ðáp.

 

Alleluia: Lc 16, 31

Alleluia, alleluia! - Các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có thể xứng đáng đứng vững trước mặt Con Người. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Lc 18, 35-43

"Ngươi muốn Ta làm gì cho ngươi? - Lạy Ngài, xin cho tôi được xem thấy".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi Chúa đến gần thành Giêricô, thì có một người mù ngồi ăn xin bên vệ đường. Khi nghe tiếng đám đông đi qua, anh liền hỏi có chuyện gì đó. Người ta nói cho anh biết có Ðức Giêsu Nazareth đang đi qua. Bấy giờ anh liền kêu lên rằng: "Lạy ông Giêsu con vua Ðavít, xin thương xót tôi!" Những người đi trước mắng bảo anh nín đi, nhưng anh lại càng kêu lớn tiếng hơn: "Lạy con vua Ðavít, xin thương xót tôi!" Vậy Chúa Giêsu dừng lại, truyền dẫn anh đến cùng Người. Khi anh đến gần bên Người, Người hỏi anh: "Ngươi muốn Ta làm gì cho ngươi?" Anh thưa: "Lạy Ngài, xin cho tôi được xem thấy". Chúa Giêsu bảo anh: "Hãy nhìn xem, lòng tin của ngươi đã cứu chữa ngươi". Tức khắc anh thấy được và anh đi theo Người, và ca tụng Thiên Chúa. Thấy vậy toàn dân liền ca ngợi Thiên Chúa.

Ðó là lời Chúa.



Suy niệm

 

 

Một vũ điệu thần linh tuyệt vời 


Bài Phúc Âm hôm nay, Thứ Hai Tuần XXXIII Thường Niên, cũng là bài Phúc Âm theo Thánh Marco (10:46-52) được Giáo Hội chọn đọc cho Chúa Nhật XXX Thường Niên Năm B, về phép lạ chữa lành của Chúa Giêsu "cho một người mù ngồi ăn xin bên vệ đường".

Tuy nội dung của 2 bài Phúc Âm này được cả hai Thánh Ký Marco và Luca thuật lại giống nhau, nhưng về chi tiết hơi khác nhau một chút. Chẳng hạn ở những chi tiết rõ ràng sau đây:

Trước hết, về nơi xẩy ra phép lạ Chúa, trong khi Thánh ký Marco thuật lại rằng "Chúa Giêsu ra khỏi thành Giêricô", thì Thánh ký Luca trong bài Phúc Âm hôm nay lại viết rằng "Chúa đến gần thành Giêricô".

Sau nữa, về bản thân của nạn nhân mù lòa ngồi ăn xin bên vệ đường ở thành Giêricô này, trong khi Thánh ký Marco (một vị thánh ký viết Phúc Âm ngắn nhất trong bộ 3 Phúc Âm Nhất Lãm, nhưng lại khá chi tiết về các biến cố xẩy ra) cho biết rõ lý lịch của nạn nhân là "con ông Timê tên là Bartimê", thì Thánh ký Luca lại chẳng nói gì hết.

Còn nữa, về thái độ của người mù ngồi ăn xin bên vệ đường này, trong khi Thánh ký Marco cho biết rõ chi tiết về phản ứng của nạn nhân khi nghe thấy mình được Chúa Giêsu gọi đến là "anh ta liệng áo choàng, đứng dậy, đến cùng Chúa Giêsu", thì Thánh ký Luca lại chỉ vắn tắt viết: "anh đến gần bên Người".

Sau hết, về lời truyền chữa lành của Chúa Giêsu phán cùng nạn nhân, trong khi Thánh ký Marco ghi lại rằng: "Ðược, đức tin của anh đã chữa anh", thì Thánh ký Luca ở đây lại chi tiết hơn Thánh ký Marco một chút như thế này: "Hãy nhìn xem, lòng tin của ngươi đã cứu chữa ngươi".

Ngoài ra, cả hai vị Thánh ký đều giống nhau ở thái độ của nạn nhân là khi nghe biết có Chúa Giêsu ở đấy thì van xin, và càng bị trấn át thì càng la to hơn, cho đến khi được Người gọi đến, và cũng giống nhau ở câu đối đáp giữa Chúa Giêsu và nạn nhân trước khi phép lạ xẩy ra, đó là Chúa Giêsu hỏi nạn nhân muốn Người làm gì cho nạn nhân và nạn nhân đã xin Người phục quang cho mình. 

Ở đây, để thêm vào các suy niệm và suy diễn đã được chia sẻ cho Phụng Vụ Lời Chúa - Tuần XXX Thường Niên Chu Kỳ B, có hai chi tiết khiến chúng ta suy nghĩ không ít:

Chi tiết thứ nhất liên quan đến đấng chữa lành, đó là "Chúa Giêsu dừng lại, truyền dẫn anh đến cùng Người", và chi tiết thứ hai liên quan đến nạn nhân được chữa lành: "anh thấy được và anh đi theo Người, và ca tụng Thiên Chúa".

Thật vậy, đây là quả là một vũ điệu thần linh tuyệt vời. Ở chỗ, tác động thần linh từ Đấng Chữa Lành đã được phản hồi hết sức tương xứng bằng một đáp ứng thần linh từ nạn nhân được chữa lành. 

Nạn nhân trước khi được chữa lành không hề dám tự động quẳng áo choàng đứng lên tiến đến gần Chúa Giêsu khi thoạt tiên vừa nghe thấy Người đến gần chỗ nạn nhân đang ngồi ăn xin, mà chờ đợi cho tới khi được Người gọi tới. Thái độ cứ ngồi yên một chỗ đợi chờ không phải là thái độ không nhiệt tình, mà là một thái độ tin tưởng hơn hết, ở chỗ, một đàng thì kêu la van xin cho bằng được, trong khi lại ngồi yên tại chỗ như thể nạn nhân cảm thấy mình hoàn toàn bất xứng không đáng đến gần Chúa Giêsu, cũng như bất lực không thể nào làm gì được nếu không có Người. 

Đúng thế, tác động thần linh bao giờ cũng đến trước đáp ứng thần linh của thụ tạo, như yếu tố thiết yếu và điều kiện bất khả thiếu để thụ tạo nhờ đó và do đó mới có thể bị động, mới có thể cảm động và mới có thể di động theo tác động thần linh. Bởi thế, chỉ khi nghe thấy Chúa Giêsu truyền gọi, nạn nhân mù lòa ngồi ăn xin bên vệ đường ở thành Giêricô này mới đến được và được đến với Người. 

Thực tế sống đạo cũng cho thấy thực tại nàyở chỗ, những ước muốn tốt lành của chúng ta cũng cần phải được Thiên Chúa tác động trước, hơn là tự chúng ta có được, vì chúng ta theo bản tính tự nhiên đã bị hư đi theo nguyên tội, luôn hướng hạ hơn là hướng thượng. Một khi chấp nhận ước muốn tốt lành bởi tác động thần linh khởi động ấy, chúng ta mới bày tỏ lòng khát vọng của chúng ta bằng lời cầu nguyện, nhờ đó Thiên Chúa được dịp ban cho chúng ta chính những gì Ngài đã muốn ban nên đã soi động chúng ta ước muốn trước khi van xin. 

Cuộc hội ngộ thần linh trong bài Phúc Âm hôm nay đã xẩy ra một cách hết sức ngoạn mục. Ở chỗ, nạn nhân kháo khát được chữa lành, trong khi Thiên Chúa vô cùng nhân hậu đã sẵn muốn chữa lành cho nạn nhân rồi, và chỉ chờ đến giờ của mình là ra tay lập tức, tức là cho đến khi nghe thấy nạn nhân kêu xin mình thì đáp ứng ngay, như thể Đấng Chữa Lành thụ động còn nạn nhân chủ động, như xẩy ra trong trường hợp được bài Phúc Âm hôm nay thuật lại. 

Nạn nhân mù ngồi ăn xin hằng ngày ở thành Giêricô tên Bartimê này, chắc đã lâu lắm rồi, với một thân phận nghèo khổ và tương lai mịt mù như bóng tối hằng che phủ đôi mắt của nạn nhân, có ngờ đâu lại bất ngờ được gặp và gặp được Đấng chữa lành cho mình, và như thế, quả thực cuộc đời của nạn nhân đã được Thiên Chúa sử dụng để tỏ mình Ngài ra, giống hệt như trường hợp của người mù từ lúc mới sinh trong Phúc Âm Thánh ký Gioan (9:3).

Phải chăng cảm nhận được như vậy, nạn nhân diễm phúc này đã không còn thiết gì thế gian này nữa, vì nạn nhân được sáng mắt không phải chỉ thấy được ánh sáng tự nhiên mà nhất là thấy được chính "ánh sáng thế gian" (Gioan 8:12), một thứ ánh sáng thần linh ban sự sống đã chữa lành cho nạn nhân, và vì thế nạn nhân đã "đi theo Người, và ca tụng Thiên Chúa"? 

Bản thân của nạn nhân đã trở thành một cuộc thần hiển cho Thiên Chúa tỏ mình ra, chẳng những cho chính nạn nhân, mà còn cho cả cộng đồng gần xa của nạn nhân nữa. Mục đích của Thiên Chúa ban ơn cho bất cứ một ai không phải chỉ cho riêng người đó mà còn qua người đó cho các người khác nữa. Bao giờ cũng thế. Đó là nguyên tắc và đường lối tỏ mình ra của Ngài. Bởi thế, bài Phúc Âm hôm nay đã kết luận như sau: "Thấy vậy toàn dân liền ca ngợi Thiên Chúa".


Chưa hết, nếu để ý chúng ta còn thấy người mù ăn xin bên vệ đường này phải là một con người có một đời sống nội tâm siêu việt, được bộc lộ ra qua lời van xin của anh ta ngỏ cùng Đấng mà anh ta tin có thể chữa lành cho anh ta: "Lạy ông Giêsu, con Vua Đavít, xin  thương xót tôi" (lần hai cũng thế, tuy không còn lập lại tên Giêsu).


Tại sao anh mù ăn xin này lại kêu lên câu này, một câu nói cho thấy tất cả đức tin chân thực của anh ta vào nhân vật Giêsu Nazarét, một nhân vật lần đầu tiên anh được gặp dù không thấy nhưng vẫn tin, tin hơn cả thành phần lãnh đạo tôn giáo của dân Do Thái và tin hơn cả thành phần thông luật và dạy luật trong dân nữa, nếu không phải là vì anh ta tin rằng nhân vật "Giêsu" ấy chính là Đấng Thiên Sai Cứu Thế, Đấng được sai đến không phải để giải thoát dân Do Thái khỏi quyền lực chính trị như hầu hết dân chúng mong đợi, mà là để giải thoát con người khỏi tội lỗi và sự chết. Và vì sự chết và đau khổ là hậu quả của tội lỗi mà nếu nhân vật "Giêsu" là Đấng Thiên Sai Cứu Thế thì Người có thể cứu anh ta khỏi mù.


Trong câu trả lời của anh ta cho câu hỏi của Chúa Giêsu "anh muốn tôi làm gì cho anh?" rằng "xin cho tôi được thấy" cũng hàm chứa một ước vọng sâu xa của anh ta trong thời gian anh ta bị mù lòa, một thứ mù lòa về thể lý nhưng không thể bịt bùng tâm hồn chiêm niệm tràn đầy ánh sáng siêu nhiên của anh ta. Ước vọng được anh ta bày tỏ qua lời "xin cho tôi được thấy" đó là được thấy "ánh sáng thế gian" (Gioan 8:12) là chính Chúa Giêsu, hơn là chỉ được thấy ánh sáng mặt trời, thấy lại những người thân yêu, thấy lại họ hàng thân hữu v.v. Đó là lý do, vì "xin cho tôi được thấy" "ánh sáng thế gian" mà ngay sau khi được chữa lại, được thấy lại, anh ta đã "đi theo Người và ca tụng Thiên Chúa". 

 

 

Thứ Ba


Lời Chúa


Bài Ðọc I: (Năm II) Kh 3, 1-6. 14-22

"Ai mở cửa cho Ta, Ta sẽ vào dùng bữa tối ở nhà người ấy".

Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan Tông đồ.

Tôi là Gioan, tôi đã nghe Chúa phán bảo tôi rằng: "Hãy viết cho thiên thần Giáo đoàn Sarđê rằng: 'Ðây là lời Ðấng có bảy thần linh Thiên Chúa và bảy ngôi sao: Ta biết các việc của ngươi làm; ngươi có tiếng là đang sống, nhưng ngươi đã chết. Hãy lo tỉnh dậy, hãy bồi dưỡng chút sinh khí sắp tàn. Vì Ta không thấy các việc ngươi làm trọn hảo trước mặt Thiên Chúa Ta. Vậy hãy nhớ lại ngươi đã đón nhận và nghe lời Chúa thế nào, hãy giữ lấy lời ấy và hãy ăn năn hối cải. Vì nếu ngươi không tỉnh thức, Ta sẽ đến với ngươi như một kẻ trộm, ngươi sẽ không biết giờ nào Ta sẽ bất chợt đến cùng ngươi. Nhưng tại Sarđê ngươi có một số người đã không làm dơ bẩn áo của họ; và họ sẽ tháp tùng Ta trong bộ áo trắng của họ vì họ xứng đáng. Như vậy kẻ chiến thắng sẽ mặc áo trắng, và Ta sẽ không xoá bỏ tên người ấy khỏi Sách hằng sống, và Ta sẽ tuyên danh người ấy trước mặt Cha Ta và các thiên thần Người. Ai có tai thì hãy nghe điều Thần linh phán với các giáo đoàn.

"Hãy viết cho giáo đoàn Laođicia rằng: 'Ðây là lời của Amen, chứng nhân trung thực, nguyên thuỷ công trình sáng thế của Thiên Chúa. Ta biết các việc làm của ngươi: ngươi không lạnh mà cũng không nóng; phải chi ngươi lạnh hẳn hoặc nóng hẳn đi! Bởi vì ngươi hâm hẩm, không lạnh không nóng, nên Ta sẽ mửa ngươi ra khỏi miệng Ta. Bởi vì ngươi nói rằng: Tôi giàu có, tôi sung túc, tôi không thiếu thốn gì nữa. Bởi vì ngươi không biết rằng thực ra ngươi vô phúc, đáng thương, nghèo khó, đui mù và trần trụi. Vậy ngươi hãy nghe lời Ta khuyên bảo: Hãy mua vàng ròng mà làm giàu, mua áo trắng tinh mà mặc, hầu che giấu sự trần trụi xấu hổ của ngươi; hãy mua thuốc nhỏ vào mắt, cho mắt ngươi được sáng. Ta răn bảo và sửa dạy những kẻ Ta yêu thương. Vậy hãy sốt sắng hơn lên và hối cải đi. Này Ta đứng ngoài cửa, Ta gõ; nếu ai nghe tiếng Ta mà mở cửa cho Ta, Ta sẽ vào nhà người ấy và dùng bữa tối với nó, và nó sẽ dùng bữa với Ta. Ai chiến thắng, Ta sẽ cho ngồi với Ta trên ngai của Ta, cũng như Ta đã chiến thắng và ngự với Cha Ta trên ngai của Người. Ai có tai thì hãy nghe điều Thần linh phán với các giáo đoàn".

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 14, 2-3ab. 3cd-4ab. 5

Ðáp: Ai chiến thắng, Ta sẽ cho ngồi với Ta trên ngai của Ta (Kh 3, 21).

Xướng: 1) Người sống thanh liêm và thực thi công chính, và trong lòng suy nghĩ điều ngay, và lưỡi không bịa lời vu khống. - Ðáp.

2) Người không làm ác hại bạn đồng liêu, cũng không làm nhục cho ai lân cận. Người coi rẻ đứa bất nhân, nhưng kính yêu những ai tôn sợ Chúa. - Ðáp.

3) Người không xuất tiền đặt nợ thu lời, cũng không ăn hối lộ hại người hiền lương. Người thực thi những điều kể đó, thì muôn đời chẳng có lung lay. - Ðáp.

 

Alleluia: Lc 21, 28

Alleluia, alleluia! - Các con hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên, vì giờ cứu rỗi các con đã gần đến. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Lc 19, 1-10

"Con Người đến tìm kiếm và cứu chữa điều gì đã hư mất".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu vào Giêricô và đi ngang qua thành, thì kìa, có một người tên là Giakêu, ông thủ lãnh những người thu thuế và là người giàu có. Ông tìm cách để nhìn xem Chúa Giêsu là người thế nào, nhưng không thể được, vì người ta đông quá, mà ông lại thấp bé. Vậy ông chạy lên trước, trèo lên một cây sung để nhìn xem Người, vì Người sắp đi ngang qua đó. Khi vừa đến nơi, Chúa Giêsu nhìn lên và trông thấy ông ấy, nên Người bảo ông rằng: "Hỡi Giakêu, hãy xuống mau, vì hôm nay Ta phải lưu lại tại nhà ngươi". Ông vội vàng trụt xuống và vui vẻ đón tiếp Người. Mọi người thấy vậy, liền lẩm bẩm rằng: "Ông này lại đến trọ nhà một người tội lỗi". Ông Giakêu đứng lên thưa cùng Chúa rằng: "Lạy Ngài, tôi xin bố thí nửa phần của cải tôi cho kẻ khó, và nếu tôi có làm thiệt hại cho ai điều gì, tôi xin đền gấp bốn". Chúa Giêsu bảo ông ấy rằng: "Hôm nay nhà này được ơn cứu độ, bởi người này cũng là con cái Abraham. Vì chưng, Con Người đến tìm kiếm và cứu chữa điễu gì đã hư mất".

Ðó là lời Chúa. 





Suy niệm


 

Chẳng còn gì ngoài ơn cứu độ - nhờ một kẽ hở ...

  


Hôm nay, Thứ Ba Tuần XXXIII Thường Niên, Bài Phúc Âm ở đầu đoạn 19 của Thánh ký Luca, tiếp ngay sau Bài Phúc Âm hôm qua ở cuối đoạn 18.

Trong khi ở Bài Phúc Âm hôm qua, cuộc hành trình lên Giêrusalem của Chúa Giêsu mới "đến gần thành Giêricô", thì trong Bài Phúc Âm hôm nay, Thánh ký Luca ghi nhận tiếp về cuộc hành trình này, ở chỗ: "Chúa Giêsu vào Giêricô và đi ngang qua thành".

Cuộc hành trình tiến về Giêrusalem của Người đã khiến Người gặp gỡ một số con người đặc biệt được thuật lại trong Phúc Âm, chẳng hạn trường hợp của người mù ngồi ăn xin ở vệ đường trong Bài Phúc Âm hôm qua, hay vị "thủ lãnh những người thu thuế và là người giàu có" "tên là Giakêu" trong Bài Phúc Âm hôm nay.

Về trường hợp của người mù Batimê trong bài Phúc Âm hôm qua được thuật lại bởi Thánh ký Luca và Marco, nhưng câu chuyện về nhân vật thủ lãnh thu thuế này chỉ có trong Phúc Âm Thánh Luca mà thôi, vì Phúc Âm Thánh ký Luca là Phúc Âm về Lòng Thương Xót Chúa, một Phúc Âm chất chứa những dụ ngôn về Lòng Thương Xót Chúa rất cảm kích không có ở trong bất cứ Phúc Âm nào. 

Chẳng hạn 3 dụ ngôn tiêu biểu nhất sau đây: 1- Dụ Ngôn Người Samaritanô Nhân Hậu (xem Luca 10:25-37); 2- Dụ Ngôn Người Cha Nhân Hậu Với Hai Đứa Con Đáng Thương (xem Luca 15:11:32); 3- Dụ Ngôn Hai Người Lên Đền Thờ Cầu Nguyện (xem Luca 18:9-14) v.v. Cũng chỉ trong Phúc Âm Thánh ký Luca mới có câu: "Các con hãy thương xót như Cha của các con là Đấng thương xót" (Luca 6:36), một Lòng Thương Xót đã được phản ảnh sống động nhất qua lời đầu tiên của Chúa Kitô khổ giá cũng chỉ ở trong Phúc Âm Thánh Luca: "Lạy Cha, xin Cha tha cho họ vì họ lầm không biết việc họ làm" (Luca 23:34).

Chính trong Bài Phúc Âm hôm nay có một câu nói của Chúa Giêsu về Lòng Thương Xót Chúa cũng chỉ có ở trong Phúc Âm Thánh Luca mà thôi, đó là câu: "Con Người đến để tìm kiếm và cứu vớt những gì đã hư vong", điển hình nhất là viên trưởng ban thu thuế Giakêu được Thánh ký Luca thuật lại.

Nhân vật trưởng ban thu thuế Giakêu này thực sự "đã hư vong", tức đã sống một cuộc đời bê bối tội lỗi khi hành nghề thu thuế đầy những mánh khóe gian lận tiền bạc để có thể làm giầu cách bất chính, đã thực sự là thành phần tội nhân, chẳng những trước mặt dân Do Thái mà chính ngay cả bản thân của đương sự cũng phải chân nhận như thế, qua lời hứa hẹn của đương sự sau khi được gặp gỡ Chúa Giêsu: "Lạy Ngài, tôi xin bố thí nửa phần của cải tôi cho kẻ khó, và nếu tôi có làm thiệt hại cho ai điều gì, tôi xin đền gấp bốn".

Nếu Chúa Kitô "đến để tìm kiếm và cứu vớt những gì đã hư hoại" thì Người rất nhậy cảm với những tâm hồn đang sống trong giầu sang phú quí với đầy nhưng băn khoăn khắc khoải không thỏa mãn làm sao ấy, như trường hợp của viên trưởng ban thu thuế Giakêu trong bài Phúc Âm hôm nay, đến độ nhân vật này đã phải sẵn sàng bỏ trạm thu thuế là nơi làm giầu hằng ngày của mình và lánh xa đám nhân viên thu thuế đồng nghiệp cùng gian lận dưới quyền mình, để quyết tâm đón gặp được Người, cho dù chỉ muốn "tìm cách để nhìn xem Chúa Giêsu là người thế nào" thôi, bằng cách "chạy lên trước, trèo lên một cây sung để nhìn xem Người, vì Người sắp đi ngang qua đó". 

Đúng vậy, vì cố ý "tìm kiếm và cứu vớt những gì đã hư hoại" mà Chúa Giêsu đã nhậy cảm đến độ, trong khi hình như không ai trông thấy nhân vật giầu sang phú quí và quyền hành này, đang ẩn nấp ở trên một cái cây bên đường, để một đàng vừa tránh được cái nhìn khinh bỉ của đám đông vẫn giành cho đương sự, đàng khác lại vừa dễ trông thấy Chúa Giêsu đi ngang qua theo lòng ước nguyện. 

Người quả thực đã nhìn thấy đương sự, nhìn thấy tận đáy lòng của đương sự ước muốn gặp Người, cũng như nhìn thấy hành động thiện chí như trẻ con trèo lên cây ẩn nấp trên đó của đương sự, nên Người đã tự động lên tiếng gọi đương sự làm cho đương sự giật nẩy mình lên, chẳng những vì đương sự bất ngờ bị lộ tẩy chân tướng trước mặt đám đông đối phương của đương sự, mà còn vì đương sự cảm thấy vô cùng sung sướng được Người gọi đích danh của mình, mà đương sự tưởng rằng Người không hề hay chưa hề biết đến đương sự bao giờ. 


Có một chi tiết liên quan đến việc gọi đích danh tên của viên trưởng ban thu thuế trong bài Phúc Âm này đó là hình như chỉ có những ai bê bối tội lỗi hay khổ đau mới được Người gọi đích danh mà thôi, còn những ai được Người đặc biệt yêu thương lại không được diễm phúc ấy, chẳng như như Tông Đồ Gioan là "người môn đệ được Chúa Giêsu thương" (Gioan 13:23; 19:26; 20:2; 21:7,20).


Thật vậy, những nhân vật đã từng sống cuộc đời bê bối đã được Chúa Giêsu gọi đích danh như đích danh "Giakêu" trong bài Phúc Âm hôm nay, hay như "Maria" Mai Đệ Liên (Gioan 20:16), một con điếm "đã được Người trừ bảy quỉ" (Marco 16:9), hoặc như "Simon" Phêrô (Gioan 21:15-17) đã từng trắng trợn và phũ phàng chối Người 3 lần, hay như "Saule" (Tông Vụ 9:4; 22:7; 26:14) là kẻ bách hại Người nơi thành phần tín hữu trong thời Giáo Hội sơ khai, hoặc như "Lazarô" là một thây ma đã chết 4 ngày trong mồ (Gioan 11:43).

Ôi tuyệt vời thay Lòng Thương Xót Chúa: "Tôi là vị mục tử nhân lành. Tôi biết các chiên tôi và chiên tôi biết Tôi" (Gioan 10:14). Trong khi tội nhân không hề biết Người, ở chỗ xúc phạm đến Người, thì Người lại biết họ và kêu gọi đích danh họ, vạch mặt chỉ tên họ, chứng tỏ Người hằng theo dõi cuộc đời của họ, và ngồi chờ họ ở những nơi sinh hoạt quen thuộc của họ, như ngồi chờ người đàn bà tội lỗi bên giếng Giacóp (xem Gioan 4:6-9), hay đi đến tận những nơi thầm kín của họ, như trường hợp của viên trưởng ban thu thuế Giakêu trong Bài Phúc Âm hôm nay, để cố ý cứu đương sự khỏi cuộc đời lén lút mờ mịt của đương sự.

Chúa Giêsu đã không nhắc đến tội lỗi của bất cứ tội nhân nào, khi mới gặp họ, dù Người biết rõ tội của họ hơn ai hết, mà chỉ tỏ lòng thương họ để họ nhờ đó có thể ăn năn thống hối thôi. Thậm chí Người không sợ gần gũi với tội nhân xấu xa nhơ nhớp đáng ghê tởm, cho dù có bị chê trách, như Bài Phúc Âm hôm nay cho thấy: "Ông này lại đến trọ nhà một người tội lỗi". Vì họ mới là thành phần "bệnh nhân cần đến thày thuốc" như Người là một Vị Lương Y thần linh toàn năng có thể chữa lành cả hồn lẫn xác của họ (xem Mathêu 9:12)

Việc Người chẳng những tiến vào mà còn ở lại nhà của nhân vật tội lỗi Giakêu: "Hỡi Giakêu, hãy xuống mau, vì hôm nay Ta phải lưu lại tại nhà ngươi", để giao tiếp với thành phần thu thuế tội lỗi như nhân vật này, thật sự là một hiện diện thần linh cứu độ: "Hôm nay nhà này được ơn cứu độ, bởi người này cũng là con cái Abraham. Vì chưng, Con Người đến tìm kiếm và cứu chữa điu gì đã hư mất".

Tác dụng của ơn cứu độ được Chúa Kitô mang đến cho chẳng những riêng nhân vật Giakêu mà còn cho cả "nhà" (gia đình) của đương sự nữa, thậm chí "nhà" đây còn có thể hiểu là bao gồm cả thành phần nhân viên thu thuế thuộc quyền lãnh đạo của đương sự nữa, nhất khi chính họ đích mắt thấy được lòng nhân lành cảm thương tha thứ của Người giành cho vị thủ lãnh của họ. 

Tác dụng xuất phát từ lòng cảm thương ấy của Chúa Giêsu đã biến đổi hẳn bản thân và cuộc đời của một nhân vật tội lỗi, đến độ đương sự chẳng những thật lòng ăn năn thống hối ở chỗ đền bù tội lỗi của mình đối với những ai bị thiệt hại vật chất bởi đương sự gian lận trước đó mà còn giành ra nửa phần gia tài để làm phúc bố thí nữa, nghĩa là kể như trở về tay không để được đổi lấy Nước Trời, lấy ơn cứu độ vô giá, không gì sánh được: "Lạy Ngài, tôi xin bố thí nửa phần của cải tôi cho kẻ khó, và nếu tôi có làm thiệt hại cho ai điều gì, tôi xin đền gấp bốn".

Khi còn sống trong tội lỗi thì bất cứ ai, dù chẳng làm nghề buôn bán hay thu thuế như nhân vật Giakêu trong Bài Phúc Âm hôm nay, cũng sống trong tình trạng gian dối, (tự tội lỗi đã là gian dối), không đúng với sự thật về thân phận thụ tạo làm người trước nhan Thiên Chúa cũng như đối với tha nhân

Bởi đó, hoán cải chính là tác động "đi từ tối tăm ra ánh sáng lạ lùng" (1Phêrô 2:9). Sau cuộc đời sống gian dối bằng hành động gian lận tiền bạc của dân chúng với vai trò thu thuế của mình, nhân vật Giakêu đã bắt đầu sống hoàn lương trong chân lý. Nhưng để được như vậy, Lòng Thương Xót Chúa là chính ơn cứu độ của đương sự tội nhân này chỉ cần lòng của đương sự hé mở dù chỉ một chút xíu chăng nữa, và tính tò mò tự nhiên của đương sự muốn xem nhân vật Giêsu Nazarét là ai chính là kẽ hở cứu độ đó vậy! 

 

 

Thánh Albertô Cả, Giám Mục Tiến Sĩ Hội Thánh

 


Image result for st albert the great symbols

 

Ngày 15: Thánh Albertô cả, giám mục tiến sĩ Hội Thánh

 

Thánh Albertô được gọi là cả vì tài khôn ngoan và thông minh đặc biệt của ngài. Ngài sinh vào khoảng năm 1193 tại Lauingen, một làng nhỏ bên bờ sông Danube miền Souabe, nước Ðức.

Ngài theo học tại đại học Padua. Sau đó xin gia nhập dòng Ða Minh, mặc dầu gia đình ngăn cản. Ngài giữ luật dòng hết sức trung thành và nghiệm nhặt, có lòng sùng kính Mẹ Maria cách riêng, và hăng say phục vụ các linh hồn. Năm 1228, ngài được gửi sang Cologne để học xong chương trình. Sau đó, ngài được mời về làm giáo sư đại học Paris. Ngài là người thầy đã có công tìm hiểu và hướng dẫn thánh Tôma Aquinô, sau này trở nên một vị tiến sĩ thời danh của Giáo Hội.

Ít lâu sau, ngài rời Paris để nhận nhiệm sở khác tại Ðức và tại Rôma. Năm 1260, ngài được gọi làm Giám Mục Ratisbone và chết tại đó năm 1280.

Thánh nhân để lại rất nhiều tác phẩm quý giá về mọi vấn đề, nhất là triết học và thần học. Ngài được tôn phong Hiển Thánh năm 1931 do Ðức Giáo Hoàng Piô XI. Và năm 1942, Ðức Piô XII đã đặt cho ngài danh hiệu Tiến Sĩ Hội Thánh.

 


Thứ Tư


Lời Chúa


 

Bài Ðọc I: (Năm II) Kh 4, 1-11

"Thánh, Chúa là Thiên Chúa toàn năng, Ðấng đã có, hiện có và sẽ đến".

Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan Tông đồ.

Tôi là Gioan, tôi đã thấy: kìa cửa trời mở ra và tiếng tôi đã nghe trước kia nói cùng tôi như tiếng loa rằng: "Hãy lên đây, Ta sẽ cho ngươi thấy điều phải xảy ra sau này". Bỗng tôi xuất thần, và kìa, một ngai đã đặt trên trời, có Ðấng ngự trên ngai, và Ðấng ngự trên ngai rực rỡ như bích ngọc hoặc như hồng thạch; có mống cầu vồng màu lục thạch bao bọc ngai. Chung quanh ngai có hai mươi bốn toà, và trên đó, có hai mươi bốn trưởng lão, mặc áo trắng tinh, đầu đội triều thiên vàng. Từ nơi ngai phát ra những tia chớp, tiếng nói và tiếng sấm; lại có bảy cây đèn cháy trước ngai, đó là bảy Thần linh của Thiên Chúa. Phía trước ngai coi như có biển trong ngần như pha lê.

Còn chính giữa và chung quanh ngai có bốn con vật, đàng trước đàng sau chỗ nào cũng có mắt: Con vật thứ nhất giống như sư tử; con vật thứ hai giống như con bò; con thứ ba có dung mạo như mặt người; con thứ tư như chim phượng hoàng đang bay. Bốn con vật ấy con nào cũng có sáu cánh quanh mình, và trong mình đầy những mắt, ngày đêm không ngớt tung hô:

"Thánh, Thánh, Thánh! Chúa là Thiên Chúa toàn năng, Ðấng đã có, hiện có, và sẽ đến".

Và mỗi lần bốn con vật tôn vinh, chúc tụng và cảm tạ Ðấng ngự trên ngai, là Ðấng hằng sống muôn đời, thì hai mươi bốn trưởng lão phủ phục trước Ðấng ngự trên ngai và thờ lạy Ðấng hằng sống muôn đời; họ gỡ triều thiên của họ mà đặt trước ngai và tung hô rằng: "Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, Chúa đáng được vinh quang, danh dự và quyền năng, vì chính Chúa đã tạo thành vạn vật, chính do ý Chúa mà muôn vật mới có và được tạo thành".

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 150, 1-2. 3-4. 5-6

Ðáp: Thánh, thánh, thánh! Chúa là Thiên Chúa toàn năng (Kh 4, 8b).

Xướng: 1) Hãy ngợi khen Chúa trong Thánh đài của Chúa, ngợi khen Chúa nơi thanh không cao cả của Người. Hãy ngợi khen Người vì những kỳ công vĩ đại, ngợi khen Người bởi sự Người tuyệt đối oai nghiêm. - Ðáp.

2) Hãy ngợi khen Người với tiếng kèn rầm rộ, ngợi khen Người với cây đàn sắt đàn cầm. Hãy ngợi khen Người với trống rung và ca vũ, ngợi khen Người với tiếng tơ đàn, với ống tiêu. - Ðáp.

3) Hãy ngợi khen Người với âm vang não bạt, ngợi khen Người với tiếng rền rĩ mã la. Phàm vật chi có hơi thở, hãy ngợi khen Thiên Chúa. - Ðáp.

 

Alleluia: Tv 110, 8ab

Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, mọi gới răn Chúa được lập ra cho tới muôn đời. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Lc 19 11-28

"Sao ngươi không gửi bạc Ta ở ngân hàng".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán thêm một dụ ngôn nữa, vì Người đã đến gần Giêrusalem, mà dân chúng lại cứ tưởng là Nước Thiên Chúa sắp xuất hiện trong giây lát. Vậy Người phán rằng:

"Có người quý tộc kia đi phương xa để được phong vương rồi trở về. Ông cho gọi mười người tôi tớ đến, giao cho họ mười nén bạc và dặn rằng: "Hãy làm lợi cho đến khi ta trở về". Nhưng các người dân của ông ấy ghét ông, sai người đi theo mà rằng: "Chúng tôi không muốn ông ấy làm vua chúng tôi". Ðược phong vương rồi ông trở về, cho gọi các tôi tớ mà trước kia ông đã giao tiền cho, để biết mỗi người đã làm lợi được bao nhiêu.

"Người thứ nhất đến và thưa: "Tâu vua, nén bạc của vua đã sinh lợi được mười nén". Nhà vua bảo: "Ðược, hỡi người tôi tớ tốt lành, ngươi đã trung tín trong điều nhỏ mọn, ngươi sẽ được quyền cai trị mười thành". Người thứ hai đến thưa: "Tâu vua, nén bạc của vua đã sinh lợi được năm nén". Nhà vua đáp: "Ngươi cũng vậy, hãy cai quản năm thành".

"Người thứ ba đến thưa: "Tâu vua, đây nén bạc của vua, tôi còn giữ trong khăn, vì tôi sợ ngài: ngài là người hà khắc, và lấy cái ngài không gửi, gặt cái ngài không gieo". Vua phán rằng: "Hỡi đầy tớ bất lương, ta cứ lời ngươi mà xử ngươi. Ngươi đã biết ta là người hà khắc, lấy cái ta không gửi, gặt cái ta không gieo, sao ngươi không gửi bạc ta ở ngân hàng, để rồi khi ta trở về, ta có thể lấy cả vốn lẫn lời".

"Vua liền bảo những người đứng đó rằng: "Hãy lấy nén bạc của nó mà trao cho người đã có mười nén". Họ tâu rằng: "Tâu vua, người ấy đã có mười nén rồi". Vua đáp: "Ta nói cùng các ngươi: Ai có sẽ cho thêm, và người đó sẽ được dư dật; còn ai không có, người ta sẽ lấy đi cả cái nó đang có. Còn những kẻ nghịch cùng ta, không muốn ta làm vua, hãy đem chúng ra đây và giết chúng trước mặt ta". Nói thế rồi Chúa liền dẫn họ lên Giêrusalem.

Ðó là lời Chúa.

 



Suy niệm

 

 

Đã có được cho thêm là để dự trữ mà bù đắp...  

 

 

Bài Phúc Âm hôm nay, Thứ Tư Tuần XXXIII Thường Niên, tiếp theo ngay sau bài Phúc Âm hôm qua. Một chi tiết cho thấy điều đó, chẳng cần theo dõi kỹ về đoạn và câu của 2 bài Phúc Âm, đó là chi tiết liên quan đến địa điểm của cuộc hành trình Giêrusalem của Chúa Giêsu.

Thật vậy, trong bài Phúc Âm hôm qua, nếu "Chúa Giêsu vào Giêricô và đi ngang qua thành" thì trong Bài Phúc Âm hôm nay, "Người đã đến gần Giêrusalem", và chính "" thế, Phúc Âm hôm nay cho biết tiếp, "mà dân chúng lại cứ tưởng là Nước Thiên Chúa sắp xuất hiện trong giây lát". 

Bởi thế, Thánh ký Luca ghi nhận rằng: "Chúa Giêsu phán thêm một dụ ngôn nữa", một dụ ngôn chẳng những trực tiếp liên quan đến cuộc hành trình Giêurusalem của Người bấy giờ, mà còn liên quan đến "Nước Thiên Chúa", một thực tại thần linh đã từng được Người sử dụng nhiều hình ảnh khác nhau để sánh ví trước đó nay Người muốn nói "thêm... nữa" vào lúc Người gần tới Thành Giêrusalem: "Nói thế rồi Chúa liền dẫn họ lên Giêrusalem". Và dụ ngôn ấy được Phúc Âm hôm nay cho biết đã bắt đầu như thế này:

"Có người quý tộc kia đi phương xa để được phong vương rồi trở về. Ông cho gọi mười người tôi tớ đến, giao cho họ mười nén bạc và dặn rằng: 'Hãy làm lợi cho đến khi ta trở về'. Nhưng các người dân của ông ấy ghét ông, sai người đi theo mà rằng: 'Chúng tôi không muốn ông ấy làm vua chúng tôi'. Ðược phong vương rồi ông trở về, cho gọi các tôi tớ mà trước kia ông đã giao tiền cho, để biết mỗi người đã làm lợi được bao nhiêu".

Trước hết, "người quý tộc kia đi phương xa để được phong vương rồi trở về" đây phải chăng ám chỉ chính Chúa Kitô, Con Thiên Chúa ("quí tộc"), từ trời xuống trần gian ("đi phương xa") để hoàn tất công cuộc cứu chuộc trần gian của mình, ở chỗ được "treo lên" (Gioan 8:28) trên ngai tòa Thánh Giá (như "được phong vương", nhưng sau đó người đã tự mình sống lại ("rồi trở về").


Ý nghĩa "đi phương xa" cũng có thể hiểu có liên hệ mật thiết với lời tiên báo của Chúa Giêsu với các môn đệ của Người trong Bữa Tiệc Ly về việc Người ra đi đến một nơi mà các môn đệ của Người không thể tới được và chẳng biết là ở chỗ nào để theo như tông đồ Toma cảm nhận (xem Gioan 14:5): "Thày chẳng còn ở với các con bao lâu nữa. Các con sẽ tìm kiếm Thày... Nơi Thày đi các con không thể nào tới được" (Gioan 13:33).

Trước khi lên đường "đi phương xa để được phong vương rồi trở về" như thế, "ông cho gọi mười người tôi tớ đến, giao cho họ mười nén bạc và dặn rằng: 'Hãy làm lợi cho đến khi ta trở về'", phải chăng ở đây Chúa Giêsu muốn ám chỉ đến Bữa Tiệc Ly là lúc Chúa Giêsu đã trao cho các vị, một điều bao gồm cả 10 điều răn Cựu Ước (ám chỉ "10 nén bạc") đó là "giới răn mới" (Gioan 13:34), ở chỗ các vị phải "yêu thương nhau như Thày đã yêu thương các con. Tất cả mọi người sẽ dấu ấy mà nhận biết các con là môn đệ của Thày" (Gioan 13:34-35).

Thế nhưng, việc Chúa Kitô hành trình lên Giêrusalem để hoàn tất sứ vụ cứu độ trần gian của Người như một ông vua như thế không được lòng "dân của" Người là dân Do Thái vốn "ghét" Người nên họ đã ra mặt công khai chống đối: "Chúng tôi không muốn ông ấy làm vua chúng tôi", bằng cách sát hại Người. Không ngờ, việc họ tự do sát hại Người một cách độc dữ tàn bạo chưa từng thấy lại giúp cho Người "được phong vương" - "Giêsu Vua Dân Do Thái" (Luca 23:38), Đấng "được toàn quyền trên trời dưới đất" (Mathêu 28:18).

"Ðược phong vương rồi ông trở về, cho gọi các tôi tớ mà trước kia ông đã giao tiền cho, để biết mỗi người đã làm lợi được bao nhiêu". Đúng thế, khi "trở về" vào lúc quang lâm tái giáng của mình trong ngày sau hết, Chúa Kitô sẽ tính sổ sách về nén bạc được Người trao phó cho thành phần đầy tớ của Người thuộc hàng ngũ lãnh đạo đàn chiên của Người, từ các vị tông đồ đến thành phần thừa kế các vị trong hàng giáo phẩm (bao gồm cả giáo sĩ) dọc suốt giòng lịch sử của Giáo Hội Người thiết lập.


Nén bạc đó đối với thành phần đầy tớ của Chúa Kitô (nếu hiểu về các vị chủ chiên trong hàng giáo phẩm và giáo sĩ) quả thực là đức bác ái, như chính Người đã hỏi tông đồ Phêrô 3 lần có yêu mến Người hay chăng để Người trao phó các chiên của Người cho ngài cũng như cho các vị thừa kế ngài cùng tông đồ đoàn là các vị giáo hoàng và giám mục sau này trong Giáo Hội. Và quả thực, chính vì nén bạc đó là đức bác ái yêu thương phục vụ mà Người đã căn cứ vào đức bác ái này mà phán xét cùng thưởng phạt vậy (xem Mathêu 25:31-46).

Vấn đề ở đây là "người quí tộc" trong dụ ngôn đã trao cho 10 người đầy tớ của mình 10 nén bạc, nghĩa là mỗi người một nén bạc chứ không phải mỗi người 10 nén bạc, ám chỉ 10 điều răn, nhưng được tóm lại thành "một nén bạc" là "giới răn mới" được Chúa Kitô truyền lại cho các tông đồ. Vậy "10 người đầy tớ" đây là ai, nếu không phải ở trong Bữa Tiệc Ly bấy giờ là lúc các môn đệ được Chúa Kitô trao cho nén bạc "giới răn mới" có thể hiểu là ám chỉ 10 vị trong số 12, vì tông đồ Giuđa bấy giờ đã bỏ đi bàn việc nộp Người (xem Gioan 13:30), và Tông Đồ Gioan không kể vì vị tông đồ này tự bản chất và sứ vụ vốn gắn liền với "giới răn mới" qua cử chỉ dựa vào ngực Chúa Kitô (xem Gioan 13:23).


Tuy nhiên việc sinh lợi nén bạc lại tùy theo trình độ khả năng và mức độ nỗ lực của mỗi người đầy tớ nữa. Bởi thế, trong 3 loại người đầy tớ tiêu biểu được chủ gọi đến trình bày trách nhiệm nén bạc của mình, có người sinh lợi được gấp 10 lần, nhưng cũng có người chỉ sinh lợi được gấp 5 thôi, như dụ ngôn của Bài Phúc Âm cho thấy. 

Ở đây có thể hiểu nén bạc "giới răn mới" là "yêu nhau như Thày" nơi từng người đầy tớ sinh lợi nhiều như gấp 10, hay sinh lợi vừa như gấp 5, chẳng những tùy ở ơn gọi hay bậc sống của Kitô hữu, giáo dân hay giáo sĩ, mà còn tùy ở mức độ nên một với Chúa Kitô nữa, ở chỗ, càng hiệp nhất với Người thì Người càng yêu thương tha nhân như chính Người đã yêu họ, nghĩa là họ càng phản ảnh Chúa Kitô một cách trung thực nhất và sống động nhất, gấp 10 lần, hơn gấp 5 lần

Trong số thành phần đầy tớ cũng không thể thoát được có một thiểu số nào đó không đáp ứng trách nhiệm nén bạc được trao phó, ở chỗ sống vị kỷ, hưởng thụ hơn phục vụ, không phản ảnh bản chất đức ái trọn hảo của mình như "ánh sáng thế gian" (Mathêu 5:14) chiếu tỏa Chúa Kitô " ánh sáng thế gian" (Gioan 8:12). 

Nếu họ cảm thấy "giới răn mới" là "yêu nhau như Thày yêu" là một lý tưởng quá siêu việt họ không thể nào với tới như lòng mong ước của chủ mình, nhất là như gương của chủ mình trong việc "được phong vương" trên Thánh Giá của chủ: "hiến mạng sống mình làm giá chuộc nhiều người" (Mathêu 20:28), thì ít nhất họ vẫn có thể sinh lợi nén bạc bác ái được trao cho họ, bằng cách gửi vào "nhà băng" thần linh, ở chỗ tin tưởng (trust) ký thác (deposit) vào Lòng Thương Xót Chúa, để chính Người bù đắp những yếu hèn bất lực thiếu sót của họ, nhờ đó Người "có thể lấy cả vốn lẫn lời" từ họ, như từ tên tử tội bị đóng đanh bên phải Người trên Đồi Canvê xưa (xem Luca 23:40-43)

Ở cuối dụ ngôn trong bài Phúc Âm hôm nay còn một chi tiết rất hay nữa, đó là "Ai có sẽ cho thêm, và người đó sẽ được dư dật; còn ai không có, người ta sẽ lấy đi cả cái nó đang có", điển hình là người đầy tớ sinh lợi 10 nén nhiều nhất lại được thêm nén bạc của "người đầy tớ bất lương". 

Đúng thế, trong đời sống thiêng liêng cũng vậy, những tâm hồn thánh thiện (chứ không phải chỉ ở tầm mức đạo đức thôi) thường được thêm nhiều ơn Chúa ban, những ơn mà tội nhân vì yếu đuối và mù quáng đánh mất, nhưng không phải để người đã có hoan hưởng một mình, trái lại, là để bù đắp cho chính tội nhân đã đánh mất đi ân sủng của họ được Chúa ban, nhờ đó chính tội nhân cũng được cứu độ. Ôi Lòng Thương Xót Chúa vô cùng khôn ngoan và tìm hết cách để cứu độ con người, cứu độ từng người. 

 

 

Ngày 16: 1. Thánh Margarita Scotia, hoàng hậu


Thánh Margarita thuộc hoàng tộc Anh quốc, ngài sinh năm 1046 tại Hung Gia Lợi khi thân phụ đang bị lưu đày ở đấy. Margarita sống một đời niên thiếu đạo đức thánh thiện. Vì tình hình chính trị, gia đình ngài phải di cư sang miền Écosse. Trong chuyến đi này, cha ngài từ trần, phủ lên gia đình ngài tấm khăn tang chua xót.

Tại Écosse, gia đình ngài được triều đình và dân bản xứ đón tiếp nồng hậu cùng sự giúp đỡ tận tình. Ngài được vua Écosse là Malcolm III ngỏ lời cầu hôn năm 1067. 

Với tước hiệu Hoàng hậu, ngài làm gương và hướng dẫn dân chúng đi vào con đường ánh sáng và cộng tác trong việc giáo dục quần chúng theo tinh thần Phúc Âm.

Ðiểm nổi bật nơi thánh nữ là đời sống nội tâm phong phú và đức bác ái dồi dào. Ngài thường rời triều đình để đến những xóm lao động thăm hỏi, giúp đỡ dân chúng nghèo túng. Ngài cũng dành nhiều thời giờ cho việc cầu nguyện và lãnh nhận các phép bí tích.

Dù bận rộn với những công tác xã hội, ngài vẫn không xao lãng bổn phận làm vợ, làm mẹ trong gia đình. Ngài để tâm trí vào việc săn sóc chồng và dạy dỗ con cái.

Ðể thưởng công nhân đức của thánh nữ, Chúa cho người được nhiều ơn đặc biệt như biết trước việc chưa xảy đến. Thánh nữ qua đời ngày 16/11/1903 và được Ðức Giáo Hoàng Innocentê IV phong Hiển Thánh năm 1250.





     2. Thánh Gertruđê, đồng trinh

 

Thánh Gertruđê sinh ngày 06/01/1256 tại Eisleben miền Saxe nước Ðức. Ngay từ nhỏ đã xin nhập dòng Xitô. Tại đây, ngài đã sống một cuộc đời khổ hạnh giản dị nhưng luôn bình thản, thánh thiện. Sức khỏe của ngài có phần yếu kém nên thường được miễn tham dự những giờ kinh chung. Sẵn tinh thần hiếu học, Gertruđê tiến rất mau trên đường học vấn và đặc biệt có khiếu về văn chương.

Ngày 27/01/1281, Chúa Giêsu đã hiện ra với thánh nữ lần đầu tiên và mạc khải cho thánh nữ nhiều điều về tình yêu và ân sủng Chúa.

Ngài luôn luôn sống kết hợp mật thiết với Chúa và được Chúa ban ơn xuất thần nhiều lần để chiêm ngưỡng thánh tâm Ngài.

Ngài có một lòng mến thánh sử và sự thương khó Chúa cách đặc biệt. Ngài qua đời năm 1302 sau một cơn bệnh trầm trọng.

            

 


Thứ Năm


Lời Chúa


 

Bài Ðọc I: (Năm II) Kh 5, 1-10

"Chiên con đã bị sát tế và đã lấy máu mình mà cứu chuộc chúng tôi thuộc mọi nước".

Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan Tông đồ.

Tôi là Gioan, tôi đã thấy nơi tay hữu Ðấng ngự trên ngai một cuốn sách viết cả trong lẫn ngoài, có ấn niêm phong. Và tôi thấy một thiên thần hùng dũng lớn tiếng tuyên bố rằng: "Ai xứng đáng mở sách và tháo ấn?" Nhưng cả trên trời, dưới đất và trong lòng đất không ai có thể mở và đọc sách ấy. Tôi khóc lớn tiếng vì chẳng có ai xứng đáng mở và đọc sách ấy. Rồi một trong các trưởng lão nói với tôi rằng: "Thôi đừng khóc nữa, này đây sư tử của chi tộc Giuđa, dòng dõi của Ðavít đã toàn thắng, chính Người sẽ mở sách và tháo bảy ấn niêm phong".

Tôi đây cũng trông thấy khoảng giữa ngai và bốn con vật cùng các trưởng lão, có một Chiên Con đang đứng như đã bị sát tế, có bảy sừng và bảy mắt: tức là bảy thần linh của Thiên Chúa được sai đi khắp địa cầu. Chiên Con tiến đến lấy cuốn sách nơi tay hữu Ðấng ngự trên ngai. Khi Chiên Con vừa cầm sách, thì bốn con vật phủ phục trước Chiên Con, cả hai mươi bốn trưởng lão cũng làm như thế, mỗi người mang đàn huyền cầm và chén vàng đầy hương thơm, tức là lời cầu nguyện của các thánh. Họ hát một bài ca mới rằng:

"Lạy Ngài, Ngài đáng lãnh sách và tháo ấn, vì Ngài đã chịu chết và đã lấy máu Ngài mà cứu chuộc chúng con thuộc mọi chi tộc, mọi ngôn ngữ, mọi dân và mọi nước, về cho Thiên Chúa. Ngài đã làm chúng con trở thành vương quốc và tư tế cho Thiên Chúa; và chúng con sẽ được cai trị địa cầu".

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 149, 1-2. 3-4. 5-6a và 9b

Ðáp: Ngài đã làm cho chúng tôi trở thành vương quốc và tư tế cho Thiên Chúa (Kh 5, 10).

Xướng: 1) Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới; hãy vang lên lời khen ngợi trong công hội các tín đồ. Israel hãy mừng vui vì Ðấng tạo tác bản thân; con cái Sion hãy hân hoan vì vua của họ. - Ðáp.

2) Họ hãy hoà nhạc để ngợi khen Người; hãy hát mừng Người với cây đàn cầm, với trống con: bởi vì Chúa yêu thương dân Người, và ban cho kẻ khiêm nhường chiến thắng vẻ vang. - Ðáp.

3) Các tín đồ hãy mừng rỡ trong vinh quang, hãy hoan hỉ trong những nơi khu phố. Miệng họ hãy reo lên lời hoan hô Thiên Chúa. Ðó là vinh quang cho mọi tín đồ của Chúa. - Ðáp.

 

Alleluia: x. Cv 16, 14b

Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin hãy mở lòng chúng con, để chúng con nghe lời Con Chúa. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Lc 19, 41-44

"Chớ chi ngươi hiểu biết sứ điệp mang hoà bình lại cho ngươi".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu đến gần Giêrusalem, trông thấy thành thì Người khóc thương thành ấy mà rằng: "Chớ chi hôm nay ngươi hiểu biết sứ điệp mang hoà bình lại cho ngươi! Nhưng giờ đây, sứ điệp ấy bị che khuất khỏi mắt ngươi. Vì sẽ đến ngày quân thù đắp luỹ bao vây ngươi, xiết chặt ngươi tứ bề. Chúng sẽ tàn phá ngươi bình địa, ngươi cùng con cái ở trong thành. Chúng sẽ không để lại hòn đá nào trên hòn đá nào, vì ngươi đã không nhận biết giờ ngươi được thăm viếng".

Ðó là lời Chúa.

 

 



Suy niệm


 

 

Những giọt châu lệ của một Tình Yêu Thương Xót quá thống khổ



Hôm nay, Thứ Năm Tuần XXXIII Thường Niên, bài Phúc Âm tiếp tục thuật lại hành trình lên Giêrusalem của Chúa Kitô, ở chỗ, sau khi "Người đã gần đến Giêrusalem - he was near Jerusalemđược Thánh ký Luca ghi lại trong Bài Phúc Âm hôm qua, thì bài Phúc Âm hôm nay cho biết "Chúa Giêsu đến gần Giêrusalem - coming within in sight of the city".

Thật ra giữa bài Phúc Âm hôm qua và bài Phúc Âm hôm nay cách nhau một khúc phúc âm không thích hợp vào thời điểm của Mùa Thường Niên Tuần XXXIII này, đó là khúc phúc âm về biến cố Chúa Giêsu vinh hiển tiến vào Thành Thánh Giêrusalem, một khúc phúc âm đã được Giáo Hội chọn đọc cho Chúa Nhật Lễ Lá, ở phần nghi thức rước lá trước lễ. 

Và tầm mức gần Thành Giêrusalem của Chúa Giêsu đến độ mắt của Người có thể trông thấy được toàn cảnh của thành này, và vì trông thấy thành Giêrusalem như thế mà Người đã thổn thức khóc, như Phúc Âm thuật lại như sau:

"Trông thấy thành thì Người khóc thương thành ấy mà rằng: 'Chớ chi hôm nay ngươi hiểu biết sứ điệp mang hoà bình lại cho ngươi! Nhưng giờ đây, sứ điệp ấy bị che khuất khỏi mắt ngươi. Vì sẽ đến ngày quân thù đắp lũy bao vây ngươi, xiết chặt ngươi tứ bề. Chúng sẽ tàn phá ngươi bình địa, ngươi cùng con cái ở trong thành. Chúng sẽ không để lại hòn đá nào trên hòn đá nào, vì ngươi đã không nhận biết giờ ngươi được thăm viếng".

Đây là lần thứ hai Chúa Giêsu khóc được Phúc Âm thuật lại; lần thứ nhất xẩy ra vào lúc trước khi Người hồi sinh Lazarô (xem Gioan 11:35). Vậy tại sao Người lại khóc khi thấy thành thánh Giêrusalem này, nếu không phải lý do ở ngay những lời Người nói với thành thánh ấy: phải chăng chính là vì thành thánh có đền thánh là nơi Thiên Chúa Cha của Người ngự này sẽ bị quân thù phá tan tành thành bình địa "không hòn đá nào trên hòn đá nào", hay là vì "ngươi đã không nhận biết giờ ngươi được thăm viếng" nên sẽ bị nông nỗi kinh hoàng khủng khiếp chưa từng thấy ấy?

Chúa Kitô khóc lần thứ nhất trước ngôi mộ của Lazarô đã chết đến xông mùi sau 4 ngày (xem Gioan 11:39) không phải vì Lazarô là người bạn thân của Người đã chết sắp được Người hồi sinh, cho bằng vì Người thấy trước có một số môn đệ của Người sẽ bị vĩnh viễn hư đi trong mộ tử thần không bao giờ chỗi dậy được nữa, cho dù có nghe được tiếng Người gọi, hay hoàn toàn không còn nghe được tiếng Người nữa. 

Bởi vậy, lần khóc thứ hai này của Người trước hình ảnh của một thành thánh Giêrusalem nguy nga đồ sộ sẽ bị tàn phá liên quan đến hình ảnh về một Giáo Hội của Người cũng sẽ có ngày bị "các đạo quân Gog và Magog" đông vô kể công hãm, như Sách Khải Huyền đã tiên báo (20:9), khiến cho một số chi thể của Người bị tử thương muôn đời về phần rỗi vô cùng tiếc xót của họ! 


Nếu biết được Thiên Chúa yêu thương loài người đến đâu thì mới cảm được sự kiện khóc thương này của Chúa Giêsu, như thể Người tiếc thương chẳng những cho các linh hồn bất tử vô cùng quí giá bị hư đi mà còn khóc thương cho chính Tình Yêu Vô Cùng Nhân Hậu đầy Khôn Ngoan và Toàn Năng của Thiên Chúa, một tình yêu đã yêu thương loài người "đến cùng" (Gioan 13:1), không còn thể nào yêu hơn được nữa, không còn cách nào để yêu họ hơn được nữa, đã chẳng những trở nên vô ích và thành đồ bỏ đối với những linh hồn hư đi ấy, mà còn trở thành án phạt đời đời cho họ nữa.


Phải chăng những giọt nước mắt không thể cầm được nơi Chúa Kitô phần nào diễn tả tất cả nỗi xót xa đớn đau của một Vị Thiên Chúa Toàn Thiện và Toàn Ái trước thân phận hư đi của một số linh hồn bất hạnh được Ngài yêu thương dựng nên theo hình ảnh và tương tự như Ngài để nhờ đó họ có thể hiệp thông thần linh với Ngài?


Phải chăng những giọt nước mắt ngọc ngà chảy ra từ đôi mắt vô cùng từ bi nhân hậu của Vị Thiên Chúa hóa thân làm người Giêsu Nazarét ấy mới là một chút dạo khúc mở đầu cho nỗi thống khổ sẽ lên tới tột cùng ở Vườn Cây Dầu khi Vị Thiên Chúa làm người này toát mồ hôi máu ra nhỏ xuống đất (xem Luca 22:44), hình ảnh báo trước cuộc tử nạn vô cùng đau thương của Đấng cho dù đã chết vẫn chưa được dung tha, vẫn còn bị một lưỡi đòng phũ phàng oan nghiệt đâm thâu qua làm cho "máu và nước chảy ra" (Gioan 19:34)?


Ôi LTXC!




Ngày 17: Thánh Elisabeth nước Hung Gia Lợi, nữ tu

 

Elisabeth sinh năm 1207 trong một cung điện vua André đệ nhị nước Hung Gia Lợi. Tuy còn ít tuổi, nhưng lòng đạo đức của Elisabeth đã làm nhiều người phải chú ý. Dù ở trong cung điện nguy nga nhưng ngài chỉ muốn sống một cuộc đời giản dị và giàu lòng thương người. Lớn lên, ngài kết bạn với hoàng tử Louis nước Ðức. Thánh nữ luôn bắt chước gương khiêm tốn của Ðức Mẹ và sống cuộc sống nghiệm nhặt của các vị tu hành.

Sau khi vua cha băng hà, hoàng tử Louis lên thế ngôi, thánh nữ đã xin với tân vương cho cất một bệnh viện ngay tại cạnh hoàng cung để có dịp thường xuyên săn sóc các bệnh nhân. Ngài rất quảng đại trong việc chăm sóc các cô nhi và những người nghèo khó. Nhưng cuộc đời ngài cũng không thiếu những thử thách: khi vua Luois tử trận năm 1227 trong cuộc thánh chiến thì người em là Henri lên kế vị. Ông này đã trục xuất thánh nữ cùng với các hoàng tử ra khỏi hoàng cung vì sợ sau này mình sẽ mất ngôi. Bơ vơ không tìm được chỗ nương thân, ngài đã phải tạm trú trong một chuồng ngựa và còn phải đi ăn xin để nuôi bốn người con. Trong hoàn cảnh đắng cay này, ngài đã vui lòng chấp nhận để được nên giống như Chúa xưa.

Khi đoàn quân viễn chinh trở về, họ đã bắt buộc Henri phải trả lại ngai vàng cho người cháu, nên thánh nữ đưa các con trở lại hoàng cung. Ít lâu sau, ngài ẩn tu trong nơi hẻo lánh, sống cuộc đời âm thầm cầu nguyện trong tinh thần nghèo khó của dòng Phanxicô. Ngài an nghỉ trong Chúa năm 1231. Năm 1235, Ðức Giáo Hoàng Grêgoriô IX đã phong ngài lên bậc Hiển Thánh.




 

 

 


Thứ Sáu


Lời Chúa

 

Bài Ðọc I: (Năm II) Kh 10, 8-11

"Tôi cầm lấy cuốn sách mà nuốt".

Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan Tông đồ.

Tôi là Gioan, tôi đã nghe có tiếng từ trời phán cùng tôi rằng: "Ngươi hãy đi lấy cuốn sách mở sẵn trên tay thiên thần đứng trên biển và trên đất". Tôi liền đến xin thiên thần trao cho tôi cuốn sách ấy và người nói với tôi: "Ngươi hãy cầm lấy sách mà nuốt đi; nó sẽ làm cho ruột gan ngươi đầy cay đắng, nhưng miệng ngươi lại cảm thấy ngọt ngào như mật". Tôi cầm lấy cuốn sách từ tay thiên thần mà nuốt; miệng tôi cảm thấy ngọt ngào như mật, nhưng khi tôi đã nuốt rồi thì nó làm cho ruột gan tôi đầy cay đắng. Bấy giờ tiếng lại phán cùng tôi rằng: "Ngươi còn phải nói tiên tri cho nhiều dân, nhiều nước, nhiều ngôn ngữ và nhiều vua chúa nữa".

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 118, 14. 24. 72. 103. 111. 131

Ðáp: Những lời sấm của Chúa ngon ngọt thay cho cổ họng con (c. 103a).

Xướng: 1) Con vui vì đường lối lời Ngài nghiêm huấn, dường như được mọi thứ giàu sang. - Ðáp.

2) Vì lời nghiêm huấn của Ngài là điều con ưa thích, các thánh chỉ Ngài là những bậc cố vấn của con. - Ðáp.

3) Ðối với con, luật pháp do miệng Chúa đáng chuộng hơn vàng bạc châu báu muôn ngàn. - Ðáp.

4) Những lời sấm của Ngài ngon ngọt thay cho cổ họng con, ngọt hơn cả mật ong đổ miệng con. - Ðáp.

5) Lời Ngài nghiêm huấn là sản nghiệp của con muôn đời, vì những điều đó khiến cho lòng con hoan hỉ. - Ðáp.

6) Con há miệng để hút nguồn sinh khí, vì con ham muốn những chỉ thị của Ngài. - Ðáp.

 

Alleluia: Tv 118, 34

Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin giáo huấn con, để con tuân cứ luật pháp của Chúa, và để con hết lòng vâng theo luật đó. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Lc 19, 45-48

"Các ngươi đã biến đền thờ Thiên Chúa thành sào huyệt trộm cướp".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu vào đền thờ, Người liền xua đuổi các người buôn bán tại đó và phán bảo họ rằng: "Có lời chép rằng: Nhà Ta là nhà cầu nguyện, các ngươi đã biến thành sào huyệt trộm cướp". Và hằng ngày Người giảng dạy trong Ðền thờ. Các thượng tế, luật sĩ và kỳ lão trong dân tìm cách hại Người, nhưng họ không biết phải làm cách nào, vì dân chúng hết thảy đều chăm chú nghe Người.

Ðó là lời Chúa.





Suy niệm


 

Quá yêu thương đến bất khả chấp



Bài Phúc Âm hôm nay, Thứ Sáu Tuần XXXIII Thường Niên, tiếp tục với cuộc hành trình lên Giêrusalem của Chúa Kitô, ở chỗ, sau khi "Người đã gần đến Giêrusalemtrong Bài Phúc Âm hôm kia, sau đó "Chúa Giêsu đến gần Giêrusalem" trong bài Phúc Âm hôm qua, và hôm nay "Chúa Giêsu vào đền thờ".

Phải, nếu đền thờ Giêrusalem là nơi Thiên Chúa ngự, là biểu hiệu cho sự hiện diện thần linh của Thiên Chúa, thì sự kiện Chúa Giêsu có mặt ở đền thờ này cho thấy Người đã đến được đích điểm cuộc hành trình Giêrusalem của Người. 

Bởi Người đến "là để tỏ Cha ra" (Gioan 1:18), tức để làm cho dân của Người biết Cha của Người thực sự là Đấng nào, Vị Thiên Chúa đã từng tỏ mình ra cho họ trong suốt giòng lịch sử cứu độ của họ như là một Vị Thiên Chúa chân thật duy nhất, ngoài Ngài ra không còn một vị Thiên Chúa nào khác, và vì thế họ phải hết mình kính mến Ngài, chỉ một mình Ngài thôi, "hết lòng, hết linh hồn và hết sức" của họ (xem Đệ Nhị Luật 6:4-5), nghĩa là trên hết mọi sự.

Bởi thế, không lạ gì, khi thấy cảnh tượng dân chúng buôn bán trong đền thờ "là nhà cầu nguyện", như chính Người nói trong Bài Phúc Âm hôm nay, đã bị "biến thành sào huyệt trộm cướp", thì làm sao Người là Đấng kính mến Cha Người hết mình và trên hết mọi sự, khi thấy nơi biểu hiệu cho sự hiện diện thần linh của Cha bị chính dân của Ngài tục hóa, có thể nào chịu đựng được, đến độ dù Người vốn "hiền lành và khiêm nhượng trong lòng" (Mathêu 11:29) cũng không thể nào không ra tay "xua đuổi các người buôn bán tại đó". 

Phải chăng đó là một trong những lý do chính yếu khiến Người vừa thấy thành thánh Giêrusalem, Người đã thổn thức khóc, như bài Phúc Âm hôm qua thuật lại? Người đã không khóc khi thấy Cha của Người bị xúc phạm cho bằng khóc thương dân của Người, vì họ không ngừng liên tục xúc phạm đến Cha của Người mà nguy hiểm đến phần rỗi đời đời của chính họ. Bởi thế mà trên đường vác thập giá lên Núi Sọ, Người đã khuyên đám phụ nữ thương khóc Người bấy giờ rằng: "Chớ khóc thương Tôi, một khóc thương các ngươi cùng con cháu của các ngươi" (Luca 23:27-28). 

Đúng vậy, nếu con người ta nói chung và những ai tin vào Người nói riêng thật sự biết khóc thương bản thân mình, ở chỗ tỏ ra ăn năn thồng hối tội lỗi của mình, thì đó là tác động họ khóc thương Người rồi vậy, vì họ sẽ không dám xúc phạm đến Người nữa, họ sẽ không làm cho Người phải khổ sở vác thập giá của họ và cho họ nữa, thập giá do chính họ chất lên vai của Người. Tội lỗi của họ chính là thập giá mà Người phải vác vậy. Và thập giá cũng là biểu hiệu cho từng con chiên lạc Người cần phải tìm kiếm và vác trên vai mang về nhà Cha của Người vậy (xem Luca 15:5). 

Đó là lý do Người quả thật không hề ghét bỏ dân của Người qua hành động đánh đuổi họ như thế, trái lại, chỉ vì Người thương họ hơn bao giờ hết, khi thấy họ lầm lạc đến độ chính họ là dân được Thiên Chúa là Cha của Người tuyển chọn đã tục hóa một nơi thánh nhất của họ, chứ không phải bị tục hóa bởi dân ngoại không biết gì đến Vị Thiên Chúa của họ, như đã phũ phàng và trắng trợn xẩy ra vào thời kỳ hậu lưu đầy của họ, khi họ bị ngoại bang xâm chiếm và đô hộ, đến độ quyền lực ngoại bang bấy giờ đã ra tay tàn phá và tục hóa đền thờ ấy, một biến cố lịch sử đầy nhơ nhớp được Sách Macabê quyển thứ nhất diễn thuật trong Bài Đọc 1 Thứ Hai đầu tuần này.

Việc Chúa Giêsu "xua đuổi các người buôn bán tại đó" còn mang một ngậm ý trách móc cả thành phần lãnh đạo dân Chúa bấy giờ nữa, thành phần có thẩm quyền để hướng dẫn dân Chúa theo đường lối của Thiên Chúa, theo lề luật thánh lại để xẩy ra tình trạng tục hóa công khai này, một là vì chính họ cho phép hai là vì họ cứ để cho dân chúng tha hồ tục hóa đền thờ linh thánh này, không hề ngăn cản tí nào, như thể vừa tán thành vừa đồng lõa với tội lỗi của dân.

Người biết rằng việc Người tự động "xua đuổi các người buôn bán tại đó" chắc chắn sẽ đụng chạm đến quyền bính của thành phần lãnh đạo này. Thế nhưng, vì Người đến cứu cả thành phần lãnh đạo mù quáng ấy nữa, nên Người vẫn bất chấp, họ có tỏ ra hận thù Người hơn bao giờ hết, như được Bài Phúc Âm hôm nay cho thấy: "Các thượng tế, luật sĩ và kỳ lão trong dân tìm cách hại Người, nhưng họ không biết phải làm cách nào, vì dân chúng hết thảy đều chăm chú nghe Người".

Họ càng hận thù và tìm cách hại Người bao nhiêu thì chính họ là thành phần "không muốn" xẩy ra chuyện "phong vương" của Người càng được thành tựu, như ý nghĩa trọng dụ ngôn của Bài Phúc Âm hôm kia cho biết vào thời điểm Người "gần đến Giêrusalem" là nơi Người sẽ bị rơi vào tay họ như Người đã báo trước cho các môn đệ của Người về biến cố bất khả tránh này 3 lần, đúng như ý định vô cùng nhiệm mầu của Cha Người về cuộc hành trình Giêrusalem của Người là để Người được "phong vương" trên ngai tòa thập tự giá một cách danh chính ngôn thuận: "Giêsu Vua Dân Do Thái" (Luca 23:38).

Tuy nhiên, ngay lúc bấy giờ, lúc Người "xua đuổi các người buôn bán tại đó" thì họ còn sợ dân chúng, tức chưa đến giờ của người, nhờ đó, như Phúc Âm cho biết: "hằng ngày Người giảng dạy trong Ðền thờ". Và vì thế, từ ngày mai Thứ Bảy Tuần XXXIII Thường Niên cho tới hết tuần 34 Thường Niên là tuần cuối cùng của phụng niên hằng năm, chúng ta sẽ đọc thấy các bài Phúc Âm cho ngày thường trong tuần liên quan đến giáo huấn Giêrusalem của Người, những giáo huấn cuối cùng của hành trình Giêrusalem được Người công khai truyền dạy ở chính thành thánh Giêrusalem, giáo đô của Do Thái giáo, cũng là khởi điểm truyền giáo (xem Tông Vụ 1:8) ngay sau biến cố Thánh Linh Hiện Xuống của Giáo Hội được Người thiết lập.

Kỷ Niệm Cung Hiến Ðền Thờ Thánh Phêrô Và Phaolô Tông Ðồ

 

Vua Constantin Cả (270-337) đã chiến thắng quân Maxence dưới tường thành Rôma năm 312, nhờ sự xuất hiện lạ lùng của cây Thánh Giá lơ lửng giữa không trung với hàng chữ: "In hoc signo vince" (Tin vào dấu này, ông sẽ thắng). Năm 313, ngài đã ban hành chiếu chỉ (Edit de Milan) chấm dứt cuộc bách hại người Công Giáo và cho tự do tôn giáo. Sau đó, năm 323, nhà vua mới thật sự trở lại Công giáo. Ðể tỏ lòng biết ơn về chiến thắng Maxence, ngài đã xây cất nhiều đại thánh đường nguy nga, trong số đó phải kể vương cung thánh đường thánh Phêrô và thánh Phaolô.

Ðền thờ thánh Phêrô được xây cất năm 326 và được nới rộng ra năm 1506 với sự cộng tác đắc lực của nhiều kỹ sư và nghệ sĩ có tiếng: Rosellinô. Bramante, Raphael, Michel Ange, Carlô Modernô và Silvestrê. Riêng cái tháp cao 138m, rộng 42m. Thánh Silvestrê và Ðức Giáo Hoàng Urbanô VIII đã thánh hiến ngày 18/11/1626.

Ðền thờ thánh Phaolô được xây cất trên đường Ostie, bên "ngoài thành" Vatican, và được thánh hiến cũng cùng một ngày với đền thánh Phêrô. Năm 1823, một cuộc hỏa tai đã thiêu hủy gần hết và Ðức Grêgoriô XVI và Ðức Piô IX đã chọn ngày định tín "Ðức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội" để thánh hiến lại, với sự chứng kiến đông đảo của các Giám Mục.


 


 


Thứ Bảy


Lời Chúa


 

 

Bài Ðọc I: (Năm II) Kh 11, 4-12

"Hai vị tiên tri ấy đã làm cho dân trên hoàn cầu chịu nhiều khổ cực".

Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan Tông đồ.

Có lời phán cùng tôi là Gioan rằng: "Hai chứng tá của Ta là hai cây ôliu và hai cây đèn đặt trước mặt Chúa Tể địa cầu. Và nếu ai toan hãm hại các ngài, thì sẽ có lửa từ miệng các ngài phun ra tiêu diệt các địch thù; ai toan làm hại các ngài thì chính kẻ ấy phải bị giết như vậy. Các ngài có quyền đóng cửa trời, khiến trời không mưa trong những ngày các ngài nói tiên tri. Các ngài lại có quyền biến nước thành máu, và gieo tai hoạ cho trần gian bất cứ lúc nào tùy ý. Và khi các ngài đã hoàn tất nhiệm vụ chứng tá rồi, thì con mãnh thú từ vực thẳm lên sẽ giao chiến với các ngài, nó sẽ thắng và giết chết các ngài. Thi thể các ngài sẽ bị bêu nơi công trường của Thành lớn, gọi cách bóng bảy là Sôđôma và Ai-cập, là nơi Chúa các ngài đã bị đóng đinh. Thiên hạ thuộc mọi chi tộc, mọi dân, mọi nước, và mọi ngôn ngữ, đã xem thấy thi thể các ngài trong ba ngày rưỡi, và người ta không để cho thi thể các ngài được chôn cất trong mộ. Dân chúng trên khắp mặt đất sẽ vui mừng vì cái chết của các ngài và hoan hỉ tặng quà cho nhau, vì hai vị tiên tri ấy đã từng làm cho họ chịu nhiều khổ cực. Nhưng sau ba ngày rưỡi, (sinh khí từ) Thiên Chúa nhập vào các ngài. Và các ngài đứng dậy, khiến cho những người trông thấy phải khiếp sợ. Rồi các ngài nghe có tiếng vang lớn từ trời phán cùng các ngài rằng: 'Hãy lên đây'. Các ngài liền lên trời, trong đám mây trước mắt các địch thù của các ngài.

Chính lúc đó đất chuyển động dữ dội, và một phần mười của thành thị bị sụp đổ, làm bảy ngàn người thiệt mạng trong cơn động đất ấy. Còn các người sống sót thì kính sợ và cao rao vinh danh Ðức Chúa Trời".

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 143, 1. 2. 9-10

Ðáp: Ôi Ðá Tảng của con, chúc tụng Chúa! (c. 1a).

Xướng: 1) Ôi Ðá Tảng của con, chúc tụng Chúa là Ðấng rèn luyện cho tay con biết đấu tranh, cho các ngón tay con thiện nghề chinh chiến. - Ðáp.

2) Chúa là tình thương và là chiến luỹ, là Ðấng phù trợ và giải phóng con. Chúa là khiên thuẫn, là chỗ con nương náu; Ngài bắt chư dân phải khuất phục con. - Ðáp.

3) Ôi Thiên Chúa, con sẽ hát mừng Ngài bài ca mới; với cây đàn mười dây, con sẽ ca mừng Ngài, vì Ngài đã ban cho các vua chiến thắng, đã giải phóng Ðavít là tôi tớ của Ngài. - Ðáp.

 

Alleluia: Pl 2, 15-16

Alleluia, alleluia! - Anh em hãy tích trữ lời ban sự sống, anh em hãy chiếu sáng như những vì sao ở giữa thế gian. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Lc 20, 27-40

"Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng của kẻ sống".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, có mấy người thuộc phái Sađốc, là những người chối không tin có sự sống lại, đến gần Chúa Giêsu hỏi Người rằng: "Thưa Thầy, Môsê đã viết cho chúng tôi: nếu ai có một người anh cưới vợ, rồi chết đi mà không có con, thì người em phải cưới người vợ đó để anh mình có kẻ nối dòng. Vậy có bảy anh em: người thứ nhất cưới vợ, rồi chết mà không có con. Người kế tiếp cưới vợ goá đó, rồi cũng chết không con. Người thứ ba cũng cưới người vợ goá đó. Và tất cả bảy người đều cưới như vậy và đều chết mà không để lại người con nào. Sau cùng người thiếu phụ đó cũng chết. Vậy đến ngày sống lại, người đàn bà đó sẽ là vợ ai trong các người ấy, vì tất cả bảy người đều lấy người ấy làm vợ?"

Chúa Giêsu trả lời rằng: "Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, song những ai sẽ xét đáng được dự phần đời sau và được sống lại từ cõi chết, thì sẽ không cưới vợ lấy chồng; họ sẽ không thể chết nữa, vì họ giống như thiên thần, họ là con cái Thiên Chúa: vì họ là con cái của sự sống lại. Về vấn đề kẻ chết sống lại, thì Môsê trong đoạn nói về Bụi gai, khi ông gọi Chúa là Thiên Chúa Abraham, Thiên Chúa Isaac, và Thiên Chúa Giacóp. Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, mà là của kẻ sống, vì mọi người đều sống cho Chúa".

Bấy giờ có mấy luật sĩ lên tiếng thưa Người rằng: "Lạy thầy, Thầy dậy đúng lắm". Và họ không dám hỏi Người điều gì nữa.

Ðó là lời Chúa. 


 



Suy niệm


 

Một cánh chung biến đổi canh tân  



H
ôm nay, Thứ Bảy, cuối Tuần XXXIII Thường Niên, Bài Phúc Âm được Giáo Hội chọn đọc vẫn tiếp tục bài Phúc Âm hôm qua là bài Phúc Âm cho biết cuộc hành trình Giêrusalem của Người đã tới đích điểm của nó là chung thành thành Giêrusalem và riêng đền thánh Giêrusalem, nơi Người sau khi thanh tẩy thì Người tiếp tục giảng dạy cho dân chúng.

Và giáo huấn cuối cùng trong cuộc hành trình Giêrusalem của Người ở chính giáo đô Giêrusalem là đích điểm tỏ mình ra của Người này, đặc biệt liên quan đến mầu nhiệm cánh chung và lai thời hậu thế, như bài Phúc Âm hôm nay cho thấy, qua lời vấn đáp của Chúa Giêsu với "mấy người thuộc phái Sađốc, là những người chối không tin có sự sống lại", nên đã "đến gần Chúa Giêsu hỏi Người rằng:

"Thưa Thầy, Môsê đã viết cho chúng tôi: nếu ai có một người anh cưới vợ, rồi chết đi mà không có con, thì người em phải cưới người vợ đó để anh mình có kẻ nối dòng. Vậy có bảy anh em: người thứ nhất cưới vợ, rồi chết mà không có con. Người kế tiếp cưới vợ goá đó, rồi cũng chết không con. Người thứ ba cũng cưới người vợ góa đó. Và tất cả bảy người đều cưới như vậy và đều chết mà không để lại người con nào. Sau cùng người thiếu phụ đó cũng chết. Vậy đến ngày sống lại, người đàn bà đó sẽ là vợ ai trong các người ấy, vì tất cả bảy người đều lấy người ấy làm vợ?"

Qua thực đây là một câu hỏi của những người không tin có vấn đề sống lại, nghĩa là không tin có đời sau, hay có đời sau thì cũng không thể nào xẩy ra chuyện bao gồm cả thân xác hữu hình và hữu hạn này, nghĩa là thân xác con người không thể nào trở thành vô hình và vô hạn bất biến với thời gian sau thời gian ở đời này được. 

Theo lý lẽ tự nhiên thì không phải là họ không có lý. Và chính vì thế, họ mới phủ nhận sự kiện thân xác phục sinh, hay ngược lại, vì có ý nghĩ không thể nào có vấn đề phục sinh của thân xác mà họ mới đặt ra một trường hợp không bao giờ có thể xẩy ra, hoàn toàn không thực tế, hợp với tầm mức hiểu biết thiển cận theo tự nhiên của họ trên đây.

Tuy nhiên, họ đã lầm. Nhưng cũng may, họ vẫn còn thiện chí để nói ra, để hỏi han, lại hỏi ngay chính vị mà họ tin rằng, (hơn là cố ý thử Người như thường thấy nơi thành phần luật sĩ và biệt phái tin có sự sống lại), có thể giải đáp vấn đề then chốt nhất của họ, nhưng cũng là vấn đề hóc búa đến độ như thể bất khả nan giải của họ. 

Câu trả lời của Chúa Giêsu là Đấng tự thân sẽ sống lại đầu tiên từ trong kẻ chết như thế này, một câu trả lời đã được chính thành phần luật sĩ cũng có mặt ở đó bấy giờ hết sức khâm phục: "Lạy thầy, Thầy dậy đúng lắm", đến độ "họ không dám hỏi Người điều gì nữa". Và câu trả lời của Chúa Giêsu về chuyện xác loài người ta sẽ sống lại như sau:

"Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, song những ai sẽ xét đáng được dự phần đời sau và được sống lại từ cõi chết, thì sẽ không cưới vợ lấy chồng; họ sẽ không thể chết nữa, vì họ giống như thiên thần, họ là con cái Thiên Chúa: vì họ là con cái của sự sống lại. Về vấn đề kẻ chết sống lại, thì Môsê trong đoạn nói về Bụi gai, khi ông gọi Chúa là Thiên Chúa Abraham, Thiên Chúa Isaac, và Thiên Chúa Giacóp. Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, mà là của kẻ sống, vì mọi người đều sống cho Chúa".

Trong câu trả lời này của Chúa Giêsu, chúng ta thấy Đấng "là sự sống lại và là sự sống" (Gioan 11:25) bao gồm cả sự sống lại của thân xác và sự sống bất diệt đời sau của cả toàn thân con người cả hồn lẫn xác

Trước hết, về sự sống lại, lần đầu tiên Chúa Giêsu được dịp chính thức mạc khải cho biết rằng con người ta sẽ sống lại, mà sống lại là sự kiện trước hết liên quan đến thân xác đã chết đi của họ, nên vấn đề sống lại là vấn đề của thân xác, và một khi thân xác sống lại thì "sẽ không thể chết nữa, vì họ giống như thiên thần, họ là con cái Thiên Chúa". 

Nghĩa là thân xác hữu hình và hữu hạn của con người khi còn tại thế, còn sống trong không gian và thời gian, khi sống lại sẽ trở thành thiêng liêng vô hình, trở thành bất tử và bất diệt, như thân xác phục sinh của Ngưòi sau này, có thể xuyên qua cả căn phòng khóa kín của các tông đồ đang sợ sệt trốn lánh bấy giờ.

Thế nhưng, tự mình thân xác hữu hình và hữu hạn của con người không thể nào sống nếu thiếu linh hồn vẫn được gọi là hồn sống của nó, thì cũng thế nó sẽ không tự mình sống lại và sống đời sau vô cùng nếu không có hồn thiêng bất tử của nó. 

Mà linh hồn của con người chỉ thực sự sống, sống sự sống thần linh, sống sự sống siêu nhiên, sống sự sống đời đời, sống sự sống trường sinh bất tử, dù ở đời này hay ở đời sau, ở chỗ nhận biết "Thiên Chúa chân thật duy nhất" được tỏ hiện nơi Chúa Giêsu Kitô (xem Gioan 17:3), tức là nhận biết vị Thiên Chúa bất biến trước sau như một: "Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac, và Thiên Chúa của Giacóp", vị Thiên Chúa hằng hữu và tồn tại dù con người có qua đi ba đời Abraham, Isaac và Giacóp, một khoảng thời gian không ai còn tồn tại trên trần gian thế mà Thiên Chúa hằng sống vẫn hiện hữu

"Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, mà là của kẻ sống" là như thế, "vì mọi người đều sống cho Chúa", ở chỗ nhận biết Ngài như Ngài là, như Ngài đã tỏ ra nơi Chúa Giêsu Kitô là Người Con nhập thể và vượt qua của Ngài, nhờ đó "họ sẽ không thể chết nữa" cùng với thân xác của họ, với tư cách "là con cái Thiên Chúa" như Chúa Kitô, nhờ Thánh Linh là Đấng chứng tỏ họ là con cái Thiên Chúa (xem Roma 8:16; 1Gioan 4:13): "Nếu Thần Linh của Đấng đã làm cho Chúa Kitô từ trong kẻ chết sống lại thì cũng sẽ mang lại sự sống cho thân xác chết chóc của anh em, nhờ Thần Linh của Người ở trong anh em" (Rôma 8:11).

Vậy vấn đề được đặt ra ở đây là nếu thân xác con người sống lại là nhờ linh hồn nhận biết Thiên Chúa hằng sống thì những linh hồn nào không nhận biết Thiên Chúa hằng sống có sống lại nơi thân xác của họ và với thân xác của họ hay chăng? 

Theo tín lý dạy thì tất cả mọi người đều sống lại, dù là "kẻ sống" hay "kẻ chết", kẻ lành hay kẻ dữ, kẻ được rỗi hay kẻ hư đi. Bởi vì, dù là thành phần kẻ dữ bị hư đi vì khi còn sống trên thế gian này họ không nhận biết Thiên Chúa chân thật duy nhất để hội đủ điều kiện được cứu rỗi chăng nữa, khi qua khỏi trần gian này, khi không còn thời gian nữa thì trong cõi đời đời họ lại càng không thể chối cãi sự thật mà họ chối bỏ là chính Vị Thiên Chúa hằng sống của họ

Và vì các linh hồn hư đi sau khi qua khỏi đời này không thể không nhận biết Thiên Chúa hằng sống như Ngài đã tỏ tất cả mình ra là nơi Chúa Giêsu Kitô, một cách bất đắc dĩ không chân nhận không được, mà linh hồn hư đi ấy vẫn tồn tại với cả thân xác của họ, vô cùng ở đời sau, trong cõi đời đời. Nhưng tình trạng hư đi của họ hoàn toàn khác với tình trạng của các linh hồn được cứu rỗi là thành phần, nhận biết Thiên Chúa chân thật duy nhất nhờ Thánh Thần, như lời Chúa Giêsu trong bài Phúc Âm hôm nay, "xét đáng được dự phần đời sau và được sống lại từ cõi chết", một cách rạng ngời "giống như thân xác vinh hiển của Người (Chúa Kitô)" (Philiphê 3:21).

Sách Tiên Tri Daniên trong Bài Đọc 1 Chúa Nhật XXXII Chu Kỳ Năm B cũng chứng thực như vậy, chứng thực rằng cả kẻ dữ người lành đều sống lại, nhưng kẻ lành thì hiển vinh sáng láng: "Nhiều kẻ an giấc trong bụi đất sẽ chỗi dậy; có người sẽ được hưởng phúc trường sinh, có kẻ phải tủi nhục muôn đời. Những người thông minh sẽ sáng chói như ánh sáng vòm trời, và những kẻ khuyên dạy sự công chính cho nhiều người, sẽ nên như các vì tinh tú tồn tại muôn ngàn đời".


Kinh nghiệm nhân sinh cho thấy con người ta khi còn sống trên đời này, vì bản tính đã bị nhiễm lây nguyên tội, nên luôn hướng hạ theo trần tục hơn là hướng thượng sống siêu nhiên, cho dù linh hồn họ được Thiên Chúa dựng nên để được hạnh phúc trường sinh ở đời sau. Và chính vì linh hồn con người vô hình thiêng liêng tự bản chất bất tử "như các thiên thần" mà họ rất sợ chết, và cho dù cả đời có tìm kiếm đủ mọi thứ thỏa mãn trên trần gian này họ vẫn không no thỏa, vẫn không thể nào thỏa đáng được ước vọng bất tử của chính cõi lòng luôn hướng về vô biên viên mãn của con người.