SUY NGUYỆN và SỐNG ĐẠO

 

 

 

Chia Sẻ Phụng Vụ Lời Chúa Tuần XVIII Thường Niên A - Lẻ
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL




Chúa Nhật

Phụng Vụ Lời Chúa

Ngày 06: Chúa Giêsu biến hình

LỄ CHÚA KITÔ BIẾN HÌNH

VINH QUANG BA NGÔI NƠI VIỆC CHÚA KITÔ BIẾN HÌNH

 

(ĐTC Gioan Phaolô II: Bài Giáo Lý 8 ngày 26/4/2000 trong loạt 33 bài về Chúa Ba Ngôi cho Đại Năm Thánh 2000)

 

1-         Trong Tuần Bát Nhật Phục Sinh này, một tuần được coi như là một ngày trọng đại duy nhất, phụng vụ không ngừng lập đi lập lại sứ điệp Phục Sinh: “Chúa Giêsu thực sự đã sống lại rồi!”. Lời loan báo này mở ra cho toàn thể nhân loại một chân trời mới. Tất cả những gì được ám chỉ một cách mầu nhiệm nơi Cuộc Biến Hình trên Núi Tabo đều trở thành hiện thực nơi Cuộc Phục Sinh. Lúc biến hình, Chúa Giêsu tỏ cho các vị tông đồ Phêrô, Giacôbê và Gioan thấy phép lạ hiển vinh cùng với ánh sáng được niêm ấn bằng tiếng của Chúa Cha: “Đây là Người Con yêu dấu của Ta” (Mk 9:7).

 

Vào ngày lễ Phục Sinh, những lời này hiện lên cho chúng ta thấy trọn vẹn thực tại của chúng. Người Con yêu dấu của Chúa Cha, tức Đức Kitô bị đóng đanh và tử nạn, đã sống lại vì chúng ta. Trong sự tỏ rạng của Người, tín hữu chúng ta thấy được ánh sáng, và, như phụng vụ của Giáo Hội Đông Phương xướng lên, “được Thần Linh phục sinh, chúng ta muôn đời chúc tụng Ba Ngôi Thiên Chúa đồng bản thể” (Kinh Tối Trọng Thể Lễ Chúa Kitô Biến Hình). Với một tấm lòng tràn đầy niềm vui Phục Sinh, hôm nay tinh thần chúng ta hãy leo lên ngọn núi thánh nổi bật trên đồng bằng Galilêa để chiêm ngưỡng ở chóp đỉnh của nó một biến cố xẩy ra hướng vọng tới biến cố Phục Sinh.

 

2-         Chúa Kitô là tâm điểm của Cuộc Biến Hình. Hai chứng nhân của Cựu Ước hiện ra với Người là Moisen, vị trung gian của lề luật, và Elia, vị tiên tri của Thiên Chúa hằng sống. Thần tính của Chúa Kitô, được tiếng của Chúa Cha công bố, cũng tỏ hiện bởi những biểu hiệu bằng hình ảnh theo kiểu diễn tả của thánh ký Marcô. Thật vậy, có ánh sáng và mầu trắng tiêu biểu cho vĩnh cửu và siêu việt tính: “Y phục của Người trở nên sáng láng, trắng tinh đến nỗi không một thợ giặt tẩy nào trên trần gian này có thể làm nổi” (Mk 9:3). Thế rồi có cả mây trời, dấu hiệu Thiên Chúa hiện diện trong cuộc Xuất Ai Cập của dân Yến Duyên cũng là dấu hiệu Ngài hiện diện nơi lều Giao Ước (x Ex 13:21-22, 14:19, 24, 40: 34, 38).

 

Vào Buổi Sáng ngày lễ Biến Hình, phụng vụ Đông Phương cũng xướng lên rằng: “Ôi Lời Thiên Chúa, sự rạng ngời tinh nguyên của ánh sáng Chúa Cha, trong ánh sáng tỏa chiếu của Chúa trên Núi Tabo, hôm nay chúng con đã được thấy ánh sáng là Chúa Cha và ánh sáng là Thần Linh, một ánh sáng soi chiếu tất cả mọi tạo vật”.

3-         Bản văn phụng vụ này đề cao chiều kích Ba Ngôi nơi Cuộc Biến Hình trên núi của Chúa Kitô. Thật vậy, Chúa Cha hiện diện rõ ràng nơi tiếng nói phát ra. Truyền thống Kitô Giáo có một thoáng nhìn ngấm ngầm về việc Thánh Linh hiện diện nơi biến cố biến hình song song với biến cố Chúa Giêsu chịu Phép Rửa ở sông Dược Đăng, lúc mà Thần Linh lấy hình bồ câu đậu xuống trên Người (Mk 1:10). Thật vậy, mệnh lệnh “Hãy lắng nghe Người” (Mk 9:7) của Chúa Cha cho thấy Chúa Giêsu đầy Thánh Linh để các lời của Người đều là “thần trí và là sự sống” (Jn 6:63, x. 3:34-35).

Bởi vậy, chúng ta có thể leo lên ngọn núi này để trầm tư, chiêm ngưỡng và dìm mình vào mầu nhiệm ánh sáng của Thiên Chúa. Tabo tiêu biểu cho tất cả mọi ngọn núi dẫn chúng ta đến với Thiên Chúa, như các nhà thần bí vẫn thích dùng hình ảnh so sánh này. Một bản văn khác của Giáo Hội Đông Phương kêu gọi chúng ta thực hiện cuộc tiến lên tới chóp đỉnh và tới ánh sáng như sau: “Hỡi các dân, hãy đến mà theo tôi! Chúng ta hãy leo lên ngọn núi thánh thiên đình; tâm linh của chúng ta hãy dừng lại ở thành đô Thiên Chúa hằng sống và lấy tinh thần mà chiêm ngưỡng thần tính của Chúa Cha và Thánh Thần được rạng ngời nơi Người Con Duy Nhất” (troparion at the conclusion of the Canon of St John Damascene).

4-         Nơi Cuộc Biến Hình, chúng ta chẳng những chiêm ngưỡng mầu nhiệm Thiên Chúa, đi từ ánh sáng tới ánh sáng (x Ps 36:10), chúng ta còn được mời gọi để lắng nghe lời thần linh nói với chúng ta nữa. Vượt trên ngôn từ của Lề Luật hiện thân nơi Moisen cũng như ngôn từ của tiên tri hiện thân nơi Êlia, tiếng nói của Chúa Cha có thể nghe thấy có liên quan đến tiếng nói của Chúa Con, như Tôi vừa đề cập tới (x Mk 9:7). Khi dẫn giải về cảnh Biến Hình, Bức Thư Thứ Hai của Thánh Phêrô nhấn mạnh đến tiếng nói thần linh. Chúa Giêsu Kitô “đã nhận được vinh dự cùng vinh quang từ Thiên Chúa Cha và có một tiếng nói đã phát ra với Người từ vinh quang uy nghi cao cả: ‘Đây là Người Con yêu dấu của Ta, Người mà Ta hài lòng’; chúng tôi đã nghe thấy tiếng nói ấy phát ra từ trời, vì chúng tôi đã ở với Người trên núi thánh. Do đó chúng tôi càng vững vàng hơn nữa về lời ngôn sứ. Anh em tỏ ra vững chắc khi chú ý tới lời như là ngọn đèn sáng soi trong nơi tăm tối cho đến ngày rạng đông và sao mai mọc lên trong tâm trí anh em” (2Pt 1:17-19).

Chúng ta hãy chúc tụng Chúa Cha, Ngôi Lời và Thánh Linh.

5-         Bởi vậy, nhìn và nghe, chiêm ngưỡng và tuân phục là những đường lối dẫn chúng ta lên núi thánh, nơi Ba Ngôi tỏ mình ra trong vinh quang của Chúa Con. “Cuộc Biến Hình làm cho chúng ta nếm trước việc Chúa Kitô đến trong vinh quang, khi Người ‘biến đổi thân xác thấp hèn của chúng ta nên giống như thân xác vinh hiển của Người’ (Phil 3:21). Thế nhưng, Cuộc Biến Hình đồng thời cũng nhắc nhớ là ‘chính nhờ trải qua nhiều cuộc bách hại chúng ta mới được vào vương quốc của Thiên Chúa’ (Acts 14:22)” (Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, số 556). 

Như linh đạo của Giáo Hội Đông Phương nêu lên, phụng vụ về Cuộc Biến Hình cho thấy một “bộ ba” nhân loại nơi ba vị tông đồ Phêrô, Giacôbê và Gioan, những vị chiêm ngưỡng Ba Ngôi thần linh. Như ba người trẻ trong lò lửa của Sách Tiên Tri Đaniên (3:51-90), phụng vụ “chúc tụng Thiên Chúa là Cha và là Đấng Hóa Công, ngợi khen Ngôi Lời là Đấng đã xuống giúp họ và biến lửa thành sương sa, cùng tôn vinh Thánh Linh là Đấng ban sự sống cho tất cả mọi người đến muôn đời” (Kinh Ban Mai Lễ Biến Hình).

Giớ đây chúng ta hãy cầu nguyện cùng Chúa Kitô biến hình bằng những lời của Kinh Nguyện Thánh Gioan Đamascênô: “Ôi Chúa Kitô, Chúa đã thu hút con bằng lòng khao khát Chúa, và đã biến đổi con bằng tình yêu thần linh. Xin Chúa hãy thiêu đốt tội lỗi của con bằng lửa thiêng của Chúa và xin hãy đoái thương làm cho con tràn đầy nỗi dịu ngọt của Chúa, để vui mừng hớn hở, con sẽ chúc tụng tất cả mọi biểu hiện của Chúa”.

(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ Tuần san L’Osseervatore Romano, ấn bản Anh ngữ, 3/5/2000)

 

 

Phụng Vụ Lời Chúa Chúa Nhật XVIII thường niên nếu không trùng với Lễ Chúa Giêsu Biến Hình

 

Bài Ðọc I: Is 55, 1-3

"Hãy đến mua lúa mà ăn".

Trích sách Tiên tri Isaia.

Ðây Chúa phán: "Hỡi tất cả những ai khát nước, hãy đến uống nước; hỡi kẻ không tiền bạc, hãy đến mua lúa mà ăn; hãy đến mà mua rượu và sữa, không cần trả tiền, không cần đổi chác gì. Tại sao các ngươi không dùng tiền mà mua bánh, sao không dùng tiền lương mà mua đồ nuôi thân? Vậy hãy lắng tai nghe, hãy đến ăn đồ bổ, và các ngươi sẽ được thưởng thức món ăn mỹ vị. Hãy lắng tai và đến cùng Ta, hãy nghe, thì các ngươi sẽ được sống; Ta sẽ ký kết với các ngươi một giao ước vĩnh cửu, đó là những hồng ân đã hứa cho Ðavít".

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 144, 8-9. 15-16. 17-18

Ðáp: Lạy Chúa, Chúa mở rộng bàn tay ra, và thi ân cho chúng con được no nê (x. c. 16).

Xướng: 1) Chúa nhân ái và từ bi, chậm bất bình và giàu ân sủng. Chúa hảo tâm với hết mọi loài, và từ bi với mọi công cuộc của Chúa. - Ðáp.

2) Muôn loài để mắt cậy trông vào Chúa, và Ngài ban lương thực cho chúng đúng theo giờ. Chúa mở rộng bàn tay ra, và thi ân cho mọi sinh vật được no nê. - Ðáp.

3) Chúa công minh trong mọi đường lối, và thánh thiện trong việc Chúa làm. Chúa gần gũi kẻ kêu cầu Ngài, mọi kẻ kêu cầu Ngài cách thành tâm. - Ðáp.

 

Bài Ðọc II: Rm 8, 35. 37-39

"Không một tạo vật nào có thể tách biệt chúng ta khỏi lòng yêu mến của Thiên Chúa trong Ðức Kitô, Chúa chúng ta".

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, ai sẽ tách biệt chúng ta ra khỏi lòng yêu mến của Ðức Kitô được? Hay là gian truân, buồn sầu, đói khát, trần truồng, nguy hiểm, bắt bớ, gươm giáo sao?

Nhưng chúng ta vượt thắng được trong tất cả những sự ấy, vì Ðấng đã yêu thương chúng ta. Tôi chắc chắn rằng dù sự chết hay sự sống, dù thiên thần hay các bậc quyền quý, tài sức, dù những sự hiện tại hay tương lai, hoặc sức mạnh, dù cao hay sâu, dù tạo vật nào khác, cũng không có thể tách biệt chúng ta ra khỏi lòng yêu mến của Thiên Chúa, trong Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.

Ðó là lời Chúa.

 

Alleluia: x. Ep 1, 17-18

Alleluia, alleluia! - Cha của Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, đã soi lòng trí để chúng ta biết thế nào là sự cậy trông Chúa kêu gọi chúng ta. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Mt 14, 13-21

"Mọi người đều ăn no".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy Chúa Giêsu nghe tin Gioan Tẩy Giả đã chết, thì Người rời bỏ nơi đó, xuống thuyền đi đến nơi hoang địa vắng vẻ. Dân chúng nghe biết, thì từ các thành phố đi bộ theo Người. Ra khỏi thuyền, Người thấy dân chúng đông đảo, thì thương xót họ, và chữa những người bệnh tật trong họ.

Chiều tới, các môn đệ đến gần thưa Người rằng: "Ðây là nơi hoang địa, mà giờ đã chiều rồi, xin Thầy giải tán dân chúng, để họ vào các làng mạc mà mua thức ăn". Nhưng Chúa Giêsu nói với các ông rằng: "Họ chẳng cần phải đi, các con hãy cho họ ăn". Các ông thưa lại rằng: "Ở đây chúng con chỉ có năm chiếc bánh và hai con cá". Người bảo các ông rằng: "Hãy đem lại cho Thầy".

Khi Người đã truyền cho dân chúng ngồi trên cỏ, Người cầm lấy năm chiếc bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn đệ, các ông này phân phát cho dân chúng. Mọi người đều ăn no. Và người ta thu lượm được mười hai thúng đầy những miếng bánh vụn. Số người ăn là năm ngàn người đàn ông, không kể đàn bà và con trẻ.

Ðó là lời Chúa.


 

Suy Nghiệm Lời Chúa


Lòng thương xót Chúa là tất cả no thỏa của những kẻ bần cùng khốn khổ


Nếu theo dõi tiến trình của chiều hướng phụng vụ Lời Chúa cho các Chúa Nhật, chúng ta thấy tính cách liên tục của nó. Nếu sau 3 Chúa Nhật liền, Chúa Nhật XV, XVI và XVII Thường Niên Năm A, các bài Phúc Âm về dụ ngôn Nước Trời nói chung và về Lời Chúa là chính bản thân Đức Giêsu Kitô nói riêng, thì bài Phúc Âm của Chúa Nhật XVIII Thường Niên Năm A hôm nay, cho thấy tác dụng thần linh của Lời Chúa, ở chỗ Lời Chúa trở thành bánh nuôi dưỡng dân chúng đói khổ về phần hồn, được tiêu biểu qua phép lạ bánh hóa ra nhiều để nuôi dân chúng no nê về phần xác lần đầu tiên này.

Đó là lý do Giáo Hội đã không chọn đọc đoạn Phúc Âm của Thánh ký Mathêu ngay sau loạt dụ ngôn về Nước Trời ở đoạn 13, mà bỏ phần cuối của đoạn 13 liên quan đến chuyện Người về quê quán Nazarét của Người (13:54-58), và bỏ phần đầu của đoạn 14 về biến cố qua đời của Tiền Hô Gioan Tẩy Giả bị quận vương Hêrôđê chặt đầu (1-12), là những đoạn không theo đúng chiều hướng phụng vụ Lời Chúa được Giáo Hội nhắm tới và chọn lọc cho cộng đồng dân Chúa của mình, trái lại, Giáo Hội đã chọn đọc đoạn Phúc Âm hôm nay, 14:13-21, về phép lạ bánh hóa ra nhiều.

Nếu thời điểm 3 Chúa Nhật XV, XVI và XVII là 3 Chúa Nhật có 3 bài Phúc Âm về Mầu Nhiệm Nước Trời liên quan đến Lời Chúa, và nếu thời điểm 3 Chúa Nhật XII, XII và XIV trước đó, là 3 bài Phúc Âm liên quan tới vai trò môn đệ thừa sai của 12 tông đồ trong việc Chúa Giêsu sai các vị đi đến với con chiên lạc Nhà Israel bằng một huấn từ truyền giáo, thì Phụng Vụ Lời Chúa của Chúa Nhật XVIII tuần này chúng ta thấy hội tụ cả hai yếu tố bất khả thiếu và bất khả phân ly: Lời Chúa cũng chính là Chúa Giêsu Kitô và các vị tông đồ thừa sai, trong vụ việc đáp ứng nhu cầu lương thực hằng ngày của dân chúng.

Bởi thế, trong Bài Phúc Âm hôm nay, chúng ta thấy Chúa Giêsu không hành động đơn phương, cho dù Người không cần đến các môn đệ tông đồ của Người: "Chiều tới, các môn đệ đến gần thưa Người rằng: 'Ðây là nơi hoang địa, mà giờ đã chiều rồi, xin Thầy giải tán dân chúng, để họ vào các làng mạc mà mua thức ăn'. Nhưng Chúa Giêsu nói với các ông rằng: 'Họ chẳng cần phải đi, các con hãy cho họ ăn'".

Chúa Giêsu muốn thành phần tông đồ môn đệ, thành phần sau này sẽ thay Người chăn dắt đoàn chiên của Người, cần phải tích cực hợp tác với Người trong việc chủ động phục vụ dân chúng, chẳng những ở chỗ cung cấp cho Người những gì họ có hay kiếm được: "'Ở đây chúng con chỉ có năm chiếc bánh và hai con cá'. Người bảo các ông rằng: 'Hãy đem lại cho Thầy'", mà còn
chỗ phân phát cho dân chúng những gì Người muốn ban cho họ: "Người cầm lấy năm chiếc bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn đệ, các ông này phân phát cho dân chúng. Mọi người đều ăn no".

Nếu Bài Phúc Âm Chúa Nhật XVIII Năm A hôm nay về phép lạ bánh hóa ra nhiều nuôi dân chúng no nê hôm nay bao gồm cả Chúa Giêsu Kitô đóng vai chính và thành phần môn đệ thừa sai đóng vai phụ thì hai vai chính lẫn phụ này đã được Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay cho thấy ở trong hai Bài Đọc khác cùng ngày hôm nay: vai chính ở trong Bài Đọc 1 và vai phụ ở trong Bài Đọc 2.

Trước hết, về vai chính, Tiên Tri Isaia, trong Bài Đọc 1 hôm nay, đã phát ngôn ý định của Vị Thiên Chúa là tình yêu vô cùng nhân hậu, mà khi nhập thể nơi Con của mình là Đức Giêsu Kitô sau này, "thấy dân chúng đông đảo, thì thương xót họ", vì Ngài chỉ muốn cho chung tạo vật được Ngài dựng nên theo hình ảnh Ngài và tương tự như Ngài (xem Khởi Nguyên 1:26), và riêng dân Ngài hay thành phần được Ngài tuyển chọn những gì tốt lành nhất, cần thiết nhất  và lợi ích nhất cho họ, một cách nhưng không:

"Hỡi tất cả những ai khát nước, hãy đến uống nước; hỡi kẻ không tiền bạc, hãy đến mua lúa mà ăn; hãy đến mà mua rượu và sữa, không cần trả tiền, không cần đổi chác gì. Tại sao các ngươi không dùng tiền mà mua bánh, sao không dùng tiền lương mà mua đồ nuôi thân? Vậy hãy lắng tai nghe, hãy đến ăn đồ bổ, và các ngươi sẽ được thưởng thức món ăn mỹ vị. Hãy lắng tai và đến cùng Ta, hãy nghe, thì các ngươi sẽ được sống; Ta sẽ ký kết với các ngươi một giao ước vĩnh cửu, đó là những hồng ân đã hứa cho Ðavít".

Sau nữa, về vai phụ, Vị Tông Đồ Dân Ngoại Phaolô, trong Bài Đọc 2 hôm nay, đã cống hiến cho chúng ta một lối sống hiệp sinh để nhờ đó thành phần môn đệ thừa sai của Chúa Kitô, về mặt tiêu cực, chẳng những không có thái độ và hành động dửng dưng hay phủi tay trước nhu cầu của dân chúng hay của đoàn chiên được ủy thác cho mình: "xin Thầy giải tán dân chúng, để họ vào các làng mạc mà mua thức ăn", trái lại, về mặt tích cực, có được một tấm lòng thương xót như Thày của mình, ở chỗ chẳng những biết xót xa tình trạng khốn khổ của dân chúng mà còn biết gánh chịu phần nhiệm đáp ứng nhu cầu của họ một cách thỏa đáng nữa. Lối sống hiệp sinh bất khả phân ly đến độ tâm tư và ước nguyện của Người là của chính tâm tư và ước nguyện của thành phần môn đệ thừa sai sống gắn bó với Người này là như thế này:

"Anh em thân mến, ai sẽ tách biệt chúng ta ra khỏi lòng yêu mến của Ðức Kitô được? Hay là gian truân, buồn sầu, đói khát, trần truồng, nguy hiểm, bắt bớ, gươm giáo sao? Nhưng chúng ta vượt thắng được trong tất cả những sự ấy, vì Ðấng đã yêu thương chúng ta. Tôi chắc chắn rằng dù sự chết hay sự sống, dù thiên thần hay các bậc quyền quý, tài sức, dù những sự hiện tại hay tương lai, hoặc sức mạnh, dù cao hay sâu, dù tạo vật nào khác, cũng không có thể tách biệt chúng ta ra khỏi lòng yêu mến của Thiên Chúa, trong Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta".

Nếu ở câu Alleluia hôm nay "Cha của Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, đã soi lòng trí để chúng ta biết thế nào là sự cậy trông Chúa kêu gọi chúng ta", thì với tư cách là dân của Chúa và là chiên của Người, chúng ta có thể cùng với Thánh Vịnh gia trong Thánh Vịnh 144 ở Bài Đáp Ca hôm nay kêu lên: "Lạy Chúa, Chúa mở rộng bàn tay ra, và thi ân cho chúng con được no nê" (câu 16), với tất cả ý thức sâu xa về một Vị Thiên Chúa luôn động lòng thương tạo vật của mình, dân của mình, nơi con tim loài người của Người Con là Đức Giêsu Kitô, rằng:

1) Chúa nhân ái và từ bi, chậm bất bình và giàu ân sủng. Chúa hảo tâm với hết mọi loài, và từ bi với mọi công cuộc của Chúa.

2) Muôn loài để mắt cậy trông vào Chúa, và Ngài ban lương thực cho chúng đúng theo giờ. Chúa mở rộng bàn tay ra, và thi ân cho mọi sinh vật được no nê.

3) Chúa công minh trong mọi đường lối, và thánh thiện trong việc Chúa làm. Chúa gần gũi kẻ kêu cầu Ngài, mọi kẻ kêu cầu Ngài cách thành tâm.

 



Thứ Hai

"Hãy ẵm nó vào lòng, như vú nuôi ẵm trẻ thơ"

Bài Đọc I: (Năm I) Ds 11, 4b-15
Đáp Ca: Tv 80, 12-13. 14-15. 16-17

Phúc Âm: Mt 14, 13-21


Bài Phúc Âm cho Thứ Hai Tuần XVIII Thường Niên hôm nay của Thánh Ký Mathêu thuật lại về biến cố phép lạ bánh hóa ra nhiều từ 5 ổ bánh và 2 con cá. Cùng biến cố hóa bánh ra nhiều lần thứ nhất này cũng đã được Phúc Âm của Thánh ký Gioan thuật lại trong Chúa Nhật XVII Thường Niên Năm B tuần trước. 


Trong bài Phúc Âm được Thánh ký Gioan thuật lại về biến cố phép lạ hóa bánh ra nhiều thì Chúa Giêsu đóng vai chủ động. Ở chỗ, chính Người lên tiếng hỏi các ông trước và đích thân Người phân phát bánh cùng cá cho dân chúng. 


Chính Người lên tiếng hỏi: "Chúa Giêsu ngước mắt lên và thấy đám rất đông dân chúng đến với Người. Người hỏi Philipphê: 'Ta mua đâu được bánh cho những người này ăn?' Người hỏi như vậy có ý thử ông, vì chính Người đã biết việc Người sắp làm". 


Chính Người đích thân phân phát bánh cùng cá cho dân: "Bấy giờ Chúa Giêsu cầm lấy bánh, và khi đã tạ ơn, Người phân phát cho các kẻ ngồi ăn, và cá cũng được phân phát như thế, ai muốn bao nhiêu tuỳ thích".


Trong khi đó, ở bài Phúc Âm Thánh ký Mathêu hôm nay, các tông đồ đóng vai chủ động, cả về việc quan tâm đến dân chúng lẫn phân phát cho dân chúng. 


Các tông đồ quan tâm đến dân chúng: "Chiều tới, các môn đệ đến gần thưa Người rằng: 'Đây là nơi hoang địa, mà giờ đã chiều rồi: xin Thầy giải tán dân chúng, để họ vào các làng mạc mà mua thức ăn'".


Các tông đồ phân phát cho dân chúng: "Khi Người đã truyền cho dân chúng ngồi trên cỏ, Người cầm lấy năm chiếc bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn đệ, các ông này phân phát cho dân chúng".


Tuy nhiên, việc các tông đồ quan tâm đến dân chúng đói ăn đây có tích cách tiêu cực hơn là tích cực. Ở chỗ các vị đẩy trách nhiệm cho chính dân chúng hơn là chính các vị tìm cách thỏa đáng nhu cầu đói ăn của họ. Lý do cũng dễ hiểu, là vì việc làm ấy quá sức của các vị. Thế nhưng Thày của các vị đang ở đó: tại sao các vị không đến với Người như Mẹ Maria đã đến với Người trong tiệc cưới Cana mà nhắc khéo Người rằng: "Thày ơi, dân chúng đang đói kìa!"


Cho dù các tông đồ không tích cực và chủ động trong việc đáp ứng nhu cầu đói ăn của dân chúng bấy giờ, nhưng các vị hình như đã sửa soạn sẵn sàng nên đã mau mắn đáp lại khi được Chúa Giêsu hỏi các vị trước khi ra tay làm phép lạ hóa bánh ra nhiều:


"Nhưng Chúa Giêsu nói với các ông rằng: 'Họ chẳng cần phải đi, các con hãy cho họ ăn'. Các ông thưa lại rằng: 'Ở đây chúng con chỉ có năm chiếc bánh và hai con cá'. Người bảo các ông rằng: 'Hãy đem lại cho Thầy'".


Thật sự là các tông đồ đã sửa soạn sẵn sàng, bởi thế, vừa được Chúa Giêsu hỏi là các vị trả lời liền, không cần phải thắc mắc hay do dự gì, sau đó các vị đáp ứng ngay khi được Chúa bảo: "Hãy đem lại cho Thầy".


Căn cứ vào chi tiết nho nhỏ này thì có thể các tông đồ đã đi thăm dò dân chúng xem họ có mang theo lương thực phòng thân hay chăng, nhưng chắc các vị thấy hầu hết hay hầu như chẳng mấy ai có gì để ăn uống hết, ngoài trừ có một cậu bé có 5 ổ bánh và 2 con cá. 


Thấy tình hình như thế nên các vị mới giục Thày giải tán dân chúng cho họ đi tìm của ăn. Nhưng không ngờ lý lẽ của Chúa Giêsu khác với, đúng ra hơn hẳn lý lẽ của các tông đồ, ở chỗ, không phải là dân chúng tự lo giải quyết tình trạng đói ăn của họ mà ngược lại: "Họ chẳng cần phải đi, các con hãy cho họ ăn". 


Có những giải thích phép lạ Chúa Giêsu làm theo kiểu khoa học, như thể cố ý hay tìm cách xuyên tạc phép lạ Chúa Giêsu làm, bằng cách gián tiếp hay trực tiếp chối bỏ các phép lạ của Người. Chẳng hạn trong phép lạ bánh hóa ra nhiều này, họ giải thích rằng vì dân chúng nghe lời giảng của Chúa Giêsu xong thì động lòng nên ai có đồ ăn thức uống thì mang ra chia cho nhau cùng ăn cùng uống, nên ai cũng ăn no. 

 

 

Vậy thì "12 thúng đầy" dư ở đâu mà ra, dư từ 5 chiếc bánh và 2 con cá hóa nhiều hay từ đă ăn của dân chúng san sẻ cho nhau? Nếu thế thì (theo Phúc Âm Thánh ký Gioan) chính Chúa Giêsu phân phát cho dân chúng bánh trước và cá sau phải hiểu như thế nào, từ 5 ổ bánh và 2 con cá hay từ những gì của chính dân chúng chứ? Và trong Phúc Âm Thánh ký Mathêu hôm nay, lời Chúa Giêsu bảo các tông đồ "Họ chẳng cần phải đi, các con hãy cho họ ăn" phải hiểu ra sao, từ 5 ổ bánh và 2 con cá do Người làm phép lạ hóa ra nhiều hay từ những gì của dân chúng mang theo??


Trong Bài Đọc cho năm lẻ hôm nay, Sách Dân Số thuật lại việc dân Do Thái đòi ăn thịt, vì ăn manna mãi cũng chán, và vì thèm thịt nên họ đã tưởng nhớ lại một thời dĩ vãng họ đã được tha hồ ăn những thứ họ thích: "Trong những ngày ấy, con cái Israel nói rằng: 'Ai sẽ cho chúng tôi thịt ăn? Chúng tôi nhớ lại hồi còn ở Ai-cập, cá thì được ăn không, rồi có dưa chuột, dưa gang, rau cải, hành tỏi. Giờ thì chúng tôi suy nhược, thiếu hết mọi thứ: quay đi ngó lại chỉ thấy manna'".


Phần Moisen, càng ngày càng cảm thấy trách nhiệm nặng nề đối với dân chúng, nhất là không thể nào làm thỏa đáng nhu cầu vật chất của họ, đến độ ông đã "nghe dân chúng than khóc, nhà nào cũng đứng ở cửa lều", một tình trạng chẳng những khiến "Chúa bừng bừng nổi giận" mà còn khiến cho cả ông "rất đỗi bực mình", và vì thế ông không thể không thưa cùng Chúa rằng:


"Sao Chúa làm khổ tôi tớ Chúa? Sao con không được nghĩa với Chúa? Sao Chúa bắt con phải mang cả dân này? Con đâu có cưu mang cả đám dân này, con đâu có sinh ra nó, mà Chúa bảo con: 'Hãy ẵm nó vào lòng, như vú nuôi ẵm trẻ thơ, hãy mang nó vào đất Ta đã thề hứa ban cho tổ tiên nó?' Con biết tìm đâu ra thịt để cho cả đám dân này? Họ kêu khóc với con rằng: 'Hãy cho chúng tôi ăn thịt'. Một mình con không mang nổi dân này vì là gánh nặng nề đối với con. Nếu Chúa muốn xử với con như thế, thì xin giết con đi, và cho con được nghĩa với Chúa, kẻo con phải khốn cực dường này".


Ở đây, tuy Moisen không đáp ứng nhu cầu của dân, như các tông đồ trong bài Phúc Âm đã không chủ động và tích cực thỏa đáng nhu cầu đói ăn của dân chúng bấy giờ, nhưng việc sẵn sàng hợp tác của các vị đã đủ để Chúa Giêsu đáp ứng nhu cầu của dân chúng thế nào thì việc Moisen nhịn nhục chịu đựng dân chúng cho tới cùng, đến độ không thể nào chịu nổi nữa, cũng là những gì cần phải có để Thiên Chúa tiếp tục tỏ mình ra cho họ. 


Trong bài Đáp Ca hôm nay, Lời của Chúa về dân Do Thái, một dân tộc bất tuân và cứng cổ (câu 1), mà nếu họ sống ngược lại bằng cách dễ dậy và tuân phục (câu 2) thì Ngài sẽ làm cho họ được sống viên mãn hơn nhờ Lời Nhập Thể là Bánh Từ Trời, như được ám chỉ ở câu Đáp Ca cuối cùng: "Ta sẽ lấy tinh hoa lúa mì nuôi dưỡng chúng, và cho chúng ăn no mật từ hốc đá chảy ra": "tinh hoa lúa mì" đây phải chăng ám chỉ Bánh Thánh Thể, và "mật từ hốc đá chảy ra" đây phải chăng  từ cạnh sườn bị đâm thâu của Chúa Kitô trên thập giá (xem Gioan 19:34)?


1) Dân tộc của Ta chẳng có nghe Ta; Israel đã không vâng lời Ta răn bảo. Bởi thế nên Ta để mặc cho chúng cứng lòng, để chúng sinh hoạt tùy theo sở thích. 


2) Phải chi dân tộc của Ta biết nghe lời Ta, Israel biết theo đường lối của Ta mà ăn ở, thì lập tức Ta sẽ triệt hạ kẻ thù của chúng, và để đập tan quân địch của chúng, Ta sẽ trở tay. 


3) Quân thù của chúng sẽ phải xưng tụng chúng, và vận mạng của chúng sẽ bền vững muôn đời. Ta sẽ lấy tinh hoa lúa mì nuôi dưỡng chúng, và cho chúng ăn no mật từ hốc đá chảy ra.

 

 


Thứ Ba

Chỉ bắt đầu chìm xuống khi không còn gắn mắt vào Chúa

Bài Đọc I: (Năm I) Ds 12, 1-13
Đáp Ca: Tv 50, 3-4. 5-6a. 6bc-7. 12-13
Phúc Âm: Mt 14, 22-36

Bài Phúc Âm cho Thứ Ba Tuần XVIII Thường Niên hôm nay thuật lại một biến cố xẩy ra sau phép lạ bánh hóa nhiều. Biến cố này xẩy ra thứ tự 4 phần như sau:

Phần nhất: "Khi dân chúng đã ăn no, lập tức Chúa Giêsu giục môn đệ trở xuống thuyền mà qua bờ bên kia trước, trong lúc Người giải tán dân chúng. Giải tán họ xong, Người lên núi cầu nguyện một mình. Đến chiều, Người vẫn ở đó một mình. Còn thuyền thì đã ra giữa biển, bị sóng đánh chập chờn vì ngược gió".

Ở đây chúng ta thấy chính Chúa Giêsu giải tán dân chúng, chứ Người không bảo các tông đồ làm một việc xứng với thân phận và vai trò là môn đệ của Người. Người đích thân làm việc này có thể là vì "Người lên núi cầu nguyện một mình". Bởi đó Người đã "giục môn đệ trở xuống thuyền mà qua bờ bên kia trước", con thuyền mà Thày trò đã sử dụng để tránh dân chúng tuốn đến trước đó (xem Marco 6:32). Và có thể là vì một mục đích khác nữa, có lợi cho các tông đồ, nên cho mãi "đến chiều, Người vẫn ở đó một mình. Còn thuyền thì đã ra giữa biển, bị sóng đánh chập chờn vì ngược gió".


Phần hai: "Canh tư đêm tối, Người đi trên mặt biển mà đến với các ông. Thấy Người đi trên mặt biển, các ông hoảng hồn mà nói rằng: 'Ma kìa' và các ông sợ hãi kêu la lớn tiếng. Lập tức, Chúa Giêsu nói với các ông rằng: 'Hãy yên tâm. Thầy đây, đừng sợ'". 

Phải, ở đây chúng ta thấy rằng Chúa Giêsu cố ý để cho thuyền của các tông đồ "ra giữa biển, bị sóng đánh chập chờn vì ngược gió" rồi Người mới xuất hiện giữa đêm tối: "Canh tư đêm tối, Người đi trên mặt biển mà đến với các ông", chứ không xuất hiện với các vị khi trời còn sáng và vào lúc không có sóng gió gì, khiến các ông bấy giờ không còn nhận ra Người, càng hoảng sợ hơn nữa: "mà nói rằng: 'Ma kìa' và các ông sợ hãi kêu la lớn tiếng". Thiên Chúa hay chơi trò ma quái này với thành phần thiểu số được Ngài tuyển chọn, và Ngài thích tỏ mình ra trong những cơn gian nan khốn khó của những ai cần tin vào Ngài: "Hãy yên tâm. Thầy đây, đừng sợ". 

Phần ba: "Phêrô thưa lại rằng: 'Lạy Thầy, nếu quả là Thầy, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến cùng Thầy'. Chúa phán: 'Hãy đến'. Phêrô xuống khỏi thuyền bước đi trên mặt nước mà đến cùng Chúa Giêsu. Khi thấy gió mạnh, ông sợ hãi và sắp chìm xuống nên la lên rằng: 'Lạy Thầy, xin cứu con'. Lập tức, Chúa Giêsu giơ tay nắm lấy ông mà nói: 'Người hèn tin, tại sao lại nghi ngờ?' Khi cả hai đã lên thuyền thì gió liền yên lặng. Những người ở trong thuyền đến lạy Người mà rằng: 'Thật, Thầy là Con Thiên Chúa!'".

Được trấn an và nhận ra quả thực là Thày của mình chứ chẳng phải ma quái gì, Tông Đồ Phêrô chẳng những cảm thấy hết sợ mà còn trở nên khoái chí đến độ đã xin với Người rằng: "Lạy Thầy, nếu quả là Thầy, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến cùng Thầy". Chúng ta thấy Tông Đồ Phêrô không tự ý nhào ra khỏi thuyền mà đến với Thày mà là xin lệnh của Thày trước. Và khi được Người cho phép "hãy đến" ngài liền "xuống khỏi thuyền bước đi trên mặt nước mà đến cùng Chúa Giêsu". Thế nhưng vị tông đồ này chỉ bắt đầu chìm xuống khi không còn gắn mắt của mình vào Thày như cảm hứng ban đầu nữa sau khi bị ngoại cảnh chi phối đến chao đảo.

Về sự kiện Chúa Giêsu đi trên mặt nước đến cùng các môn đệ này cũng thế, người ta cũng tìm cách giải thích nghe có lý để gạt bỏ những gì gọi là phép lạ của Chúa Giêsu đi. Chẳng hạn, họ giải thích rằng bấy giờ là mùa đông nên nước bị đông cứng nên Chúa Giêsu đã bước đi trên tảng băng chứ không phải trên nước. Đúng là một giải thích trẻ con, chỉ đánh lừa được những ai không cẩn thận đọc Thánh Kinh. Vậy thì chỉ có chỗ Tông Đồ Phêrô bị chìm xuống là chỗ duy nhất không bị đông đá hay sao? Hay chỉ có chỗ nào Chúa Giêsu đi thì mới bị đóng băng còn chỗ nào thuyền của các môn đệ chèo thì toàn là nước à? Thật là một hiện tượng có vẻ ảo thuật hơn là thiên nhiên.


Ch
úng ta không biết được từ thuyền đến chỗ Chúa Giêsu đang đi trên biển mà đến với thuyền của các tông đồ bao xa. Nhưng chắc cũng không còn xa cho lắm, bởi trong đêm tối các tông đồ còn có thể nhìn thấy được Người và còn có thể nghe được tiếng của Người giữa sóng gió ào ào. Vậy từ thuyền đến chỗ của Chúa Giêsu rất gần nên có thể suy đoán rằng Tông Đồ Phêrô vừa mới ra khỏi thuyền được một chút thì đã cảm thấy chới với: "Khi thấy gió mạnh, ông sợ hãi và sắp chìm xuống nên la lên rằng: 'Lạy Thầy, xin cứu con'". 

Tất nhiên Chúa Giêsu ở ngay đó không thể nào để cho vị tông đồ này chết chìm: "Lập tức, Chúa Giêsu giơ tay nắm lấy ông mà nói: 'Người hèn tin, tại sao lại nghi ngờ?'". Đúng thế, chỉ vì "nghi ngờ" mà Tông Đồ Phêrô mới bị chìm xuống, trái lại, nếu sóng gió càng mạnh, càng cản trở vị tông đồ này đến cùng Chúa Giêsu, mà ngài cứ tiếp tục thắng vượt tất cả, bằng một lòng tin tưởng tuyệt đối vào Thày, Đấng đang ở ngay phía trước mặt ngài và là chính mục tiêu tiến đến của ngài, thì chắc chắn ngài đã gặp được Người trong chính sóng gió và giữa đêm tối. 

Dầu sao Chúa Giêsu cũng đạt được mục đích của Người là tỏ mình ra cho các tông đồ giữa cơn gian nan khốn khó đầy hiểm nguy của các vị để các vị nhờ đó mà tin vào Người: "Khi cả hai đã lên thuyền thì gió liền yên lặng. Những người ở trong thuyền đến lạy Người mà rằng: 'Thật, Thầy là Con Thiên Chúa!'". 

"Khi cả hai đã lên thuyền thì gió liền yên lặng" có nghĩa là cuộc thử thách đức tin của các tông đồ được Chúa Giêsu sắp xếp xẩy ra chỉ tới đó thôi, nghĩa là cho tới khi Người bước vào trong thuyền của các vị, và cũng chính là lúc và là nơi các vị nhận biết Người đúng như những gì Người mong muốn nơi các vị: "Những người ở trong thuyền đến lạy Người mà rằng: 'Thật, Thầy là Con Thiên Chúa!'"

Trong Bài Đọc 1 cho năm lẻ hôm nay Sách Dân Số cũng cho thấy Thiên Chúa đã trở thành "bóng ma" nơi Moisen, chập chờn trước con mắt lo sợ của Aaron và Maria là anh chị em của Moisen, đến độ họ đã bị chìm mất đức tin của họ, bởi cả 2 người anh em này ghen với Moisen về đặc ân Moisen được Chúa tặng ban mà họ không được: "Trong những ngày ấy, Maria và Aaron nói xấu ông Moisen, vì vợ ông này là người xứ Êthiôpia. Họ nói: 'Thiên Chúa chỉ phán với một mình Moisen mà thôi ư? Người chẳng phán cùng chúng ta như thế sao?'" 

Thế nhưng, vì Moisen là người được Thiên Chúa tuyển chọn, nên nói phạm đến Moisen là phạm đến Ngài, phải trả lẽ trước mặt Ngài: "Moisen tôi tớ của Ta không phải thế. Ông rất trung thành trong cả nhà Ta. Ta trực tiếp đối diện nói truyện với ông, ông thấy Chúa tỏ tường, không bí ẩn hay là hình bóng. Vậy sao các ngươi dám chê trách Moisen tôi tớ của Ta?". Có lẽ vì Maria, hơn là Aaron, là người đã mở lời nói xấu Moisen với Aaron anh mình mà chỉ có một minh Maria bị phạt trở nên phong cùi, một chứng bệnh tiêu biểu cho con người có lòng dạ ghen tương tị hiềm đố kỵ.

Bài Đáp Ca hôm nay là tâm tình của một con người lỗi phạm biết mình và tỏ lòng thống hối, như phản ảnh tâm tình của một Maria sau khi thấy mình bị phong cùi bởi đã dám tỏ ra ghen tị và nói xấu Moisen là người của Thiên Chúa, Đấng đã tuyển chọn ông và ở cùng ông. 

1) Lạy Chúa, nguyện thương con theo lòng nhân hậu Chúa, xoá tội con theo lượng cả đức từ bi. Xin rửa con tuyệt gốc lỗi lầm, và tẩy con sạch lâng tội ác.

2) Vì sự lỗi con thực là con biết, và tội con ở trước mặt con luôn. Con phạm tội phản nghịch cùng một Thiên Chúa. 


3) Con thi hành điều ác trước thiên nhan, hầu tỏ ra Chúa công bình khi phê phán. Này coi, con đã chào đời trong ô uế, và trong tội, mẹ đã hoài thai con. 


4) Ôi lạy Chúa, xin tạo cho con quả tim trong sạch, và canh tân tinh thần cương nghị trong người con. Xin đừng loại con khỏi thiên nhan Chúa, chớ thu hồi Thánh Thần Chúa ra khỏi con.


Ngày 08: Thánh Ða Minh, linh mục lập dòng

 


Thứ Tư

Dù là một con chó nhưng luôn biết gắn mắt vào chủ của mình


Bài Đọc I: (Năm I) Ds 13, 1-3a. 26 -- 14, 1. 26-29. 34-35
Đáp Ca: Tv 105, 6-7a. 13-14. 21-22. 23

Phúc Âm: Mt 15, 21-28

 


Bài Phúc Âm hôm nay, Thứ Tư trong Tuần XVIII Thường Niên, Thánh ký Mathêu thuật lại cho chúng ta về việc Chúa Giêsu chữa cho con gái của người đàn bà xứ Canaan được khỏi bị quỉ ám, một người đàn bà dân ngoại nhưng có một đức tin "muốn gì đưc nấy". 


Thế nhưng, để có một đức tin "muốn gì được nấy" này, người đàn bà ngoại bang Cannan này đã phải trải qua một một cơn thử thách phải nói là khủng khiếp, một trận đấu sinh tử, trận đấu thập tử nhất sinh, liên quan đến sắc tộc của bà cũng như đến chính phẩm giá của bà.


Cuộc thử thách đức tin liên quan đến sắc tộc của người đàn bà Canaan: "Các môn đệ đến gần Người mà rằng: 'Xin Thầy thương để bà ấy về đi, vì bà cứ theo chúng ta mà kêu mãi'. Người trả lời: 'Thầy chỉ được sai đến cùng chiên lạc nhà Israel'". Qua câu trả lời cho các môn đệ này, Chúa Giêsu như muốn nói rằng chỉ có dân Do Thái của Người là nhất, còn các dân ngoại chỉ là đồ thứ yếu, không đáng chú trọng cho bằng dân Do Thái. 


Cuộc thử thách đức tin liên quan đến phẩm giá làm người của người đàn bà Canaan"Nhưng bà kia đến lạy Người mà nói: 'Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi'. Người đáp: 'Không nên lấy bánh của con cái mà vứt cho chó'". Đến đây, bị chạm tự ái như thế, bị coi như loài chó như vậy, không biết có ai còn nhẫn nại để tiếp tục với con người khinh bỉ mình và chửi mình như thế nữa hay chăng, hay là điên tiết quại lại bằng câu hùng hổ như: "Này, ông đừng có tưởng rằng ông ngon lắm, không đáp ứng những gì tôi xin thì thôi, chứ đừng có mà khinh bỉ tôi như vậy. Tôi cóc cần ông".  


Thế nhưng, cho dù người đàn bà Canaan bị một độc chưởng vô cùng lợi hại chỉ từ chết tới bị thương như vậy mà bà chẳng những vẫn không hề hấn gì, trái lại, bà còn tung lại một tuyệt chiêu vô cùng ngoạn mục: "Vâng, lạy Ngài, vì chó con cũng được ăn những mảnh vụn từ bàn của chủ rơi xuống", một tuyệt chiêu đã làm cho đối thủ vô địch của bà đành chào thua bà lập tức"Này bà, bà có lòng mạnh tin. Bà muốn sao thì được vậy"

 

 

So sánh với tông đồ Phêrô trong Bài Phúc Âm hôm qua, vị tông đồ vì không còn gắn mắt vào Thày mình nữa nên đã bắt đầu bị chìm xuống nước thì người đàn bà xứ Canaan trong bài Phúc Âm hôm nay, cho dù ở dưới gầm bàn ăn chực của thành phần con cái nhưng vẫn cứ gắn mắt vào vị chủ nhà nên đã được thừa hưởng những vụn lương thực của con cái.


Điều duy nhất người đàn bà ngoại bang Canaan này muốn đó là làm sao để người con gái của bà khỏi "bị quỷ ám khốn cực lắm", đến độ, bà cảm thấy cái khổ của chính con bà như là của bà, nên bà đã xin Chúa Giêsu thương chính bản thân bà chứ không phải là đứa con gái của bà: "Lạy Ngài là con Vua Đavít, xin thương xót tôi". Để rồi, nhờ đức tin "muốn gì được nấy" của bà mà "ngay lúc đó, con gái bà đã được lành".


Bài Đọc 1 cho năm lẻ hôm nay được Sách Dân Số thuật lại hậu quả của biến cố thăm dò Đất Hứa được Chúa truyền cho Moisen thực hiện: "Trong những ngày ấy, Chúa phán cùng Môsê (ở trong hoang địa Pharan) rằng: 'Ngươi hãy sai đàn ông, mỗi chi tộc một người (thuộc hàng vương công trong chúng), đi xem đất Canaan mà Ta sẽ ban cho con cái Israel'".


Hậu quả đó là họ nghe được đám thám tử tường thuật về đất đai và dân cư địa phương như thế này: "Sau bốn mươi ngày, những người dò thám đất đi khắp miền, đoạn trở về... Và họ đã báo cáo với các ông và toàn thể cộng đồng, và cho người ta thấy thổ sản đất ấy. Họ đã tường thuật và nói: 'Chúng tôi đã vào đất, nơi các ông sai chúng tôi đến, và thật là đất chảy tràn sữa và mật, và đây là thổ sản đất ấy. Hiềm một nỗi là dân cư trong xứ hùng cường! Thành trì kiên cố (và) lớn lắm... Đất chúng tôi đã băng qua để dò thám là đất làm tiêu diệt cả những người ở trên ấy; dân chúng tôi đã thấy trong xứ toàn là những người vóc dạng. Chúng tôi đã thấy ở đó những người khổng lồ (con cháu của Anaq thuộc hạng người khổng lồ). Quay nhìn lại mình, thật chúng tôi chỉ như những con châu chấu, và trước mắt họ, chúng tôi chỉ như thế đó'".


Từ đó và bởi đó họ đã tỏ ra chán nản thất vọng đến độ "đêm ấy toàn dân la lối khóc lóc. (Họ trách móc Môsê và Aaron, và nói rằng: '(...) Phải chi chúng tôi chết quách ở trong sa mạc này!')". Tinh thần và thái độ của dân Do Thái trong trường hợp này quả thực cho thấy họ thật là cứng lòng và yếu tin, cho dù họ đã thấy tận mắt các điềm thiêng dấu lạ cả thể Thiên Chúa đã làm để cứu họ ra khỏi Ai Cập, hầu đưa họ vào Đất Hứa cho bằng được, như Ngài đã hứa với tổ phụ Abraham, Isaac và Giacóp của họ. Động một tí là than, hơi một tí là trách, bị một tí là kêu. 


Bởi thế không lạ gì ở Bài Đọc 1 Thứ Hai vừa rồi Moisen đã xin Thiên Chúa thà giết ông đi cho rồi hơn là phải chịu đựng đám dân quá quẩn này, dù ông là con người hiền nhất trên thế gian này, như Thiên Chúa phán với Aaron và Maria về ông trong Bài Đọc 1 hôm qua. Chính Thiên Chúa cũng đã tỏ ra như thể không còn chịu được họ nữa và để cho họ chết dần chết mòn trong sa mạc:


"Dân bạc ác này kêu trách Ta cho đến bao giờ? Ta đã nghe tiếng kêu trách của con cái Israel. Ngươi hãy nói với chúng rằng: Chúa phán: Ta hằng sống, như các ngươi đã nói, Ta đã nghe, nên Ta sẽ làm cho các ngươi như vậy. Xác chết của các ngươi sẽ nằm trên rừng vắng này. Tất cả các ngươi, tính từ hai mươi tuổi trở lên, đều đã kêu trách Ta. Các ngươi đã xem thấy đất, trong bốn mươi ngày, (thì) một năm kể thay cho một ngày; các ngươi mang lấy cái khổ của sự gian ác các ngươi, và sẽ biết sự thù ghét của Ta: vì Ta đã phán thế nào, thì Ta sẽ làm cho dân bạc ác này dấy lên chống lại Ta như vậy: nó sẽ hao mòn và chết trên rừng vắng này".


Bài đọc 1 hôm nay về trường hợp dân Do Thái bất nhẫn đáng bị trừng phạt có liên quan gì tới bài Phúc Âm về người đàn bà xứ Canaan mạnh tin muốn gì được nấy hay chăng? Thưa có, cả hai bài đọc đều liên quan đến đức tin, ở chỗ, một khi tuyệt đối tin tưởng vào Chúa thì sẽ thấy Người tỏ mình ra, như trường hợp của người đàn bà dân ngoại xứ Canaan, ngược lại, không tin vào Chúa thì sẽ chịu hậu quả tương xứng, như trường hợp dân Do Thái trong hoang điạ.


Có thể so sánh dân Do Thái như đứa con gái của người đàn bà xứ Canaan bị qủi ám mà bà phải chịu khổ với nó và như nó, và đến kêu xin Chúa trừ quỉ cho nó thế nào, thì dân Do Thái cũng như bị quỉ ám ở chỗ có những tác hành phản lại với đức tin, phạm đến Vị Thiên Chúa hằng ở với họ, đến độ Moisen đã phải gánh chịu lỗi tội của họ mà cầu khẩn Chúa tha cho họ, đúng như cảm nhận của dân Do Thái sau này về lỗi lầm quên Chúa của mình và vai trò của Moisen trong Bài Đáp Ca hôm nay:

 

1) Chúng con đã phạm tội cũng như tổ phụ chúng con, chúng con đã làm điều gian ác và ăn ở bất nhân. Tổ phụ chúng con khi còn ở bên Ai-cập, đã không suy xét những việc lạ lùng của Chúa. 


2) Nhưng họ đã mau quên công việc của Chúa khi gia ân huệ cho dân Ngài, họ không tin cậy vào định kế của Ngài. Họ chiều theo dục vọng ở nơi hoang địa, và thử thách Thiên Chúa trong cõi cô liêu. 


3) Họ đã quên Thiên Chúa là Đấng cứu độ mình, Đấng đã làm những điều trọng đại bên Ai-cập, Đấng đã làm những điều kỳ diệu trên lãnh thổ họ Cam, và những điều kinh ngạc nơi Biển Đỏ. 


4) Chúa đã nghĩ tới chuyện tiêu diệt họ cho rồi, nếu như Moisen là Người Chúa chọn, không đứng ra cầu khẩn với Người, để Người nguôi giận và đừng tiêu diệt họ. 

 



Thứ Năm

Một thâm cung bí sử về Đấng Thiên sai Con Thiên Chúa hằng sống

 

Bài Đọc 1: Num 20:1-13
Đáp Ca: Tv 95:1-2,6-7,8-9
Phúc Âm: Mt 16:13-23

Bài Phúc Âm hôm nay, Thứ Năm Tuần XVIII Thường Niên, được Thánh ký Mathêu thuật lại về sự kiện tông đồ đoàn, qua vị đại diện của mình là Tông Đồ Phêrô, tuyên xưng thực tại thần linh chân thực về Chúa Kitô, một Chúa Kitô sau đó chẳng những thiết lập Giáo Hội của Người trên nền tảng đức tin của vị tông đồ này, mà còn tỏ ra cho các tông đồ biết một bí mật quân sự tối quan hệ về Người. 

Tông Đồ Phêrô, tuyên xưng thực tại thần linh chân thực về Chúa Kitô: 

"Khi Đức Giê-su đến vùng kế cận thành Caesarea Philippi, Người hỏi các môn đệ rằng: 'Người ta nói Con Người là ai?' Các ông thưa: 'Kẻ thì nói là ông Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Êlia, có người lại cho là ông Giêrêmia hay một trong các vị ngôn sứ'. Đức Giêsu lại hỏi: 'Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?' Ông Simôn Phêrô thưa: 'Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống'". 

Chúa Kitô đã thiết lập Giáo Hội của Người trên nền tảng đức tin của vị tông đồ này:

"Đức Giêsu nói với ông: 'Này anh Simon con ông Giôna, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy". 

Chúa Kitô tỏ ra cho các tông đồ biết một bí mật quân sự tối quan hệ về Người:

"Từ lúc đó, Đức Giêsu Kitô bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết: Người phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại. Ông Phêrô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người: 'Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!' Nhưng Đức Giê-su quay lại bảo ông Phê-rô: 'Satan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người'".

Qua bài Phúc Âm hôm nay, chúng ta có thể tự hỏi là tại sao Chúa Giêsu bỗng nhiên lại hỏi các tông đồ về nhận định của dân chúng nói chung và của các tông đồ nói riêng về Người, trong khi Người vẫn cố ý che dấu căn tính của Người, như trong chính bài Phúc Âm hôm nay cho thấy: "Người cấm ngặt các môn đệ không được nói cho ai biết Người là Đấng Kitô"?

Phải chăng Người chỉ có ý muốn trắc nghiệm xem kiến thức thần linh và cảm nghiệm thần linh về Người nơi các vị như thế nào sau thời gian được gần gũi với Người hơn quần chúng? Căn cứ vào nội dung và kết cấu của bài Phúc Âm thì Chúa Kitô không phải chỉ muốn trắc nghiệm mức độ đức tin của các tông đồ, vì tự mình Người đã biết đức tin của các vị ra sao rồi, chẳng cần phải hỏi, mà Người muốn tiết lộ một bí mật hết sức phũ phàng về Người mà Người biết chắc chắn rằng các tông đồ không thể nào chấp nhận được, dù các vị có tuyên xưng hết sức chính xác về Người đi chăng nữa. 

Thật thế, điều tối mật về Người đó là Người chẳng những là "Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống" mà còn là một Đức Kitô tử nạn và phục sinh nữa, để chứng tỏ Người thực sự là "Đức Kitô" (qua mầu nhiệm tử giá) và đồng thời cũng chính là "Con Thiên Chúa hằng sống" (qua mầu nhiệm phục sinh), chứ không phải như lý lẽ tự nhiên của các tông đồ, tiêu biểu qua tông đồ Phêrô, hiểu theo kiểu trần gian, ở chỗ đã là "Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống" thì Người không thể nào lại chết được. 

Nếu chung các tông đồ và riêng tông đồ Phêrô không chấp nhận sự thật này về "Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống" thì các vị sẽ không thể nào theo Người được. Đó là lý do các vị đã phản nộp Người, như một tông đồ Giuđa Íchca, hay đã trắng trợn chối bỏ Người, như một tông đồ Phêrô đầu đàn. Đó cũng là lý do các vị ru rú lo âu sợ hãi trong căn thượng lầu khóa kín sau khi Thày của các vị chết đi. 

Đó còn là lý do khi nhận biết tất cả sự thật về một Chúa Kitô Phục Sinh, tông đồ Toma đã tuyên xưng: "Lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa tôi" (Gioan 20:28), chứ không tuyên xưng "Vâng, con tin Thày đã chết nhưng đã sống lại". Bởi vì, chính vì Thày là Chúa và là Thiên Chúa mà Thày dù có chết cũng sẽ sống lại, để làm Chúa của cả kẻ sống lẫn người chết, để chứng tỏ Người là Vị Thiên Chúa hằng sống bất diệt. Lời tuyên xưng này của tông đồ Tôma như thể lập lại lời tuyên xưng của tông đồ Phêrô: "Thày là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống". 

Nếu bài Phúc Âm liên quan đển tảng đá Phêrô là nền được Chúa Kitô sử dụng để thiết lập Giáo Hội của Người, thì Bài Đọc 1 cho năm lẻ hôm nay cũng liên quan đến tảng đá trở thành nguồn nước cho dân Do Thái uống trong sa mạc, nhưng tảng đá chỉ trở thành nguồn nước cho dân sau khi được cây gập ám chỉ quyền bính của Moisen đập vào:

"Chúa phán với ông Moisen: 'Hãy cầm lấy cây gậy, và cùng với Aaron, anh ngươi, triệu tập cộng đồng lại. Trước mặt chúng, các ngươi sẽ nói với tảng đá và chúng sẽ cho nước; từ tảng đá, ngươi sẽ làm cho nước chảy ra cho chúng, và ngươi sẽ cho cộng đồng và súc vật của chúng uống'. Ông Moisen cầm lấy cây gậy ở trước nhan Chúa, như Người đã truyền cho ông. Ông Moisen và ông Aaron triệu tập đại hội trước tảng đá; ông Moisen nói với họ: 'Nghe đây, hỡi quân phản nghịch! Từ tảng đá này, chúng tôi có thể làm cho nước chảy ra cho các người được không?' Ông Moisen giơ tay, lấy gậy đập vào tảng đá hai lần; nước trào ra lai láng cho cộng đồng và súc vật uống". 

Thế nhưng, cũng như tông đồ Phêrô, ngay sau khi tuyên xưng chính xác về căn tính của Chúa Kitô liền bị Người quở trách thế nào bởi suy nghĩ theo lý lẽ tự nhiên của trần gian hơn là theo đường lối thần linh của Thiên Chúa, thì Moisen sau khi dùng gập quyền bính đập vào tảng đá (đến 2 lần thay vì chỉ cần 1 lần) để nước chảy ra từ tảng đá ấy cho dân uống cũng đã bị Thiên Chúa quở trách như vậy vì không hoàn toàn tin tưởng vào Ngài:

"Bấy giờ Chúa phán với ông Moisen và ông Aaron: 'Bởi vì các ngươi đã không tin vào Ta để biểu dương sự thánh thiện của Ta trước mắt con cái Israel, nên các ngươi sẽ không được đưa đại hội này vào đất Ta ban cho chúng'". 


Bài Đáp Ca hôm nay bày tỏ cảm nhận về một vị Thiên Chúa cứu độ, cần phải tin tưởng cậy trông (câu 1), vị Thiên Chúa chăn dắt dân của Ngài như mục tử chăn chiên của mình (câu 2), bởi thế hãy nghe tiếng của Ngài chứ đừng cứng lòng như dân Do Thái trong bài Đọc Một hôm nay (câu 3):


1- Hãy đến đây ta reo hò mừng Chúa, tung hô Người là Núi Đá độ trì ta, vào trước Thánh Nhan dâng lời cảm tạ,       cùng tung hô theo điệu hát cung đàn.

2- Hãy vào đây ta cúi mình phủ phục, quỳ trước tôn nhan 
Chúa là Đấng dựng nên ta. Bởi chính Người là Thiên Chúa ta thờ, còn ta là dân Người lãnh đạo, là đoàn chiên tay Người dẫn dắt. 

3- Ngày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa! Các ngươi chớ cứng lòng như tại Meriba, như ngày ở Masa trong sa mạc, nơi tổ phụ các ngươi đã từng thách thức và dám thử thách Ta, dù đã thấy những việc Ta làm.



Ngày 10: Thánh Laurensô, phó tế tử đạo


Thứ Sáu


chỉ tuyệt mạng mới biến hình


Bài Đọc I: (Năm I) Đnl 4, 32-40

Đáp Ca: Tv 76, 12-13. 14-15. 16 và 21
Phúc Âm: Mt 16, 24-28


Hôm nay, Thứ Sáu Tuần XVIII Thường Niên, để tiếp tục tất cả sự thật về mầu nhiệm Chúa Kitô trong bài Phúc Âm hôm qua, ở chỗ: Nếu Ngưòi là "Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống", thì Người đồng thời cũng phải là một Đức Kitô Vượt Qua, tử giá và phục sinh, nhờ đó Người mới chứng thực Người quả là "Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống", Chúa Kitô, trong bài Phúc Âm hôm nay, đã thẳng thắn tuyên bố một hệ luận hay một lối sống liên quan trực tiếp đến thân phận của những ai muốn theo Người là một Đức Kitô Vượt Qua từ khổ giá đến phục sinh rằng: "Nếu ai muốn theo Thầy, thì hãy từ bỏ mình đi, và vác thập giá mình mà theo Thầy".


Sau đó, Người cho các môn đệ của Người biết về lý do tại sao họ cần phải sống như thế, cần phải bỏ mình và vác thập giá mà theo Người như vậy, hay đúng hơn cần phải bỏ mình và vác thập giá mới có thể theo Người, bằng không, họ không thể nào theo Người được, thậm chí như Người phán trong Phúc Âm của Thánh ký Luca: "Ai không vác thập giá mình mà theo Thày không xứng đáng làm môn đệ của Thày" (14:27). Lý do được Người nêu lên cho các môn đệ thấy đó là:


"Vì chưng, ai muốn cứu sự sống mình thì sẽ mất; còn ai đành mất sự sống mình vì Ta, thì sẽ được sự sống. Nếu ai được lợi cả thế gian mà thiệt hại sự sống mình, thì được ích gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi được sự sống mình?"


Câu tuyên bố này của Chúa Kitô có thể hiểu về trường hợp của các vị tử đạo trong Giáo Hội từ trước tới nay trong lịch sử của Giáo Hội. Nguyên tắc cứu thì mất bỏ thì còn có vẻ mâu thuẫn này cũng đúng trong cả trường hợp bị rắn độc cắn nếu không chặt cánh tay hay chặt bàn chân bị nó cắn chỉ vì tiếc rẻ hay sợ đau cứ muốn giữ lấy chỗ bị cắn đó thì nạn nhân sẽ mất mạng, ngược lại thì còn mạng. 


Đó là lý do trong bài giảng Phúc Đức Trọn Lành trên núi của Phúc Âm Thánh ký Mathêu, Chúa Kitô cũng đã khuyên các môn đệ của Người rằng nếu mắt của các con hay tay của các con mà nên cớ vấp phạm cho các con thì hãy móc nó đi, hãy chặt nó đi, thà mất một mắt hay thiếu một tay mà vào Nước Trời còn hơn còn nguyên toàn thân lại bị quẳng vào hỏa ngục (xem 5:29-30).


"Sự sống mình" mà Chúa bảo cần phải mất đi để "được sự sốngđây là gì, nếu không phải nếu "sự sống" họ được đây là Chúa Kitô, Đấng đã tuyên bố mình là "sự sống" (Gioan 11:25,14:6), thì "sự sống mình" đây chính là bản thân con người. Đó là lý do Người đã dứt khoát với những ai muốn theo Người "phải bỏ chính bản thân mình đi - must deny his very self". 


Việc "phải bỏ chính bản thân mình" của những ai muốn theo Chúa Kitô này không phải là việc họ tự hủy diệt bản thân họ, mà là một tiến trình biến đổi bản thân họ, biến đổi từ bản thân vô cùng thấp hèn xấu xa tội lỗi của họ để trở nên một Chúa Kitô vô cùng cao cả là chính sự sống thần linh của họ, nghĩa là họ đánh đổi bản thân mình để lấy chính Chúa Kitô, như thể họ là người tim thấy kho tàng là Chúa Kitô trong thửa ruộng thế gian thì đã bán hết mọi sự mình có, bán chính bản thân mình đi, để mua lấy thửa ruộng có kho tàng được chôn giấu ấy vậy (xem Mathêu 13:44).


Chúa Kitô là "sự sống" của thành phần muốn theo Người và cho những ai từ bỏ chính bản thân mình, đến độ không một sự gì trên thế gian này có thể so sánh được: có Người là có tất cả, mất Người là mất tất cả. Đó là lý do Chúa Kitô đã khẳng định với các môn đệ của Người trong bài Phúc Âm hôm nay rằng: "Nếu ai được lợi cả thế gian mà thiệt hại sự sống mình, thì được ích gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi được sự sống mình?". 


Chưa hết, những ai dám hy sinh tất cả mọi sự chẳng là gì trên trần gian tạm gửi mau qua chóng hết hết sức tầm thường này để theo Người cho tới cùng thì sau này sẽ được phần thưởng xứng đáng bất diệt đời sau nữa, như Người hứa với họ ở cuối bài Phúc Âm hôm nay: "Con Người sẽ đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các thiên thần của Người, và bấy giờ, Người sẽ trả công cho mỗi người tùy theo việc họ làm". 


Thế nhưng, để có thể "bỏ chính bản thân mình" mà theo Chúa, con người cần phải có đức tin, phải tin vào Đấng đã kêu gọi họ và chính là Đấng họ theo đuổi cho tới cùng, Đấng luôn tỏ mình ra cho họ, chẳng những bằng điềm thiêng dấu lạ trong cuộc đời họ mà nhất là bằng đau khổ thử thách để họ càng tin vào Người hơn, nhờ đó họ có thể hiệp nhất nên một với Người là "sự sống" của họ mỗi ngày một hơn. Bài Đọc 1 cho năm lẻ hôm nay cũng chất chứa những lời của Moisen nói với dân Do Thái trong Sách Đệ Nhị Luật đã cho thấy đúng như vậy: 


"Tất cả những điều đó, Người chỉ cho các ngươi xem thấy, để các ngươi biết rằng Chúa là Thiên Chúa thật, và ngoài Người, không có chúa nào khác. Từ trên trời, Người cho các ngươi nghe tiếng Người; ở dưới đất, Người cho các ngươi thấy đám lửa to lớn của Người; và từ giữa đám lửa ấy, các ngươi đã nghe lời Người, vì Người đã yêu thương cha ông các ngươi và sau đó đã tuyển chọn con cháu các ông ấy. Người đã dẫn các ngươi ra khỏi Ai-cập khi Người dùng quyền năng cao cả mà đi trước mặt các ngươi, để tiêu diệt trước mặt các ngươi những dân tộc lớn mạnh hơn các ngươi, và đem các ngươi vào trong xứ của họ và ban đất của họ cho các ngươi làm gia nghiệp, như các ngươi vẫn thấy hiện nay. Vậy hôm nay các ngươi hãy nhận biết và suy niệm trong lòng rằng: Trên trời dưới đất, chính Chúa là Thiên Chúa, chứ không có Chúa nào khác. Hãy tuân giữ các lề luật và giới răn mà hôm nay chính ta truyền dạy cho các ngươi, hầu cho các ngươi và con cháu mai sau được hạnh phúc, và tồn tại trên phần đất mà Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho các ngươi".


Bài Đáp Ca hôm nay là tâm tình cảm nhận thần linh về những gì Thiên Chúa đã làm cho dân của Ngài trong quá khứ (câu 1), một vị Thiên Chúa chân thật duy nhất của dân Do Thái luôn tỏ mình ra cho họ (câu 2), Vị Thiên Chúa đã luôn ở với dân qua các vị lãnh đạo của dân (câu 3):


 

1) Tôi hồi tưởng lại những việc làm của Chúa; tôi cũng nhớ những điều kỳ diệu thuở trước của Ngài. Tôi nghiền ngẫm về mọi việc làm của Chúa, và tôi suy tư về những đại sự của Ngài.


2) Ôi Thiên Chúa, đường lối của Ngài thánh thiện; có thần minh nào vĩ đại như Thiên Chúa chúng tôi? Ngài là Thiên Chúa làm nên những điều kỳ diệu, làm sáng tỏ quyền năng ở giữa chư dân.


3) Ngài đã ra tay thục mạng dân Ngài, thục mạng con cháu của Giacóp và Giuse. Nhờ tay Moisen và Aaron, Chúa chăn dắt dân Ngài như thể đoàn chiên. 


Ngày 11: Thánh Clara đồng trinh


Thứ Bảy

Kẻ chiến thắng thế gian là ai?

Bài Đọc I: (Năm I) Đnl 6, 4-13
Đáp Ca: Tv 17, 2-3a. 3bc-4. 47 và 51ab

Phúc Âm: Mt 17, 14-19


Hôm nay, bài Phúc Âm cho Thứ Bảy Tuần XVIII Thường Niên không phải là bài tiếp ngay sau bài Phúc Âm hôm qua, cuối đoạn 16 theo Phúc Âm Thánh Mathêu, mà là bài Phúc Âm sang đoạn 17, từ câu 14 đến 21, thay vì từ câu 1 đến câu 13. Bởi vì bài Phúc Âm từ câu 1 đến 13 mở đầu đoạn 17 là bài Phúc Âm về biến cố Chúa Giêsu biến hình trên núi, một biến cố đã được Giáo Hội cử hành hôm Thứ Năm (ngày 6/8 năm 2015) hay Chúa Nhật (ngày 6/8 năm 2017).


Bài Phúc Âm được Giáo Hội chọn đọc cho ngày cuối tuần XVIII Thường Niên hôm nay tường thuật về sự việc Chúa Giêsu trừ quỉ cho đứa con trai của một người đến xin Người, vì môn đệ của Người đã không thể trừ được quỉ cho con của ông ta:


"Khi ấy, có một người đến gần, quỳ gối trước mặt Chúa Giêsu mà nói rằng: 'Lạy Ngài, xin thương xót con trai tôi vì nó mắc chứng kinh phong và rất trầm trọng: nó thường ngã vào lửa và lắm lúc nó ngã xuống nước. Tôi đã đem nó đến cùng môn đệ Ngài, nhưng các ông không thể chữa nó được'". 


Chính các môn đệ cũng thắc mắc là tại sao các vị không trừ được quỉ, và đã được Chúa Giêsu trả lời cho các vị biết rằng: "Bấy giờ các môn đệ đến hỏi riêng Chúa Giêsu rằng: 'Tại sao chúng con không thể trừ quỷ ấy được?' Chúa Giêsu bảo các ông rằng: 'Vì các con yếu lòng tin!'"


Đó là lý do sau khi nghe ông bố của đứa con trai bị quỉ ám cho biết các môn đệ của Người không trừ được quỉ ra khỏi con ông ta, Chúa Giêsu đã không than trách chung dân chúng và riêng ông bố đang xin Người trừ quỉ cho con ông ta, cho bằng chính các môn đệ của Người, thành phần đã được Người ban cho quyền trừ quỉ từ khi Người sai các vị đi truyền giáo trước kia (xem Mathêu 10:1) mà quyền trừ quỉ nơi các vị vẫn không có công hiệu gì nơi các vị trong trường hợp này, chỉ vì các vị yếu lòng tin: "Ôi thế hệ cứng lòng tin và hư hỏng! Ta phải ở với các ngươi đến bao giờ? Ta còn phải chịu đựng các ngươi đến bao giờ nữa?"


Như thế, căn cứ vào trường hợp trừ quỉ được bài Phúc Âm của Thánh ký Mathêu thuật lại hôm nay thì không phải có quyền trừ quỉ mà trừ được quỉ đâu, nếu chính tác nhân trừ quỉ yếu đức tin. Đúng thế, nếu "ai được sinh bởi Thiên Chúa là kẻ chiến thắng thế gian và quyền năng chiến thắng thế gian là đức tin của chúng ta" (1Gioan 5:4) thì ai không có đức tin hay yếu đức tin không thể nào chiến thắng thế gian vốn thuộc quyền cai trị của ma quỉ sau nguyên tội. 


Nếu "Con Thiên Chúa tỏ mình ra là để hủy hoại các việc làm của ma quỉ" (1Gioan 3:8) thì quả thực "Người chiến thắng thế gian là ai? Chính là người tin rằng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa"(1Gioan 5:5). Đó là lý do, như bài Phúc Âm hôm Thứ Năm tuần này cho thấy, ngay sau khi vừa tuyên xưng thật chính xác "Thày là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống" (Mathêu 16:16), tông đồ Phêrô đã bị Thày thậm tệ nguyền rủa là "đồ Satan" (Mathêu 16:23), vì ngài phán đoán theo thế gian hơn là theo Thiên Chúa, mà theo thế gian là theo ma quỉ, vậy thì trừ quỉ làm sao được là đúng lắm vậy!?!


Trái lại, nếu các tông đồ có đức tin mạnh mẽ thì các vị chẳng những trừ được quỉ mà còn làm gì cũng được nữa, kiểu "muốn gì được nấy", (giống trường hợp của người đàn bà Canaan trong bài Phúc Âm Thứ Tư tuần này), như lời Chúa Giêsu khẳng định kết bài Phúc Âm hôm nay: "Thầy bảo thật các con: Nếu các con có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì các con có khiến núi này rằng: 'Hãy rời khỏi đây mà sang nơi kia', thì nó liền đi sang, và chẳng có gì các con không làm được".


"Nếu các con có lòng tin lớn bằng hạt cải" đây nghĩa là gì nếu không phải trong dụ ngôn về Nước Trời giống như hạt cải (xem Mathêu 13:31-32) mà hạt cải nhỏ bé nhất trở thành cây lớn nhất ám chỉ Chúa Kitô nhập thể tử giá (hạt nhỏ nhất) và phục sinh thăng thiên (cây lớn nhất), thì "lòng tin" của các môn đệ cần phải "lớn bằng hạt cải" đây có nghĩa là "lòng tincủa các vị cần phải đạt tới tầm vóc Chúa Kitô, nghĩa là "lòng tincủa các vị cần phải làm sao hoàn toàn tin tưởng vào Chúa Kitô, đến độ Chúa Kitô sống trong họ, biến họ trở thành chứng nhân trung thực và sống động của Người, tác nhân để Người tỏ mình ra và làm mọi sự trong họ, nhờ họ và qua họ. 


Nếu "đức tin tỏ hiện qua đức mến" (Galata 5:6) thì tình trạng của các tâm hồn tin vào Chúa Kitô cũng được hiệp nhất nên một với Chúa Kitô trong tình yêu là thế, như trên vừa cảm nhận. Trong Cựu Ước cũng thế, Thiên Chúa tỏ mình ra cho dân Do Thái là để họ nhận biết Ngài và tin vào Ngài, nhờ đó họ chứng tỏ sự nhận biết và lòng tin của họ nơi Ngài bằng việc kính mến Ngài với tất cả con người của họ, như Moisen đã kêu gọi họ trong Sách Đệ Nhị Luật được Bài Đọc 1 cho năm lẻ hôm nay thuật lại:


"Moisen nói với dân chúng rằng: 'Hỡi Israel, hãy nghe đây. Chúa là Thiên Chúa chúng ta, là Chúa độc nhất. Hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết sức ngươi.... Khi Chúa là Thiên Chúa ngươi dẫn ngươi đến xứ Người đã thề với các tổ phụ ngươi là Abraham, Isaac và Giacóp, và ban cho ngươi những thành phố to lớn và phồn thịnh mà ngươi không xây cất, những ngôi nhà đầy mọi của cải mà ngươi không làm ra, những giếng nước mà ngươi không đào, vườn nho và vườn cây ôliu mà ngươi không trồng, ngươi sẽ được no nê: ngươi hãy nhớ, đừng quên Chúa, Đấng đã dẫn ngươi ra khỏi đất Ai-cập và khỏi nhà nô lệ. Ngươi hãy kính sợ Chúa là Thiên Chúa ngươi, hãy làm tôi một mình Người và lấy danh Người mà thề".


Bài Đáp Ca hôm nay chất chứa tâm tình mến yêu Vị Thiên Chúa là Đấng cứu tinh (câu 1), là Đấng bênh vực chở che (câu 2), là Đấng hằng sống từ bi nhân hậu (câu 3). 

 

 

1) Lạy Chúa là dũng lực con, con yêu mến Chúa, lạy Chúa là Đá Tảng, chiến lũy, và cứu tinh. 


2) Lạy Chúa là Thiên Chúa, là sơn động chỗ con nương mình, là khiên thuẫn, là uy quyền cứu độ, là sức hộ phù con. Con xướng ca khen ngợi cầu cứu Chúa, và con sẽ được cứu thoát khỏi tay quân thù. 


3) Chúa hằng sống, chúc tụng Đá Tảng của con, tán tụng Thiên Chúa là Đấng cứu độ con. Ngài đã ban cho vương nhi Ngài đại thắng, đã tỏ lòng từ bi với Đấng được xức dầu của Ngài. 

 

Ngày 12: Thánh Giacôbê Mai Năm, linh mục; Antôn Nguyễn Ðích, giáo dân; Micae Nguyễn Huy Mỹ, lý trưởng