THƯ PHÒNG LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA

của Nhóm Tông Đồ Chúa Tình Thương

 

NĂM BÍ MẬT THƯƠNG XÓT 2019

 

TĐCTT - Lịch Sinh Hoạt Năm Bí Mật Thương Xót 2019

 

Những Giây Phút Lịch Sử Vượt Qua Linh Thiêng

(Kỷ niệm Hành Hương Thánh Địa - Tuần Thánh Vượt Qua 2019 của Nhóm TĐCTT)

TĐCTT Đaminh Maria cao tấn tĩnh, BVL

 

Vĩnh viễn tôi không bao giờ quên được chuyến Hành Hương Thánh Địa - Tuần Thánh Vượt Qua mà tôi vừa đóng vai tổ chức vừa đóng vai tham dự viên với Nhóm Tông Đồ Chúa Tình Thương (TĐCTT) của tôi năm 2019 (12-22/4). Không thể chối cãi được đây là chuyến hành hương ấn tượng nhất của tôi, trong các chuyến hành hương tôi đã vừa tổ chức vừa tham dự. Chẳng hạn chuyến Hành Hương Tia Sáng Từ Balan năm 2014 (24/4 - 5/5), nhân dịp Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II được Giáo Hội tuyên phong hiển thánh (Chúa Nhật 27/4). Hay chuyến Hành Hương Thời Điểm Maria 2017 (10-22/5) nhân dịp mừng kỷ niệm bách chu niên Thánh Mẫu Fatima (1917-2017). Riêng về Thánh Địa, tôi đã cùng với cả gia đình lần đầu tiên được đặt chân đến vào thời điểm của chính Đại Năm Thánh 2000, với một phái đoàn 150 người, nhưng không thể nào so sánh với 19 năm sau, về cảm nghiệm thần linh sâu đậm trong tôi.
Thật vậy, nếu chuyến Hành Hương Tia Sáng Từ Balan năm 2014 quả thực đã mang lại cho tôi một món quà từ trời thế nào thì chuyến Hành Hương Thánh Địa - Tuần Thánh Vượt Qua năm 2019 cũng thế. Vào năm 2014, ngay sau khi thăm trại diệt chủng Auschwitz vào buổi chiều mưa (duy nhất trong cả chuyến đi) Thứ Sáu ngày 3/5/2014, tôi đã chợt nhận ra được lý do tại sao nước Balan đã được Đấng Quan Phòng Thần Linh chọn để làm nơi ban bố Sứ Điệp Thương Xót của Ngài cho thế giới, một quốc gia cộng sản đã có 2 vị thánh được Ngài kêu gọi để loan truyền Sứ Điệp Thương Xót của Ngài, đó là Thánh Maria Faustina (1905-1938) và Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II (1920 - 2005). Vào năm 2019, tạ ơn Chúa đã ban cho cá nhân tôi, cũng như cho từng anh chị em trong phái đoàn hành hương của tôi, được cảm nghiệm linh thiêng những giây phút lịch sử tuyệt vời nhất trong cuộc đời của mình.

Nhiều anh chị em đã cảm hứng tuyên bố rằng lần sau sẽ trở lại Thánh Địa nữa, nhưng phải vào Tuần Thánh như năm 2019 này. Đúng thế, không ai trong chúng tôi, bao gồm cả chính bản thân tôi, có thể ngờ được rằng: chuyến Hành Hương Thánh Địa - Tuần Thánh Vượt Qua của chúng tôi không phải là một chuyến Hành Hương chỉ để tham quan và kính viếng các nơi thánh mà thôi, mà còn được diễm phúc cử hành mầu nhiệm thánh nữa, ở ngay tại vị trí và vào đúng thời điểm lịch sử đã xẩy ra với Vị Thiên Chúa Làm Người. Nếu Hành Hương Thánh Địa mà không vào thời điểm Tam Nhật Vượt Qua thì hoàn toàn không có những cử hành chỉ diễn ra một lần trong năm như thế, những cử hành hiếm quí của cộng đồng dân Chúa mà đích thân từng khách hành hương chúng ta được tham dự, đúng nơi đúng lúc, như thể "người môn đệ được Chúa Giêsu yêu" là tông đồ Gioan, người môn đệ duy nhất trong tông đồ đoàn, đã được diễm phúc theo sát Thày của mình trong cuộc Vượt Qua của Người vậy (xem Gioan 18:15; 19:26; 20:8).

Tột đỉnh của chuyến Hành Hương Thánh Địa - Tuần Thánh Vượt Qua của chúng tôi là Tam Nhật Vượt Qua (19-21/4/2019). Bởi thế, những ngày trước đó, từ Chúa Nhật Lễ Lá, chúng tôi đã lợi dụng để đến kính viếng các nơi thánh khách ở khắp Thánh Địa, từ miền Bắc Galilêa xuống cho tới miền Nam Giuđêa. Còn Tam Nhật Thánh, từ Thứ Năm tới Chúa Nhật, chúng tôi ở tại đích điểm của Hành Trình Giêrusalem của Chúa Giêsu theo bộ Phúc Âm Nhất Lãm, là Giêrusalem, nơi Chúa Kitô Vượt Qua để mạc khải tất cả lòng thương xót của Người ra cho chung nhân loại và cho riêng các tông đồ, thành phần được chọn để làm chứng nhân thừa tác và là nền tảng của Giáo Hội do Người thiết lập. Tam Nhật Vượt Qua ở Giêrusalem là tất cả ước vọng của tôi trong việc tổ chức chuyến Hành Hương Thánh Địa - Tuần Thánh Vượt Qua, một thời điểm tôi cố ý chọn và bị nghi một số người đã từng hành hương Thánh Địa cho là bất khả, nhưng nhờ ơn Chúa, mọi sự đã xẩy ra quá lòng mong ước!

Làm sao chúng tôi có thể quên được: Chiều Thứ Năm Tuần Thánh, thời điểm Chúa Giêsu, trước khi "tự hiến để họ được thánh hóa trong chân lý" (Gioan 17:19), đã thiết lập Bí Tích Thánh Thể, một Bí Tích Vượt Qua Người muốn giành riêng cho Giáo Hội của Người, để Giáo Hội tiếp tục cử hành trong giòng lịch sử, nhờ đó hiện thực Ơn Cứu Độ vô cùng quí giá của Người, cho đến khi Người lại đến trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết. Đúng chiều hôm ấy, phái đoàn hành hương TĐCTT chúng tôi đã đến kính viếng Nhà Tiệc Ly trên Núi Sion (Mount Zion), nhưng không được dâng lễ ở đây, bởi nơi này không thuộc về Kitô giáo, dù là Chính Thống giáo hay Công giáo, như các nơi thánh khác ở Thánh Địa. Bởi thế, Thánh Lễ Chiều Thứ Năm Tuần Thánh chúng tôi đã dâng, vào buổi chiều lịch sử đáng nhớ ấy, ở tại Nhà Thờ Chúa Khóc / Dominus Flavit (xem Luca 19:41) "trên Núi Cây Dầu" (Mathêu 24:3), ngay vị trí Chúa nhìn thấy Thành Giêrusalem và khóc thương thành này, một Cử Hành Thánh Thể vào thời điểm ấy như thể chúng tôi muốn đáp lại lời Chúa Kitô kêu gọi khi Người thiết lập Bí Tích Thánh Thể ở Giêrusalem 2000 năm về trước: "Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thày" (Luca 21:19).




(phía đằng sau bàn thờ của Nhà Thờ Chúa Khóc này là toàn cảnh Thành Giêrusalem, nên từ đó khi vừa trông thấy thành này thì Chúa thương khóc thành là vậy)

Làm sao chúng tôi có thể quên được: Tối Thứ Năm Tuần Thánh, thời điểm Chúa Giêsu vào Vườn Cây Dầu cầu nguyện cùng với các môn đệ của Người, một thời điểm phải nói là đã bắt đầu cuộc Vượt Qua của Người, vì ngay lúc ấy Người đã cảm thấy "buồn đến chết được" (Mathêu 26:38), đến độ "mồ hôi của Người toát ra như những giọt máu nhỏ xuống đất" (Luca 22:44), và cũng tại đây, vào ngay đêm ấy, Người đã bị người môn đệ tham lam tiền bạc Giuđa Íchca, dẫn thành phần tay sai trang bị gươm giáo gậy gộc (xem Marco 14:43), được Hội Đồng Đầu Mục Do Thái sai tới nơi bị chỉ điểm, để cứ theo dấu ôm hôn của người môn đệ phản bội ấy, mà bắt Người và giải Người về cho Thượng Tế Caipha (xem Mathêu 26:57).


Làm sao chúng tôi có thể quên được: Chiều Thứ Ba Tuần Thánh ngày 16/4/2019, phái đoàn hành hương TĐCTT chúng tôi đã đến Nhà Thờ Gà Gáy (Saint Peter in Gallicantu), nằm ở trên triền đồi phía đông của Núi Sion (Mount Zion), ngay bên ngoài Cổ Thành Giêrusalem, và tại địa điểm xuất hiện Nhà Thờ Gà Gáy này, tông đồ Phêrô đã chối Chúa 3 lần. Lạ một điều là khi chúng tôi vừa tới khu vực nhà thờ này thì gà liền gáy, như thể chào đón chúng tôi. Tuyệt vời... Chúng tôi cũng đã xuống cả hầm nhà thờ, nơi vẫn còn gian phòng nhỏ hẹp giam nhốt Người và hành hạ Người đêm hôm ấy, trước khi Người được giải giao cho tổng trấn Philatô vào sáng sớm Thứ Sáu hôm sau (xem Marco 15:1). Ở chính tại chỗ Chúa bị giam nhốt này, tôi đã bật khóc khi chia sẻ với phái đoàn của tôi câu "Người chẳng còn hình tượng gì" (Isaia 52:14) và "trở nên như sâu bọ đất, chứ không phải là người" (Thánh Vịnh 22:6)! Năm 2017, trong chuyến Hành Hương Thời Điểm Maria, khi chia sẻ về Chặng Đường Thánh Giá thứ 9, Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ 3, ở trên đồi của Linh Địa Thánh Mẫu Lộ Đức, tôi cũng đã bật khóc. Cả 2 lần đều liên quan đến cuộc Khổ Nạn của Chúa Kitô.

Sau Thánh Lễ Chiều Thứ Năm Tuần Thánh, ở Nhà Thờ Chúa Khóc trên Núi Cây Dầu (Mount Olive), chúng tôi đã xuống chân núi này để ghé vào kính viếng Vườn Nhiệt: Hortvs Gethsemani / the Garden of Gethsemane (Gat Shemen theo tiếng Do Thái nghĩa là olive press - ép nho). Nhưng sau bữa tối hôm ấy ở khách sạn, chúng tôi mới trở lại, bằng cách rời khách sạn từ 8 giờ tối, để có được chỗ ngồi đàng hoàng trong nhà thờ, nhờ đó có thễ dễ theo dõi các diễn tiến khi tham dự nghi thức tưởng niệm, bắt đầu vào lúc 9 giờ, những giây phút khổ nạn đầu tiên của Chúa Giêsu ở Vườn Cây Dầu này. Thế nhưng cộng đồng dân Chúa (đa số là khách hành hương) không cử hành Đêm Thống Khổ Thứ Năm Tuần Thánh ở ngoài Vườn Nhiệt, như chúng tôi nghĩ, mà lại cử hành ở trong Nhà Thờ, mở màn bằng nghi thức linh mục đoàn tiến vào từ ngoài Vườn Nhiệt.

Nhà Thờ này được gọi là Nhà Thờ Chư Quốc, bởi được nhiều quốc gia đóng góp xây lên, tuy nhiên, tên chính của nó là Đền Thờ Thống Khổ (the Basilica of the Agony), vì trên cung thánh, ngay trước bàn thờ, có một mảng đá bằng phẳng rộng lớnđược cho là chính nơi Chúa Giêsu đã quì cầu nguyện trong Đêm Thứ Năm Tuần Thánh ngày xưa. Đó là lý do mọi diễn tiến trong việc cử hành Đêm Thứ Năm Tuần Thánh này đều tập trung ở trên cung thánh trong Đền Thờ Thống Khổ, nơi tảng đá lịch sử này, một tảng đá bấy giờ trở nên linh thiêng lạ lùng, được ban tổ chức rắc đầy những mảnh vụn trắng đỏ, dường như tiêu biểu cho mồ hôi (trắng) toát ra như máu (đỏ) nhỏ xuống đất vậy (xem Luca 22:44)!

Nghi thức Đêm Thứ Năm Tuần Thánh không chỉ chấm dứt tại chỗ, tại Đền Thờ Thống Khổ ở Vườn Nhiệt, và chỉ có thể thôi, mà còn được tiếp tục bằng nghi thức rước nến, từ Đền Thờ Thống Khổ bên Vườn Nhiệt ở dưới chân Núi Cây Dầu, băng ngang qua thung lũng Kidron (xem Gioan 18:1), sang Nhà Thờ Gá Gáy ở triền Núi Sion, cách nhau được nói là hơn 1 dặm. Nghi thức rước nến này như thể lập lại quang cảnh đám quân quốc của Hội Đồng Đầu Mục Do Thái cầm đèn đuốc đi bắt Chúa Giêsu trong đêm tối (xem Gioan 18:3), để giải Người như một tên đồ tể trộm cướp (xem Mathêu 26:55) về Dinh Thượng Tế Caipha bên Nhà Thờ Gà Gáy. Đoàn người đông đảo, theo phái đoàn của mình, tay cầm nến sáng từ từ tiến bước, miệng hát những bài thánh ca tùy theo hứng của từng phái đoàn. Nếu là môn đệ của Chúa Kitô ngày xưa, thì Kitô hữu ngày nay chắc đã "bỏ Người mà chạy trốn hết" (Mathêu 26:56). Có chị tự thú trong đêm hôm ấy, khi đi theo đoàn người như thế, chị đã không thể nào cầm được giọt lệ!

(Giêrusalem By Night dọc theo con đường rước nến của cộng đồng dân Chúa đêm Thứ Năm Tuần Thánh)

Làm sao chúng tôi có thể quên được: Sáng Thứ Sáu Tuần Thánh, 19/4/2019, phái đoàn hành hương TĐCTT chúng tôi đã cùng với chung cộng đồng dân Chúa Đi Đàng Thánh Giá, qua đúng 14 chặng của Con Đường Lên Núi Sọ ngày xưa, những chặng đường như còn ghi dấu chân linh thánh vô tội của Đấng 2000 năm trước, cũng vào thời điểm Thứ Sáu Tuần Thánh này, đã như chiên bị đem đi sát tế (xem Isaia 53:7). Người đã nhọc nhằn lê bước, sau khi thân mình đã tan nát bởi đòn vọt và đói khát, với cái đầu vô cùng nhức nhối bởi mạo gai, càng lúc càng đuối sức cùng kiệt sức, cho đến khi gục ngã hết lần này đến lần khác, nhưng vẫn cố gắng hết sức chỗi dậy tiến bước cho đến cùng, chỉ vì yêu thương loài thụ tạo vô cùng hèn hạ bất xứng chẳng là gì trước nhan Người. Tôi phải tạ ơn Chúa đã tác động tâm hồn tôi để tôi bất ngờ quyết định là nhân dịp Thứ Sáu Tuần Thánh lần đầu tiên, cũng có thể là lần sau hết của tôi tại Thánh Địa vô cùng linh thiêng này, tôi sẽ tuyệt đối giữ mình chay tịnh, hoàn toàn không ăn uống gì, cả 3 bữa, suốt từ sáng đến đêm, cho dù đói bụng, nhất nữa lại phải đi nhiều và vận động nhiều trong Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh ấy. Thật là một Thứ Sáu Tuần Thánh đầy ý nghĩa và lý thú nhất trong đời của tôi, ở Thánh Địa!

Cây Thánh Giá Người vác ấy không phải sau đó được trút bỏ khi tới đỉnh Đồi Canvê, mà là trở nên ngai tòa của Người - "Giêsu Nazarét, Vua Dân Do Thái" (Gioan 19:19), khi Người bị đóng đanh vào đó, giữa hai tên trộm cướp tử tội, như bản thân Người là một tên tướng cướp, một đại tội nhân trên hết mọi tội nhân. Bởi Người, nơi nhân tính của mình, đã tự nguyện gánh tội trần gian, từ tội đầu tiên do hai nguyên tổ gây ra, đến đủ mọi thứ tội lớn nhỏ qua suốt giòng lịch sử của nhân loại, cho tới tội sau hết vào ngày cùng tháng tận. Đến độ, "Thiên Chúa đã biến Người thành tội lỗi" (2Corinto 5:21). Ôi, Thiên Chúa đã trở thành đáng thương hơn cả tội nhân đáng thương nữa! Thế mà Người vẫn nhắc nhở đám phụ nữ ở Giêrusalem theo khóc thương Người rằng: "Chớ khóc thương Tôi, mà hãy khóc thương các người và con cái của các người" (Luca 23:27-28). Có nghĩa là nếu chúng ta thực sự cảm thương Người thì đừng phạm tội nữa, thì Người đâu có phải chịu khốn nạn như thế. Việc Đi Đường Thánh Giá chẳng khác gì như hành động cảm thương Chúa Kitô khổ nạn của đám phụ nữ Giêrusalem, nhưng cần phải kèm theo lòng thống hối nữa thì lòng thương xót Chúa mới có thể tác dụng nơi tâm hồn Đi Đường Thánh Giá.

(Phái đoàn hành hương TĐCTT mang cờ VN và LTXC vừa đi Đàng Thánh Giá chung với cộng đồng dân Chúa vừa lợi dụng những lúc có thể nhào vô hát Thánh Ca Việt Nam: "Con giơ cao tay xin tạ lỗi những ngày đã qua...")

Cho dù chúng tôi cùng Đi Đường Thánh Giá với cộng đồng dân Chúa vào chính sáng Thứ Sáu lịch sử ấy, phái đoàn TĐCTT vẫn thực hiện riêng Đường Thánh Giá vào sáng sớm Thứ Ba Tuần Thánh ngày 16/4/2019, lúc 7 giờ sáng, lúc mà các vị trí của Đoạn Đường Thánh Giá 14 chặng ấy chưa bị đủ thứ sinh hoạt trần thế ở Giêrusalem chi phối bao nhiêu. Năm chặng cuối cùng của Đường Thánh Giá đều tập trung ở bên trong Khu Nhà Thờ Phục Sinh: Chặng 10 - Chúa Giêsu bị quân dữ lột áo và Chặng 11- Chúa Giêsu bị đóng đanh vào Thánh Giá ở cùng một chỗ, bên trên cao (Đồi Canvê), phải bước lên nhiều bậc thang mới lên tới nơi; Chặng 12 - Chúa Giêsu sinh thì trên Thánh Giá, ở ngay bên cạnh Chặng 11, cũng ở trên cao; Chặng 13 - Chúa Giêsu được tháo xác xuống khỏi Thánh Giá, ở bên dưới, ngay chính giữa, từ cửa vào; Chặng 14 - Chúa Giêsu được mai táng trong huyệt mộ đá, ở sâu bên trong, về phía bên trái từ cửa vào. Phái đoàn hành hương TĐCTT chúng tôi đã dâng lễ vào lúc 8 giờ sáng ở ngay Chặng 11, rồi sau đó sang Chặng XII là Chặng thuộc Chính Thống giáo, từng người thay nhau chui vào gầm bàn thờ để thò tay vào lỗ chân Thánh Giá và hôn kính.

Từng người trong phái đoàn hành hương TĐCTT chúng tôi cũng thay nhau hôn kính tảng đá ở bên dưới, nơi được cho là chỗ tháo đanh Chúa Giêsu tử giá - Chặng 13, rồi theo nhau tiến đến Mồ Thánh - Chặng 14, bấy giờ khá đông, phải chờ cả tiếng đồng hồ mới được vào tận bên trong, nơi vị trí thi thể của Chúa được mai táng ở đó. Một vị nam tu sĩ Chính Thống giáo ngồi ngay cửa vào nơi Thánh Thể Đấng Tử Giá được mai táng này, để cho từng nhóm 4 người vào một, mỗi nhóm được ở đó khoảng 2 phút là phải ra ngay, không được chụp hình gì, mà cũng chẳng có đủ giờ để chụp hình, nếu coi việc chụp hình trọng hơn là giây phút quí nhất được lắng đọng và cảm nghiệm ở ngay nơi chứng thực "Thày là sự sống lại và là sự sống" (Gioan 11:25). Tuy nhiên, riêng tôi, khi được nhắc hết giờ phải ra cho nhóm 4 người khác vào, thì ngay lúc ấy vị tu sĩ cũng phải chạy đi đâu không biết, thế là, lợi dụng ở trong cùng ra sau hết, tôi chụp ngay được tấm hình bất hủ duy nhất hiếm có về Ngôi Mộ Trống lịch sử ấy.

Làm sao chúng tôi có thể quên được: Thứ Bảy Tuần Thánh trong Tam Nhật Vượt Qua này, 20/4/2019, phái đoàn hành hương TĐCTT chúng tôi, theo chương trình đã được phác họa ngay từ đầu, giành nguyên trọn một ngày, từ 9 giờ sáng đến 6 giờ chiều, để cùng nhau lắng đọng bằng một ngày tĩnh tâm với nhau ở ngay tại khách sạn, nơi một căn phòng được giữ chỗ trước, vừa đủ cho số người của chúng tôi. Đây là lần đầu tiên chúng tôi tổ chức tĩnh tâm ngay tại Thánh Địa, vào thời điểm vô cùng ý nghĩa là Thứ Bảy Tuần Thánh, Ngày Thánh Thể Chúa Kitô đang ở trong Mộ Thánh.

Trong ngày này, chúng tôi chẳng những có mục chia sẻ với nhau về cảm nghiệm Thánh Địa, nhất là cảm nghiệm về chủ đề "vượt qua sự chết mà vào sự sống" (Gioan 5:24): ban sáng chúng tôi nghe trình bày phần đầu của chủ đề: "vượt qua sự chết", với 1 đề tài chính: "Hạt lúa miến rơi xuống đất mục nát đi" (Gioan 12:24), và 1 đề tài phụ "Người muốn chứng tỏ Người yêu ... cho đến cùng" (Gioan 13:1); ban chiều, chúng tôi nghe tiếp phần sau của chủ đề: "vào sự sống", cũng với 1 đề tài chính: "Thày là sự sống lại và là sự sống" (Gioan 11:25), và 1 đề tài phụ: "Lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa của tôi" (Gioan 20:28). Chưa bao giờ chúng tôi cảm thấy thấm thía về những gì chúng tôi đã nghe hôm ấy. Có lẽ bởi đã tận mắt thấy những dấu vết lịch sử của Vị Thiên Chúa Làm Người, nhất là những dấu vết liên quan đến Cuộc Tử Giá của Người. Có những chị đã khóc đang khi chia sẻ cảm nghiệm của mình!

Tối Thứ Bảy Tuần Thánh, sau bữa tối lúc 6 giờ, phái đoàn hành hương TĐCTT chúng tôi đã dự Lễ Vọng Phục Sinh tại Nhà Thờ Thánh Anna (Basilique Sainte Anne), ở kế ngay bên Hồ Betsaida (Bassins de Bethsda), nơi chúng tôi đã ghé kính viếng vào Sáng Thứ Ba Tuần Thánh. Sau đó, băng qua các ngõ hẻm vắng tanh hoàn toàn bất động và yên ắng như bóng chết, khác hẳn với tính náo động và ồn ào ban ngày đầy sức sống, chúng tôi, từ Nhà Thờ Thánh Anna, đã âm thầm cùng nhau trở lại với Mộ Thánh, vào nửa đêm Thứ Bảy Tuần Thánh, từ 11 giờ 30 pm Thứ Bảy Tuần Thánh đến 12 giờ 30 am Chúa Nhật Phục Sinh.

Ở đó, ngay lúc bấy giờ, cả 1 tiếng đồng hồ mau qua ấy, dù không tham dự cử hành gì hết, chỉ đừng chờ đợi một biến cố phụng vụ Công giáo nào đó, chúng tôi vẫn cảm thấy có một cái gì vừa rất lịch sử lại vừa rất linh thiêng, chưa từng thấy trong cuộc đời: rất lịch sử vì cách 2000 năm trước, chính vào thời điểm nửa đêm này, thi thể tử giá của Chúa Kitô đã phục sinh và ra khỏi mồ, cho dù bên ngoài cửa mồ có đám lính canh của Hội Đồng Đầu Mục Do Thái (xem Mathêu 27:62-66). Chúng tôi, bấy giờ, đồng thời cũng cảm thấy một cái gì đó rất linh thiêng, ở chỗ, 2000 năm sau, chúng tôi cũng đang canh thức ngay bên ngoài Mộ Thánh và cũng chẳng thấy Chúa đâu, ngoài Ngôi Mộ Trống (xem Gioan 20:1-10). Nhưng chúng tôi vẫn tin rằng Người đã sống lại: "Lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa tôi" (Gioan 20:28).

Làm sao chúng tôi có thể quên được: Chúa Nhật Phục Sinh, 21/4/2019, tột đỉnh của Tam Nhật Vượt Qua, sau mưa đá bất ngờ đổ xuống một lúc vào ban sáng, phái đoàn hành hương TĐCTT chúng tôi đã trở lại khu vực nội thành Giêrusalem để sắm đồ kỷ niệm, để rồi chiều hôm ấy, chiều cuối cùng trong chuyến Hành Hương Thành Địa - Tuần Thánh Vượt Qua 11 ngày, chúng tôi đã cử hành Lễ Phục Sinh vào lúc 4 giờ chiều tại Nhà Thờ Tiệc Ly, nhưng không phải là chính Căn Thượng Lầu (upper room) sát gần ngay đó, nơi Chúa Kitô lần đầu tiên "vào tối ngày thứ nhất trong tuần" (Gioan 20:19) hiện ra với các môn đệ, và vào lần thứ hai "một tuần sau" (Gioan 20:26), sau khi Người từ trong kẻ chết sống lại. Tuy Thứ Năm Tuần Thánh, chúng tôi cử hành thánh lễ không ở chính nơi Nhà Thờ Tiệc Ly, nhưng lại được cử hành vào chính Đại Lễ Phục Sinh, vào thời điểm gần lúc Chúa Kitô Phục Sinh hiện ra lần đầu tiên này vào ngày thứ nhất trong tuần là Chúa Nhật Phục Sinh, thì tkhông còn diễm phúc nào bằng!

Nếu các môn đệ đầu tiên của Chúa Kitô là các tông đồ, thành phần chứng nhân tiên khởi của Chúa Kitô Vượt Qua, chỉ được sai đi "khắp thế giới" (Marco 16:15), "khắp các dân nước" (Mathêu 28:19) thế nào, để loan truyền Tin Mừng Phục Sinh, cũng chính là Tin Mừng Cứu Độ thế nào, sau chuyến Hành Hương Thánh Địa - Tuần Thánh Vượt Qua, được kết thúc bằng Đại Lễ Phục Sinh ở Nhà Thờ Tiệc Ly, nơi Chúa Kitô Tử Giá đã chiến thắng tội lỗi và sự chết tỏ mình ra "là sự sống lại và là sự sống" (Gioan 11:25), chúng tôi cũng cảm thấy chính bản thân mình là môn đệ thời đại của Người cũng được Người sai đi như vậy. Và chỉ có đời sống chứng nhân mới chứng thực là những ai được diễm phúc hội ngộ với Chúa Kitô, như Mai Đệ Liên: "Tôi đã thấy Chúa" (Gioan 20:18), hay như hai môn đệ về Emmau: "đã thuật lại những gì đã xẩy ra..." (xem Luca 24:34-35), nhất là bằng chính đời sống của mình, một đời sống chứng nhân cần phải hiện lộ tất cả quyền năng phục sinh tràn đầy sự sống thần linh, thắng vượt tội lỗi và sự chết của Người. Đến độ, chính đời sống chứng nhân phản ảnh quyền năng phục sinh của chúng tôi là một chứng cớ bất khả chối cãi Chúa Kitô thực sự đã từ cõi chết sống lại trong lịch sử loài người trên thế gian cần được cứu độ này!

(7 anh chị em ngoài nhóm, bằng cảm nghiệm hành hương và sau ngày tĩnh tâm Thứ Bảy Tuần Thánh, đã dấn thân tuyên hứa làm Tông Đồ Chúa Tình Thương để loan truyền LTXC, tột đỉnh mạc khải thần linh của Mầu Nhiệm Vượt Qua)

Thật vậy, nếu Thánh Địa là Đất Hứa, nơi không phải chỉ giành riêng cho dân Do Thái được Ngài tuyển chọn để tỏ mình ra trong suốt giòng lịch sử cứu độ của họ, mà còn là nơi Thiên Chúa cũng muốn tỏ mình ra cho tất cả những ai, tin tưởng hành hương với tất cả lòng khao khát thần linh, được thấy tất cả mạc khải thần linh là lòng thương xót của Người, ở biến cố Tử Giá (xem Gioan 8:28), thì Hành Hương Thánh Địa nói chung, nhất là vào thời điểm Tuần Thánh Vượt Qua nói riêng, là để thành phần môn đệ của Chúa Kitô, trong giòng thời gian, có thể cảm nghiệm thấy tất cả mạc khải thần linh này, tất cả lòng thương xót Chúa ấy. Thế nhưng, khách hành hương Kitô hữu chúng ta có thực sự cảm nghiệm thấy LTXC là tất cả mạc khải thần linh của Vị "Thiên Chúa là tình yêu" (1Gioan 4:8,16) hay chăng, chỉ ở chỗ, sau biến cố hành hương của mình, chúng ta có biết tin tưởng (trust) vào lòng thương xót Chúa hay chăng, nhất là khi chúng ta trải qua những lúc gian nan khốn khó trong đời của mình, chứ không phải chỉ ở mức độ belief, ở nơi trí khôn và theo kiến thức giáo lý hay tín lý thần học vậy thôi.

Lần nào cũng vậy, sau mỗi chuyến hành hương hay truyền giáo, tôi đều thực hiện một cuốn kỷ yếu lưu niệm. Trong Kỷ yếu "Hành Hương Thánh Địa - Tuần Thánh Vượt Qua" 2019 của Nhóm TĐCTT chúng tôi, ở bài chia sẻ "Cảm Nghiệm về Dead Sea - Biển Chết", nơi chúng tôi đã tới thưởng ngoạn hôm Thứ Tư Tuần Thánh 17/4/2019, cũng là nơi tôi đã hào hứng báo trước vào thời gian xe đang tiến tới đó, là: "Biển Chết là nơi không thể chìm được - cứ nằm xuống là biết bơi liền. Em đã từng đến đó vào Năm 2000 và chính em đã đích thân trải nghiệm như vậy". Thế mà vẫn có nhiều người, đặc biệt là nữ giời, dù tin vào lời khẳng định của tôi (belief) nhưng thực tế vẫn không tin tưởng tôi (trust). Những cảm nhận chân tình của một nữ phần tử tham dự viên sau đây đã cho thấy rõ ràng về khoảng cách quan trọng đầy quyết liệt giữa niềm tin (belief) và lòng tin (trust) như thế nào, những gì tôi đã rút kinh nghiệm cho chung nhóm trong ngày tĩnh tâm chủ đề "vượt qua sự chết mà vào sự sống" hôm Thứ Bảy Tuần Thánh 20/4/2019:

"Trước khi xuống nước anh Chánh dặn: 'Em đừng sợ, cứ xuống chơi nhưng đừng để nước vào mắt'. Làm thế nào để nước đừng vào mắt? Đúng là lời nói của người biết bơi. Vậy mà em cũng phó thác cho chàng nắm tay lôi xuống. Những gì em tưởng tượng trong đầu cho tới khi va chạm thực tế thì hoàn toàn khác xa. Nằm nga người trên mặt nước với những người khác là cả một sự hứng thú, vui thích, còn riêng đối với em thì cả một sự gồng mình chiến đấu với sợ hãi. Tạ ơn Chúa lúc nào cũng có người 'nâng đỡ' ở bên cạnh con. Anh Chánh thường xuyên dặn cao đầu lên đừng để đầu xuống nước, vậy mà em nhớ ngày xưa Bố nói cứ thoải mái nằm thả người trên nước như nằm võng. Sau một lúc loay hoay để thích nghi - cổ, vai cũng đỡ mỏi vì phải gồng cổ ráng để đầu không đụng nước. Cuối cùng em cũng được những giây phút thoải mái thả người trôi nổi trên mặt nước nhưng bên cạnh vẫn có người luôn sẵn sàng chộp cổ lôi đầu lên khi có sự cố .... chìmTrong khoảnh khắc đó em thấy có muốn lặn chìm cũng không thể được vì trọng lực (gravity) hay nồng độ (concentration) của nước muối ở Dead Sea rất cao. Từ đó em cảm nghiệm đại dương của lòng thương xót Chúa cũng tương tự như vậy, vì khi chúng ta được lặn chìm vào trong đại dương của lòng thương xót, thì trọng lực hay nồng độ tình yêu của Chúa cực cao - Chúng ta không thể nào chìm được vì chúng ta bao giờ cũng được lòng thương xót của Ngài nâng lên" (Trần Vũ Kim Liên - Kỷ Yếu Hành Hương 2019, trang 347)